trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
17.7.2004
Mai Lan
Phiếm luận về những bức tường lửa trên talawas
 
Gần đây trên talawas thiên hạ có vẻ xôn xao với vụ “tường lửa,” nhưng theo tôi, chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ, bởi vì xưa nay thiên hạ đâu đâu cũng “tường lửa,” chẳng qua không ai biết, không ai hay đó thôi.

Nói có sách, mách có chứng, quý vị cứ yên tâm, tôi chẳng hề ngoa ngữ chút nào. Từ xưa lắm rồi, khi Ðức Phật nói về “chấp” và “phá chấp,” tức là đã nói về “khóa” và “bẻ khóa.” Tuy nhiên vì khi đó chưa có computer, chưa có internet như bây giờ nên chưa ra đời cái vụ Firewall với lại hacker. Theo tôi, kịch bản cuộc sống thì muôn đời vẫn cũ, chỉ ngôn ngữ là có vẻ luôn luôn thời thượng. Do vậy, xin không bàn tới “kỹ thuật” của ngành tin học, chỉ xin nói tới những “bức tường định kiến” muôn thủơ làm giá băng những trái tim của con người và “kỹ thuật” vượt qua những “bức tường định kiến,” mong trả lại cho cuộc đời những chân giá trị của tự do, hạnh phúc.

Qua loạt bài gần đây, trong “bộ nhớ” của tôi đọng hai cái tên: thứ nhất là quý ông George Soros và thứ hai là quý “ngài” Tưởng (mình là) Bình Minh. Nếu như quý ông George Soros, qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Quang A, đã trình bày cho chúng ta thấy những “lợi hại” của chủ nghĩa tư bản toàn cầu với một nhận định rất khách quan biện chứng là: “Sự toàn thắng của chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới không có nghĩa là sự ca khúc khải hoàn của nền dân chủ trên toàn thế giới!” Do vậy, những vấn nạn về tường lửa, theo tôi, sẽ vẫn còn làm cho “chúng sinh” phải nhức đầu dài dài. Còn với riêng “quý ngài” Tưởng (mình là) Bình Minh thì sự “nhức đầu” có hơi khác vì “quý ngài” là hàng nội địa, như dân chợ trời Sài Gòn vẫn thường gọi đùa những món hàng “dỏm” là hàng “lô-can-chân” (chắc họ bịa ra từ chữ tiếng Anh là “local-true?!”) Khi mới chú ý tới “ngài” Tưởng Bình Minh, tôi cứ ngỡ ngài là một vị “lão trang” lớn tuổi, sau này té ra là hình như quý ngài còn khá trẻ (buồn thay cho những “tuổi trẻ” như thế). Tôi lại cũng tưởng “quý anh” họ Tưởng là một chức sắc văn hoá tầm cỡ... xã, như...“trưởng thôn văn nghệ” tại một huyện heo hút nào đó trên biên giới Việt–Trung chẳng hạn, ngoài việc “giữ gìn tư tưởng” trong thôn, chắc thường theo chân đám “cửu vạn” buôn lậu sang đất Tàu “chạy chợ” và cũng tranh thủ nhặt nhạnh “rác Tàu” làm một mớ “của nả” như cuốn “Mao Tuyển” đã bị gián nhấm chuột gặm lỗ chỗ. (Bằng chứng là tư tưởng Mao-ít của họ Tưởng rất chi là lỗ mỗ.) Nhưng buồn thay (lại cũng buồn thay,) tôi đã “bé cái lầm”. “Quý anh” họ Tưởng không phải là “trưởng thôn văn nghệ” ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó mà lại đang cư ngụ tại xứ Hung Gia Lợi. À, mà thôi cũng chẳng nên buồn mà làm gì, ở Hung Gia Lợi thì Hung Gia Lợi, chứ khi người ta đã “ngốc” thì ở đâu người ta cũng “ngốc,” dù là ở Mỹ hay Việt Nam. Do vậy, việc vượt qua những bức tường lửa của mấy vị “trưởng thôn văn nghệ” theo tôi chẳng những cần thiết mà còn “khá vui” nữa. Trong khi “lửa đang cháy” trong ngôi nhà talawas mà quý anh họ Tưởng cũng thường hay lui tới, mọi người lo “dập lửa,” lo thăm hỏi “chủ nhân,” bày tỏ sự phản kháng với “âm mưu đạo tặc” thì quý anh họ Tưởng hớn hở chạy tới, với một bình xăng trên tay, bô lô ba loa: “Bị đốt nhà, hiếp dâm là phải rồi, cửa nẻo cứ toang hoác như thế còn trách ai sao được!” Ối giời ơi! Anh Tưởng ơi là anh Tưởng! Anh mà về Việt Nam thì các ông bố sẽ tranh nhau gả con gái cho anh. Vô số các ông bố Việt Nam có tư tưởng y sì như anh vậy: “Chín giờ là phải đi ngủ, tám giờ khóa cổng, gái nhà lành mà, luật là luật, không được bàn, xin đừng can thiệp chuyện nội bộ nhà người ta. Hết!” Sau khi khóa cửa nẻo kỹ càng, ông bố mắt trước mắt sau và, alê hấp... leo rào ra ngoài. Vì trước hết ông ta là bố, luật là để cho mấy đứa con gái bé bỏng chứ không có “giá trị sử dụng” với ông bố – người đẻ ra các đứa con và các loại luật. Còn trong đêm ông ta đi đâu? Ðừng hỏi, vì đàn ông muốn đi đâu thì đi, không sợ bị hiếp dâm, do đó không cần phải sợ luật. Tuy đàn ông không thể bị hiếp dâm trong đêm (!) nhưng nguy cơ họ có thể hiếp dâm người khác là rất cao? Không thành vấn đề! Sau chín giờ đêm, tất cả những đứa con gái ra đường đều là gái hư (theo bộ luật chín giờ mà các ông bố đã đồng lòng thảo ra.) Do vậy, hiếp dâm một đứa con gái đi trong đêm (dù bằng hành động hay chỉ mới trong “tư tưởng” đều không lập thành tội danh!) Những ông bố nào không chấp nhận “bộ dân luật chín giờ” cũng đều là những ông bố “hư,” và vì bố hư đẻ con gái hư nên không có quyền khiếu nại! Ý của anh Tưởng Bình Minh về vụ tường lửa talawas là như vây. Dĩ nhiên nếu ai hỏi lý do, câu trả lời hẳn sẽ là: “Bộ dân luật chín giờ là luật của các ông bố thương con và đàng hoàng. Miễn bàn!”

Và dĩ nhiên sẽ có người hỏi: “Luật gì mà kỳ quá vậy?” Xin thưa, những cái mà người ta cho là phi lý, lại thường được xem là vô cùng hữu lý trong những quốc gia vốn quen ứng xử bằng “cái tâm”. Luật bất thành văn là một bộ “đại luật” vì nó tương ứng với luật trời của những kẻ vốn coi mình là “thế thiên hành đạo,” thay mặt dân chúng điều hành quốc gia bằng “tâm đạo.” Nhất là “cái tâm” của các “ông bố” thì con cái đừng có cãi, vì theo “luật truyền thống” thì: “Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.”

Do đó, theo tôi, tiến trình dân chủ, tự do và đổi mới ở Việt Nam cần phải có một “hành lang pháp lý” để đảm bảo được liên tục, không bị gián đoạn hay “phá rối” bởi những “cái tâm” này chửi cha những “cái tâm” kia... Thế nhưng “ngài” Tưởng (mình là) Bình Minh chắc sẽ kêu ầm lên: “Không được!” “Không có được!” Là bởi vì, với những quý ngài như Tưởng Bình Minh, nói tới “hành lang pháp lý” tức là đã đi sâu, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Ơ hay! Thế ra talawas là nước ngoài, là đế quốc hay sao? Mà không được phép bàn “luật vua, phép nước?” Hay là thôi ta cứ thật thà với nhau, huỵch toẹt ra như thế này cho bàn dân thiên hạ người ta dễ hiểu, là: “Bọn dân đen các con: cấm bàn chuyện của “các bố”!

À, té ra là vậy! talawas là dân đen, tôi là dân đen, quý vị độc giả cũng là dân đen nốt. Theo bộ “luật truyền thống” có từ thời Hồng Bàng do tổ tiên ta ở... bên Tàu truyền lại, thì: “Lũ dân ngu khu đen cấm bàn chuyện các bố!” Chỉ có những quý ngài như ngài Tưởng Bình Minh mới tưởng mình là... cán bộ. Nhưng rồi ngài Tưởng (mình là) Bình Minh cũng sẽ “bé cái lầm” thôi. Ðừng tưởng mình là cán bộ rồi sẽ được “lên tiếng” đâu nhé! Im thin thít như thịt nấu đông hết. Theo bộ “dân luật chín giờ đêm thì “một đứa con gái nói nhiều cũng tức là một đứa con gái hư. Con gái nết na hiền thục phải là đứa con gái “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó,” chỉ được phép “dạ,” “vâng,” “thưa đúng,” và chỉ đúng thế. Cấm bình luận. Mà “ngài” Tưởng Bình Minh thì “bép xép” quá, chẳng “ngoan” tí nào, nên tạm huyền chức “trưởng thôn văn nghệ,” chờ bố trí công tác khác. Ðến như Trưởng ban tư tưởng còn không dám có ý kiến gì nữa là... trưởng thôn. Nhưng biết đâu, có khi ngài Tưởng (mình là) Bình Minh lại “phùng mang trợn mắt” mà rằng: “Trưởng thôn thì trưởng thôn, tôi cũng có quyền có ý kiến chứ!” Ơ hay! talawas có cấm ngài lên tiếng đâu, chỉ có ngài là hay thích ủng hộ nhà “đương cuộc” Việt Nam cấm cái nọ, cấm cái kia. Ngài đang vui chơi trên một cái sân, rồi ngài lại “thủng thẳng” “ị” luôn lên cái sân chơi đó, như vậy có mất vệ sinh quá không? Theo luật tố tụng ở một số xứ dân chủ như... Hồng Kông chẳng hạn, tôi có quyền liên hệ với một người bạn thân đang mở văn phòng luật tại... Phnôm-Pênh, “khởi kiện” talawas ra tòa với tội danh: “Lợi dụng tự do dân chủ”. Dĩ nhiên không phải về cái vụ mà ngài Tưởng Bình Minh “chỉ điểm” - vụ Phan Xuân Lâm phê bình một bài đăng trên tờ Thông Luận. Là bởi vì, nếu Thông Luận có tội, Phan Xuân Lâm có tội thì ngài Tưởng Bình Minh cũng phải chịu liên đới trách nhiệm đã “tiếp âm” cho những diễn đàn của “bọn xấu”. Chỉ nội cái vụ truy cập vào trang web xấu thôi cũng coi như đã có tội rồi. (Luật Việt Nam nó vậy, đừng có cãi, cãi thì tội thêm nặng, tội danh ngoan cố!). Tôi kiện talawas “lợi dụng tự do dân chủ” bởi đã để cho những người như “ngài” Tưởng (mình là) Bình Minh lên tiếng quá nhiều, nhất là khi họ đã lên tiếng tiếp thêm “củi lửa,” hùa nhau “đốt” talawas mà talawas vẫn “vui vẻ” cho đăng. Dân chủ “thái quá” như vậy, theo luật “Hoa Kỳ” có thể bị kết tội là “lợi dụng tự do dân chủ” để mà “tự do dân chủ... quá trời!”

Theo ý kiến của tôi, để mà tránh “đại nạn” tường lửa thì chỉ có một cách duy nhất như thế này: Chàng ca sĩ John Lennon có một câu rất nổi tiếng “make love not war”, talawas nên bắt chước và chủ trương “make love not human”! Chỉ làm tình chứ không làm người, như vậy chắc ăn nhất. Bởi vì làm người thì mệt lắm, nào là cơ chế, luật này luật kia, và con người thì phải có chính trị chính em chính kiến v.v. Thôi thì xin không làm người nữa là thoát “tường lửa”. Bằng chứng là ở Việt Nam cứ tự do truy cập vào những trang sex chẳng có vấn đề “tường lửa” gì hết, không tin quý vị cứ việc gõ vào địa chỉ “Thế giới sex/Worldsex.com” tha hồ xem, ai dám bảo là Việt Nam không tự do? Làm người (như talawas chủ trương) thì quá khó, lại bị kiếm chuyện này kia, thôi thì chúng ta làm porno cho chắc ăn, vui vẻ, tươi mát, lại không sợ “phạm luật.” Không biết ban biên tập talawas nghĩ sao? Ðây chỉ là ý kiến vượt qua “bức tường lửa” theo kiểu “ngộ biến tùng quyền” của cô Thúy Kiều, chứ không phải là ý kiến của cá nhân tôi. (Xin đừng nhầm lẫn, không khéo tôi lại phải đi hầu tòa với tội danh là “xúi” talawas làm chuyện đồi truỵ.)

Sáng nay, trước khi đi kiếm thuê một cái vi tính để “gõ” bài này, tôi ngồi uống cà phê vỉa hè và suy nghĩ. Bất chợt nghe một tiếng la thật lớn, giật mình ngẩng đầu lên thì thấy một chiếc Honda (chạy khá chậm) đã “tông” phải một em bé đi xe đạp (băng rất ẩu qua đường). Em bé té xuống đường và ngất xỉu (không biết vì quá sợ hay vì bị chấn thương vùng đầu, không chảy máu.) Dân hai bên đường “túa” ra rất nhanh, đầu tiên là giữ hai thanh niên đi xe máy lại, một ông già nói như ra lệnh: “Một trong hai chú phải đưa thằng nhỏ vô bệnh viện ngay!” Người thanh niên ngồi phía sau (trên chiếc xe vừa “tông” vào em bé) vội nhảy xuống bồng đứa nhỏ (khoảng chín tuổi) ngoắc một chiếc taxi (đến bệnh viện cũng gần đó.) Một thanh niên khác (chắc là hiểu luật) vội lấy một viên gạch vẽ lại vị trí em bé té, vị trí của chiếc xe đạp và vị trí của chiếc Honda, sau đó nhanh chóng đẩy cả hai chiếc xe vào lề đường để giải tỏa giao thông sau vụ ách tắc vì tai nạn kể trên. Một người khác chạy vào một cơ quan gần đó gọi nhờ điện thoại về công an phường. Mọi việc diễn ra đồng bộ và nhanh chóng. Khoảng nửa tiếng sau thì hai anh công an phường mới thong thả xuống, ngó nghiêng một hồi rồi móc điện thoại di động ra gọi, và lại nửa tiếng sau nữa mới thấy một chiếc xe của công an giao thông từ từ chạy tới. Trước sự việc đã rồi, (người dân đã tự giải quyết: đưa người đi bệnh viện, vẽ và bảo vệ hiện trường) hai người công an giao thông (một thiếu tá và một thượng sĩ) chỉ việc lấy thước dây ra đo, (phương tiện làm việc hết sức thô sơ, khó đảm bảo sự chính xác) sau đó lập biên bản và “hốt” chiếc Honda cùng chiếc xe đạp của em bé về đội.

Sau khi công an đi rồi, luật của “cái tâm” trong quán cà-phê vỉa hè được dịp lên tiếng. Một người nói cầu ơ: “Chắc cũng nhẹ, không có gì!” Một gã đàn ông mặt mày bặm trợn, đến sau khi mọi sự đã rồi, quát ầm lên: “Nhẹ là nhẹ làm sao? Ðụng con người ta “giãy” đành đạch phải vô bệnh viện cấp cứu mà nhẹ à? Không phải con ông, ông đâu có xót!” Người kia im lặng, không khí tự nhiên chùng hẳn xuống. Một ông già nói nhỏ, có ý xoa dịu: “Chỉ mong cho thằng nhỏ không việc gì!” Tất cả đều có vẻ như tán đồng. Tự nhiên tôi thấy thương cho hai gã thanh niên kia, chạy rất đúng tuyến, khi không thằng nhỏ lao vào đầu xe của họ, gây ra một tai nạn mà chẳng ai mong muốn, để rồi bị giam xe, (mất một buổi sáng, với những công việc, những dự định...) chưa kể nếu thằng nhỏ có làm sao thì hai gã kia sẽ gặp phải một hành trình rất nhiêu khê (dù lẽ phải thuộc về họ). Dĩ nhiên, một thằng nhỏ chín tuổi ở Việt Nam thì chẳng thể hiểu luật là gì, vì ở trường người ta không dạy luật đi đường mà chỉ chăm chú dạy mấy đứa nhỏ phải yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu Ðảng, yêu Bác Hồ. Do đó, theo tôi ở Việt Nam, vấn đề không phải là “cái tâm,” mà là sự vững mạnh của một nhà nước pháp quyền. Mà nói tới pháp quyền tức là phải nói tới “nền công pháp hành chánh,” chứ không thể nói tới “công pháp của cái tâm” và không thể để “công chính của nhân dân” phải thay thế “công chính nhà nước” thực thi “công chính xã hội” như trường hợp tai nạn vừa kể trên.

Nói tới dân chủ, tự do, cũng đồng thời phải nói tới sự đảm bảo của pháp luật, chẳng hạn ở mỗi quốc gia, vấn đề “cổng hậu” bao giờ cũng là một vấn đề rất tiêu cực. Nhưng hành lang pháp lý của Hoa Kỳ có hẳn một đạo luật về “vận động hành lang”. Luật lobby quy định rõ những ai (trình độ chuyên ngành, văn bằng) được phép hành nghề lobby (có giấy hành nghề và chịu sự chế tài của pháp luật,) nhờ vậy người ta phân định rõ đâu là “vận động hành lang” và đâu là “đi lòn cổng hậu”.

Nhưng khổ thay, Việt Nam là một quốc gia còn rất “a-mơ-tơ” (amateur) về luật, bởi vì quốc hội Việt Nam gồm đa phần các “nghị sĩ” chẳng hiểu gì về luật (không chuyên trách, không có văn bằng về luật, mà nếu có thì cũng rất đáng ngờ, như là tốt nghiệp ở Liên Xô hoặc Trung Quốc, những quốc gia cũng hết sức a-mơ-tơ về luật), do vậy xuân thu nhị kỳ quốc hội họp để biểu quyết luật (cho có, để hợp thức hóa các “luật” do các bộ trình lên). Một kiểu làmviệc rất buồn cười. Một thứ “trình diễn” dân chủ hơn là dân chủ thực sự. Chẳng hạn với một quốc gia có luật thực sự, talawas có quyền khởi kiện lệnh “tường lửa” ra trước tòa và sau khi tiến hành tranh tụng tại tòa, tòa sẽ ra phán quyết (dựa trên những điều luật cụ thể hoặc sẽ tuyên bố hủy bức tường lửa và bồi thường thiệt hại cho talawas, hoặc sẽ tiếp tục “phong tỏa,” thậm chí cấm hẳn). Nhưng khổ thay, luật ở đây là “luật ngầm”, một thứ “siêu văn bản”, không có ai chịu trách nhiệm, do vậy không biết kiện ai, vì đâu có ai chính thức (thuộc bộ hay chính phủ) ký tên, ký lệnh “phong tỏa” talawas. Do vậy, “phán quan” và “luật sư biện hộ” trên talawas cũng “ảo” và hết sức “tài tử”. Chẳng hạn, có một ông nhà thơ sau khi “hô hoán” về bức tường lửa trên talawas đã đời, “hứng tình” ông ta đã “phán” hai câu thơ “xanh rờn”. (Không địch không ta/ Ấy chính là văn chương!) Một thứ “lập ngôn” hết sức là ngây ngô. Một thứ quốc hội (bán chuyên trách/a-mơ-tơ/không chuyên) đẻ ra vô số thứ “không chuyên” của một quốc gia luật pháp không rõ ràng, ấu trĩ. Ðó là bi kịch của những cái tâm thiếu định hướng chung. Còn nếu như nghe theo lời khuyên “chí tình” của ngài “cố vấn” họ Tưởng, thì talawas nên “tự kiểm duyệt” mình, để sớm trở về với “chánh nghĩa quốc gia,” tức là cũng lá cải như mấy tờ báo nhà nước ở Việt Nam. Lúc đó dĩ nhiên sẽ không có vấn nạn tường lửa cho talawas, vì talawas đã tự dựng “tường lửa” cho chính mình. Khi đó sẽ chẳng có ai thèm đọc hay viết cho talawas, một thành viên của báo chí nhà nước, một công cụ vị quyền lực, vị quan trên, vị cán bộ chứ không vì dân vì nước. Ngài Tưởng Bình Minh xin chớ xúi dại! (Ðây là vấn đề cơ chế, chứ không phải vấn đề “ý chí”. Báo chí trong nước do “cấp trên” bổ nhiệm các tổng biên tập, thậm chí phóng viên, biên tập viên cho tới nhân viên tạp dịch của báo đều ăn lương nhà nước và do nhà nước quyết định. Do vậy không ai “điên” gì đi làm trái ý cấp trên – nhà nước, bởi nếu làm vậy họ sẽ bị “bãi chức” và bị “vô hiệu hóa” ngay tức thì.)

Trong thời kỳ đầu đổi mới ở Việt Nam, khi hai tờ báo “xung kích” ở trong nước, tờ Văn Nghệ trung ương do Nguyên Ngọc làm “chủ xị”, tờ Tuổi Trẻ do Kim Hạnh làm Tổng biên tập, “đi quá xa” khỏi sự lãnh đạo của “cấp trên”, người ta đã “vô hiệu hóa” chúng bằng cách “thay ngựa giữa dòng”, thay thủ lĩnh đổi mới bằng những tổng biên tập khác, “ngoan” hơn, dễ “sai” dễ “trị” hơn. Trong một cơ chế không dân chủ thì không thể nói chuyện tự do-dân chủ được. Với talawas thì khác, vì talawas không do nhà nước Việt Nam “sáng lập”, talawas không ăn lương của nhà nước Việt Nam, do vậy ban biên tập talawas không phải là công cụ của nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam không thể cách chức hay thay thế ban biên tập talawas bằng những người “phe cánh” với các vị chức sắc bảo thủ và quan liêu, cửa quyền và hách dịch ở trong nước. Căn bản phải không “ăn cơm chúa” thì mới tránh được cái cảnh “múa tối ngày”.

Dù sao cũng cám ơn dịch giả Nguyễn Quang A, người đã dịch George Soros, nhà tư bản, nhà lý thuyết gia về chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Và cũng xin cám ơn “ngài” Tưởng Bình Minh, người đã rất chịu khó viết, cho tôi hình dung ra gương mặt mới của những người Mao-ít hiện đại. “Các ngài” đã cho tôi nguồn “hứng khởi” để viết bài này.

Theo tôi, K. Marx đã có hai bất hạnh lớn nhất trong đời. Thứ nhất, Marx không bao giờ ngờ rằng lý thuyết của mình lại phải đương đầu với chủ nghĩa Mao đến từ phương Ðông, nơi người ta đã nhân danh Marx để hủy diệt tính cách mạng và tính lý tưởng trong học thuyết khoa học của Marx thông qua mấy tay đồ tể mạo danh đồ đệ của Marx như Staline, Mao Trạch Ðông, Polpot và cha con của Kim Nhật Thành. (Vấn đề chủ nghĩa Mao ở Việt Nam tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.) Bất hạnh thứ hai của Marx là ông đã không được gặp phép “biện chứng siêu hình” của Phật giáo, một tinh hoa của phương Ðông. Tính cách mạng của lý thuyết Phật giáo là khi “tha ngã” vượt trên “tự ngã,” nó cho phép con người vượt trên những “duy lý” của một thứ duy vật tầm thường, đồng thời nó cũng vượt trên những ý niệm siêu hình học của Kant về cái gọi là: “Vật tự nó và vật cho ta”. Phép “khai tâm” Phật giáo, luận thuyết giữa “sắc” và “không”, mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại và phát triển, giữa sinh và diệt đem lại cho nhân sinh một tinh thần giản dị nhưng siêu việt để con người vượt trên tính vị kỷ như một minh triết nội tại về tha nhân. Nhưng lẽ dĩ nhiên, như mọi lý thuyết khác, Phật giáo cũng có nhiều hạn chế trong “cơ chế” hành đạo. Ðây là một điểm yếu của phương Ðông trong cơ cấu tổ chức, nếu như so sánh “cơ cấu” của giáo hội Phật giáo và giáo hội Thiên chúa giáo. Chẳng hạn, không phải ai cũng có khả năng thấu hiểu những nguyên lý sâu xa của Phật giáo, do vậy cần có những cấp độ để tiếp thu giáo lý và thực hành giáo lý như là thực hành những đạo đức thông dụng và thường trực. Bên công giáo người ta tổ chức điều này rất tốt. Ði nghe đức cha giảng đạo với những liên hệ đời thường vào chủ nhật hàng tuần, rồi thì xưng tội, rửa tội v.v., quan trọng là để cho con người ta vui sống, vui vẻ yêu cái “chân”, cái “thiện” trong cuộc đời, không bị ám ảnh bởi tội lỗi “thường trực” và sự “trừng phạt” trong kiếp mai hậu, những giáo điều làm giảm sức sống của con người. Do vậy, một xã hội có nhiều lý thuyết “song song” tồn tại chỉ giúp cho xã hội ấy bớt đi định kiến (về một chủ thuyết duy nhất đúng,) sự “chung sống” của nhiều lý thuyết tạo ra màu sắc đa dạng của một xã hội dân chủ. Trong lịch sử loài người, chỉ có những thể chế độc tài mới tôn thờ một lý thuyết duy nhất, một thứ “độc tôn duy ngã” vừa ngu ngốc vừa ngạo mạn. Marx từng nói, “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, theo tôi câu này đã bị lịch sử vượt qua. Nghiên cứu phép biện chứng của Marx mà không đạt tới mức thấu hiểu tôn giáo cùng những giá trị tinh thần mà tôn giáo đã phụng hiến cho nền văn minh của loài người thì tức vẫn còn là những kẻ ấu trĩ và giáo điều. Cũng tương tự như vậy, khi Marx cho rằng triết học của ông không phải nhằm để giải thích thế giới mà chủ yếu là để cải tạo thế giới. Ðiều đó đúng, nhưng trước Marx hàng ngàn năm, phương Ðông đã có nhà tư tưởng về “cải tạo,” đó là “đạo gia” Khổng Tử với “học thuyết” “Tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”. Trước khi “cải tạo” người khác, hãy cải tạo ngay chính bản thân mình. (Tức là mỗi ngày tự nâng cao học thức, hiểu biết của mình, chứ không phải là dùng “tâm” hay “đạo”, những thứ thước đo hết sức mơ hồ để cai trị người khác.) Tuy những giá trị nhân văn và lịch sử của Marx và Khổng Tử rất khác nhau, nhưng đây là hai tư tưởng gia vĩ đại nhất của lịch sử con người (họ đều không phải là tôn giáo, nhưng đều đã dám mơ những giấc mơ về một vườn địa đàng không hề có dấu chân thượng đế.) Nhưng cả hai tư tưởng gia vĩ đại này đều bị chính trị lợi dụng, và từ tư tưởng biến thành cơ chế chính trị. Tất cả đã là “Một mùa địa ngục”.

Do vậy, tường lửa hay không tường lửa có thể là “rất vấn đề” nhưng cũng có thể “chẳng vấn đề gì” bởi vì tất cả chúng ta dù muốn dù không cũng đều phải “chung sống” với những bức tường lửa định kiến xã hội, thành kiến cá nhân, những cơ chế bất hợp lý. Phải cùng nhau nỗ lực vượt qua, giống như vượt “bức tường lửa” bằng ý thức về dân chủ – tự do chứ không phải bằng kỹ thuật của hacker. Khi những cơ chế bất hợp lý không còn tồn tại nữa thì tự nhiên những “bức tường lửa” sẽ lần lượt biến mất. Nhưng nếu không xây dựng được một nền “công pháp hành chánh” tự do - dân chủ thì cuối cùng xã hội Việt Nam vẫn chỉ là một xã hội “tư biện” về “cái tâm” dở hơi, kiểu như ngài Tưởng (mình là) Bình Minh xưa nay vẫn “duy ý chí”. Lúc đó, theo tôi chúng ta chỉ còn có nước như một thi sĩ nọ. Vào một ngày đẹp trời, chúng ta tha hồ bâng khuâng và nêu những câu hỏi “tượng trưng” kiểu như, “Bây giờ tôi biết làm gì với mùa thu?” Và trong những mùa thu “triết lý” như thế, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn là bắt chước “đại học sĩ” Bùi Chát, ngồi ôm gốc cây mùa thu và ôm mặt khóc hu hu hu...

Sài Gòn đầu tháng 7 năm 2004

© 2004 talawas