trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25 
22.9.2006
Thanh Thảo
ThÆ¡ đến từ đâu 
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 
Nhà thơ Thanh Thảo
Nguyễn Đức Tùng: Nói chuyện lần đầu với anh trên điện thoại, tôi có cảm tưởng anh là người vừa hài hước, vui tính, vừa sâu lắng, tình cảm. Anh có đưa được cả hai điều này vào trong thơ không?

Thanh Thảo: Anh quá khen, may ra thì tôi được chút hài hước, thêm chút tào lao, đôi khi thêm chút mủi lòng, như thế gọi là tình cảm. Cũng may (hay rủi) là tôi có đưa được “ba cái lăng nhăng nó hại (hay lợi) ta” ấy vào thơ. Anh có đọc một số thơ tôi chắc cũng thấy điều đó.

Nguyễn Đức Tùng:

Có loài ngựa quí phi nhanh hơn tên bay
Ai cưỡi nó sẽ thành người chinh phục

Vẫn không bằng sự thật

Có thứ rễ đắng nhất rừng
Chữa lành các vết thương

Vẫn không bằng sự thật

Có thứ trái cây ngọt hơn đường
Ăn một miếng nghe nhẹ mình như chim cắt

Vẫn không bằng sự thật”

Sự thật quí đến thế, nhưng tìm ra nó không phải dễ dàng. Pascal cũng từng nói: “Bên này dãy núi Pyrénée là sự thật, bên kia là hư ảo”. Anh có nghĩ như thế không?

Thanh Thảo: Tôi nghĩ đơn giản hơn, sự thật thì bao giờ cũng là sự thật, có điều, quả không dễ khi sở hữu nó, khi công bố nó, khi bảo vệ nó. Nhưng cũng có sự phản chiếu của sự thật trong thơ, một sự thật nhiều khi hư ảo, nhiều khi không thể cân đo đong đếm, một sự thật có thể đưa bạn vào mê cung để bạn có cảm giác như bị lừa dối. Bởi vì thơ có sự thật của thơ, không tương khắc nhưng cũng không hoàn toàn tương đồng với sự thật ngoài đời.

Nguyễn Đức Tùng:

“Rót rượu đầu ngọn sóng
Mừng mẻ lưới cuối ngày
Mừng cả những con cá vừa thoát lưới”

Một điều đặc biệt trong thơ Thanh Thảo là ý thức về tự do, thật phóng khoáng và thơ mộng. Nhưng trong đời sống xã hội, nơi mà ở đó hình như anh là người chừng mực, kỷ luật, ý thức tự do nên được hiểu ra sao?

Thanh Thảo: Anh có vẻ hiểu tôi, cảm ơn anh. Trong đời sống hàng ngày, tôi là người vừa phải như anh nói, nhưng tôi vẫn là người tự do, bởi không ai cấm một người sống chừng mực không được yêu tự do hay sống như một người tự do, nhất là tự do đầu óc. Tôi đã phải trả giá nhiều vì lối sống và cách nghĩ tự do này, nhưng tôi không muốn thay đổi. Nhiều khi một người không thái quá trong đời sống hàng ngày nhưng lại luôn “thái quá” trong thơ. Tôi có cân bằng hơn, hàng ngày tôi vẫn là người sống hơi… tự do, thích gì làm nấy, nghĩ gì nói nấy. Còn trong thơ thì cái tự do nó lại khác.

Nguyễn Đức Tùng:

Tôi thích câu này của anh:

Anh coi trọng nhất khi làm việc
Còn tôi coi trọng nhất khi chơi”

Thơ là chơi hay làm việc?

Đọc hai câu trên bỗng nhiên tôi tự hỏi anh có thích Bùi Giáng không. Trung niên thi sĩ có nhiều câu thơ dở bên cạnh những câu thơ hay, có phải vì ông quá ham chơi, không chịu cặm cụi ngồi làm thơ?

Thanh Thảo: Thơ là chơi hơn là làm việc, nhưng cái chơi này nhiều khi toé máu, chứ chả chơi! Tôi thích Bùi Giáng, về Trung niên thi sĩ thì ta cũng không nói là ông chơi nhiều hơn hay làm việc nhiều hơn, nhưng ông có cách hiểu về thơ khác với nhiều người, và cách làm thơ cũng khác. Ông “là một, là riêng…” và không thể có người thứ hai bắt chước ông, vì như thế là… thừa. Không phải vì quá “ham chơi” mà Bùi thi sĩ làm thơ như thế. Đó là cách thể hiện thơ riêng của ông.

Nguyễn Đức Tùng:

“Khi con thưa với mẹ
Mưa bay mờ đồng ta
Ngày mai con đi…”

Anh Thanh Thảo, anh đã đi một chặng đường dài, trong cuộc đời và trong văn chương. Ngày nay nếu nhìn lại, anh có ước là con đường riêng của anh, sẽ khác đi ra sao?

Thanh Thảo: Anh có nhắc ba câu thơ mở đầu trường ca Những người đi tới biển của tôi, và hỏi: ngày nay nhìn lại, tôi có ước con đường riêng của tôi sẽ khác đi ra sao? Xin thưa với anh là tôi chưa bao giờ ước thay đổi quá khứ, dù quá khứ có tồi tệ với tôi tới đâu. Đơn giản, vì có ước cũng không thay đổi được cái đã xảy ra rồi. Hãy ước, hoặc tốt hơn hết, hãy góp tay để cái hiện tại trở nên khá hơn, còn tương lai có thể gần với mơ ước của mình hơn. Tôi xin nói, tôi đi vào cuộc chiến tranh là hoàn toàn tự nguyện, tôi vốn con một, chẳng phải đi lính, nhưng tôi thích tự trải nghiệm, nhất là trải nghiệm trong chiến tranh - một môi trường sống đặc biệt, để… làm thơ. Ấy hồi đó tôi cứ nghĩ ngây thơ như vậy. Lúc vào chiến trường mới thấy có nhiều cái không như mình nghĩ. Nhưng tôi chấp nhận, chiến tranh là chiến tranh, người ta sống được mình sống được, và lỡ có chết, thì trước mình hoặc sau mình cũng đã và sẽ có biết bao người chết. Chiến tranh không “ưu tiên” hay “nhẹ tay” với bất cứ ai đã ở trong vòng tay của nó. May mà tôi thoát được để sau chiến tranh còn quay về gặp lại cha mẹ tôi. Và trở thành nhà thơ, hoàn toàn không tình cờ, nhưng cũng không quá cố ý. “Con lặng như cây dừa / không hiểu sao mình đậu quả/”. Tôi khâm phục những người quyết chí thành nhà thơ, nhất là nhà thơ nổi tiếng, nhưng tự thấy không học nổi theo họ. Tôi cứ lai rai, lằng nhằng, may thì được, không may thì thôi. Tôi làm thơ như người câu cá, cứ giật vung mạng, đôi khi cũng được vài con rô, có khi chỉ được mấy chú… lòng tong. Kệ cha nó, mình cứ giật cho thoả, bản thân làm thơ đã là sướng rồi, mong gì thêm nữa! Nhưng lâu nay do xã hội mình (trong nước) đã bắt đầu biến chuyển, đã bắt đầu “mở miệng” (không phải nhóm Mở Miệng), như Cụ Hồ đã có lần nói: “Tự do là được mở miệng”, nên tôi đổ ra viết báo có hơi bị nhiều. Mà anh biết rồi, báo với thơ là hai cái hoàn toàn khác nhau, dù phải huy động nội lực như nhau. Làm thơ nhiều thì ít viết báo, ngược lại, viết báo nhiều thì hơi khó làm thơ. Tôi làm thơ có vẻ ít đi vài ba năm nay, nhưng cũng chẳng có gì sốt ruột. Rồi sẽ tới lúc báo nó không kêu mình viết nữa, thất nghiệp, mình lại làm thơ. Có sao đâu! Tôi đã từng có thời gian dài mỗi ngày làm tới… 3 bài thơ, đúng y như bây giờ có khi mỗi ngày viết tới 3 bài báo. Thơ báo cũng đều khiến mình “tháo bơ” tướt bơ cả, nhưng đều mang lại cho mình niềm vui. Có điều, ít ai sống bằng thơ, nhưng có thể sống được bằng báo. Nhiều lúc tôi cũng bắt chước người ta tự an ủi là “viết báo để nuôi thơ” như có nhà văn ngày trước hay nói “viết ngắn để nuôi dài”. Thực ra, chẳng ai nuôi được ai, báo chẳng nuôi thơ, và ngắn cũng chưa bao giờ nuôi dài. Mỗi cái là một cái, khác biệt nhau, chẳng quan tâm gì tới nhau, tóm lại là cô đơn. Báo đi đằng báo, còn thơ sống đằng thơ. Ông viết ngắn vì ông chả viết được dài, và ngược lại.

Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh đã nhắc đến nhóm Mở Miệng. Thật ra, câu nói mà anh vừa dẫn ra trên đây đặt vào… miệng của nhóm Mở Miệng thì mới đúng chứ? Anh có đọc các nhà thơ Lý Đợi, Bùi Chát… không? Anh có ấn tượng gì? Gật đầu hay lắc đầu?

Thanh Thảo: Tôi có được đọc, nhưng chưa nhiều, thơ của nhóm này. Theo tôi, họ hoàn toàn có lý và có quyền làm thơ như vậy, hay thơ khác vậy. Thơ vốn tự do từ nguồn, như anh nói, còn ta có thích thơ họ hay không thì theo tôi nó cũng chẳng quan trọng gì. Họ cứ làm thơ như thế, còn ta nếu thích thì đọc không thích thì không đọc, vậy thôi. Tôi không cho thơ ấy là cách tân hay cách mạng gì, hay tiêu biểu gì cho giới trẻ bây giờ, nhưng nó bao giờ cũng là một cái gì . Hơn 600 năm trước ở Pháp, François Villon cũng làm thơ “tục” rất tuyệt! Hay Hồ Xuân Hương của ta, thơ nói lái rất tục của bà thì nhóm Mở Miệng bây giờ phải lạy bằng cụ. Vấn đề cuối cùng là thơ hay, có thơ hay thì dù thế nào nó cũng… hay. Bất chấp tất cả. Còn nếu ngược lại, thì có gì để bàn đâu!

Nguyễn Đức Tùng: Thơ hay chưa chắc đã phải là vấn đề cuối cùng duy nhất đâu anh ạ. Mối quan hệ giữa cái mới và cái hay rất phức tạp. Có cái mới mà không hay, và chắn chắn sẽ không hay, có cái mới chưa hay, nhưng sẽ hay, có cái mới mà ngay lập tức đã hay. Ai là người đủ thẩm quyền (authority) để lượng giá xem một tác phẩm thế nào là hay? Các nhà phê bình. Nhưng các nhà phê bình của chúng ta hiện nay có thể làm điều đó chưa?

Thanh Thảo: Đúng là khó để đặt định thế nào là hay, nhưng không quá khó để biết thế nào là… dở. Đơn giản vì cái dở dễ lộ ra hơn cái hay, và cũng vì cái dở luôn nhiều hơn cái hay. Nhưng tôi nghĩ cũng không đến nỗi quá thất vọng khi nói không thể biết thế nào là hay. Nhiều khi ta cảm thấy tác phẩm ấy là hay, trước khi có thể phân tích rạch ròi nó hay như thế nào, hay ở chỗ nào. Nhưng cái cảm thấy ấy thực sự là rất quan trọng. Nhiều khi, tác phẩm ấy tác động tới ta, khiến ta xao xuyến, thậm chí thay đổi ta, và ta cảm thấy như thế là hay. Cái này thì theo tôi, người sáng tác cảm thấy tốt hơn nhà phê bình. Nhà phê bình sau đó có thể dùng lý luận lý thuyết khảo sát tác phẩm để chỉ ra những cái hay (nhiều khi chỉ hơi cứng nhắc hoặc võ đoán). Còn người sáng tác thì đơn giản, họ có thể ngửi ra một tác phẩm hay, của người khác hay của chính mình (tôi không nói những người mà mũi đã “mặc định” chỉ ngửi ra cái thơm ở tác phẩm mình, theo kiểu nói dân gian là “rắm ai vừa mũi người ấy”.) Cái cảm giác ấy ở người sáng tác là có thật. Tin tôi đi, dù chỉ một câu thơ hay, thì rồi người ta cũng sẽ nhắc đến câu thơ ấy. “Không một ai bị lãng quên, không một cái gì bị quên lãng”, tôi chợt nhớ câu nói này của người Nga sau Chiến tranh Vệ quốc chống phát-xít. Câu này cũng có thể dùng cho thơ và nhà thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Điều gì trong sinh hoạt thơ và văn học nghệ thuật hiện nay ở trong nước làm anh hứng khởi và hài lòng nhất? Còn điều gì làm anh thất vọng nhất?

Thanh Thảo: Nói thật với anh, tôi cũng ít nghĩ tới ba cái chuyện này, nhưng có thể là ngay trong cái mình tưởng hài lòng đã chứa của mình nỗi thất vọng, và ngược lại, trong cái thất vọng lại (đôi khi) làm loé lên tiền đề cho hy vọng. Tôi đã viết được những bài thơ ưng ý nhất trong những hoàn cảnh đáng thất vọng nhất, khó khăn thậm chí bế tắc nhất của xã hội của hoàn cảnh mà tôi sống, nên với nhà thơ, nhiều khi anh không chỉ cư trú trong thất vọng mà còn có thể “kiếm lời” từ sự thất vọng.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ có thể làm được gì cho con người?

Thanh Thảo: Nhà thơ Phùng Quán từng viết là nhiều khi trong tuyệt vọng anh đã “vịn câu thơ mà đứng dậy” để tiếp tục sống làm người. Xem ra thì thơ cũng “hơi bị tởm” đấy chứ, đâu phải chuyện đùa! Có điều, không phải ai cũng nhận ra cái “ghê” ấy của thơ, và cũng không phải ai cũng được hưởng lợi từ nó.

Nguyễn Đức Tùng: Nhà thơ William Carlos Williams có nói: khó mà có thể tìm ra các tin tức trong thơ, thế nhưng hằng ngày, con người vẫn chết thê thảm vì họ thiếu những điều chỉ tìm thấy trong thơ. Theo anh, đó là điều gì?

Thanh Thảo: Anh đố tôi đó là điều gì, tôi xin mạn phép anh đưa ba đáp án, như cách bây giờ trên ti-vi người ta hay làm:

1) ổ gà,
2) cúm gà
3) xương gà.

Tôi chọn đáp án 3: xương gà.

Nguyễn Đức Tùng:

“Đồng bằng ơi bầu trời mùi vỏ chanh
Ai chẳng muốn một lần
Đi tràn trề bình yên dưới nắng
Lòng bâng quơ câu hát cũng bâng quơ”

Tôi tin rằng hơn ai hết, những người lính, dù ở phía nào của cuộc chiến tranh, cũng đều thèm khát hoà bình. Nhưng xã hội hoà bình cũng lại đặt ra những vấn đề sôi bỏng của nó. Ngoài các tác phẩm liên quan đến chiến tranh và lịch sử, sau 1975, hình như anh không viết nhiều về các vấn đề của xã hội dân sự trong thơ?

Thanh Thảo: Viết nhiều chứ anh. Có thể những gì anh đọc tôi mới là phần thơ chiến tranh, còn phần thơ không-chiến-tranh của tôi nhiều lắm chứ ạ. Thực ra chiến tranh chỉ là hoàn cảnh đặc biệt, con người sống trong hoàn cảnh bình thường không-đặc-biệt, thậm chí nhạt nhẽo, nhiều hơn chứ, vì thế thơ về cuộc sống thường nhật cũng nhiều hơn. Đúng như anh nói, nhiều khi thơ trong hoà bình lại “sôi bỏng” hơn cả thơ trong chiến tranh nữa. Người thất tình cũng có thể điên loạn cơ mà, nên thơ… thất tình cũng đâu có bình lặng, chẳng hạn.

Nguyễn Đức Tùng: Anh là người viết nhiều trường ca. Gần đây trong một phỏng vấn, nhà thơ Đỗ Quyên cũng nhắc đến nó. Xin anh nói thêm về trường ca như một thể loại văn học, khá mới mẻ với nhiều người, nhất là các độc giả hải ngoại.

Thanh Thảo: Thực ra, trường ca là thể loại thơ vào loại cổ nhất của nhân loại chứ chả mới mẻ gì. Có hai trường ca rất hay, một của nhà thơ Ngô Kha viết trong chiến tranh, nhan đề Ngụ ngôn của người đãng trí, và một của nhà thơ Du Tử Lê viết ở hải ngoại (Mỹ), nhan đề Mẹ về Biển Đông. Trường ca của Ngô Kha là một tác phẩm thơ siêu thực gợi người ta nghĩ đến những bức tranh siêu thực của Salvador Dalí. Còn trường ca của Du Tử Lê là một độc thoại dài rất cảm động về chính thân phận mình. Tôi viết trường ca cũng là một cách tự thể hiện mình, thử sức mình, và cũng vì “ham” ôm đồm một cái gì đó. Sau chiến tranh, nhiều người trong chúng tôi tìm cách “xả năng lượng”, và trường ca là cách xả tốt với một nhà thơ như tôi.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi chú ý đến nhạc điệu trong thơ anh. Tuy làm thơ tự do, tức là thơ không vần, anh lại thường sử dụng các qui luật âm nhạc, như vần, điệu, và các phép tu từ một cách tài hoa. Vài ví dụ:

vần nội tại:

“Trường Sơn thác bay trong mây”

vần lưng:

“những trận mưa nát đất thủng trời
trút xuống đời ta chưa một lần thanh thản”

lặp lại:

“rượu của nhà tôm cá của dòng sông
người của đất tâm hồn của gió”

không vần, mà có nhịp riêng:

“khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ”

Điều này hình như dang mất dần ở các nhà thơ trẻ hiện nay. Anh cho rằng đây là phát triển bình thường của thơ ca, hay là chuyện rất đáng tiếc, một chìa khoá bị đánh mất cần tìm trở lại?

Thanh Thảo: Tôi cũng không biết nữa. Thơ liên tục đổi khác, ngay thơ tôi sau này cũng khác với thơ tôi trước đó. Nhưng theo tôi, nhạc điệu có thể thay đổi và có thể khác hay mất dần đi, nhưng nhịp điệu thơ thì không thể mất, dù có thể khác. Nhịp điệu nó là phần nội tại của thơ, của bài thơ, của nhà thơ. Mỗi nhà thơ đúng nghĩa phải có nhịp điệu thơ của riêng mình.

Nguyễn Đức Tùng: Ý anh muốn nói là giọng điệu (tone), thay vì nhịp điệu (rhythm), chăng?

Thanh Thảo: “Nhịp điệu” tôi nói ở đây rộng hơn cái rhythm của một bài thơ. Nó có gồm cả “giọng điệu” (tone) và có thêm vài thứ gì đó nữa mà tôi cũng không biết, nhưng nó làm nên cái “dòng chảy” riêng của thơ mỗi nhà thơ.

Nguyễn Đức Tùng: Xin cho nghe bài thơ mới nhất của nhà thơ Thanh Thảo?

Thanh Thảo: Bài thơ này cũng không mới, vì viết đã ba năm rồi, nhưng có “dính” đến chuyện “câu kéo” nên xin chép anh đọc cho vui:

Không đề

nhấp cầu câu
câu giấc mơ ngày cũ
những giấc mơ
tớp bóng dưới lục bình
xanh buồn bã

con lại về nhà thầy má
cây mai mới trồng bật hoa
như mắt nắng lạc giữa vùng lụt bão
như mắt má
đăm đăm góc vườn
trong veo màu vú sữa

con lại về
giếng thơi
vành vạnh trời
bóng cây nghiêng
bóng má
bóng tiếng chuông loáng thoáng
mưa chuông

lá lá nhìn con lấp láy
trắng từng chùm mây dại
lơ lửng ngày

con lặng như cây dừa
không hiểu sao mình đậu quả

Tôi là vậy đó, làm thơ nghĩa là không còn biết giấu mình vào đâu. Mà cũng chẳng giấu để làm gì.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi cũng thích bài thơ này. Bài thơ “câu kéo” của anh làm tôi nhớ đến một bài thơ tôi viết mùa hè năm ngoái khi đi câu với mấy đứa bạn trên bờ biển phía bắc Vancouver. Còn ở dạng bản thảo. Nhân vui chuyện, xin lôi ra chép tặng anh.

Nguồn gốc của các loài

Tôi ném con dao sáng loáng cho thằng bạn
Nó bắt lấy bằng một tay
Tay kia lật ngửa con cá lingcod
Vừa câu được chiều nay

Nó lia một đường như tia chớp
mỡ trào ra
dưới lớp ruột lăn qua lăn lại
nó rút cọng rêu xanh
quấn quanh một con cá lingcod khác
nhỏ bằng ngón tay út
còn tươi hơn con cá kia

Thanh Thảo: Một bài thơ hay, tuy có hơi “Mỹ”, nhưng hay. Có thể coi đó là thơ thuộc dòng “Tân hiện thực”. Trong Khối vuông rubich in năm 1985, tôi có viết một đoạn như vầy, có khi hợp với bài thơ anh: “Tôi xoay những ô vuông. Tôi đã xem một bức tranh, tất cả chi tiết trong tranh đều được vẽ theo bút pháp tả thực, thực đến nỗi toàn bộ bức tranh cuối cùng trở thành ảo trước mắt ta.

Nguyễn Đức Tùng: Đoạn đó hợp anh ạ. Ngoài ra, trong thơ, anh nhắc nhiều đến mẹ. Còn người yêu thì sao? Anh có được bài thơ nào cho nàng không?

Thanh Thảo: Tôi không hiểu thơ như thế này thì có được gọi là “thơ tình” không, bởi từ lâu tôi đã không có ý niệm rõ rệt về “thơ tình” và “thơ không tình”:

Trục vớt

đào ngách
hàm ếch
phá một lỗ
níu giữ
rễ cây
theo lối giun
nuốt đất
vớt lên từng gàu
đặc quánh
nhờn nhờn
hàng nghìn trái tim hàng nghìn ngọn đèn
hàng nghìn máy nén
những giới hạn
vùng đê vỡ
nước tràn qua các cửa
anh thả vào em
mê man
ròng ròng hơi thở
anh quay ngược các mùa xoay chiếc kim cơ thể
điểm nóng
em lẩm nhẩm
bùa chú
vớt lên từng gàu từng gàu
bóng tối

Bài này là một trong những bài tôi đọc ở festival Thơ quốc tế lần thứ 35 ở Hà Lan năm 2004. Anh nghe có ra thơ… gì không? Cảm ơn anh đã mất thì giờ với tôi.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi nghĩ, bài thơ của anh là thơ tình. Nhưng định nghĩa thế nào là thơ tình là việc khó khăn. Ngày nay các biên giới quốc gia, lịch sử và văn chương đều nhoè, và bất cứ một lý thuyết nào cũng là một giả thuyết, chứa trong nó sự bao dung đối với các ngoại lệ.

Trở lại với bài thơ trên đây. Tôi lấy làm ngạc nhiên: tôi thấy nó hay, nhưng quan trọng hơn là thấy nó mới. Mới hơn bài thơ “câu kéo”, và mới hơn các trường ca. So với các nhà thơ cùng thế hệ với anh, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật v.v., hình như anh cũng mới hơn họ. Sự thay đổi nào về bút pháp cũng kéo theo, hay báo hiệu, sự thay đổi về nội dung. Ý anh thế nào?

Thanh Thảo: Đấy là anh nói đấy nhé, không phải tôi nhé! Với các bậc “tiền bối” tôi luôn kính trọng, và không bao giờ nghĩ mình hơn họ, dù về bất cứ thứ gì. Vả lại, nói như anh, nhiều khi “mới” chưa chắc đã “hay”, và ngược lại, như củ mì (sắn) đi dưới đất vài ba năm thì củ lại bự hơn. Đúng là sự thay đổi về bút pháp luôn báo hiệu (chứ không phải kéo theo) sự thay đổi từ bên trong của tác phẩm. Và tới lượt nó, sự thay đổi bên trong tác phẩm ấy thể hiện chính bút pháp tác giả. Đây là mình cũng “múa rìu qua mắt nhà phê bình” cho vui, chứ thực ra nó không thuộc lĩnh vực mà chúng ta quan tâm. Tôi thì thế nào cũng được, tôi cứ viết, nếu còn có thể viết, rồi ra cái gì thì nó ra, vậy thôi. Một lần nữa xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện qua nửa vòng trái đất có vẻ “không bổ ngang thì bổ ngửa” với tôi này. Còn với anh thì thế nào ạ?

Nguyễn Đức Tùng: Chúng ta thường có dịp trò chuyện về thơ với những người không phải là nhà thơ, hoặc trò chuyện với các nhà thơ về những gì không phải là thơ, chứ ít khi có dịp trò chuyện về thơ với nhà thơ. Cuộc nói chuyện với anh không những thú vị mà còn có khả năng tạo ra các cảm hứng mới. Xin cám ơn anh.

© 2006 talawas