© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.11.2004
Hải Triều
Về văn học nghệ thuật
7 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Henri Barbusse

Than ôi! Barbusse đã chết rồi.

Thế giới mất đi một viên đại tướng trên mặt trận chống với quân tàn bạo phát xít và cái họa ghê gớm của đế quốc chiến tranh.

Nhân loại không những thiệt đi một ngòi bút mãnh liệt đã đem ra phụng sự cho giai cấp lao khổ, cho các dân tộc yếu hèn mà còn mất đi một tay chiến sĩ hăng hái đem hết tinh thần, đem hết lực lượng để đánh đổ chế độ ác quái ngày nay và xây đắp một chế độ mới, cái chế độ mưu cầu sự hạnh phúc và hòa bình cho cả loài người, cái chế độ cộng sản.

Barbusse vĩnh viễn chúng ta ngày 30 Août 1935, ở Moscou, kinh đô của Liên bang Xô-viết, nhắm mắt lần cuối cùng ở giữa cái mảnh đất của vô sản cầm chánh quyền, Tổ quốc xã hội của thợ thuyền và dân cày thế giới. Barbusse để lại cho anh em đồng chí và quần chúng công nông biết bao nhiêu là vết đau thương trong lòng.


Thân thế và sự nghiệp

Sinh năm 1873, ở gần thành phố Paris, Henri Barbusse trước Âu châu đại chiến đã làm cho công chúng để ý đến những bài thi có tánh chất tả thực và hiểu biết các vấn đề xã hội một cách sâu xa. Bản tiểu thuyết Địa ngục xuất bản năm 1908 đã được hoan nghênh rồi.

Cuộc chiến tranh xả ra, Barbusse cũng đi đầu quân và ở trên các mặt trận cho đến cuối năm 1915.

Bị thương bởi hơi ngạt, từ đó thân thể của nhà văn hào suy kém đi nhiều lắm, nhất là hai lá phổi bị hơi ngạt đốt cháy hết một phần.

Ngày nay Barbusse chết vì bệnh đau phổi cũng bởi cái di họa của cuộc chiến tranh tàn khốc kia.

Năm 1916, ông trước tác bộ tiểu thuyết Khói lửa, một công trình vĩ đại bất hủ về văn nghệ làm dấy động hàng triệu người trên thế giới.

Khói lửa là sự giác ngộ của một người lính đã nhận thấy cái mặt thật của cuộc đế quốc chiến tranh. Cuộc chém giết ghê gớm kia đem mười ba triệu con người làm mồi cho súng đại bác, cho hơi ngạt, mà cái kết quả chỉ lợi cho một vài cái tủ sắt của bọn nhà giàu.

Những tinh thần chủng tộc ư? Những danh dự tổ quốc ư? Bao nhiêu cái tiếng rôm rả, kêu oai ái ấy, người ta chỉ đem ra để lừa dối dân chúng, để gạt gẫm người người mà họ thường gọi là "đồng bào", rồi họ đưa "đồng bào" ấy ra chiến trường để chịu bắn, chịu chém chịu phanh thây xé thịt, cho họ chia thuộc địa, cho họ bán súng ống, cho họ cướp thị trường, cho họ giàu sang phú quý.

Bản Khói lửa ra đời, lên án cả một chế độ tàn khốc, như chỉ vào trán quân giết người giấu tay, như cắm một cây nêu lớn cho sự liên hiệp tất cả các chiến sĩ trên thế giới, không phân chủng tộc, không chia quốc gia, chung sức lại để đối phó với một tên thù chung: chế độ tư bản; chung sức lại để kiến thiết một nền móng mới: nền móng xã hội chủ nghĩa.

Tháng 3 năm 1919, cùng với hai chiến sĩ nữa là Georges Bruyère và Fernand Tournay, Barbusse lập ra hội "Cộng hòa cựu chiến sĩ". Tôn chỉ của hội ấy là liên lạc với tất cả các cựu chiến sĩ trên thế giới dầu nước thắng trận hay bại trận, mục đích là để chống với chiến tranh.

Đến tháng 5 năm 1920 thì Hội quốc tế cựu chiến sĩ do Barbusse đứng sáng lập đã khai mạc ngay ở Genève.

Lần này khuynh hướng của nhà văn hào đối với giai cấp vô sản đã minh bạch lắm. Sự tiến hóa của ông đến chủ nghĩa cộng sản là bước đường tất nhiên. Từ nhà văn sĩ nhơn đạo, ông đã trở nên một tay chiến sĩ quả quyết đấu tranh để gây dựng sự hòa bình và tự do cho nhân loại.

Tháng 5 năm 1922, ông bị đưa ra tòa án vì hành động của Hội cộng hòa cựu chiến sĩ mà ông là hội trưởng, bị nhà đương cục cho là phá rối cuộc trị an. Tuy thế, ông vẫn mạnh dạn tuyên bố cái cảm tình của ông đối với Quốc tế cộng sản.

Cũng trong thời gian ấy, ông trước tác luôn mấy pho sách: Clarlé, Ce que fut sera, Paroles d'un Combattant, và một bộ tiểu thuyết rất giá trị Les enchainements (1924).

Đứng đầu một số văn sĩ cấp tiến, ông kêu gọi tất cả các nhà văn trí thức nên liên lạc với nhau để bênh vực cho những ý tưởng nhơn đạo và nền móng văn hóa của loài người.

Tạp chí Clarté do ông sáng lập ảnh hưởng đến thế giới một cách rất sâu xa, nhất là trong làng trí thức và nghệ sĩ. Sau tạp chí Clarté thì kế tiếp tạp chí Monde, chính là trung tâm cho sự tổ chức cuộc hội nghị quốc tế các nhà văn cùng với bao nhiêu phong trào về văn giới khác.

Đến năm 1923, giữa khi Đảng cộng sản Pháp bị quân thù công kích rất kịch liệt, Henri Barbusse tuyên bố tham gia vào chiến tuyến làm một đảng viên chính thức. Ngòi viết của ông thời kỳ này không những là để chống với đế quốc chiến tranh mà còn để ủng hộ cho giai cấp tranh đấu nữa.

Từ năm 1923 đến năm 1930, không kể đến thân tàn sức yếu, ông cứ hăng hái vận động, cứ hăng hái tổ chức các cuộc hội nghị quốc tế để chống với đế quốc chủ nghĩa, chống với chánh sách dã man ở thuộc địa, cùng các hội nghị quốc tế của các nhà cựu chiến sĩ.

Ông bôn tẩu khắp Âu châu: các nước Phần-lan. Lỗ-mã-ni, Ba-lan và Nga Xô-viết, người ta vẫn thấy dấu giày của ông đi về không ngớt. Vạch mặt cho thế giới biết những cuộc khủng bố trắng (Les bourreaux - 1935) của bọn dã man, ông lại ca tụng sự kiến thiết lớn lao và xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô-viết.

Barbusse là người sáng lập ra hội "Quốc tế cứu tế công nhân", hội "Liên đoàn phản đế", hội "Quốc tế các nhà văn sĩ và nghệ sĩ".

Tuy công việc xã hội dồn dập đến thế, ông vẫn tiếp tục công trình trước tác của ông. Những bản sách "Jésus", "Les Judas de Jésus" "Zola", đều lần lượt đưa ra chào đời.

Từ năm 1930 sắp đi, thế giới đã bắt đầu thấy cái họa chiến tranh thứ hai đã gần tới. Chế độ phát xít là chánh sách độc tài cường bạo của bọn đại tư bản chủ tâm tước đoạt hết cả những quyền lợi tự do dân chủ của quần chúng, ra mặt hoành hành. Bọn khốn nạn muốn giữ vững cái thế lực của mình, lại đem quần chúng vào con đường chiến tranh và xâm lược để chia lại các thuộc địa và giải quyết những vấn đề khó khăn ở trong nước.

Trông thấy cái thời cuộc thế giới nguy hiểm như thế Barbusse phải đương đầu tranh đấu quyết chống với hai cái họa ghê gớm của loài người: phát xít chủ nghĩa và đế quốc chiến tranh.

Cuộc hội nghị thế giới ấy khai mạc ở Amsterdam. Trên một ngàn đại biểu khắp cả các nước đồng thanh tuyên thệ sẽ dùng tất cả các phương pháp để cản trở cuộc chiến tranh lần thứ hai do bọn đế quốc gây nên. Sau cuộc hội nghị, anh em đều tán thành cử Barbusse làm chủ tịch của "Ủy ban thế giới chống chiến tranh".

Đến khi quân phát xít Hitler lên cầm quyền, Barbusse trở nên một tay lãnh tụ để chống với phát xít rất kịch liệt. Trong cuộc hội nghị phản phát xít họp kỳ tháng 5-1933 ở Paris tại phòng Pleyel, Barbusse đứng lên quyết vạch mặt quân giết người và do sáng kiến của ông, hội nghị Amsterdam và Pleyel hợp nhứt lại thành một "Ủy ban thế giới chống chiến tranh và phát xít". Hiện tại hội ấy có chi nhánh khắp các nước và có hàng triệu hội viên.

Barbusse quyết tranh đấu đến cùng, không một phút nghỉ ngơi, tuy sức lực càng ngày càng suy kém mà tinh thần thì càng ngày càng hăng hái thêm.

Ông lại đứng đầu Ban tổ chức vận động giải phóng cho Thaelman, Ossietski và bao nhiêu chiến sĩ oanh liệt khác bị quân mọi rợ phát xít cầm tù một cách dã man.

Qua mùa thu năm 1933, ông qua Mỹ để cùng anh em đồng chí bên ấy tổ chức Liên bang phản chiến tranh và phát xít. Rồi ông lại quay về khai mạc cho cuộc hội nghị của học sinh và phụ nữ quốc tế.

Tuy công việc vận động bề bộn như thế, ông vẫn tiến hành công việc về phương diện trước tác. Đầu mùa xuân năm 1935, ông cho ra đời bản sách Staline ca tụng cái công trình vĩ đại của nhà lãnh đạo cách mệnh thế giới và công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô-viết.

Nhận thấy một cách đau đớn, nền văn hóa của nhân loại sắp bị giày xéo dưới gót sắt của quân phát xít Hitler, tháng 7-1933, Barbusse đứng ra triệu tập Hội nghị quốc tế của các nhà văn để bênh vực cho nền văn hóa. Đó là Hội quốc tế các nhà văn sĩ thành lập và Barbusse được anh em cử vào chủ tịch đoàn.

Chiến tuyến bình dân thành lập. Người nắm lá cờ tiên phong cho mặt trận ấy chính là Barbusse.

Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 2 ở Tây-ban-nha và tháng 6 năm 1936 ở Pháp chánh phủ bình dân lên cầm chánh quyền. Cái công ấy một phần là do Barbusse gây dựng nên.

Ngày 14-12-1935, trước cuộc biểu tình của hàng triệu quần chúng thành phố Paris và khắp nước Pháp, Barbusse đã được thấy sự thành công một phần của sự nghiệp mình trước khi nhắm mắt. Bài diễn thuyết hùng hồn của ông hôm ấy chính là lời nói cuối cùng của ông trước mắt dân chúng mà ông yêu mến và đã đem hết tinh thần và thân thế mà hy sinh cho họ một cách hoàn toàn.

Tháng 8-1935, Hội văn sĩ và nghệ sĩ Liên bang Xô-viết mời ông qua chơi, nhân tiện ông cũng muốn dự thính một vài phiên nhóm của hội nghị Quốc tế cộng sản. Không may tới xứ ông thương yêu lại chính là ngày ông vĩnh biệt tất cả anh em đồng chí và quần chúng lao khổ cả năm châu.


Di chúc của Barbusse

Henri Barbusse chết đi rồi!

Nhưng cái chết ấy không phải là cái chết im lìm, chìm đắm trong bể thời gian vô tăm vô tích. Không, đồng chí Barbusse sau khi buông lá cờ tiên phong ra thì hàng ngàn hàng vạn Barbusse khác sẽ đứng lên và sẽ phất cờ tranh đấu tiến tới trên con đường mà nhà chiến sĩ đã vạch ra sẵn từ mấy năm nay.

Barbusse chết đi rồi!

Nhưng gương sáng hy sinh, đem một cuộc đời vô cùng đau đớn, đem hết máu trong lòng để viết thành những văn chương mãnh liệt để cống hiến tất cả cho cuộc giải phóng quần chúng lao khổ trên thế giới, như thế thì cái chết ấy cứ vẫn là một cái sống.

Đứng trước tấm thảm kịch của lịch sử loài người, nhà đại văn hào đã nhận thấy rõ nghệ thuật không phải tự nó có mục đích của nó. Cái nhiệm vụ của nó, cái cứu cánh của nó chính là giữa xã hội, chính giữa dân chúng. Nhà nghệ sĩ chân chính ngày nay là phải đem hết tài năng của mình, sự nghiệp của mình mà tham gia vào cuộc tranh đấu để giải phóng cho cả nhân loại đương bị khổ sở lầm than.

Ông cố tìm cho ra cái sự thật bị khuyết lấp trong cảnh hỗn độn của xã hội tư bản.

Ông cố tìm cho thấy cái lực lượng to lớn đầy đủ có thể chống, có thể cản, có thể giết con quỷ chiến tranh đương ám ảnh loài người.

Sự thật ấy, lực lượng ấy, đầy đủ để cứu vớt nhân loại, ông đã tìm thấy trong giai cấp thợ thuyền.

Ông thấy rõ ràng lịch sử đã trao trách nhiệm cho giai cấp vô sản, phải bênh vực cho loài người trước sự cản phá của bọn rợ phát xít, giai cấp vô sản phải gây dựng lại hòa bình và nhân đạo, trẻ trung và hạnh phúc cho tất cả thế giới.

Muốn được như thế, ông đã cương quyết cùng anh em vô sản lật đổ nền móng tư bản này đi.

Trước cái chết của người bạn đồng chiến tuyến của chúng ta, anh em hãy nghe lời của Romain Rolland gọi:

"Các bạn ơi! Hãy xích hàng lại! Henri Barbusse, viên đại tướng của chúng ta đã qua đời giữa mặt trận rồi. Tuy thế, đội quân khắp thế giới do lời gọi hùng dũng của ông sẽ tiếp tục giao chiến. Chúng ta quyết đánh cho đến sự thắng lợi cuối cùng. Chúng ta phải thắng và nhất định sẽ thắng. Chúng ta sẽ thắng đế quốc chủ nghĩa, chúng ta sẽ thắng đế quốc chiến tranh. Cái sống rồi đây sẽ thắng cái chết, hỡi anh em!".

(Viết sau khi nghe tin Barbusse chết)



*




Tựa cuốn sách Ngược đường số 9

Sự thật nhiều khi đi quá tưởng tượng và dành phần cả tưởng tượng - và những gì do tưởng tượng đẻ ra trong giờ phút lịch sử này có vẻ nhợt nhạt trơ trẽn đến thảm bại.

Dưới ánh sáng cuộc kháng chiến, sự trạng thời đại biểu hiện ra một cách chói chang và biến chuyển một cách mau lẹ vô cùng.

Còn nhà văn, trong lúc này, đuổi theo sự thật để ghi, để chép đến toát cả mồ hôi, thế mà lắm lúc lại phải "nhỡ tàu" hay "lạc hướng". Đó là cái bi kịch của thời đại mà người cầm bút là kẻ nạn nhân vì không sống hay không kịp sống cái sống mãnh liệt của dân tộc.

Dưới trời xuân kháng chiến, giữa cảnh chiến khu, chốc chốc lại đì đoành tiếng bom nổ, đạn vèo của các anh dân quân thử vũ khí từ bên kia đồi vọng lại, lòng tôi bỗng nôn nao... Giở tập Ngược đường số 9 ra đọc lại, tôi cảm thấy một hứng thú lạ lùng...

Liên miên tôi nghĩ, tôi thương cho những ai - hay là chính cả tôi nữa - đã viết những cái mà mình không sống, trong khi cái sống của dân tộc dội lên như biển dậy sóng gầm.

Ngược đường số 9 đây là một tài liệu sống, một tài liệu sống một trăm phần trăm.

Tác giả của nó - một trong những người trong cuộc - đã ghi lại bằng những dòng nóng hổi, cuộc chiến đấu của Đội biệt động đầu tiên trên con đường đeo heo hút gió.

Cuộc chiến tranh của ta là một cuộc chiến tranh nhân dân. Lực lượng quan trọng của chiến tranh nhân dân là dân quân du kích. Đó là lý thuyết, đó là sách vở.

Sự thật phiền phức hơn thế nhiều. Chiến tranh nhân dân Việt-nam khác với chiến tranh nhân dân Liên-xô, Trung-quốc. Kháng chiến Việt-nam khác với kháng chiến Pháp, Nam-tư. Và dân quân du kích Việt-nam cũng khác nốt dân quân Trung-quốc, Liên-xô, Nam-tư, Pháp.

Lý thuyết về chiến tranh nhân dân cũng như chiến lược, chiến thuật về dân quân du kích của ta đã trưởng thành trong cuộc chiến đấu mãnh liệt chống bầy rợ thực dân.

Chúng ta đã phải trải bao gian lao thử thách, mò mẫm mãi đến ngày nay mới "chỉnh" được vấn đề. Cái chiến thuật "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung', với trận đại thắng Việt-bắc đánh dấu một giai đoạn chiến lược, phải chăng đã bắt nguồn - hay nói cho đúng hơn là do sự rút kinh nghiệm - trong phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong toàn quốc, trong phong trào biệt động đội, quyết tử quân ở Bình-Trị-Thiên, trong đó có Đội biệt động đầu tiên đã độc lập tác chiến trên con đường số 9.

Đến đây gác bút hẳn là một sự thiếu sót bất công, nếu tôi không có vài dòng giới thiệu tác giả.

Mùa thu năm 1945, tôi gặp chàng thư sinh mảnh khảnh ấy trong một cuộc hội nghị, khi ấy anh còn làm bí thư thanh niên Cứu quốc Trung-bộ. Trong một cuộc hội nghị khác giữa bầu không khí nặc đượm mùi chiến tranh của mùa đông năm 1945 tôi lại gặp con người ấy tuy mắc bệnh nặng nhưng vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu giữa thành Thuận-hóa. Cuộc kháng chiến đến lúc gay go, quân Pháp từ đất Lào tràn xuống. Đoàn thể lại điều động anh về tỉnh nhà ở Quảng-trị, giao trách nhiệm thành lập và chỉ huy một đội quân tình nguyện vượt đường số 9, đánh tập hậu quân thù. Trong những ngày hoạt động du kích, đồng chí đã chia đau sẻ khổ cùng anh em đồng đội trong rừng xanh nước độc gây cơ sở đầu tiên cho phong trào dân quân miền thượng du Quảng-trị. Sau những ngày tác chiến, trong những đêm trường bên hốc đá bờ khe, vật lộn với trùng sốt, trùng lao, đồng chí đã cố chép lại bao công tác trong lúc quyết chiến với quân thù, đồng thời ghi lại những cảm xúc bi hùng trong những vần thơ sôi máu căm thù và yêu nước. Ngày nay dưới mái nhà tranh lạnh lẽo, tôi lại gặp con người ấy, sau những cơn ho xé phổi ngồi chép lại những bản thảo, kiểm lại những vần thơ để gửi cho tòa báo.

Viết đến đây tôi nhớ lại một chiều mùa thu năm 1946 lúc lên thăm mặt trận Đèo Cả ở Tuy-hòa. Cũng trong hốc đá, cũng dưới mưa ngàn, trong bầu trời âm u chốc chốc lại điểm mấy tiếng đại bác từ chiếc tàu địch ngoài khơi Vũng-rô vọng lại, tôi cũng gặp một chàng thư sinh như vậy, cũng đội trưởng, cũng mặt tái mét, cũng cặp mắt sáng quắc giữa quầng mi thâm tím. Anh đã kề vào vách đá chép tặng tôi những bài thơ nóng hổi. Khi ra về anh còn nắm tay tôi: "Chúng tôi thề chết trên đèo này chứ không bao giờ thoái lui trước giặc".

Phải chăng Hồng Chương là con người ấy hay con người ấy là Hồng Chương? Khắp đất nước thân yêu, giữa mùa kháng chiến, vô số những chàng thanh niên trai trẻ như thế đã phơi phới mọc lên như cây nảy chồi đâm lộc gặp trận mưa rào. Họ đánh giặc, họ viết văn, họ làm thơ, giữa đói khát, giữa sốt rét, giữa ghẻ chốc, giữa ho lao, và họ vẫn sống, và quyết sống, cái sống mãnh liệt và bất diệt của giống nòi.

Và, tôi nghĩ, chỉ có cái sống ấy thì thơ, văn mới có cái ý nghĩa sống của nó trong lúc này.

Ngày 2-2-1949
Nguồn: Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng ChÆ°Æ¡ng sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Ná»™i 1965, tái bản lần thứ nhất 1969