© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Chương tám

Ý thức chấp nhậnCharles Chaplin và tâm hồn nghệ sĩ

Con thú vật đau khổ nhứt ở trần gian này là con thú đã tạo ra tiếng cười.
Nietzsche (Volonté de Puisance, c. II, tr. 368)

1.

Bản “Limelight” của Charles Chaplin là bản nhạc của Tuyệt Đối, tiếng ca vút trời thăm thẳm của một tâm hồn cô độc nhất trần gian. Nhân loại này còn đau khổ thì điệu nhạc “Limelight” tuyệt vời vẫn còn sống để tha thiết nuôi dưỡng xoa dịu nỗi đau đớn câm lặng khôn cùng của những con người vô danh ở dưới mọi phương trời.

Tôi chưa xem phim Limelight của Charles Chaplin, nhưng cần gì xem phim ấy nữa, khi mà mình đã nghe điệu “Limelight” bất tuyệt trong đời mình và qua điệu nhạc triền miên u ẩn ấy, mình đã cảm thấy hết tất cả những bi kịch xót xa nhất của con người, mình đã quì ôm sự đau khổ trong mười ngón tay nước mắt, mình đã run run khi nghe thời gian trôi đi miên man trong gió đời heo hút và nhất là trong một đêm khuya vô định nào đó, mình đã chợt bắt gặp một giòng sông xa xôi trong đôi mắt của một người ca sĩ giữa một đêm vui sắp tàn rồi cuộc đời sẽ đi vào lãng quên, khi mà ánh đèn đã tắt, khi mà người nghệ sĩ đã trở về già?

Mỗi khi nhắc đến tên Charles Chaplin là tôi run run nói không ra lời, cũng như mỗi khi nghe nhắc đến Henry Miller hay Nijinsky hay Blaise Cendrars hay Van Gogh.

Charles Chaplin. Charles Chaplin…Tên người gợi lên một mùa Thu, tên người gợi lên một mùa Đông, tên người gợi lên một mùa Xuân…

Tôi nghe người ta kể lại rằng vở Limelight nói lên tâm hồn bất diệt của một anh hề già, mặc dù đã bị đời lãng quên và sống bần cùng trong đói khổ và tuyệt vọng, nhưng vẫn tha thiết thương yêu cuộc đời.

Anh hề già này cứu một vũ nữ khỏi tự tử và mặc dù chính anh cũng là một kẻ tuyệt vọng chán đời, anh vẫn cố gắng hết sức an ủi, khuyến khích, gây tin tưởng cho cô vũ nữ trẻ đẹp này. Chính những cử chỉ của anh đã khiến nàng trở nên yêu đời, tin tưởng mình. Rồi nàng trở lại cuộc sống, nhảy múa như xưa, chẳng bao lâu nàng bước lên tuyệt đỉnh của thành công và danh vọng; đang khi đó thì anh hề già tóc trắng chìm vào trong đêm tối, bị người đời quên lãng: thế rồi một hôm, đang lúc nàng vũ nữ trẻ đẹp vui tươi nhảy múa thì anh hề già gục chết âm thầm dưới ánh đèn sân khấu, không một ai hay biết.

Điệu đàn “Limelight” vây phủ trọn vở kịch: những kẻ nào chưa may mắn được xem phim, chỉ cần lắng nghe điệu nhạc “Limelight” là cũng cảm được những gì mà ngôn ngữ không thể nói lên được.

Đó là tiếng chấp nhận cuộc đời, chấp nhận một cách trọn vẹn: cuộc đời càng tuyệt vọng, càng đen tối thì lại càng trở nên có ý nghĩa và lại càng đáng sống.

Tôi chỉ có thể sống nổi, khi tôi đau khổ. Càng đau khổ thì càng thấy rằng cuộc đời đẹp hơn.

Charles Chaplin đã nói về ý nghĩa của vở kịch: “Trọn ý nghĩa của vở kịch chỉ là: đừng sợ sống” (That‘s what it is, that is the whole story, not to be afraid to be alive). [1]
Charles Chaplin đã nói lên một chân lý tuyệt vời nhất của cuộc đời:

KHÔNG SỢ SỐNG
NOT TO BE AFRAID TO BE ALIVE

Tôi phải lặp lại câu nói trên đến lần thứ hai và nếu cần thì cũng có thể lặp lại một triệu lần; mỗi tối trước khi đi ngủ và mỗi sáng trước khi thức dậy, chúng ta cần phải nói thầm câu trên, nói đi nói lại nhiều lần như một tín đồ Tịnh Độ tông niệm Phật hay một tín đồ Hésychaste niệm Chúa…

Chúng ta đã sợ sống, đó là lý do tại sao chúng ta đã đau khổ. Chỉ khi nào chúng ta không còn sợ sống nữa thì lúc ấy chúng ta mới được giải thoát, Charles Chaplin đã thể hiện câu “không sợ sống” bằng chính cuộc đời mình.

Cả tuổi trẻ của Charles Chaplin là những chuỗi ngày đau đớn tủi nhục nhất của một đời người; Charles Chaplin đã từng sống trong đói rét, đã đi làm lụng cực nhọc ngay từ lúc chưa đầy mười tuổi, đã chứng kiến những nỗi đau khổ lớn lao nhất đời ngay từ lúc Charles Chaplin chỉ là một đứa trẻ nhỏ ngây thơ. Mới 5 tuổi, Charles Chaplin đã bị mẹ đem bỏ ở viện mồ côi, vì bà không có tiền mua thức ăn cho con. Ở viện mồ côi, mặc dù mới 5 tuổi, Charles Chaplin đã trải qua những kinh nghiêm bẽ bàng nhất, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thỉnh thoảng vẫn bị đánh đập mắng chửi tàn nhẫn; và trong 2 năm trời ở viện mồ côi, Charles Chaplin cũng ít được mẹ đến thăm. Đến năm 7 tuổi, cậu bé mới được mẹ đem về nhà để sống những ngày lang thang tủi cực nghèo đói, thường đi rong ăn mày ở những đường phố vỉa hè. Sau này, Charles Chaplin đã nhắc lại cho con trai nghe về quãng thời gian ấy: “Con phải tin tưởng nơi con, con ạ. Đó là sự huyền bí kì diệu. Ngay đến lúc mà cha bị bỏ ở viện mồ côi hay lúc mà cha đi rong hoang đàng ở những đường phố để kiếm chút ít đủ ăn để sống qua ngày thì ngay những lúc đó, cha vẫn tự nghĩ rằng cha là một kịch sĩ vĩ đại nhất ở thế giới. Cha phải cảm thấy sự phong phú triền miên ấy thoát ra từ lòng tự tin mãnh liệt, sự tin tưởng hoàn toàn nơi chính bản thân mình. Không có lòng tự tin ấy, con sẽ kiệt quệ đầu hàng ngay” (You have to believe in yourself, that’s the secret. Even when I was in the orphanage, when I was roaming the streets trying to find enough to eat to keep alive, even then I thought of myself as the greatest actor in the world. I had to feel that exuberance that comes from utter confidence in yourself. Without it you go down to defeat) (Charles Chaplin, Jr., My father Charles Chaplin, tr. 11).

Charles Chaplin không sợ sống, chẳng những thế, ông đã sống trọn vẹn nhất, bi tráng nhất. Mặc dù cuộc đời mình chỉ gồm toàn những nỗi đau khổ bất tận, thế mà Charles Chaplin cũng đã làm hề (làm Charlot) để tạo Niềm Vui, gây ra tiếng cười ở khắp mọi phương trời.

Hình ảnh Charlot đã đi vào lịch sử, đi vào Nghệ thuật. Élie Faure (cũng một thiên tài lạ thường) đã so sánh thiên tài Charles Chaplin với thiên tài Shakespeare (cf. J. Mitry, Charlot et la “Fabulation” chaplinesque, tr. 22, éditions universitaires. 1957).

Có người đã cho rằng Charles Chaplin là một bậc thánh, một loại thánh đứng ngoài vòng giáo đường, ngoài lề luật. Jean Duviyau nói về Charles Chaplin như sau: “Dưới hình ảnh của anh hề người ta thấy ẩn hình ảnh Jésus; dưới nét mặt của một anh hề làm trò cười, người ta thấy một người chịu đóng đinh để cứu vớt nhân loại” (Jean Duvigaud, “Le Mythe Chaplin” trong Critique, Juillet 55).

Elie Faure là một thiên tài vô danh của văn học Pháp, là một nhà thẩm mỹ học đại tài nhất thế giới, đã ca tụng Charles Chaplin là “một thi hào vĩ đại, nhà thơ duy nhất của thời đại này đã nhìn đời dưới khía cạnh hùng tráng, một cách thường xuyên và đầy ý thức”.

Charles Chaplin đã chiến thắng được sự đau khổ vô hạn của đời mình, đã làm cuộc đời mình trở thành một bản đàn bất tuyệt, đã sáng tạo ra Niềm Vui vô hạn cho Nhân loại. Suốt đời, Charles Chaplin vẫn say sưa hăng hái:
Charles Chaplin đã bao lần kêu gọi chúng ta: “Các anh không phải là những cái máy! Các anh không phải là thú vật! Các anh là người! Các anh mang tình thương nhân loại trong tim các anh!” (cf. Pierre Leprohon, Charles Chaplin, trang 183, Nouvelles Editions Debresse).

Một điều đáng để ý là Charles Chaplin rất ca ngợi Nijinsky (Nijinsky là một nghệ sĩ vũ sư người Nga, một thiên tài kỳ lạ, sau này trở nên điên; Nijinsky cũng là bạn thân của Charles Chaplin). Đáng để ý nhất là Charles Chaplin rất say mê Spengler và bộ Sự suy tàn của Tây phương; Charles Chaplin cũng say mê Nietzsche, Emerson, và Schopenhauer. Einstein là bạn thân của Charles Chaplin, lúc sinh thời, Einstein thường đến nhà Chaplin và hai thiên tài cùng đàn vĩ cầm chung nhau.


2.

Nói đến Charles Chaplin thì biết nói gì bây giờ, ngoài ra chỉ nói rời rạc như trên?

Charles Chaplin, tôi gọi tên người như gọi tên một rừng chim lạ, như gọi tên giòng sông Danube xanh màu đại dương.

Và sau cùng, tôi muốn trích lại đây lời của thi sĩ Blaise Cendrars nói về Charles Chaplin, một thiên tài nói về một thiên tài:

“Đặc tính của con người là mất, là chết. Chúng ta hãy gấp lên mà cười hết mọi sự. Cảm ơn Charlot!” [2] .

Hãy cười tất cả mọi sự!

Cười trước sự đau khổ, cười trước sự chết, cười trước tất cả những tủi nhục phũ phàng của đời sống.

Đó là con đường giải thoát duy nhất cho sự đổ vỡ hiện nay của nhân loại. Đó là đạo lý cuối cùng của con người không sợ sống; chúng ta có nên đưa Charlot lên ngôi Thượng đế?



Chương chín

Ý thức siêu thể - Linh hồn Faulkner và siêu hình học thời gian của Jean-Paul Satre và Aldous Huxley

1.

Tôi vừa được được tin Faulkner từ trần.

Năm vừa qua, Hemingway, Céline đã lìa đời; năm nay lại đến Faulkner… Những thiên tài vĩ đại lần lượt dắt nhau từ bỏ trần gian hiu quạnh này mà trở về lòng đất.

Tôi nghe tin Faulkner chết mà tâm hồn tôi vẫn không xao động; bởi vì Faulkner vẫn mãi mãi sống mãnh liệt trong lòng chúng tôi, trong lòng người trẻ tuổi hôm nay. Linh hồn Faulkner vẫn đứng bên cạnh chúng tôi (cũng như linh hồn bất diệt của những thiên tài khác như Nietzsche, Dostoievsky, Eugene O’Neill, Melville, Rimbaud, vân vân.)

Tuổi trẻ chúng tôi đã được che chở dưới những hình ảnh hiên ngang của những con người dị thường ấy; tâm hồn chúng tôi đã được nuôi dưỡng trong tâm tình máu lệ của họ.

Trong những lúc thất vọng đau đớn chán nản khắc khoải xao xuyến, chúng tôi đã tìm đến Faulkner (cũng như đã tìm đến Henry Miller, Saroyan, Hermann Hess, vân vân) chúng tôi tìm đến chỗ nương náu, nơi trú ẩn để tránh những cơn bão loạn phũ phàng của tâm hồn, để thấy rằng còn có những kẻ khổ như chúng tôi hoặc khổ hơn chúng tôi, để ý thức rõ thêm rằng cuộc đời quá tàn nhẫn bi đát, rằng con người vĩ đại, bất diệt bởi vì con người đã chịu đựng được sự đau khổ phi lí vô nghĩa của cuộc đời mình, rằng tình thương vẫn đơm hoa nở trái trên nấm mồ nhân loại, rằng không có gì có thể phá hủy được trái tim con người, rằng con người sẽ chiến thắng được tất cả mọi nỗi đau đớn trên đời này.

Đừng bao giờ sợ hãi. Cứ lên tiếng tranh đấu cho chính trực, cho sự thực và lòng thương xót trắc ẩn để chống lại bất công láo khoét và tham bạo. So, never be afraid. Never be afraid to raise your voice for honesty and truth and compassion, against injustice and lying and greed. Những lời thiết tha ấy của Faulkner vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi và chúng tôi không bao giờ quên được lời Faulkner khi nhận giải Nobel, những lời đơn sơ chứa đựng những chân lý ngàn đời của con tim như tình yêu, danh dự, hãnh diện, hy sinh, can đảm, chịu đựng và lòng trắc ẩn, xót thương…

Những tiếng giản dị quá tầm thường ấy đã trở thành thâm trầm sâu sắc thấm thía bởi vì những tiếng ấy đã được thốt ra từ đôi môi cháy bỏng của một người đã sống qua “một mùa ở hoả ngục”.


2.

Ở dưới đây chỉ là những ghi chú tôi đã viết trong những lúc tiếp xúc với tâm tình tư tưởng của Faulkner. Đối với một thiên tài quá phức tạp như Faulkner, tôi không thể nào dám có những nhận định, tôi chỉ có thể đưa ra những ghi chú, nghĩa là những cảm tưởng nhất thời mà thôi. Tôi không muốn sắp xếp những ghi chú trên theo thứ tự thời gian hoặc theo thứ tự đề tài, bởi vì nói đến “ghi chú” là nói đến tản mác, rời rạc, tạm bợ, chưa hết, chưa xong; nếu những ghi chú mà được sắp xếp thứ tự, được hệ thống hoá đàng hoàng thì ta không gọi đó là “ghi chú” nữa; ta gọi một tên khác.


3.

Tôi không bao giờ quên được giọng rên xiết thê thảm của Benjy,”tiếng than trầm trọng tuyệt vọng của tất cả những nỗi đau đớn câm lặng dưới ánh mặt trời” (the grave hopeless sound of all voiceless misery under the sun), bàn tay của Dilsey vuốt ve trên mái tóc của Benjy và đoá hoa đã tan nát nhưng đôi mắt Benjy trống rỗng, xanh lơ và bình lặng; những lời giảng kinh từ giáo đường da đen vẫn đời đời vẳng đến tai tôi: Chúng giết Ta để các con có thể sống lại; Ta chết để những kẻ nào thấy và tin tưởng sẽ không bao giờ chết nữa” (Dey kilt Me da ye shall live again; I died dat dem whut sees en believes shall never die).

Tôi sẽ nhớ mãi hai dòng nước mắt của người đầy tớ da đen già yếu (Dilsey), hai giọt nước mắt đau thương của một kẻ đã xót xa chứng kiến buổi ban đầu và buổi tận cùng của thế hệ (I’ ve seed de first en de last… I seed de beginnin, end now I sees de endin).

Faulkner đã để lại hai hình ảnh bất diệt: Benjy và Dilsey, một người da trắng khùng ngốc và một người da đen nghèo khổ, hai hình ảnh lý tưởng của sự Hồi Sinh nhân loại.


4.

Không thể hiểu được Faulkner.

Trước khi đọc tác phẩm của Faulkner, cần phải đọc lại Thánh kinh, ta mới hiểu được hoả ngục của Faulkner. Faulkner là một tiên tri của thời đại đổ vỡ này (như Strindberg, Henry Miller, Dostoievsky…)

Ở trước, ở sau, ở chung quanh những giòng chữ của Faulkner, sương khói huyền bí thiêng liêng vây phủ: ta thoáng nghe tiếng khóc thê thảm của những oan hồn; ta thoáng nghe tiếng nói xa xôi mơ hồ: tiếng kêu ơi ới của những con người lạc đường mất hướng trong đêm mưa bão loạn: nhiều lúc ta lại bất chợt rùng mình ớn lạnh vì bỗng nhận ra tiếng kêu ơi ới bi thảm ấy là tiếng kêu của chính ta: những con người lạc lõng trong đêm khuya giá buốt ấy không phải là ai cả mà là chính ta…

Và trong đêm tối rùng rợn ấy, trong hố thẳm sương mù ấy, ta chợt run lên, vì linh giác cảm thấy sự Hiện Diện huyền bí của Siêu Thể giữa cơn tuyệt vọng vô hạn phủ đầy Hư Vô.

(10-X-1960)


5.

Những tác phẩm máu lệ của một đời người đã thai nghén trong nỗi xót xa ray rứt và mồ hôi nhầy nhụa của tâm thức tê dại - từ những chất liệu lạ lùng nhất của tâm hồn; những tác phẩm ấy có phải là những “hiện tượng thiên nhiên”, những hòn đá hay những cây trơ trơ xuất hiện ra ở đó để cho người ta đem thông minh mà phân chia định loại với giọng điệu thông thái của triết gia nhà nghề? Như là điệu xô bồ của Jean-Paul Sartre khi bàn luận về Faulkner, chẳng hạn.

Faulkner là một con người không có trí thông minh, ông không có đầu mà chỉ có một trái tim. Đi đến Faulkner, ta đừng nên lấy thông minh của ta mà tìm kiếm thông minh của Faulkner: ta sẽ không bao giờ tìm được gì cả. Ta hãy lấy trái tim của ta ra và cầm lấy trái tim ấy trong lòng hai bàn tay, rồi bước đi tìm kiếm Faulkner: giữa đêm tối hoang vu, một linh hồn sẽ gặp một linh hồn.

(12-X-1960)


6.

Ý nghĩa của tác phẩm Faulkner?
Không có ý nghĩa gì cả. Ý nghĩa ấy là chữ “không”. Đó chỉ là một câu chuyện của một anh khùng ngu dại, ồn ào và đầy thịnh nộ, chẳng có ý nghĩa gì cả. Full of sound and fury…

Faulkner chỉ là một người khùng ngu dại.

Những kẻ nào sáng suốt thông minh, khôn ngoan không nên tìm đến Faulkner. Tìm đến sẽ thất vọng, sẽ bực mình khó chịu ngột ngạt, bởi vì chung quanh chỉ toàn là tiếng rên ồn ào đầy thịnh nộ, chẳng có ý nghĩa gì cả.

Chỉ những kẻ nào ngu dại điên khùng ngây thơ mới tìm đến Faulkner.

Những kẻ tội lỗi, những tù nhân, những trẻ nít, những gái giang hồ, những kẻ thất bại, những người ngu si dốt nát, những kẻ lập dị, những người khùng, những kẻ hồn nhiên khờ dại vụng về, những kẻ lạc hậu nhà quê, những người không có quê hương,những kẻ sắp tự tử, những người chưa có quan niệm gì về văn nghệ, những kẻ không biết tư tưởng, những kẻ vô trách nhiệm, những người lạc lõng cô đơn, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, bị đời khinh chê, nói tóm lại là những người có linh hồn, chỉ những người này là có thể hiểu cảm được Faulkner.

Đó là ý nghĩa của tác phẩm của ông.

(8-X-1961)


7.

Đừng đem thông minh lý trí đến tìm Faulkner. Hãy đem trái tim. Hãy đem tâm hồn. Một tâm hồn sẽ gặp một tâm hồn; tâm hồn này sẽ dẫn dắt tâm hồn kia cùng nhau bước đi trong đêm tối phũ phàng; con đường dài thăm thẳm, gió rít ghê rợn, buốt lạnh bám vào xương da, tay chân run lẩy bẩy, răng cọ nghiến vào nhau, tóc bay rối tung, miệng thở mệt mỏi, mấy bàn chân vẫn bước đi; tâm hồn này nương vào tâm hồn kia, dựa vào, ngả vào, kề vào, ghé vào, để bớt cô đơn, để được nâng đỡ đôi chút, để được thêm sức lên mà cùng nhau bước đi, tiếp tục bước đi, lòng chứa chan hy vọng và kiên nhẫn và can đảm và hãnh diện và vinh dự, trượt té bao lần mà vẫn cố gắng đứng dậy và tiếp tục bước đi, đi mãi đi hoài trên con đường gió lộng, mưa rơi sương khuya mù mịt, lê bước, lầm lũi bước, cố gắng bước, mạnh bước trên con đường nhầy nhụa, lầy lội, bẩn thỉu, dơ dáy, gai góc, đen tối, rướm máu, con đường vô tận mà người ta gọi là con đường đời.

(8-X-1961)


8.

Cả một đời người gần ba mươi tác phẩm, Faulkner muốn gửi gắm những gì cho thế hệ chúng ta? Từ tập thơ đầu tiên The Marble Faun đến những quyển tiểu thuyết cuối cùng đầy sương mù ám phủ, Faulkner muốn nói gì? Tại sao Faulkner cứ viết văn rắc rối, hỗn độn, dài dòng, lê thê, lung tung, đen tối, nặng nề? Tại sao tất cả những quyển tiểu thuyết của Faulkner đầy tràn những kẻ giết người, những tù nhân, những kẻ loạn luân, những con người rừng rú man rợ, những thằng khùng, những gái đĩ, những mụ già, những ông già, những nông dân, những người đầy tớ, những mọi da đỏ, những người Mỹ da đen? Tại sao người lính kia từ trận địa xa xôi trở về quê hương để mà vất vưởng xa lạ bơ phờ lạnh nhạt? (Soldiers’ Pay). Tại sao hành động lại quan trọng hơn những lời, những tiếng? (Mosquitoes). Tại sao Bayard Sartoris lại lầm lì yên lặng hàng giờ và sống lạnh lùng khô khan, không vui, không buồn, vô tình trơ trơ? Để Narcissa phải tìm đến Horace Benbow? (Sartoris). Tại sao Darl phải khùng, phải điên? (As I lay dying). Popeye tượng trưng cho cái gì? Tại sao Temphe Drake luân lạc lầu xanh ba chìm bảy nổi như nàng Kiều? (Sanctuary). Tại sao Joe Christmas muốn tự nhận mình là một kẻ da đen? Tại sao cuộc đời đã phũ phàng mà người ta vẫn gây phũ phàng thêm và không bao giờ dung thứ những sự yếu đuối của con người? (Light in August). Tại sao Henry lại giết Charles? Tại sao không thể nhận người da đen như là một con người, một kẻ ngang hàng với mình? (Absalom, Absalom!). Tại sao nàng chết và để chàng bơ vơ tù tội? (The Wild Palms). Tại sao người lại trở về lại nhà tù và tìm hạnh phúc trong triền phược? (The Old Man). Con gấu Old Ben tượng trưng cho cái gì? (The Bear). Tại sao phải tìm giải thoát trong đau khổ? (Requiem for a Nun). Tại sao Benjy cứ mãi rên siết, tru tréo khóc rống suốt cả một quyển sách? (The Sound and the Fury). Tại sao tôi cứ hỏi “tại sao” mãi mà vẫn không hết? Một ngàn câu hỏi, mấy ngàn câu hỏi vẫn lăn tăn trong đầu tôi, trong óc tôi, trong lòng tôi, trong ý thức và nhất là trong tiềm thức, lúc đi, lúc đứng, cũng như lúc ngủ.

The Sound and the Fury là tác phẩm mãnh liệt huyền bí nhất của Faulkner; chúng ta hãy ghé lại đây và đi vào để nhìn những đống gạch đổ nát hoang tàn của thời đại. Rồi tìm thử trên sự đổ vỡ điêu linh ấy có còn một đoá hoa nào mọc lên hay không?

Đọc hết quyển The Sound and the Fury, tôi sửng sốt ngạc nhiên nhận ngay rằng tôi đã đi vào một thế giới phũ phàng đen tối vô cùng; thế mà không hiểu sao trong một thế giới như vậy tôi lại thấy đầy chim, nhái, bướm, cây, hoa, bầu trời, hoa kim ngân… Faulkner viết những trang văn quá thác loạn tàn nhẫn như thế, mà vẫn không bao giờ quên một tiếng chim kêu hay một con bướm vàng hoặc mùi thơm ngây ngất của hoa kim ngân. Đó là một điều lạ. Tại sao những nhà phê bình không thấy điều ấy?

Điều lạ thứ hai: ngoài những tiếng rên siết khóc rống, đau thương của một anh khùng da trắng, tôi lại nghe những tiếng hát lanh lảnh của những người đầy tớ da đen (chương đầu và nhất là chương cuối) hay là trong lúc những người da trắng ruột thịt cùng máu mủ với nhau mà lại cấu xé hành hạ lẫn nhau, trong lúc ấy thì từ một ngôi nhà thờ của người da đen tôi nghe tiếng hát vẳng lên như muốn đưa tất cả những nỗi khổ ngàn năm của con người lên tới Siêu thể; ở chương cuối, tôi thấy bà cụ già đầy tớ da đen (Dilsey) vừa dọn cơm vừa hát đi hát lại những giòng thánh ca đầy nước mắt trong bầu không khí hoang vắng tịch mịch của một gia đình da trắng đổ nát tang thương.

Điều lạ thứ ba: tôi nghe biết bao nhiêu lần những câu như “chị Caddy có mùi thơm như cây lá” (She smelled like trees) “Chị Caddy có mùi thơm như lá cây” (Caddy smelled like leaves). “Chị Caddy có mùi thơm như cây lá dưới mưa” (Caddy smelled like trees in the rain). Tôi đã được nghe đi nghe lại những câu trên không biết bao nhiêu lần. Caddy là ai? Caddy là một cô gái xinh đẹp đa tình, khả ái, thông minh, lẳng lơ, số kiếp long đong trôi nổi, bị gia đình từ bỏ, sống giang hồ luân lạc; những điều ấy khiến tôi cảm thấy thương Caddy như thương một người con gái thực sự ở đời (chứ không phải như một nhân vật tiểu thuyết).

Ba điều trên là ba điều lạ lùng nhất. Đọc xong tác phẩm The Sound and the Fury mà không bị ám ảnh ba điều trên thì ta nên gấp sách lại, đừng đọc lại nữa, vì có đọc nữa ta cũng không hiểu gì hết và sẽ thất vọng chán chường (như Sartre, Sean O’Faolain đã thất vọng…)

Những nhân vật chính trong quyển The Sound and the Fury là gia đình Compsons và những người đầy tớ da đen.

Gia đình Compsons gồm có Quentin, Caddy, Jason, Benjy, Quentin (con gái của Caddy, trùng tên với cậu).

Những người đầy tớ da đen là Dilsey và Roskus (chồng của Dilsey), cùng những đứa con là Versh, T.P. và Frony, rồi đến Luster (con trai của Frony).

Quentin sinh vào khoảng 1890; Caddy (hay Candace) sinh vào khoảng 1892; Jason sinh khoảng 1894 và Benjy (hay Benjamin hay Maury) sinh khoảng 1895. Quentin, Jason, Benjy là trai, chỉ có Caddy là gái.

Quentin là sinh viên trường đại học Harvard tự tử ngày 2 tháng 6, 1910, vì đau buồn chán đời và nhìn thấy những cảnh đổ vỡ thối tha của gia đình.

Caddy chửa hoang, nên theo mẹ đi nơi khác, lấy chồng vào ngày 25-4-1910 (nàng lấy Sidney Herbert Head); một năm sau, bị chồng đuổi, nàng đem con gái đầu lòng về cho cha mẹ nuôi, rồi bỏ đi biệt (nàng bị bà mẹ từ bỏ); đứa con gái của Caddy tên là Quentin, trùng tên với cậu (Caddy muốn hồi tưởng kỷ niệm tên anh).

Jason là một con người bần tiện xấu xa và tàn nhẫn; Jason thù ghét anh, chị và em, rồi đến cả cháu là Quentin (con gái Caddy), Jason cũng thù ghét và tìm cách hành hạ đủ điều. (Thời đại này lố nhố đầy những Jason).

Benjy là đứa em út, thương yêu chị Caddy lắm. Benjy thì ngốc khùng, bị anh Jason đem đi hoạn vào 1913 và lúc bà mẹ chết rồi, Jason đem Benjy bỏ vào nhà thương điên năm 1933. Benjy ngây ngô như một đứa bé.

Quentin là con gái của Caddy, người ta không biết tên cha là ai (có lẽ cha là Dalton Ames); tính tình Quentin giống mẹ, cũng lẳng lơ lãng mạn phóng túng, bị cậu Jason thù ghét hành hạ đủ điều, sau bỏ nhà trốn đi mất (Truyện chấm dứt lúc Quentin trốn đi).

Trong những người đầy tớ da đen của gia đình Compsons, đáng để ý đặc biệt nhất là Dilsey, một bà cụ già ốm yếu, đã ở với gia đình Compsons đến ba đời.

Trước khi đọc quyển The Sound and the Fury, ta cũng nên lưu ý một điểm nhỏ: trong sách có rất nhiều nhân vật trùng tên với nhau, như có hai người tên là Jason (một ông cha và người kia là con trai, em của Caddy); hai người tên là Quentin (một ông cậu, tức là anh của Caddy và người kia là cô cháu, tức là con gái của Caddy); hai người tên là Maury (một là ông cậu và người kia là cháu, anh khùng, em út của Caddy).

Ngoài ra Caddy còn có tên là Candace; và Maury (anh khùng) sau này đổi tên lại là Benjy (hay Benjamin).

Quyển The Sound and the Fury gồm có 4 chương hay 4 phần:

Phần I: ngày 7-4-1928; độc thoại nội tâm của Benjy (anh khùng)

Phần II: ngày 2-6-1910; độc thoại nội tâm của Quentin (anh sinh viên đại học).

Phần III: ngày 6-4-1928; độc thoại nội tâm của Jason (tên bần tiện)

Phần IV: ngày 8-4-1928; tác giả tả về Dilsey và thuật lại việc Jason rượt bắt cô cháu Quentin.

Phần I: (độc thoại nội tâm của Benjy). Tôi đi vào trong ý thức của một anh khùng ba mươi tuổi. Chỉ nội trong một ngày (7-4-1928), tất cả những biến cố quá khứ cũng như hiện tại đã xảy ra hỗn độn trong ý thức Benjy; ý thức của Benjy mới ở hiện tại, rồi bỗng dưng nhảy vào quá khứ, rồi từ quá khứ này nhảy đến quá khứ khác, rồi từ quá khứ khác nhảy đến đến quá khứ khác nữa, rồi từ quá khứ khác nữa nhảy đến quá khứ khác khác nữa, thế rồi ý thức Benjy bỗng trở về hiện tại, rồi từ hiện tại lại nhảy xuống quá khứ v.v… Giòng thời gian của ý thức Benjy không trôi chảy theo một đường dài hay một đường thẳng mà lại trôi chảy theo một vòng tròn, trở đi rồi lại trở lại, trở lại rồi lại trở đi. Đường phân chia ranh giới giữa hiện tại và quá khứ đã mất trong ý thức Benjy. Hiện tại chỉ là những cái đinh để ý thức ấy móc những cái áo cũ. Có khi quá khứ cũng là những cái đinh để ý thức Benjy móc những cái áo hiện tại.

Phần II: (độc thoại nội tâm của Quentin). Tôi đi vào trong ý thức của một anh sinh viên trường đại học Harvard (tức là Quentin, anh của Caddy và Benjy), ở đây những hình ảnh xảy ra trong ý thức Quentin không thứ tự lớp lang mà lại còn lộn xộn hơn phần I. Tôi chỉ biết ý thức của Quentin là ý thức của một kẻ bị thác loạn. Tôi thấy Quentin bị hình ảnh của Caddy ám ảnh dữ dội và nhất là sự chết đã ám ảnh Quentin mãnh liệt vô cùng. Đây là tâm trí của một kẻ sắp tự tử.

Phần III: (độc thoại nội tâm của Jason). Tôi đi vào trong ý thức của một con người có trí óc lành mạnh (tức là Jason, em trai của Quentin và Caddy, nghĩa là anh của Benjy). Qua ý thức của Jason, tôi thấy rõ tính ty tiện tàn nhẫn của Jason và tôi được nhìn thấy lại những tấn bi kịch quá khứ và hiện tại của gia đình Compsons.

Phần IV: Tác giả không dùng lối độc thoại nội tâm nữa mà lại viết theo lối thuật sự thông thường, tác giả dựng lên hình ảnh của Dilsey trong một gia đình da trắng đổ vỡ, Jason đuổi bắt Quentin (vì cô Quentin bỏ nhà trốn đi đem theo tiền của Jason) trong lúc ấy, Dilsey (cùng đứa con gái, cháu trai và Benjy) đi nhà thờ dự lễ Phục sinh [3] .

Quyển The Sound and the Fury chấm dứt nơi phần IV.

(12-X-1960)



[1]Xem Al Hine, “Limelight on Life” trong College Prose của Boatright và Hughes, trang 397 (Houghton Mifflin Co, 1956).
[2]Blaise Cendrars: “Le propre de l’homme, c’est de disparaitre – Hâtons – nous de rire de tout - Merci Charlot!” Xem Parrot, Blaise Cendrars, P. Seghers, collection Poètes d’aujourd’hui).
[3]Ta nên để ý hình ảnh tượng trưng của Faulkner. Cả gia đình người da trắng đổ nát tiêu tan và những người đầy tớ da đen đi nhà thờ dự lễ Phục Sinh. Hình ảnh này tượng trưng sự Phục Sinh của con người?
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.