© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
8.11.2004
Trần Hoài Thư
Tại sao talawas không công bằng?
 
Thật tình mà nói, khi đến với talawas, tôi có một ước mong vô biên là muốn gióng lên tiếng nói để các bạn đọc talawas và các nhà nghiên cứu văn học thấy được một nền văn học mà chúng ta đã vô tình không biết đến.

Tôi muốn chứng minh rằng nền văn học ấy có thật. Tôi đã gởi bài đóng góp, bài thứ nhất tựa đề là “Văn chương đáy thùng”, do từ những dòng chữ của người bạn văn cùng thời hiện ở trong nước (...chân tay bị cái đầu điều khiển làm ngứa ngáy. Tưởng là dị ứng của riêng mình, hỏi ra mấy ông bạn vong niên một thời gừng nghệ nửa đêm cũng ngứa ngáy bèn trỗi dậy, lôi giấy ra cào sột sọat rồi cất vội dưới đáy thùng carton. [trích thơ]). Bài thứ hai tựa đề “Từ ngoài nhìn vào trong”, viết về những cay đắng ê chề của người viết văn làm thơ gốc miền Nam. Anh nói sau khi tác phẩm bị kiểm duyệt, anh không tin nó là đứa con của anh nữa. Sách bị bôi đen, đục bỏ và ngang nhiên sữa lại câu văn! Và trong bài này tôi đã viết như sau:

Như vậy, anh còn đủ can đảm để xuất bản đứa con tinh thần của mình không? Và nếu anh muốn nó có mặt để hải ngọai này biết về sự có mặt của một người viết văn cũ, thì chắc gì lòng anh được vui?

Đó là chưa nói ở thái độ của người cầm bút. Ít ra, khi nhìn vào những tờ Công An, Tuổi Trẻ, Lao Động, Nhân Dân, Thanh Niên v.v. thấy thiếu vắng tên tuổi cũ, chúng ta nên hãnh diện hơn là cúi đầu mặc niệm. (trích)

Tôi nghĩ đây là một đóng góp văn học rất hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu nền văn hóa nước nhà sau 1975. So với những bài khác mà tôi đã post, hai bài này tôi rất đặt nhiều tâm tư. Tôi muốn dành cho talawas những gì tôi biết, tôi có, và đang thực hiện. Biết đâu dưới đáy thùng carton kia, chúng ta có một tác phẩm lớn, mang lại hãnh diện cho Việt Nam. Để mất đi hay để chìm vào quên lãng thì thật uổng.

Nhưng talawas đã không chọn cả hai bài.

Không phải vì "bất mãn" do việc không chọn. Ban biên tập dĩ nhiên có quyền (dù tôi nghĩ đây là một forum hơn là một tạp chí văn học). Tuy nhiên, giữa lúc talawas đăng hàng loạt bài khảo luận như của Hoàng Ngọc Hiến dạy đời về cách làm văn chương hay dạy hải ngọai về văn học hải ngoại, mà khi đọc xong, thấy tức giùm cho talawas. Không hiểu talawas nể trọng cái bằng cấp giáo sư tiến sĩ hay tài năng mà hết đăng tin Hoàng Ngọc Hiến thăm đại học Mỹ, hết phỏng vấn tốn công tốn sức để rồi lại lại khổ công đính chánh, xin lỗi.

Đó là lý do tôi cho talawas không công bằng. Chỉ quen nhìn cái vỏ chứ không chịu nhìn thực chất.

Tôi không đòi hỏi hay yêu cầu talawas phải làm gì cho bộ lạc văn chương đáy thùng. Bởi talawas đâu có đủ người, và đâu có thì giờ. Tạo nên một forum mà nhiều người tìm đến và ngưỡng mộ là một điểm son rồi. Tôi chỉ mong là lúc có dịp, hay có cơ hội thì talawas
nên mở rộng cửa. Cho dù chắc gì những người làm văn chương đáy thùng có bao giờ được nghe. Mà nếu có nghe, chỉ là tiếng bật kêu của họ mà thôi:
...

Lòng tôi? Bao tiếng lòng tôi!
Tiếng câm tiếng nghẹn một trời tang thương!
...

Thấm lòng bùn đọng nước chua
Ễnh ương đâu biết... tôi vừa bật kêu!

(Thơ PNL, THT viết lại từ trí nhớ)

(Xin nói thêm, mấy câu thơ thuộc lọai văn chương đáy thùng đấy.)

Và cám ơn talawas cho tôi được cơ hội giãi bày. Xin được thắp 3 ngọn nến hồng. Và thêm những cây nến khác để dành cho mùa văn bất tận.



talawas: Cảm ơn nhà văn Trần Hoài Thư đã chân thành bày tỏ ý kiến và một số độc giả đã góp ý về vấn đề này. Chúng tôi xin lắng nghe từ mọi phiá và sẽ sớm có hồi âm chính thức.

© 2004 talawas