trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Vốn xã há»™i
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
26.11.2007
Thái Kim Lan
Về bài tham luận "Vốn xã hội ở Việt Nam, nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy"
 
Từ khi bài tham luận "Vốn xã hội ở Việt Nam..." xuất hiện trên mạng Diễn Đàn, tôi nhận được hơn 30 ý kiến phản hồi của độc giả khắp nơi gửi riêng đến, và gần đây nhất ý kiến “bàn thêm" của anh Nguyễn Huệ Chi và anh Nguyễn Xuân Lộc trên talawas, với nhan đề “Mấy chữ 'cư trần lạc đạo’ và vấn đề hoà giải hoà hợp dân tộc hiện nay".

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, thú vị cũng có mà ngẩn ngơ, bàng hoàng cũng có.


1.

Điểm làm ngạc nhiên thứ nhất là lần này những ý kiến phần nhiều đến từ nhóm thường được gọi là độc giả "thầm lặng", họ chỉ đọc và ngẫm nghĩ riêng cho mình (dĩ nhiên ngoài bài viết của anh Nguyễn Huệ Chi và anh Nguyễn Xuân Lộc). Ý kiến của họ rất thú vị với những phân tích và tổng hợp tuy bột phát nhưng không kém phần xác đáng và sắc sảo.

Ngạc nhiên thứ hai là tôi lại nhận được điện thư của anh Huệ Chi cho biết bài của hai anh trên talawas nay đã được đăng lại trên Gió O “có bổ sung cho được trọn vẹn hơn", với lời giới thiệu khá giật gân của Gió O: “Bản lên tiếng của hai nhà trí thức nổi tiếng trong nước. Một từ miền Nam và một từ miền Bắc", cũng với nhan đề “Mấy chữ 'cư trần lạc đạo’ và vấn đề hoà giải và hoà hợp dân tộc".

Ngạc nhiên thứ ba là khi so sánh hai văn bản của bài viết nói trên tại hai trang báo talawas và Gió O, tôi không tìm thấy bổ sung nào trong nội dung, cũng ngần ấy câu, cũng ngần ấy chữ. Chỉ khác bản đăng trên Gió O có “bổ sung" thêm hai bức ảnh “ống loa tuyên truyền" và “búp bê mặc áo cưới", ngoài phần giới thiệu "hai nhà trí thức nổi tiếng".


2.

Nhưng điều ngạc nhiên lớn hơn hết mà tôi sắp nói ra đây - dù hiểu rằng hai tác giả của bài viết nói trên chỉ “bàn thêm" và “lạm bàn" - nằm ở điểm: MẤY CHỮ “cư trần lạc đạo" mà các anh lấy ra từ bài "Cư trần lạc đạo phú" có thể làm phương châm cho bài viết của tôi, nhưng ngay sau đó trở nên quả quyết trong bài viết!

"Vua Trần Nhân Tông nói bốn chữ trên, mà chị Thái Kim Lan trong bài 'Vốn xã hội ở Việt Nam, nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy’ cho rằng nó có thể là phương châm để gây 'vốn xã hội’ lâu dài cho đất nước Việt Nam hiện tại, với thần dân của một nước Đại Việt, trong đó triều đình chủ trương 'đa nguyên văn hoá’ và 'khoan dung chính trị’, các thành phần dân chúng với sắc tộc, tôn giáo và quyền lợi kinh tế khác nhau đã có một thoả thuận nhất trí (consensus omnium) về vấn đề hoà giải - hoà hợp các mâu thuẫn xã hội." (Nguyễn Xuân Lộc)

“Chị Thái Kim Lan chủ yếu bàn về phương châm thực hành hoà giải - hoà hợp dân tộc thông qua việc giải mã mấy chữ 'cư trần lạc đạo’ của vua Trần Nhân Tông như một phương châm khôn ngoan mà ông vua nhân ái này sử dụng nhằm nâng cao 'vốn xã hội’ truyền thống của đất nước chúng ta dưới thời Trần." (Nguyễn Huệ Chi)

Trong khi ấy, tôi đã nói rất rõ:

”Bài viết sẽ đi từ 'vốn xã hội’ như một khái niệm mới – một khái niệm 'mốt’ trong khoa học kinh tế xã hội –, nội dung, giới hạn và khả năng ứng dụng của nó, từ đó thử phân tích những hiện tượng hao vốn trong bối cảnh xã hội Việt Nam từ 1975. Phần thứ ba truy cập lại một 'lý thuyết’ được xem là mô hình 'vốn xã hội’ trong lịch sử tư tưởng Việt Nam trong triển vọng phát huy vốn xã hội hiện đại.

Trong lúc phần 1 chỉ thuần phân tích khái niệm để tìm mặt sau của vấn đề, phần hai đi từ một thực trạng 'vốn xã hội’ tại Việt Nam, những hiện tượng tiêu cực bao hàm trong khái niệm vốn xã hội. Phần ba đưa ra một luận đề có tính phản đề có tính khiêu khích hay gợi ý, đồng thời có tính tổng hợp: Bourdieu hay Putnam đã triển khai khái niệm và dự án 'vốn xã hội’, phái tân tự do (hay tân phóng khoáng, neoliberalism) sử dụng khái niệm 'mốt’ này như một terminus technicus có khả năng phối hợp lý thuyết và thực hành chủ trương toàn cầu hoá, thế kỷ 13, Trần Nhân Tông cũng đã đưa ra trong dự án vốn xã hội 'Cư trần lạc đạo’ cho nước Việt Nam căn cứ vào điều kiện bản chất và hoàn cảnh con người Việt Nam trong thời dựng nước và phát huy vốn dân tộc.“


“Truy cập… một mô hình" rõ ràng không thể hiểu là theo phương châm. “Luận đề có tính phản đề, khiêu khích hay gợi ý" lại càng không thể hiểu là phương châm, và hơn thế nữa không thể đem bốn chữ “cư trần lạc đạo" trong cái ngữ cảnh (context) của bài viết biến thành khẩu hiệu “Mấy chữ 'cư trần lạc đạo’". Ngoài ra “phương châm" cũng rất khác với “phương pháp" mà 10 hội trong "cư trần lạc đạo" đề ra như những bước hành thâm tu chứng.

Phần 3 của bài viết trình bày 10 suy nghiệm “THỰC CHỨNG" của Trần Nhân Tông trong bài "Cư trần lạc đạo phú" như một mô hình về hoà bình xã hội chứ không phải như khẩu hiệu. “Cư trần lạc đạo" là kết quả của cuộc thực hành thâm sâu 10 hội mà Trần Nhân Tông đề ra. Như thế, đó không phải là phương châm mà là mục đích của 10 lĩnh hội thấu đáo hay có thể nói 10 hội là ĐIỀU KIỆN để “cư trần lạc đạo" có thể thực hiện.

Một luận đề, một mô hình, bao hàm sự trình bày giả thuyết, đưa ra một khả năng chọn lựa so với những đề án khác, nó cần sự kiểm chứng chứ không thể áp đặt. Nó chưa phải là phương châm hay là khẩu hiệu. Trong trường hợp này “căn cứ vào điều kiện bản chất và hoàn cảnh con người Việt Nam", như tôi đã nói, để xét xem tính chất khả thi của nó trong hoàn cảnh hiện tại, chứ không phải để áp đặt đối với thần dân. Dĩ nhiên khi đưa ra một dự án, cần phải viện dẫn tính thuyết phục của nó. Trong trường hợp 10 hội của “Cư trần lạc đạo phú", tính thuyết phục của nó thoạt tiên nhìn từ bên ngoài là tính tồn tại của vốn xã hội mà Trần Nhân Tông xây dựng trải qua lịch sử và trở nên những giá trị truyền thống của người Việt. Tuy nhiên trong hiện tại nó có thực thi được hay không, đó là câu hỏi mà chúng ta cần truy cập.


3.

Tôi dừng lại khá lâu với những khái niệm này, bởi vì cách đặt vấn đề trong một bài khảo cứu khoa học khác hẳn với sự hô khẩu hiệu theo bốn chữ hay năm chữ. Chính cách đặt vấn đề cho ta thấy tinh thần và thái độ của người viết cũng như sự sử dụng những khái niệm then chốt trong bài viết có thể tỏ lộ tính khoa học của bài khảo cứu, khả năng phê phán, cởi mở hay tính giáo điều, nguỵ tín (mauvaise foi) cực đoan trong cuộc đối thoại.

Nó khá quan trọng bởi lẽ trong trường hợp từ tầm nhìn sai về mấy chữ “cư trần lạc đạo” như là phương châm, anh Nguyễn Xuân Lộc đã dựng nên một tiền đề sai khi cho rằng tôi cho bốn chữ này (bốn chữ thôi nhé) ĐANG được thể hiện trong khung cảnh Việt Vam và Việt Nam đang “cư trần lạc đạo”, trong khi bài viết của tôi chỉ nêu lên hay gợi ý về điều kiện khả thể - trên phương diện lý thuyết về vốn xã hội - để xây dựng vốn xã hội Việt Nam… NẾU, xin nhấn mạnh, NẾU mô hình ấy hội đủ các điều kiện xây dựng vốn xã hội Việt Nam. Mỗi luận chứng khoa học bắt đầu từ giả thuyết và chỉ sau khi đã chứng minh và kiểm chứng giả thuyết, ta mới có thể đưa ra một kết luận có tính thuyết phục.

Câu kết luận của anh Nguyễn Xuân Lộc:

Xã hội nước ta đến được đó thì mỗi con người trong xã hội mới có thể nói đến bốn chữ 'cư trần lạc đạo’ chị Lan ạ!"

cho tôi có cảm tưởng chính tôi là người cho rằng "cư trần lạc đạo" đã có sẵn ở Việt Nam, trong khi theo anh Nguyễn Xuân Lộc trên thực tế chúng không có điều kiện để thực hiện. Điều ấy ngược hẳn với ý hướng của tôi và chính vì thế mà có bài tham luận đó. Tôi không đến tham gia hội thảo để “nói đến" hay hô khẩu hiệu “Cư trần lạc đạo” và “hoà hợp hoà giải dân tộc” một phát rồi xong, như các anh đã giản lược tối đa vấn đề: giản lược ý hướng của tác giả, giản lược ngay cả triết lý của Trần Nhân Tông và nhất là giản lược bài viết và nội dung phần 3 để xem nó là một thứ phương châm.


4.

Cũng thế, ở trong tiền đề phần “lạm bàn” của anh Nguyễn Huệ Chi, tôi không “chủ yếu (tôi nhấn mạnh) bàn về phương châm thực hành hoà giải - hoà hợp dân tộc…” như anh nhận xét. Nếu “chủ yếu bàn về phương châm thực hành…” như thế thì tôi đã bị (hay được) mời ra khỏi bàn tham luận, không vì lý do nào khác hơn là bị lạc đề (chứ không phải “lạc đạo”, vui đạo mà lạc đường!).

Ngược lại, chính bài viết của anh Nguyễn Huệ Chi mới chủ yếu… “lạm bàn” về vấn đề hoà giải – hoà hợp dựa vào duy bốn chữ “cư trần lạc đạo" đấy chứ!

Tôi xin tóm tắt lại cấu trúc bài góp ý của hai anh Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Huệ Chi:

Anh Nguyễn Xuân Lộc đã đi từ "phương châm" (thuộc phần 3 trong bài của tôi) “cư trần lạc đạo" (với nội dung đa nguyên văn hoá và khoan dung chính trị), phân tích thực trạng chính trị Việt Nam sở ngã dân tộc và duy ngã độc tôn (thuộc phần 2 trong bài của tôi), rồi kết luận rằng không thể có “cư trần lạc đạo" mà phải dùng “nhân nghĩa” (Nguyễn Trãi) của toàn dân đoàn kết mới có thể chống lại “duy ngã độc tôn, ngã sở dân tộc”.

Với kết luận này, anh Nguyễn Xuân Lộc vô hình chung đã lấy lại toàn bộ chủ thuyết của Trần Nhân Tông trong “cư trần lạc đạo", nhưng thay vì viện dẫn Trần Nhân Tông, anh đưa ra Nguyễn Trãi. Trong khi “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đang còn là lời tuyên bố, khẩu hiệu, phương châm cho chính sách của nhà Lê, thì Trần Nhân Tông với “cư trần lạc đạo" đã thực hiện “nhân nghĩa” trong suốt thời kỳ cai trị của ông. Chính trên nền nhân nghĩa ấy, văn minh Việt Nam đã đâm hoa kết trái, hay nói cách khác “cư trần lạc đạo” được thực hiện.

Hoá ra kết quả của luận thuyết anh không xa với tôi, chỉ cách nhau ở chỗ “đặt vấn đề”, mà coi chừng, anh Nguyễn Xuân Lộc đã lấy kết luận của chính mình để làm tiền đề cho biện luận (kết luận vòng tròn, circulus vitiosus) bàn thêm.


5.

Về “lạm bàn” của anh Nguyễn Huệ Chi: chủ yếu suy luận xoay quanh vấn đề hoà giải hoà hợp dân tộc mà anh cho là tiền đề của “cư trần lạc đạo". Sau khi nêu những điểm tích cực trong “cư trần lạc đạo", trong đó hoà bình xã hội và hoà giải hoà hợp dân tộc mà anh cho là bóng bẩy, cho nên phải đặt tên gọi rõ ràng là chủ trương hoà giải hoà hợp dân tộc, - làm tiền đề cho luận cứ, anh triển khai thực trạng bi đát của vốn xã hội Việt Nam (phần 2 bài viết của tôi) ở hai điểm: mọi chủ trươnghoà giải hoà hợp dân tộc của nhà nước đều chỉ là chiến thuật bịp bợm và thực trạng xã hội hoàn toàn tuyệt vọng, mất lòng tin. Từ đó kết luận không thể có hoà giải hoà hợp dân tộc, không nên để ru ngủ bằng bốn chữ “cư trần lạc đạo" và 6 chữ “hoà giải hoà hợp dântộc":

"Tất cả những hiện trạng trên do đâu gây ra và vì sao mà khó khắc phục? Hoà hợp - hoà giải trên một cơ sở “chưa êm” như vậy mà không được quyền phản biện cho nghiêm túc và đến nơi đến chốn liệu có HOÀ được hay không? Hay là sẽ chui vào cái lồng êm ái với giấc mơ an lạc rất đẹp của mình, trong khi đó “chiếc đèn cù” thế sự vẫn cứ chạy vòng quanh..."

Dĩ nhiên quyền phản biện là quyền của mỗi người khi quan tâm đến đề tài này, nhưng phản biện có nghiêm túc hay không, đúng như anh Nguyễn Huệ Chi nói, mới thực là vấn đề.

Nếu đọc thật nghiêm túc 10 hội của “Cư trần lạc đạo phú", ta có thể nhận rõ, 10 hội này không muốn nói điều gì hơn là SỰ THỨC TỈNH và HÀNH ĐỘNG ĐẠO ĐỨC (TU TÂM), không được tự ru ngủ mình, đầu độc mình bằng mộng huyễn êm đẹp. Muốn đạt được “Cư trần lạc đạo” mỗi cá nhân, không trừ một ai, phải thực hành một cuộc cách mạng: “phá trừ nhân ngã”.

Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương;Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch,
chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi
mựa phải nhọc tìm về Cực lạc
Xét thân tâm, rèn tỉnh thức,
Há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh, địch vô thường,
Nào có sá cầu danh bán sắc

("Cư trần lạc đạo phú", Trần Nhân Tông toàn tập, Lê Mạnh Thát, NXB TP.HCM, 2000, tr. 401, 402)

Hiểu như thế thì kết luận của anh Nguyễn Huệ Chi không ra ngoài phản đề thứ 3, và cấu trúc lý luận của anh trong thực chất cũng tương tự như của anh Nguyễn Xuân Lộc: lấy tiền đề “cư trần lạc đạo” như một phương châm - Bằng chứng – phản biện chống bóng bẩy "cư trần lạc đạo".

Trong lúc ấy trên thực tế các anh đang đứng trong lãnh địa của 10 hội cư trần lạc đạo đích thực để phản biện mà không tự ý thức hay không muốn ý thức. Ở đây chính hai chữ “nhân nghiã” là trọng tâm của đạo đức Trần Nhân Tông:

Nhược chỉn vui bề đạo đức
nửa giang lều quý nữa thiên cung;
Dẫu hay mến thuở nhân nghì,
Ba phiến ngói yêu hơn lầu gác
(Sđd, tr. 402)


6.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp đặt vấn đề với “Mấy chữ Cư trần lạc đạo”, ta có thể thấy được thái độ dấn thân hăng hái của hai tác giả. Ấn tượng quí anh “chộp” 4 chữ “Cư trần lạc đạo”, xem chúng hời hợt như “cái lồng êm ái” giả tạo, cho ta thấy thật rõ phản ứng dị ứng của hai nhà trí thức trong nước trước những lời hay ý đẹp tuyên truyền, kiểu “vui đạo” trong giấc mơ, trong lúc thực tế xã hội hiện tại khác hẳn. Quả thực đang ở trong cảnh khổ, ngày ngày bị đưa lên bàn mổ:

mỗi ngày một lần
Anh được gây mê như thế
Trong xứ sở
của chúng ta
(thơ Nguyễn Đức Tùng đăng trên talawas)

thì sự phẫn nộ khi nghe có ai bảo đó là vui, là cư trần lạc đạo, là một thái độ đánh thức, báo động đáng trân trọng.

Nhưng khổ thay đó không phải là trường hợp của “cư trần lạc đạo”! Chính sự thao thức phải thoát khỏi cơn mê là điều mà Trần Nhân Tông đòi hỏi trong “Cư trần lạc đạo phú”.

Như thế, nếu đọc Trần Nhân Tông thật nghiêm túc:“Miễn cốc (biết) một lòng, thì rồi mọi hoặc. Chuyển tam độc mới chứng tam thân; Đoạn lục căn nên trừ lục tặc” (sđd, tr. 403) và bài tham luận của tôi thì thấy rằng, từ sự phân tích hiện trạng phá sản vốn xã hội hiện nay, “Cư trần lạc đạo” là một thách thức, đòi hỏi chứ không phải là phương châm ru ngủ.


7.

Ngoài ra điểm đáng chú ý là trong cách đặt vấn đề của các anh Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Huệ Chi: chính những điều mà các anh phản đối trước mặt, các anh lại đang đeo trên vai của mình khi phản biện, đó là quán tính đi từ một khẩu hiệu hay phương châm để lập luận bảo vệ cái tiền đề đưa ra, một lối suy luận theo phương pháp diễn dịch (deduction) chính trị, mà nội hàm của nó đã bị giản lược tối đa từ định nghĩa mấy chữ “cư trần lạc đạo”, trong đó mấy chữ này thay vì được hiểu là hoà bình xã hội lại được định nghĩa như một phương châm hoà giải hoà hợp dân tộc và từ đó chuỗi suy luận hoàn toàn nằm trong sơ đồ chính trị của khái niệm hoà giải hoà hợp dân tộc.

Trong lúc ấy, khái niệm “Hoà bình xã hội” trước hết khảo xét trên lãnh vực khoa học xã hội kinh tế. Như một vốn xã hội có ích lợi cho phát triển cộng đồng và xã hội, nó bao hàm những yếu tố cơ bản làm nên mối tương liên tự nguyện giữa người và người.

Thứ nhất đó là tự do, tự quyết, vì nếu không có tự do không thể có tự nguyện mà chỉ là một sự bắt buộc – trong “cư trần lạc đạo”, đó là ý niệm giải phóng khỏi mọi chấp trước, nhất là sự chấp ngã, duy ngã độc tôn là điểm cần được "phá” trước nhất. Yếu tố cơ bản thứ hai là bình đẳng, mọi người đều có quyền ngang nhau, khi đến với nhau, trong nghĩa truy nhận lẫn nhau, không phân biệt giai cấp, địa vị tiền tài, vượt trên mọi phân biệt giai cấp - trong “cư trần lạc đạo” đó là ý niệm vô phân biệt, Phật - Ta, ý niệm mọi người bình đẳng trong Phật tánh.

Trong cả hai trường hợp, “cư trần lạc đạo” nhấn mạnh sự TU CHỨNG kiên trì, TU TÂM đồng thời dấn thân hành động, Phát Tâm hành động. Hoà bình xã hội như thế được xây dựng trên cơ sở CON NGƯỜI của mọi tầng lớp, bất kể kẻ trị vì hay người bị trị, nó bao trùm hạ tầng và thượng tầng cơ sở.

Trong ý nghĩa ấy, khái niệm “Hoà bình xã hội” có ngoại hàm lẫn nội hàm lớn hơn khái niệm “Hoà giải hoà hợp dân tộc”, bởi lẽ chủ trương hoà giải hoà hợp dân tộc mà anh Nguyễn Huệ Chi sử dụng để phản biện vẫn còn nằm trong tương quan đối đãi với chia rẽ, bất công, phân hoá, hận thù, hoà giải hoà hợp dân tộc được xem như là biện pháp để giải quyết những bất đồng giữa các phần tử bất hoà – như thế nó vẫn còn nằm trong hấp lực của ý thức hệ tranh đấu giai cấp và chính sách toàn trị, từ đó sự phản biện hoà giảI hoà hợp dân tộc có tính cách chiến thuật hơn là chiến lược. Và, quả đúng như anh nói, mặt trái của nó là sự thâu tóm quyền uy, không có hoà giải thật sự.

Bao quát hơn, hoà bình xã hội chú trọng vấn nạn về nguyên tắc cơ bản cho sự thiết lập một xã hội dân sự bền vững, trong đó hoà giải hoà hợp dân tộc mới có cơ hội thật sự được triển khai. Như thế hoà giải hoà hợp dân tộc không phải là tiền đề của hoà bình xã hội mà ngược lại, cái gốc phải là hoà bình xã hội. Nếu phản kháng chủ trương hoà giải hoà hợp dân tộc mà không đặt vấn đề hoà bình xã hội một cách nghiêm túc, là ta chỉ cắt cái ngọn mà không để ý đến gốc, là chỉ phản ứng bột phát theo thời thượng chính trị quốc nội - hải ngoại mà không truy lùng căn nguyên ngay trong lòng xã hội hiện nay.

Hơn nữa, với khái niệm “Hoà bình xã hội”, sự phê phán không chỉ nhằm riêng thượng tầng kiến trúc mà còn đặt vấn đề với hạ tầng cơ sở. Thật thế, vốn xã hội được xây dựng bền vững và có ích lợi hay không, không chỉ nằm trong tay nhà nước, mà còn tuỳ thuộc người dân, khi phần tử này chưa tự đặt hay chưa thể hoặc chưa được đào tạo, giáo dục trưởng thành hầu có thể tự đặt câu hỏi rốt ráo cho chính bản thân và vị trí của họ trong xã hội - như Trần Nhân Tông đã đặt ra cho chính mình và cho mỗi con người trong xã hội Việt Nam thời đại ông - chưa tự thức về vai trò tự chủ và tự quyết, hoàn toàn bị quán tính lệ thuộc vào một chủ thuyết và lối suy nghĩ giáo điều đặt định chế ngự và bi thảm hơn nữa còn bị nó làm tê liệt.

Tôi nghĩ một trong những trách nhiệm của trí thức hiện nay ngoài những phản kháng nổi cộm chiến thuật, là tích cực đứng về phía người dân trong công việc khai sáng, thức tỉnh ý thức và ý chí tự chủ của mỗi người, cố gắng tìm được phương thức hữu hiệu cho một nền giáo dục hướng thiện và nhân bản.


8.

Trong ngữ cảnh của bài tham luận với 10 hội của “Cư trần lạc đạo”, vấn đề xây dựng vốn xã hội được đặt ra như một phản đề đối với tình trạng nguy cơ phá sản vốn xã hội Việt Nam. Chức năng phản đề của khái niệm vốn xã hội – trong trường hợp này bài phú “Cư trần lạc đạo” mang tính tích cực của một phê phán đòi phải nghiêm túc, trung thực và thức tỉnh.

Hơn thế nữa, trong khuôn khổ của cuộc hội thảo, với “Cư trần lạc đạo phú” như một mô hình vốn xã hội, phản đề này hàm chứa ý hướng mở ra một viễn tượng mới, khác hơn là theo thói quen thảo luận lặp lại những tiền đề cũ hay những khái niệm thời thượng tuy quan trọng nhưng thiếu phần mở ra viễn tượng tích cực - mà sự kiện bài viết của các anh Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Huệ Chi với phản ứng chống lại những tệ trạng toàn trị nhưng cũng chuyển dịch trong sơ đồ diễn dịch giáo điều là điển hình, trong đó dù sự phản kháng có đanh thép, hăng hái, nhưng cách đặt vấn đề vẫn có tính chiến thuật hơn là chiến lược, dù muốn là khác nhưng vẫn chưa khác được, dù muốn là mới nhưng vẫn luẩn quẩn trong sơ đồ lập luận giáo điều xơ cứng cũ.

Trong lúc ấy, tuy “Cư trần lạc đạo phú” là một áng văn cũ, nhưng tư tưởng giác ngộ giải phóng rốt ráo của nó vượt quá những điển hình hậu hiện đại Derrida, Lyotard, khi những người này nói về một nền tư tưởng hậu hiện đại “hậu nhân bản” bên kia truyền thống phương Tây.

Đòi hỏi nhập thế của nó trên một nền tảng đạo đức truyền thống lấy nhân nghĩa và thành tâm trong tự do toàn diện (vô tâm) làm mục đích là điều đáng để được thảo luận và kiểm chứng.

Như thế, một cuộc thảo luận công khai về nội dung hàm chứa trong “Cư trần lạc đạo” tưởng có thể đóng góp cũng như đánh thức ở thế hệ trẻ những phản tỉnh xác thực trong cuộc truy tìm và tạo dựng căn cước xã hội, văn hoá của một người Việt Nam từ những điều kiện hiện tại sau những kinh nghiệm (tiêu cực hay tích cực) tiếp thu những nền văn hoá phương Tây và trước làn sóng ồ ạt hầu như vô thức của trào lưu toàn cầu hoá có thể quét sạnh hay nhận chìm những cơ hội tự quyết của mỗi cá nhân.

Phải chăng đó là trách nhiệm của trí thức hiện nay trong cách đặt vấn đề, trong cách trăn trở không giáo điều hay bi quan nguỵ tín về những giá trị nguồn gốc, thảo luận về chúng để hoặc là vượt qua hay từ đó xây dựng những nguyên tắc mới?


9.

Cuối cùng, trong tất cả những ngạc nhiên, có lẽ đây là nỗi bàng hoàng lớn nhất khi nhận ra mọi ý kiến đóng góp trong và ngoài nước cùng có một nhận định chung thật là bi đát: SỰ MẤT LÒNG TIN, sự nghi ngờ vào “Đất Nước” như một nỗi tuyệt vọng.

Có sự mất lòng tin, có sự bất lực trở thành tuyệt vọng, có sự nghi ngờ tuyệt đối đến nỗi mỗi thiện ý đều bị ngộ nhận bởi nguỵ tín (mauvaise foi) phát sinh, có sự mòn mỏi trước cái thiện và vô cảm trước cái ác tập thể (Trà Đoá, talawas). Bi quan bủa vây bốn phía.

Nhưng cũng chính từ đó, phản đề “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông lại chứng thực lý do hiện diện của nó là cần thiết. Một cần thiết thật cấp bách, làm thế nào có thể cùng nhau thảo luận tích cực hơn để tìm cho ra và thực hiện cho được hoà bình xã hội, trong đó sự giáo dục, giáo hoá con người hướng thiện và nhân bản là điều cơ bản. Đó cũng là điểm mà Trần Nhân Tông đề cập trong hội thứ ba khi nói về TU tâm học đạo:

Nếu mà cốc (biết), tội ắt đã không. Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo. Thửa mình học, cho phải chính tông. Chỉn Bụt là lòng, xá (nên) ướm hỏi đòi cơ Mã tổ…
Nguyện mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín; Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa ưu đàm mấy kiếp đơm bông. (Sđd, tr. 402, 403)

Khái niệm “tu tâm học đạo”, nói gọn “tu học” trong “Cư trần lạc đạo phú” không phải là một thứ hành trì (TU) lánh tục, trốn đời, mà đặt vấn đề giáo dục, giáo hoá con người toàn diện, không phân biệt lý lịch giai cấp, nhà nước hay người dân, giai cấp thống trị hay bị trị, người giàu hay người nghèo, sơn lâm hay trần tục: “Dồi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo. Vàng chửa hết quặng, xá tua chín phen đúc chín phen rèn” (Sđd, tr. 408)

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tất. Sơn lâm chẳng cốc (biết), hoạ kia thực cả đồ (uổng) công. (Sđd tr. 402/403).

Làm thế nào để sự giáo hoá thù hận đổi thành yêu thương trong hoà bình? Một vấn nạn thật lớn trước “hận thù tập thể” trong “một xã hội mỏi mòn và vô cảm”mà Trà Đoá đã phân tích thật tâm đắc. Nó phải bắt đầu bằng sự lấy lại can đảm “yêu”, thay vì nuôi “hận thù”. Nhưng không phải là tình yêu mê muội, mộng mơ, mà chính là sự can đảm hay quyết tâm sử dụng trí tuệ (tính sáng) và bằng sự thành tâm đặt tấm lòng - thay vì khinh bạc cái Tâm - tôn trọng cái TÂM trên mọi vàng bạc châu báu như là bổn phận của trí thức mà Trần Nhân Tông đã đề cập ngay ở Hội thứ nhất:

Yêu tính sáng hơn yêu châu báu… trọng lòng rồi nữa trọng hoàng kim (Sđd, tr. 401)

Như thế, đưa “Cư trần lạc đạo phú” ra như một phản đề đối nghịch với nguy cơ phá sản vốn xã hội nằm trong ý hướng đặt lại thật rốt ráo khái niệm “Hoà bình xã hội” trong ánh sáng của khai sáng, của sự can đảm sử dụng trí tuệ của chúng ta, cho ta và cho người, mà không đề cập tiên quyết đến hoà giải hoà hợp dân tộc, một phần chính vì hoà giảI hoà hợp dân tộc là hệ luận của hoà bình xã hội.

Phản đề ấy không chỉ nhằm một tầng lớp mà bao gồm tất cả, như hành trạng của Trần Nhân Tông đã bao gồm: khi ở ngai vàng, trị vì thiên hạ thì có thể bỏ nó để lên núi đi tu mà không luyến tiếc, nhưng khi có chuyện nguy hại cho nước nhà thì bỏ núi về với mọi tầng lớp người trong xã hội, đứng trên nền dân tộc để cùng gánh vác. Khi người mê thì ta phải tỉnh:

Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay… Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên… (Sđd, tr. 409)


10.

Có thể tư thế viện dẫn mô hình “nhân nghĩa” của “Cư trần lạc đạo phú” trong cấu trúc của bài tham luận của tôi “loạng choạng”, hơi bị “ép” đối với nỗi hoài nghi tuyệt đối hiện đang bao trùm chúng ta và đối với quán tính theo kinh nghiệm thực dụng, hiệu quả tức thì.

Có thể nó không thuyết phục vì không đưa ra một giải pháp cụ thể cho hiện trạng xã hội hôm nay.

Có thể đối với nhiều người, việc lấy một màu sắc qua “Cư trần lạc đạo phú” là hạn hẹp và chủ quan.

Tất cả những thuộc từ ấy khá đúng cho một phản đề, mà đặc tính của nó trước hết là “chọn” một tư thế, như một quan điểm lựa chọn (alternative), tiếng Đức gọi là lấy màu - trong một cuộc tham luận. Mỗi chọn lựa là một sự giới hạn theo một quan điểm, có nguy cơ trở thành một chiều hay eo hẹp, nhưng lại là một điều kiện cần trong tham luận. Cần trình bày quan điểm, đưa nó thành một đề án, trước hết chứng tỏ sự sẵn sàng cởi mở thảo luận. Sự cởi mở không che đậy quan điểm hay thế đứng của mình, sự chân thật hay thành tâm theo ngôn ngữ “cư trần lạc đạo”, là điều kiện tiên quyết cho một đối thoại thật sự. Tư thế phản biện này mất hẳn tính chủ quan và khép kín giáo điều, khi chính nội dung của nó – mà đó là nội dung bao dung không khai trừ và chấp nhận khác biệt màu sắc của “Cư trần lạc đạo phú” - bao hàm khả năng mở rộng, giải phóng, sẵn sàng đón nhận những ý kiến khác biệt trong tinh thần tôn trọng chân lý và dân chủ. Chính tinh thần rộng mở, tự vượt nằm trong 10 hội của “Cư trần lạc đạo” có thể trả lại tính khách quan dựa trên khả năng phản tĩnh, tự xét của trí tuệ đã được rèn luyện.

Trong chừng mực ấy, sự “khiêu khích”, “đòi hỏi” trong phần 3 bài tham luận vẫn đang ở trong chức năng của nó - mãi sau một năm nó mới xuất hiện trên trang Diễn Đàn và được bạn đọc góp ý, mà buổi hội thảo năm 2006 đã không cho cơ hội - nhất là hai anh Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Huệ Chi đầy nhiệt tâm, tôi xin nói lời cám ơn Diễn Đàn, talawas và tất cả các bạn đọc đã quan tâm.

© 2007 talawas