© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
(Tiếp chương chín)

9.

Về vấn đề thời gian của Faulkner, trong một quyển sách khảo luận về tiểu thuyết tâm lý, Leon Edel viết: “Ta chỉ có thể hiểu được cách cấu tạo và nội dung chủ đề của quyển The Sound and the Fury khi ta lãnh hội được mối bận tâm kỳ lạ của Faulkner về thời gian hay là phi thời gian” [1] .

Tôi không nghĩ thế.

Vấn đề thời gian là một trong những vấn đề quan trọng (chưa phải là quan trọng nhất). Con người bị thời gian ám ảnh là một trong những đề tài quan trọng của quyển The Sound and the Fury.

Sartre đả kích Faulkner vì Sartre cho rằng Faulkner đã cắt bỏ tương lai, vì thế hiện tại cũng chẳng thành hiện tại mà chỉ còn có quá khứ thôi, le présent n’est pas, il devient: tout était [2] , tôi hiện không tồn tại, tôi chỉ tồn tại ở quá khứ, je ne suis pas, j‘étais; Sartre cho như thế là sai lầm, bởi vì tính chất của ý thức bao hàm ý thức tự phóng tới đằng trước ở tương lai, ý thức ấy tự định bản chất hiện tại của nó bằng những khả năng của chính nó, la nature de la conscience implique au contraire qu’elle se jette en avant d’elle – même dans le futur; on ne peut comprendre ce qu‘elle est que par ce qu‘elle sera, elle se détermine dan sons être actuel par ses propres possibilités [3] , người ta chỉ có thể hiểu được tính chất hiện tại của ý thức là nhờ tính chất tương lai của nó, vì thế con người không phải là toàn thể những gì mình có mà toàn thể những gì mình chưa có, toàn thể những gì mình sẽ có thể có, l’homme n’est point la somme de ce qu’il a, mais la totalité de ce qu’il n’a pas encore de ce qu’il pourrait avoir [4] . Quan niệm thời gian của Faulkner không phải như thế. Jean-Paul Sartre bênh vực tương lai và bỏ quên quá khứ. Đối với Faulkner, thời gian là một toàn thể, có quá khứ, có hiện tại và có tương lai. Faulkner không cắt bỏ phần nào.

Mối bận tâm của Faulkner về thời gian nằm ở chỗ khác: theo tôi, đối với Faulkner, vấn đề đặt ra không phải là quá khứ, hiện tại hay tương lai mà là phân biệt giữa thời gian thực sự và thời gian giả tạo.

Aldous Huxley cũng đặt ra vấn đề thời gian giống như Faulkner. Thời gian của quyển The Sound and the Fury (Faulkner) và của quyển Eyeless in Gaza (Aldous Huxley) đều đảo lộn hết, ngày tháng năm đều nằm lộn xộn chứ không theo thứ tự thường lệ. Quyển The Sound and the Fury mở đều chương đề ngày 7-4-1928, rồi chương kế đó là 2-6-1910, chương tiếp theo là 6-4-1928, rồi chương cuối là 8-4-1928; quyển Eyeless in Gaza mở đầu với chương nhất đề ngày 30-8-1933,
chương kế tiếp 4-4-1934 chương tiếp là 30-8-1933, chương kế tiếp là 6-11-1902, vân vân.

Tại sao vậy? Pourquoi Faulkner a-t-il cassé le temps de son histoire et en a-t-il brouitlé les morceaux? (Sartre). Tại sao vậy?

Bởi vì Faulkner và Aldous Huxley muốn đạt đến thời gian thực sự, chứ không phải thời gian giả tạo.

Thời gian thực sự là như thế nào? Là thời gian không bị xác định phân chia bởi những phát sinh của con người. Là thời gian thiên nhiên, thời gian của vũ trụ.

Trước kia, vào ngày xưa, con người sống thư thái điều hoà trong lòng thời gian với tiết điệu nhịp nhàng vận chuyển luân lưu của bốn mùa; xuân, hạ, thu, đông trở đi, trở lại một cách khoan thai điều hoà. Con người sống trong lòng thiên nhiên; thời gian trôi chảy êm đềm theo những đoá hoa đào, hoa mai hoặc hoa phượng hoặc những lá vàng hay những cành cây khô; thời gian trôi chảy nhẹ nhàng theo ánh mặt trời, triêu dương rồi lại tịch dương và theo ánh trăng, trăng tròn rồi lại trăng khuyết. Thế rồi từ khi con người trở nên văn minh tiến bộ, con người phát minh ra máy móc; cùng với máy móc, người ta phát minh ra thời gian mới; thời gian mới đối nghịch lại thời gian và xô đẩy thời gian cũ ra ngoài ý thức con người. Thời gian là thời gian của mặt trời, mặt trăng, của xuân hạ thu đông. Thời gian mới là thời gian của tấm lịch, của đồng hồ, của cây kim dài, cây kim ngắn. Thời gian mới không có gì nguy hiểm. Chỉ nguy hiểm là tại người ta biến thời gian mới ấy trở thành một ông chủ tàn bạo và con người trở thành mất ăn mất ngủ vì suốt ngày đôi mắt bơ phờ cứ bị những con số hành hạ.

Thời giờ là một sự phát minh gần đây… nó là phó sản của chế độ kỹ nghệ… ngày nay thời giờ đã trở thành kẻ độc tài bạo ngược đối với chúng ta (Aldous Huxley). Đi đâu tôi cũng thấy đồng hồ! Tôi phải hấp tấp vội vã suốt ngày. Ngày xưa người thợ tha hồ làm việc thảnh thơi chậm chạp, nhưng ngày nay những công nhân thường hay bị hối thúc liên miên; họ phải sản xuất cho nhiều cho nhanh để kịp ngày, kịp giờ, kịp phút, kịp giây. Chờ đợi, đối với tôi, là cả một cực hình. Tôi mất cái khoan thai ung dung của cổ nhân; nếu phải chờ đợi hay chờ đợi một việc gì, tôi cảm thấy bực bội nóng lòng vô cùng, còn đâu dáng bình thản của Khương Tử Nha bên dòng sông Vị?

Đối với con người sống thời tiền kỹ nghệ, thời gian trôi chảy một cách chậm chạp nhẹ nhàng, người ta không bận tâm lo lắng về mỗi phút; bởi vì người ta cũng chưa bị ý thức về những thứ ấy (Aldous Huxley).

Ngày nay, tôi lo lắng để ý từng giờ, từng phút, từng giây, thời gian mới ấy rất có ích lợi đối với chúng ta, nhưng đồng thời chính thời gian mới ấy cũng chi phối ăn mòn giết hại hình hài và tâm hồn tôi. Ý thức máy móc đã đánh mất ý thức thiên nhiên và con người phải sống tù hãm trong vòng kiềm toả của những ý niệm trừu tượng máy móc. Thời gian của chúng ta hiện nay là thời gian giả tạo, làm bằng máy. Ngày nay phần nhiều chúng ta đã gần như hoàn toàn quên mất thời gian thiên nhiên, thời gian vũ trụ được đo bằng mặt trời và mặt trăng… Con người thời tiền kỹ nghệ không thể bao giờ quên sự vận chuyển oai nghi của thời gian vũ trụ. Kỹ nghệ và đời sống thành thị đã thay đổi hết mọi sự. Người ta có thể sống và làm việc trong một thành thị mà không cần ý thức đến sự vận hành thường nhật của mặt trời, không cần bao giờ ngắm nhìn mặt trăng và những ngôi sao. Ngay đến sự thay đổi thời tiết cũng rất ít ảnh hưởng đến người dân ở thành thị. Người ta sống trong một vũ trụ giả tạo bị ngăn chia ra ngoài thế giới thiên nhiên bằng một bức tường. Ở bên ngoài bức tường, thời gian thuộc về vũ trụ và di chuyển theo nhịp điệu của mặt trời và những ngôi sao. Bên trong bức tường, thời gian là công việc của những bánh xe xoay tròn và được đo bằng những giây và những phút [5] (Aldous Huxley).

Đối với Faulkner và Aldous Huxley, thời gian thực sự là thời gian thiên nhiên hay thời gian vũ trụ (natural, cosmis time) và thời gian giả tạo là thời gian của đồng hồ hay thời gian nhân tạo, do máy móc làm ra (artificial, man-made time).

Đi từ nhận định trên, tôi mới có thể hiểu ý nghĩa những câu độc thoại nội tâm của Quentin trong The Sound and the Fury như: “ Cha tôi nói rằng những đồng hồ đã giết thời gian. Cha nói rằng thời gian chết khi bị ăn mòn bởi những tiếng tích tắc của những bánh xe nhỏ; chỉ khi nào đồng hồ ngừng thì thời gian mới sống lại”. (Because Father said clocks slay time. He said time is dead as long as being clicked off by little wheels; only when the clock stops does time come to life) [6] .

“Chúa Ki tô không phải bị đóng đinh trên thập giá; Ngài đã bị ăn mòn bởi tiếng tích tắc nhỏ bé của những bánh xe nhỏ” (That Christ was not crucified: He was worn away by a minute clicking of little wheels) [7] hay “Thời gian là tai hoạ của anh” (time is your misfortune) [8] .

Thời gian đã ám ảnh Quentin là thời gian nhân tạo (thời gian của đồng hồ).

Trong quyển The Sound and the Fury, chỉ có Quentin và cha của Quentin là bị thời gian ám ảnh; còn Jason thì không bị ám ảnh; bởi vì Jason đã trở thành kẻ nô lệ của thời gian: một kẻ nô lệ mù quáng mất hết cả cá tính bản ngã. Jason đã bị thời gian (của đồng hồ) chinh phục và không ý thức rằng mình đã bị chinh phục; còn Quentin và ông cha thì ý thức được rằng họ đa bị chinh phục bởi thế họ mới bị tiếng tích tắc của đồng hồ ám ảnh ray rứt.

Benjy thì sống trong thế giới không có đồng hồ; thời gian trong thế giới ấy là thời gian thực sự - thời gian của thiên nhiên. Spoade cũng thế [9] .

Còn Dilsey thì lại không bao giờ bị đồng hồ ám ảnh và cũng không bị đồng hồ chinh phục, Dilsey biết dùng đồng hồ chứ không để đồng hồ dùng mình; Dilsey hiểu rõ hai thời gian: thời gian thực sự (thiên nhiên) và thời gian giả tạo (đồng hồ). Dilsey vừa ý thức thời gian nhân tạo vừa ý thức thời gian vũ trụ (vừa ý thức thời gian của đồng hồ vừa ý thức thời gian không có đồng hồ).

Dilsey chậm rãi ung dung thư thái không bao giờ hấp tấp vội vàng lo lắng (cf. The Sound and the Fury, a signet book, trang 187-211 và trang 219-224) (10).

Nhìn chung, ta thấy vấn đề thời gian đối với Faulkner (cũng như đối với Aldous Huxley) chỉ là vấn đề phân biệt và ý thức về thời gian thực sự và thời gian giả tạo: con người thời đại đừng để thời gian giả tạo chế ngự mình và đừng bao giờ quên thời gian thực sự của vũ trụ. Nếu có vấn đề thời gian trong tác phẩm của Faulkner thì chỉ có thế thôi, chứ không phải vấn đề quá khứ như Jean-Paul Sartre đã phê bình. Dù sao, ta cũng nên nhớ rằng vấn đề thời gian không phải là chủ đề thực sự của The Sound and the Fury. Tác phẩm của Faulkner không phải chỉ giản dị như thế.

(20-3-1962)


10.

- Người ta hỏi Faulkner:

- Ông làm nghề gì?

- Tôi là một nông dân, tôi chỉ là một người nhà quê [10] .

(15-3-1962)


11.

Jean-Paul Sartre, con người lạ lùng đã tạo ra một nhân vật như Roquentin, ai ngờ con người ấy có thể viết những trang văn đầy ngộ nhận. Roquentin không phải là anh em của Quentin hay của Meursault sao? Chỉ có tên là khác, thực ra ba người chỉ là một tâm hồn thôi. Ở La Nausée của Sartre, chàng ấy mang tên là Roquentin; đến L’Étranger của A. Camus, Roquentin đổi tên là Meursault; rồi đến The Sound and the Fury, Roquentin đổi tên là Quentin (The Sound and the Fury viết vào năm 1929; La Nausée viết vào năm 1938; L’Étranger viết vào năm 1942).

Roquentin đã không nhận ra anh em của mình. Sartre đã không nhận ra Faulkner và Camus. Trong mấy trang “Explication de L’Étranger” ở tập Situations I, Sartre đã hiểu sai Camus. Rồi đến mấy trang “La Temporalité chez Faulkner”, Sartre đã lên giọng thông minh uyên bác để làm chìm mất thiên tài lạ lùng của Faulkner.

Sartre không thể hiểu được Faulkner. Sartre cũng chẳng cảm được Faulkner, Sartre đã đem lý trí minh bạch của một người Pháp đi đến Faulkner; Sartre đã thất vọng (hay là đã thất bại).

Tôi không ngờ 11 trang của Sartre viết về Faulkner đã có ảnh hưởng lớn lao biến chuyển cả một chặng đường phê bình văn nghệ về Faulkner. Với uy tín lớn lao của một triết gia có tài, Sartre đã có ý phá hoại linh hồn Faulkner.

Sartre phê bình Faulkner vào năm 1939 và từ năm ấy trở đi, những lời thông minh của Sartre đã được một lớp phê bình gia trích đi trích lại, nhắc đi nhắc lại cho mãi đến ngày nay vẫn còn.

Giảng dạy ở trường Cao học Nữu ước vào năm 1944-45, Pierre Brodin cũng phê bình Faulkner theo giọng điệu Sartre [11] . Trong quyển L’Age du roman Américain, một quyển khảo luận rất sâu sắc về văn học Mỹ hiện đại, Claude- Edmonde Magny, giảng sư đại học đường Cambridge, cũng trích lại những lời của Sartre [12] . Một nhà văn nổi danh như Sean O’Faolain cũng hiểu sai Faulkner và năm 1953, lúc diễn thuyết tại trường đại học Princeton, O’Faolain cũng nhắc lại câu của Sartre để đả kích Faulkner [13] . Trong quyển Panorama de la littérature contemporaine aux États-Unis, John Brown phê bình Faulkner với những lời lẽ của Sartre [14] .

Thực là nguy hiểm. Sartre đã sai lầm chỗ nào? Trong bài “Temporalité chez Faulkner”, Sartre đả kích “siêu hình học về thời gian của Faulkner” của Faulkner. Điểm sai lầm lớn nhất và căn bản nhất của Sartre là đồng hoá nhân vật Quentin với Faulkner; Faulkner không phải là Quentin; có thể Quentin thể hiện một phần nào tâm tình ý hướng của Faulkner, nhưng còn Dilsey, Caddy, con gái của Caddy, và Benjy?

Từ điểm sai lầm thứ nhất dẫn đến điểm sai lầm thứ hai: Sartre phê bình Faulkner mà không đặt vào toàn văn (contexte); trọn quyển The Sound and the Fury gồm có 4 phần: phần I là độc thoại nội tâm của Benjy, phần II là độc thoại nội tâm của Quentin, phần III là độc thoại nội tâm của Jason, phần IV nói chung về Dilsey.

Một quyển tiểu thuyết gồm có 4 phần quan trọng, nhất là phần I và phần IV; Sartre cố ý cắt đứt bỏ ra 3 phần và chỉ chừa lại có một phần duy nhất là phần II, rồi đứng từ phần II ấy, Sartre thản nhiên sắp đặt cả một “siêu hình học về thời gian” và tự cho đó là “Siêu hình học của Faulkner”!.

Giở lại những trang “Temporalité chez Faulkner” của Sartre, người ta thấy tất cả những câu văn Faulkner mà Sartre trích dẫn để phê bình, tất cả những câu trích dẫn ấy đều thuộc về phần II của quyển The Sound and the Fury.

Phê bình theo điệu Sartre như vậy có thể gọi là võ đoán, hơn nữa là “catastrophique par essence”. Nếu phê bình riêng lẻ theo ý mình, không chịu đặt vào toàn văn, nghĩa là theo điệu của Sartre, tôi có thể đồng hoá tư tưởng quan điểm của Dilsey với tư tưởng quan điểm của Faulkner (cũng như Sartre đã đồng hóa Quentin với Faulkner). Tôi sẽ bỏ ra ngoài phần I, phần II và phần III của tập The Sound and the Fury, tôi chỉ lấy phần IV rồi từ phần IV ấy, tôi tự tiện xây dựng thành một “métaphysique du temps”. Ta sẽ thấy ngay “métaphysique du temps” của phần IV (của Dilsey) chống đối lại với “métaphysique du temps” của phần II (của Quentin). Như vậy trong một quyển tiểu thuyết, ta có thể xây dựng hai “siêu hình học về thời gian” chống đối ngược hẳn nhau và ta có thể tự tiện cho “siêu hình học” này là của Faulkner và ta bỏ quên “siêu hình học” kia không? Quentin là một nhân vật quan trọng trong quyển The Sound and the Fury; nhưng Dilsey cũng là một nhân vật quan trọng? (Có thể nói là quan trọng nhất, vì nếu không có Dilsey thì giá trị tinh thần nhân bản của The Sound and the Fury sẽ mất hết.)

Nếu tôi đồng hoá lập trường của nhân vật với lập trường của tác giả, tôi sẽ có lý để đồng hoá Dilsey với Faulkner hơn là Quentin với Faulkner; bởi chính Faulkner cũng muốn mọi người lưu ý đặc biệt đến Dilsey và những người da đen, chẳng hạn như trong phần “Appendix” trong quyển The Sound and the Fury (cf. Signet Book, 1959), lúc nói về Dilsey và những con cháu của Dilsey, Faulkner đã viết: “Họ đã chịu đựng, họ trường tồn” (They endured).

Nhưng tôi sẽ không thể đồng hoá bởi vì Faulkner không phải là Dilsey mà cũng không phải là Quentin; Faulkner là Dilsey + Benjy + Caddy + Quentin cậu + Quentin cháu. Faulkner là tất cả hợp lại.

Điều sai lầm lớn lao của Sartre là chỉ nhìn thấy một khía cạnh mà cho đó là tất cả, ông lầm một phần với toàn thể.

Tại sao Faulkner phá hủy thời gian của câu chuyện và xáo trộn lại hết? Pourquoi Faulkner a-t-il cassé le temps de son histoire et en a-t-il brouitlé les morceaux ?

Sartre tự hỏi và tự trả lời: “Một kỹ thuật tiểu thuyết luôn luôn đưa ta về siêu hình học của tiểu thuyết gia” (une technique romanesque renvoie toujours à la métaphysique du romancier) và “bổn phận công việc của nhà phê bình là đem ra, tìm ra siêu hình học của tác giả trước khi phê phán kỹ thuật” (La tâche du critique est de dégager celle-ci avant d’apprécier celle là) [15] .

Thế rồi Sartre cố gắng tìm ra siêu hình học của Faulkner: “Thực hiển nhiên, siêu hình học của Faulkner là một siêu hình học về thời gian”. Or, il saute aux yeux que la métaphysique de Faulkner est une métaphysique du temps [16] .

Dựa trên căn bản nào, nền tảng nào mà Sartre cho rằng siêu hình học của Faulkner là “siêu hình học của thời gian” ( “métaphysique du temps”)? Đọc trọn bài Sartre, ta thấy Sartre chỉ căn cứ vào nhân vật duy nhất là Quentin (Sartre chỉ trích dẫn những trang 110, 84, 92, 87, 120, 158, 167, 83, 87, 178 của bản dịch Le Bruit et La Fureur do Maurice E. Coindreau dịch; tất cả những lời trích để dẫn chứng đều là những lời độc thoại nội tâm của Quentin).

Sartre chỉ căn cứ vào những lời nói của nhân vật Quentin để xây dựng “siêu hình học về thời gian của Faulkner”. Vậy Quentin là ai? Quentin là một trong sáu nhân vật chính của quyển The Sound and the Fury (những nhân vật khác là Benjy, Dilsey, Caddy, Jason và con gái của Caddy).

Quentin là người con trai lớn trong một gia đình suy tàn đổ vỡ; Quentin chán đời đau đớn đến cùng cực vì đã chứng kiến bao nhiêu phân tán tồi tệ của gia đình. Quentin rất yêu em gái và rất trọng danh dự gia đình. Đó là những nguyên cớ chính đã đưa chàng đến ý nghĩ tự tử sau khi chàng thấy đứa em gái đĩ thõa và thấy danh dự của gia đình bị bán rẻ đến cùng cực.

Trạng thái tinh thần của Quentin không được bình thường và mất quân bình. Quentin chưa phải là một người điên, nhưng có thể nói là sắp điên; Quentin là con người thác loạn, mang bệnh thần kinh thác loạn và Quentin đã chết vào năm 1910: chàng tự tử.

Sartre căn cứ vào phần II (của quyển The Sound and the Fury) để xây dựng “métaphysique du temps” của Faulkner. Và phần II là gì? Chọn phần II chỉ là phần độc thoại nội tâm (monologue intérieur) của Quentin. Đọc phần II ấy, tôi chỉ thấy những ý tưởng xáo trộn khó hiểu của một kẻ thác loạn. Tôi bàng hoàng tự hỏi: “tại sao Sartre lại căn cứ vào những ý tưởng rời rạc của một kẻ thác loạn sắp tự tử và tự cho rằng những ý tưởng xáo trộn ấy là ý tưởng của Faulkner?”

Đọc bài của Sartre, tôi không thấy Sartre đả kích Quentin mà tôi chỉ thấy Sartre đả kích Faulkner bởi vì Sartre đã tự ý cho rằng Quentin là Faulkner! Ngoài điều sai lầm căn bản trên, tôi còn thấy một sai lầm khác. Cái métaphysique mà Sartre cho rằng của Faulkner như chúng ta đã thấy, đó là của nhân vật Quentin, nhưng tôi còn có thể đặt thêm một nghi vấn nữa: “Có thực đó là métaphysique của Quentin hay là chính Sartre đã giàu tưởng tượng?”. Có phải là Quentin đã bị thời gian ám ảnh, đã bị thời gian khoét mòn? Đúng. Có phải Quentin chỉ sống ở quá khứ và chỉ có quá khứ đối với Quentin là một thứ siêu thực tại (une sorte de surréalité)? Đúng. Nhưng… ta phải phân biệt phụchính. Đối với Quentin, sự chết đã ám ảnh chàng mãnh liệt nhất, trên tất cả mọi sự, trên cả sự ám ảnh của thời gian hay của quá khứ (trong phần “Appendix” cho quyển The Sound and the Fury chính Faulkner đã nói về Quentin như sau: “Quentin yêu sự chết trên tất cả mọi sự…” (cf. signet book, 1959, trang 9). Chính những hình ảnh đau thương đồi trụy của gia đình (cha mẹ, những đứa em trai, nhất là em gái), chính những hình ảnh xót xa điêu đứng ấy đã làm sự chết trở nên quyến rũ đối với Quentin, đã làm Quentin trở nên khác lạ và khiến Quentin có ý nghĩ loạn luân với Caddy (ý nghĩ ấy chỉ là sản phẩm của một khối óc điên loạn muốn tìm một lối thoát kinh khủng để vượt ra ngoài Hư Vô khốc liệt).

Tại sao Quentin đã tự tử? Vì bị thời gian ám ảnh? Không phải thế. Chính cảnh đổ nát của gia đình chàng đã đưa chàng đến chỗ tự tử và chàng đã tự tử lúc tinh thần thác loạn nhất và bị khủng hoảng nhất. Tóm lại, tôi thấy “métaphysique du temps” của Faulkner (hay của Quentin) chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng phong phú của Sartre: Sartre đã có sẵn một số ý niệm về triết lý hiện sinh của riêng ông và bị những ý niệm liberté projet ám ảnh quá mãnh liệt đến nỗi khi đọc Faulkner, Sartre đã bám vào một vài ý nghĩ nào đó rồi tự vẽ ra thành những bóng ma mơ hồ không đúng với sự thực hay là tinh thần của Sartre là một thứ chủ nghĩa Don Quichottisme? Và cái “métaphysique du temps” trong The Sound and the Fury chỉ là những máy xay gió, những moulins à vent !

(12-X-1960)


12.

Con người là con người của những tai hoạ của mình nhưng rồi một hôm anh sẽ nghĩ rằng tai họa ấy sẽ trở nên mệt chán và lúc bấy giờ thời gian đã trở thành tai hoạ của anh. A man is the man of his misfortunes one day you’d think misfortune would get tired, but then time is your misfortune [17] .

Câu này là câu độc thoại nội tâm của Quentin: chàng nhớ lại lời nói của cha chàng. Sartre trích dẫn câu trên vào trong bài “Temporalité chez Faulkner” và Sartre cho đó là “chủ đề thực sự của quyển tiểu thuyết” (Tel est le véritable sujet du roman) [18] . Con người bị thời gian ám ảnh có phải là chủ đề thực sự của The Sound and the Fury? Không phải. Con người bị thời gian ám ảnh chỉ là một trong những đề tài quan trọng của quyển The Sound and the Fury, và không phải là chủ đề thực sự. Vậy chủ đề thực sự của The Sound and the Fury là gì? Là gia đình Compson tàn tạ sụp đổ thối nát. Là tuổi thơ hồn nhiên ngây dại đã mất. Là một kiếp người bi đát. Là một thằng Benjy khùng ngốc, đau đớn ngửi được những tấn bi kịch ngàn năm của con người và Benjy là con người thực sự, con người ở trạng thái nguyên thủy trọn vẹn, chưa mất mát gì: con người ở thuở khai thiên lập địa, con người ở vườn Eden trước khi bị lưu đày. Là Caddy đau thương chấp nhận thân phận chua xót của một người đàn bà. Là Quentin (cậu) và Quentin (cháu gái), hai con người bị hành hạ ở hỏa ngục của đời người. Là Jason mà hỏa ngục cũng không nhận và thiên đàng cũng không nhận; chỉ có thế kỷ XX này chấp nhận Jason mà thôi; Jason là con người kiểu mẫu của nền văn minh thời đại: l’homme-masse (xin mượn danh từ của triết gia Ortega Y Gasset). Là Dilsey, con người cuối cùng chứng kiến sự sụp đổ thê thảm, sự tàn vong của tất cả mọi thế hệ; Dilsey đứng chống đối lại l’homme-masse để bảo vệ, giữ lại linh hồn con người giữa bao nhiêu điêu đứng tơi bời của thời đại. Là… là… là…

Đó là chủ đề thực sự của quyển The Sound and the Fury, chứ không phải cái “métaphysique du temps” của Jean-Paul Sartre.

(12-X-1960)


13.

Trong phần mở đầu cảu quyển The Portable Faulkner, Malcolm Cowley kể lại rằng Faulkner không bao giờ chịu giải thích hay cung cấp tài liệu về ông và cũng không hề cải chính hay sửa lại những điều sai lầm người ta nói về cuộc đời ông [19] .

Malcolm Cowley còn kể thêm rằng Faulkner không bao giờ bận tâm để ý phải viết tên mình là có u hay không có u!

(10-X-1960)


14.

Trong bài “Faulkner ou l’inversion théologique”, Claude-Edmonde Magny đã đưa ra vài khía cạnh thâm trầm sâu sắc hơn Jean-Paul Sartre nhưng tác giả lại cũng lập luận theo điệu Sartre ở đoạn nói về thời gian: cũng trở lại cái “passé figé” [20] ! Những lý trí gặp nhau là phải!

(10-X-1960)


15.

Bàn về tác phẩm Faulkner, Michel Mohrt viết những lời thật thâm trầm: Những người da đen, những phạm nhân, những gái đĩ, những cụ già (trong tác phẩm Faulkner) là những kẻ sẽ ngăn cản sự tàn phá thành phố sa đoạ của Sodome và Gomorrhe”, Michel Mohrt cho rằng siêu hình học của Faulkner được đặt trên ý niệm về tội nguyên thủy [21] . Michel Mohrt có lẽ hiểu Faulkner hơn Sartre. Lời nói của Michel Mohrt khiến ta nhớ đến Kierkegaard. Những trang văn của Faulkner bàng bạc những xao xuyến siêu hình mà chỉ có tư tưởng của Kierkegaard là mới có thể giúp ta hiểu nổi ý nghĩa sâu thẳm của bối cảnh tâm linh trong tác phẩm của Faulkner, nhất là ý nghĩa của niềm tương quan huyền bí giữa Siêu thể trác việt và Hiện Thể trần gian.

(21-III-1962)



[1]Leon Edel: The psychological novel, 1900-1950, J-B. Lippincott Co, NY, 1955, trang 149: The structure and content of Faulkner’s masterpiece, The Sound and the Fury, can be understood only if we grasp his singular absorption with time or timelessness.
[2]cf. Le présent chemine dans l’ombre, comme un fleuve souterrain et ne réapparait que lorsqu’il est lui-même passé (Sartre, Situations I, trang 74).
[3]Sartre, Situations I, trang 79.
[4]Sartre, Situations I, trang 80.
[5]Aldous Huxley: The Olive Tree, 1937 (cf L’Olivier et autres essais, trad. Jules Castier, Du Seuil, trang 123-125).
[6]Faulkner: The Sound and the Fury, a signet book, trang 71.
[7]Faulkner: The Sound and the Fury, trang 66.
[8]Faulkner: The Sound and the Fury, trang 83.
[9]Faulkner: The Sound and the Fury, trang 67 (Spoade cũng có phong thái bình thản không hấp tấp).
[10]John Brown: Panorama de la litérature contemporaine aux États - Unis, Gatlimard, 1954, trang 184-185.
[11]cf. Pierre Brodin, Les Écrivains américains de l’Entre deux guerres, Horizons de France, Paris 1946m trang 154, trang 168-169.
[12]Claude-Edmonde Mapny, L’Age du roman Américain, Éditions du Seuil 1948, trang 201-202-203-204-205.
[13]cf. Sean O‘Faolain, The Vanishing Here, Groset and Dunlad, NY, 1956, trang 90-93-96.
[14]John Brown: Panorama… , op. cit. trang 180-181-199.
[15]Sartre, Situations I, Gallimard 1947, trang 70.
[16]Sartre, op. cit, trang 71.
[17]Faulkner: The Sound and the Fury, a signet book 1959, trang 83.
[18]Sartre, Situations I, trang 71.
[19]Malcolm Cowley: The Portable Faulkner, Viking Press, NY, 1954. trang 4 (“Introduction”).
[20]Claude-Edmonde Mapny, L’Age du roman Américain, trang 200-207.
[21]Cf. Histoire des Littératures 2, encyclopédie de la Pléiade, NRF, 1956, trang 601-603.
Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.