trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Người Việt ở Đông Âu
 1   2   3   4   5   6   7   8 
20.4.2004
Cosma Hoàng Văn Đạt
Giả nai và đói lạnh
 
T. mến,

Tết Giáp Thân này em 17 tuổi. Tuổi bẻ gãy sừng trâu. Tuổi nhiều mơ ước. Berlin là sừng trâu em cần bẻ gãy hay mơ ước cần vươn tới?

Em đã đòi cha mẹ cho sang Ðức, mặc dầu anh của em bảo đừng sang, vì khổ lắm. Cha mẹ em đã phải vay 100 triệu đồng để em đi. Bây giờ thì em đang đối diện với thực tế. Em đang nương nhờ một cộng đoàn tu sĩ. Em đã đi làm thuê làm mướn để mỗi tháng có được 400-500 euro gửi về cho cha mẹ. Anh của em phải đi bán thuốc lá chui với bao nhiêu bất trắc rình rập. Nhưng anh em nói nếu em ăn trộm ăn cắp thì thà thấy em chết đi còn hơn. Ðói cho sạch, rách cho thơm. Bản thân em đã ở trong làng thiếu niên, còn anh của em đã phải ngồi tù mấy tháng.

Giờ đây em được khuyên đi học. Nhưng thật khó nghĩ. Một đàng món nợ 100 triệu ở Việt Nam đòi cha mẹ phải trả lãi hằng tháng 3 triệu đồng. Phải đi làm để trả nợ. Ðàng khác, ở làng em, nhiều người học hành xong cũng không làm được gì, vi không phải con ông cháu cha hoặc không có tiền lo lót. Hơn nữa, chưa biết lúc nào em bị cảnh sát bắt và trục xuất về Việt Nam. Mơ ước thì thật, nhưng thực tế thì ảo! Em nói không ngờ ở Berlin khổ như vậy. Tuy nhiên, so với ở Việt Nam, em thấy vẫn còn sướng hơn. Thật là đau lòng, phải không?

Tôi đã đến Ngũ Giác Ðài Moabit [1] và gặp một số những người đã đến Ðức trước em. Ðặc biệt là "Ba Vua" của cha P. Họ vui đấy, nhưng có lẽ không giấu nỗi những buồn chán và dằn vặt. Trước khi chia tay, tôi đã theo Th. về phòng. Khi cửa đóng và khóa lại, hẳn là Th. đối diện với nỗi cô đơn triền miên. Th. chắc cũng từng mơ ước như em. Và tôi chạnh lòng. Chẳng lẽ đó là nơi mai ngày em sẽ đến! Ai muốn gào thét cứ tự do, nhưng Ngũ Giác Ðài vẫn sừng sững như thách thức.

Nhiều người Việt Nam nhìn em với con mắt e dè. Riêng tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt. Chúng tôi, những người thế hệ trước, đã không giữ được em ở lại làng với gia đình và bạn bè, vì cuộc sống quá cơ cực. Chúng tôi, những người thế hệ trước, đã không dẫn dắt và đùm bọc được em lúc bơ vơ trên đất khách quê người. Và nếu mai ngày chẳng may em được đưa vào Ngũ Giác Ðài Moabit, những người thế hệ trước như chúng tôi sẽ bỏ rơi em hoàn toàn, để tay khỏi dính bùn, mặc cho em gậm nhấm nỗi cô đơn.

Cha P. nói, "Deutschland" [2] được dịch sang tiếng Việt là "đói lạnh". Còn tôi nghe người Ðức nói "ja" và "nein" [3] thành "giả nai". Giả nai và đói lạnh: đó sẽ là cuộc sống của em sao? Em là con cháu Bà Trưng, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Du mà! Hồn thiêng sông núi là gì nhỉ? Bốn ngàn năm văn hiến ở đâu nhỉ? Nhiễu điều phủ lấy giá gương là sao nhỉ? "Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày...": chắc chắn đối với em điều ấy chỉ còn là kỷ niệm thi vị trong thơ văn. Mà người ta đâu chỉ sống bằng thơ văn được!

Việt Nam ngày xưa có truyện Thánh Gióng. Nước Pháp gần đây có truyện Hoàng Tử Nhỏ. Tôi thích hình dung em là một trong hai nhân vật ấy. Mơ tưởng của con người thì vô hạn, nhưng cuộc sống nghiệt ngã cho thấy người ta chỉ được mơ khi ngủ. Mà em thì chắc không dễ gì đêm nào cũng ngủ yên để có được những giấc mơ đẹp. Trước mặt em lù lù một người kiểm soát vé xe điện, một viên cảnh sát với chiếc còng số 8. Mai ngày chẳng may bị trục xuất, em sẽ cày ruộng suốt đời chưa trả song món nợ thời mộng mơ. Ấy là chưa kể tiếng mỉa mai đầu làng cuối xóm.

Cha P. nói, em là Truyện Kiều thời đại. Nhưng Vương viên ngoại khóc vật vã nhìn Kiều ra đi; còn em, có Vương viên ngoại nào nhớ đến không? Chỉ còn hy vọng là đất nước của thi hào Goethe nhẹ tay với em. Một hy vọng rất mong manh.

Paris Tết Giáp Thân

* Đầu đề của talawas

© 2004 talawas


[1]Chú thích của talawas: Moabit thuộc quận Tiergarten, Berlin, là nhà tù dành cho các bị can hình sự trong thời gian giam cứu.
[2]Chú thích của talawas: Deutschland: Nước Đức
[3]Chú thích của talawas: "ja": có, khẳng định; "nein": không, phủ định