© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
20.6.2008
Nguyễn Xuân Quốc Việt
Ðọc “Tiếng động” của Thanh Tâm Tuyền
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Xuân Quốc Việt, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Tiếng động
Tác giả: Thanh Tâm Tuyền
Nhà xuất bản: Sống Mới
Năm xuất bản: 1970
Số trang: 167 trang
Ðịa điểm: Diễn ra tại một thành phố không rõ tên và vùng ngoại ô lân cận;
Thời gian: Vào những năm 1970;


Nhân vật chính: Nam nhân vật không rõ tên;


Các nhân vật phụ: gồm có hai mẹ con cô gái nhà hàng xóm, người lính trong trại quân đội và người bạn bị mất tích của nhân vật chính.


Mở đầu truyện

Những trang nhật ký của Tiếng động bắt đầu trong một phòng tối của nhân vật chính, một anh thanh niên vô danh chưa đầy 30 tuổi. Ngay từ lúc bắt đầu truyện, chúng ta đã có thể thấy rằng nhân vật chính này là một người có những suy nghĩ không ổn định, một người bị gò bó và đã bị tác động mạnh bởi một quá khứ nào đó. Vì thế, anh không lúc nào “bình thường,” và không khi nào có đươc một giấc ngủ ngon. Trong những đêm thức trắng, anh chia sẻ sự cô đơn của mình cùng những tiếng động đến từ mọi phương, kể cả từ quá khứ đầy kỷ niệm của anh. Mặc dù rất mệt mỏi, rất cố gắng bằng mọi cách kể cả phải sử dụng đến “thói xấu” của mình, anh vẫn không sao ngủ được.

Trong đêm khuya đó, tiếng khóc của một cô bé gái hàng xóm đã khơi dậy trong anh nhiều cảm xúc và làm anh nghĩ đến người mẹ của cô bé, một người mà anh thầm yêu. Anh nhìn thấy mình và sự cô đơn của mình qua tiếng khóc của cô bé và tìm cách chia sẻ với nó bằng những tiếng động tạo ra từ những bước chân của anh trên sàn gỗ. Không ít lâu sau, mẹ của cô bé đã về trong giữa đêm khuya và gây ra những tiếng động mà anh có thể nghe thấy được từ bên kia vách tường. Chỉ qua những tiếng động đơn giản, anh đã có thể nhìn thấy tất cả mọi cử chỉ và sinh hoạt của cô qua trí tưởng tượng đầy màu sắc của mình. Sau đó, anh lại thèm thuồng một buổi sớm mai sắp tới, một buổi sáng đầy phiêu lưu.


Nội dung truyện

Đầu tiên, chúng ta có thể cảm nhận được sự khởi đầu của một nhịp sống rất yên bình của một khu phố khi trời gần sáng. Chúng ta thấy anh lái xe lam chuẩn bị lên đường làm việc, thấy một anh con trai đang tập thể dục buổi sáng, thấy những người phụ nữ đi chợ, và làm những sinh hoạt khác (trang 29). Trên bề mặt, mọi thứ tưởng chừng như rất yên tĩnh và bình thường. Nhưng không lâu sau, chúng ta biết được rằng sự bình yên đó đang cố che giấu một cái chết bất ngờ của một người thanh niên đã tự sát.

Vì không có giấy tờ tùy thân, nhân vật chính này đã bị bắt và giam hai lần trong một ngày. Trong lần bị bắt đầu tiên, anh bị giam cùng nhiều người khác tại một trường học. Trong những lúc cô đơn một mình, anh không ngừng kêu gọi “Em,” cô gái không rõ tên ở nhà bên cạnh mà anh đã thầm yêu. Có lẽ anh chỉ đơn phương nghĩ về cô, nhưng những suy nghĩ của anh rất chi tiết và đôi lúc trái ngược nhau. Cô như “một âm thanh, một cõi rừng,” một tiếng động đặc biệt luôn làm con tim anh rung động (45). Giữa những suy nghĩ hỗn tạp đó, chúng ta lại trở lại với cuộc phiêu lưu của anh đến một vùng ngoại ô nào đó, một nơi cũng tưởng chừng như yên tĩnh và bình thường. Sau sự im lặng, sau những tiếng nô đùa của những đứa trẻ và sau những khung cảnh bình an đó là những tiếng súng nổ, là sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội, và những nguy hiểm của chiến tranh.

Một lần nữa, anh đã bị bắt và giải về một quân khu trong vùng. Qua ánh mắt quan sát đầy suy luận của anh, chúng ta thấy được một doanh trại với nhiều khía cạnh khác nhau. Dù nghèo nàn về vật chất, nhưng doanh trại này được trang bị bằng một tầng lớp thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết năng lượng. Và cũng qua những trang nhật ký này, chúng ta tình cờ hiểu rõ hơn đôi chút về nhân vật chính vô danh. Cũng như những người lính ở đó, anh đã từng chia sẻ những niềm tin và suy nghĩ của họ. Anh đã từng hoạt động tích cực và tham gia xuống đường biểu tình để khẳng định lý tưởng của mình. Nhưng những nhiệt huyết đó đã không còn trong anh nữa. Mọi ký ức của anh về những hoạt động trước đây hầu như đã tan biến hết. Có lẽ vì anh đã cố quên hay anh thật sự không nhớ được vì một lý do không rõ nào đó. Người lính nhiều lần kêu gọi anh gia nhập hàng ngũ bằng những lời lẽ “siêu nhiên già dặn.” Nhưng anh vẫn thầm từ chối để khẳng định mình và “không đời nao” cho phép mình bị cai trị bởi một lý thuyết hay chế độ nhất định nào. Sau một lúc đối thoại, hai người chia tay và nhân vật chính lại trở về khu phố của mình với nỗi cô đơn quen thuộc.

Trong chương 2 của truyện, chúng ta được tác giả giới thiệu thêm đôi chút về quá khứ của nhân vật chính này. Qua những đoạn nhật ký và những dòng thư viết cho cô gái nhà bên cạnh, chúng ta có thể nhìn xuyên qua được bề ngoài cô đơn của anh để thấy được một quá khứ rất đau buồn. Trong một lần ra tắm biển, người bạn thân của anh đã mất tích một cách khó hiểu (trang 103). Những giây phút tưởng nhớ về quá khứ của anh lại một lần bị đẩy lùi bởi những suy nghĩ về người con gái ấy.

Những dòng nhật ký tiếp theo chứa đựng nhiều chi tiết đối lập, tạo nên một bức tranh rất phức tạp và khó hiểu. “Anh yêu em”, nhưng lại rồi “em chẳng là gì dưới mắt anh” (trang 147). Chúng ta thấy được rằng tâm trạng của anh rất thất thường. Một lúc nào đó anh cảm thấy đầy tự tin, nhưng rồi đột nhiên đầy giận dữ muốn giết đi cô gái như trong truyện cổ tích “con yêu râu xanh” (trang 141), và rồi sụp đổ để trở nên tràn đầy thất vọng đến nỗi muốn kết thúc cả cuộc sống của mình bằng cách nhảy xuống sông (trang 159). Anh đôi lúc cương quyết đòi ra đi không bao giờ quay lại, đôi lúc hối tiếc nhìn lại nhà cô gái tìm kiếm hình bóng cô ta từ dưới một chân cầu xa.


Kết thúc truyện

Tất cả những suy nghĩ của nhân vật chính về cô gái đều được anh ghi chép lại trên những lá thư mà anh chưa từng gửi. Những lá thư này không những là một cách liên lạc giữa anh và cô gái mà còn là một phương tiện để anh giải tỏa tất cả những suy nghĩ và mơ tưởng viển vông trong đầu anh. Vì thế anh không thể ngừng viết. Việc viết đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống anh. Mặc dù anh không hề trao những lá thư này đến cô gái, đầu óc đầy trí tưởng tượng của anh tự bù đắp cho cuộc đối thoại đơn phương đó bằng những chi tiết hư cấu. Anh quan sát từng sinh hoạt hằng ngày của cô, những lúc cô nô đùa với con gái của mình, những lúc cô đi vắng và kể cả những khi cô ngủ. Chỉ cần một chi tiết đơn giản, anh cũng có thể thêm vào đó biết bao màu sắc và tự đặt mình vào chính giữa những sinh hoạt đó. Bằng những suy nghĩ của mình, anh tự tạo nên cho mình một chỗ đứng cố định trong tim và tâm trí của cô gái đó.

Truyện được đăt tên Tiếng động vì tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của nhân vật chính. Theo anh, “đời sống chính nằm trong sự khua động mỗi ngày, khua động không ngừng nghỉ cùng với người và vật ở quanh mình” (133). Ngược lại, sự im lặng là một cơn ác mộng, cõi âm, cõi lặng tờ mà anh không sao chịu đựng được (133).

Mặc dù Tiếng động ít đề cập đến chiến tranh, truyện phần nào cho chúng ta thấy được cuộc sống văn hóa của những năm ấy và những ảnh hưởng của lối suy nghĩ tây phương. Nhân vật chính của Tiếng động là đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh trong những năm 1970, với nhiều đặc điểm cơ bản của nó, như tự do, phản lý trí (anti-rationalism) và sự nhấn mạnh về suy nghĩ cá nhân. Nhân vật chính này không có tên và được tạo ra không theo một khuôn khổ nhất định nào. Chúng ta chỉ biết anh qua những hành động và những suy nghĩ của anh. Mọi chi tiết khác như tên, nghề nghiệp, tôn giáo, nơi anh sống, gia đình… đều bị tước bỏ hết. Anh luôn luôn cô độc một mình vì anh không cần một ai cả. Anh “chỉ một mình thôi, một mình đã là quá nhiều người chung đụng” (23).

Đề cao cá thể và sự tự do suy nghĩ của mỗi cá nhân, văn học miền Nam đã không đóng góp tích cực vào công cuộc tuyên truyền và thúc đẩy quần chúng theo một lý tưởng thống nhất. Ngược lại, dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ của chế độ cộng sản, nền văn học miền Bắc mang một định hướng rất rõ ràng và đã trở thành một công cụ truyền bá tư tưởng hiệu quả. Ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa hiện sinh, mà quan trọng nhất là sự đề cao cá nhân, trong xã hội miền Nam có thể phần nào giải thích được sự ra đời của nhiều đảng phái cô lập, bất đồng chí hướng. Và chính sự cô lập thiếu tập trung đó đã làm yếu đi sức mạnh vốn có của miền Nam. Nếu văn học nắm một vai trò then chốt nhất định nào đó trong quyết định cho sự sống còn của chính quyền Việt Nam Cộng hoà, thì miền Nam đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự tự do ngôn luận của mình trong những năm chiến tranh.

© 2008 talawas