© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
8.11.2004
Thuận Thiên
Tại sao không có một talawas trong nước?
 
Câu hỏi ấy không phải chỉ được đặt ra một lần giữa những người bạn, mặc dù sau mỗi lần, ai nấy lại buồn cười cho sự ngây thơ của mình. Ngây thơ “không còn thuốc chữa” bởi vì đó là cái ngây thơ của những kẻ đã gần hết một đời trả giá đắt cho tội “ngây thơ quá lâu”, nghĩa là quá cái tuổi (hay cái thời) mà “ngây thơ” còn được phép. Nhất là khi ngây thơ trong những việc mà ở nước ta được liệt vào phạm trù “ngây thơ chính trị”.

Câu hỏi ấy hôm nay tôi lại đặt ra, đặt ra cho ai không biết, nhưng cứ tự nhiên nó nảy ra trong đầu, khi mở thư talawas, biết tờ báo mạng này tròn 3 tuổi.

Xin tự xưng ngay rằng mình là một cựu-nhà-báo-có-thẻ đã bước vào nghề trong nền báo chí mệnh danh là “báo chí cách mạng” từ 31 năm trước. Một thời gian rất dài trong quá trình ấy, là một trong số hàng ngàn “công chức báo chí”, một sản phẩm độc đáo của chế độ, tôi không mấy khi phải áy náy tự vấn về lý do tồn tại của những tờ báo làm ra theo chỉ thị của nhà cầm quyền các cấp các ngành, lý do tồn tại của những con người như mình ngày ngày chăm chỉ ngoan ngoãn đi khắp các “hội nghị thi đua” ghi ghi chép những câu chuyện “người tốt việc tốt” nhằm “nhân điển hình” cho toàn dân học tập. Và của đáng tội thì lâu lâu, trong phạm vi, mức độ an toàn, cũng có huơ bút xông vào một sự bất bằng cụ thể nào đó giúp đương sự kêu lên để “đèn giời soi xét”. Nếu không có mười mấy năm “Ðổi mới”, thì lúc đến trước bàn Phán Quan, chắc hồn tôi sẽ chỉ có mỗi một khả năng là bị bỏ vào vạc dầu dành cho các loại tội “nói láo/ ngậm miệng ăn tiền”.

Sự thực là mười mấy năm Đổi mới, trong nước ta đã dần dần hình thành một nền báo chí ngày càng đi đúng con đường đến với chính nó: là tiếng nói tức thời, trung thực của đời sống muôn màu, muôn mặt, của những gì đang diễn ra, đang tiến triển trong tất cả những mâu thuẫn, nghịch lý, phức tạp của bất cứ cái gì đang sống. Con đường ấy không thể tránh, không thể đảo ngược, dẫu rằng khá quanh co gập ghềnh do tác động của các thế lực cố trì níu cái đặc quyền ban phát theo ý muốn những ảo ảnh của sự thật, vì có lẽ đó là cái đặc quyền cuối cùng mà, cũng thực là ảo tưởng, họ cho rằng có thể giữ được.

Cho đến khi sức mạnh của truyền thông mạng đánh bật tung những đai tre các loại cố thít chặt tư duy dân tộc.

Những tấm lòng Việt Nam đau đáu vì sự chậm tiến của đất nước, những trí tuệ trăn trở tìm mọi lối cho dân tộc đi lên, từ khắp nơi trên thế giới, đã có được một diễn đàn cởi mở để có thể trình bày, thảo luận, tranh cãi mà không phải thưa bẩm/ tránh né/ nhìn trước nhìn sau/ vòng vo tam quốc/ uốn lưỡi bảy lần… mà rồi vẫn bị ém nhẹm, vứt bỏ, cắt xén, xuyên tạc, quy chụp… Những ý tưởng đang nóng hổi không còn bị phản xạ tự kiểm duyệt làm thui chột/ méo mó (thậm chí tự nạo thai - cải lời một câu thơ của ông bạn già T)…

Diễn đàn ấy là talawas.

Ðiều đáng buồn là một diễn đàn hữu hiệu, đáp ứng đúng lúc lời kêu gọi phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ tập thể toàn dân tộc của chính các nhà lãnh đạo quốc gia như thế lại không thể đàng hoàng mở ngay trong nước. Sự “lưu vong” bất đắc dĩ của một diễn đàn như thế là điều tủi nhục cho giới trí thức, văn nghệ, báo chí Việt Nam. Tại sao?

Tôi biết câu hỏi mà chúng tôi đặt ra sẽ bị coi là “ngây thơ”, lại còn “ngây thơ chính trị” nữa mới chết. Nhưng hình như “ngây thơ” chính là thành tựu rốt ráo của quá trình trưởng thành nhân cách; Nietzsche bảo đó là giai đoạn “cừu non” sau khi từ thân phận “lạc đà” lồng lên thành “sư tử”. “Ngây thơ” để vạch ra sự thật đơn giản mà hàng ngàn “người lớn” khôn ngoan không thể hay không dám thừa nhận: tên vua đang cởi truồng.

Một diễn đàn trong nước kiểu talawas là một chỉ báo cho sự lành mạnh của cơ thể Việt Nam.

(Thuận Thiên, nhà báo tự do, Hà Nội)

© 2004 talawas