NINH BÌNH, Việt Nam - Họ là những cô gái thời chiến, những thiếu nữ tình nguyện đầu quân vào một trong những đội nữ binh lớn nhất mà bất cứ nước nào từng đưa ra một chiến trường tân tiến. Ròng rã bao nhiêu năm, họ đã chiến đấu, tự chống đỡ bằng một giấc mơ là trung tâm của văn hóa Việt Nam:
Khi hòa bình trở lại, họ mong sẽ tìm được một tấm chồng xứng đáng và sinh con đẻ cái.
Ðối với nhiều người trong số họ, giấc mơ đó đã không thành. Trở về sau khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975, họ đã bị coi như thiếu hấp dẫn, vì bị tàn phá bởi bệnh hoạn, thiếu ăn và những cực khổ khác mà họ đã phải chịu đựng trong rừng.
Các thanh niên, những người cũng vừa trở về từ cuộc chiến, đã không đáp lại những cái liếc mắt của họ trên đường phố. Nếu tình yêu nở hoa, các cha mẹ thường cắt ngang, cấm con trai họ cưới những phụ nữ có vẻ quá yếu đuối rất khó sinh nở và nuôi con.
"Ôi, rừng sâu đã làm tôi già đi biết bao nhiêu," lời bà Vũ Hoài Thu, một trong số 500 phụ nữ quê ở thành phố Ninh Bình, 60 dặm phía nam Hà Nội, người đã chiến đấu trong cái mà người (cộng saœn) Việt Nam gọi là Cuộc Chiến Chống Mỹ.
"Cuối cùng, tôi đã gặp một người con trai dễ thương. Anh ấy đã hỏi cưới tôi, nhưng cha mẹ anh không cho. Anh đã không muốn rời bỏ tôi, nhưng tôi đã thuyết phục anh là anh phải bỏ. Tôi đã quá yếu vì sốt rét và thiếu ăn. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có đủ sức khỏe để sinh con đẻ cái cho anh ấy."
Những phụ nữ như bà Thu hiện giờ ở độ tuổi 50, và khi họ gặp nhau để hồi tưởng những hy sinh của họ, họ nói tới sự mất mát tuổi thanh xuân trên Ðường Trường Sơn, tên mà người (Miền Bắc) Việt Nam gọi là đường mòn Hoà Chí Minh.
Họ nói về chuyện trở về nhà với đời sống khó khăn hơn là đời sống mà họ đã rời bỏ. Sự cay đắng dai dẳng vì trong suốt bao nhiêu năm họ đã là những chiến sĩ bị bỏ quên trong một cuộc chiến tranh mà những người đàn ông chiến đấu - chứ không phải phụ nữ - đã trở thành anh hùng.
"Tôi đã tưởng cuộc đời tôi sau chiến tranh sẽ giản dị và hạnh phúc," theo lời Nguyễn Thị Bình, cân được 85 pounds khi trở về nhà. "Nhưng tôi đã để cho người bạn trai của tôi ra đi. Tôi đã nói với anh ấy rằng với những chứng bệnh của tôi, với một chân bị thương của tôi, tôi sẽ là một gánh nặng cho anh ấy."
Bà Bình đã sống một mình suốt 17 năm, một hình thức lưu vong trong một xã hội nặng về gia đình trong đó những phụ nữ hiếm muộn và những cặp vợ chồng không con là những đối tượng để thương hại. Thế rồi, trước sự thúc giục của những cựu đồng chí trong một đoàn phụ nữ - đoàn 559 - bà Bình đã "lấy một người chồng qua đêm" và sinh được một đứa con gái.
Bà và đứa con, tên Lan, hiện 10 tuổi, sống với nhau trên một cánh đồng lúa nhỏ do bà Bình canh tác.
"Những người tốt dành cho tôi sự hiểu biết và tình cảm," bà Bình nói. "Và tôi biết ơn điều đó. Nhưng đôi khi những người xấu đem con họ tới nhà tôi và nói, 'Ðừng như người đàn bà đó.'"
*
Việt Nam có một lịch sử lâu dài về những nữ chiến binh. Hai trong số những anh hùng nổi tiếng nhất là chị em bà Trưng, Trưng Trắc và Trưng Nhị, những người đã cầm đầu một cuộc nổi dậy chống Trung Hoa vào năm 40 sau Công Nguyên và đã giải phóng Việt Nam. Một trong những vị tướng của họ, Phùng Thị Chính, nghe nói đã sinh nở giữa trận đánh và đã phải tiếp tục chiến đấu với đứa con nhỏ địu sau lưng.
Một phụ nữ khác, bà Triệu Ẩu, đã cưỡi voi ra trận chống người Trung Hoa vào năm 248 sau Công Nguyên, cầm đầu một lực lượng 3,000 người. Bị thua trận, bà đã tự tử vào năm 23 tuổi.
Những sử gia quân sự ước tính trong thập niên 1950, gần một triệu nữ du kích đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống các lực lượng thực dân Pháp. Trong cuộc xung đột với Hoa Kỳ, 40% những cấp chỉ huy địa phương của Việt Cộng là phụ nữ. Một người trong số họ, Nguyễn Thị Ðịnh, là một cấp tướng.
Hàng trăm ngàn phụ nữ, hầu hết đều còn trẻ và độc thân, đã phục vụ trong những chiến khu trong cuộc chiến tranh đó. Họ điều khiển súng phòng không, xây dựng đường xá dưới sự oanh tạc thường xuyên và đi tuần trong những đơn vị hỗn hợp nam nữ.
"Chúng tôi đã sống và ngủ chung nhưng không đụng chạm," theo lời một phụ nữ trong Ðoàn 559, người đã cho rằng có được sự kềm chế là nhờ tinh thần bảo thủ về văn hóa. "Tôi không thấy một vụ mang thai nào trong đơn vị của chúng tôi. Chúng tôi khao khát tình yêu, nhưng chỉ trong tim mà thôi."
Những phụ nữ khác thu thập tin tình báo, do thám, chở quân và đồ tiếp tế dọc theo đường sông trên những con thuyền nhỏ.
Mai Thị Diễm đã tình nguyện chiến đấu sau khi Hoa Kỳ bỏ bom nông trại tập thể nơi bà ở, giết chết 100 người, kể cả nhiều người trong số thân nhân của bà.
"Tôi cân được 35 kilô (77 pounds) khi tôi ghi tên nhập ngũ, ban tuyển quân nói tôi quá nhỏ," bà Diễm bị què một chân, kết quả của một vụ mìn. "Tôi nói với là họ tôi sẽ nhảy xuống cầu tự tử nếu họ không nhận tôi. Cuối cùng, họ nhận."
Lê Minh Khuê, một nhà văn ở Hà Nội, đã viết về những gắn bó mạnh mẽ hun đúc bởi nỗ lực chiến tranh. "Tôi yêu tất cả mọi người với một tình yêu đam mê," bà Khuê là người đã nói dối về tuổi của mình để được gia nhập quân đội vào năm 15 tuổi. Ðó là một tình yêu, bà nói, mà "chỉ có người nào đã đứng trên ngọn đồi đó trong những giây phút đó mới có thể cảm thông hoàn toàn. Ðó là tình yêu của người dân trong khói lửa, người dân thời chiến."
Phan Thanh Hảo, một nhà báo và là đồng tác giả của một cuốn sách về những nữ chiến binh của (Bắc) Việt, đã phục vụ trên dãy núi Trường Sơn dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh.
"Phụ nữ đã làm lệch cán cân đưa tới chiến thắng trong cuộc chiến tranh," bà nói. "Ngoài Liên Bang Sô Viết trong Thế Chiến II, không có nước nào có con số phụ nữ như vậy trong những vai trò chiến đấu trực tiếp. Tuy vậy, thật khó cho chúng tôi để trở lại bình thường. Ðối với thế hệ tôi, cho tới ngày nay, tim chúng tôi vẫn thắt lại mỗi khi nghe tiếng máy bay trên đầu."
Những cô gái thời chiến đã trở về với gia đình nghèo khó. Thêm một miệng ăn phải nuôi đã là một vấn nạn. Gầy guộc vì bệnh hoạn và thiếu ăn, da dẻ họ đã dày dạn bởi những năm tháng trong rừng rậm, họ bị coi như không hấp dẫn như vào thời từ làng mạc của họ ra đi.
Thêm vào đó, biết bao nhiêu trai trẻ đã bị giết trong chiến tranh đến độ đám người có triển vọng làm chồng đã giảm đi. Ngay cả bây giờ, có 97.6 đàn ông cho mỗi 100 phụ nữ ở Việt Nam, một trong những tỉ số thấp nhất ở Ðông Nam Á.
"Tôi đã may mắn," lời bà Nguyễn Thị Nhòng, 51 tuổi, một cựu chiến binh của Ðoàn 559. "Tôi đã gặp một thanh niên, rất đẹp trai, trên Trường Sơn. Anh ấy quê ở một làng lân cận, và chúng tôi đã lấy nhau. Nhưng tôi biết bao nhiêu người khác đã yêu nhau trên chiến trường và sau chiến tranh đã tìm kiếm, rồi tìm kiếm nhưng không bao giờ có thể tìm được nhau."
Nhiều người trong số các phụ nữ đã hồi phục sức khỏe và kết hôn. Những người khác còn độc thân đã tới sống trong những ngôi chùa Phật Giáo hoặc trong những công trình gia cư của chính phủ.
Vào đầu thập niên 1980, nhằm giảm bớt sự cô đơn của họ, nhà nước đã loại bỏ sự cấm kỵ về việc có con ngoài hôn nhân. Chính phủ loan báo rằng những bà mẹ không kết hôn và con cái của họ sẽ được coi như gia đình và được cấp đất để làm ruộng. Hàng ngàn phụ nữ đã lấy "một người chồng qua đêm."
Có thể vì thành tích chiến đấu của họ, hoặc vì giới lãnh đạo cộng sản đã thành công trong việc kêu gọi phụ nữ như một giai cấp cách mạng, phụ nữ Việt Nam ngày nay được hưởng một chế độ bình đẳng được bảo đảm bởi hiến pháp.
Một phần ba số thành viên trong Quốc Hội là phụ nữ. Một phụ nữ, Nguyễn Thị Bình, là phó chủ tịch nước. Phụ nữ nhận được cùng số lương như nam giới trong chính phủ và trám những công việc quan trong trong những ngành kỹ nghệ tư nhân và nhà nước.
Họ là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, lo chuyện gặt hái và mua bán. Tỉ lệ tử vong trong sinh nở thấp theo các tiêu chuẩn trong vùng; số phụ nữ ghi tên đến trường cao. Ít khi thấy phụ nữ ở nhà với tính cách nội trợ, bất kể tình trạng xã hội của họ.
"Làm thế nào phụ nữ Việt Nam đã đạt tới mức thành quả và hạnh phúc đó? Bởi vì chiến tranh và vai trò quan trọng mà họ đã tham gia trong đó," theo lời Nisha Agrawal, một kinh tế gia tại Ngân Hàng Thế Giới có nhiều kinh nghiệm về nữ quyền. "Do đó thoạt đầu bạn nói, 'Như vậy tốt. Không có những vấn đề về phụ nữ.' Rồi bạn khởi sự nói chuyện với những người nghèo trong các làng mạc và bạn nói, "Ồ, vẫn còn vô số vấn nạn.'"
Khi chiến tranh kết thúc, đàn ông đã trở lại vai trò người chủ gia đình. Họ quyết định chi tiêu bao nhiêu tiền, quyết định gia đình bao nhiêu người mà không tham khảo với vợ và giữ văn tự đối với mọi tài sản. Sự làm ngơ với phương pháp ngừa thai khiến phá thai trở thành phương tiện hàng đầu trong nước để kiểm soát sinh sản. Sự ham mê nhậu nhẹt của họ đóng góp vào tình trạng bạo lực trong gia đình.
Mặc dù được công nhận chậm, phụ nữ đang bắt đầu được ghi công về những đóng góp của họ cho nỗ lực chiến tranh. Vào năm 1991, những người mất hai con trai trở lên trong chiến trận đã được tuyên bố là những Bà Mẹ Anh Hùng và được hưởng những phúc lợi đặc biệt.
Một Viện Bảo Tàng Phụ Nữ đã được mở tại Hà Nội năm 1995. Mọi học sinh đều phải viết một luận văn về vai trò của phụ nữ trong chiến tranh. Một đài kỷ niệm đang được xây dựng trên bờ sông Nhật Lệ gần khu phi quân sự cũ, vinh danh một phụ nữ đã chở người và vật liệu bằng thuyền bất chấp bom đạn.
Và những phụ nữ của Ðoàn 559, những người đã tham gia cuộc chiến với tính cách những thiếu nữ tình nguyện, đã được tặng một huy chương đặc biệt như là những "Chiến Sĩ Trường Sơn."
Ba trong số những người đó đã mặc những bộ đồng phục cũ tới một cuộc tái hợp mới đây ở Ninh Bình. Họ và nửa tá người nữa đã tụ tập tại một tiệm ăn nhỏ để vinh danh 40 người đã không trở lại từ Trường Sơn và 50 người khác đã trở về như những người tàn phế.
Họ đã chuyện vãn và trao đổi kỷ niệm, và khi bữa ăn trưa được dọn ra, người chỉ huy của đoàn, Trần Thị Bình, đã đứng lên và loan báo rằng bà muốn chia sẻ với các bạn một bài thơ do bà sáng tác, "Thời Con Gái." Bài thơ dài, và bà đọc từ trí nhớ theo lối diễn ngâm, đôi mắt bà nhắm lại.
Tôi muốn đốt một nén hương
cho những người con gái xấu số.
Dù họ không bao giờ trở lại,
chúng tôi, những người đánh mất tuổi thanh xuân,
vẫn đợi chờ.
Chúng tôi, những cô gái Trường Sơn,
tóc đã hoa râm và lòng tràn đầy kỷ niệm,
Tưởng nhớ những người bạn tình
đã đi xa không bao giờ tìm được.
Những phụ nữ khác tại bàn ngoảnh mặt đi. Một vài người úp mặt vào lòng bàn tay. Vài người lấy giấy thấm nước mắt. Khi bà Bình chấm dứt, một sự im lặng bao trùm. Rồi có người lên tiếng, "Hãy làm cho ngày hôm nay là một ngày vui đi."