trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Tưởng niệm Giáo hoà ng John Paul II (1920-2005)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
8.4.2005
Hans Küng
Khủng hoảng trong Giáo hội Công giáo - Những mâu thuẫn của Giáo hoàng
Lê Trần Huy Phú dịch
 
Bà i viết sau đây của nhà thần học Hans Küng, đăng bằng tiếng Đức và tiếng Anh trên tờ tuần báo hà ng đầu của Đức Der Spiegel (Tấm gương) ngà y 26.3.2005, không lâu trước khi đức Giáo hoà ng John Paul II tạ thế, có thể gây dư luận không thống nhất. Chúng tôi xin giới thiệu hai bản dịch, một của Lê Trần Huy Phú và một của Nguyễn Tiến Văn, để độc giả có thêm cơ hội tham khảo.
talawas


Lời người dịch: Bà i dưới đây công bố và o lúc bệnh tình của Giáo hoà ng John Paul II bắt đầu trở nặng trong mùa Phục sinh vừa rồi. Trong bối cảnh vừa tạ thế, đức độ và công lao của ngà i được tưởng nhớ và vinh danh khắp nơi, thì những phê phán xem ra là bất nhã. Tuy nhiên, với cái nhìn thẳng thắn của một người trong cuộc, tác giả bà i viết có thể đem lại một góc nhìn khác, không hề là kém phổ biến, cần thiết cho việc nhìn nhận đầy đủ một trong những con người nổi bật nhất, quyền uy nhất của thế kỷ 20.
Đối với bên ngoài, Giáo hoàng John Paul II can dự một cách năng động vào vấn đề chiến tranh và áp bức, là người soi đường cho những ai ngóng chờ tự do. Nhưng bên trong, nhiệm kỳ phản cải cách của ông đã đẩy Giáo hội Công giáo La Mã vào một kỷ nguyên khủng hoảng tín nhiệm.

Giáo hội Công giáo hiện khắt khe kinh khủng. Giáo hoàng đang trong cơn trọng bệnh và xứng đáng với mọi thương cảm dành cho ngài. Nhưng Giáo hội thì vẫn phải sống, và khi nhìn vào việc tuyển chọn Giáo hoàng mới, nó cần được chẩn bệnh, một sự phân tích không tô vẽ của người trong cuộc. Việc trị liệu sẽ được bàn đến sau.

Nhiều người kinh ngạc trước quyền lực còn lưu lại của người đứng đầu Nhà thờ Công giáo La Mã, mà một phần cơ thể đã tê liệt và hết sức yếu ớt, và dù có đủ mọi thuốc thang, cũng chỉ để duy trì việc phát biểu. Ngài được đối xử bằng sự tôn kính mà sẽ không bao giờ có ở một tổng thống Hoa Kỳ hay một thủ tướng Đức, nếu trong cùng tình trạng. Những người khác thì cảm thấy bị trì hoãn bởi một giáo phẩm mà họ xem là ngoan cố, thay vì chấp nhận danh thơm muôn đời của một người Cơ đốc, lại đang sử dụng mọi công cụ tùy nghi của mình để duy trì quyền lực trong một hệ thống hết sức phi dân chủ.

Ngay cả đối với nhiều người Cơ đốc, vị Giáo hoàng này, tại điểm cuối của sức mạnh vật lý, đang từ chối lui khỏi sức mạnh quyền lực, là biểu tượng của một Giáo hội không trung thực, đã “vôi hóa” và lão hóa đằng sau mặt tiền lộng lẫy của nó.

Tâm trạng hội hè rộ lên trong thời điểm của Công đồng Vatican II (1962-1965) đã biến mất. Quan điểm của Vatican II về đổi mới, nhận thức Thiên chúa giáo thống nhất, và sự cởi mở chung của thế giới Thiên chúa giáo nay dường như phủ đầy mây mù và mờ mịt tương lai. Nhiều người đã từ chức hay thậm chí quay lưng, do sự vỡ mộng trước hệ thống giáo bậc chỉ biết đến mình này. Kết quả là nhiều người phải đối mặt với những lựa chọn bất khả kháng: “Tham gia trò chơi hay rời khỏi Giáo hội”. Niềm hy vọng mới chỉ bắt đầu từ tận gốc rễ, nếu các quan chức Nhà thờ ở Rome và hệ thống giáo mục có sự định hướng lại, theo kim chỉ nam của Phúc âm.

Một trong những le lói ít ỏi của hy vọng này là lập trường của Giáo hoàng chống cuộc chiến Iraq và chống chiến tranh nói chung. Vai trò của vị Giáo hoàng người Ba Lan trong việc góp phần mang lại sự sụp đổ của đế chế Soviet cũng được nhấn mạnh, và đúng như thế. Nhưng nó cũng đã được cường điều quá mức từ những nhà tuyên truyền của Thánh cha. Chế độ Soviet không phải sụp đổ vì Giáo hoàng (trước khi Gorbachev nắm quyền, những gì Giáo hoàng có được cũng chỉ như ngài hiện đang có được ở Trung Quốc), mà từ sự bùng nổ của những mâu thuẫn nội tại về kinh tế và xã hội của hệ thống Soviet.

Theo tôi, Karol Wojtyla không phải là người vĩ đại nhất, mà chắc chắn là người nhiều mâu thuẫn nhất - vị Giáo hoàng của thế kỷ 20 đầy mâu thuẫn. Một Giáo hoàng của nhiều tài năng bẩm sinh và nhiều quyết định sai lầm! Có thể tóm lược nhiệm kỳ của ngài thành mẫu thức chung như sau: “chính sách ngoại giao” đòi hỏi sự thay đổi, cải cách và đối thoại từ phần còn lại của thế giới. Nhưng điều này mâu thuẫn sắc nét với “chính sách đối nội” của ông, hướng đến việc phục hồi nguyên trạng thời kỳ tiền Công đồng, ách tắc cải cách, từ chối đối thoại trong nội bộ Giáo hội, và sự thống trị chuyên chế của Rome. Sự mâu thuẫn này thể hiện rõ rệt ở nhiều phạm vi. Trong khi hoàn toàn thừa nhận những mặt tích cực của đời Giáo hoàng này, vốn nhận được những nhấn mạnh chính thức, cùng lúc tôi sẽ tập trung vào chín mâu thuẫn nổi bật nhất.

Nhân quyền: Đối với bên ngoài, John Paul II ủng hộ các quyền con người, trong khi với bên trong lại từ chối chúng đối với các giám mục, các nhà thần học, và đặc biệt là đối với phụ nữ.

Vatican, đã từng là một kẻ thù kiên định của quyền con người, nay hoàn toàn sẵn lòng gia nhập vào nền chính trị Châu Âu - phải ký vào Tuyên ngôn Nhân quyền của Uỷ hội Châu Âu. Trước tiên, có rất nhiều tiêu chuẩn của luật pháp Nhà thờ La Mã chuyên chế thời trung cổ cần phải được tu chính. Quan niệm phân quyền, hòn đá tảng của mọi thực tiễn pháp lý hiện đại, lại không được biết đến ở Giáo hội Rome. Vì vậy, phương thức phân quyền là một thực thể không được biết đến. Ở Vatican, trong các tranh chấp, một và cùng một tác nhân thực hiện các chức năng của người làm luật, công tố và thẩm phán.

Hệ quả: một hệ thống giáo mục hoàn toàn lệ thuộc và tình trạng pháp lý bất khoan dung. Bất kỳ ai, linh mục, nhà thần học, hay người thế tục, khi tranh chấp pháp lý với những tòa án giáo hội cấp cao, đều hầu như không có khả năng thắng.

Vai trò của phụ nữ: Người thờ phụng vĩ đại của Đức Mẹ thuyết giảng một quan niệm thanh cao về phụ nữ, như cùng lúc cấm đoán phụ nữ kiểm soát sanh đẻ và cấm chỉ họ nhận thụ phong.

Hệ quả: có sự rạn nứt giữa sự tuân thủ bề ngoài với sự tự quản nội tại của lương tâm. Điều này khiến các giám mục, những người hướng về Rome, trở nên không thân thiện với phụ nữ, như trường hợp tranh cãi quanh vấn đề tư vấn phá thai (năm 1999, Giáo hoàng ra lệnh cho các giám mục đóng cửa các trung tâm tư vấn, nơi phát hành các chứng chỉ cho phụ nữ để sau này có thể nhận được dịch vụ phá thai). Đến lượt nó, vấn đề dẫn đến sự xa rời ngày một tăng trong số các phụ nữ đó, trong khi họ vẫn giữ đức tin sâu sắc.

Đạo lý tình dục: Vị Giáo hoàng này, trong khi thuyết giảng chống lại nghèo đói và khổ đau của thế giới, đã khiến chính ngài phải phần nào chịu trách nhiệm cho sự khổ đau này, như là một kết quả từ thái độ đối với việc kiểm soát sinh đẻ và bùng nổ dân số.

Trong nhiều chuyến đi, và trong một diễn văn tại Hội nghị Liên hợp quốc về Dân số và Phát triển, tại Cairo, John Paul II đã tuyên bố chống lại việc sử dụng thuốc ngừa thai và bao cao su. Và kết quả, Giáo hoàng, hơn bất kỳ chính trị gia nào khác, có thể phải chịu một phần trách nhiệm cho việc tăng dân số không kiểm soát ở một số nước và sự lan rộng của bệnh AIDS tại Châu Phi.

Hệ quả: Ngay cả những nước theo truyền thống Công giáo, như Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đạo lý tình dục khắt khe của Giáo hội Rome và của Giáo hoàng đã bị bác bỏ công khai hay ngấm ngầm.

Đời sống độc thân của linh mục: Bằng việc truyền bá hình ảnh truyền thống của những nam linh mục độc thân, Karol Wojtyla chịu tránh nhiệm chủ yếu cho sự khan hiếm linh mục một cách thê thảm, sự sụp đổ những phúc lợi tinh thần ở nhiều nước, và nhiều scandal lạm dụng tình dục trẻ em mà nhà thờ không thể che đậy được nữa.

Hôn nhân vẫn tiếp tục bị cấm đối với những người đã đồng ý hiến dâng cuộc đời cho giáo mục. Đây chỉ là một ví dụ của việc Giáo hoàng, cũng như những người trước ông, đã lờ đi những giáo huấn của kinh thánh và truyền thống Công giáo đại lượng của niên niên kỷ đầu tiên, vốn không đòi hỏi người mang giáo phẩm phải thề nguyền độc thân. Nếu ai đó, theo đặc điểm giáo phẩm của mình, buộc phải sống cuộc đời không vợ không con, thì có một nguy cơ lớn, khiến sự tương hợp sức khỏe của tình dục đi đến sai lầm, mà minh họa là việc dẫn đến những hành động ấu dâm.

Hệ quả: Hàng phẩm cấp thưa thớt và thiếu hẳn một dòng dõi mới trong Giáo hội Cơ đốc. Chẳng bao lâu nữa, gần hai phần ba giáo xứ, cả ở những nước nói tiếng Đức và các nơi khác, sẽ không có các linh mục được thụ phong và những ca tụng của lễ ban thánh thể. Ngay cả sự thiếu hụt do giảm sút dòng linh mục từ nơi khác đến (1.400 linh mục ở Đức là từ Ba Lan, Ấn Độ, và Châu Phi), và việc phải hợp nhất các giáo xứ thành những “đơn vị phúc lợi tinh thần” - một hướng rất không được ưa chuộng trong các cộng đồng đức tin, đã không thể tiếp tục che giấu được nữa. Con số các linh mục thụ phong mới ở Đức từ 366 của năm 1990, rơi xuống 160 trong năm 2003, và tuổi trung bình của các linh mục hành đạo hiện nay là trên 60.

Khuynh hướng thống nhất Thiên chúa giáo: Giáo hoàng thích được xem như người phát ngôn của khuynh hướng thống nhất Thiên chúa giáo toàn thế giới. Thế nhưng cùng lúc với việc đặt nặng quan hệ của Vatican với Giáo hội Chính thống giáo và các giáo hội cải cách, ngài từ chối việc nhìn nhận hàng giáo phẩm và lễ ban thánh thể của họ.

Giáo hoàng có thể lưu ý đến lời khuyên từ các sứ vụ nghiên cứu thống nhất Thiên chúa giáo, và theo thực tế của nhiều linh mục địa phương, bằng cách nhìn nhận hàng giáo phẩm và lễ ban thánh thể của các giáo hội Thiên chúa ngoài Công giáo và cho tiếp nhận sự hoan hỉ thánh thể của họ. Ngài cũng có thể hạ giọng sự cực đoan của Tòa thánh, sự đòi hỏi trung cổ đối với quyền lực, trong khuôn khổ của chủ thuyết và quyền lãnh đạo của Giáo hội, đối với các Giáo hội Đông Âu và giáo hội cải cách, và có thể gạt bỏ chính sách của Vatican về việc phái giám mục Công giáo Rome đến các vùng mà nhà thờ Chính thống Nga chiếm ưu thế.

Giáo hoàng có thể làm những điều này, nhưng John Paul không muốn thế. Thay vào đó, ngài muốn bảo tồn và thậm chí mở rộng hệ thống quyền lực của Rome. Vì lý do này, ngài phải dùng đến thái độ hai mặt: chính trị quyền lực và thanh thế của Rome được che đậy bằng những diễn thuyết trên bục cao về thống nhất Giáo hội, trong khi hành động thể hiện thì trống rỗng.

Hệ quả: Nhận thức thống nhất Thiên chúa giáo đã bị dừng lại sau Công đồng, và quan hệ với Giáo hội Chính thống và Giáo hội Tin lành trở nên nặng nề đến mức đáng kinh. Giáo hoàng, như những người tiền nhiệm ở thế kỷ 11 và 16, đang chứng minh là một chướng ngại lớn nhất của việc thống nhất các giáo hội Thiên chúa, trong sự tự do và đa dạng.

Chính sách nhân sự: Với tư cách Phó giám mục, rồi Tổng giám mục ở Kraków, Karol Wojtyla tham dự vào Công đồng Vatican II. Nhưng khi là Giáo hoàng, ngài không lưu tâm đến tính đồng sự vốn đã được đồng ý đi đến, và thay bằng việc ca tụng sự khải hoàn ở nhiệm kỳ của mình, với cái giá là hy sinh thanh thế của cộng đồng giám mục.

Với “chính sách nội bộ”, Giáo hoàng đã nhiều lần phản bội số đông của Công đồng. Thay vì sử dụng ngôn từ của chương trình hoà giải, “Hiện đại hóa Công giáo, Đối thoại, và Đồng sự - thống nhất giáo hội”, thì cái hiện có hiệu lực trong chủ thuyết và thực tiễn lại là “hoàn nguyên, địa vị thuyết giảng, tuân thủ, và tái La Mã hóa”. Tiêu chuẩn để bổ nhiệm giám mục không phải là tinh thần của Phúc âm hay tinh thần giáo mục mở, mà là trung thành tuyệt đối với tuyến đảng phái ở Rome. Trước khi bổ nhiệm, sự tuân giáo nền tảng của họ được kiểm chứng bằng một bảng câu hỏi thánh tòa, và được bịt kín bằng thánh lễ thông qua một lời phát nguyện tuân thủ cá nhân và vô hạn đối với Giáo hoàng, tương tự như một thề nguyền đối với “Führer” [1] .

Bạn bè của Giáo hoàng trong số các giám mục khu vực nói tiếng Đức, gồm Hồng y Joachim Meisner ở Köln; Giám mục Johannes Dyba ở Fulda (mất năm 2000); Hans Hermann Groer, người đã từ chức Hồng y tại Wien vào năm 1995 sau những cáo buộc lạm dụng tình dục chủng sinh trước đó nhiều năm; Giám mục của St. Poeltin, Kurt Krenn, người đã mất chức sau một scandal tình dục nổi lên tại chủng viện của ông. Những người này chỉ là những sai lầm ngoạn mục nhất của một chính sách nhân sự tàn phá giáo mục, vốn cho phép trình độ tri thức và đạo đức của giới giám mục có thể bước đến những bước trượt dài nguy hiểm.

Hệ quả: Thành phần giám mục hết sức tầm thường, cực kỳ bảo thủ và lệ thuộc, là gánh nặng nghiêm trọng nhất của đời Giáo hoàng kéo dài quá mức này. Những đám đông tín hữu ở giai đoạn biểu hiện tốt nhất của Giáo hoàng không thể lừa dối: nhiều triệu người đã rời khỏi Giáo hội dưới nhiệm kỳ này, hoặc rút khỏi đời sống tôn giáo trong thế đối lập.

Chủ nghĩa giáo quyền: Vị Giáo hoàng người Ba Lan xuất hiện như một đại diện tôn giáo sâu sắc của Châu Âu Thiên chúa giáo, nhưng phong thái chiến thắng và những chính sách phản nghịch của ngài vô tình thúc đẩy sự thù địch đối với Giáo hội, và cả sự ác cảm đối với Thiên chúa giáo.

Trong chiến dịch của Giáo hoàng nhằm truyền bá Phúc âm, vốn tập trung vào đạo lý tính dục, đã bước sai nhịp với thời đại, với phụ nữ, cụ thể, với những người không chia sẻ lập trường của Vatican về những vấn đề gây tranh cãi như kiểm soát sinh đẻ, phá thai, ly dị, và thụ tinh nhân tạo - những người bị dèm pha là thăng tiến một nền “văn hóa chết”. Như kết quả từ sự can thiệp - ở Đức chẳng hạn, nơi nó tìm đến những chính trị gia có ảnh hưởng và hệ thống giám mục trong cuộc tranh cãi quanh vấn đề tư vấn phá thai - Tòa thánh Rome tạo ấn tượng rằng họ ít tôn trọng sự tách rời pháp lý giữa nhà nước và nhà thờ. Thật vậy, Vatican (sử dụng Đảng Nhân dân Châu Âu như loa phát ngôn) cũng đang cố gắng tạo áp lực lên Nghị viện Châu Âu bằng việc kêu gọi bổ nhiệm các chuyên gia là những người đặc biệt trung thành với Rome, trong các vấn đề làm luật liên quan đến phá thai chẳng hạn. Thay vì gia nhập vào dòng chính của xã hội bằng việc ủng hộ các giải pháp hợp lý, Tòa thánh Rome, thông qua các tuyên cáo và các vận động ngầm (qua các đại sứ của Giáo hoàng, Hội nghị Giám mục, và “bạn bè”), trên thực tế đã tạo nên sự phân lập giữa khuynh hướng thiên sự sống và thiên chọn lựa, giữa những nhà đạo đức và những người tự do.

Hệ quả: Chính sách giáo quyền của Rome chính là giúp củng cố lập trường của các nhà phản giáo quyền giáo điều và các nhà vô thần chính thống. Nó cũng tạo nghi ngờ trong tín hữu rằng tôn giáo có thể đang bị lạm dụng cho những mục đích chính trị.

Giòng dõi mới cho giáo hội: Như một người giao tiếp lôi cuốn và một ngôi sao truyền thông, Giáo hoàng đặc biệt có ảnh hưởng đối với thanh niên, ngay cả khi ngài đã cao tuổi. Nhưng ngài đạt được điều này bằng việc lôi kéo một phần lớn những “phong trào mới”, bảo thủ, có nguồn gốc Ý, phong trào “Opus Dei” [2] bắt nguồn ở Tây Ban Nha, và sự trung thành công khai mù quáng đối với Giáo hoàng. Tất cả điều này là biểu hiện sự tiếp cận của Giáo hoàng đến việc xây dựng một thành phần bình thường làm nồng cốt, và sự bất lực của ông trong việc đối thoại với những người phê phán.

Những hoạt động lớn của thanh niên ở địa phương và quốc tế được bảo trợ từ những phong trào mới này (Focolare, Comunione e Liberazione, St. Egidio, Regnum Christi), và được quản lý bởi hệ thống giáo hội, thu hút hàng trăm ngàn thanh niên, phần nhiều trong đó có thiện chí nhưng lại có một tinh thần hết sức thiếu phê phán. Trong thời đại mà người ta không có niềm tin vào các nhân vật lãnh đạo, số thanh niên này chịu nhiều ấn tượng nhất từ các “show” họ được tham dự. Thỏi nam châm người của “John Paul siêu sao” thường quan trọng hơn nội dung những diễn thuyết của Giáo hoàng, trong khi tác động của họ trong đời sống giáo sứ chỉ rất ít.

Giữ lý tưởng về một Giáo hội đồng nhất và tuân thủ, Giáo hoàng nhìn thấy tương lai của Giáo hội gần như tập trung vào các phong trào bảo thủ và dễ kiểm soát này. Điều này gồm cả việc đặt khoảng cách của chính Vatican với quy củ của dòng Tên, vốn hướng đến giáo lý của Công đồng. Được sự ủng hộ của các Giáo hoàng trước, những người dòng Tên, do phẩm chất tri thức, thần học phê phán, và những chọn lựa thần học tự do, nay được xem như những người cản trở công việc hoàn nguyên trong chính sách của Giáo hoàng.

Thay cho lực lượng đó, Karol Wojtyla, ngay cả trong nhiệm kỳ Tổng giám mục ở Kraków, đặt hoàn toàn niềm tin vào phong trào Opus Dei có nhiều ảnh hưởng và quyền lực tài chính, nhưng lại phi dân chủ và mờ ám, một nhóm có liên hệ với các chế độ phát-xít trong quá khứ và hiện tại, đặc biệt hoạt động trong thế giới tài chính, chính trị, và truyền thông. Trên thực tế, với việc ban cho Opus Dei địa vị pháp lý đặc biệt, Giáo hoàng thậm chí đã tạo nên một tổ chức được miễn trừ sự giám sát của các giám mục nhà thờ.

Hệ quả: Thanh niên thuộc các nhóm nhà thờ và giáo đoàn (trừ số phụ lễ thay đổi), và đặc biệt là những “người Công giáo bình thường” phi tổ chức, thường giữ một khoảng cách với những cuộc gặp gỡ của số thanh niên đa số. Tổ chức thanh niên Công giáo nào xung đột với Vatican thì chịu kỷ luật và bị bỏ rơi khi giám mục địa phương, theo lệnh của Rome, không cung cấp ngân quỹ cho họ. Vai trò đang tăng lên của phong trào Opus Dei cực bảo thủ và không minh bạch trong nhiều định chế đã tạo một không khí bất định và hoài nghi. Những giám mục ít phê bình thì dễ chịu với Opus Dei, trong khi thường dân một khi dính díu đến nhà thờ thì rút lui bằng việc từ chức.

Những tội lỗi của quá khứ: Bất chấp thực tế là năm 2000, ngài buộc mình phải công khai thừa nhận những tội lỗi lịch sử của Giáo hội, John Paul II hầu như không rút ra được hệ quả thực tiễn gì từ đó.

Sự thú nhận màu mè và khoa trương về những tội lỗi của Nhà thờ, đăng đàn cùng với các Hồng y tại thánh đường St. Peter, vẫn mơ hồ, không xác định, và hiểu sao cũng được. Giáo hoàng chỉ yêu cầu tha thứ cho tội lỗi của “những người con trai và con gái” của Giáo hội, mà không phải cho điều đó ở “các Thánh cha”, không phải tội lỗi của “chính Nhà thờ”, những tội lỗi của bộ máy giáo phẩm hiện diện ở sự kiện.

Giáo hoàng không bao giờ nhận định về sự liên hệ của Tòa thánh với mafia, và thực tế đã góp phần nhiều vào việc che đậy những scandal không thể che đậy và những hành vi tội phạm. Vatican cũng cực kỳ chậm chạp trong việc xử lý pháp lý những scandal xâm hại tình dục trẻ em liên quan đến giới giáo phẩm.

Hệ quả: Sự thú nhận không thật tâm của Giáo hoàng vẫn không có kết quả, không đảo ngược những gì trước đây mà cũng không hành động, chỉ là lời nói.

Đối với giáo hội Công giáo, đời Giáo hoàng này, bất chấp những khía cạnh tích cực của nó, đã hoàn toàn chứng tỏ là nỗi thất vọng lớn và, cuối cùng, là một thảm họa. Như là kết quả từ những mâu thuẫn của mình, vị Giáo hoàng này đã làm phân hóa sâu sắc Giáo hội, khiến nó xa lánh trước đông đảo dân chúng, đẩy nó vào một kỷ nguyên khủng hoảng, nay đang bộc lộ những sai lầm chí tử trong quá trình phát triển, và một nhu cầu cải cách là hết sức cấp bách.

Đối lập với mọi ý định được truyền đạt tại Công đồng Vatican II, chế độ La Mã trung cổ và bộ máy quyền lực với những nhân vật toàn trị đã được phục hồi, thông qua những chính sách nhân sự và học thuật tài tình và tàn nhẫn. Các giám mục bị dồn đến giới hạn, linh mục chịu quá tải, nhà thần học bị khóa miệng, người thế tục bị tước bỏ những quyền của họ, phụ nữ bị phân biệt đối xử, các hội nghị Công giáo quốc gia và những đòi hỏi của giáo dân bị phớt lờ, dính líu và những scandal tình dục, cấm đoán thảo luận, nhồi nhét nghi lễ, cấm các nhà thần học bình thường thuyết giảng, khuyến khích hăm dọa, ngăn chặn các lễ ban thánh thể - cái “thế giới trần tục” này khó mà có thể chịu trách nhiệm cho tất cả những điều đó!

Kết cục là Giáo hội Công giáo đã hoàn toàn mất sự tín nhiệm to lớn từng có dưới thời Giáo hoàng John XXIII và trong sự thức tỉnh của Công đồng Vatican II.

Nếu Giáo hoàng kế tiếp tiếp tục những chính sách của đời Giáo hoàng này, ông sẽ chỉ là củng cố những sao lưu khổng lồ các vấn đề, và biến sự khủng hoảng cấu trúc hiện nay của Giáo hội Công giáo thành một tình trạng vô vọng. Thay vào đó, một Giáo hoàng mới phải quyết định ủng hộ những thay đổi đang diễn biến, và đưa Giáo hội dấn mình vào con đường mới, theo tinh thần của John XXIII và thúc đẩy cải cách mà Công đồng Vatican II đem lại.


Hans Küng là một trong những nhà thần học Cơ đốc hàng đầu hiện nay. Là kiều dân Thụy Sĩ sống ở Tübingen, thành phố miền Nam nước Đức, Küng đã khiến mình dây vào mối oán giận với các giới thẩm quyền Giáo hội trong nhiều thập niên. Kết quả từ những phê phán của ông đối với đời Giáo hoàng này, là Vatican rút bỏ thẩm quyền thuyết dạy giáo lý giáo hội của ông vào năm 1979. Dù vậy, Küng, 75 tuổi, vẫn là một linh mục và vẫn dạy thần học thống nhất tại Đại học Tübingen, cho đến khi về hưu vào năm 1995. Với tư cách chủ tịch của Quỹ Đạo đức Toàn cầu, Küng còn là một cố vấn của Liên hợp quốc.




Xem thêm:

Giáo hoàng John Paul II: Khi Chúa thương gọi tôi về
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/04/050402_popecommentary.shtml

Cuộc đời Giáo hoàng John Paul II
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/04/050331_popeprofile.shtml

© 2005 talawas



[1]“Führer”: Lãnh tụ, người dẫn đường, vốn là danh hiệu được Hitler dùng luật để tự phong cho mình.
[2]Opus Dei: tổ chức gồm giới giáo phẩm và các thành viên nòng cốt, hiện có mặt ở nhiều nước, chủ trương đưa các nguyên tắc Thiên chúa giáo vào mọi vấn đề của xã hội.
Nguồn: DER SPIEGEL 13/2005 – 26.3.2005
http://www.spiegel.de/international/spiegel/0,1518,348471,00.html