trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
19.4.2005
Hoàng Xuân Đài
Giới (gender), giới-tính (sex) và bình-đẳng-giới tại Việt Nam thời Đổi mới
 


Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng.
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này!

(Thiên nam ngữ lục)


Tóm tắt: Sau khi trình bày sơ lược hai khái niệm giới (gender) và giới-tính (sex) dưới cái nhìn xã hội học, tác giả nhắc lại lịch sử Ngày Phụ nữ Quốc tế và tình hình bình-đẳng-giới tại Việt Nam thời Đổi mới.


1. Giới (gender, genre) và giới-tính (sex, sexe)

Giới là một khái niệm khá mới trong khoa xã hội học và y học mà chúng ta có thể lãnh hội được ý nghĩa qua hai câu trích dẫn sau đây:
  • Giới-tính là điều ta thấy, giới là điều ta cảm thấy (Le sexe, c'est ce que l'on voit, le genre, c'est ce que l'on ressent. Dr Harry Benjamin [1] )
  • Giới, là điều ta có thể gọi là "giới-tính xã-hội" (Le genre, c'est ce que l'on pourrait appeler le «sexe social». Christine Delphy [2] )

Khái niệm giới (gender) đã được khai sinh trong tiếng Anh vì hai lý do. Một là, chữ sex của tiếng Anh trên mặt ngữ nghĩa học giới hạn hơn chữ sexe của tiếng Pháp, khiến cho sự trình bày chỗ đứng của đàn ông và đàn bà trong xã hội trở nên khó khăn. Hai là, các nhà phụ-nữ-quyền (feminist) muốn phân biệt giới-tính sinh học với giới để đặt lại vấn đề cưỡng bức áp đặt bởi giới. Do đó chữ giới-tính được dùng để qui chiếu về những khác biệt về thể xác giữa đàn ông và đàn bà trong khi đó giới quy chiếu về những khác biệt không mang tính sinh học chẳng hạn như tâm lý, tâm thần, xã hội, kinh tế, dân số học, chính trị... giữa đàn ông và đàn bà.

"Giới-tính xã-hội" là căn cước được xây dựng bởi hoàn cảnh xã hội của những cá nhân, nghĩa là các "nam tính" hoặc "nữ tính", không phải là những dữ kiện "thiên nhiên", mà là hậu quả của những cơ chế xây dựng và sản xuất xã hội vô cùng mạnh mẽ xuyên qua giáo dục. Simone de Beauvoir [3] cho rằng "Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành" đàn bà dưới ảnh hưởng giáo dục phụ quyền chế. Bourdieu cho rằng điều đó cũng đúng cho đàn ông "Người ta không sinh ra là đàn ông, người ta trở thành", và xuyên qua cả một nền giáo dục, tạo nên bởi nghi thức hội nhập của chuẩn nam giới, mà căn cước đàn ông đã được đẽo thành hình, và người đàn ông đã bảo đảm được chức năng chế ngự trong xã hội [4]

Nền giáo dục này không những có tính kết cấu mà còn có tính trừng phạt: sự lệch lạc trong những vai trò giới (nghĩa là sự không ăn khớp giữa sự trưng bày giới của một người và sự trưng bày giới đòi hỏi của một người cùng giới-tính) không được dung thứ và bị xã hội trừng phạt. Nhưng xã hội đã có chiều hướng thay đổi, người ta nhìn những liên hệ của những người cùng giới-tính với một con mắt bao dung hơn, một vài nước trên thế giới chấp nhận các hôn nhân hoặc sống chung của những người này.

Bình-đẳng-giới là phản ứng chống đối lại chủ-nghĩa-giới-tính (sexism), được định nghĩa là sự đối xử phân biệt dựa trên giới-tính (sex), bao gồm những hệ tư tưởng, những truyền thống và những cách xử sự hoặc thái độ, qui kết sự khác biệt về cương vị hay phẩm cách giữa đàn ông và đàn bà.

Có thể xác định ba mức độ của chủ-nghĩa-giới-tính:
  • Lập luận cho rằng giới-tính (sex) này cao hơn giới-tính (sex) kia.
  • Lập luận cho rằng đàn ông và đàn bà rất khác nhau và điều này phải được phản ánh một cách mạnh mẽ trong xã hội
  • Lập luận cho rằng cho rằng đàn ông và đàn bà hơi khác nhau (hiển nhiên trừ những khác nhau trên cơ thể) và điều này phần nào phải được phản ánh trong xã hội.
  • Cuộc tranh đấu chống lại các hệ tư tưởng, những truyền thống và những cách xử sự hoặc thái độ của chủ nghĩa giới-tính là nguồn gốc của cuộc đấu tranh cho phụ-nữ-quyền (feminism). Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giới-tính khẳng định rằng con người có thể từ chối tổ chức theo thứ bậc của giới (gender) và giới-tính (sex); nó khẳng định sự hiện hữu quyền phân biệt cá thể và đặt lại vấn đề tổ chức xã hội và văn hoá của mỗi giới, vì những tổ chức này đã thường dẫn đến chủ-nghĩa-giới-tính.


2. Ngày Phụ nữ Quốc tế




Như tất cả những ngày tháng có tính biểu tượng, ngày Phụ nữ Quốc tế không có một nguồn gốc từ một dữ kiện lịch sử độc nhất. Một mặt, nó là kết tinh của một quá trình dài và rộng lớn của tranh đấu, của đòi hỏi, yêu sách và tranh luận, mặt khác nó tượng trưng cuộc trường chinh lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.

Sự quy chiếu có tính lịch sử chính của ngày Ngày Phụ nữ Quốc tế bắt nguồn từ những cuộc đình công của các công nhân phụ nữ phát động vào những năm 1857 và 1911 tại New York ủng hộ các yêu sách tăng lương và phản đối các điều kiện làm việc quá tồi tệ của các nữ công nhân ngành dệt. Một biến cố đặc biệt đã đánh dấu mạnh mẽ những cuộc biểu tình này: ngày 25/3/1911, một nhóm nữ công nhân biểu tình trong một hãng dệt tại New York đã chết trong một cuộc hoả hoạn. Họ không chạy thoát được vì các cửa ngõ đã bị đóng để công nhân không được ra về trước khi hết giờ làm việc.

Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới, ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhague (thủ đô Ðan Mạch), với sự tham dự của 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, ngày làm việc 8 giờ, công việc ngang nhau tiền lương ngang nhau, bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Một quy chiếu khác có tính toán dính dáng đến ngày 8/3 và sự tham gia của những nữ công nhân vào cuộc các mạng Nga. Ngày 23/2/1917 theo lịch Nga, trùng với ngày 8/3 của lịch Grê-goa các nữ công nhân Nga đã xuống đường gây ra một cuộc tổng đình công và sau đó đã tham gia vào những hành động cách mạng mở đầu cuộc cách mạng Nga.

Vào năm 1977, hai năm sau Năm Phụ nữ Quốc tế, Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận một nghị quyết mời tất cả các nước trên thế giới dành một ngày để biểu dương quyền phụ nữ và hòa bình thế giới. Ngày 8/3 đã được chọn và đã được nhiều nước trên thế giới chấp nhận.

Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.

Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới "phát triển giới". Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới.

Các hội nghị thế giới về phụ nữ do Liên Hiệp Quốc đứng ra tổ chức là những sự kiện quốc tế quan trọng đối với đời sống chính trị của toàn thế giới đặc biệt đối với phụ nữ. Vì lẽ đó, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu.

Hội nghị Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995 có mục đích kiểm lại việc thực hiện "Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được đề ra tại hội nghị Nairobi và công ước Liên Hiệp Quốc "Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ" đồng thời thông qua "Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000".

"Tuyên bố Bắc Kinh" và "Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000" là hai văn kiện quan trọng nhất của hội nghị Bắc Kinh. Hai văn kiện này một mặt phác họa những trở ngại trên con đường phấn đấu cho sự bình đẳng của nữ giới bên cạnh nam giới, mặt khác khẳng định những cam kết và sự quyết tâm của các chính phủ, các tổ chức quốc tế bằng mọi biện pháp tiến tới mục tiêu Bình đẳng - Phát triển - Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Tại Việt Nam, ngày 8/3 là dịp để biểu lộ não trạng ăn hiếp đàn bà (phallocratie [5] ):

Hôm nay mùng tám tháng ba
Tôi giặt hộ bà chiếc áo của tôi
Nếu bà còn nói lôi thôi
Tôi trả chiếc áo của tôi cho bà...

hoặc sự châm biếm của cái nhìn dưới góc độ đàn bà-vật (femme-objet):

Hôm nay mùng tám tháng ba
Chị em phụ nữ đi ra đi vào
Phái nam đon đả đón chào
Hoa nào cũng đẹp mặt nào cũng tươi


3. Bình-đẳng-giới tại Việt Nam thời Đổi mới

Theo luật cổ và tục lệ, gia đình cổ Việt Nam được xây dựng trên cơ sở phương thức ruộng đất và lao động nông nghiệp là nền tảng kinh tế và là điều kiện vật chất của việc duy trì và phát triển gia đình.

Dưới thời Lê, có sự hòa hợp giữa luật viết và tục lệ trong lĩnh vực tổ chức và quản lý gia đình: quyền lực của chủ gia đình nằm trong tay cả cha và mẹ.

Dưới thời Nguyễn, luật viết xây dựng khuôn mẫu gia đình theo mô hình gia đình phụ quyền Trung Quốc: toàn bộ quyền lực của chủ gia đình nằm trong tay người cha; nếu người cha chết, thì người mẹ góa không tái giá giữ vị trí chủ gia đình dưới sự giám sát của gia tộc; nếu cả cha và mẹ đều chết, thì vai trò chủ gia đình do con trai trưởng đảm nhận.

Người Việt Nam thời kỳ thuộc địa vẫn sống trong các đại gia đình phụ quyền và trên các mảnh ruộng mà các đại gia đình có trách nhiệm giữ gìn để truyền đời. Mô hình đại gia đình vẫn được ghi nhận trong pháp luật thuộc địa như là mô hình kiểu mẫu.

... Luật hiện đại, mô hình gia đình Việt Nam có những thay đổi. Ðại gia đình bị loại ra khỏi luật viết; thay vào đó là mô hình gia đình hộ gồm có vợ chồng và các con. Mô hình gia đình hộ được chính thức thừa nhận tại Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 cùng với nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về mọi phương diện. Cũng do hiệu lực của Luật này, chế độ phụ quyền được thay thế bằng chế độ hợp tác giữa Nhà nước và cha mẹ trong việc nuôi dạy con. Ngoài ra, Luật nhấn mạnh tính chất nghĩa vụ (không phải tính chất quyền) của việc nuôi dạy con; quan hệ giữa xã hội và gia đình được quan tâm điều chỉnh; quyền tự do cá nhân trong quan hệ gia đình được coi trọng.

Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 tiếp tục coi gia đình hộ như là mô hình chính thức trong xã hội xã hội chủ nghĩa và tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy tắc liên quan đến nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Tuy nhiên, khác với Luật năm 1959, Luật năm 1986 coi quan hệ nghĩa vụ giữa cha mẹ và con là quan hệ nghĩa vụ hỗ tương: con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo của cha mẹ (Ðiều 21); con từ 16 tuổi trở lên còn ở chung với cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; nếu có thu nhập riêng, thì phải đóng góp vào nhu cầu của gia đình (Ðiều 23). Luật cũng có nhắc đến quan hệ giữa ông bà và cháu (Ðiều 27), nhưng không coi họ như các thành viên của cùng một gia đình hộ: quan hệ ông bà và cháu được luật chi phối trong hoàn cảnh bi kịch: cháu không còn cha mẹ. Cũng trong hoàn cảnh đó mà luật quan tâm điều chỉnh quan hệ anh-chị-em...

... Việc áp dụng chính sách đổi mới đã thúc đẩy quá trình tích lũy của cải trong khu vực tư nhân. Theo một xu hướng tự nhiên, một khi việc thực hiện một kế hoạch đầu tư nào đó trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu công nghiệp, dịch vụ vượt quá khả năng của một cá nhân, thì những người đầu tiên mà cá nhân muốn kêu gọi sự hợp tác chính là các thành viên trong gia đình. Kế hoạch đầu tư càng quan trọng, các thành viên của gia đình được tập họp càng đông. Sự gắn bó về kinh tế dẫn đến sự gắn bó về tình cảm và gia đình truyền thống dần dần được khôi phục, với quy mô được xác định tùy theo quy mô của hoạt động kinh tế chung của các thành viên. Gia đình có nhiều thành viên có tổ chức phức tạp hơn gia đình ít thành viên và các mối quan hệ nội bộ cũng đa dạng hơn. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 tỏ ra không còn đủ sức đảm đương chức năng cơ sở pháp lý của gia đình trong thời kỳ đổi mới; trong khi đó, tục lệ ghi nhận sự phát triển tự phát của những giá trị còn chưa được luật viết quan tâm đúng mức, nhưng có tác dụng tốt trong việc đặt nền móng cho sự phát triển của gia đình nhiều thế hệ: nghĩa vợ chồng, quyền cha mẹ, chữ hiếu.

Ngày nay, người làm luật chính thức thừa nhận chủ trương khuyến khích sự nhân rộng mô hình gia đình nhiều thế hệ đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển mô hình đó: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các thế hệ trong gia đình chăm sóc, giúp đỡ nhau nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Ðiều 49 khoản 2) [6] .


Ngoài ra, quyền sở hữu ruộng đất là một đề tài nóng bỏng tại Việt Nam. Luật ruộng đất tháng 11 năm 2003 bắt buộc giấy chứng nhận sở hữu phải mang tên chồng và vợ, nếu ruộng đất thuộc cả hai ngườì. Đó là một bước tiến quan trọng trong tiến trình tiến tới bình-đẳng-giới, nhưng việc áp dụng luật này theo các chuyên gia quốc tế (United Nations Volunteers, UNV) vẫn còn là một thách đố lớn, nhất là tại nông thôn. Theo các con số của UNV, 83% sở hữu ruộng đất mang tên chồng, 11% mang tên vợ, 3% mang tên cả vợ lẫn chồng, 3% mang tên người độc thân.

Theo sự đánh giá của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), ngày nay, nhiều phụ nữ Việt Nam dường như sống ở hai thế giới khác nhau. Trong công việc họ là những người phụ nữ hiện đại, song vẫn bị đối xử như những người ở vị trí thấp kém hơn. Những quan niệm truyền thống về vị trí, vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ tiếp tục ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái cũng như cản trở nỗ lực tiến tới bình-đẳng-giới thực sự ở Việt Nam.

  • Phụ nữ chiếm 52% lực lượng lao động ở Việt Nam. Phụ nữ có thời gian làm việc nhiều hơn, ngủ ít hơn và được trả lương thấp hơn so với nam giới, không những thế họ còn tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề gây cản trở khả năng tiếp cận bình đẳng với các cơ hội việc làm, các nhân tố sản xuất như đất đai, tín dụng cũng như lương và các điều kiện làm việc.

    Một ví dụ điển hình là ở các vùng nông thôn phụ nữ chỉ chiếm 25% trong số những người tham gia các chương trình tập huấn về chăn nuôi. Trình độ công nghệ thấp, khả năng tiếp cận với tín dụng và đào tạo bị hạn chế cũng như trách nhiệm nội trợ và chăm nom gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thành đạt của phụ nữ.

  • Chế độ hưu trí đối với phụ nữ cũng là một vấn đề đáng quan tâm vì tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ít hơn 5 năm so với nam giới, và điều đó hạn chế khả năng được hưởng đầy đủ các tiêu chuẩn trợ cấp hưu trí của họ. Vì phụ nữ có tuổi thọ lớn hơn nam giới nên mức sống của họ sẽ giảm đi khi tuổi càng cao nếu lương hưu của họ không được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát một cách thoả đáng.

  • Nam giới nắm giữ hầu hết các vị trí lãnh đạo trong cơ quan, mặc dù lao động nữ chiếm đa số. Phụ nữ Việt Nam điển hình, vừa làm tròn bổn phận truyền thống của người mẹ và người vợ trong gia đình lại vừa lao động kiếm sống. Họ không hề thắc mắc gì về những trách nhiệm đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ nông thôn Việt Nam làm việc nhiều hơn nam giới từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày. Phụ nữ còn là người chăm sóc chính đối với hầu hết trẻ em và người già.

  • Định kiến đối với phụ nữ đặc biệt sâu sắc ở các vùng nông thôn. Một phụ nữ H' Mông nói: "Con trai vẫn ở với bố mẹ sau khi cưới và thế là mang thêm người về cho gia đình. Con gái giống như chim. Bố mẹ nuôi con gái lớn lên để rồi chúng bay đi mất". Tư tưởng này có thể lý giải tại sao số trẻ em gái học tiểu học lại thấp hơn nhiều so với trẻ em trai trong cộng đồng dân tộc H' Mông ở Baho.

  • Tình trạng phụ nữ không được tiếp cận với các nguồn lực như tín dụng là vấn đề chính cản trở sự tham gia đóng góp của họ vào nền kinh tế đất nước. Việt Nam đang tiến tới đảm bảo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên của mọi thành viên trong gia đình, song, theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc khả năng tiếp cận với dịch vụ tín dụng chính thức của phụ nữ vẫn ít hơn nam giới. Hai phần ba số người vay vốn là nam giới vì phụ nữ phải trông cậy vào những cơ sở cho vay vốn tư nhân. Do khả năng tiếp cận với tín dụng hạn chế nên các gia đình do phụ nữ làm chủ hộ có ít cơ hội mở các hoạt động kinh doanh buôn bán nhỏ.

  • Mặc dù tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội Việt Nam là 27%, một trong những nước có tỷ lệ đại biểu quốc hội nữ cao nhất trên thế giới, song vẫn cần tăng thêm tỷ lệ nữ trong các cơ quan Nhà nước và chính quyền cấp tỉnh. Báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, về tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG: Millennium Development Goals) cho thấy mức chênh lệch đáng kể về tỷ lệ đại biểu nữ trong Hội đồng Nhân dân (từ 7% đến 33%) giữa 61 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mức chênh lệch trong Uỷ ban Nhân dân còn lớn hơn (trung bình tỷ lệ nữ chỉ có 6,4% trong khi tỷ lệ nam là 93,6%).

  • Bài học thế giới cho thấy rõ rằng những quốc gia quan tâm thúc đẩy các quyền của phụ nữ và đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực, kể cả giáo dục, là những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cũng như có tỷ lệ nghèo đói thấp hơn và mức độ phát triển con người cao hơn. Cần phải tiến hành các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách hiện nay giữa phụ nữ và nam giới về giáo dục, cơ hội việc làm và quyền tiếp cận với đất đai, tín dụng. Quan niệm tích cực về giá trị và vị thế của phụ nữ phải là cơ sở cho mọi nỗ lực về bình-đẳng-giới.

Thực trạng giáo dục Việt Nam của nữ giới đi vào tình trạng báo động. Theo những thống kê chính thức của bộ Giáo Dục và Đào tạo Việt Nam, số học sinh nữ và tỷ lệ số học sinh nữ /số học sinh nam bậc tiểu học càng ngày càng giảm:


Biến thiên số học sinh tiểu học

Niên khóa1999 - 20002000-20012001-20022002-20032003-2004
Số học sinh nữ48008864646911443739241988293951439
Tổng số học sinh100630259751431933691388410048350191



Biến thiên tỷ lệ học sinh nữ / Tổng số học sinh tiểu học

Niên khóa999 - 2000000-2001001-2002002-2003003-2004
Tỷ lệ(%)47.7147.6547.5347.4947.32



Biến thiên số học sinh tiểu học
T.S.H.S. = Tổng số học sinh
S.H.S.N. = Số học sinh nữ
Nguồn : Bộ Giáo Dục và Đào tạo Việt Nam



Biến thiên tỷ lệ học sinh nữ / Tổng số học sinh tiểu học
T.L. = Tỷ lệ (%)
Nguồn: Bộ Giáo Dục và Đào tạo Việt Nam


Một đợt đánh giá toàn diện các vấn đề chính về giới ở Việt Nam đã được tiến hành vào đầu năm 1999, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Hà Lan. Uỷ ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ (UBQGTBPN) đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến các công chức, nông dân, sinh viên, giáo viên và những người buôn bán (cả nam lẫn nữ).

Kết luận chính của đợt đánh giá là ở Việt Nam vai trò của nam giới và phụ nữ đang trong quá trình chuyển đổi. Hàng thế kỷ nay, những quan điểm dập khuôn về giới cũng như những giá trị của nam giới và phụ nữ hầu như ít thay đổi, mặc dù trên thực tế những gì mà phụ nữ làm - thuộc phạm vi nhiệm vụ hàng ngày của họ - đã thay đổi rất nhiều trong thời gian đó.

Việc bao biện cho những kỳ vọng nhiều mặt, và đôi khi mâu thuẫn với nhau, này đã tạo ra sức ép mới đối với nữ thanh niên Việt Nam. Khối lượng công việc lao động sản xuất mang tính chuyên trách hiện nay của phụ nữ mâu thuẫn với những vai trò và giá trị truyền thống, gây ra nỗi cơ cực và khó khăn cho họ.

Những nam giới được phỏng vấn trong đợt đánh giá cho rằng có những sự khác biệt về tiêu chuẩn và vị trí đối với phụ nữ và công việc của họ. Họ cho rằng những sự khác biệt đó là hợp lý và hiển nhiên, vì chúng được dựa trên "thiên chức" của người phụ nữ là chăm nom nhà cửa và gia đình. Những người đàn ông đó đã lẫn lộn giữa vai trò giới-tính (tức là người phụ nữ có chức năng đẻ con và cho con bú) với vai trò giới. Một vài người trong số họ cho rằng bình đẳng thực sự sẽ có ảnh hưởng xấu tới xã hội. Thậm chí một số khác còn nói rằng vai trò đương nhiên của phụ nữ là phục vụ để nam giới có thể đạt được những ý nguyện của mình. Những nam giới có quan điểm như vậy thuộc tất cả mọi đối tượng: nông dân, công nhân, công chức và sinh viên.

Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ phải có những đức hạnh của người đàn bà Trung Quốc cổ xưa, gắn với vai trò của họ là ở nhà và chăm sóc gia đình. Thực tế ngày nay cho thấy một số phụ nữ Việt Nam làm các công việc xã hội mang tính chuyên trách, thực hiện những nhiệm vụ với mức thù lao như của nam giới và đưa ra nhiều quyết định trong công việc. Tuy nhiên, khi về nhà, gia đình không muốn họ đưa ra quyết định trong một số trường hợp và chỉ muốn họ tiếp tục thực hiện vai trò truyền thống của mình là làm các công việc nội trợ không được tính công. Những phụ nữ cố gắng làm tròn các loại nghĩa vụ như vậy thường hy sinh giấc ngủ - đôi khi cả sức khoẻ - của mình vì phải gánh vác thêm những nhiệm vụ buổi tối sau công việc ở cơ quan, và như vậy họ có rất ít thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi hay nghiên cứu/học tập thêm.

Các dữ kiện thống kê sau đây minh hoạ thời lượng mà đàn ông và đàn bà ở các vùng nông thôn và thành thị dành cho các hoạt động hàng ngày.


Phân chia thời lượng
(Đơn vị: giờ)



Những tỷ lệ đó cho thấy phụ nữ ở nông thôn cũng như ở thành thị phải gánh vác nhiều hoạt động lao động, sản xuất và công việc nội trợ hơn so với nam giới. Điều đó ảnh hưởng tới phụ nữ - ngủ ít hơn cũng như có thời gian nghỉ ngơi rất ít - và như vậy làm cho họ mệt mỏi và dễ bị ốm đau hơn.

Tóm lại, trong khi phụ nữ đã bắt đầu đảm nhiệm những vai trò mới trong lực lượng lao động, mà trước đây chủ yếu do nam giới gánh vác, thì vai trò của nam giới trong gia đình vẫn chưa có gì thay đổi, và như vậy các công việc nội trợ chủ yếu vẫn do phụ nữ đảm nhiệm.

Phụ nữ muốn thay đổi tình trạng này. Vấn đề mà những người phụ nữ được phỏng vấn trong đợt điều tra quan tâm nhiều nhất là mảng công việc nội trợ. Phụ nữ muốn các ông chồng gánh vác bớt một phần công việc gia đình, chỉ vì giờ đây họ đã cùng chia sẻ vai trò truyền thống của nam giới là kiếm tiền.

Các vấn đề ưu tiên khác mà phụ nữ muốn thay đổi bao gồm:
  • Họ không muốn tiếp tục bị coi là phái yếu nữa. Họ muốn thay đổi những quan điểm dập khuôn mang tính tiêu cực về phụ nữ để được tôn trọng hơn.
  • Họ muốn làm các công việc với mức lương cao hơn, có cơ hội được đề bạt hay đi xa để làm các công việc với mức lương cao hơn, được vay vốn và nông dân có việc làm thêm.
  • Họ muốn được cùng với nam giới đưa ra những quyết định về các vấn đề quan trọng trong gia đình.
  • Họ muốn có vị thế chủ động trong hôn nhân, được lựa chọn xây dựng gia đình hay đi bước nữa với ai và vào khi nào, cũng như được quyết định có tiếp tục sinh con hay không.
  • Họ muốn dâu, rể, chồng và hàng xóm giảm bớt sự xét nét gây tâm lý căng thẳng đối với họ để họ có thể thoải mái trong việc cư xử mà không sợ bị phê bình, chỉ trích; và phụ nữ cho rằng họ muốn có sức khoẻ tốt hơn.

Bình-đẳng-giới có nghĩa là cần phải thay đổi vai trò của cả nam giới và phụ nữ, và phụ nữ ghi nhận điều này qua cách thức họ tiếp cận các mối quan hệ với nam giới trong cuộc sống. UBQGTBPN đã tiến hành thăm dò quan niệm của nam giới và phụ nữ về mẫu hình người đàn ông lý tưởng. Nam giới cho rằng người đàn ông lý tưởng là người kiếm được nhiều tiền cho gia đình, còn phụ nữ - đặc biệt là nữ thanh niên - lại cho rằng người đàn ông lý tưởng phải là người cha và người chồng tốt, hết mực yêu thương, thông cảm và giúp đỡ vợ con.

Suzette Mitchell, chuyên gia về giới của UNDP/UNV/UNIFEM cho rằng: 

Để thực hiện thành công việc đổi mới về giới ở Việt Nam, cần phải đưa vào cuộc sống các mục tiêu của Kế hoạch hành động Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở tạo ra một cầu nối giữa sự bình đẳng đưa ra trong chính sách với cuộc sống thực tế hàng ngày của nam giới và phụ nữ.

Đây là thách thức mà các thế hệ nam, nữ tương lai ở Việt Nam có thể giải quyết với vai trò tiên phong tích cực nhằm đảm bảo cho bản thân họ và con cái họ được thụ hưởng những lợi ích của sự bình đẳng nam nữ.

Cuối cùng, việc đổi mới về giới chỉ có thể thực hiện được khi tất cả nam, nữ thanh niên đều hưởng thụ một cách bình đẳng những lợi ích của nền kinh tế thị trường - trên cơ sở có khả năng mua các mặt hàng tiêu dùng như nhau xuất phát từ điều kiện kinh tế của họ; tham gia bình đẳng ở cương vị quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh, chính quyền và xã hội dân sự; sự phân chia công bằng về công việc và trách nhiệm trong gia đình.


Jordan Ryan, Điều phối viên Thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho biết:

Để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) nhằm mang lại lợi ích cho mọi người dân, Việt Nam cần nâng cao và đảm bảo tiếng nói và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Hỗ trợ bình-đẳng-giới là mảng hoạt động rất triển vọng của Liên Hiệp Quốc vì Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu bình-đẳng-giới. Song Việt Nam không nên tự mãn cũng như không được để cho những chênh lệch về giới gia tăng. Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, những người phải đối mặt với biết bao thách thức trong cuộc sống hàng ngày.

Đời sống của phụ nữ càng ngày càng khó khăn, họ đã từ từ xa lánh đảng Cộng sản: từ năm 1960 đến nay, số nữ đảng viên đã giảm từ 34% xuống 16%. Hội Phụ nữ, một tổ chức ngoại vi của đảng CS cho rằng lý do chính của sự xuống cấp này là phụ nữ đã bị đời sống vật chất theo kiểu tây phương cám dỗ từ ngày Việt Nam đi vào con đường Đổi mới, do đó họ đã dồn rất nhiều nỗ lực vào việc làm sống lại các giá trị cổ truyền "công dung ngôn hạnh"

"...Trong Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần IX (nhiệm kỳ 2002-2007) đã đề ra chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam gồm tám tiêu chí: yêu nước, có tri thức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm lợi ích xã hội và cộng đồng. Hội thảo hoàn toàn tán thành xây dựng chuẩn mực người phụ nữ theo các tiêu chí mà Đại hội đã đưa ra đồng thời vẫn khẳng định giá trị về chuẩn mực người phụ nữ xưa vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là "công-dung-ngôn-hạnh". Tuy nhiên trong thời đại hiện nay, phụ nữ cần nhận thức những chuẩn mực đó với thước đo của xã hội hiện đại. "Công" có nghĩa là giỏi và khéo việc nhà đồng thời cũng đảm việc nước, việc xã hội. "Dung" là vẻ đẹp hình thức và cũng là vẻ đẹp tâm hồn. "Ngôn"- lời nói nhẹ nhàng, lịch sự, thuyết phục được người khác. "Hạnh"- phẩm hạnh đạo đức. Xây dựng chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam dựa trên những tiêu chí trên đó là nhận thức đúng đắn bước đầu khẳng định thành công trong nhận thức của phụ nữ. Là phụ nữ của ngành giáo dục, các chị em cần phải thấm nhuần tư tưởng đó để có thể tuyên truyền cho các chị em trong đơn vị ở địa phương mình cùng nhận thức rõ ". [7]

Ngoài ra, nạm mãi dâm và "bán mình" để lấy chồng ngoại quốc không những đã trở thành một quốc nạn mà còn là một nỗi ám ảnh bất hạnh.

"Nhắc tới Việt Nam, là không quên nhắc tới Kiều... Vì cha nợ nần, Kiều phải tự bán mình để chuộc. Từ đó, cuộc đời ba chìm bẩy nổi, qua tay đủ hạng đàn ông. Bị thiên hạ lừa không biết bao nhiêu bận vẫn chưa học khôn. Cuối cùng, còn khuyên “bậy” chồng, làm chồng phải chết oan như bị trời trồng. Cuộc đời Kiều, từ đau khổ này tiếp nối đau khổ khác chỉ vì đạo làm con, giữ tròn chữ hiếu, bởi thế, hình ảnh Kiều luôn được ca ngợi, truyền tụng, trở thành một thứ role model, là tấm gương cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam soi.

Ðể rồi, thời bà ngoại, bà nội nước ta có L’Indochine, mối tình chàng sĩ quan Pháp với cô gái Việt mồ côi nhưng xinh xắn, đẹp đẻ. Mối tình lãng mạn, lồng trong khung cảnh vịnh Hạ Long miền Bắc, trong giai đoạn lịch sử của những năm 30, khi đất nước đang còn bị thực dân Pháp đô hộ.

Qua thời Mỹ, tức thời của mẹ, dì, thím, bác, cô nước ta lại có
Heaven and Earth. Nàng Kiều lọ lem Lê Thị Lý xuất thân từ làng Kỳ Là, miền Trung đất cày lên sỏi đá. Nàng như quả banh, ban đêm nằm trong vòng tay ôm của những chàng lính quốc gia. Ðêm về, lại nằm dưới xác của những chú bộ đội. Cuối cùng, được anh lính Mỹ mặt còn búng ra sửa, đến từ đế quốc tư bản đóng vai Từ Hải, ra tay nghĩa hiệp giải thoát, cứu độ.....

Ðến đây, tôi lại thắc mắc, tại sao tất cả những vị cứu tinh, cứu khổ, cứu nạn, cứu thoát – tức những anh chàng đóng vai hoàng tử đánh thức cô bé lem luốc Việt Nam – đều là đàn ông nước ngoài. Ðâu hết rồi đàn ông, con trai Việt Nam? Giữ gìn giang san, mở mang bờ cõi, chống giặc xâm lăng, xây mộng thanh bình... cớ sao lại để ra nông nỗi này?" [8]


4. Thay lời kết: "Tôi phản loạn, vậy chúng ta hiện hữu (Je me révolte, donc nous sommes)"

Giáo lý Khổng Mạnh với tam tòng tứ đức đã áp đặt lên người phụ nữ Việt Nam một cổ ba (tam tòng) bốn (tứ đức) tròng, giáo lý này lại được các trí thức nho sĩ áp dụng một cách triệt để, tạo ra một loại phallocratie đè nặng lên đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cả nghìn năm. Phạm Thị Hoài trong bài viết "Về tư cách trí thức Việt Nam" [9] cho rằng trí thức Việt nam có "tư cách chính thống""tư cách học trò".

... Tôi cho rằng không cần phải nhiều lời nữa để mô tả cái tính phò chính thống này của văn nghệ sĩ trí thức Việt Nam. Nếu có một trí thức thực sự li khai với quyền lực, li khai với quyền lực không lấy gì làm đẹp đẽ lắm của chế độ cộng sản, thì phải có mười trí thức đang chờ ngày "thánh đế hồi tâm" và sẽ có một trăm trí thức không làm gì khác hơn là để cho cái chính quyền ấy trọng dụng mình."

... Tóm lại, khi cái học của một tầng lớp có học của chúng ta như thế thì cái học ấy có hơn gì sự vô học của một đám đông hay không? Hỏi làm sao mà cái học ấy không giúp gì được ai?".

Qua những chỉ trích trí thức, Phạm thị Hoài đã phản loạn chống lại cái phallocratie Việt Nam.

Dương Thu Hương, ngay cả lúc nằm trong tù, lại có một cuộc phản loạn khác, đó là cuộc phản loạn chống người cha (la révolte contre le père) [10] theo thuật ngữ của Freud, cha đẻ phân tâm học.

Nhà văn Dương Thu Hương
Phòng tù vô số muỗi, quơ tay là tóm dược. Tôi bắt rất nhiều muỗi. Tôi cũng bắt những con bọ màu đen nhung nhúc trong tấm chăn bông cũ nát người ta phát cho tôi, tấm chăn đầy những đám máu khô của tù nhân nào trước đó bị kiết lị để lại. Tôi bắt rệp trong các kẽ giường. Với xác đám bọ, tôi dàn lại cảnh vượt sông Elbe trong cuốn phim "Giải Phóng" của Boldartchuk và cảnh trận Watterloo trong phim Napoléon bé tí. Tôi so sánh cách dàn cảnh của người Nga với người Pháp bởi tôi vốn mê điện ảnh, dầu rằng ở nơi bùn lầy nghèo đói này điện ảnh là giấc mơ quá xa xôi và xa xỉ. Nhưng tôi vẫn mơ. Tiếp tục mơ. Với xác rệp thay cho các chiến xa hoặc đại bác, xác muỗi và bọ thay cho các binh đoàn, tôi hồi tưởng những cuốn phim xưa làm tôi mê mẩn. Và, tôi nhớ cha tôi. Người cha tôi yêu một cách cáu giận, ấm ức. Một người cha vừa quá đỗi ấm áp vừa khắc nghiệt bất công. Ông yêu tôi nhưng ông không thể vượt qua được những nguyên tắc cứng rắn của giáo lý phong kiến. Tôi yêu ông nhưng tôi không thể không là đứa con bất tuân lệnh. Vào lúc đó, tôi thiếu vắng ông và hình ảnh ông luôn hiện lên xâm chiếm tâm hồn tôi, ngoài những cơn mơ nghệ thuật. Tôi giải bày với ông, cãi cọ với ông, trách móc ông, ấm ức khóc cùng ông... Điều này đôi khi xảy ra ngay giữa các cuộc hỏi cung, trong lúc tai tôi vẫn nghe và miệng tôi vẫn trả lời như cuốn băng ghi âm được mở lại... [11]

Theo Camus "Tôi phản loạn, vậy chúng ta hiện hữu (Je me révolte, donc nous sommes)", những bậc nữ lưu trí thức Việt Nam đã phản loạn, vậy đã hiện hữu.

Sự hiện hữu này sẽ dẫn đến một tổ chức xã hội dân sự đấu tranh cho bình-đẳng-giới chăng?

Paris đầu xuân 2005

Nguồn: Bài sắp đăng trên tạp chí Viễn tượng Việt Nam, phát hành vào cuối tháng Tư, 2005


[1]Harry Benjamin, Harry (1885-1986) là một bác sĩ y khoa được biết đến vì những công trình tiền phong trong địa hạt chuyển giới-tính (transsexuel, transsexual). Sinh năm 1885 tại Berlin, khi còn là một sinh viên, vì rất thích khoa học về giới-tính nên đã làm quen với Magnus Hirschfeld, lãnh đạo phong trào giải phóng những người đồng tính luyến ái và là giám đốc sáng lập viên Viện khoa học về Giới tính. Benjamin đi theo Hirschfeld vào các quán nhậu của giới đồng tính luyến ái và chuyển giới-tính tại Berlin trong thời gian Hirschfeld nghiên cứu và viết cuốn Die Transvestiten, cuốn sách đầu tiên về hiện tượng chuyển giới (transgender), xuất bản năm 1910.
[2]Christine Delphy, Chiến sĩ và lý thuyết gia Pháp về chủ nghĩa nữ quyền, đồng chủ tịch Fondation Copernic, Christine Delphy là giám đốc báo "Những Câu hỏi Mới về chủ nghĩa nữ quyền" (Nouvelles Questions féministes). Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) là một trong những nghiên cứu gia đã đem vấn đề nội trợ như là một trong những nền tảng chủ yếu cho "sự áp bức đặc thù đối với phụ nữ" (công trình được tổng hợp trong cuốn sách "Kẻ thù chính" (L'ennemi principal), tập 1: "Kinh tế chính trị của phụ quyền chế" (Economie politique du patriarcat). Trong tập 2 : "Tư duy về giới" (Penser le genre), bà đã trình bày một phân tích duy vật của xã hội trong các quan hệ xã hội và chính trị, rất quan trọng để hiểu được tất cả những áp bức, nhất là áp bức phụ nữ, nền tảng cho mọi dự án giải phóng phụ nữ.)
[3]Le deuxième sexe (Gallimard ; 1986 )
[4]La domination masculine (Seuil ; 1998).
[5]phallocratie: từ nguyên từ tiếng Hy lạp, phallo: dương vật ở trạng thái cương, cratos: quyền lực.Tổ chức xã hội trong đó những người trẻ, theo nghĩa hoàn toàn đầy đủ năng lực sinh lý, được trao quyền lực trên người khác, hình thức tổ chức cơ bản này là một trong những thành phần của nhiều xã hội thú vật mà con vật đầu đàn là con khỏe nhất, theo lý thuyết của Darwin. Nghĩa bóng, phallocratie ám chỉ một xã hội mà quyền lực hoàn toàn nằm trong tay đàn ông.
[6]http://www.ctu.edu.vn/coursewares/luat/honnhan_gd/ch1.htm
[7]Báo Giáo dục và thời đại (Cơ quan của bộ Giáo dục và Đào tạo) -Năm thứ 45, số 131, Thứ ba ngày 02/11/2004 : Hội thảo "Nữ cán bộ, giáo viên với chuẩn mực phụ nữ Việt Nam" - Nữ cán bộ, giáo viên là đối tượng quan tâm của Công đoàn giáo dục VN
[8]Lê Thị Thấm Vân; «Thúy Kiều: Nỗi ám ảnh bất hạnh», talawas 12/11/2004
[9]Hợp Lưu 61, tháng 10 & 11 năm 2001
[10]Christine Delphy, Chiến sĩ và lý thuyết gia Pháp về chủ nghĩa nữ quyền, đồng chủ tịch Fondation Copernic, Christine Delphy là giám đốc báo "Những Câu hỏi Mới về chủ nghĩa nữ quyền" (Nouvelles Questions féministes). Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) là một trong những nghiên cứu gia đã đem vấn đề nội trợ như là một trong những nền tảng chủ yếu cho "sự áp bức đặc thù đối với phụ nữ" (công trình được tổng hợp trong cuốn sách "Kẻ thù chính" (L'ennemi principal), tập 1: "Kinh tế chính trị của phụ quyền chế" (Economie politique du patriarcat). Trong tập 2 : "Tư duy về giới" (Penser le genre), bà đã trình bày một phân tích duy vật của xã hội trong các quan hệ xã hội và chính trị, rất quan trọng để hiểu được tất cả những áp bức, nhất là áp bức phụ nữ, nền tảng cho mọi dự án giải phóng phụ nữ.)
[11]Dương Thu Hương; «Tự do ảo – khoảng sinh tồn của ngòi bút»; Hà nội 25/8/1999

Các tài liệu khác lấy từ các website của UN, UNDP VN, UNESCO ....