Anh còn lại một ngày
Mà Đông phương xa quá
(Đỗ Quyên)
|
Nhà thơ Đỗ Quyên |
Nguyễn Đức Tùng:
Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm ví dụ.
Đỗ Quyên: Một câu hỏi về thơ nghe xong đã muốn… chửi thề! Vài câu dưới đây cũng thế. Do vậy, chương trình phỏng vấn này sẽ hấp dẫn. Ở các câu hỏi. Theo lý thuyết phỏng vấn (nếu chưa có lý thuyết này thì cứ coi như đây là một sự đề xuất), có ba loại phỏng vấn thành công: Loại 1 nhờ câu hỏi, loại 2 nhờ câu trả lời, loại 3 nhờ cả hai. Chương trình này của Nguyễn Đức Tùng chắc chắn thuộc loại 1 và nhiều cơ hội thuộc loại 3. Các câu trả lời nhàng nhàng cũng làm cho chương trình thành công. Nếu vớ được chừng năm bảy nhà thơ thành danh - chả cần giả nhời cho ra hồn, cuộc chơi đã thành quả rực rỡ từ trong bào thai. Vì, nói nghiêm chỉnh, chỉ cần các nhà thơ thật lòng nói về thơ – a, nhà thơ không thể xạo trong thơ nhưng trong phỏng vấn có thể vẫn xạo xịa được lắm đó – là người khởi xướng đi tới được đích.
Đây là lần thứ một triệu chúng ta nói: thơ giống như tình yêu, làm thơ giống như làm tình ở chỗ không sao quy định được quá trình của nó. Tức là không thể trả lời nổi “
Bài thơ của anh bắt đầu ra sao?” trừ khi người đó làm được đúng một bài thơ, rồi dọt thẳng! Vấn đề là bài thơ nào? Thì đây:
“Xin cho một bài làm ví dụ?” . Nhưng chỉ là ví dụ cho chính bài thơ đó. Tức không phải là ví dụ. Đâu có một định lý toán học nào, một định luật vật lý nào chỉ có một ví dụ minh họa! Đã là “lý”, là “luật” thì không ba vạn tám ngàn cũng phải ba bảy hăm mốt cái minh họa. Thấy chửa! Chúng ta nghe câu hỏi đã muốn chửi. Nghe câu trả lời còn muốn chửi hơn! (Chửi thôi à nha! Chớ có vũ lực ở thi đàn!)
Đây là “ví dụ” của tôi: bài mới nhất là trường ca “Thơ thời gian’’ được bắt đầu từ các suy nghĩ: “
Lâu quá cóc viết được gì! Viết gì đây? Sao bảo đến vùng đất mới, xứ Úc này, viết! Lúc nào viết? Không làm thơ thì làm gì? Ý tứ này, cảnh này, người này, chữ này đưa vào bài thơ sắp viết được chăng? Tay Ph., lão Y., nhỏ T. ăn gì mà viết dữ vậy? Mở e-mail lại thấy hỏi ‘Dạo này viết gì không?’” Các trăn trở đó cứ tra tấn tôi – đúng theo nghĩa “nhà tù” – trong suốt bốn năm tháng không viết gì.
Nguyễn Đức Tùng: Xin cho người yêu thơ đọc trước bản thảo của anh.
Đỗ Quyên: Gởi anh toàn bộ trường ca “Thơ thời gian’’ gồm 19.064 chữ. (Nhờ “thằng cu” Word Count bây giờ, chúng ta dễ dàng bắt chước người Tàu ở cái trò đếm chữ trong tác phẩm!) Bài chưa đi “sỉ” ở đâu nhưng một vài chương, đoạn lẻ đã được chạy trên
Tiền Vệ, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Người Việt Hải Ngoại trong nửa năm qua.
Nguyễn Đức Tùng: Trường ca có phải là một bài thơ dài (long poem) không?
Đỗ Quyên: Chúng ta đang tới sân chơi của các nhà lý luận. Chạy vô chọc ngoáy cho vui thôi! Mảng trường ca, “các anh bên lý luận-phê bình” đang bỏ trống. Còn nữa, các bạn “ở các tỉnh phía Nam” của nền văn học Việt Nam hình như cũng bỏ quên loại hình này. Xin đưa ra hai ví dụ. Ví dụ một : Vị chủ nhà xuất bản to thứ nhì miền Nam trước 1975, lớn thứ nhứt hải ngoại khi làm cuốn sách nọ cho tôi, trên bìa sau tôi “dọa” sắp in một tập trường ca, đã hỏi: “Thế anh cũng viết nhạc à?” Một ví dụ khác: có bạn ở Mỹ, còn xuân xanh, tài thơ đang vang danh đó đây, đã trao đổi cùng tôi: “Trường ca là cái gì vậy? What are its elements? Is there a length limit? Topic specification?” Nói cho ngay, trong Nam thường gọi trường ca là “trường thi”. Còn chữ “trường ca” thì dành cho các tác phẩm âm nhạc có tầm vóc như
Hội Trùng Dương,
Đóa hoa vô thường,
Bầy chim bỏ xứ…
Một trong các trò chơi học thuật tôi ngán cho đám văn nghệ chúng ta là trò “định nghĩa”. Nào là “Thơ không có định nghĩa!” (OK, cái này thì tôi chịu); “Tiểu thuyết bất lực với khái niệm thể loại”; “Truyện ngắn là gì - từ Chekhov đến nay còn là câu hỏi”; “Kịch chỉ là kịch! Chấm hết!” Xin lỗi! Lại muốn chửi thề rồi!
Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 1998 định nghĩa: “Trường ca là một tác phẩm dài bằng thơ có nội dung và ý nghĩa xã hội rộng lớn.” Với các tiểu thuyết thơ
Ô mai (Đặng Đình Hưng),
Jờ Joạcx (Trần Dần), vấn đề thể loại lại trao “big job” cho cánh lý luận-phê bình văn học Việt Nam. Bài thơ dài, trường ca, kịch thơ và tiểu thuyết thơ – Ôi, những anh chị em cùng mẹ (thơ) khác cha (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch)!
Chúng ta còn trở lại với trường ca. Nói luôn: trường ca và một bài thơ dài khác nhau chứ anh! Cả hình thức lẫn dung lượng. Về hình thức, trường ca cho đến nay gì thì gì cũng có cấu trúc khá rõ, từa tựa tiểu thuyết: chương hồi, diễn tiến, tình tiết, chun chút kịch tính, thậm chí có cả tuyến nhân vật, đối thoại. Dấu hiệu dễ nhận ra ở một trường ca là phần mở và phần kết “long trọng hóa vấn đề” hơn so với ở một bài thơ dài. Về dung lượng: bài thơ bình thường là cầu tre thì bài thơ dài như cầu gỗ là cùng còn trường ca thì như là “
cầu Long Biên (vừa dài vừa rộng bắc ngang sông Hồng / Tàu xe đi lại thong dong / Bộ hành tấp nập đi về (?) thảnh thơi”.) Tứ thơ, âm điệu, nhất là giọng thơ - gọi cho mạnh là nhịp chảy - là các nét chung của hai loại này. Tôi đoán rằng những ai đã viết thơ dài ngon lành đều có thể viết trường ca, nếu họ đừng đứng dậy đi... toilet!
Có thể kể ra các bài thơ dài nổi danh mang sức vóc trường ca: “Howl” (Allen Ginsberg), “Thủy mộ quan” (Viên Linh), “Nỗi Liên đen tối vô cùng” (Nh. Tay Ngàn), “Nhất định thắng” (Trần Dần), “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ”, “Nhìn từ xa Tổ Quốc”, “Đánh thức tiềm lực” (Nguyễn Duy), “Bài thơ Hắc Hải” (Nguyễn Đình Thi), “Những người trên cửa biển” (Văn Cao), “Việt Bắc”, “Nước non ngàn dặm” (Tố Hữu), “Thơ bình phương - Đời lập phương”, “Thơ bổ sung”, “Trận tuyến này cao hơn cả màu da”, “Thời sự hè 72- bình luận”, “Phác thảo cho một trận đánh một bài thơ diệt Mỹ” (Chế Lan Viên)… Có những tác giả như cố ý không viết trường ca nhưng thơ của họ, nhiều bài thơ dài của họ tôi cứ đọc như là các trường ca vậy. Đó là Chế Lan Viên, Uyên Nguyên, Hữu Loan… Cho dễ hình dung về dung lượng, sẵn trong máy, tôi dẫn ra số lượng chữ trong một số bài. Bài thơ dài: “Nhìn từ xa Tổ Quốc” - 1.096 chữ, “Kim Mộc Thủy Hoả Thổ” - 1.224 chữ, “Việt Bắc” - 1.062 chữ
, “
Nhất định thắng” - 1.788 chữ
, “Howl” - 2.917 chữ, “Nỗi Liên đen tối vô cùng” - 2.025 chữ... Trường ca, tiểu thuyết thơ:
Người cùng thời, trường ca của Mai Văn Phấn - 7.535 chữ,
Ô mai - 8.256 chữ
, Jờ Joạcx - 5.032 chữ
, 8.548 “Đống chữ” - 8.548 chữ, “Buồn muộn cùng thế kỷ”- 11.623 chữ
, “
Biển đỡ” (chưa hoàn thành) - 6.751 chữ. Nếu đặt “Trung Quốc đông dân” “Thơ thời gian” với 19.064 chữ bên cạnh bài thơ 6 chữ của Dương Tường – chắc là bài thơ ngắn nhất thế giới -
“Tôi đứng về phe nước mắt”, ta có định nghĩa khác về trường ca: thể loại văn học lấy chữ đè… thơ!
Nguyễn Đức Tùng: Tôi thích đoạn trích sau đây trong “Thơ thời gian”:
“Hãy viết chữ trắng trên giấy đen
Hãy cho lề nằm giữa
Hãy lật ngửa trang Kiều hong gió Úc châu
Ba kim đồng hồ chưa đủ cần bốn năm sáu bảy
Một người tình trăm năm chỉ lấp đầy dấu phảy
Và danh
Và tài
Lại rượu
Lại tiền
Thêm Tổ quốc, Lý tưởng, Gia đình
Này
Hãy công kênh nhau vượt lỗ trôn kim
Trổ cho mỗi sợi tóc bạc những cửa sổ xanh
Khóa cửa mình không cần mã số
Vết chân giang hồ treo nơi bàn thờ tổ
Một giọt máu đào gửi chốn garage sale
Sinh con vào lúc túng tiền
Làm tình lúc bí thơ
Làm cách mạng bằng que tăm xem thử
Thuê nhà mời gió ở
Lấy chồng cho Nàng Thơ
Phỏng vấn những người ăn mày ‘Tụi bây đã biết Dân chủ là gì chưa?’
Nhổ bãi nước bọt không màu không mùi vị
Vặn chân giữa theo hình còng số 8
Vòng chân trái chân phải thành hai con số 0
Tay trái dấu hỏi
Tay phải chấm than
Cấm ông bà cậu mợ văn sĩ nào nứng tình với Thời gian
(Thèm nhớ
hãy phóng văn vẻ vào Nhân gian
chôn chữ nghĩa vào Thiên địa)
Hãy rèn hãy rập mỗi câu thơ một cái đinh
Hãy trui luyện một thi pháp một nhát đóng ván thiên cái quan định mệnh
Người lành lặn thử ăn bằng hậu môn coi
Ngủ nhắm một mắt chưa tài bằng ngủ lá phổi on lá phổi off
Dạng cảm quan mỹ học ra cho vừa size thời đại
Nhắm bản sắc dân tộc lại
coi toàn cầu hóa đến đâu rồi
Cứ để con cái leo lên mặt gia đình
Lạnh thì mang bản thảo thơ ra mà đắp
Đói khát đã có sóng thần
Các cặp vợ chồng vô sinh có thể vô tư nhận virus điện toán về vui nhà vui cửa
Mở rộng hơn nữa các bàn tay
Đừng sợ tiền bay
Mở thêm các lỗ chân lông hậu hiện đại còn e lấp bởi lớp râu lông cổ điển
Đến lúc rồi
Đầu phải cần dép giày
Chân chỉ cần mũ nón
Cùng nhau uống ăn từ đáy cốc chén đi nào
Nâng cấp cho hai con mắt
(không nhất thiết buộc chúng là tiến sĩ, giáo sư)
dầu gì cũng cần học xong hai chữ Độc lập
Tấn phong cái lưỡi danh Tự do
Và khai trương con tim lầu Hạnh phúc
Mở
Mở nữa
Mở mãi
Mở những gì có cửa
Mở những gì chưa có cửa.”
Và còn nhiều đoạn khác nữa. Trước đây, khi đọc toàn bộ trường ca “Biển đỡ” của anh, tôi đã cảm nhận được những nỗi rung động sâu xa. Về thi pháp, so với những người viết trước, đâu là nét khác biệt chính của trường ca Đỗ Quyên?
Đỗ Quyên: Cả về chức phận nghề nghiệp cũng như về tâm lý, thường thì đánh giá bao quát tác phẩm không phải là việc của tác giả, ngay cả với các tác giả sáng suốt nhất và ít khiêm tốn nhất. Nhưng người ta cũng có thể coi đó như một loại tài liệu tham khảo khi cần.
Trước hết, anh động đến thi pháp. Lại là “giốp” của dân lý luận, tôi chỉ đía vào một ý từng ấm ức lâu nay. Đôi khi, vô tình hay hữu ý, người phê bình ưa lạm dụng chữ “thi pháp” với những phát ngôn kiểu như “thi pháp của nhà thơ này…”, “thi pháp trong xu hướng kia…” Theo cảm nhận của riêng tôi - chắc là sai! - mỗi nhà thơ có phương thức, quy cách làm thơ của mình, còn sáng tạo được một thi pháp thì hiếm hoi lắm. Trong bản thảo cuốn sách bình bàn văn chương
Vạch áo nàng Thơ, tôi có nêu ra “top” một tá nhà thơ Việt Nam hiện đại theo quan điểm của mình với thứ tự: 1- Xuân Diệu; 2- Nguyễn Bính; 3- Hàn Mặc Tử; 4- Bùi Giáng; 5- Chế Lan Viên; 6- Huy Cận; 7- Tô Thùy Yên; 8- Hoàng Cầm; 9- Thanh Tâm Tuyền; 10- Trần Dần; 11- Tố Hữu; 12: Đang còn trong vòng “bí mật”. Với 12 thi tướng ấy, tôi thấy hai chữ “thi pháp” chỉ rực rỡ trên thơ của 7 vị: Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Chế Lan Viên, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần và Tố Hữu. Ngay cả ở “Nobel thơ Việt” của lòng tôi là Hoàng Cầm, thi pháp không nổi trội. Một cái “tếu” nữa: chính No 1 của “top” là “chàng Xuân Diệu” thì thi pháp sao mà… nhàn nhạt!
Khi viết trường ca, so với những tác giả khác, cụ thể là các tác giả thời chiến tranh 1965-75 ở miền Bắc và hậu chiến 1975-85 từng tạo ra một trường phái trường ca Việt Nam, tôi cũng thấy mình có “phương pháp, quy ước” này nọ khác với họ. Độ mươi năm, qua cả tá trường ca, năm ba bài thơ dài, tôi không sao tường minh cái gọi là “tiêu chí” cho mình. Tất nhiên, thây kệ nó thôi. Mình viết ra trường ca chớ có phải “ngâm kíu chường ka” của mình đâu! Rồi, ào ào một dạo ba bốn năm nay, ngoài này và trong nước, rộ lên vụ hậu hiện đại (postmodernism), tôi mới tủm tỉm cười với hai bàn tay của mình khi thấy vô tình mà – càng về sau – mình cũng làm theo lối hậu hiện đại như… người lớn! Đó là: không có trung tâm chủ đề; tính đại tự sự hầu như không hiển lộ; phân mảnh từ hình thức đến nội dung; người đọc trường ca không nên coi nó là một tác phẩm độc lập mà chỉ là một “mảnh” của một “mảng” nào đó trong kinh nghiệm thơ ca, văn học, văn hóa hay xã hội của mình; tính truyện không có, tính chuyện thì lấy lệ; cấu trúc hờ, có chương hồi cũng như không; liên văn bản như là những cú nhảy dù; chất văn xuôi và chất thơ có thể ăn nằm với nhau khi hứng; không câu nệ bất kỳ hình thức, thể loại nào từ cổ điển tới tân kỳ, tu từ và phi tu từ có thể làm bạn, các thủ thuật cắt dán, nhại nhái ăn nhậu cùng ca dao, tục ngữ; có những phân mảnh không mang một ý nghĩa nhất định; giữa các trường ca khác nhau cũng không có cấu trúc nhất quán; v.v… Gọi là vô tình vì mình không đọc lý thuyết gốc, không theo dõi, không hòa nhịp với khuynh hướng sáng tác đó; còn thì cả con người chúng ta - từ tóc đỉnh đầu đến gót bàn chân – đã và đang sống trong cái “điều kiện hậu hiện đại” (postmodernity) rồi! Tuy nhiên, về loại hình căn bản của trường ca, tôi cũng không hoặc chưa ra ngoài cái “kinh điển” của nó: có nội dung và ý nghĩa xã hội nào đó. Nói rộng, về văn học, tôi không/chưa tới cái
phá thể, xa như ở Trần Dần, Đặng Đình Hưng; gần nhất như ở
Nguyễn Thúy Hằng.
Nguyễn Đức Tùng: Trường ca Đỗ Quyên (và một số nhà thơ khác) hình như chưa hề có yếu tố tự sự (narrative) và để mặc cho giọng điệu trữ tình (lyric) lấn át. Đây là sự lựa chọn thủ pháp từ ban đầu hay là kết quả buông lỏng của quá trình sáng tác?
Đỗ Quyên: Theo như tôi ngó nghiêng được trong các bài giới thiệu về hậu hiện đại thì Ông già (đại) tự sự nằm núp xuống trong các tác phẩm hậu hiện đại không phải là để Cô nàng giọng điệu trữ tình nhảy lên ngồi phi ngựa nhong nhong đâu. Có thể là vì trong các sáng tác đó, khi không còn tâm điểm để người ta muốn đọc thơ theo kiểu trước, “mì ăn liền” thì ấn tượng trữ tình là nét dễ nhận ra ở những bài thơ đang trên con tàu nhổ neo ra khơi cách tân mà còn giữ bến xưa trên boong tàu! Với tôi, nếu có vậy thì ngoài ý muốn, ngoài tay cương điều khiển (thủ pháp) của mình. Và tôi cũng không phân biệt bài thơ hay-dở ở chỗ nó có cách tân “tới bến” hay không mà là nó cách tân thành công đến mức nào để vẫn là thơ! Nhiều, nhiều ơi là nhiều các văn thơ hậu hiện đại quả là đổi máu hoàn toàn, và người đọc còn chưa “đọc” nổi nó. Nu, pô ka-đi!
Nguyễn Đức Tùng: Đọc các trường ca, cũng như đoạn trích dẫn trên đây, tôi có ấn tượng rằng Đỗ Quyên là nhà thơ phóng túng nhất về tinh thần trong tất cả các nhà thơ Việt Nam đương thời. Tôi tự hỏi: phải chăng vì vậy mà anh viết trường ca?
Đỗ Quyên: Biết phận, tôi phải nói về cá nhân mình trước, tách hẳn khi nói về các tên tuổi lớn. Tôi cũng nghĩ rằng mình phóng túng về tinh thần và hên ở chỗ đã đem được cái đó vô trường ca. Trường ca là thể loại thứ 4 tôi mó đến; sau thơ, truyện ngắn, phỏng vấn, (Ba tháng nay, lần đầu tiên trong lịch sử đời mình, tí toáy đến tiểu thuyết, mới thấy ôi sao mà cơ khổ, nhọc nhằn, cực hình!), và thấy ở bên trường ca tâm tính mình thoải mái hơn cả. Anh tính lập một hội đồng để thi các “nhà thơ phóng túng về tinh thần” sao? Tôi chưa biết
list của anh nên không vội tranh Cup đâu! Cũng vui, nếu có một hội đồng thơ và một
list như vậy.
Rõ ràng câu hỏi này mang “bệnh nghề nghiệp” của người hỏi: cá tính tác giả và đặc điểm tác phẩm. Tôi vốn cũng táy máy để ý vụ này mỗi khi đọc văn thơ của bạn bè, của các nhà thơ danh giá, hòng tìm các ánh xạ giữa con người – tác phẩm. Song, kết quả không là bao. Không rõ bộ môn tâm lý học sáng tạo văn học đang ở thành tựu nào? Riêng quan hệ giữa “trường ca” và “nhà thơ phóng túng về tinh thần” ra sao: một câu hỏi tạm treo ở đây. Tôi hơi hơi nghi ngờ về quan hệ tỷ lệ thuận của chúng. Với đại gia của trường ca, thơ dài như Mayakovsky, Ginsberg, Trần Dần, Hữu Loan… thì nó đúng. Các đại gia khác của trường ca, thơ dài như Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh… cũng là những nguồn tinh thần phóng túng? Vụ đó, đây không rành đâu à nha! Nhưng dám “4 xuya” rằng “phóng túng” đâu thể là tiêu chuẩn để vô các ghế Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng, Bộ trưởng Văn hóa, Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam… Viết đến đây, tôi mong mình được tái sinh – dù chỉ vài giây - khi nào có được quốc gia có lãnh tụ là các trường ca gia! Quốc gia đó có lẽ là quốc gia ảo.
Nguyễn Đức Tùng: Làm thơ và đọc thơ có khác nhau không? (Xin ví dụ: Trong khi anh rất cởi mở với những người viết mới, có khuynh huớng táo bạo, thậm chí hoàn toàn đồng cảm với họ, hoặc cổ vũ họ; người đọc kỹ thơ anh lại thấy cái vững chãi của một sự thụ cảm có tính cổ điển.)
Đỗ Quyên: Tôi nghĩ là, thông thường, hai việc đó khó có thể khác nhau. Nhân quả hay quả nhân gì đó: “Hãy nói cho tôi biết bạn đọc/viết cái gì, tôi sẽ nói bạn viết/đọc thế nào?” Ở ví dụ anh nêu, vế đầu thì “chăm phần chăm” rồi! Vế sau, cám ơn anh đã “khen”, và - giữa hai chúng ta thôi nha - cứ cho nó là đúng đi thì hai vế này không cãi nhau. Phải có “cái vững chãi của một sự thụ cảm có tính cổ điển” thì mới thật sự “cởi mở với những người viết mới, có khuynh huớng táo bạo, thậm chí hoàn toàn đồng cảm với họ, hoặc cổ vũ họ”. Để rõ ý, tôi sẽ xài lại chính cách anh nói trong một trao đổi ngoài lề về ý định của anh cho phỏng vấn này: khi làm thơ, tôi những muốn thơ mình đạt đến
chuẩn mực của phóng túng và phóng túng của chuẩn mực.”
À này, dường như câu hỏi anh đặt ra nó “thông minh” hơn người hỏi đấy!
“Làm thơ và đọc thơ có khác nhau không?” – câu hỏi đó hàm chứa cả hành trình văn hóa khi đọc thơ và làm thơ. Bài “Thơ thời gian’’ có nói đến “đạo thơ” là vậy. Tôi rất để ý vụ thói quen đọc và làm thơ ở những nhà thơ khác nhau. Cũng như sự hình thành phong tục ở một dân tộc: thoạt đầu là thói quen đối xử và hành sự với thơ, lâu ngày thành tập quán thơ của người đó. Với tôi, trước khi đọc thơ và làm thơ thế nào cũng phải cần một khoảng thời gian, không gian để “dọn mình”. Có khi chỉ vài ba giây ôm đầu cúi mặt dụi mắt, có thể cũng là cả buổi cuối tuần lăng xăng dọn đi dăm cái này trên bàn, bỏ ba chuyện ruồi bu kia trong đầu ra, cũng tới mức kiếm cớ hoặc mình “phải bỏ nhà” hoặc “lùa vợ con đi shopping” vài tiếng… Các ông đồ trước lúc động đến chữ thánh hiền thì dậy từ sớm giữ tay sạch sẽ, thay áo mới vấn khăn đẹp, sai học trò thằng mài mực, đứa pha ấm trà ngon. Các nhà sư trước khi hành lễ cũng có thủ tục nhà Phật. Cô gà mái mắc đẻ, chú gà trống sắp đạp mái cũng cứ lăng xăng như thế! Trước khi làm thơ mà được một cái góc nhà tôi tối, nằm mở mắt không nghĩ gì không nói gì không nghe gì thì nhất trần đời! (Mới đây tôi đọc thấy Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng nói về sự “dọn mình” na ná vậy trước khi hành văn.) Có một số bài thơ hay, tập thơ hay (không đọc lại thì chắc chết!), tôi thường dành chúng vào góc cao cao nơi tủ sách hay một folder “quý” trong máy và chỉ lấy ra đọc sau những khoảng thời gian, không gian dọn mình. Làm thơ là mình làm ra món ăn. Đọc thơ người khác là mình ăn món ăn do người khác làm. Tất nhiên, chu trình kỹ thuật thì đối ngược, như thái độ ẩm thực thơ là một.
Nguyễn Đức Tùng: Anh có thường viết đi viết lại một câu thơ, một đoạn thơ, hay cả một bài thơ không? Xin cho nghe một câu thơ hay một bài thơ mà anh sửa đi sửa lại nhiều lần với cảm giác khổ sở? Sửa đi sửa lại nhiều lần với cảm giác sung sướng?
Đỗ Quyên: Trời! Có chứ! Toàn bộ ý này của anh, và của biết bao câu hỏi về chuyện sửa, viết lại thơ đã từng được Martin Lammon lý giải sao mà tuyệt vời. (Web
Tạp Chí Thơ, 08.02.2006, đã dịch đăng ở bài "Phất lá cờ tu chỉnh"
http://www.tapchitho.org/wpages/p060208.htm). Đọc xong, tôi đã hét lên trong bài "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng tu chỉnh" viết liền hai đêm (rồi cho chạy trên trang Web đó, ngày 23.02.2006,
http://www.tapchitho.org/wpages/p060223.htm). Tôi thua nhiều người làm thơ khác là chưa viết lại được cả một bài thơ cho hay hơn. Gần bốn năm nay, tôi nợ tôi và nợ “nhân vật thơ” của tôi hai chương kết của trường ca
Biển đỡ: Đang làm dở, bỗng vì sao đó mà bị tạm ngưng cả tháng. Rồi không có cơ hội làm tiếp, dù đề cương của hai chương vẫn còn đấy. Nhiều khi, rỗi hơi, tức quá, mở bài ra thì lại chỉ sửa câu này chỉnh chữ kia lăng nhăng vậy thôi mà không hoàn thành được cả bài. Cảm giác sướng-khổ khi sửa thơ cũng như khi làm tình vậy! Sướng đấy, khổ đấy! Những người đang nhập trận tình thường kêu: “Ôi, anh sướng! Nữa đi em!” hoặc “Khổ em quá! Đừng, đừng anh. Một lần này thôi!” Nhưng, chẳng hề có chuyện “Một lần này thôi!” bao giờ: cổ kim đông tây các câu thơ vẫn hành hạ thi sĩ bằng sự bất an (khổ sở) ở người sáng tạo muốn chiến thắng sự bất toàn (sung sướng) của chữ nghĩa.
Nguyễn Đức Tùng: Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? Hình ảnh? Âm nhạc? Vần điệu? Ngôn ngữ?
Đỗ Quyên: Hiểu ý anh, nhưng chữ “âm nhạc” ở câu hỏi tôi thấy không trúng lắm! Khi làm thơ, tôi muốn tất cả là quan trọng: hình tượng, nhạc tính, âm điệu, vần nhịp, ngôn ngữ, ý tưởng, cấu tứ, thể loại… Có bà mẹ nào sắp sinh con lại không nghĩ con mình vừa đủ chân đủ tay như con cái nhà người, vừa đẹp như thánh lại thông minh như thần, vừa mạnh như voi lại ngoan như ma soeur? Cả khi người mẹ biết mình và người ăn nằm cùng mình không đủ gene chứa các phẩm chất ấy.
Với tôi, nói chung, yếu tố làm nên thơ là nhạc tính (Cũng có thể gọi là nhạc điệu. Chữ “điệu” là ăn theo nhưng mang ý nghĩa khác nhau trong hai tập hợp “vần điệu” và “nhạc điệu”.) Còn đọc thơ người khác, tôi chú ý: ý tưởng ở “thơ Tây”; cấu tứ ở “thơ Tàu”; nhạc tính ở “thơ ta”. Có lẽ vì tôi chỉ đọc được thơ Tây thơ Tàu qua bản dịch; không biết nếu đọc được nguyên bản tôi có xét nét thơ người ta theo như thơ ta hay không? Tin là vậy: của người hay của mình, bản chất thơ giống nhau. Nhưng cái “chất” đó khi bị chuyển dịch qua ngôn ngữ khác nó vong “bản”. Khác văn xuôi, cũng là nghệ thuật ngôn từ, thơ không hề thoải mái cởi mình sang một ngôn ngữ khác.
Nguyễn Đức Tùng: Anh vừa chạm đến một khái niệm quan trọng thường làm tôi rất băn khoăn. Các nhà thơ Việt Nam thường nói đến “tứ thơ” (hay cấu tứ, trong câu văn của anh ở trên). Hồi nhỏ, tôi vẫn cứ yên chí rằng tứ thơ là một khái niệm phổ quát (universal), có tính toàn cầu. Sau này đọc các lý luận văn học bằng tiếng Anh, tôi mới ngẩn người ra: hình như tứ thơ là một khái niệm thuần túy Việt Nam. Một số tác giả như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Hưng Quốc… cũng tìm cách định nghĩa nó, mỗi người một kiểu. Tôi tự hỏi: tứ thơ phải chăng là một sáng tạo Việt Nam, đóng góp vào kho tàng nhân loại, hay thật ra là một khái niệm ảo?
Đỗ Quyên: Lớn chuyện rồi! E riêng câu hỏi này đủ làm bàn tròn thảo luận. Cho tôi “cướp micro” ở ba ý:
- “Cấu tứ” thơ hơi khác “tứ” thơ, ở chỗ vừa là tứ thơ (ý hay hình tượng chủ đạo toàn bài thơ) vừa là “ban tổ chức” trong một bài thơ, hay quen gọi là cấu trúc, kết cấu bài thơ. Tôi còn nhớ, hồi học lớp 7-8, trong nhà có cuốn sách Cấu tứ trong thơ trữ tình, dịch từ tiếng Trung Quốc của một nhà phê bình nào đó nổi tiếng lắm (Quách Mạt Nhược cũng nên?). Cuốn sách để lại cho tôi nhiều nhớ nhung về cấu tứ thơ, về tứ thơ. (Nhưng không vì cuốn đó là của người Tàu mà tôi nghĩ cấu tứ là đặc trưng của thơ Tàu đâu!)
- Tôi không nỡ nghĩ rằng cấu tứ, tứ thơ là khái niệm riêng của Trung Hoa, Việt Nam. Nếu anh đúng thì có lẽ trong lý luận thơ tiếng Anh, tứ thơ không được khu biệt như ở chúng ta chăng? Vụ này tôi không hiểu lắm. Thua!
- Các tác giả anh vừa nêu và không ít người khác, bàn đến tứ thơ trong một quan niệm thẩm mỹ kinh điển, với ý niệm về làm mới thơ chưa tới Thanh Tâm Tuyền, dừng tại một số bài “hiền hiền” ở Trần Dần. Mười lăm năm nay, với một số sáng tác cách tân của Lê Đạt, Hoàng Hưng, nhất là với Đặng Đình Hưng, Dương Tường rồi tới Thơ Tân hình thức Việt, Thơ hậu hiện đại Việt (nổi đình đám là nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời), các tiêu chí độc lập như: nhạc tính, âm điệu, vần nhịp, hình tượng, ngôn ngữ, ý tưởng, cảm xúc, chất liệu, thể loại, v.v… - không còn giá trị độc lập nữa. Nhiều khi phải có tổ hợp (tuyến tính, rồi cả phi tuyến!) của chúng để tạo tiêu chí mới, thích ứng. Nhưng cấu tứ, tứ thơ thì vẫn còn đó. Tôi tin rằng tứ thơ, cấu tứ thơ chính là dấu vết cuối cùng để nhận biết đó là “thơ” hay “không thơ” trong các bút pháp có tính hậu hiện đại. Chấp cả các loại hình như thơ cụ thể, thơ hình ảnh, thơ âm thanh, thơ điện tử của Lê Văn Tài, Đặng Thân, Huỳnh Lê Nhật Tấn… nữa đấy! Hay tính cả một loạt các nhà thơ thơ hình ảnh Nam Mỹ đang giăng hàng xếp lối trên Web Tiền Vệ! Các bạn Cái Bang Mở Miệng ơi, yên tâm đi, với những nhại nhái, collage cùng lô xích xông các nguồn các “xuộc” này nọ thì Đỗ tui vẫn túm ra ngay tứ thơ của các bạn như gái phấn hoa nhìn túi tiền khách chơi!
Vụ thảo luận về thơ Nguyễn Thúy Hằng trên talawas mấy bữa hổm (mà ở bài phỏng vấn gần đây,
anh và Nguyễn Viện cũng “xía vô”),
Nguyễn Chí Hoan,
Nguyễn Thanh Sơn,
Đỗ Minh Tuấn,
Hà Hữu Nga đã cho một ví dụ đẹp. Ba bốn vị ngồi vắt vẻo ở ba bốn hệ quy chiếu khác nhau, óc rung rinh ba bốn mỹ học của mình, tim nhâm nhi một bài thơ: thi đàn đại loạn, văn nhân tạo phản là phải! Chả nghe thấy Nguyễn Thúy Hằng đâu, chỉ thấy “Thế này mà là thơ à?” hoặc “Thế này mới là thơ chứ!” của các diễn đàn viên. Tôi mà là xếp sòng à? Tôi mời quý vị chìa tiêu chí thơ của mình ra thì mới cho “mở đài”. Ông nào bà nào cùng một tiêu chí bình luận thì hẵng đối thoại. Loại cà nhây kiểu “tiêu chí thơ của tui là hổng có tiêu chí gì sất!” cũng có bàn đặc biệt, với các em chân dài cầm micro! Chốt lại: nếu lấy cấu tứ làm visa để nhập bàn tròn thảo luận, tôi bỏ phiếu
yes cho vụ “thơ hay không thơ” ở Nguyễn Thúy Hằng. Nhưng thơ đó chưa hay, nói rõ hơn là: thơ đó chưa có bài hay, với tôi, kể cả tác phẩm thứ 35 mà
Hà Hữu Nga diễn dịch công phu tôi cũng đọc hơn ba lần (là nói chuyện đọc bài 35 đó thôi; chớ mà đọc hơn ba lần bài của Hà Hữu Nga thì bi giờ anh có thêm một bịnh nhân mới rồi!) Lối thơ Nguyễn Thúy Hằng hoàn toàn chiếm được “credit” từ tôi: làm mới hoàn toàn về cách tạo cấu dựng tứ. Cho tôi tin là lối đi Nguyễn Thúy Hằng đã chọn đang trở nên một con đường. Muốn nó hóa thành sinh lộ - tạm hiểu là đẻ ra được thơ hay - của thi ca thì tác giả còn phải “work” với nó nhiều, nhiều nữa. (Để hiểu đúng chữ “hay” ở vụ Nguyễn Thúy Hằng, xin nói thêm: có - vài bài trong lối thơ ở Mở Miệng tôi chịu là “hay”.) Trong bài vừa treo trên eVăn hôm 3-7-2006,
Dương Tường nâng điểm khuyên là: “Bộ ba tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng -
Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý - là một cố gắng đề xuất một cách đọc mới với một lớp độc giả mới. Chất đương đại ở Nguyễn Thúy Hằng thể hiện rất rõ”, và hạ điểm sổ với khá nhiều tác giả của “văn học trẻ” trong nước vài năm qua. Tôi vẫn nhủ rằng cái câu kết “Tôi luôn nghĩ các cây bút trẻ phải khẳng định mình bằng tác phẩm, bằng sức bền, nhưng trong cơn sáng tác có đôi khi cũng nên dừng lại để nhìn lại mình” trong bài đó, trước hết, là dành cho Nguyễn Thúy Hằng. Chớ còn các “cây bút trẻ” kia (Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh) thì họ cũng đã “làm theo lời Bác” Dương nhiều lần rồi thì phải!
© 2006 talawas