© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
18.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 

Thứ hai 26/1/98 (28 tháng chạp)

Một cô bạn trong nhóm Yoga đến thăm và tặng một gói mứt gừng. Cô kể chuyện về cô Nguyệt cũng trong nhóm Yoga, người trước đây vào thăm chúng tôi bị chặn không cho vào. Vì cô Nguyệt đang làm thủ tục xin nhập hộ khẩu vào Ðà Lạt (dù cô ở Ðà Lạt đã lâu và ở nhà của bố mẹ nhưng trước từ nơi khác chuyển đến và chưa nhập hộ khẩu), CA yêu cầu cô phải ký giấy cam đoan không được đến thăm chúng tôi nữa CA mới giải quyết, vì CA đến điều tra cô nhiều lần. Tổ Trưởng dân phố ở đó không dám bảo lãnh cô như đã hứa nên cô đành ký cam đoan. Thật đáng buồn. Yến cứ trách tôi sao trước khi bị quản chế đến thăm cô làm gì cho cô bị vạ lây. CA nói với cô là họ đã chụp hình lúc chúng tôi vào nhà cô. Thực ra mấy hôm đó, chúng tôi đâu làm gì lén lút mà sợ bị chụp hình.

Gần trưa, Yến ra bưu điện ngã tư Phan Chu Trinh hỏi và cô nhân viên cho biết bưu chính đã đồng ý chyển tiền về đây cho tôi nhận, còn về bút hiệu TDBC, chỉ cần có Yến ký làm chứng bảo lãnh là được.

Tôi ra nhận tiền và thật bất ngờ khi cô nhân viên bưu điện đưa cho tôi phần viết thư kèm theo giấy chuyển tiền với nội dung như sau:

“Anh Tiêu Dao Bảo Cự quý mến,

Năm mới 1998 và Tết Mậu Dần, tôi có lời nồng nhiệt chúc mừng Bảo Cự và Bạch Yến nhiều sức khỏe và rất nhiều hạnh phúc.

Theo cổ truyền VN, tôi xin gởi biếu hai bạn: bánh chưng xanh, đĩa dưa hành và câu đối đỏ - xin phép gửi cách thuận tiện bằng số tiền khiêm tốn Nửa triệu đồng VN- mong anh chị nhận và mua giúp tôi nhé!

Tôi cũng xin mượn lời nhân dân thường nói để chúc anh chị: “Quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách”

Hà Nội 23 chạp, 21/1/98

Thân ái
H.M.C
26 Lý Thường Kiệt (ngõ)
Hà Nội
ÐT: 8.249252”

Ðiều ngạc nhiên là CA đã không ngăn chặn ông Hoàng Minh Chính cũng như không gây khó khăn trong việc tôi nhận tiền vì hoàn toàn chắc chắn là CA biết việc này. Có thể đây cũng là một dấu hiệu mới của tình hình.

Trước đây tôi không quen và chưa hề gặp HMC. Tôi chỉ biết về ông qua báo chí, bạn bè và các bài viết của ông. Có lần ông gởi tặng tôi một cuốn sách, cuốn Tạo dựng một nền văn minh mới - chính trị của làn sóng thứ ba của Alvin Toffler và Heidi Toffler - sách dịch của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, với lời đề tặng rất trân trọng. Có thể ông đã đọc các bài viết của tôi và nghe nói về tôi. Trong một vài bài viết của tôi có nhắc đến ông. Cũng là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thôi.

Tôi viết sẵn một thiệp chúc Tết, để mai Yến ra phố gởi cám ơn ông với nội dung sau đây, vô tình có vẻ như là câu đối dù tôi không cố ý làm câu đối:

“Món quà Xuân “bánh chưng xanh, đĩa dưa hành, câu đối đỏ” thơm ngát nghĩa tình,
lồng lộng khí phách sĩ phu Phương Bắc.
Trên xứ lạnh, trước sân nhà, một cây mai hiếm hoi nở rộ, chợt nhớ câu thơ Cao Chu Thần
“nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

Ðúng là trước nhà tôi có một cây mai nhỏ nở sớm. Cây mai này tôi mang từ Bảo Lộc lên và có lẽ đây là cây mai duy nhất ở Ðà Lạt vì Ðà Lạt từ xưa không trồng được mai và tôi chưa hề thấy cấy mai nào khác ở đây.

Nhân cảm hứng về cây mai nở hoa, mấy hôm rồi tôi gởi thiệp chúc Tết cho bạn bè đều có ghi thêm câu thơ Cao Bá quát để tỏ chí mình (một đời chỉ biết bái lạy trước hoa mai). Ðối với các bạn cũ trong nhóm Việt, tôi ghi thêm 2 câu thơ của Nguyễn Du:

“Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Hồng Sơn, Sơn hạ Quế giang thân”
(Ta có tấc lòng không ai giải tỏ
Dưới chân núi Hồng Sơn, sông Quế thẳm sâu)

Từ 2 câu thơ và tâm sự của Nguyễn Du, trên đỉnh núi Thiên Thai ở Huế năm 1965, chúng tôi, một nhóm sinh viên Ðại học Huế đã lập Hội Hồng Sơn để hoạt động văn học nghệ thuật và tôi được cử làm chủ tịch đầu tiên của Hội này (sau đổi thành nhóm Việt).


Thứ ba 27/1/98 (29 tháng chạp- ngày cuối năm)

Buổi sáng tôi chở Yến đi chợ lần cuối trong năm để mua rau và một số thứ cần thiết. Từ đâu S xuất hiện chạy theo sau. Yến thấy báo cho tôi biết và nói chắc anh ta đến kiểm tra hay tăng cường cho chốt đầu hẻm nhà tôi.(S là đội phó đội an ninh của CA TP). Khi tôi dừng xe cho Yến xuống, S cặp sát bên tôi, chào và nói mời tôi vô quán uống café. Tôi hỏi anh ta đi đâu bên này, anh ta nói lửng lơ là có việc qua đây.

Ngồi uống café chúng tôi nói chuyện tết nhất linh tinh, thỉnh thoảng cũng có đề cập đến chuyện của tôi. Tôi hỏi tại sao đơn khiếu nại của tôi không có cơ quan nào trả lời. S nói mấy cậu đó đã bị kiểm điểm, vì mới ra trường nên không có kinh nghiệm. Tôi lại hỏi vừa rồi Bộ trưởng Nội vụ vào có nhắc gì đến chúng tôi không. S nói Bộ Trưởng lo chuyện lớn hơn, nhưng Tổng Cục trưởng An ninh có nhắc đến. Tôi đã nghe việc Tổng Cục trưởng An ninh gặp HSP nhưng không tiện hỏi thẳng và anh ta cũng không nói gì thêm.

Yến đi chợ xong đến gọi tôi và nói với S: “Bộ không cho người ta ăn Tết sao mà canh dữ vậy?” S cười gạt đi: “Thôi mà Tết nhất nói chuyện đó làm gì. Tôi đi chơi thôi.”

Tôi chào S và anh ta nói chiều mồng 2 sẽ vào thăm chúc Tết tôi. Tôi đoán chắc anh ta trực vào buổi đó.

Trên đường về Yến cứ cằn nhằn chuyện CA canh gác. Tôi nói hơi đâu chú ý cho mệt, chuyện họ họ làm, chuyện mình mình làm.

Gần trưa, một cô học trò cũ của Yến đến thăm, tặng một cái bánh chưng mới nấu. Mấy năm nay, năm nào em này cũng đến thăm và cho bánh chưng.

Buổi chiều tôi ra cổng viết lại số nhà, tên đường đã bị mờ. Từ hôm qua tôi đã quét vôi và sơn lại cổng, cái cổng ghép bằng gỗ, sắt và vỉ chuồng gà công nghiệp cũ do tôi tự làm đã mấy năm nay. Tôi gắn thêm một miếng thiếc sơn trắng và nắn nót viết ba chữ “Ðộng Hoa Vàng” mà tôi đã tìm kiểu chữ đẹp nhất trong font chữ của máy vi tính. Ðây là tên của khu vườn và nhà tôi mà tôi đã nghĩ từ ít lâu nay. Ðúng là vườn tôi có nhiều hoa vàng: hoa bướm, hoa kim châm, hoa sans souci, hoa quỳ dại, hoa súng... Tôi đang tu thiền theo Yoga và màu vàng là màu giác ngộ. Khu vườn của tôi tĩnh mịch, có đôi chút hoang sơ nên tôi nghĩ tên “Ðộng Hoa Vàng” cũng khá thích hợp.

Tiêu Dao Bảo Cự trước “Động Hoa Vàng”
Buổi tối chúng tôi xem phim, uống café nói chuyện chờ đón giao thừa. TV chiếu cầu truyền hình mấy tỉnh và các chương trình văn nghệ không có gì đặc sắc, chúng tôi không xem. Vụ nấu bánh chưng Yến dự định đã bị hủy bỏ vì hai con chúng tôi phản đối kịch liệt, sợ mẹ mệt. Chúng tôi khỏi canh nấu và giao thừa cũng không được vớt bánh như mấy năm xưa.

Giao thừa quá im ắng. Chúng tôi mở cửa ra sân. Chỉ có mấy cái pháo sáng, chắc của đơn vị bộ đội nào đó bắn. Ðúng là không có pháo, giao thừa không gây một dấu ấn gì đặc biệt vì đêm vẫn lặng lẽ trôi như mọi đêm. Giao thừa chỉ có trong lòng người về một niềm hy vọng nào đó cho ngày mai, bắt đầu từ một năm mới.


Thứ tư 28/1/98 (Mồng một Tết)

Sáng mồng một Tết, dậy muộn, chúng tôi xuống bờ ao ngồi uống café, nơi tôi đã đặt mấy viên đá làm ghế ngồi chơi. Chiếc ao quá nhỏ, nước cạn và đục nhưng những bông hoa súng vàng đã nở khi nắng lên. Những bông hoa súng mảnh mai cánh nhọn nở bung ra hết sức mình phô bày và dâng tặng vẻ đẹp cho đời gợi cho tôi nhiều suy tưởng mà tôi sẽ đưa vào cuốn tiểu thuyết sắp viết. Ban đầu tôi định lấy tựa đề cuốn tiểu thuyết là Thung lũng trầm tư nhưng sau tôi nghĩ ra một tựa khác là Mảnh trời xanh trên thung lũng, và những bông hoa súng này có thể cũng là nhân vật trong tiểu thuyết.

Chúng tôi chủ yếu nói về chuyện làm ăn của các con ở SG. Gần đây việc làm ăn của chúng gặp khó khăn nên Yến rất lo. Yến muốn chúng có việc làm ổn định nhưng tôi cho rằng tuổi thanh niên nên thử sức với đời và thăng trầm là điều tất yếu. Chúng tôi nhìn ra cổng khi chó sủa thì thấy CA canh ở trước đứng trên vườn trên sát cổng để nhìn kỹ cổng nhà tôi, có lẽ anh ta muốn thấy rõ chữ “Ðộng Hoa Vàng” của chúng tôi để còn về báo cáo lại.

Buổi chiều người khách đầu tiên xông đất nhà tôi là một anh bạn trong nhóm Yoga. Anh bạn này thỉnh thoảng vẫn đến thăm chúng tôi và mặc dù đã bị CA đến tận nhà răn đe anh ta vẫn không ngại. Vậy là không phải mọi người đều sợ CA.


Thứ năm 29/1/98 (mồng hai Tết)

Giữa buổi sang, một đoàn ba bà và hai đứa nhỏ đến thăm chúng tôi. Ðó là chị Biên - vợ HSP, cô Thục - vợ BMQ và chị Ðức - vợ VQN, bạn thân đã mất của chúng tôi, cùng với con của cô Thục và chị Ðức. Các ông không đi được nên ba bà đã thay thế, hẹn cùng đi thăm hết mọi nhà trong dịp Tết. CA tăng cường người canh gác trước nhà tôi nhưng họ không ngăn chặn, có lẽ sợ ngăn chặn sẽ gây ra những chuyện ầm ĩ bất lợi. Như thế cũng có lý.

Chúng tôi ăn uống trò chuyện vui vẻ đến hơn 3 giờ đồng hồ. Chúng tôi biết thêm một số tin tức.

Việc Tổng cục trưởng An ninh gặp HSP cũng khá thú vị, HSP được mời đến một khách sạn gần nhà để gặp nói chuyện. HSP chủ động nêu mấy vấn đề:

Vụ án xử một năm tù HSP là hoàn toàn vô lý, TCT AN nói chuyện đó đã qua rồi thôi đừng nhắc nữa và thực ra Nhà nước cũng không động chạm gì đến bài viết và tư tưởng của HSP.

HSP phản đối việc quản chế BMQ và tôi không có lý do chính đáng. TCT AN nói vì Q và tôi vi phạm các điều khoản này nọ trong Luật hình sự, riêng tôi còn có quan hệ với các tổ chức phản động nước ngoài. HSP nói có tội phải đưa ra tòa xét xử đàng hoàng.

HSP thắc mắc việc hôm tổ chức sinh nhật bị tịch thu cuốn băng video và không biết người thợ quay video ở đâu để hỏi vì người thợ này do Quốc thuê và bây giờ Quốc không đi lại được. TCT AN nói không rõ vụ này và việc Quốc có được đi lại tự do hay không là tùy thái độ của Quốc.

TCT AN khuyên khích HSP nên tiếp tục viết và đi chơi đây đó cho thoải mái, còn nói nghe chị Biên bệnh, nếu cần CA sẽ giúp đỡ đưa ra Hà Nội chữa bệnh. CA LÐ sẽ đưa chị về SG và từ SG ra HN, vé máy bay Bộ Nội vụ sẽ lo. (Gần đây trong giới văn nghệ tự nhiên có người tung ra tin chị Biên bị bệnh nặng và giấu, có kẻ còn xấu miệng bảo là bị bệnh sida làm chị rất tức giận. Thật không thiếu một kiểu bôi nhọ nào).

HSP nói trong khi 2 người bạn thân là BMQ và TDBC đang bị quản chế thì anh không còn lòng dạ nào để đi chơi. Và nếu đi thì người khác sẽ nghĩ gì. Việc chữa bệnh nếu cần anh chị tự lo được, khỏi phiền đến CA.

BMQ viết khỏe. Anh vừa hoàn thành một truyện vừa khoảng 200 trang, gởi cho bạn bè trong giới xuất bản ở SG được họ đánh giá cao nhưng việc xuất bản chưa rõ thế nào. Về việc cuốn Một lúc một đời của anh được dịch ra tiếng Pháp và bên Pháp có ai gởi về cho anh mấy cuốn, Quốc nhận được một giấy báo của Hải quan tịch thu với lý do có nội dung xấu. Quốc bất bình và photo giấy báo này kèm theo văn bản kháng nghị với một số cơ quan có thẩm quyền vì cuốn Một lúc một đời đã xuất bản trong nước có giấy phép chính thức. Anh cũng có nhờ người quen ở SG hỏi giùm bên Văn hóa Thông tin thì nghe họ giải thích là nội dung cuốn sách không xấu nhưng lời giới thiệu của NXB xấu (?!)

Chúng tôi cũng được biết ở Hà Nội, Hoàng Minh Chính đã được bắt lại điện thoại (như trong thư chuyển tiền của ông gởi cho tôi có ghi số điện thoại), còn Hoàng Tiến cũng được đề nghị bắt lại điện thoại nhưng ông từ chối. Chắc ông nghĩ có điện thoại trong lúc này chỉ thêm rắc rối hơn là có lợi.
Chuyện trò chán mấy bà mới cáo từ. Trước khi về chúng tôi ra sân chụp hình và lên cổng chụp cảnh có bảng tên “Ðộng Hoa Vàng”. Khi Yến thay tôi chụp, tình cờ tôi đứng cạnh chị Ðức, tôi nói đùa không chừng người ta lại vu cho tôi cặp bồ với chị Ðức và có bằng chứng hẳn hoi. Mọi người đều cười và bảo cứ đứng sát vô đi. (Chị Ðức đã mãn tang chồng, độ này xinh ra và ăn mặc rất diện). Trước đây do việc quan hệ với chúng tôi và tham gia đi đón HSP ở tù về, chị Ðức cũng bị đưa ra tổ dân phố phê bình và có người tung tin là chị cặp bồ với Bùi Minh Quốc, đã đi chơi với Quốc nhiều lần. Sức tưởng tượng và óc sáng tạo của ai đó thật phi thường. Bọn nhà văn chúng tôi cũng phải chào thua.

Chiều S vào thăm tôi như đã hẹn, cùng đi với C1. Chắc 2 người cùng ca gác trước nhà tôi. Tôi cũng lịch sự mời họ uống rượu nhắm tôm khô củ kiệu. Chúng tôi chỉ nói chuyện vui linh tinh. Khi ra về S khen vườn tôi sạch sẽ, Yến đứng bên cạnh nói nhờ quản chế nên anh Cự mới có thời gian làm vườn. Nghe từ “quản chế” S nhăn mặt nói ngay: “Thôi mà chị Yến, Tết nhất chị nói chi chuyện đó”. Anh ta thực tình ngại.

Chiều muộn, cô Liên, em kế của Yến, từ SG lên cùng với gia đình như đã viết thư báo trước. Liên làm nghề lái xe, hiện nay đang lái cho một công ty liên doanh với Nhật ở SG. Vì có một người trong Ban Giám đốc công ty có nhà ở Ðà Lạt về đây ăn Tết nên Liên đưa xếp đi, nhân tiện đưa gia đình lên chơi và thăm chúng tôi luôn. Trong mấy ngày ở đây, xếp giao cho Liên toàn quyền sử dụng xe. Ðó là một chiếc xe kiểu cá mập kính đen trông rất lạ.

Ngoài Liên và các con ra, còn có một cậu người Nhật, bạn làm cùng công ty với con gái lớn của Liên. Sau khi đã vào nhà chào hỏi xong, Yến cùng đi với Liên ra xe để tìm khách sạn khu vực gần nhà tôi cho cậu Nhật lưu trú. Vừa ra đầu hẻm, Yến thấy CA tăng cường đến ba bốn người đứng nháo nhác, có người đang gọi máy bộ đàm. Chắc họ báo động vì không rõ chiếc xe đưa ai vào thăm tôi.

Trong khi Yến và Liên đi tìm khách sạn, tôi ngồi nói chuyện với cậu Nhật và mấy đứa cháu. Cậu Nhật này mới 23 tuổi, rất ngơ ngáo, thấy cái gì cũng lạ, cũng hỏi. Cậu ta nói tiếng Anh không thạo lắm. Tôi thấy cậu ta nói chuyện với cô cháu tôi vừa bằng tiếng Anh, vừa bằng tiếng Nhật và cả “ngôn ngữ quốc tế”. Hình như hai đứa đang yêu nhau. Thế cũng hay. Tôi vẫn ủng hộ chủ nghĩa quốc tế, tiến dần đến chỗ xóa bỏ ranh giới của mọi quốc gia.

Ði một lúc khá lâu, Yến và Liên trở về cho biết khu vực gần nhà tôi không có khách sạn thích hợp, nơi thì quá đắt, nơi không được phép tiếp người nước ngoài. Vậy là đành phải tiếp tục ra phố tìm. Gần tối Yến và Liên mới về cho biết đã tìm được phòng khách sạn ở khu Hòa Bình. Liên đăng ký cho cậu Nhật cùng với mình và cô con gái lớn ở ngoài đó luôn vì thấy CA tăng cường canh gác trước nhà tôi làm cô cũng phát ngán. Yến cũng vội đưa hai đứa cháu còn lại đi đăng ký tạm trú vì chúng đều trên 18 tuổi. Rất có khả năng tối nay nhà tôi sẽ bị kiểm tra hộ khẩu.

Trong khi Yến và Liên chạy đi chạy về thì Mai Thái Lĩnh đến thăm tôi. Ðây là lần đầu tiên Lĩnh đến sau hơn 3 tháng tôi bị quản chế. Không rõ do trời tối và CA đang nhốn nháo ngoài đường về việc chiếc xe của Liên, không để ý đến Lĩnh hay họ chủ trương không ngăn chặn nên Lĩnh vào nhà tôi an toàn. Chúng tôi uống rượu lai rai nói chuyện.

Lĩnh nói có rủ Tấn cùng đi thăm tôi nhưng Tấn đang bị cảm. Lĩnh và tôi nói đủ mọi chuyện thời sự cho đến tối mịt Lĩnh mới về.

Buổi tối có một chuyện làm chúng tôi lên ruột. Khoảng hơn 8g, ăn tối xong, cậu con trai của Liên đòi đi chơi. Chúng tôi bảo hôm nay đi xe mệt, bây giờ tối, cậu ta không biết đường sá vì lần đầu lên đây, thôi ở nhà ngủ rồi mai hãy đi. Cậu ta nhất định không nghe, cứ nằng nặc đòi đi, nói chỉ đi dạo gần đây thôi. Chúng tôi đành để cho cậu ta đi. Tôi nói cho cậu ta nhớ địa chỉ nhà tôi để khi cần gọi xe ôm đưa về.

10g, 11g rồi 12 g đêm cậu ta vẫn chưa về. Chúng tôi đâm ra cãi nhau và ngay tôi cũng sốt ruột lo ngại. Yến trách tôi sao để cho nó đi. Thực ra nó đã là sinh viên năm thứ hai nhưng trông rất khờ khạo. Chúng tôi suy đoán, người bảo nó đi chơi hội chợ về trễ, người cho nó đã bị CA bắt giữ do đi lớ ngớ không có giấy tờ vì CA đang tăng cường canh gác nhà tôi (giấy tờ nó đưa đi đăng ký tạm trú xong đang để ở nhà), người lo nó bị du đãng đánh. Cuối cùng tôi đành bảo hai con tôi ra phố tìm nhưng Yến nhất định cũng đòi đi. Vậy là Tiêu Dao chở mẹ đi. Chiếc xe của con tôi đột nhiên giở chứng không chịu nổ. Hai con tôi phải hì hục đẩy xe lên đường.

Ði hơn nửa tiếng hai mẹ con thất vọng trở về. Yến nói tìm khắp các con đường không thấy, hội chợ đã tan từ lâu, đến khách sạn Liên ở xem cháu có ra đó không nhưng quá khuya đập cửa mãi không ai ra mở. Ðã gần 1g sáng, chúng tôi lo sót vó. Tôi bàn hay lên CA TP hỏi xem có biết tin gì không. Nếu CA giữ tôi yên tâm hơn là nó bị lạc hay gặp du đãng. Cả nhà đang bàn bạc thì nghe tiếng chó sủa và nó lù lù đi vào. Chúng tôi thở phào xúm lại cật vấn nó. Nó chỉ trả lời nhát gừng:

“Ði đâu?”

“Ði hội chợ.”

“Hội chợ tan lâu rồi sao bây giờ mới về?”

“Theo bạn về nhà chơi.”

“Bạn nào ở đây? Mới lên đây làm gì có bạn?”

“Bạn mới quen.”

“Ở đâu?”

“Bán hàng trong hội chợ.”

“Trai hay gái?”

“Gái.”

Trời đất ơi. Thật hết chỗ nói. Chúng tôi vừa tức giận vừa buồn cười nhưng đã nhẹ nhõm. Thì ra chúng tôi không hiểu được thanh niên. Nó đã làm một cú bất ngờ ngoạn mục mà chúng tôi không ai nghĩ ra được. Mọi người yên chí đi ngủ, mai sẽ cật vấn nó tiếp. Nếu nó không về chắc chúng tôi phải thức trắng đêm.


Thứ sáu 30/1/98 (mồng ba Tết)

Buổi sáng Yến đi Bảo Lộc cùng với gia đình Liên để thăm mẹ và các em dưới đó. Liên cũng tếu, nhắc đến chuyện CA tăng cường canh gác trước nhà tôi, cô nói: “Chắc họ sợ anh Cự đội tóc giả, mang kính đen ra xe lén đi. Chiếc xe này lại mang biển số liên doanh và trông rất “xã hội đen”. Khi tôi đưa mọi người ra xe, có nhiều cặp mắt chung quanh nhìn tôi chằm chặp.

Các con tôi xem video. Từ hôm lên đây, ngoài những việc cần thiết và nói chuyện với bố mẹ, chúng xem phim suốt ngày đêm. Bộ phim Thiên Long bát bộ, dựa theo truyện của Kim Dung, thật hấp dẫn, tôi đã xem rồi. 3 nhân vật chính Kiều Phong, Ðoàn Dự và Hư Trúc có cuộc đời và các mối tình thật độc đáo. Kim Dung quả là thiên tài. Nghe nói trong các nhân vật tiểu thuyết của mình ông thích nhất Kiều Phong.

Kiều Phong là bang chủ Cái Bang. Ông không biết thân thế mình vốn là người Khiết Ðan, bố mẹ bị một số anh hùng võ lâm Trung nguyên giết do một chuyện hiểu lầm, ông được đưa về nuôi, cho học võ và trở thành bang chủ Cái bang. Do yêu nhưng không được Kiều Phong để ý lại, vợ của phó bang chủ Cái bang là Mã phu nhân đã hận và tìm cách vạch trần thân thế cua ông, vu cáo cho ông nhiều tội động trời và gây ra sự chia rẽ, hận thù giữa Kiều phong và võ lâm Trung nguyên. Kiều Phong yêu A Châu nhưng do bị Mã phu nhân gài bẫy và vô tình lại giết chết người yêu của mình. Sau đó Kiều Phong trở về Liêu, cứu Liêu Chúa và được phong làm Nam Viện đại vương của Khiết Ðan. Liêu chúa lại cử Kiều Phong làm nguyên soái mang quân đánh Trung nguyên. Ông từ chối, bị bắt giam, rồi lại được bằng hữu võ lâm Trung nguyên cứu thoát.

Cuộc đời Kiều Phong đầy bi kịch, luôn đứng giữa trung tâm của các xung đột lớn giữa các chủng tộc và quốc gia, giữa tình yêu và thù hận, giữa cái sống và cái chết, giữa hành vi quang minh chính đại và những âm mưu thủ đoạn bỉ ổi. Cuối cùng ông đã phải tự sát. Kim Dung đã đặt ra những vấn đề cho muôn thuở và rất hiện đại trong một câu chuyện hư cấu nhưng lại rất thật và đầy kịch tính, hết sức hấp dẫn. Diễn viên Huỳnh Nhật Hoa, đã đóng rất xuất sắc vai Kiều Phong. Xem phim tôi thật khâm phục nền điện ảnh của Hồng Kông.

Ngoài Kiều Phong, trong phim còn nhiều nhân vật rất độc đáo và cũng rất đời: Ðoàn Chính Thuần đa tình, Ðoàn Dự si tình, Hư Trúc - thầy chùa phá cả 3 giới cũng mê tình, Mộ Dung Phục chạy theo tham vọng phục quốc trở nên vô tình, Phương trượng chùa Thiếu Lâm đức cao vọng trọng cũng có mối u tình, gã Du Thản Chi mang đầu sắt cuồng tình... và vô số nhân vật nữ, trẻ có già có, say tình, chung tình, ghen tình, hận tình, loạn tình, ngu tình, đau tình, khổ tình, lụy tình, ác tình... thật không thiếu một thứ tình nào.

Ðặc biệt có một nhóm nhân vật gây ấn tượng là thầy trò Tinh Tú Lão quái (tự xưng là Lão tiên), khi sư diệt tổ, muốn làm bá chủ võ lâm Trung nguyên. Ði đâu lão cũng ngồi kiệu với cờ xí rợp trời và đồ đệ hô vang các khẩu hiệu ca ngợi lão. Ấy thế mà khi lão thất cơ lỡ vận, bại dưới tay Hư Trúc thì bọn đồ đệ lập tức trở mặt chửi lão và bỏ chạy luôn. Tình đời của thầy trò bọn này mới hiện đại làm sao. Cùng với nhiều yếu tố khác, chả trách có lúc người ta đã lên án tiểu thuyết Kim Dung, cho là xóa nhòa ranh giới thiện ác, lẫn lộn chính tà. Theo tôi tiểu thuyết kiếm hiệp hư cấu của Kim Dung chính là đời thực, sắc nét và sâu xa mạnh mẽ đến độ những bọn “ngụy quân tử” hiện đại kiểu Nhạc Bất Quần khó lòng chịu nổi.

Buổi trưa, P, CA gác phía trước vào thăm tôi. Anh ta nói biết quá trình tham gia cách mạng của tôi và rất buồn cho tôi khi hiện nay tôi phải chịu hoàn cảnh này. Anh ta cũng kể về mình: Ông nội là liệt sĩ, tham gia kháng chiến chống Pháp, bà nội là “bà mẹ VN anh hùng”, cha là liệt sĩ, mẹ là thương binh, gia đình 3 đời đều hiến máu xương cho cách mạng. Tôi nghĩ CA tuyển chọn những người như P là chọn được chỗ dựa thật vững chắc. Về ý nghĩ của P đối với tôi, tôi nói thực ra cống hiến của tôi đối với cách mạng thật quá nhỏ bé, không đáng kể gì và tôi không bao giờ hối tiếc về việc làm và hoàn cảnh của mình hiện nay. Từ trẻ đến giờ tôi đều luôn muốn sống như một người trung thực dù phải trả giá. Ðó mới là điều quan trọng.

Ðang nói chuyện với P thì một người đàn ông lạ mặt bước vào, chào tôi và P rồi tự giới thiệu là ở gần đây, Tết đi thăm bà con lối xóm đến chúc Tết tôi. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng mời anh ta ngồi nói chuyện. Lát sau anh ta cáo từ. Tôi hỏi P có biết anh ta không và anh ta tên gì, P nói biết sơ sơ và anh ta tên D1. P ngồi thêm một lúc rồi cũng đi vì có người ở ngoài vào gọi.

Sau trưa D1 lại vào, miệng anh ta có mùi rượu và có vẻ đã hơi sừng sừng. Tôi đã nghi ngờ nên gạn hỏi. Ban đầu anh ta nói anh ta là bộ đội, thuộc bộ phận thông tin của Học viện Quân sự. Sau đó anh ta lại bảo đang có nhiệm vụ phối hợp làm ở đây. Tôi hỏi tới nữa, cuối cùng anh ta thừa nhận mình là CA. Không phải chỉ là CA bình thường mới tăng cường canh gác trong mấy ngày Tết, mà đã có nhiệm vụ theo dõi tôi từ 3, 4 năm nay. Anh ta nói tôi không biết anh ta nhưng anh ta đã gặp tôi nhiều lần trên đường ở nhiều nơi và biết về tôi rất rõ. Như vậy là trong lần tăng cường này anh ta đã lộ diện đối với tôi.

Nói chuyện với D1 rất khó. Anh ta khoảng hơn 40, mặt mũi dữ tợn, lại đang có hơi rượu. Tôi cố tình dẫn dắt câu chuyện, lúc nói chuyện thời sự, lúc nói chuyện gia đình, xã hội. Có khi anh ta tỏ ra tôn trọng tôi, nói nếu có gì sơ suất xin tôi bỏ qua nhưng có khi lên giọng luật pháp hàm ý đe dọa. Trong tình hình đó, tôi không tiện tranh cãi với anh ta mà bình tĩnh lắng nghe và lái câu chuyện theo ý mình. Anh ta ngồi khá lâu cho đến lúc có ông trưởng khu phố vào thăm mới cáo từ.

Buổi tối, lúc Yến và Liên chưa về, khoảng 8g có W, phó trưởng CA phường đến. Anh ta bảo định đến thăm tôi từ lâu nhưng bây giờ Tết mới có dịp. Chúng tôi nói chuyện về phong tục tập quán của Quảng Ngãi, quê của anh ta và cũng là nơi tôi đã sống và học một thời gian dài suốt bậc trung học. Ðang nói chuyện thì Yến và Liên về, hai người cũng ra nói chuyện với W một lúc và Yến tìm cách nhắc khéo để anh ta về vì đã hơn 9g. Anh ta biết ý nên giải thích là vì lần đầu đến thăm, thấy tôi không có khách nên ngồi lâu và rốt cuộc cáo từ.

Anh ta về rồi Yến nói ngay là anh ta ngồi lâu cốt để kiểm tra nhà mình. Ðúng là từ chiều mồng hai đến nay đã có 5 CA viện cớ thăm Tết vào nhà tôi, chưa kể trưởng khu phố cũng là bí thư chi bộ. Có thể sau khi “ba bà” rồi gia đình Liên và Lĩnh đến, họ thấy cần phải giám sát chặt chẽ hơn. Chẳng ăn thua gì vì chúng tôi chẳng làm gì sai trái, tôi cứ tỉnh bơ. Dù có ai đến thăm tôi đi nữa, kể cả người ở nước ngoài về, tôi nào có sợ gì.


Thứ bảy 31/1/98 (Mồng bốn Tết)

Khách đến nhà tôi lai rai. Chỉ là những người quen bình thường hay hàng xóm. Tôi vẫn không đi đâu cho đến chiều mới rủ Yến và hai con đi xuống hồ Than Thở chơi. Hôm nay gia đình Liên đi chơi riêng thăm thú các thắng cảnh. Ðường từ nhà tôi đến hồ Than Thở toàn bộ đã tráng nhựa xong nên đi rất thoải mái, không bụi bặm và xóc nảy như mấy tháng trước. Chúng tôi chọn một quán ven hồ tương đối vắng ngồi uống café. Café ở đây khá ngon.

Vào giờ này khách du lịch đông nghịt. Xe lớn nhỏ đủ loại đậu thành hàng dài kín hai bên đường. Khách đi loanh quanh chụp hình thuê ngựa cỡi hay thuê pedalo đạp lòng vòng trong hồ. Hồ Than Thở này chỉ nổi tiếng nhờ cái tên gắn liền với truyền thuyết năm xưa. Bây giờ nó chỉ là một cái hồ bé tẹo, chung quanh còn một ít thông với mấy bồn hoa và một chiếc cầu gỗ bắc ngang gần đầu hồ, do một công ty tư nhân thầu khai thác làm. À, còn có mươi quán bán đặc sản và đồ lưu niệm Ðà Lạt, mấy con ngựa, mấy chiếc pedalo, chưa kể mấy dây cờ xí màu sắc lòe loẹt trông rất chói mắt và phản thiên nhiên. Khách đến đây vì là một điểm quy định trong tour du lịch của khách ở xa đến. May mà đường sá mới làm xong chứ còn nắng bụi mưa bùn như trước và vào mùa khô, nước hồ cạn phơi đáy rác rưởi, thì khách đến khi về nhất định sẽ thất vọng và thề không bao giờ trở lại. Thật buồn cho thắng cảnh và du lịch Ðà Lạt.

Chúng tôi ngồi uống café nói chuyện, ngắm thiên hạ đến sập tối mới về. Khi chúng tôi đi 2 CA gác phía trước không theo nhưng chúng tôi biết có người khác theo một cách bí mật. Cũng là dịp cho họ dạo chơi một lúc chứ mấy ngày Tết cứ ngồi đầu hẻm nhà tôi thật chán chết. Tôi thật sự ái ngại cho họ.

Chúng tôi vừa về thì Ðỗ Tư Nghĩa đến với một người bạn. Vậy là Nghĩa đã giữ lời hứa Tết đến thăm tôi dù trước đây mấy ngày tôi đã nhận được một thiệp chúc Tết của Nghĩa qua đường bưu điện.

Nói chuyện thời sự chán, Nghĩa nhắc đến chuyện xưa và nói với người bạn cùng đi: “Tụi mình bây giờ là tự cho là sống nghệ sĩ, lãng mạn nhưng còn thua xa anh Cự ngày trước. Hồi đó anh Cự là thần tượng của mình. Mình vẫn còn nhớ những bài hát anh Cự và bạn bè hát khi ra Quảng Trị.”

Tôi thốt nhớ đến chuyện ngày xưa, đã hơn 30 năm rồi, thời kỳ những năm từ 1963 - 67 lúc tôi còn học Ðại học Huế. Nhơn, anh của Nghĩa là một trong nhóm bạn thân của tôi hồi đó. Vào năm 1966, trong cuộc đấu tranh của sinh viên và nhân dân thành phố Huế, tôi đang giữ chức vụ Phó chủ tịch ngoại vụ, phụ trách Ðài Phát thanh tranh đấu (chiếm Ðài Phát thanh Huế) và là Ðoàn trưởng Ðoàn 3 Sinh viên Quyết tử của Hội Ðồng Sinh viên Liên khoa Tranh thủ Cách mạng Ðại học Huế. Trong ngững ngày sôi động đó, tôi đã gặp và yêu cô học sinh bé nhỏ, người yêu của Nhơn, bạn tôi. Cô đang học đệ nhị cấp, trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Cô vào Huế thăm Nhơn và Nhơn đã giới thiệu cô với tôi. Thế là cô và tôi đều bị “tiếng sét” ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Tôi đã tỏ tình với cô trong căn phòng trọ bé nhỏ của Nhơn, lúc tôi ngồi một bệt trên sàn nhà viết bài phát thanh tranh đấu và cô đang nằm trên giường với người yêu.

Thật lãng mạn. Có lẽ cô cũng bị choáng ngợp trước hình ảnh chàng trai xứ Huế tóc mây bồng bềnh và cách tỏ tình liều lĩnh, táo bạo của tôi. (Hồi đó tôi là sinh viên Sư phạm duy nhất để tóc dài dù có năm tôi là Chủ tịch Ban Ðại diện Sinh viên Ðại học Sư phạm và đã nhiều lần bị khoa trưởng cảnh cáo). Cuộc tình của chúng tôi là một biến cố nho nhỏ trong nhóm bạn bè và tôi đã bị bạn bè lên án kịch liệt. Tuy nhiên vào lúc đó chúng tôi chỉ biết yêu là yêu thôi, không quan tâm đến điều gì khác. Cuộc tình đó cũng rất ngắn ngủi. Khi phong trào tranh đấu bị đập tan, tôi phải chạy trốn và có ra Quảng trị tìm cô. Trong một đêm giới nghiêm, lúc trống loa vang vang kêu gọi các đoàn viên Quyết tử ra trình diện và nộp vũ khí, tôi và cô đã ở bên nhau gần suốt đêm dưới bóng cây chở che bên bờ sông Thạch Hãn. Ðó là trang cuối tuyệt đẹp của một cuộc tình nồng cháy thuở 20.

Sau đó tôi bị bắt. Trong thời gian tôi bị giam, lúc cô vào Huế học đại học, cô lại yêu một người bạn khác trong nhóm bạn thân của chúng tôi rồi sau đó nghe nói còn yêu nhiều người khác nữa. Có lẽ cô còn lãng mạn hơn cả chúng tôi. Chao ôi, không biết giờ này cô đã đi về đâu trong dòng đời cuộn sóng. Ðối với tôi, cô mãi mãi là cô bé mảnh mai với đôi mắt thơ ngây như trẻ con và giọng nói ngọt ngào êm dịu thầm thì những lời tình tự dưới trăng khuya.

Bây giờ tất cả đã quá xa rồi.


Chủ nhật 1/2/98 (mồng năm Tết)

Sáng nay khoảng 8g, hai con tôi lên đường về SG. Yến lại dặn dò con đủ thứ và đưa con đi với những giọt nước mắt nuốt vào trong chứ không chảy xuống má như mọi lần. Lát sau Liên cũng đưa cả gia đình đến chào từ biệt trước khi đến đón xếp. Vậy là mấy ngày Tết coi như đã qua. Chúng tôi dọn dẹp lại nhà cửa, giặt quần áo, phơi chăn màn, bình thường hóa lại cuộc sống và chuẩn bị cho những ngày làm việc sắp tới.

Tôi quên ghi là trong mấy ngày trước và sau Tết tôi cũng có nhận được một số thiệp chúc Tết của bạn bè ở xa, trong đó có thiệp của Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội với nội dung:

“1998 Chúc Tiêu Dao Bảo Cự
sức khỏe dồi dào
tinh thần sảng khoái
Ý chí kiên cường
thắng lợi
hạnh phúc.“

Ước gì mọi lời chúc đều thành hiện thực.

Ðặc biệt tôi được đọc một bài ngắn “Câu đối năm Hổ” rất ngộ, không biết của ai nhưng giọng văn có vẻ quen quen sau đây:

Năm nay đào lại nở
Lại thấy ông Ðồ Xưa...

Chuyến đua xe xuyên Việt của các cựu chiến binh, thương phế binh Việt Mỹ đã tới đích thành phố Hồ Chí Minh, vào những ngày giáp Tết con Hổ. Nhìn trên TV thấy đoàn đua có mặt cả thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry, đại sứ Mỹ Peterson, được cán bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác chào đón hết sức nồng nhiệt, với lời bình luận “Ðây là biểu hiện phát triển mới tốt đẹp của hai nước Việt Mỹ.”

Nghe nói có người chứng kiến cảnh vui cảm động ấy đã không cầm được giọt nước mắt hân hoan, bốn nghìn năm chưa bao giờ khởi sắc như thế.

Nhân tin vui ấy Ðồ Xưa bèn chỉ lên Tivi rồi ra cho Ðồ Nay một vế đối chữ Nho:

MỸ VIỆT ÐỀ HUỀ, NGƯU BẢO HỔ

Vế xuất đối quả là hóc hiểm vì đây là Tết năm Trâu sang năm Hổ, Hổ là tên húy của Mỹ, tuy Hổ này chỉ là Hổ giấy thôi (như Mao chủ tịch đã dạy). Trâu lại tượng trưng cho Việt Nam nông nghiệp. “Bảo” là ôm vào lòng. Trâu ôm Hổ vào lòng quả thực là cảnh lạ không tiền khoáng hậu. Hổ thật thì ôm sao được, mà Hổ giấy thì đốt cho nó xuống âm phủ chứ ôm làm gì?

Biết Ðồ Nay là tay ứng đối giỏi, đồ Xưa giao hẹn là vế đối chỉ được xoay quanh chuyện “xuyên Việt”, chuyện Hổ chuyện Trâu thôi! Thế mới khó.

Trầm ngâm một lát, Ðồ Nay lẳng lặng lấy ra một bài báo Nhân dân phê phán các luận điệu “thù địch” trong đó có nêu tên hai cựu Ðảng viên nhà văn Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, cùng với nghị định 31/CP về việc quản chế không cần xét xử, đặt lên bàn rồi ung dung đọc:

ÐỆ HUYNH XUNG KHẮC, HỔ CẦM NGƯU!

Số là hai nhà văn Cộng sản có tên trên cũng đã làm một chuyến du lịch “Xuyên Việt” để kiến nghị cho nhà văn được quyền “Tự do sáng tác”. Nhưng sau đó hai người này bị khai từ và cách chức, hiện nay đang bị quản chế theo nghị định 31/CP, nghe nói Tết con Hổ này muốn xin đi chợ Tết mà không được! (Ðòi quyền “Tự do sáng tác”, nhưng “sáng tác” chưa thấy đây, đã mất luôn cả quyền “Tự do đi chợ”, các nhà buôn bảo thế là không đi chợ mà bị “lỗ vốn” mới khổ chứ! Dại ơi là dại!)

“HỔ cầm NGƯU”, “cầm” là bắt lại, chỉ giữ lại thôi chứ không ăn thịt! Chuyện này cũng lạ không kém, cũng hữu nghị không kém, vì nó chưa có ở loài Hổ bao giờ! Theo khoa học thì quan hệ giữa Hổ và Trâu là quan hệ “giữa động vật Ăn thịt với Con mồi”, nhưng chuyện “Ăn” và “Bị ăn” ấy ngày nay cũng thiên biến vạn hóa, cũng khôi hài, cũng lập bà lập bập như quan hệ giữa Môi và Răng vậy! Cứ nhe răng ra, nhe răng ra mà... cười!

Ðồ Xưa nghe xong, gật gù, chịu là “đắc cú”.

Ðồ Xưa.” 

Buổi chiều chúng tôi nghe hai việc khó chịu.

Một người quen đến thăm chúng tôi. Người này rất quý chúng tôi và chúng tôi cũng quý anh. Chuyện trò một lúc, tự dưng anh nói nửa đùa nửa thật: “Này, hỏi thật anh Cự, trước đây anh có dính CIA không ?” Chúng tôi gạn hỏi mãi tại sao anh nói vậy, cuối cùng anh thố lộ là đã nghe một số CA kháo nhau chuyện đó. Họ chỉ kháo chuyện khơi khơi chứ không phải nói chính thức. Anh còn kể thêm là họ nói tôi dính CIA từ trước 75 và sau 75 vẫn còn hoạt động nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được bằng chứng. Tôi nói vậy thì giỏi quá. Anh bảo họ cũng cho rằng tôi giỏi thật.

Lại vẫn cái trò tung tin và chụp mũ đó. CIA là gì? Là cơ quan tình báo trung ương của Mỹ. Ở đây hiểu CIA là làm gián điệp cho địch, phản bội tổ quốc, một cái gì vừa ghê gớm vừa hèn hạ. Tôi chưa hề biết một nhân viên CIA thực mặt ngang mũi dọc ra sao ngoài những chuyện trong phim ảnh và sách báo. Tuy nhiên tôi nghĩ làm CIA và làm gián điệp nói chung chưa hẳn đã xấu. Có phải nhiều người CSVN đã làm gián điệp cho Nga, Tàu và được coi là yêu nước và là làm cách mạng. Có người Mỹ làm gián điệp cho Nga và ngược lại. Vấn đề là người ta làm vì động cơ, mục đích gì? Vì tiền bạc hay vì dân tộc, lý tưởng. Nhiều người đã dấn thân vào con đường đó, một con đường rất chông gai nguy hiểm. Tôi chẳng muốn làm gián điệp cho ai cả. Tôi có cách sống và chiến đấu riêng của mình. Nhưng đây lại là cách bôi nhọ một cách bỉ ổi.

Việc thứ hai là Yến lên quán nghe mấy người nói chuyện lại. Một bà là cán bộ trong xóm bảo CA canh ông Cự quá sơ hở. Ðêm mồng hai Tết lúc 12g đêm bà ta thấy mẹ con Yến chở nhau đi đâu và một người khác đang đứng ở đầu hẻm không biết làm gì. Bà ta bảo sẽ gặp báo lại cho lãnh đạo Sở CA để chấn chỉnh lại. Thì ra đó là việc nửa đêm Yến phải đi tìm đứa cháu con của Liên đi chơi về trễ. Ðêm đó Yến cũng thấy một bà đứng bên đường nhưng không rõ là ai. Hóa ra bà ta. Bà ta bảo với mấy người trên quán là bà đứng đợi con tình cờ thấy Yến đi.

Yến tức mình nói ngay: CA canh Ông Cự chứ canh gì tôi. Ban đêm không giới nghiêm tôi muốn đi giờ nào đi việc gì phải thắc mắc. Sao bả cũng đứng đường giờ đó mà tôi không đi được. Nói CA thuê bả canh ông Cự 24/24 cho chắc ăn, khỏi sơ hở. Lại một loại người muốn tỏ cho mọi người biết ta đây quen biết CA và chắc muốn lập công.


Thứ hai 2/2/98

Nhiều đài đưa tin chung quanh bản tường trình về vấn đề nhân quyền ở các nước trên thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong việc vi phạm nhân quyền ở VN, bản tường trình có dẫn chứng theo Human Rights Watch Asia, việc HSP, BMQ và tôi bị gọi thẩm vấn và buộc không được gởi bài, trả lời phỏng vấn cho đài báo nước ngoài hồi tháng 3/97. Hèn gì CA canh chúng tôi kỹ hơn. Không chừng họ còn nghi chúng tôi dính líu với Mỹ.

Các đài trong và ngoài nước đều đưa tin về những hoạt động kỷ niệm 30 năm vụ Tết Mậu thân. Ở trong nước, đó là một chiến thắng vẻ vang lừng lẫy. Ở bên ngoài, các tổ chức Việt kiều cho là một biến cố đầy đau thương uất hận. Ðặc biệt người ta lại nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Không biết từ bao giờ, ở bên ngoài, người ta gắn liền tên tuổi HPNT, một nhà văn tài hoa và trói gà không chặt, với những vụ tàn sát đẫm máu dã man ở Huế trong vụ Mậu Thân vì lúc đó Tường đã thoát ly làm cán bộ cho Mặt trận Giải phóng. Tôi đã nghe Tường thanh minh nhiều lần về việc này, kể cả trong lần đi Pháp mới đây của anh.

Có ai đó nói hãy quên đi những hận thù của quá khứ. Có lẽ cũng thật khó quên đối với những người trong cuộc và thân nhân những người đã bị tàn sát. Tôi còn nhớ cách đây 1-2 năm đọc báo thấy có tin phát hiện một hố chôn tập thể hàng trăm xác ở ngoài khu căn cứ Long Bình mà người ta cho là xác của các chiến sĩ giải phóng trong vụ Mậu Thân. Chao ôi, dù phe này hay phe kia, bao nhiêu người VN đã ngã xuống, chết thê thảm trong cuộc chiến tranh tàn khốc. Nên hô to những lời tán tụng hay gào thét những tiếng hờn căm, hay bình tĩnh nhìn lại và rút ra những kinh nghiệm để đừng bao giờ tái diễn cảnh đồng bào, đồng loại tương tàn, dù với bất cứ lý do gì. Ðừng trách Kim Dung lẫn lộn chính tà. Hãy thôi đi những thứ chính nghĩa đẫm máu con người.


Thứ ba - thứ bảy 3/2-7/2/98

Nhiều đài đưa tin và đọc toàn văn trong nhiều buổi bài viết của Trung tướng Trần Ðộ gởi Ðảng và Nhà nước. Ðúng là tôi chỉ biết được các thông tin qua đài báo và những thông tin quan trọng chủ yếu qua các đài nước ngoài.

Tôi không nghe được đầy đủ bài viết của TÐ nhưng qua những gì đã nghe cộng thêm với những bài bình luận khác về bài viết đó, tôi hiểu những ý quan trọng sau đây:

Bài viết này dài 13 trang, được công bố vào cuối năm 97 đầu 98. Trần Ðộ nhận định về tình hình đất nước, đề xuất một số biện pháp nhằm thực thi dân chủ, chấm dứt độc tài Đảng trị để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng.

Về 4 nguy cơ theo nghị quyết của Ðảng CSVN, ông nhận định lại: Không phải sẽ tụt hậu mà đã tụt hậu so với các nước trong khu vực. Tham nhũng đã là quốc nạn. Kẻ thù đâu không thấy rõ mà chỉ có ta làm hại ta. Về chuyện chệch hướng, có hướng đâu mà chệch.

Trong chiến tranh, Ðảng và Dân là một, Ðảng cũng là một nhưng nay Ðảng và Dân là 2, Ðảng cũng là 2. (Ðảng viên có chức có quyền khác Đảng viên thường). Ông phân tích kỹ vụ Thái Bình (Ông vốn quê Thái Bình) và cho đây là một nguy cơ lớn, một biểu hiện dân chống lại Ðảng vì Ðảng áp bức dân.

Ðáng lý Ðảng nên tách khỏi Nhà nước nhưng nay Ðảng và Nhà nước là một. Ðó là Ðảng-Nhà nước.

Nói là Ðảng của giai cấp công nhân nhưng Đảng viên lại mang tâm lý tiểu nông và chịu ảnh hưởng nặng nề của phong kiến. Tính nhỏ mọn, ganh tị, ích kỷ, hiếu danh đã được Mác-Lênin hóa.

Ông đưa ra 2 đề nghị cụ thể: Ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm dân chủ và tổ chức bầu cử dân chủ thật sự bằng cách để tự do ứng cử, sàng lọc qua nhiều vòng chứ không qua Mặt Trận hiệp thương giới thiệu.

Bài viết của Trần Ðộ khi được công bố đã gây tiếng vang chấn động trong và ngoài nước. Thật ra những điều ông nói không có gì mới, trước ông cũng đã có nhiều người nói tương tự. Vấn đề là chính ông đã nói và nói trong thời điểm này, khi những người như chúng tôi đang bị quản chế.

Tôi hiết Ông Trần Ðộ khi ông còn làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương và vào dự đại hội thành lập Hội Văn nghệ Lâm Ðồng năm 1987. Ông là tác giả chính dự thảo Nghị định 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, một nghị định cấp tiến nhất của ÐCSVN về lãnh vực này. Tuy nhiên sau đó ông bị mất chức và nghị định 05 cũng bị đưa vào quên lãng.

Trong chuyến đi xuyên Việt năm 1988, ra Hà Nội, BMQ và tôi có đến Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương gặp ông. Những năm sau này mỗi khi có dịp vào Ðà Lạt, ông đều báo tin mời chúng tôi đến gặp nói chuyện. Năm ngoái, có lần ông đến thăm nhà tôi.

Trần Ðộ là một trong những Ủy viên Ban chấp hành /TW Ðảng hiếm hoi có tư tưởng cấp tiến và cởi mở mà tôi đã từng gặp. Tuy nhiên theo tôi, ông có những giới hạn do hoàn cảnh và tuổi già. Ðã khá lâu, có lần trong một buổi trò chuyện, tôi hỏi ông: Ở Liên Xô, có những người lãnh đạo cấp cao đã công khai từ bỏ ÐCS, còn ở VN có thể có những trường hợp tương tự không, và riêng ông ông nghĩ thế nào về vấn đề này? Ông im lặng một lúc lâu rồi trả lời: Tôi nghĩ là không. Riêng tôi, tôi chỉ có thể làm được việc là rút lui thôi không ra ứng cử BCH/TW kỳ này. (Ðó là vào thời điểm chuẩn bị Ðại Hội 7 của Ðảng CS và ông đang bị phê phán mạnh về lập trường quan điểm.)

Mấy năm gần đây, ông đau yếu luôn, mắt mờ không đọc được sách, chân bị bệnh hoại thư cụt mất một ngón và phải đi cà nhắc. Tôi mừng thấy qua bài viết tư tưởng ông rất sáng suốt và tinh thần rất vững vàng.

Ngoài TÐ, các đài còn đưa tin có một số người khác đã viết bài, phát biểu với nội dung tương tự như tiến sĩ Phan Ðình Diệu và ông Hoàng Hữu Nhân, nguyên bí thư Thành ủy Hải Phòng. Hình như ông Hoàng Minh Chính cũng mới cho ra một cương lĩnh gì đó.

Thật đáng mừng khi có cả một đợt sóng mới trong tiến trình đấu tranh cho dân chủ ở VN đang dậy lên trong những ngày đầu năm mới này.


Chủ nhật 8/2/98

Hôm nay có một việc bất ngờ. Lúc tôi đang bơm nước tưới cây dưới vườn thì Ðặng Việt Nga đến thăm. Ðây là lần đầu tiên chị đến thăm tôi kể từ khi tôi quen biết chị trong hơn mười năm qua.

Có Yến mà chị nói nửa đùa nửa thật: Lâu ngày không gặp nhớ nên đến thăm. Chị ngồi nói chuyện với chúng tôi khoảng một tiếng nhưng không có gì đặc biệt liên quan đến tôi. Trong câu chuyện của chị có hai việc đáng chú ý.

Chị kể một câu chuyện cũ lúc còn ở Hà Nội về sự kinh khủng của bộ máy tổ chức. Là con gái cưng của Tổng bí thư mà chị vẫn bị CA theo dõi và gọi thẩm vấn vì cho rằng chị có những quan hệ tình cảm có thể làm hại đến uy tín của TBT. Chính cha chị đã chỉ thị cho CA làm điều này trong khi ông rơi vào một cái bẫy mà ông không biết trong âm mưu tranh giành chức vụ diễn ra trước đại hội Ðảng. Sau vụ này, quá chán ngán, chị đã bỏ Hà Nội vào Ðà Lạt để sống một cuộc sống độc lập, thoát khỏi sự ràng buộc của bộ máy và gia đình.

Một việc khác là cách đây không lâu, sau khi BMQ bị quản chế, chị nhận được một lá thư qua đường bưu điện của một người bạn của Quốc gởi cho anh nhờ chị chuyển giúp. Chị chưa kịp chuyển thì CA đến yêu cầu chị giao nộp lá thư cho họ với lý do là lá thư sẽ gây xáo động phiền nhiễu không tốt cho Quốc. Ðể hợp thức hóa việc này, họ đã cố thuyết phục chị viết một tờ giấy giải thích lý do như họ đã nêu, kèm theo lá thư nộp cho CA mà chị cũng không biết có nội dung gì. Thật lạ lùng.

Trước khi ra về, chị để lại một phong bì nói là tặng tôi chút quà Tết. Mở ra thấy có hình một bó hoa và 200.000đ. Hình bó hoa có lẽ chị cắt từ một thiệp chúc Tết mà chị nói tôi sẽ đoán ý nghĩa của nó qua đường ngoằn ngoèo chị cắt chung quanh bó hoa.

Tôi quen Ðặng Việt Nga năm 1987 lúc từ Bảo Lộc chuyển lên tham gia Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ/LÐ mà chị cũng là thành viên, đại diện cho ngành kiến trúc. Chị là tiến sĩ kiến trúc sư, đã từng học và làm việc ở Liên Xô cũ hơn 10 năm và là ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư VN trong nhiều khoá. Trong vụ đấu tranh với Tỉnh ủy ở Hội Văn Nghệ LÐ năm 1988, chị đã công khai ủng hộ BMQ và tôi một cách mạnh mẽ. Chị đã tuyên bố trong một cuộc họp của HVN với Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề xử lý kỷ luật chúng tôi: “Xét về mặt cống hiến, tôi không bằng BMQ và BC. Nếu hai anh bị khai trừ, tôi cũng sẽ ra khỏi Đảng vì tôi thấy không xứng đáng”. Ðó là một tuyên bố gây chấn động dù do tình hình phức tạp sau đó chị không làm được điều mình nói.

Chán ngán chuyện chính trị, chị dồn hết tâm huyết và sức lực vào việc xây dựng nhà nghỉ Hằng Nga theo phong cách độc đáo của mình. Ðây là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Ðà Lạt được giới thiệu trong nhiều sách hướng dẫn du lịch nước ngoài. Như lời chị giới thiệu về công trình của mình, bước qua vòm cổng nhỏ, khách sẽ đi vào một thế giới huyền hoặc của tâm linh với những màn tơ nhện khổng lồ, những tượng điêu khắc đủ loại theo nhiều phong cách, đôi hươu cao cổ đang âu yếm... và nhất là những phòng ngủ rất nhỏ bé ấm cúng, hiện đại và siêu thực vì được thiết kế theo kiểu đục vào một dáng thân cổ thụ vươn lên trời xanh.

Từ khi bị cách chức, khai trừ Ðảng và trục xuất khỏi Hội Văn Nghệ LÐ năm 1989, tôi ít gặp chị, có khi 1, 2 năm mới gặp một lần nhưng có lẽ chị vẫn dành cho tôi nhiều cảm tình và tôi tin lần này, chị đến thăm tôi cũng chỉ vì tình cảm đó chứ không vì lý do gì khác.


Thứ năm 12/2/98

Cô Thục đến đưa thư của BMQ mời Yến và tôi dự giỗ vợ đầu của Quốc là nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý vào ngày 17/2/98 tới. Quốc viết thêm mấy chữ nói tôi cứ thử làm đơn gởi UB phường xin phép đi, được càng tốt, nếu không sẽ cũng là một việc để sau này có dịp nhắc tới.


Thứ sáu 13/2/98

Tôi đã quá ngán việc làm đơn từ xin xỏ nhưng chiều ý Quốc, lần này tôi cũng cố viết cái đơn gởi kèm theo lá thư của Quốc.

Tôi không chắc họ sẽ giải quyết vì tôi biết bữa giỗ này Quốc còn mời nhiều người như HSP, MTL, Tấn, Hải... sẽ trở thành một buổi họp mặt đông đảo. Tuy nhiên tôi nghĩ nội dung đơn sẽ đưa họ vào một tình trạng khó xử. Ðể xem họ sẽ giải quyết ra sao?

Gần 11g, sắp đi đón Yến tôi mới đi lên trụ sở UB Phường để nộp đơn nhưng trụ sở đã đóng cửa.


Thứ bảy 14/2/98

8g tôi lại lên UB phường để nộp đơn. Chỉ có cô thư ký trực, sau đó có thêm Z là cán bộ tư pháp. Tôi đưa đơn cho họ để nhờ chuyển cho chủ tịch UB và yêu cầu là sáng thứ hai sẽ đến để biết kết quả

Khoảng 9g, một CA mặc sắc phục vào nhà gặp tôi. Anh ta có vẻ lúng túng, tự giới thiệu là E1, cán bộ CA phường 9, cấp bậc thượng úy, phụ trách hình sự, nhân đến giữ trật tự ở chùa Trúc Lâm gần nhà tôi nên đến thăm (chùa này đang chuẩn bị lễ đại tường-mãn tang sau 3 năm cho cố hòa thượng trụ trì). Anh ta đã nói tên, lại còn chỉ vào bảng tên đeo ở ngực mấy lần và nói đi nói lại chuyện đi giữ trật tự. Cuối cùng anh ta hỏi tôi việc thư mời của Quốc do ai đưa đến, đưa vào lúc nào. Ðó mới là mục đích chính.

Sau khi tôi đưa đơn, UB phường chuyển cho CA ngay và họ lập tức tìm hiểu. Có lẽ việc Thục vào đưa thư CA gác trước nhà tôi không biết nên họ bị bất ngờ và khó xử. Ðáng lý tôi không trả lời E1 vì chuyện Thục đưa thư không có gì sai trái nhưng tôi muốn chứng tỏ cho CA thấy đối với tôi chuyện đó bình thường, không cần gì che giấu nên nói cho anh ta biết. Nghe xong anh ta vội cáo từ, nói là phải đi làm nhiệm vụ.


Chủ nhật 15/2/98

Buổi sáng Yến đi nhà thờ, sau đó ra phố và đến nhà HSP. Tụ cũng có giấy mời của Quốc như tôi và cho biết anh sẽ báo cho CA trước khi đi. Nghe chuyện CA đến nhà tôi tìm hiểu ai đưa thư, Tụ có vẻ bực mình và phê phán Quốc là sách lược dở. Tụ cho rằng trong hoàn cảnh này anh em chỉ cốt thông tin cho nhau những gì thật cần thiết, chưa cần phải gặp nhau và ngồi uống rượu với nhau chẳng thú vị gì. Việc anh em tìm cách gặp nhau sẽ làm cho CA tăng cường giám sát gây khó khăn thêm mà thôi. Tụ cho Quốc không biết làm chính trị mà chỉ là một anh nghệ sĩ. Tụ nhờ Yến chuyển lời khuyên tôi nếu đơn không được chấp thuận thì cũng đừng làm ầm ĩ làm gì.

Tôi thông cảm tâm trạng của Tụ. Tuy anh không có quyết định quản chế nhưng cũng có CA canh giữ trước nhà như Quốc và tôi. Cứ định kỳ 3 tháng, lãnh đạo CA lại mời anh lên gặp để “tâm sự”. Hằng ngày anh hầu như không đi đâu. Căn nhà anh ở lại quá tối tăm chật hẹp nên anh rất dễ bị căng thẳng. Tuy nhiên trong việc này tôi lại tán thành cách làm của Quốc. CA bao vây ngăn chặn chúng tôi nhưng chúng tôi không nên để họ lấn tới mãi, nếu có dịp phá vây mà họ không làm gì được thì cứ phá. Giỗ XQ là một dịp rất tốt. Vả lại chúng tôi không “làm chính trị”. Chúng tôi đúng là những văn nghệ sĩ, những người cầm bút dám nói tiếng nói của lương tri. Thế thôi. Còn về phần tôi, dĩ nhiên nếu đơn yêu cầu của tôi không được giải quyết, tôi chỉ ghi nhận sự việc, không làm gì ầm ĩ vì tôi ở tư thế khác Quốc trong chuyện này.

Lúc Yến về, nghe mấy người trên quán nói hôm qua CA gác bị “dũa “vì đã để Thục vào mà không biết. Không chừng sau vụ này họ sẽ tăng cường canh gác nghiêm ngặt hơn như Tụ dự đoán.


Thứ hai 16/2/98

9g30, tôi lên UB phường để hỏi kết quả việc làm đơn. Gã MZ canh phía trước lập tức chạy theo. Ðến nơi tôi thấy có P và mấy CA nữa, người mặc sắc phục, người mặc thường phục đang ngồi ở ghế đợi của UB. Họ chuẩn bị sẵn để đối phó nếu tôi bị từ chối và phản ứng chăng? Họ đã lầm. Tôi nhìn mặt từng người khi đi ngang qua họ.

Chủ tịch H đã đợi tôi với lá đơn của tôi để sẵn trên bàn. Tôi nhìn thấy đây là bản photo với lời bút phê bên lề như sau:

Kg UBND Phường 9
Ðã xin ý kiến anh E là không cho đi.
Lý do không cần thiết lắm.
14/2/98
Chữ ký tắt.

Có lẽ đây là ý kiến của một lãnh đạo CA TP, còn “anh E” là phó giám đốc Sở CA LÐ phụ trách an ninh. Như vậy ngay trong ngày tôi đưa đơn họ đã lập tức xin chỉ đạo của CA Tỉnh. Vậy là quá rõ. H định phân trần và giải thích dài dòng nhưng tôi gạt đi. Tôi nói biết vậy là được. Tôi sẽ có ý kiến sau trong ngày trình diện 18/2 sắp tới. Tôi ra về và không quan tâm đến mấy CA ngồi thành hàng dài ở ghế đợi bên ngoài đang nhìn theo.


Thứ ba 17/2/98

Hôm nay giỗ DTXQ (hi sinh ngày 21/1 Kỷ Dậu tức 8/3/1969). Cho đến nay Quốc vẫn chưa tìm được hài cốt của chị. Năm 1988 cùng đi với Quốc ngang Duy Xuyên, Quảng Nam tôi có vào nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho chị nhưng đây chỉ là mộ không. Năm ngoái Quốc nhờ một người có khả năng ngoại cảm tìm được nơi chị hi sinh nhưng chỉ có vài kỷ vật còn sót lại chứ vẫn không thấy hài cốt. Quốc đành cùng với bạn bè dựng một bia tưởng niệm tại đây. Mọi năm lần nào giỗ chị XQ, Quốc cũng mời chúng tôi.

Lần này tôi không đi được. Buổi trưa, dạy học xong, gần 12g Yến mới đi . Mãi đến 3g, chị Ðức chở Yến về và hai bà thi nhau kể cho tôi nghe chuyện ở nhà Quốc.

Yến đến trễ, mọi người đã có mặt đông đủ. Tụ, Biên, Lĩnh, Tấn, Hải, Ðức, còn có KA nhà văn, Hội viên HVN LÐ nguyên thiếu tá CA và một người lạ mặt. Yến vừa vào Quốc hỏi ngay: Cự đâu?

Yến trả lời: CA không cho đi. Lúc Yến vào thắp nhang ở bàn thờ, nghe người lạ mặt nói: Ðâu phải CA không cho mà là chính quyền. Lát sau, hỏi ra Yến mới biết người đó là F1, thiếu tá CA, nhà ở gần nhà chúng tôi, người chúng tôi nghe là mới được giao nhiệm trực tiếp theo dõi chỉ đạo vụ của chúng tôi từ hồi đầu năm ngoái nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp.

Quốc không mời KA và F1 nhưng họ tự đến. KA ở gần nhà Quốc, còn F1 trước đây hoạt động ở Quảng Nam, có biết Quốc và chị Xuân Qúy. CA cử 2 người này đến thật có lý và quả đây là một cách giám sát khôn khéo. Ngày giỗ người ta biết đến thắp nhang, ai từ chối được.

Mọi người nói chuyện vui và có vẻ như thân tình. F1 và KA có đến cụng ly với Yến, F1 còn nói; Hôm mồng 2 Tết vợ chồng tôi định đến thăm anh chị nhưng thấy cổng đóng nghĩ anh chị đi vắng nên không vào. Yến nói: Mồng 2 chúng tôi ở nhà chứ không đi đâu. Cổng nhà bao giờ cũng móc hờ như vậy. Chị Biên xen vào: Hôm mồng hai chúng tôi đến nhà anh Cự chơi cả buổi, có chụp hình ở cổng “Ðộng hoa vàng” nữa. Thục mang hình ra xem đi. Mọi người xúm vào xem hình. F1 còn nói đùa (?): Nhà có mấy cây hoa vàng đâu mà cũng đặt tên là “Ðộng hoa vàng”.

F1 và KA cáo từ ra về trước. Thế cũng là tế nhị. Có người bảo: Kiểm tra xem có gắn máy nghe lén không. Người khác bảo: Chắc không có đâu. Tôi nghĩ CA đã tính toán kỹ và có cách của họ.

Tụ kể là hôm qua, anh chưa kịp báo CA vụ đi dự giỗ nhà Quốc thì CA đã chủ động mời anh “tâm sự” trước. Khi anh nói chuyện đó, họ bảo anh cứ đi và còn nhờ anh khuyên Quốc là không nên làm chuyện gì có thể gây phiền nhiễu cho Quốc. Tôi đối với họ là một tay “quậy” họ đã không cho đi. F1 và KA tìm cớ đến dự để giám sát. Thế là họ yên chí rồi.

Hai người kia về, mọi người bắt đầu nói chuyện thời sự, đặc biệt về các bài viết của Trần Ðộ, Phan Ðình Diệu, Hoàng Hữu Nhân. Có người nhận định tình hình như thế là sáng sủa hơn và đối với trường hợp chúng tôi ở Ðà Lạt, có thể họ cũng muốn nới lỏng nhưng chưa biết cách nào. Người khác nói ngược lại, cho rằng Ðảng và Nhà nước tìm cách vô hiệu hóa tiếng nói của mấy ông trên và đối với chúng tôi họ sẽ siết chặt hơn nữa chứ không nới lỏng. (Mấy ngày trước tôi quên ghi chi tiết là sau khi đài báo nước ngoài đưa tin, bình luận rôm rả về bài viết của các nhân vật trên, Bộ Ngoại giao VN đã chính thức thông báo là việc góp ý cho Ðảng và Nhà nước như ông TÐ, kể từ năm 1986 bắt đầu đổi mới, là việc bình thường, mỗi năm có hàng vạn người góp ý và phủ nhận tin đồn Nhà nước quản thúc Ông Phan Ðình Diệu.)

Quốc còn mở cát xét cho mọi người nghe lại toàn văn bài trả lời phỏng vấn ông TÐ của đài BBC mà Quốc đã thu được. Tôi không biết nhưng có bạn nói nghe đài Á châu Tự do có phát lại lá thư của tôi gởi PÐD năm 1994 với lời bình là những điều TDBC mong mỏi nơi PÐD nay đã được ông thực hiện. Khi Yến và chị Ðức về, mấy bà còn gói cho tôi một ít thức ăn và trái cây lấy thảo.


Thứ tư 18/2/98

Hôm nay trình diện phường lần thứ 4. Mới đó mà đã 4 tháng rồi. Kể cũng nhanh.

Dự làm việc hôm nay có H, S ,W. Trong bản báo cáo tôi đã ghi vắn tắt ý kiến của mình về việc CA không giải quyết cho tôi đi dự giỗ ở nhà Quốc, ở đây tôi phân tích thêm. Tôi cho rằng CA giải quyết như thế là không có tình có lý. (Tôi định nói thêm là không có bản lãnh nhưng tôi thôi vì nghĩ nói như thế cũng chạm tự ái họ quá). Tôi cho rằng CA nên giải quyết và có thể tìm một biện pháp giám sát khôn khéo nào đó chứ không nên cấm đoán. Thực tế CA đã làm. Như vậy không phải yêu cầu của tôi không chính đáng mà thực ra CA ngại việc tôi gặp Quốc.

Cả ba người dự đều thừa nhận điều tôi phân tích. H nói thêm: Chúng tôi làm như thế cũng là để giữ cho anh thôi. Tôi nói luôn việc các ông TÐ, PÐD, HHN lên tiếng và cho rằng những điều chúng tôi đã nói, đã làm cũng không khác gì mấy ông đó, tại sao Ðảng và Nhà nước quản thúc chúng tôi mà lại cho những việc các ông đó làm là bình thường. Như thế là mâu thuẫn và bây giờ tốt nhất là Ðảng và Nhà nước hãy bỏ biện pháp quản chế chúng tôi đi.

W nói đó là việc của Nhà nước lớn, tuy nhiên theo anh ta nghĩ có việc bây giờ cho là sai nhưng sau này cho là đúng cũng là việc bình thường. Tôi nói ngay những điều chúng tôi nói nhất định sẽ được thừa nhận là đúng trong một tương lai không xa. W không đối đáp gì thêm.

Nhân tiện tôi hỏi S sắp tới khoảng giữa tháng 3/98, tôi định xin đi SG để thăm mẹ và giỗ thầy tôi, đề nghị S xin ý kiến trước có được hay không rồi tôi mới làm đơn. Nếu chiều hướng không thuận tôi khỏi làm đơn phiền phức cho tôi và cũng khỏi phiền phức cho CA vì đi về SG phải do UBND Tỉnh giải quyết. Cả 3 người đều cho rằng lý do lần này tôi yêu cầu là chính đáng nhưng còn tùy thuộc cấp trên. Riêng S sốt sắng nhận lời, hứa sẽ xin ý kiến trước và dù được hay không anh ta cũng sẽ trực tiếp đến nhà báo cho tôi biết.


Thứ ba 24/2/98

CA gác trước nhà tôi bắt đầu đổi người và đổi phương thức. Qua nhận xét và nói chuyện với mấy người trên quán, tôi hiểu họ thay đổi phương thức như sau: Thay vì một người gác một ca nhiều giờ (thường từ hôm nay sang ngày hôm sau), họ chia một ngày làm 3 ca do ba người gác luân phiên: ca 1 từ 6g sáng đến 11g trưa ( trước từ 7g sáng), ca 2 từ 11g đến 4g chiều, ca 3 từ 4g chiều đến 9g tối, sau 9g giao lại cho CA phường. 3 người mới thay là 3 CA trẻ, trong đó lại có “thằng nhóc” dạo trước, lúc nào cũng kính đen, máy bộ đàm, mặt lạnh, lần này còn luôn luôn đi qua lại trước ngõ hẻm nhà tôi, chắc ra oai với mọi người.

Họ chia ca ngắn chắc cốt để người gác khỏi chán, đâm ra sơ hở. Những CA cũ đều là sĩ quan cấp bậc thượng úy, đại úy chắc phải về làm công việc khác, vả lại bản thân họ cũng đã lơ là. Những người mới có lẽ sẽ hăng hái và nghiêm nhặt hơn.

Yến cho rằng như thế là siết chặt chứ không nới lỏng và nguyên nhân ngoài tình hình chung còn do việc Thục đến đưa thư mời của Quốc mà họ không biết như HSP đã phán đoán. Riêng tôi cho dù chặt hay lỏng, đối với tôi cũng chẳng ăn nhằm gì.


Thứ sáu 27/2/98

Tôi nói chuyện với bà hàng xóm lúc đang làm vườn. Bà này ở phía sau nhà tôi cách khoảng 100 mét nhưng tôi chưa bao giờ nói chuyện vì trái đường, “gần nhà xa ngõ”. Bà hỏi tôi có còn bị CA theo dõi không. Tôi trả lời còn và hỏi lại tại sao bà biết. Bà nói thỉnh thoảng CA vẫn vào nhà bà để nhìn xuống nhà tôi quan sát (đúng là CA giám sát nhà tôi từ đủ mọi hướng). Một trong những CA gác trước nhà tôi vốn quen bà nên có cớ lui tới. Bà bảo có hôm 9, 10g đêm, 3, 4 người còn đập cửa kéo vào uống rượu. Có khi họ uống say chứ không canh gác gì. Tôi hỏi họ có nói gì về tôi không, bà trả lời cũng có nói sơ sơ là do tôi viết bài báo gì đó và cấp trên bắt canh gác thì phải canh vậy thôi. Bà còn an ủi tôi nếu tôi không làm sai trái thì chẳng việc gì phải sợ.

Tôi nghĩ có thể mấy CA đó không nói rõ về tôi với bà và giải thích kỹ việc họ làm nhưng cũng có thể họ đã nhận thức như vậy. Dù họ phải chấp hành lệnh trên nhưng họ cũng có nhận thức riêng của mình. Ðến một lúc nào đó họ sẽ thấy việc canh gác tôi như thế này thật vô nghĩa.


Thứ bảy 28/2/98 (Ngày cuối tháng)

Nhiều chuyện xảy ra quá làm đôi khi chúng tôi quên những điều quan trọng. Sáng nay Yến chợt nói: Hôm qua 27/2 là kỷ niệm “ngày về với nhau” mà anh chẳng nhớ gì cả. Tôi ngờ ngợ xem lại sổ ghi, hóa ra ngày đó là ngày 17/2 đã qua lâu rồi. Yến vốn nhớ kỹ hơn những ngày kỷ niệm nhưng lần này cũng chẳng hơn gì tôi.

Buổi chiều tôi đưa Yến đi xuống hồ Than Thở để uống café. Bây giờ tôi chẳng thể đi nơi nào khác. Cậu CA canh trước nhà chạy theo. Trong tốp 3 người mới thay, trừ “thằng nhóc” mặt mày hắc ám, lúc nào cũng kính đen, mặt lạnh lùng, còn 2 cậu kia có vẻ dễ thương. Họ thường chủ động cười chào tôi và Yến trước khi gặp mặt. “Thằng nhóc” tên là X, 2 cậu kia là A1 và G1, cũng đều là sĩ quan cấp úy nhưng mới ra trường chừng vài năm. Chiều nay là ca trực của G1.

Chúng tôi vào quán đầu tiên, vắng khách nhất. Sau trận mưa lớn tuần trước, nước hồ nay đã đầy lại. Cảnh ở đây thực ra chẳng có gì hấp dẫn chúng tôi vì rất giả tạo. Chúng tôi chỉ thích thiên nhiên hoang sơ.

Hôm nay trời trở lạnh, lại hơi có gió nên ngồi trước gió rất khó chịu vì chúng tôi hay bị dị ứng làm sổ mũi. Ly café sữa quá dở, nồng mùi sữa bò. Ly artichaut cũng loãng phệch. Chúng tôi vừa ngồi nói chuyện vài câu thì G1 từ ngoài cũng vào quán ngồi cách tôi một bàn, nói chuyện với chủ quán. Yến nhìn sang mặt sa sầm: Làm gì theo sát vậy. Bộ muốn nghe lén hả. Vậy là chúng tôi mất vui. Tôi nghĩ cậu CA này sợ trách nhiệm, đứng ngoài khuất không nhìn thấy chúng tôi nên phải vào trong, lỡ chúng tôi có tiếp xúc với ai cậu ta không biết. Nếu cậu ta ngồi cùng bàn chúng tôi sẽ không cho nhưng ngồi bàn khác chúng tôi không cấm được.

Dù sao chúng tôi cũng đã mất thoải mái, ngồi nói chuyện linh tinh khoảng một tiếng rồi về, chẳng có gì thú vị.

Vậy là đã hết tháng 2/98. Tôi muốn chấm dứt tập nhật ký ở đây vì nếu tôi viết tiếp kiểu này thì không phải “đến vô tận” như cách nói cường điệu nhưng hết 2 năm quản chế chắc cũng phải đến gần ngàn trang (chưa kể là từ CA tôi viết tắt, nếu không số trang sẽ dài thêm không ít). Trừ khi có những biến cố quan trọng, còn không thì tuy có việc này việc khác nhưng tôi nghĩ cũng đại khái như những điều tôi đã ghi. Tôi muốn bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết tôi đã ấp ủ và phác thảo trong đầu lâu nay.

© 2006 talawas