© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
2.11.2004
Ngô Cảnh
Một vài cảm nghĩ khi đọc bài của cụ Hoài Nguyên
Thư cho Ông Hoài-An
 
Kính thưa Cụ, 

Cháu được biết đến danh Cụ từ lâu, trên diễn đàn talawas này, từ các bài trao đổi giữa ông Lương Thư Trung và ông Hoài An. Hồi đó, vì bận nhiều việc, cháu không có dịp tham gia phát biểu những bức xúc của mình về các bài viết đó. Cuối tuần này, tình cờ đọc Thư cho Ông Hoài An của Cụ, sẵn đang có một ít thời gian rảnh rỗi, cháu cũng có ngẫu hứng để nói lên một vài cảm nghĩ. Những cảm nghĩ này có thể sai mà cũng có thể đúng. Rất mong Cụ và các bạn đọc khác chỉ cho những sai sót.


1. Về hình thức trong bài của Cụ

Trong phần này cháu cũng có những í tưởng trùng hợp với ông Hoài An. Cháu mạo muội nêu ra đây để bày tỏ sự đồng tình và mong Cụ cứu xét.

Trước hết, một điều không ai có thể không nhận thấy khi đọc bài của Cụ , là cách trình bày chữ việt. Chữ việt ở đây có lẽ là có một không hai trong toàn nước Việt Nam. Nó lạ đến nỗi người đọc phải giật mình tự hỏi: Chẳng lẽ đa số người việt chúng ta đều viết sai chính tả chữ việt? Chẳng lẽ những bài chính tả điểm mười (không lỗi) của cháu hồi thời tiểu học đều là kết quả một sự lẩm cẩm của thầy cô?

Phải mất một thời gian cháu mới thấy rằng nên bình tĩnh phân tích cách trình bày chữ việt của Cụ. Chỗ nào hợp lí, chỗ nào không, chỗ nào cần thiết, chỗ nào nên bỏ qua. Cháu xin trình bày ra đây í kiến thô thiển, chủ quan của mình.

  1. Thay "c", "q" bằng "k"

    Kính thưa Cụ,

    cháu thấy việc thay "c" bằng "k" ở đầu từ có nhiều hợp lí. Nó sẽ đơn giản rất nhiều để cho các đầu óc trẻ thơ tiểu học thấy cái nhất quán của nó mà không phải hỏi tại sao lại thế này, tại sao lại thế nọ. Nó cũng góp phần không nhỏ để cho những bài chính tả tiểu học ít lỗi hơn.

    Nhưng nếu đặt trường hợp thay "k" bằng "c" thì sao? Có điều gì bất hợp lí nếu thay:

    kon-kông dậu trên kây gạo, kó kẻ dịnh bắnbằng
    con công đậu trên cây gạo, có cẻ định bắn


    Cho đến giờ này cháu không thấy có gì trắc trở khi thay "k" bằng "c" như vậy cả. Mà nếu xét về thống kê, thì có lẽ thay "k" bằng "c" sẽ ít tốn hao giấy mực hơn, ít phải sửa chữa hơn thì phải. Vì nếu không kể "kh", thì các từ bắt đầu bằng "k" chỉ đứng trước nguyên âm "e" hay "i" , còn "c" thì trước "a", "o", "u". Như vậy có vẻ như "k" đứng trước ít nguyên âm hơn là "c".

    Đổi "k" thành "c" như thế, ngoài việc tiết kiệm công sức, chúng ta sẽ không còn có í định viết "k" ở đằng sau, một cách viết chưa từng có trong các từ việt. Cũng xin đưa ra một nhận xét nữa để thấy sự bất hợp lí khi thay chữ "c" ở đằng sau một từ bằng "k". Chữ "c" này được phát âm không phải như chữ "k" của các chữ latinh. Đổi thành "k" ở đằng sau sẽ gây nhiều hiểu lầm trong phát âm cho người ngoại quốc học tiếng việt và cho cả các cháu Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Có thể dẫn chứng sự khác biệt này bằng 2 thí dụ :

    • Từ "lúc" của ta và "look" của tiếng anh: Khi phát âm từ "lúc" thì 2 má của chúng ta có thể phồng ra như đang thổi bong bóng. Trong khi muốn phát âm từ "look" cho ra người anh thì 2 má phải hóp lại.

    • Tương tự như thế với từ "cúc""cook". Cháu nêu ra đây chỉ để hỏi tại sao người anh vẫn hài lòng mà không đổi "c" thành "k" (kook).


    Về đổi "q" thành "k"

    Cụ đã biết rõ chữ "q" trong tiếng việt không bao giờ rời xa chữ "u". Như vậy tại sao chúng ta không đặt ra câu hỏi là "qu" phải chăng chỉ là một. Câu trả lời dứt khoát là "đúng vậy". "qu" là một phụ âm, nó tồn tại bình đẳng từ thuở ban đầu như "ph" hay "kh" hay v.v. Nếu vẫn có nghi ngờ điều này ta có thể trở về nguồn gốc latinh của chữ việt (Xin mở ngoặc để nhấn mạnh là chữ việt  chứ không phải tiếng việt,  tiếng Việt chắc chắn có từ khi có người Việt) bằng cách giở các cuốn từ điển các ngôn ngữ có nguồn gốc latinh như Anh, Pháp, Đức, v.v.. để thấy rằng từ đầu vần "q" cho đến cuối vần "q" đều có "u" đi kèm.

    Chỉ có nhìn nhận "qu" là một chữ như vậy, ta mới thấy "quí"  không phải là "cúi", "qua" không phải là "cua".

    Và nếu "q" khác "c" thì làm sao "q" bằng "k" được. Vì vậy đổi "q" thành "k" là bất hợp lí. Và sự bất hợp lí này đã bộc lộ rõ ràng khi đổi "quan" thành "koan" mà lại đổi  "quyền"  thành "kuyền". Khi thì đổi "qu" thành "ko", khi thì thành "ku".

  2. "z" thay cả cho "d" (zê) và "gi"

    Kính thưa Cụ Hoài Nguyên,

    Cụ chắc chắn là người xuất thân từ đất bắc. Chỉ có người miền bắc mới phát âm "dê trên" (d) và "dê dưới" (gi) là "z". Người miền nam thì  lại ngược lại, cả hai chữ này đều phát âm là "dê trên" (tương đương từ tựa với "j" của Âu Mĩ). Nếu thống nhất chữ viết như cụ mà bỏ qua í kiến của người miền nam thì e rằng không tránh khỏi bất mãn. Vô hình trung lại gây chia rẽ giữa các miền đất nước. Chi bằng cứ để nguyên xi như hiện giờ. Cách viết hiện giờ là đúng chính tả nhất, phát âm "dê trên" hay "dê dưới" chỉ là lỗi nói ngọng của người từng miền mà thôi.

    Một nhận xét cũng cần phải bổ túc thêm là cả chữ "r" cũng phải đổi thành "z" nữa nếu phát âm theo người miền bắc. Hoặc xa hơn nữa, cả chữ "tr" cũng có thể đổi thành "z" được, vì người miền bắc vẫn thường chả kêu "Mặt Trăng" là "Ông Giăng" đó sao?

    Còn nếu một người miền nam nào ở đây thì sao? Nếu ông ta cứ khăng khăng đổi tất cả thành "dê trên" thì sao? Xin trả lời là "cứ tự nhiên". Nhưng xin đổi thêm cả chữ "v" nữa, cho triệt tiêu và tiết kiệm được chữ "v" cho bảng chữ cái. Và như vậy, thì chữ "Việt" có còn là "Việt" không hay là... "Diệc"? Ôi, chỉ tưởng tượng thôi mà người ta đã có thể nổi da gà, dựng tóc gáy.

  3. "g" thay cho "gh" (hoàn toàn đọc cứng "gờ")

    Chấp nhận được ngoại trừ "ghi" thành "gi" ("gi" cũng là một phụ âm như "qu" trong khi "ghi" là một từ có nghĩa hẳn hoi).

    Phải chăng người xưa đã có lần bỏ chữ "h" trong "gh" này khi nó đứng trước nguyên âm khác "i" (t.d. gà, gồng, gềnh,...)

  4. "ng" thay cho "ngh"

    Chấp nhận được tất cả. Và điều này có lẽ là cần thiết. Vì nó đơn giản hóa chữ việt. Chúng cháu sẽ không phải học thuộc lòng nhớ những quy tắc, khi nào có "h" khi nào không. Mà bạc bẽo ở chỗ có hay không có "h" cũng đều đúng, chẳng bõ công học thuộc lòng.

  5. "f" thay cho "ph"

    Chấp nhận được tất cả, nhưng có cần thiết?

    Ở đây khác với trường hợp trên. "ng""ngh" được dùng tùy trường hợp nhưng không có sự khác biệt nên mới cần bỏ "h" để dễ học.

    Trái lại, việc thay "ph" bằng "f" không lợi gì ngoài việc tiết kiệm 1 chữ viết.

  6. Không đánh dấu sắc (') thừa trên những âm ngữ tận cùng bằng một trong bốn phụ âm: k(c), ch, p và t

    Xin lỗi Cụ,

    không chấp nhận được, vì tiếng việt là tiếng phát âm rất nặng và phân biệt rõ ràng qua các dấu thanh. Phát âm không dấu "sắc" chắc chắn có khác với có dấu.

    Muốn nhận ra sự khác biệt tinh tế này ta phải nhờ một người ngoại quốc đọc từ "at" và một người việt đọc từ "át". Chắc chắn nghe không giống nhau và không thể nói "at" bằng "át" được.


2. Về nội dung

Phần này cháu xin mạn phép nói về những nội dung trực tiếp mà Cụ đã nêu ra trong bài "Thư cho Ông Hoài An".

Theo Cụ tiếng việt là tiếng đa âm. Các giáo sĩ ngày xưa đã lầm lẫn vì họ hiểu biết hời hợt về tiếng việt. Nhưng theo thiển nghĩ của cháu thì họ cho tiếng việt cũng như các thứ tiếng khác trong vùng là ngôn ngữ đơn âm không phải là vì hiểu biết nông cạn, mà chính từ một thực tế là mỗi từ Nôm của ta hay từ Hoa của Trung Quốc đều phát âm bằng một âm duy nhất. Cụ cũng có nói điều đó.

Theo cháu nghĩ, điều quan trọng hơn cả để có thể khẳng định đó là một ngôn ngữ đơn âm là mỗi từ có một í nghĩa trọn vẹn.

Một từ được gọi là đa âm khi các âm của nó không có nghĩa cụ thể khi chúng đứng rời rạc. Lấy một thí dụ đơn giản:

Từ "writer" của tiếng anh, khi âm "wri" và âm "ter"  đứng rời ra thì nó trở thành vô nghĩa, vô dụng.

Hay trong "stylo", thì "sty" là gì và "lo" là gì?

Hay trong tiếng đức: "fahren" thì "fah" là gì và "ren" là gì, dùng ở đâu? Trái với ngôn ngữ Âu Tây, khi xem xét từ "tác giả" của tiếng việt, ta thấy rõ ràng "tác" có í nghĩa của nó, "giả" có í nghĩa của nó.

Tương tự như vậy, những từ mà Cụ cho là đa âm đều có thể phân tích ra thành các từ riêng biệt với í nghĩa riêng biệt của nó:

"hồinhỏ" = "hồi" và "nhỏ" đều có í nghĩa riêng

"trunghọk" = "trung" và "học" cũng vậy

"chúngtôi" = "chúng" và "tôi" cũng vậy ... Cháu hoàn toàn đồng í với Cụ là có những khái niệm phức tạp mà với một âm độc nhất chúng ta không thể diễn tả nổi. Và vì vậy đã nảy sinh ra những từ ghép. Những thí dụ vừa nêu trên chính là những từ ghép. Chúng không phải là từ đa âm. Tiếng việt trước sau vẫn là một ngôn ngữ đơn âm.

Các ngôn ngữ đa âm Âu Mĩ cũng có rất nhiều những từ ghép như vậy. Với những từ ghép thì tùy truyền thống, thói quen mà có nước người ta viết dính liền, có nước người ta gạch nối. Sự phân biệt giữa viết liền và viết gạch nối của Cụ đã làm tiếng việt trở nên phức tạp đi nhiều. Và vì vậy nó thiếu tính quần chúng để có thể được chấp nhận rộng rãi.

Nói thế không phải là Cháu chống đối việc viết gạch nối các từ ghép. Ngược lại là khác, vì tiếng việt ta không có chia động từ hay tĩnh từ nên dùng gạch nối sẽ tạo cho câu cú rõ ràng ra. Câu cú sẽ dễ hiểu với cấu trúc chủ từ, động từ và túc từ, cũng như sự phận biệt giữa mệnh đề chính và mệnh đề phụ. Cần thiết quá đi chứ. Nhưng viết gạch nối là đủ, viết dính liền sẽ trở nên phiền phức, khó nhận diện khi có nhiều từ ghép lại. Có lẽ Cụ cũng đã nhận thấy điều đó khi không viết liền các từ: "sạch-sành-sanh" , "kứng-dong-dõng", "xanh-lè-lè", "ngông-nga-ngông-ngênh", "ngớ–nga–ngớ–ngẩn". Những từ này, theo Cháu nghĩ, đáng lẽ phải viết dính liền. Thực ra đây là những thí dụ điển hình cho cách dụng ngữ độc đáo của người việt. Nó dùng để biến thiên cái mức độ của tính từ tùy theo cảm nhận của người nói. Chúng luôn luôn có cấu trúc:  tĩnh từ + trạng từ.

Những từ phong phú như thế, dịch ra các ngôn ngữ latinh chỉ có: "very", "tres", "sehr".

Trở lại với vấn đề, cháu hoàn toàn hoan nghinh việc quay trở lại với cách viết gạch nối. Thời cháu học tiểu học vẫn còn gạch nối mà sau đó lại biến mất một cách đáng tiếc, không hiểu vì lí do gì. Việc gạch nối các từ ghép này sẽ làm trong sáng tiếng việt vô vàn, không những chỉ cho người đọc mà còn cho những cỗ máy tính ngu ngốc trong thời đại điện toán này nữa.


3. Những câu hỏi bỏ ngỏ

Kính thưa Cụ,

Cũng có nhiều người như Cụ đã đề nghị nhiều cách cải tiến chính tả việt. Không ở điểm này thì ở điểm khác. Nhưng tựu trung, những đề nghị này lại đẻ ra các quy luật phức tạp mới, gây khó khăn cho những khuôn mặt trẻ thơ tiểu học và lẽ dĩ nhiên là khó được quần chúng chấp nhận rộng rãi.

Chẳng hạn như có người tìm cách gán ghép chữ "y" (Y-hy lạp) vào các từ hán-việt vì thấy có vẻ như từ hán-việt thường có "y". Vấn đề đầu tiên gặp phải là làm sao để biết một từ là từ hán-việt hay không. Khó chứ, có không ít những từ hán-việt đã quá quen thuộc để tưởng lầm là từ việt, t.d. như từ "văn", từ "thị". Vấn đề thứ hai nổi lên khi gặp những từ rõ ràng là hán-việt mà lại có "i" ngắn như "thị trường", "dĩ nhiên", "ly dị". Chả lẽ lại xé hết tất cả các cuốn từ điển để thay bằng "thỵ trường", "dỹ nhiên", "ly dỵ"? Từ vấn đề này người ta mới bắt đầu đặt ra những quy luật phức tạp, khó nhớ để bào chữa cho sự có mặt của "i" ngắn trong đó.

Việc gì phải thế? Hãy nhìn trong ngôn ngữ của Italia, một nước láng giềng kề cận với Hylap, xem có một chứ "y" nào không? Tại sao ở xa xôi như ta mà lại cần có nó?

Thôi thì, tống quách "y" về Hylap là xong. Tất cả đều viết ngắn ngoại trừ "uy, ay, ây". Có phải là đơn giản và dễ nhớ hơn không? Có phải chỉ cần một trình độ học vấn lớp 3/12 cũng đủ viết một bức thư cho mẹ hiền với ít lỗi chính tả hơn không? Còn một điểm nữa cháu cũng cảm thấy miễn cưỡng khi phải tuân theo. Đó là tại sao cứ thấy từ chỉ tên nước là phải viết hoa, bất kể nó là tĩnh từ hay danh từ.

Quan sát câu: "Người viết là một người Việt" ta thấy rõ ràng "người viết" và "người Việt" có cấu trúc như nhau. Từ "viết" và "Việt" ở đây đều đóng vai tính từ bổ nghĩa cho từ "người". Thế mà lại phải viết lớn nhỏ khác nhau. Tại sao vậy? Phải chăng viết hoa hay không viết hoa còn là cách bày tỏ sự kính trọng hay để bộc lộ giai cấp của người nói, giống như cách xưng hô vô cùng phức tạp của tiếng việt? Xin tạm dừng ở những câu hỏi này. Germany, 25.10.2004


© 2004 talawas