trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
12.4.2005
Phan Nhiên Hạo
Về một bài thơ của tôi bị đạo văn trên Tiền Vệ
 
Hôm nay, 8 tháng 4, 2005, Tienve có đăng bài thơ của tác giả Khuyến: “Ờ, tại sao hỏi?”. Bài này sử dụng nguyên văn một bài thơ của tôi, bài “Tại sao hỏi”, in trong tập Chế tạo thơ ca 99-04, và trước đây cũng đã xuất hiện trên chính Tienve.
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1595.

Tác giả Khuyến đã biến nguyên văn bài thơ của tôi thành bài của ông/bà ta, ngoại trừ thêm vào vài câu trong ngoặc đơn, mà không có một dòng chú thích nào. Rõ ràng đây là trò đạo văn. Tôi không quan tâm (đôi khi đồng nghĩa với khinh bỉ) những trò ám chỉ kiểu du kích thảm hại. Ðiều tôi thắc mắc là ban biên tập Tienve, những người từng lớn tiếng chống lại việc đạo văn trước đây, nay lại đi phổ biến một món hàng ăn cắp.

Còn nhớ vài năm trước đây, Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn, hai người chủ trương tạp chí Việt, tiền thân của Tienve, đã phê phán gay gắt cái mà các ông cho là trường hợp “sáng chế tài liệu giả”[3] của nhà thơ Lê Ðạt. Ngày ấy, chỉ vì trích sai một câu của Hemingway, Lê Ðạt (và những người bênh vực ông) đã bị hai tác giả này lên án bằng những lời lẽ nặng nề. Vậy mà hôm nay, Tienve đang làm chuyện ngược lại. Hơn ai hết, những người chủ trương Tienve biết rõ rằng trò đạo văn, dù nhân danh bất kỳ mục đích hoặc lý thuyết văn chương “made in Hongkong bên hông Chợ Lớn” nào, cũng là điều không được pháp luật và dư luận xã hội những nước văn minh, như Úc chẳng hạn, chấp nhận.

Năm 1919, Marcel Duchamp vẽ râu lên bức tranh Mona Lisa của Leonardo de Vinci. Nhưng Mona Lisa là tác phẩm cổ điển mà cả thế giới đều biết, Duchamp có “mần” gì với Mona Lisa thì cũng chỉ là trò chuột ngoáy đuôi lọ mỡ, không ai lẫn lộn đâu là chuột, đâu là lọ mỡ. Người ta không thể làm trò tương tự với những tác giả đương thời mà không cần chú thích. Tác phẩm của các tác giả đương thời không có tầm phổ biến như Mona Lisa, và quan trọng hơn, vẫn còn nằm trong vòng bảo vệ của luật tác quyền (Duchamp vẽ râu Mona Lisa vào dịp kỷ niệm 400 năm ngày de Vinci mất, luật tác quyền chỉ có giá trị khi tác giả còn sống cộng với từ 70 đến 120 năm sau khi tác giả qua đời). Tập Chế tạo thơ ca 99-04 của tôi, trong đó có bài “Tại sao hỏi”, là một ấn bản in tại Mỹ và đã đăng ký tác quyền với Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ
[1] . Việc đạo văn từ cuốn sách này, bên cạnh thể hiện sự thấp kém về văn hóa, còn là một hành động phạm pháp. Tác giả Khuyến có thể sử dụng bài thơ của tôi làm nguyên liệu - nếu nhìn vấn đề một cách khoan dung dưới luật “fair use” [2] - nhưng chí ít, phải chú thích rõ phần nào là của tôi, phần nào là “lao động nghệ thuật” của ông/bà. Nếu tác giả Khuyến không biết cách hành xử như vậy, thì ban biên tập Tienve nên có trách nhiệm chú thích, như talawas đã làm trước đây với trường hợp “Bài mùa thu” của tôi bị đạo văn bởi Bùi Chát.

Tôi ngờ rằng bên cạnh mục đích hướng dư luận ra khỏi cuộc tranh luận về đề tài văn chương thanh tục đang diễn ra hiện nay, bài thơ đạo văn này còn nhằm đặt tôi vào tình trạng tự mâu thuẫn với luận điểm “dĩ độc trị độc” mà tôi đề cập trong một bài viết gần đây. Trong bài “Ông Hà Minh nã đạn nhầm vào nhà văn Kiệt Tấn”, tôi có cho rằng việc Kiệt Tấn dùng lời lẽ tục tĩu để chỉ trích chính sự lạm dụng tục tĩu trong văn chương là cách “lấy độc trị độc” hiệu nghiệm; nay có thể tác giả Khuyến muốn bắt bí tôi, bằng cách lập luận việc đạo văn của ông/bà cũng là cách “lấy độc trị độc” nạn đạo văn. Tôi há miệng sẽ mắc quai. Xin thưa, có sự khác biệt quan trọng sau đây giữa hai trường hợp:

Kiệt Tấn dùng lời lẽ tục tĩu để chỉ trích sự tục tĩu, việc đó không xâm phạm quyền sở hữu tác phẩm của ai. Tác giả Khuyến làm trò đạo văn, cho dù vì mục đích gì, cũng đã xâm phạm quyền sở hữu tác phẩm của người khác. Người ta có thể đứng ngoài đường cãi nhau bằng đủ loại ngôn từ, nhưng xông vào nhà thiên hạ khuân đồ đạc về nhà mình thì không pháp luật nào chấp nhận. Trong hoàn cảnh Việt Nam, nơi luật lệ về quyền tác phẩm còn lỏng lẻo, giới trí thức càng phải tích cực góp phần cải thiện tình hình đáng buồn này, chứ không nên làm cho nó tồi tệ thêm. Việc đạo văn hoàn toàn đi ngược lại sự trung thực tối thiểu của con người văn hóa, và khiến môi trường sinh hoạt văn chương nhanh chóng trở thành một chợ trời thật giả lẫn lộn, bán mua nhếch nhác.

“Khối Thịnh Vượng Chung văn chương” chỉ có thể thịnh vượng khi được đặt nền tảng trên những luật lệ văn minh. “Mong thay”.

© 2005 talawas



[1]Chế tạo thơ ca 99-04, Phan Nhiên Hạo: đăng ký tác quyền với Copyright Office, The Library of Congress số TX 6-049-039, September 2, 2004.
Thật ra, dưới luật copyright của Hoa Kỳ, mọi tác phẩm xuất bản ở Hoa Kỳ (và các quốc gia có thỏa ước tác quyền với Hoa Kỳ) đều được mặc nhiên bảo vệ bởi luật copyright mà không cần phải đăng ký (registration). Tuy vậy, Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ khuyến khích việc đăng ký, vì điều này đem lại cho các tác giả nhiều thuận lợi hơn khi xảy ra tranh chấp. Một trong những thuận lợi cho các tác giả đã đăng ký (trước hoặc trong vòng 3 tháng ngay sau khi tác phẩm được in) là sẽ không phải trả luật sư phí trong trường hợp tranh chấp tác quyền. Xin xem thêm chi tiết về vấn đề copyright, mà thiết nghĩ rất có ích cho giới viết lách và xuất bảnViệt Nam, trong trang web sau đây của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ: http://www.copyright.gov/
[2]“Fair use” là một phần của luật copyright, cho phép việc trích dẫn những đoạn ngắn của tác phẩm để dùng trong phê bình, nghiên cứu; hay việc photocopy những đoạn rời của tác phẩm sử dụng trong lớp học... Dĩ nhiên, làm gì thì làm, người ta cũng phải ghi rõ tên tác giả và xuất xứ các trích dẫn, copy. Xem thêm chi tiết: http://www.copyright.gov/fls/fl102.html
[3]Chú thích của talawas: Cụm từ “đạo văn” vốn ở đây, nay được thay bằng cụm từ “sáng chế tài liệu giả”. Xem thêm bài “Phản ứng không lạ lùng-Trả lời Hoàng Ngọc-Tuấn, Tiền Vệ” cuả Phan Nhiên Hạo, talawas 18.04.2005.