© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.2.2003
Bách Dương
Người Trung Quốc xấu xa
Nữ Lang Trung dịch theo bản của Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại, Trung Quốc, 1987
Nữ Lang Trung dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Cuộc đại trưng bầy bệnh u mê (tạp văn)


1. Triết học từ kính nể, sợ hãi

Nền văn hóa truyền thống năm nghìn năm nay lấy tôn thờ quyền thế làm nền tảng, khiến cho quan hệ giữa người với người thiếu vắng tình "yêu", chỉ còn lại thứ tình cảm "đáng kính đáng sợ". Tôi viết đến đây, chắc có người không chịu : "Chúng ta có Nhân đấy chứ". Nếu nói đến "nhân" thì phải nói làm hai vế : một, quả là có "Nhân", nhưng cũng chỉ là "Nhân" trên trang sách, hàm lượng "Nhân" trong hành vi rất thưa thoáng, cho nên chữ "Nhân" mà động tý là chúng ta lôi ra để trưng trộ ấy, chỉ có thể tìm trên sách vở, mà rất khó kiếm trong hành vi, cử chỉ. Vế thứ hai là "Nhân" khác với "ái", và hình như "ái" cũng không hẳn là "Nhân". "Nhân" là lòng thương xót và sự ái ngại của người cầm quyền với thứ dân, đó là sự gia ơn, bố thí, tỏ lòng khảng khái độ lượng, là cách dậy dỗ trẻ nhỏ của thầy cô trong trường mẫu giáo. Sự thật giữa người với người đầy rẫy những quan hệ "cung kính" và "sợ hãi". Có loại vì kính nể thành ra kiếp sợ, như con đối với cha. Có loại từ sợ hãi mà trở nên kính nể, như gái điếm đối với làng chơi, như đại thần đối với Hoàng đế, như thứ dân đối với quan lại, như phạm nhân với cai ngục. Các vị không xem tiết mục ngài Chu Toàn Trung làm đại tiệc thết quần thần sau khi lên ngôi Hoàng đế sao? Người anh là Chu Dục chửi rằng: "Này cậu ba, làm phản như thế không sợ hủy diệt gia tộc à?" Thế là cuộc vui mất hứng mà tan, sử sách lập tức ghi rằng ông anh ngài là đấng trung thần sáng giá, thực ra anh ta chỉ lo họ tộc bị diệt mà thôi. Tiết mục như vậy trong chính sử nhiều vô kể, bất cứ một sự việc gì, nếu gạt bỏ yếu tố sợ sệt, còn lại là thứ tình cảm không đáng để tâm. Trong Hồng lâu mộng, Giả Bảo Ngọc tiên sinh nói với Lâm Ðại Ngọc nữ sĩ rằng: "Trong lòng ta trừ bà nội, cha mẹ ta, thì chỉ còn có em thôi." Cho đến bây giờ, lão Bá tôi vẫn nghi ngờ về tính chân thực trong câu nói đó, nói rằng yêu bà hắn, yêu mẹ hắn, không bịa chút nào, nhưng nếu nói yêu cha của hắn thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Lục soát cả cuốn truyện bằng kính hiển vi đi chăng nữa, e rằng cũng chẳng thể tìm nổi một dấu vết gọi là tí chút tình yêu với cha, mà hầu như là lòng khiếp sợ. Mỗi khi nghe có tiếng cha gọi, là như sét đánh ngang tai, một đứa trẻ đối với người cha sao lại có thể mang thứ tình cảm khủng kiếp đến thế. Trong thâm tâm, biết đâu nó lại mong cho ông già chết sớm cho rồi.

Thứ triết học từ lòng kính nể, sợ hãi kia làm cho khoảng cách quan hệ giữa vua và tôi, giữa quan và dân càng ngày càng giãn xa, tôn nghiêm của nhà vua ắt phải : "Lên cao tới ba mươi ba bậc thiên đàng, lợp ngói cho Ngọc Hoàng Ðại Ðế." Còn sự đớn hèn của chúng dân thì ắt phải : "Chết xuống mười tám tầng địa ngục, đào than cho lão Diêm Vương". Ðó là thứ không thể có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, cũng là tố chất khiến Trung Quốc ắt phải gặp hạn.

Trích từ tập "Ðâm mạnh vào vại tương


2. Thiếu tinh thần dám nghĩ dám nói

Không biết người nào, có lẽ là ngài Cơ Ðán được mệnh danh Chu công thì phải, nghiễm nhiên phát minh môn học vấn Hoạn quan. Ðàn ông đương nhiên là đàn ông, nhưng lại bị cắt mất bộ máy sinh dục, bạn hữu kiểu này, có công dụng của nam giới, nhưng lại không có nguy hiểm của đàn ông, thật là một đại cống hiến tuyệt vời. Bởi vậy, lên ngai làm Hoàng đế thì được sướng mãi không mệt mỏi, trở thành một trong những văn hóa truyền thống năm nghìn năm ưu tú của Trung Hoa. Than ôi, "Khổng Tử nói nên có Nhân, Mạnh Tử nói nên lấy Nghĩa!" Tôi thì nghĩ rằng cắt bỏ bộ máy sinh dục tươi sống của đàn ông, chắc không phải Nhân, cũng chẳng phải Nghĩa. Nhưng thứ chế độ cung đình cắt bỏ bộ sinh dục năm nghìn năm nay lại không có một ngưòi nào là cảm thấy không ổn, trong đó bao gồm cả các "Thánh nhân" - ngài Chu Hy và ngài Vương Dương Minh, quả đáng lạ thay lạ thay! Một đất nước Trung Quốc vốn dày đặc đấng quân tử, không thiếu đức thánh hiền, lại còn sở trường hay chỉ trích kẻ khác nữa, mà coi việc thiến người của Hoàng đế như không có chuyện gì xẩy ra, thì quả thật không ai hiểu nổi. Theo tôi thì không ngoài hai nguyên nhân, một là tuy có người cảm thấy không ổn, nhưng việc này có quan hệ đến chuyện cắm sừng của Hoàng đế, thì đành tự giác cấm khẩu. Nếu chẳng may Hoàng đế nghe theo đề nghị của hắn, bỏ lệnh hoạn quan, kiếm một loạt thanh niên trai tráng đến kèm cặp ngần ấy mỹ nhân, e rằng sừng cắm tứ tung, sát khí bốn bề, khi đó thì chỉ có uống cho tong đời, chứ trong lịch sử, bất cứ ông bạn nào ăn thịt lợn đông lạnh, dù có danh lừng bốn cõi, nhưng khi gặp Hoàng đế thiến người, cũng chỉ có thể làm ngơ như không nhìn thấy. Nguyên nhân thứ hai là, năm nghìn năm nay, quân ư thần ư, thánh ư hiền ư, đều ù ù cạc cạc kiếm sống qua ngày, rất có thể không một người nào nghĩ tới việc thiến bỏ bộ sinh dục là thất đức. Sự thiếu hụt của văn hóa Trung Quốc hình như chính là thứ tinh thần dám nói và dám nghĩ như thế. Ông vua có quyền giết người, ông ta nghĩ thế là "đúng", đừng tưởng cắt bộ máy sinh dục của mấy gã đàn ông đã là thá gì đâu, đến cả chém hàng ngàn hàng vạn cái đầu người cũng là chuyện dĩ nhiên đương nhiên ấy mà. Dưới thế quyền uy chất chồng, con người mất hết cả mùi vị, mà tính nô bộc thì ngấm tận xương, chỉ cần ông cho tôi làm quan, ông làm gì tôi cũng tán thành.

Trích từ tập "Không tỉnh"


3. Ðối với việc, không đối với người

Ông Tônxtôi có lần bố thí cho kẻ hành khất, người bạn can ông : kẻ ấy không đáng bố thí vì phẩm hạnh xấu xa, tai tiếng khắp thành phố Matxcơva. Ông Tônxtôi trả lời : "Tôi không bố thí cho con người đó, mà tôi bố thí cho nhân đạo."

Than ôi, khi chúng ta bố thí cho kẻ đang hấp hối, không thể đi điều tra trước hạnh kiểm của kẻ đó là loại A hay loại D, nếu loại A thì đồng tiền vừa moi ra được quăng xuống, nếu loại D thì đồng tiền vừa moi ra lại được đút vào túi sao ? Tóm lại, đó là vấn đề nhân đạo, không phải việc chấm điểm của chủ nhiệm lớp huấn đạo.

Cô Hà Tú Tử - danh kỹ của Ðài Bắc uống thuốc tự tử, chấn động làng báo chí, sau được cứu sống, cô ta mời nhà báo đến ngụ xá, tố cáo sự quấy rầy của mấy tên cảnh sát ngoài khu vực và ông tổ trưởng. Vụ tố cáo đâm ra rắc rối, người phản ứng dữ dội đầu tiên là ông cục trưởng Cục cảnh sát, quyết diệt cô ta. Thời xưa thì "Làm việc nước không nên đắc tội các nhà giàu sang quyền thế", thời nay thì "Mở nhà chứa không nên đắc tội cảnh sát". Bây giờ trót xé rách bộ mặt chiêu bài ấy, còn muốn tiếp tục nữa thì không cần bói cũng thấy rõ cả tương lai tiền đồ rồi. Phản ứng dữ dội thứ hai là hai nhà văn viết chuyên mục trên báo, cho ra lời lẽ chỉ trích có vẻ nghiêm chỉnh. Tóm tắt là : một kẻ mở nhà chứa mà dám mời phóng viên hẳn hoi, còn ra cái thể thống gì ?

Về sự việc đầu tiên, đối với cô gái điếm nổi tiếng mở kỹ viện kia, cho đến khi bị rạch mặt mới nổi giận lôi đình, ngoài câu "rất đáng tiếc" ra, chúng ta còn có thể nói thêm được gì nữa ? Hễ nói thì phải dính đến chuyện phong bì, liệu ngài Bách Dương có chịu nổi không? Thế thì, đối với việc thứ hai, tức là đối với ty tỷ ông thánh con vừa rộng dài học vấn, vừa ngang nhiên đạo mạo, lại vừa có đất để dụng văn chương bằng con chữ vuông kia, không thể không kính mời họ lắng nghe câu nói của ngài Tônxtôi.

Cô Hà Tú Tử làm gái điếm là một việc khác, nhân quyền lại là một việc khác, phải chăng hiến pháp Trung Quốc quy định gái điếm không được tiếp đãi phóng viên ? Một cô gái điếm bị thiệt thòi oan uổng, phải chăng không được kêu rên, hễ rên rỉ là "còn ra thể thống gì" ? Chỉ có kẻ chinh phục - đế quốc Mông Cổ mới chia người Trung Quốc thành bốn đẳng mười cấp, "Người Nam" là loại kém nhất, chẳng lẽ bản thân người Trung Quốc cũng đem gái điếm quy vào tầng lớp thấp nhất, không được hưởng bảo hộ của nhân quyền và luật pháp ư ?

Ðó thuộc một vấn đề rất cơ bản, ngày nay chính phủ nhiều lần ra lệnh cấm cảnh sát ép cung phạm nhân, không biết có làm được hay không, nhưng đều đứng trên quan điểm này. Một con người khi phạm pháp, đương nhiên là xử tội, nhưng nếu mọi ngưòi đều coi hắn là đồ bỏ đi, đấm đá tùy ý, thậm chí còn cắt mũi cắt tai, còn không cho họ ho hắng : "Ho he cái gì! Mày ăn cắp của người ta một trăm đồng còn nhân cách hả ? Còn dám kêu la hả ?" Cái đó đáng ra là việc của những bộ lạc mọi rợ ăn thịt người, mà không phải việc của nước Trung Quốc hiện đại hóa.

Ngài Pholutaylo nói : "Dù rằng tôi phản đối những lời nói của anh, nhưng tôi vẫn hết sức tranh đấu cho anh được tự do ngôn luận." Trong khi đó, các nhân sĩ hay mệnh danh dân chủ lại sử dụng ngòi bút to tướng của họ đi bịt miệng một người đàn bà khốn khổ, khiến người ta lâm vào cảnh như mất mẹ mất cha !
Trích từ tập "Nghe chửi"


4. Chỉ tôi là ngoại lệ

Ý nghĩa cốt lõi của nền chính trị dân chủ là "Tôi không ngoại lệ". Mọi người đều không được vượt đèn đỏ, bản thân tôi cũng không vượt. Mọi người đều không được khạc nhổ tùy tiện, bản thân tôi cũng không nhổ bậy miếng nào. Mọi người đều tán thành pháp chế, thì tôi cũng không đòi đặc quyền. Khi chế độ đã được thiết lập, thì tôi không phá hoại nó... Khốn nỗi, trò chơi này một khi đến Trung Quốc, thì bỗng trở thành "chỉ tôi là ngoại lệ" : tôi phản đối vượt đèn đỏ, chỉ là phản đối người ta vượt, còn tôi thì có thể vượt kiểu như thế ! Tôi phản đối nhổ bậy, chỉ là phản đối người ta, còn tôi muốn nhổ kiểu gì thì nhổ. Trước khi tôi tán thành luật pháp mọi người bình đẳng, nhưng tôi thì không thể bình đẳng với mọi người. Tôi tán thành thiết lập chế độ, nhưng chỉ hy vọng các người tuân thủ, bản thân tôi thông minh tài giỏi hơn người, không thể chịu sự gò bó như thế. Nói tóm lại ngài tôi đây nếu không ngoại lệ, thì còn đâu là thể diện, sống trên đời còn thú vị gì nữa!

"Thể diện" của ngài Phu Tử là gì vậy? Các đại nhân phương Tây nghiên cứu mãi vẫn không hiểu nghĩa, có vị giải thích là "mặt mũi", nói vậy thì chỉ tính lớp vỏ bề ngoài, không tính đến nội dung thực tế. Có vị giải thích là "Tự trọng", nói vậy là danh hão đứng đầu, thực chất theo sau. Lão tôi đây thiết nghĩ, cái gọi là thể diện ấy, là sản phẩm của thần kinh bạc nhược và tính ích kỷ bền vững. Vì thần kinh bạc nhược, có tật giật mình, nên mới lấy sự kiêu ngạo để bù đắp lòng tự ti ở bất cứ đâu đâu. Vì tính ích kỷ bền vững, cứ sợ rằng không được lợi lộc gì, nên ở đâu đâu cũng đòi "tôi là ngoại lệ".

Phàm là con người đều mang tính ích kỷ, không nên phủ nhận điều đó một cách thái quá, hơn nữa nó còn là nguồn động lực thúc đẩy xã hội tiến bộ. Nhưng một khi tính ích kỷ đó vượt quá giới hạn, là thành ra cục phân thối, chỉ có thể khiêng đến cửa Nhà Vĩnh Biệt để nằm chờ tắt thở. Than ôi! Một kế hoạch cũng được, một biện pháp cũng được, một hội nghị cũng được, một quyết sách cũng được, thậm chí một vụ kiện cáo cũng được, kẻ nào tham dự vào việc đó, cái suy nghĩ đầu tiên ắt là: "Mình được cái lợi gì ở trong đó đây?" Tức là, mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền? Ðược hưởng quyền lợi gì? Bớt được bao phần trách nhiệm? Từng câu từng chữ, nhất cử nhất động, đều quẩn quanh mấy thứ đó, trên cũng vậy, dưới cũng vậy, anh cũng vậy, tôi cũng vậy, tất cả đều ôm chặt lấy cục phân ấy, không chịu buông tha.

Trích từ tập " Ðâm mạnh vào vại tương "


5. Mưu lợi có gì không đúng

Ngài Tôn Quan Hán cho rằng "Quan niệm cũ" và "Vại tương" tuy khác nhau cách gọi, thực chất là giống nhau. Ngài Bách Dương lại nghĩ, hai khái niệm đó chỉ giống nhau phần nào, hành vi được sản sinh dưới quan niệm cũ, cũng có mặt sáng sủa ngang hàng với mặt trăng mặt trời. Duy có quan niệm giòi bọ trong vại tương, dù nó có mới đi chăng nữa, cũng là sa đọa, độc ác.

Cho đến ngày hôm nay, trong "quan niệm cũ", người ta còn khinh thường nghề buôn bán, cho là kiếm tiền bằng nghề buôn, dù chính đáng cũng là mất thể diện, điều đó liên quan đến vấn đề đi chệch hướng của nền văn hóa. Nói tóm lại nền văn hóa của chúng ta đáng ra đi trên con đường sáng láng thênh thang, nhưng bị thể chế phong kiến và những hiền thánh Nho phái bấy lâu nay gây sức ép, vừa đánh đập vừa xô đẩy, nhét cho bằng được vào cái vại tương. Mới đầu còn nghe thấy mọi người la ó lung tung, sau bị ướp thành giòi bọ, đừng có nói là kêu la nữa, cả tiếng ho hen cũng thành im re. Học thuyết của ngài Mạnh Kha là: "Nói đến lợi lộc làm gì, chỉ vì Nhân Nghĩa mà thôi", vị tổ sư không tính lợi lộc ấy, đã vì hàng nghìn hàng vạn con giòi trong vại tương, sáng chế ra bao mặt nạ Nhân Nghĩa, rõ ràng đã mắc bệnh giang mai, mặt mũi bị sưng tấy lở loét cả ra rồi, nhưng cứ lấy mặt nạ đeo vào, lại lớn tiếng: "Ra mà coi này, ta đẹp đấy chứ!"

Dưới hình hài bề mặt bình tĩnh nhưng trong lòng nghi kỵ không yên, các bạn hữu nhà Nho nhìn nhà buôn với con mắt đầy khinh thị, đố kỵ và căm ghét. Mỗi khi nhắc đến nhà buôn, thì gọi là "gian thương". Ðương nhiên gian thương rất nhiều, bọn tồi tệ trong giới viên chức nhà nước cũng không ít, nhưng kỳ lạ thay là không nghe ai nói "gian quan" bao giờ, (nhưng cái từ "tham quan" thì xuất hiện liên tục). "Buôn phu tử" lãi được tiền bằng thủ thuật chính đáng hợp pháp, ăn ngon mặc đẹp một chút thì người ta ghen ăn tức ở. Nhưng "Ba năm tri phủ trong sạch, mà kiếm được mười vạn lượng bạc" thì lại thành quý phái cao sang, mọi người đều dựng ngón tay cái lên ca ngợi hắn "giỏi".

Một học sinh ở Học viện văn hóa Trung Quốc lớp ban đêm, kể với ngài Bách Dương về người thày Phó Tông Mậu. Thầy Phó giảng bài được học sinh hoan nghênh, không những thầy có khoa nói, lại rất sâu sắc, bữa trước trong một giờ giảng cuối kỳ học, thầy đả kích mạnh mẽ học thuyết "Giữ gìn tình nghĩa, không màng lợi lộc" của nhà Nho. Thầy còn khuyến khích học trò nên kiếm tiền bằng phương thức chính đáng, hợp pháp, "mưu lợi" không phải một điều sỉ nhục, ngược lại là một điều vinh quang. Các nhà Nho luôn miệng không bàn lợi, không nói tiền, nhưng lòng dạ lại chất đầy những quan niệm méo mó về tiền và lợi. Cần phải sửa sang, xã hội dân sinh mới có thể vươn lên không ngừng.

Cậu học trò khi kể chuyện này, đầy lòng tôn kính thầy giáo. Ngài Bách Dương được nghe chuyện này, cũng đầy lòng tôn kính thầy Phó Tông Mậu. Nói tóm lại, cần phải thủ tiêu mối dục vọng ích kỷ ẩn náu trong lòng người Trung Quốc chúng ta. Miền đất bảo lưu đó để lại thêm ngày nào, lòng ích kỷ càng bền bỉ khó phá vỡ thêm ngày đó. "Không gì đau buồn hơn trái tim lạnh ngắt". Thương thay! Tim mà đã lạnh ngắt có nghĩa rằng lòng ích kỷ không thể phá vỡ nổi. Còn một hiện tượng không biết các ngài độc giả có chú ý hay không, chất giọng để hót về Nhân, Nghĩa, Ðạo, Ðức của người Trung Quốc thì phải công nhận là cao nhất so với chất giọng thiên hạ. Còn tính thông minh tài trí và sức phán đoán, chừng cũng đứng đầu thiên hạ. Vấn đề ở chỗ, chớ có chạm phải miếng đất bảo lưu trong tâm khảm đó, chỉ cần chạm khẽ thôi, lập tức hồ đồ đến mức thành một vại tương, nguyên tắc gì, lô-gích gì gì đi nữa đều như con gái đã khôn lớn là có thể mười tám phép biến.

Trích từ tập " Ðâm mạnh vào vại tương "


6. Cảm khái trầm kha

Trong xã hội Trung Quốc, "phẩm cách nghĩa hiệp" đã qua ngâm tẩm biến thành "rách việc", họ nhìn nhận việc này, không hề có chút ý nghĩ tử tế, càng không thể có chút mến mộ, mà chỉ còn lại những lời châm biếm và phỏng đoán đố kỵ. Hoặc tôn : đó là "thằng ngốc", hoặc tôn là "kẻ hiếu sự", trở thành trò cười thú vị nhất kể từ thời thượng cổ, và thành bài học chí lý nhất kể từ khi có loài người. Lớp trẻ vốn tính cương trực khí khái, có thể chưa nghĩ đến những điều đó, dù có nghĩ đến, có thể cũng xem thường. Nhưng lão Bách Dương tôi vốn khôn ngoan xảo quyệt thì chẳng dại gì dây dưa chuyện rắc rối. Thế mới là chỗ thông minh hơn người của lão, đời người không thể không hay. Nói tóm lại là đặc điểm của người Trung Quốc là thông minh có thừa, xã hội Trung Quốc chính là do vô số thông minh có thừa ấy mà hợp thành. Thông minh có thừa ắt dè sẻn lòng xót thương, cái đó chẳng thể trách ai, nếu để lòng xót thương đầy ắp, thì không tài nào thông minh nổi.

Về khoản túng thiếu lòng thương xót của người Trung Quốc, khiến ngài Do Nhân Hoa có được cảm khái trầm kha, một bầu linh khí sục sôi đã bị ngâm tẩm, trở thành một con giòi tê liệt trong hũ tương, muốn nó tươi tỉnh lại, e rằng bỏ công sức một thời gian cũng khó mà hiệu quả.

Trích từ tập " Ðâm mạnh vào vại tương "


7. Thứ nhất là bảo vệ bản thân

Thánh nhân từng nói: "Biết mà không làm, không phải biết thật". Chỉ biết việc hợp tác là quan trọng, nhưng trên hành động lại không hợp tác, thì coi như chưa phải là thật biết. Chỉ hiểu đoàn kết là sức mạnh, nhưng trên hành động lại không đoàn kết, thì cũng coi như không thật hiểu. Căn bệnh này hình như không phải do bản tính người Trung Quốc, mà do mọi người uống phải thuốc Nho học quá liều, uống đến nỗi giống như cái bụng vàng của ngài Bách Dương, mắc bệnh khó tiêu. Nói tóm lại, trên nguyên tắc Nho học không đề xướng chủ nghĩa tập thể, mà chỉ đề xướng chủ nghĩa cá thể. Ngài Khổng Khâu đối với những ông thánh loại hai "Hữu giáo vô loại" (Có giáo dục nhưng không cùng tông phái - dịch giả), dạy đi rồi dạy lại, tất nhiên cũng đề cập đến hành vi tập thể, nhưng liều lượng đề cập, so với hạt ngọc ủ trong vỏ con trai, không những thưa mà còn ít hơn kia, đa phần lời dạy chỉ dùng vào việc đào tạo cá nhân mà thôi. Khuôn hình lý tưởng cao nhất của các bậc nhà Nho xem ra chỉ có hai kiểu. Một là giáo dục thứ dân cách giấu đầu cúp đuôi như thế nào, mặc kệ việc nhà nước, chỉ cần lo cho tài sản nhà mình; dẫn một câu thành ngữ, đó là "Minh triết bảo thân'' (Sáng suốt giữ mình - dịch giả), "Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt" (Người thức thời mới là tài giỏi - dịch giả). Cổ vũ người Trung Quốc đi theo con đường - sức đề kháng yếu ớt nhất trong xã hội. Còn một kiểu khác là cầu xin sự nương nhẹ dưới bàn tay của phái cầm quyền, thương lấy tiểu dân không nơi nương tựa, ngự chân có giẫm đạp lên đầu cũng xin đạp nhẹ chút đỉnh; thành ngữ gọi là: "Hành nhân chính" (Thi hành chính sách nhân đức - dịch giả).

Ngài Khổng Khâu có một câu chuyện, thành nguyên tắc chuẩn mực nhất nhằm tránh né tai vạ, ngài nói : "Ngụy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo, tắc kiến. Vô đạo, tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện, sỉ dã. Bang vô đạo, hàn thả quý yên, sỉ dã." Dịch nôm na, thì hiểu ngay là: "Nơi có nguy hiểm thì chớ đến. Nơi có loạn lạc thì đừng ở. Thời bình mới ra làm quan. Thời loạn thì nên giữ khoảng cách, chuồn được thì chuồn. Nước nhà đại trị, mà anh không kiếm được chức quan nào, thì đáng xấu hổ. Nước nhà rối ren, mà anh lại kiếm được một chức quan, cũng đáng xấu hổ."

Ðoạn văn "Giáo huấn của thánh nhân" đầy sự thông minh lanh lợi, biết nhìn hướng gió chuyển tay lái, mọi người đều trở thành viên bi trơn tru nhưng lại không dễ tuột khỏi tay. Người ta giành thiên hạ thái bình rồi, thì hắn ra làm quan, khi cần xông trận mọi người đầu rơi máu chảy, thì hắn bôi trơn đế giầy, một mình hắn tính hết nước béo bở; các ông lão bà lão đưa hết con gái con trai sang Mỹ để "gây giống", đại khái thuộc loài chính thống của nhà Nho, có thể đảm đương chức lãnh đạo ngành Khổng Mạnh học rồi đấy! Trong con mắt của thế lực và danh lợi, chỉ có cố gắng thích nghi, cố gắng sao cho bản thân được an toàn, "Thiên kim chi tử, tọa bất thùy đường" (Tấm thân danh giá, không ngồi trong căn nhà sắp đổ - dịch giả). Dân trí thức không dám đến cả chỗ có thể gặp hòn ngói rơi xuống, chắc đối với sự thối nát của chính quyền, cảnh đau đớn của dân đen... các chuyện không liên quan đến ta, thì có mắt cũng giả bộ không nhìn thấy. Tóm lại, nhìn thấy thì không khỏi bực bội, bực bội thì không khỏi rêu rao, rêu rao thì không khỏi mang vạ. Hỡi ôi, toàn bộ giáo huấn của nhà Nho, thiếu vắng lời lẽ kích thích khí chất con người, rất ít bàn đến quyền lợi nghĩa vụ, không mấy khuyến khích cạnh tranh, chỉ một mực đòi hỏi con đồ cháu đồ, yên phận với hiện trạng, dương dương đắc ý, việc gì cũng có thể làm, chỉ không được phép mạo hiểm. Ðức Khổng Khâu ai cũng chẳng ưa, chỉ coi mỗi Nhan Hội nghèo xơ nghèo xác kia như bảo bối sống, ra sức khen ngợi khí chất chịu đựng nghèo khổ của cậu học trò, mà không hề ngẫm nghĩ nghiên cứu về trách nhiệm xã hội : do đâu mà khiến hai bậc hiền tài nghèo đến mức như thế? Càng không nghĩ đến việc cải tạo cái xã hội quần thể này như thế nào, chỉ biết nhắm mắt dạy dỗ người ta "Nghèo cũng phải vui vẻ". Nếu người Trung Quốc nào cũng vui vẻ như thế thì quốc gia, dân tộc sẽ sa sút tới xã hội nguyên thủy có ngày.

Trích từ tập " Ðâm mạnh vào vại tương "


8. Nước tiểu ngấm tận xương

Không nghiêm chỉnh, không nghề nghiệp, sống lông bông cho qua ngày, là đặc trưng của đại đa số người Trung Quốc. Nó hình thành một tâm lý què quặt trong tính con người, nghĩ mà ứa nước mắt. Kết quả không nghiêm chỉnh, không nghề ngỗng, ắt sinh ra ngón lừa lọc ma thuật chữ nghĩa gớm ghê. Tiếc rằng "Chân" không có vị trí trong văn kiện lịch sử, văn kiện lịch sử Trung Quốc cũng như văn hóa truyền thống Trung Quốc, bởi vậy không thể không đi nhầm hướng. Cùng với tiếng bước chân nhầm đường lạc lối ấy, bà con Trung Quốc đều tình nguyện đem hết sức bú mớm bình sinh kia, để theo đuổi cái "Thiện", truy tìm cái "Mỹ". Ðộc có cái "Chân" thì nhắc cũng không nhắc đến, hễ nhắc đến "Chân" là lắc đầu, muốn không lắc đầu cũng được, thì chỉ cần lờ đi là xong. Trên trên dưới dưới, nhớn nhớn bé bé, nhất loạt đều cho rằng sức mạnh của chữ nghĩa thật tình có thể tiễu trừ hoặc bẻ cong sự thật, có thể nhuộm trắng thành đen, tẩy đen thành trắng, đem hai cộng với hai thành tám, chứng minh được mặt trăng là vuông vắn bốn cạnh. Lớp trí thức hay chơi trò ảo thuật chữ nghĩa, lại nắm chắc trăm phần trăm rằng : bàn dân thiên hạ đều là cứt chó, mà số đông giòi bọ trong vại tương lại cam tâm tình nguyện - hơn nữa, bằng thứ tinh thần của Phan Kim Liên uống nước tiểu, để vững tin rằng mình không bị lường gạt. Chả trách được ngài Tô Tây Pha thở than : "Nước tiểu vào trong xương tủy, hóa thành nước mắt vại tương", giọt nước mắt ấy chảy đến hôm nay, vẫn chưa thôi chảy.

Trích từ tập " Ðâm mạnh vào vại tương "


Người Tây tiến một bước, người Trung Quốc lui một bước

Về bản chất, tôn thờ tổ tiên là điều linh thiêng, nhưng giống tế bào dù có ưu việt đến mấy chăng nữa cũng có thể suy thoái thành khối ung thư chí mạng, có lúc điều linh thiêng cũng khó tránh khỏi bị sa sẩy biến thành xác ma. Việc tôn thờ tổ tiên vượt quá một bước là lộn xuống bậc thang, trở thành sự mê muội xác ma. Ngài Khổng Khâu là người đầu tiên tác thành sự kết duyên giữa chính trị và việc tôn thờ tiền bối, đó là "thác cổ cải chế" (cải cách theo tinh thần đề cao thời cổ - dịch giả), "Cổ" và "Tổ tiên" đã hợp thành một, trở thành tai họa đầu tiên, tai họa sớm nhất giáng xuống dân tộc Trung Hoa. Trong cuốn "Vết thương lòng trong vườn rau", ngài Tôn Quan Hán đã tỏ ra rất khó hiểu điều này. Tóm lại là, người nước ngoài khi gặp một sự việc gì, đều nghĩ tiến một bước nữa ra sao, nhưng người Trung Quốc gặp chuyện, lại nghĩ lùi một bước như thế nào. Ô hô, "lui một bước" là triết học "minh triết bảo thân", là sự thần phục quyền thế tuyệt đối của nhà Nho, thực ra, "lui một bước" chẳng qua là kết quả mà thôi.

Thời Khổng Tử, tư tưởng này đã vô cùng đậm đặc. Ðối với sự bất bình của xã hội, sự đen tối của chính thể, sự khổ ải của chúng dân, ngài cũng mang lòng xót thương sâu sắc, và từng có những giải pháp, nhưng giải pháp của ngài không phải sự cố gắng "nhìn ra phía trước", không đưa ra một phương án có tính thời đại mới mẻ, mà là ra sức "nhìn về phía sau", "nhìn về thời cổ", "nhìn về tổ tiên", "nhìn về xác ma", ngắm Tam hoàng, ngắm Ngũ đế, ngắm Nghiêu Thuấn, ngắm Chu Văn Vương. Bản ý của ngài có lẽ chỉ muốn tô vẽ lên vẻ mặt của tổ tiên một bức họa cảnh sắc, để nhà cầm quyền noi gương. Nhưng ý niệm ấy đã bị thời gian pha loãng, và bị con giòi vại tương hiểu chệch đi. Do vậy, thứ "cổ" ấy như "chân Hồng Kông" (bệnh nước ăn chân - dịch giả) thành nấm thành mủ thối rữa, làm bất cứ việc gì, nếu không nắn bóp chân thối, coi như chưa gãi vào chỗ ngứa. Cứ phải bóp đến nhăn răng méo mồm, xuýt xoa thành tiếng, mới là có hiệu lực, mới thấy dễ chịu hết chỗ nói. Cái chết của ông bà ông vải lại tiến hóa thành xác ma, xác ma không những biết điều mưa khiển gió, rắc hạt đậu thành binh mã, trở thành đấng thông thái vạn năng. Hơn nữa còn trung dũng song toàn, học vấn, phẩm giá, đạo đức đều vượt bậc, cả đời không nhìn ngó đến phụ nữ, ngày ngày ngồi ngây như khúc gỗ, không dám nghĩ điều gì ngoài chữ "Ðạo" (hình như đã từng nghe con giòi nói, ngài Khổng Khâu khi chết thân thể vẫn trong trắng như trẻ con, thật là giữ mình như ngọc, có thể suy tôn là pháp giả của muôn đời.)

Hiện tượng đầu tiên của chứng mê muội xác ma là : "Thời xưa cái gì cũng có". Phàm thứ gì thời hiện đại có, thời cổ đều đã có: bom nguyên tử có, tia bức xạ có, máy bay đại bác có, ô tô có, dân chủ có, chính trị cộng hòa có, chém giết có, tiêu chảy có, vệ tinh có, gà trống đẻ trứng có, tụt quần đánh rắm có, giầy da com-lê có, điệu nhẩy cha cha cha có, Mi-ni-giuýp có, vân vân và vân vân, cứ biết là cái gì cũng "cổ dĩ hữu chi" (đã có từ thời xưa - dịch giả), chưa bao giờ là "không" cả. Chỉ cần anh ra một cái đề tài, loại giòi bọ này đều có thể viết một mớ điển cố về "có" từ thời cổ. Bởi "cái gì cũng có" đã ăn sâu vào tiềm thức, dân tộc Trung Hoa dần dà trở thành một dân tộc nông nổi và kiêu căng hão huyền. Tóm lại trò của các ngươi, ông bà tôi ngày xưa đã chơi chán, có gì mà nhắng cả lên ? Thế là tự mình bê hòn đá tảng bịt lối đi của mình, rồi tự mình lại chui trong cảnh bồng lai, nhắm nghiền mắt mà mơ tưởng ra chán vạn tiên nương mỹ nữ - Nhắm mắt mà mơ tưởng gái đẹp, là một thứ "ý dâm", nói như vậy còn là "triết học trực bát" (hai chữ trực bát ghép thành chữ chân, ý là khéo mồm, xu thời - dịch giả), nếu nói thẳng nói thật thì, đúng cái kiểu mân mê ma cà rồng ấy là thủ dâm hẳn hoi, hao tổn nguyên khí lắm.

Hiện tượng thứ hai so với hiện tượng đầu tiên còn khiến người ta tức đến "nộ phát xung quan" (tức đến nỗi tóc dựng ngược, bật cả mũ - dịch giả), đó là "thời xưa cái gì cũng tốt". Nếu chỉ là cái gì cũng "có" thì không lạ lắm, bắt buộc cái gì cũng "tốt" thì mới đủ tầm cỡ. Quan niệm méo mó ấy, ở thời kỳ Tần vương thống nhất Trung Quốc đã cực kỳ nặng nề, đại hoàng đế Doanh Chính bởi vậy mà nổi giận, cộng thêm bản tâu hớt của ngài tể tướng Lý Tư, nên bật ra ý nghĩ càn quét. Ô hô, không phải ngài Bách Dương đây vỗ tay tán thành đốt sách diệt Nho của vua Tần đâu, mà muốn nói quan niệm "thời xưa cái gì cũng tốt" cũng là "cổ dĩ hữu chi", không phải lực lượng ganepho mới dấy lên. Hai nghìn năm nay, tính khí của con người như bị a-xit ăn mòn, chỉ cần mỗi ngày nhỏ xuống một giọt thôi, cũng có thể chọc thủng núi Himalaya, huống hồ đó là cả một luồng tư tưởng.

Gọi là "tốt", có lẽ không phải chỉ đồ vật thuần túy, kể cả con giòi vĩ đại đến mấy đi nữa cũng biết ngượng nếu khen đôi hải xảo tốt hơn giầy da, phóng lao tốt hơn bắn súng máy, cưỡi con la con bò tốt hơn ngồi máy bay. Cho nên thời cổ cái gì cũng tốt nhưng chỉ hạn chế trong bốn hạng mục (bốn hạng mục này đều là hạng mục cỡ lớn cả, đủ khiến người Trung Quốc sắp đứt hơi rồi), ấy là: "người tốt","việc tốt","sách tốt","tên tốt".

Kể về "người tốt", thì khỏi giới thiệu, câu thiền cửa miệng của mọi người là : "Nhân tâm bất cổ", đúng là câu thiền cửa miệng, chỉ cần khẽ chạm vào thôi, câu thiền cửa miệng ấy như ăn phải khoai sống lập tức phóng uế, không qua khối óc, cũng chẳng qua trái tim. Tóm lại ngài ấy đã một mực khẳng định cổ nhân tốt đến đỉnh điểm, không bao giờ lừa ngài hại ngài cả, thậm chí ngược lại, khi ngài lừa ngài hại người xưa, người xưa còn phải cảm ơn ngài một cách đôn hậu dịu dàng. Nói đến người tốt ở thời xưa thì phải đong bằng đấu chở bằng xe, kể không hết, dùng không cạn. Người mà ngài Khổng Khâu kính phục đến sát đất, chắc không thể hơn được Ðường Nghiêu đế, kể cả nguyên thủ quốc gia ông ta cũng không làm, mà đem cả ngai báu nhường cho Diêu Trọng Hoa tiên sinh như nhường củ khoai nướng, Diêu tiên sinh cũng là đấng tốt nghiệp trường đại học Người tốt, sau khi làm bốn mươi tám năm vua, lại tung cái trò chơi ấy cho Di Văn Mệnh tiên sinh hứng. Dù như thế họ vẫn chưa ghê gớm, thực sự gớm ghê phải kể Hữu Do tiên sinh, hốt nghe thấy có người bảo ông làm vua, cứ như là nghe ai đó đọc " Tam tự kinh " vào lỗ tai "Làm cái mẹ..." vội vàng chạy đến bờ sông Amazôn rửa sạch màng nhĩ.

Quyền lực có chất độc đấy, người cầm quyền cầm mãi không tránh khỏi ngộ độc đâu. Ðế vương thời cổ, đại khái cũng na ná như Mao vương gia của đầm Nhật Nguyện (địa danh ở Ðài Loan - dịch giả), tộc trưởng của một bộ lạc, cho đến thời Hạ, ít nhiều cũng thiết lập được một số quy tắc, bắt đầu cảm thấy dễ chịu phần nào, nên sau khi ngài Tự Văn Mệnh vào quan tài thì con trai là Tự Khải không chịu rời quyền. Sự kiện đó khiến mặt mũi lũ giòi bọ kém hào quang, họ đành phải dùng đến chiến thuật lừa văn tự, nói lấy được là do dân chúng đòi đi theo ông ấy. Cha con Cơ Phát nổi dậy binh biến, thiêu sống vua Ân Trụ. Nếu theo nguyên tắc và lô-gích của lũ giòi bọ thì hành vi này đáng đẩy xuống mười tám tầng địa ngục cho ăn cứt Diêm vương. Khốn nỗi cổ nhân đều tốt cả, mà ngài Khổng Khâu lại trót trát vàng lên mặt hai cha con nhà ấy rồi, thì bắt buộc phải ỷ vào xảo thuật của chữ nghĩa thôi. Ngài Mạnh Kha nói rất văn nghệ rằng khi ngài chinh phạt phía đông thì tiểu dân ở phía tây lại trách móc: "Tại sao không đến đánh chúng tôi trước ?" Khi Nam chinh thì thứ dân ở phía Bắc lại trách móc rằng: "Tại sao không đến đánh chúng tôi trước?". Nghe thật sướng tai. Tóm lại cổ nhân khéo hết lời, thì cứ mặc cho họ khéo vào con mắt bão đi.

"Người" của thời xưa đã nói là rất tốt rồi, dĩ nhiên các "việc" của người xưa, như pháp lệnh quy định v.v., cũng phải tốt đến mức không biết nói thế nào, đụng cũng không được đụng. Nếu to gan lớn mật, muốn sửa đổi một chút, là như dí khẩu súng vào lỗ trôn lũ giòi bọ, sẽ nghe họ thét đến trời cũng phải long, đất cũng phải lở. Ngài Vương An Thạch là nhà chính trị kiêm nhà tư tưởng lỗi lạc, vương triều nhà Tống bấy giờ như bọc bằng giấy, nếu không có cuộc chỉnh đốn mạnh mẽ của ngài e rằng sớm đã bị đế quốc Tây Hạ tiêu diệt rồi, còn đâu đến lượt nước Kim đụng dao đụng súng? Ngài Vương An Thạch từng nói một câu đập thẳng vào lũ giòi vại tương rằng : "Thiên mệnh bất túc úy, tổ tông bất túc pháp" (mệnh trời không đủ khiến ta lo sợ, tổ tiên không đủ khiến ta lấy làm mực thước - dịch giả). Lũ giòi bọ mặt mày bị đập sưng tấy kia, căm ghét ngài đến tận xương tủy. (Có một điều xin dâng các ngài độc giả tham khảo, phàm là công kích ngài Vương An Thạch dữ dội nhất, hoặc bôi nhọ đời tư và nhân cách của ngài Vương An Thạch một cách nhơ nhuốc nhất, không cần phải điều tra, lão tôi đây dám đánh cược với quý ngài một đồng tiền, trăm phần trăm là con giòi cỡ bự). Rốt cuộc ngài họ Vương vẫn phải chịu thua cuộc, quả thật lũ giòi bọ nhiều vô kể, khó mà chống chọi nổi.

Trong lịch sử, "tổ tông gia pháp" trở thành cái bồ cào của Trư Bát Giới, đối với bất cứ cuộc cải cách nào, dùng bồ cào cuốc xuống là có thể cuốc phọt cả óc người ta ra. Bây giờ, trong lớp học đều là học trò ngồi nghe, thầy đứng giảng, nếu học trò quá nhiều, mà một ngày phải đứng đến năm sáu giờ liền, thì không khéo thành chân thối mất. Nhưng tư thục ngày xưa, lại là thầy ngồi giảng, trò đứng nghe. Ðó là quy củ của một nước có lễ nghĩa như ta thường khoe khoang, nhưng quy củ này khi đến hoàng cung - nơi tính người ít tính thú nhiều ấy là biến thành kiểu khác. Lại là kiểu hoàng đế ngồi cô đơn nghe, thầy đại thần đứng ngơ ngẩn nói. Ở triều Tống, ngài Hàn Duy từng đề nghị nên cho thầy ngồi giảng, lời đề nghị xem ra cũng không quá đáng lắm, nhưng ngờ đâu ngài Lưu Bân phần tử uống nước đái kia lập tức phản đối. Sau này, ngài Trình Di cũng đề nghị cho thầy thi thoảng được ngồi (ngài ấy tuy cũng là một con giòi, nhưng vì ích kỷ, nên cũng hiểu được chốc lát), ầm ĩ được một thôi, mông vẫn không có chỗ để. Tóm lại trò chơi này là gia pháp tổ truyền, xin chớ có động vào.

Thí dụ đó chẳng qua như phát rắm mà thôi, chứ những thí dụ lớn hơn phát rắm còn nhiều vô khối, cuộc biến pháp cuối cùng của chính thể chuyên chế Trung Quốc - Bách nhật duy tân, cũng đã tan thây dưới bồ cào như thế đấy, tiếc thay ! Chiếc bồ cào năm lưỡi ấy đã cuốc bừa lên dân tộc Trung Hoa, dễ đến hai nghìn năm trời, cuốc đến gân co máu chảy, không còn ra dạng người, chỉ có thở ra, chứ không biết hít vào nữa. Ðến tận ngày nay, lũ giòi vại tương và phần tử uống nước đái ấy vẫn kiên trì chủ trương tiếp tục cào loạn xạ, thấy có người hơi né sang một bên là họ lập tức gào váng lên : "Dao động quốc bản" (làm lung lay nền tảng nước nhà - dịch giả). Ô hô, nền tảng như thế, nếu không lung lay thì sợ rằng sức sống của dân tộc Trung Hoa ắt phải lung lay thôi.

Trích từ tập " Ðâm mạnh vào vại tương "

© 2003 talawas