trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
13.5.2006
Bùi Giáng
Thi ca tư tưởng
(Phạm Hầu, Hồ Dzếnh, Nguyễn Du, Ngân Giang)
 1   2   3   4   5   6 
 

Đi vào cõi thơ
Ghé chơi một trận
Bằng bước gót phiêu bồng

Cõi thơ là cõi bồng phiêu
Hoặc phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Hoặc phiêu bồng tâm ý du dương tiếu

Hoặc phiêu bồng tâm mộng trúc loạn ty

Hoặc sao thì hoặc
Dù sao thì dù
Thể thái sao thì thể thái
Cốt cách nghiễm nhiên rất mực
Vẫn là bất tuyệt phiêu bồng

Vậy kẻ nào
Tự xét mình

Từ trong tinh thể mà ra
Chả có chi là phiêu bồng tí chút
Thì chả nên cưỡng cầu
Tự ép uổng
Ghé vào thi ca thâm xứ làm chi

Cho luống cái công lao trí hải
Cho phí cái công trình bình sinh tâm nguyện

Nay kính cẩn đề kê khai vô dữ ngữ

(Bùi Giáng)

Ví đem vào Sổ Đoạn Trường
Thì treo giải Một mà nhường cho hai

(Thúy Vân và Tam Hợp Đạo Cô)


Phạm Hầu

Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai

Đó là hai câu thơ cuối bài “Vọng Hải Đài”. Đó cũng là bầu khí hậu mênh mang sầu cô độc bàng bạc khắp mấy bài thơ của Phạm Hầu còn rơi rớt lại chúng ta ngày nay.

“Chúng tôi đã cố công sưu tầm nhưng chỉ được đãi ngộ sáu bài thơ. Âu cũng lấy đó là niềm vui vậy.” (Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến)

Hai ông Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng đã viết một bài hoàn hảo về Phạm Hầu.

Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng dội gót vân hài
Hỡi ơi! Người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân vọng hải đài


Kể từ ngày gặp Phạm Hầu trong Thi Nhân Việt Nam (của Hoài Thanh Hoài Chân) tới nay đã ngót một phần tư thế kỷ. Thằng học sinh đầu xanh nay tóc đã bạc. Nó xin đọc ôn lại thơ Phạm Hầu.

Mãi dân trọn hồn vui muôn độ trước
Chưa đủ sao? Đời đòi hỏi thêm chi?
Tai đờ nghe, mi trĩu nặng từ bi
Gió bốn hướng dằn co trong tử biệt


Phạm Hầu viết những lời như thế thuở ông hai mươi mấy tuổi đầu. Hai mươi mấy tuổi mà dường như đã có đủ trong hồn một trăm năm đạo hạnh. Ông đi vào thi ca, nghệ thuật, với tâm hồn con người thanh tu đạt đạo. Người thanh niên ấy đã biết khước từ hết mọi thứ “dưỡng chất trần gian” và âm thầm gửi cho trần gian một chút tặng vật nho nhỏ.

Ngờ đâu tặng vật nho nhỏ kia lại khổng lồ như một Kim Tự Tháp nằm giữa sa mạc mênh mông để ghi lại ngấn tích một nền văn minh huyền ảo nhất thế gian.

Ông là con nhà thế phiệt trâm anh. Ông được kế thừa “y bát” của phụ thân Phạm Liệu. Y bát chân truyền kia đã đặt toàn khối văn học tư tưởng Trung Hoa tới đứng trước trận gió Tây Phương thổi lại. Thơ Phạm Hầu từ đó là cái vùng kết tinh của hai thể tinh văn minh. Hai văn minh đang gặp gỡ nhau, gùn ghè gắn bó hay tương tranh tiêu diệt nhau chơi? Chẳng rõ. Nhưng cái Tại Thể Thi Nhân của Phạm Hầu đã chịu hiến dâng thân mình ra làm Trường Sở Trụ cho cuộc cơn kia. Ông chấp thuận cuộc hôn phối cũng như cuộc giằng co. Và đem thân mình làm chiếc dương cầm cho ngân lên những cung bậc mênh mang chưa từng thấy trong văn chương kim cổ.

Mãi dâng trọn hồn vui muôn độ trước
Chưa đủ sao? Đời đòi hỏi thêm chi?

Tai đờ nghe, mi trĩu nặng từ bi
Gió bốn hướng dằng co trong tử biệt


Trong Thi Ca Tiền Chiến, đã có một Xuân Diệu làm người thanh niên ráo riết, một Huy Cận làm người thanh niên ngậm ngùi, một Hàn Mặc Tử làm người thanh niên đau khổ cực độ, Chế Lan Viên làm người chứng nhân cho điêu tàn, Hồ Dzếnh làm người đề huề giao hảo…lại thêm một Phạm Hầu làm người nghệ sỹ cao vời trang trọng mang một thánh tính u u ẩn ẩn như Nerval. Phạm Hầu mở ra trở lại chân trời bát ngát của Nguyễn Du trong giai đoạn cuối buổi Hoàng Hôn. Ông nói ít hơn Nguyễn Du, ông không đi vào giữa những thiên vạn thể của biển dâu, ông chỉ đơn sơ có mấy lời, nhưng mấy lời đào sâu khôn tả trong mạch giếng tân thanh. “Mãi Dâng Trọn Hồn Vui” là một kỳ tác muốn chìm sâu xuống mạch thẳm sinh tồn. Rồi khi ta cũng chịu ngập mình xuống đáy thẳm kia, thì kỳ tác nọ bỗng hiện thị như một Tòa Cổ Tháp nguy nga. Xin chép hết ra đây bài thơ đấy.

Mãi dâng trọn hồn vui

Mãi dâng trọn hồn vui muôn độ trước
Chưa đủ sao? Đời đòi hỏi thêm chi?
Tai đờ nghe, mi trĩu nặng từ bi
Gió bốn hướng dằng co trong tử biệt


Tiếng rên siết giờ tàn khi chấm hết
Cảnh thường xuyên đêm sáng đổi thay màu
Tim nhói lên nức nở những Ban Đầu
Những giờ cuối rơi rơi thầm tuyệt vọng


Hay đời hỏi thịt êm và tủy nóng
Tôi xin nằm yên ổn cả chân tay
Nắng có lên không mượn rợp cây bày
Mưa có xuống thêm băng hàn chút nữa


Trong đầy ải mình trần tê ngọn lửa
Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn
Nếu tôi đau mà người nhẹ căm hờn
Chắc hoa núi vui lay ngàn đóa mộng


Muôn miệng thắm tươi nụ cười hé rộng
Muôn chân say lay động khúc quân thiều
Nếu tôi đau mà người được tin yêu
Trang sách nhỏ nâng niu hồn xứ lạ


Trên đêm thúy hoa nô liều áp má
Đôi bạn đời tay dính nhựa a-giao
Nếu tôi đau, Trời đẹp! Nếu tôi đau
Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau.


Jesus Christ lúc lên Calvaire, ắt Ngài cũng âm thầm nguyện cầu như lời đó. Ngài đã về giữa bụi hồng, rửa chân cho bụi hồng nhân gian, bây giờ Ngài vĩnh biệt nhân gian, bây giờ Ngài vui lòng vĩnh biệt, và lời chúc phúc tối hậu của Ngài hẳn nhiên là: bụi hồng ở lại hãy tiếp tục rửa chân cho nhau.

Còn Như Lai? Như Lai ỡm ờ niêm hoa vì tiếu:- “Ta có thấy bụi hồng nào đâu? Ta đâu nào thấy đâu có bàn chân chi đâu mà rửa với chẳng rửa? – Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà?...”

Như Lai có cái tài tình trong phép đánh trống lảng. Đọc mấy bộ kinh Phật, ta xin xóa hết những nhan đề “Kim Cương Kinh, Bát Nhã Kinh, Bà Là Mật Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Pháp Hoa Kinh, Diệu Hoa Kinh, Huyễn Hoa Đệ Nhị Kinh, Ảo Hoặc La Treizième Kinh…” Xóa hết và chép lại là: “Như – Lai – đích – đánh – trống – lảng – tài – tình – tuyệt – kỹ - kinh.


Hồ Dzếnh

Ta không muốn nắn cung đàn
Đêm xưa dạo dưới trăng vàng đợi em
Bền gì thấp thoáng hương duyên
Đẹp gì mấy sợi mây huyền gọi mơ

Thơ dâng ngùn ngụt sắc cờ
Máu tươi hoen ố những giờ ái ân
Quên chân là khách dương trần
Trái tim đau xót bao lần vì yêu

Bình minh về ánh cao siêu
Lên thay lửa sống tiêu điều ngày xưa
Ta cười thấy cháy duyên mơ

Hân hoan khi xé những tờ… rất thơm

Ý thiêng choán hết linh hồn
Còn đâu gió nhớ cung buồn mà ca
Lần đầu trước bóng em xa
Không nghe run trái tim và…rất vui

(Hoa Xuân Đất Việt)


Nguyễn Du

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân…

Những câu thơ đẹp thiên hình vạn trạng, Nguyễn Du đã dành riêng cho Thúc Sinh một bồ rất lớn.

Mày xanh trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa…

Lưu tâm tới những vần riêng biệt Nguyễn Du dành riêng cho Thúc Sinh, ắt ta sẽ nhận ra một ngụ ý sâu thẳm của Nguyễn Du. Người ta sẽ không xô bồ đứng trên quan điểm tâm lý học để bảo rằng Nguyễn Du đã tả được linh động một nhân vật nhu nhược, sợ vợ, hèn nhát, v.v…

Hình ảnh Thúc Sinh sẽ đứng tại Trung tâm cái vùng tư tưởng thăm thẳm của Liệp Hộ, mà Dịch Kinh sẽ chiếu cố tới bằng những tiếng chả hạn như: “nhứt tịch nhứt hạp vị chi Biến, vãng lai bất cùng vị chi Thông…”

Hoặc: “phù kiền thiên hạ chi chí kiện dã. Đức hạnh hằng dị trĩ tri hiểm. Phù khôn thiên hạ chi chí thuận dã. Đức hạnh hằng giản dĩ tri trở…”

Hoặc: “Nguy giả, an kỳ vị giả dã. Vong giả báo kỳ tồn giả dã. Loan giả hữu kỳ trị giả dã. Thị cố quân tử an nhi bất vọng nguy, tồn nhi bất vọng vong, trí nhi bất vọng loạn…”

Vân vân vân vân. Và mọi thứ vân vân đều có thể lược giảm về một tiếng đơn sơ “vô khả, vô bất khả”.

Riêng một sự nhầm lẫn dị thường của học giả bấy nay về Thúc Sinh, đủ khiến chúng ta kinh dị hãi hùng, chẳng còn biết ăn nói gì ra gì được cả. Chẳng còn biết phải đặt vấn đề từ đâu ra đâu.

(Đã như vậy, còn biết rớ vào đâu mà bừa bãi nêu câu hỏi về Shakespeare, Homère, Lý Bạch, vân vân?)

Cái cuộc Kim Kiều dễ hiểu. Cuộc Từ Hải Kiều, cũng không rắc rối gì lắm. Nhưng cái cuộc Thúc Sinh Kiều, Hoạn Thư Kiều, lại là cái cuộc hàm hỗn gây náo động nhiều nhất trong tác phẩm Nguyễn Du.

Đừng nói chi xa xôi. Chỉ thử hỏi: - Riêng cái việc Kiều tắm hoa trong một mùa Hè, lúc lửa lựu lập lòe đơm bông ở đầu tường, riêng cái việc cô Thúy tắm thôi, đã có gì như một “biến cố” hãi hùng, đến nỗi Nguyễn Du đã phải để chàng Thúc vịnh vào chỗ đó, bằng một bài Đường Thi – nghĩa là bằng cả lịch sử thi ca Trung Quốc? Đem cả một khối lịch sử kia về mở đối thoại với cái tòa thiên nhiên dày sẵn đúc kia, Nguyễn Du có dụng ý gì? Và từ đó Thiên Nhiên (Phusis) đã thành Tượng?

Người ta sẽ xô bồ đáp một cách nông nổi rằng: - Nguyễn Du chả có đặc biệt dụng ý gì hết cả. Ông phỏng theo truyện Tàu, trong truyện Tàu có bài thơ vịnh Kiều tắm, thì ông Nguyễn Du cũng nhắc qua loa cái chuyện Thúc Sinh Vịnh Kiều tắm đấy thôi. Hỡi ôi! Nếu xét cho cùng kỳ lý, thì trong truyện Tàu lại còn tỷ mỷ ghi chép bài thơ nảy lửa nọ ra:

Dạ nguyệt thanh lâu đảo ngọc hồ
Mỹ nhân thừa túy khiết cù du
Băng cơ thỏ phách tranh minh mỵ
Tuyết thái hoa âm bán hữu vô

Sở khởi đái tu hô bạn thức
Dạ hành hàm tiếu thiến nhân phò
Lâm ty khoái nhập phù dung trướng
Chẩm thượng đê thanh xướng chá cô….

Bây giờ chúng ta nghĩ sao? Có phải rằng bấy lâu nay những lời bàn tán của chúng ta về Nguyễn Du, chẳng qua chỉ là tán hươu tán vượn? Nếu có đúng chăng nữa, thì cũng phải nên trả hết những lời ấy về cho truyện Tàu của Thanh Tâm Tài Nhân?

Nếu câu hỏi não nùng ra như thế, bỗng nhiên chúng ta chạm phải một ẩn ngữ không cách gì trực tiếp giải đáp.

Trong truyện Tàu, quả thật Thanh Tâm Tài Nhân đã có dành cho cặp Thúc Sinh Thúy Kiều một chỗ nằm ngồi rộng rãi tình tứ miên miên. Há đâu phải đợi tới ông Nguyễn Du mới có!

Kiều tiễn Thúc Sinh đi, đề mười bài miên man những tán thán “kim tịch thi hà tịch?” những thở than “vấn quân hà nhựt tái quy đầu? Bất tri hà nhựt thị quy kỳ?”, chiêm vọng hương quan hà xứ thị?”…Thúc Sinh đi rồi, Thúy Kiều nằm trong giường mê man hoài niệm ngâm vịnh sáu bài trùng trùng điệp điệp những “tự quân chi xuất hỹ”, những “bất cảm thượng thanh lâu”, những “bất ngôn diệt bất ngữ”, những “vô nhựt bất nam tư”, “tư quân quân bất chí… vân vân…

Kinh khủng thật.

Những lời nồng nàn cháy bỏng máu me liên tồn thốt ra như thế, quả thật không còn coi trời đất ra gì. Chúng ta không dám nấn ná ở lại lâu. Ở lại lâu trong bầu khí hậu đó, ắt sẽ loạn mất tâm thần, tiêu ma tinh thể, còn đâu bình tĩnh sáng suốt mà nhận định đâu vào đâu để bàn tới dụng ý ông Nguyễn Du hay là dụng tâm của ông Du Nguyễn. Xếp lại mọi thứ đó, câu hỏi được nêu thành chất vấn như sau: “Cả ông Nguyễn Du, cả ông Thanh Tâm Tài Nhân, cùng có dụng tâm dụng ý gì, mà lại tả cái cuộc Thúy Kiều Thúc Sinh một cách não nùng thiết tha như thế?”


Phạm Hầu

Sầu hương hoa gạo đỏ bên chân
Xa nắng chiều hoe nhạt mấy phần

Một cột đèn cao mơ góa bụa
Đường dài toan nối hận gian truân


Bốn câu thơ đầu bài “Lý Tưởng” của Phạm Hầu dường như kết tụ cả mối sầu của lớp người ngày trước… Sầu trong Lửa Thiêng, sầu trong những vần tịch mịch nhất của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… cùng tìm về đây hội họp. Bốn câu quá sức mênh mang trầm tịch. Dường như tất cả những buổi chiều cô tịch Việt Nam đã ngưng đọng lại một lần. Những buổi chiều Thừa Thiên, chiều Hà Tịnh, chiều Quảng Ngãi Nam, chiều Sơn Tây…

Nhưng mà thật ra trong bài thơ kia Phạm Hầu không có dụng ý tả buổi chiều gì cả. Nhan đề là “Lý Tưởng”. Người thy sĩ đi theo bóng lý tưởng đã bắt gặp màu sắc chiều tàn. Lý tưởng ở đâu? Thiết tha theo đuổi, nhưng chỉ nhìn thấy hoang vu. Chẳng ra lý tưởng là hoang vu hư không? Phải o bế hư không? Hôn phối với hư không, để thành tựu mộng hờ lý tưởng? Lý tưởng là mộng hờ? Biết rõ mộng hờ mơ góa bụa, sao vẫn cứ đeo đai đòi giao hoan với góa bụa?

Biết rằng vô ích sao tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi


Cổ kim có một thi nhân, nghệ sỹ, hiền nhân chân chính nào, lại chẳng nhận ra chính mình trong lời thở than đó của Phạm Hầu?

Đời tôi nếu rụng bao nhiêu sắc
Cũng bởi vì tôi quá mộng hờ


Nói theo ngôn ngữ bình dân thì ấy chính là cái cuộc:

Thả mồi bắt bóng
Bóng bắt chẳng được
Mồi kia không còn
Há chẳng là
Đáng tiếc lắm ru?

Vâng. Biết rành rành rằng thế là đáng tiếc, mà sao vẫn cứ lu bù mài miệt trong cuộc đáng tiếc kia? Vì sao như thế?

Ấy bởi lẽ trầm trọng sau đây:

Thằng thi sỹ có cái cảm tưởng cắc cớ rằng: nếu từ bỏ cái cuộc cặm cụi loay hoay bắt bóng nọ, đã đành là trách được một cuộc đáng tiếc, nhưng vì lẽ gì, hỡi ôi! Chính cái sự tình tránh được cuộc đáng tiếc, lại chính đó là điều đáng tiếc khôn hàn, gay cấn trong mọi sự đáng tiếc ở đời.

Do đó, dù biết rằng đuổi đeo là đáng tiếc, là mòn thân mỏi thể, thân tàn ma dại, v.v… vẫn cứ ù lỳ đuổi theo mãi mãi suốt một bình sinh.

Thì cũng chẳng khác chi ông già Heidegger suốt một bình sinh cố công nhọc sức chạy đi kiếm tìm hư vô, để nắm lấy cái hư vô mà dắt dìu dẫn nó về cho Tại Thể đem nó ra mà thiết lập căn cơ cho Siêu Hình Học!!! Một hai lận đận nói mãi rằng Tồn Lưu chỉ có thể nhận diện mình là lúc Tồn Lưu chịu soi bóng mình trong tấm gương vô dạng của Hư Vô!

Một trận hiện diện dị thường trong khiếm diện gây nên một tình tự vừa hoang vắng vừa chan hòa, một khuyết phạp thường hằng lại để mọc ra xum xuê những lá cây viên mãn cứ xô ùa nhau rụng mãi.

Đó là cái tạm gọi là rappochement des extrêmes: participation totale et solitude.

Bây giờ chúng ta nên thư thả đọc lại bài “Lý Tưởng” kia, suốt từ đầu tới cuối, thử đọc thuộc một trận chơi, để xem mai sau trong chiêm bao, có còn cơ hội điều tra ra manh mối chập chờn kia của “Lý Tưởng”.

Lý Tưởng

Sầu hương hoa gạo đỏ bên chân
Xa nắng chiều hoe nhạt mấy phần

Một cột đèn cao mơ góa bụa
Đường dài toan nối hận gian truân

Tôi theo tư tưởng vô cùng tận
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu
Sáng sớm: rạng đông, chiều: chạng vạng
Những giờ mới lạ có bao nhiêu?

Thuở nhỏ đêm mơ nằm thấy bướm
Giờ không mơ bướm lại mơ thơ
Đời tôi nếu rụng bao nhiêu sắc

Cũng bởi vì tôi quá mộng hờ.

- Ao ước ngày mai sắc nắng thơm
Chiều mai thôi ráng nhuộm cô đơn
Chiều qua gió thổi lời tôi nguyện
Quên thổi giùm tôi hận chập chờn.

Tôi đợi người đây, Tuyệt Đích ơi!
Dẫu xa, xa cách mấy phương trời
Biết rằng vô ích sao tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi.


Nếu bây giờ chúng ta đem cái tiếng “lý tưởng” của Phạm Hầu ra bài xích theo lối thô thiển của những người chuyên môn đẽo gọt từ ngữ theo lối phân tích tủn mủn “hợp thời trang”, thì ắt cái lý tưởng kia không còn đất đứng. Phải xóa sạch nó đi để dọn đường cho khoảnh khắc hiện tại. Người ta quên mất rằng mọi ngôn ngữ thi ca là của riêng thi ca. Chúng không có liên can chi tới cái ngôn ngữ máy móc. Chúng nằm trong cái mạch sinh động tuôn trào như một làn phi tuyền từ lòng đất uyên nguyên. Chúng nói lên cái niềm ngạc nhiên nguyên thủy của con người đối diện với cõi thế lưu ly. Nó quên bẵng mọi thứ nhân tuần cập kè trong xã hội ganh đua. Vì thế nó khai trừ cái “ký ức” lếu láo, cái “kinh nghiệm” bon chen, để phục hồi cái ký ức mênh mông, cái kinh nghiệm bát ngát trong những cuộc Lữ dị thường “trải qua một cuộc biển dâu…”

Muốn quên, thì phải có nhớ. Muốn nhớ thì phải có quên. Nhưng quên cái gì và nhớ cái gì? Người ta xao lãng sự xác định đó. Người ta hí hửng a dua lao đầu tới ghì chộp viên kẹo “mới” và cứ tưởng mình tân kỳ biết coi thường cái bánh cũ.

Nếu bây giờ chúng ta thử quên hết mọi giáo lý mà Ki Tô Giáo cũng như Phật Giáo ngày nay nói với ta, thì ắt cái hình ảnh nguyên thủy của Chúa Ki Tô và Như Lai sẽ hiện ra trong một niềm kinh thán bao la. Nếu ta quên đi hết mọi bài giảng giải chuyện Kiều của giáo dục nhà trường và của mọi ông học giả, ắt Nguyễn Du uyên nguyên sẽ hiện trở lại với cái vùng sương bóng của cuộc Lữ mênh mông Liệp Hộ, và của cơn Tịch Nhiên bất động của Thanh Hiên. Từ đó sẽ nảy ra một cuộc Hiện Diện vô ngần trong một cuộc Đối Thoại vô tức vô thanh. Vô tức vô thanh, vì nó không liên can chi tới những âm thanh của học giả. Vô ngần nghĩa là vô ngấn tích. Cuộc hiện diện vô ngấn tích vì nó nằm trong một trận khiếm diện dị thường đối với mọi thứ mưu toan thủ đoạn.

Bài thơ của Phạm Hầu đi về giải thích cho Gia Long cái thái độ im lìm của Nguyễn Du. Giải thích cho Gia Long? Nhưng có đời nào Gia Long hiểu. Những ông vua Gia Long là những ông Chúa Tể Vạn Vật, Những ông ấy không bao giờ chịu làm Kẻ Láng Giếng thơ mộng của Tồn Lưu. Biết rõ rằng những ông ấy không bao giờ nghe ra gì gì cả, nhưng Khổng Tử xưa cũng cứ mở cuộc Lữ Chu Du tới bên gùn ghè đối thoại. Đó cũng là một cách chịu chơi với Sa Mạc. Cuộc Chu Du của Khổng Tử từ đó mang trọn cái ý nghĩa câu thơ:

Một cột đèn cao mơ góa bụa
Đường dài toan nối hận gian truân.



Ngân Giang nữ sỹ

Xin tặng bà mấy câu thơ tôi lắp lại thơ bà một buổi chiều lỡ dở:

Hoa đào ngỏ vắng rụng mong manh
Tỉnh giấc trà suông liễu rủ mành
Đất lạnh xóm nghèo hoa chậm nở
Can tràng ai hẹn với ngày xanh

Ngày xưa chúng tôi không được đọc thơ bà. Sách Hoài Thanh Hoài Chân đã bỏ sót. Nay gặp bà trong sách của Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng. Thấy ông Bùi Khánh Đản họa thơ bà, tôi cũng xin nối điệu chút ít. Tôi không biết họa thơ. Xin gieo vài lời vịnh lạc lõng:

Mưa thu buổi sáng ướt thềm
Tiếng rên rỉ nọ còn thêm nỗi gì.
Dâng lên từng đợt lỗi nghì
Mùa xuân đã chết ai về gọi thu


Tôi đọc kỹ những bài thơ và văn xuôi của bà trong cuốn sách ấy. Tôi biết nói gì bây giờ? Chẳng lẽ lại lảm nhảm nói một điều quá hiển nhiên rằng thơ bà cũng quan trọng như thơ bà Huyện Thanh Quan? Đằm thắm não nùng như linh hồn Đoàn Thị Điểm? Bà hiện giờ ở đâu? Nếu quẩn quanh có mặt ở Sài Gòn? Thì chắc tôi xin rúc ra khỏi gian nhà, đi tìm thăm viếng bà.

Bài “Xuân Tưởng”, bà có ghi: “Dám mong các bạn thơ trả lời bằng những câu hỏi thơ này”.

Tôi cũng không thể trả lời bằng thơ. Trả lời bằng văn xuôi cũng không thể. Chỉ có thế viết câu hỏi của bà đã nêu ra:

Hoa đào múa cánh cuối đông rồi
Một vẫy tay tiên đủ tám bài
Ngày muộn trường văn tàn nét bút
Người làm thơ muộn đấy là ai?


Là ai? tôi không biết. Nhưng người làm thơ muộn có thể biết. Vậy để nhờ người ấy đáp.

Cách mấy mươi năm giấy mực già
Bất ngờ trùng hiện gió xưa hoa
Người làm thơ muộn nêu câu hỏi
Kẻ muộn làm thơ họa há là…


Tạm đáp dở dang như thế. Bây giờ tạm gọi là bình tĩnh yên ổn. Xin chậm rãi chép lại vài bài thơ của bà ra đây.

1. Ngày xưa

Ngày xưa có một người thơ
Vào rừng thông lạnh đợi chờ gió reo
Chim hôm loáng thoáng qua đèo
Cảnh chiều buông tiếng chuông chùa ngân nga…

2. Thế ra

Thế ra thu đã đến rồi
Thảo nào mưa gió tơi bời mấy hôm

Xa xôi ai đấy có buồn?
Thôn Dương ngành liễu võ vàng tương tư

3. Đêm mưa

Gió mưa ướt áo đủ rồi
Sao còn ngấm lạnh lòng tôi thế này
Ốm đau đã mấy tuần nay
Nét cười đã với tháng ngày trôi xa
Giờ không gạn chút vui thừa
Tựa song quạnh vắng nhìn mưa rơi buồn
Nhờ ai chắp hộ mảnh hồn
Đã vì đau giận rũ tan khắp trời
Mưa rơi từng giọt mưa rơi
Lòng ai có lạnh như tôi thế này

Kính thưa Ngân Giang nữ sỹ!

Vãn bối nhận thấy rằng thơ và văn xuôi của tiền bối đều đạt tới mức lô hỏa thuần thanh. Tiền bối hồn nhiên đạt tới như thế là vì tâm hồn tiền bối mênh mông? Hay là tiền bối có chịu khó luyện tập nhiều năm nên mới đạt được thập thành công lực?

Nay mai nếu tôi làm được bài thơ nào, tôi xin đề tặng tiền bối. Và nếu tiền bối cần thỉnh giáo điều gì, tại hạ cũng sẽ sẵn sàng chỉ vẽ cho. Chả hạn? – Chả hạn: tại hạ vốn là thằng thy sỹ đi khắp cõi uyên nguyên, siêu thực, gặp từ con chuồn chuồn nguyên thủy bão giông, tới con hùm thiêng thủy nguyên giông bão, vì lẽ gì tại hạ lại còn chiều chuộng những bài thơ chả có chi bão tố phong ba? – Đáp rằng: tại hạ đã chán ngấy hết mọi thứ phong ba bão tố rồi. Tại hạ thấy nó cũng ù lý le lói ra một thứ nhà ma đó thôi. Ích gì mà triền miên lâu ngày ở trong đó. Nên bế mạc sớm cho xong. Tại hạ tìm tới viếng thăm tiền bối, xin uống một tách nước trà đạm nhiên là đủ. Chỉ cầu mong một điều: trà kia không có pha thêm những bột phấn phồn hoa, và bàn tay pha trà không phải là bàn tay của một kẻ tốt nghiệp chuyên môn nơi một trường cao đẳng Trà Đạo, Trà Lý gì gì hết cả.
Nguồn: Bùi Giáng, Thi ca tÆ° tưởng (Sổ Ä‘oạn trường - Tức Đi vào cõi thÆ¡ cuốn II), Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 12/69, Sài Gòn - Việt Nam. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.