© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Tôi bày tỏ
Nhật ký trong những ngày bị quản chế 1996 –1998 (13 kì)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Vài suy nghĩ cuối

Tâm trạng của tôi lúc này như thế nào? Tôi thích câu sau đây mới đọc thấy trong báo Tuổi trẻ Chủ nhật số 8/98: “Trong lịch sử, những ai luôn đấu tranh cho tự do và công lý thì đều là những người chiến thắng, có khi là ngay lúc còn sống hay sau đó”. Ðây là câu nói của Tổng thống Hàn Quốc mới đắc cử Kim Dae Jung nói về nguồn sức mạnh của mình để vượt qua các thử thách trong 40 năm qua.

Không rõ sắp tới ông Kim này sẽ lãnh đạo Hàn quốc thế nào nhưng những gì ông đã chịu đựng và đặc biệt những việc ông mới làm từ khi đắc cử khiến tôi ngưỡng mộ: Ông tha thứ và hợp tác với những kẻ thù cũ, kể cả những người đã ám sát hụt hay bỏ tù ông. Ông hiến tài sản riêng để góp phần cứu nền kinh tế Hàn Quốc qua cơn khủng hoảng. Dù tình hình hai bên đang rất khó khăn, ông vẫn đặt vấn đề thảo luận tiến đến thống nhất 2 miền đất nước bị chia cắt...

Trong gian nan và vùi dập, có người trở nên yếu đuối hay căm hận, nhưng cũng có người trở thành mạnh mẽ và bao dung, cao cả. Kim Dae Jung và Nelson Mandela thuộc loại người sau. Cho tới bây giờ, họ là những chính khách, những lãnh tụ chân chính đáng khâm phục.

Tiếc thay những lãnh đạo như hai ông rất hiếm hoi trong thế giới này. Baba (P. R. Sarkar) thường nói: Phần lớn những chính khách đều là những kẻ dối trá, ý nghĩ, lời nói và việc làm của họ ít khi đi đôi với nhau. Ðó chỉ là những kẻ làm hại nhân dân, ngược lại với những gì họ rêu rao và muốn người khác tôn vinh họ. Ðặc biệt, tôi và có lẽ phần lớn mọi người, đều căm ghét những tên độc tài, đặc biệt những tên hiếu chiến hiếu sát và tham ô tham quyền cố vị. Từ Đông sang Tây, cộng sản cũng như tư bản, đều không thiếu những tên đó.

Không kể những tên độc tài thời xưa hay mấy chục năm trước, hiện nay cũng có vô số những kẻ được gọi là lãnh tụ mà tôi vô cùng chán ngán, bất kể họ còn tại chức hay đã bị lật đổ. Nhân dân nhiều nước đã khốn đốn vì những kẻ đó.

Những chuyện về Ceaucescu và bà vợ của ông ta ở Roumani tôi đã quên, vợ chồng Marcos của Phi Luật Tân làm gì tôi không muốn nhớ. Mobutu của Congo sau 31 năm cai trị đã bòn rút của đất nước 5,6 tỉ đôla gởi vào trương mục ở nước ngoài. “Ông trong sạch” Tổng thống Hàn quốc Kim Young Sarn có biết Kim Hyun Chul, con trai ông ta nhận hối lộ 3,6 triệu đôla? Các chính phủ gọi là trong sạch ở Thái Lan dù là của Chuan Lurpai hay Chavalit với các thành viên chính phủ và vợ con của họ được mệnh danh là hội viên câu lạc bộ tỉ phú tích lũy được bao nhiêu tiền rồi bỏ mặc cho đất nước rơi vào khủng hoảng? Cái ông Tổng thống Suharto của Indonesia đã 70 tuổi, cai trị hơn 30 năm, qua 6 nhiệm kỳ với một tập đoàn gia đình thống trị nền kinh tế đất nước, đã để xảy ra nạn cháy rừng thế kỷ, vẫn còn muốn lãnh đạo tiếp vì không tìm được người kế vị. Lãnh tụ Cộng sản Triều Tiên thì theo chế độ cha truyền con nối như thời phong kiến và sắp bước sang thế kỷ 21 mà đất nước bưng bít như một nhà ngục.

Dù sao tôi không thích ông chủ tịch trọn đời Fidel Castro nhưng tôi cũng không muốn Cuba mãi bị bao vây cấm vận. Tôi chẳng ưa gì Saddam Hussein nhưng tôi vui mừng vì Iraq thoát được cuộc chiến tranh. Tôi thật sự cảm động khi biết TTK LHQ Kofi Annan đã cầu nguyện suốt đêm trước khi đi thương thuyết để gỡ ngòi nổ cho cuộc chiến vùng vịnh.

Chao ôi, cuộc sống này không thoát khỏi chính trị, mà chính trị thì cao cả đẹp đẽ cũng có những cái xấu ác, tàn bạo, đê hèn càng nhiều và mọi thứ cứ lẫn lộn vào nhau.

Trong nhật ký này, tôi ghi mình đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu CA, tôi không muốn để tên thực của họ, đã đặt bí danh của họ bằng các mẫu tự, hết một vòng chữ cái từ A đến Z, tiếp theo vòng 2 A1, B1… Nếu xét về mặt cá nhân riêng tư, họ cũng như mọi người, có người dễ thương, kẻ hắc ám... Ðó là chuyện bình thường.

Tôi thấy cái tốt hay cố tin có điều tốt trong từng người CA. Tôi biết nhiều việc làm tốt và nhiều tấm gương hi sinh của CA trong khi bảo vệ an ninh trật tự cho gười dân, đấu tranh chống bọn tội phạm. Tôi cũng biết nhiều việc làm xấu của CA hay chính CA là tội phạm. Những điều đó không phải riêng tôi mà cả nước đều biết, tôi không nhận xét một cách thiên lệch hay vơ đũa cả nắm.

Ðối với tôi, hay những người như tôi mà CA đã áp dụng những biện pháp trấn áp, tôi nghĩ cũng có thể CA làm thế “vì an ninh tổ quốc”. Nhưng “vì an ninh tổ quốc” là gì lại là một khái niệm cần phải xét lại. Nếu không “vì an ninh tổ quốc” sẽ chỉ trở thành vì an ninh của một nền độc tài chuyên chế.

Tôi không đồng tình quan niệm coi CA là công cụ hành động máy móc theo chỉ thị như một guồng máy vô tri và được ca ngợi là trung thành. CA là những con người có nhận thức, khi nắm bạo lực trấn áp trong tay lại càng phải có nhận thức rõ rệt đúng sai.

CA hiện nay là công cụ chuyên chính của Ðảng và Nhà nước, Ðảng - Nhà nước của những người CS. Tôi đã từng chia sẻ lý tưởng giải phóng dân tộc, chống bất công áp bức của những người CS trong một thời kỳ. Tôi đã từng biết và khâm phục những người CS đấu tranh kiên cường bất khuất.

Không nói đến những thành công hay sai lầm của quá khứ, bây giờ tôi muốn hỏi Ðảng - Nhà nước của những người CS có còn thật sự theo đuổi lý tưởng trước đây không, và có hiểu được tại sao vẫn có, vẫn còn những người đấu tranh bất khuất chống bất công áp bức ngay trong lòng chế độ của mình? Tại sao không chấp nhận họ khi họ cũng chính là hình ảnh của những người CS trong sáng ngày trước?

Hãy cảnh giác với quyền lực. Câu nói đó đã vang lên nhiều lần ngay trên đất nước này do chính những lãnh tụ CS nói ra. Bây giờ lời cảnh báo đó lại càng khẩn thiết. Quá rõ ràng đất nước này nào phải của riêng những người CS và cái gì gọi là “bách chiến bách thắng muôn năm” chỉ là một ước mơ không nên đeo đuổi nữa.

Tôi tự thấy khá thấm nhuần nguyên tắc Ahimsa (không làm hại) trong 10 nguyên tắc Yama - Niyama của Yoga nên tôi không bao giờ muốn giết chóc hay hận thù. Lại còn câu Guru Mantra “Mọi vật đều là biểu hiện của Ðấng Tối Cao” tôi đọc thầm và nghiền ngẫm mỗi ngày. Bất đắc dĩ lắm tôi mới giết mấy con chuột hay sâu rầy phá hoại mà lòng vẫn bứt rứt. Khi làm vườn tôi gặp rắn thường xuyên và để cho chúng chạy vì chúng không hề cắn tôi. Chúng vẫn có quyền sống.

Tôi dùng cuốc phạt ngang thân cỏ dại. Chẳng bao lâu chúng lại mọc lên. Tôi nỉa đất 3 lần xuống sâu nửa thước để nhặt cho hết rễ cỏ. Chúng không mọc được nữa. Một mẩu rễ bé tí còn sót trong đất ẩm, một thời gian sau sẽ đâm chồi và nếu không ngăn cản nó sẽ lan tràn. Hàng đống rễ cỏ đem phơi nắng thật khô sẽ bốc cháy thành tro bụi khi châm vào ngọn lửa. Muốn tiêu diệt cái ác, không thể vội vàng, thô bạo mà phải kiên trì tách nó ra khỏi môi tường thuận lợi cho nó phát triển. Ðó là một trong những bài học tôi rút ra được khi làm vườn mỗi ngày.

Vì thế, tôi không đồng tình với Hoàng Phủ Ngọc Tường khi ông hô hào “đừng tiếc đạn” đối với bọn tham nhũng gộc, (chương Thạc thử trong Nhàn đàm, NXB Trẻ 1997), Tôi cũng “nộ khí xung thiên” với bọn này như mọi người, nhưng dùng đạn vừa không nhân đạo, vừa không triệt để, vừa không thấu suốt được nguyên nhân. Những mẫu rễ cỏ độc nhất định sẽ nảy mầm, phát triển xum xuê khi nằm trong lòng đất ẩm và gặp trận mưa đầu mùa.

Mỗi ngày giữa buổi lao động, tôi thường ngồi nghỉ bên phiến đá cạnh chiếc ao nhỏ do tự tay tôi đào. Những bông súng non tơ vàng thanh khiết và cao qúy vẫn mở ra từng cánh trong nắng ấm khi những bông hoa tàn chìm dần xuống bùn đen. Những con cá vẫn bơi lặn tìm mồi khi một con chim gì giống cò lén lút rình rập. Sự sống vẫn diễn ra như nó vốn có. Và qua mặt nước ao bé nhỏ yên bình, tôi thấy cả trời xanh trên cao. Tôi hiểu rằng lắng lòng mình lại, nơi “Ðộng Hoa Vàng”- khu vườn bé nhỏ này, tôi có thể nhìn thấu chính mình và hiểu được thiên hạ.

Một số người, trong đó có vợ tôi và HSP, từng trách tôi sao quá thành thật khi viết nhật ký cũng như khi trả lời CA thẩm vấn. Ðiều đó có thể có hại cho tôi. Nhất là khi tập nhật ký này có thể sẽ được công bố. Biết sao được. Tôi còn cách nào khác hơn là nói thẳng nói thật? Tôi lại là chứng nhân và người trong cuộc. Ít ra, tôi phải nghĩ, viết như một người trung thực và tự do dù đang bị bao vây tứ phía. Ðó là điều tối thiểu tôi cần làm và có thể làm được.

Tôi cũng thích câu nói của đạo diễn Iran tài ba KIANOSTAMI, tác giả của bộ phim "Mùi vị anh đào", đoạt giải vàng Liên hoan phim Cannes 97: “Sự cấm đoán không giúp con người sống tốt hơn, chính sự suy nghĩ mới làm ta tiến bộ.”

Với tất cả sự chân thành của mình, lại một lần nữa, như trong dòng cuối của phần một, tôi vẫn muốn đặt tên cho toàn bộ tập nhật ký này là Tôi bày tỏ.

Ðầu tháng 3/1998




Phụ Lục

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VIỆT NAM
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Ðồng
Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc
1511/QÐ-UB
Ðà Lạt, ngày 10 tháng 10 năm 1997


Quyết định của UBND tỉnh Lâm Ðồng v/v quản chế hành chính

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Ðồng



Quyết định

Ðiều 1: Áp dụng biện pháp quản chế hành chính đối với người có tên sau đây:

Họ và tên: Bảo Cự
Tên khác: Tiêu Dao, Trường Sơn Ca.
Sinh ngày: 01 tháng 8 năm 1945
Sinh quán: Thừa Thiên - Huế
Nguyên quán: Thừa Thiên - Huế
Nơi đăng ký NKTT: Số 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu, phường 9 TP Ðà Lạt - Tỉnh Lâm Ðồng.
Chỗ ở hiện nay: Số 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu - Phường 9 TP Ðà Lạt -Tỉnh Lâm Ðồng.
Dân tộc: Kinh - Quốc tịch : Việt Nam - Tôn giáo : Thiên chúa giáo.
Trình độ văn hóa: 12/12
Nghề nghiệp: Viết văn.

Ðã có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa, vi phạm điểm a và c, khoản 1, điều 82 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ðiều 2: Ông Bảo Cự phải chấp hành quyết định quản chế hành chính tại nơi cư trú [số 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu - phường 9 TP Ðà Lạt -Tỉnh Lâm Ðồng];

Thời gian chấp hành quản chế hành chính là hai năm [02 năm], bắt đầu tính từ ngày ông Bảo Cự đến trình diện tại Ủy ban nhân dân Phường 9 TP Ðà Lạt. Ông Bảo Cự phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước và phải chịu sự quản lý giáo dục của Chính quyền và nhân dân địa phương phường 9 TP Ðà Lạt - Tỉnh Lâm đồng.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, ông Bảo Cự phải trình diện với Ủy ban nhân dân phường 9 TP Ðà Lạt - Tỉnh Lâm Ðồng.

Ðiều 3: Ông Bảo Cự có quyền gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Ðồng trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND Tỉnh Lâm Ðồng, ông Bảo Cự có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Việc khiếu nại không làm đình chỉ việc thi hành quyết định này.

Ðiều 4: Các ông Chánh văn phòng UBND Tỉnh Lâm Ðồng, Giám đốc Công an Tỉnh Lâm Ðồng, Chủ tịch UBND TP Ðà Lạt, Chủ tịch UBND phường 9 TP Ðà Lạt Tỉnh Lâm Ðồng và ông Bảo Cự chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nơi nhận:

  • Như Ðiều 4 (để thi hành) TM. UBND TỈNH LÂM ÐỒNG
  • Viện KSND Tỉnh Lâm Ðồng [để biết] Chủ Tịch
  • Lưu VPUB-NC Nguyễn Hoài Bảo

  • (ký tên và đóng dấu)


    *



    Công an Thành phố Ðà LạtCộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
    Công an PhườngđÐộc lập - Tự do - Hạnh phúc

    Số: 02 / CA.TP Ðà Lạt, ngày 13 tháng 10 năm 1997


    Biên bản v/v tống đạt quyết định Q/c hành chính

    Hôm nay, ngày 13 tháng 10 năm 1997, vào hồi 8g 20 phút
    Tại nơi làm việc của cơ quan Công an phường 9-Thành phố Ðà Lạt;
    Chúng tôi gồm:

    1. Ông Hồ Lại, Chức vụ Phó trưởng CA Phường 9.
    2. Ông Hoàng Lạc, Chức vụ: Cán bộ CA TP Ðà Lạt.
    Và Ông Bảo Cự sinh ngày 1-8-1945
    Ðịa chỉ thường trú tại: 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu phường 9 TP Ðà Lạt

    Tiến hành lập biên bản về nội dung sau đây:

    Thi hành quyết định số: 1511/QÐ - UB ngày10-10- 1997 của UBND Tỉnh Lâm Ðồng
    V/v áp dụng biện pháp quản chế hành chính đối với ông Bảo Cự sinh ngày 1 -8 -1945
    Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: 35/1 Nguyễn đình Chiểu Phường 9
    Chúng tôi đã tiến hành trực tiếp giao và ông Bảo Cự trực tiếp nhận
    Bản quyết định số: 1511/ QÐ - UB ngày 10-10-01997 của UBND Tỉnh Lâm Ðồng
    Về việc quản chế hành chính đối với ông Cự để thi hành.

    Yêu cầu ông Bảo Cự trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày hôm nay ông phải đến
    trình diện với chính quyền địa phương nơi ông cư trú - UBND phường 9, thành phố
    Ðà Lạt (qui định tại điều 15, chương III Qui chế quản chế hành chính- ban hành kèm theo nghị định 31/CP ngày 14-4-1997 của Chính phủ)

    Việc tống đạt quyết định quản chế hành chính cho người bị quản chế là ông Bảo Cự kết
    thúc vào 8 giờ 30 phút cùng ngày ghi trên.

    Biên bản này được lập thành 03 bản, giao cho người bị quản chế là ông Bảo Cự 01 bản,
    cơ quan tống đạt lưu 02 bản.

    Người được tống đạt
    quyết định
    Người tống đạtCán bộ lập biên bản
    Bảo Cự (ký tên)Hồ Lại(ký tên)Hoàng Lạc(ký tên)


    *


    Thành phố Ðà LạtCộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
    UBND Phường 9Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc



    Biên bản

    V/v thông báo quyết định và nội dung quy chế quản chế hành chính cho người bị quản chế hành chính biết


    Hôm nay ngày 18 tháng 10 năm 1997. Vào lúc 8 giờ
    Tại trụ sở UBND phường 9 thành phố Ðà Lạt chúng tôi gồm:

    1. Ông Nguyễn Văn Hùng chức vụ Chủ tịch UBND Phường 9
    2. Ông Hồ Lại chức vụ Phó trưởng CA Phường 9
    3. Ông Nguyễn Ðức Quá chức vụ Cán bộ Tư Pháp Phường 9
      và Ông Bảo Cự là người có tên trong quyết định quản chế hành chính số 1511 /QÐ -UB ngày 10 tháng 10 năm 1997 của UBND Tỉnh Lâm Ðồng.
    Tiến hành lập biên bản về những nội dung sau:

    1. UBND Phường 9 thành phố Ðà Lạt xác nhận:

      Ông Bảo Cự sinh ngày 01 tháng 8 năm 1945
      Sinh quán: Xuân Hòa Hương Ðiền Bình Trị Thiên.
      Trú quán:
      Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: 35/1 Nguyễn Ðình Chiểu Phường 9
      Thành phố Ðà Lạt Tỉnh Lâm Ðồng.
      Nơi ở hiện nay: Như trên
      CMND số: 250063152 cấp tại Lâm Ðồng ngày 16 -10- 1978 là người có tên trong quyết định quản chế số 1511/QÐ-UB ngày 10 tháng 10 năm 1997 của UBND Tỉnh Lâm đồng, đã đến phường 9 Thành phố Ðà Lạt trình diện lúc 8 giờ ngày 18 tháng 10 năm 1997.

    2. UBND Phường 9 Thành phố Ðà Lạt đã thông báo cho ông Bảo Cự biết rõ nội dung quyết định quản chế hành chính số 1511/ QÐ -UB ngày 10-10-1997 của UBND Tỉnh Lâm đồng và nội dung những quy định chung và những qui định cụ thể đối với người bị quản chế hành chính do có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia, được qui định tại các điều từ điều 1 đến điều 4 chương 1 và từ điều 15 đến điều 21 chương III của qui chế quản chế hành chính ban hành kèm theo Nghị Ðịnh số 31/ CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để thi hành.

    3. Căn cứ vào những qui định tại qui chế quản chế hành chính và quyết định quản chế hành chính số 1511/QÐ-UB ngày 10-10-1997 nêu trên, UBND Phường 9 thông báo cho ông Bảo Cự biết thời gian quản chế là 2 năm [hai năm] đối với ông Bảo Cự được chính thức thi hành, bắt đầu kể từ ngày hôm nay 18-10-1997 là ngày ông Bảo Cự đến trình diện tại UBND Phường 9 Thành phố Ðà Lạt.

    4. UBND phường 9 Thành phố Ðà Lạt yêu cầu Ông Bảo Cự trong thời gian quản chế phải chấp hành và thực hiện tốt những yêu cầu nội dung sau đây:

      1. Phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước và những quy định đã được nêu trong chương III của qui chế quản chế hành chính. Không được tái phạm những hành vi vi phạm pháp luật và có những hành vi, hoạt động khác gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

      2. Phải cư trú, làm ăn, sinh sống tại nơi ở đã đăng ký nhân khẩu thường trú là nhà số 35/1 đường Nguyễn Ðình Chiểu phường 9 thành phố Ðà Lạt. Chỉ được đi lại trong phạm vi địa bàn phường 9 và giới hạn được đi lại. Trong trường hợp cần thiết và nếu có lý do chính đáng ông Bảo Cự muốn đi ra khỏi phạm vi phường 9 thì phải làm đơn xin phép gởi đến UBND Phường 9 và tuân theo các qui định tại điều 17 của qui chế quản chế hành chánh.

      3. Phải chịu sự quản lý, giáo dục của Chính quyền và nhân dân phường 9 TP Ðà Lạt.

        Một tháng một lần ông Bảo Cự phải đến trình diện và báo cáo việc thực hiện quyết định quản chế hành chính của mình tại UBND Phường 9 vào lúc 8 giờ ngày 18 hàng tháng. Nếu ngày đó trùng vào ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ thì phải đến trình diện vào ngày làm việc kế tiếp, sau ngày đó. Ngoài việc phải đến trình diện hàng tháng như nêu trên, khi có yêu cầu triệu tập khác của UBND phường 9 hoặc của cơ quan pháp luật, ông Bảo Cự đều phải trình diện, báo cáo với UBND Phường 9 và cơ quan pháp luật đã triệu tập. Nếu vắng mặt mà không có lý do chính đáng ông Bảo Cự sẽ bị triệu tập, lập biên bản vi phạm và phải làm kiểm điểm về hành vi vi phạm đó.

      4. Ông Bảo Cự có quyền tố cáo, khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về quản chế hành chính của người hoặc cơ quan thi hành quyết định quản chế hành chính theo qui định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995.

      5. Ông Bảo Cự nếu vi phạm qui chế quản chế hành chính và những yêu cầu trên đây hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    5. Ông Bảo Cự đã nghe rõ những nội dung qui định trên đây do UBND Phường 9 trực tiếp thông báo cho ông Bảo Cự biết rõ qui chế quản chế hành chính theo nghị định 31/CP.

    6. Việc thông báo của UBND Phường 9 TP Ðà Lạt cho ông Bảo Cự về quyết định và nội dung của qui chế quản chế hành chính đối với ông Bảo Cự để thi hành đã kết thúc vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 18 -10 - 1997 được ghi thành biên bản, đọc lại cho những người có tên cùng nghe và ký tên dưới đây.
      Biên bản này được lập thành ba bản, giao cho người bị quản chế là ông Bảo Cự giữ 01 bản và lưu tại UBND Phường 9 -Thành phố Ðà Lạt 2 bản để thi hành.


    Người bị quản chếTM. UBND PHƯỜNG 9
    Bảo CựChủ Tịch
    ( ký tên ) Nguyễn Văn Hùng
     ( Ký tên và đóng dấu )


    *



    Nghị định của Chính phủ số 31 - CP ngày 14-4-1997 ban hành Quy chế Quản chế hành chính

    Chính phủ
    Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
    *

    Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;
    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

    Nghị định:

    Ðiều 1: Nay ban hành kèm theo nghị định này Quy chế quản lý hành chính.

    Ðiều 2: Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định về quản chế hành chính trước đây đều bãi bỏ.
    Bộ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất chỉ đạo và giúp chính phủ hướng dẫn, kiểm tra việc
    thực hiện Nghị định này.

    Ðiều 3: Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

    Thay mặt chính phủ
    Thủ tướng
    Võ Văn Kiệt.


    *


    Quy chế quản chế hành chính (ban hành kèm theo Nghị định số 31-CP ngày 14-4-1997 của Chính phủ)


    Chương I: Những quy định chung

    Ðiều 1: Quản chế hành chính là biện pháp xử lý hành chính, buộc những người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại điều 2 Quy chế này phải cư trú, làm ăn sinh sống ở một địa phương nhất định và chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương.

    Thời hạn quản chế từ 6 tháng đến 2 năm.

    Ðiều 2: Quản chế hành chính được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia được quy định tại Chương I phần các tội phạm của Bộ Luật Hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Không áp dụng quản chế hành chính đối với người dưới 18 tuổi.

    Ðiều 3: Quản chế hành chính phải đúng đối tượng, thẩm quyền, thủ tục và trình tự được quy định trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy chế này.

    Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng , sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị quản chế hành chính.

    Ðiều 4: Quyết định quản chế hành chính được thi hành tại nơi cư trú của người bị quản chế. Trường hợp xét thấy không thể để người bị quản chế hành chính cư trú ở những nơi quan trọng, xung yếu về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng hoặc những nơi mà người bị quản chế có điều kiện tiếp tục vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích quốc gia, thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương [gọi chung là cấp tỉnh] quyết định quản chế hành chính họ ở nơi khác nhưng trong phạm vi tỉnh, thành phố. Khi chấp hành xong quyết định quản chế, người bị quản chế được trở về nơi cư trú cũ của mình.

    Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh [gọi chung là cấp huyện] nơi có người bị quản chế hành chính có trách nhiệm tạo điều kiện thuộn lợi cho việc làm ăn, sinh sống của người bị quản chế.

    Chương II: Thủ tục xét duyệt, quyết định quản chế và giảm thời hạn quản chế hành chính

    Ðiều 5: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập hồ sơ đối với những người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính, trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

    Cơ quan công an cấp huyện và Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn [gọi chung là cấp xã] nơi có người cần áp dụng biện pháp quản chế hành chính cư trú, có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc thu thập tài liệu và lập hồ sơ.

    Ðiều 6: Hồ sơ đề nghị quản chế hành chính gồm:

    Ðiều 7: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan cấp huyện chuyển đến, chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện phải xem xét, đề nghị bằng văn bản và trình chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

    Ðiều 8: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn gồm đại diện lãnh đạo Công an cấp tỉnh, Sở Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh. Ðại diện lãnh đạo cơ quan Công an cấp tỉnh là thường trực Hội đồng tư vấn.

    Ðiều 9: Thường trực Hội đồng tư vấn có trách nhiệm tổ chức, chuẩn bị các tài liệu cần thiết, chủ trì cuộc họp, lập biên bản cuộc họp của Hội đồng và thay mặt Hội đồng làm văn bản đề nghị quản chế hành chính trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

    Ðiều 10: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định. Văn bản trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp và tóm tắt tài liệu về các vi phạm pháp luật của người cần quản chế hành chính, các ý kiến và kết luận của Hội đồng tư vấn; thời hạn và nơi thi hành qyết định quản chế.

    Trong trường hợp cần thiết, cuộc họp có thể được hoãn để xác minh, làm rõ thêm hồ sơ của người cần quản chế hành chính.

    Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể. Cuộc họp của Hội đồng tư vấn có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tham dự. Cuộc họp phải được lập biên bản ghi rõ ý kiến của các thành viên và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân.

    Ðiều 11: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét ra quyết định quản chế hành chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị quản chế hành chính của Hội đồng tư vấn.

    Trường hợp người bị quản chế hành chính phải thi hành quyết định ở nơi khác, trước khi ra quyết định quản chế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi thi hành quyết định quản chế hành chính thi hành quyết định.

    Nội dung quyết định quản chế hành chính phải ghi rõ ngày tháng năm ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, ngày tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị quản chế hành chính; lí do, điều khoản, tên văn bản pháp luật được áp dụng, thời hạn và nơi thi hành quyết định; quyền khiếu nại của người bị quản chế, nơi và thời gian khiếu nại.

    Ðiều 12: Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ký quyết định quản chế hành chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải gửi quyết định cho người bị quản chế, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân và cơ quan Công an cấp huyện, Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi người bị quản chế cư trú và nơi người đó thi hành quyết định quản chế.

    Ðiều 13: Khi đã chấp hành được một nửa thời hạn quản chế, nếu người bị quản chế hành chính có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công theo các quy định sau đây thì có thể được chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xét giảm thời hạn quản chế, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi người đó thi hành quyết định quản chế.

    Người bị quản chế hành chính có tiến bộ rõ rệt là người thành thật hối lỗi, tích cực lao động, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật và quy chế Quản chế hành chính.

    Người bị quản chế hành chính được coi là lập công nếu có một trong những việc làm như: tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của người khác, giúp cơ quan công an trong việc điều tra phát hiện tội phạm; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất; cứu được tính mạng của người khác trong tình thế hiểm nghèo; cứu được tài sản của nhà nước, tập thể hoặc của công dân khi có bão lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh...

    Thời hạn được giảm không quá 1/3 thời hạn phải quản chế hành chính.

    Ðiều 14: Cơ quan Công an cấp huyện và chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã, nơi người bị quản chế sinh sống có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc xem xét, làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xét giảm thời hạn quản chế cho người bị quản chế hành chính.

    Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm giúp chủ tịch Ủy ban Nhân dân cùng cấp trong việc xem xét giảm thời hạn quản chế hành chính, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi người bị quản chế thi hành quyết định quản chế.


    Chương III: Những quy định cụ thể đối với người bị quản chế hành chính

    Ðiều 15: Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đựơc quyết định quản chế hành chính, người bị quản chế phải trình diện với Ủy Ban Nhân dân cấp xã nơi mình thi hành quyết định quản chế. Thời hạn quản chế bắt đầu tính từ ngày người bị quản chế đến trình diện.

    Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo quyết định và nội dung của quy chế Quản chế hành chính cho người bị quản chế hành chính biết để thi hành.

    Người bị quản chế hành chính không đến trình diện đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng thì Ủy ban Nhân dân cấp xã triệu tập người bị quản chế đến trụ sở Ủy ban Nhân dân để lập biên bản và buộc thi hành quyết định.

    Ðiều 16: Người bị quản chế hành chính phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước, quy chế Quản chế hành chính, được học tập, lao động để trở thành người tốt.

    Ðiều 17: Trong thời hạn quản chế, người bị quản chế hành chính phải cư trú, làm ăn sinh sống tại xã, phường, thị trấn nơi thi hành quyết định quản chế hành chính và phải chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương, chỉ được đi lại trong phạm vi nơi người đó bị quản chế. Nếu có lý do chính đáng, người bị quản chế muốn đi ra khỏi phạm vi xã, phường , thị trấn thì phải làm đơn xin phép và tuân theo các quy định sau đây:

    Trường hợp người bị quản chế hành chính đi ra khỏi nơi thi hành quyết định quản chế cần ở lại nơi đến thì mỗi lần được đi không quá 5 ngày và tổng số ngày đó không vượt quá 1/15 thời hạn quản chế.

    Trường hợp người bị quản chế hành chính hàng ngày phải đến một nơi nhất định để học tập, lao động hoặc vì lý do chính đáng khác thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân có thể xem xét cấp giấy phép theo từng tháng.

    Trong giấy phép do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp cho người bị quản chế hành chính phải ghi rõ thời hạn, nơi đến và tuyến đường được đi.

    Sau khi được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp giấy phép, người bị quản chế hành chính phải thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép; nếu tạm trú thì phải trình diện và xuất trình ngay giấy phép với Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi mình đến. Hết thời hạn tạm trú, người bị quản chế hành chính phải xin xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian tạm trú.

    Người bị quản chế đi ra khỏi nơi thi hành quyết định quản chế, mà không có giấy phép, thì thời gian đi ra khỏi nơi thi hành quyết định quản chế không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định quản chế hành chính.

    Ðiều 18: Một tháng một lần, người bị quản chế hành chính phải đến trình diện và báo cáo việc thực hiện quyết định quản chế hành chính của mình tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi thi hành quyết định quản chế.

    Người bị quản chế hành chính phải trình diện tại trụ sở khi Ủy ban Nhân dân cấp xã yêu cầu; nếu vắng mặt mà không có lý do chính đáng, thì Ủy ban Nhân dân cấp xã triệu tập họ đến trụ sở Ủy ban Nhân dân để lập biên bản và yêu cầu họ làm kiểm điểm về hành vi vi phạm đó.

    Ðiều 19: Người đang bị quản chế hành chính không được giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng và không được hành nghề kinh doanh đặc biệt hoặc một số ngề nghiệp khác mà với các nghề đó người bị quản chế có điều kiện để vi phạm pháp luật.

    Ðiều 20: Người bị quản chế hành chính có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về quản chế hành chính của người, cơ quan thi hành quyết định quản chế hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

    Ðiều 21: Người bị quản chế hành chính vi phạm Quy chế quản chế hành chính hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


    Chương IV: Trách nhiệm của các cơ quan thi hành quyết định quản chế hành chính

    Ðiều 22: Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi người bị quản chế thi hành quyết định có trách nhiệm quản lý, giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho người bị quản chế hành chính làm ăn sinh sống, ba tháng một lần phải làm báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân cấp huyện về việc quản lý gáo dục người bị quản chế hành chính đang chấp hành các quy định quản chế tại địa phương.

    Công an cấp xã giúp Ủy ban Nhân dân cấp xã lập hồ sơ theo dõi và phối hợp với các tổ chức, nhân dân địa phương, gia đình người bị quản chế trong việc quản lý, giáo dục người bị quản chế.

    Ðiều 23: Ủy ban Nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban Nhân dân cấp xã thực hiện các quy định về quản chế hành chính; ba tháng một lần phải báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh về tình hình thực hiện quản chế hành chính.

    Ðiều 24: Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban Nhân dân cấp dưới thực hiện các quy định về quản chế, hàng năm phải làm báo cáo gửi Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện quản chế hành chính ở địa phương.

    Ðiều 25: Cơ quan Công an có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân cùng cấp trong việc thi hành quyết định quản chế của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

    Hồ sơ quản chế hành chính do cơ quan công an lưu giữ.

    Ðiều 26: khi hết thời hạn quản chế hành chính, Ủy ban Nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định quản chế cho người bị quản chế, đồng thời gửi bản sao giấy chứng nhận đó đến Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

    Ðiều 27: Cơ quan, người có thẩm quyền thi hành quyết định quản chế hành chính phải nghiêm chỉnh thi hành những quy định về quản chế, không được gây khó khăn, cản trở việc làm ăn, sinh sống bình thường của người bị quản chế; nếu có hành vi vi phạm pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất cho người bị quản chế hành chính thì phải bồi thường.

    Ðiều 28: Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này, ban hành mẫu quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép, giấy triệu tập và các biểu mẫu khác có liên quan đến việc thi hành biện pháp quản chế hành chính.

    T.M. Chính phủ
    Thủ tướng
    Võ Văn Kiệt

    © 2006 talawas