trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
Loạt bài: Các diá»…n từ/diá»…n văn Nobel văn chÆ°Æ¡ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
20.12.2007
Doris Lessing
Về việc không đoạt giải Nobel
Phạm Văn dịch
 
Tôi đang đứng trong ô cửa nhìn qua những đám mây bụi thổi tới vùng tôi nghe nói vẫn còn khu rừng chưa bị đốn. Hôm qua tôi lái xe qua hàng dặm gốc cây và tro than còn sót lại của trận cháy, hồi năm 1956 nơi này là khu rừng đẹp nhất tôi từng thấy, tất cả đều bị phá huỷ. Con người phải ăn. Họ phải tìm chất đốt.

Đây là vùng tây bắc Zimbabwe [1] đầu thập niên tám mươi, tôi thăm một người bạn là giáo viên tại một trường học ở London. Ông ở đây “để giúp châu Phi” theo cách chúng tôi nói. Ông là một tâm hồn lý tưởng hoà nhã, và điều ông thấy trong ngôi trường này khiến ông sửng sốt rồi nản lòng, từ đó khó phục hồi. Ngôi trường này giống mọi trường học xây sau Độc lập. Trường có bốn phòng lớn bằng gạch cạnh nhau, nằm ngay trên đất bụi, một hai ba bốn, ở một đầu là nửa phòng dùng làm thư viện. Trong các phòng học này có bảng đen, nhưng bạn tôi cất phấn trong túi, nếu không sẽ bị mất cắp. Trường không có bản đồ, hay quả địa cầu, không sách giáo khoa, không sách bài tập, hay bút bi, trong thư viện không có sách loại học trò thích đọc: chỉ có những bộ sách từ các đại học Mỹ, khiêng lên cũng khó, loại ra từ các thư viện của người da trắng, truyện trinh thám, hay có tựa đại loại như “Cuối tuần ở Paris” (Weekend in Paris) hay “Felicity tìm thấy tình yêu” (Felicity Finds Love).

Có một con dê đang cố tìm thức ăn trong đám cỏ già úa. Hiệu trưởng biển thủ ngân quỹ của trường và bị ngưng chức, làm dấy lên câu hỏi quen thuộc với tất cả chúng ta nhưng luôn luôn trong bối cảnh đáng sợ hơn: Làm sao những người này cư xử như vậy khi họ biết mọi người đang nhìn họ?

Bạn tôi không có tiền vì mọi người, học trò và giáo viên, mượn anh khi anh được trả lương và sẽ có thể không bao giờ hoàn lại. Học trò từ sáu tới hai mươi sáu, vì một số trước kia không đi học bây giờ tới đây học bù. Một số học trò mỗi sáng đi bộ nhiều dặm, mưa hay nắng và băng qua sông. Chúng không thể làm bài tập ở nhà vì không có điện trong làng, và bạn không thể học một cách dễ dàng bên cạnh ánh sáng của khúc củi. Con gái phải đi lấy nước và nấu nướng sau khi từ trường về nhà và trước khi tới trường.

Khi tôi ngồi với bạn tôi trong phòng anh, người ta rụt rè ghé ngang, và mọi người, tất cả đều xin sách. “Làm ơn gửi sách cho chúng tôi khi bà trở về London”. Một ông nói, “Họ dạy chúng tôi đọc nhưng chúng tôi không có sách”. Mọi người tôi gặp, mọi người, đều xin sách.

Tôi ở đó vài ngày. Bụi thổi qua, nước thiếu vì bơm hỏng và phụ nữ lại đi lấy nước dưới sông.

Một giáo viên lý tưởng khác từ Anh rất xuống tinh thần sau khi thấy “trường học” này.

Vào ngày cuối, cuối khoá học người ta giết dê, thái thành từng đống vụn và nấu trong nồi thiếc lớn. Mọi người náo nức trông đợi bữa tiệc cuối khoá này, thịt dê luộc và cháo. Tôi lái xe đi trong lúc bữa tiệc đang diễn ra, lại băng qua tro tàn còn sót lại và những gốc cây của khu rừng.

Tôi không nghĩ nhiều học trò của trường này sẽ đoạt giải thưởng.

Hôm sau tôi tới một trường ở Bắc London, một trường rất tốt, chúng ta đều biết tên. Đó là một trường học cho con trai. Phòng ốc tốt, và vườn tược.

Số học trò này hàng tuần có một số người nổi danh tới thăm, và theo lẽ tự nhiên họ là cha, thân quyến, thậm chí mẹ của học trò. Một cuộc viếng thăm của một nhân vật lừng danh chẳng có gì là to chuyện đối với chúng.

Ngôi trường gió bụi ở tây bắc Zimbabwe trong tâm trí tôi, và tôi nhìn những khuôn mặt khá hững hờ và cố nói với chúng về điều tôi đã thấy tuần trước. Lớp học không sách, không sách giáo khoa, hay bản đồ, hay ngay cả một tấm bản đồ gắn lên tường. Một ngôi trường mà giáo viên xin sách chỉ cho họ cách dạy học, chính họ chỉ mười tám hay mười chín, họ xin sách. Tôi kể cho bọn trẻ này rằng mọi người, mọi người xin sách: “Làm ơn gửi sách cho chúng tôi”. Tôi chắc chắn mọi người ở đây, khi diễn thuyết sẽ biết lúc những khuôn mặt bạn đang nhìn không biểu lộ gì. Thính giả của bạn không thể nghe điều bạn đang nói: trong trí họ không mang hình ảnh gì phù hợp với điều bạn đang nói với họ. Trong trường hợp này, về một ngôi trường đứng trong đám bụi, thiếu nước, và khi cuối khoá, được giết một con dê để nấu trong cái nồi lớn làm liên hoan cuối khoá.

Có thật là chúng không thể hình dung nổi một sự nghèo nàn xơ xác như vậy không?

Tôi cố hết sức. Chúng lễ phép.

Tôi chắc chắn rằng đám trẻ này sẽ có đứa đoạt giải.

Rồi hết, và tôi cùng các giáo viên hỏi như thông lệ, thư viện thế nào, và học trò có đọc không. Và ở đây, trong ngôi trường nhiều đặc ân này, tôi nghe những điều tôi vẫn nghe khi tôi tới thăm nhiều trường và ngay cả những trường đại học.

“Bà biết mà. Nhiều đứa chẳng bao giờ đọc, và thư viện chỉ sử dụng phân nửa”.

“Bà biết mà”. Vâng, chúng ta quả thật có biết. Tất cả chúng ta.

Chúng ta sống trong một nền văn hoá vỡ vụn, điều chúng ta khẳng định vài thập niên trước bây giờ bị hoài nghi, và thanh niên thiếu nữ có nhiều năm học vấn thường không biết gì về thế giới, không đọc gì, chỉ biết chuyên môn này khác, chẳng hạn, máy vi tính.

Chúng ta chứng kiến một phát minh đáng kinh ngạc, máy vi tính và mạng lưới liên lạc điện tử và tivi, một cuộc cách mạng. Đây không phải là cuộc cách mạng đầu tiên loài người chúng ta phải đối phó. Cuộc cách mạng in ấn không xảy ra chỉ vài thập niên, mà lâu hơn nhiều, đã thay đổi trí óc và cách suy nghĩ của chúng ta. Là một đám liều lĩnh, chúng ta chấp nhận tất cả, như chúng ta vẫn làm, không bao giờ hỏi “Bây giờ với phát minh in này sẽ xảy ra chuyện gì cho chúng ta?” Và cũng như chúng ta chưa lần nào dừng lại để hỏi, Chúng ta, đầu óc chúng ta, sẽ thay đổi thế nào với mạng lưới liên lạc điện tử mới đã quyến rũ cả một thế hệ vào sự ngớ ngẩn của nó, tới nỗi ngay cả người khá điều độ cũng thú nhận có lần bị mê mải, khó dứt ra, và họ có thể mất cả ngày lảm nhảm trong mạng.

Gần đây, ngay cả người ít học cũng trọng học vấn, giáo dục, và kính nể kho tàng văn chương to lớn của mình. Tất nhiên chúng ta đều biết khi chúng ta đang sống với trạng thái vui vẻ này, thiên hạ sẽ giả vờ đọc, sẽ giả vờ trọng học thức, nhưng sử sách ghi rằng những người đàn ông và đàn bà lao động ao ước sách, bằng cớ là có những thư viện, học viện, trường cao đẳng cho người lao động trong thế kỷ 18 và 19.

Đọc, sách, thường là một phần của giáo dục đại chúng.

Người già, khi nói với giới trẻ, phải hiểu việc đọc có giá trị giáo dục đến mức nào, vì giới trẻ biết ít hơn nhiều. Và nếu trẻ em không biết đọc, đó là vì chúng đã không đọc.

Nhưng chúng ta đều biết chuyện buồn này.

Nhưng chúng ta không biết đoạn cuối.

Chúng tôi nghĩ tới câu ngạn ngữ cổ: “Sự đọc làm nên một người no đủ” – và đừng để ý tới câu nói đùa về bội thực – sự đọc làm nên một người đàn bà và một người đàn ông có đầy thông tin, lịch sử, mọi loại kiến thức.

Nhưng chúng ta không phải là dân tộc duy nhất trên thế giới. Trước đây không lâu một người bạn điện thoại cho tôi nói bà ta đã ở Zimbabwe, trong một làng người ta không có gì ăn đã ba ngày, nhưng họ đang nói về sách và làm sao có sách, về giáo dục.

Tôi nằm trong một tổ chức nhỏ lúc đầu dự tính đưa sách tới các làng. Có một nhóm người trong đường dây khác đã đi khắp Zimbabwe bằng cách riêng. Họ thuật lại rằng các ngôi làng, không như người ta báo cáo, đầy những người thông minh, giáo viên về hưu, giáo viên nghỉ phép, trẻ con nghỉ lễ, người già. Chính tôi đã làm một thăm dò nhỏ về những gì người ta muốn đọc, và thấy kết quả tương tự như khảo sát của Thuỵ Điển, mà trước đó tôi không biết. Người ta muốn đọc những gì người ở châu Âu muốn đọc, nếu họ có đọc – tiểu thuyết mọi loại, truyện khoa học giả tưởng, thơ, truyện trinh thám, kịch, Shakespeare, và sách hướng dẫn tự làm, như làm cách nào mở một trương mục ngân hàng, nằm ở cuối bảng. Tất cả kịch Shakespeare: họ biết tên. Một vấn đề khi tìm sách cho dân làng là họ không biết cuốn nào có sẵn, vì thế bộ sách giáo khoa, như The Mayor of Casterbridge, trở nên phổ biến vì họ biết nó có sẵn. Animal Farm, hiển nhiên là cuốn tiểu thuyết phổ biến nhất.

Tổ chức nhỏ của chúng tôi tìm sách từ mọi nơi chúng tôi có thể tìm, nhưng nên nhớ một cuốn sách tốt bìa mềm từ Anh trị giá một tháng lương: đó là trước thời cai trị khủng bố của Mugabe. Bây giờ với lạm phát, nó trị giá vài năm lương. Nhưng mang một thùng sách tới làng – và nhớ rằng thiếu xăng kinh khủng, thùng sách sẽ được đón chào bằng nước mắt. Thư viện có thể là một tấm ván đặt trên hòn gạch dưới gốc cây. Và trong một tuần sẽ có các lớp tập đọc tập viết – người biết đọc dạy kẻ không, lớp học quyền công dân – và trong một làng vùng xa, vì không có tiểu thuyết tiếng Tonga, hai anh chàng ngồi xuống viết tiểu thuyết tiếng Tonga. Có khoảng sáu ngôn ngữ chính ở Zimbabwe, và có tiểu thuyết viết bằng tất cả thứ tiếng đó, bạo động, loạn luân, đầy dẫy tội ác và sát nhân.

Tổ chức nhỏ của chúng tôi ngay lúc đầu được Na Uy hỗ trợ, rồi Thuỵ Điển. Nhưng nếu không có loại hỗ trợ này nguồn sách của chúng tôi sẽ cạn. Tiểu thuyết xuất bản ở Zimbabwe, và cả sách hướng dẫn tự làm, được gửi tới những người khao khát chúng.

Người ta nói dân tộc nào, chính quyền đó, nhưng tôi cho rằng điều đó không đúng ở Zimbabwe. Và chúng ta phải nhớ rằng niềm kính trọng và khao khát sách này không đến từ chế độ của Mugabe, mà từ chế độ trước đó, người da trắng. Đó là một hiện tượng đáng sửng sốt, nỗi khao khát sách này, và có thể thấy khắp nơi từ Kenya xuống tới Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope).

Chuyện này gắn liền một cách mơ hồ với sự kiện: tôi lớn lên trong một nơi gần như là căn chòi đất, mái tranh. Căn nhà này luôn luôn được xây, khắp nơi, chỗ nào có lau sậy hay cỏ, bùn tốt, cột làm tường. Thí dụ như ở Saxon nước Anh. Căn nhà tôi lớn lên có bốn phòng, phòng này cạnh phòng kia, cả bốn, và điểm chính là nó đầy sách. Cha mẹ tôi không những mang sách từ Anh tới châu Phi, mà mẹ tôi còn đặt mua sách từ Anh cho các con, sách trong những bưu kiện giấy nâu lớn là niềm vui hồi trẻ của tôi. Một căn nhà vách đất, nhưng đầy sách.

Và đôi khi tôi nhận thư, từ những người sống trong ngôi làng không có điện hay nước máy (như gia đình tôi trong căn chòi vách đất dài ngoẵng), “Tôi cũng sẽ là nhà văn, vì tôi có căn nhà giống như bà”.

Nhưng khó khăn là đây. Không.

Viết văn, nhà văn, không đến từ những căn nhà không có sách.

Đó là khoảng cách. Đó là sự khó khăn.

Tôi đã tìm đọc bài diễn văn của một số người đoạt giải của quý vị gần đây. Thí dụ một Pamuk tuyệt vời. Ông nói cha ông có 1500 cuốn sách. Tài năng của ông không đến từ hư không, ông gắn liền với truyền thống vĩ đại.

Thí dụ V. S. Naipaul. Ông kể rằng gia đình ông thuộc nằm lòng bộ kinh Veda Ấn Độ. Cha ông khuyến khích ông viết. Và khi ông tới Anh ông có quyền sử dụng Thư viện Anh. Vì thế ông gần với truyền thống vĩ đại.

Chúng ta hãy lấy thí dụ John Coetzee. Ông không những gần với truyền thống vĩ đại, ông là truyền thống: ông dạy văn chương ở Cape Town. Và thật tiếc cho tôi, tôi chưa bao giờ học trong lớp ông: được dạy bởi bộ óc can đảm táo bạo diệu kỳ đó.

Để viết, để làm văn chương, phải gắn bó gần gũi với thư viện, sách, Truyền thống.

Tôi có một người bạn ở Zimbabwe. Một nhà văn. Da đen – để nói ngay vào đề. Ông tự học đọc từ các nhãn hiệu trên lọ mứt, nhãn hiệu trên lon trái cây. Ông lớn lên trong vùng tôi đã lái xe qua, một vùng của người da đen thôn dã. Mặt đất sỏi và sạn, có những bụi cây thấp xơ xác. Các căn chòi nghèo nàn, không giống như những căn chòi được chăm sóc cẩn thận của người khá giả. Một trường học – nhưng như ngôi trường tôi đã tả. Ông tìm thấy bộ bách khoa cho trẻ con bị thải ra trên đống rác và học từ đó.

Vào ngày Độc lập năm 1980, có một nhóm nhà văn giỏi ở Zimbabwe, đúng là một tổ chim đang hót. Họ được nuôi dưỡng ở Nam Rhodesia [2] ngày trước, dưới quyền người da trắng – trong các trường truyền giáo, những ngôi trường tốt hơn. Các nhà văn không được sản xuất từ Zimbabwe. Không dễ, không dưới thời Mugabe.

Mọi nhà văn đều có con đường gian nan với việc học chữ, chưa kể tới việc là nhà văn. Tôi xin thưa chữ in trên lon mứt và bộ bách khoa vứt đi không là chuyện bất thường. Và chúng ta đang nói về những người khao khát những chuẩn mực giáo dục xa xôi với họ. Một căn chòi hay những căn chòi có nhiều trẻ con – một bà mẹ làm việc quá sức, một cuộc đấu tranh tìm thức ăn và áo mặc.

Nhưng dù có những khó khăn này, nhà văn ra đời, và còn một điều nữa chúng ta nên nhớ. Đây là Zimbabwe, bị xâm chiếm chưa tới một trăm năm trước. Ông bà nội ngoại của những người này có thể là những người kể chuyện cho thị tộc. Truyền thống truyền khẩu. Trong một thế hệ – hai, những câu chuyện được ghi nhớ và kể lại được chuyển sang in, sang sách. Thật là một thành tựu.

Sách, moi từ đống rác và đồ thừa của thế giới người da trắng. Nhưng bạn có thể có một bó giấy (không phải bản đánh máy – đó là một cuốn sách – nhưng nó phải tìm thấy một nhà xuất bản, sau khi trả tiền cho bạn, vẫn còn đủ sức thanh toán, phát hành sách). Tôi có vài câu chuyện gửi cho tôi về tình hình xuất bản ở châu Phi. Ngay cả ở các nơi được ưu đãi hơn như Bắc Phi, với truyền thống khác, nói về cơ hội xuất bản là một giấc mơ của triển vọng.

Ở đây tôi đang nói về những cuốn sách không bao giờ được viết, về những nhà văn không thể thực hiện vì không có nhà xuất bản. Những tiếng nói không được nghe. Chúng ta không ước tính nổi sự lãng phí lớn lao về tài năng, về tiềm năng này. Trước giai đoạn sáng tạo một cuốn sách cần có một nhà xuất bản, một món tiền ứng trước, một lời khuyến khích, nhưng ngay cả trước đó vẫn cần một điều khác.

Nhà văn thường nghe hỏi, bà viết cách nào? Bằng máy tính? Máy đánh chữ điện? Bút lông ngỗng? Chữ viết thường? Nhưng câu hỏi quan trọng là: “Bà có tìm được chỗ, một chỗ trống, xung quanh bà khi bà viết?” Câu chữ sẽ tìm đến chỗ đó, như một hình thức lắng nghe, chú ý, những chữ mà nhân vật của bạn sẽ nói, những ý tưởng – cảm hứng.

Nếu người viết này không tìm được chỗ đó, bài thơ và câu chuyện có thể chết non.

Khi các nhà văn nói chuyện với nhau, họ luôn hỏi nhau về chỗ này, lúc khác này. “Bà tìm được nó chưa? Bà nắm chắc nó chưa?”

Chúng ta hãy nhảy qua một cảnh khác hoàn toàn. Chúng ta đang ở London, một trong các thành phố lớn. Có một nhà văn mới. Chúng ta hỏi một cách cay độc, Ngực của cô ta thế nào? Cô ta trông có khá không? Nếu là đàn ông, Hấp dẫn không? Đẹp trai không? Chúng ta đùa cợt nhưng đó không là chuyện đùa.

Người mới được tìm thấy này được hoan nghênh, có thể được cho nhiều tiền. Bọn săn tin bắt đầu vo ve trong đôi tai đáng thương của họ. Họ được tán dương, khen ngợi, đưa đi khắp thế giới. Những người già chúng tôi đã thấy cả rồi, cảm thấy tội cho kẻ mới vào nghề này, họ không biết chuyện gì đang thật sự xảy ra.

Anh ta, cô ta được tâng bốc, được hài lòng.

Nhưng một năm sau hỏi anh ta hay cô ta nghĩ gì, tôi nghe họ nói: “Đây là chuyện tệ hại nhất cho tôi”.

Một số nhà văn mới được quảng cáo nhiều đã không viết nữa, hay không viết cái họ muốn, họ nghĩ nữa.

Và chúng tôi, những người lớn tuổi hơn, muốn thì thầm vào những đôi tai vô tội đó. “Bạn còn chỗ của bạn chứ? Của một mình bạn, chỗ cần thiết của riêng bạn nơi đó tiếng nói của chính bạn có thể nói với bạn, chỉ một mình bạn, nơi bạn có thể mơ. Ồ, cứ giữ lấy nó, đừng để nó đi”.

Phải có một loại giáo dục nào đó.

Trong đầu tôi đầy những ký ức huy hoàng về châu Phi, tôi có thể diễn lại và nhìn nó mỗi khi tôi muốn. Này nhé, những buổi hoàng hôn, vàng và tím và cam, trải khắp bầu trời lúc ban chiều. Này nhé, những con bướm và nhậy và ong trên bụi cây thơm ở Kalahari? Hay ngồi trên bờ sông Zambesi, nơi nó cuộn mình giữa những bờ cỏ nhạt, đang mùa khô, xanh thẫm và bóng loáng, với đủ thứ chim châu Phi hai bên bờ. Vâng, voi, hươu cao cổ, sư tử và đủ thứ, nhiều lắm, nhưng còn bầu trời đêm, vẫn chưa ô nhiễm, đen và kỳ diệu, đầy những vì sao không ngủ.

Nhưng có những ký ức khác. Một thanh niên, có lẽ mười tám, rách rưới đứng trong “thư viện” của mình. Một khách Mỹ thấy thư viện không sách, gửi một thùng, nhưng chàng trai này lấy ra từng quyển, kính cẩn, và gói chúng trong giấy nhựa. Chúng tôi nói, “Nhưng những cuốn sách này gửi tới để đọc đấy chứ?” và anh ta trả lời, “Không, chúng sẽ bị bẩn, và tôi lấy đâu ra nữa?”

Anh muốn chúng tôi gửi sách từ Anh để dạy anh cách dạy học. “Tôi chỉ học bốn năm trong trường phổ thông”, anh van nài, “Nhưng họ chẳng bao giờ dạy tôi dạy học”.

Tôi đã gặp một giáo viên trong một trường không có sách giáo khoa, thậm chí không có cả một viên phấn viết bảng – bị mất cắp rồi – anh dạy một lớp từ sáu tới mười tám tuổi bằng cách vừa di chuyển những hòn đá trong đất bụi, vừa hát “Hai nhân hai là...” và cứ thế. Tôi đã gặp một cô gái, có lẽ không hơn hai mươi, cũng thiếu sách giáo khoa, sách bài tập, bút bi – mọi thứ, dạy A, B, C trong đất bụi với một cây que, trong khi mặt trời chiếu xuống gay gắt và bụi tung lên.

Chúng ta thấy ở đây lòng khao khát giáo dục tại châu Phi, bất cứ mọi nơi trong thế giới thứ ba, hay bất cứ thứ gì chúng ta gọi là vùng đất trên thế giới nơi cha mẹ mong mỏi có một nền giáo dục cho con cái để đưa chúng ra khỏi nghèo đói, có được lợi thế của giáo dục.

Nền giáo dục của chúng ta bây giờ đang bị đe doạ.

Tôi mời các bạn tưởng tượng, một nơi ở phía nam châu Phi, đứng trong một cửa hiệu người Ấn, trong một vùng nghèo, vào lúc hạn hán tệ hại. Có một hàng người, phần lớn là phụ nữ, với đủ loại đồ chứa nước. Mỗi buổi chiều cửa hiệu này nhận một xe nước từ thị trấn và người ta chờ đợi giọt nước quý báu này.

Ông người Ấn đứng tì lòng bàn tay xuống quầy, và ông nhìn một phụ nữ da đen đang cúi trên một cuộn giấy nom như xé từ một quyển sách. Cô ta đang đọc Anna Karenin.

Cô ta đọc chậm, lẩm nhẩm từng chữ. Có vẻ là một cuốn sách khó. Người thiếu phụ này với hai đứa con nhỏ bám lấy chân cô. Cô có thai. Ông người Ấn buồn bực, vì khăn đội đầu của thiếu phụ đáng lẽ trắng đã vàng vì bụi. Bụi giữa ngực và trên cánh tay cô. Người đàn ông này buồn vì hàng người, tất cả đều khát, nhưng ông không có đủ nước cho họ. Ông bực tức vì biết người ta đang chết ngoài kia, ngoài vùng mây bụi. Anh ông đã ở đó giữ đồn, nhưng anh ấy nói anh ấy cần nghỉ, đã về thị trấn, ốm nặng, vì hạn hán.

Người đàn ông này tò mò. Ông nói với thiếu phụ. “Cô đang đọc gì?”

“Chuyện về nước Nga”, cô gái nói.

“Cô biết Nga ở đâu không?” Chính ông cũng chưa chắc biết.

Thiếu phụ nhìn thẳng vào ông, đầy tự trọng, dù mắt cô đỏ vì bụi, “Tôi giỏi nhất lớp. Bà giáo của tôi nói, tôi giỏi nhất”.

Thiếu phụ lại tiếp tục đọc: cô muốn đọc tới cuối đoạn văn.

Ông người Ấn nhìn hai đứa bé và lấy chai Fanta, nhưng người mẹ nói “Fanta làm tụi nó khát”.

Ông người Ấn biết mình không nên làm nhưng ông thò xuống một thùng nhựa lớn bên cạnh ông, phía sau quầy và rót nước ra hai ca nhựa lớn để đưa cho bọn nhỏ. Ông nhìn khi cô xem hai đứa con của cô uống, miệng cô mấp máy. Ông cho cô một ca nước. Ông đau lòng nhìn cô uống, cô khát đau khát đớn.

Bây giờ cô đưa ông thùng nhựa đựng nước, ông đổ đầy. Thiếu phụ và bọn nhỏ, nhìn ông đăm đăm để ông đừng làm đổ.

Cô ta lại cúi trên cuốn sách. Cô đọc chậm nhưng đoạn văn hấp dẫn cô và cô đọc lại.

Varenka, khăn trắng đội trên mái tóc đen, trẻ con vây quanh, hoan hỉ và tíu tít với chúng, và cũng phấn khởi ra mặt vì khả năng được một người trông rất hấp dẫn mà nàng thích xin cưới. Koznyshev bước đi bên cạnh nàng và cứ ngưỡng mộ liếc nhìn nàng. Nhìn nàng, anh nhớ tới tất cả những điều thú vị anh đã nghe từ môi nàng, tất cả những điều tốt đẹp anh biết về nàng, và càng lúc càng nhận rõ cảm xúc anh có về nàng là điều quý hiếm, điều có lần anh đã cảm thấy, lâu, lâu lắm về trước, trong thời trẻ của anh. Niềm vui gần nàng tăng từng bước, và cuối cùng tới lúc, khi anh đặt vào giỏ nàng một cây nấm bạch dương khổng lồ cuống mỏng có chóp cuộn lên, anh nhìn vào mắt nàng, và nhận ra mặt nàng đỏ ửng vì nỗi bối rối sợ hãi và vui mừng, chính anh lúng túng, và im lặng nở một nụ cười tỏ lộ quá nhiều với nàng”.

Xấp giấy in này nằm trên quầy, cùng với mấy tờ tạp chí cũ, vài trang nhật báo, các cô gái mặc áo tắm hai mảnh.

Tới lúc cô rời nơi trú ẩn trong cửa hiệu Ấn Độ, và đi bốn dặm đường về làng. Tới lúc... bên ngoài hàng các bà đang đợi có tiếng ồn ào và than phiền. Nhưng ông người Ấn cứ nấn ná. Ông biết cô gái này sẽ phải trả giá ra sao – về nhà, với hai đứa con lẳng nhẵng. Ông sẽ cho cô xấp văn xuôi đã mê hoặc cô đến thế, nhưng thật ông không thể tin cô gái lạc lõng này với cái bụng lớn có thể thật sự hiểu.

Tại sao chừng một phần ba cuốn Anna Karenin lại bị kẹt ở đây trên quầy hàng này trong một cửa hiệu Ấn Độ xa xôi? Câu chuyện thế này.

Một viên chức cao cấp nào đó của Liên hiệp quốc tình cờ mua cuốn tiểu thuyết này trong hiệu sách khi ông lên đường trong chuyến đi xuyên vài lục địa và đại dương. Trên máy bay, ngồi trên ghế trong khoang đắt tiền, ông xé cuốn sách làm ba. Ông vừa xé, vừa nhìn xung quanh bạn đồng hành, biết sẽ thấy những cái nhìn sửng sốt, tò mò, nhưng cũng thích thú. Khi đã yên chỗ, dây thắt đã cài chặt, ông nói lớn cho ai muốn nghe, “Tôi luôn làm như vậy khi đi một chuyến dài. Không muốn phải cầm cuốn sách lớn nặng”. Cuốn tiểu thuyết bìa mềm, nhưng đúng, nó là cuốn truyện dài. Người đàn ông này quen thấy người ta lắng nghe khi ông nói. “Tôi luôn luôn làm như vậy, khi đi xa”, ông thổ lộ. “Đi xa hồi này đã đủ vất vả rồi”. Và ngay khi người ta yên chỗ, ông mở phần Anna Karenin của ông rồi đọc. Khi thiên hạ nhìn ông, tò mò hay không, ông tâm sự với họ. “Ồ, đúng là đi xa chỉ có cách này”. Ông biết cuốn tiểu thuyết, thích nó, và kiểu đọc độc đáo này góp thêm gia vị vào một cuốn sách dù gì cũng nổi tiếng.

Khi ông đọc tới cuối của một phần cuốn sách, ông gọi bà tiếp viên hàng không, và chuyển nó cho thư ký của ông đang ngồi ở ghế rẻ tiền hơn. Việc này gây nhiều chú ý, chỉ trích, tất nhiên tò mò, mỗi lần một phần cuốn tiểu thuyết lớn của Nga tới đuôi máy bay, bị cắt xẻo, nhưng đọc được. Nói chung, cách đọc Anna Karenin kiểu thông minh này gây ấn tượng, và có thể không ai có mặt ở đó quên được.

Trong khi đó, dưới cửa hiệu Ấn Độ, người thiếu phụ bám vào quầy, hai đứa con nhỏ của cô bám váy mẹ. Cô mặc jeans, vì cô là phụ nữ tân tiến, nhưng bên ngoài cô trùm váy len dầy, một loại y phục cổ truyền của dân tộc cô: các con cô có thể dễ dàng bám lấy nó, nếp áo dầy.

Cô nhìn ông Ấn Độ cảm ơn, cô biết ông thích cô và cảm thấy tội cho cô, và cô bước ra đám bụi mù.

Bọn trẻ đã hết khóc, cổ chúng dẫu sao đã đầy bụi.

Khó nhọc, ồ vâng, khó nhọc, bước này, từng bước rồi từng bước, qua bụi phủ trên những mô đất mềm phản trắc dưới chân. Khó nhọc, khó nhọc – nhưng cô quen với khó nhọc, phải không? Tâm trí cô để trong câu chuyện vừa đọc. Cô đang nghĩ, “Cô ấy giống y như mình, đội khăn trắng, và cô ấy cũng đang trông trẻ. Mình có thể là cô ấy, cô gái Nga đó. Và người đàn ông đó, ông ta yêu cô ấy và sẽ hỏi cưới cô ấy. (Cô đọc chưa hơn một đoạn văn đó). Ừ, và một anh sẽ đến với mình, và mang mình đi khỏi tất cả những thứ này, mang mình và các con, ừ, anh ấy sẽ yêu mình và săn sóc mình”.

Cô tiếp tục bước. Thùng nước nặng trên vai. Cô cứ đi. Bọn trẻ con có thể nghe tiếng nước sóng sánh trong thùng. Nửa đường cô dừng lại, đặt thùng nước xuống. Các con cô vừa thút thít vừa sờ cái thùng. Cô nghĩ cô không nên mở thùng, vì bụi sẽ bay vào. Không có cách gì cô mở thùng trước khi về đến nhà.

“Khoan” cô bảo các con, “Khoan”.

Cô phải lấy lại sức và tiếp tục.

Cô suy nghĩ. Bà giáo nói bên đó có thư viện, lớn hơn siêu thị, một toà nhà lớn và đầy sách. Thiếu phụ vừa đi vừa mỉm cười, bụi thổi vào mặt cô. Mình thông minh, cô nghĩ. Bà giáo nói mình thông minh. Thông minh nhất trường – bà giáo nói tôi thông minh. Các con mình sẽ thông minh, như mình. Mình sẽ dắt chúng tới thư viện, chỗ đầy sách, và chúng sẽ đi học, và chúng sẽ là giáo viên – bà giáo nói mình có thể là giáo viên. Họ sẽ ở xa nơi này, kiếm tiền. Họ sẽ sống gần thư viện lớn và sống một cuộc đời đẹp.

Quý vị có thể hỏi làm sao mẩu tiểu thuyết Nga đó rốt cuộc lại nằm trên quầy trong cửa hiệu Ấn Độ?

Đó có thể là một câu chuyện hay. Có lẽ có người sẽ kể nó.

Cô gái nghèo cứ đi, thẳng người nhờ ý nghĩ sẽ cho con uống nước khi về tới nhà, và chính cô sẽ uống một ít. Cô cứ đi... qua bụi bặm kinh khiếp của hạn hán châu Phi.

Chúng ta là một đám mệt rã rời, chúng ta trong thế giới của mình – thế giới bị đe doạ của chúng ta. Chúng ta giỏi mỉa mai và thậm chí cay độc. Một số chữ và ý tưởng chúng ta ít dùng, chúng đã mòn nhẵn. Nhưng chúng ta có thể muốn phục hồi một số chữ đã mất hiệu nghiệm.

Chúng ta có một toà kho báu – một kho tàng – văn chương, ngược về tới thời Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Tất cả còn đó, văn chương phong phú này, sẽ được khám phá lại mãi bởi bất cứ ai đủ may mắn tới với nó. Một kho tàng. Giả thử nó không hiện hữu. Chúng ta sẽ nghèo nàn, trống rỗng biết bao.

Chúng ta có một gia tài ngôn ngữ, thơ, sử, và nó không bao giờ cạn kiệt. Nó ở đó, luôn luôn ở đó.

Chúng ta có một di sản những câu chuyện, những câu chuyện từ những người kể chuyện xưa, chúng ta biết tên một số người, nhưng không biết một số. Những người kể chuyện cứ trở lại, tới một khoảng trống trong rừng do một trận cháy lớn gây ra, và người phù thuỷ già nhảy múa và ca hát, vì chúng ta thừa kế những câu chuyện bắt đầu từ lửa, pháp thuật, thế giới thần linh. Và đó là nơi nó lưu giữ, hôm nay.

Hỏi bất cứ một người kể chuyện hiện đại nào, họ sẽ nói luôn luôn có lúc họ xúc động vì lửa, vì điều chúng ta thích gọi là cảm hứng và điều này trở ngược mãi về buổi đầu của nhân loại, lửa, băng giá và gió lớn tạo nên chúng ta và thế giới chúng ta.

Người kể chuyện nằm sâu trong mỗi chúng ta. Người đặt truyện luôn luôn ở cùng chúng ta. Giả thử thế giới chúng ta gặp chiến tranh, gặp những nỗi kinh hoàng mà tất cả chúng ta đều có thể tưởng tượng dễ dàng. Giả thử nước lụt tràn qua các thành phố chúng ta, biển dâng lên... nhưng người kể chuyện sẽ ở đó, vì đó là trí tưởng tượng của chúng ta, cái định hình chúng ta, giữ chúng ta, tạo nên chúng ta – tốt hay xấu. Đó là câu chuyện của chúng ta, người kể chuyện, sẽ tái tạo chúng ta, khi chúng ta gục ngã, tổn thương, thậm chí bị huỷ diệt. Đó là người kể chuyện, kẻ tạo giấc mơ, người làm huyền thoại, đó là chim phượng hoàng của chúng ta, chúng ta giỏi việc đó nhất, khi chúng ta sáng tạo nhất.

Cô gái nghèo lê bước qua bụi bặm, mơ về một nền học vấn cho con mình, chúng ta có nghĩ mình hơn cô ấy không – chúng ta, nhồi nhét đầy thức ăn, tủ của chúng ta đầy quần áo, nghẹt những thứ vô dụng?

Tôi nghĩ cô gái đó và những người phụ nữ đang nói về sách và giáo dục khi họ đã không ăn gì trong ba ngày, nhưng họ có thể chỉ rõ tính chất của chúng ta [3] .


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Một nước ở phía nam châu Phi, độc lập năm 1980. (ND)
[2]Một trong những tên gọi Zimbabwe khi còn bị người da trắng cai trị.
[3]Nguyên văn tiếng Anh: “I think it is that girl and the women who were talking about books and an education when they had not eaten for three days, that may yet define us”.
Và bản tiếng Pháp: “C'est, j'en suis convaincue, cette jeune fille et les femmes qui parlaient de livres et d'éducation alors qu'elles n'avaient pas mangé depuis trois jours qui peuvent encore nous définir aujourd'hui”.
Và người đại diện của Doris Lessing đọc bài diễn văn tại buổi lễ nhận giải nghe như: “... for three days, they may yet define us”.
Nguồn: Doris Lessing, “On not winning the Nobel Prize”, diá»…n văn đọc buổi nhận giải Nobel Văn chÆ°Æ¡ng, 7 tháng 12 năm 2007