trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
30.4.2007
Bình Nguyên Lộc
Lột trần Việt ngữ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Mục lục

Tự vựng riêng của sách nầy
Các chương:
  • Chương I - Gốc tổ ra sao?
  • Chương II - Việt ngữ đa âm trước Mã Viện
  • Chương III - Những đảo âm nội bộ trong chủng Mã Lai
  • Chương IV – Nguyên nhân mất mát D và GI của miền Bắc
  • Chương V – Tài ba của Việt ngữ
  • Chương VI – Vua Hùng lãnh đạo bao nhiêu bộ lạc
  • Chương VII – Mình với ta tuy hai mà vẫn cứ là hai, hay là Trò chơi xí cột của các đại danh từ Mã Lai
  • Chương VIII – Con gái, đàn bà, mái đực trống, chồng vợ
  • Chương IX - Về hai loại từ Cái và Con
  • Chương X – Vùng núi An Tai hay là yếu tố Mông Cổ trong Việt ngữ
  • Chương XI - Một ngàn danh từ Phù Nam trong Việt ngữ miền Nam
  • Chương XII – Hoa Phật bị hạ bệ
  • Chương XIII - Yếu tố Mênalê trong Việt ngữ
  • Chương XIV – Sơ Đăng, một đân tộc đầu đàn
  • Chương XV – Tàn tích mẫu hệ trong Việt ngữ
  • Chương XVI – Xửa = Thiệt
  • Chương XVII - Trời và Ngày
  • Chương XVIII - Việt = Rìu
  • Chương XIX – Nghi vấn về tiếng Roi
  • Chương XX - Tự vựng bỏ túi
  • Chương XXI – Man di thượng hạng và man di hạng bét
  • Chương XXII – Trãi và Mã
  • Chương XXIII – Gió thống nhứt
  • Chương XXIV - Nhứt định không là song ngữ
  • Chương XXV - Để kết luận

Phụ lục
  • A - Người Jêh bí mật
  • B - Những con số ngộ nghĩnh
  • C - Sức sống mãnh liệt của ngôn ngữ
  • D – Vài nhận xét về các ngôn ngữ trong đại khối Mã Lai
  • E - Làm từ điển
  • F - Sự cạnh tranh ráo riết giữa danh từ của hai thứ Mã Lai
  • G – Tù, Sào là tiếng Tàu?
  • H - Nhựt Bổn và Khả Tu
  • I - Nhựt, Hàn và Việt Nam
  • K - Vớ
Sách tham khảo


*


Tự vựng riêng của sách nầy

MIỀN DƯỚI: Định danh do miền Nam sáng tác từ non 300 năm nay để chỉ tổng quát ba quốc gia Phi Luật Tân, Anh Đô Nê Xia và Mã Lai Á, nhất là chỉ đảo Java. Khi nói đến cả ba quốc gia đó, thì quá dài nên chúng tôi dùng danh xưng nầy, mặc dầu nó chưa được toàn quốc nhìn nhận. Bình dân đọc sai là BÌNH DỨ.

Tên của các nhóm trên Cao nguyên: sách Pháp và sách Mỹ không thống nhất với nhau, cũng không thống nhất với ta. Chúng tôi dùng danh xưng mà dân ta dùng. Thí dụ Pháp viết TIAU, Mỹ viết CHRAU để chỉ các nhóm của bộ lạc MẠ. Chúng tôi bất kể Pháp Mỹ, gọi họ là MẠ và CÁC PHỤ CHI MẠ, vì Pháp và Mỹ sai. Thật ra thì danh từ đó là CAU bị dân ta đọc sai là CHÂU, nhưng nó chỉ có nghĩa là NGƯỜI. Họ tự xưng là MẠ trong nhóm chánh. Các phụ chi tự xưng là NUP, CHIN, Kâyông v.v.

TRÃI: Nói tắt nhóm Mã Lai làm chủ Hoa Bắc thượng cổ được Tàu gọi là Lạc bộ Trãi.

MÃ: Nói tắt nhóm Mã Lai làm chủ Hoa Nam thượng cổ được Tàu gọi là Lạc bộ Mã.

CHUY: Nói tắt nhóm Mã Lai làm chủ Hoa Tây thượng cổ được Tàu gọi là Lạc bộ Chuy.

Chúng tôi phiên âm ngoại ngữ theo Việt ngữ mà không dùng lối phiên âm quốc tế vì muốn sách được đại chúng Việt Nam hiểu.


Chương I - Gốc tổ ra sao?

Từ vài mươi năm nay, nhiều nhà học giả Pháp và Việt đã nghiên cứu lịch trình tiến hoá của Việt ngữ trong vòng ba trăm năm nay, và đã khám phá ra một số sự kiện mới lạ.

Lần này chúng tôi thử đi xa hơn, trong thời gian và không gian, trong thời gian thì đi xa về sáu trăm năm trước, trong không gian thì đi xa từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, rồi đến Trung Mỹ, thử xem cái Việt ngữ thượng cổ nó ra sao và đã tiến hoá cách nào cho tới ngày nay.

Sở dĩ các bậc đàn anh của chúng tôi chỉ đi có ba trăm năm vì quí vị đó đã thấy Việt ngữ là một ngôn ngữ riêng biệt, không có bà con trong không gian và thời gian, và văn kiện cổ của ta thì không có để các vị nghiên cứu.

Chúng tôi thấy khác rằng chúng ta thuộc chủng Mã Lai, mà có hàng trăm dân tộc khác cũng thuộc chủng Mã Lai, ở khắp thế giới và có cả tài liệu về ngôn ngữ Mã Lai trong sách vở của Trung Hoa, thành thử chúng tôi mới thám hiểm xa được trong không gian và sâu hơn trong thời gian.

Tuy nhiên đây chỉ là công trình của kẻ phá rừng, luôn luôn có khuyết điểm. Nhưng khi nền móng đã đặt ra rồi thì người sau cứ từ đó mà tiến lên, kẻ phá rừng gặp quá nhiều chướng ngại, còn kẻ khai thác một đám đất đã được khai quang sẽ có dịp đào sâu hơn.

Để chứng minh sự đồng chủng giữa hai dân tộc, khoa học dùng nhiều phương pháp trong đó phương pháp đối chiếu ngôn ngữ là một.

Nếu chỉ có hai dân tộc, thì sự đối chiếu đi thật sâu vào toàn thể cơ cấu của cả hai ngôn ngữ, tức một quyển sách thật dày cũng chưa đủ. Nhưng nếu là hai ba chục dân tộc thì không cần phải đi sâu đến thế mà sự giống nhau của một số danh từ là đủ rồi, nhất là khi các dân tộc ấy hoàn toàn không có liên hệ nhau hồi cổ thời.

Thí dụ chúng tôi cho rằng ta và Nam Dương không hề có liên hệ nhau hồi cổ thời, có nhà phê bình cãi lại rằng có. Mặc dù không có sử liệu chứng minh sự có liên hệ, chúng tôi cũng cố nhượng bộ nhà phê bình, vì sự kiện lịch sử ấy CÓ THỂ xảy ra được.

Nhưng Nhựt Bổn và Nam Dương thì hẳn là không. Chúng tôi có lên xứ của người Sơ Đăng, cả hai lần đều không được, thì ngay như Việt và Sơ Đăng, cùng chung địa bàn mà còn khó có thể tiếp xúc với nhau, thì Nhựt và Nam Dương không làm sao mà trao đổi ngôn ngữ với nhau được, trừ phi vào cổ thời, Nhựt đã di cư đi Nam Dương hoặc Nam Dương đã di cư lên Nhựt Bổn, chứ sự trao đổi ngôn ngữ và văn hoá thì sử không biết, mà lý trí của con người cũng khó lòng chấp nhận.

Chúng tôi đã ám chỉ đến một số danh từ, và chắc quí vị đã đặt thầm một điều kiện rằng danh từ ấy phải chỏ một ý niệm của con người cổ sơ, mới nói lên được cái gì, chứ một danh từ chỉ một vật do một xã hội văn minh chế tạo ra thì nó có thể đi xa khắp toàn cầu, từ nước này sang nước khác. Thí dụ chúng tôi đã từ chối đối chiếu danh từ HỘP, mặc dù khắp Đông Nam Á đều có danh từ HỘP giống nhau, vì lẽ rằng hộp là vật dụng mà loài người biết quá trễ, và hơn thế, trong cổ vật Đông Sơn, không có cái hộp nào hết thì ta phải biết rằng vào đầu Tây lịch dân Đông Nam Á chưa làm được cái hộp, và tất cả mọi dân tộc đều học của Trung Hoa danh từ HẠP của họ.

Điều kiện mà quí vị đã đặt thầm ra trong bụng, sẽ được kính trọng và kính trọng đến mức triệt để. Chúng tôi đi về dĩ vãng, xa hơn thời nông nghiệp nữa, vì khi biết nông nghiệp thì các dân tộc đồng chủng đã tách rời ra mà sống riêng rẽ ở các địa bàn khác nhau, sáng tác danh từ không giống nhau nữa, và RUỘNG, LÚA, THÓC, không làm sao mà giống nhau giữa các dân tộc đồng chủng. Nhưng những danh từ như CÁI CÂY, CON MẮT thì dùng được.

Chúng tôi xin trình ra một biểu đối chiếu có mặt 28 dân tộc và theo dõi danh từ đối chiếu trong một khoảng thời gian ba ngàn năm.

Việt Nam:

Sơ Đăng:

Mường:
KA
Xi Tiêng:
KA
Mạ:
KA
Mnong:
KA
Kơđu:
KA
Kôhô:
KA
Lào:
KA
Cụa:
KA
Kâyong:
KA
Núp:
KA
Srê:
KA
Halang:
KAA
Bàna:
KAA
Thái:
BLÁ
Rađê:
KAN
Giarai:
KAN
Rôglai:
ICAT
Người Châu Giang:
KAN
Chàm:
KAN
Khả lá vàng:
AKA
Churu:
AKAN
Đa Đảo:
AKA
Nam Dương:
IKAN
Kuy:
QAKAA
Khả Tu:
KAĐÓONG
Nhựt Bổn:
SAKANA

Đáng lý vì chúng tôi nên chọn động từ ĂN, vì có người sẽ nghĩ rằng ĂN cổ hơn CÁ, nhưng chủng Mã Lai lại có đến hai động từ: ĂN và XƠI, họ chia thành hai khối, một khối nói XƠI, một khối nói ĂN, như thế là không còn thống nhứt nữa. Tuy nhiên CÁ không kém cổ sơ hơn ĂN một chút xíu nào hết. Loài người biết nói tiếng người, là đã sáng tác ra danh từ CÁ rồi vì cách sanh sống độc nhứt của họ, thuở sơ khai là HÁI LƯỢM, CÂU KÉO và SĂN BẮN.

CÁ có đầy đủ giá trị thượng cổ để ta dùng đối chiếu cho có hiệu quả.

Các dân tộc trên đây, đều được quý vị biết, trừ một dân tộc mà chúng tôi cần giải thích hơi dài dòng, đó là người mà trong biểu đối chiếu, ghi là người Châu Giang.

Trong tỉnh Châu Đốc có năm làng, mà dân ta gọi gộp là vùng Châu Giang. Dân ở đó, được người miền Nam biết là ai. Nhưng trong vòng mười năm nay, bỗng dưng họ tự xưng là Chàm, nhưng chúng tôi biết nguồn gốc của họ, nên để riêng họ mà không nhập chung với người Chàm.

Nội cái danh từ IKAN cũng đã cho thấy rằng họ là người Nam Dương chớ không phải là người Chàm vì người Chàm nói KAN.

Khi tổ tiên của người miền Nam di cư vào đây, sau năm 1623, thì có ba sự kiện xảy ra:

  1. Người Chàm chạy vào đất Cao Miên lánh nạn, đều bị người Cao Miên bắt cóc làm nông nô, sử Pháp đã cho biết như vậy. Vì thế mà họ căm thù Cao Miên và theo Nguyễn Hữu Kính để trở về với ta, và được định cư ở Tây Ninh.

  2. Trong khi đó thì người ở vùng Châu Giang lại được ưu đãi từ trước đến thời đó.

    Sự kiện sau, cho thấy rằng họ không phải là người Chàm nên số phận khác người Chàm tị nạn.

  3. Sự kiện thứ ba là ta không gọi họ là Chàm, từ thuở ấy đến nay mà gọi họ là Chà Và. Chà Và là danh xưng phiên âm, ngày xưa chỉ dùng để trỏ người Java, khác với ngày nay mà Chà Và cũng chỉ người Ấn Độ. Tổ tiên của người miền Nam đã gọi họ như vậy, không phải vì các cụ thạo về dân tộc học mà chắc chắn là vì người Châu Giang đã tự xưng như vậy, chớ các cụ không thạo phân biệt các dân tộc cho lắm. Cho đến ngày nay người miền Nam cũng cứ gọi họ là Chà Châu Giang, mà không là Chàm Châu Giang.
Nhưng họ tự xưng là gì, tưởng không có gì quan trọng, trong cuộc nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi chỉ nói ra những điều trên đây, để giải thích tại sao chúng tôi không nhập họ với người Chàm. Hai thứ người đó nói khác nhau, thì không nên nhập chung lại. Chúng tôi xin đối chiếu thử hai danh từ khác thì ta cũng sẽ thấy rằng họ nói y hệt như người Java và khác hẳn người Chàm!

TRỜI
JAVA:
LANGIT
CHÂU GIANG:
LANGIT
CHÀM:
LINGIK

NGƯỜI
JAVA:
ORANG
CHÂU GIANG:
ORANG
CHÀM:
URANG

Trước khi đi sâu vào lịch sử thành hình và các cuộc tiến hoá của danh từ CÁ của 28 dân tộc trên đây, chúng tôi xin trình bày sơ lược về khoa ngữ học.

Đó là một khoa học rất mới, nhưng không ấu trĩ chút nào hết, và khoa đó đã tìm ra một số luật ngữ về ngữ học căn bản, có thể dùng được cho mọi trường hợp.

Một trong những cái luật đó là sự mọc đầu, mọc đuôi, rụng đầu, rụng đuôi thình lình của một danh từ, và đôi khi mọc và rụng ngay cả khúc giữa nữa. Thí dụ danh từ VITA của La Tinh thì trong Pháp ngữ, nó rụng chữ T giữa, chỉ còn lại VIA biến thành VIE.

Sự rụng và mọc do đâu mà ra thì chưa biết được, thí dụ BONUS của La Tinh thì trong Pháp ngữ, nó rụng mất cái đuôi US chỉ còn lại BON, nhưng trong Tây Ban ngữ thì trái lại cái đuôi lại mọc rất dài, hoá ra là BUENO. Cái đuôi mọc dài mà khúc giữa là ON cũng bị đổi ra là UE.

Thế thì đầu, đuôi nào cũng có thể mọc ra được cả, và cả khúc giữa cũng mọc và rụng như thường, mà không biết vì lẽ gì.

Một cái luật khác của nhà ngữ học M. Swadesh cho biết điều sau đây: cứ một ngàn năm thì một dân tộc biến dạng, hoặc thay thế hẳn danh từ của họ một lần và lối 20% danh từ bị biến dạng. Luật Swadesh chưa được các nhà ngữ học nhìn nhận và bị công kích dữ, nhưng riêng chúng tôi thì chúng tôi nhìn nhận, vì chúng tôi có chứng tích rằng luật ấy đúng, và các nhà tiền sử học trên thế giới cũng xác nhận rằng luật đó đúng khi họ so sánh văn liệu khắc trên các cổ thạch bi cách nhau một ngàn năm của một ngôn ngữ nào đó thì quả họ thấy có sự biến dạng, hoặc sự thay thế đó và quả con số ước lượng trung bình là 20% cũng đúng.

Thế thì khi Nam Dương, Nhựt Bổn và Việt Nam khác nhau, không có gì lạ hết vì ba dân tộc đó đã tách riêng khỏi đại khối từ nhiều ngàn năm rồi:

Nhựt Bổn:
Makanai
= thức ăn
Nam Dương:
Makanan
= thức ăn
Việt Nam:
Đồ ăn
= thức ăn

AI của Nhựt, AN của Nam Dương và ĂN của Việt Nam đồng nghĩa, tức có nghĩa là THỨC. Còn Việt không có MAK như Nhựt Bổn và Nam Dương vì Việt không mọc đầu, hoặc đã mọc và đã rụng, và ta sẽ biết lát nữa đây, danh từ Việt Nam đã rụng đầu hoặc chưa mọc đầu.

Còn hàng trăm luật khác nữa, nhưng chúng tôi chỉ cần hai cái luật đó mà thôi, trong chương này. Chúng tôi xin thưa thêm một điều này nữa, cũng có thể xem là một cái luật, nhưng nó dĩ nhiên quá, nên được chấp nhận ngay, không có đối chọi với nhau: là giữa các ngôn ngữ xa xôi, không liên hệ nhau, có thể có vài danh từ trùng hợp về hình dáng và về nghĩa. Thí dụ tĩnh từ BAD của Ba Tư và tĩnh từ BAD của Anh, cả hai đều giống hệt nhau và đều có nghĩa là KHÔNG TỐT. Nhưng các nhà ngữ học theo dõi lịch sử của hai tĩnh từ đó thì thấy rằng không hề có liên hệ nhau, và sự giống nhau chỉ là tình cờ.

Khoa ngữ học biết được điều này là sự trùng hợp ngẫu nhiên của danh từ trong các ngôn ngữ xa lạ với nhau, không bao giờ vượt quá con số 5 và không bao giờ lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên y hệt như vậy giữa 28 ngôn ngữ.

Con số 28 mà chúng tôi chọn, xoá được nghi ngờ rằng lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên, và con số mười ngàn từ mà chúng tôi đối chiếu trong một quyển sách khác, cũng xoá được nghi ngờ nói trên.

Chúng tôi chọn toàn là danh từ cổ và thượng cổ, và khi cứ nói rằng là ta vay mượn, thì dân tộc ta phải là dân tộc câm trước khi vay mượn động từ ĂN và XƠI.

Có thể nào mà vua Hùng Vương bỗng dưng bỏ ngôn ngữ của người, vay mượn toàn bộ ngôn ngữ Nam Dương chăng? Hẳn là không. Người ta chỉ phải làm thế khi nào bị áp lực mạnh của kẻ thống trị, như Thất Mân Phúc Kiến đã mất ngôn ngữ vì bị áp lực mạnh của Trung Hoa. Nhưng thuở vua Hùng Vương nói CÁ thì ta chưa hề bị ai trị cả.

Chúng tôi đã đối chiếu một số danh từ Việt - Mã trên ti vi, và có bạn phê bình: “Không giống chút nào hết!” Thí dụ:

Việt Nam:
Sắp xếp
Nam Dương:
Siap-siap

Việt Nam:
Mất (chết)
Nam Dương:
Mati

Nhưng làm thế nào mà giống hệt nhau được khi mà hai dân tộc đã tách rời ra rừ nhiều ngàn năm và sống xa nhau đến sáu ngàn cây số (nếu tính từ Hà Nội).

Các bạn ấy đã quên mất sự kiện sau đây là Anh và Pháp chỉ sống cách nhau có một eo biển mười mấy cây số, tức liên lạc với nhau mỗi ngày từ cổ chí kim, và cũng đồng gốc Ấn Âu với nhau, thế mà từ cái gốc SABULUM của La Tinh, Pháp nói SABLE, Anh nói SAND chỉ giống nhau có SA lại bị hai dân tộc đó đọc khác nhau, tức không còn gì cả.

Dưới đây cũng là một cái luật ngôn ngữ, nhưng không được dùng trong chương này nên chúng tôi chỉ nói sơ qua: ngữ học chỉ kể âm đọc (phonème) mà không kể ký hiệu (gnaphique) vì ký hiệu của các ngôn ngữ thì bậy bạ hết. Về phonème thì SABLE và SAND khác hẳn nhau, nhưng SẮP XẾP và SIAP-SIAP thì giống nhau.

Khoa ngữ học phân biệt bốn loại giống nhau, một cách minh bạch:

  1. giống nhau vì đồng chủng (Parenté)
  2. giống nhau vì hợp chủng (Affinité)
  3. giống nhau vì vay mượn hồi cổ thời (Emprunts aux temps archaiques)
  4. giống nhau vì vay mượn hiện đại (emprunts)
Chúng tôi xin chừa ra sự giống nhau vì đồng chủng, vì đó là nòng cốt của chương nầy.

Hai thứ giống nhau loại nhì và ba, thường đi chung với nhau. Đó là trường hợp của Thái và Trung Hoa. Nước Tây Âu đã đón tiếp người Trung Hoa từ thời Đông Chu đến nay, cả trong những con số đếm của Thái từ 1 đến 10 cũng là tiếng Tàu. Con ONG được gọi là PHIÊNG tức là PHONG tức cũng tiếng Tàu và ông tri huyện được gọi là ông CHAOUU mà người Việt dịch là ông CHÂU, nhưng thật ra đó là ÔNG CHỦ (huyện). Đó là hợp chủng và vay mượn cổ thời.

Loại thứ tư thì không dân tộc, không ngôn ngữ nào thoát khỏi hết.

Nhưng ở đây, sử học và địa lý xen vào rất mạnh. Chúng tôi xin kể một kinh nghiệm bản thân. Chúng tôi đã đi đến xứ của người Sơ Đăng hai lần, nhưng đều thất bại cả mà lần đầu, do quân đội mời, tức có đầy đủ phương tiện, đi với cả làng báo Sài Gòn.

Thế mà người Sơ Đăng có danh từ LỒI ỐI mà họ dùng như động từ. Đó là một danh từ mà cả một số trí thức ta cũng không biết là gì. Tiếng Pháp nói là AMNIOS, nhưng một số trí thức Pháp cũng không biết là gì.

Chỉ có các bác sĩ Việt Nam và các cô đỡ Việt Nam là có dùng danh từ quá chuyên môn đó mà thôi vì đó là danh từ thuộc về cơ thể học (Anatomie) và sản khoa, mà dân ta đã có từ thuở nào không ai biết.

Trong ngôn ngữ Sơ Đăng, LỒI ỐI là CÓ THAI. Nhưng trong Việt ngữ LỒI ỐI là túi da mỏng nằm giữa dạ con và bào thai, bọc lấy bào thai. Có lẽ ta biến nghĩa, còn Sơ Đăng dùng đúng theo từ thượng cổ vì trong LỒI ỐI có chữ LỒI tức KHÔNG LÕM, còn ỐI thì biết đâu lại không là cái bụng trong thời thượng cổ.

Hồi tiền chiến, các cố đạo Pháp và Việt có lên trên ấy giảng đạo. Nhưng các cố hẳn không có dịp dạy họ danh từ đó, nếu các cố có biết đi nữa.

Về sau này quân đội ta có trấn đóng trên ấy, nhưng chưa chắc quân đội giỏi tiếng Việt hơn các cố và nhất là không có thì giờ để dạy họ danh từ đó.

Vậy, không phải cứ sống chung nhau ở một địa bàn là có thể có ảnh hưởng qua lại với nhau. Càng không có thể có ảnh hưởng vì các dân tộc sống giữa họ và ta lại không có danh từ đó. Đừng nói chi cho xa, ngay như người Mạ ở Biên Hoà, cũng không có danh từ đó.

Còn ta với Nhựt thì học với nhau hồi nào mà ta nói CÂY SÀO (chống thuyền), Nhựt cũng nói KI SAO.

Trong khoa đối chiếu ngôn ngữ, các nhà ngữ học loại ra ba yếu tố chót rồi mới lấy yếu tố thứ nhứt để mà kết luận, muốn bác bỏ các ông phải đưa ra ba chứng tích sau, chớ không phải chỉ nói một tiếng: “có tiếp xúc” mà được với các ông.

Nhựt có đến buôn bán ở Hội An dưới thời Chúa Nguyễn nhưng vào thời đó thì họ đã văn minh rồi, ta cũng thế, không cần vay mượn nhau danh từ SÀO làm chi hết.

Những nguyên tắc tổng quát ấy đã trình ra rồi, chúng ta trở về với biểu đối chiếu là được. Người Khả Lá Vàng trốn tránh trong rừng đèo Mụ Già từ trên hai ngàn năm nay, chắc không có dịp học danh từ Aka của ai hết, còn quần đảo Marguises thì ở cách xa Hà Nội 15 ngàn cây số theo đường chim bay, người Việt Nam cũng không ra ngoài khơi Thái Bình Dương hồi nào để dạy họ danh từ Aka.

Muốn chứng minh rằng các danh từ trong biểu đối chiếu, đồng chủng với nhau, khoa học dùng phương pháp khác: tiền sử học và đối chiếu sọ. Công việc ấy chúng tôi đã làm rồi trong quyển sử của chúng tôi. Ở đây ta dùng ngữ học cũng cứ để làm công việc đó.

Thoạt nhìn vào bản đối chiếu, quí vị có cảm giác ngay rằng danh từ ấy đồng gốc, nhưng từ KA đến SAKANA cũng còn khá xa nhau. Nếu quả có sự đồng gốc thì sợ rằng 28 phần tử đồng gốc có những phần tử ngoan ngoãn vâng lời tiền nhơn, mà cũng có khá nhiều phần tử phiến loạn, những đứa con hoang của chủng tộc, chủng Mã Lai.

Vậy chúng tôi cần đưa những tay lang bạt kỳ hồ trở về hàng ngũ. Đây là một cuộc chiêu hồi để mời những anh lãng tử tung cánh chim tìm về tổ ấm vậy.

Chỉ hơi phiền là không biết tổ ấm ở đâu, và ra sao. Phải bắt tất cả nói SAKANA y như Nhựt Bổn, hoặc nói IKAN y như Nam Dương, hay nói KÁ y như Việt Nam? Chưa, chưa ai biết gì cả, kể cả chúng tôi cũng chưa biết gì về cái gốc tổ nó ra thế nào. Mà đừng tưởng rằng Nam Dương giữ đúng gốc tổ Mã Lai vì họ đang tự xưng là người Mã Lai. Chúng tôi đã có chứng tích riêng là họ đã biến bậy rất nhiều. Và vì thế, ở đây, kẻ bị chúng tôi tình nghi hơn hết là Nam Dương.

Không phải vì chúng tôi thấy đa số nói KA mà tình nghi Nam Dương. Chúng tôi không dám áp dụng luật đa số trong địa hạt khoa học vì khoa học đã đưa ra một luận cứ rất vững: một sai lầm nhơn cho một triệu người thì nó thành một triệu sai lầm, chớ không thể thành sự thật.

Chánh trị chấp nhận luật đa số vì chánh trị có lý do riêng của chánh trị. Khi mà đa số biểu quyết chấp nhận một hành động là đa số sẵn sàng gánh chịu hậu quả tai hại của cuộc biểu quyết đó. Sự biểu quyết trong lãnh vực chính trị chỉ là một cuộc thí nghiệm. Khoa học không dám làm những cuộc thí nghiệm quá nguy hiểm như vậy.

Vậy chúng ta bắt buộc phải áp dụng phương pháp khác. Xin nhắc lại rằng chúng ta hồ nghi Nam Dương trước nhứt vì Nam Dương đã có tiền án, sẽ trình bày sau. Và Nam Dương bị bố ráp trước nhứt.

Đáng lý chúng tôi nên dùng danh xưng Miền Dưới mà không nên nói quá rõ là Nam Dương. Miền Dưới là cách xưng riêng của miền Nam nước Việt, đã được sáng tác từ trên hai trăm năm nay để gọi gộp ba quốc gia Mã Lai Á, Nam Dương và Phi Luật Tân, ba quốc gia có ngôn ngữ gần giống nhau là người Mã Lai.

Ở đó còn lắm phương ngữ, có thể tại Djakaria, người ta không nói là IKAN cũng nên, nhưng ở một vùng xa nào đó thì chắc chắn có ít lắm, là vài tỉnh nói IKAN. Nhưng vì đồng bào miền Bắc và miền Trung không hề biết có danh từ tổng quát là Miền Dưới, thành thử chúng tôi tạm dùng từ danh xưng quá chính xác là Nam Dương cho dễ hiểu.

Chưa kịp điều tra thì chúng tôi đã nắm vững trong tay bằng chứng là Nam Dương đã biến sai danh từ IKAN. Bằng chứng thấy được trong một danh từ khác, chỉ một loại chim mà người Việt Nam gọi là chim BÓI CÁ. Con chim BÓI CÁ, Nam Dương gọi là PƠRAKA.

Thế là hình thức AKA còn nguyên vẹn trong ngôn ngữ Nam Dương, không còn chối cãi được nữa.

Tiếp đầu chữ PƠR có nghĩa là BẮT. Thí dụ PƠPULÔ là “bắt phải cô lập nơi một cù lao”. PƠKARA là BẮT CÁ. Dân Việt Nam là nhóm Mã Lai rất tài tình khi ta biến PƠRAKA thành BÓI CÁ. Về phương diện âm đọc (Phonème) BÓI không khác PƠ tức là kính trọng cái Phonème của chủng tộc, nhưng động từ Bói lại nói lên được nhiều ý nghĩa hơn PƠR.

Những cái luật về ngữ học, các nhà ngữ học châu Mĩ chỉ đoán để lập luật, mà không hề thấy sự kiện. Thí dụ họ đoán rằng VITA của La Tinh rụng T giữa là biến thành VIE của Pháp, nhưng trong Pháp ngữ cổ thời không hề có dấu vết VITA.

Nhưng ngôn ngữ Nam Dương thì còn chứa chấp đủ cả các dấu vết xưa, vì chúng tôi sẽ chứng minh rằng PƠRAKA cổ ít lắm cũng ba ngàn năm. Nếu các nhà ngữ học Âu Mĩ dùng ngôn ngữ Nam Dương để làm tài liệu, thì họ được chứng kiến tất cả những thay dạng đổi hình hiện đang diễn ra nữa, chứ không phải chỉ có dấu vết xưa mà thôi.

Chúng tôi xin trình ra một thí dụ: ở Mã Lai Á, động từ CẠ, CỌ của Việt Nam, họ nói là KARKAS. Thình lình, cách đây không đầy một năm thì tại địa phương kia, vùng Kedah, bỗng dưng thiên hạ chặt đứt khúc giữa và chữ R rụng thình lình, chỉ còn lại có KAKAS.

Ngôn ngữ Nam Dương là tài liệu sống cho cho khoa ngữ học và là một cuốn phim chiếu lại những biến thái của danh từ (Métamophose) từ trên hai ngàn năm nay, mà ta nhìn thấy được cả từng chi tiết tiến hoá.

Tuy nhiên, ngôn ngữ ở Việt Nam cũng không kém tách cách tài liệu sống chút xíu nào hết. Chắc có chị không biết cái MUỐNG là gì, bởi đó là một danh từ chuyên môn. Chúng tôi cũng không biết ở vùng Bắc Việt và Trung Việt, đồng bào ta dùng cái MUỐNG để làm gì, vì tự điển định nghĩa không được rành mạch. Riêng ở miền Nam nước Việt thì cái Muống là một cái lu dùng trong công nghệ làm đường.

Các từ điển xưa của ta, kí hiệu cho danh từ đó (Graphique) là MUẤNG đó là kí hiệu thật đúng với âm đọc (Phonème) cách đây 100 năm.

Ấy, cái MUẤNG, người Sơ Đăng gọi là cái UÂNG tức Việt Nam đã mọc ra cái đầu M. Nhưng cũng cứ món đó, nhưng người Mạ gọi là cái UÂQ, tức người Sơ Đăng đã mọc đuôi NG.

Chúng tôi xin trở lại danh từ AKA. Rõ ràng là Nam Dương đã rụng đầu A, mọc đầu I, lại mọc thêm cái đuôi N.

Bây giờ chúng ta moi luật của M. Swadesh ra để dùng. Cứ một ngàn năm thì một dân tộc biến dạng danh từ của họ một lần. Ta thí dụ IKAN chỉ mới có 400 tuổi. Thế thì IKA phải thọ 1400 tuổi, và AKA phải thọ 2400 tuổi, vì đã ba lần thay đổi hình dạng từ AKA đến IKAN.

Sự mọc đầu và mọc đuôi của các danh từ không nhảy vọt, và chỉ mọc ra dần dần như Uâq, Uâng, Muấng đã cho thấy và khi Muấng chỉ một vật dụng khác thì nó chỉ thay đổi có cái dấu thôi: Muấng( Muẫng( Muỗng.

Sakana của Nhựt Bổn không phải vừa xuất hiện là dài ngay, theo thuyết N. Marr của Nga Sô, mà nó giống hệt mũi Cà Mau, tức nhờ phù sa bồi đắp, nó mới dài lần dài hồi, khác hẳn với Makanai vì Mankanai là hai từ nhập lại, AI là tiếp vĩ ngữ (tiếp vĩ ngữ này nên hiểu theo quốc tế, Pháp và Việt, và không nên hiểu theo Nhựt. Danh từ tiếp vĩ ngữ của Nhựt mang một nghĩa khác hơn.)

Khi ta thí dụ rằng IKAN bốn trăm tuổi thì ta cũng thí dụ rằng AKAN một ngàn bốn trăm tuổi vì một cuộc biến dạng đòi hỏi một ngàn năm, theo luật Swadesh. Mặt khác, nhìn vào danh từ của dân Churu, ta biết rằng cái đuôi N mọc ra trước cái đầu A, bằng chứng Churu đã có đuôi người rồi, mà đầu cứ còn là A, tức I phải mọc sau.

Vậy AKA → AKAN → IKAN = 400N + 1000N + 1000N = 2400 tuổi. AKA đã thọ đúng 2400 năm rồi.

Vậy ta chặt tất cả những cái đuôi N mới mọc sau của tất cả các dân tộc có đuôi N. Như vậy Churu chỉ còn AKA, Chàm, Rađê, Giarai, chỉ còn KA, Nhựt Bổn chỉ còn SAKA vì cái đuôi N bị chặt thì cái đuôi A cuối không còn dính với danh từ được nữa. Nhựt Bổn mất trọn âm NA cuối.

Vậy còn lại:

Đa số:
KA
Trung số:
AKA
Thiểu số:
SAKA

Ta tha thứ Thái vì họ là Mã Lai thuộc chi khác chớ không phải chi Lạc như các dân tộc kia. Họ nói BLA là được rồi, đừng làm phiền họ.

Chúng tôi mới ra tay cho một hiệp đầu mà bao nhiêu khách giang hồ đều trở về gần với tổ ấm rồi đó. Ra tay một lần nữa là thống nhứt hết cả, và sự đồng chủng có thể lòi ra một cách minh bạch.

Chữ S đầu của Nhựt Bổn và Q đầu của Kuy rất dễ loại, vì đã có tiền lệ chữ S đầu mọc thình lình. Thí dụ về danh từ LÁ, trong khi đại khối Mã Lai nói Lá thì ông Cao Miên đơn độc mọc ra cái đầu S.

Việt Nam:

Cổ ngữ Ba Thục:
LẠ
Cổ ngữ Tây Âu:

Việt Nam:

Célèbes:
HALA
Chàm:
HALA
Sơ Đăng:
HLA
Nam Dương:
LAYU
Nhựt Bổn:
HẠ
Cao Miên:
SLAT

Ta có thể đặt S của Cao Miên thì ta cũng có thể chặt S của Nhựt Bổn.

Vậy còn lại:

Đa số:
KA
Trung:
AKA

Vẫn cứ còn một phần tử ngoan ngoãn và một phần tử phiến loạn. Phải giống nhau cả, hoặc phải có chứng tích rằng 1 trong 2 là gốc tổ thì ta mới xong phận sự. Nhưng ta chưa có chứng tích đó. Và ta tìm thử. Một câu chuyện bên Tàu có thể giúp ta biết sự thật vì dân Mã Lai, Nam Dương đã được biết là dân Việt ở Hoa Nam đời nhà Chu.

Câu chuyện này xảy ra tại Hoa Bắc, vào thời mà nước Sở đã thành lập rồi, tức không lâu hơn thế kỷ thứ 7 trước Tây lịch. Tuy nước Sở được thành lập do người Trung Hoa lãnh đạo, nhưng đa số dân chúng là người Việt, thuộc chi Lạc bộ Mã, và còn nói tiếng Mã Lai thuần túy. Ta biết như vậy vì có vô số danh từ của Sở, Ngô, Việt được Tàu phiên âm và so lại thì rất giống ngôn ngữ của Nam Dương. Nghĩa là không phải chỉ có Thất Mân mới là Lạc bộ Mã, mà toàn thể Hoa Nam đều là Lạc bộ Mã, trừ nước Tây Âu của chi Âu, tức của người Thái.

Trương Dung là một triết gia Tàu, mà các triết gia Tàu thì hay nói bóng nói gió.

Một hôm Trương Dung chỉ con chim hồng và nói với những triết gia đối lập với ông ta: "Cũng cứ con chim này mà dân nước Sở gọi là chim ẤT, dân nước Việt gọi là chim PHÙ”.

Ý ông ta muốn nói rằng người đời bày đặt nói văn vẻ để che đậy sự thật, chớ nội dung cũng chỉ thế thôi. Quân xâm lược không nói rằng mình xâm lược mà nói là đi khai hoá man di.

Câu chuyện triết lý ở Hoa Bắc đó, thế mà lại cho ta biết rõ ngôn ngữ Mã Lai vào khoảng năm 700 trước Tây lịch.

Hiện nay con chim hồng được dân Miền Dưới chỉ bằng hai danh từ: Burong sama và Aka kơrapu

Ông Tàu, vì có ngôn ngữ độc âm nên khi phiên âm, ông ta nuốt bớt âm của “Man di” và PHÙ đích thị là BURONG SAMA, còn ẤT đích thị là AKA KƠRAPU.

(Dân ta đã mất danh từ đó và mượn danh từ HỒNG của Tàu, không biết được ta biến dạng như sao, nếu ta còn giữ được ngôn ngữ một cách trọn vẹn.)

Không phải mỗi lần người Trung Hoa cổ thời phiên âm danh từ ngoại quốc, họ đều nuốt hết âm, chỉ chừa lại một, nhưng họ đã có làm như vậy, có lẽ đối với những danh từ và danh xưng quá rắc rối, mà AKA KƠRAPU thì khá rắc rối, còn họ thì sống trước thời Tây Chu, tức chưa văn minh cao như dưới các trào Đường, Tống, chưa quen với ngoại quốc bao nhiêu.

Vào giữa đời Hán, tức sau thời nước Sở được thành lập một ngàn năm, người Tàu đã văn minh hơn, đã quen biết với ngoại quốc nhiều hơn, thế mà họ cũng còn nuốt âm.

Họ vay mượn danh từ Manga của Phạn ngữ (trái xoài) và nuốt âm A, chỉ còn lại MANG và Quan Thoại đọc là MÁNG, viết ra chữ, các cụ nhà nho đọc là MÔNG.

MANGA rất giản dị, họ đã giỏi hơn nhiều rồi, còn AKA KƠRAPU rắc rối hơn, họ lại kém hơn giữa đời Hán, thì cho rằng họ nuốt hết chỉ chừa lại âm ẤT, không có gì là gượng ép cả.

Thế thì AKA đã thọ 2700 tuổi chớ không phải 2400 tuổi. Nhưng có thể còn hơn thế kia, vì có thể IKAN đã được 1000 tuổi rồi, và hơn 400 tuổi của IKAN chỉ là một thí dụ phất phơ của chúng tôi: nếu IKAN có 1000 tuổi thì IKA phải có 2000 tuổi và AKA ba ngàn tuổi, tức dân Sở đã nói AKA rồi, nước Sở mới được thành lập.

Tới đây thì ta đã vào ngõ cụt, chưa biết gốc tổ là KA hay AKA. Thế nên chúng tôi phải đối chiếu một tiếng nữa, nó là đại danh từ, và chúng tôi sẽ ngược về 5000 năm trước và đi xa hơn trong không gian có thể được, để biết cái gốc tổ ấy, thật đúng nó ra sao.

(Chúng tôi tin rằng vua Hùng Vương nói AKA, chớ không nói KA và Việt ngữ, cũng như các ngôn ngữ gốc Mã Lai khác đều đa âm. Tại lưu vực Hồng Hà, ta bị nhiễm ảnh hưởng độc âm của Hoa ngữ và trở thành độc âm. Vua Hùng Vương đã nói AKA như người Khả Lá Vàng, là người đồng thời với vua Hùng Vương, nhưng vì lẩn trốn, họ không chịu ảnh hưởng ngoại lai, nên ngôn ngữ của họ không có biến.

Nhưng đó chỉ là trực giác, phải có chứng tích mới xong. Và biểu đối chiếu thứ nhì sẽ cho thấy rõ mọi việc)

Sơ Đăng:
A
= Tôi
Nam Dương:
A KU
= Tôi
Nhựt Bổn:
(WAT) A KU (SHI)
= Tôi
Khả Tu:
KU
= Tôi
Chàm Bình Tuy:
CAU
= Tôi
Việt Quảng Bình:
TAU
= Tôi
Rađê:
KÂU
= Tôi
Việt toàn quốc:
TAO
= Tôi
Việt toàn quốc:
TÔI
= Tôi
Đa Đảo:
JA
= Tôi
Đa Đảo:
YA
= Tôi
Churu:
BLA
= Tôi
Chàm:
DAHLAK
= Tôi
Việt thượng cổ:
AI
= Tôi
Khả Lá Vàng:
AI
= Tôi
Lào:
ANH
= Tôi
Rôglai:
ANH
= Tôi
Mạ:
ANY
= Tôi
Thổ dân Trung Mỹ:
NI
= Tôi

Ở đây, mặc dầu cũng không dám dùng luật đa số, nhưng chúng ta không sao mà không trực giác rằng âm A là âm chánh, chớ không phải âm KU.

Chúng tôi xin nói rõ là TA và MÌNH do ngữ nguyên khác tạo ra, chớ không phải là A hay AKU gì hết, và chúng tôi sẽ có dịp nói nhiều về hai ngữ nguyên lạ ấy ở một nơi khác.

Ở đây các phần tử phiến loạn còn đông hơn ở biểu đối chiếu trước nhiều lắm! Tuy thế, gốc tổ lại dễ truy ra hơn, vì có đường đi để ta đến đó, chớ ta không còn gặp ngõ cụt nữa.

Trước hết, chúng tôi xin trình ra chứng tích rằng hồi cổ thời dân ta nói Ai = Tôi, mà không có nói Tôi, Tao gì cả. Dấu vết còn rơi rớt lại thật rõ ràng trong Việt ngữ hiện kim.

Quý vị thử hình dung ra một đôi vợ chồng son trẻ, ở trong một căn nhà không có đệ tam nhân. Tối lại, người chồng mê đọc sách, người vợ hỏi:

“Gì mà nghe như có tiếng súng hở anh?”

“Ai biết đâu?”

AI rõ ràng là: Nào TÔI có biết gì đâu, vì TÔI bận đọc sách. AI không thể nào mà chỉ đệ nhị nhân hay đệ tam nhân được.

Thế là một sự kiện đã được biết chắc: vua Hùng Vương nói hệt như người Khả Lá Vàng, nói AI, chớ không nói TA, TÔI, TAO.

Và vua Hùng Vương cũng nói y hệt như người Khả Lá Vàng về các danh từ khác, tức nói AKA, chớ không nói KÁ, tức Việt ngữ đã đa âm. Nó bị độc âm sau thời Mã Viện. Đây chỉ là một chứng tích. Chúng tôi sẽ có nhiều chứng tích khác ở Chương kế.

Trong chương này, ta bận tâm nhận diện gốc tổ Mã Lai hơn là gốc tổ của riêng Việt ngữ.

Giải quyết xong vấn đề AI thượng cổ của Việt Nam, ta xét đến đại danh từ của người Chàm. Người Chàm cho mọc một cái đầu rất dài là DAHL, có thể không phải là một cái đầu mà chỉ là đại danh từ của thổ dân Mêlanê bị ghép vào với AKU rồi AKU mất đuôi U chỉ còn sót lại một mảnh là AK, nhưng âm A cứ là âm chánh chớ không là KU vì U đã biến mất.

Đa Đảo khi thì JA, khi thì YA, đổi đầu, nhưng cứ kính trọng âm A. Churu cũng thế, Lào, Rôgai và Mạ cũng thế.

Xét đến Watakushi của Nhựt là sự thật lòi ra.

Tra từ điển Nhựt - Hoa, chúng tôi thấy họ dịch WAT là NGÃ tức WÒ của Quan Thoại, còn SHI được dịch là TƯ tức SHI của Quan Thoại, đọc đúng hơn Wò. Nhưng họ không có đọc sai WÒ đâu. Họ thường dùng chữ T để làm bức tường ngăn chặn giữa hai nguyên âm WÒ + AKU = WOTAKU. WOTAKU về sau mới biến thành WATAKU.

Đại danh từ ngôi thứ nhất của Nhựt thì là: Tôi Tôi Riêng.

Xin đừng thấy đó là kỳ khôi, bởi CHÚNG TA của họ là TÔI TÔI HAI ĐỨA, y hệt như ĐÔI TA của Việt Nam. Vậy thì TÔI là TÔI TÔI RIÊNG, là rất ổn.

Nhưng ta đã đi đến một phần sự thật rồi đây. Người Nhựt viết chữ như thế, nhưng khi đọc, họ nuốt âm. Nhưng họ nuốt âm KU mà không nuốt âm A. Thế thì đã thấy rõ âm A là âm chánh.

Âm A thì kẻ giữ được là người Sơ Đăng. Nhưng không vì thế mà ta kết luận được rằng gốc tổ là A. Còn một kẻ nữa nói rất dị kì. Đó là thổ dân ở Trung Mỹ. Họ nói NI. Nếu không biết họ là ai, ta đã loại NI ra. Nhưng thổ dân Trung Mỹ được xác nhận là Mã Lai thì phải lôi kéo họ vào hàng ngũ.

Riêng chúng tôi, chúng tôi biết họ gồm hai đợt Mã Lai y hệt như ở Việt Nam và ở Nhựt, bằng khoa ngôn ngữ tỷ hiệu. Thí dụ họ có những danh từ của Lạc bộ Trãi di cư cách đây năm ngàn năm mà ta đã đánh mất, nhưng Nhựt còn giữ được.

Momo = cây đào
Tobi = chim ưng

Ta không phải suy nghĩ lâu, cũng biết NI do đâu mà ra. Đó là một mảnh của ANY của người Mạ.

Có ANY rồi thì người Sơ Đăng và thổ dân Trung Mỹ mới tách đôi ra, một đàng mang A đi Tou Ma Rong, một đàng mang NY đi Trung Mỹ và biến thành NI.

Nhưng xin đừng tưởng rằng Mạ là gốc tổ. Ở đa số các biểu đối chiếu ta sẽ thấy rằng kẻ thủ vai trò đầu đàn là người Sơ Đăng chớ không phải người Mạ.

Vậy ANY là đại danh từ đã có từ thuở Lạc bộ Trãi di cư, tức cách đây 5 ngàn năm, theo tiền sử học. Nhưng có thể trước đó còn khác hơn. Nhưng ta chỉ có thể đi xa tới 6 ngàn năm là cùng, không đi xa hơn được, và có thể ANY đã được 1000 tuổi rồi, mới bị tách làm đôi.


Phụ chú

Xin thận trọng về luật Swadesh. Có những danh từ lì lợm và không bị biến dạng. Luật Swadesh có đúng, nhưng cũng có chỗ không đúng, thí dụ như những danh từ cứng đầu thì ông không nói đến. ANY là danh từ khá cứng đầu vì theo ước lượng của chúng tôi thì nó có thể thọ 6 ngàn năm rồi, đáng lý toàn thể danh từ đều biến dạng hết, nhưng nó thì còn.

Xin đừng ngộ nhận là ta chỉ mới bắt chước Chàm mà biến CAU thành TAU thuở ta nam tiến tới Quảng Bình. Biểu đối chiếu phải trình bày như vậy, để cho thấy rõ xâu chuỗi biến dạng: TÔI do TAO, TAO do TAU, TAU do CAU, CAU do AKU chớ không hề hàm ý thời điểm và nơi chốn. Có thể TAU đã biến dạng tại lưu vực Hồng Hà một ngàn năm trước khi xuống Quảng Bình vì ở Bắc Việt cũng có Lạc bộ Mã đến ở trọ với vua Hùng Vương 500 năm trước Tây lịch. Đó là tổ tiên của người Mường và thuở ấy Mường nói hệt như Chàm.
Nguồn: Bình Nguyên Lá»™c. Lá»™t trần Việt ngữ. Nguồn XÆ°a xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.