trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
18.3.2005
Lê Mạnh Chiến
Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Cuối năm 2003, chúng tôi đã viết một bài phân tích hàng trăm sai lầm của một cuốn từ điển về tiếng Việt. Bài này đã được đăng liên tiếp sáu kỳ trên tạp chí Thế giới Mới từ số 582 đến số 587 (26/4 đến 31/5/2004) với nhan đề là “170 sai lầm trong một cuốn từ điển”. Tuy nhiên, vì nội dung khá dài nên còn rất nhiều sai lầm chưa được nói đến. Thông thường, khi phê phán một cuốn sách, người ta nêu tên của nó cùng với danh tính của tác giả rồi mới vạch các sai lầm hoặc khuyết điểm mà nó đã phạm phải. Nhưng, trong trường hợp này, vì lý do khách quan, chúng tôi phải vạch sai lầm trước đã, còn việc nêu tên thì chưa làm được ngay. Không ngờ, sự chậm trễ đó đã giúp chúng tôi kịp phát hiện thêm một quyển từ điển khác nữa, lớn hơn và lắm sai lầm hơn rất nhiều. Như vậy là, hiện tại, đã biết được hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt. Thứ nhất là Từ điển từ và ngữ Hán Việt, đó cũng chính là đối tượng mà chúng tôi đã phê phán. Thứ hai là Từ điển từ và ngữ Việt Nam, dày hơn 2100 trang, với số sai lầm nhiều gấp vài lần so với quyển thứ nhất. Cả hai từ điển ấy đều do một người biên soạn, đó là Nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn ngữ pháp tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Lân. Sự phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 4-5 (47-48) năm 2004 và tạp chí Văn hoá Nghệ An số 56 (tháng 1 năm 2005), qua bài Những quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt, trong đó chỉ nêu vài chục ví dụ mới phát hiện thêm.

Sau đây, chúng tôi gộp cả hai bài dưới một tên chung là Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt, trong đó, vẫn giữ nguyên bối cảnh khi viết trước đây nhưng có vạch thêm một số sai lầm khác và đặt lại vài đề mục.


*


Phát hiện một quyển từ điển có hại

Cách đây không lâu, tôi có việc đi về vùng ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ở đó, tôi có người bạn thân thiết là cán bộ về hưu. Trong dịp này, tôi được gặp một thầy giáo đã về hưu từ lâu nhưng vẫn rất minh mẫn, hoạt bát. Ðó là thầy H. H. Phúc. Khi biết tên tôi, thầy càng vui vẻ hơn và nói: “Tuy mới gặp ông nhưng tôi cũng coi như đã quen ông từ nhiều tháng rồi. Hơn thế nữa, tôi đã định liên lạc với ông nhưng chưa biết ông ở đâu. Ông đừng ngạc nhiên. Chỗ này rất gần làng quê của Mai Thúc Loan nên rất nhiều người say mê đọc bài báo của ông bác bỏ chuyện Mai Thúc Loan phải làm phu gánh quả vải tươi sang kinh đô nhà Ðường rồi vì thế mà đứng lên khởi nghĩa. Nhưng tôi còn được biết mấy bài khác mà ông phân tích những cái sai ở một số từ ngữ do một số giáo sư chính thức quảng bá. Vì vậy tôi rất mừng khi gặp ông. Có một việc rất cụ thể cần nói với ông, nên tôi muốn mời ông đến nhà tôi”. Vì chưa vội về Hà Nội nên tôi đã vui vẻ nhận lời và hẹn ngày đến thăm.

Hôm sau, tôi đến thăm nhà thầy. Sau khi hỏi han trò chuỵện một lúc, thầy Phúc lấy ra một quyển sách khá dày rồi nói:

“Ðây là một quyển từ điển về những từ Việt gốc Hán. Một ông bạn của tôi ở bên huyện Can Lộc đã mua lại từ một hàng mua bán sách báo cũ nào đó. Nói là sách báo cũ nhưng phần nhiều là những thứ

chưa ai đọc cả. Các cơ quan có quỹ để mua thì cứ mua về, hoặc có khi được biếu tặng, để một vài tháng thấy không ai quan tâm thì họ lột bìa và xé những trang có đóng dấu rồi bán cùng với báo cũ. Ở Hà Nội thì loại này nhan nhản. Nhiều quyển dày cộp, giá mua có khi đến hàng trăm ngàn. Như quyển này, nếu mua cũng phải đến bảy tám mươi ngàn chứ chẳng ít đâu. Vốn là người quý sách, lại thấy quyển này thuộc loại rất cần thiết nên ông ấy đã mua lại với giá hai ngàn đồng, nếu đúng là sách quý thì ông sẽ tìm cách khôi phục lại hẳn hoi. Tôi cũng là người yêu quý sách, lại rất quan tâm đến từ ngữ tiếng Việt nên đã mượn về xem ít lâu để học hỏi thêm, nhưng càng đọc càng thấy bậy quá. Soạn giả này liều lĩnh quá, nói sai rất nhiều khiến tôi không chịu nổi. Cứ những sách như thế này mà đem ra dạy và học thì nguy to. Tôi và một số bạn của tôi rất phẫn nộ”.

Thế rồi thầy giáo nêu ra một số ví dụ, sau đó, vừa đưa sách cho tôi vừa nói: “Ông cứ xem đi, rồi sẽ thấy những điều tôi nói chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số cái sai mà soạn giả đã phạm phải”.

Tôi cầm lấy quyển sách từ tay thầy. Sách dày hơn 850 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, giấy tương đối trắng. Có lẽ chỉ mới in cách đây vài năm là cùng. Trước hết, tôi lần theo những thí dụ mà thầy vừa nêu rồi xem lướt qua vài chục trang. Quả thật, những điều thầy nói hoàn toàn đúng. Thấy tôi cũng tỏ ra bực mình về nội dung quyển sách, thầy chậm rãi nói:

“Chính vì quyển sách này mà tôi phải cố mời ông đến đây. Một quyển sách như thế sẽ gây tai hại không nhỏ. Từ điển về tiếng Việt là cuốn sách dạy tiếng Việt cho mọi người Việt Nam (và cả cho mọi người nước ngoài cần học tiếng Việt) nên nó thuộc loại sách rất quan trọng. Soạn giả đóng vai trò như một ông thầy, tuy không đứng trên bục giảng nhưng có vô số học viên. Một thầy giáo nói sai trên bục giảng thì chỉ mới gieo điều sai vào cho vài chục hoặc vài trăm học sinh, nhưng một quyển từ điển về tiếng Việt mà sai thì nó làm loạn cả ngôn ngữ của chúng ta. Các học sinh, sinh viên, rồi các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà văn, nhà báo cứ theo đó hết năm này qua năm khác mà dạy sai, nói sai, viết sai thì tai hại thật khó lường. Trong lúc tiếng Việt đang ngày càng bị dùng sai đến mức đáng báo động thì sự tồn tại của quyển sách này càng có tác dụng phá hoại ghê gớm hơn. Chúng tôi hết sức phẫn nộ trước biểu hiện vô trách nhiệm của soạn giả đối với ngôn ngữ của dân tộc.

Những người đọc như chúng tôi rất muốn vạch rõ những cái sai hết sức tệ hại của nó để cảnh báo với xã hội, nhưng phải có tài liệu phong phú thì viết mới có sức thuyết phục, nên đành chịu. Ở Hà Nội có nhiều sách tra cứu nên việc đó đối với ông chắc không khó lắm. Chỉ có điều là ông phải đọc ngay, vì không phải là sách của tôi nên tôi không dám đưa cho ông mượn lâu. Hiện nay, chúng ta chưa biết tên sách và tên soạn giả, nhưng sớm muộn gì rồi cũng tìm ra thôi. Tôi nghĩ rằng, phải sớm vạch rõ những điều bịa đặt dối trá trong quyển sách này để nó bớt gây hại cho xã hội, rồi sau đó chính độc giả của ông sẽ giúp tìm ra “thủ phạm” cũng nên”.

Trước lời lẽ của thầy, tôi không thể từ chối nên đã cầm quyển sách ấy về nhà người bạn, cặm cụi đọc mấy ngày liền, ghi chép thật cẩn thận mọi điều cần thiết để viết một bài nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu của quyển sách này càng sớm càng tốt. Việc truy tìm vị soạn giả rất đáng lên án kia đành phải để lại sau.

Qua mấy ngày miệt mài đọc và ghi chép, chúng tôi phát hiện được hơn 170 trường hợp rất đáng phê phán. Quả thật, chúng tôi rất thông cảm với nỗi phẫn nộ chính đáng của thầy Phúc cùng các bạn của thầy, và cũng rất khâm phục tính thận trọng cùng tinh thần trách nhiệm của họ, nên tôi thấy cần phải thực hiện sự uỷ thác của thầy giáo đáng kính này. Chưa thể nói là mọi sai phạm nghiêm trọng trong quyển sách đều đã được phát hiện hết, bởi vì chúng tôi chỉ mới đọc lướt qua nên chưa chắc đã phát hiện được một nửa số sai lầm mà soạn giả đã phạm phải, nhưng những gì mà chúng tôi viết ra thì phải trung thực, chính xác. Ngoài ra, chúng tôi cũng không kể đến những sai lầm mà có thể là do lỗi của biên tập viên hoặc của người xếp chữ. Khi trả lại sách cho thầy Phúc, tôi đã yêu cầu thầy mượn lại giúp trong trường hợp cần thiết. Có thể, sẽ có lúc chúng tôi phải đọc kỹ hơn và chắc hẳn là còn phát hiện thêm nhiều sai lầm khác.

Lúc đầu, chúng tôi cảm thấy một điều hơi lạ là, soạn giả đã giải nghĩa tất cả mọi từ tố gốc Hán, ý như muốn sửa chữa tận gốc mọi sai lầm lâu nay trong cách hiểu và cách dùng các từ Việt gốc Hán, sao ông (hay bà?) lại không ghi chữ Hán kèm theo. (Ðiều này cách đây vài chục năm thì quả là khó thực hiện, nhưng từ năm 1990 đến nay thì đã trở thành một việc đơn giản, vì có máy tính điện tử giúp sức). Tuy nhiên, sau khi đọc được vài chục trang, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, soạn giả này hoàn toàn không đọc được chữ Hán nên không thể ghi các từ bằng chữ Hán được, nhưng ông vẫn muốn tỏ ra hiểu biết sâu sắc về mảng từ Hán Việt nên đã ra sức giải nghĩa từng từ tố. Vì thế, khi giải nghĩa các từ tố, ông ta chỉ có thể đoán mò dựa theo âm Hán-Việt hoặc bịa ra nghĩa cho các từ tố. Với vốn liếng như vậy, bằng cách suy luận chủ quan chứ không sử dụng được các phương tiện tra cứu có uy tín nhất thì vấp phải sai lầm là lẽ đương nhiên. Cho nên, việc ông bịa sai nghĩa của hàng trăm từ tố và sai nghĩa của hàng trăm từ cũng không có gì lạ. Ðiều đáng để cho chúng ta suy nghĩ là ở chỗ, ông dám đem sự hiểu biết bập bõm, lỗ mỗ của mình ra làm khuôn mẫu để dạy đời và lừa bịp mọi người, mà hậu quả là gieo rắc những điều sai lầm cho nhiều thế hệ. Từ xưa đến nay chưa từng có soạn giả nào liều lĩnh như ông.

Trong bài phân tích của mình, để cho thật cụ thể và giúp quý vị độc giả dễ dàng tra cứu lại, bên cạnh mỗi từ, chúng tôi đều kèm theo chữ Hán tương ứng ở dạng phồn thể (tức là dạng truyền thống mà mọi người học chữ Hán ở bất cứ đâu cũng đều đọc được), trừ những từ “nửa Hán nửa Việt” không thể có trong vốn từ ngữ của Trung Quốc. Với sự phân tích của chúng tôi, quý độc giả không thạo chữ Hán vẫn thừa sức lĩnh hội toàn bài.

Người viết bài này hy vọng rằng, những ai yêu mến và quý trọng tiếng Việt sẽ không cảm thấy uổng công sau khi đọc hết những trang dưới đây.

Hàng trăm sai lầm khó tưởng tượng

Ðể độc giả dễ theo dõi, chúng tôi tạm phân chia gần 200 mục từ phạm sai lầm ra thành 8 loại. Sự phân chia đó chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi vì trong nhiều trường hợp, khi giảng giải các từ tố, nêu định nghĩa và nêu thí dụ về từng từ, soạn giả thường phạm vài sai lầm cùng một lúc (giải nghĩa sai một hoặc cả hai từ tố, nêu định nghĩa sai, ví dụ không đúng) nghĩa là số sai lầm lớn hơn con số 170 rất nhiều, nhưng chúng tôi thấy rằng mỗi từ dù đã phạm hai hoặc ba sai lầm cũng chỉ nên phân tích một lần. Vì phải xử lý hàng trăm trường hợp nên sự phân chia của chúng tôi có thể chưa thật thoả đáng. Hiển nhiên, một soạn giả đã phạm quá nhiều sai lầm nghiêm trọng về mặt ngữ nghĩa như thế thì hẳn là số trường hợp “chưa ổn” còn lớn hơn rất nhiều, chúng tôi không đủ thì giờ để bàn đến. Tuy chưa biết soạn giả là ông hay bà nhưng chúng tôi cứ tạm xưng bằng “ông”, hẳn cũng hơi liều. Kính mong quý vị độc giả thông cảm.


I. Giải nghĩa các từ tố chưa thoả đáng

Trong nhóm này, các từ tố được giải nghĩa không thoả đáng. Ở đây, soạn giả chỉ nêu được một vài nghĩa mà từ tố đó có thể có chứ không nêu được nghĩa đúng, thích hợp với từ mà ông đang xem xét. Chúng ta biết rằng, mỗi chữ Hán ứng với mỗi từ tố thường có nhiều nghĩa. Trong từng từ cụ thể, soạn giả phải nêu thật đúng một hay vài nghĩa của nó để giải nghĩa cho thât xác đáng. Ví dụ, chữ sinh 生 có nghĩa là sống nhưng cũng có nghĩa là sinh vật và nhiều nghĩa khác nữa, nếu trong trường hợp có nghĩa là sinh vật mà giảng nghĩa là sống thì không thích hợp và không thoả đáng. Trong những trường hợp dưới đây, ở mỗi từ, soạn giả chỉ nêu được một nghĩa cho mỗi từ tố mà không nêu được nghĩa thoả đáng cho từng trường hợp cụ thể.


1. ẩn lậu 陰漏

Theo soạn giả thì ẩn nghĩa là giấu kín; lánh đi; ngầm; lậu nghĩa là rỉ ra ngoài, và ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra. Quả thật, trong chữ Hán, chữ lậu 漏 này có nghĩa là rỉ ra ngoài. Nhưng như thế thì các từ tố ẩnlậu có vẻ như trái nghĩa với nhau, bởi vậy, giải nghĩa như vậy là không thoả đáng, mà gọi là sai cũng được. Chữ lậu còn có vài nghĩa khác nữa, mà trong trường hợp này nó có nghĩa là lọt,thoát (lậu võng nghĩa là lọt lưới), cũng là trốn tránh mà thôi. Vậy ta có thể nói rắng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, là lẩn tránh. Soạn giả định nghĩa rằng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra là để “khắc phục” điều mâu thuẫn mà ông cũng nhận thấy như chúng tôi chăng, nhưng, không thẳng thắn nói ra nghĩa là nói một cách ấp úng vì sọ sệ, hoặc là ở trong tình thế không thể giấu giếm được nên đánh phải nói ra chứ đâu có phải là ẩn lậu.


2. ba đào 波濤

Soạn giả giải thích: ba = sóng; đào = dậy sóng; và, ba đào = chìm nổi gian truân. Theo chữ Hán, ba 波 là sóng (nghĩa là mặt nước bồng bềnh nhấp nhô), đào 濤 là sóng lớn (danh từ) chứ không phải là dậy sóng (động từ). Ba đào nghĩa là sóng nước, chỉ cảnh chìm nổi lên xuống trong cuộc đời. Ðã soạn từ điển thì phải tra cứu thật cẩn thận rồi mới nên viết ra, vì từ điển là sách tra cứu cho mọi người, góp phần đào tạo con em chúng ta “nên người”.


3. bị cáo 被告

Bị cáo là người bị tố cáo và bị toà án đem ra xét xử. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của từ này, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy ông giải thích rằng, cáo nghĩa là báo cho biết! Nếu đúng như vậy thì từ bị cáo chẳng liên quan gì với việc báo cho biết. Ðành rằng, chữ cáo 告 cũng có nghĩa là báo cho biết, nhưng nó còn có một số nghĩa khác nữa, mà cụ thể ở đây là buộc tội, vạch tội.


4. bồng bột 蓬 勃

Theo các từ điển Hán ngữ, từ bồng bột 蓬 勃 vốn có nghĩa là xanh tốt um tùm (nói về thảo mộc) và nghĩa mở rộng là sôi nổi, mạnh mẽ (thường chỉ trạng thái hăng hái quá mức). Sang tiếng Việt thì hầu như từ này không được dùng với nghĩa vốn có ban đầu của nó trong Hán ngữ nữa. Từ điển Tiếng Việt do Gs Hoàng Phê chủ biên giải thích rằng, từ bồng bột có hai nghĩa: 1. (ít dùng) Sôi nổi và có khí thế mạnh mẽ; 2. Sôi nổi, hăng hái nhưng thiếu chín chắn, không lâu bền. Còn theo cuốn từ điển mà chúng ta đang xem xét thì bồng bột nghĩa là sôi nổi nhất thời. Theo chúng tôi thì Từ điển tiếng Việt giải nghĩa đầy đủ hơn. Nhưng, điều mà chúng tôi lưu ý ở đây là, soạn giả của chúng ta giải nghĩa các từ tố chưa thoả đáng. Ông cho rằng, bồng = cỏ bồng, cảnh tiên, và, bột = bỗng nhiên. Như vậy thì hai từ tố bồngbột thật khó tạo thành cái nghĩa sôi nổi nhất thời mà soạn giả đã nêu lên! Ðành rằng, chữ bồng có các nghĩa như ông đã nêu nhưng đó không phải là nghĩa của nó trong từ bồng bột. Chữ bồng còn có nghĩa là , bờm xờm và đó mới là nghĩa đúng ở đây. Nghĩa này đã trở nên quen thuộc với mọi người Việt Nam. Về từ tố bột, tuy nó cũng có nghĩa là bỗng nhiên nhưng còn có một số nghĩa khác nữa như mạnh mẽ, hưng thịnh; đùn lên, đẩy lên, v.v. Ðó chính là nghĩa của từ tố bột trong từ bồng bột.


5. cáo bệnh 告病, cáo lão 告老

Trong các từ này mà giảng rằng, cáo nghĩa là báo cho biết thì thật là ngớ ngẩn, nhưng chính soạn giả đã giảng giải như thế. Chữ cáo 告 có nhiều nghĩa, mà nghĩa cụ thể trong trường hợp này là xin rút lui, xin miễn trừ. Nghĩa này cũng đã đi vào tiếng nói hàng ngày của người Việt Nam, ví dụ, người ta nói “hôm nay có cuộc họp nhưng tôi xin cáo” thì cáo có nghĩa là xin miễn họp. Khi nói đùa thì người ta đổi cáo thành kiếu, ví dụ: chuyện đó thì tôi xin kiếu.


6. chu chuyển 周 轉

Sau khi giảng giải: chu = vòng quanh, khắp, đến nơi đến chốn; chuyển = lay động; soạn giả định nghĩa rằng, chu chuyển là chuyển động theo chu kỳ, từ hình thức này sang hình thức khác. Thực ra, chuyển nghĩa là xoay vần, là biến hoá chứ không phải là lay động. Hơn nữa, từ «chu chuyển» thường được dùng để nói về hiện tượng kinh tế, nghĩa là loại hiện tượng vô hình, do đó, dùng cụm từ «chuyển động theo chu kỳ» e không hợp, vì có vẻ hữu hình quá. Bởi vậy, nên nói là «vận động theo chu kỳ» thì thoả đáng hơn.


7. chúng sinh 眾生

Theo soạn giả, chúng = nhiều người, đông; sinh = sống. Ông đã giảng đúng nghĩa của chữ chúng 眾, nhưng chữ sinh 生 ở đây mà giảng là «sống» thì chưa ổn. Ðành rằng, chữ sinh 生 có nghĩa là sống, nhưng đó chỉ là một nghĩa chính, ngoài ra nó còn có hơn 30 nghĩa khác gồm cả động từ, danh từ, tính từ, mà nghĩa cụ thể ở đây là sinh vật, tức là động vật và thực vật. Về từ chúng sinh, soạn giả nêu ra hai nghĩa: 1) các sinh vật (theo cách nói trong Phật giáo), và 2) các cô hồn không ai thờ cúng (theo mê tín), rồi ông đưa ra một câu ví dụ: Ðổ cháo vào lá đa cuộn lại để cúng chúng sinh. Ðúng ra, phải là: để cúng cô hồn chúng sinh. Tra cứu ở một số từ điển tiếng Việt, cả Từ nguyênTừ hải của Trung Quốc, chúng tôi không thấy nghĩa thứ hai như soạn giả đã nêu. Từ chúng sinh chỉ có một nghĩa là mọi sinh vật chứ không hề có nghĩa là cô hồn không ai thờ cúng. Như vậy, khi giải thích từ chúng sinh, soạn giả đã phạm hai lỗi: chưa nêu thật đúng nghĩa của từ tố sinh và còn gán cho từ chúng sinh một nghĩa mà nó không có.


8. cố nông 僱農

Nghĩa của từ này thì ai cũng biết, đó là người nông dân nghèo không có ruộng đất và nông cụ, phải đi làm thuê, cho nên soạn giả định nghĩa không sai. Nhưng ông đã sai khi giảng rằng, chữ cố ở đây nghĩa là thuê làm, và còn sai hơn nữa khi cho rằng nó cũng có nghĩa là vững bền. Xin thưa rằng, chữ cố 僱 (trong từ cố nông) vừa có nghĩa là thuê làm và cũng có nghĩa là làm thuê. Trong từ cố nông thì cố nghĩa là làm thuê, còn trong từ cố chủ thì cố nghĩa là thuê làm. Chữ cố 僱 trong cố nông 僱 農 khác hẳn với chữ cố 固 nghĩa là vững bền (như trong từ kiên cố). Chỉ những người không biết chữ Hán mới không phân biệt được hai chữ cố này.


9. cử toạ 舉 座

Về từ tố cử, soạn giả nêu ra các nghĩa: cất lên, đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; còn toạ thì có nghĩa là ngồi. Thực ra, chữ toạ 座 ở đây vốn có nghĩa là chỗ ngồi (khác với chữ toạ 坐 nghĩa là ngồi), và nghĩa mở rộng là người đang ngồi. Còn chữ cử 舉 thì, ngoài vài nghĩa mà soạn giả đã nêu, còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có một nghĩa là tất cả, và đó chính là nghĩa của nó trong từ cử toạ. Vì thế cho nên, cử toạ nghĩa là tất cả những người có mặt (mà thường là phải có chỗ ngồi hẳn hoi, để theo dõi hoặc bàn luận một vấn đề nào đó, còn nếu có mặt trong trạng thái đứng hoặc đi để biểu thị một điều gì đó thì khó có thể dùng từ cử toạ).


10. cường điệu 疆調

Cường điệu nghĩa là nhấn mạnh quá mức để được chú ý đến. Soạn giả đã định nghĩa đúng. Nhưng chữ “điệu” ở đây lại được giải thích là “chuyển qua chỗ khác”, như thể là “điều động”, hẳn là không đúng. Tuy, chữ “điệu” 調 còn có âm là “điều” và cũng có nghĩa là chuyển qua chỗ khác, nhưng nó còn có nghĩa là sắc thái của giọng nói và của cử chỉ, như trong các từ âm điệu, thanh điệu, ngữ điệu, nhạc điệu, hay như ta thường nói, điệu múa, điệu hát, v.v. Ðó chính là nghĩa của từ tố điệu trong từ cường điệu, và nên hiểu là “phong cách diễn đạt”. Phải cắt nghĩa như thế thì mới thoả đáng.


11. danh thiếp 名 帖

Danh thiếp là tấm giấy nhỏ ghi họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ của một người, dùng trong việc giao thiệp. Soạn giả đã nêu định nghĩa như vậy, quả là không sai. Nhưng, ông giải thích rằng, thiếpchữ viết trên lụa thì thật là không thoả đáng. Quả thật, chữ thiếp 帖 vốn có nghĩa như thế, nhưng còn có nghĩa là tấm giấy (hoặc tấm lụa, dùng khi con người chưa biết cách sản xuất giấy) viết sẵn hoặc in sẵn để chuyển đạt một thông tin ngắn gọn nào đó cho người khác biết. Trong từ danh thiếp 名 帖 thì thiếp 帖 là tấm giấy nhỏ có công dụng kể trên. Nghĩa này đã được du nhập vào tiếng Việt, như trong các từ thiếp mời, thiếp chúc mừng, v.v. Ngoài ra, ở Trung Quốc ngày xưa, bản chữ Hán viết rất đẹp dùng làm kiểu mẫu để luyện tập viết chữ Hán cũng gọi là thiếp, ví dụ, thiếp Lan đình của Vương Hy Chi (303–361) đời Tấn.


12. đột phá 突 破

Theo soạn giả, đột = bỗng nhiên; phá = phá phách.; và, đột phá = phá một cách bất ngờ. Chúng ta thấy lời giải thích ở đây có vài chõ chưa ổn. Ðột phá nghĩa là chọc thủng, là phá vỡ ở một chỗ để từ đó dễ phá rộng ra xung quanh hoặc tiến sâu vào bên trong… Trong chiến đấu, nhiều khi phải tập trung lực lương lớn và giao tranh rất lâu mới đột phá được phòng tuyến của đối phương, khi đó không hề có yếu tố “bỗng nhiên”. Ở từ này, soạn giả định nghĩa chưa chính xác và các từ tố đều được cắt nghĩa chưa thoả đáng. Tuy chữ đột 突 có nghĩa là bỗng nhiên nhưng còn có nghĩa là chọc thủng, mà đó mới là nghĩa của nó trong từ đột phá 突 破. Nghĩa này đã đi vào tiếng Việt như ở các từ mũi đột (mũi nhọn để chọc lỗ vào các vật cứng), đột lỗ (chọc lỗ vào các vật cứng). Còn từ tố phá 破 thì có nghĩa là làm hỏng, là gây thiệt hại chứ không phải là phá phách, bởi vì phá phách có nghĩa là phá lung tung, mà muốn đột phá thì phải tập trung sức lực vào một chỗ.


13. hạnh kiểm 行 檢

Theo soạn giả thì hạnh là nết na, đức hạnh; kiểm là tra xét; và, hạnh kiểm là tính nết và cách cư xử của một người. Chúng tôi thấy rằng, ở đây mà hiểu kiểmtra xét thì thật không ổn, bởi vì, tra xét là một từ chỉ hành động, mà hạnh kiểm lại là một danh từ trừu tượng để chỉ một phẩm chất của con người. Vả lại, thật khó nhận thấy mối liên quan giữa tra xéttính nết của con người. Quả thật, chữ kiểm 檢 (trong từ hạnh kiểm 行檢) có mặt trong các từ kiểm tra, kiểm sát, v. v. và trong các trường hợp này, kiểm 檢 nghĩa là tra xét, tuy nhiên, nó còn có nhiều nghĩa khác.

Thật vậy, thời xưa, khi chưa có giấy, người Trung Quốc phải khắc chữ lên các thẻ tre để làm sách. Viết xong, họ dùng dây xâu chuỗi các thẻ tre ấy và bó lại rồi gắn đất sét lên chỗ nút dây và đóng dấu, con dấu đó gọi là kiểm 檢 Về sau, chữ kiểm này có thêm 6, 7 nghĩa khác nữa, trong đó có các nghĩa: bó buộc, là cách thức, là phẩm cách, rối sau đó mới có thêm nghĩa mở rộng là tra xét, v.v., và cuối cùng, nghĩa tra xét lại trở thành nghiã phổ biến nhất. Trong từ hạnh kiểm thì kiểm nghĩa là phẩm cách, là phẩm chất của con người.


14. hứng thú 興 趣

Soạn giả giải thích rằng, hứng nghĩa là do cảm giác mạnh mà hăng hái lên, thú là xô về một hướng, rồi đi đến định nghĩa: hứng thú là cảm giác thích thú trước một sự việc. Ðịnh nghĩa như vậy tuy không sai, nhưng chưa hay, vì đã phải dùng dùng từ “thích thú” để định nghĩa từ “hứng thú”. Nhưng, điều đáng chê trách hơn là ở chỗ soạn giả đã giải thích rằng,“thú” 趣 nghĩa là xô về một hướng. Tuy rằng chữ “thú” 趣 cũng có nghĩa là “xô về một phía” nhưng nó còn có nghĩa là niềm vui thich, và đó chính là nghĩa của nó trong từ “hứng thú”. Hứng thú nghĩa là niềm vui thích khiến người ta hăng hái thêm.


15. khẩn hoang 墾 荒

Khẩn hoang nghĩa là vỡ đất hoang để biến thành đất trồng trọt. Soạn giả đã định nghĩa như vậy, hẳn là không có gì sai. Nhưng, khi viết rằng, khẩn nghĩa là cày ruộng, quả là soạn giả đã giảng sai nghĩa của từ tố này. Khẩn nghĩa là lật đất, là xới đất, là khai phá đất đai. Phải khẩn hoang thì mới biến đất hoang thành ruộng để cày cấy. Vậy, khi đang khẩn hoang thì đã làm gì có ruộng? Khẩn hoang là một công việc khó khăn và phức tạp, sau khi hoàn thành thì mới có ruộng để cày.


16. nghĩa cử 義舉

Trong từ này, soạn giả giải thích rằng, nghĩa tức là việc phải nên làm, là hào hiệp; cử nghĩa là cất lên,làm việc, và, nghĩa cửviệc làm vì nghĩa. Nếu căn cứ theo lời giảng giải về các từ tố thì nghĩa cử phải là làm việc một cách hào hiệp hoặc là làm cái việc nên làm. Chúng ta thấy ông giảng đúng nghĩa của từ nghĩa cử, đó là một danh từ nên từ tố cử ở đây không thể là động từ như ông đã giảng giải, bởi vì nó cũng là một danh từ! Soạn giả phạm sai lầm ở chỗ, ông không hiểu nghĩa của chữ cử 舉 ở đây. Ngoài các nghĩa như soạn giả đã nêu, chữ cử 舉 còn có nghĩa là việc làm, và đó chính là nghĩa cụ thể ở đây. Còn chữ nghĩa 義 thì có nghĩa là hợp với đạo lý. Do đó, nghĩa cử nghĩa là việc làm hợp với đạo lý.


17. ngoạ triều 臥朝

Lê Ngoạ Triều là tên mà người đời đặt cho Lê Long Ðĩnh (con của Lê Hoàn, giết anh để cướp ngôi làm vua từ năm 1005 đến năm 1009 thì mất, sống được 24 tuổi) một ông vua bạo ngược và dâm đãng đến nỗi mắc bệnh không ngồi được nên đến buổi họp của triều đình cũng vẫn phải nằm trên giường. Soạn giả đã viết gần giống như thế, chẳng có gì sai. Nhưng khi giảng nghĩa các từ tố thì ông giảng rằng, ngoạ nghĩa là nằm trên giường, triều nghĩa là triều đình. Nếu như thế thì chỉ có thể hiểu ngoạ triều là “triều đình nằm trên giường”. Thực ra, ngoạ chỉ có nghĩa là nằm (không chỉ rõ “nằm trên giường”). Và, triều ở đây phải là một từ chỉ hành động. Ðúng vậy, “triều” vốn là một động từ. Theo lễ giáo Trung Hoa ngày xưa, mỗi buổi sáng, con cháu phải gặp ông bà cha mẹ để thăm hỏi và chúc sức khoẻ, như vậy gọi là “triều”, tức là “chầu”. Việc các quan tụ họp trước mặt nhà vua để báo cáo tình hình mọi mặt và nghe mệnh lệnh cũng gọi là “triều”, tức là “chầu vua”. Nhà vua ngồi “coi chầu”, gọi là “thị triều”, “lâm triều”, “ngự triều”. Trong từ “ngoạ triều” thì từ tố”triều” có nghĩa là “thị triều”, tức là “coi chầu”, và, ‘ngoạ triều” nghĩa là “nằm coi chầu”.


18. ngọc bội 玉佩

Soạn giả giảng rằng, bội nghĩa là đeo, ngọc bội nghĩa là đeo ngọc, và còn có nghĩa bóng là người có đức hạnh cao quý. Thật là sai lầm. Ngọc là đá quý, bội là một thứ đồ trang sức mà người Trung Quốc ngày xưa thường đeo ở thắt lưng. (Trong từ điển Từ nguyên có vẽ hình cái « ngọc bội »). Con em các gia đình quyền quý thường đeo cái «bội» bằng ngọc, tức là cái ngọc bội. Vì vậy, ngọc bội có nghĩa mở rộng là con em nhà quyền quý. Tuy chữ bội cũng có nghĩa là đeo nhưng trong trường hợp này thì bội nghĩa là một thứ vật đeo để trang sức. Ngọc bội là một danh từ chỉ đồ vật, được mở rộng ra để chỉ một lớp người trong xã hội phong kiến chứ không phải là một động từ hoặc một danh từ chỉ hành động như soạn giả đã giảng giải. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng từ này (ở câu 409-410) với nghĩa mở rộng:

Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang,

Chẳng sân Ngọc bội, cũng phường Kim môn...”

để diễn tả cảm tưởng của Thuý Kiều về Kim Trọng qua lời thổ lộ với chàng: mới nhìn qua cũng biết, nếu chàng không phải là con nhà quyền quý thì cũng là hạng người cao sang. Nếu “ngọc bội” có nghĩa bóng như soạn giả đã giảng giải thì Thuý Kiều quả là người hấp tấp, vì chỉ mới trộm liếc Kim Trọng mà đã coi chàng là người có đạo đức cao quý. Nhân vật tài sắc vẹn toàn của Nguyễn Du hiểu rất đúng nghĩa của từ “ngọc bội” chứ không mù mờ như soạn giả của chúng ta.


19. ngu dân 愚 民

Nếu cứ giải thích rằng ngu nghĩa là đần độn, dân nghĩa là người dân, như soạn giả đã làm, thì rõ ràng, «ngu dân» nghiã là «người đần độn». Thật vậy, trong tiếng Hán, từ «ngu dân» cũng có nghĩa như trong tiếng Việt nhưng còn có một nghĩa là «người ngu». Trong tiếng Việt, từ «ngu dân» hoàn toàn không có nghĩa này, mà chỉ có nghĩa là «làm cho dân dốt nát». Ở đây, từ tố ngu có tác dụng chỉ hành động “làm cho mất trí khôn”. Như vậy, trong từ «ngu dân», ta không thể giải thích rằng, ngu = đần độn, mà phải hiểu rằng, ngu = làm cho… đần độn.


20. nguyên nhung 元 戎

Theo soạn giả, nguyên = đầu, bắt đầu, lớn; nhung = chiến tranh; và, nguyên nhung = người chỉ huy tối cao trong cuộc chiến tranh. Giải thích như vậy tuy không sai nhưng không chính xác và chưa hợp lý. Nguyên 元 còn có nghĩa là đứng đầu; nhung 戎 có các nghĩa: vũ khí, binh xa, quân đội, chiến tranh. Trong từ nguyên nhung thì nhung nghĩa là quân đội; nguyên nhung nghĩa là người đứng đầu quân đội, là người chỉ huy tối cao của quân đội, dù là có chiến tranh hay không.


21. phản phúc 反復

Chữ phản 反 có nghĩa gốc là lật ngược, và người Hán có thành ngữ dị như phản thủ, nghĩa là dễ như lật bàn tay. Trong từ phản phúc, từ tố phản mang nghĩa này. Chữ phúc 復 còn có âm là phục (như trong các từ phục cổ, phục hưng) nghĩa là trở lại và soạn giả giảng là lật lại cũng đúng. Do đó, từ phản phúc có nghĩa đen lật sấp rồi lại lật ngửa, và nghĩa bóng là lật lọng, tráo trở, khi nói ngược khi nói xuôi. Về chữ phản, soạn giả nêu ra các nghĩa: trái lại; chống lại; trở lại; không trung thành,. Các nghĩa đó đều có thật nhưng không phải là nghĩa thoả đáng trong từ phản phúc. Nói rằng phản phúc nghĩa là tráo trở làm hại người vẫn tin cậy ở mình hoặc đã làm ơn cho mình (đó chính là vong ân bội nghĩa) thì thật dài dòng và không ổn.


22. phản trắc 反側

Trong từ này, phản 反 nghĩa là lật ngược chứ không phải là trái lại, chống lại, trở lại, không trung thành như soạn giả đã giảng giải. Ngoài ra, từ tố trắc 側 ở đây có nghĩa là lật nghiêng (động từ) chứ không phải là nghiêng, và như vậy thì phản trắc mới có nghĩa gần giống như phản phúc, nghĩa là tráo trở, lật lọng. Khi muốn ghép từ tố trắc nghĩa là nghiêng với một từ tố khác đóng vai trò động từ thì từ tố trắc phải đứng trước, ví dụ, trắc thị 側視 mới có nghĩa là nhìn nghiêng, trắc ngoạ 側臥 mới có nghĩa là nằm nghiêng.


23. phục vụ 服務

Về từ tố phục, soạn giả nêu ra các nghĩa: chịu theo, quần áo, ăn uống, làm việc (chúng tôi hiểu rằng, ông chú ý đến nghĩa chịu theo, tức là tuân thủ). Còn từ tố vụ, theo ông, có nghĩa là công việc. Rồi ông định nghĩa rằng: phục vụ nghĩa là làm công tác của mình vì lợi ích của một đồi tượng nào. Thực ra, chữ vụ 務 có nhiều nghĩa khác nữa, như: chuyên tâm làm việc; theo đuổi, mưu cầu (như trong từ vụ lợi), v.v., mà cụ thể trong từ phục vụ 服務 thì phục 服 nghĩa là tuân thủvụ 務 nghĩa là chuyên tâm làm việc chứ không phải là công việc. Phục vụ nghĩa là chuyên tâm làm việc vì tuân thủ lợi ích của một đối tượng nào đó.


24. phụng sự 奉事

Theo soạn giả thì phụng nghĩa là vâng theo, là hầu hạ; sự nghĩa là việc, và, phụng sự nghĩa là phục vụ theo một lý tưởng cao cả. Quả thật, chữ sự 事 cũng có nghĩa là việc, với tư cách là danh từ, nhưng đó chỉ là một trong hơn một chục nghĩa khác. Ðặt cái nghĩa ấy vào đây thì thật khó lý giải nếu không nói là vô nghĩa! Rõ ràng, ở đây, phụngsự là hai từ tố có nghĩa gần giống nhau và đóng vai trò như nhau thì mới có thể có nghiã là phục vụ một lý tưởng. Phần lớn các động từ gồm hai từ tố trong tiếng Hán đã được tạo thành theo cách này, ví dụ như các từ kiểm tra, thảo luận, giải thích, phục vụ, v.v. Các nhà nho mẫu mực ngày xưa luôn luôn tuân thủ phương châm “trung thần bất sự nhị quân”, nghĩa là: kẻ bề tôi trung thành không thể thờ (= gắng sức phục vụ) hai vua. Trong từ phụng sự, chữ sự có nghĩa là thờ chứ không có nghĩa là việc. Bởi vậy, người Trung Quốc thường nói là sự phụng, với nghĩa giống như phụng sự. Ðịnh nghĩa về từ phụng sự như soạn giả đã nêu cũng có chỗ chưa ổn. Phụng sự nghĩa là phục vụ một cách đắc lực và thành kính, chứ chưa hẳn đã là phục vụ theo một lý tưởng cao cả. Hơn nữa, lý tưởng cao cả của từng người nhiều khi cũng không giống nhau.


25. thực sự cầu thị 實事求是

Soạn giả giảng giải rằng, thực = thật thà, đúng đắn, đầy đủ; sự = việc; cầu = mong mỏi; thị = như thế, và, thực sự cầu thị nghĩa là chỉ hoàn toàn dựa vào sự thật mà quyết định. Trước hết, chúng ta thấy rằng, hai từ tố cầuthị được giải nghĩa chưa thoả đáng. Chữ cầu 求 còn có nghĩa là truy tìm, tìm tòi, mà đó mới là nghĩa trong thành ngữ này. Chữ thị 是 cũng có nhiều nghĩa mà trong trường hợp cụ thể này, nó không hề có nghĩa là như thế. Ở đây, thị 是 nghĩa là sự đúng đắn. Tuy nhiên, trong các thành ngữ, các từ tố thường có nghĩa rộng và sâu hơn nghĩa thông thường của chúng. Theo sách Hán ngữ thành ngữ từ điển (Từ điển thành ngữ tiếng Hán) của Ðại học sư phạm Tây Bắc Trung Quốc do Nhà xuất bản giáo dục ở Thượng Hải ấn hành năm 1986 thì ở thành ngữ này, cầu nghĩa là nghiên cứu, còn chữ thị thì có nghĩa là mối liên hệ bên trong của sự vật khách quan, nghĩa là tính quy luật. Do đó, nên hiểu rằng, thực sự cầu thị nghĩa là xuất phát từ tình hình thực tế, tìm ra mối quan hệ bên trong của các sự vật xung quanh, tìm ra tính quy luật trong sự phát triển của tình hình đó. Một cách ngắn gọn, có thể nói rằng, thực sự cầu thị nghĩa là dựa vào sự thực để hiểu rõ căn nguyên và diễn biến của sự việc. Như vậy, về thành ngữ thực sự cầu thị, soạn giả chưa thực sự hiểu nghĩa của nó nên đã đưa ra một định nghĩa vừa hời hợt vừa mơ hồ và giải nghĩa các từ tố không đúng.


26. thực tế 實際

Ðịnh nghĩa về từ thực tế do soạn giả đưa ra, quả là chấp nhận được. Ông đã nêu ra hai nghĩa, một là: sự có thật trong cuộc sống, và, hai là: sát với sự thật. Như vậy chúng ta biết rằng, trong trường hợp thứ nhất thì “thực tế” là một danh từ, còn trong trường hợp thứ hai – là một tính từ. Nhưng, khi giải nghĩa các từ tố, ông cho rằng, tế nghĩa là thích đáng thì quả là một sự bịa đặt liều lĩnh, vì nó không hề có nghĩa ấy. Chữ tế 際 có nghĩa gốc là chỗ tiếp giáp của hai bức tường, và nghĩa mở rộng là sự giao tiếp. Các từ điển chữ Hán giải thích rằng, trong từ thực tế, 實際 chữ tế 際 có nghĩa là sự việc khách quan, và, thực tế nghĩa là sự việc khách quan có thật.


27. trợ thủ 助手

Theo lời của soạn giả thì trợgiúp đỡ, thủtay, và, trợ thủ nghĩa là giúp sức một cách đắc lực! Nói như vậy là không đúng.Trợ thủ 助手 nghĩa là người giúp sức trong công việc, và không phải trợ thủ nào cũng đắc lực. Soạn giả đã phạm sai lầm khi coi từ trợ thủ là một động từ, lại còn gán thêm cho nó một thuộc tính mà nó không có. Ngoài ra, khi giảng nghĩa từ trợ thủ mà cho rằng, thủ 手 nghĩa là tay thì chưa thoả đáng. Quả thật, chữ thủ 手 có nghĩa gốc là tay, nhưng nó còn có hơn một chục nghĩa khác nữa, trong đó có một nghĩa là: người chuyên làm một việc nào đó hoặc người thành thạo trong một lĩnh vực nào đó, như trong các từ: cầu thủ, hung thủ, pháo thủ, thuỷ thủ, tuyển thủ, xạ thủ v.v.


28. vu cáo 誣告

Vu nghĩa là bịa đặt để làm hại người khác. Chỗ này thì soạn giả nói đúng. Nhưng, cho rằng, cáo nghĩa là báo cho biết, thì quả là sai to! Ông chỉ biết được một nghĩa của chữ cáo, và vì không biết chữ Hán nên không thể tra cứu để biết các nghĩa khác. ở đây, cáo 告 nghĩa là buộc tội,vạch tội.


© 2005 talawas