trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
9.7.2008
Nguyễn Đình Thi
Một vài sai lầm khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ
 
1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư kí toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
talawas
Dư luận đang sôi nổi về việc phê bình lãnh đạo văn nghệ. Trong bài này, tôi xin góp mấy ý kiến về những sai lầm khuyết điểm chung quanh một số vấn đề mà nhiều bạn đã nêu lên, nhất là trong kỳ nghiên cứu lý luận do Hội Văn nghệ tổ chức hồi tháng Tám vừa rồi.


Nhìn chung bước đường từ cách mạng

Nhìn lại bước đường hơn mười năm qua từ ngày cách mạng, chúng ta tự hào thấy nền văn nghệ Việt Nam đã từ một giai đoạn lịch sử này sang hẳn một giai đoạn lịch sử khác. Từ chỗ là nền văn nghệ của một nước nô lệ, nó đã thành nền văn nghệ của một dân tộc tự do. Từ chỗ là nền văn nghệ bị coi là trò mua vui cho một bọn thống trị hoặc một số nhỏ người bên trên xã hội, nó đã trở thành nền văn nghệ bắt nguồn vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân, đem ý thức và tình cảm cách mạng đến cho hàng vạn, hàng triệu người. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc ta có điều ấy. Qua nhiều bước mò mẫm, vấp váp, qua những sáng tạo phong phú và cũng qua những thất bại đau đớn, chúng ta đã xây dựng được những cơ sở đầu tiên của một nền văn nghệ mới, dân tộcnhân dân.

Văn nghệ đã lớn lên, và mỗi người văn nghệ đã lớn lên với cách mạng. Đảng đã chỉ đường và dắt dẫn cho mỗi người sáng tác lăn mình vào đời sống quần chúng, thay đổi con người của mình, để xứng đáng là những "kỹ sư tâm hồn" của quần chúng.

Đường lối văn nghệ của Đảng càng ngày càng sáng rõ và được anh chị em văn nghệ sĩ nức lòng đi theo.

Con đường ấy đã đem một chất sống mới, một nguồn tư tưởng và tình cảm mới đến cho văn nghệ. Chúng ta đã có một số tác phẩm có giá trị, phản ảnh cuộc đấu tranh của nhân dân ta, và xây dựng được những hình ảnh đầu tiên của con người mới trên đất nước Việt Nam. Cũng có những người văn nghệ đã hy sinh nửa đường mà chưa kịp có tác phẩm, nhưng tấm gương của các anh chị đó luôn luôn thúc giục tất cả chúng ta phải đi lên nữa, tiến mạnh nữa, vượt qua những khó khăn mới, trên con đường ngày càng thêm mở rộng.

Nhưng mặc dù có những thành tích như vậy, những tác phẩm của chúng ta còn quá ít ỏi, chậm chạp so với đòi hỏi của nhân dân. Mỗi người sáng tác còn như thấy trong mình có cái gì bị kìm hãm, dằn vặt, thiếu lòng tự tin và ngọn lửa của người chiến đấu. Tâm hồn và tư tưởng chúng ta còn vướng mắc, nên tác phẩm của chúng ta cũng chưa vươn tới tầm rộng lớn để có thể thổi vào lòng người một luồng sống thật mạnh mẽ chứa chan. Cái gì đã gây nên tình trạng đó?

Trước hết chúng ta tự vướng mắc với bản thân chúng ta khá nhiều. Từ một cuộc đời cũ mà qua hẳn một cuộc đời mới, chúng ta còn chưa đủ sức hoặc chưa mạnh dạn tự coi mình là những người sáng tạo ra cuộc đời mới đó. Chính chúng ta còn đánh giá thấp sứ mạng và trách nhiệm của chúng ta, và cũng đánh giá thấp những điều nhân dân trông đợi ở người văn nghệ.

Gần đây, sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, tư tưởng mọi người bỗng như ra khỏi một cái gì trùm lấp bấy lâu. Chúng ta bắt đầu mạnh dạn nhìn thẳng vào nhiều sự thực mà trước kia chúng ta chưa dám nhìn. Chúng ta thấy một nguyên nhân chủ yếu làm cho văn nghệ ta bấy lâu chưa nảy nở được tới hết mức có thể là trong sự lãnh đạo có những sai lầm khuyết điểm kéo dài, làm hạn chế sức sáng tạo của người văn nghệ. Những sai lầm đó có nhiều quan hệ đến tư tưởng sùng bái cá nhân, một mặt khác, đó là những bệnh ấu trĩ của một nền văn nghệ vừa mới thoát thai từ một chế độ thực dân và phong kiến thảm khốc và lạc hậu.


Vấn đề chính sách đối với văn nghệ sĩ

Hiện nay một thắc mắc đầu tiên của những người văn nghệ là Đảng chưa có chính sách cụ thể đối với văn nghệ sĩ. Đây không phải câu chuyện đãi ngộ như thế này hay thế khác mà là vấn đề định rõ vị trí của những người văn nghệ trong xã hội mới. Cái vị trí ấy quyết định sự sinh sống và công việc nghề nghiệp của người văn nghệ, do đó nó quyết định cả cách nhìn, cách nghĩ và thái độ của người văn nghệ đối với đời sống. Trong xã hội thực dân phong kiến cũ, cái thân phận những người văn nghệ là ở vào loại "thằng hề, con hát", "xướng ca vô loài”, hoặc là "dở ông, dở thằng". Họ bị đè nén, khinh bỉ, tài năng của họ bị biến thành món hàng, nhiều khi lại là một cái vạ vào thân. Nên họ nhìn cái xã hội thời đó bằng con mắt căm tức hoặc rãy rụa. Cũng do đó họ thiết tha yêu nước, và họ đến với cách mạng một cách chân thành. Cách mạng đã đem đến cho những người văn nghệ một nhân phẩm mới. Đời họ có một ý nghĩa mới, họ cùng với nhân dân trở thành những người chủ của xã hội. Nhưng trong các tầng lớp bên trên, và ngay trong bản thân người văn nghệ còn rơi rớt nhiều thành kiến khinh miệt cũ đối với nghề "mua vui", "du hí". Những thành kiến đó như một cái xiềng chưa chặt đứt được hẳn, làm cho người văn nghệ khổ tâm và tự ái. Chính sách cụ thể chưa có, sự đối đãi với người văn nghệ mỗi nơi một khác. Có khu ủy đã triệu tập hẳn một hội nghị để giúp ý kiến cho một nhà văn xây dựng tác phẩm. Nhưng ngược trở lại, cũng có người cậy quyền hành mà rẻ rúng hoặc đối đãi tệ với văn nghệ sĩ. Một thứ thành kiến mới đã nảy ra đối với "thành phần tiểu tư sản" của người văn nghệ, cho là lang thang, lêu bêu. Những cái đó làm cho người văn nghệ còn co lại, hoặc là tự hoài nghi cả bản thân mình, hoặc là hờn giận, bực tức.

Và nhất là dưới chế độ cũ, từ hàng nghìn năm, chưa bao giờ con người được coi là có quyền độc lập suy nghĩ. Cái chế độ nô lệ Trung cổ về tư tưởng còn để lại những tàn tích nặng nề trong tâm hồn chúng ta. Xã hội cũ không cần và sợ những kẻ nhiều suy nghĩ. Người văn nghệ, trái lại, sống là sáng tạo, công việc của anh ta là suy nghĩ và làm thức tỉnh trí óc và tâm hồn mọi người. Nhưng chung quanh còn ít biết quí trọng sự sáng tạo và sự suy nghĩ đó, và chưa thấy rằng công việc xây dựng tâm hồn mới cho con người không thể thiếu được nếu muốn xây dựng xã hội mới. Do đó còn ít hiểu rõ người văn nghệ có ích gì cho đời sống.

Việc đề ra một chính sách cụ thể đối với văn nghệ sĩ đã trở thành một việc cần phải giải quyết càng sớm càng hay. Chính sách đó, trong khi định rõ vị trí của người văn nghệ trong xã hội, sẽ làm cho người văn nghệ được cởi mở khỏi những nỗi dằn vặt hoặc tự ti. Người văn nghệ nhận rõ sứ mạng và trách nhiệm của mình sẽ càng quyết tâm đấu tranh với những cái xấu của giai cấp cũ còn rớt lại, để có thể giải phóng được đến hết mức độ sức sáng tạo của mình.


Về vấn đề lãnh đạo sáng tác

Điều thiết tha của người văn nghệ là được đóng góp trí tuệ và tâm hồn mình vào sự nghiệp chung của Đảng, của nhân dân. Sự sáng tạo phải là công việc tự do nhất, vì là công việc tự nguyện tự giác nhất. Điều đó không có gì mâu thuẫn với sự đòi hỏi phải phục vụ cho cách mạng. Như lời nhà văn Liên Xô Sô-lô-khốp đã nói, nhà văn chúng ta chỉ viết theo chỉ thị của trái tim, nhưng trái tim đó là của Tổ quốc, của nhân dân.

Chính vì vậy, trong bài “Tổ chức Đảng và văn học Đảng”, sau khi khẳng định rằng văn học phải là một bộ phận trong sự nghiệp chung của Đảng, "một cái bánh xe, một cái đinh ốc" của cách mạng, Lê-nin đã nói: "Trong sự nghiệp đó, tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi rộng rãi bao la cho sáng kiến cá nhân, cho chiều hướng cá nhân, đảm bảo phạm vi rộng rãi bao la cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung".

Các văn nghệ sĩ đều đồng ý với sự lãnh đạo chung của Đảng, nhưng một số khá nhiều anh chị em bực bội vì những cách lãnh đạo hẹp hòi, gò bó của một số cán bộ phụ trách. Có những người nhân danh đường lối chính sách của Đảng mà đặt yêu cầu theo lối mệnh lệnh, hoặc can thiệp thô bạo cả vào hình thức nghệ thuật. Trong cuộc triển lãm Cải cách Ruộng đất, một cán bộ đòi chữa đến từng ngón tay ở một pho tượng, cho rằng bàn tay phải giơ thẳng ra như thế này hay thế kia mới là đúng. Lối lãnh đạo mệnh lệnh, dù có thiện ý muốn thúc đẩy cho đi vào con đường đúng chăng nữa, vẫn làm cho người văn nghệ phản ứng lại, vì nó coi như người văn nghệ chỉ là kẻ minh họa cho những nguyên tắc, những chính sách mà ai cũng đã biết. Lối lãnh đạo sai lầm đó làm như chỉ cần đến sự khéo tay mà không cần đến sự suy nghĩ của người nghệ sĩ.

Sự sùng bái cá nhân trước đây chưa bị vạch ra chỉ trích, nhưng vẫn ngấm ngầm làm cho mọi người văn nghệ lo ngại. Vì tất cả lẽ sống của người nghệ sĩ chân chính là không ngừng sáng tạo. Sự suy nghĩ táo bạo, sự phát minh không lúc nào muốn nghỉ, đó chính là ngọn lửa đốt sáng cuộc đời của người nghệ sĩ. Và những tìm tòi lớn của nghệ thuật xưa nay không bao giờ chỉ là tìm tòi về hình thức. Người nghệ sĩ muốn tìm tòi, muốn phát hiện những cái mới, trước hết là về đời sống quanh mình, trước hết là muốn tìm một nội dung mới cho nghệ thuật. Nhưng sự sùng bái cá nhân thì hạn chế những tìm tòi đó lại, vì nó coi như một người có thể nghĩ thay cho tất cả. Nó làm cho trách nhiệm của người nghệ sĩ giảm đi trong cuộc đời. Người văn nghệ chân chính trái lại, thấy trách nhiệm của mình là phải tự mình đi vào cuộc sống, tự mình nhận xét suy nghĩ, tìm ra sự thực, và đem hết lòng tin tưởng hăng hái của mình chiến đấu cho lẽ phải, nói lên những gì có ích cho đời sống.

Lối lãnh đạo giản đơn, mệnh lệnh đã đưa tới chỗ gò ép chính sách vào tác phẩm một cách sống sượng, một trường hợp điển hình là vở ca kịch Tấm Điền, đem chính sách nông thôn ngày nay của Đảng mà gán ép vào câu chuyện cổ tích đời xưa. Và có thời kỳ, muốn "phục vụ kịp thời" cho thật là sốt dẻo, một nhạc sĩ trong bộ đội đã làm sẵn những điệu hát gọi là "lương khô", để nếu có một yêu cầu gì mới của công tác chính trị thì cứ việc làm lời ca điền vào là "có ngay".

Những điều nói trên là một nguyên nhân của bệnh sơ lược, công thức đang trầm trọng ở một số tác phẩm, nhất là của những người sáng tác còn non trẻ, chưa có đủ kinh nghiệm sống, chưa có đủ kiến thức căn bản về nghệ thuật, và chưa có bản lĩnh vững chắc để sáng tác. Những tác phẩm đẻ non, "ăn sống nuốt tươi" đã xuất hiện, đề tài gần giống như nhau, nội dung khô khan, tình cảm nghèo nàn và cứng nhắc, con người không "sống" thực, làm cho người đọc, người xem không tin. Thái độ của tác giả đối với đời sống, rơi vào lối ca tụng một cách dễ dãi, lẩn tránh những vấn đề gay go và nóng hổi, làm như mọi việc trong đời đã tốt đẹp. Một số truyện kịch viết về cải cách ruộng đất, trong một thời gian, đã rơi vào một lối công thức "ba giai đoạn" như vậy: nông dân khổ, đội về phát động đấu tranh, đấu tranh xong nông dân có ruộng có nhà hể hả sung sướng. Truyện nào cũng na ná thế.


Vấn đề phê bình văn học

Phê bình văn nghệ đáng lẽ phải tiến lên trước, đấu tranh với những sai lầm đó, nhưng ngược lại, còn bị kìm hãm, ì ạch, vì thiếu dân chủ, và thiếu phát huy đấu tranh tư tưởng. Tình trạng phê bình một chiều, khuynh hướng chụp mũ đã làm hại nhiều đến sự phát triển của văn nghệ. Thái độ phê bình của một số người phụ trách đã tỏ ra là kiêu ngạo chủ quan, thiếu trân trọng đối với công trình lao động nghệ thuật. Có những trường hợp chỉ một vài ý kiến phê bình vội vã hoặc quyết đoán của một người có cương vị lãnh đạo văn nghệ đưa ra, là đủ làm cho một tác phẩm bị vùi dập không được thảo luận rõ ràng để xem sai lầm khuyết điểm của nó ở đâu, và có thể sửa chữa lại được không. Trường hợp phê bình vội vã và sai lầm đã có tác hại lớn nhất có lẽ là trường hợp Hội nghị sân khấu năm 1950 lên án hình thức cải lương là sa đọa trụy lạc; những lời phê bình nghiệt ngã đối với cải lương từ hồi đó đến nay vẫn làm cho một số khá đông nghệ sĩ cải lương còn bất bình. Và có một lúc, nhận định sai lầm đó của Hội Văn nghệ đã gây ra nhiều khó khăn rất lớn cho ngành cải lương và các nghệ sĩ sống bằng cải lương. Đối vói những tác phẩm có sai lầm, sự phê bình phũ phàng, nặng về đập mà không có thái độ bạn bè, thân ái thảo luận cùng tác giả để xem có thực sai lầm không, sai lầm ở đâu, ngoài mặt sai lầm ra thì còn mặt nào đúng và tốt để phát huy lên. Không những thiếu thái độ bạn bè, mà có trường hợp trong khi phê bình tư tưởng, đã có thái độ như với kẻ đối địch về chính trị, hạ lời phê bình không đủ cân nhắc thận trọng đối với sinh mệnh chính trị của tác giả; trường hợp đáng tiếc đó đã xảy ra khi phê bình bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần.

Phê bình ít đối chiếu tác phẩm với sự thực của đời sống xã hội Việt Nam, của tâm hồn con người Việt Nam, mà thường chẻ sợi tóc làm tư, đem lập trường và chính sách ra bắt bẻ từng chi tiết trong tác phẩm, và chụp cho tác giả những cái mũ quá rộng nó làm cho không nhìn ra lẽ phải và sự thực là ở đâu. Có địa phương đã cấm cả tranh hứng dừa, phê bình tranh đó là khiêu dâm, hoặc có nơi cấm chèo Lưu Bình Dương Lễ cho là phong kiến. Trong một buổi chiếu phim về đời Gorki, khi xem đến chỗ một người thất nghiệp đem cho Gorki một đôi giầy vừa ăn cắp được, một nhà báo đã phê bình Gorki nhận đôi giầy đó là mất lập trường. Lối phê bình cưỡng ép chụp mũ như vậy làm cho sự sáng tác giá lạnh đi, vì nó chỉ yên tâm với những tác phẩm bằng phẳng không nêu ra vấn đề gì, hoặc to son điểm phấn cho sự thực. Nó làm cho tác phẩm ít dám vạch ra những tàn tích xấu còn lại trong xã hội và trong tâm lý con người, vì sợ bị quy kết là mất lập trường. Do đó tác dụng chiến đấu của văn nghệ mất đi một nửa. Những loại văn nghệ châm biếm, hài hước, có truyền thống lâu đời trong nhân dân Việt Nam ta, và vốn vẫn được nhân dân ta ưa thích một cách đặc biệt, cũng do đó chỉ phát triển một cách khó khăn, yếu ớt.


Trách nhiệm của Hội Văn nghệ Việt Nam

Hội Văn nghệ Việt Nam trực tiếp chịu trách nhiệm về những sai lầm khuyết điểm nói trên. Hội lập ra năm 1948. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tám năm qua trong kháng chiến và trong hòa bình, Hội đã đoàn kết tập hợp đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ để đem khả năng văn nghệ phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Hội Văn nghệ đã ra sức giúp đỡ các văn nghệ sĩ đi vào quần chúng và học tập chính trị cải tạo tư tưởng. Hội đã gây cơ sở đầu tiên cho phong trào văn nghệ quần chúng và đào tạo một số người văn nghệ trẻ. Hội đã đề cao phương châm khôi phục và phát triển những hình thức văn nghệ dân tộc, và đồng thời đã bước đầu thực hiện việc trao đổi văn nghệ với quốc tế. Đó là một số việc chính đã làm được hoặc nhiều hoặc ít, có cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại. Có lẽ làm nhiều nhất là việc đi vào quần chúng và khai thác vốn cũ dân tộc. Kém nhất là việc hướng dẫn, đào tạo lớp văn nghệ trẻ, và bồi dưỡng cho các văn nghệ sĩ về phần nghề nghiệp và chuyên môn.

Sự lãnh đạo của Hội, và của các đồng chí chỉ đạo ở Hội có nhiều khuyết điểm. Theo tôi nghĩ, cần chú ý nhất mấy điểm sau:

1. Tình trạng non kém trầm trọng về lý luận. Từ trước đến nay, sự lãnh đạo của Hội coi nhẹ hẳn vấn đề lý luận. Những vấn đề căn bản nhất của sự sáng tác rất ít được nghiên cứu, trao đổi ý kiến. Phần lớn tài liệu lý luận là dịch ở các nước bạn, còn những kinh nghiệm, những vấn đề riêng của văn nghệ Việt Nam thì chưa được bàn cãi. Thực ra qua chín mười năm lăn lộn và sáng tác, các văn nghệ sĩ của ta có nhiều suy nghĩ và nhiều kinh nghiệm quí báu, trong hoàn cảnh đấu tranh rất anh dũng của chúng ta. Nhưng lãnh đạo chưa mở rộng sự suy nghĩ chung đó. Những cuộc họp thì quá nhiều nhưng sự suy nghĩ thì quá ít.

Trong sự phê bình, trong việc đánh giá các tác phẩm (ví dụ qua giải thưởng), đã bộc lộ một quan niệm không thành hình và không thành lý luận mà hầu như được coi là quan niệm của lãnh đạo. Đó là quan niệm đơn giản, sơ lược, về vấn đề "phục vụ chính sách" và "phục vụ kịp thời" mà gần đây anh chị em đã phê phán nhiều.

Đối với các ngành, bộ phận lãnh đạo (phần lớn là nhà văn) thiếu hiểu biết, nhưng thường chủ quan, tự mãn, ít tìm học, do đó đã áp dụng san bằng những phương pháp làm việc ở ngành văn cho các ngành khác, làm cho các ngành gặp nhiều khó khăn, và bị kìm hãm, lấn át.

Thiếu cơ sở lý luận nên chúng ta thiếu hẳn một nền phê bình chiến đấu, đủ lý lẽ đủ uy tín để hướng dẫn dư luận quần chúng, và tư tưởng người sáng tác. Phê bình ì ạch, phẳng lặng, thiếu đấu tranh làm cho sáng tác cũng chậm chạp, nặng nề. Và gần đây đã nảy ra cái tình trạng hỗn độn, rối loạn, không phân biệt được đúng sai, không xác định được rõ những giá trị nghệ thuật.

2. Tổ chức thủ công nghiệp, du kích, tùy tiện. Hội Văn nghệ lập ra trong hoàn cảnh du kích của kháng chiến, các chi hội đều độc lập, ở Việt Bắc chỉ có một số văn nghệ sĩ tập hợp chung quanh cơ quan trung ương. Các ngành đều trực tiếp do thường vụ chỉ đạo, và ngoài các văn nghệ sĩ ra, trong một thời gian dài, Hội còn ôm chung cả phong trào văn nghệ quần chúng.

Từ khi hòa bình trở lại, văn nghệ sĩ ở khắp các khu, ở miền Nam ra tập kết, đều về tập trung đông ở thủ đô, lực lượng văn nghệ trẻ cũng đã tăng thêm nhiều, nhưng tổ chức của Hội vẫn như cũ, cơ quan chỉ đạo vẫn chỉ vỏn vẹn có mấy người vùi đầu vào sự vụ. Các ngành đã trưởng thành và đòi hỏi tiến lên thành những đoàn thể riêng. Công việc hành chính phình ra, một số khá nhiều văn nghệ sĩ bị cuốn hút vào việc vặt mà không có thời giờ sáng tác.

Những nguyên tắc về tổ chức, chế độ làm việc, quyền hạn nhiệm vụ các bộ phận chưa qui định rõ, gây ra tình trạng tùy tiện, luộm thuộm, mạnh đâu làm nấy, rất có hại cho sự chỉ đạo, và cũng có hại nhiều cho sự đoàn kết.

Đã đến lúc phải thành lập một tổ chức mới của văn nghệ, để mỗi ngành lập được thành đoàn thể riêng, lấy hoạt động sáng tác làm chính, và có nề nếp đứng đắn.

3. Tình trạng hẹp hòi, độc đoán cá nhân, thiếu dân chủ và tập thể. Khuyết điểm nặng nhất của bộ phận lãnh đạo Hội Văn nghệ là trong một thời gian rất lâu, chưa hề thành một tập thể cùng chỉ đạo công việc, và cùng chịu trách nhiệm chung. Trong kháng chiến, các đồng chí phụ trách thường phân tán, sự lãnh đạo mỗi lúc chỉ tập trung vào một hai người nắm mọi việc, mọi quyền. Cái nếp xấu đó kéo dài, gây nên một tình trạng thiếu dân chủ nghiêm trọng. Số ít người nắm quyền quyết định trở thành tự mãn độc đoán. Tinh thần trách nhiệm của những người phụ trách khác thì vắng hẳn đi, gây nên tâm lý buông xuôi, ỷ lại, tắc trách đối với công việc.

Bộ phận lãnh đạo trở thành một nhóm đóng cửa, hẹp hòi, cô độc, nể nang lẫn nhau, khi có khuyết điểm thì xuê xoa, không thẳng thắn đấu tranh nội bộ và mạnh dạn tự phê bình trước dư luận.

Cái tác hại của bệnh hẹp hòi, cô độc đó là đã đưa sự nể nang hoặc phục tùng cá nhân vào việc nhận xét văn nghệ, làm cho thiếu sự phê bình khách quan và công bằng, do đó làm tổn thương đến tình đoàn kết trong những người cùng làm việc sáng tác.

Tình trạng độc đoán, mệnh lệnh ở đâu cũng có hại, nhưng trong công việc văn học nghệ thuật lại càng trở thành nặng nề hơn ở đâu hết. Vì trong công việc sáng tác thì sự tôn trọng cá tính nghệ thuật là điều không thể thiếu được. Và chỉ có sự trao đổi ý kiến thân ái, bình đẳng, chỉ có mối quan hệ giữa những người sáng tác với nhau là cơ sở đoàn kết bền chặt và tự nhiên nhất.

Gần đây, có một số ý kiến, như trong bài của ông Phan Khôi và trên báo Nhân văn đả kích vào bệnh bè phái của lãnh đạo, và trình bầy bộ phận lãnh đạo thành một "bè phái thống trị văn nghệ", làm những việc gian lận, vu cáo hoặc đàn áp.

Tôi cho rằng điều nhận xét đó không đúng sự thực. Trong bộ phận lãnh đạo Hội Văn nghệ, nếu có hiện tượng bè phái chỉ là cá biệt. Sự nể nang, xuê xoa thì có, nhưng tôi thấy trái lại, tình trạng rời rạc, thiếu tinh thần trách nhiệm tập thể là điều nghiêm trọng hơn. Và muốn sửa chữa thì điều đầu tiên là phải làm cho bộ phận lãnh đạo thực sự theo đúng nguyên tắc dân chủ và tập thể.

Nhìn chung lại sự lãnh đạo hiện nay của Hội Văn nghệ, một điều nổi rõ là lãnh đạo không theo kịp tình hình, từ khi hòa bình trở lại. Về tư tưởng, cũng như về tổ chức, phong trào văn nghệ chuyển mạnh qua một giai đoạn mới, được những thuận lợi to lớn trước kia chưa từng có, nhưng cũng có nhiều khó khăn và những cái xấu do hoàn cảnh mới đẻ ra.

Dùng hình ảnh của một bạn nhà văn, ta có thể nói là văn nghệ đang qua một cơn sốt vỡ da. Lực lượng văn nghệ của chúng ta không phải là bé, yếu. Trái lại, hàng trăm anh chị em trong Hội Văn nghệ, qua bao năm được Đảng giáo dục, và được rèn luyện trong kháng chiến, đang lớn lên và đòi hỏi lãnh đạo cũng phải vượt lên, phải đề ra được những phương hướng mới cho văn học nghệ thuật, phải có tổ chức và lối làm việc mới.

Trong lúc chuyển biến đó, bên cạnh những đòi hỏi tốt, cũng có những xu hướng tư tưởng sai lầm quật lại, và tiến công vào đường lối văn nghệ của ta. Cần phải tích cực sửa chữa những sai lầm khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ. Và một mặt khác, cần phải đặt vấn đề đấu tranh, ngăn ngừa những tư tưởng sai lầm. Trong một bài báo sau, tôi sẽ xin trình bầy ý kiến về vấn đề này.

Kỳ sau: Đặt vấn đề đấu tranh tư tưởng [1]



[1]Xem các số Văn nghệ từ sau số này (140), không thấy báo đăng phần tiếp theo của bài này. Lưu ý: Nguyễn Đình Thi là Thư ký toà soạn báo Văn nghệ từ số 81 (11/8/1955) đến số 162 (1/3/1957), khi báo thông báo sẽ đổi thể tài và tạm ngưng xuất bản. (L.N. Â.)
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 140 (27.9.1956). Lại Nguyên Ân biên soạn.