© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.6.2003
Nguyễn Khải
Thượng đế thì cười
tự truyện
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
16.

Cách đây đã hơn hai chục năm, hắn có được quen biết một linh mục trẻ sinh năm 1940, trông coi một xứ đạo của huyện Hải Hậu, trong một lần trò chuyện ông ta có nói với hắn: "Tôi là người làm một nghề có tính tiêu cực như sự đánh giá của các ông, nhưng vì tôi là giáo sĩ của một nước đã độc lập, là người của thời này nên cũng nhiễm được ít nhiều cái gan góc, cái kiên cường của những người cùng thời, bởi vậy cả các ông lẫn toà giám đều có sự hiểu nhầm..." Câu nói ấy khiến hắn phải nhớ mãi, người đi tu còn muốn thay đổi cảnh ngộ, còn không chịu sống phụ thuộc như các đấng bậc đã đi trước dầu những thử thách họ phải vượt qua là hết sức lớn, ở cả hai phía, từ phía chính quyền cách mạng và cả từ phía toà giám. Nhưng ông linh mục trẻ đâu có chịu đầu hàng, không làm được một tu sĩ như mình mong muốn thì ông ta sẽ trả lại áo chức cho nhà thờ, về quê làm anh nông dân tu tại gia để được trung thành với niềm tin từ năm bước chân vào chủng viện. Ðó là một trong mấy nguyên mẫu của nhân vật cha Thư trong tiểu thuyết Cha và Con và...

Năm hắn còn trẻ có lên nông trường Ðiện Biên nhiều lần, sau này viết được tập truyện ngắn Mùa lạc, có một người bạn hắn rất mến mộ tên là Dương, thượng sĩ, tổ trưởng tổ mộc của đội sản xuất số 2. Năm hắn tới đội sản xuất thì Dương mới đưa vợ từ dưới xuôi lên. Chồng ba mươi tuổi, một thượng sĩ đã hơi già, người vợ cũng vào khoảng hăm bảy, hăm tám. Họ lấy nhau từ năm 1950, một năm sau, vùng quê đó bị Pháp chiếm đóng, Dương đi bộ đội, vợ ở nhà nuôi mẹ. Hoà bình lập lại Dương cũng chưa được về quê, anh còn phải trở lại Ðiện Biên để làm lính nông trường theo yêu cầu của quân đội. Vợ chồng họ lấy nhau đã chín năm vẫn chưa có con nên Dương buộc lòng phải đưa vợ lên Ðiện Biên, bao giờ có con thì ẵm con về, mẹ ở nhà phải nhờ các em gái chăm sóc thay. Người vợ vừa gày vừa đen nên anh em trong đội sản xuất thường nói đùa: "Mày phải tưới tắm vợ mày kỹ vào cho cô ấy có da có thịt đã, chứ người như củi mục cành khô chỉ đẻ ra giun chứ đẻ thế nào được ra người". Cuối năm 1960 khi hắn rời nông trường thì vợ Dương đã có chửa được mấy tháng, mập hẳn ra, trắng hẳn ra, là một người đàn bà hoàn toàn khác. Vợ chồng họ mừng mà cả đội sản xuất đều mừng. Rồi hắn bặt tin vợ chồng họ khoảng mười năm. Năm 1970, nhân gặp một người bạn vốn làm công đoàn ở nông trường nay về sống ở Hà Nội, mới hỏi thăm các bạn cũ. Về trường hợp của Dương thì buồn lắm, anh bạn nói thế, năm 1966, khi anh ấy trả phép đi xe của nông trường từ Hà Nội, xe đến đỉnh dốc Pha Ðin thì chết máy, trời mùa thu đã ngả sang chiều, đã có sương, đang ngồi đợi sửa máy thì bất chợt gặp thượng sĩ Dương, phó mộc Dương, đang gò lưng ôm càng xe trâu cùng con trâu lên dốc. Cái xe trâu chở đủ thứ đồ đạc của một cuộc di chuyển, có mui xe, sàn xe trải chiếu, một thằng bé khoảng năm tuổi giương cặp mắt to nhìn mọi người, cạnh nó là cái tiểu sành đựng hài cốt của mẹ nó đã mất năm nó lên hai tuổi. Mẹ nó chết vì bệnh sưng phổi cấp tính để lại đứa con lên hai cho chồng nuôi. Anh lầm lũi nuôi con đến năm con lên bốn thì mua một con nghé và bắt đầu đóng xe những lúc rảnh rỗi. Ðược một năm thì con nghé đã vực được, lại được chăm sóc kỹ nên nó mau lớn và rất khoẻ đủ sức cho một cuộc trường chinh. Lúc ấy anh mới xin với ban giám đốc nông trường được thôi việc về nhà để chăm lo mẹ, nuôi con lớn và lấy vợ kế. Anh đã ba mươi lăm tuổi, không tính toán nhanh, nay mai con thì lớn, bố thì già, họ mạc hai bề đều nghèo, với hai bàn tay trắng bố con còn dắt nhau tới đâu nữa để kiếm sống? Khi được trên đồng ý anh mới thay áo cho vợ, bốc xương sang tiểu, cùng vợ và con về xuôi, mãi tận Hưng Yên, bằng cái xe trâu kéo, cứ đi thủng thẳng, tới đâu làm nghề được thì tạm dừng ít ngày, kiếm chút tiền vừa để dành vừa ăn đường, rồi vài năm cũng về được đến nhà. Hơn mười năm về trước Dương mới ở tuổi đôi mươi, hành quân lên Tây Bắc rồi trở thành chiến sĩ Ðiện Biên, là người anh hùng trong vùng sáng chói loà của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hơn mười năm sau Dương đã bước vào tuổi trung niên, chở xương vợ và đứa con còn nhỏ trên cái xe trâu làm một cuộc hành quân dài ngày không có đồng đội trong cái vùng sáng u ám, buồn tẻ của một kiếp người. Hắn cứ nghĩ mãi về một bức tranh sơn dầu khổ lớn, trong cái ráng chiều đỏ rực của trời chiều Tây Bắc, một người đàn ông gương mặt đã khô đen vì sương gió đang gò lưng ôm một bên càng xe cùng với con trâu lên một cái dốc của đèo Pha Ðin. Ðó là hình ảnh trọn vẹn nhất của một người cùng thời với hắn, tuổi trẻ cõng súng đạn, về già cõng vợ con, đều là đi tìm cái sống cả. Còn hắn thì sao?

Năm 63 tuổi hắn được chứng kiến một hiện tượng kỳ vĩ gần như là của tự nhiên biểu trưng cho cái khả năng tái tạo, hồi sinh của một con người. Ðó là dịp hắn được tới thăm một gia đình thương binh, chồng là thương binh, vợ cũng là thương binh với bốn đứa con đẹp đẽ khoẻ mạnh như thuộc một gia đình khác, một dòng giống khác. Anh ấy khoảng bốn chục tuổi, vợ cũng xấp xỉ tuổi đó. Nhập ngũ được hai năm thì anh bị bom napal cháy toàn thân trong trận đánh vào Tân Cảnh năm 1970. Năm ấy anh mới có hai mươi tuổi, trai nông thôn mà vóc dáng, gương mặt đẹp như diễn viên điện ảnh, anh nói thế, tới đâu cũng được nhiều cô gái yêu thương và hò hẹn. Trong nửa năm anh bị cuốn chặt trong một khối bông băng từ chân tới đầu, sống như một sinh vật hạ đẳng, ăn uống, bài tiết và phát ra những tiếng kêu nho nhỏ. Lại một nửa năm không nhìn thấy gì, vẫn chưa nói được và nằm bất động. Rồi anh nhìn lại được dần dần, nói lại được dần dần. Rồi anh ngồi dậy được và bắt đầu tập đi, tập các động tác đơn giản khác để tự phục vụ những nhu cầu của riêng mình. Anh sống trong một trại điều dưỡng ba năm, sinh hoạt gần như bình thương nhưng chưa bao giờ anh dám nhìn vào kính, vào gương soi. Anh biết mặt anh đã hoàn toàn biến dạng, chỉ còn là những mảng da đủ mầu vá víu, là mặt quỉ chứ không thể là mặt người. Với bộ mặt ghê sợ ấy anh lấy vợ làm sao, gặp mẹ làm sao. Anh có thể không lấy vợ nhưng không thể không gặp mẹ. Anh rất nhớ mẹ nhưng nếu mẹ nhìn thấy anh thì bà sẽ đau đớn cho tới lúc chết. Nên anh cứ dùng dằng mãi cái ngày trở về quê để anh chị và các cháu chăm sóc. Và đã có một cô gái ở trại điều dưỡng bị cụt một cánh tay nhưng còn trẻ và rất xinh đem lòng yêu thương anh, muốn được cùng sống với anh mãi mãi. Nhưng anh đã trốn chạy tình yêu vì anh không còn khả năng để một người đàn bà tàn tật có thể nương tựa, cũng không còn cả một gương mặt bình thường để biểu lộ những yêu thương. Anh buộc phải trốn về quê sống với mẹ và các anh chị. Mẹ anh đón anh rất mừng chứ không sợ, có là một đống thịt bị rữa nát bà cũng không sợ, huống hồ đã được khâu vá, sang sửa đẹp đẽ hẳn hoi, bà an ủi con trai thế. Một tháng sau cô gái thương binh khoác ba lô về thẳng quê anh, xin được làm con gái mẹ anh vì gia đình cô không còn ai thân thiết. Một tháng sau đám cưới của hai người được đoàn thanh niên xã đứng ra tổ chức. Một năm sau cô sinh cho chồng một bé trai bụ bẫm, có đủ hai tay và một gương mặt rất kháu khỉnh. Khi hắn tới thăm gia đình anh thương binh đã có những bốn đứa con, đứa con đầu đã 14, đẹp như tranh vẽ, anh nói với hắn rất tự hào: "Nó là chính em thời còn ở nhà, hai bố con giống nhau như anh em sinh đôi, nhưng nó cao to hơn em một chút". Bà vợ ngồi cạnh nói đùa: "May mà ông xấu xí nên tôi mới lấy được ông, chứ lại đẹp như con ông làm sao tôi dám với". Các ngón tay của anh như ngắn lại và quặp vào lòng bàn tay, hoàn toàn không sử dụng được, nhưng anh đã tập những thao tác lao động riêng, đã sáng chế ra các nông cụ phù hợp với các thao tác của mình nên vẫn làm vườn được, chăn nuôi được, làm mọi việc trong nhà được. Anh lại biết tính toán trong sản xuất và kinh doanh, nuôi ba ba, thả lươn, nuôi ếch, khu vườn rộng đến hai sào của gia đình thành một khu vực chăn nuôi và trồng trọt nổi tiếng khắp huyện. Khi hắn nói; "Hai người chỉ có một bàn tay, lại phải lo rất lắm việc chắc anh chị cũng vất vả", thì người chồng đính chính ngay: "Thưa bác, bây giờ chúng em có những chín bàn tay kia, bọn trẻ nhà em làm ruộng làm vườn chả thua gì người lớn đâu. Vợ chồng em đã lên chức chỉ huy rồi". Bữa đó hắn đã nghĩ như một triết nhân: "Sức mạnh tái sinh của con người ta có thể sánh ngang với trời đất thật. Từ một đóng thịt rữa nát chỉ để nuôi giòi, nuôi giun, bón đất mà thành một cơ nghiệp, một dòng họ và một tình yêu để lại mãi mãi cho hậu thế". Vài năm sau hắn viết truyện ngắn Một bàn tay và chín bàn tay được giải thưởng của Bộ Quốc phòng và cũng là một truyện ngắn được bạn đọc ưa thích.

Năm 65 tuổi hắn được làm quen với một người bạn mới, là đồng nghiệp, là một nhà báo tỉnh, kém hắn dăm tuổi. Ông ta làm báo từ năm các nhà lãnh đạo của tỉnh còn là học sinh cấp tiểu học, họ đã nhìn thấy ông nhà báo mặc bộ quần áo bộ đội nhàu nát, đi dép lốp, như một ông cựu chiến binh. Rồi ông mặc một bộ kaki mới hơn, văn minh hơn, đi dép nhựa nhưng vẫn cứ luộm thuộm thế nào. Và bây giờ ông đã may được một bộ quần áo của nhà báo, đi dép da, tóc để dài nhưng vẫn cứ là một ông nông dân mặc quần áo mượn. Hắn vừa nghe ông ta nói chuyện vừa ngắm nhìn ông với những cảm nghĩ rất riêng, vui một chút mà cũng buồn một chút. Rất ít có nhà báo tận tuỵ với nghề như ông, vì dân mà viết báo như ông, mà cũng ít ai trong nghề lại bị coi thường, bị bạc đãi như ông. Ông đã phục vụ bốn đời bí thư, chủ tịch của tỉnh, ai cũng cần ông mà không một ai trọng ông. Họ coi ông như chân như tay, như trợ lý chứ chưa bao giờ xem ông như một cố vấn, một chuyên gia rất am hiểu lòng dân, cái giận và cái lo của dân và những việc phải làm ngay cho dân đỡ khổ đỡ oán. Ngay cả mấy đời giám đốc cơ quan phát thanh của tỉnh cũng đều muốn tống ông về hưu mà không thể làm, không dám làm. Chưa một ai biết cách lấy tin vừa nhanh vừa chính xác như ông, lại có cách viết thân tình như những người trong nhà trò chuyện với nhau như ông. Có người đã nói nửa đùa nửa thật với hắn: "Ông ấy viết hay như biên tập viên của đài B.B.C ấy". Chỉ phải mỗi tội ông hay can thiệp vào nhiều việc của người cầm quyền quá, vì việc của người cầm quyền lớn và nhỏ trong tỉnh lại thường hay động chạm tới quyền lợi của dân, nói giùm cho dân thì bị ngăn ngay từ ông tổng biên tập của đài vì những mối quan hệ rất phức tạp của ông ta với các quan chức trong tỉnh và khắp các huyện. Ông nhà báo tỉnh nói với hắn: "Một tỉnh có ba, bốn thứ quỹ, quỹ tiền, quỹ lao động, quỹ lương thực, quỹ đất, dân nhìn thì khó thấy chứ tôi đã nhìn vào là ra vô ối chuyện. Có bao giờ họ dám cho đưa tin về con số tuyệt đối huy động lương thực một vụ trong năm đâu. Vì sẽ lòi ra quỹ lậu, anh hiểu chưa? Ðấy, đấy, họ ghét tôi vì tôi hay thò mũi vào những chỗ họ thích giấu kín!"

Ông nhà báo tỉnh lại còn dậy ông nhà báo nổi tiếng của trung ương cái thuật nghe dân nói. Họ nói lắt léo lắm, phải thấu hiểu tâm sự của họ mới nghe nổi, hiểu nổi. Ví như cơ quan nông nghiệp của tỉnh yêu cầu bà con nông dân nên dùng giống lúa Hồng Ðức thì dân nói lái ngay là lúa Ðừng Hốc - Nhà em mỗi sào được tạ hai (hại ta), nhưng ông anh lại được tạ tư (tự ta) - Họ bảo chúng em dùng phương thức "bỏ thẳng" (gieo thẳng, không cần cấy), chúng em làm theo ngay, một vụ "bỏ thắng" ba chục mẫu (tức là bỏ hoang, không cấy) - "Ruộng chúng em xa lắm, nhưng lúa rứt tốt (không phải là rất tốt), đi gặt không phải mang liềm, chỉ mang mẹt, mang rá thôi". Hoặc họ mời ông nhà báo tỉnh ở lại ăn cơm rồi nói: "Bác ngồi chơi, mẹ nó thả vó thì gỡ bằng mệt". Ngồi chơi cả giờ chả thấy gì, dọn cơm lên vẫn chỉ có tép rang với rau luộc. Hoá ra trong ao không có cá chỉ toàn là trà rào thôi. Nhưng cái bữa hắn và mấy ông bạn văn thơ của Hà Nội tới huyện T. và bữa cơm trưa ở huyện, có cả ông nhà báo tỉnh, hắn mới thật sự bàng hoàng về cách phân biệt đối xử giữa ông khách của tỉnh, cũng là người nhà của huyện với đám khách của trung ương. Họ không mời ông nhà báo tỉnh, chỉ có cán bộ của các ban ngành trong huyện ngồi tiếp khách của Hà Nội thôi. Mà bí thư, chủ tịch huyện và chánh văn phòng uỷ ban đều biết rõ đám báo chí ấy có quen biết nhau từ trước. Ông nhà báo tỉnh theo chân các bạn ở Hà Nội về cùng vào phòng tiệc nhưng không có chỗ cho ông ngồi, cũng không ai mời ông ngồi, ông cứ đứng mà nói chuyện với các bạn ông đã ngồi vào bàn, bàn tám người ăn vừa đủ chỗ. Ắt hẳn cái cảnh kẻ đứng người ngồi trò chuyện với nhau đã làm ông bí thư huyện hơi ngượng, hơi khó chịu nên ông bảo lấy thêm ghế cho ông khách không mời vẫn cứ đến, vẫn cứ đòi một chỗ ngồi, ngồi đúng cái bàn không ai muốn ông có mặt vì ông không chịu ngồi sang bàn khác. Ông muốn được trò chuyện với các đồng nghiệp ở trung ương về chứ đâu phải vì thèm một bữa ăn ngon. Ông không ăn gì thật, chỉ uống thôi, và ông đã mượn bia để bày tỏ nỗi lòng. Rằng ông là ân nhân của huyện này những năm họ gặp khó khăn trong thời chống Mỹ cũng như thời kinh tế còn bao cấp. Họ đói lắm, rách lắm, thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng tình người thì hết sức ấm áp, ăn rau ăn khoai nhưng đêm đến chả ai muốn về nhà, cứ nằm ở văn phòng uỷ ban huyện, gác chân lên nhau mà tâm sự. Còn bây giờ, ông ta quắc cặp mắt đã hơi say quay sang nhìn hắn, nhìn các bạn hắn, rồi lại nhìn những người bạn lâu năm ngồi cùng bàn, trước đây, chỉ mới dăm năm trước đây thôi, còn là bạn bè, là anh em, vì ông hơn họ cả chục tuổi, biết họ từ năm còn ở truồng, nhưng nay đã là những người quan trọng của một huyện giàu có, đãi đằng bạn bè tiệc lớn tiệc nhỏ, ngồi xe hơi có máy lạnh, đi đâu xa có cả một xe chở bia đi theo, còn ông nhà báo đã là một cấp dưới không đáng quan tâm, gọi là nhà báo nhưng chỉ là người viết bản tin hàng ngày ấy mà, ăn mặc lôi thôi, nói năng xàm xỡ, thiếu lịch thiệp, thiếu tinh tế, một anh nông dân chay chưa được khai hoá bởi nền văn minh thị trường. Trong một bàn tiệc đãi khách là những nhà văn nổi tiếng của trung ương về thăm một huyện cũng đang rất nổi tiếng mà lại nói những chuyện từ đời tám hoánh nào, ngăn lại không được, đuổi đi cũng không được, đành phải nín nhịn mà nghe, mà cười xoà và nói lảng. Người lãnh đạo nói một câu thì cái lão thích phá đám ấy nói lại đến mười câu, giọng nói như lệnh vỡ, chả nể ai cả, chả dè chừng một lời nói nào cả, cứ như ngồi ở đám giỗ dưới xã. Hắn nhìn những gương mặt lạnh ngắt của những người đương quyền, mắt nhìn xuống, miệng mím lại, thỉnh thoảng lại cười nhạt, tức là họ đang giận lắm, hận lắm nhưng biết làm sao được. Nên hắn vội vàng nói chen vào những chuyện làm ăn thất bại của nơi này nơi kia mà hắn được biết để có dịp phỉnh nịnh một cách khéo léo cái nhìn nhạy bén và cách quản lý tài giỏi của những người lãnh đạo huyện nhà. Mặt mọi người lập tức giãn ra, tiếng cười dài hơn và những lời đối đáp đã trở lại cái tự nhiên, cái vui vẻ của lúc ban đầu. Ông nhà báo tỉnh cũng lắng nghe chăm chú những câu chuyện vui hắn nói, mắt miệng như hơi cười nhưng là cái cười mỉa, cái cười khinh. Ông ta đâu cần hắn đứng ra dàn hoà, cái ông muốn trong bữa cơm trưa này là những người lãnh đạo của huyện phải tự bộc lộ cái mặt thật của họ, cách ăn ở bạc bẽo của họ và cả những khoe khoang rất ấu trĩ của những kẻ mới bắt đầu có của. Cấp lãnh đạo sống và nghĩ nông cạn đến thế thì dân chúng còn là vất vả, cái đời làm báo của ông còn gặp nhiều khó khăn, chắc rằng họ cũng sắp tống ông về hưu thôi, chẳng năm này thì thì năm tới, họ yêu gì ông mà muốn giữ lại. Chả lẽ ông lại nhẫn nhục xin làm hợp đồng! Trước ngày về Hà Nội, bọn hắn có mời ông ăn một bữa cơm chia tay tại nhà khách của tỉnh, hắn hỏi ông: nếu gặp lại mấy ông ở huyện T. anh có gì khó nói lắm không?" Ông cười hề hề: "Chả sao cả, vẫn thế mà. Cái việc của họ buộc họ phải thế, cái việc của tôi buộc tôi phải thế, có ai vì cái riêng đâu". Rồi ông nói tiếp: "Làm nhà báo là không có nghỉ hưu, lĩnh lương hưu nhưng vẫn cứ là nhà báo đương chức, họ có giỏi cứ việc đưa tôi ra toà. Tôi cũng mong tôi đã viết sai để có lời xin lỗi công khai họ trên báo trên đài, tôi sai họ đúng thì dân được nhờ nhiều, có phải không?" Cũng nhân sự tin cậy, thân tình giữa bọn họ trong ngày được đánh bạn với nhau, ông nhà báo tỉnh đã nhận xét hắn là người có tính thích dàn hoà, văn của hắn cũng nghiêng về sự thông cảm, sự dàn hoà, thiếu tính quyết liệt. Ông thì khác, ông thích sự phân minh, sự rạch ròi, hoặc họ đúng hoặc ông đúng, ông phản đối sự nửa vời, sai đúng chia đều, nạn nhân thủ phạm mỗi bên một nửa. Sau lần gặp gỡ ấy, hắn có viết được một truyện ngắn Lạc thời đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhưng tính cách nhà báo tỉnh trong truyện có khác nhiều với con người thật. Ông nhà báo hắn được tiếp xúc chả buồn một tý nào về những việc ông đã làm, những lời ông đã nói, nó thuộc chủ ý của ông chứ không do sự đẩy tới của cảnh ngộ mà ông đã nói thế, đã làm thế. Ông còn tiếp tục sống và viết một cách khó chịu cho tới ngày ông nghỉ hưu và cả sau khi đã nghỉ hưu nếu ông còn đi được, còn viết được. Ðài báo của tỉnh không dùng thì đài báo của trung ương sẽ dùng, tỉnh của ông còn cấp trên của nó, chứ chưa phải đã là một vương quốc độc lập, không thích là có thể cấm, cấm không được thì bỏ tù. Cũng là một con người đi tới cùng trong niềm tin của mình, trung thành đến cùng với lợi ích của những người thấp cổ bé miệng, muốn đem lại sự công bằng cho họ như ông đã tự hứa khi bước vào cái nghề viết tin viết báo.


17.

Hắn thích sự nhân nhượng, sự dàn hoà để có một kết cuộc vui vẻ, do tính cách bẩm sinh của hắn nhưng lại phù hợp với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, yêu cầu câu chuyện bao giờ cũng được kết thúc có hậu. Hình như cũng là cách viết của ông cha mình thì phải. Nên cô Kiều không chết ở sông Tiền Ðường mà lại được cứu để có cái cảnh tái hồi Kim Trọng. Nguyễn Du muốn thế mà Nguyễn Ðình Chiểu cũng muốn thế. Nhiều tác giả các truyện thơ khuyết danh cũng muốn thế. Nhưng Nguyễn Gia Thiều đã viết khác. Ông viết thật hơn, từ câu đầu đến câu cuối của thiên Cung oán ngâm khúc chỉ có tiếng than thấm đẫm nước mắt thôi. Rồi những tưởng tượng, những mơ mộng, những hy vọng nhưng thực tế thì ông vua đã quên cô ta rồi, còn cô cung nữ thì vẫn phấp phỏng: Ðè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi - Nghiên bình phấn mốc mà dồi má deo. Và hai câu kết thúc của tiếng rên dài vẫn chỉ là hy vọng: Phòng khi động đến Cửu trùng - Giữ sao cho được má hồng như xưa. Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay Xung đột, các nhân vật được phát triển theo đúng cái bản chất của người nông dân có đạo, họ trở nên bối rối, lầm lạc khi phải đối mặt với những thử thách của một thời kỳ không thuộc năng lực của họ chứ không tuân theo sự sắp xếp có hậu của tác giả. Tiểu thuyết Ðiều tra về một cái chết cũng thế. Các nhân vật Hai Gáo, Tư Tốn bị những nhân nhượng vặt vãnh suốt một đời tu đạo đẩy họ vào những tình thế bế tắc hoàn toàn, không có cách gì thoát ra được, chỉ có thể kết thúc bằng cái chết mà thôi. Nhưng chết trong văn chương thì sẽ được sống mãi trong lòng bạn đọc. Còn lại sống một cách gắng gượng, vô lý vì mong muốn của tác giả thì phải chết trong văn chương. Vì cuộc sống vốn quyết liệt không chấp nhận sự kết thúc có hậu ở những trường hợp ấy. Nhưng ở Cha và Con và... lại có sự nhân nhượng, sự giải hoà vì cha Thư đã tìm được cách chung sống giữa các bổn phận, lấy giáo dân làm Chúa của mình. Nhưng trong thực tế đã hoặc sẽ có một linh mục nào ở nước ta dám làm một cuộc cách mạng triệt để như thế không? Ở tiểu thuyết Chủ tịch huyện cũng vẫn có sự nhân nhượng. Nhân vật An là một chủ tịch xã rất trẻ lại có tài chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của một xã, nhưng anh ta cũng có tính láu cá và gian giảo của dân hàn vá nồi, lại được tỉnh và huyện nâng niu, chiều chuộng nên đã có những dấu hiệu của một cán bộ xã hãnh tiến, gian dối, bất chấp thủ đoạn để đạt tới cái đích của mình. Hắn đã nhận ra những biểu hiện tiêu cực còn mờ nhạt của một nhân vật đang được xem là thần tượng của huyện, của tỉnh, và đã có lời cảnh báo bằng nhận xét: Một cán bộ xã làm việc giỏi, rất tháo vát nhưng hay khuynh loát tập thể. Lý lẽ sắc bén nhưng nhiều khi nguỵ biện. Rất ưa người khác tâng bốc mình nhưng lại không biết gìn giữ uy tín của người khác. Cái phần hiện thực chỉ tới đó thôi, còn sau đó lại là "lãng mạn" rồi, bằng một kết thúc xem ra cũng có lý: cả nước đã bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ nên nhân vật An đã tự gột rửa mình trở nên sạch sẽ để bước vào cuộc chiến đấu mới. Bạn đọc những năm ấy cũng mong muốn câu chuyện được kết thúc vui vẻ như thế nên đã đồng tình với tác giả. Các nhà phê bình văn học lại càng đồng tình hơn. Cuốn sách đã thành công theo đúng những tiêu chuẩn mỹ học của một thời. Ba mươi sáu năm sau hắn trở lại quê hương của Chủ tịch huyện, nhắc lại chuyện cũ, nhân vật cũ mới té ngửa ra cuộc sống đã có những kết thúc khác hẳn, khắc nghiệt hơn nhiều, bi quan hơn nhiều. Ông chủ tịch xã trẻ tuổi đầy triển vọng năm nào đã trở thành một tên ác bá đầy thủ đoạn, cấp trên không dám loại bỏ vì y đã từng là ghế đệm của họ trong nhiều năm, còn dân chúng chỉ còn biết giương mắt nhìn chứ không dám hé môi nói nửa lời. Lúc hắn ngỏ ý muốn gặp lại nhân vật của mình thì được trả lời y đã trở thành kẻ lừa đảo của cả nước từ hai chục năm nay, hiện đang phải trốn chạy vì đã có lệnh truy nã toàn quốc. Hắn đã viết về câu chuyện buồn và đáng xấu hổ của hắn trong bài bút ký Mất toi một cuốn sách.

Tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm cũng là một cuốn sách được viết theo tinh thần hoà giải mọi sự trái ngược giữa những người có chính kiến khác nhau. Họ đều đã già, đã từng trải nhiều trên chính trường, những mặt trái của một thể chế chính trị dựa vào Mỹ họ đều biết rất tường tận và đã tự tách ra về tư tưởng, về tình cảm từ nhiều năm rồi. Nên giữa họ cũng đã tìm được một tiếng nói chung khi đất nước vừa ra khỏi một cuộc chiến đã kéo dài và đang đứng trước những vận hội mới. Cuốn sách đã được bạn đọc của Sài Gòn, của miền Nam chấp nhận vì nó đã đem lại một hy vọng có nhiều tính thực tế. Nhưng trong cuộc sống thật như nó đang diễn ra hàng ngày lại không hoàn toàn như thế. Vì cái mặc cảm kẻ thua người thắng, dẫu là rất vô lý, cũng chưa thể gột bỏ được ngay trong một gia đình. Như cái đại gia đình của hắn là một ví dụ. Hắn là con vợ lẽ, vợ không chính thức nên hắn cũng là đứa con không chính thức. Vì hắn trở lại với gia đình trong đội quân chiến thắng, trong số những người sẽ làm chủ Sài Gòn nên không thể không tiếp đãi hắn cho đàng hoàng. Vả lại nhận một thằng Việt cộng cũng có dính líu một chút máu mủ ở cái thời buổi có nhiều bất an, nhiều lo sợ thì có gì là thiệt, là không nên. Có một đứa con của gia đình ở phe bên kia, phe chiến thắng gần như là một đảm bảo về chính trị trước nhiều câu hỏi, nhiều bản kê khai do cán bộ của khu phố, của phường, của quận đưa tới. Cho nên bố mẹ hắn mới xin hắn một tấm hình mặc quân phục có đeo lon thiếu tá đặt trên tủ buýp phê kê giữa nhà, có ai vào chơi là giới thiệu liền: "Cháu nó ở ngoài Hà Nội mới vào thăm chúng tôi". Ngày hắn gặp lại bố mẹ, bố hắn ngắm nhìn hắn một lúc lâu rồi bảo: "Nom anh bây giờ chả giống chút nào với ngày xưa, nếu anh không xưng tên thì tôi không thể nhận ra". Hắn nói: "Năm nay con vừa bằng tuổi cậu cái năm gia đình ta ở Nam Ðịnh". Bố hắn nói bâng khuâng: " Ừ nhỉ, 45 tuổi, đời người cũng nhanh thật". Rồi ông cụ lại nói: "Cái năm ấy là do hoàn cảnh..." Hắn cười, nói át đi: "Cậu chả nên nghĩ lại cái chuyện ngày xưa làm gì". Tức là hắn muốn giải hoà vì nghĩ rằng đã có điều kiện để giải hoà. Hắn trở về cũng không phải để giành lấy một cái gì, đòi có một cái gì, không lấy đi của ai bất cứ cái gì, trừ phi hắn có lòng dạ nhỏ nhen muốn nhân sự thắng thế mà trả thù. Nhưng hắn đã nói một cách vô tư nhất, trong tiếng cười hồn nhiên nhất: "Thôi bỏ đi cậu ạ, được gặp lại cậu mợ và các anh chị còn khoẻ là con vui rồi". Hắn nghĩ thế thật nhưng những người ruột thịt của hắn chưa hẳn đã nghĩ thế. Thoạt đầu thì vui, đang có nhiều lo lắng vì bị đột ngột quăng vào một thời thế mới chưa có chuẩn bị gì thì gặp người của gia đình, dẫu rằng đã quên nó từ lâu rồi, đã nghĩ không có nó, lù lù xuất hiện. Nên mới mở tiệc đãi đằng nó và bạn nó. Nhưng trong lòng vẫn không vui. Ðứa con trai út được chiều quí, nâng niu thì lại phải tập trung học tập cả năm vì nó là thiếu uý công binh của đội quân thất trận. Còn cái thằng đã vứt bỏ, đã muốn quên đi lại là nhà văn nhà báo, được nhắc nhở, được mong chờ của cả họ. Thế là bực, vì nó trái lẽ, nó ngược đời. Cuối năm 1976, trong một lần hắn lại chào bố mẹ để hôm sau ra Bắc, ông già cứ đứng trong cánh cửa sắt nói chuyện với con chứ không mở cửa. Rồi ông hỏi: "Anh có cần vào trong nhà không?" Bố nào lại hỏi con ruột cái câu lạ lùng ấy trước ngày nó lại đi xa, có thể năm sau nó lại vào, cũng có thể vài năm nữa nó mới được vào, công việc của nó là ở Hà Nội kia mà. Hắn biết ý liền nói ngay: "Dạ, không ạ, con đến chào cậu mợ thôi. Có chuyện gì cần cậu mợ cứ viết thư cho vợ chồng con". Nói rồi hắn quay người đi thẳng, trong lòng cũng hơi tủi, hơi giận. Một bữa cơm gia đình để chia tay cũng không có. Tức là bố và mẹ già còn ghét hắn lắm. Sự có mặt của hắn vào những ngày này đã làm họ xấu hổ nên họ ghét, có khi chỉ là như thế. Nhưng nó là con mình kia mà, nó làm đẹp mặt mình tại sao lại ghét nó. Vẫn đáng ghét chứ! Vì nó dám ngoi cao hơn các anh chị nó nên phải ghét. Chẳng lẽ dòng dõi lại tìm nơi phát sáng ở cái đứa mà trong một lúc quá thất vọng người bố đã phải kêu lên: "Thằng mán tiền!" Nửa năm sau thì ông già hắn mất ở tuổi 77 nên lần gặp người đứng trong cánh cửa kẻ đứng ngoài cánh cửa là lần gặp cuối. Năm 1982, tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm ra mắt bạn đọc cả nước. Hầu hết các nhân vật trong cuốn sách đều có nguyên mẫu cả, nhưng nhân vật văn học cô đọng hơn, sang trọng hơn, trí tuệ hơn. Hắn nâng họ thành các nhân vật đại diện, nhân vật tư tưởng tước bỏ hết những chi tiết dung tục của đời thường. Hắn viết không nhằm bới móc đời tư và những chuyện còn chưa đẹp mà chỉ cốt khẳng định lòng yêu nước đã thắng, cái thiện lương trong mỗi người đã thắng, xu thế của dân tộc có khả năng xích lại gần họ lại để cùng đối mặt với những thử thách mới, mỗi người mỗi cách. Nhưng cuốn sách đã làm mất lòng những người ruột thịt của hắn vì tính khách quan của người cầm bút. Hắn đã so sánh hai người, là hai cậu cháu, đều là quan lại, một người đã dám bỏ tất cả để đi theo kháng chiến, còn một người cứ níu chặt lấy cái thể chế cũ, mỗi năm một tự hạ thấp mình đi. Ðoạn văn đó như sau:
Anh Hảo tốt nghiệp trường Luật ở Paris, về nước được chính phủ bảo hộ bổ nhiệm làm tri huyện, một chức quan cai trị vào loại cà mèng nhất. Ông bố tôi là dân tham biện chuyển sang ngạch quan lại, học vấn và uy danh tất nhiên không thể bằng ông cử nhân luật, nên cụ có vẻ thích thú cái chức vụ mới đó lắm. Thì có cà mèng vẫn cứ là quan lớn và vợ quan lớn tức thị là bà lớn và bà lớn có thể nói với họ hàng: "Ông huyện nhà tôi...", ông huyện nhà tôi thì sang hơn "ông tham, ông phán, ông ký nhà tôi" rồi...

Lại một đoạn khác:
Anh Hảo là người sướng từ trong trứng, bố tôi bì thế nào được. Cái đại gia đình ấy có cả hai vế: tân học thì có một tiến sĩ, một luật sư, cựu học thì có một phó vương, một khâm sai đại thần. Họ sang đến thế mà họ theo cách mạng được, cả ông phó vương lẫn ông khâm sai đại thần. Còn ông tri huyện lại khăng khăng bảo thủ chế độ cũ, muốn sống chết vì nó, từ chối mọi sự thay đổi...

Nghe vợ hắn nói lại, mẹ già hắn đã nổi cơn giận dữ chưa từng có, vì xưa nay bà có tức chết cũng cố giữ cái vẻ ngoài điềm đạm và càng giận lại càng tươi nét mặt và cười. Tất nhiên là cười nhạt, cười gượng, cái cười lạnh lẽo mà ngày còn nhỏ hắn đã muốn dựng hết chân tóc mỗi khi hắn thấy bà nhìn hắn và cười. Vả lại xã hội đã trở lại ổn định dần dần, những lo lắng, sợ sệt vô lý của những ngày đầu đã không còn nữa, nên tấm hình - bùa của hắn đã được hạ xuống để trả lại cho cái đứa con mất nết đã dám dùng văn chương để chửi cả bố. Và cả gia đình đã từ hắn một cách hả hê, vì đã tìm ra cái cớ đích đáng để khỏi phải ngồi thấp hơn hắn, ngồi vòng ngoài mỗi lần có cuộc gặp gỡ trong họ.
Cái số hắn hoá ra cũng vất vả, từ nhỏ tới năm 15 tuổi mới được về nhà bố để nhận mẹ già, nhận các anh chị, được tận mắt thấy bố ăn bố ngủ, lúc gắt lúc cười. Rồi bặt tin nhau vừa tròn ba mươi năm mới được gặp lại, chỉ có một người chết là ông anh rể có cửa hàng lớn ở Hải Phòng, còn vẫn đủ mặt. Ông bố đã là một ông lão tóc bạc phơ, đi đứng lòng khòng với cây gậy trong tay, nói năng ngập ngừng và cái nhìn đầy lo sợ. Ông đã hiện ra trước mắt đứa con vừa trở về như một người thất bại hoàn toàn. Các bà chị đã già đi nhưng vẫn sống túm tụm với nhau trong một ngôi nhà như xưa kia, vì chả có ai xuất giá cả, hay nói như chị Ðại "chả có ma nào chịu rước đi cho". Lần này xa nhau thấm thoát đã tròn hai chục năm, tuy cùng ở một thành phố, mỗi nhà đều có điện thoại, chỉ cần nhấc ống nghe lên và bấm số, mà vẫn không được biết tin tức của nhau. Hắn biết chắc sẽ không có cơ hội gặp lại vì nghe nói mẹ già của hắn đã buộc các con phải lập lời thề, mãi mãi không được nhìn nhận lại cái chi thứ đã bị tách ra. Việc gì phải thề, các anh chị hắn và cả hắn đều đã ở tuổi trong ngoài bảy mươi cả, còn sống được bao lâu mà sợ phải gặp lại. Trong số họ chỉ có hai người là có con, một dòng ở Pháp, một dòng ở Mỹ, đã thành công dân của các nước sở tại, đến đất nước của ông bà chưa hẳn chúng đã nhớ còn nhớ làm sao những người chúng chưa từng nghe nói, chưa từng gặp mặt. Cuộc chia ly vĩnh viễn này đã khiến hắn buồn lắm, càng có tuổi nghĩ càng buồn, cái cạn nghĩ của một người đàn bà đã làm đứt rời hai khúc ruột, khúc trên khúc dưới, thì cái dòng họ ấy còn có ra gì.
Nguồn: Tạp chí Nhà Văn, Hà ná»™i 2003