© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.4.2005
Phùng Ký́ Tài
Gót sen ba tấc
Tiểu thuyết (10 kỳ)
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Hạnh Nhi không hiểu sao mình bị mắng, bị mắng rồi lại càng rối trí. Từ sau khi Nguyệt Quế về nhà, Hương Liên ngầm sai Hạnh ghi coi chừng cô ta, lắng nghe xem Nguyệt Quế nói những gì với người trong nhà. Bạch Kim Bảo khôn ngoan như thế nên không cho Nguyệt Quế ra khỏi phòng, cơm cháo đưa vào, phân tro đưa ra, ai đến thăm đều kiếm cớ chặn lại ngoài bậc cửa. Chỉ đến đêm khuya canh vắng, ba mẹ con mới tụm lại chuyện trò với nhau trong bóng tối. Nguyệt Quế giảu môi thì thào kể hết những việc lạ lùng ở bên ngoài hơn nửa năm qua.

- Em ơi, ở trường em học những gì? - Nguyệt Lan hỏi.

- Ngoài quốc văn, toán học còn học sinh lý học, hóa học...

- Cái gì? Sinh lý là cái gì?

- Là môn học cho mình biết thân thể người ta có những gì. Không những chỉ học cái trông thấy như mắt, mũi, mồm, răng, lưỡi mà còn học về những thứ ở bên trong không trông thấy như tim, phổi, dạ dày, ruột, óc, chúng ở chỗ nào, hình dạng ra sao, công dụng những gì.

- Óc chẳng phải là tim hay sao?

- Óc không phải tim, óc để ghi nhớ và suy nghĩ.

- Có ai nói óc suy nghĩ bao giờ, đều nói ghi nhớ trong tim, suy nghĩ trong tim cả là gì?

- Tim không suy nghĩ được - Dưới ánh trăng soi, khuôn mặt nhỏ nhắn của Nguyệt Quế tươi cười dịu ngọt. Cô lấy ngón tay gí vào đầu Nguyệt Lan bảo.- Óc ở chỗ này này. - Lại chọc chọc vào Nguyệt Lan. - Tim ở đây này. Chị thử nghĩ coi, chị suy nghĩ bằng cái gì nào!

Nguyệt Lan ngẫm nghĩ một lát nói:

- Em nói đúng. Thế tim dùng làm gì?

- Tim là nơi chứa máu. Máu trong người từ đấy chảy ra, quanh một vòng lại trở về đấy

- Ôi máu cũng chảy à? Sợ quá nhỉ! Hay là dọa người ta đấy?

- Chị chả hiểu gì cả, đấy gọi là khoa học. Chị không tin, em chẳng thèm kể nữa đâu. - Nguyệt Quế nói.

- Ai không tin? Em nói đi, em vừa nói cái gì ấy nhỉ? Cái gì nhỉ? Em nói cái từ gì ấy mà! Nói lại xem nào!...

Bạch Kim Bảo nói:

- Nguyệt Lan, con đừng ngắt lời em, để em nó nói cho mà nghe... Nguyệt Quế này, nghe nói ở trường tân thời, con trai con gái ở lẫn với nhau, lại còn lăn lộn với nhau trên đất nữa. Có người chính mắt trông thấy đấy!

- Nói bậy hết! Đấy là người ta tập bài thể dục, buồn cười tắm, chỉ tiếc có kể ra mẹ với chị cũng không hiểu được... Nếu chân không bị sây sát phồng rộp thì con cũng chẳng về.

- Chớ có ăn nói dứt khoát một bể như thế. Bác con nghe thấy lại chả khâu mồm lại...

Bạch Kim Bảo dọa con nhưng mặt vẫn lộ vẻ thương yêu, thậm chí tôn sùng, coi con gái như thánh:

- Mẹ hỏi nhé, có phải trong trường nuôi một bầy chó dữ chuyên để ngoạm chân bó?
- Làm gì có chuyện ấy! Cũng chẳng có ai ép mình phải cởi chân. Chỉ vì ai cũng cởi chân, mình không cởi, tự mình thấy kì cục vậy thôi. Nhưng cởi chân đã bó chằng dễ chịu tí nào. Để buông chẳng có gì ngăn, chẳng có gì chặn mà chân vẫn đau, đau đến nỗi không chịu nổi mới phải về nhà. Con hạn đôi chân này lắm...

Sáng sớm hôm sau, Bạch Kim Bảo bôi thuốc cho Nguyệt Quế rồi lấy vải quấn chặt lại. Bàn chân để buông lâu ngày, xỏ vào đôi giấy cũ không lọt nữa, phải bảo Nguyệt Lan sang phòng thím Đổng Thu Dung mượn đôi hơi to hơn để đi. Nguyệt Quế thoạt đi thấy lạ, gắng đi một chập mới quen. Cô dạo quanh sân, quả thấy đôi chân dễ chịu, biết nghe lời nên ung dung đi lại tuỳ ý. Nguyệt Lan hỏi:

- Bó chân vẫn hay hơn phải không?

Nguyệt Quế toan lắc đầu, nhưng thấy chân dễ chịu nên không lắc mà cũng chẳng gật.

Hương Liên đứng sau cửa sổ thấy Nguyệt Quế dạo qua dạo lại trong sân thì mỉm cười, khuôn mặt nhỏ nhắn để lộ hàm răng trắng xóa. Bà chợt nhanh trí nghĩ ra một kế, sai Tiểu Ô đi mời Kiều Lục Kiều đến. Hai người bàn nhau đến nửa buổi. Kiều Lục Kiều ra về bận túi bụi; chưa đầy nửa tháng thấy trên Báo Bạch thoại đăng một bài thật ghê gớm, đề bài là Gửi những chị em có chí bó chân lại. Ngay lập tức bài báo được chú ý. Phần trên có đoạn viết:

"Người xưa yêu gót sen, người đời nay thích để chân tự nhiên, hai ý thích đó không hề phân chia lạc hậu hay tiến hóa. Phụ nữ xưa đều bó chân, con gái ngày nay phần nhiều để chân buông cũng không hề khác nhau giữa man dại với văn minh. Chẳng qua là "phong tục tuỳ nơi đổi thay, cái đẹp theo thời biến cải" mà thôi.

Nếu bảo rằng đàn bà bó chân là đồ chơi, vậy thì bà cụ cố nằm trong mộ mọi nhà, có mấy người không phải là đồ chơi? Người văn minh ngày nay có mấy ai không từ bụng mấy đồ chơi ấy chui ra? Dùng con mắt người xưa để nghị luận điều phải điều trái của người ngày nay cố nhiên là ngoan cố, không tiến bộ; lấy kiến giải của người bây giờ bình xét sở đoản, sở trường của người xưa lại càng bậy bạ lắm lắm. Nào có khác gì người hàn đới mắng người nhiệt đới rằng không nên để trần cánh tay, người nhiệt đòi chửi người hàn đới rằng áo da mũ lông tổ mệt.

Nếu bảo rằng đàn bà bó chân đánh mất vẻ đẹp tự nhiên, thướt tha giả tạo, vậy con gái tân thời uốn tóc quăn, đeo nịt ngực, đi giầy da cao gót thì thế nào? Há chẳng ngược với tự nhiên sao? Chẳng qua những trò tân thời ấy đều từ Tây dương đưa vào. Nước ngoài cường thịnh cho nên Trung Quốc coi việc học phong tục xấu của nước ngoài là tân thời, nhưng nếu Trung Quốc là cường quốc bậc nhất trên thế giới, phỏng có thấy con gái nước ngoài bó chân?

Nếu bảo rằng bó chân hôi thối, điều ấy có lí, song phải biết rằng trên đời này không có bàn chân nào không thối. Hai tay ấp vào nhau còn tỏa mùi hôi; hai chân gò trong giầy suốt ngày đi lại, hơi thối không tiêu tán đi được, chân thối hơn tay là lẽ đương nhiên. Lẽ nào chân của người để chân buông thơm hơn tay họ? Đã có người văn minh nào thử ngửi chưa? Nếu bảo rằng đàn bà bó chân yếu đuối nên nước không mạnh, thế thì tại sao đàn bà bản địa châu Phi, châu Úc khỏe mạnh lực lưỡng hơn cả Âu, Mĩ, Nhật Bản mà quốc gia không thể tự cường, đến nỗi mất nước làm nô lệ? Chị em nếu nghe những lời tầm bậy cởi chân ra, thì vải bó một khi đã nới lỏng, nhất định chị em cũng không đi được nữa. Xương đã gãy, thịt đã teo, khôi phục sao được? Ngược lại, khiến cho bọn để chân tự nhiên coi thường mà chị em bó chân cũng rẻ rúng, bà ngoại không thương, cậu ruột chẳng mến; người khác khoe khoang nói bừa là giả, còn mình chịu tội chịu nợ lại là thật. Chi bằng chị em hãy sớm quay đầu, bó lại đôi chân, nếu không, một mai buông thả, hối hận đã muộn! Bó lại dù hơi đau song đỡ hơn nỗi khổ bó lần đầu đến trăm lần, càng nhẹ hơn nỗi khó cởi chân ra đến trăm bận. Phải biết rằng thân thể tuy một phần không thoải mái song tinh thần thì mãi mãi an vui. Đàn bà con gái xưa nay, trời phú cho tính yêu cái đẹp. Người nào đẹp nhất đều phải ở trong sự gò bó trùng trùng. Không có quy có củ sao thành vuông tròn, không có gò có bó sao nên tuyệt đẹp? Nếu chị em nào muốn bước vào khu rừng đại nhã, hãy chăm lo hoàn thành của báu nơi bàn chân. Chị em đã bó xin đừng cởi ra, chị em cởi ra có chí thì lại bó. Chị em đã có chí bó lại cần bài trừ những thuyết tà gian, vận dũng khí khắp người để đoạt giải đẹp nhất trong thiên hạ.

Chúc chị em thành công, lại chúc giới gót sen vạn tuế!"

Tên kí dưới bài báo không phải Kiều Lục Kiều mà cố ý nêu cái tên "Bảo Liên nữ sư". Lí lẽ trên đây chẳng những đập tan hết thẩy mọi lời chê bai, chỉ trích, nói móc, nhục mạ chân bó một cách mạnh mẽ có lí có tình, có chứng có cớ mà còn chế riễu, nhục mạ lại tất cả lí do khuyên cởi chân đã bó. Bài báo đăng lên, kinh động trời đất. Ngày hôm ấy, khung cửa sắt nơi bán báo của phòng Kinh báo bị chẹn vẹo cả đi, tiếp đó rất nhiều thiếu nữ gửi thư đến phòng Kinh báo kể những nỗi khổ do chân nhỏ bị rẻ rúng từ khi phong trào chân to nổi lên đến nay, nỗi khổ vì cởi chân ra không bước đi được, nỗi khổ vì không nắm được yếu lĩnh và cách thức bó lại. Người ta thực sự không biết dưới gầm trời còn bấy nhiêu con người không khoái, không thích hợp, bất mãn với việc cởi chân bó ra. Nắm được sự bất mãn này thì có thể viết được khối bài.

Còn Bảo Liên nữ sử là ai nhỉ? Biết tìm đâu ra vị cứu tinh sẵn lòng cứu người, cứu đời này? Đi đâu người ta cũng hỏi thăm, chẳng bao lâu có tin đồn Bảo Liên nữ sĩ chính là nàng dâu cả Qua Hương Liên nhà họ Đồng. Tin ấy không phải do Kiều Lục Kiểu tung ra, mà do Đào Nhi chủ tâm rỉ tai một người buôn phấn son bán rong. Người bán hàng rong này nổi tiếng vì mau miệng mau chân, ngay lập tức tin truyền đi khắp thành nhanh hơn gió. Tức thì có hàng trăm hàng ngàn đàn bà con gái cởi chân đến nhà họ Đồng nhờ Bảo Liên nữ sĩ bó lại giùm cho. Sáng nào cũng vậy, khi nhà họ Đồng vừa mở cổng, quanh cổng đã náo nhiệt chẳng khác gì quang cảnh trước cồng Bắc thành một sáng năm Canh tí trước đây. Họ tập tễnh, ngã giúi ngã giụi, xiêu vẹo, lắc lư, tất cả ùa vào trong cổng. Có người còn phải dắt, phải đỡ, phải dìu, phải cõng, phải vác, phải khiêng, phải kéo; chân giơ ra cũng đủ kiểu, có sưng, có rách, có nát, có biến dạng, có biến màu, biến mùi... Trước tình thế đó, Qua Hương Liên bên tự lập ra Hội Triền Túc , tự xưng là Hội trưởng. Hễ người nào có tai không điếc trong thành ngoài thành, mỗi ngày ít nhất cũng nghe nhắc đến ba lượt danh hiệu Bảo Liên nữ sĩ.

Bảo Liên nữ sĩ có một lô đồ dùng, dụng cụ, thuốc men, cách thức, phương pháp và rất nhiều bí quyết khác. Chẳng hạn, sáng dậy ngâm nước nóng, chặt lỏng vừa mức, nghĩ thoáng cho quên đau, nằm kê cao gối, cốt cho chắc chớ vội vàng, điều chỉnh bước chân. Bí quyết bó lại gồm hai mươi mấy chữ trước hết phải đọc thuộc và học thuộc. Nếu mọc chai nhọn thì đệm bông dưới gót ắt hết đau; nếu cởi chân quá lâu, thịt trở nên cứng không dễ bó lạt thì dùng bột "kim liên nhu cơ tán" hoặc "nhuyễn ngọc ôn hương phấn" cho mềm da thịt; nếu chân xước sinh nhọt, ứ huyết, làm mủ, thối thịt thì dùng "cao rết trừ thối thịt", hoặc nuốt một viên "sinh cơ hồi xuân hoàn". Ngoài ra còn có các loại đơn thuốc bí truyền và thuốc chế sẩn làm thông huyết, thịt mềm, cơ săn, xương dẻo, dứt đau, dứt nhức, khỏi tê, khỏi ê ẩm, hết ngứa... Tất cả đều tham khảo từ "kinh bó chân" của u Phan, dựa theo tình hình bó lại cụ thể mà cân nhắc chọn cách thức và đều đạt hiệu quả lạ kì. Cả đến một cô gái đã cởi chân hai năm, gót chân sưng tấy bằng quả áp lê cũng chữa được, bó lại thành đôi chân có kiểu cách, có phong thái hẳn hoi. Đàn bà con gái Thiên Tân đều coi Bảo Liên nữ sĩ là đức Phật bà hiện thân, thắp hương tặng biển treo, biếu tiền và quà cáp cho nữ sĩ. Nhưng nữ sĩ cần danh tiếng chứ không vụ lợi, tiền bạc đồ vật nhất loạt không nhận, đồ dùng và thuốc men tự chế ra cũng chỉ thu tiền công, tiền vốn, tránh không cho bọn thối mồm thối ruột huỷ hoại danh dự của nữ sĩ. Duy ai đưa tặng biển treo thì đem treo khắp từ trong đến ngoài, người thắp hương cũng không từ chối. Nhà họ Đồng suốt này hương xông khói tỏa, vây bọc trong mùi nhang chẳng khác gì đền miếu, náo nhiệt một thời đến trời cũng muốn sập.

Bỗng một hôm ngoài cổng dán một bức tranh, bên dưới kí tên "Thiên Túc hội chế", làm cho các cô bó chân lại mất vía chạy tan đến một nửa. Cho rằng lần này hội kia lại định gây chuyện đánh nhau, Hương Liên vội triệu Kiều Lục Kiều đến bàn. Lão Sáu Kiều nói:

- Tốt hơn hết, ta cũng kiếm người vẽ mấy bức tranh, tả bộ dạng khó coi của mấy cô ả để chân to đi giầy cao gót, đăng trên Báo bạch thoại, chọc tức bọn chúng chơi. Chỉ tiếc ông Năm Ngưu đi biệt đâu chẳng thấy tăm hơi, nếu không thế nào ông ấy cũng chịu làm. Ông ta nghiền gót sen, nhất định căm bọn Thiên Túc lắm.

Hương Liên không nói gì. Sau khi Kiều Lục Kiều ra về, Hương Liên sai Đào Nhi, Hạnh Nhi tìm đến Hoa Lâm nhờ ông ta giúp. Đào Nhi, Hạnh Nhi đi ngay lập tức. Đến nhà Hoa Lâm, gọi cổng chẳng ai thưa, đẩy khẽ cổng đã mở, vào sân gõ cửa, nhà chẳng có ai, lại đẩy vào trong. Hoa Lâm đang ở phòng trong, đứng ngây dại trước một tờ giấy trắng trên tường. Lão ngoảnh lại thấy Đào Nhi, Hạnh Nhi cũng không lấy làm lạ, dường như không nhận ra, tay chỉ tờ giấy trắng luôn miệng nói:

- Tranh đẹp quá, đẹp thật!

Nói rồi lại luôn miệng thở dài thườn thượt.

Đào Nhi thấy lão điên đến bảy phần, sợ quá túm lấy tay Hạnh Nhi vội vàng chạy ra ngoài. Gặp một đám thanh niên hình dạng như côn đồ chắn lối đòi xem chân bó, hai cô thấy chuyện chẳng hay cắm đầu bỏ chạy. Nhưng tiếc thay chân nhỏ chạy không nổi, Hạnh Nhi bị giữ lại, Đào Nhi thừa cơ lẻn vào đường rẽ chuồn thẳng. Đám thanh niên này tuột giầy Hạnh Nhi, cởi hết vải bó chân, mỗi tên sờ một cái vào bàn chân trần, đôi giầy nhỏ chúng ném lên mái nhà.

Đào Nhi trốn thoát về nhà, Hương Liên hay tin có chuyện, đang định gọi người đi cứu thì Hạnh Nhi đi chân không trở về, theo sau là một lũ trẻ con vỗ tay reo hò. Hạnh Nhi đẩu tóc rũ rượi, tự bôi đất lên mặt để người đi đường khỏi nhận ra. Khi trông thấy Hương Liên, cô ta rối rít kêu: "Chân đẹp ơi là đẹp, chân xinh ơi là xinh!" rồi ngửa cổ lên cười ha hả, lại bắt Đào Nhi lấy thang trèo lên mái nhà tìm bằng được cho mình đôi giầy nhỏ. Mắt Hạnh Nhi lé về hai phía, tay chân vung loạn xạ. Hương Liên thấy cô ta hoảng sợ phát điên liền bước tới giơ tay ra sức tát mạnh một cái, miệng quát:

- Đồ non gan bé mật. Không biết liều chết với bọn chúng à?

Cái tát làm Hạnh Nhi ngã giúi xuống đất, bật khóc được, mặt đất ướt nhèm nước mắt. Bấy giở Hương Liên mới bảo Đào Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi đưa cô ta về phòng, đổ thuốc rồi cho nằm ngủ. Đào Nhi nói:

- Vụ này đúng là do Thiên Túc hội gây ra.

Hương Liên nhíu mày ngồi một lúc lâu, chợt gọi Nguyệt Quế đến hỏi:

- Cháu biết Hội Thiên Túc phải không?

- Biết ạ, nhưng cháu chưa đến chỗ họ bao giờ, chỉ có thấy hội trưởng của họ.

- Hội trưởng à? Ai thế?

Là một cô gái ăn mặc tân thời, dung nhan rất xinh! - Nguyệt Quế mỉm cười lộ vẻ thán phục.

- Không hỏi hình dung, hỏi người kia?

- Thế thì cháu không biết. Chỉ thấy cô ta để chân tự nhiên, đi giầy cao gót, cô ấy đến chỗ cháu - à không, đến trường tây nói chuyện, học trò đối với cô ấy...

- Không hỏi học trò đối xử với nó thế nào, hỏi nó ở đâu kia.

- Ô, cháu cũng không biết nốt. Nghe nói hội Thiên Túc ở trước cửa sân bóng nhà số 17 thuộc phần tô giới nước Anh, trước cửa có treo bảng...

- Mày đã đến tô giới rồi à?

Nguyệt Quế ấp úng:

- Vâng... nhưng mới đến có mỗi một lần... Thầy giáo dẫn chúng cháu đi xem người nước ngoài đua ngựa. Những người này...

- Không hỏi bọn Tây dương của mày quái đản thế nào. Con bé ấy tên gì?

- Tên Tuấn Anh, họ... Ngưu. Vâng, người ta đều gọi là Ngưu Tuấn Anh nữ sĩ. Cô ta thật hăng hái, cô...

- Thôi đủ rồi! - Hương Liên cắt ngang như lia lưỡi dao, rồi xua tay lạnh nhạt bảo:- Về phòng đi!

Khi xong mọi việc, Hương Liên một mình ngồi trên sảnh, không nhúc nhích cũng không gọi bất kì người nào bầu bạn một bên, ngồi từ lúc trời sáng đến lúc trời tối, ngồi từ lúc lên đèn cho tới lúc trống canh, trọn một đêm. Giữa đêm Đào Nhi mấy lần tỉnh giấc, nhìn qua khe cửa sổ thấy trên sảnh, trước ngọn đèn dầu trơ trọi, Hương Liên ngồi cô đơn một mình một bóng. Trong lúc mơ màng, Đào Nhi còn thấy bà chủ xách đèn lồng đến trước cả buồng Đồng Nhẫn An đứng một lúc lâu lại đến trước cửa buồng u Phan đứng lúc nữa. Từ khi Đồng Nhẫn An và u Phan chết, hai căn phòng ấy vẫn khóa cửa, chỉ có chuột chạy hoặc vài ba con dơi từ lỗ thủng nơi cửa sổ bay ra những hôm trời u ám. Trong đêm ấy, thỉnh thoảng còn vang lên tiếng khóc, tiếng cười, tiếng nói sảng của Hạnh Nhi.

Sáng hôm sau Đào Nhi tỉnh dậy, đầu nặng trịch, không biết cảnh nhìn thấy đêm qua là thực mắt trông thấy hay là mộng. Cô trở dậy toan đánh thức Hương Liên nhưng Hương Liền đã ngồi ngay ngắn trên sảnh. Cũng không biết Hương Liên dậy sớm trước cô hay cả đêm không về phòng. Thần sắc bà chủ trầm tĩnh khác thường, như vừa nuốt quả cân nên lòng dạ trở thành sắt đá. Hương Liên đang cầm một phong thư giao cho Tiểu Ô, dặn hắn chạy đến trụ sở Thiên Túc hội trong tô giới, giao tận tay phong thư này cho con bé theo tây họ Ngưu.

Giữa trưa Tiểu Ô trở về, mang tin Thiên Túc hội vâng theo lời đề nghị của Bảo Liên nữ sĩ, ba ngày sau có mặt tại đại giảng đường văn minh ở Mã Gia Khẩu cùng với Hội Triền Túc so tài cao thấp.


Hồi thứ mười lăm
Ngưu Tuấn Anh, Hội trưởng Hội Thiên Túc

Trước mặt tòa nhà bằng gạch xám ở Mã Gia Khẩu, người đông như kiến. Tuy số người đến xem cho vui không ít, nhưng nhiều hơn vẫn là tín đồ của hai phái Thiên Túc và Triền Túc. Họ muốn xem thủ lĩnh của mình và thủ lĩnh của người ai mạnh ai yếu, ai thắng ai bại, ai có tài cao, ai là đồ bỏ. Tín đồ đụng đầu tín đồ, ắt có liều mạng. Việc đời là như vậy, lúc hăng lên lấy cái chết làm trò chơi. Thủ lĩnh hai bên chưa tới, đám đông khó tránh khỏi cọ nhau, cãi nhau, nhăn mặt quỷ, văng tục, níu kéo xô đẩy, ném vỏ dưa, hột lê, quả cắy, đất đá vào nhau, lại còn phô chân ra chọc tức đối phương. Đám con gái bó chân cho bó là đẹp, phô ra chỉ khiến đám con gái để chân tự nhiên cười ầm ĩ; đám con gái chân to cho chân để tự nhiên mới đẹp, giơ chân lên khiến đám con gái bó chân phải bịt mắt, bịt mũi, che mặt. Ai cũng cầm thước đo chân người, làm rối tinh lên, cùng túm chặt vạt áo, cửa tay, cổ áo, thắt lưng nhau; có mấy người co kéo nhau, dùng sức quá mạnh, từ bậc thềm lăn lông lốc xuống. Thủ lĩnh chưa đọ sức, thủ hạ đã cà nhau, bên dưới náo nhiệt hơn cả bên trên, đó cũng là việc thường có.

Một hồi thanh la mở đường vang lên làm người ta như thấy mình trở lại thời nhà Đại Thanh, có quan phủ quan huyện đến vậy. Từ phía xa quả có một đội khiêng kiệu, theo sau là một đám đông nam nữ, nữ nhất loạt bó chân, nam nhất loạt tết bím. Lúc ấy trên đường cái, người cắt bím, người để bím, người tóc ngắn, người cắt bằng, người cắt vừa, bó chấn, cởi chân bó, bó lại chân, chân tự nhiên, chân tự nhiên dởm, chân bó dởm, nửa bó dởm, nửa bó nửa không... chen lẫn với nhau, thích kiểu nào có kiểu ấy, nhưng nếu muốn tụ tập những đàn ông tết bím, những phụ nữ bó chân lại với nhau cũng không dễ. Những người này đều là môn đồ cốt cán của Bảo Liên nữ sĩ, nhiều người bó lại chân đã chịu ơn Hương Liên. Hôm nay thấy nữ sĩ xuất trận cùng Hội Thiên Túc, họ đúng dọc hai bên lề đường cầm hương chờ đợi. Kiệu vừa đến họ đi nối ngay vào đằng sau để trợ oai cho thủ lĩnh. Trên đường đi, số người gia nhập ngày một nhiều, khói hương cuồn cuộn, bụi đất tung bay đến tận Mã Gia Khẩu. Lúc này số người đó đã lên tới vài ba trăm người, lập tức khiến cho những người thuộc phe Thiên Túc đứng trước đại giảng đường cớ vẻ thế cô lực mỏng. Nhưng họ ít người mà rất hăng, có người gào hết cỡ:

- Quỷ trong quan tài ra hết cả rồi kìa!

Phe Thiên Túc đồng thanh cười ha hả.

Không đợi phe Triền Túc kịp trả đũa, một hàng kiệu đã đổ xuống. Rèm kiệu vén lên. Qua Hương Liên bước ra trước tiên. Nhiều người lần đầu tiên mới được thấy nhân vật tiếng tăm bao trùm một đời này. Khuôn mặt nữ sĩ sao mà lạnh lùng mà lãnh đạm, mà thanh tịnh, mà xinh đẹp, ngay lập tức áp đảo cả một quảng trường hàng trăm ngàn người đến mức im lặng như tờ. Xuống kiệu tiếp theo sau là Bạch Kim Bảo, Đổng Thu Dung, Nguyệt Lan, Nguyệt Quế, Mĩ Tử, Đào Nhi,Hoa Nhi, Thảo Nhi, lại còn cả đống nhân vật bó chân tuyệt đỉnh ở Thiên Tân được mời tới như Nghiêm Mĩ Lệ, Lưu Tiểu Tiểu, Hà Phi Yến, Khổng Mộ Nhã, Tôn Giảo Phong, Đinh Thúy Cô và bà già họ Uông. Dân nghiền gót sen và dân say chân bó đứng xung quanh đến mức chỉ được người, đọc được cả tên của họ. Nghe người ta kháo thì đám nữ tướng này hầu như đủ mặt, nhất là bà già họ Uông bằng vai với Đồng Nhẫn An, coi như bể trên, không mấy khi ra phố, không lộ mặt nhưng ngày nào cũng xưng đanh chửi mắng thậm tệ bọn để chân tự nhiên lả "chân chẳng ra chân" trên Báo Bạch Thoại. Vậy mà hôm nay bà cũng chống gậy đến đây, mặt trắng bệch, mắt trống rỗng, đứng như một cái bóng dưới ánh nắng chói chang. Điều đó chứng tỏ sự việc ngày hôm nay vô cùng quan trọng, cao hơn liều mạng cả một bậc, phải gọi là quyết từ mới đúng.

Khi nhìn đến cách phục sức của đoàn người này thì ai nấy mắt tròn mắt dẹt ngó nhau, cả đến lỗi kinh ngạc, thán phục cũng không thốt lên được. Kiểu trang phục trước đời Thanh bao nhiêu năm không nhìn thấy, hôm nay cũng được đem trưng hết ra. Sự cầu kì kĩ lưỡng của các kiểu cũ, người ngày nay quyết không thể đạt tới. Chỉ riêng mái tóc đã có bao nhiêu kiểu bới khiến cho các cô gái có mặt nhìn đến ngây cả người. Chẳng hạn tóc bới kiểu đọa mã (ngựa rơi), kiểu song bàn (hai cái khay), kiểu nhất tự (chữ nhất), kiểu nguyên bảo (đĩnh bạc), kiểu bàn biện (bện quấn hình khay), kiểu hương qua (dưa bở), kiểu biển bức (cánh dơi), kiểu vân đầu -(áng máy), kiểu phật thủ, kiểu ngư đầu, kiểu bút giá (giá để bút), kiểu song ngư, song thước (đôi chim khách), song phượng, song vưu (hai nét đẹp), tứ long (bốn con rồng), bát long, bách long, bách điểu triều phượng (trăm chim chầu phượng hoàng), bách điểu triều dương (trăm chim chầu mặt trời), nhất nhật đương không (vầng dương giữa trời), v.v... Kiểu đầu "thẻ gỗ" Tô Châu như bà già họ Uông bới cũng là kiểu xưa, có từ những năm Gia Khánh, Đạo Quang triều Thanh (1796-1850), một món tóc sau ót không cần dùng dây buộc chỉ do kĩ thuật chải mà dựng đứng lên như đuôi con chim khách. Mấy bà già nhìn thấy cảnh cũ triều xưa thì mủi lòng, chót mũi cay cay, thế là nước mắt cữ rơi lã chã.

Chân nhỏ nhà họ Đồng, tuyệt kĩ trong thiên hạ. Trước đây chỉ nghe đến, bây giờ mới thấy tận mắt. Ai cũng bảo thấy cảnh không bằng nghe nói về cảnh, nhưng ở đây cảnh trông thấy tuyệt diệu hơn nghe nói trăm lần! Những đôi chân năm sắc mười màu thấp thoáng dưới gấu váy, chợt ra chợt vào, chợt ẩn chợt hiện, chợt có chợt không, nhìn đến hoa cả mắt, đang định chú mục nhìn cho kĩ thì lại chẳng thấy đâu nữa. Thì ra đoàn chân nhỏ này đã bước vào trong đại giảng đường. Ai nấy như tỉnh mộng vội vàng bước vào theo, lập tức chen chúc chật cứng cả một tòa đại giảng đường.

Hương Liên bước vào nhìn ngay xung quanh, trên dưới. Căn phòng lớn này dài như cái ống, chẳng khác nào một kho chứa hàng của nhà buôn tạp hóa, từ nền tới mái cao đến năm trượng, tít trên cao là một dãy cửa sổ lắp kính, thõng từ đấy xuống những sợi dây dài dùng để kéo cánh cửa. Trước mặt là lễ đài cao dựng bằng gỗ, có để bàn ghế, trên tường treo hai lá cờ ngũ sắc bắt chéo nhau, phía trên treo một biểu ngữ "Muốn làm người văn minh, hãy để chân văn minh". Trên tường bốn xung quanh dán đầy khẩu hiệu của hội Thiên Túc, chữ viết rất đẹp. Hội Thiên Túc quả có người tài.

Hai nam giới tay đeo băng Hội Thiên Túc đi như bay vào dừng trước mặt Qua Hương Liên, thái độ cũng kính mời họ lên lễ đài. Hương Liên dẫn đầu cả đại đội binh mã đi lên. Trên đài, bàn ghế xếp thành hai dãy hình chữ bát. Chỉ nhìn cách sắp xếp cũng đã thấy trận thế của cuộc đọ chân hôm nay. Phe Hương Liên ngồi một dãy phía bên phải. Đào Nhi đứng đằng sau Hương Liên nói:

- Đến bây giờ vẫn chưa thấy Kiều Lục Kiều đến. Lúc Tiểu Ô đưa thư, ông ấy hẹn đúng giờ đến. Ông Sáu xưa nay ủng hộ nhà mình cương quyết đến như thế, lẽ nào run không dám đến?

Hương Liên như không nghe tiếng, sắc mặt vẫn thản nhiên lạnh lùng. Một lát sau mới nói:

- Mọi việc thường đều là như thế cả!

Đào Nhi cảm thấy tim Hương Liên như một khối băng. Cô thật không ngờ. Có cứ tưởng Hương Liên có chí quyết đấu thì lòng như lửa đốt mới phải.

Lúc ấy trong đảm đông có người đàn ông nhỏ nhắn đội mũ, đằng sau gáy buông một bím tóc, nhảy lên nói:

- Thủ lĩnh hội Thiên Túc đâu rồi? Thối rồi à? Hay sợ vãi đái ra quần nên chưa ló mặt ra được thế?

Một trận cười nổ ra. Tiếng cười vừa cất lên thì cánh cửa nhỏ bên lễ đài bật mở. Mấy thanh niên hội Thiên Túc bước ra, bước ra rồi quay người lại như đằng sau có nhân vật lớn nào đó sắp xuất hiện. Lập tức một toán con gái tân thời bước ra. Thoạt nhìn lóa mắt tưởng là họ mang đèn, nhìn lại hóa ra người không. Dẫn đầu là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, hớn hở tươi cười, mặt trắng hồng, môi đỏ chót, mắt đen lay láy như hai hạt trân châu màu đen, nhìn ai như chiếu sáng người đó. Tóc cô dài rủ vai, đầu đội mũ mềm rộng vành màu ánh bạc, vành mũ gài ba cái lông gà đỏ, mặc váy đầm liền thân màu vàng óng ánh, trên tà váy dính hai vòng hoa hồng tết bằng vải vàng. Áo cổ tròn để hở cổ, không tay để lộ tay. Trên cái cổ mỡ màng đeo một giây chuyền vàng, trên cổ tay nõn nà đeo một cái xuyến vàng, khảm đầy kim cương. Váy ngắn chỉ đến đầu gối, bên dưới đùi để trần, đôi bí tất tơ bóng có mà như không nên muốn nghĩ là đùi để trấn cũng vẫn được; chân đi đôi giầy cao gót đỏ chót chẳng khác nào dẵm trên hai ngọn lửa, khiến người ta mở mắt không được mà nhắm mắt cũng không xong. Nhiều người lần đầu tiên mới được thấy cô Hội trưởng Hội Thiên Túc tiếng tăm lừng lẫy này. Có điều cách ăn vận rất đầm này li kì quá, quái lạ quá, khoa trương quá, phóng túng quá và thách thức quá, song cái nét dũng cảm, hồ hởi và xinh đẹp của cô đã áp đảo đám đàn ông đàn bà phái Triền Túc toan gây chuyện làm ồn dưới đài kia. Chẳng một ai ho he, ai nấy mở to mắt nhìn chằm chằm vào những phần để lộ ra bên ngoài là cổ, tay và đùi của Ngưu Tuấn Anh như những kẻ mất trí. Phe Thiên Túc nhìn thấy thế không nhịn được cười khanh khách, ha hả ầm cả lên. Bên này ngược lại đã lấn át bên kia.

Đội ngũ bên Qua Hương Liên đứng cả dậy, họ chào nhau. Chỉ riêng bà cụ Uông cảm thấy minh là bề trên không nên đứng dậy nên vẫn ngồi nguyên chỗ. Mọi người đứng cả, thành thử cụ bị che lấp, chẳng ai trông thấy cụ nữa. Đào Nhi bước lên trước, giới thiệu Qua Hương Liên cùng từng người một bên phía mình.
Hương Liên lãnh đạm nói:

- Hân hạnh, hân hạnh!

Ngưu Tuấn Anh hất cằm về phía trước giống như con nít. Cô ngắm nhìn Qua Hương Liên rồi mỉm cười vui vẻ nói:

- Té ra bà là Bảo Liên nữ sĩ. Chúng tôi thường được đọc văn chương của bà. Được làm quen với bà, chúng tôi rất vui. Bà xinh đẹp thật.

Mấy câu này làm cho phe Triền Túc lấy làm lạ quả, không biết bọn con gái này định giở trò ma quỷ gì. Phe Thiên Túc thì hiểu, cảm thấy thủ lĩnh của mình vừa oách, vừa đáng yêu nên đều vui mừng hớn hở. Qua Hương Liên đề nghị:

- Ngồi nói chuyện có hơn không?

Ngưu Tuấn Anh phảy tay, xổ câu tiếng tây "OK" rồi nguẩy mình ngồi xuống.

Phe Triền Túc thấy cô gái này phóng đãng như vậy thì bốc hỏa tam tinh, đùng đùng nổi giận, người ngỏ ý phẫn uất, người chửi vung lên. Nguyệt Quế khẽ nói với Nguyệt Lan ngồi bên cạnh:

- Trường em học cũng không có ai đẹp như vầy! Nhìn cô ấy xinh không kìa, chị bảo sao?

Nguyệt Lan ra sức ngắm, lúc cảm thấy đẹp xinh, lúc cảm thấy kì quặc, không tiện nói nên ngồi im. Qua Hương Liên bảo với Ngưu Tuấn Anh:

- Cuộc đọ chân ngày hôm nay đọ cách nào cũng được. Cô cứ nói, chúng tôi xin theo.

Ngưu Tuấn Anh nghe xong nhoẻn cười, hai lúm đồng tiền thoáng hiện, đoạn chân phải gác lên chân trái, một bàn chân trời sinh đi giầy đỏ như chọc vào mũi phe Triền Túc bên kia, khiến cho người trên đài, dưới đài của phe ấy giật mình kêu ầm ĩ, chẳng khác nào gặp phải con chó lạ.

Qua Hương Liên không hề hoảng hốt, cũng gác chân phải lên chân trái, đồng thời tay phải lén kéo vạt váy, một gót kim liên ba tấc lồ lộ phơi bày ra ngoài vạt váy. Bàn chân ấy muốn tròn được tròn, muốn vuông được vuông, thích hẹp có hẹp, thích nhọn có nhọn, có cạnh có góc, có thẳng có cong, vừa mềm lại cứng, vừa chặt lại lơi. Phái Triền Túc có nhiều người cũng lần đầu tiên được thấy bàn chân nhỏ của Qua Hương Liên, bàn chân ấy lại chẳng che đậy, cứ nhìn bắng thích, cứ ngắm kì no. Trong số đó có người vẫn nghi ngờ danh không khớp với thực nên đã nhìn bằng con mắt có gai có góc, xét nét, xoi mói, vậy mà lịnh không moi ra được một chút thiếu sót nào. Vả lại, từ đế cho tới cổ giầy, vòng nọ áp vòng kia, nào kiểu "hồ lô vạn đại", "triền chi mẫu đơn", nào kiểu "phú quý vô biên", "cẩm lãng tường vân", chẳng kiểu nào không đến nơi đến chốn, không có cách nào sang trọng hơn nữa... Vì đôi giầy ấy lại ăn ý với ống quần đen thêu hoa màu hồ thuỷ, thật là từ xưa đến nay, môn nghệ thuật trang sức gót sen mới được thi thố bằng hết. Cách phô chân đó cổ vũ sĩ khí phe Triền Túc, tiếng hoan hô khen ngợi như muốn tung nóc nhà, các của sổ trên cao rung bần bật. Chỉ riêng Đào Nhi thấy tim nhói một cái. Cô chợt nhận ra, tử nguyên liệu khâu giầy cho đến chỉ thêu, ngoài màu lam là màu trắng, màu xám, màu ánh bạc, chẳng phải đó là giầy tang sao? Tuy tất cả chất liệu và màu sắc ấy đều đo Qua Hương Liên yêu cầu đích danh, nhưng khi thêu cô làm sao lại không phát hiện ra cơ chứ! Thật là điều không cát lợi.

Bên kia Ngưu Tuấn Anh đang lim dim mắt, toét miệng cười, để lộ hàm răng trắng đều chằn chặn, đôi má lúm đồng tiền tròn xoe. Nụ cười ấy khiến ai cũng phải yêu. Cô nói với Qua Hương Liên:

- Bà lầm rồi!

- Sao?

- Như thế là bà đọ giầy, chứ đâu phải đọ chân! Đọ chân phải như thế này này, bà trông đây!

Nói xong, cô tuột ngay giầy ra, đôi giầy da màu đỏ vất đánh tạch trên sàn, lại xoàn xoạt cởi đôi bít tất lụa bóng như lột một lớp da vất sang một bên, để lộ đùi trần, chân trần, đùi và chân những thịt là thịt. Phe Triền Túc sợ hết hồn.

Con bé này dám để chân cẳng trần trụi cho người ta nhìn kìa! Người chửi, người kêu, cũng có người nhìn không chớp mắt.- Có dịp ngắm đôi chân trần của một cô gái lạ, thật là một cơ hội tốt, ngàn lần chớ có bỏ lở. Người của phe Thiên Túc thì ra sức vỗ tay bôm bốp để trợ hửng, trợ chiến. Họ thích chí thấy thủ lĩnh Ngưu Tuấn Anh ngoáy cổ chân, vẫy bàn chân, chào hỏi người dưới đài bằng bàn chán của mình. Bà cụ Uông vụt đứng lên, mặt nhợt ra, môi trắng bệch kêu lên:

- Chóng mặt quá! Chóng mặt quá!

Bà cụ lảo đảo đứng không vững. Đào Nhi vội vàng gọi người đỡ bà cụ, đưa cụ ra ngoài lên kiệu về nhà.

Hương Liên mặt tỉnh khô nhưng tim thì đập thùm thụp. Cô gái để chân tự nhiên này khiến bà nhìn mà sững người, ngẩn người kinh ngạc, mất trí. Bộ đùi trần, đôi chân trần, da láng như lụa, ngón chân như đầu chim sẻ, vừa bóng, vừa láng, vừa nõn nà, vừa sống động, từ mu bàn chân đến gan bàn chân mềm mại cong cong, tất cả đều tự nhiên như hoa như lá, như cá như chim, muốn dáng nào có dáng đó, hình vốn thế nào để nguyên như thế, muốn để trần thì để trần, thích xem thì cho xem. Còn chân mình làm sao có thể phô trần ra? Vả nếu để trần mà so sánh thì chân mình lại chả khác củ khoai môn nướng?

Nhưng phe Thiên Túc có kẻ cứ thách đố:

- Có dám cởi giầy để chân trần cho chúng tôi thấy không? Bọc kín lại thì đọ cái nỗi gì?

- Bảo Liên nữ sĩ, xem chân bà thế nào nào! Bà có chân hay không đấy?

- Nếu không cởi giầy thì chịu thua cho rồi?

Càng gào càng dữ dôi. May sao phe Triền Túc có kẻ lanh trí, bẻ lại đối phương:

- Gà mái, vịt cái mới không đi giầy chứ! Thương phong bại tục, không biết xấu hổ lại tưởng vẻ vang. Không mau xỏ chân vào cái sọt da kia còn đợi gì nũa!

Thế là hai bên chửi bới lẫn nhau. Người bị chửi không ngoài thủ lĩnh hai phe. Qua Hương Liên mặt giật giật liên hồi, ngón chân tê dại, ngón tay lạnh giá. Còn cô gái Ngưu Tuấn Anh thủ lĩnh hội Thiên Túc kia cứ cười ha ha như chẳng có chuyện gì xảy ra; chẳng những thế còn thấy vui là đằng khác, rút ngay thuốc lá trong túi quần ra châm lửa, cắm vào mép hít hai hơi, đột ngột thổi ra từng vòng khói tròn từ từ nhè nhẹ cuốn lên cao, một vòng to, một vòng nhỏ, một vòng chậm, một vòng nhanh. Vòng khói nhỏ mà nhanh vừa vặn luồn qua vòng khói to mà chậm kia bay lên: Mọi người, bất kể phe Thiên Túc hay phe Triền Túc đều nhất loạt "ồ" cả lên, không còn ai làm ồn, chửi mắng hay nói năng gì nữa, chỉ muốn xem cô gái kia giở trò gì. Rồi vòng khói nhỏ thong thả hạ xuống, lồng ngay vào ngón chân cái cô gái đang giơ lên, lặng lẽ đứng ở đấy không tan. Trò nây thực sự làm người xem đứng cả mắt. Tiếp đó cô gái vẩy ngón chán một cái làm tuột vòng khói ra, tan thành khói trắng bay đi. Khói đã lạ, chân càng kì. Phe Triền Túc cho là Ngưu Tuấn Anh biểu diễn kĩ xảo, họ biết rõ bên mình không ai có được công phu đó nên đều mím miệng mở to mắt ra xem. Lại thấy một vòng khói nữa hạ xuống lồng vào ngón chân, lại vẩy cho tan, lại hạ xuống lồng vào, cứ thế đến mấy lần, cuối cùng một vòng khói to lừng lững hạ xuống, không nghiêng không chệch, vừa vặn lồng vào bàn chân. Cô gái nguẩy cổ chân, bàn chân trời sinh trắng ngần lượn mấy vòng cùng với vòng khói, rồi gan bàn chân hất lên một cái, khói trắng tan đi, gan bàn chân cô gái dừng ngay trước mắt Qua Hương Liên.

Qua Hương Liên vừa nhìn vào điểm chính giữa gan bàn chân ấy, mắt liền sáng lên, sáng đến phát khiếp, tiếp theo người đổ về phía trước, đầu vật xuống, ngã đánh "bụp" trên mặt đất. Một cậu thanh niên mau miệng kêu ầm lên:

- Bảo Liên nữ sĩ sợ ngất đi rồi!

Thế là phe Triền Túc binh mã tán loạn như núi lở, còn phe Thiên Túc chẳng hề ra tay. Đám phụ nữ bó chân sợ quá chạy túa ra ngoài như có đám giết gà mổ dê, có cô kêu thét lên hơn còi. Nhưng nào họ có chạy được, chẳng qua cô nọ đẩy bà kia, bà kia giúi cô nọ, dồn lại cả cục, đổ đống. Đến khi thấy phe Thiên Túc không động thủ, chỉ đứng một bên xem rồi cười thì ai nấy mới theo thứ tự người trên trước, người dưới sau, bò dậy lủi mất.

Người nhà họ Đồng nhốn nháo kéo đi, về đến nhà là đóng chặt cổng lại. Vẫn không tránh khỏi có những kẻ hiếu sự, sinh sự, thích gây sự theo về đến trước cổng, lấy gạch đất ném vào, chọi vào, khiến cửa trong cửa ngoài bị vở tung ra. Hội Triền Túc thế là tan, mà lại tan đến cùng, tan triệt để, mất tiêu luôn.

Ngày hôm sau trên đường, phố chẳng còn nhìn thấy một phụ nữ bó chân nào, khắp nơi là phụ nữ chân to vui mừng hớn hở, phấn khởi đến mức hận không có cách lộn ngược đôi chân to lên trời mà đi nữa thôi. Thiên hạ thực sự ngả hẳn về một bên rồi! Nhưng khi sự việc đã lắng xuống, ai suy nghĩ xem xét lại cũng lấy làm quái lạ, chẳng hiểu tại sao cái con nhóc hội Thiên Túc vừa giơ chân ra mà thủ lĩnh phe Triền Túc có tiếng tăm, có bản lĩnh đến vậy cũng chịu đổ ngay lập tức?


Hồi thứ mười sáu
Nhà số 37 đường cao sĩ đả

Gần một tháng sau khi hội Triền Túc thảm bại, một người đàn bà gày gò từ trong thành tìm đến tô giới. Tay chị ta khoác cái tay nải nhỏ, chân đi đôi giầy vải to nhưng dáng đi thì vai rung, mộng vặn, người nhô về trước như người bó chân. Có vẻ chị ta đến tô giới lần đầu, mắt cứ ngó nghiêng những nhà gác kiểu tây chỗ tròn, chỗ nhọn, chỗ nghiêng, chỗ vẹo, chỗ thò thụt ra vào, cùng những ngựa tây, xe tây, đèn tây, ô tây, cờ tây, chó tây, người tây, rồi tiếng tây của người tây nói với nhau xí xa xí xô. Chị vừa tò mò lại hơi sợ sệt. Đúng lúc đó có hai người ngoại quốc cao lớn đi tới, một người râu đỏ quạnh, người kia râu đen nhánh. Họ vừa thấy chị thì nhìn sững vào chân chị, dùng tiếng Trung Quốc nửa mùa hỏi:

- Cheng pó à? - Bốn con mắt xanh lè cùng lóe sáng.

Người đàn bà vội vàng giơ một bên giầy to ra cho họ thấy, tỏ ý mình không bó chân. Hai người ngoại quốc nói liền mấy tiếng: "Nao, nao, nao?" (no) không biết định giở trò gì, rồi cứ lắc đầu nhún vai, ngoác mồm ra cười, đến nỗi nhìn thấy được cả cổ họng của họ qua mớ râư đen, đỏ kia. Người đàn bà sợ quá lùi mãi lùi mãi, tưởng hai người đó định làm nhục chị. Không ngờ hai người ngoại quốc nói cái gì đó như "bai, bai" rồi ha hả cười bỏ đi. Người đàn bà từ đó hết sức cẩn thận, hễ xa xa thấy bóng người ngoại quốc là lập tức tránh liền, thấy người Trung Quốc thì bước đến hỏi thăm đường phố. May không phải vòng vo nhiều lượt, chị tìm được đến nhà số 37 phố Cao Sĩ Đả. Cách cánh cửa song sắt rất rộng, lại cách một vườn hoa to, chị thấy một tòa nhà tây trắng loát, sang trọng. Chị gọi cổng hai lần, bên trong có tiếng thưa, rồi một người đàn bà giúp việc chân to chạy ra, hai bàn chân "bạch bạch" nện xuống đá lát lối đi. Người ấy mở cổng ra, hỏi chị, trở vào báo với chủ nhà rồi dẫn chị đi qua sân thơm ngát hoa vào một căn phòng lớn sáng choang. Khắp phòng là ngọc ngà là những đồ bầy biện kiểu tây, người khác mà thấy ắt ngẩn người ra nhìn. Nhưng người đàn bà này dường nhu không thèm nhìn, chẳng buồn ngắm. Đôi mắt như hai nòng súng bắn thỏ, ngay lập tức thấy Ngưu Tuấn Anh, hội trưởng hội Thiên Túc, rồi cứ thế mà nhằm vào. Lúc ấy Ngưu Tuấn Anh đang uể oải nằm tựa trên chiếc ghế mềm to tướng. Không biết hình người nương theo hình ghế hay hình ghế dựa vào hình người mà trông cô như con thiên nga nằm giữa sóng nước. Chân cô để trần gác lên tay ghế, đầu thắt một băng lụa đỏ tươi, dáng tùy tiện, tự do tự tại mà cũng thật thoải mái, tươi vui xinh đẹp, không phải gắng sức, phí sức và cố sức cho mệt.

Ngưu Tuấn Anh thấy người đàn bà bước vào nhưng không ngồi dậy, chỉ nhìn hai lượt từ đầu đến chân. Trước hết cô nhìn một chặp khuôn mặt tỉnh khô không phấn son của người đàn bà rồi nhìn đến đôi giầy to lùng bùng không hóp vào của chị ta. Cô cười, để lộ hai lúm đồng tiền:

- Chị cởi đôi giầy to lồng ngoài chân nhỏ đó đi rồi tới đây, không cần cứ phải chân to.

Người đàn bà sững sờ giây lát rồi cởi giầy, đôi chân nhỏ đến kì lạ bước đi trên nền nhà. Ngưu Tuấn Anh nói:

- Tôi nhận ra chị, người của phe Triền Túc. Hôm đọ chân ở Mã Gia Khẩu chị đứng đằng sau nữ sĩ Bảo Liên đúng không? Chị tìm tôi có việc gì? Thay cái bà định chết trong mớ giẻ bó chân giảng hòa hay là gửi thiếp để đọ nữa? - mắt cô ánh lên vẻ thách thức.

- Tiểu thư nói như vậy e tổn thọ đấy! Tôi tìm cô có việc quan trọng.- Người đàn bà không ngờ mặt vẫn tỉnh khô, giọng nói ôn hòa mà cứng rắn.

- Được, nói đi! - Ngưu Tuấn Anh uể oải trở mình, hai tay đỡ cằm, hai bàn chân trần chập làm một cọ vào nhau, tinh nghịch nói.- Thật thú vị! Hay là hội Triền Túc định bó chân cho tôi? Chị thấy đôi chân to này còn có thể bó nhỏ như chân Bảo Liên nữ sĩ của các chị không? - Nói xong cô bẻ ngón chân cái và ngón thứ hai kêu răng rắc.

- Xin tiểu thư cho người khác lui hết ra! - Người đàn bà nói như ra lệnh.

Ngưu Tuấn Anh phướn mày ngạc nhiên khi thấy đồ đảng hội Triền Túc cứng rắn, ngang ngạnh, ngạo mạn nhường ấy. Cô định bụng đấu một phen với người đàn bà này, chọc tức chơi, bèn cười bảo người làm ra ngoài rồi đóng cửa lại.

- Không ngại, tôi nghe đây, chị cứ nói.

Nhưng Ngưu Tuấn Anh không ngờ người đàn bà này bình tĩnh lạ thường, bằng giọng không cao không thấp, không nhanh không chậm, chị ta nói:

- Tiểu thư, tôi là người hầu gần gũi nhất của mợ Cả chúng tôi, tên gọi Đào Nhi. Tôi đến tìm cô không liên can gì đến tôi, cũng không liên quan gì đến mợ chủ chúng tôi mà liên quan đến cô. Xin nói trước, tôi sẽ hỏi cô mười câu, cô cần phải trả lời. Cô không trả lời, tôi bỏ về ngay, sau này cô có tìm tôi, đừng hòng tôi để ý đến cô. Nếu cô có khả năng bức tôi phải chết thì sẽ không có ai nói cho cô biết nữa đâu!

Mấy câu đó thật li kì, thật cứng rắn, Ngưu Tuấn Anh bất giác ngồi hẳn dậy. Cô tuy không biết tí gì về cuộc đến thăm của người đàn bà này song rõ ràng cảm thấy không phải bình thường, có điều không thể nhận biết được cái gì qua vẻ mặt của người đó. Cô chớp mắt nói:

- Được chúng ta cứ thành thật đối xử với nhau.

Ngưu Tuấn Anh quả phóng khoáng. Đào Nhi gật đầu, hỏi:

- Thế thì tốt. Tôi xin hỏi, Ngưu Phượng Chương là gì đối với cô?

- Ông... chị hỏi ông ấy làm gì? Làm sao chị biết ông ấy?

- Chúng ta đã thỏa thuận, hỏi phải trả lời.

- Ồ. ông ấy là cha tôi.

Người đàn bà cười nhạt.- lần đầu tiên chị để lộ tình cảm, càng làm cho đối phương không hiểu ra sao. Không ngờ Ngưu Tuấn Anh mở miệng, chị lại hỏi:

- Hiện nay ông ta ở đâu? Tiểu thư, cô cần trả lời rõ điểm này.

- Ông... năm ngoái chết ở Thượng Hải rồi. Hồi họ bắt đảng cách mạng, ông đang đi ngoài đường thì cảnh sát bắn lầm trúng bụng.

- Khi ông chết, cô có mặt đấy không?

- Tôi ngồi trông cạnh ông.

- Ông có đưa cho cô một vật, phải vậy không?

Ngưu Tuấn Anh giật mình, người bật lên khỏi ghế:

- Sao chị biết?

Đào Nhi không đổi sắc mặt, từ đẫy vải lấy ra cái hộp nhỏ bằng gấm. Ngưu Tuấn Anh vừa thấy cái hộp thì tròn xoe mắt, chằm chằm nhìn Đào Nhi lấy ngón tay đẩy que cài bằng ngà trên miệng hộp mở ra, bên trong có một nủa miếng hổ phù. Ngưu Tuấn Anh kêu lên:

- Đúng nó rồi! Chị...

Đào Nhi nghe Tuấn Anh kêu lên thì môi run run, giọng cũng run run bảo:

- Tiểu thư mang nửa miếng hổ phù kia ra đây khớp lại xem sao đã. Nếu không khớp, tôi không thể nói tiếp phần sau.

Ngưu Tuấn Anh cuống quýt không kịp xỏ giầy, chân đất chạy đến trước cái đồng hồ lớn, mở cửa kính ra, tay quay kim giờ ba vòng liền. Bỗng một hồi tinh tang, cót két vang lên, cánh cửa bí mật bên trong mở ra. Tuấn Anh thò tay lấy ra một cái hộp gấm in hệt như thế. Cô đưa cho Đào Nhi, hai mảnh khớp lại vừa vặn, cứ như một con hổ chẻ làm hai. Đằng sau lưng con hổ bằng đồng khảm hai dòng chữ triện đời xưa bằng bạc ròng, một bên là "Dữ nhạn môn thái thú", một bên là "Vi hổ phù đệ nhất". Đào Nhi nhìn thấy tấm hổ phù ghép khít lại với nhau thì những giọt nước mắt to tướng cứ thế tuôn rơi, rỏ xuống mặt bàn trà bằng kính bắn tóe ra xung quanh.

Ngưu Tuấn Anh nói:

- Cha tôi lúc sắp mất có giao cho tôi vật này. ông đặn tôi sau này có ai mang một nửa hổ phù đến khớp đúng thì tôi phải nghe theo người đó. Bất cứ người ấy bảo gì tôi cũng phải tin. Thì ra người đó là chị. Chị cứ nói, nói dối tôi cũng tin.

- Chị việc gì phải lừa em, hả Liên Tâm?

- Thế nào... - Ngưu Tuấn Anh lại giật mình - Chị biết cả tên hồi nhỏ của tôi?

- Sao lại không biết? Chị trông coi em sáu năm trời từ lúc em cỏn ỉa đùn, đái dầm kia!

- Vậy chị là ai?

- Chị là vú em của em. Hồi nhỏ em gọi chị là "mẹ Đào" mà!

- Chị? Vậy thì cha tôi biết chị, nhưng tại sao ông không hề nhắc tên chị...

- Ông Năm Ngưu đâu có phải cha em! Cha em họ Đồng, chết lâu rồi. Em là người nhà họ Đồng, mẹ em chính là Qua Hương Liên, người đọ chân với em hôm nào!

- Cái gì? - Ngưu Tuấn Anh thét tiếng rất to, người nhẩy dựng lên khỏi ghế. Trong phút chốc, cô cảm thấy sự việc đáng sợ quá, đáng sợ đến cùng cực, sợ đến nỗi chân lông khắp người sởn cà lên.- Thật không? Không thể như thế được? Tại sao cha tôi hồi còn sống không nói một lời nào về việc này?

- Thế tại sao ông Năm Ngưu lúc sắp chết lại dặn nếu có ai khớp đúng mảnh hổ phù với em thì người đó nói gì em cũng phải tin? Em còn bảo dù nói dối em cũng tin. Nhưng chị nói dối em làm gì. Chị quả muốn dấu em, không nói thật với em, vì chỉ sợ em không chịu nổi mà thôi.

- Vậy chị nói gì, nói đi... - Giọng Ngưu Tuấn Anh cũng bắt đầu run.

Đào Nhi liền kể Liên Tâm đẻ ra như thế nào, lớn lên như thế nào, mất tích như thế nào, lại kể Hương Liên làm sao lọt được vào nhà họ Đồng, bị khinh rẻ, chọc tức, khổ sở như thế nào, sau lại làm chủ gia đình như thế nào, nhất nhất kể hết một lượt. Khi nhắc lại những chuyện xưa, Đào Nhi không nén được tình cảm, mỗi lúc xúc động lại con cà con kê, rẽ đông ngoặt tây. Nhưng sự việc đều thật, tình cảm cũng chân thật nên chẳng cần nói cho hay, Ngưu Tuấn Anh đã đầm đìa nước mắt, nước mắt chan hòa như vừa rửa mặt. Cô nói:

- Nhưng sao em lại đến ở nhà họ Ngưu?

- Ông Năm Ngưu chung thuyền trộm cắp với cậu Hai và thằng Hoạt Thụ. Chính ông làm tranh giả khiến ông nội em uất lên mà chết. Mẹ em định thưa quan, ông Năm đến van xin mẹ. Mẹ biết ông Năm không phải người xấu, chỉ vì tham lam mà bị kẻ kia sai khiến. Cũng vì nắm được cái tội của ông Năm, mẹ mới đưa cho ông ta một món tiền lớn rồi giao em cho ông ấy, lại giao một nửa miếng hổ phù, dự phòng sau này tiện kiểm tra, đối chứng...

- Giao em cho ông ấy làm gì? Vừa nãy chị chẳng bảo ern bị mất tích đó sao?

- Đâu phải mất tích thật! Đó là do mẹ cố ý tung tin để em tránh qua ngày bó chân!

- Cái gì? - Câu này khiến Ngưu Tuấn Anh kinh ngạc, nhảy dựng lên khỏi ghế lần nữa.- Vì sao? Mẹ chẳng chăm chút cho chân bó là gì? Tại sao ngược lại không muốn em bó chân? Em chưa hiểu.

- Về việc này, chị cũng mãi không hiểu nổi... Nhưng đưa em đến nhà họ Ngưu thì chính tay chị bế đến.

Ngưu Tuấn Anh bất giác kêu lên:

- Thế tại sao mẹ không sớm đón em về?

- Chính cái hôm đưa ma ông nội em, mẹ bảo ông Năm Ngưu đưa em đi xa, sợ ở lại trong thành sớm muộn gì người ta cũng biết. Lúc ấy mẹ có hẹn với ông Năm bất kể đưa em đi đâu cũng phải báo tin về, nhưng ông ấy ra đi là chẳng có tin tức gì hết, ai biết lòng dạ ông ấy ra sao? Mấy năm ấy, mẹ em nhiều lần sai chị đi dò tin em, chỉ biết ông ấy và em ở miền Nam. Miền Nam rộng chừng ấy, chưa ai đi bao giờ, tìm sao được? Mẹ khóc thầm không biết bao nhiêu đêm mà kể, sáng dậy chị thường thấy gối ướt đẫm. Ai ngờ em lại ở đây, gần đến thế này?...

- Không phải đâu, cha em mất rồi em mới lên đây! Trước đây em vẫn ở Thượng Hải... Nhưng mẹ và chị làm thế nào nhận ra được em?

- Gan bàn chân phải của em có dấu. Hôm ấy em hất chân lên, mẹ liền nhận ra em.

- Mẹ em ở đâu? - Ngưu Tuấn Anh vụt đứng dậy hăng hái nóng nảy nói.- Em đi gặp mẹ!

- Đào Nhi lắc đầu.

- Không được sao? - Ngưu Tuấn Anh hỏi.

- Không... - Đào Nhi vẫn lắc đầu.

- Mẹ giận em à ?

- Không, không, mẹ... mẹ không giận em nữa đâu. Người khác cũng đừng giận bà nữa mới phải - Nói đến đây, Đào Nhi chợt trở lại bình tĩnh.

- Thế nào? Lẽ nào mẹ... Em hơi sợ, em sợ mẹ chết!

- Liên Tâm, chị phải nói thật với em là muộn rồi, em cũng đừng trách chị. Mẹ không cho chị đến làm em. Hôm mẹ nhận ra em, lúc về nhà mẹ giao nửa mảnh hổ phù này cho chị, chỉ bảo một câu: "Xong việc rồi hãy nói!" Sau đó mẹ hôn mê trên giường, không chịu ăn, chẳng chịu uống, bón thuốc cho mẹ, mẹ ngậm chật mồm lại. Mãi sau tới khi mẹ tắt thở chị mới biết mẹ chủ tâm chết .

Ngưu Tuấn Anh ngây dại cả người. Cô còn trẻ, những tưởng chỉ có một mình, không dính dáng giây mơ rễ má với ai, tự do tự tại muốn làm gì tùy ý, hay đâu trên đời có bao nhiêu việc liên quan tới cô, càng không hiểu được nguyên do, căn do của những việc đó. Nhưng vừa có tất cả thì chớp mắt cô lại mất tất cả, không kéo lại được nữa. Cô cảm thấy vừa trống rỗng đau khổ lại vừa ấm ức buồn thương. Cô ôm chầm lấy Đào Nhi, cất tiếng gọi "Mẹ Đào ơi!" rồi cứ thế ôm mặt nức nở, luôn miệng nói:

- Tại em làm cho mẹ em chết rồi! Mẹ em chết do em gây ra tất cả! Nếu không đọ chân thì đâu đến nỗi!

Đào Nhi đã trở lại vững vàng, nên lời nói của chị cũng làm vững lòng người khác:

- Em như người ngủ trong trống từ bấy đến nay có biết gì đâu mà trách em! Vả lại mẹ em từ lâu đã không muốn sống nữa, chị biết chắc!

Lúc đó Ngưu Tuấn Anh mới bình tĩnh lại. Cô ngước khuôn mặt xinh đẹp lên, ngơ ngẩn nói:

- Chị nói đi, mẹ em vì sao lại thế? Rốt cuộc vì đâu mẹ lại như thế?

Đào Nhi biết nói gì? Chị đưa tay lau nước mắt trên mặt Liên Tâm và im lặng. Chuyện đời lúc có lí, lúc vô lí, lúc có lí mà hóa ra không, lúc vô lí trở thành có lí. Vô lí sau một hồi không chừng trở nên có lí, tranh lí, nắm lí, giảng lí, không đếm xỉa đến lí, đạo lí sự lí, công lí, thiên lí... Có lí đi khắp thiên hạ, không lí nửa bước khó đi. Việc không có lí nào là nhất định, lí ở trên trời; sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Thôi đừng nói vòng vo nữa, càng vòng vo lại càng mù mịt.

Cổng nhà họ Đồng dán tờ giấy "Xin miễn thứ những điều sơ suất" và lại lo liệu đám ma. Tin cáo phó của Bảo Liên nữ sĩ vừa loan ra, người đến viếng trong chốc lát đã đông nghẹt trước cổng. Nhiều cô gái bó chân không thân không thuộc đều không mời mà đến, chẳng quản cha mẹ có bằng lòng hay không cứ thắt khăn tang mặc áo xô trực bên quan tài, có cô còn kêu trời gạt lệ, đôi chân bó giẫm bành bạch xuống đất. Hộ Thiên Túc không có ai đến viếng, cũng không đến gây ồn hoặc xem cho vui. Bất kể khi sống xấu tốt thế nào, thấy người ta chết mà vui là thất đức.

Nhưng đến tuần thứ tư, Tiểu Tôn Vương Ngũ dẫn đầu một nhóm trong đó có gã Trương Hồ Lô, Tôn Mắt Lé, Đổng Bẩy Dao và lão Lí Vạn Năng đều là những nhân vật số dách trong đám càn quấy, đến đòi "chiêm ngưỡng gót tiên của mợ Cả." Họ bảo nếu lần này không được xem thi cả đời không còn được thấy đôi chân nào đẹp nữa, bởi vậy cứ nhất định lên nơi để linh sàng. Người nhà họ Đồng vội vàng thưa ông bẩm ngài, vừa thuyết vừa khuyên, lại biếu mỗi người một bọc bạc to mời sang phòng bên cơm no rượu say mới thoát được của nợ. Sau đó yên ổn không xảy ra chuyện gì, chỉ đợi đến ngày khâm liệm, đưa ma, hạ huyệt, đắp mồ là xong. Nhưng trước ngày khâm liệm một hôm bỗng có cô con gái tân thời, mặc áo trắng, choàng sa trắng, đi giầy cao gót trắng bong, mặt cũng trắng nhợt, cả người là một khối trắng, tay ôm một bó hoa kim hương đỏ thắm thật to, từ ngoài cổng bước trên thảm từ từ đi vào linh đường. Nguyệt Quế tinh mắt, nói ngay:

- Ngưu Tuấn Anh hội Thiên Túc đấy! Nhìn chân cô ta kìa, sao cô ấy lại đến nhỉ?

Nguyệt Lan bảo:

- Cáo đến viếng gà, chẳng phải tốt bụng gì đâu!

Đào Nhi giật tay áo hai cô, nhắc hai cô đừng nói chuyện. Ngưu Tuấn Anh đặt bó hoa tươi lên linh sàng, lẳng lặng đứng ở đó từ lúc mặt trời chiếu giữa sân cho đến lúc ngả về sau gian buồng xép phía tây, không hề động đậy, hai mắt trống rỗng, không biết nghĩ gì. Cuối cùng cô vái bốn vái, mỗi vái cúi sâu xuống tận đầu gối, sau đó mới ra về. Người nhà họ Đồng sẵn sàng phòng bị chờ đợi cô, tưởng rằng cô định gây chuyện ở linh đường, không ngờ cô đi khỏi một cách nhẹ nhàng như thế. Trong số người đứng đấy, chỉ có Đào Nhi biết, nhưng vị tất đã hiểu hết. Chị không nói gì, làm như không quen biết cô gái tân thời ấy, cũng coi như tất cả đã được phong kín trong lòng chị, không bao giờ còn để lộ ra nữa.

Lúc ấy trong lán đọc kinh, chuông trống đang nổi rộn ràng. Đám tang lần này do Nguyệt Quế một tay lo liệu. Theo khuôn phép lúc này, không những mời hòa thượng, ni cô, lạt ma, đạo sĩ dựng bốn lán kinh mà còn mời đội kèn lây ở Mã Gia Khẩu và đội nhạc Cứu thế quân của nhà thờ, một bên áo thụng cà sa, một bên mũ vành chế phục, cổ áo đính miếng đồng ghi chữ "Cứu thế quân"; một bên sênh quản, sáo, tiêu, một bên trống đồng, kèn đồng. Chẳng bên nào quản bên nào, ai thổi của người nấy, nhưng âm thanh thì quện vào nhau. Lúc đầu Bạch Kim Bảo không đồng ý làm như thế, nhưng lúc bấy giờ nhà sang làm đám ma không có đội nhạc tây thì không hiển hách. Tại sao làm như thế, chẳng ai biết mà cũng chẳng ai hỏi; thích sao làm vậy, chỉ như thế mà thôi.

Khi Ngưu Tuấn Anh từ nhà họ Đồng ra về, đầu óc dại đi, chân tê buốt, cả một buổi chiều nghe kinh kệ kèn trống vừa nghe cả nhạc tây, tai như không còn của mình, thậm chí không còn biết mình là ai, mình họ Ngưu hay họ Đồng nữa. Lúc ấy ở ngoài cổng, một toán trẻ con mặc quần thủng đít giậm chân mà hát:

Cứu thế quân
Gây rối mù
Đánh trống loạn
Thổi kèn rồ !

Chúng vừa hát vừa nhảy chân sáo, trên đầu túm tóc "triều thiên" quấn chặt bằng chỉ đỏ vung vẩy, giữa đũng quần con chim đen nhẻm vì nắng đung đưa.

Nguồn: Bản gốc tiếng Trung của tạp chí Thu hoạch 3.1986, bản tiếng Việt của tạp chí Văn học nÆ°á»›c ngoài, Hà Ná»™i 1999. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả Phạm Tú Châu.