trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
17.1.2007
 
Trần Dần trong con mắt Georges Boudarel
Phạm Toàn dịch
 
Việc phục hồi cho các văn nghệ sĩ trí thức từng tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm cũng như vinh danh sự nghiệp của họ chỉ thực sự có ý nghĩa cùng với việc thông tin đầy đủ và công khai về chính giai đoạn xảy ra tấn bi kịch của họ 50 năm trước. Nhân 10 năm ngày mất của Trần Dần (17.1.1997-17.1.2007), chúng tôi chọn đăng lại một bài viết về ông trên báo Nhân dân năm 1958, giữa thời điểm “Vụ án Nhân văn-Giai phẩm” vào hồi tuyên án, và một số đoạn về Trần Dần trong tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Việt, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam (Trăm hoa đua nở trong màn đêm nước Việt), của nhà nghiên cứu người Pháp Georges Boudarel.
talawas
Từ thơ ca tượng trưng đến chiến khu

Phác hoạ tiểu sử Trần Dần, chấm phá chân dung anh ư? Công việc chẳng khác gì lần mò qua cánh đồng có gài mìn. Về anh và các bạn anh, bây giờ chỉ còn những tài liệu cắt xén, đó là những lời buộc tội hoặc những lời “thú tội” bị đen nhẻm đi vì áp lực không khí thời đại, nếu không phải là áp lực không khí nhà tù hoặc trại cải tạo. Song, bằng cách nhặt nhạnh đó đây những mốc tháng năm và những dữ liệu, rồi ta cũng có thể dựng được một bộ phim ít nhiều trung thực, với điều kiện xác định thật chính xác từng vật liệu đem đặt lên bức tranh.

Sinh năm 1924 tại Nam Định, Trần Dần đậu tú tài sau những năm theo học nhà trường Pháp khiến ông khám phá ra và yêu Baudelaire, Verlaine và những nhà tượng trưng. Gia đình anh khá dư dả, có ruộng, có bất động sản và kinh doanh xe tay cho thuê. Hình như có điều đáng ngờ là với gốc gác như vậy sao anh không lao vào ăn chơi trác táng ngay từ bé, như đôi khi người ta khẳng định vậy.

Năm 1943, anh có quan hệ với nhà xuất bản Hàn Thuyên in sách Mác-xít có khuynh hướng Trốt-kít (của Trương Tửu dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa, Lương Đức Thiệp) hoặc những cuốn sách tự cho là thuộc Đệ tam Quốc tế. Liệu có nên suy ra từ đó là Trần Dần có tham gia cách mạng? Xét bối cảnh thì thấy xu hướng trả lời là chữ “không”, vì vào thời đó, nghệ thuật mới là mối quan tâm hàng đầu của anh.

Vào thời điểm ấy, hoặc có thể là vào lúc sắp nổ ra cuộc Cách mạng (tháng 8-45), anh làm một chuyến đi thăm Sài Gòn, thành phố được anh kể tới trong bài thơ “Nhất định thắng!”. Nhờ gia đình mà anh có thể lưu lại Huế đến hai tháng với cô bạn. Khi trở về, anh sống chung với cô trong cùng ngôi nhà với một người lãnh đạo cộng sản, người có tham gia tổ chức cuộc cướp chính quyền ở Hà Nội. Lắm khi giữa hai người có nổ ra tranh cãi về thời điểm cách mạng, nhưng Trần Dần chẳng hề cảm thấy bị thu hút vào hoạt động chính trị, nếu ta tin vào lời những người phê phán anh hồi năm 1958. Nghệ thuật vẫn mê hoặc anh nhiều hơn.

Vào cuối năm 1946, cùng với Trần Mai Châu, Đinh Hùng và Vũ Hoàng Địch, anh lập ra một nhóm thi sĩ tượng trưng, và ngày 16 tháng 11 họ xuất bản số đầu của tạp chí Dạ đài. Tuyên ngôn của nhóm khẳng định: “Chúng tôi – một đoàn thất thổ – đã đầu thai nhằm lúc sao mờ”. Số báo thứ hai đang chuẩn bị ra thì bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc ngày 19 tháng 12 năm 1946 và sự kiện đó đặt ra những câu hỏi bức bách khác hẳn. Nhóm thi sĩ đó có liên hệ chặt chẽ với nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương, người biểu đạt được nỗi hoang mang của thế hệ những năm 1940, cái “xu hướng lãng quên trong thuốc phiện và đàn bà”, và là người đã chọn trở về sống vùng Pháp tạm chiếm, rồi sau năm 1954 thì chọn sống ở miền Nam cũng như nhà thơ Đinh Hùng.

Ngược lại, Trần Dần lại chọn phía Việt Minh, ở đây mới đầu anh làm công việc thông tin rồi gia nhập quân đội vào năm 1948. Anh tham gia xây dựng nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên, có tên là nhóm Sông Đà. Từ thời kỳ đó, những tác phẩm văn chương và hội hoạ của anh (vẽ người lính theo phong cách lập thể) khiến đôi ba vị chính uỷ nổi đoá lên và đánh giá là “u ám và chẳng ai hiểu cả”. Cách đánh giá đó không phải là không được phần đông các nhà văn và nghệ sĩ trong quân đội chia sẻ. Một bài viết đăng năm 1987, bài báo đầu tiên xuất hiện lại nhắc đến anh sau khi anh lặn một hơi dài từ năm 1958, có một định giá uyển chuyển hơn đối với giai đoạn hoạt động đó của Trần Dần. Bài báo đó viết, “Sông Đà là một tờ tạp chí trình bày khá sang và tập trung trước hết vào sáng tác văn chương (thơ và văn xuôi). Vào thời đó, Trần Dần thích làm những bài thơ leo thang trình bầy khá rắc rối. Cỡ chữ thay đổi từ dòng này qua dòng khác có vẻ muốn theo cho kịp trào lưu”.

Năm 1951, sau khi theo học có kết quả một lớp “chỉnh huấn” kiểu Mao-ít, Trần Dần được đề bạt vào ban lãnh đạo đoàn văn nghệ quân đội. Sau nhiều vụ va chạm với các cán bộ có quyền hành khác nhau và sau một vụ việc về tình cảm, anh bị một án kỷ luật nhẹ. Sự cố này dẫn tới việc (anh xin chuyển hay do ý định của cấp trên?) anh được thuyên chuyển về ban biên tập tờ báo của quân đội đóng gần bộ tổng tư lệnh hơn tại khu Việt Bắc. Sau khi tham gia nhiều chiến dịch, vào cuối năm 1953 anh tình nguyện đi chiến dịch Điện Biên Phủ, và lên đường cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, ông này đã hy sinh giữa đường vì bị trúng bom.

Đơn vị anh đến làm việc có tướng Trần Độ làm chính uỷ. Hết chiến dịch này, với kết cục là sự đầu hàng của quân Pháp, anh được cử qua Trung Hoa để biên tập kịch bản phim kể về trận đánh này. Lần này cũng thế, kè kè bên anh là một ông chính uỷ đần độn và đôi bên thường xuyên va chạm nhau vì ông này thích áp đặt cho Trần Dần cái lối nói năng cực kỳ cứng quèo. Trần Dần trở về Hà Nội sớm hơn dự kiến sau hai tháng ở Trung Hoa, hai tháng quyết định trong sự tiến hoá của anh.

Chuyện gì đã xảy ra với anh sau thời gian ngắn ngủi sống bên Trung Hoa đó? Sẽ là điều cực kỳ lý thú nếu biết được chi tiết chuyện đó, vì chính thời kỳ này Trần Dần biết đến những quan điểm về văn học của Hồ Phong. Ông Hữu Mai, một nhà văn quân đội thạo tin khẳng định chuyện đó, cũng như Hoài Thanh, một nhà phê bình văn học trở thành nhà kiểm duyệt sắc nhọn từ khi gia nhập Đảng Cộng sản, người sẽ nhìn thấy ở Trần Dần một người học trò của nhà phê bình nghệ thuật Trung Hoa vĩ đại kia. Thế rồi, trong số 2 của báo Nhân văn ra ngày 30 tháng 9-1956, một bức biếm hoạ đã đi xa tới chỗ gán cho Trần Dần một thái độ khinh bỉ có thể có đối với Hồ Phong, người thầy mới của mình. Bức hoạ vẽ một ông nông dân tóm cổ áo của Trần Dần và la to “Lại đây, bà con ơi! Tóm được rồi! Đúng Hồ Phong đây rồi!”. Cạnh đó, người bị túm cổ một tay cầm cuốn tiểu thuyết, miệng đáp gọn lỏn: “Thưa đồng chí giám đốc thân mến, tôi tên là Trần Dần, nếu đồng chí không tin thì cứ coi giấy khai sinh của tôi ấy”. Một lời cải chính cần thiết sau cái kết cục bi đát của Hồ Phong xảy ra trước đó chẳng bao lâu, nhưng chẳng gây nổi ảo tưởng cho ai hết. Rõ ràng là Trần Dần của chúng ta có được rất nhiều cảm hứng từ bậc thầy kia.

Đặt chân đến Trung Hoa vào một thời kỳ trong giới trí thức có những cuộc tranh luận căng thẳng về ý thức và tư tưởng, khó tránh khỏi việc Trần Dần tìm hiểu xem đó là những chuyện gì. Tiếp đó, tranh luận lan thẳng sang nơi anh làm việc tại các xưởng phim Quảng Tây, Vân Nam hoặc Quảng Đông. Liệu các đồng nghiệp có biết về những cuộc tranh cãi sôi nổi giữa anh và ông chính uỷ sư phụ về chính trị của mình? Không biết gì thì mới lạ. Liệu có những người trong số họ còn ủng hộ anh, thậm chí khuyến khích anh và kích anh cưỡng lại những đòi hỏi của ông chính uỷ đần độn? Cũng rất có thể có điều đó. Trong một thoáng ngắn ngủi, không khí đã trở thành chống đối trong toàn bộ giới văn chương nghệ thuật Trung Hoa cộng sản, các tư tưởng của Hồ Phong khi ấy đang ở trên đỉnh đầu bầu trời của mọi người.


Tiểu thuyết Người người lớp lớp

Về những phong trào cách mạng và những cuộc chiến tranh tiếp liền sau đó, hiếm khi nào có những cuốn tiểu thuyết hoàn thành liền ngay sau khi xảy ra biến cố. Chuyện năm 1793 và 1794 phải đợi đến thời có một Victor Hugo và một Anatole France. Và biết thế nào về các nước cộng sản, nơi những cấm đoán ý thức hệ lại còn mạnh hơn nữa! Hơn chục năm trôi đi, rồi Vassili Grossman mới bắt đầu viết được kiệt tác về Stalingrad Cuộc đời và số mệnh phác hoạ trận đánh đầy đủ hơn nhiều so với các bài tường thuật của ông trong những năm 1940. Thật là điều đáng tiếc khi Trần Dần không có điều kiện tiếp nối kỹ lưỡng hơn tác phẩm ông viết năm 1954-1955. Vào thời điểm ấy, ông khó có thể trong một lần mà phản ánh hết tất cả những điều kinh hãi của chiến tranh và độ phức tạp của cuộc chiến quyết định ở Điện Biên Phủ ấy.

Có những vấn đề về chính trị và chiến lược cả khi ấy và giờ đây vẫn còn là những điều kiêng cữ. Trước hết có việc hiện diện của các cố vấn Trung Hoa cấp rất cao, do Vi Quốc Thanh cầm đầu. Họ đem tới một sự trợ giúp quý báu về kỹ thuật và về pháo binh mà ta cũng chẳng biết cụ thể là những gì, thế mà ông Giáp lại không nhận sự giúp đỡ của họ và xây dựng kế hoạch chiến trận riêng của mình. Đầu năm 1954, những vị phái viên của Mao ấy trong vài ngày đã mở một làn đường hiểm hóc, dài cả chục cây số để bộ đội dùng sức người kéo pháo vào nhằm tiến công cứ điểm từ mặt Tây trong vài ngày, rồi sau đó cho quân binh như thác người ào xuống. Ngày 25 tháng Giêng, ông Giáp quyết định làm lại tất tật toàn bộ chuyện đó. Bắt đầu lại từ số không, ông Giáp lôi pháo binh về vị trí xuất phát, ông cho làm lại hệ thống đường dài sáu chục cây số cho phép kéo pháo 105 bằng ô tô. Biết rằng một trận đánh rất ngắn chắc chắn sẽ thất bại, ông thay thế kế hoạch của người Tàu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” bằng một chuỗi hoạt động thận trọng hơn, “tiến chậm, ăn chắc”. Lịch sử chứng tỏ ông đúng. Nếu Trần Dần không nói chút gì về phương diện đó của trận đánh, ít ra anh cũng phác hoạ được với đầy tính hiện thực cảnh bộ đội kéo pháo lên làn đường thứ nhất, rồi những sự nản chí và những phản đối công khai của họ khi bất ngờ có lệnh quay lui kéo pháo về vị trí xuất phát cũ.

Và khi những trận mưa đầu mùa trút xuống các chiến hào dẫn xuống lòng chảo Điện Biên, cảnh sống của các chiến sĩ trở nên khủng khiếp. Pháo binh địch rót xuống, và họ tiến lên trong bùn và trong máu. Tất cả các nhà quân sự Pháp khi viết hồi ký đều tô điểm rõ nét cảnh kinh hoàng của trận đánh và những khía cạnh khủng khiếp trong đời sống hàng ngày. Dưới mắt họ, Điện Biện Phủ là một địa ngục. Bên phía tấn công cũng khủng khiếp không kém, mặc dù phương diện này không được phía Việt Nam nói rõ vì những lý do tuyên truyền. Cuộc tiến qua cánh đồng và qua đường băng sân bay diễn ra trong những điều kiện khủng khiếp, và những cứ điểm trên đồi phía đông chỉ đạo toàn bộ quân lực Pháp trở thành nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhiều lần thay đổi chủ giữa đôi bên. Tinh thần con người hiện ra rõ rệt trong cảnh đó. “Các trận đánh kéo dài, nhất là sau đợt hai của chiến dịch, khi diễn ra những trận đánh ác liệt từ đôi bên chiến hào, ông Giáp viết, gây ra những do dự lưỡng lự hữu khuynh, thể hiện rõ khi các chiến sĩ thực thi nhiệm vụ”. Vẫn dùng rất nhiều uyển ngữ đấy, song lịch sử Quân đội Nhân dân (Việt Nam) vẫn thú nhận: “Thiếu kinh nghiệm và thiếu trang thiết bị, cảnh mệt mỏi lộ rõ và công việc đào chiến hào chậm dần”. Các chỉ thị của chính uỷ Lê Liêm viết ngay trong khói lửa cho thấy rõ những vấn đề đó dữ dội tới mức nào.

Nếu Trần Dần không nhấn mạnh vào những trận đánh trên các ngọn đồi phía đông vài năm sau được Hữu Mai kể lại, thì anh lại bám vào mô tả những điều kiện sống khủng khiếp của những con người đang đào hào tiến lên dưới làn đạn để đi sâu vào lòng chảo Điện Biên, anh nói lên được nỗi sợ bản năng của các chiến sĩ trước những làn đạn ken dầy đến độ làm những người sống sót bị điếc đặc khi trở về tuyến sau. Anh nói đến những tổn thất kinh hoàng của các đơn vị xung kích mà quân số cứ luôn luôn thay mới sau mỗi cuộc đụng độ chênh lệch với quân địch. Trong non hai tháng mà đơn vị của đồng chí No vơi đi và chín lần được bổ sung quân số. Khi từ chiến hào trở về, các chiến sĩ sống sót thấy căn hầm của họ vắng hẳn đi: đồng đội của họ đã biến mất. Ngay cả khi phải kín đáo nói đến các phương diện khủng khiếp nhất khả dĩ bị đánh giá là tự nhiên chủ nghĩa và nếu như cái lạc quan của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng còn thắng thế, thì giọng văn của Trần Dần vẫn cứ giữ được tính xác thực. Về một chủ đề nóng bỏng và tế nhị trong không khí vô cùng duy ý chí thời đó, cái mối quan tâm của Trần Dần muốn nắm bắt thật gần những chứng cứ chân thật chứng tỏ anh thực sự có bản lĩnh của một phóng viên chiến tranh và một nhà tiểu thuyết.

Nhân vật chiến sĩ No với câu chuyện xoay quanh anh còn xa mới là nhân vật “tích cực” theo kiểu anh lính tên là Lôi Phong, người sẽ thành ông thánh của Quân giải phóng Trung Hoa những năm 1950. Là nông dân vùng đồng bằng, No hoàn toàn là một con người bình thường, với những năng lực và tính khí chứng tỏ một trình độ tinh thần cá nhân chủ nghĩa bình thường. Thế mà nghịch lý thay, ta thấy ở No một chút gì đó như sự chống đối lại cực quyền và vô chính phủ nếu không phải là chống đối tính quân phiệt. Anh No không thuộc hạng người để thì giờ quan sát người khác và chụp cho họ những cái “mũ” tư tưởng. Bệnh dịch phê bình và tự phê bình thời đó vẫn tha cho anh. Mặc dù cố công cố sức “sửa chữa khuyết điểm”, anh vẫn tiếp tục xông xáo chiến đấu có tính “cá nhân” sau khi đơn vị của anh đã luồn được vào sâu sau lưng quân địch. Thế mà lính của anh vẫn thích anh vì họ biết anh rất “người”. Chung quanh cái anh lính mà rồi cuối cùng cũng được thăng cấp đó, ta bắt gặp những con người đa dạng và khá điển hình. Có những anh – và lắm khi là những anh tốt nhất – lại ương ngạnh và vô kỷ luật. Tiện thể cũng nói luôn, có một anh còn đảo ngũ nữa. Hiện tượng đó khá thông thường trong đời sống thực thời đó. Những chỉ thị mật của chính uỷ đều nói tới hiện tượng đó. Nhưng do chỗ những điều như thế không khi nào xuất hiện trong văn chương, nên khi Trần Dần nói tới chuyện đó, thì nó đáng được chỉ ra, cho dù để lý giải hành vi này, anh lính đảo ngũ đã bị gán cho là con nhà giàu thành thị.

Trong câu chuyện kể về trận đánh chính quy đó, sự xuất hiện hai gương mặt nữ cho thấy Trần Dần dị ứng với loại nhân vật trong trắng và cứng rắn được tôi luyện trong thép. Lính và sĩ quan vận động trong tiểu thuyết Trần Dần còn xa mới chỉ biết đến riêng một lòng yêu nước thôi. Dĩ nhiên, tác giả không dừng lại lâu ở chủ đề tế nhị này: vào thời đó không thể suy nghĩ kiểu như vậy được. Song không vì thế mà ta không thấy chuyện tình yêu nam nữ với mọi người kia cũng như với anh là một vấn đề then chốt. Lúc cô lái đò được lấy đi làm y tá hỏi No khi anh nằm bệnh viện mặt trận rằng anh có thấy nhớ nhà không, anh này đáp lại với vẻ hăng say như người đang yêu mà không dám thú nhận: “Giời ạ! Lạ thật đấy. Cô nghĩ lính là đất hay là gỗ? Nếu họ bằng đất hoặc bằng gỗ thì làm sao họ chiến đấu được? Trong quân đội, ai là người không có nhà, không có mẹ có cha hoặc không có vợ?”.

Nếu có lúc nào Trần Dần chợt lên giọng diễn thuyết chính trị thông qua một nhân vật – đó là quy tắc, mà đó cũng là cuộc sống thật vào thời đó – thì các chiến sĩ của anh đều không là thép, cũng chẳng là gỗ. Đó là những người đôi khi ta gọi là anh hùng, nhưng họ không mang cái nhãn đó như khi ở trên cầu nhảy, cũng chẳng mang như tấm huy chương hoặc tấm huy hiệu nào đó. Họ hài lòng với cung cách sống như những con người. Cuốn sách của Trần Dần không phô ra một khuôn mẫu nào, cũng chẳng có luận đề nào. Anh tìm cách làm sống lại những con người bị chiến tranh túm bắt lấy. Qua bức tranh mà Trần Dần muốn cho nó thực và nhân bản ấy, cũng có lúc anh đưa ra một tấm gương, anh bênh vực một vài ý tưởng nào đó, đấy cũng chính là những ý tưởng anh bảo vệ trong những nhóm cán bộ lãnh đạo quân đội.


Trăm hoa đua nở của Việt Nam (1955-1956)

Trái với những gì đã viết ra, chẳng phải Lục Định Nhất, cũng chẳng phải Chu Ân Lai, càng không phải Mao đã nghĩ ra chủ đề “Trăm hoa đua nở trong văn học và nghệ thuật”. Họ chôm ý tưởng đó của ông Hồ Phong, một nhà mác-xít độc lập đã bị họ tống vào tù. Ngay từ năm 1954, nhà trí thức này ngỡ rằng đã đến thời cơ công khai can thiệp để tạo thuận lợi cho sự đa nguyên trong nhà trường, song ngay lập tức ông ta bị đem ra bêu riếu trước công chúng và sau đó thì bị vào tù suốt hai mươi lăm năm. Năm 1988, một tờ báo xuất bản ở Hồng Kông cho ta biết là ông đã được phục hồi.

Hơn nữa, phong trào đa nguyên đầu tiên trong lĩnh vực này không phải là cái phong trào phát động ở bên Tàu sau khi người phát minh đã bị hạ ngục, mà đó là phong trào diễn ra trong vòng bí mật trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hồi tháng Hai năm 1955, do tác động của Trần Dần, tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên về trận chiến Điện Biên Phủ. Sau một chuyến đi ngắn qua Trung Hoa, nhà văn trẻ này đã biết tới những tư tưởng của Hồ Phong và ông muốn đem chúng ra thực thi. Toàn bộ các nhà trí thức trong Quân đội Nhân dân, tất cả đều là đảng viên cộng sản, khi đó đã ủng hộ lập trường đòi tự do ấy. Có những vị chính uỷ bậc cao nhất cũng ủng hộ các quan điểm này, đặc biệt là ông Lê Liêm, chính uỷ mặt trận Điện Biên Phủ (nay đã qua đời), chủ nhiệm uỷ ban văn hoá Quốc hội năm 1990, và tướng Lê Quang Đạo, hiện là chủ tịch chính Quốc hội đó. Nhưng ông chính uỷ tối thượng, ông Nguyễn Chí Thanh (mất năm 1967), lại kịch liệt chống lại dự định này và, với uy tín cùng quyền hành hết sức lớn, ông này đã đơn thương độc mã can thiệp bóp cho nó chết non.

Việc lên án Staline tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô tháng Hai năm 1956, việc phát động phong trào Trăm hoa đua nở bên Tàu, lại khơi dậy phong trào này ở Việt Nam. Tới tháng Sáu năm đó, những sự biến tại Ba Lan và Hungary, việc phát hiện những sai lầm đẫm máu trong Cải cách Ruộng đất và việc thanh trừng nội bộ Đảng đã lại tạo thuận lợi cho phong trào Trăm hoa Việt Nam công khai bùng dậy: từ tháng Chín năm 1956, báo Nhân văn và tập san Giai phẩm được xuất bản, và rồi lần lượt bị đóng cửa vào cuối năm. Giữa quãng thời gian đó, do ảnh hưởng của tướng Võ Nguyên Giáp, người đọc báo cáo tự phê bình về những sai lầm mắc phải ở Việt Nam, toàn bộ báo chí, kể cả tờ báo chính thức của Đảng CSVN đều được biết thế nào là một sự cởi mở tương đối, đó là một mầm mống của cái glasnost xuất hiện khá sớm ngay trước thời Gorbachev. Cuộc can thiệp tàn bạo của quân đội Liên Xô ở Hungary một lần nữa lại làm nghiêng cán cân về phía phe giáo điều và bảo thủ đang hoàn toàn chiếm đa số trong Đảng.

Hợp tác với trào lưu đối kháng này còn có những nhà trí thức Tây học như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo và Đặng Văn Ngữ hoặc Nho học như Phan Khôi. Những vị này chẳng là người đề xướng cũng chẳng là kẻ tổ chức. Những nhà tổ chức phong trào đối kháng đều hoặc là từ quân đội hoặc từ tổ chức Đảng. Họ là cộng sản cả. Trước hết có Nguyễn Hữu Đang, linh hồn của các tờ báo kể trên kia, và những nhà tiểu thuyết Trần Dần và Phùng Quán, đó là mấy tên tuổi được biết tới nhiều nhất. Khi trào lưu này bị lên án vào cuối năm 1956, các tác giả cộng sản phụ trách báo Văn liền cho đăng lên báo của mình bài viết của những người đối kháng lúc này đã mất cơ quan ngôn luận.

Vào tháng Giêng năm 1958, tuần báo Văn này ngừng xuất bản, và dưới ảnh hưởng của phong trào đưa trí thức đi xuống nông thôn của Bắc Kinh, ở Việt Nam cũng phát động một chiến dịch chỉnh huấn. Mọi hoạt động này kết thúc bằng một vụ án. Ngày 21 tháng Giêng năm 1960, những án tù từ 5 năm đến 15 năm được tuyên cho năm người. Nguyễn Hữu Đang bị nặng nhất với tội danh bí ẩn là làm gián điệp. Thực ra, ông Đang phải trả giá chỉ vì ông từ chối làm bản tự phê bình.

Cuối giai đoạn Mao-ít nhất trong lịch sử Đảng CSVN, từ 1953 đến 1956, một cuộc Cải cách Ruộng đất đã được phát động với vô số nạn nhân và cuộc thanh trừng nội bộ Đảng, có cả bỏ tù và tử hình, những chuyện không khi nào có ai được nói ra một cách chính thức mặc dù có đăng báo hẳn hoi. Khác với ông bạn phương Bắc không bao giờ nhắc đến những lệch lạc tả khuynh này, Đảng CSVN tìm cách sửa sai sau khi đã thừa nhận sai. Nhưng không vì thế mà cho đến tận bây giờ cái vết đau thuộc giai đoạn kịch tính đó đã chịu lên da non, và cứ luôn luôn có một trào lưu ngấm ngầm đối kháng lâu lâu lại bục ra.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Georges Boudarel, Trăm hoa Ä‘ua nở trong màn đêm nÆ°á»›c Việt – “Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam” – Jacques Bertoin xuất bản, Paris, 1991, trích các trang 48-52, 81-85 và 253-256