trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25 
29.8.2006
Nguyễn Thế Hoàng Linh
ThÆ¡ Ä‘ến từ đâu
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh
Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn anh đã theo dõi cuộc phỏng vấn các nhà thơ và nhận lời tham dự. Cám ơn nhà thơ Lê Thị Huệ ở Mỹ bắc cầu cho chúng ta.

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Ý tưởng phỏng vấn và nhiều câu hỏi rất hay. Tôi cũng thích cách làm việc qua email và tin cậy sự tôn trọng các tác giả trong cách làm việc của anh (dù tôi chưa làm việc với anh bao giờ). Cảm ơn anh đã có ý định trao đổi với tôi. Tôi đang thử viết một tiểu luận về thơ, một phần sự vận động và các khái niệm xung quanh nó nhưng quả là rất khó. Hy vọng, lần trả lời này sẽ giúp tôi khơi thông thêm một số điều.

Nối tiếp hai câu tôi đã trả lời anh Phạm Xuân Nguyên trong một phỏng vấn trước đây (tôi chép lại để thể hiện quan điểm thơ của tôi xuyên suốt các câu trả lời), tôi xin được tiếp tục trả lời dựa trên các câu hỏi của anh.

Phạm Xuân Nguyên: Bạn quan niệm thế nào về thơ?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Theo tôi, thơ (với nghĩa đẹp và mở nhất) là những sản phẩm / hành động mang tính thơ. Tính thơ tỷ lệ thuận với cái hay của hình ảnh, ý tưởng, nhạc tính, mạch cảm xúc. Một bức tranh siêu thực cá tính, một ý tưởng thú vị trong lớp học, một giọng nói hay, một sự duy trì phong độ trong suốt trận đấu đều mang tính thơ. Tính thơ càng hòa quyện được bốn nhân tố càng là thơ.

Phạm Xuân Nguyên: Tại sao bạn thích làm thơ lục bát?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Mỗi thể thơ là một sân chơi. Lục bát là một trong những sân chơi tôi được chơi tự do, thoải mái nhất. Ngẫm ra: Thể thơ lục bát là sáng tạo rất riêng của người Việt.

Nguyễn Đức Tùng: Các nhà thơ ngày càng bớt thơ mộng hơn. Anh có lấy làm tiếc về điều đó không?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi nghĩ, trước tiên phải dè chừng khái niệm “thơ mộng”. Có người coi “thơ mộng” như một sự “đèm đẹp, sáo mòn, sến”, có người lại kéo nó gần với khái niệm “trí tưởng tượng rộng mở”. Kundera nói về chất thơ trong tiểu thuyết của Kafka là nói về cái “thơ mộng” thứ hai, tức là cái phản “thơ mộng” thứ nhất. Với quan niệm về tính thơ, tôi không lấy làm tiếc điều gì cho thơ khi mà tính thơ trong cuộc sống vẫn luôn chảy. Tôi thích câu thơ này (không biết có phải của Nguyễn Du không): “Ta dù thịt nát xương mòn / Ngậm cười chín suối hãy còn thơ ngây”. Đó là cái lựa chọn đi với sự “thơ mộng” (vốn không được lựa chọn khi sinh ra) và chấp nhận trả giá “thịt nát xương mòn” để “giữ” mình. Thái độ đó cũng là một thứ thuốc thử để đo nhà thơ thật hay giả, còn hay không còn là nhà thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Anh Phạm Xuân Nguyên đã mở lời, vậy tôi xin phép nêu tiếp câu hỏi. Thưa anh, nhiều người nghĩ rằng lục bát không còn tương lai trong thơ Việt Nam nữa, ít nhất là thơ trong chiều hướng hiện nay. Anh nghĩ sao ?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi không nghĩ vậy. Hiện tại, theo quan sát của tôi, lục bát vẫn là thể thơ được độc giả thích và nhớ nhất. Và tôi không cho đó là một biểu hiện để đánh giá sự trì trệ về thẩm mỹ trong lũy tre làng khi có nhiều độc giả thích lục bát là những người vẫn xem DVD lậu đủ loại hàng ngày. Trong số đó có những DVD mà ngay cả những khán giả nước ngoài cũng phải đợi chiếu mòn ở rạp rồi mới được xem.

Nguyễn Đức Tùng: Ngồi xem DVD lậu sau luỹ tre làng là một hiện tượng xâm thực văn hoá đáng lo ngại hay là một tiến bộ văn minh đáng mừng ?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi nghĩ, khi cái mới lạ đến với một khu vực, nó dễ gây nên tình trạng nửa mừng nửa lo cho những người quan tâm đến số phận khu vực đó. Mừng vì được cọ xát văn hóa (trường hợp xem DVD: Tự nguyện, không vì áp lực kinh tế hay chính trị nên sự cọ xát văn hóa này là khá công bằng). Lo vì phần đông những người tham gia cái hiện sinh cọ xát văn hóa đó không có ý thức mình đang cọ xát để nảy sinh ít nhiều suy ngẫm về nó. D(eveloping countries) V(ersus) D(eveloped countries)?

Xem đĩa lậu là hành vi thiếu văn hóa khi gián tiếp ủng hộ hành vi làm đĩa lậu, hại những người sáng tác; nhưng không xem để bổ sung văn hóa thì cũng không xong. Đây là một tình trạng khá tiêu biểu cho những cái phi lí xảy ra trong quá trình nạp văn hóa ở các nước còn nghèo, thiếu đầu tư nâng cao tầm văn hóa cho người dân.

Các nước được coi là tiến bộ cũng như các nước gây chiến, cấm vận..., nếu muốn hướng tới một thế giới bớt dã man hơn, không thể không ngày một suy nghĩ sâu hơn về cái chuỗi phi lí này và về sự hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho các nước nghèo. Các nước giàu đã nghĩ đến và thực hành việc cung cấp phim ảnh, phần mềm, sách báo giá rẻ cho các nước còn nghèo. Nhưng rẻ thế nào để khi luật bản quyền được thít chặt, quá trình cọ xát văn hóa không ngưng trệ nhiều so với khi người dân dùng lậu, họ có nghĩ tiếp không?

Thêm một điều tôi nghĩ cũng đáng lo là: Những DVD lậu (và cả các website) không chỉ chứa đựng những văn hóa tiến bộ. Muốn cảm nhận và chọn lọc những văn hóa tiến bộ, đôi khi khán giả còn cần một tầm văn hóa nhất định. Ở tầm văn hóa thấp, khán giả dễ phản ứng ngược, chỉ liên miên chọn cái gì ăn xổi ở thì và dễ dàng bắt chước; bằng cách đó, tiếp tục dung dưỡng những cái xấu trong văn hóa của mình. Tôi nghĩ, sự đánh mất Văn Hóa khi tiếp xúc với vô số văn hóa xuất phát từ một tầm văn hóa thấp và không được định hướng tốt. Mà sự đánh mất Văn Hóa thì lại tiếp tay cho cái dã man (bạo hành, cưỡng hiếp, nạo thai, bỏ rơi trẻ con, lừa đảo, buôn người, thờ ơ với chiến tranh...). Một câu chợt đến với tôi để mô tả một bi kịch văn hóa ở những nước đang hội nhập và có nhiều người dùng DVD lậu mà không hề suy nghĩ: Quá hồn nhiên hưởng thụ. Mức bi kịch văn hóa ở một nước đang phát triển tỷ lệ thuận với số người quá hồn nhiên hưởng thụ. Khi hưởng thụ bị tách khỏi tư duy, tách khỏi sự tự vấn nó có đang tạo ra sự ì trệ, nó rứt dần những liên kết giữa các thế hệ và cả những người trong cùng thế hệ với nhau.

Tuy nhiên, cảm nhận hiện tại của tôi (một cảm nhận rất chủ quan), luôn có những người ưa thích những DVD “lành (&) mạnh”, nghĩa là, có những tầm văn hóa nào đó đang hình thành. Những ý thức chấp nhận sự khác biệt văn hóa giữa các thế hệ, loại thải bớt văn hóa phán xét để có chỗ cho văn hóa lí giải, văn hóa liên kết sẽ làm dịu những xung năng dã man đi. Phán xét về văn hóa thường chỉ giá trị khi người phán xét thực hiện hành vi đó một cách có văn hóa. Tôi chợt có một câu khác: Mỗi người dám ý thức thêm một tí / tôi chán những con người ưa dễ dãi bi quan.

Nguyễn Đức Tùng: Làm sao để một thể thơ chặt chẽ về vần điệu như lục bát có thể chở được nội dung thẩm mỹ của thời đại ngày nay?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Cá nhân tôi thấy luật lục bát là luật mà như không luật, khi dùng lục bát, mình diễn đạt còn trôi chảy hơn các dạng thơ khác. Có những người xưa làm ra ca dao lục bát (với nhiều hiệu ứng thẩm mỹ cũng như chuyên chở nhiều tư tưởng) tự nhiên như hơi thở đã đâu hề biết luật. Cái bẫy của lục bát không phải vì nó chặt chẽ mà vì nó dễ làm quá nên cũng dễ nhạt, một số qui tắc bằng trắc của nó cũng thách thức khả năng biến tấu nhạc tính trong một khuôn khổ hẹp. “Nội dung thẩm mỹ” là khái niệm hơi khó hiểu với tôi, tôi nghĩ, khả năng chở không chỉ phụ thuộc vào kích cỡ con thuyền mà còn phụ thuộc vào sự hòa hợp với mái chèo và sự thấm nhuần dòng sông. Tôi thử đưa ra bài lục bát này tùy độc giả xem nó có chở được gì không:

WTO

khi vào WTO
Việt Nam nhộn nhịp xô bồ ra sao
các bạn yêu tớ không nào
Việt Nam hớn hở đón chào tha nhân
tha nhân mặt chợt đỏ rần
cái thằng này thật cù lần nhưng hay
nó thơ ngây quá chìa tay
cho mình là đứa rất hay nghịch ngầm
thằng nhỏ người đã tím bầm
vì tha nhân đã chơi thâm quá nhiều
yêu thì mới gặp khó yêu
nhưng mình nên giúp nó điều gì không
nó nhìn thế giới quá hồng
giấc mơ hoành tráng đại đồng đẹp sao
lẽ nào mình lại kề dao
rồi đem máu nó nhỏ vào tương lai
vê đúp tê ô thở dài
có tâm khi đã có tài khổ ghê
phải dắt thằng nhỏ lề mề
còm nhom nửa tỉnh nửa mê đái dầm
khéo còn bị nó chửi thầm
sư thằng gian ác đang cầm tay ông
thế này thì có tức không
nhưng mà mình vội tét mông nó thì
nó mè nheo chả chịu đi
thì mình mang tiếng là phi nhân à
hay là mình cứ kệ cha
ác gian đức tính cũng gia truyền rồi
trời!
giằng xé quá đi thôi
có ai trăn trở như tôi không nào
có nên bóc lột từng hào
hay là rộng mở hàng rào thuế quan
giao thông có nên lo toan
ô tô thì lắm mà toàn ngõ quê
có nên cho thằng nhỏ thuê
nhiều chuyên gia xịn dạy nghề chuyên gia
nó lại dẫn đi kara
ôkê với lại mátxa thì phiền
có nên đưa nó hết tiền
nó vung quá trán thì điên đầu à
nếu mình sử dụng thanh tra
nó chăm bẵm giống chuyên gia thì sầu
thôi thôi tớ chả biết đâu
càng thương càng mệt chả câu được gì
...
nhưng nhìn miệng nó cười hì
hồn nhiên quá đỗi có ác như loài cầm thú mới thì không thương
(e hèm, tiếp tục vậy)
đầu tiên là phải làm đường
bình phương chỗ đó lập phương chỗ này
công nhân chứng khoán mê say
thương nhân tay máy tay cày vui ghê
nông dân lao động mửa mề
để thôi trợ giá kẻo về số không
thật là dân tộc đại đồng
học sinh hớn hở lông bông đến trường
giáo trình đào tạo ếch ương
bổ sung đào tạo tuyết sương phong trần
nghệ thuật vẫn dạy thơ vần
ngoài ra còn dạy thơ cần tự do
mày xin tao cũng đếch cho
bơm xe đầy đấy mày lo mà làm
lô đề mà mày còn ham
thì tao ra lệnh tống giam vợ mày
thích say mày cứ việc say
để xem nhịn đói hai ngày nổi không
những thằng nào thích chơi ngông
quen vi phạm luật thì ông phạt tiền
ông bô nở nụ cười hiền
thì ông tranh thủ phạt liền ông bô
đàn ông giữ nếp côn đồ
là xui phụ nữ tồ tồ lấy tây
nó to cao nó tiền đầy
không nâng thể chất không cầy tư duy
chả mấy mà khóc tỉ ti
gái ơi gái hỡi gái đi đằng nào
trắng tay lại vội lao vào
cần sa lừa đảo nháo nhào hư vô
chứng khoán hiện hữu xô bồ
phải tiêm thuốc chống hồ đồ a dua
đất vàng năng lượng bán mua
thả rông là dễ te tua môi trường
phải tìm nhịp sống bình thường
dù chưa thể hóa thành cường quốc ngay
truyền thông thẳng cánh cò bay
internet với hàng ngày tivi
nhắn tin ngón cái chai lì
võ lâm tiếp tục truyền kỳ võ lâm
mảnh mai kính trắng thâm trầm
ai ngờ bang chủ âm thầm cái bang
công ty tổ chức đám tang
nhân viên gương mẫu đã sang cõi nào
vô cùng thương tiếc anh hào
quần hùng gõ phím rào rào tiễn đưa
rồi về chat chit say sưa
bao nhiêu ứng dụng khác chưa biết dùng
đến hè du lịch lung tung
đầu tư có khác tây cùng với ta
thế là rừng biển bao la
vừa khoe khoang lại vừa ra đồng tiền
anh em bè bạn trăm miền
cũng không đến nỗi đến liền đi luôn
nhân dân khai phá cội nguồn
thì chả mấy chốc nỗi buồn bay đi
...
thế nhưng mình chả được gì
vì người lại chả được vì mình ư
chi bằng mình cứ lừ đừ
kệ cho thằng nhỏ chín nhừ hư vô?
...
anh bảo thật với chú Ô
chú to mà ngố bỏ bồ chú ơi
khi fairplay chú chơi
lẽ nào đồng đội bỏ rơi chú à
mỗi khi chú đến chơi nhà
nếu không có dịch thịt gà chú xơi
lại còn khen chú tơi bời
bà con lối xóm đời đời nhớ nhung
thế chú khác nào anh hùng
không dùng bạo lực mà dùng tư duy
chú tin hay không thì tùy
chứ anh không định phải quỳ xuống xin
giúp nhau phải có lòng tin
ngoài ra cũng phải biết vin hợp đồng
nói vậy chú hiểu anh không
nếu chú không hiểu chú mông muội rồi
không hiểu anh cũng được thôi
anh đố chú biến xa xôi thành gần
27.06.06

Nguyễn Đức Tùng: Có một khái niệm quan trọng trong thơ là sự tiết kiệm chữ và sự nén lại các ý tưởng trong một cấu trúc toàn hảo nhất. Các nhà thơ Mỹ thường gọi điều này là “best words, best orders”. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Phan Cảnh, trong cuốn Ngôn ngữ thơ, dùng chữ tiến độ (tempo) để mô tả một khía cạnh của nó.

Đọc bài thơ trên, mặc dù rất thích, tôi không thể không tự hỏi: cách dùng chữ của anh có phải là một nhu cầu nội tại của bài thơ, hay đây là một dụng ý nhằm làm mới văn chương, hoặc thậm chí thách thức các giá trị đã hình thành của lục bát?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Vâng, nhu cầu nội tại. Dụng ý nghệ thuật, ý thức làm mới có lẽ đã thành một phần tiềm thức trong nhu cầu nội tại đó. Cách dùng chữ này đã đến với tôi cách đây khá lâu, hình như tôi tiếp nhận sự duyên dáng này của Bút Tre: “Con ruồi là giống hiểm nguy/Tay chân của nó rất vi trùng nhiều” và theo thời gian, gặp thêm các tác giả khác, nâng cấp dần. Trong tôi, trong nhịp sống này, trong cái tẩu hỏa nhập ma vừa đau khổ vừa phong phú thú vị của nó, trong cái nhu cầu viết vui vẻ hơn về những cái “nghiêm trọng” hàng ngày để tự chữa thương cũng như để phần nào mua vui cho độc giả buồn, cách dùng chữ như vậy là cái “Phải thế thôi”. Nếu độc giả thích đọc thơ buồn, thích đọc thơ khác lục bát, thích đọc thơ “cổ truyền” thì cũng có thể tìm thấy trong nhiều giai đoạn sáng tác của tôi.

Tôi nghĩ, cái quan trọng trong người làm thơ là duy trì dòng chảy của tính thơ, dòng chảy ấy vốn dĩ đã là sự lưu thông của sáng tạo. Những cái gọi là “giá trị cổ truyền” có tính thơ sẽ được nối dòng, bằng không, sẽ bị đào thải trong cuộc cạnh tranh lành mạnh: Tung tất cả ra dư luận, để độc giả tùy chọn. Vậy thì, cố tình thách thức để làm gì? Cái cố tình thách thức chỉ đáng khi nó cũng chất chứa tính thơ.

Tôi nghĩ “best words, best orders” cũng là một mệnh lệnh trong tiềm thức mình. Tất nhiên, tùy khả năng và mức năng lượng tại mỗi thời điểm mà thực hiện được hay không mệnh lệnh đó. Cụ thể với bài “WTO”, tôi nghĩ, mình thực hiện mệnh lệnh đó không tồi.

Tâm thức không có thiện cảm khi nhìn vào một khối văn chương dài/dày trong những người cuống lên vì nhịp sống trong bãi rác thông tin khổng lồ, tôi cũng có. Và đó là một thứ bệnh “chủ quan, bỏ sót” mà những nội dung mang tính thơ trong những hình thức dài đôi khi khiến mình đọc liên miên (Ví dụ: Cuốn Cuộc đời của Pi của Yann Martel, Rừng Nauy của Haruki Murakami do Trịnh Lữ dịch) dần chữa cho mình. Tuy nhiên, giữa rất nhiều người viết tài năng, trước những ưu thế của DVD, muốn được đọc, ngày càng cần ngắn gọn và súc tích hơn. Lại tuy nhiên, “take it easy” bằng cái hài hước và tỏ ra ngớ ngẩn cũng là một mệnh lệnh làm mới “nghiêm trọng” không kém :-P

Nguyễn Đức Tùng: Anh có đọc lục bát của Bùi Giáng không? Và Đồng Đức Bốn? Còn Du Tử Lê thì sao?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi có đọc, số lượng đọc của mỗi người theo đúng như thứ tự anh đưa ra. Cùng với Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Nguyễn Bảo Sinh, họ là những người tôi gặp trong quá trình nâng cấp cách viết lục bát. Nhưng nói chung, tôi vẫn đọc quá ít tác phẩm của họ. Tôi nghĩ, họ cũng như nhiều người viết khác, còn nhiều tác phẩm đáng được đọc.

Nguyễn Đức Tùng: Cũng trong cuốn Ngôn ngữ thơ nói trên, tác giả viết : “Và chúng ta có thể phỏng theo cách Nguyễn Tuân “làm cho tôi món luộc, tôi sẽ nói cho anh biết thịt hàng anh như thế nào”, mà rằng “cho tôi xin một ít lục bát, tôi sẽ thưa anh có phải là nhà thơ thứ thiệt không”. Anh nghĩ sao?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Thú vị và có lí, nhưng bắt bẻ ra thì với những người không làm lục bát bao giờ hoặc không có kỹ năng làm thể loại này, “xem mặt bắt hình dong” thế nào? Tôi xin nhái lại câu này như sau: “Hãy cho tôi xem một hành vi/tác phẩm thơ của anh, tôi sẽ nói cho anh hay anh là ai”. Nói vậy cũng chỉ là chơi chơi thật thật, để biết một người là ai không dễ thế. Vấn đề là, tôi cho anh xem nhưng tôi có muốn/có biết cho anh xem cái hay nhất/tôi nhất của tôi không, có muốn/có biết chứng tỏ với anh rằng tôi là “thứ thiệt” không.

Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ của anh bắt đầu ra sao?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Bắt đầu từ một câu đột nhiên xảy đến khi đang không hoặc có ý định làm thơ. Câu thơ đó có thể được dùng làm câu đầu bài thơ hoặc ở một phần nào đó. Rồi từ câu thơ đó, mở đường đi tiếp trong một sự hầu như không có cấu trúc trước, vừa làm vừa cấu trúc. Ví dụ, bài thơ sau xuất phát từ câu thơ chợt đến, tả tương đối đúng tâm trạng của tôi lúc đó: “oải vui như một buổi chiều”, rồi tôi bịa tiếp lung tung.

Môi

oải vui như một buổi chiều
ở trong im lặng có nhiều lặng im
trong lặng im có tiếng chim
trong tiếng chim có tiếng im lặng và
một vài gam tiếng chim ca
và ta cóc biết rằng ta là gì
giờ cần quái gì hi hi
ở trong im lặng có mỳ tôm sôi
trong khi bạn đọc thơ tôi
ở trong bạn có đôi môi của từ
nó ăn từ thực từ hư
ăn no nó thả bạn như cánh diều

26.03.06

Nguyễn Đức Tùng: Thơ anh có cái vẻ khơi khơi, bất cần mà đọc kỹ, lại rất tình cảm. Anh tạo ra được giọng điệu rất riêng (unique) này là nhờ đâu ?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Cảm ơn nhận xét của anh. Bên cạnh cái mơ hồ gọi là năng khiếu, bên cạnh một phần tính cách ít bộc lộ tình cảm trước đám đông của tôi, có lẽ nó là cái hoang mang giữa hai thái cực của “thơ mộng” khi mình ngày càng tiếp xúc với nhiều khía cạnh cuộc sống và các chiều thông tin hơn. Và có lẽ, có cả một chút cố gắng để vừa diễn đạt một trạng thái văn hóa nhập nhằng trong quá trình toàn cầu hóa vừa giữ mình không tẩu hỏa nhập ma bằng cách đùa với sự nghiêm trọng đó. Đó cũng là cách để cứu rỗi cái tôi tỏ ra thô cứng ngoài đời hòng che giấu sự bối rối, ngơ ngác.

Nguyễn Đức Tùng: Đây có phải là bài thơ vừa ý nhất của anh không?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Không, tôi không có bài thơ vừa ý nhất, tùy tâm trạng. Nhưng nếu buộc phải chọn một bài thì nó cũng ngẫu nhiên như làm thơ, nhớ ra bài nào tự thấy hay, tôi chọn bài đó. Trong lúc này, đó là bài này.

Nguyễn Đức Tùng: Dư luận trong nước đối với thơ anh ra sao ?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi không rõ lắm, trên net thì tôi nhận được nhiều lời khen hơn chê. Có khi ý kiến khen chê của độc giả được đẩy về hai thái cực tuyệt đối. Với tôi, bị coi là điên, vĩ cuồng, vớ vẩn không đáng sợ bằng bị coi là thần tượng. Thú vị nhất là những khi mình sống trong dư luận về mình, mình thông cảm hơn với rất nhiều người sống trong dư luận, nhìn rõ hơn những hành vi thiếu đạo đức hành nghề trong báo chí; mình cũng nhìn ra rất nhiều cái thiển cận và xấu xí trong văn hóa phán xét của bản thân khi mình từng chỉ là dư luận. Không có dư luận, chắc tôi không thể nhìn ra những tính xấu mà mình giống nó. Bằng trải nghiệm trên chính mình, tôi thấy, con người dễ có nhiều hành vi rất xấu và lố bịch khi cố gắng tạo hình ảnh hiểu biết cho mình bằng cách hóng hớt rồi a dua phán xét/ngợi ca. Hình như phút giây đến với những tính thơ thực sự, mình nhìn thấy thêm nhiều cái xấu trong mình, thấy thêm những vẻ đẹp thường nhật và cách khai phá những vẻ đẹp ấy. Điều đó làm mình đỡ xấu xa hơn dù cái xấu trong mình còn rất nhiều và còn ở lại rất lâu.

Nguyễn Đức Tùng:

“Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay”
( Nguyễn Du )

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương “
( Bùi Giáng )

Ngôn ngữ dày đặc trong câu thơ trên và ngôn ngữ buông chùng trong câu thơ dưới thường làm tôi sửng sốt. Anh có mơ ước là một lúc nào đó lục bát Việt Nam sẽ quay trở lại chinh phục các ngọn núi lớn như nó đã từng?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi chỉ ước mơ ngày càng có nhiều người có cuộc sống sung túc và có nhiều điều kiện thưởng thức nghệ thuật và bề dày của nó hơn. Lúc đó, được tự mình chậm rãi đọc thơ Nguyễn Du, Bùi Giáng... hơn. Rồi cái gì quay lại hay đi mãi, tùy duyên.

Nguyễn Đức Tùng: Anh thường đọc nhà thơ nào?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi không thường xuyên đọc thơ. Một số người có những bài thơ, câu thơ tôi thích: Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Dần, Nguyễn Đức Tùng, Wislawa Szymborska, Yehuda Amichai, Vi Thùy Linh, Bùi Chát, Nguyễn Bảo Sinh, Phan Huyền Thư... Khá nhiều người nữa. Thường thì tôi không có ý thức học mà tôi được tạo cảm hứng và ảnh hưởng của những tính thơ tìm thấy. Nhiều nhạc tính trong những bài thơ tôi thích còn làm tôi thấy được giải tỏa.

Nguyễn Đức Tùng: Nếu không phải là thơ thì anh thường đọc sách nào? Mối quan tâm lớn nhất của anh là điều gì?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Các thể loại văn học (cả truyện tranh). Với các thể loại khác như khoa học, kinh tế, tôn giáo, thiền..., tôi đang dần dần có lại cảm hứng đọc. Tôi quan tâm nhất là xây dựng một trạng thái mê sống lành mạnh đạt được bởi ngày càng có nhiều người chấp nhận và tận hưởng những sự phong phú trong đời sống, ngoại trừ sự phong phú đẫm máu.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cho nghe một bài thơ của một nhà thơ Việt Nam khác đương thời mà anh thích hay nhớ nhất. Xin nói về bài thơ đó.

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Khái niệm “nhất” của một sản phẩm cụ thể (trong phạm vi rộng lớn như một thời đại) hơi xa lạ với tôi. Một số câu thơ tôi thích:

Em chớp mi vào một cánh hoa tàn
Như chạm vào giới hạn

(Vi Thùy Linh)

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống

(Bùi Chát)

Mê là mê cái mê của người
Ngộ là mê cái mê của mình

(Nguyễn Bảo Sinh)

Một bài thơ tôi rất thích:

Dưới cánh bướm mùa thu
về đậu vách tường đêm
những cánh rừng yên ngủ
 
Ở phía sau cánh cửa
ngồi khóc người đàn ông
 
Phía sau mặt trời hồng
có một vầng trăng khuyết
em từ từ trút hết
ánh sáng vào ngày anh
 
Phía dưới một bàn chân
có một bàn chân khác
đã giẫm ngày xuân xa
 
Từ trên vầng mây qua
một người vừa rơi xuống
 
Ở dưới mỗi gốc cây
xương một con chim nhỏ
 
Ở phía sau tờ giấy
có những chữ
còn bay.

(“Phía khác” - Nguyễn Đức Tùng)

Tính thơ trong bài này (hình ảnh, nhạc tính, ý tưởng, mạch cảm xúc) là trọn vẹn.

Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh. Con đường thơ Việt Nam hiện đang dẫn chúng ta về đâu?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Trước tiên, phải cho người đọc một góc nhìn toàn diện hơn về sự phong phú và tài năng trong thơ Việt và thơ nước ngoài để người Việt đỡ ghét thơ khi chỉ ghét cái mình lầm tưởng là thơ, đỡ yêu thơ theo cách như là ghét nó. Câu hỏi xin đặt lại là: Bằng sự kiểm duyệt (các nhà xuất bản) hoặc không tự kiểm duyệt (các bài post bừa bãi trên internet), các phương tiện xuất bản đang dẫn chúng ta về đâu?

Tôi thấy talawas.org, tienve.org, gio-o.com (và evan.com.vn thời Đinh Bá Anh) là những diễn đàn tiên phong, dù chất lượng chưa thực sự cao nhưng có những ý thức dung hòa giữa kiểm duyệt và tự kiểm duyệt. Nếu những diễn đàn này ngày càng chuyên nghiệp hơn, cũng như ngày càng có thêm những diễn đàn như vậy, tuyệt hơn nữa, nếu báo giấy cũng học được tác phong như vậy, đường thơ sẽ rộng mở hơn. Nghĩa là, phải có những địa chỉ giúp người đọc gặp gỡ những tác phẩm không bị ngăn cản một cách “cơ học”, chặn chỗ nọ, che chỗ kia, cũng không bị cái bừa bãi phong trào mạnh ai nấy xuất bản khiến cái dở ồ ạt thành rác đè lấp cái hay. Tạo ra những nơi vừa có sự tôn trọng các tác giả/tác phẩm vừa có một quota phát hành dựa trên năng lực các tác giả thì mới định hình được một con đường thơ tương đối sáng rõ cho người đọc chọn và đi trên đường đọc.

Nguyễn Đức Tùng: Nhân anh nói về kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, xin hỏi, theo anh, vai trò của các nhà phê bình thơ quan trọng hay không trong vấn đề này? Họ sẽ đóng góp cho sự phát triển của thơ Việt Nam ra sao?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Về kiểm duyệt, tôi thấy các nhà phê bình thơ ở Việt Nam không tác động (được) mấy đến nó. Sức mạnh chống lại sự kiểm duyệt sai lầm thuộc về độc giả, những tổ chức nhân quyền và chính tác giả. Về tự kiểm duyệt, tôi nghĩ, các độc giả có những góp ý khiến người viết phải ý thức hơn về chất lượng cái mình viết ra là những nhà phê bình thơ. Về giá trị phổ biến, tôi thấy các nhà phê bình thơ chính thống có tiếng nói góp phần giúp thơ được tìm đọc nhưng không quan trọng bằng vai trò của các nhà sách và chính độc giả, nhất là những độc giả dùng internet. Chỉ cần những độc giả tìm thấy giá trị trong thơ của các tác giả, thông tin cho nhau, tập hợp lại những nhu cầu, chỉ cần các nhà sách nắm bắt được nhu cầu đó, có những chiến dịch tiếp thị những tác phẩm hay là tính thơ đã có nhiều cơ hội được phổ biến hơn. Vâng, “chỉ cần” :-), nhưng điều đó còn khả dĩ hơn rung đùi chờ xuất hiện những nhà phê bình thơ có thể làm phát lộ những tính thơ mà “tầm cảm thụ” của độc giả còn “dưới một level”.

Nguyễn Đức Tùng: Nền văn học Việt Nam hiện nay, trong đó có thơ, có phải là một nền văn học lẩn tránh hiện thực không?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi nghĩ là vẫn có đầy hiện thực trong các tác phẩm đương đại nhưng chưa có nhiều tác giả sâu sắc luôn hỏi “hiện thực là gì?”. “Hiện thực hiện tượng” hàng loạt cũng không khác gì đồng phục “mơ mộng sến”, sẽ mất đi tính thơ và tất nhiên, như thế, mất cảm hứng đọc của độc giả thực sự. Viết vốn dĩ là một sự chạy trốn rồi, chạy trốn (bằng sự giải tỏa) trước những tình huống nước đôi nhưng luôn bị ép phải chọn một.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ cần thiết cho ai?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Khi thơ là tính thơ, nó cần thiết cho tất cả mọi người, để người khác đọc tác phẩm của họ hoặc đọc chính họ. Chẳng ai muốn mình là người không có tác phẩm đáng đọc lẫn bản thân mình không đáng đọc, dù có là người yêu sự cô đơn và yên tĩnh chăng nữa.

Nguyễn Đức Tùng: Các nhà thơ Việt Nam hiện đang thiếu điều gì? Theo anh, họ cần bổ sung điều gì ?

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Đã có những cuộc chạy trốn bằng ngôn ngữ với mơ hoa trăng rượu, có những cuộc chạy trốn bằng niềm tự hào quá lố trong một hiện thực khổ đau, lại có những cuộc chạy trốn bằng cách vén toạc bức màn nhầy nhụa sau mơ hoa trăng rượu tự hào hào nhoáng đó ra, cứ vén đi vén lại mà không ra lớp màn mới. Điều đáng sợ là khăng khăng cuộc chạy trốn của mình phản ánh toàn vẹn hình ảnh của cuộc sống hay đó mới là văn học đích thực. Tôi nghĩ, cuộc chạy trốn đa chiều của người viết có lẽ là: Mô tả, lí giải những cuộc chạy trốn, mở rộng các khả năng của nó, tìm các giải pháp vượt thoát nó bằng một năng khiếu ngôn ngữ khác ngôn ngữ tin nhanh. Miêu tả, kiến giải, phóng tác, đưa ra giải pháp là những kỹ năng tạo sự hấp dẫn của văn hóa và cái tươi mới cho tác phẩm trước những “độc giả xem DVD” ngày một khó tính. Để đáp ứng những đòi hỏi này, quá trình hoàn thiện của người viết không thể thiếu năng khiếu tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, kiến thức cũng như tư duy triết học. Những điều này, gấp cũng chẳng được. Cái cần gấp cho người sáng tác ở Việt Nam là điều kiện đảm bảo sinh nhai và sức khỏe. Thông tin, tri thức nhân loại thì đầy ra đấy rồi, tự mình phải lọc thôi. Tôi nghĩ, người viết chỉ đáng thầm tự hào khi nhận thấy “tính thơ của DVD này bắt nguồn từ tính thơ trong tác phẩm bằng chữ của tôi và song hành với nó chứ không thể thay thế hay làm lu mờ nó”. Còn lại, việc viết hàng ngày chỉ cần coi là luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, giải tỏa tức thời cho dễ sống và có cái đọc lại để nhìn lại mình; ai cũng nên làm thơ, viết văn là chỉ vì lẽ đó.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn anh. Hẹn gặp anh trong một lần trao đổi khác.

© 2006 talawas