|
Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường (Sài Gòn, 1974) |
Nguyễn Ðức Tùng:
Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm thí dụ.
Nguyễn Ðăng Thường: Thưa anh, tùy. Có thể do một chữ dễ thương. Hay một tin vặt, tin vịt, một tựa báo, tựa sách. Cũng có thể do một hình ảnh, một kỷ niệm, một bài ca, một cảm xúc, một dị ứng... Một hôm ngồi nhâm nhi cà phê đọc báo tôi thấy một con ruồi xanh khá to đậu trên khung kính. Tôi tởm ruồi lắm, nhất là ruồi xanh. Hình ảnh sát sinh vụt đến, tôi muốn viết một bài thơ thật ngắn, kiểu haiku hay công án thiền. Bài thơ này đăng trên Tiền Vệ, cùng với vài bài khác, dưới tựa đề chung "
Nhật ký 4 lần tuổi hai mươi", một phản ứng thoáng chốc về cơn sốt nhật ký trong nước. Hành động sát ruồi được mô tả / kể lại bằng một từ độc nhất "bốp", tượng thanh tượng hình, vắn tắt và khách quan. Ðộc giả không được cho biết rõ tên sát ruồi có hối hận hay không. Ðập nát con ruồi xong hắn nhìn lên khoảng trời xanh ngoài khung cửa sổ, biểu tượng cho tự do, sự sống, thiên nhiên, thượng đế. Con ruồi trong bài thơ này tất nhiên là biểu trưng của những thành phần bất hảo, những người dân đen cô thế trong mọi cuộc thanh trừng đàn áp. Trong cuộc sống hàng ngày chuyện giết ruồi đập muỗi thường xảy ra và không đáng quan tâm,
không nên thơ, vì vậy tôi muốn làm một bài thơ với đề tài này. Trong
Kiều có câu thơ: "Con ong cái kiến kêu gì được oan." Thật ra hôm đó "nó" không đập nát con ruồi như đã kể trong bài thơ, mà "nó" đã mở cửa cho con ruồi thoát thân.
Sát sinh
Bốp
Con ruồi nát bấy
Trên khung kính
Ðể dép xuống
Nó nhìn khoảng trời xanh
Trời ơi
Sau đây là một bài thơ do phản ứng tức thì khi đọc một bài thơ của nhà thơ Phan Nhiên Hạo.
Nguyễn Ðăng Thường
Chân dung phóng đại để liệng cống của một thằng cu li vừa phải
Tặng Lũ Ăn Mày
Ðó là cuộc đời nó: khốn nạn và vô nghĩa.
Ðó là má nó: cũng là má của anh chị em nó.
Ðó là ba nó: được triết gia mắt lé mắng chó đẻ.
Ðó là anh nó: một người cường dương và ú ớ.
Ðó là chị nó: một nửa của si-đa, một nửa của tú bà.
Ðó là em nó: rồi cũng hệt như chị nó.
Ðó là vợ nó: bàn tay trái sục sục gãi gãi.
Ðó là con nó: hạt bụi đời chưa rời hòn dái.
Ðó là ngôn ngữ nó: hoan hô đả đảo mãi mãi và mãi mãi.
Ðó là đồng bào nó: tất cả đã không nở ra từ trứng nhưng đa số bị cúm gia cầm.
Ðó là đất nước nó: một nửa co ro, một nửa béo cò.
Ðó là kẻ thù nó: kẻ thù nào? Nó rống.
Ðó là tổ tông nó: một hoàng tử cóc.
(Kẻ nuôi nó bằng cách húp sạch đĩa tiết canh nòng nọc).
Ðó là đồ chơi của nó: con cặc lõ.
Ðó là tờ báo nó rao hàng ngày: toàn tin hay.
(Những cái tin không vịt bắc kinh để khuyến mại cuối mùa).
Ðó là cuộc đời nó: vất không ai lượm kể chi bán với mua.
Nguyên tác:
Phan Nhiên Hạo
Phác thảo cho một chân dung tự họa
Tặng Loan
Ðây là cuộc đời tôi: không tươi đẹp nhưng có chút ý nghĩa.
Ðây là mẹ tôi: cũng là mẹ của biển.
Ðây là cha tôi: người đã chết, khẩu súng bên thân đạn vẫn còn đầy.
Ðây là anh tôi: một người liệt dương và lớn tiếng.
Ðây là chị tôi: một nửa của chồng, một nửa của đồ lót.
Ðây là em tôi: bị đè bẹp bởi lịch sử và tiền.
Ðây là vợ tôi: bạn duy nhất của tôi.
Ðây là con tôi: từ bóng tối bụng mẹ nó ra đời mang theo ánh sáng.
Ðây là ngôn ngữ tôi: một nửa dưới nước một nửa trên bờ.
Ðây là đồng bào tôi: tất cả cùng nở ra từ trứng.
Ðây là đất nước tôi: đất nước nào tôi hỏi.
Ðây là kẻ thù tôi: giống hệt như tôi, mệt mỏi, gầy còm.
Ðây là tổ tông tôi: con khỉ già lọm khọm.
(Kẻ nuôi tôi bằng cách rung cây cho sung rụng vào mồm).
Ðây là đồ chơi của tôi: bằng đất sét.
Ðây là tờ báo tôi đọc hàng ngày: toàn tin vịt.
(Những con vịt đẻ trứng nở ra tất cả chúng ta).
Ðây là cuộc đời tôi: không để bán.
Nói theo ông Tố Hữu thì rất giản dị:
Vẫn chưa hết những cảnh đời đau khổ
Nhưng kể làm chi nữa, bạn lòng ơi!
Hai đứa kia như sống dưới hai trời
Chỉ khác bởi không cùng chung một tổ
Ðứa vui sướng là đứa con nhà chủ
Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê.
("Hai đứa bé")
Nguyễn Ðức Tùng:
Hãy trở lại với bài thơ về con ruồi kể trên: như thế bài thơ của anh chứa một thông điệp. Tôi nghĩ đó có thể (potentially) là một bài thơ có sức nặng. Khác với nhiều bài thơ tiếng Việt đầy rẫy trên báo chí hiện nay, mà người đọc có cảm giác bị dẫn đi bởi một người dẫn đường không biết đường, anh khởi phát các bài thơ của mình từ một cảm xúc mạnh nào đó. Tuy nhiên việc diễn dịch một thông điệp có phải là điều nguy hiểm không?
Nguyễn Ðăng Thường: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, diễn dịch một thông điệp có thể là điều rất nguy hiểm. Susan Sontag chống diễn dịch. Umberto Eco đã nói về những giới hạn của diễn dịch. Tôi có dịch
bài tiểu luận của Sontag để phổ biến, vì nghĩ nó cần thiết, sau khi đọc vài diễn dịch quá phiêu lưu trong nước. Tuy thế, diễn dịch có khi cũng rất hay. Nó là một cái ngách để bước vào một tác phẩm mới lạ, khi ta tiếp cận lần đầu tiên. Ðối với một tác phẩm mở, đa tầng, hậu hiện đại, diễn dịch có thể là sợi dây Ariane giúp người đọc thoát mê cung. Hay một khung cửa hẹp, dù nó có thể đưa đến một đường hang khác hay mở ra một ngõ cụt khác, như đã xảy ra với cách diễn dịch hai cuốn truyện
Lâu đài và
Vụ án của Kafka, và với vở kịch
Trong khi chờ Godot của Beckett. Nói tóm lại, diễn dịch không là điều nguy hiểm nếu nó chỉ là một lý thuyết. Diễn dịch chỉ nguy hiểm khi nó trở thành chân lý bất di bất dịch, như diễn dịch
Kinh Koran của các ông imans ở Iraq và diễn dịch
Kinh Thánh của các giáo phái Thiên chúa evangelist ở Mỹ. Các cuốn truyện tiểu thuyết mới của A. Robbe-Grillet nhờ có
Bruce Morrissette diễn dịch đã giúp độc giả tiếp cận dễ dàng hơn. Bài thơ của tôi chắc đã có vài người đọc rồi quên ngay. Diễn dịch một bài thơ ngáp phải ruồi không giống ai may ra sẽ khiến độc giả lưu tâm đến nó hơn chăng?
Nguyễn Ðức Tùng Như thế có lẽ sự diễn dịch thơ là cần thiết trong rất nhiều trường hợp. Vấn đề là ai sẽ là người diễn dịch , và diễn dịch từ phía nào, tác giả hay người đọc. Ðể ví dụ, cho tôi trở lại với bài thơ con ruồi lần nữa. Anh kể rằng hôm đó "nó" đã "không đập nát... mà mở cửa cho con ruồi thoát thân". Tôi tự hỏi: anh có theo đuổi đến tận cùng ý tưởng này trong bài thơ của anh không?
Nguyễn Ðăng Thường: "Nó" trong trả lời phỏng vấn chính là tôi (NÐT) và trong thực tế hôm đó tôi (NÐT) không giết con ruồi. Xin lỗi anh, đã có hiểu lầm do tôi không minh bạch. Kẻ sát sinh và tác giả bài thơ có thể là một người, mà cũng có thể là hai người khác biệt. Khi trả lời phỏng vấn tôi sử dụng lại từ "nó" (kẻ sát ruồi) thay vì "tôi" (NÐT) để bật mí "riêng" và bông đùa với anh. Xin nói lại một lần nữa: trong thực tế hôm đó tôi (NÐT) đã để cho con ruồi thoát chết. Nhưng "nó", kẻ nhị trùng bản ngã trong tưởng tượng của tôi, đã thực sự giết chết con ruồi trong bài thơ. Nói cách khác và theo thứ tự cho dễ hình dung: 1) bài thơ của tôi đã đến từ hình ảnh con ruồi đậu trên khung kính; 2) hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến sát sinh; 3) tôi làm một bài thơ về sự sát sinh; 4) nhưng cá nhân tôi (NÐT) hôm ấy không tiêu diệt con ruồi. Rất đồng ý và xin cám ơn anh về nhận xét "ai sẽ là người diễn dịch". Thực ra nên gọi là giải thích thì mới đúng. Tôi muốn kể lại xuất xứ và nội dung bài con ruồi trong đầu tôi trước khi tôi đặt bút viết. Nhưng nếu có những cách đọc khác thì rất thú vị. Lẽ ra tôi nên kể diễn dịch không nhớ của ai về "
Truyện Kiều và tâm sự Nguyễn Du" thì hợp lý hơn.
Nguyễn Ðức Tùng: Các bài thơ anh vừa nhắc tới đây có phải là những bài vừa ý nhất của anh không?
Nguyễn Ðăng Thường: Ối, bài thơ nào của tôi cũng vừa ý nhất mà cũng đáng vất sọt rác nhất. Như tôi đã nói đâu đó: Với tôi, thơ làm xong là xác chết, thơ đăng báo là xác ướp
. Chúng đều là "tử thi". Thanh Tâm Tuyền có tuyên bố: "Thơ không làm ai sống ai chết". Nguyễn Ðăng Thường xin bổ sung: "Nhưng thi nhân vẫn có thể được vào trại cải tạo nghỉ mát và... vân vân và vân vân"
. Nếu tôi được đi xuống / đi vào lịch sử thi ca như là tác giả bài thơ con ruồi thì cũng vinh hạnh lắm thay.
Nguyễn Ðức Tùng:
Thơ anh có sự giận dữ không?
Nguyễn Ðăng Thường: Dĩ nhiên. Như đã nói, thơ tôi thường là phản ứng. Mà phản ứng thường là phẫn nộ. Tôi thích câu thơ / thoại của Shakespeare gần cuối vở kịch
Macbeth: "Cuộc đời chỉ là một chiếc bóng vút qua, một tên hề vênh váo và huênh hoang một giờ trên sân khấu rồi thôi: một câu chuyện do một thằng khờ kể lại, đầy âm thanh và cuồng nộ, không có nghĩa gì hết". Tất nhiên, sự cuồng nộ của tôi chỉ trong một chung trà tí teo nếu so với ông Tố Hữu:
Và đây nữa một cuồng mơ kinh tởm
Mà hồn tôi trong lúc đó say mê
Nếu sinh ra là một quả Fuji
Tôi sẽ giục từ lòng sâu đất rộng
Tôi sẽ hút vào người tôi không khí nóng
Để phun lên trên đất cả Phù Tang
Nếu sinh ra là một Thái Bình Dương
[Tôi sẽ gom từ bốn phương tám hướng?]
Một Vạn lý Trường thành bằng sóng mạnh
Ðể xô ngã đất Phù Tang kiêu hãnh
Ðể lôi phăng cả giống nó vào tôi
Rồi say sưa nghe cá rỉa mồi trôi
Tôi sẽ rú một trận cười ghê gớm...
("Sám hối")
Ông Tố Hữu rất nhân đạo, diệt chủng xong rồi ông ăn năn sám hối. Mô Phật! Sau khi thả bom nguyên tử không biết ông Harry Truman có rú một trận cười hay không, trước khi nghĩ tới việc soạn thảo Kế hoạch Marshall giúp Nhật kiến thiết và trở thành một cường quốc dân chủ tân tiến. Ông Tố Hữu lẽ ra nên cám ơn Hoa Kỳ đã thực hiện giùm ông giấc cuồng mơ thay vì chống Mỹ.
Nguyễn Ðức Tùng:
Còn sự tha thứ?
Nguyễn Ðăng Thường: Hình như sự nóng giận của những người nóng tính (tôi tuổi con cọp và con bò cạp) không âm ỉ. Khi lên cơn tôi dữ như... ma soeur (chị tôi là bà chằn lửa). Lúc hạ nhiệt tôi hiền lành như... mọi người. Sự nóng nảy trong thơ tôi, nếu có, chỉ thuộc về thơ và tranh luận mà thôi, hoàn toàn cởi mở trong tinh thần dân chủ tự do ngôn luận, khác với sự căm thù bất tận của ông Tố Hữu:
Anh mới hiểu: càng ngậm ngùi khổ tủi
Càng dày thêm uất hận của lòng ta
Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy trong lòng xương ống máu
Ðể thêm nóng mai kia hồn chiến đấu
Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!
(“Ði đi em”)
Nguyễn Ðức Tùng:
Hình như anh sống ở London khá lâu. Người Ănglê và sương mù có ảnh hưởng gì đến thơ anh không?
Nguyễn Ðăng Thường: Thưa có. Hài hước Dickens và sương mù trên dòng Thames lúc chớm thu. Cả hai đều thi vị, đều tuyệt mỹ. Nhưng sương mù thì tưởng tượng nhiều hơn có thật.
Nguyễn Ðức Tùng:
Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? Hình ảnh? Âm nhạc? Vần điệu? Ngôn ngữ?
Nguyễn Ðăng Thường: Ðộc giả. Vì thơ tôi kỳ cục nên tôi không dám mơ ước có độc giả. Tôi cũng thích sử dụng vần để giễu cợt. Và kỹ thuật lắp ghép của thơ dada, kết hợp tự do của thơ siêu thực, nhại thơ của thơ hậu hiện đại, đại khái như vậy. Bắt chước, nhưng thành công không dễ đâu. Về giễu nhại, tôi vừa đọc xong hai cuốn truyện của nhà văn Patrick Rambaud dùng bút danh nữ Marguerite Duraille để chế giễu Marguerite Duras. Vừa đọc vừa cười gần bể cái trống thiếc!
Nguyễn Ðức Tùng:
Không dám mơ ước tức là có mơ ước. Thơ anh "kỳ cục" thật, nhưng độc giả không kém cỏi quá như anh tưởng, và kể ra nếu được chuẩn bị đàng hoàng từ trung học, chứ không phải được các nhà giáo dục biến thành những con rối tâm hồn như hiện nay, họ có thể nhận ra sự tha thiết đến đau đớn trong thơ của anh.
Nguyễn Ðăng Thường: Rất cám ơn anh. Nếu được như vậy thì có gì quí cho bằng.
Nguyễn Ðức Tùng:
Vào giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà anh nhớ nhất, và muốn đọc cho mình nghe nhất?
Nguyễn Ðăng Thường: Chuyện này chắc sẽ không bao giờ đến với tôi. Nhưng nếu xảy ra, có thể tôi sẽ đọc một bài như bài thơ sau đây, ngỡ đã xa xôi nhưng bỗng lại về, khi tôi dọn dẹp các files cũ. Làm bao giờ thì mình chẳng nhớ, và tất nhiên là không với mục đích trình làng. Nhại bài "Ly rượu thọ" của Tố Hữu. Ðọc để thầm nhủ cái tôi đáng yêu đáng quí của mình:
Bài thiền khúc
Trịnh Công Sơn buông cung và ngẫm nghĩ
Chạy hay ngồi đôi ngả biết về mô
Huế ủ ê, dòng Hương buốt tựa mồ
Ðã khuất phục dưới lá cờ Giải Phóng.
Trán kiêu hãnh lần đầu trông thấy Ðảng
Trịnh bồi hồi... thôi hết nước non ơi
Và bên sông đứng lặng, chẳng nên lời.
Rồi từ đấy, và nhạc tình và phản chiến
Và diễm xưa và tháp cổ dịu hiền
Trịnh chôn sâu trong một cõi trời riêng
Thả thành kinh ve vuốt suối ưu phiền
Ðể khỏa lấp những lời dân rên rỉ.
Rượu không uống nhưng say sưa lạc hỉ
Ðàn lại vang cho át tiếng thây rơi
Dưới cờ sao tươm máu đỏ ngụt trời
Việt Nam quốc trong những giờ hấp hối
Gượng kêu lên, hỡi ôi, lời trăn trối:
“Công Sơn ơi, cứu nước, Công Sơn đâu!”.
Thì nơi kia Trịnh trầm tĩnh cúi đầu
Quì lạy Phật, dâng mừng bài thiền khúc.
Ðào hoa thắm bay bay ngoài cửa sổ
Giọt sương mai rải rải mái hành lang
Phật ngồi im như cốc nước e tràn
Không dám động sợ vui mờ có lẽ.
Nhưng mắt khép bỗng trào hai giọt lệ
Trái tim đau bỗng dậy máu tình người
Và bàn tay run rẩy đỡ ca lười
Bỗng quật xuống thềm hoa, bài ca vỡ:
“Khúc thiền ấy, Sơn ơi, là nhạc nhục!”.
Như cánh vạc bay nối vòng tay lớn
Ðã xác xơ hơn tình nhớ ướt mi
Ðể bán vui cho đời, nàng ca sĩ
Gọi tên bốn mùa, nghe những tàn phai.
"Ly rượu thọ" của Tố Hữu là một thiên hùng ca nho nhỏ về Mã Chiếm Sơn trong thời kháng chiến chống phát-xít Nhật. Bài thơ bắt đầu với bối cảnh một bãi chiến trường còn bốc khói và "
Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ" như Nã Phá Luận sau khi bại trận Waterloo. Tố Hữu chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Pháp. Có thể ở trường Tố Hữu có đọc bài thơ "Après la bataille" (Sau trận đánh) của Victor Hugo. Có nhiều câu thơ Tố Hữu dịch lại y chang thơ Lamartine, thơ Musset. Trong bài "Ly ruợu thọ" có một câu thơ tượng thanh tượng hình tuyệt hay: "
Dưới gươm bay loang loát loáng xanh trời" (trong bài thơ nhại của tôi: "Dưới cờ sao tươm máu đỏ ngụt trời"). Câu thơ của Tố Hữu có thể sánh với (và dám có thể đã đến từ) câu thơ tượng hình tượng thanh lừng danh của Racine trong vở kịch
Phèdre được đánh giá là tuyệt tác của kịch tác gia này, gợi hình ảnh và tiếng "huýt sáo" của những con rắn với các âm s/x: "
Pour qui sont ces serpents qui sifflent sur vos têtes". Tạm dịch: "Chờ ai đây lũ mãng xà đang xí xô trên đầu ngươi".
Nguyễn Ðức Tùng:
Anh có quen biết Trịnh Công Sơn hồi nhạc sĩ còn sinh tiền không?
Nguyễn Ðăng Thường: Thưa anh không. Tôi ít giao thiệp và rất sợ những cuộc gặp gỡ dù là thân nhân xa cách lâu ngày. Tôi thích sống cô đơn làm bạn với sách vở, tranh, ảnh, phim, nhạc, và âu yếm sự cô đơn quá vị kỷ của mình. Tôi chỉ được xem Khánh Ly hát một lần thôi, trong một buổi trình chiếu đặc biệt phim
South Pacific có tài tử France Nuyen, hình như là một cô gái lai Pháp-Việt (France Nguyễn) đóng. Suất hát này có phụ diễn ca nhạc để giúp nạn nhân bão lụt miền Trung, tôi không nhớ vào năm nào. Khi cô Khánh Ly bước ra sân khấu, tôi đã chưng hửng khi nghe một khán giả nữ nói giọng Huế ngồi bên cạnh tôi, lầm bầm "hách, hách, hách". Nhưng khi cô Thái Thanh xuất hiện thì bà khán giả này nói với người bạn gái: "vẫn trẻ, vẫn đẹp, vẫn hay", và nhiệt liệt vỗ tay khi cô Thái Thanh chấm dứt bài "Về miền Trung". Tôi bị sốc nặng. Vì trước đấy tôi không ngờ có người đã không "ngửi nổi" Khánh Ly. Ðó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi được xem cô Khánh Ly hát "live" nhưng tôi moi óc mãi vẫn không nhớ tên bài hát cô Khánh Ly trình diễn hôm ấy.
Nguyễn Ðức Tùng:
Trịnh Công Sơn có phải là nỗi ám ảnh của anh?
Nguyễn Ðăng Thường: Dạ không, về cả hai phương diện, âm nhạc và con người, dù tôi rất thích bài "Hạ trắng" mà câu mở đầu "gọi nắng cho tóc em dài..." khiến tôi nhớ đến câu mở đầu "olé, o cangaceiro" của bài nhạc làm nhạc đệm cho cuốn phim
O Cangaceiro (1953), một cuốn phim Ba Tây nổi tiếng thế giới đã chiếu ở Sài Gòn mà chắc anh Sơn có xem và tiếng nhạc còn vương trong tiềm thức anh. Nhưng cũng có thể chỉ là sự ngẫu hợp. Tôi thích nghe nhạc sến, thoải mái hơn, ưa các bài tình ca lính chiến "chiều hành quân về qua lối xưa, giữa một chiều gió mưa, sắc hoa hồng mênh mông...", nghe mà bùi ngùi thương tiếc các anh chiến sĩ Cộng hòa. Tôi có mấy đứa học trò thi rớt bị đi quân dịch, vài tháng, một năm sau bỏ thây nơi chiến trường (Thầy ơi, thằng Hải, thằng Quí chết rồi!) nên khi chấm thi gặp quân nhân tôi thường cho điểm cao, nhưng các anh binh nhì ba gai có khi lại mở sách ra chép và rút lựu đạn để trên bàn thị oai; một nữ đồng nghiệp đang mang thai đứa con đầu lòng được anh lính trẻ chúc lành: "Cô ác quá, em chúc cô đẻ ngược". Tếu nhất vẫn là các bài "dân ca" có các cô thôn nữ xay lúa, giã gạo theo nhịp tango, cha cha cha tuyệt vời. Tôi nghĩ ca khúc của ta đã chết theo Sài Gòn. Trong nước hiện nay có nhiều giọng ca rất điêu luyện nhưng tôi chỉ có thể nghe họ hát nhạc tiền chiến thôi. Tôi thích giọng ca "mùi" cổ điển của Ðức Tuấn ca "Nửa hồn thương đau" (mua khuyến mại tại Chợ Việt Nam, 3 đô la 99), hơn giọng ca "jazz" nhiều kỹ thuật ít gợi cảm của Ðàm Vĩnh Hưng ca "Mộng dưới hoa" (cũng mua sale ở Chợ Việt Nam, 3 đô la 99). Nghe Thu Minh ca "Hội mùa hoa Domino" (nhạc Pháp lời Việt) thú vị hơn nghe bất cứ ai ca "Ðóa hoa vô thường". Thật ra tôi không anti-Sơn như bài thơ nhại Tố Hữu bên trên có thể gây ngộ nhận đáng tiếc. Tôi chỉ hoang mang về sự sùng bái càng ngày càng lan tràn trong nước, dù ra đi là hết rồi. Nhưng có thể vì liên tưởng đến những sự sùng bái khác (Thiên Chúa giáo thời Trung Ðại, chủ nghĩa Mác-Lê đầu thế kỷ 20, Hồi giáo bây giờ, sự sùng bái cá nhân nọ, sự sùng bái thiên tài kia...) mà tôi đâm hoảng. Quê hương cũ chưa được biết nhiều vì chiến tranh nay đã trở thành hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi đã lấy quốc tịch mới, và nghĩ rằng mình đã mất quyền công dân Việt Nam. Vì vậy ngay từ lúc đầu tôi đã xin phép anh cho tôi được vắng mặt, sợ mình nói bậy nói bạ động chạm tới người khác. Nhưng khi anh trả lời email với câu "cho phép anh vắng mặt một tuần thôi" tôi mỉm cười và cảm mến cái tình của anh nên bước vào sân chơi. Trở lại chuyện sùng bái, nếu ai cũng là Cụ là Bác hết thì văn nghệ sẽ chóng vô lăng vô miếu hứng bụi. Nhiều bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Trịnh Công Sơn trông như tranh thờ. Chí Phèo-Thị Nở đã ngang bằng với Kim-Kiều rồi; Nam Cao đứng trong danh sách sùng bái "Top Ten", có thể chỉ sau Hồ Chủ Tịch, Tố Hữu, Nguyễn Du thôi. Thị Nở được các họa sĩ ta đưa vào viện thẩm mỹ trước khi lên tranh. Thân hình thị được sexy hóa tối đa, vú to mông tròn như Thẩm Thúy Hằng thời xuân sắc hay như Angelina Jolie bây giờ. Tôi có xem DVD
Làng Vũ Ðại ngày ấy; Nguyễn Tuân có giữ một vai phụ trong phim này; nhưng tôi không nhớ nổi khuôn mặt của hai diễn viên chính. Nhưng chắc chắn người đóng vai Thị Nở không xí trai như tôi đâu. Nhân đây, vì nghĩ tới ca khúc "Biển nhớ" của anh Sơn, xin vui thêm câu chuyện với việc sử dụng ẩn dụ trong ngôn ngữ ta. Người mình và văn nghệ sĩ ta sính dùng ẩn dụ "biển cả bao dung" (Phạm Văn Ðồng: "
Lòng Hồ Chủ rộng như biển cả bao dung cảm hóa tất cả mọi người" (trích dẫn của Nguyễn Lân trong cuốn
Từ điển từ và ngữ Việt Nam), trong khi con người thì lại phải luôn luôn chống chọi không ngừng với biển cả để sống còn. Thí dụ về những thảm họa do biển cả gây ra quá nhiều nên không cần kể lại, trừ một thôi, vì nó tiêu biểu nhất: hình như một lục địa cũ (Atlantide) đã bị sóng thần vùi lấp và trở thành Ðại Tây Dương (Ocean Atlantic). Hồi nhỏ tôi đọc cuốn truyện
Pêcheurs d'Islande của Pierre Loti và xem phim
Typhoon,
Reap the Wild Wind của Hollywood nên biết rõ những cơn thịnh nộ hãi hùng của đại dương. Nghệ sĩ của ta viết ca từ "lòng mẹ bao la như biển thái hòa dạt dào" và tuồng cải lương
Tấm lòng của biển (trừ những ẩn dụ về biển dùng làm tựa đề riêng cho mỗi tập trong bộ trường giang tiểu thuyết
Mùa biển động của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, và ẩn dụ sóng thần tsunami "Vạn lý Trường thành" của Tố Hữu), trong khi văn chương Âu Mỹ có những tác phẩm hiện thực về biển như
Les travailleurs de la mer (Hugo),
Typhoon (Conrad),
Moby Dick (Melville),
Un barrage contre le Pacifique (Duras)... chỉ kể sơ sơ vài cuốn truyện nổi tiếng. Tới đây tôi chợt nghĩ tới thân mẫu của nhà thơ Phan Nhiên Hạo, bà "mẹ của biển" và cái bụng của bà khi bà mang bào thai sóng thần Phan Nhiên Hạo. Với tư cách một người làm thơ dở tôi thành thật ngả mũ chào thua: nhà thơ "chế tạo thơ ca" (và có thể nhân tiện chế tạo sự thật) của chúng ta đã chế tạo được một hình ảnh siêu thực vĩ đại có một không hai trong thơ ca thế giới. Thân phụ ông Phan Nhiên Hạo thì đã tự rước lấy cái chết nơi chiến trường vì lòng súng nhân từ của ông: "
Ðây là cha tôi: người đã chết, khẩu súng bên thân đạn vẫn còn đầy." Hình ảnh cao thượng và phản chiến này khiến tôi kết hợp tự do, liên tưởng đến một hình ảnh "siêu thực" khác: một chàng trai vào nhà thổ nhưng không "bắn" phát nào chỉ vì thương xót các cô gái điếm, nhưng rốt cuộc anh ta cũng phải chết vì si-đa. Nhà thơ Jacques Prévert đã thực tế và tàn nhẫn hơn khi ông viết: "đánh giặc là đánh giặc". Rất đúng. Mình không cắc bùm nó thì nó phai ơ mình thế thôi. Hình như Gide đã nói:
Văn chương hay không đến từ những tình cảm tốt (Les bons sentiments ne font pas de la bonne littérature). Chân dung nghệ sĩ của ta, tự họa hay không tự họa, hình như đều là tranh thờ hết cả! Một hình ảnh khác, cũng thường xuyên xuất hiện trong ngôn ngữ ta: "nửa". Tâm lý người Việt Nam thích bi lụy nên luôn luôn ưu ái những cái không trọn vẹn. Vì thế, vừa nghịch lý vừa khôi hài, một người với "nửa" hồn thương đau sẽ gây ấn tượng mạnh và thương xót nhiều hơn một người có đau khổ gấp đôi, nghĩa là một người với "một" hồn thương đau. Theo đó, nhà thơ nào muốn có đông độc giả hãy lạm dụng từ "nửa", càng nhiều càng tốt:
nửa chừng xuân,
nửa bồ xương khô,
nửa đêm ngoài phố,
nửa cuộc tình buồn,
nửa đời hương phấn,
nửa tuần trăng mật,
nửa bóng xuân qua... Người nước ngoài (Tây phương) thì ngược lại thích dùng từ "một":
một cuộc đời,
một ngày trong đời,
một nụ cười,
một giấc mộng,
một cuộc tình,
một cái đập... Trong văn chương, đơn vị của họ là "một", của ta là "nửa".
Truyện Kiều có thể là thi phẩm có nhiều câu thơ dùng từ "nửa" nhất và có thể là cội nguồn của ảnh hưởng. Lúc nào rỗi rảnh mời bạn đọc mở cuốn
Kiều ra đếm thử coi. Tới đây xin nêu ra một thắc mắc về một câu thơ
Kiều: "
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời". Xin hỏi: một con trăng, nếu khuyết, sẽ cho ta "nửa vành trăng" hay "một con trăng liềm". Nhưng "nửa vành trăng khuyết" hay "nửa vành trăng liềm" có phải chỉ là một phần tư của một con trăng tròn? Lẽ ra cụ Nguyễn Du phải viết "một vành trăng khuyết ba sao giữa trời" thì mới đúng? Thưa anh, nỗi ám ảnh của tôi, nếu có, là bị đánh bom chết không kịp vẫy tay vĩnh biệt cuộc đời đáng yêu và đáng tởm.
Nguyễn Ðức Tùng:
Gần đây trên tờ Khởi Hành, số 115, tháng 5. 2006, nhà thơ Viên Linh có kể lại: "Tôi đề nghị Sơn viết cái gì cho Khởi Hành, và cũng nói ngay: "Mà toa đừng viết nhạc. Viết văn xuôi đi." Mấy hôm sau Sơn quay lại tòa báo, đưa bài "Nghiêng tai nghe lại cuộc đời". Tôi tin rằng đây là bài văn xuôi đầu tiên trong đời người nhạc sĩ. Cái vui là ngay câu đầu, Sơn viết ra là do tôi mà Sơn viết bài này. Bài viết đã đăng trên Khởi Hành số 4, ra ngày thứ năm 22.5.69. Sau đó tôi giục bài nữa, thì Sơn lắc đầu: "Ngô Kha nó la. Nó không cho moa viết Khởi Hành nữa." Cả Sơn và tôi cùng cười." Thưa anh, bi kịch của người nhạc sĩ tài hoa này là ở đâu?
Nguyễn Ðăng Thường: Cám ơn anh đã cho biết chuyện này. Theo thiển ý của tôi, đó là bi kịch của giới trí thức và giới văn nghệ sĩ tả khuynh thân cộng không chỉ riêng ở ta mà khắp cả thế giới. Những người khác, những người nuôi lý tưởng cao đẹp cũng có thể dễ dàng mắc bẫy cộng sản. Trịnh Công Sơn có thể đã bị bạn bè trấn át. Nhưng với Trịnh Công Sơn, sự lựa chọn sẽ không khó lắm, nếu anh ấy muốn. Vắn tắt tôi nghĩ có thể là như vậy. Thực sự tôi không biết.
Nguyễn Ðức Tùng:
Trong thời gian gần đây, một tháng, một năm, năm năm, có một sự kiện xã hội, chính trị, văn học, lịch sử nào đã tạo nên cảm xúc làm nền cho một bài thơ của anh?
Nguyễn Ðăng Thường: A, mấy cái này thì ê hề! Vì, như đã nói sơ qua ở trên, tôi làm thơ thường là do dị ứng / phản ứng trước những cái chướng tai gai mắt. Tôi rất đồng ý với anh
Nguyễn Viện. Người làm thơ không cần phải là một chiến sĩ hay một kẻ dấn thân kiểu ông Sạc Trơ (Thằng nào không cộng sản là chó đẻ). Thế nhưng, người làm thơ cũng là một con người có lương tri nên tất nhiên hắn phải có xúc động trước thời cuộc. Nếu bài thơ là phương tiện hay là vũ khí duy nhất của hắn thì hắn rất nên và được trọn quyền sử dụng. Chúng ta đang sống trong
một thế giới đã bị chính trị hóa hoàn toàn và tối đa nên dù muốn hay không mọi hành động dẫu phi-chính trị vẫn mang tính cách chính trị mà ta phải gánh chịu hậu quả khôn lường:
Nát thân tôi đường mã tấu hai phe! (Tô Thùy Yên). Tôi đã lớn lên với thơ Tố Hữu và nhạc chiến khu; trưởng thành với nhạc vàng và nhạc phản chiến; và cuối cùng được bước xuống thuyền viễn xứ khi mái tóc vừa điểm sương để chuyển bến lênh đênh bốn bể rất ư là mối tình nghệ sĩ như... giấc mơ (không hồi hương). Nếu nói theo nhà văn nữ Dubravka Ugresic thì xứ sở của bà ấy (Croatie) cũng như đất nước của tôi (Việt Nam) không còn là quê hương của chúng tôi nữa, nên chúng tôi không cần phải tiếc nuối khi ra đi mà cũng không cần mong chờ một ngày trở về, gần hay xa, thầm lặng hay trong khúc khải hoàn.
Ai bảo xa quê là khổ
Xa quê sướng lắm chớ
Ngồi ngoài hiên
Nhắp rượu cùng tiên
Và miệng hát như điên
Vui thú ôm cây cần câu
Về bờ sông ngóng cá
Cất tiếng ca tiếng hát vang xa
Tôi hát hò thật lâu
Kìa trăng sáng ngời đêm rằm trung, trung thu
Ðường về qua cầu tiếng ai đánh đàn
Ðời vui bốn mùa tôi múa hát khỏe ru
Tây lùi bếp nóng ngon hơn là vàng...
Thầy Nguyễn Hữu Chỉnh (trút áo thầy dòng vào Nam trước hiệp định Genève 1954, thầy đã qua đời), một giáo sư dạy văn chương Pháp rất uyên thâm, về sau làm Khoa trưởng Ðại học Luật khoa Sài Gòn, luôn luôn nhắc nhở đám học sinh trung học của thầy:
Là où on est heureux on n'a pas besoin d'aieux. Tạm dịch: Nơi nào ta có hạnh phúc ta không cần tổ tiên. Từ khi có đổi mới trong nước, thiên đường đỏ đã biến thành
theme park kitsch, một Vietland kiểu Disneyland, tưng bừng và thê lương, rực rỡ và ảm đạm, bắt mắt và buồn nôn. Một "
ác mộng kinh tởm... không nói lên sự huy hoàng của một đất nước mà nỗi thống khổ của một dân tộc"
[1] , nếu mượn lời nhà viết sử nghệ thuật Elie Faure khi ông bình luận về nghệ thuật cổ Ai Cập. Người sống không có thức ăn nhưng tổ tiên được dâng bánh tét khổng lồ. Tội nghiệp, bài thơ danh tiếng của Vũ Ðình Liên đang được các "ông đồ" áo gấm xanh đỏ xuất hiện nhan nhản trên hè phố những ngày đầu Xuân chứng minh rất hùng hồn, khiến độc giả nếu có đọc lại, chỉ những kẻ vô tâm như tôi mới không phì cười. Quá khứ bị đem ra sơn phết làm mất vẻ đẹp của một món đồ cổ mang vết tích của thời gian. Hiện tại, nếu không bị tiêu hủy thì bị vuông vức hóa như quả dưa hấu, trông dị hợm dị hình chả giống ai.
Nguyễn Ðức Tùng:
Nếu ngày mai có một cuộc tập hợp đông người, và người ta đẩy anh lên sân khấu: đứng trước micro, anh sẽ đọc bài thơ nào của mình cho đám đông?
Nguyễn Ðăng Thường: Giả dụ của anh rùng rợn quá. Nhưng mà thôi, nếu bị đẩy tôi đọc bài "Thi sĩ" cho chóng được móc xuống để về nhà tiếp tục làm thơ đuổi ruồi... Mỹ cộng:
Thi sĩ
Thi sĩ trong hang
Thi sĩ nhảy ra
Thi sĩ nhảy ra
Thi sĩ đứng đây
Thi sĩ đứng đây
Thi sĩ đọc thơ
Thi sĩ đọc thơ
Thi sĩ ột ệt
Thi sĩ ột ệt
Thi sĩ lắc đầu
Thi sĩ lắc đầu
Thi sĩ im lặng
Thi sĩ im lặng
Thi sĩ ngáp ngáp
Thi sĩ ngáp ngáp
Thi sĩ vươn vai
Thi sĩ vươn vai
Thi sĩ thở dài
Thi sĩ thở dài
Thi sĩ nhảy đi.
Bài thơ này tôi làm trước bài tiểu luận nổi tiếng của anh Nguyễn Hưng Quốc nhưng đút vào ngăn kéo vì nghĩ sẽ không có độc giả nào thưởng thức nổi ngoài mình ra. Sau khi bài tiểu luận của anh Quốc đột ngột xuất hiện, tôi gởi một bản rút ngắn (vì sợ nó chiếm quá nhiều trang giấy Hợp Lưu quí báu) cho anh Khánh Trường và được ông chủ biên cho đi. Tôi thực sự thích bài thơ con cóc. Tôi cũng muốn nhại Dylan của
Portrait of the Artist as a Young Dog, như Dylan đã nhại
A Portrait of the Artist as a Young Man của Joyce. Tuy nhiên "Thi sĩ" vẫn thuộc truyền thống thơ tự trào của ta, sử dụng chất liệu cây nhà lá vườn và hiện đại hóa một tí. Nếu cái ngày mai ấy không quá xa, tôi sẽ đọc "Bà mẹ quê", vì nó ngắn, dễ nhớ.
Bà mẹ quê
Mẹ già cuốc đất tìm khoai
Không khoai đất cạp cũng bùi
Nếu là đất sét càng vui
Ðất nhai chẳng ngậm chẳng ngùi...
Từ khi đô la lan tràn sông núi
Quê cũ đã giàu lắm rồi
Thêm béo thêm phì mà thôi
Nằm mơ...
Mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Mẹ già
Ngồi xơi đất lùi...
Nhìn lại, tôi thấy việc mình sửa ca từ thay cho tác giả như vậy là quá hợp lý. Vì mới đây trên trang "Phóng sự-Ký sự" của website Người Việt Online có bài ký "
Cụ bà tuổi 80 vẫn bán vé số nuôi con" của ký giả Thu Hiền (05.7.2006), và trên website Sài Gòn Tiếp thị Online (7.7.2006). có bài ký
"Những mảnh đời đêm" của nhà báo Lam Phong trong mục "Lối sống", kể chuyện thương tâm trẻ em thất học Sài Gòn và vùng lân cận lang thang lấy đêm làm ngày, từng đêm các em thức khuya gần tới sáng bán hoa, kẹo, vé số, thuốc lá lặt vặt ở các tụ điểm ăn chơi, phố nhậu kiếm sống cho mình và cho gia đình. Hôm 17 tháng 7 trên điện báo Người Việt lại có thêm bài
"Hơn 200 người dân các tỉnh biểu tình tại Sài Gòn vì chuyện nhà đất" của họ đã bị viên chức nhà nước lấy chia nhau.
Nguyễn Ðức Tùng:
Xin chia sẻ với anh và nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc về một cách đọc mới bài thơ con cóc. Tuy nhiên, anh nói rằng "Tôi thực sự thích bài thơ" chứ anh không nói đó là một bài thơ hay?
Nguyễn Ðăng Thường: Ðồng ý. Nhưng với tôi có hay thì mới có khoái chứ, chí ít là hay đối với tôi. Vì có những cái hay đối với người khác nhưng không bùi tai tôi và bùi tai anh, phải không ạ? Kỹ thuật: bài thơ con cóc chỉ mô tả hay chỉ kể lại bằng cái nhìn khách quan tương tợ lối mô tả của tiểu thuyết mới. Nội dung: vì hoàn toàn trắng / trống nên nó "đa tầng", người đọc tha hồ diễn dịch.
Nguyễn Ðức Tùng:
Thơ nhại và các thủ pháp nghệ thuật khác chắc chắn có vai trò nhất định trong thơ, nhưng chúng có phải là bộ mặt tiêu biểu của chủ nghĩa Hậu hiện đại?
Nguyễn Ðăng Thường: Chủ nghĩa Hậu hiện đại còn nhiều yếu tố quan trọng khác. Tuy nhiên,
nhại lại (pastiche) và
giễu nhại (parody) là thành phần quan trọng của chủ nghĩa Hậu hiện đại vì tác giả / cái tôi / cái ta, đã bị hay đã được chủ nghĩa này coi như không còn nữa. Nhại lại (vay mượn nghiêm túc một bút pháp), nếu nói theo ta và bỡn cợt một tí thì là "người đời muôn sự cứ quơ, hơn nhau một tiếng găng tờ mà thôi". Giễu nhại (vay mượn một bút pháp cốt để chọc quê) là quơ gậy ông đập lưng ông, là phê bình lẫn sáng tạo. Trên thực tế, lằn ranh giữa hai thể loại này không rõ rệt. Tinh thần Hậu hiện đại là chủ nghĩa đại đồng muốn xóa bỏ các biên giới, sự phân đôi: cao / thấp, tuyệt mỹ / tầm thường, quí phái / bình dân... thích hợp với xã hội tiêu thụ các sản phẩm sản xuất hàng loạt, người người như nhau cứ mặc sức sử dụng không phân chia giai cấp (trên lý thuyết), tiêu thụ xong vứt bỏ. Ai thích sưu tập thì càng hay. Như Andy Warhol đã sưu tầm các vỏ chai coca-cola, lon xúp Campbell's, ảnh Marilyn Monroe, giấy bạc đô la để biến chúng thành hội họa. Quan niệm riêng của tôi là một bài thơ Hậu hiện đại có thể giống một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, không cần phải vĩnh hằng, và tôi không quan tâm đến sự nổi tiếng và sự bất tử của một nhà thơ. Vì thế, tôi còn khá nhiều thơ và bản dịch chưa trình làng: khổ lắm, cái gì mình thích chớ làm cho người!
Nguyễn Ðức Tùng:
Tôi xin trở lại với bài thơ con cóc. Tôi cũng đã đọc cuốn sách nổi tiếng của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc Thơ v.v và v.v.
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó...
Tôi tưởng bài "thơ" này thuộc nhóm các tác phẩm có tên là "limericks" trong văn chương tiếng Anh. Như là một thứ cận văn chương. Hồi tôi còn đi học, có một bài limerick được truyền tụng trong giới sinh viên y khoa , chép lại cho anh đọc chơi, như sau:
There was a young girl of Uttoxeter,
And all the young men shook their cocks at her.
From one of these cocks
She contracted the pox,
And she poxed all the cocks in Uttoxeter.
Nguyễn Ðăng Thường: Vui quá. Cám ơn anh. Cái đặc điểm của bài thơ con cóc là nó khác lạ không giống ai ở mọi thời đại. Vâng, anh Tùng nhận xét rất đúng, nên cho con cóc của ta vào cái ao trong vườn cận văn chương limerick.
Nguyễn Ðức Tùng: Anh thường đọc nhà thơ nào?
Nguyễn Ðăng Thường: Thời trẻ đọc tùm lum, gặp gì đọc nấy, nhưng chỉ yêu hai người, Villon và Rimbaud. Bây giờ thì chẳng đọc chẳng mê ai hết. Nhưng tôi coi phim rất nhiều, nhất là phim đen trắng thập niên 30, 40, 50 của Mỹ, Ý, Nhật, Pháp, Anh, Ấn, Mễ, Ðức, Thụy Ðiển, v.v... nhờ có Video và DVD cho thuê rẻ mạt. Một cách đi tìm thời gian đã mất. Ðền bù cho thuở nhỏ tôi thường đạp xe tới các rạp hát chỉ để coi hình và được ngó các tấm áp-phích, thèm rỏ dãi. Tôi nhớ có một tối, tôi và thằng Phong một thằng bạn yêu xi-nê ở gần nhà, sau bữa cơm chiều, chúng tôi đeo xe buýt tới rạp Les Tropiques gần khu Chợ Cũ gỡ ảnh quảng cáo phim Sombrero, một cuốn phim màu ca vũ nhạc của hãng MGM đang chiếu. Nó giật cái ảnh Pier Angeli một cô đào trẻ Ý, tôi chộp tấm hình Cyd Charisse một vũ nữ Mỹ chân dài, hai đứa chạy trối chết tưởng thoát nhưng chưa tới gốc phố đã bị thộp lại. Chúng tôi bị còng tay đẩy lên xe "cây" (xe cảnh sát) chở về bót lấy khẩu cung. Ông cò "Tây" là một người Ấn Ðộ thấy tụi tôi là học trò nên khoan hồng không gởi về trụ sở công an lục hình truy tung tích hung phạm. Sáng hôm sau về nhà thằng Phong bị đòn nhừ tử, tôi chỉ bị rầy la vài tiếng vì nói dóc đã ngủ nhà một thằng bạn thân.
Nguyễn Ðức Tùng: Xin cho nghe một bài thơ của một nhà thơ Việt Nam đương thời mà anh thích nhất hay nhớ nhất. Xin nói về bài thơ đó.
Nguyễn Ðăng Thường: Ðương thời bây giờ thì thú thiệt và xin lỗi anh tôi không nhớ bài nào hết vì chúng khó nhớ quá. Thích nhứt cũng không. Tuy nhiên, tôi cũng có để ý vài cái tên tuổi trong ngoài. Nếu nhớ, tôi có thể kể: Nguyễn Ðức Sơn, Trần Vàng Sao, Bút Tre... Hay Ðinh Linh, Khế Iêm, Thận Nhiên, Lưu Hy Lạc... Hay nhóm Mở Miệng bịt mắt bịt tai gì đó. Và còn ai nữa... những thi hùng của ngày hôm nay, những thi nhân của một ngày mai. Và Nguyễn Ðức Tùng dĩ nhiên. Hi hi. Anh nợ mình một chầu phở đấy nhé!
Nguyễn Ðức Tùng: Như vậy anh cũng công nhận rằng "chúng khó nhớ". Nếu đây là đặc trưng của thơ đương thời, và các nhà thơ, nếu sống thật với mình, không thể làm khác được, kiểu như tôi và anh không thể làm thơ Ðường luật nữa, chúng ta có thể trách độc giả đã quay lưng lại với chúng ta không?
Nguyễn Ðăng Thường: Nếu độc giả quay lưng lại với chúng ta thì đó là cái quyền của họ, bất khả xâm phạm mà anh. Buồn năm phút. Nhưng tôi nghĩ độc giả quan trọng nhất vẫn là chúng ta, những người làm thơ. Nếu còn đọc nổi những cái chúng ta viết ra thì cứ tiếp tục. Nếu không, hãy vào sa mạc vọc cát. Như Rimbaud.
Nguyễn Ðức Tùng: Anh không làm thơ nữa, có được không?
Nguyễn Ðăng Thường: Dễ như bỏ bồ.
Nguyễn Ðức Tùng: Tôi nhớ bài thơ "Những nụ hồng của máu" của anh đăng trong tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại. Tôi vốn mê Thơ Tân hình thức Mỹ. Tôi tìm thấy ở đó những bài thơ kiệt xuất, chúng làm tôi xúc động. Nhưng khi đổ bộ vào Việt Nam (không phải về địa lý), thơ Tân hình thức hình như có xác không có hồn. Trừ những ngoại lệ. Như bài thơ của anh (vì vậy mà tôi muốn nhắc lại ở đây):
mười ngàn lẻ 1 đêm mưa trước
ngày chúa bị đóng đinh trên cây
vĩ cầm buổi trưa hôm đó có
1 tia nắng khẳng khiu chiếu rọi
qua khung cửa tò vò rơi trúng
ngay trên đầu con maggie 2
...
vân vân...
Anh giải thích thế nào về việc thơ Tân hình thức chưa đạt được thành tựu như nhiều người mong muốn, ở tiếng Việt? Phải chăng là vì đặc điểm ngôn ngữ ?
Nguyễn Ðăng Thường: Cám ơn anh đã đọc và không chê "Những nụ hồng..." Sau đây tôi chỉ bình luận về thơ ta, xin anh và xin độc giả hiểu như vậy. Ngôn ngữ có thể là một yếu tố / vấn đề nhưng ngôn ngữ dù sao cũng chỉ là chất liệu. Người nghệ sĩ tài ba có thể sáng tạo với những chất liệu tầm thường nhất: gỗ, đất, vỏ cây, vách đá. Người làm thơ cũng vậy: nhiều câu ca dao tuy mộc mạc nhưng gây xúc cảm mạnh hơn những câu thơ Kiều trau chuốt, khiến tôi nghĩ đến Tàu nhiều hơn ta. Mặt khác, ngôn ngữ ta là một "ngôn ngữ thơ" thích hợp cho thơ, nhưng là con dao hai lưỡi, lượng thơ dồi dào nhưng phần lớn khuôn sáo, tầm thường. Trước tiên, nếu Tân hình thức có vài ngoại lệ thì có thể coi như đã thành công rồi đấy nhé! Mỗi văn nghệ sĩ chỉ cần có một tác phẩm để đời là quá đủ rồi, phần còn lại dư thừa. Nếu một phần lớn thơ Tân hình thức là những cái xác không hồn thì cũng chẳng có gì là khó hiểu đâu. Ðó là trường hợp chung cho mọi thể loại thơ, từ cổ chí kim. Thơ cổ điển chỉ để lại những kiệt tác vì đã có sự lựa chọn của thời gian, trừ một bài tuyệt dở như bài con cóc (xin tạm gọi là cổ thi) được lưu truyền như bằng cớ của cái dở theo quan niệm đương thời. Có thể đã có những bài cổ thi "dở" khác, nếu tồn tại sẽ được đánh giá lại? Bài "Tình già" của Phan Khôi, bài thơ tiền hô cho thơ mới, ngôn ngữ tuy "quê mùa" (ngôn ngữ đời thường) nhưng cái vụng về của nó nay lại rất hiện đại, đọc lại tôi khoái hơn bài "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, chẳng hạn, vẫn còn sáo ngữ như "chinh phu / cô phụ". Ngoài ra thơ cổ điển ít có những bài thơ dở vì cổ nhân tương đối có trình độ cao và tuy họ đã khá đông đảo cho tới đầu thế kỷ 20 nhưng vẫn chưa là một dân tộc nhà thơ lúc nhúc như ngày nay, ai cũng có thơ đăng, thơ in, thơ tặng. Thơ lãng mạn đã được Hoài Thanh-Hoài Chân lựa chọn ngay từ lúc đầu. Nhưng Thơ Mới không chỉ là những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... vân vân, mà còn là những Thu Hồng, Vân Ðài, Lan Sơn, Thúc Tề, Yến Lan... vân vân, có thơ được chọn trong cuốn tiểu luận / tuyển tập. Ðã có, và vẫn còn, biết bao nhiêu bài thơ mới (lãng mạn hay cách mạng) chỉ có xác không có hồn (hay ngược lại) và trong số này có luôn tác phẩm của chính những nhà thơ tên tuổi lớn của thời kỳ đầu. Thơ tự do cũng vậy thôi. Vì giới hạn của bài phỏng vấn, tôi nghĩ trả lời như vậy có thể coi như tạm ổn. Mong anh và mong độc giả cũng tạm đồng ý để ta có thể trở lại với Tân hình thức. Tại sao đòi hỏi tất thảy thơ Tân hình thức đều phải là thơ hay ngay từ lúc đầu? Và hay đối với ai? Thơ lãng mạn lúc mới xuất hiện đã có một thế hệ trẻ theo Tây học đang nôn nóng chờ đợi cái mới và sẵn sàng đón nhận. Thơ Tân hình thức lúc mang tiếng hót ban đầu mà ra đã bị một số nhà thơ tự do trong ngoài trù ẻo, kỳ thị, gây tai tiếng và định kiến sai lầm tai hại không nhỏ. Họ là những ông đồ đã chống Thơ Mới khi có cuộc cách tân hay cách mạng thơ ta ở đầu thế kỷ 20. Tân hình thức chẳng những không có một thế hệ trẻ tân tiến đón chờ mà ngược lại chỉ có những cái đầu trẻ hay tương đối trẻ, hoặc rỗng tuếch hoặc đặc sệt. Người đầu tiên (xin lỗi quên tên) đánh bom Tân hình thức và gây ra trận bút chiến chóng tàn, chê Tân hình thức tầm thường vô vị như văn chương của Alain Robbe-Grillet, khiến Tân hình thức không há miệng vẫn được sung. Có thể Khế Iêm đã có quá nhiều tham vọng với Tân hình thức nên kết quả so với tuyên ngôn đã không thuyết phục. Nhưng mọi chủ nghĩa, văn học cũng như chính trị, đều có tham vọng lớn. Ước mong nhiều nhưng thành tựu chẳng được bao nhiêu, đôi khi đã có hậu quả trái ngược, như chủ nghĩa Mác-Lê muốn giải phóng con người toàn diện nhưng rốt cuộc đã nô lệ hóa con người tối đa. Trong quá khứ và lúc ban đầu, các thể loại mới thường bị khinh miệt, dành cho bọn nhà nghèo tiêu thụ, như các cuốn phim câm một cuộn chiếu 15 phút, các cuốn truyện trinh thám ba xu, các tuồng hát cải lương của những gánh hát lưu diễn... Truyện thơ lục bát dân gian của ta hình như đã có mặt khá lâu trước khi lên tới đỉnh Kiều và Lục Vân Tiên rồi tuyệt tự. Một bài thơ dài của Phan Tấn Hải hôm nay có thể ví như một truyện thơ Tân hình thức ngắn. Tân hình thức hãy còn trẻ, trẻ lắm. Nhưng, tuy chưa nở rộ, Tân hình thức đã có những đóa hồng nhung, hồng ngát, hồng gai, hồng dại. Thế nhưng, nếu anh và nếu độc giả vẫn không nhìn nhận sự thành công của Tân hình thức thì Tân hình thức sẽ áp dụng lời tâm sự của Beckett cho mình (Tân hình thức): "Thử mãi. Thất bại mãi. Không sao. Thử nữa. Thất bại nữa. Thất bại hay hơn". Mọi cuộc cách mạng văn nghệ dù có thất bại cũng để lại ảnh hưởng. Trong thơ hôm nay tất nhiên phải có phóng xạ của Lettrism, Concrete Poetry..., các cuộc cách mạng thơ đã yểu mệnh.
Nguyễn Ðức Tùng: Nhân nói về thơ Tân hình thức Mỹ, tôi nhớ đến một điều mà tôi thường suy nghĩ từ khi quyết định học trở lại tiếng Việt văn chương, sau hai mươi năm gác lại, bỏ quên. Thơ Mỹ và thơ Canada, như tôi biết, đang sống một cuộc sống rực rỡ. Tôi tìm thấy điều này bất cứ ở đâu. Hãy cùng đọc một bài thơ trên một tờ báo, trên bàn làm việc của tôi, bây giờ.
dear children, you must try to say
something when you are in need
don’t confuse hunger with greed
and don’t wait until you’re dead
(Ruth Stone)
Thưa anh, sự bế tắc hiện nay của nền thơ Việt Nam, nếu có, là ở đâu?
Nguyễn Ðăng Thường: Xin welcome anh trở lại với tiếng Việt văn chương. Trích dẫn của anh tuyệt lắm. Cái vắt dòng sau câu đầu ngon lành hết sẩy. Nhưng. Chúa ơi, câu hỏi của anh thoạt nghe tưởng đễ nhưng không dễ tí nào cả. Trước tiên là vì nó có thể gây tranh luận sôi nổi lắm đa. Có thể sẽ có người kết tội anh vọng ngoại chê thơ Việt đang nở rộ, và họ sẽ kể những tập thơ đã đoạt giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng thơ của nước ngoài, và tất nhiên Festival Thơ Huế rầm rộ hàng năm. Hãy nghe đây:
Biết đâu trong đám tóc thề ấy
Có kẻ yêu mình chẳng nói ra
...
Có phải em là Trăng - soi sáng đêm Nguyệt rằm
Xui tình ta bừng dậy, mơ ánh trăng Nội Thành
Có phải em Hoa - thơm ngát hương ven hồ
Chiều tha hương bóng nhỏ, Sen trong Hồ Tĩnh Tâm
Xin em hãy là Thơ - dệt tình ta mong chờ
Lỡ mai còn trở lại - người ơi đừng thờ ơ.
...
Cám ơn O đem đến hương nồng
Huế mơ, Huế mộng, Huế thật thơ
Chưa lần ra Huế, mà ngây ngất
Giữ mãi những gì... Huế, O ơi!
...
Buổi trưa em che nón lá,
Cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ
Lũ chim quyên ngất ngây từ xa
Huế ơi...
...
Xứ Huế có gì lạ không em?
Mai anh về nắng vẫn còn êm?
Sông Hương núi Ngự còn lưu luyến?
Em có về trong ánh trăng đêm?
...
Khi đi tóc hãy còn xanh
Mai về dù bạc tóc anh cũng về
...
Chao ơi số phận long đong
Giờ còn vất vưởng cày bừa trả bills
Mai kia một chuyến về quê
Ghé qua xứ Huế thăm người năm xưa
...
Dầu cho vật đổi sao dời
Huế ơi Huế vẫn ngàn đời dễ thương
Những "vần thơ" trên đây (chép lại từ một website) sẽ còn làm rung động rất nhiều con tim. Thế thì thơ Việt bế tắc ở chỗ nào và bế tắc đối với ai? Người làm thơ hay người đọc thơ? Người trong nước hay Việt kiều? Anh thích đọc thơ "mẹ dạy con" nhưng người khác thích đọc thơ "gái Huế tóc thề" thì sao? Anh thích thơ Mỹ và thơ Canada rực rỡ nhưng người khác, họ thích Truyện Kiều, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bùi Giáng tuyệt diệu thì sao? Giả dụ thơ Việt có bế tắc (hiểu với nghĩa rộng nhất) thì nó cũng không cần đợi đến bây giờ. Thơ Mới lãng mạn đã bế tắc vào năm 1945. Thơ tự do của nhóm Sáng Tạo đã bế tắc ở cuối thập niên 60. Mà giả sử nếu mọi người đều đồng thanh công nhận thơ Việt Nam trong lẫn ngoài hiện đang bế tắc trong lúc này thì xin anh và xin độc giả đừng tìm đâu xa, nguyên do trước tiên và hiển nhiên là ta thiếu nhân tài, chấm hết. Ðừng tin chủ nghĩa chính trị nghiêm túc cho rằng mọi chủng tộc đều có một nền văn hóa hay một nền văn chương tuy khác biệt nhưng tương đương, dù "khác biệt" chỉ là một cách nói, bởi vì hầu hết mọi nền văn hóa văn chương đều có tính lai căng ngay từ đầu. Văn nghệ ta, phát xuất từ một nền văn hóa nhỏ, chậm tiến, nên chưa đuổi kịp người. Ðó là nếu chúng ta thực tình công nhận sự vĩ đại của văn nghệ Âu Mỹ và muốn đi theo con đường của họ, nên cảm thấy "bế tắc". Nhưng chúng ta cũng có thể, như các lãnh tụ tối cao Hồi giáo, thậm chí các đồng chí Ðảng ta, mà cho rằng văn hóa văn nghệ Âu Mỹ là rác rưởi, là đồi trụy, thì chúng ta có thể vất cái "bế tắc" vào thùng rác và, ơ này anh em ơi, đường ta ta cứ đi trở lui về nguồn văn hóa bốn ngàn năm "áo gấm hài nhung cánh phượng bay", trong thời kháng chiến đã từng bẩn mắt thối mũi ông Tố Hữu, nhưng ngày nay lại vui mắt bùi tay Ðảng ta (ngày hội văn hóa cổ truyền này, ngày hội thơ nhạc cổ truyền nọ) trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại:
Du khách bảo đây vườn kín đáo
Với hương dìu dịu ý ngàn xưa
Trời mây xanh nhạt màu hư ảo
Ðây xứ mơ màng đây xứ thơ
Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
Ngoài sông thấp thoáng con đò mộng
Lả lướt đi về trong gió mai
Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Mà nước dòng Hương mãi cuốn đi
Ý chết đã phơi vàng héo úa
Mùa thu sắp rụng lá trên đường
Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa
Cây hết thời xanh đến tiết vàng
Thành quách trăm năm sầm mặt lạnh
Ngọn cờ uể oải vất vơ lay
Lâu đài đường bệ màu kiêu hãnh
Áo gấm hài nhung cánh phượng bay...
(“Dửng dưng”)
Bài thơ anti-phong kiến, anti-lãng mạn nhưng vẫn tải hình ảnh lãng mạn ("mùa thu sắp rụng lá trên đường"). Dù gì thì cung điện và lăng tẩm Huế dưới thời phong kiến suy tàn và thời thuộc địa ưu thế chắc phải ủ ê nhiều hơn kiêu hãnh. Ông Tố Hữu chỉ nhìn thấy những cái ông ta muốn thấy. Vì vậy trong một bài thơ khác cũng trong tập Từ ấy, sông Hương lại trong trẻo nên thơ:
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang...
(“Tiếng hát sông Hương”)
Và trong tập Việt Bắc:
Huế ơi, quê mẹ của ta ơi
Nhớ tự ngày xưa tuổi chín, mười
Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng
Mây nguồn gió biển nắng xa khơi.
(“Quê mẹ”)
Một cảnh địa ngục khác cũng do sức tưởng tượng quá phong phú của ông Tố Hữu:
Bao nhiêu hy vọng xây ngày mới
Với cả trời vui phủ địa cầu
Tôi đã mang trong lòng phấn khởi
Từ ngày chân bước xuống hầm sâu
Nơi rộng thênh thang không giới hạn
Cơ chừng xây trải mấy mươi năm
Hồn tôi ôi đã theo hồn bạn
Trông thấy xương khô trắng đất hầm
Và bên hài cốt khô vàng ấy
Nhô nhúc trời ơi một khối người
Ðang mãi cuốc bào cưa kéo đẩy
Như nhau không biết một ngày vui
Ðây một thây rơi thành xác chết
Hàng ngàn thây khác nối nhau rơi
Ngổn ngang xương lạnh đầy ao huyết
Giữa lúc tầng cao dội tiếng cười...
(“Hầm người”)
Người Pháp đã bạc đãi dân ta nói chung và tù nhân ta nói riêng, nhưng họ cũng không đến đỗi ác độc thiếu vệ sinh ngần ấy, nhốt tù nhân chung với xác chết không mồ. Thê lương và cải lương ("giữa lúc tầng cao dội tiếng cười"). Cảnh địa ngục này có thể sẽ đúng hơn nếu áp dụng cho các trại cải tạo sau ngày "giải phóng". Tuổi thơ tôi đã bị các bài thơ láo khoét như trên chiếm đoạt và chế ngự một thời gian khá lâu. Năm ngoái, tôi có mua cuốn Tố Hữu, Việt Bắc tác phẩm & dư luận của NXB Văn Học nhưng chưa mở ra. Từ "dư luận" ("lời bàn luận khen chê của dân chúng", Bùi Ðức Tịnh, Từ điển tiếng Việt) chắc chắn đã bị "cướp" (hijacked) để thay thế cho từ "ca tụng" hay "sùng bái". Các bài thơ của Tố Hữu không thích hợp với "politically correct" của Ðảng ta bây giờ, như "Mã Chiếm Sơn", "Sám hối", "Dửng dưng", "Hầm người", "Châu Ro" (về một nông dân bộ lạc ít người trong lao tù) đã bị đục bỏ trong các tuyển tập thơ Tố Hữu, thậm chí có thể đã bị thủ tiêu vĩnh viễn. Trong scene kết thúc phim Now Voyager (1942), đứng trên boong tàu nhìn vào mắt nhau lần cuối, Jerry Durrance (Paul Henreid đóng) đốt cùng lúc hai điếu thuốc lá rồi cắm một điếu vào môi người tình Charlotte Vale (Bette Davis đóng). Lúc đó Davis nhìn thẳng vào mắt người yêu vài giây rồi nói trước khi vĩnh biệt: Ðừng đòi trăng, chúng ta có sao (Don't let's ask for the moon we have the stars!) Tựa đề cuốn phim này lấy ra từ một câu thơ của Walt Whitman: "Now voyager, sail forth to seek and find". Thơ Việt Nam bế tắc ư? Ðừng đòi Rimbaud, chúng ta có Nguyễn Du!
Nguyễn Ðức Tùng: Thơ cần thiết cho ai?
Nguyễn Ðăng Thường: Những người không bao giờ đọc thơ.
Nguyễn Ðức Tùng: Ðối với nhiều người, câu trả lời này của anh có thể nặng như một cuốn sách.
Nguyễn Ðăng Thường: Hy vọng nó sẽ to hơn cuốn... Tư bản luận!
Nguyễn Ðức Tùng: Cám ơn anh.
© 2006 talawas
[1]Nguyên văn: "un affreux cauchemar"... "la foule des artisans travaillait dans l'obscurité, elle croyait dire le charme, la puissance, le bonheur, l'opulence de la vie du maitre, elle disait surtout la misère... de la sienne." (tạm dịch: "một ác mộng kinh tởm"... "đám nghệ nhân hằng hà sa số lao động âm thầm trong bóng tối ngỡ đã nói lên nét duyên dáng, quyền lực, hạnh phúc, cuộc sống phong lưu của chủ nhân, nhưng họ chỉ phơi bày nỗi thống khổ... của mình thôi", trong cuốn L' Art antique thuộc bộ "Histoire de l'Art", Elie Faure, Le Livvre de Poche, Paris, 1976. (NÐT)