trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25 
28.4.2007
Trần Nghi Hoàng
Thơ của mình là hay nhất!
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 1   2 
 
Nhà thơ Trần Nghi Hoàng
Nguyễn Đức Tùng: Chào anh Trần Nghi Hoàng, một trong những người viết trường ca sớm nhất và hay nhất ở hải ngoại.

sao tát cạn dòng sông tâm tưởng
mở triều nghiêng mấy bận xôn xao
con cá nhảy bờ ao
mắc cạn thuở tình cong miệng ngáp

cuộc mặc cả bỗng chừng gấp gáp
bởi thời gian trót lỡ trôi qua
mờ vầng trán nguy nga
mà một nếp nhăn là thước đo không triển hạn

ban đồng ca đổi giọng
kẻ trước người sau chẳng kịp tăm hơi
cuộc rượt đuổi tiếp diễn không ngừng nghỉ

(trích trường ca Mở cửa tử sinh)

Đâu là cơ duyên của anh đối với trường ca, thay vì các thể thơ khác? Trong thơ tiếng Anh, chỉ có một khái niệm tương ứng gọi là long poems - các bài thơ dài. Trường ca có phải là bài thơ dài không?

Trần Nghi Hoàng: Dường như trường ca có một cái gì đó bí mật, lôi cuốn tôi. Chắc tại lúc còn bé, tôi được ông cụ dỗ tôi ngủ bằng... truyện Lục Vân Tiên chăng? Tôi bắt đầu thực sự mê thích và dan díu với trường ca khi viết cuốn Văn hóa các sắc tộc Việt Nam và đọc được những truyện thơ của người dân thuộc các sắc tộc khác. Trường ca tất nhiên là một bài thơ dài. Ở một bài thơ dài, tác giả có thể dàn trải được những tương quan của sự việc, hình ảnh, ý niệm, khái niệm, quan niệm ... và ngay cả một hệ thống tư tưởng nếu có. Do đó, rất nhiều trường ca mang tính sử thi.

Nguyễn Đức Tùng: Điều gì thúc đẩy anh đặt bút bắt đầu trường ca Mở cửa tử sinh?

Trần Nghi Hoàng: Trường ca Đẻ đất đẻ nước của người Mường là một động năng rất lớn thúc đẩy tôi bắt đầu Mở cửa tử sinh. Nhưng Mở cửa tử sinh là một trường ca không có cốt truyện. Thực ra, lúc bắt đầu viết Mở cửa tử sinh là giai đoạn tôi cùng cực cô đơn. Cô đơn chứ không... cô độc. Lúc đó, tôi vừa ly thân với Trần Thị Bông Giấy. Con gái tôi Trần Nghi Âu Cơ còn rất bé, mới 10 tuổi, vẫn sống với mẹ. Tuy căn gác trọ tôi ở rất gần để mỗi ngày tôi vẫn có thể về đưa, đón cháu đi học nhưng tôi vẫn nhớ Âu Cơ vô cùng. Có thể nói tôi bắt đầu trường ca Mở cửa tử sinh bằng sự cô đơn và những ưu tư về con gái Trần Nghi Âu Cơ của tôi.

Xin nói thêm để anh dễ hiểu hơn, Mở cửa tử sinh, thực ra, là một thứ... nhật ký thơ. Trong đó, những suy niệm nhất quán nằm trong chủ đề thân phận con người, về thời đại mình đang sống... và sự thường trực đối diện với chính mình trong từng sát na giữa thân phận và thời đại... Dũng Văn, khi viết về Mở cửa tử sinh, đã nhận ra nhiều điều hết sức chính xác: "Trần Nghi Hoàng luôn luôn đối diện với chính mình trong một thế giới tâm linh đa chiều để nhận diện chính mình trong cuộc tử sinh với hết thảy tiềm năng văn hóa Đông phương và văn hóa Tây phương mà anh tàng trữ được." (Bài viết này đăng trên tạp chí Văn Học tại California số 157, tháng 5 năm 1999, trang 55- 64). Do đó, Mở cửa tử sinh là những suy niệm, suy tư hay suy diễn và những cảm xúc, cảm nhận hay cảm thức của tôi từng giờ, từng ngày được ghi xuống bằng Thơ...

Và tôi bắt đầu Mở cửa tử sinh bằng một hình ảnh đập mạnh vào tâm linh mình: hình ảnh cái nghĩa trang nằm gần chỗ tôi ở trọ mà ngày nào tôi cũng đi ngang qua... Tôi nhìn vào những tấm bia, những ngôi mộ và bỗng mường tượng ra thành những cánh buồm đang lướt gió... lướt gió đi về một nơi chốn nào không biết! Xin anh đọc lại mấy câu mở đầu của Mở cửa tử sinh:

trong nghĩa trang những cánh buồm nuốt gió
và dưới lòng mộ nguy nga
khởi đi bằng nụ cười nhe răng hình-nhi-thượng
loài thú ưu việt hai chân tuyệt tích
phút chốc biến sinh

Cần nói thêm là Mở cửa tử sinh trước đó tôi đã viết nhiều lần, có lần lên đến 800 câu và tôi đã xé bỏ hết...

Nguyễn Đức Tùng: Nhiều nhà thơ cũng có kinh nghiệm xé bỏ bản thảo như anh. Điều gì làm anh quyết định xé bỏ, hay viết lại một phần hay hoàn toàn, một tác phẩm của mình? Từ những lí do tâm lí hay nghệ thuật? Hay như người ta nói, một cách giản dị, nhưng không phải bao giờ cũng thô thiển, là “nó dở quá”?

Trần Nghi Hoàng: Tôi quan niệm rằng, mỗi tác giả luôn là độc giả đầu tiên của mình. Ở vai trò vừa là tác giả, vừa là "độc giả đầu tiên" của tác phẩm mình, tùy theo mức độ hài lòng của "tác giả và là độc giả đầu tiên", tôi sẽ xé bỏ hoàn toàn hay viết đi viết lại vài phần của tác phẩm. Lí do nghệ thuật nhiều hơn tâm lí. "Nó dở quá" cũng là một lý do hay ho. Tuy nhiên, cá nhân tôi chưa từng gặp phải. Chỉ là "chưa hài lòng" hoặc "chưa đủ chín" như mình kỳ vọng...

Nguyễn Đức Tùng:

Mửa gió
Đồi thắp băng chân mây
Cuộc hòa giải bất chợt đằm nát cỏ
Bãi chiều loáng thoáng bóng ma chơi
Lạc hướng trời mây
Hơi thở chờ hơi thơ đăm đẳm
Chai rượu uống một mình cạn rốt thiên thu
Cất tiếng gào lớn hư-vô-nghĩa

Anh muốn nói đến cuộc hòa giải nào? Giữa anh và một người khác, giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên hay giữa thơ và cuộc đời?

Trần Nghi Hoàng: Đây là cuộc hòa giải giữa Mình với Chính Mình! Giữa tôi và người khác? Anh Nguyễn Đức Tùng chưa biết tôi là một... anarchist. Tôi không tin vào những hòa hợp, hòa giải. Giữa con người với con người, chỉ có "chấp nhận" nhau hay là "khước từ" nhau. Giữa quá khứ và hiện tại lại càng vô phương hòa giải. Mỗi một giây phút, theo tôi, là một bắt đầu khác... Giữa con người và thiên nhiên? Con người không phải cũng là một "thứ thiên nhiên" đó sao? Giữa thơ và cuộc đời? Thơ và cuộc đời là Một. Thơ đẻ ra cuộc đời và cùng lúc, cuộc đời đẻ ra thơ...

Nguyễn Đức Tùng:Trong trường ca, nhà thơ sáng tác bằng chính kinh nghiệm cá nhân của mình (personal experience) hay bằng chiếc mặt nạ nhân vật (persona)?

Trần Nghi Hoàng: Tôi chỉ xin trả lời trường hợp của cá nhân tôi (mà không thể trả lời giùm cho các tác giả trường ca khác!): Tôi sáng tác trường ca từ những trải nghiệm của chính tôi. Nếu có nhân vật, chỉ là một thứ biểu tượng cá tính trong một thời tính ngẫu nhiên nào đó (như trong trường ca Bài ca cho thế kỷ mới tôi đang viết. Do đó, một nhân vật thật nào khác không hiện diện trong thơ tôi, mà chỉ là những cái "mảnh tôi" phân tán mà nhất quán. Phân tán để cố gắng nhìn thấy tất cả, rồi ghi nhận và đem vào trong phạm trù suy niệm nhất quán của mình.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ Trần Nghi Hoàng, đối với tôi, bắt rễ sâu xa từ những kinh nghiệm trong đời sống cá nhân và gia đình. Nhà thơ Canada Todd Bruce có nói: It hurts to be honest about your life. Nói thật về cuộc đời riêng của mình, có khi cũng đau đớn. Anh có cảm thấy khó khăn khi viết về một người cụ thể, một người thân không? Anh muốn độc giả biết nhiều hay ít về đời sống riêng tư của mình?

Trần Nghi Hoàng: Ông bố tôi suốt đời chỉ dạy tôi một câu: "Trong cuộc sống, con cứ hành xử mọi điều theo tấm lòng con. Nếu mỗi đêm, con nằm vắt tay lên trán, mà không thấy hổ thẹn với chính mình về những công việc ứng xử trong ngày hôm đó, là được rồi. Còn thiên hạ, họ không sống cho đời mình; mình cũng đâu có sống cuộc đời cho họ."

Trong cuộc đời riêng, tôi dĩ nhiên có những nỗi đau đớn riêng. Nỗi đau đớn đó có thật, cho nên đâu cần phải nói dối!!!

Tôi sống minh bạch, có đau đớn và hoan lạc cùng lúc, nên không thấy có gì "hurts to be honest about my life".

Theo tôi, viết về bất cứ một người thân nào cũng là công việc khó khăn tế nhị... nếu người viết muốn trung thực với nhận xét, cảm quan... và tình cảm của mình. Về câu hỏi theo sau đó của anh Tùng, tôi xin trả lời hơi dài dòng một tí:

- Chung quanh tôi có không ít những "dư luận" về tôi. Đúng sai tôi không quan tâm! Tuy nhiên, nếu độc giả biết về tôi dù sai hay đúng, nhưng chỉ nhằm vào "cá nhân chính tôi", không liên quan tới một người thân nào khác của tôi thì tôi "thích" hơn.

- Trường hợp "cái biết" của độc giả lại nhằm vào những chuyện "riêng tư" của tôi mà có liên quan tới những người thân khác của tôi, thì tôi mong rằng độc giả biết càng ít càng tốt. Và nếu biết, thì nên biết cho... đúng sự thật.

Nguyễn Đức Tùng: Gần đây anh ít làm thơ. Tại sao? Nó làm anh mệt mỏi rồi chăng?

Trần Nghi Hoàng: Dăm ba năm qua, tôi có ít làm thơ thật, nhưng vẫn làm thơ... không ít! Vài bằng hữu của tôi cũng đã có nhận xét như anh. Thậm chí, có người, như Đoàn Nhã Văn chẳng hạn... đã khuyên tôi nên... bỏ tất cả để chỉ... làm thơ. Thực ra, tôi... lười phổ biến thơ tôi thì đúng hơn.

Tại sao? Tôi đang... âm thầm thực hiện hai trường ca cùng lúc... và lại phải viết nhiều bài này nọ do bạn hữu... yêu cầu. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng có những dự tính về chuyện sáng tác của mình.

Mệt mỏi với thơ? Một thoáng nào đó... khi hốt nhiên nhận ra rằng thơ... rốt cùng vẫn là thơ! Chứ không phải là bất cứ một thứ gì khác!

Nguyễn Đức Tùng: Công việc (work) của một bài thơ của anh là gì? Làm sao để anh biết nó, bài thơ ấy, đang thực hiện công việc của nó đối với người đọc?

Trần Nghi Hoàng: Trong lúc làm công việc sáng tác hay sáng tạo một bài thơ, là tôi thực hiện cho chính tôi, người đọc không có mặt trong công việc đó của tôi. Người đọc chỉ hiện diện sau khi tôi phổ biến bài thơ. Sau khi tôi phổ biến bài thơ là công việc của bài thơ và người đọc. Tôi biết bài thơ ấy đang thực hiện công việc của với người đọc, qua quá trình bài thơ đó đã "thực hiện công việc của nó" với chính tôi, "tác giả - độc giả đầu tiên"

Nguyễn Đức Tùng: Anh chủ trương Văn Uyển trong mười năm, tạo được tiếng vang lớn. Văn Uyển là một đóng góp lớn cho văn học Việt Nam hải ngoại. Anh có những kỷ niệm vui buồn nào với nó, các tác giả và độc giả?

Trần Nghi Hoàng: Kỷ niệm vui nhất, mà cũng buồn nhất là trong một chuyến về thăm Việt Nam, tôi bỗng "bắt gặp" hai số Văn Uyển nằm trong đống sách một người lái sách. Ông này là chuyên viên sưu tầm sách báo để... bán lại. Ông ta cho tôi biết đã mua được hai số tạp chí Văn Uyển qua đường dây "sách báo bị cấm". Hai số Văn Uyển này ông ta chỉ để... cho mướn (10.000 một ngày, năm 1992) và chỉ bán khi có người "trả đúng giá".

Sự việc này làm tôi vừa vui, vì công trình của mình thực hiện vẫn có những người xa xôi từ trong nước... muốn đọc! Nhưng cũng chính sự việc này làm tôi buồn, vì nó cho thấy Việt Nam vẫn là một vùng đất còn quá nhiều những cấm đoán, phân biệt... Vẫn chưa có những tự do căn bản và tầm thường nhất: Như tự do sống thở, sáng tác và đọc...

Với các tác giả, tôi luôn có niềm vui trong thời gian làm Văn Uyển. Những người đã thành danh hiện nay như Đoàn Nhã Văn, Đằng Sơn, Phan Nhiên Hạo, Đỗ Kh., v.v…, đều là những người đã từng cộng tác với Văn Uyển... Đặc biệt, tác giả chuyên viết phê bình Thạch Các là một cây viết "bất ngờ" mà tôi vô cùng thích thú.

Nguyễn Đức Tùng: Trong giới cầm bút, Trần Nghi Hoàng nổi tiếng là một người có thái độ độc lập, hay tranh luận, đôi khi kỳ lạ. Điều đó có đem lại cho anh những khó khăn khi làm việc không?

Trần Nghi Hoàng: Cách đây hơn 10 năm, trong một bài phỏng vấn, Văn Thanh (tác giả "Gái Hà Nội khóc ai"), có hỏi tôi một câu, đại khái như sau: "Thưa ông Trần Nghi Hoàng, trong giới văn nghệ cầm bút, có luồng dư luận cho ông là một người "lập dị". Ông nghĩ sao về dư luận này?"

Tôi nhớ đã trả lời Văn Thanh thế này:

"Tôi thà "lập dị" hơn là lập lại."

Sự độc lập, không bè phái cũng có mang lại cho tôi một số những hậu quả đấy! Nhưng tôi không gọi đó là những... khó khăn. Thí dụ, chắc anh Nguyễn Đức Tùng đã nhận ra là tôi hầu như không hề có tên trong những tuyển tập kiểu Hai mươi năm văn học hải ngoại hay Tuyển tập văn chương lưu vong gì đó đại loại... Bài viết của một số nhà... tổng kết hoặc phê bình văn học hải ngoại khi nhắc đến những nhà văn, nhà thơ, lẽ tất nhiên là không có tên Trần Nghi Hoàng. Và nếu có nhắc đến, thì sẽ như thế này:

"Năm nay. Trần Nghi Hoàng có xuất bản hai tác phẩm: Trường ca Mở cửa tử sinh và tập truyện Truyện người viết sử". "Truyện người viết sử là tập truyện viết về một... (ba dấu chấm là của TNH) thời xa xưa lắm. Trần Nghi Hoàng luôn vung tay quá trán. Ông ta đã đem những nhân vật lịch sử ra mà bôi bác, xếp chung với lưu manh đĩ điếm..."

Anh thấy chưa? Trường ca Mở cửa tử sinh chỉ được nhắc đến... cái tựa! Còn Truyện người viết sử, một công trình nghiên cứu rất công phu của tôi, thì được xếp... là "truyện viết về một thời xa xưa lắm". Xong, nhà phê bình ta phán cho một câu là "Trần Nghi Hoàng luôn vung tay quá trán". Tôi chẳng biết nhà phê bình đó có đọc, thực sự đọc Truyện người viết sử không? Và nếu có đọc, ông ta có đủ "trang bị kiến thức" để hiểu tôi viết gì không?

Tuy nhiên, như tôi đã nói từ đầu, những thứ rác rến đó không hề là những khó khăn cho công việc của tôi. Và theo tôi, công việc của một người sáng tác là "đối diện từng giây với chính mình", chứ không phải tụ tập với nhau để "nghe người khác công nhận mình" và lẽ đương nhiên, "mình cũng sẽ phải công nhận người đó lại tức thì" như là một phương trình "đền đáp". Tôi gọi lối làm văn học kiểu bè phái như trên là "văn học Quan, Hôn, Tang, Tế". Tức văn học "thù tạc". Sự cố tình "cô lập" hay gì đó của những bè nhóm văn học, chẳng những không gây khó khăn chi cho "công việc" của tôi; mà thậm chí, còn là chất xúc tác để tôi viết, tôi sáng tác khỏe hơn và... sướng hơn.

- Trần Nghi Hoàng có thái độ độc lập? Đúng.

- Trần Nghi Hoàng hay tranh luận? Đúng. Tôi cho rằng sự tranh luận rất cần thiết để con người đến gần "chân lý" hoặc ít ra cũng... mỗi lúc một khá hơn!

- Trần Nghi Hoàng là một người... kỳ lạ? Trời đất! Tôi chỉ thấy tôi là một gã rất bình thường... bình thường.

Nguyễn Đức Tùng: Như vậy. anh đã chọn làm một người đứng hẳn trong những hệ lụy nhân gian, chịu sự tác động của các hệ lụy này, mặc dù đôi khi chúng tạo ra các kết quả tốt? Anh có tin rằng một chút thay đổi trong cách tiếp cận hoặc hành xử có thể tiết kiệm được cho anh nhiều năng lượng hơn để làm việc?

Trần Nghi Hoàng: Tôi nghĩ ngược lại. Tôi thấy, "chọn lựa" của tôi là "đứng ngoài hệ lụy nhân gian" đó chứ! Còn kết quả "tốt" hay "xấu", lại là thứ "cảm quan" tùy thuộc vào quan niệm "thành quả" của chính mình.

Tôi luôn thấy mình có "thừa" năng lượng để làm việc, mà không có đủ thì giờ trong một ngày "chỉ có" 24 tiếng đồng hồ. Vả lại, tôi "rất hài lòng" trong cung cách tiếp cận cũng như hành xử của tôi với đời sống... Chỉ tại nhiều người không thực sự "tiếp cận" với tôi, họ chỉ "tiếp cận" với những "dư luận" chung quanh tôi, nên có thể họ cho rằng tôi bị nhiều "hệ lụy" đó thôi!

Nguyễn Đức Tùng: Xin anh một chút riêng tư: cuộc tình của anh với nhà văn Trần Thị Bông Giấy và sự tan vỡ của cuộc tình đó mang lại điều gì cho thơ anh?

Trần Nghi Hoàng: Tôi hầu như... rất ít làm thơ tình... Chuyện tan vỡ với Trần Thị Bông Giấy là một ân hận lớn của tôi với cháu Âu Cơ. Do đó, như tôi đã trả lời với anh Nguyễn Đức Tùng ở một câu hỏi trước, cháu Trần Nghi Âu Cơ là một trong hai người tác động cho tôi viết Mở cửa tử sinh. Người thứ hai hiện tại là nhà tôi, Hoàng Thị Bích Ti. Cháu Trần Nghi Âu Cơ + Hoàng Thị Bích Ti + Nỗi cô đơn + Những suy niệm về đời sống, con người... làm thành Mở cửa tử sinh... và nhiều bài thơ khác.

Nguyễn Đức Tùng: Anh nghĩ sao về tình trạng của thơ Việt Nam hôm nay, các tác phẩm của những nhà thơ trẻ?

Trần Nghi Hoàng: Wow! Trong nhiều bài viết, tôi có tỏ vẻ khó chịu, dè bỉu về cái câu "mỗi người Việt Nam là một... thi sĩ"; không biết anh có đọc?

Thơ Việt Nam hôm nay có những chuyển động của nó. Chuyển động, theo tôi, trước hết đã là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, theo tôi, hầu như những cố gắng của các nhà thơ (cả trẻ lẫn già) đều chưa phải là sự sáng tạo thơ đích thực? Tôi cho rằng "sáng tạo" khác với "làm mới". "Sáng tạo" đích thực là làm ra... cái mới. Làm ra cái mới khác với làm mới.... cái cũ. Đa số những người làm thơ thuộc trường phái "hậu hiện đại" hay "cách tân" gì đó, họ chỉ mày mò với công việc "làm mới cái cũ" hoặc ở một hướng khác, là bắt chước, nhại lại những cái đã quá cũ của Âu Mỹ... làm cái mới của mình.

Không ít những nhà thơ trẻ, hoặc không còn trẻ nữa đã có những công cuộc tìm kiếm... Thơ. Trong công cuộc tìm kiếm ấy, có tìm thấy được Thơ hay không, lại là một vấn nạn.

Không thể phủ nhận là đã có những thành tựu thơ mà các nhà thơ trẻ đạt được. Họ có những "sáng tạo" đích thực. Chuyện những sáng tạo đó có được "công nhận" hay không, phải để thời gian trả lời. Song le, điều tôi muốn nói là, "sáng tạo", làm ra cái mới… thế nào đi nữa nhưng bắt buộc thơ vẫn phải là Thơ. Nó khác với việc "làm ra những cái kỳ cục" rồi đặt tên cho chúng là Thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Xin anh nói rõ hơn về điểm này. Đa số những bài thơ cách tân gần đây trên báo chí trong nước và hải ngoại, như trên tạp chí Hợp Lưu, Văn, Văn học, liên mạng Tiền Vệ, talawas, Da màu, Văn nghệ Sông Cửu Long, eVăn, v.v… là mới hay cũ? là kỳ cục hay không… kỳ cục?

Trần Nghi Hoàng: Rất khó để "nói rõ" một cách chi li với anh về điểm này. Trên những tạp chí hay liên mạng ở trong nước hay ở hải ngoại mà anh vừa nêu tên, gần đây, dĩ nhiên có bài "mới" và bài "cũ". Có tác giả càng lúc càng "mới" và có tác giả vẫn tiếp tục... "cũ" hoặc đi lạc dù rằng đã cố gắng "làm mới"....

Chỉ có thể đưa ra vài ví dụ.

Tôi đương nhiên không phải là một người chủ trương hay gần gũi gì với các thứ đạo đức Khổng Mạnh hay niềm tin kiểu van xin quỳ lạy... Nhưng một bài "..." như thế này của Lê Thị Thấm Vân, thì tôi thấy là "ác độc" quá:

Trăn trối

Con gái mẹ
Yêu ai, con cứ fuck họ
Ghét ai, con cũng có thể fuck họ
Khinh ai, mẹ để tùy ý con.

Ai quý mến cưng chiều
con luôn tử tế biết ơn
nhưng không nhất thiết phải để họ fuck
..........
Bố con biết tự sướng thân, vác cặc đi đụ tứ phương thiên hạ.
Còn lồn mẹ, cứ ủ kín để dành hiến dâng bố con đêm động phòng
Đó là điều ngu nhất đời mẹ.

(trích Tiền Vệ)

Tôi không tin Lê Thị Thấm Vân thực tình muốn con gái mình đi "fuck" tùm lum như vậy. Dù là "fuck" giao cấu hay "fuck" nguyền rủa. Nhưng cái "thông điệp" của Lê Thị Thấm Vân nó "tàn bạo" quá khi đó là lời "dạy dỗ" của một người mẹ dành cho con gái mình. Nguyên do đầu tiên cho sự hiện diện của đứa con gái mình trong cuộc đời có "yêu, ghét, khinh..." này vì mình đã để cho anh chồng mình nó "fuck" mình hoặc mình đã "fuck" anh chồng mình. Lúc đó, chỉ mình và anh chồng mình sướng (hay người sướng người không hoặc sao đó...), chứ đứa con gái không hiện diện. Bây giờ, Lê Thị Thấm Vân không nên can dự vào chuyện đứa con gái nên cho ai "fuck" hoặc xúi cháu nên "fuck" ai... Cứ để cháu nó tùy nghi... Và nhất là không nên "trăn trối" cho con gái bằng "cái gọi là thơ" kiểu "kỳ cục" như vậy... Đó là hành động molesting thơ cùng lúc với molesting con gái của mình.

Tuy nhiên, tôi cũng đọc được những bài thơ khá hay của Lưu Hy Lạc, tác giả mà tôi thấy ngày càng đạt được mức gần đều tay. Thí dụ như "Bài thơ tặng tôi vào đêm Giáng Sinh", có những câu tôi thích:

lên mặt màn hình thực chưa đâu
vào đâu thơ chưa sống đời thơ
chữ chưa sống đời chữ...

nàng lại xẹt qua nói

đúng kiểu tay sính thơ thứ thiệt
té ra vào những ngày nàng có
kinh thế này y rằng lo vật
lộn với "nó" tôi nào hay trong

lòng bấy giờ luôn dạt dào một
niềm cảm thương nàng vô hạn và
cũng chính mối thương cảm ấy khiến
tôi phát thèm muốn trải nghiệm

ý tưởng khiểu cách này nọ lên
mặt màn hình....

(trích Tiền Vệ)

Hành trình tìm kiếm thơ của Lưu Hy Lạc, ít ra, đã có vài kết quả...

Khá nhiều những tác giả khác tôi thấy có "nội lực" như Lý Đợi, Bùi Chát... trong nước. Hải ngoại thì Đỗ Kh., Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo… là những cá biệt trong công việc làm mới thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Trên talawas, tháng 10 năm 2006, tác giả Bùi Công Thuấn viết: “Trong cái ao làng văn chương Việt Nam hiện nay… người sáng tác chưa ý thức đầy đủ về nhân cách nhà văn của mình, lại viết bằng con mắt hẹp bản năng…”

Anh nghĩ sao về nhận xét có phần nghiêm khắc nói trên? Các nhà thơ Việt Nam, hải ngoại và trong nước, có thể làm gì để thay đổi tình trạng này?

Trần Nghi Hoàng: Nhận xét của Bùi Công Thuấn, ít ra, cũng đúng tới 90% theo tôi thấy! Còn chuyện các nhà thơ Việt Nam có thể làm được gì để (khả dĩ) thay đổi tình trạng này thì, xin thưa với anh, là tôi chỉ có vài góp ý:
  • Vất bỏ quan niệm nhà thơ thì... không cần kiến thức. Nhà thơ, theo tôi, rất cần kiến thức và tri thức.

  • Do đó, phải đọc. Đọc càng nhiều càng tốt: thơ ca (và các món khác) của các quốc gia khác trên thế giới. Không phải để bắt chước, mà là để tiếp cận thêm những "cảm quan mới", "tâm cảnh mới" của nhân loại ngoài Việt Nam. Đọc là "học", là "trải nghiệm" và "mở rộng tâm thức".

  • Có "độc lập" mới thực sự có "sáng tạo trong tìm kiếm".
Nguyễn Đức Tùng: Anh nhiều lần nhắc đến “tìm kiếm thơ”. Theo anh, một tác phẩm như thế nào thì được coi là có tính thơ?

Trần Nghi Hoàng: Đây là một câu hỏi khó! Ba chữ "tìm kiếm thơ" trong trường hợp này không phải là một hành động, mà là một "trạng thái", một "ý thức" thì đúng hơn. Thơ là gì? Hãy nhắc đến Bùi Giáng một chút. Đại khái, ông Bùi nói: "Để diễn giải một bài thơ này, chỉ có cách duy nhất là làm một bài thơ khác." Như vậy, để định nghĩa (?) "thơ là gì", chỉ còn cách duy nhất... liệt kê ra "cái gì là thơ"!

Bất cứ "cái gì" cũng có thể là thơ. Và bất cứ "cái gì" cũng... không phải là thơ! "Thơ" hay "không thơ", cuối cùng, là một thứ "vô thức cảm nhận".

Trong đời, tôi cũng đã có đôi lần nói: "Cái này mà là thơ à?"... khi đọc phải những vần điệu hoặc không vần điệu... quá cliché, quá mòn cũ không gây một chút xúc động nào ngoài sự... bực mình.

Có thể nói, "thơ" là một thứ NGÔN NGỮ làm người đọc nó bị ngạc nhiên và xúc động, tức là bị "tấn công" như tôi đã từng phát biểu.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi xin được diễn dịch một ý của anh ở trên như sau: Không cần cố "làm mới thơ", vì chỉ cần làm thơ hay, là có thơ mới. Nhưng thưa anh, có thể nào thơ thì hay mà vẫn cũ? Xin chép những đoạn thơ sau đây, được nhớ lại một cách ngẫu nhiên. Hoàn toàn theo trí nhớ. Nghĩa là chúng làm tôi nhớ:

Em đến hôm nào như hoa bay
Tình không độc dược mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay

(Đinh Hùng)

Áo tím chiều ơi nắng gió ơi
Mênh mông là chỗ có em ngồi
Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi

(Trần Mạnh Hảo)

Và:

Cốc cà phê càng nguội
Màu cà phê càng đen

(Nguyễn Quang Thiều,)

Theo anh, chúng là mới mà dở, hay là cũ mà hay; là vừa mới vừa hay, hay là vừa cũ vừa dở?

Trần Nghi Hoàng: Tôi sẽ lần lượt trả lời theo thứ tự câu hỏi: diễn dịch của anh... gần gần đúng với điều tôi muốn nói. Tôi đưa một ví dụ: Thập niên 80, thời tôi còn ở San Jose, California, trong một bữa tiệc sinh nhật của ai đó, có một "bút nhóm" mấy ông lớn tuổi làm thơ... hiện diện (thời đó tôi còn khá trẻ!). Mấy ông này thấy sự có mặt của tôi (tôi rất ít khi đi vào mấy chỗ "đám đông" như thế này!), bèn đề nghị được "cật vấn" dăm điều. Xin chú thích thêm: mấy ông lớn tuổi này "chủ trương" làm thơ là phải có luật, có vần... và họ xếp tôi vào loại làm thơ... không niêm luật, vô trật tự! Câu hỏi của mấy ông lớn tuổi như sau:

"Theo ông Trần Nghi Hoàng, làm thơ ‘luật’ khó, hay làm thơ ‘tự do’ khó?"

Tôi đã trả lời:

"Thưa quý ông, theo tôi, làm thơ... cho ra thơ, và thơ hay là khó nhất!"

Chả biết anh định nghĩa như thế nào là "cũ", "mới"? Vần điệu, thể luật... chưa chắc là những tiêu chuẩn chân chính trói buộc bài thơ vào cái cũ. Những câu dài, ngắn khác nhau, không vần điệu... chưa hẳn làm thành một bài thơ mới! Cái cốt yếu của thơ vẫn là cách sắp xếp ngôn ngữ, hình ảnh và ý tưởng. Tôi đọc anh nghe câu thơ... Đường luật (tôi chỉ còn nhớ duy nhất một câu!), của tác giả Vũ Văn Học, mà theo tôi thì nó... rất mới:

thuyền trung tửu lãng khuynh bôi khấp

tôi dịch:

trong thuyền sóng rượu xô chén khóc

hoặc vài câu thơ của người H'Mông:

anh đã về tới nhà rồi
mà hồn còn nằm trong vạt áo em

nếu anh là giọt sương khuya
anh xin được tan dưới gót chân em

vẫn là những chữ bình thường nhưng ý tưởng, hình ảnh... bộ không mới chắc? Anh Tùng nghĩ sao?

Bây giờ, tôi sẽ "đi vào" ba bài (đoạn?) thơ mà anh Tùng đưa ra:

Em đến hôm nào như hoa bay
Tình không độc dược mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay

Đoạn thơ trên của Đinh Hùng, tôi tin nó đã rất mới vào thời điểm nó xuất hiện. Và cho đến bây giờ, nó vẫn chưa "bị cũ"... lắm, dù là thơ vần điệu. Đinh Hùng đã làm được công việc là liên kết những từ không mới mẻ gì tạo thành những trường hình ảnh lạ: hoa bay, độc dược, đắng cay, tàn nhẫn, sát nhân.

Bốn câu thơ trên của Đinh Hùng, theo tôi, vẫn còn có thể gọi là hay được trong trào lưu neo- classic.

Trường hợp thứ hai:

Áo tím chiều ơi nắng gió ơi
Mênh mông là chỗ có em ngồi
Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi

(Trần Mạnh Hảo)

Là mới hay là cũ?

Là một bài thơ... thường thôi! Nhưng đã có thể gọi là thơ được rồi! Song le, nếu trong bốn câu, Trần Mạnh Hảo làm sao "lọc" bớt đi một chữ "chiều", có lẽ bài thơ sẽ "tới" hơn. Hai câu dưới:

Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi

có ý... muốn mới. Và ít ra, đây là một bài thơ khá của Trần Mạnh Hảo.

Kết luận: Bốn câu này của Trần Mạnh Hảo, tôi chưa thấy qua khỏi thời "thơ tiền chiến".

Trường hợp thứ ba:

Cốc cà phê càng nguội
Màu cà phê càng đen

(Nguyễn Quang Thiều, trích theo Trần Mạnh Hảo)

Là hai câu thơ khá đặc biệt và hay. Mới ở ý. Với những con chữ bình thường tầm thường, tác giả đã làm cho ý thơ trở nên sâu bén: chữ "càng" ở câu thơ thứ nhì tô đậm sự cô đơn, ảm đạm, tăm tối của hình ảnh, khiến cho câu thơ không phải là một thông báo bình thường, trung tính nữa.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi xin được đồng ý với anh… hơn một nửa. Tôi tin rằng cả ba đoạn trích trên đều là những đoạn thơ hay. Mỗi tác giả một cách khác nhau.

Đinh Hùng thì cũ, rất cũ, mà vẫn tuyệt hay. Bây giờ chúng ta không làm thơ như thế nữa. Không thể, mà cũng không nên.

Trần Mạnh Hảo thì tài hoa về ngôn ngữ, nhưng anh ấy đứng trên, và vẫn còn tiếp tục đứng trên, mảnh đất của hệ thống thẩm mỹ cổ điển. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những câu như:

“Mênh mông là chỗ có em ngồi”

Một số người khi đã đọc qua thì thấy dễ làm. Tưởng như ai làm cũng được. Họ lầm. Thơ có vần không dễ làm như thế.

Câu của Nguyễn Quang Thiều, anh đã bắt được cái tinh tế của nó. Theo tôi, mặc dù Nguyễn Quang Thiều nổi tiếng về các câu thơ rậm rạp, đóng góp quan trọng nhất của anh là cách tiếp cận cái đẹp thông qua cảm giác (sense). Thơ anh có nhiều thị giác, vị giác, xúc giác, v.v... Hai câu này làm tôi nhớ đến hai câu khác của Tomas Transtromer, nhà thơ Thụy Điển, một bậc thầy.

Sau một ngày đen tối, tôi chơi nhạc Haydn
Và thấy hơi ấm trên hai lòng bàn tay

(After a black day, I play Haydn
And feel a little warmth on my hands)

(bản dịch tiếng Anh, hình như của Bly, cũng chép theo trí nhớ)

Bây giờ xin được hỏi anh một câu hỏi đi ra từ các câu hỏi trên: Theo anh, thơ Việt Nam hiện nay đang thiếu điều gì. Anh ước muốn điều gì cho nó?

Trần Nghi Hoàng: Hiện nay, thơ Việt Nam từ trong nước cho tới hải ngoại dường như đã có... chút sinh khí. Nhưng lại thiếu tính chất dynamite. Thơ Việt Nam đang rất cần tạo ra những chấn động, những dynamite thực sự, chứ không phải do lăng xê giả tạo... như một vài "hiện tượng" đã xảy ra.

Mong ước của tôi là "một thứ ngôn ngữ mới cho thơ"; "một cung cách mới cho thơ"... Ngôn ngữ mới cho thơ nằm trong thủ pháp... xếp chữ! Cung cách mới cho thơ thể hiện ở kỹ thuật và cảm xúc mới. (Kỹ thuật và cảm xúc sẽ "mới", nếu trí tuệ, quan điểm, kinh nghiệm và thể nghiệm của người làm thơ được tự kiến tạo trong công cuộc tìm kiếm của mình để đi tới cái tìm thấy cho riêng mình). Và những người làm thơ... không nên tập hợp với nhau để "đồng ca thơ". Thơ là một cõi rất riêng cho mỗi người làm thơ. Thơ không chia sẻ, không kết bầy, không hướng đạo đồng phục dắt đường... Và sau hết, thơ phải là thơ.

© 2007 talawas