trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: ThÆ¡ đến từ đâu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25 
11.10.2006
Lý Đợi
ThÆ¡ Ä‘ến từ Ä‘âu 
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
 1   2 
 
Nhà thơ Lý Đợi
Nguyễn Đức Tùng: Xin cho xem bài thơ mới nhất của anh.

Lý Đợi: Tác phẩm thơ mới nhất của tôi được hoàn tất ý tưởng để thực hiện hôm ngày 8/9/2006, trong dự án Nghệ thuật công cộng 1m2 được phát xuất từ Huế, chủ dự án là hoạ sĩ Trương Thiện. Đây là dự án nhằm mở ra một không gian trưng bày ngoài trời, thích nghi với môi trường và công chúng. Dự án là bước đi đầu tiên trong việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật công cộng trong tương lai với 2 tiêu chí: 1) Bất cứ không gian nào cũng có thể trở thành không gian nghệ thuật. 2) Bất cứ ý tưởng nào cũng có thể trở thành hiện thực.

Thường thì mỗi tuần, tôi làm một tác phẩm nhưng từ ngày 8/9 đến nay, vì phải bắt tay vào trả lời bài phỏng vấn to tát của anh, tôi gần như không làm được gì cả. Bài phỏng vấn đã làm tôi hư hỏng chăng?

Nguyễn Đức Tùng: Ý tưởng của tác phẩm này?

Lý Đợi, tác phẩm “Lời hứa của Doi Ly”, thực hiện từ lúc 11h17 sáng đến 11h18 (trong 1 phút) trưa ngày 14/9/2006 tại cầu vượt Quang Trung 1, đường Tô Ký, quận 12, Tp. HCM. Ảnh: Bùi Chát.
Lý Đợi: Với phần lớn các nhà thơ [tạm gọi là] đương đại ở vỉa hè Sài Gòn, tác phẩm là một chuỗi các thể nghiệm liên tục, ẩn chứa nhiều cách làm khác [mà cụ thể là khác với quan điểm của Hội Nhà văn, Ban Tư tưởng Văn hoá…] thì việc tìm một chỗ để trình diễn thơ thật không dễ. Theo chủ quan, tôi tự cho phép mình cũng nằm trong hệ lụy của những tác giả đó, nên thấy cần thiết phải trả lời. Hiện nay, tôi đang sống và sinh hoạt tại La Hán Phòng với diện tích 16m2, cùng Bùi Chát, có sự lui tới của Khúc Duy, tại Sài Gòn, có nhà vệ sinh riêng lớn hơn 1m2 một chút. Chẳng lẽ tôi phải trình diễn thơ trong ấy? Thì trình diễn cũng được, chẳng có gì quan trọng, nhưng theo yêu cầu của dự án thì không gian đó phải là nơi công cộng. Vậy thì tôi phải làm sao? Chắc tôi phải cướp lấy 1m2 sát cột cờ, trụ đèn xanh đèn đỏ, ở một ngã ba hay ngã tư đường nào đó để trình diễn thơ trong một phút. Một phút thì không đủ cho một tác phẩm thơ, nhưng cũng đâu có sao, của chung mà… tham nhũng, móc ngoặc biết bao nhiêu cho vừa. Với lại cưỡng chiếm nhiều quá cũng không tránh khỏi nguy hiểm; với nhóm Mở Miệng thì những điều này không còn quá xa lạ.

Trong tác phẩm này tôi không thể cưỡng chiếm hay tước đoạt được bất kì một trụ đèn xanh đèn đỏ nào, bởi ở đó, lúc cao điểm đều có nhân viên công vụ (cách gọi cảnh sát giao thông một cách hoa mỹ) đang làm việc, gây cản trở thì sẽ bị phản kháng. Những vụ cựa quậy kiểu này thì đội đặc nhiệm 113 sẽ có mặt trong vòng 15 phút, rắc rối trăm bề, trong khi ý đồ của tác phẩm thì không phải vậy. Tôi đành nghĩ đến cầu vượt Quang Trung 1, được xem là giải pháp cho tình trạng giao thông vốn đần độn, bế tắc như thành phố Hồ Chí Minh có một chút sáng của tia hi vọng. Nó cũng giống tình trạng các nghệ sĩ Việt Nam, vốn amateur và bảo thủ, thì một số ít trong ấy cũng đang tìm cách vượt thoát ra khỏi tình trạng kẹt xe, khói bụi trong tư tưởng và sự tự do của “cầu vượt”, của đi ngang về tắt. Nơi đây cũng gần với công viên Phần mềm Quang Trung, nơi có thể là một trong số ít những tiếng nói nhỏ bé của trí tuệ trẻ Việt Nam với quá trình hội nhập WTO, vốn còn rất à ơi, bất cập và xa vời.

Nguyễn Đức Tùng: Anh giải thích như thế nào về một nhà thơ mặc áo quần giống y chang công chức trong tác phẩm của mình?

Lý Đợi: Nếu cho rằng nghệ sĩ là người đại diện cho tự do thì họ mặc quần áo kiểu gì mà chẳng được. Ngay cả khi không mặc cũng chẳng sao, anh đã xem bìa 1 tập thơ Ê, tao đây của Nguyễn Quốc Chánh chưa? Ở đó, anh ta tự cởi truồng đứng trước gương, cặc của anh bị máy hút bụi nuốt vào ống hút (giống tình trạng đang đụ với robot, đang thủ dâm, hoặc đang bị cưỡng dâm…), rồi anh ta chụp hình lại, xử lý một chút trên photoshop cho nhạt nhoà, cuối cùng thì thành bìa tập thơ.

Vấn đề tôi muốn nói qua tác phẩm của mình rằng: Hoặc là nhà thơ, nghệ sĩ đang bị công chức hoá, bị cưỡng dâm từ hình thức tự thân đến ý tưởng và cả tác phẩm. Hoặc các nhà thơ, nghệ sĩ bị tống ra đường giữa trưa nắng, như bọn điên khùng, muốn làm gì thì làm (tất nhiên chỉ trong 1 phút – gọi là ban phát 1 chút tự do ảo tưởng). Hoặc tất cả công chức, giới chức, và trí thức Việt Nam… đang bị tình trạng (hay đúng hơn, đang tự nguyện chấp nhận tình trạng) bịt miệng nhưng lại thích đọc thơ, thích phát ngôn. Thế mới ghê!

Nguyễn Đức Tùng:Trong hai tờ giấy anh cầm trên tay, có vẻ chăm chú đọc, có chữ nghĩa gì không?

Lý Đợi: Một phút thì đọc được cái mẹ gì. Tất cả những gì xuất hiện trong tác phẩm đều được tôi sử dụng trong những trường hợp bình thường khác; đây là trường hợp không bình thường – trình diễn thơ một phút. Tuy nhiên, tác phẩm thơ mà tôi muốn trình diễn thì vẫn có, đây là nguyên văn:

Lời hứa của Doi Ly

bấy giờ ta sẽ làm cho Môi Miệng chư dân nên tinh sạch
để tất cả đều kêu cầu danh Nhân quyền
và kề vai sát cánh phụng sự Đổi mới…

ngày ấy, các ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn
vì mọi hành vi ngang trái chống lại Độc quyền
bấy giờ, ta sẽ đuổi cho khuất mắt các ngươi
những kẻ kiêu căng đắc thắng
những kẻ ôm mộng toàn trị
và các ngươi sẽ không còn nghênh ngang hay luồn cúi
trên xứ sở của những người mất tự do
ta sẽ cho sót lại giữa các ngươi những con dân nghèo hèn và bé nhỏ
để các ngươi khoe mẽ về Nhân quyền
về Toàn cầu hoá
về Bản sắc dân tộc
về các trò hù doạ trong y tế
và cả chuyện tù đày…

ta cũng sẽ cất khỏi các ngươi những tai hoạ
khiến các ngươi không còn phải ô nhục
ta cũng sẽ trừng phạt những kẻ đã hành hạ các ngươi
ta cũng sẽ tập hợp những ai đi lạc
ta cũng sẽ cho các ngươi được vinh danh
và ngợi khen ngay giữa các sắc dân trên cõi đất
ngày ta đổi vận mạng cho các ngươi
ngay trước mắt các ngươi – như là một lời hứa
lời hứa của Doi Ly…

lời hứa tiếp nối lời hứa
lời hứa của truyền thống
lời hứa của hiện nay…
các ngươi hãy cứ tiếp tục tin đến hết đời của mình – hơn sáu mươi năm cuộc đời
hãy tiếp tục tin và hãy tiếp tục nhớ rằng các ngươi đã được hứa
một lời hứa không đến từ Hư vô
mà đến từ Hiện thực, một hiện thực không bao giờ có thực
hiện thực không bờ bến…

tất cả các lý do ấy quy về:



(Nguồn: Xp 3, 9:20)

Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ này thú vị lắm. Xin anh mô tả thêm một chút về dự án Nghệ thuật công cộng 1m2 tại Huế để người đọc có thể hình dung rõ hơn về tác phẩm của anh?

Lý Đợi: Tôi làm gì mà đủ thẩm quyền để mô tả. Chủ dự án này mô tả như sau: Dự án 1m2, bước một, lấy không gian và bối cảnh ở Huế (mang tính địa phương) và các địa điểm cụ thể được chọn trước, ví như ở Sài Gòn.
  • Dự án chọn 1m2 ở công viên Mùng 3 tháng 2, bên cạnh bờ nam sông Hương, làm tiêu điểm, bởi ở đó sẽ có nhiều nghệ sĩ tham gia nhất.

  • Dự án xác định những nghệ sĩ làm việc với dự án này có thể ở Huế hoặc không ở Huế.

  • Dự án xác định tiêu chí chọn lựa tác phẩm trong bước một là:

    1. Không giới hạn ý tưởng
    2. Không giới hạn chất liệu thể hiện
    3. Giới hạn không gian là 1m2
    4. Giới hạn thời gian là 1 ngày, 1 buổi, 1 tiếng hoặc 1 phút cho mỗi tác phẩm
    5. Giới hạn chủ đề: Tránh các vấn đề nhạy cảm.

  • Dự án xác định loại hình nghệ thuật trong dự án là Sắp đặt và Trình diễn.

  • Dự án xác định công chúng là những người ở Huế, hoặc không ở Huế, khách tham quan du lịch và khách vãng lai.

  • Dự án xác định trách nhiệm tự kiểm duyệt tác phẩm của mỗi tác giả.

  • Dự án cũng dự trù một vài phát sinh tất yếu.

Nguyễn Đức Tùng: Anh nghĩ ý nghĩa thực sự của dự án này là gì?

Lý Đợi: Với tôi thì dự án này có 2 ý nghĩa chính: Thứ nhất, đó là dịp để mình tư duy về một tác phẩm từ xa, Sài Gòn và Huế cách nhau hơn 1000km. Qua đây, mở ra khả năng liên kết của một cộng đồng nghệ thuật rộng rãi, không phân biệt. Thứ hai, đây là cái cớ thích hợp để tôi trả lời bài phỏng vấn của anh, chứ chẳng lẽ cứ trả lời khơi khơi, không căn cứ vào một điều gì cụ thể. Tôi hay tư duy theo sự kiện mà.

Đó là về phần tôi. Chứ dự án 1m2 có nhiều tham vọng về ý nghĩa như sau:
  • Dự án nhằm chiếm dụng, mượn một không gian công cộng trong một thời điểm nhất định, không gian này đã không tồn tại và được sử dụng cho mục đích nghệ thuật. Và vì đã không có một không gian nghệ thuật dành cho các hoạt động nghệ thuật “đương đại”.

  • Các không gian kiểu cũ cho trưng bày không đáp ứng các khả năng thích nghi của tác phẩm, tác giả [đương đại] liên lạc, liên kết và trao đổi với công chúng.

  • Phát huy các khả năng thể hiện, thể nghiệm tác phẩm một cách đơn giản hơn, không thông qua các vấn đề thường cản trở tiến trình thể hiện tác phẩm: kiểm duyệt, chọn lựa, tổ chức, thời điểm….

  • Phát huy khả năng tự kiểm duyệt tác phẩm của tác giả, liên hệ của tác phẩm với công chúng và trách nhiệm của tác giả với tác phẩm và công chúng.

  • Đánh giá công chúng ở một tầm mức cao hơn về cách công chúng tiếp cận nghệ thuật đương đại; tham gia vào tác phẩm, và cả tác động đến tác phẩm.

  • Liên kết với các không gian trưng bày kiểu cũ chứ không nhằm chống lại các không gian đó.

  • Hạn chế các tác phẩm trong 1m2 là khá nguy hiểm, vì dự án nhằm tránh một định dạng cụ thể với cơ chế cũ nhưng lại rơi vào một định dạng mới, ít nhất là về hình thức không gian. Nhưng ý nghĩa của 1m2 nằm ở chỗ: chúng ta thậm chí khó có thể có 1m2 để làm nghệ thuật “đương đại” mà không bị điều kiện, điều khiển bởi điều gì.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi được biết anh còn nhận lời tham gia một triển lãm-không gian phá cách tại Hàn Quốc, có tên là Bước trong hoà bình (PACE ON THE PEACE). Anh có thể nói rõ về điều này? Và tác phẩm của anh đã làm?

Lý Đợi: Tôi đã nhận lời tham gia và đã gởi tác phẩm nhưng dự án dành cho các nghệ sĩ trẻ của Hàn Quốc và Việt Nam này chưa diễn ra. Theo dự kiến, nó sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 31 tháng 10 năm 2006, tại thành phố Anyang, với 3 hình thức thể hiện chính: tranh vẽ, video art, và mail art. Dự án này là cách để các nghệ sĩ trẻ nhìn lại [nhìn khác đi định kiến cũ] cuộc chiến Việt – Mỹ, mà trong đó có sự tham gia của lính đánh thuê Hàn Quốc, vốn nổi tiếng bạo tàn. Có thể tham khảo về dự án và triển lãm này tại: http://www.stonenwater.org/.

Thông tin mà tôi muốn chuyển đến người xem trong tác phẩm này là:

Tên tác phẩm mới: Chiến tranh các vì thơ
Tác giả mới: Lý Đợi
Tên tác phẩm gốc: Sứ giả Ichigo
Tác giả cũ: Tite Kubo

Tập truyện tranh mới này dùng thủ thuật cắt dán, tẩy xoá và thay đổi nội dung một phần nhỏ trong tập 7 của bộ truyện tranh Sứ giả Ichigo, có tên tập là Lưỡi gươm công lý.

Tại Việt Nam, trong khoảng hơn 10 năm qua nổi lên một làn sóng: truyện tranh Nhật Bản và phim truyền hình Hàn Quốc được du nhập ồ ạt. Mà nói theo ngôn ngữ của các nhà xã hội học thì để chống lại hay hoá giải cuộc chiến này cũng khá mệt mỏi, khốc liệt. Kinh tế và công nghệ giải trí đang “xâm lược” vào Việt Nam. Vậy là với mỗi thế hệ, tuổi trẻ Việt Nam lại bị bắt buộc phải đối diện với một cuộc chiến kiểu mới.

Tập truyện mới của tôi có dùng để đọc được không? Chắc là không! Dù nó đầy đủ hình và chữ. Nhưng nó vẫn có tham vọng kể câu chuyện về một trong các nhà thơ của Việt Nam được mời sang Hàn Quốc để trình diễn thơ. Theo dự định, nhà thơ này sẽ đọc những bài thơ bằng tiếng Việt của mình ở trong một hồ cá lớn, mọi người đứng ngoài xem. Kế tiếp, anh ta sẽ làm thơ [theo kiểu cắt dán] bằng tiếng Hàn, dù anh ta không biết một chữ Hàn nào hết, rồi dán những bài thơ này lên tường, lên đá.

Tên mới của tập truyện này lấy cảm hứng từ tên một bộ phim đang rất ăn khách hiện nay, Stars War. Lấy tên to tát như thế là để lừa người đọc vào một chủ đề nghe rất đại tự sự. Càng đại tự sự hơn khi bạn bị cách ngăn bởi ngôn ngữ và có ý tò mò. Nhưng nếu đọc được tiếng Việt, bạn sẽ thấy rằng tập truyện này chẳng có ý nghĩa gì cả, thậm chí rất nhảm nhí. Như kiểu các nghệ sĩ hay nói: Cuộc chiến này vô nghĩa; chiến tranh là nhảm nhí.

Vậy thì tôi làm tập truyện để làm gì? Gợi ý một thao tác dễ cho những ai muốn làm khó nhưng không đủ khả năng. Nghệ thuật dễ cho những người bất tài hoặc cho những người có tài làm dễ. Ví dụ như khả năng hạn chế của tôi là không vẽ được truyện tranh, vậy thì, tôi lấy một truyện tranh có sẵn, tẩy xoá một ít nội dung cũ và viết nội dung mới của mình vào. Cách làm này cũng có thể tạo ra một cuộc chiến: cuộc chiến về bản quyền! Vậy là tôi đã có được chiến tranh theo kiểu được chủ động tạo ra.

Lý Đợi, Chiến tranh các vì thơ, Nxb Giấy Vụn, 8/2006

Trong một không khí mà nhiều người tin rằng Việt Nam vẫn còn mang âm hưởng của chiến tranh, bằng một việc làm dễ, ai làm cũng được, tôi cho đây là cách nhìn của bản thân về chiến tranh. Chiến tranh kiểu mới, chiến tranh của một người trưởng thành sau năm 2000 tại Việt Nam.

Nguyễn Đức Tùng: Theo anh, thơ đến từ đâu?

Lý Đợi: Làm sao tôi biết được! Bởi nếu nhìn theo quan điểm sẵn có trong cộng đồng văn học, văn hoá và tư tưởng tại Việt Nam thì tôi là người hoàn toàn không có đủ thẩm quyền đề trả lời. Nếu nhìn theo quan điểm ấy thì tôi không làm thơ.

Còn hiện nay, thơ đến từ đâu ư?

Nhiều người nói rằng đa phần (đến hơn 90%), thơ không đến từ hội viên (hay chuẩn bị là hội viên) của các hội văn học, từ trung ương xuống địa phương, (cả nước có khoảng 10 ngàn người). Những người khác thì nói rằng, thơ không đến từ các tập thơ được xuất bản chính quy, trong 6 năm qua (kể từ năm 2000 – từng dự đoán là cột mốc của tận thế), do mừng thoát chết, mỗi năm có khoảng 1.200 tập thơ được in ra, vị chi mỗi ngày khoảng 3 tập. Và cũng có khoảng 1.100 tập [nói khiêm nhường] trong ấy là đáng vứt đi. Còn những tác giả đơn lẻ khác, được xem là có cách tân, đổi mới thơ [và thường thì tác phẩm không được xuất bản chính quy] thì bị xem là bọn lai căng, dậm cứt phương Tây, phản động, đồi trụy… không đáng lưu ý.

Thơ, cũng có thể nói chắc chắn rằng, không đến từ hơn 10 triệu công an, quân đội, công chức, người ăn lương nhà nước. Đội ngũ này cũng có người làm văn học, nhưng đa phần thì không hoặc tưởng rằng mình có am hiểu về văn học, vậy là đủ rồi. Với đội ngũ này, mỗi dịp quốc khánh, lễ lạt hay tết nhứt…, mỗi người được thưởng khoảng 100 ngàn đồng [thường thì cao hơn nhiều lần], thì lấy 10 triệu nhân cho 100 ngàn lần thì số tiền mà nhân dân phải gánh, nhà nước lấy từ thuế chi ra cũng đủ là một bài thơ hoành tráng đến dễ sợ rồi. Vậy nhưng hơn 10 triệu người vẫn đòi và vẫn được tăng lương mỗi quý, mỗi năm. Với gánh nặng này, người dân có còn thời gian để làm thơ nữa chăng?

Thơ, cũng rõ rồi, không đến từ hơn 24 triệu học sinh phổ thông, và gần 6 triệu người khác đang phải đi học bổ túc, trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học, tiến sĩ, tu nghiệp… và tại chức. Toàn thể cộng đồng người Việt trên thế giới có khoảng 90 triệu người [nói quá một chút] thì có đến 1/3 là người “cắp sách đến trường”, đông hơn bất kỳ một tôn giáo, tổ chức hay đảng phái nào của cộng đồng này. Mà giáo dục trong nước thì biết rồi, bị nhồi sọ triệt để, những người đi học còn tâm trí đâu mà làm thơ, dù cũng có nhiều “tác phẩm” được sản xuất ra từ lực lượng này.

Còn hiện nay, thơ đến từ đâu ư? Có lẽ đến từ hơn 5 triệu người bị tàn tật [tôi xin lỗi khi phải nói điều này], vì có vẻ như họ có đủ thời gian để suy nghĩ, và tìm cảm hứng. Hay có lẽ đến từ một vài người điên bị xã hội, bị định chế, bị pháp chế… cho lạc rơ. Nhưng ai biết được, mỗi người sẽ có một cách lý giải, một hướng giải quyết – anh nên hỏi thêm những người khác vậy.

Nguyễn Đức Tùng: Vậy thì điều gì trong sinh hoạt thơ và văn học nghệ thuật (Việt Nam) hiện nay làm anh hứng khởi và hài lòng nhất?

Lý Đợi: Đó là sự vong hoá gần như toàn bộ; đó là nguy cơ đổ sụp về văn học, văn hoá, thẩm mỹ và tư tưởng… của người Việt. Điều này có chịu ảnh hưởng ít nhiều của thể chế, của cục diện thời đại, của sức ép từ bên ngoài, nhưng lý do dễ thuyết phục nhất chính là ở tự thân mỗi người. Cách đây vài hôm, tôi thấy khoảng hơn 100 phụ nữ Bến Tre biểu tình đả đảo chủ tịch tỉnh, họ đi trên đường một chiều Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc biểu tình này kéo dài nhiều tuần, kinh qua nhiều địa điểm trọng yếu, có công an chìm đi theo; khi họ đã đi qua khỏi một cơ quan hữu trách nào đó thì nơi ấy dựng lên các tấm biển đỏ chữ vàng kiểu: Cấm tụ tập, buôn bán, quay phim chụp hình… Mọi việc đã không được giải quyết, người ta chỉ làm lơ như thể bị câm điếc, mù loà vậy. Trong khoảng 5 năm qua, thỉnh thoảng cũng có những cuộc biểu tình yếu ớt như thế và các tấm biển đã liên tục được dựng lên sau khi họ đi qua. Đấu tranh đòi công lý, sự dũng cảm đòi tự do, dân chủ, đòi quyền được sống theo pháp luật… đã bị thui chột, đã bị vong hoá sâu sắc trong người Việt. Người Việt bây giờ không chỉ nhiều thói hư, tật xấu mà còn rất hèn nhát.

Tôi hứng khởi và hài lòng vì cũng mong muốn mọi việc sẽ trở về với số không, vì biết đâu như vậy lại có thể xây dựng lại. Tuy nhiên, tôi cũng biết đây là một ảo tưởng về một viễn cảnh trong tương lai, chắc không thể gần.

Nguyễn Đức Tùng: Anh có mong muốn gì vào một thể chế chính trị mới hay không?

Lý Đợi: Đó là một ước mơ không tưởng, bởi đa phần các cá nhân trong cộng đồng ấy đã không còn ước mơ và sự đề kháng nữa rồi. Sự hèn yếu và sự ảo tưởng đã giết chết họ. Với những cá nhân như người Việt hiện nay [tất nhiên có cả tôi], thể chế chính trị không còn quan trọng nữa, với sức cạnh tranh - đấu tranh yếu ớt, cấu trúc xã hội thì vừa cồng kềnh, vừa lỏng lẻo, thể chế nào cũng giết chết họ thôi.

Nguyễn Đức Tùng: Đó là lời nói của một người có tâm huyết. Nhưng anh có bi quan quá chăng?

Lý Đợi: Nếu tư duy nước đôi [dạng háng ra, vừa đứng trong vừa đứng ngoài] thì tôi sẽ không bao giờ bi quan, vì thực ra, trong hơn sáu chục năm qua, bối cảnh chính trị và đời sống Việt Nam thực-hư, được-mất thế nào, rất khó phân định. Bởi nếu nhìn từ góc độ nào, sờ từ lát cắt nào thì sẽ thấy con voi thế ấy. Còn người dân thì có vẻ như sau cơn bão chính trị và chiến sự, (nhất là sau 1975), họ đã quá mỏi mệt, không còn thiết bất cứ điều gì, họ chỉ muốn nghỉ ngơi cho lại sức, cho vơi đi mất mát xưa. Tôi nói họ không còn ước mơ và sức đề kháng là nói từ những người dân đen, tận cùng xã hội, cực kỳ thấp cổ bé hỏng, có kêu cũng không thấu, có la cũng không ai nghe. Tôi đang phát ngôn ở vị thế của chính những người dưới đáy cùng ấy, trong tận cùng nỗi đau, sự mất mát, người ta xổ toẹt ra nỗi bi quan tột độ - bằng cách thờ ơ và im lặng. Tôi có cảm giác như sự im lặng sẽ vĩnh hằng.

Còn nếu muốn nói khác đi, nói về những điều tốt đẹp, những dự phóng từ nội lực trong nước, những cựa quậy từ thế lực bên ngoài, những biến cải, đổi mới – thì ai cũng có thể nói được. Xấu che, tốt khoe mà. Tính tôi không muốn nói về những điều ấy, và có nói cũng không được. Tôi cứ xem như mọi việc đã đổ vỡ hoàn toàn, đưa tất cả về số không, từ đó dễ tư duy hơn. Là một người bên lề, tôi không có cơ hội để vào trong các khu vực tranh tối tranh sáng của “nội các”, không có thẩm quyền để phán xét-phân tích-thẩm định và phát ngôn về các chính sách vĩ mô. Cách hay nhất là tôi không công nhận nó, giả định nó không có để xem mình nghĩ được điều gì, làm được điều gì trên sự bề bộn hay trống trơn ấy. Tôi đủ thẩm quyền để tư duy từ vi mô.

Tuy nhiên, nói thì nói như vậy, nhưng tôi quá bất lực và nhỏ bé. Kêu lên vài tiếng cho vui vậy thôi. Tiếng kêu, có khi, cũng chỉ như sự câm nín.

Nguyễn Đức Tùng: Còn điều gì làm anh thất vọng nhất?

Lý Đợi: Với sự “hứng khởi” và “hài lòng” như trên, tôi đã không còn được phép để thất vọng nữa.

Tuy nhiên, vừa rồi, tôi cũng có một chuyện “vui”, đó là câu chuỵên quanh Dự án người đọc. Ngày 28/8/2006 tôi gởi e-mail dự án đến những người đã đọc tập thơ Chữ của Nguyễn Hoàng Tranh [vì anh ta vừa gởi từ Úc về, bởi vậy đưa tập thơ đó vào dự án cho tiện, chứ không phải vì muốn lăng-xê hay nịnh bợ gì] để hỏi một câu duy nhất: “Cảm giác, quan điểm, hay cách nhìn của anh/chị về tập thơ này như thế nào?” Với yêu cầu: “Nếu thấy vui lòng và thuận tiện, mong quý anh/ chị hồi âm e-mail trước ngày 5 tháng 9 năm 2006. Ý kiến trả lời không nhất thiết ngắn dài, khen hay chê; thậm chí cả lý do tại sao không trả lời; mỗi ý kiến sẽ được bảo lưu và đứng độc lập trong bài phỏng vấn nhiều người, xếp theo thứ tự A, B, C…, dự kiến công bố trên Tiền Vệ.” “Thực hiện bài phỏng vấn này để làm gì? Mở ra một dự án, mà qua đó, sẽ lấy ý kiến của chính người đã đọc để nhìn lại những tác phẩm đã công bố trong khoảng 2-3 năm qua. Tất nhiên, theo quan điểm chủ quan là ‘có vấn đề với chính người đọc’. Vì là phỏng vấn và là dự án của người đọc, nên chính tác giả và ban chủ trương Tiền Vệ, nếu đã có đọc, thì hoàn toàn có thể tham gia trả lời.”

Kết quả thì không có ai thấy vui lòng và thuận tiện cả, chỉ có một người duy nhất [Hoàng Ngọc-Tuấn] là có e-mail hồi âm khích lệ, nói rằng: dự án này rất tốt, nên tiến hành; nhưng anh cũng không có ý kiến về tập thơ. Dự án này bị hoàn toàn toàn sụp đổ trong vòng 15 ngày (tính đến ngày 20/9/2006), tôi đành phải “ngậm ngùi” gác lại những tác phẩm của Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Vương Văn Quang, Bùi Chát, Khúc Duy,… và nhiều người khác nữa

Nguyễn Đức Tùng: Anh có nghĩ là mình đã chọn tập thơ của Nguyễn Hoàng Tranh là không đúng, biết đâu mọi người thấy nó không xứng đáng để trả lời?

Lý Đợi: Không. Tôi nghĩ mọi người sợ hệ lụy [cả tốt lẫn xấu] khi trả lời về việc đọc của mình. Ngay cả Nguyễn Hoàng Tranh, vừa là chủ nhân, vừa là người đọc đầu tiên của tập thơ, còn không trả lời, thì làm sao mong ước sự đọc và hồi âm của người khác. Tôi chỉ muốn khảo sát vậy thôi, kết quả thế nào phản ánh cục diện thế ấy. Tuy nhiên, theo tôi, đây là tín hiệu vui, để thấy rằng chúng ta không có việc gì phải trông chờ, phải quá ảo tưởng vào người đọc và vào cả chính chúng ta – người đọc của chính tác phẩm của mình. Đọc và im lặng, nếu có lợi thì chỉ cho chính người đọc; đọc và lên tiếng thì mới có ảnh hưởng đến cục diện chung. Lý do của sự không vui lòng và không thuận tiện này, tôi nghĩ tự thân mỗi người đều có thể trả lời được!

Nguyễn Đức Tùng: Đúng là chúng ta cũng không nên quá ảo tưởng vào người đọc, trong trường hợp này cũng là những nhà thơ, như anh nói. Nhưng ngược lại, tôi nghĩ, trách nhiệm trước hết thuộc về các tác giả. Vì không đọc tập thơ của Nguyễn Hoàng Tranh nên dĩ nhiên tôi không thể có ý kiến gì về tập thơ này. Anh có đồng ý rằng nền thơ Việt Nam hiện nay nói chung chưa chinh phục được người đọc? Các nhà thơ chúng ta bất tài hay vì họ đi quá xa trước đám đông?

Lý Đợi: Tôi thích câu hỏi này của anh: “Các nhà thơ chúng ta bất tài hay vì họ đi quá xa trước đám đông?” Tôi cũng muốn hỏi ngược lại anh và độc giả: “Các độc giả chúng ta bất tài hay vì họ đứng quá xa trước đám nhà thơ?”

Trả lời hai ý này, tôi thấy gần đây Inrasara có viết bài “Cách mạng thơ” và “Khủng hoảng người đọc”. Chúng ta có thể đọc lại bài trên Tiền Vệ.

Theo tôi thì, mối quan hệ giữa nhà thơ – tác phẩm – và người đọc [trên toàn thế giới, chẳng riêng gì Việt Nam] không còn giống như trước. Cho nên những hệ quả mà nó mang lại cũng sẽ khác trước. Còn lý do tại sao ư? Tôi nghĩ riêng ý này cũng đủ để chúng ta làm một nghiên cứu khoa học trong nhiều năm, và viết một báo cáo hàng trăm trang. Khuôn khổ một bài phỏng vấn, không thể nào chuyển tải được. Cách hay nhất, khi nào đó thuận tiện, anh lại làm một loạt phỏng vấn nữa, lấy cây hỏi này làm chủ đề chính, các tác giả khác sẽ cùng chúng ta trả lời.

Nguyễn Đức Tùng: Riêng anh, anh thấy về tập thơ này như thế nào?

Lý Đợi: Chữ của Nguyễn Hoàng Tranh tạo một cảm giác về sự bình đẳng của các chữ. Không chữ nào nổi trội, không chữ nào “đắt” theo thẩm mỹ và quan điểm trước đây. Trong ghi chú thứ 9 của “Lời nói đầu”, Nguyễn Hoàng Tranh viết: “Không chữ nào cao thượng hơn chữ nào. Không chữ nào thấp hèn hơn chữ nào. Không chữ nào thánh thiện hơn chữ nào. Không chữ nào dâm uế hơn chữ nào. Không chữ nào sạch sẽ hơn chữ nào. Không chữ nào nhơ bẩn hơn chữ nào. Không chữ nào đáng yêu hơn chữ nào. Không chữ nào đáng ghét hơn chữ nào. Tất cả những ý niệm cao thượng, thấp hèn, thánh thiện, dâm uế, sạch sẽ, nhơ bẩn… đều nằm trong con mắt và tâm thức của kẻ đối diện với chữ.” Đáng lẽ Nguyễn Hoàng Tranh phải viết thêm: Không chữ nào khó hơn chữ nào. Không chữ nào dễ hơn chữ nào… Như thế sẽ đầy đủ và chặt ý hơn.

Trong tác phẩm này, tác giả sử dụng một tiết tấu/nhịp điệu đều đều, nhằm tạo sự nhàm chán cho độc giả khi tiếp cận “chữ”. Tuy tác phẩm là tập hợp những bài thơ đã đăng trên Tiền Vệ nhưng phải được xem xét nó như là một dự án tập kết lại, nhằm triển khai ý niệm và ý tưởng mà tác giả đã đặt ra từ trước. Hướng đến một chỉnh thể hoàn chỉnh [tuy điều này thường rất khó], tác giả không cho phép chữ nào trội hơn chữ nào, vì thế không có câu nào, bài nào trội hơn – cảm giác về sự bình đẳng giữa các chữ, các câu, cái bài được tôn trọng. Theo tôi nghĩ đây là ý đồ của tác giả, còn nếu ai đó [kể cả tác giả] nghĩ khác đi, thì cách nhìn cũng khác đi.

Nguyễn Đức Tùng: Xin lỗi anh, nhưng đọc xong đoạn văn của anh, tôi vẫn chưa thật sự hiểu được là anh thích hay không thích tập thơ này?

Lý Đợi: Vấn đề không phải là thích hay không. Nếu chỉ đơn thuần thích hay không thích, thì tôi cũng sẽ giống như những độc giả bình thường khác, nghĩa là đọc một tác phẩm giống như ăn món ăn, mua một vật dụng, phụ thuộc rất nhiều vào cảm hứng, khẩu vị. Tôi thì nhìn các tập thơ, các tác phẩm của người khác như một ván cờ, một mật mã dẫn vào kho báu, giải được nó mình thắng, không giải được thì thua, nhiều lúc cũng phải chịu hoà.

Có thể nói rõ hơn, tôi chẳng có lý do gì để thích hay không thích tập thơ của Nguyễn Hoàng Tranh, hay bất kỳ một tác phẩm nào khác, giống như một người nấu bếp, tôi không ưu tiên việc ăn và vui thú với món của người khác nấu mà phải ưu tiên cho việc tìm hiểu, phân tích nó để nấu món cho riêng mình, rồi cho cả người khác.

Nói kiểu Nguyễn Trãi, “tiên chi ưu, hậu chi lạc” (lo trước, vui sau); từ lâu rồi, với tôi, đọc là một trách nhiệm, một cực hình [vì không có gì đọc mệt như thế], nhưng cứ phải đọc. Không đọc nghĩa là chấp nhận sự lạc rơ.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi hiểu khái niệm các chữ bình đẳng. Nhưng trong thơ, một chữ chỉ có thể được hiểu trong mối quan hệ của nó với các chữ khác. Như vậy nói cho cùng, trong câu thơ, chữ có thể nào còn bình đẳng được chăng? “Mai sau dù có bao giờ” và “Mai sau dù có khi nào” hoặc “Bao giờ dù có mai sau”, hay “Lời hứa của Doi Ly” và “Lời hứa của Lý Đợi”… “Bao giờ” và “khi nào”, “Doi Ly” và “Lý Đợi” có thể nào bình đẳng được không?

Lý Đợi: Tự câu hỏi của anh đã là một câu trả lời đầy đủ rồi. Ý niệm về sự bình đẳng ở đây là có lúc mình phải dùng “Doi Ly”, và có lúc thì phải dùng “Lý Đợi”, hoặc có khi chỉ dùng mỗi “Doi Ly”. Nhưng không phải vì thế mà “Doi Ly” quan trọng (trong nghĩa phái sinh rộng nhất của từ này) hơn “Lý Đợi”. Sự “bình đẳng” ở đây, tôi nghĩ, nên được hiểu như là sự tương quan, tương hỗ và độc lập. Y như câu chuyện về Robinson, người ta hay nói anh chàng này một mình ở trên đảo hoang trong thời gian dài, như vậy là anh ta không có tương quan, tương hỗ và hoàn toàn độc lập. Lầm! Vì nếu không có sự tương quan với đất liền, với câu chuyện được kể về anh ta, sự tương hỗ với các thói quen và thông tin của con người thì anh ta hoàn toàn độc lập và đồng nghĩa với hư vô. Không thể biết để nhắc đến. Vì anh ta vừa độc lập, vừa mất độc lập nên chúng ta mới có thể nhận ra anh ta, nghĩ về hay nói về anh ta. Với các con chữ cũng thế, nó vừa độc lập, nó vừa lệ thuộc (nói như anh là quan hệ) vào các con chữ khác, nên nó mới được và cần được bình đẳng. Ví dụ: Trong suy nghĩ của nhiều người thì “âm đạo” có vẻ bình đẳng hơn “lồn” vì nó được tự do sử dụng nhiều hơn, kiểu như nói “đi khám phụ khoa” thay vì nói “đi khám lồn”. Và vì cái thói [thoái] quen này, nên trong nhiều trường hợp cần sử dụng từ “lồn”, thì lại viết tắt là “l.”, hay thay bằng “âm đạo”. Như vậy là không bình đẳng.

Ca dao, dân ca mà ông bà ta [những người vốn bình dân] hay sử dụng có vẻ bình đẳng hơn. Tôi ví dụ vài câu tương đối thanh nhã để độc giả giải trí, nhằm trả ơn vì nếu lỡ phải đọc bài phỏng vấn nhì nhằng này:

Chồng bước chân chưa khỏi làng
Lồn đà mấp máy như mang cá mè.

*

Lồn là miếng thịt có lông
Có mùi thum thủm nhưng không có dòi.

*

Sáng trăng sáng rọi vô buồng
Thấy cô nằm truồng lồn trắng phau phau.

*

Lồm xồm hai mép những lông,
Ở giữa có lỗ, đàn ông chui vào
Chui vào rồi lại chui ra,
Năm thì mười hoạ đàn bà mới chui.
(Câu đố về cái gì)

© 2006 talawas