Văn há»cThÆ¡ và ThÆ¡ Trẻ Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
17.11.2006
Lê Vĩnh Tà i
Má»™t bà i thÆ¡ hay là má»™t bà i thÆ¡ ta Ãt gặp hÆ¡n má»™t bà i thÆ¡ dở
Nguyá»…n Äức Tùng thá»±c hiện
|
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài |
Nguyễn Đức Tùng: Có một hình ảnh cổ điển mà công chúng thường liên tưởng đến khi nghĩ về các thi sĩ: tóc dài không chải, đôi mắt mơ màng, đi lang thang bất cần đời, ca tụng vẻ đẹp của hoa cỏ và đàn bà, đôi khi đọc những câu thơ không ai hiểu, có khả năng tiên tri về số phận, vân vân, nói chung là hết sức đáng yêu nhưng vô hại. Nghĩ đến các nhà thơ Việt Nam hiện nay, anh có thấy có chút gì như thế không? Anh có thấy mình giống như mẫu hình thi sĩ mà Xuân Diệu đã từng khắc hoạ: “Tôi là con chim/ Đến từ núi lạ/Ngứa cổ hót chơi…”?
Lê Vĩnh Tài: Quả đúng như anh nói, có một thời thi sĩ của Việt Nam đáng yêu như thế. Trong lời nói đầu của tuyển tập Nguyễn Bính (NXB Văn học, 1986), nhà văn Tô Hoài có kể (đại ý) lần đầu gặp nhà thơ Nguyễn Bính, Tô Hoài rất ngạc nhiên khi thấy ông cứ khư khư giữ một cái “hộp sắt tây”, đi đâu cũng cầm theo, ngủ thì gối đầu lên, không biết là đựng cái gì mà cũng không tiện hỏi. Mãi sau này khi đã thân tình hơn, mỗi khi uống rượu say Nguyễn Bính lại mở ra, Tô Hoài mới biết trong đó “bao nhiêu là những lá thư tình, về vệt nước mắt” của những cô gái quê gửi cho thi sĩ. “Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi…” thật đẹp và lãng mạn. Mây xuống gió lên cũng đã nhiều rồi, người xưa giờ còn đâu nữa? Thi sĩ hôm nay thường là kỹ sư, bác sĩ, công chức, nhà báo… áo bỏ vào quần đi làm ngày 8h, chưa xong việc đã quáng quàng chạy đi đón con, thời giờ đâu mà “đi hoang”? Có thi sĩ là cô giáo dạy thêm tối mắt tối mũi, bạn bè ở xa đến tìm phải ngồi chờ cô bỏ “sô” tóc tai tất tả chạy về, các em học sinh thì hò reo vì được bữa nghỉ sớm, thật vui. Người nào lửng lơ cá vàng một chút thì phải “cày bừa”, với lại cũng chả có người rảnh rỗi để mà chơi. Tự dưng lang thang đến nhà ai người ta dễ “vái cả nón”. Đùa thôi, thi sĩ hôm nay tôi biết có nhiều người sống khá tốt, mà sống như vậy thì chắc “không đùa” tí nào với công việc rồi. Cũng “năng suất” khiếp lắm, không thể “tóc bềnh bồng, mắt mơ màng” như anh nghĩ đâu. Tuy nhiên, có điều này tôi muốn nói với anh, những thi sĩ như vậy hôm nay lại làm thơ… hay ra phết. Những thi sĩ tóc râu bềnh bồng vẫn còn rơi rớt vài nơi, cũng hay “ca tụng vẻ đẹp của cỏ hoa và đàn bà” như anh nói, chỉ tiếc là những người như vậy bây giờ lại làm thơ… không hay. Tàn cuộc rượu cứ ngơ ngác nhìn nhau như trong mộng, những ao ước đã mây trôi nước chảy, thơ thì vẫn mãi tận đâu… Không biết đó là điều nên buồn hay nên vui.
Nguyễn Đức Tùng: Gần đây, người đọc thường tìm thấy trên tờ báo liên mạng Tiền Vệ những bài thơ đáng yêu của Lê Vĩnh Tài. Theo anh, thế nào là một bài thơ hay? Nói cách khác, một bài thơ hay thường có những phẩm chất gì?
Lê Vĩnh Tài: Thời tôi đi học thì một bài thơ hay là “một bài thơ có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”, còn bây giờ anh hỏi thì tôi nghĩ rằng một bài thơ hay là một bài thơ ta ít gặp hơn một bài thơ dở. Có lẽ phẩm chất của một bài thơ hay là “bài thơ… hơi bị ít gặp” chăng?
Nguyễn Đức Tùng: Anh kết thúc một bài thơ như thế nào? Làm sao để biết là bài thơ đang đến hồi kết thúc?
Lê Vĩnh Tài: Đến khi tôi thấy mình trống rỗng thì bài thơ bắt buộc phải kết thúc thôi, anh.
Nguyễn Đức Tùng: Xin cho đọc bài thơ mới nhất của anh?
Lê Vĩnh Tài: Những bài thơ mới nhất của tôi tập hợp ở: http://damau.org.
Tôi xin chép ra đây một bài:
xa quá không sao biết được
1.
nước mắt tràn trên mặt
tôi quên mất mình còn gương mặt
không biết mình còn là người hay không
có người chết vì hạnh phúc
vì yêu…
dù người ta chết vì bệnh không có tiền mua thuốc nhiều hơn
trên gương mặt không còn nước mắt
tôi đến mắt tôi
xa quá không sao thấy được
từ tôi đến mũi tôi
xa quá không sao thở được
2.
hay là tôi chưa ra đời
năm phút trước khi tôi sinh ra
tôi vẫn còn có thể quay trở lại
vào đời sống âm của tôi
tôi đi trong đường hầm
với viễn cảnh lạ lùng
những bước chân không hề có tôi
tiếng dội nghe lớn biết bao
những bước chân đạp mạnh trong tử cung của mẹ
tôi sẽ không là một cái trứng lộn
mà người ta có thể đập vỡ
ôi ngón tay, dưới lớp da mỏng
máu của tôi đang chảy
tôi lấy sức mạnh ở đâu để kháng cự
tôi cứ buông xuôi
3.
tôi không nhớ gương mặt mình ở đâu
những đứa con gái bây giờ bán trinh báo hiếu
xây nhà cho mẹ 5 ngàn đô
thằng con trai là tôi làm được gì
loay hoay mẹ mang tội nợ
nước mắt tràn trên mặt
hay là tôi đeo chiếc mặt nạ đang cười
cho mẹ vui…
máu thắm đỏ giấc mơ thi sĩ
trong giấc mơ có kẻ mửa vào mặt tôi
không biết hắn say hay đói
hay hắn bị lãng quên
khóc như mưa trên tay đồng tiền giả
xé không rách
4.
sống để làm gì
tôi nghe tiếng kêu trong bệnh viện
tái nhợt như những kẻ đang sống
cất tiếng cười không ai dám ngoái lại
sống sẽ làm gì
tôi nghe tiếng kêu trên phố
la hét vì vui và đau đớn
người đã buông tay vẫn đôi mắt mở to đe doạ
sống không cần gì
tôi nghe tiếng kêu trong khách sạn
em còn tuổi đánh vần thiếp ngủ
cuộc đời em là đêm tối này
(đêm tối đang hít thở
còn chiếc giường thắt nghẹn tôi)
sống sẽ còn gì
tôi nghe tiếng kêu trong quán nhậu
này tôi đột nhiên được giải thoát
vỉa hè đắng cay trên miệng
không ai mủi lòng
đừng cố nữa
những chai bia tiếp thị toát mồ hôi
5.
với cái chết trên môi
tôi bước những bước chót
vào cõi âm tái mét
bước ra một ông già mệt nhoài
phủ đầy bụi bặm
này đêm không muốn dứt
hãy để ngày ấy lụi tàn / những cơn hấp hối cũ kỹ
ông già sắp sửa tan nát
xoay tròn trôn ốc khi ra khỏi đường hầm
lờn răng mỏi gối
muốn nói tất cả
tại sao?
tại sao?
tại sao?
chúa ơi con không máu lạnh
xin đừng im lặng
nữa
Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ này sẽ làm người đọc cảm động. Như thế, sự xúc động đến từ đâu? Ngôn ngữ của anh chăng? Nhờ ở giọng điệu?
Lê Vĩnh Tài: Sự xúc động đến từ đâu? Câu hỏi này cũng giống như khi anh hỏi thơ đến từ đâu? Trời đất bây giờ có quá nhiều cái để người ta xúc động. Có xúc động lung linh tơ trời làm ta ngân lên tiếng kêu nao lòng. Có xúc động bầm dập làm ta kêu lên như bị cháy nhà. Cùng trong những năm 80, cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Còn cảm xúc của nhà thơ Đỗ Trung Quân “Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay”. Cả hai đều làm người đọc xúc động, và cùng là thi sĩ nổi danh của thế hệ họ. Thế thì sự xúc động là những vạch đứt rời hay kéo liền? Phận người bây giờ có còn hy vọng một lần hoá bướm hay tả tơi vì cơm áo? Khi chúng ta “cảm thấy” sự xúc động, hay cái gì tương đương với sự xúc động, có lẽ chúng ta đang ưu tư về thân phận con người chăng? Loài người càng đi tới bằng những phát triển/hiện đầy lý tính, thì càng có nhiều cá nhân quay về những nhịp điệu cảm tính của tiền nhân. Càng xáo động, càng hỗn mang thì càng cần an thần giảm stress. Sự ý thức về chính mình, sự ngắn ngủi về khoảnh khắc đời sống... đôi khi làm người ta vô vọng đến không chịu nổi. Ví như bài thơ trên được nảy sinh từ một ý nghĩ bất chợt trong tôi về sự hiện hữu của con người. Con người ta được sinh ra không phải do ý chí của mình quyết định và thế giới mà ta đang hiện hữu trong đó đang ngày càng trở nên xa lạ và bất an hơn. Bởi thế mà người ta có cảm giác muốn quay về bụng mẹ, để thiêm thiếp trong tử cung lúc nào cũng bềnh bồng 37 độ, được bao bọc an toàn. Nhưng rồi không thể quay ngược bánh xe nên có ông già bước ra ở cuối bài thơ như anh đã thấy.
Nguyễn Đức Tùng: Anh có tin rằng nhà thơ có một sứ mệnh nào đó trong đời sống?
Lê Vĩnh Tài: “Ôi những mùa ôi những lâu đài/ tâm hồn nào mà không tì vết?” Tất nhiên không đến mức mọi người đều “tì vết” như Rimbaud nói, nhưng chắc cũng nhiều. Nghi vấn đang trở thành sự thật. Người ta không thể chỉ xoa dịu vết thương ngoại khoa mà cả những vết thương nội khoa đầy “tì vết” đó, những vết thương của phận người. Tất nhiên không thể kỳ vọng hay đòi hỏi vô lý đối với thơ, xã hội đang có những phân công lao động khá rõ ràng. Nhà thơ Ngô Tự Lập cũng vừa cảnh báo sự ảo giác về “vương miện” của thơ như thế. Nhưng cũng phải thấy không gì làm người ta dấn thân tới mức rồ dại như thơ. Tôi nghĩ bất cứ một người làm công việc sáng tạo nào cũng đều mang trên mình sứ mệnh. Sứ mệnh của thơ là một tiếng kêu lạc giọng, đau đớn làm dấu hiệu của nỗi đau đã gây ra nó. Sứ mệnh của nhà thơ là làm sao cho tiếng kêu ấy phải là âm thanh ngôn ngữ của mình. Có lẽ vì thế mà các nhà thơ luôn sợ sáo mòn, luôn đi tìm những ảo giác mới, ngôn ngữ mới, luôn bị những cuộc cách tân “réo gọi” chăng? Gần đây, có lẽ các nhà thơ đang mang nặng sứ mệnh với ngôn ngữ hơn là trong đời sống, đang quan tâm/ hoài nghi đến hàng loạt chủ nghĩa trường phái, phá bỏ khá nhiều định dạng để “làm mới” (hay trốn chạy?) hơn là dấn thân (hay bốc cháy?) Không cháy mà chạy làm người đọc thơ hôm nay đôi khi ngập lút đầu trong chữ, người yếu bóng vía sẽ phát hoảng, ngấm ngầm bơi ra chỗ khác chơi. Có thể điều này tạo ra sự lặng lẽ của thơ trong thời gian qua. Thật là buồn nếu như sứ mệnh của nhà thơ lúc này chính là bảo vệ… thơ. Cuộc sống đang có quá nhiều giá trị tức thời, sự thay đổi rất nhanh chóng của ý thích con người trong tư cách là con người tiêu dùng, xã hội tiêu thụ đang biến tất cả thành hàng hoá, liệu thơ có nên giữ mình như là một tiếng gọi của tâm hồn hay nên chuyển động khác hơn một chút chăng? Cảm quan hậu hiện đại đang “lây lan” trong các nhà thơ trẻ có phải cũng là một cách thích nghi của thơ trong thời đại tiêu dùng hôm nay? Sắp đặt, trình diễn… cắt dán thơ lên thúng mủng phên nia để ai thấy lạ thì xem, thấy thích thì mua có lẽ hay hơn là in thơ để… tặng chăng? Cả thị xã Hội An còn hoá thành sân khấu trong đêm rằm được thì trình diễn thơ cũng là bình thường. Có điều cơ chế thị trường định được giá cho mọi thứ, với thơ hình như còn lúng túng. Thơ đang bị rẻ rúng hay thơ đang rút vào đời sống của nó như khi nó sinh ra? Sứ mệnh của nhà thơ là lấp đầy hay là lại đào sâu thêm trước sự mơ hồ và quên lãng? Tiếng nói cuối cùng của nhà thơ đã cất lên chưa, hay vẫn những thường tình phải đạo? Hay độc giả đang tiếp tục đòi hỏi những điều “khó tin” hơn nữa, “nghiêm trọng” hơn nữa mà nhà thơ thì đang muốn yên thân? Độc giả không còn nhẹ dạ hay nhà thơ không thể chất thêm lên ảo tưởng sương mù? Nhiều thứ người đã bỏ rơi/ và bỏ mặc chúng ta/cũng chả ai trách móc bàn tay trong bóng tối…
Nguyễn Đức Tùng: Có vẻ như thơ Việt Nam hôm nay, ít nhất là trên các sách báo công khai, đang thiếu một điều gì đó, rất lớn, mà lẽ ra nó có thể có. Điều rất lớn ấy, đã từng có trong Thơ Mới những năm 1930, đã từng có trong thơ cả hai miền Nam, Bắc thời chiến tranh. Nó có mặt trong các nền thơ lớn, như Mỹ, châu Âu, và Canada, như tôi được đọc, hiện nay. Vào lúc này, riêng tôi chưa thể gọi tên được nó một cách chính xác, và cũng chưa muốn vội vàng đặt cho nó một cái tên. Phải chăng vì thiếu điều đó mà trong mắt một số người đọc nghiêm khắc, đòi hỏi cao, thơ của chúng ta, tạm gọi là những người viết mới, vẫn còn là thứ vui chơi chữ nghĩa nhảm nhí, theo kiểu có cũng được, không có cũng chẳng sao?
Lê Vĩnh Tài: Anh “chưa thể, và cũng chưa muốn…”, thế thì tôi có thể, và sẽ muốn… như thế nào? Quả là có những điều khi viết tự nhiên cứ trôi tuột đi, có lẽ do “ông biên tập” trong “ông sáng tác” của nhà thơ hôm nay cứ pha phất với nhau thế nào ấy, hơi tế nhị quá chăng? Nó cũng văng vẳng thôi, vừa đủ hào hứng, vừa đủ tuyệt vọng. Nó làm thơ cứ giả giả thế nào, “có cũng được, không có cũng chẳng sao…” như anh nói chăng? Làm thơ dở không khổ bằng thơ cứ nhạt nhạt giả giả. Vì làm thơ dở, anh còn có hy vọng sẽ làm thơ hay. Còn giả lả thì vô phương. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá sốt ruột, và anh có lý khi “chưa muốn gọi tên” để làm gì. “Điều rất lớn ấy, đã từng có trong Thơ Mới những năm 1930, đã từng có trong thơ cả hai miền Nam, Bắc thời chiến tranh.” Có lẽ các nhà thơ trẻ bây giờ nghĩ về mình/ lo cho mình nhiều quá mà thiếu đi dũng khí mà lớp cha anh đã từng có? Chúng ta cùng “thèm” tuổi 20 của các thi nhân những thời ấy. Tôi không so sánh thơ bây giờ và thơ của những thời ấy. Nhưng có điều chắc là tuổi trẻ của các nhà thơ thời ấy sang trọng và hào sảng hơn các nhà thơ trẻ bây giờ khá nhiều. Còn như thơ bây giờ vẫn còn là “thứ vui chơi chữ nghĩa nhảm nhí”, thật tôi cũng không biết thế nào, có nặng lời quá không anh? Nhưng nếu anh muốn bán hàng giả thì chỉ hươu bảo ngựa cũng là bình thường. Thơ đang là thứ trang sức cho người làm thơ, anh lại ngẫm ngợi lý tưởng đâu đâu. Đã đành “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét…”, vậy thôi mà cũng khó lắm anh. “Minh triết bảo thân” mà. Khi anh đòi trung thực tức là anh đang muốn phán xét người khác, là anh chuẩn bị làm “khổ nhau” rồi. Mà lỗi cuối cùng thế nào cũng đổ hết lên người làm thơ. Có ai trong giấc ngủ lại muốn mình gặp ác mộng?
“ Ôi, thật đau đớn. Nhà thơ đã nói đúng nỗi đau đớn ấy của chúng ta. Tại sao chúng ta lại có những năm tháng như thế? Tại sao? Dù có trả lời được thì tôi vẫn cứ phải hỏi tại sao? Tại sao?
… Có những năm tháng dài, những con cuốc không biết đi đâu. Tôi hỏi thì cha tôi bảo người ta săn bắn chim chóc nhiều quá đến chẳng còn một con nào. Nhưng đêm ấy, tôi lại được nghe cuốc kêu. Tiếng cuốc kêu đều đều suốt đêm. Kêu như lời của một kẻ tri âm. Kêu như một nỗi buồn đau dằng dặc. Kêu như đang xé từng mảnh phổi của mình…”
( “Thông điệp từ một đêm trăng”, Nguyễn Quang Thiều)
Nguyễn Đức Tùng: Hoàn cảnh sống của anh hiện nay có tồi tệ lắm không?
Lê Vĩnh Tài: Cám ơn anh. Câu hỏi này làm tôi khá ngạc nhiên, không hiểu tại sao anh lại bật ra? Tôi lo kiếm sống, nên đủ sống.
Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh, đôi khi một chút hiểu biết về tiểu sử cũng giúp tôi xây dựng các giả thuyết (hypothesis). Bất cứ một người đọc nào, trong khi đọc, cũng hình thành các giả thuyết về tác giả và tác phẩm. Ngoài ra, một người đọc bình thường có thể không cần biết một bài thơ được tác giả viết ra trong năm phút hay trong năm năm, miễn nó hay là được, nhưng một người đi hỏi chuyện thì thấy có ích nếu biết được điều đó.
Lê Vĩnh Tài: Các giả thuyết về tác giả, tôi nghĩ cũng vui. Có hợp nhau thì cũng cuộc rượu chớp mắt bạn bè thôi mà. Mà thời bây giờ lạ lắm, ở quê tôi có nhà thơ viết bài thơ như từ giấc chiêm bao rơi ra, gặp ngoài đời tỉnh queo như róc mía. Có ông viết thì dịu dàng mà tính tình như lửa. Say lên (lại ghen nữa) bợp cả vợ chứ chả chơi, ai lăn vào can cũng không được. Nhưng lại hay rủ bạn về nhà, thế mới khổ. Hứng lên cũng thắp nến bập bùng, “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, đọc thơ như khóc. Thật chẳng biết đường nào mà lần. Mà chẳng cứ gì người làm thơ, bây giờ người ta sống “diễn” thế nào ấy. Ai cũng phải tròn một “vai” nào đó, có lẽ như vậy “tiện lợi” hơn chăng? Người ta bây giờ vui ra phết, xuôi ngược vòng quanh. Anh “giả thuyết, tiểu sử” gì cũng nên vòng vèo theo nhau một chút, rồi mới “xây dựng” nhé anh.
Nguyễn Đức Tùng: Mặc dù được viết với một giọng thơ trữ tình, tôi vẫn đọc thấy trong thơ anh sự tha thiết với những vấn đề xã hội. Anh có nghĩ rằng nhà thơ nên bày tỏ trong tác phẩm của mình các vấn nạn hàng ngày?
Lê Vĩnh Tài: Cập nhật thời sự vào thơ cũng khá vui và làm thơ gần gũi, dễ đọc hơn. Vả lại đề tài nào mà không trữ tình được? Tuy nhiên, dấn thân đến mức “bày tỏ trong tác phẩm của mình các vấn nạn hàng ngày” như anh nói thì tôi không nghĩ như thế. Người ta hiện có nhiều cách làm đơn giản và hiệu quả hơn. Thông điệp của thơ mang tính ẩn dụ và đôi khi khá kiên nhẫn (và lắm lúc khá tàn nhẫn), không thể “bày tỏ hàng ngày”. Với lại thơ không thể bị “đối xử như thế”. Thơ, theo tôi nghĩ, nên bí ẩn chứ không nên bày tỏ, nên lỏng lẻo chứ không bắt buộc… Thời sự của nhà thơ là thời sự không còn khái niệm thời gian, không đơn thuần là những ứng tác mà là thông điệp được sắp xếp dưới một thứ tự ngặt nghèo của câu chữ, đọc lên hoang mang nước mắt. “Nhìn từ xa, Tổ quốc” của Nguyễn Duy, “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” của Trần Vàng Sao, “Đêm trên cát” của Thanh Thảo, “Tản mạn thời tôi sống” của Nguyễn Trọng Tạo… Ôi chao là những ví dụ. Không phải là những “vấn nạn hàng ngày” mà các ông đang phiêu lưu vào cuộc sống, xé rách cuộc sống để đem lại cho người đọc không chỉ khoái cảm mà còn lo âu, đau đớn. Các ông không chạy theo mà nghiến nát thời sự, các ông không chỉ “tha thiết” mà còn bắt người đọc phải “đối thoại”, thời sự của các ông đi giữa đe dọa và hiểm nguy của cuộc đời. Triệt để như vậy thì còn hạnh phúc nào hơn được cho thơ?
Nguyễn Đức Tùng: Anh có nhận được các nhận xét của người đọc thơ anh không? Nói chung những người cầm bút Việt Nam chúng ta có thói quen lắng nghe và có cơ hội để lắng nghe tiếng nói (feedback) của người đọc không? Chúng ta đối xử với chúng ra sao? Lâu lâu lấy ra đọc lại, hay vứt chúng vào sọt rác?
Lê Vĩnh Tài: “Lắng nghe tiếng nói phản hồi (feedback) của người đọc” thì tôi nghĩ người cầm bút ở đâu cũng quan tâm chứ riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, những tác giả có “tên tuổi” đến một mức nào đó mới quan tâm đến vấn đề này, còn thì tôi nghĩ đa phần người ta cứ lo… viết và sống được cái đã. Những người mới viết như tôi thì “người đọc” chủ yếu là bạn bè, cứ “lắng nghe” mãi thì cũng… bi đát lắm. Tuy nhiên, tôi nghĩ thi sĩ nào cũng có khả năng lắng nghe (bằng linh cảm) ý kiến của những người đã đọc thơ mình mà không có hồi âm, hình như thế.
Nguyễn Đức Tùng: Anh thường làm thơ tự do. Những bài thơ có vần của anh thì sao?
Lê Vĩnh Tài: Có vần quan trọng lắm không, anh? Tôi đã in một tập lục bát ( Lục bát Phượng yêu, Hội Văn học Nghệ thuật Daklak xuất bản 1993). Tôi chép cho anh một bài thơ gần đây xem tôi đã “có vần” như thế nào nhé:
Cuộn len
1.
cuộn len rối tung một mê cung
trong giấc ngủ tôi thấy cuộn len lăn như cỏ
sự bện chéo vào nhau sợi dọc sợi ngang
sợi rơm chú chim sâu đan chiếc tổ
sau đó đẻ những quả trứng
như hợp nhất trời và đất
đàn bà và đàn ông
uống và không khát
một hối tiếc
một nước mắt
một ẩn dụ
được người đàn bà se lại như sợi chỉ
và đan
2.
(viết lại bằng lục bát)
cuộn len xanh cọng cỏ non
lăn trong bao ánh sáng vàng và nâu
cuộn len như chú chim sâu
cho người lích chích một màu lông tơ
đan thành chiếc tổ bé thơ
oa oa quả trứng bất ngờ thất thanh
một hối tiếc một long lanh
sớm ngày đã rối tung thành đêm đen
một người rách áo rồi em
một người lại giấu cuộn len đâu rồi
Nguyễn Đức Tùng: Có vần quan trọng lắm anh ạ. Theo qui ước thơ tiếng Việt được chia làm hai loại: thơ có vần và thơ tự do, không vần. Tiếng Anh cũng thế. Điều này không có nghĩa là trong thơ tự do (free verse) không có vần, nhưng đây là một thứ vần riêng, nội tại, áp dụng cho từng bài thơ, không phải là vần qui ước, kiểu lục bát, Đường luật, hay bảy chữ thông thường.
Thí dụ của anh trên đây thật là thú vị. Nó có hai mặt : một mặt nó chỉ ra cho người đọc chỉ quen với thơ có vần, rằng làm thơ có vần không có gì khó, và một nhà thơ tự do (nếu có tài) có thể chinh phục công chúng bằng cách hi sinh một số nguyên tắc của mình để làm những bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ.
Mặt khác, đây là cái bẫy. Ở đây, tôi xin phép được nhấn mạnh điều ấy. Cho đến khi nào ngôn ngữ của thơ vẫn chỉ là một phương tiện để chuyên chở một điều gì đó thì hình thức của bài thơ vẫn còn có thể được thay đổi mãi. Một cái cây gỉả thì cắm ở đâu cũng được nhưng cây thật, anh bứng đi, nó chết ngay.
Ngoại lệ: nếu anh bứng khéo, thì nó lại sống, nhưng khác đi.
Anh thử làm lại bài thơ trên theo thể bảy chữ hay song thất lục bát xem.
Nói thêm: tuy nhiên bài (version) lục bát của anh, so với bài tự do, chưa chắc đã dở hơn. Đây lại là một vấn đề khác. Nhưng tôi đã đi quá xa rồi chăng ?
Lê Vĩnh Tài: Tôi rất thích câu hỏi này của anh. Cám ơn anh đã đưa ra khá nhiều định nghĩa, khái niệm… “Cho đến khi nào ngôn ngữ của thơ vẫn chỉ là một phương tiện để chuyên chở một điều gì đó thì hình thức bài thơ vẫn còn có thể được thay đổi mãi”. Như vậy, ngôn ngữ của thơ không nên chỉ dùng “chuyên chở” một cái gì đó và bài thơ là duy nhất. Điều này rất đúng, bài thơ là độc bản. Ví như thơ không vần, “thì một thứ vần riêng, nội tại” sẽ tự dưng ngân nga cùng với lúc nhà thơ chọn những chữ đầu tiên, nó hát ca cùng lúc khi nhà thơ tìm từ đặt ý. Hình thức bài thơ tự đến khi bài thơ bật ra, ít khi do nhà thơ chọn lựa, và do đó “cái bẫy” của anh thường chỉ giăng ra trên lý thuyết mà thôi, thực tế cũng ít khi người viết nào vướng phải. Còn “viết lại bằng lục bát” là tôi đùa với anh một chút thôi, chứ nó là “nội tại” của cảm xúc tôi lúc ấy, nó bật ra ngay như là bài thơ phải như thế chứ không phải viết đi viết lại gì đâu. Anh không đi quá xa, nhưng tôi nghĩ những lo âu của anh sẽ hoá giải rất dễ khi anh sáng tác. Làm thơ là một việc tự nhiên và “tuôn chảy” vô cùng, nhiều thứ cùng đến và cùng chồng mờ lên nhau cùng một lúc, đến khi mình “bớt mệt” một chút thì bài thơ đã xong mất rồi anh. Lỡ có dở quá thì cũng đành bỏ, chờ bài khác chứ cũng không dễ gì bứng lên trồng lại hay ghép cành nhân giống gì được đâu.
Nguyễn Đức Tùng: Trong thời gian gần đây, có một sự kiện xã hội, chính trị, văn học, lịch sử nào đã tạo nên cảm xúc làm nền cho một bài thơ của anh?
Lê Vĩnh Tài:
Ở Lebanon…
1.
những mệt mỏi đã qua
không còn thì giờ để khóc
những đứa con trôi dạt miếng cơm ăn bom đạn
…
bây giờ mới có dịp xem lại những bộ đồng phục
ngày ở nhà xếp hàng sân bay
chuẩn bị lên đường
cắt từ người thợ may ngớ ngẩn
ký ức như chiếc phong bì bị xé rách
không kịp chiếc valy
không kịp còng lưng Ôsin
không kịp từ đâu đến đâu
nước mắt xếp hàng vào cửa tự do
không ai mua vé
2.
tôi thấy sợi khói bốc lên…
tôi chạy ra vùng ngoại ô…
tôi nhắm mắt…
chằng chịt những đồng tiền đang múa
bất ngờ da vàng máu đỏ
hay cúi đầu vì mang nặng
tất cả những gì dưới đất
bỏ mặc những gì trên trời
không biết mình mang về lông hồng hay da ngựa
sau mỗi lần bom rơi…
bất động những tháng lương cay đắng
dọc theo những bức tường
dài theo những bức tường
chằng chịt mèo con đang ngủ
3.
rốt cuộc năm tháng chỉ là bước vào phòng cách ly
những chuyến bay về như khi đến
số ghế ngồi cũng cũ làm tim nhói đau
reo vang định mệnh
chúng ta không để lại máu
không phải như những anh hùng lên đoạn đầu đài
trong bộ phim ta đã xem và khóc
chúng ta đánh mất tinh mơ
không phải trò chơi mà cuộc đời này thua, được
những đồng tiền lẻ
lúc đó không phải 8h mà 12h
chúng ta dựng đứng lên
rồi rủ mềm như tóc
chuyến xe buýt chạy tung tăng
mất hút sương mù
những người bán bong bóng
thổi phồng cao su bên vườn hoa
mong manh cái chết
những đồng tiền lẻ reo vang trong tay
ngày trở về ta không quên được
tiếng gõ móng như là xe ngựa
rời bỏ bóng tối
chiếc xe gào rách cổ họng
về đến tận đồng cỏ
uất ức những bó cỏ buộc chặt
dựng đứng thẳng lên trời
chỉ còn nghe tiếng nghiến
trên đường sỏi…
Nguyễn Đức Tùng: Tại sao lại là “ở Lebanon”? Có thể là vì tôi không hiểu bối cảnh của bài này. Hình như sự liên hệ chưa được rõ lắm.
Lê Vĩnh Tài: Bài thơ tôi viết khi những người Việt Nam đang trở về nhà lúc cuộc chiến Lebanon bắt đầu. Có lẽ anh thấy “liên hệ chưa được rõ” cũng đúng, vì bài thơ của tôi đã rời khỏi Lebanon rồi, “chúng ta không để lại máu/ không phải như những anh hùng lên đoạn đầu đài… đồng tiền lẻ reo vang trong tay/ ngày trở về ta không quên được…” Tiếc là tôi đã không “kể” rõ hơn, để anh có thể thấy mối liên hệ ở trong bài thơ. Nhưng không sao, một bài thơ từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc luôn luôn chực chờ thoát khỏi sự kiểm soát của người viết, nhiều khi nó thay đổi đột ngột đến mức làm ta sững sờ. Sự lỏng lẻo của các ý tưởng trong thơ hình như là một quyền lực, ngay cả đối với người làm thơ.
Nguyễn Đức Tùng: Xin cho nghe một bài thơ của một nhà thơ Việt Nam khác đương thời mà anh thích nhất. Xin nói về bài thơ đó.
Lê Vĩnh Tài: Bài thơ mới nhất mà tôi thích:
Cải lương
Dao này nhọn, thon, dài nhất,
Dao này không đâm mà xoá,
Như cục tẩy học trò, dao xoá
Mặt mày bằng máu tao, hoặc
Máu mày, máu nào chẳng vậy,
Cũng như duyên nợ loài lợn.
Heo biết khóc, ai chẳng biết?
Ruồi còn biết nức nở về đêm.
Sông thì phải chết trong biển, chồng nhoà
Êm đềm, nếu vô mánh, trong lòng vợ hiền,
Rồi lại dụi dụi mắt, rút dao khỏi cuộc tình.
Đinh Linh (Nguồn: http://www.tienve.org)
Vì sao ư? Vì dưới tên bài “Cải lương”, nhà thơ Đinh Linh dùng các từ nhọn, thon, xon… rất thích. Một lời nhắc thú vị khi độc vận. Cũng như anh có lần nhắc:
tên bà rất dài kết thúc bằng chữ a
nhưng không phải Akhmatova
( "Chỉ dẫn google")
Khá vui và khó.
Một bài thơ cũ mà tôi nhớ:
Nhang tàn lả tả rơi lưng cốc
nhà lạnh trần cao ngọn nến gầy
chăn rách chiếu manh quần áo lạ
chuyện dài đêm vắng rượu buồn say
…
mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí
khắp nơi trí trá lọc lừa nhau
nước Pháp khôn ngoan, nước Nhật giàu
nước Mỹ lắm bom mà cực ác
nước Nga hiềm khích với nước Tàu
nước Việt đói nghèo thân cơ cực
đất hẹp trụi trần vạn khổ đau
tối đen thành phố đêm lưu lạc
máy bay giặc rít ở trên đầu
ba đứa da vàng ngồi uống rượu
mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
chúng mình không có bom nguyên tử
chỉ có thuốc lào hút với nhau
…
thôi nhé mai này tiễn Khánh đi
đường xa bom phá tàu không về
lênh đênh ai hát ngoài song cửa
bài ca thanh bình cũ
…
bao giờ hết loạn người ơi
cạn cùng nhau chén nữa
tàn canh là xa xôi
lòng như vầng trăng nhọn
chém giữa trời không nguôi
Bài thơ của Lưu Quang Vũ. Tôi cũng chả biết phải nói sao về bài thơ này. Cứ mỗi khi có dịp ngồi uống rượu với những đứa bạn cũ cùng học phổ thông, không đứa này thì đứa khác cũng sẽ bắt tôi đọc bài thơ này. Không biết tại sao, hình như đọc nó lên cuộc rượu sẽ “chứa chan” hơn…
Nguyễn Đức Tùng: William Carlos Williams có nói: Không thể tìm ra các tin tức trong thơ, thế nhưng hằng ngày, con người vẫn chết thê thảm vì họ thiếu những điều chỉ tìm thấy trong thơ. Theo anh, đó là điều gì?
Lê Vĩnh Tài:
Một viên,
một phát,
một tiếng
nổ!
một lỗ,
một người.
Máu, máu, máu, máu, máu, máu, máu, máu.
(Má ơi, con đau
quá.)
…
Vạch ra
cho tao xem!
Hãy cùng nhau xoa xoa.
Ngày thứ ba, chúng mình
sẽ hồi sinh.
( “Thơ là cách giết người rẻ tiền nhất”, Đinh Linh)
Có lẽ William Carlos Wiliams “giật gân” một chút cho vui chăng? Vì trong khi văn xuôi đánh bài ngửa thì thơ cứ lập lờ đánh lận con đen. Sự êm ái ngâm nga ngôn từ đã có lần bị nhà văn xuôi cho là sự nghèo nàn về trí tuệ. Tuy nhiên, chẳng có ai xếp thơ vào vị trí thấp hơn các thể loại văn chương khác. Truyện Kiều tồn tại với thời gian mà ít phải tốn tiền “trùng tu” hơn mọi đền đài miếu điện. Như vậy đủ hiểu sự mỏng manh của thơ là như thế nào rồi. Thơ không thay đổi được đời người thì cũng làm phận người dễ chịu hơn. Đẹp thôi, liệu bây giờ có còn có ích? Hay có ích chính vì nó cứ đẹp? Vì xét cho cùng, “những điều chỉ tìm thấy trong thơ” chính là nước mắt, thiếu những điều tìm thấy đó thì cũng không còn đôi mắt nữa.
Nguyễn Đức Tùng: Ngoài tờ báo liên mạng Tiền Vệ mà trên đó anh thường xuất hiện, anh có đăng thơ ở đâu trong nước không?
Lê Vĩnh Tài: Có chứ. Thơ tôi đăng chủ yếu ở một tạp chí văn nghệ địa phương nơi tôi đang sinh sống. Thỉnh thoảng tôi cũng được đăng ở những tờ báo có phát hành rộng hơn.
Nguyễn Đức Tùng: Nguồn cảm hứng lớn nhất của thơ anh là gì?
Lê Vĩnh Tài: Là vùng đất nơi tôi đang sống. Tôi đã viết một trường ca cho quê tôi và tôi còn quay lại đề tài này. Đó là vùng đất ba-dan với nhiều huyền thoại, nhiều tập tục, nhiều bài khan người ta vẫn kể hàng đêm, không biết bao giờ mới hết. Và tất nhiên, cả những gì đang diễn ra hàng ngày mà tôi “cảm hứng” được, những cái làm cho anh nhận thấy trong thơ tôi “có những vấn đề xã hội” chăng? Tuy nhiên, “nguồn cảm hứng” cũng khó nói được khi nào là “lớn nhất” hay “lớn nhì”. Chữ “nguồn” của anh làm tôi hơi sợ. Tôi hay thu hẹp bớt “cảm hứng” để có thể nhìn/nghe rõ hơn những gì đang xảy ra, nếu không mình dễ bất lực. Tôi vẫn thích câu hỏi lúc đầu của anh, dù thế nào thì thơ cũng cần/nên làm người đọc xúc động. Cũng có người hay đi tìm xem bài thơ “phản ánh” điều gì, và như thế họ rất hay than phiền thơ… khó hiểu. Tôi không biết đã có ai từng nghe được tiếng nói của đoá hoa chưa. Ôi chao những ý thích chạm tay vào bảy màu của bong bóng xà phòng!
Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh đã trả lời: cảm hứng lớn nhất của thơ tôi là vùng đất nơi tôi đang sống. Chưa chắc đã có nhiều người trả lời như vậy. Một số người: Tổ quốc, một số khác: vợ tôi. Anh đang sống ở Đắc Lắc. Tôi chưa bao giờ được đến cao nguyên miền Trung chắc chắn là thi vị này cả. Anh đã đem vùng đất của anh vào trong thơ ra sao? (Xin cho nghe một đoạn thơ).
Một nhà thơ da đen, hình như là Maya Angelou, có nói rằng: Tôi là người phụ nữ da đen, vì vậy, thơ tôi lúc nào có hơi hướm của một người phụ nữ da đen. Theo anh, điều này quan trọng ra sao?
Ngoài những bài thơ có chủ đề cụ thể, như trường ca mà anh nhắc đến, thơ của anh có gì khác với thơ của một nhà thơ ở Sài Gòn hay Hà Nội không?
Lê Vĩnh Tài: “Tôi là người phụ nữ da đen, vì vậy, thơ tôi lúc nào có hơi hướm của một người phụ nữ da đen.” Điều này không chỉ quan trọng mà tôi nghĩ đã là “thần sầu quỷ khốc”, làm thơ đến như vậy thì quả thật là ao ước khóc cười cho những người làm thơ. Tuy nhiên, cũng có cái mệt là nhiều bà “da giả đen”, (có nhiều lý do để người ta “giả đen” như vậy), vì thế mà thơ cũng có nhiều hơi hướm “giả da đen”, làm người đọc rất khổ. Tôi muốn nói với anh về một hiện tượng có vẻ không liên quan đến câu hỏi này: ở quê tôi, đang có nhiều người giả ngô giả ngọng để làm thơ nhái theo tiếng nói của người địa phương, họ làm vậy để trở nên “có bản sắc”, và một số ít cũng thu lợi kha khá từ vụ này. Cũng là một cách “đi tắt”. Và cũng vui.
Tôi đã chép link dẫn vào trường ca của tôi rồi, anh có quan tâm thì click vào nhé.
Thơ tôi, nếu có khác với những bạn trẻ ở Sài Gòn hay Hà Nội, thì là ở chỗ nó pha phất chút tự ti, đôi khi cũng biết nó là một thứ mặc cảm vô lý nhưng tôi chưa thoát được. Như anh chàng nhà quê ra phố, mang nhiều thứ quá thì sợ nặng mà mang ít thì sợ không đủ dùng. Đấy, cứ lúng túng thế.
Nguyễn Đức Tùng: Nhiều người than phiền thơ Việt Nam hiện nay không có độc giả. Trong chừng mực mà điều này đúng, theo anh, có những nguyên nhân nào? Tài năng của người sáng tác có vai trò ra sao? Còn các chế độ kiểm duyệt?
Lê Vĩnh Tài: Làm thơ là một công việc rất cá nhân, nên tự do sáng tác tôi nghĩ là việc đương nhiên. Anh thích thế nào thì cứ viết như thế. Còn khi lưu hành tác phẩm thì lúc đó mới liên quan đến vấn đề như anh nói. Mặc dù không phải là người có thông tin về vấn đề này nhưng với tư cách người đọc, tôi linh cảm hiện nay chắc không có quá nhiều tác phẩm phải nằm trong ngăn kéo. Có nhiều nước mà tôn giáo giữ một quyền lực đặc biệt, đặt ra những “húy kị” vô lý cười ra nước mắt nhưng văn chương của họ vẫn có những tác phẩm “dữ dội” đấy thôi. Còn việc thơ đang mất độc giả, điều này nhiều người đã nói và nói nhiều lần, trên nhiều diễn đàn, thì có nhiều lý do có thể nêu ra. Vàng ở đâu giữa cát mênh mông? Làm sao thơ có thể chết khi các nhà thơ đang sống, lấy vợ sinh con? Người ta làm thơ cho chính những ngõ ngách của tâm hồn mình nhiều quá mà không té lên té xuống trên ngõ hẻm nhỏ lầy lội của cuộc đời này. Có thể có sự lệch pha thẩm mỹ nào đó giữa người làm thơ và người đọc thơ hiện nay chăng? Sợ rằng nhiều cách viết quá mà chưa có được nhiều cách đọc tương ứng không? Cách viết nào đang “vừa vặn” với người đọc nhất? Cũng xoay quanh ngôn ngữ thôi, người viết ly tâm dường ấy thì người đọc tít mù tan tác đến mức nào? Sở dĩ tôi nghĩ như thế vì ở chỗ tôi có khá nhiều câu lạc bộ thơ và người ta sinh hoạt rất rôm rả. Nhưng thơ đọc ở đó chắc là anh sẽ không “chịu nổi”, vì thế thơ của anh cũng khó lòng làm người ta “chịu nổi”. Mà các cụ cũng khiếp lắm chứ không phải cổ hủ đâu nhé, ví dụ tình dục là khoái nhất đời/ nhưng vì sức khoẻ ta thời bớt đi... (là các cụ đang nói về dưỡng sinh đấy). Tôi không phải là thành viên câu lạc bộ nhưng cũng có đi dự vì ông chủ nhiệm ở gần nhà tôi, và vì tôi cũng thấy vui. Nhân đây, tôi cũng nêu một thắc mắc với anh, khi báo Văn Nghệ Trẻ tổ chức một cuộc thi thơ, chỉ trong vài tháng đã có mấy vạn bài thơ dự thi. Vậy thì cả vạn người làm thơ này đọc những gì khi mà một tập thơ (tất nhiên chỉ tính của những nhà thơ nổi tiếng) in 500 đến 1000 bản mà vẫn phủ bụi không bán được. Mà giá bán của nó cũng chỉ đắt hơn ly nước một chút thôi. Thật tôi cũng không biết tại sao.
“Trong khi chờ đợi một giải pháp
người ta thường kéo nhau ra vỉa hè
kéo một hơi thuốc lào dài
mười thế kỷ”
(Phan Nhiên Hạo)
Nguyễn Đức Tùng: Nhận xét và thắc mắc của anh rất đáng chú ý. Tôi thiết nghĩ ở đây có hai hiện tượng khác nhau: làm thơ và đọc thơ. Như anh mô tả thì ở Việt Nam có hàng vạn người làm thơ, ở mức mà họ có thể tự tin để gửi bài dự thi. Nhiều người cùng rủ nhau làm thơ thì cũng tốt thôi anh ạ, còn hơn là nhiều người cùng rủ nhau… đi nhậu. Như vậy, làm thơ là việc đáng khuyến khích đối với mỗi người, còn làm thơ nhiều mà làm thơ dở lại là chuyện của một dân tộc. Hiện tượng đọc thơ thì ngược lại: không ai đọc ai cả. Hay là người Việt mình nói chung ít đọc sách và mua sách để đọc chăng? Bỏ tiền ra để mua các tác phẩm nghệ thuật là một thói quen văn hóa cao, không phải dân tộc nào cũng giống nhau. Ngoài ra, biết đâu không phải là lỗi của các nhà thơ: chúng ta chưa đủ tài năng để làm say mê công chúng thưởng ngoạn? Anh nghĩ sao?
Ngoài ra, đối với người mới bắt đầu làm thơ, anh có lời khuyên nào dành cho họ không?
Lê Vĩnh Tài: Tôi chép (theo trí nhớ) một bài thơ của Boris Pasternak, bản dịch của nhà thơ Thanh Thảo, anh đọc nhé: “Làm vĩ nhân ghê gớm gì đâu/ đừng vì điều này bốc nhau lên cao/ đi tom góp từng trang bản thảo/ mục đích của sáng tạo là xả thân/ không phải chuyện mua danh, không phải trò tiền bạc/ thật nhục nhã khi anh chả ra gì/ mà tên tuổi anh lại lừng lẫy khắp…”
Hình như không phải đến anh, người ta đã đặt vấn đề tài năng của người làm thơ từ lâu lắm rồi. Và tài năng chẳng bao giờ có nhiều. Cứ mười năm có một vĩ nhân/ hỏi ai trả các khoản tiền phí tổn? Sao chúng ta không nghĩ sự xuất hiện hàng loạt các nhà thơ “lóng lánh” của thời Thơ Mới là sự hội tụ (đầy may mắn) của thơ Việt, với biết bao nhiêu điều kiện? Bao nhiêu năm nữa để chúng ta được thấy “chu kỳ” ấy lặp lại? Xuân Diệu cũng từng nói (đại ý) Trung Quốc từng phải chờ mấy trăm năm để có một thơ Đường đó sao? Nói vậy để thấy rằng, ở một đất nước nào đó, một thời đại nào đó mà thơ không OK lắm cũng là điều bình thường. Ví như hôm nay, người ta đang “bù đầu” với WTO, đang cùng nhau làm luật và học luật, không phải chuyện miếng cơm manh áo mà tưng bừng thắng thua trong cuộc chơi cuốn hút thoát đói nghèo. Người ta đang quan tâm Việt Nam sẽ xuất khẩu bao nhiêu tỷ đôla/ năm thì anh ngồi thống kê năm nay bao nhiêu bài thơ in báo cũng là câu chuyện… của một nhà thơ, con số có không chính xác cách mấy anh cũng yên tâm không bao giờ sợ bị thanh tra kiểm tra, một nỗi khổ của các doanh nghiệp mà nhà thơ không bao giờ nếm phải.
Thôi bây giờ quay lại với thơ. Hay là lỗi chính tại thơ? “Thơ đang là một thứ gia vị, còn hơn thế - một bộ phận thừa của tờ báo… Độc giả chẳng ai buồn lên tiếng, đúng thôi: nó không còn là thứ cần thiết nữa. Các nhà thơ quay về đọc của nhau, loanh quanh cày xới trong đám ruộng nhỏ bé của mình, đôi khi họ không đọc của nhau nữa mà chỉ đọc chính mình: từ đó sinh ra tâm thế tự yêu rất nguy hiểm.” Anh Inrasara nói đấy nhé, chứ không phải tôi. Mà chắc là anh ấy đang “lẫy” đấy thôi. Công chúng đang “loay hoay” với thơ mà các nhà thơ lại cứ “thơ âm thanh, thơ hình ảnh”… càng làm người đọc thêm bế tắc sương mù. Anh hỏi thế, chứ tôi biết anh luôn chắc chắn về sự tồn tại của thơ. Nhịp tim và hơi thở của anh luôn thì thầm thế cơ mà. Mà cũng chả phải từ một lối thoát nào/ do người nào vạch ra cả. Tự nhiên thế thôi. Như tằm thì phải nhả tơ vậy mà. Festival Huế vừa rồi, các nhà thơ trẻ của Huế cứ lặng lẽ đọc thơ của mình trên hè phố, ấy vậy mà góc phố ấy cũng vui không kém các quảng trường trình diễn sắp đặt đâu anh. Không chỉ các nhà thơ đang thay đổi cách viết mà hình như thơ cũng đang thay đổi cách hiện diện của mình. Có thể ít ơi hời véo von hơn nhưng thơ muôn đời vẫn sương sa nước mắt.
“Đối với người mới bắt đầu làm thơ…” là đối với ai, hở anh? Nhà thơ Trần Đăng Khoa với “Hạt gạo làng ta” những năm lên mười với nhà thơ Trần Đăng Khoa bây giờ, ai sẽ khuyên ai? Và anh sẽ nghe lời khuyên của nhà thơ nào? Thư gửi một thi sĩ trẻ tuổi của Rainer Maria Rilke là một lời nhắc thú vị cho những ai thích những lời khuyên như thế.
Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh về những câu trả lời thú vị. Có lẽ nhiều người phải đồng ý với anh thôi. Như thế là, “ trong khi chờ đợi một giải pháp”, người đọc thơ Việt Nam đành rủ nhau ra vỉa hè kéo một hơi thuốc lào. Hy vọng là họ sẽ không đi xa quá.
© 2006 talawas
|