© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
26.1.2003
Bách Dương
Người Trung Quốc xấu xa
Nữ Lang Trung dịch theo bản của Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, Trung  Quốc, 1987
Nữ Lang Trung dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Văn học Nhân sinh và lịch sử
(Ðây là bài giảng của Bách Dương tại khoa sử trường đại học Xtanphơt, Xan Phranxítxcô vào ngày 22 tháng 8 năm 1981. Bản báo lấy được cuốn băng ghi âm qua nhiều trắc trở, nay đặc biệt đăng tải để tặng bạn đọc)

           
Chủ tọa: Thưa các quý ông, quý bà, tôi xin giới thiệu ông Bách Dương, hôm nay đến gặp gỡ với các vị. Tối hôm qua, ông Bách Dương mới từ thành phố Phượng Hoàng đến đây (lược phần lời giới thiệu).

Bách Dương: Thưa các quý ông, quý bà, thật vinh hạnh được gặp gỡ các vị tại một trong những học phủ cao nhất bang Cali - đại học Xtanphơt. Tôi phấn khởi đến nỗi, khi ngồi trên máy bay từ thành phố Phượng Hoàng đến Xan Phranxítxcô, đã mường tượng ra hình ảnh cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Tâm trạng tôi lúc ấy với tâm trạng giờ đây hoàn toàn giống nhau. Ðối với tôi, đó là một tao ngộ vinh dự mà lại mang tính truyền kỳ. Hôm nay, ông chủ tọa ra cho tôi một tiêu đề lớn quá, tôi thật không dám. Ở Niu-oóc, nhận được điện thoại của bà Lý Linh Dao, nói về cái tiêu đề này, tôi rất cảm ơn, nhưng cảm giác mình không đảm nhiệm nổi. Hôm kia, tôi ở thành phố Phượng Hoàng, ông Cù Mạnh Bân đã nhắc nhở tôi qua điện thoại. Như vậy, tôi không những cảm giác không kham nổi, mà còn rất hoang mang, vì tôi không đủ tư cách để nói về một nhan đề lớn như thế. Sở dĩ tôi nhận lời, là vì tôi có được một phần dũng khí bằng lòng dựa theo cái tiêu đề này, đề xuất cảm tưởng của bản thân. Ðó là lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc, nó đã gợi ý cho chúng ta những điều gì? Trước khi bắt đầu vào vấn đề chính, tôi muốn báo cáo về một cảm nghĩ khác, đó là người Anhđiêng - chủ nhân của nước Mỹ, dân bản xứ thực thụ của châu Mỹ và những ấn tượng mà họ để lại cho tôi. Tôi đã từng tham quan vùng phế tích của người Anhđiêng, cũng đã từng tham quan khu bảo lưu của họ, từng chạm trán với họ. Tuy thời gian rất ngắn, chuyện trò rất ít, nhưng ấn tượng thì sâu sắc vô cùng. Ðặc biệt có lần ở Carefree, tôi đi đến vùng phế tích của người Anhđiêng cách chừng bốn mươi phút ô tô, nhìn thấy đồ thủ công của họ bây giờ, so sánh với đồ thủ công sáu trăm năm trước đây cũng của họ, kể cả về hình thức lẫn hoa văn, thao tác bện đan và nguyên vật liệu, đều giống nhau hoàn toàn. Từ thứ đồ thủ công cỏn con, khiến tôi suy nghĩ và hiểu được rằng, hiện nay họ đang đối mặt với một số phận như thế nào? Chúng ta không thể tưởng tượng nổi, một dân tộc vĩ đại, lịch sử lâu đời đến thế, mà có thể sống hấp hối trong khu bảo lưu của chính phủ nước Mỹ dành cho họ. Sự trắc trở của bản thân người Anhđiêng, và lịch sử đau thương của họ, sau khi bị lừa, bị sát hại, bị làm nhục, họ phản ứng như thế nào? Bản thân tôi có một ấn tượng: là phản ứng của họ khiến người ta thiểu não. Tôi cho rằng hiện nay, đối mặt với người Anhđiêng không phải là vấn đề kinh tế và đạo đức nữa, mà là sự đe dọa của diệt chủng. Tôi không phải một nhà dự báo, không phải một nhà chiêm tinh, tôi chỉ dùng những ấn tượng của bản thân tôi, và các sự tích mà bè bạn nói với tôi để làm cứ liệu. Thưa các vị, phải chăng chúng ta có thể suy đoán, sau một trăm năm, năm trăm năm, một nghìn năm nữa, hoặc ngắn hơn, hoặc dài hơn, người Anhđiêng thế nào cũng đến ngày tuyệt chủng. Chỉ vì họ cự tuyệt, không tiếp thu nền văn minh hiện đại. Ðương nhiên trước mắt họ có một khu vực bảo lưu, họ không xâm phạm người ta, người ta cũng không xâm phạm họ, nhưng khu đất bảo lưu này là của chính phủ Mỹ, nói cách khác là do người da trắng ban phát cho. Ðành rằng, trên lý luận, trên tình cảm, chúng ta có thể nói, đó không phải là ban phát, đó là do người Anhđiêng giành đưọc, là đất nguyên thổ của người Anhđiêng. Nhưng, nếu tình cảm của chúng ta không phải văn học, không phải thi ca, mà là lý trí, thì hiểu ngay rằng khu đất bảo lưu này sinh ra bởi ân huệ của người Mỹ da trắng, cũng có thể nói là sinh ra từ thái độ chuộc tội của người Mỹ da trắng kia. Cho nên, nếu có một ngày nhân khẩu nước Mỹ gia tăng, cần sử dụng những khu đất bảo trợ đó, tôi thiết tưởng hậu vận của người Anhđiêng sẽ vô cùng bi đát. Phải chăng chúng ta nên có cách nhìn như vầy: sự tiêu vong của một dân tộc, là một việc hệ trọng, nhưng không phải không có khả năng. Mỗi khi nhìn thấy vùng phế tích của người Anhđiêng và sự ngưng trệ văn hóa của họ, là tim tôi như bị dao cắt, rồi bất giác nghĩ tới liệu đến một ngày nào, người Trung Quốc sẽ giống người Anhđiêng? Bạn tôi vội nói không đời nào, vì người Trung Quốc lịch sử lâu đời, số dân lại đông như thế. Tôi nghĩ đó chỉ là một thứ an ủi bằng cảm tính, giả dụ lịch sử năm nghìn năm có thể đảm bảo cho một dân tộc bất diệt, thì không hiểu căn cứ vào cơ sở lý luận gì. Vũ trụ mang mang, năm nghìn năm chỉ là chuyện chốc lát, loài người còn phải sống năm trăm tỷ năm nữa chứ, so với năm trăm tỷ năm, tỷ lệ của năm nghìn năm quá là ngắn ngủi. Còn về số người ít hay nhiều, cũng không đủ quyết định một dân tộc hưng hay vong. Lần đầu tiên người châu Âu đổ bộ lên lục địa châu Mỹ, khi đó dân Anhđiêng cũng rất đông, số lượng vượt xa người da trắng.

Thứ hiểu biết hồ đồ theo cảm tính ấy, làm cho tôi thấy buồn, cảm giác người Trung Quốc chúng ta hình như đang có vấn đề. Có một vấn đề nan giải nổi bật nhất là tại sao cho đến bây giờ, Trung Quốc vẫn chưa thể lớn mạnh? Chúng ta sẵn có các điều kiện của sự lớn mạnh. Nếu thế thì, điều kiện khiến chúng ta không lớn mạnh chắc chắn vượt xa điều kiện khiến chúng ta lớn mạnh. Tuy rằng tôi nghiên cứu lịch sử không có "Sư thừa", tôi dùng phương pháp nấu gang thủ công (có tiếng cười), nhưng tôi cũng nấu rất nghiêm túc. Bây giờ tôi sẽ đem những thu hoạch nấu gang, báo cáo với các vị, cung cấp cho các vị tham khảo, đồng thời xin mời chỉ giáo.

Ở đây, tôi nhớ ra câu chuyện một công ty Mỹ cử một nhân viên đi khảo sát châu Âu, sau khi khảo sát mấy tháng trở về, có trình lên bản báo cáo cho công ty. Trong bản báo cáo nói châu Âu về kỹ thuật, về quản lý, đều rất lạc hậu, không bằng nước Mỹ. Bản báo cáo này khoảng chừng hai trăm trang, trình lên tới hội đồng quản trị, hội đồng quản trị lập tức thông qua một nghị án, cách chức nhân viên nọ. Ông chủ tịch hội đồng quản trị nói chúng tôi cử anh đi khảo sát, mục đích là khai thác sở trường của châu Âu, không phải bảo anh khai thác yếu điểm của họ. Còn ưu điểm của chúng tôi không cần anh khai thác, không cần anh nhắc nhở, nhu cầu của chúng tôi là cần tìm hiểu họ có mặt nào mạnh hơn chúng ta, và cần đào bới những nhược điểm của mình, mới có thể cải tiến được. Chúng tôi không nghe những âm thanh ca tụng mình, âm thanh ấy nghe nhiều sẽ bị đê mê tê dại, sẽ làm cho sản phẩm chúng ta kém phẩm chất, sẽ làm cho công ty chúng ta sớm đổ bể.

Câu chuyện vừa rồi, chúng ta coi là chuyện ngụ ngôn cũng được. Nhưng dù sao đi nữa, câu chuyện cũng đem đến cho ta một sự nhắc nhở. Cho nên hôm nay, báo cáo của tôi không phải nói ưu điểm của dân tộc Trung Hoa, mà tìm kiếm nguyên nhân vì sao làm cản trở đến sự tiến bộ của dân tộc và làm cho Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể lớn mạnh được. Trong bữa cơm trưa vừa rồi, có mấy ông bạn nhắc đến chuyện nhập học, mọi người đều lo lắng, con cái đều sắp vào đại học, tốn kém lắm. Chúng tôi có phát hiện ra một điều: người Trung Quốc bất kể khổ đến đâu, khó đến mấy cũng phải để cho con đi học. Có những dân tộc không hẳn như thế, các vị ngồi đây có lẽ nhìn xa trông rộng hơn tôi, đó là cái ưu điểm của dân tộc Trung Hoa mà tôi phát hiện ra. Tôi cho rằng những loại ưu điểm như vậy của người Trung Quốc, không cần nhắc lại nữa, vì mọi người nhắc đến quá nhiều rồi, tôi không nhắc nó, nó vẫn tồn tại. Cho nên trong báo cáo hôm nay, tôi chỉ nói về khuyết điểm của người Trung Quốc. Chuyên nói về ưu điểm là không cứu nổi bản thân đâu, chỉ nhìn thật rõ khuyết điểm mới có thể tự cứu mình.

Thứ nhất, Trung Quốc tuy có năm nghìn năm lịch sử, nhưng năm nghìn năm nay, lực lượng phong kiến chà đạp lên lòng tự trọng con người không những không thuyên giảm, mà lại ngày một gia tăng. Thời Xuân thu chiến quốc, quân thần ngồi đứng ngang hàng, đế vương và quan đại thần có thể cùng ngồi trên chiếu. Cho đến thế kỷ thứ II trước công nguyên, thời Tây Hán, tức là thời Lưu Bang làm vua, cũng là thời Nho học đương quyền, Thúc Tôn Thông chế định ra nghị triều, khiến bậc đế vương trở thành một đấng quyền uy trang nghiêm, cung kính, thậm chí rất khủng khiếp. Khi đại thần triều kiến Hoàng đế, có vệ sĩ giám sát ở bên, bất cứ người nào nếu tỏ thái độ không hợp quy phạm, như thi thoảng ngẩng đầu chẳng hạn, là bị xử phạt. Sự thay đổi như vậy khiến quân vương xa rời dân chúng, có khoảng cách với nhân dân. Nhưng dưới cấp Hoàng đế, các đại thần vẫn còn một chỗ ngồi. Ðến thế kỷ thứ X vào thời Tống, cả chỗ ngồi đó cũng không còn.Thuở Hoàng đế và chúng đại thần cùng ngồi đàm đạo đã một đi không trở lại. Dù chỉ là một cải cách rất nhỏ, nhưng ý nghĩa tượng trưng rất lớn: quân và thần, quan và dân, khoảng cách càng kéo càng xa. Cho đến thế kỷ XIV triều Minh, lòng tự trọng con người bị tổn hại triệt để, không ai có thể tưởng tượng nổi, một quân vương đối với nhân dân của nước mình, lại thù hằn đến thế. Triều Minh Hoàng thiết lập một loại quan niệm "Quân phụ", quân là cha, có thể nói Hoàng đế tức là cha của anh đấy. Loại quan niệm này một khi được thiết lập là đẻ ra hàng loạt tệ hại, vô cùng tận. Trong đó, chứng bệnh đáng sợ nhất là "Ðình trượng". Trên cho đến tể tướng, dưới cho đến tiểu dân, chỉ cần kẻ cai quản anh cho rằng anh phạm pháp, thì hắn hoàn toàn có thể trói anh đánh đập đến sầy da bật máu ngay trên điện ngọc, công đường, tức là nơi sở tại của chính phủ. Chế độ đình trượng, sự kết hợp giữa tư tưởng quân và phụ, làm cho lòng tự tôn của người Trung Quốc gần như mất sạch, khiến nhân cách của người Trung Quốc bị chà đạp, bị triệt tiêu. Người Trung Quốc có một cách duy nhất để bảo vệ lòng tự trọng của mình là cố không bật ra tiếng kêu lúc bị đình trượng (có tiếng cười). Cũng thường có những viên quan kiên cường , khi bị đánh đập, đau nhưng chỉ vùng vẫy cái đầu, đến mức cọ tuột cả râu mà không chịu kêu la. Ðó là việc duy nhất có thể làm được của dân chúng thời bấy giờ, nhưng không thể dâng lên thành cục diện phản kháng.

Chúng ta thường nói dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có sức đồng hóa mạnh nhất, cho đến ngày nay đúng là như vậy. Chúng ta có thể nhìn thấy, lịch sử đã có mấy lần, phàm dân tộc nào xâm lược Trung Quốc, cuối cùng đều bị Trung Quốc đồng hóa. Thí dụ sớm nhất là nước Bắc Ngụy, Hiếu Văn đế Thác Bạt Hùng biến pháp cách tân, áp dụng phương pháp Trung Quốc trị vì nước nhà. Lại thí dụ Mãn Thanh, đi con đường cũng giống Thác Bạt Hùng. Cuộc xâm lược Trung Quốc lớn nhất của hai tộc ngoại này kết quả vẫn là thắng lợi của dân tộc Trung Hoa. Nhưng chúng ta nên lưu ý, đành rằng cuối cùng họ đều đã hấp thụ nền văn hóa Trung Quốc, kế thừa nền văn hóa Trung Quốc, nhưng lại hấp thụ cái phần dở nhất của nền văn hóa đó, kết quả hấp thụ văn hóa Trung Quốc không hề khiến dân tộc họ lớn mạnh, ngược lại làm cho cả hai đều sa sút, cho nên chung cục của họ đều không hay ho gì. Thí dụ Hoàng đế Bắc Ngụy Thác Bạt Hùng tuyên bố người Tiễn Ty không được nói tiếng Tiễn Ty, phải nhất loạt nói tiếng Trung Quốc, mà còn đổi họ tên theo Trung Quốc. Sau đó còn áp dụng chế độ phong kiến và chế độ cung đình Trung Quốc, áp dụng chế độ môn đệ và môn phạt Sĩ đại phu, những thứ đó đều chưa hề có ở trước thời Bắc Ngụy. Họ vốn là dân tộc du mục trên hoang nguyên, lòng dạ khoáng đạt, khoảng cách giữa quan hệ tôn ty mờ nhạt, nhưng nay lại dùng sức người để phá hủy nó.

Thính giả : Xin hỏi cái gì gọi là đình trượng?

Ðình trượng là đánh đít (có tiếng cười), người chịu hình phạt nằm bò dưới đất chân tay duỗi thẳng, bốn ông hoạn quan trói chặt bốn cẳng rồi dùng bao tải chụp kín đầu, có hai ông hoạn quan giữ chặt hai chân. Khi nhà vua tuyên bố đình trượng một trăm, thì đánh một trăm trượng. Thông thường, đình trượng không được quá một trăm, nếu quá một trăm, thì sẽ chết dưới cây trượng. Những kẻ chấp hành đình trượng, biết quan sát sắc mặt, nếu nhà vua chỉ ghét anh thôi chứ không có ý định tiêu diệt, thì cứ đánh một hai trăm trượng cũng không thể mất mạng. Nếu nhà vua nhất định buộc anh vào tử địa, thì chỉ ba bốn mươi trượng đã đủ đi đời rồi. Thói thường, quan viên hoặc tiểu dân khi bị đình trượng, hay mua chuộc tống tiền, lúc hành hình nghe đánh rất kêu, cứ tưởng là đau lắm, nhưng không đến nỗi chết, kể cả thịt nát máu chảy, cũng không hại đến xương cốt, là nói chỉ đau thôi chứ không chết người. Họ là những người đã được huấn luyện, họ có thể dùng tờ giấy bọc đầy rơm ở trong, đánh đến rơm vụn ra rồi, tờ giấy cũng không rách. Ðấy là một hình phạt tàn nhẫn, có thể đánh anh mà bề ngoài không thấy vết thương, nhưng bên trong gân cốt gẫy nát. Dưới chế độ đình trượng, tự trọng con người hoàn toàn bị dập vùi. Thế kỷ XIV, XV, châu Âu đang thời kỳ phục hưng, mà Trung Quốc lại thi hành chế độ đình trượng, thật khiến ta đau lòng.

Chúng ta quay lại với chủ đề vừa rồi, Mông Cổ là một dân tộc rất kỳ quặc, sau khi xâm chiếm Trung Quốc, họ đối với văn hóa Trung Quốc bằng thái độ kháng cự. Chín mươi năm trước, họ tới Trung quốc như thế nào, thì chín mươi năm sau họ rời khỏi Trung Quốc cũng như thế. Với văn hóa Trung Quốc, họ không hề bị lây nhiễm. Sau khi thành lập, chính phủ Mãn Thanh kế thừa một kết cấu xã hội và chế độ chính trị triều Minh - thời đại đen tối nhất Trung Quốc, có tác dụng lên men gây rữa một chính quyền mới. Ðến nỗi triều Thanh tuy có vũ lực hùng mạnh, nhưng bị văn hóa Trung Quốc xâm thực hàng trăm năm, đến cuối cùng bị phá tung ra, không tài nào thu xếp nổi. Quan niệm nhân quyền bị chế độ, xã hội, thế lực phong kiến lâu đời hủy hoại từng ngày, hầu như bị hủy diệt, ảnh hưởng rất lớn tới người Trung Quốc. Lòng tự tôn của người Trung Quốc không còn cách nào gìn giữ trọn vẹn, nếu nói là có gìn giữ, thì chỉ có tinh thần A Q mà ông Lỗ Tấn nói tới, tức là đành thỏa mãn bản thân bằng cảm tính, mà không thể có được sự sung mãn của nội tâm. Tôi nghĩ, thỏa mãn trên cảm tính và sung mãn trong nội tâm là không hề giống nhau. Lấy một ví dụ, tôi đến thăm nhà anh, trông thấy căn nhà anh đẹp như thế, chủ nhà học vấn lại cao như thế, tôi rất lấy làm khâm phục, ngưỡng mộ, sau khi ra về, tôi sẽ nghĩ, tôi phải cố gắng làm việc, phấn đấu đến một ngày nào đó cũng giống anh, có được học vấn cao và ngôi nhà đẹp. Nhưng có thể, khi ra về, tôi lại tự nhủ: ở căn nhà đẹp như thế, ai biết được tiền hắn đi ăn cắp hay đi cướp được, mong cho ngày mai một trận hỏa hoạn, đốt sạch sành sanh (có tiếng cười). Tâm lý dân tộc ta bị ức chế lâu ngày, chỉ có thể dùng cảm tính để tự thăng bằng lấy.

Ðiểm thứ hai tôi sẽ báo cáo, là lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc chỉ có ba thời đại hoàng kim. Thời hoàng kim thứ nhất là thời Chiến quốc Xuân thu, thời đó, các dòng tư tưởng, các phương thức sinh hoạt song song tồn tại. Thời hoàng kim thứ hai là Ðường vương triều, cách cai trị kiên trinh của Ðường Thái tông Lý Thế Dân đại đế, cho đến giữa kỳ Ðường Minh Hoàng Lý Long Cơ, khoảng trên dưới một trăm năm. Thời hoàng kim thứ ba, có lẽ từ thập niên sáu mươi của thế kỷ XVII cho đến thập niên sáu mươi của thế kỷ XVIII, giữa thời nhà Thanh. Trong lịch sử năm nghìn năm Trung Quốc chỉ có ba thời kỳ vàng son. Còn lại hơn bốn nghìn năm kia hầu như mỗi một năm, thậm chí mỗi một ngày, đều có chiến tranh. Có vị học giả phương Tây từng làm một thống kê, chứng minh từ khi có lịch sử loài người, năm nào cũng có chiến tranh. Hiện tượng này ở Trung Quốc cũng vậy. Tôi cũng đã từng làm một thống kê, còn viết xong bản thảo lần thứ nhất cuốn Trung Quốc lịch đại chiến loạn biên niên sử, phát hiện trong lịch sử Trung Quốc, cũng mỗi một năm đều có chiến tranh. Nhưng lấy Trung Quốc làm đơn vị thống kê và lấy thế giới làm đơn vị thống kê, ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, vì thế giới rất lớn, Trung Quốc mà so với thế giới, thì Trung Quốc quá nhỏ. Nhất là vào thời Triều Minh, bản đồ Trung Quốc hồi đó chỉ bằng thời Tần thế kỷ II trước công nguyên, so với bản đồ bây giờ, nhỏ bằng một nửa.
Ở trong một cương vực nhỏ như thế, nếu năm nào cũng có chiến tranh, mà đều là những cuộc chiến có ghi chép, những cuộc chiến tranh không ghi chép thì không nằm trong phạm vi thống kê của chúng ta, thế mới thấy động loạn ở Trung Quốc thật đáng sợ. Cuộc náo loạn giữa thời kỳ quá độ của một vương triều thay thế một vương triều khác, cũng đến dăm ba mươi năm. Từ cướp chính quyền cho đến ổn định chính quyền, lại cần khoảng hai mươi năm nữa. Sau đó chính quyền lại thối rữa, lực lượng phản kháng lại xuất hiện, cuộc hỗn chiến lại bắt đầu, lại sa vào vòng tuần hoàn chồng chéo giữa trị và loạn. Có thể nói người Trung Quốc trường kỳ sống trong cảnh hỗn loạn, chiến tranh, tàn sát, tham ô, bần cùng, do vậy người Trung Quốc mất hẳn cảm giác an toàn, lúc nào cũng cảm thấy bàng hoàng bất an. Chúng ta có lịch sử lâu đời, lại có đất nước rộng lớn như thế, người Trung Quốc đáng ra sẵn có tấm lòng cởi mở, tứ hải bàng bạc mới phải. Chỉ vì nghèo đói, tàn sát, nghi kỵ kéo dài, khiến lòng dạ chúng ta vô cùng hẹp hòi. Chỉ cầu cho qua được ngày hôm nay, ngày mai xẩy ra chuyện gì, tôi không biết, chiến tranh kéo dài đến bao giờ, tôi cũng không biết. Chiến tranh ảnh hưởng đến thủy lợi, công trình thủy lợi bị phá hoại, tiếp theo là hạn hán, sau hạn hán rồi là nạn châu chấu, cứ như thế hạn hán, nạn lụt, nạn châu chấu, đất trống ngàn dặm. Ba chữ "Nhân tương thực" trong lịch sử, không biết xuất hiện đến mấy chục lần mấy trăm lần. Chúng ta cho rằng chúng ta là dân tộc văn minh cao cấp, sao có thể xảy ra chuyện người ăn thịt người, hành vi dã man như vậy? Thực tình là tai nạn đến với chúng ta quá nhiều, mà hoạn nạn quá lâu. Không cần nói đến quốc gia, lấy cá nhân mà nói, nếu một con người mà suốt đời nghèo khó, lại chịu quá nhiều đau khổ, thì người đó sẽ có phản ứng tâm lý không tin bất cứ một việc gì trên đời này. Tôi ngồi tù, trước khi được tha mấy ngày một quan viên nói với tôi: "Báo cho một tin mừng, anh sắp được ra rồi." Tôi nói: "Ăn món đậu phụ gì" (có tiếng cười). Ông quan viên nói: "Tại sao anh lại không tin, chẳng nhẽ tôi lại lừa anh à?" Tôi đòi ông ta cho xem quyết định, vì tôi tin nhiều quá rồi, bị lừa cũng nhiều quá rồi, mỗi lần đều thất vọng. Người nào sống trong hoạn nạn quá lâu, là có quyền nghi ngờ tin tốt lành (có tiếng cười). Một dân tộc cũng vậy, bị đầy đọa lâu quá, người ta cho rằng, một triều đại mới đến rồi, thì có thể như thế này thế nọ, kết quả hầu như không lần nào là không bị hẫng hụt. Có người hỏi tại sao Trung Quốc không có những công trình kiến trúc vĩ đại mà nước ngoài lại có? Là vì kiến trúc của Trung Quốc thường làm bằng gỗ, nó có thể mục nát. Tôi cho đấy không phải nguyên nhân, nguyên nhân là một vương triều mới phất lên, là châm lửa đốt sạch (có tiếng cười). Tần vương triều để lại cung A Phòng đẹp như thế, nhưng Hạng Vũ lại coi đó là mồ hôi xương máu của dân, là bạo chính, lại đốt sạch. Thứ tình cảm thiếu chín chắn ấy đủ tạo nên sự nghèo đói dai dẳng, khiến lòng tự tôn của người Trung Quốc không sao gây dựng được, tấm lòng người Trung Quốc không còn rộng mở. Có một câu cách ngôn nói "Ða nạn hưng bang" (có tiếng cười). Chúng ta cần hiểu rằng cách ngôn đều xuất phát từ cảm tính, ở trong một điều kiện nhất định, nó mới trở thành chân lý, nó không phải là khoa học. "Nạn" nếu nhiều quá thì không cách nào hưng bang (có tiếng cười). Với cách ngôn cũng phải có nhận thức, thí dụ câu "Ai binh tất thắng", chưa chắc như vậy, ai binh thất bại cũng nhiều lắm chứ. Một đoàn quân lớn cuối cùng bị tiêu diệt, hỏi người nào không phải ai binh?(có tiếng cười). Giống như Kataici đối kháng với La Mã, hầu như toàn dân tham chiến, có thể nói là vừa khóc vừa đánh, cuối cùng vẫn bị La Mã tiêu diệt. "Ai binh" không thấy "Ðắc thắng", "Ða nạn" cũng chẳng thấy "Hưng bang", mà phải nói là "Ða nạn" cần phải gặp thời cơ tốt mới "Hưng bang" được (có tiếng cười). Còn Trung Quốc ư, thì nhiều nạn lắm, nhưng còn mừng là nhiều nạn đến mức chúng ta chưa bị tiêu diệt, nhưng đã nhiều đến mức làm cho dân tộc ta mất hết linh tính.
Thứ ba, từ lịch sử, chúng ta phát hiện xã hội Trung Quốc có một hiện tượng lạ, mà các nước khác không có, là cái gọi là "quan trường". Quan trường có từ chế độ khoa cử. Có một điểm không biết các vị có nhất trí hay không, là Nhật Bản tiếp thu toàn bộ văn hóa của Trung Quốc, họ đem tất cả các thứ của Trung Quốc tiếp nhận hết sang bên kia, từ những thứ nhỏ như manh chiếu, guốc mộc (có tiếng cười), đến thứ lớn như tổ chức chính phủ, chế độ chính trị... nhưng chỉ mỗi một điểm không tiếp thu, khiến nước Nhật sau này gặp Minh Trị duy tân, có thể lớn mạnh lên ngay, mà chưa thành lực cản, điểm ấy là chế độ khoa cử. Chế độ khoa cử Trung Quốc có công dụng và cống hiến của nó, nhưng nó tạo nên quan trường Trung Quốc. Quan trường là một cái mạng nhện rất kỳ quái, nhìn không thấy, sờ không được, nhưng anh có thể cảm giác khi anh đã chui vào trong ổ tơ nhằng nhịt. Hai chữ "quan liêu" của Trung Quốc không thể dịch, hoặc thay thế bằng chữ Bureaucrats. Quan liêu Trung Quốc có đặc tính riêng, đối tượng họ tận trung tuyệt nhiên không phải nhà nước, cũng tuyệt đối không phải lãnh tụ, họ chỉ tận trung với người đã cho họ làm quan. Chính phủ, triều đại có thể thay đổi, quan trường không thay đổi, nên người Mãn Châu thống trị người Tạng, người Mông Cổ, người Hán, đều nhằm vào nhược điểm của mỗi dân tộc. Với người Tạng, dùng Lạt Ma giáo, mời hẳn vị Lạt Ma đến Bắc Kinh, làm đại gia, hầu hạ cung kính. Với người Mông Cổ, dùng thủ đoạn hôn nhân, đem tất cả hoàng nữ công chúa gả hết cho hoàng tử Mông Cổ, con cái họ đẻ ra, thì là cháu của tôi (có tiếng cười), nuôi nấng các hoàng tử con trong cung từ nhỏ, gọi cậu đi, gọi ông đi, chờ cho khi lớn, làm sao có thể phản ông, phản cậu cơ chứ! Công chúa hoàng nữ người Mãn Châu tuyệt đối không gả cho người Hán. Cách họ thống trị người Hán là bằng khoa cử. Họ biết người Trung Quốc có chứng bệnh là thích làm quan (có tiếng cười). Ta cho anh một hy vọng làm quan thì anh sẽ ngoan ngoãn vâng lời, ý thức dân tộc, lòng tự trọng, anh sẽ mang nộp ra hết. Cho nên quan trường là một cục diện xã hội thần bí, nó có tiêu chí hành vi và quan niệm giá trị rất đặc thù. Họ không tận tụy với hoàng đế, hoàng đế đổi rồi, họ vẫn làm quan của họ (có tiếng cười). Họ cũng không sợ mất nước, nước mất rồi, chỉ cần anh vẫn cho họ làm quan, thì họ vẫn tiếp tục làm quan. Cho nên thế gian muôn màu muôn vẻ, chẳng qua chỉ là đắc địa ra oai của quan chức, "quan quan tương hộ" ( ý nói quan chức bênh vực, bao che cho nhau - dịch giả), tự nhiên hình thành mối dính líu vô cùng phức tạp. Không rõ các vị có đọc quyển sách Quan trường hiện hình ký, là một quyển sách phân tích kết cấu quan trường của Trung Quốc. Bạn đừng nên dùng con mắt văn học, mà nên dùng con mắt nghiên cứu xã hội học để đọc quyển sách này. Vì mối quan trường xác lập như vầy, khiến quan hệ giữa xã hội người Trung Quốc càng trở nên tế nhị. Tôi nghĩ, các vị ở nước Mỹ lâu như thế, không biết có phát hiện ra quan hệ xã hội người Mỹ, so với quan hệ xã hội người Trung Quốc, đơn thuần hơn nhiều không? Trung Quốc có câu, làm việc dễ làm người khó. Làm người là gì? Là nói cách xử lý quan hệ giữa người với người có tốt không? Có vở kinh kịch Thẩm đầu thích Thang, có một viên quan tòa, một viên quan bồi thẩm, ngoài ra còn một góa phụ trẻ nữa, chồng chị ta bị mưu sát. Trong lúc xử án, chị ta ôm một cái đầu người khóc, nếu đầu người đó là thật, thì vụ án này có thể chấm dứt, nếu đầu người là giả, vụ án này mà tung ra, thì dây dưa nhiều lắm, khối người phải nộp mạng. Ông bồi thẩm mê góa phụ trẻ tuổi kia, chị ta cũng ra hiệu bằng lòng lấy ông ta, thế là ông bồi thẩm cứ nhất mực xử đầu người này là thật (có tiếng cười). Nhà chị kia trông chừng vụ án có thể kết thúc, lại đổi ý không muốn lấy ông ta nữa, thế là ông bồi thẩm họ Thang kia lại khăng khăng bảo đầu người này là giả (có tiếng cười). Người Trung Quốc chúng ta mãi mãi ở trong quan hệ quan trường như thế, phải trái không rõ, phản phúc sấp ngửa, chốc đầu người là thật, lát đầu người là giả, cuối cùng thật giả chẳng ai biết được (có tiếng cười). Quan trường đem lại rất nhiều phiền nhiễu cho chúng ta. Ở đây, quý vị chuyên gia học giả, có nhiều người đã từng về nước công tác, hoặc sau này có dịp về nước công tác, tôi nghĩ khó khăn mà quý vị gặp phải, không phải bản thân của công việc. Thí dụ bạn muốn xây một lò nguyên tử, nếu bạn không biết xây, đó là do vấn đề công việc, nhưng bạn xây lò nguyên tử mà thiếu một con đinh vít, người giữ đinh vít kia, anh ta xin nghỉ rồi. Anh ta bị cảm, tất nhiên phải xin nghỉ, nhưng sự thực anh ta không phải bị cảm, mà bỏ đi đánh mà chược (có tiếng cười). Tại sao anh ta lại đi đánh mà chược, chỉ vì quan hệ giữa bạn với anh ta không được tốt, lò nguyên tử của ông xây có xong hay không liên quan gì đến tôi? Lò nguyên tử xây không xong hay bị nổ, tôi cũng chẳng cần (có tiếng cười). Nếu bạn nói nhà nước bị thiệt hại, thiệt hại thì thiệt hại, tôi vẫn làm quan như thường. Ðó là cảnh tượng của quan trường, chứng bệnh tích hàng nghìn năm nay, kéo dài suốt cho đến khi quân cách mạng Quốc Dân đảng bắc phạt năm 1928. Nhưng quân sự bắc phạt, chính trị nam tiến, sự thực là độc tố của quan trường nam tiến. Ðáng ra tình cảm giữa đồng chí cách mạng rất trong sáng, nhưng một khi bị cuốn vào quan trường thì trở thành vô cùng phức tạp, phức tạp đến mức một con người khỏe mạnh cũng không thể chịu đựng nổi. Cho nên quan hệ con người trong xã hội giống hệt như hồ dính, keo dán vạn năng, một khi dính vào, muốn cũng không hất ra được, muốn cũng không thoát ra được. Tôi không rõ, các vị khi về nước, có phát hiện điều này không, thí dụ lần anh về nước có người bạn mời cơm anh, nếu anh dám cả gan từ chối thì tình hữu nghị được sổ toẹt từ đấy. Ðó chính là thói quan trường, quan hệ con người trở nên rất quanh co. Tại sao như vậy? Tại sao họ lại cần mối quan hệ quan trường như vậy? Nguyên nhân có như thế mới làm cho chức quan của họ vững vàng hơn. Tôi có ông bạn về Ðài Loan, mấy người chẳng dây mơ rễ má gì cũng mời ông ấy ăn cơm, ăn xong cơm là nhờ ông ấy mang giùm ít quà sang Mỹ (có tiếng cười). Ðó không phải họ có ý trao đổi điều kiện với anh, mà là một phản ứng tự nhiên, vì đã ăn với nhau một bữa cơm là trở thành bạn, đã là bạn thì phải giúp nhau (có tiếng cười). Hiện tượng quan trường là kiểu như thế, nếu anh xây lò nguyên tử, lò nguyên tử này cực kỳ nguy hiểm, là thứ không thể sờ soạng được, nhưng họ có thể nghĩ rằng chúng ta là bạn bè, sờ một tí có vấn đề gì? (có tiếng cười). Thường thường một con người, trước khi làm quan và sau khi làm quan, tự nhiên biến thành hai giống người. Câu nói này vốn không hợp lô-gích, chỉ nên nói một con người khi tính quan hưng vượng thì tính người bị triệt tiêu. Họ không còn nhân tính, chỉ còn tính quan chức khi làm quan, phải chờ đến một ngày nào đó họ về hưu, tính người mới phục hồi (có tiếng cười). Chính vì tồn tại quan trường, buộc cách làm việc của người Trung Quốc có riêng một kiểu cách, buộc quỹ đạo văn hóa của chúng ta hay tuột khỏi phương hướng.

Ðiểm thứ tư: Khổng Tử bản thân là một nhân vật rất vĩ đại, tri thức uyên bác, giàu lòng nhân ái, có cống hiến rất lớn cho xã hội. Nho gia và Nho học phát triển từ Khổng Khâu, ảnh hưởng rất sâu xa đến Trung Quốc, mãi cho đến thời của chúng ta. Nhưng tinh thần cơ bản nhà Nho là bảo thủ, nói nghiêm khắc hơn, là nhà Nho không những bảo thủ, mà còn phản tiến bộ. Chữ "Nho" của nhà Nho, là chỉ những người dẫn dắt chương trình việc cúng bái lễ lạt trước thời Xuân Thu, vì họ hiểu về trình tự hành lễ, vào những dịp điển lễ lớn của nhà nước, cần phải có những người như vậy để đề xuất ý kiến, loại người này bản chất sùng bái thời cổ, ngày đó chưa có lễ nhạc mới, nên sử dụng lễ nhạc thời cổ. Vì bát cơm manh áo, trước tiên họ phải giữ lấy một nghề ổn định cho mình (có tiếng cười), cho nên họ buộc phải nệ cổ. Hai chữ "Sùng cổ" có khó nghe, nhưng phải nói là họ rất bảo thủ. Khuynh hướng sùng cổ đã hình thành ý thức bảo thủ ngoan cường. Xã hội Trung Quốc bị bao bọc bởi ý thức như thế, nên đánh mất động lực sáng tạo, không có khả năng tự kiểm điểm, tự phản tỉnh, tự điều chỉnh. Bạn bè khi bàn luận về nước Mỹ, xin lỗi, tôi lại múa rìu qua mắt các vị "người Mỹ kỳ cựu", tôi nghĩ tôi cứ mạo muội nói, còn các vị cứ mạo muội nghe (có tiếng cười). Cũng như người ta nói về chuyện bức hại chủng tộc ở nước Mỹ, chuyện tàn sát dân Anhđiêng không thương tiếc, chuyện ngược đãi dân da đen, chuyện kỳ thị người Trung Quốc. Tôi đã từng đi thăm đảo Ankiơ, nhìn thấy những câu thơ, dòng chữ thương tâm của người Trung Quốc còn lưu lại. Sai lầm của người Mỹ có thật hay không ? Ðương nhiên là thật, thậm chí còn tồi tệ hơn tôi tưởng. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận từ một khía cạnh khác, là họ có khả năng sửa sai hay không? Họ có khả năng phản tỉnh hay không? So với hồi xưa, nay họ có tiến bộ hơn không? Nếu không, thì tôi cho rằng đất nước này không có tương lai. Nếu có, thì tôi cho rằng đất nước này vĩ đại, tràn đầy sức sống. Ở Mỹ ngày xưa có cả cây treo cổ, nhưng bây giờ bỏ rồi. Nước Mỹ ngày xưa còn giam tù nhân dưới hầm nước, nhưng bây giờ khi bắt giữ người, còn đọc hiến pháp điều mấy cho họ nghe. Nước Mỹ có sai lầm, có lệch lạc, nhưng người Mỹ có khả năng sửa chữa. Dân tộc Trung Hoa chúng ta thì không có khả năng như thế. Sùng cổ lâu đời, không cầu tiến bộ, bảo thủ, làm mất hết khả năng sửa đổi. Ta nhìn lại lịch sử, Thương Ưởng là Tư tưởng pháp gia, biến pháp của ông đã biến nước Tần thành nước như thế nào? Khi chưa thực hiện biến pháp, sinh hoạt trong gia đình người Tần là cha mẹ, anh em, lớn bé đều ngủ chung một giường. Thương Ưởng đem lại đời sống văn minh cho họ, không cho phép cha mẹ con cái ở chung buồng, không cho phép anh trai em gái ở chung buồng, bảo ban họ phải ngủ riêng, thế mới biết ngày đó quốc gia của họ mọi rợ đến nhường nào. Thương Ưởng biến pháp ,không phải biến ra một quả bom nguyên tử, cũng không phải cải cách vật chất, mà là sự thay đổi cơ bản về chế độ, xã hội, văn hóa giáo dục, ông ta đã thành công. Thời đó là thế kỷ IV trước công nguyên, cho đến ngày nay đã hơn hai nghìn năm, Trung Quốc vẫn chưa có một lần nào đột phá như thế. Người nào có ý đột phá, cuối cùng đều bị thân bại danh liệt. Hậu quả của Thương Ưởng là bị ngựa xé xác, bị bánh xe nghiền. Học phái nhà Nho cũng thường nhắc đến kết cục của những nhà cổ súy cải cách, để hăm dọa người Trung Quốc cầu tiến bộ (có tiếng cười). Vương An Thạch là nhà cải cách có tiếng trong lịch sử, đạo đức, học vấn, năng lực làm việc của ông không ai chê trách nổi, nhưng việc cải cách của ông lại gặp trắc trở rất lớn. Còn Trương Cư Chính, hậu quả cũng thê thảm như Thương Ưởng, ngay sau khi ông chết, nhà cửa bị lục soát niêm phong, con trai bị chết đói. Cho đến biến pháp Mậu Tuất của Khương Hữu Vị cũng không thành công. Các phái học Nho có một cách nói: "Lợi bất thập, bất biến pháp". Nghĩa là không được lợi trăm phần trăm, thì tuyệt đối không cải cách. Quan niệm này chính là nguyên nhân khiến dân tộc Trung Hoa chúng ta không thể tiến bộ, không thể lớn mạnh. Bất cứ cải cách nào cũng không thể có lợi ích mười mươi, chỉ cần năm phẩy năm phần mười đã là lợi ích lớn lắm rồi.
Thí dụ bây giờ anh muốn lái xe từ Sưdanfo đến Sinhkaxi, tôi khuyên anh đừng đi xe, nên đi bộ, vì lái xe có khả năng xẩy ra sự cố, vì không có mười cái lợi không nên đi (có tiếng cười). Theo cách nhìn nhận như thế anh nói gì được nào, vả lại nếu lái xe thì còn phải đi học lái, mất thì giờ, đi trên đường anh không đâm người ta, nhưng người ta lại đâm anh (có tiếng cười), nếu đi bộ, anh vừa đỡ phí tiền, vừa rèn thân thể (có tiếng cười). Hiện tượng quan trường là kiểu như thế, nếu anh xây lò nguyên tử, lò nguyên lực, lại vừa không nguy hiểm, các vị nghe lời tôi, thì ngày mai đi bộ không đi xe chứ. Sự thực, chỉ cần đến năm mươi mốt phần trăm lợi ích thôi là chúng ta đã nên thay đổi rồi, yêu cầu lợi ích trăm phần trăm thì vĩnh viễn không thể có. Tối qua, mấy ông bạn bàn về vấn đề đánh vần chữ Trung Quốc, có người nói vướng mắc thế này, có người nói vướng mắc thế kia, đương nhiên là có vướng mắc, trên đời này có cuộc cải cách nào không vướng mắc? Phản đối theo cảm tính có, phản đối theo lý trí có. Nếu anh đòi hỏi họ thay đổi, là họ phải đòi có lợi trăm phần trăm, trên đời không bao giờ có chuyện lạ như thế. Bởi vì, tinh thần nhà Nho bản thân là bảo thủ, một nhà vua thời Tống, hỏi Tư Mã Quang có nhất thiết phải cải cách không? Nếu vương triều Tây Hán vẫn duy trì luật pháp của Tiêu Hà có được không? Tư Mã Quang trả lời: tất nhiên là được, chính vì quá nhiều người huyễn tưởng, quá nhiều cải cách của kẻ nhiễu sự, mới khiến bọn đạo tặc hoành hành, nếu cứ để nguyên như trước thì thuần phong mỹ tục từ thời Nghiêu Thuấn đã được duy trì cho đến bây giờ. Tư Mã Quang là một lão tướng quan trường, hắn vừa lên chức tể tướng đã lập tức phế truất toàn bộ pháp mới của Vương An Thạch, bao gồm cả pháp Mộ dịch, mặc dầu đã thu được hiệu quả rõ rệt. Thưa các vị, loại người này mới là sâu mọt trở ngại sự tiến bộ. Tô Ðông Pha và Phạm Thuần Nhân con trai Pham Trọng Yêm đều tỏ ý phản đối, nhưng Tư Mã Quang giở mặt ngay. Ðiều đó càng khẳng định những hòn đá cản chân thời đại là không biết phải trái, không vì lợi ích của nhân dân, cũng không tận tụy với nhà nước, chỉ vì lợi ích cá nhân mình. Tư Mã Quang không phải là nhà chính trị, chẳng qua là con sâu luồn lách quan trường mà thôi.

Ðiểm thứ năm là số dân đông quá làm hại Trung Quốc... (Lúc này vì thay băng ghi âm, nên bị ngắt quãng).

Sau những cuộc nội chiến thay thời đổi chủ, tiếp theo là nhân khẩu gia tăng, lại trở lại bi kịch: chiến tranh, tàn sát, chết chóc. Có người nói bên Mỹ rất tốt, mức sống cao, không hiểu các vị có để ý đến giá như người Mỹ thêm một tỷ dân, chuyển hết dân Ðại lục sang đây là một tỷ hai, thì tình hình sẽ như thế nào không? (có tiếng cười). Vấn đề dân số rất quan trọng, nếu Trung Quốc muốn lớn mạnh, sống chết phải tìm cách giảm dân số. Có câu nói: thêm người được việc, bớt người được bánh ngon. Bánh là bánh bao, bánh mì. Ngày xưa, thêm người tất nhiên là được việc rồi. Nhưng bây giờ, thêm người chẳng tác dụng gì, một trăm người không bằng một máy vi tính (có tiếng cười). Bớt người được bánh ngon, câu này thì quá đúng. Lấy thu nhập gia đình các vị làm thí dụ. Ðẻ hai ba đứa con còn có thể duy trì mức sinh hoạt trên trung bình, nếu không cẩn thận, đẻ đến hai ba trăm đứa thì nuôi thế nào nổi? (cười ầm lên). Tiền ăn ư, tiền học ư, tiền may sắm quần áo ư v... lấy gì mà chi tiêu? Trung Quốc dân số đông quá, nghèo đói quá, quan trường dầy đặc quá, cạnh tranh dữ dội quá, hàng loạt nguyên nhân khiến người Trung Quốc ta nổi cộm lên một hiện tượng: bẩn thỉu, bừa bộn, ồn ã, và nội bộ đấu đá không ngơi nghỉ (có tiếng cười). Người Trung Quốc hễ cất tiếng là hùng hùng hổ hổ (có tiếng cười), thiếu lễ độ. Khi ở Lốt Angiơlét, người ta hỏi tôi ấn tượng về nước Mỹ như thế nào, tôi nói có cảm tưởng nước Mỹ là Lễ nghĩa chi bang (Một đất nước trọng lễ nghĩa - dịch giả). Lại hỏi Trung Quốc có phải Lễ nghĩa chi bang? Tôi nói Trung Quốc tuyệt đối không phải Lễ nghĩa chi bang (cười ầm lên). Người Trung Quốc thô lỗ, lúc nào cũng như sẵn sàng cho anh một cú đấm. Các vị có lẽ dễ nhận thấy người Trung Quốc rất ít tươi cười, không hiểu có phải vì hoạn nạn quá nhiều? Ðau đớn quá nhiều? Âu lo quá dài, khiến họ không cười được nữa? Cho nên tôi cảm giác người Mỹ là một dân tộc sung sướng, chí ít một nước Mỹ mà tôi được tiếp xúc, là một dân tộc vui vẻ, hiền lành, hay giúp đỡ người khác. Nhưng người Trung Quốc thì hay ưu tư, đầy cảnh giác và hay lo lắng lợi ích cho mình. Ðến nỗi chúng ta suốt ngày hớt hải, đôi mắt luôn thường trực như con hổ đang tự vệ (có tiếng cười). Người ta nói người Mỹ kỳ thị chủng tộc. Tất nhiên có kỳ thị chủng tộc, nhưng không chỉ ở nước Mỹ, bất cứ quốc gia nào cũng có kỳ thị chủng tộc, nhưng nước Mỹ chí ít bao dung chúng ta, không những bao dung người của chúng ta, còn bao dung cả sự thiếu lễ độ, bẩn thỉu, bừa bộn, ồn ào và không ngừng đấu đá trong nội bộ của chúng ta nữa.

Trên đây là chút tâm đắc của tôi không hề che đậy, cũng là lời báo cáo trung thực với các ngài quản trị, sau khi tôi đến "khảo sát" nước Mỹ (có tiếng cười).

Ưu điểm của chúng ta, tôi không cần nói nữa, vì nói đi nói lại, nó vẫn cứ tồn tại, không nói, nó cũng không thể chạy mất. Tôi nhắc đến khuyết điểm của chúng ta, mới có thể thôi thúc chúng ta phản tỉnh. Những khuyết điểm vô cùng nghiêm trọng, trong văn hóa vại tương của chúng ta, chúng ta buộc phải đối diện với rất nhiều vấn đề như vậy, nên có thái độ phản ứng như thế nào? Tôi sẽ tóm tắt mấy ý như sau.

Những vấn đề này nếu thực sự là vấn đề, thì phản ứng quan trọng nhất là bồi dưỡng khả năng tư duy của chúng ta. Mấy nghìn năm lại đây, tất thảy sự việc đều do người ta - thánh nhân, hoặc các vĩ nhân bậc quyền thế nghĩ hộ cho chúng ta, tự chúng ta không phải suy nghĩ, không dám suy nghĩ thì đúng hơn. Làm thế nào mới là đúng? Người Trung Quốc hình như đang luyện tập cho mình trở thành một thằng ngốc. Con trai của Rôckơfeolơ đi thám hiểm tại Tân Ghinê, bị thổ dân ăn thịt, khi chuyện này xẩy ra, báo chí Ðài Bắc đưa tin, rất nhiều người rè bỉu: thật là có phúc không biết hưởng, nếu là tôi, thì chẳng dại dột gì tôi đi. Lần này tôi có dừng lại thành phố Phinichx (Phoenix), ở nhà một ông bạn người Mỹ quãng năm sáu ngày, con gái chủ nhà là cô Margaret, đến Honđurat hỗ trợ dân bản địa, giúp họ kiến thức về vệ sinh đôi mắt. Vệ sinh vùng Honđurat còn kém hơn Trung Quốc nước ta, dân ở đó sống rất bẩn, đến nỗi cô gái này khi tỉnh giấc, phát hiện ra một con lợn đang nằm chung với mình. Khi tôi ở đó thì vừa vặn đúng lúc cô ấy kết thúc chương trình phục vụ, về nhà kể cho bà mẹ nghe, nói một cách say sưa rằng sang năm còn đi nữa. Vì nơi đó lạc hậu lắm, nghèo đói lắm, cần phải giúp họ, bà mẹ động viên ngay. Tỷ như người Trung Quốc, chúng ta sẽ nghĩ: nếu là tôi, đừng hòng! Nhưng bà mẹ người Mỹ đó rất tâm đắc với cô con gái, cho rằng con mình có hiểu biết, có lòng thương, và bà ta khoe với tôi, cảm thấy tự hào có đứa con biết hy sinh vì người khác. Chứ bà mẹ chẳng phải nhằm tôi để bầy tỏ lòng tốt của con gái, tôi không có khả năng cho cô ta làm quan, không có khả năng cho cô ta cổ phần (có tiếng cười). Tôi, trong mắt bà mẹ, chẳng qua là thành viên của một dân tộc lạc hậu, nhưng đó thật sự là cách nghĩ chân thành từ nội tâm xúc động của bà. Nếu sự việc xẩy ra tương tự, thì người Trung Quốc thông minh hơn nhiều. Chỉ vì người Trung Quốc thông minh quá, thiết tưởng các dân tộc trên thế giới, kể cả dân tộc Do Thái, e rằng chẳng có dân tộc nào thông minh hơn. Nếu là một đối một, người Trung Quốc nhất định là kẻ đắc thắng. Nhưng nếu đấu hai người trở lên thì người Trung Quốc không thất bại là không xong, vì người Trung Quốc hình như trời đẻ ra là không biết đoàn kết (có tiếng cười). Ý nghĩa của đoàn kết là, mỗi người đều phải vứt bỏ một ít quyền hạn và lợi ích của mình. Ví dụ có hai vật hình cầu, phải dùng dao cắt bỏ hai miếng có mặt cắt tựa hình vuông thì mới dính sát vào nhau được. Nhưng hai bên đều không muốn mình bị cắt gọt, chỉ cắt gọt người khác chứ động đến mình là không chơi, như vậy làm sao đoàn kết được (cười to)? Không ai dám bảo người Trung Quốc không thông minh, người Trung Quốc thông minh đến mức độ nào vậy? Thông minh đến mức bị bán vào lò mổ còn mặc cả, lãi thêm được dăm đồng bạc là trong bụng mở cờ (cười to). Tình trạng như vậy, người Trung Quốc thông minh quá, thông minh đến cực điểm, ắt thành ích kỷ. Phàm là hành vi không ích kỷ, cách nghĩ không ích kỷ, đều bị giễu là ngốc nghếch. Người Trung Quốc không rộng lòng, phàm là một người tốt bụng, hay tha thứ người khác, hay khen ngợi người khác thì bị chê là ngu xuẩn. Người ta tát vào mặt, mà anh dám chống lại? Người ta phạm pháp, mà anh dám ngang nhiên giở lý? Thì rõ là thằng ngốc rồi. Làm một việc mạo hiểm, không được thăng quan, lại không có lợi lộc, tất nhiên bị coi là ngốc nghếch rồi. Tôi vẫn cứ cảm thấy người Trung Quốc chúng ta cần phải có chút tâm tính của thằng ngốc, thì dân tộc ta mới có cơ được cứu, nếu không thì sẽ như người Anhđiêng, ngày càng đồi bại. Có câu nói: Người không ích kỷ, trời tru đất diệt. Thế mới biết, nếu không ích kỷ sẽ bị người đời coi là vô phương cứu chữa. Phải chăng mỗi chúng ta có thể bắt đầu từ bản thân mình, làm một số việc mà thiên hạ coi là ngu ngốc, không cần đến chính phủ, không cần đến người khác, bắt đầu từ chính mình? Tổng kết lại ý kiến của tôi là, chúng ta không nên phức tạp hóa quan hệ giữa người với người, bắt đầu từ chính bản thân mình, bắt đầu luyện cho con cái mình! Thí dụ trẻ con Mỹ trong cửa hàng ăn tự chọn, người mẹ dạy ăn xong phải thu gọn lại, làm sạch sẽ, để sang bên này. Kiểu giáo dục như thế nên bắt đầu từ bản thân, bắt đầu từ thời nhỏ, chúng ta nên coi việc huấn luyện này là một động tác khởi động và là một hành trình. Tính tốt của người Trung Quốc rất nhiều, rất tiếc là đều ở trên sách vở (có tiếng cười). Chúng ta mong rằng những đức tính đẹp đẽ ấy đều được xuất hiện trên hành vi cử chỉ của chúng ta, thử xem chúng ta có thể làm được không? Hôm nay ý kiến của tôi báo cáo đến đây là hết, mất nhiều thời gian của các vị , xin thông cảm và mong được chỉ giáo nhiều (tiếng vỗ tay nhiệt liệt).

Thính giả A: Tôi muốn đặt câu hỏi, nhưng ít ra phải mười phút đồng hồ mới đủ.

Chủ tọa: Xin lỗi, chỉ được hai phút, vì rất nhiều người muốn hỏi.

Thính giả A: Ngài Bách Dương vừa có nêu vấn đề chế độ phong kiến hủy hoại nhân quyền, ngài có nhắc đến triều Minh, thực ra ở phương Tây tình hình không khác là mấy. Theo tôi nghĩ, văn hóa phương Tây cũng kinh qua sự tẩy rửa của chuyên chế quân chủ, tại sao lại có thể đẻ ra một quan niệm nhân quyền chủ nghĩa tự do như sau này, tại sao Trung Quốc lại không đẻ ra được, cho đến ngày hôm nay?...

Chủ tịch: Nghỉ một lát có được không, vấn đề của ông đã quá hai phút rồi đấy (có tiếng cười).

Bách Dương: Ðấy không phải thảo luận, đấy là cuộc sát hạch (có tiếng cười). Nhưng cũng chẳng cần phải thi, tôi cũng đã là bác sĩ, bác sĩ của Ðảo Xanh (có tiếng cười, tiếng vỗ tay). Rất tiếc tôi không có khả năng trả lời câu hỏi của bạn, cũng giống như ta không thể hiểu được tại sao người Tây khi ăn dùng dao, dùng dĩa, mà người Trung Quốc lại dùng đũa. Sự ra đời của nền văn hóa là dần dần, hai nền văn hóa này khởi đầu không có sự giao lưu, khả năng ảnh hưởng đến nhau không nhiều, mỗi nền văn hóa đều phát triển theo một khuôn hình riêng của nó. Cuộc đời của cá nhân và vận mệnh của dân tộc thường thay đổi phương hướng chỉ vì một tác động rất nhỏ. Nhưng chúng ta chưa hiểu được cái yếu tố tác động rất nhỏ ấy là cái gì, hoặc là nó ở đâu.

Thính giả B: Tôi muốn dựa trên vấn đề của vị tiên sinh vừa nêu, xin được ngài chỉ giáo thêm. Vừa rồi nghe ngài diễn giảng, tôi có cảm tưởng như sau, ngài có kết luận về nền văn hóa Trung quốc là: vì quá khứ của văn hóa truyền thống Trung Quốc chúng ta là nền văn hóa chuyên chế, có một chính thể chuyên chế, cho nên mới hình thành xã hội ngày nay, có hình thái như vậy, tức là hình thái quan trường. Vậy tôi thiết nghĩ vấn đề vị tiên sinh vừa nêu có thể giải thích lý lẽ đó. Bởi ngài cho rằng có tiền đề chính thể chuyên chế, mới sản sinh hình thái như vậy. Nếu hai nền văn hóa cùng có truyền thống lịch sử giống nhau, tại sao lại đẻ ra hai kết quả khác nhau như vậy. Nếu theo kết luận của ngài, kết quả như nhau mới đúng. Có lẽ tôi mạn phép thay ngài Bách lão đặt một cái tiêu đề cho kết luận của ngài, là văn hóa di truyền luận. Nhớ Lonke từng nói, văn hóa có thể di truyền, nếu tổ tông chúng ta giữ quan điểm gì, con cháu cũng bị ảnh hưởng bởi quan điểm đó, cho nên quá khứ chúng ta có chính thể chuyên chế, cứ cho ngày nay chúng ta chịu sự tẩy trần của văn hóa phương Tây, nhưng ở trong văn hóa ngày nay của chúng ta có thể còn lưu lại phân tử chuyên chế của quá khứ. Lonke, từ lập trường của tâm lý học nêu ra luận điểm như vậy, nhưng bây giờ có người cho rằng có lỗ hổng lớn. Ðiểm thứ hai, nghe bài giảng của ngài, khiến lớp trẻ một thời đã từng lạc quan như chúng tôi cảm thấy hơi buồn. Lấy tôi làm ví dụ, có thể nói là một lớp người mới, một thế hệ trẻ trung, tôi vẫn cho rằng thế hệ chúng tôi chắc chắn khác hẳn so với tiền bối về cả phong thái xã hội và phương thức tư tưởng. Thí dụ ngày nay chúng tôi không làm quan, tôi không dám bảo đảm sau này tôi làm quan, có trở thành người chỉ có tính quan không có tính người hay không (có tiếng cười). Nhưng tôi cảm thấy nếu có một ngày tôi gặp tình huống như thế, tính quan của tôi dứt khoát ít hơn người đời xưa, tính người nhiều hơn người đời xưa. Nhưng nghe ngài giảng hôm nay, với cách nghĩ của tôi hình như không mấy giống nhau. Xin cám ơn.

Bách Dương: Tôi nghĩ tôi chỉ nói về sự thật của lịch sử. Do thay đổi của môi trường, thời đại và định hướng của nền giáo dục, có lẽ thời nay sẽ không như thế. Vả lại, tôi tin sự thành tâm của bạn, cũng tin rằng bạn có thể làm được.

Thính giả B: Tôi nghĩ lời giải thích của ngài có lẽ không mấy giống tôi.

Bách Dương: Tôi phải nhấn mạnh một điều, chính trị chuyên chế của Trung Quốc và chính trị chuyên chế của phương Tây có dị biệt rất lớn về chiều rộng và chiều sâu. Tôi chưa bắt đầu học lịch sử phương Tây (có tiếng cười), nhưng tôi cảm thấy có khác nhau. Nếu đem so sánh, thì chuyên chế Trung Quốc rất cực đoan, trong cung đình phương Tây chỉ quỳ một chân, với Thượng đế mới quỳ hai chân, với người có lẽ cũng ít quỳ hai chân. Nhưng ở triều đình Trung Quốc không những quỳ cả hai chân mà còn đập đầu, mà phải đập đầu phát ra tiếng (có tiếng cười). Những năm cuối đời nhà Thanh có câu: Nói năng ít, cúi đầu nhiều, là vậy. Tôi nghĩ chuyên chế Trung Quốc về trình độ, về nội hàm e rằng không giống phương Tây. Tôi đã từng xem bức tranh sơn dầu của Lu-i XIV nước Pháp, Lu-i XIV ngồi chính giữa, rất oai nghiêm, các đại thần ngồi bên, Hoàng hậu cũng ngồi bên, tình cảnh này ở Trung Quốc không bao giờ có, các đại thần ở Trung Quốc chỉ biết quỳ dưới, sợ run cầm cập.

Thính giả B: Tôi nghĩ...

Chủ tọa: Xin đợi một lát, để dành thời gian cho người khác.

Thính giả C: Tôi từng đọc sách của ngài Bách Dương, hôm nay được gặp ngài, tôi rất xúc động. Nói đến cá tính người Trung Quốc, tính dân tộc và chính trường, vừa rồi ngài Bách Dương nói về lịch sử từ cổ đại đến cận đại, mà chúng tôi lại quan tâm hơn về sử cận đại. Chúng tôi không biết sau khi ngài đến nước Mỹ , tính cởi mở về các cuộc nói chuyện đến mức độ nào ? Ngài nói chuyện đến mức độ nào mới có thể trở về Ðài Loan... (có tiếng cười). Vấn đề thứ hai là, cá tính người Trung Quốc thường chịu ảnh hưởng của chính trường, thí dụ chính phủ muốn ngu dân, rất nhiều vấn đề rõ ràng mọi người đều biết cả, nhưng họ vẫn muốn dẹp đi, khiến người ta cảm thấy nhiều chuyện rất Secret (bí mật). Không nói thật cũng là thủ đoạn để đạt được mục đích chính trị của quan trường. Thí dụ gần đây rất nhiều sự việc đưa đến những hậu quả, đặc biệt là ở nước ngoài - tôi là người ủng hộ chính phủ Trung Hoa Dân quốc - nhưng tôi cảm giác nhiều việc làm của chính phủ thực tình khó hiểu, tôi đọc nhiều báo chí ở bên ngoài, phát hiện ra lời nói mấy hôm trước và mấy hôm sau của chính phủ hoàn toàn khác hẳn. Nay tôi muốn chứng minh cảm quan của cá nhân tôi...

Chủ tọa: Hai phút.

Thính giả C: Tôi rất hứng thú với đại học Ðảo Xanh (Nhà tù - Dịch giả ). Ðương nhiên tôi không hứng thú bước vào (có tiếng cười), nhưng tôi có hứng thú tìm hiểu, tôi muốn biết hiệu trưởng trường đại học Ðảo Xanh là ai? Trưởng giáo vụ là ai (có tiếng cười) ? Cơ cấu hành chính, còn... có phải gọi là "Trưởng quan" hay đại loại như thế? Nếu thấy tiện xin ngài cho biết, nếu cảm thấy không tiện thì đừng miễn cưỡng.

Thính giả D: Tôi nghĩ hôm nay, phải chăng chúng ta nên tôn trọng yêu cầu của ông Chủ tịch, bớt nói chính trị. Ngài Bách Dương hôm nay nêu ra nhiều vấn đề rất nghiêm túc. Theo tôi phải chăng chúng ta nên dành hứng thú vào những vấn đề đó để trao đổi, còn về những vấn đề khác...

Thính giả E: Xin hỏi vị tiên sinh này có phải ngài Bách Dương không? Vị nào mới phải? (hội trường xáo động, có người vỗ tay).

Chủ tọa: Có lẽ ta vẫn nên tôn trọng ý kiến của cá nhân.

Thính giả F: Tay tôi đang cầm cuốn Bách Dương ngữ lục, chúng ta nói nhiều quá không ổn, theo lời nói ông Chủ tọa vừa rồi, tôi nghĩ dân chủ của chúng ta còn có một đặc điểm, trong cuốn sách này chưa nói tới, đó là được hay không được nhắc đến vấn đề chính trị. (cười ầm lên, tiếng vỗ tay không ngớt).

Thính giả G: Hôm nay, ngài Bách Dương bàn đến vấn đề học thuật, ngài nghiên cứu lịch sử, rút ra được năm kết luận, bốn kết luận trên tôi đồng ý trăm phần trăm, nhưng kết luận sau cùng cho rằng dân Trung Quốc đông, nên dẫn đến những bất hạnh cho chúng ta ngày nay, điều này tôi có nghi vấn. Nhật Bản, đất nước nhỏ, người cũng đông, nhưng tại sao mức sống của họ vẫn rất cao, họ không tiếp thu những nhược điểm của văn hóa quan trường của chúng ta, cho nên có được thành quả ngày hôm nay. Nên tôi không cho rằng vì Trung Quốc dân đông mà dẫn đến sự không may cho chúng ta. Giả dụ chúng ta chấn chỉnh lại ngành công thương nghiệp, giả dụ chúng ta sửa đổi khuyết điểm và tật nguyền của chúng ta, thì người Trung Quốc có thể duy trì hiện trạng, thậm chí chúng ta còn có thể dung nạp số dân gấp đôi. Chúng ta không nên vin lý do người Trung Quốc quá đông mà tìm cách hạn chế nhân khẩu, mà đi xâm lược nước khác, mà tàn sát lẫn nhau. Ðó chỉ là một hiện tượng, hiện tượng và kết quả không thể hòa tan thành một. Cho nên kết luận của tôi là, chúng ta nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, nhưng không phải vì Trung Quốc nhân khẩu quá đông mà trở nên bất hạnh, tai họa, nghèo đói. Chúng ta rất có thể dung nạp thêm số dân gấp bội trên lãnh thổ của mình, không có vấn đề gì (có tiếng cười). Giả dụ khoa học, văn minh của chúng ta phát triển tới một trình độ nào đó, sẽ không thua kém Nhật Bản.

Bách Dương: Tôi rất tán thành kiến giải của bạn. Nhưng, tiền đề của "giả dụ" nhiều quá, mà trước khi những "giả dụ" trở thành hiện thực, nhân khẩu là một vấn đề cực kỳ lớn, số người quá đông mới khiến công nghiệp, khoa học, văn minh của chúng ta mãi mãi không thể phát triển đến mức độ "giả dụ" như vậy.

Thính giả G: Cái đó tôi có thể tiếp thu. Kết luận của ngài là từ nghiên cứu lịch sử, quan điểm của học thuật, nêu ra Trung Quốc vì số người đông, cho nên mới có sự bất hạnh. Ý của tôi là, bốn kết luận về trước tôi tán thành. Nhưng người đông thì không phải nguyên nhân tạo nên sự bất hạnh đó. Liệu tương lai dân số Trung Quốc chúng ta còn gia tăng nữa hay không? Liệu chúng ta còn tiếp tục bất hạnh nữa hay không? Ðó hoàn toàn là vấn đề khác, đáng để ta nghiên cứu.

Thính giả H: Ngài Bách Dương bàn về vấn đề dân tộc Trung Hoa rất hấp dẫn, phải chăng tôi có một cảm giác nhầm lẫn, không hiểu có phải vì ngần ngại nên ngài không muốn nói, hay là... Tóm lại, tôi có một ấn tượng. Dân tộc Trung Hoa có nhiều khuyết điểm như vậy, ích kỷ đến mức vô phương cứu chữa, nhưng về lịch sử hiện đại Trung Quốc, ngài Bách Dương không nhắc đến cuộc đấu tranh chống phong kiến, chống chủ nghĩa đế quốc oanh liệt của nhân dân Trung Quốc. Năm 1949, sau ngày giải phóng, cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa, quá trình xây dựng về mặt kinh tế, vật chất... đồng thời xây dựng một số cơ sở khoa học, mặt khác, trên ý thức hình thái của con người, đã có nhiều công cuộc như giáo dục... không biết ngài Bách Dương có muốn bình luận những vấn đề này hay không?
Bách Dương: Ðó là vấn đề chính trị, chúng ta không bàn, chúng ta chỉ nói về lịch sử, hơn nữa, về điều này tôi cũng không biết rõ lắm (có tiếng cười).

Thính giả I: Tôi có một yêu cầu, xin hỏi ngài về chữ giản thể, tôi muốn nghe ý kiến của ngài.

Bách Dương: Tôi tán thành chữ giản thể, mà còn tán thành tiến tới sửa thành chữ đánh vần. Tối qua, rất đông bạn bè tụ tập, là bàn về vấn đề này, nhưng ý kiến mọi người không nhất trí. Vì những người phản đối chữ đánh vần, trong bụng có một cái nút, nút này phải được tháo cởi. Chữ đánh vần vô cùng cần thiết, thí dụ khi đánh điện thoại, tôi hỏi quý danh? Tôi họ Lưu. Chữ Lưu viết như thế nào? Trong điện thoại không cách nào nói rõ. Tôi bảo đi tra từ điển, anh không dám chắc là tra được ngay, thậm chí phải tra đến hai, ba lần cũng không được, tra đến toát mồ hôi (có tiếng cười). Ngày xưa, ta chê trách cổ văn không có dấu ngắt câu, đọc chẳng hiểu gì cả. Các vị đã đọc Nguyên sử chưa? Tên người Mông Cổ cứ như là xâu kẹo hồ lô (có tiếng cười), không thể phân biệt là tên của mấy người. Bây giờ tuy đã có dấu, nhưng nhược điểm lớn nhất của chữ vuông lại càng nổi bật, là không những không ngắt được chữ, lại còn không nối được âm. Không ngắt được chữ, tức là nhận mặt từng con chữ một cũng không hiểu. Không thể nối âm, chữ vuông như treo thành chuỗi hạt Bồ đề, ta phải tốn rất nhiều sức lực để tổ hợp, mới làm rõ được. Thí dụ như nói: "Tôi từ Ma lay si a đến". Malaysia đáng ra viết liền, và cách quãng chữ "đến" mới đúng. Nếu không sẽ thành "Ma lay" (nghĩa là "ngựa đến" - dịch giả), và "Si a đến", nếu có đứa trẻ nào tên là Si a thì to chuyện đấy (có tiếng cười). Ngày nay đánh máy chữ nhanh như thế, vi tính nhanh như thế, chữ vuông không thể đảm nhiệm nổi. Tôi cứ ước ao bàn giấy của tôi có một máy chữ tiếng Trung, để tôi có thể đánh bản thảo Trung văn, chứ không còn là động vật bò ô kẻ trên giấy nữa. Nhưng tiếng Trung đánh vần đâu phải chuyện dễ. Chủ yếu vẫn là trở ngại về tâm lý, cho rằng chúng ta dùng ABCD là chữ Anh, đánh vần ra là tiếng Anh. Sự thật không phải, chúng ta nên hiểu rằng, con chữ ABCD này là mẫu tự Trung Quốc (có tiếng cười), chữ đánh vần ra, chính là chữ Trung Quốc, thì không đến nỗi cảm giác chịu nhục như bị đồng hóa. Ðúng đấy, nó là Trung văn, là Hoa văn, không phải Anh văn, cũng không phải Ðức văn. Nếu nói ABCD đánh vần ra là Anh văn, thì người Ðức có khi tức chết đi được, người Pháp cũng tức chết đi được. Con chữ hoàn toàn là công cụ, cũng như chiếc ô tô, anh mua rồi là của anh, nó mua rồi là của nó. Thực ra chữ đánh vần mà thực hiện ngay ngày hôm nay thì tôi là người chết đói trước tiên, vì tôi kiếm cơm nhờ chữ vuông mà (có tiếng cười). Nhưng tôi cảm giác cuộc đời chúng ta rất ngắn, lý do chính trị cũng rất ngắn, văn hóa dân tộc mới là hệ trọng, hệ trọng lắm. Ðặc biệt các vị ở Mỹ sẽ phát hiện ra con cái đời thứ hai của chúng ta chỉ biết nói tiếng Trung, chứ không biết viết chữ Trung, khó như thế dậy thế nào được? Cũng như chữ "quốc" của Trung Quốc viết thế nào? Lấp cái gì vào trong cái ô vuông đó? (có tiếng cười). Nếu muốn biết một chữ, ngoài cách nhớ máy móc ra, không còn cách nào khác. Ðến nỗi bọn trẻ gào thét: "Tôi căm ghét Trung văn". Ðó còn chưa đủ để chúng ta giật mình ư? Chúng ta đừng nên gây thêm khó khăn cản trở bước tiến của dân tộc nữa, không nên tự mình trói chân mình, trói tay mình, không nên sống cho ông bà ông vải tổ tiên, không nên sống cho quá khứ! Tại sao phải sống cho họ? Phải sống cho các con ta chứ! Khi chữ đánh vần được rồi, sách cổ không đọc được thì thôi không đọc nữa, hiện nay chưa dùng chữ đánh vần, anh vẫn không đọc được sách cổ cơ mà (có tiếng cười, tiếng vỗ tay). Chuyện của ngày xưa, chuyện của tổ tiên, nên giao cho vài ba người, nhờ họ quét dọn từ đường, chúng ta không nên sống cho tổ tiên, nên sống cho con trẻ, sống cho đời sau, cho tương lai của dân tộc, nước nhà. Giá như một ngày nào đó, Trung Quốc tự nhiên phất lên, chấn động thế giới, người Trung Quốc khẽ ho hắng, trái đất cũng phải run rẩy, tiếng Trung Quốc trở thành tiếng quốc tế, chữ Trung không cách nào phổ cập, bắt buộc phải đổi thành chữ đánh vần.

Hôm nay tôi nói ngần ấy khuyết điểm của người Trung Quốc, có người nghe xong chắc sẽ nản lòng. Tôi cho rằng cái mà chúng ta cần nghe, chính là những điều này, chứ không phải ưu điểm, giá như chúng ta nói về những đức tính tốt, nói về sự thông minh của chúng ta... cuối cùng, chúng ta vẫn không thể khiến người khác tôn trọng, cũng không thể tự tôn. Nên biết rằng, tai vạ của người Trung Quốc không chỉ là của bản thân người Trung Quốc, còn là tai vạ của loài người. Một chiếc tàu nhỏ có chìm xuống thì chìm, nhưng một chiềc tàu lớn mà chìm xuống, sẽ gây cả dòng xoáy, nhấn chìm cả những tàu nhỏ vùng lân cận... Tại sao người Nhật xâm lược chúng ta? Chỉ trách chúng ta không biết tự cường, hấp dẫn nó ra tay (có tiếng cười). Tôi thấy chúng ta phải tự cứu, tự cứu, đầu tiên phải biết khuyết điểm của mình, giả dụ không biết được khuyết điểm của mình, suốt ngày nghĩ đến chuyện thích chí, e rằng có phần giống Giả Bảo Ngọc ý dâm! (có tiếng cười).

Thính giả J: Tôi thường nghe có hai câu thành ngữ, một là Dĩ bất biến ứng vạn biến, câu nữa là Báo hỷ bất báo ưu, xin cho biết quan điểm của ngài.

Bách Dương: Dĩ bất biến ứng vạn biến, tôi không dám có ý kiến (có tiếng cười, tiếng vỗ tay). Còn Báo hỷ bất báo ưu theo tôi là đặc trưng của quan trường.

Thính giả K: (Người Mỹ) Ðề tài mà ngài nói hôm nay, hình như toàn nói xấu người Trung Quốc. Tôi mong được nghe ngài nói xấu người Mỹ (có tiếng cười). Qua những cuốn sách ngài đã đọc, và qua những sự việc ngài đã gặp ở nước Mỹ, ngài thấy nước Mỹ có chỗ nào nên học tập lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc ?

Bách Dương: Về những điều chê bai người Mỹ, bản thân người Mỹ đã nói rất nhiều rồi, đó chính là điều làm cho tôi rất hâm mộ, vì nước Mỹ có sức mạnh biết tự thăng bằng lấy, tự phản tỉnh lấy, tự điều chỉnh lấy. Mình có chỗ sai, mình nói được ra, mình có thể tiếp thu, mình có thể giám định, điều này người Trung Quốc chúng ta không làm được. Nếu anh mà ca ngợi người Mỹ, người ta nói ngay rằng sao anh không làm người Mỹ? Không kéo mũi cho dài ra (có tiếng cười ). Có người bảo đấy là sùng Tây xiểm ngoại, tôi cảm thấy sùng Tây tốt quá đi chứ, có gì mà không tốt nào, không những phải sùng Tây, còn phải sùng Tây một cách triệt để. Nếu tôi có quyền hạn, tôi dứt khoát quy định cho mọi người không sùng Tây không được, người nào mà chẳng Tây từ đầu đến chân? Hơn nữa, các vị còn đang ở nước Mỹ, tôi vẫn còn ở Ðài Loan, tôi cho đó là vấn đề tỉnh ngộ hay không tỉnh ngộ, chúng ta đem cái hay của người ta liệt kê ra từng điều, chỗ nào hay thì ta nên học. Chúng ta hy vọng lớn mạnh như nước Mỹ, thì chúng ta cần phải học tập người Mỹ, cái đáng để ta học tập ở nước Mỹ thì nhiều lắm. Ðương nhiên nước Mỹ không phải thập toàn thập mỹ, vì trên đời không có gì thập toàn cả, ít ra là ngành bưu chính nước Mỹ rất dở, đưa thư chậm, lại hay nghỉ phép. Nhưng chúng ta cũng nên mừng cho nước Mỹ không thập toàn thập mỹ, nếu nước Mỹ mà như vậy thì sẽ bị tê liệt.

Thính giả L: Ngài Bách Dương là bác sĩ, là một nhà bệnh lý học, hôm nay ngài nói chúng ta đánh mất lòng tự tôn dân tộc, trong đó bao gồm cả ngài. Hôm nay, cuộc nói chuyện của ngài hạ huyệt cả năm nghìn năm lịch sử của chúng ta, không khêu gợi được tinh thần dân tộc của chúng ta, hôm nay tôi đến đây nghe về điều này, cảm thấy ân hận. Tôi cho rằng chúng ta bị ngộ độc tư tưởng phong kiến rất nặng, cộng thêm tư tưởng của Nho giáo nữa, nếu chúng ta biến tư tưởng nhà Nho thành tư tưởng pháp trị, từ nhân trị đổi thành pháp trị, xây dựng chế độ luật pháp, thì có thể bù đắp được nhiều thiếu sót của quá khứ. Vì ngày xưa là người còn chính quyền còn, người mất chính quyền mất, giả dụ ngày nay chúng ta xây dựng điều luật, ông đáng làm mấy năm thì làm mấy năm, đừng có phá hoại nó. Nay tôi là đầu bếp, nếu tôi muốn con tôi cũng nối nghề đầu bếp, đó là bệnh của tư tưởng Nho giáo gây nên. Chúng tôi hy vọng ngài Bách Dương hãy khuyên chúng ta chữa trị chứng bệnh này như thế nào, chúng ta không thể bỏ mặc. Ngài nói sùng Tây, ở đây có nhiều người Trung Quốc tuy sống ở Mỹ nhưng chưa hẳn họ đã sùng Tây, về điều này mong rằng ngài Bách Dương thông cảm. Ðiều này ngài sai rồi, đó là chút ý kiến của tôi. Tôi hy vọng rằng nền văn hóa của chúng ta mà ngài Bách Dương nói, không đến nỗi sau năm nghìn năm vẫn đầy rẫy phong kiến, đình trượng, quan trường. Hy vọng từ nay được cải cách, từ nhân trị thành pháp trị, đi đến một tương lai sáng sủa.

Bách Dương: Ý kiến của tôi và bạn đều giống nhau, cái mà chúng ta theo đuổi cũng hoàn toàn giống nhau.

Thính giả M: Khi học đại học, tôi có đọc qua một số tác phẩm của ngài, thấy ngài hay dùng bút pháp trào phúng, sắc bén, cay độc, để lật tẩy hiện tượng bất hợp lý của xã hội. Hôm nay lại được nghe những khuyết tật của người Trung Quốc, trong lòng xúc động vô cùng, cảm thấy buồn, chán nản, khó chịu, nhưng lại có cảm giác như được khám bệnh, khám ra bệnh rồi, thì phải bốc thuốc. Tôi không rõ tác phẩm của ngài Bách Dương có thể khuyên chúng ta đối mặt với vấn đề đó như thế nào. Ngoài ra tôi còn muốn thỉnh giáo ngài Bách Dương về tình hình văn đàn Ðài Loan, giới thiệu một số tác phẩm hay cho chúng tôi. Những nhà văn nào được ngài tâm đắc ?

Bách Dương : Tôi trả lời vấn đề thứ hai trước, Trần Ảnh Chân, Vương Thác, Tam Mao, Viện Quỳnh Quỳnh, Trần Danh Bàn, Dương Thanh Súc, đều là những nhà văn đầu bảng, nhưng tôi đọc không nhiều lắm, vì mắt của tôi bị thương trong nhà tù, không sao đọc được chữ nhỏ, chữ sách báo Ðài Loan lại rất nhỏ, về vấn đề này phải chăng đề cử phu nhân tôi trả lời.

Trương Hương Hoa: Bách Dương đột ngột cho tôi một câu hỏi khó. Nhưng ngồi đây, tôi lại đang nghĩ về một vấn đề khác, vì vừa rồi có vị tiên sinh nói, câu chuyện Bách Dương nói hôm nay khiến ta đánh mất lòng tự tôn dân tộc. Tôi muốn từ sự hiểu biết của tôi, giải thích thêm ý của ông ấy. Tôi cho rằng Bách Dương không có ý nói đất nước chúng ta không còn một sợi hy vọng, tương lai. Then chốt là ở chỗ chúng ta có thể phản tỉnh hay không. Ông ấy nói sùng ngoại đó là sự thật. "Sùng ngoại" cụm từ này nên hiểu như thế nào, thử xem lại cách thức sinh hoạt của chúng ta ngày nay, về hưởng thụ vật chất, sùng Tây là quá rõ. Nhưng tôi nghĩ có một câu vừa rồi ông ấy không nói rõ thêm, mà khi diễn giảng ở nơi khác lại rất cường điệu, là chúng ta sùng Tây nhưng không xiểm ngoại (có tiếng vỗ tay). Chúng ta thừa nhận nước Mỹ mạnh hơn ta, chúng ta nên học tập họ, nhưng chúng ta không cần xin xỏ, không cần tồn tại bằng sự thương hại, bằng tự ty, mà nên tìm cách cải tiến để nhanh chóng vượt họ, tôi cho điều đó mới thực sự là tiếng lòng của Bách Dương. Xin lỗi, tôi tự ý bổ sung, vì toàn bộ tư duy của tôi lúc này tập trung cả vào vấn đề này (có tiếng vỗ tay).

Bách Dương: Về câu hỏi của tiểu thư Lý Linh Dao là nên dùng cách gì? Tôi nhớ ra một điều. Tôi nêu toàn những thứ bệnh hoạn, chắc mọi người thấy buồn, tôi cũng thấy rất buồn, vì trước đây chúng ta đều nghe nói Trung Quốc rất vẻ vang, ví dụ Chu Nguyên Chương, ông ta là vị anh hùng dân tộc. Về sau biết là không phải, trong khi mọi người đang tác chiến chống Mông Cổ, ông ta lại mở mang hậu phương, chặn cửa sau của người khác, cuối cùng cướp đoạt chính quyền, toàn nghĩ cho bản thân mình. Chờ đến khi người ta đánh bại quân Mông Cổ, tinh thần người Mông Cổ ở Trung quốc bị hao tổn hoàn toàn, Chu Nguyên Chương lại nghiễm nhiên tọa hưởng kỳ thành. Khi phát hiện ra việc này, tôi thật thấy xót xa. Tôi nghĩ chúng ta có thể phục hưng dân tộc hay không phải từ việc chúng ta có chịu nhận khuyết điểm hay không, và cũng bắt đầu từ việc thừa nhận sai lầm. Ngay như đến cả khuyết điểm sai lầm cũng không chịu thừa nhận, thì cải cách thế nào được? Tiến lên thế nào được? Ngày xưa, chúng ta không chịu thừa nhận khuyết điểm sai lầm, vì chúng ta đánh mất khả năng phân biệt phải trái, một khi bị phát hiện ra khuyết điểm là không thể sống nổi. Một người có lòng tự trọng, sẽ biết nhận khuyết điểm và sai lầm của mình, chỉ có người Trung Quốc đa số là chết cũng không chịu nhận sai. Chúng ta cũng kiểm điểm, nhưng kết quả kiểm điểm đều là bởi ta quá tốt (có tiếng cười). Cho nên chúng ta suốt đời bị người ta ăn hiếp, hôm nay bị Trương Tam bắt nạt, ngày mai bị Lý Tứ làm nhục, ngày kia bị Vương Ngũ ức hiếp. Mỗi người Trung Quốc đều phải có khả năng kiểm điểm bản thân, đừng có oán trách, đừng có suốt ngày kiếm chuyện với người khác. Ở Ðài Bắc, có đôi vợ chồng cãi nhau, đến mách tôi, ông chồng giận dữ bảo vợ không yêu ông ta. Tôi nói, nếu muốn người ta yêu ông, điều kiện đầu tiên là ông phải đáng yêu (có tiếng cười). Nếu như mình không đáng yêu thì bắt người ta yêu thế nào được? Nếu muốn người ta tôn trọng mình, trước tiên mình phải có những dữ kiện để người ta phải tôn trọng cái đã, dữ kiện này không phải cãi nhau một trận là giành lấy được, cũng không phải hô khẩu hiệu là có tác dụng. Giả dụ nơi đây không được nhổ đờm, nhưng anh cứ nhổ bậy, thì bắt người khác tôn trọng làm sao được. Tiểu tiện phải vào nhà vệ sinh, giả dụ anh cứ đi bừa ra ngoài đường, thì bảo người khác tôn trọng thế nào được. Cho nên tôi nghĩ, bản thân chúng ta phải có sẵn điều kiện được tôn trọng đã và dứt khoát phải biết được chúng ta có mặt nào không bằng người. Người Trung Quốc hầu như không biết nhận lỗi, hễ nhận lỗi là "sùng tây"? Ðúng, tại sao lại không sùng Tây? Toàn bộ hệ thống tư tưởng: tư tưởng kinh tế, tư tưởng học thuật, tư tưởng dân chủ, tư tưởng pháp trị, nhân quyền của ta, đều không phải do tổ tông ta lưu truyền. Chế độ xã hội, hình thái ý thức, phương thức sinh hoạt, đều đến từ nước ngoài, có thứ nào là của truyền thống? Ðời sống vật chất của chúng ta, như ô tô, máy bay, kính mát, kiểu cắt tóc, nhà cửa, dao cạo, đều không phải do người Trung Quốc phát minh. Cho nên tôi cho là không phải vấn đề sùng Tây, mà là vấn đề học hỏi. Hiện nay người Ðài Bắc thích ăn gà nuôi ở nhà quê, tôi cũng thích ăn gà quê, gà Tây chẳng ai ăn, không ngon thì không ai ăn, Tây cũng chẳng ai thèm. Chỉ cần tốt là người ta thích (có tiếng cười). Nhưng thần kinh của người Trung Quốc bạc nhược đến mức khó hiểu, hễ nói đến sùng Tây, thì cho là xiểm ngoại, sao lại có thể đẻ ra thứ kết luận như vậy? Sùng Tây chẳng qua là học tập những ưu điểm của họ, giả dụ có một ngày người Tây nghiện thuốc phiện tự tử hết, chúng ta chẳng bao giờ theo chứ. Chúng ta có tiền đề khiến người ta tôn trọng, phải có khả năng phản tỉnh, đó là điều kiện cơ bản nhất, lớn nhất để sinh tồn, để phát triển dân tộc chúng ta. Trách đi trách lại chỉ trách người khác, thì dân tộc này không thể cứu vãn. Ðiều đó không chỉ với dân tộc ta, với bất cứ một dân tộc nào, hậu quả cũng vậy thôi. Người Anhđiêng nói dân da trắng giết hết họ, thù dân da trắng đến tận xương, chỉ thù không thôi thì có tác dụng gì? Tự mình phục hưng mới đúng. Mình không thể phục hưng, sau này dân da trắng có thể còn giết nữa. Tôi cho rằng đừng nên trách cứ người khác, điều đó mới là quan trọng. Ðiều nữa, sau khi thừa nhận sai lầm, thừa nhận khuyết điểm, mới khả dĩ phục sinh. Chỉ sợ rằng sau khi thừa nhận, thần kinh một số người đã bị suy sụp mất rồi.

Thính giả N: Xin hỏi ngài Bách Dương hai vấn đề: thứ nhất, ở Mỹ có một tác giả chuyên mục, tên là Paokơoa, báo Liên Hợp của Ðài Bắc thường đăng tải bài dịch của ông ấy, phong cách của ông ấy gần giống với phong cách của ngài, không rõ quan điểm của ngài như thế nào? Thứ hai, phong cách này ở trong nước hiện nay có cho phép tồn tại hay không? Tôi tin đó là một hình thức biểu đạt rất hay, là thứ văn chương có trình độ rất cao, tôi đã hơn hai mươi năm không được đọc loại văn chương như thế, không rõ trong nước tình hình ngày nay ra sao ?

Bách Dương: Ở Ðài Loan hiện nay, mọi người sống tương đối tự do. Tự do cũng rất tương đối, không hề có tự do tuyệt đối. Như văn chương của Paokơoa ở Ðài Loan rất thịnh hành. Tôi cho rằng tác phẩm của tôi với ông ta không giống nhau, nhưng có hai nhà văn giống ông ấy, là Phan Vinh Lễ, và Khả Phả, họ dùng mô thức của Paokơoa viết rất hay, rất sắc sảo, cũng không nghe nói đem lại phiền toái gì cho họ.

Thính giả O: Thưa ngài Bách Dương, tôi đọc văn của ngài thấy rất cay nghiệt, nhưng hôm nay nghe ngài nói chuyện lại thấy ngài rất đáng mến (có tiếng cười). Nói thật đấy, nhưng bây giờ tôi có một yêu cầu muốn hỏi, không hiểu "văn tự ngục" (nghĩa là Tù văn chương- dịch giả) có phải một đặc sắc của văn hóa Trung Quốc không? Trong lịch sử phương Tây, tôi chưa tìm thấy case (trường hợp) tương tự như "văn tự ngục" của Trung Quốc xưa. Ðối với thứ tù văn chương này, không rõ tới đây, ngài có ý định viết bài về những ảnh hưởng của nó đối với tầng lớp trí thức, sau việc đào bới triều Minh?

Bách Dương: Rất cảm ơn ý kiến của bạn, ở trong tù, tôi sưu tầm được rất nhiều tư liệu, chuẩn bị viết một cuốn Trung Quốc oan ngục sử, số vụ oan ngục Trung Quốc (bao gồm cả văn tự ngục), nhiều đến mức có một không hai trên đời này (có tiếng cười).

Thính giả P: Thưa ngài Bách Dương, tôi rất tán thành việc ngài viết cuốn Oan ngục sử này. Ngài tốt nghiệp đại học Ðảo Xanh, tôi tốt nghiệp tiểu học đảo ngoài, tôi và ngài giống nhau.

Bách Dương: Bạn ngồi mát mấy năm?

Thính giả P: Thưa, nửa năm.

Bách Dương: Mẫu giáo, trường mẫu giáo (thính giả cười ầm lên).

Thính giả Q: Trong cuốn Con sâu dậy sớm, ngài tuyên truyền tiểu thuyết viễn tưởng, khuyên người ta không nên đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Trên nguyên tắc tôi đồng ý, nhưng Nghê Khuông lại nói: Không đọc tạp văn của Bách Dương là một tổn thất lớn trong đời, không đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung cũng là một tổn thất lớn khác trong đời, không biết ngài nhìn nhận ra sao? Vấn đề thứ hai là nghe nói thời gian ngài ở Ðảo Xanh, đọc rất nhiều sách bói toán (có tiếng cười). Tôi cho rằng bói toán là một bộ phận văn hóa Trung Quốc, rất thần bí, không hiểu ngài có cảm tưởng gì ?

Bách Dương: Khi viết bài đó, tôi chưa được đọc truyện Kim Dung, vì ngày đó truyện của ông ta chưa được phát hành ở Ðài Loan (có tiếng cười). Khi tôi đọc Kim Dung rồi, các truyện võ hiệp khác không thể đọc được nữa. Tôi từng đọc Vương Ðộ Lư, Bất Tiêu Sinh... rất nhiều truyện võ hiệp, nhưng khi đọc Kim Dung rồi, thì tất cả đều không so sánh nổi. Chữ nghĩa, ý tưởng của Kim Dung rất có trình độ, đặc biệt tiểu thuyết võ thuật của ông ta ở nước ngoài rất thịnh hành, mang ý nghĩa rất lớn. Vì người thông thường đọc văn học chính thống rất mệt mỏi, tiểu thuyết võ hiệp vô hình trung cảm hóa được người đọc, khiến Trung văn được phổ biến rộng rãi. Thật tình ông ta viết rất hay, tôi rất khâm phục ông ấy, bút pháp của ông ấy hiện nay vẫn thuộc loại độc đáo. Khi ngồi tù, tôi mua rất nhiều sách bói, mười hai năm sau ra tù, thời cuộc thay đổi, tôi không cách gì để kiếm sống, định dọn bàn xem bói ở vỉa hè (có tiếng cười, tiếng vỗ tay), tôi đọc và nghiên cứu hơn một năm trời, về sau người ta nói với tôi, tù chính trị không được hành nghề bói toán, thì tôi bỏ không nghiên cứu nữa. Nói đến số phận, tôi tin số phận, các bạn trẻ có lẽ không tin, khi tôi còn trẻ cũng không tin. Tăng Quốc Phan có lần nói với Lưu Thứ Thanh: "Không tin sách, tin số phận". Lưu Thứ Thanh nói: "Lời của ông, lưu truyền muôn đời". Có rất nhiều sự việc trên đời ta không điều khiển nổi, ngoài sự giải thích bằng số phận, không thể giải thích bằng cách nào khác. Hiện tượng không thể giải thích nổi, ta gọi là số phận, anh gọi nó "Không số phận" cũng được, nhưng vẫn phải đặt cho nó một cái tên. Tối hôm qua, máy bay hãng Hàng không Viễn Ðông bị nổ. Trước đây tôi thường đi máy bay từ Ðài Bắc đến Cao Sung khám mắt. Tôi hay viết bài cho Thời báo Ðài Loan, ông chủ tòa soạn là ông Ngô Cơ Phúc, càng thường xuyên đáp máy bay đi lại Ðài Bắc, Cao Sung, tôi rất lo cho ông ấy. Ðiều đó đã chứng minh anh có thể làm cho máy bay lên trời, nhưng anh không có khả năng làm cho máy bay tránh khỏi sự cố.

Thính giả R: Ngài tán thành chữ giản thể, lại tán thành chữ La Mã đánh vần ...

Bách Dương: Không phải chữ La Mã đánh vần, là Trung văn đánh vần. Vì cách nói của bạn nhắc đến...

Thính giả R: Ngài nhắc đến Kim Dung, tán thành ưu điểm về câu chữ của ông ấy, điều đó phải chăng liên quan cả đến ưu điểm của hình khối con chữ, hay chỉ là ưu điểm của âm sắc? Nếu giản hóa rồi, thậm chí chỉ còn lại tiếng Trung đánh vần, thì liệu ưu điểm của hình con chữ và ưu điểm của chữ đẹp phải chăng chỉ tồn tại nhờ vào ưu điểm của âm thanh?

Bách Dương: Thiết nghĩ, khi ta đem âm chuyển thành hình rồi, Hình, Âm, Nghĩa vẫn kết hợp lại thành một, không thể tách rời. Người Trung Quốc nhìn thấy chữ "Cười" cảm thấy buồn cười, nhưng người Mỹ nhìn thấy chữ Laugh cũng cảm thấy đang cười, người phú cho hình đó ý nghĩa gì, thì nó sẽ mang ý nghĩa đó. Người nhìn thấy bông hoa, có thể cảm giác nó cười, cũng có thể cảm giác nó đang khóc. Sau khi chuyển đổi, chữ và nghĩa có thể hợp nhất lại từ đầu.

Thính giả R: Nếu vậy cần bao lâu nữa mới kết hợp lại từ đầu?

Bách Dương: Nhiều nhất một tuần (cười ầm lên). Ý tôi nói là đánh vần dễ lắm, chỉ một tuần là biết, còn học chữ vuông thì học mười năm cũng không xong.

Thính giả S: Hôm nay, tôi cảm thấy rất vui được gặp ngài ở nước ngoài, sau bao năm tù đầy. Tôi có một vấn đề nhỏ xin chỉ giáo. Ngài trải qua bao nhiêu trắc trở gian nan, sao lại có thể có những cảm hứng như hôm nay trước mọi người? Ngài dựa trên cơ sở tâm tính nào, để san bằng những nỗi đau bất hạnh? Tôi rất hy vọng được học hỏi về điều này.

Bách Dương: Tôi cảm giác tôi chẳng có gì thay đổi cả, ở trong tù cần khóc là tôi khóc, cần vui là tôi vui. Có người nói trong tù thì ngày nào cũng rầu rĩ ủ rũ, chứng tỏ họ chưa bao giờ ngồi tù. Rầu rĩ ủ rũ mười năm thì đứt ruột mất. Khi cần vui thì phải vui lên chứ (có tiếng cười). Còn điều nữa là tôi nhìn nhận thế này, đời gặp tai vạ như tôi, thậm chí nghiêm trọng đến mức xử tử như trường hợp của tôi, về sau giảm xuống mười hai năm, mười hai năm là quãng thời gian dài lắm chứ, không phải ai cũng dễ thích nghi. Gia đình xẩy ra biến cố, có người bị vợ bỏ, chồng bỏ, những đôi vợ chồng trước đây đều đã từng hứa hẹn thề thốt, nay cũng thay đổi. Còn một hiện tượng nữa là tình bạn bị chấn thương, bạn bè tự nhiên không dám gặp anh, có những người bạn ngày thường ta nghĩ có thể gửi gắm cả tính mệnh sự nghiệp của mình, nay đã thay đổi. Trong khi có những người quen sơ thôi, không ngờ lại có thể nhờ vả, trông chờ. Nhưng tất cả những cái đó tôi đều quan niệm, chỉ là vấn đề cá biệt, không phổ biến. Thí dụ tôi vào tù được hai tháng, vợ trước đã bỏ tôi, không đến hai năm thì chính thức ly hôn, khi tôi gửi đơn ly dị cho cô ấy, cô ấy hỏi: đồ đạc của anh bây giờ như thế nào? Tôi hỏi cái gì là đồ đạc của tôi? Ở nhà cái gì cũng là của tôi cả, nay ủy quyền cho cô, còn những thứ mà cô cho là của tôi, hãy quẳng hết ra ngoài đường, vì ở Ðài Loan tôi không có họ hàng thân thích, không có chỗ để gửi. Tôi cho đó là rất cá biệt, không phải người đàn bà nào cũng như vậy. Ðàn ông cũng thế thôi, ngưòi chồng thay lòng đổi dạ, cũng chỉ là ngưòi đàn ông đó, không phải tất cả đàn ông trên đời này đều khốn nạn (có tiếng cười). Bạn bè cũng vậy, có người sợ anh vay tiền, có người giậu đổ bìm leo, hoặc làm như không quen anh, hoặc quyết liệt hơn, đòi xử tử anh chẳng hạn, đó cũng là trường hợp cá biệt, chỉ một nhúm người như thế. Ngoài ra, còn rất nhiều người giúp đỡ anh, sự thực là như vậy. Tôi cảm giác không bị hẫng hụt, nếu bị hẫng, không bạn bè nữa thì thôi.

Thính giả T: Hiện nay chính phủ có điều luật bồi thường, không rõ ngài Bách Dương khi nào có thể đưa ra vụ oan ngục này đòi bồi thường ?

Bách Dương: Oan ngục phải là chính phủ thừa nhận đó là oan ngục mới được. Như tôi, thì không phải oan ngục (có tiếng cười).

Thính giả T: Thưa ngài Bách Dương, ngài là chuyên gia tình yêu (có tiếng cười), có một người phụ nữ ở Mỹ nêu ra một giải đáp: tại sao hiện nay ở Mỹ tiền tệ lên giá, nguyên nhân là vì tỷ lệ ly hôn quá cao? Quan điểm của ngài thế nào?

Bách Dương: Về những sự việc như thế này, mỗi người đều có cách nhìn riêng của mình. Cũng như tôi thì cho rằng sở dĩ nước Mỹ hàng hoá lên giá là vì nguyên nhân nước Mỹ dùng giấy quá lãng phí (có tiếng cười). Ở Ðài Loan không có giấy cho nên ngành báo chí không mở rộng, không được tăng số trang, là vì Mỹ lãng phí giấy quá (có tiếng cười).

... Chủ tọa: Nếu mọi người đều không hỏi gì nữa, thì buổi tọa đàm của chúng ta kết thúc tại đây, vì tối nay, ngài Bách Dương còn phải đến trường Ðại học Bơckơli diễn giảng về một đề tài khác (có tiếng vỗ tay).

© 2003 talawas
Nguồn: Nguyên bản đăng tại Báo Luận Ðàn, Lốt AngiÆ¡let, từ ngày 14/2 đến 7/3/1982