trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Xã há»™i dân sá»±
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18 
17.9.2005
Giuseppe Di Palma
Tính chính đáng từ bên trên và xã hội dân sự: Sự thay đổi văn hoá - chính trị ở Đông Âu
3 kì
Lâm Yến dịch
 1   2   3 
 
Các sức mạnh của xã hội dân sự

Liệu chiếc ly có hoàn toàn trống rỗng? Theo tiêu chuẩn của Hankiss, người ta có thể kết luận, thí dụ, rằng không hề có một xã hội thứ hai thực sự trước cách mạng Pháp. Cái tương thích với xã hội thứ hai -nền kinh tế tư sản tương lai- bị nhấn chìm một cách vô vọng trong bùn đen kinh tế chính trị phung phí của nền chuyên chế Pháp: nửa trọng thương, nửa bị chiếm dụng bởi những kẻ có vai trò sắp đặt và quan chức tham tàn. Và vâng, các nhà bất đồng chính kiến trí thức vẫn thường lên tiếng chống lại sự cai trị do thiên mệnh và những đặc quyền của quý tộc- nhưng từ ghế bành của giới quyền quý. Tuy thế, cái mù mờ ấy đã không ngăn các trí thức vận động chống lại chế độ. Họ rút lấy chất sinh dưỡng từ hai nguồn: sự phá sản trong nước, cả về đạo đức và vật chất, và ví dụ về các xã hội nước ngoài năng động và cởi mở hơn (Anh quốc và các thuộc địa ở châu Mỹ của nó). Một số trong những điều mù mờ-có kết thúc mở như thế cũng bao phủ quanh xã hội dân sự trong chế độ cộng sản.

Độc quyền tuyên truyền của cộng sản làm suy yếu xã hội dân sự. Nhưng, như đã đề cập ở trên, nó cũng là động lực mà quanh đó các trí thức bất đồng được động viên: sự phủ nhận hoàn toàn hiện thực là cái chỉ có thể tiêu hoá được trong lý tưởng. Nó cần đến các hình thức cực đoan nhất của khủng bố toàn trị, động viên thường xuyên, phục tùng tuyệt đối, và sự tán nhỏ cộng đồng- là các hình thức mà các lãnh tụ cách mạng vẫn sử dụng vô độ trong những thời kỳ “anh hùng”. Khi các thời kỳ cách mạng nhường chỗ cho bình thường hoá, hiện thực -một hiện thực khác xa cái được mô tả trong học thuyết chính thống- trở nên không dễ che giấu. Và sự bất hoà nhịp này đặc biệt chướng tai. Vì thế, sự nhìn nhận lại hiện thực và sự phục hồi lại của cộng đồng đã thấm đẫm người bất đồng chính kiến dưới chủ nghĩa cộng sản với lẽ phải đạo đức và một động cơ vượt xa các phong trào đấu tranh chống độc tài khác. Vì sự khập khiễng giữa học thuyết cộng sản và hiện thực đã cho thấy rằng trách nhiệm gây thoái biến hiện thực thuộc về thái độ không chấp nhận học hỏi của họ. Chủ nghĩa cộng sản không phải là biểu hiện của các xã hội thoái biến, mà là ngược lại.

Sự tương phản với nền chuyên chính tư bản phương Tây gợi ra nhiều điều. Thông thường, đối thủ của các nền chuyên chính phương Tây coi chế độ của họ là sự phản ánh của xã hội, là cái biểu hiện của bất công và bất bình đẳng giai cấp ăn sâu trong lòng xã hội, là hình ảnh về sự lạc hậu lịch sử. Thay vì xuyên tạc xã hội, các chế độ này bộc lộ nó ra. Điều này giải thích một số khác biệt trong mục tiêu của bất đồng chính kiến. Trong trường hợp các chế độ toàn trị [phương Tây], mục tiêu không chỉ là các chế độ mà còn là chính xã hội nữa, trong sự biểu hiện già cỗi, bất công bắt nguồn từ lịch sử và thường là tư bản chủ nghĩa của nó. Ngoài ra, mục tiêu còn là các chế độ nửa tự do, chuyên quyền ngấm ngầm; chúng là cái đến trước chuyên chế và thường chịu trách nhiệm trong sự xuất hiện của chế độ chuyên chế. Hơn thế, các đối thủ của chế độ cũng thường chia rẽ trong phương hướng giải quyết quá khứ.

Từ khi chủ nghĩa cộng sản cắt đứt với quá khứ, thì không còn những mục tiêu chính trị phức tạp như vậy nữa để có thể chia rẽ các nhà bất đồng chính kiến. Khách thể của họ -đơn giản hơn, trực tiếp hơn, là nguồn gốc của sự đoàn kết chặt chẽ hơn và sức bền đạo đức cao hơn- giờ đây là giành lại xã hội, phục hồi cộng đồng, cắt đứt những quan hệ với chủ nghĩa cộng sản giờ đây đang làm thoái hóa xã hội. Điều này giải thích tại sao ở Đông Âu người ta thường nói về bất đồng chính kiến, trong khi ở các nền toàn trị [phương Tây] người ta thường nói về độc lập. Nó cũng giải thích tại sao bất đồng chính kiến ở Đông Âu thường tự mô tả mình là phi-chính trị. Và nó giải thích tại sao có tính đơn nhất về mục đích khi, dự đoán được khả năng cùng tồn tại lâu dài trong giai đoạn bình thường hoá, các nhà bất đồng chính kiến tập trung vào việc tạo ra một không gian công song song (theo cách dùng từ của Vaclav Benda). Không có những nỗ lực như thế, và có lẽ không cần những nỗ lực như thế trong hoạt động độc lập ở các nền chuyên chế phương Tây. Cuối cùng, mục tiêu tái giành lại xã hội giải thích tại sao bất đồng chính kiến Đông Âu không chấp nhận sống trong bí mật - lối sống mà theo Adam Micknik, sẽ phải chấp nhận sự phủ nhận của xã hội, vốn là cái mà nhà nước cộng sản luôn mong muốn [ở các nhà bất đồng chính kiến].

Sự khác biệt và động cơ đạo đức của bất đồng chính kiến Đông Âu được khơi nguồn cảm hứng một phần từ các mô hình Tây Âu, cái có vai trò hai lớp trong việc bất ổn định hoá những người hàng xóm cộng sản của họ. Tại điểm này, các vấn đề khác biệt một cách tinh tế nhưng quan trọng với trường hợp đối lập trong các nhà nước chuyên chế phương Tây. Đầu tiên, với tư cách là một mô hình phát triển kinh tế và là một đối tác của liên minh NATO, Tây Âu cho thấy một trật tự thay thế thành công. [1] Về mặt này, vai trò của Tây Âu không phải là phỉnh phờ và cắn đớp như nó đã làm với các chế độ chuyên chế Nam Âu. Thay vào đó, nó tấn công các lãnh tụ cộng sản bằng cách chỉ ra sự trống rỗng trong các mục tiêu toàn cầu của họ. Thứ hai, đối với bất đồng chính kiến Đông Âu, Tây Âu cho thấy một phản luận đề đối với chuyên chế entropy: nó là cái nôi của xã hội dân sự, của tính công dân, và của chính trị được chính đáng hoá bởi diễn thuyết công cộng minh bạch. Về mặt này, phương Tây đã mang các xã hội phương Đông trở lại với với mình, đã duy trì sự động viên trí thức trong giai đoạn bình thường hoá tẻ nhạt. Nghịch lý thay, vai diễn do phương Tây thủ vai được tăng cường bởi thực tế là sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản đã xoá sạch quá khứ chính trị. Vì thế, chẳng có chỗ cho những cách hiểu khác nhau gây chia rẽ về giai đoạn tiền cách mạng để làm nhụt tinh thần của bất đồng chính kiến. Hơn nữa, bất kể công nhân hay trí thức, hầu hết các nhà bất đồng chính kiến hầu như không có liên hệ với quá khứ. [2] Ngay cả nếu họ có liên hệ nào đó, thì chủ nghĩa Stalin thời tiền chiến cũng rửa sạch mọi nguồn gốc lịch sử chính trị cá nhân của họ. Và nếu họ đã từng là người cộng sản, thì sự cải tà quy chính cũng thường đem lại cho thái độ bất đồng chính kiến của họ một lợi thế hơn hẳn.

Vẫn có thể lập luận rằng bất đồng chính kiến, với tất cả những động lực đạo đức của nó, không thể phổ biến như một xã hội song song trong cái không khí vô trách nhiệm xã hội, ngu dốt chuyên môn và tê liệt cá nhân mà hệ thống gia trưởng nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, liệu sự tê liệt và vô trách nhiệm có phải là tất cả? Liệu chúng có phải là cơ chế duy nhất để sinh tồn? Thảo luận của Mira Marody trong một nghiên cứu thực nghiệm về thái độ và giá trị “công” và “tư” ở Ba Lan đã vẽ ra một bức tranh có nhiều sắc thái hơn [3] . Một số thái độ là cần thiết để an toàn trong cuộc sống, không tự nguyện ra các quyết định độc lập, chấp nhận trình độ chuyên môn xoàng xĩnh -và vì thế, có vẻ như bảo vệ nguyên trạng [status quo]- là cái xuất hiện mang tính tình huống. Nó là sự phản ứng duy lý của xã hội trước các kỳ vọng của nhà nước đã bị hạ thấp và các cơ hội xã hội đã trở nên quá ít ỏi. Để cân bằng lại, đã tồn tại một không gian tư nhân song song của các khát vọng hành vi, nơi các giá trị hoàn toàn ngược lại giữ vị trí thống trị.

Một nghiên cứu khác về Ba Lan, do Lena Kolarska-Bobinska báo cáo, đã chỉ ra đặc trưng tình huống của các giá trị xã hội được thể hiện công khai và vì tính tình huống này, chúng có thể bị vứt bỏ khi mà bối cảnh chính trị có những chuyển biến cơ bản. [4] Tác giả lập luận rằng sự ủng hộ đối với sự cào bằng lợi ích và bảo đảm công ăn việc làm không phản ánh thái độ bám rễ trong trật tự xã hội cộng sản, mà chỉ là sự vận hành của cơ chế tự vệ. Trong một hệ thống mà các cơ chế thưởng cho lao động tận tụy bị che giấu, thất thường, luôn gắn chặt với địa vị chính trị và ân sủng, và về mặt thể chế không liên quan gì với trình độ chuyên môn hay các tham số kinh tế khả quan, thì việc cá nhân đòi hỏi lợi ích được chia đều là có thể hiểu được như thể là một chống đối tiềm tàng. Chia đều mọi lợi ích được ủng hộ vì không tồn tại công bằng trong cơ hội. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên rằng khi người ta tham gia vào nền kinh tế thứ hai, thì họ lại chấp nhận những hệ giá trị/thái độ hoàn toàn khác với sự thái độ tê liệt, qua loa và phụ thuộc. Nó là cách để mài sắc kỹ năng của họ trong cái “nghệ thuật tồn tại”.

Tôi đã đề cập ở phần trước về việc người ta phải dành quá nhiều thời gian cá nhân vào việc đảm bảo sự tồn tại của mình trong một thị trường nghèo nàn. Nhưng nó không làm họ xa cách nhau ra, mà ngược lại, nghệ thuật tồn tại thường đem họ xích lại gần nhau. Như Steven Sampson mô tả:

“Ở Đông Âu, các nguồn lực có giá trị cao và cần thiết thường rất khan hiếm, vì quản lý kinh tế yếu kém hoặc thủ đoạn chính trị. Nó khiến cho các kênh và mạng lưới xã hội phi chính thức đóng vai trò sống còn đối với sự tồn tại qua ngày của hầu như mọi người dân Đông Âu.” [5]

Không được đánh giá thấp sự loang ra của ngay cả mức độ tổ chức thế tục nhất này. Các nền chuyên chế phương Tây thường “tỉnh táo về giai cấp”; nạn nhân của túng thiếu vật chất thường là những người nghèo hơn. Nhưng nền kinh tế nghèo nàn của chủ nghĩa cộng sản không từ một ai- ngoài một số ngoại lệ là một số nhân sự cốt cán của đảng. Sự tập trung của Sampson vào sự tương đồng về tình trạng khốn khổ và các phản ứng [giữa các thành phần khác nhau trong xã hội] rất có ý nghĩa. Thành phần có học nhất trong xã hội, những người vận động chính cho hiệu ứng loang toả, cũng bị ảnh hưởng không kém gì mọi người khác.

Khi họ tập trung mọi tinh tuý của mình vào nghệ thuật tồn tại về mặt vật chất, các nhóm nhỏ phi chính thức nhưng đồng nhất về xã hội và có nhiều nguồn lực hơn sẽ bắt đầu có vai trò mới. Chúng trở thành nguồn gốc tiềm tàng cho nhiều hình thức bất đồng chính kiến khác nhau- ít hay nhiều âm ỉ, ít hay nhiều mang tính chính trị. Để bắt đầu, nhớ rằng không nên coi việc rút về các nhóm thân quyến và bè bạn là bằng chứng của một xã hội bị nguyên tử hoá, và không nên cho rằng việc này sẽ tạo ra cái chân không xã hội-cái không khác được là sẽ bị lấp đầy bởi các mong muốn của người cộng sản. Rút lui, hay tốt hơn là khả năng rút lui,

“thực ra là một phản ứng tỉnh táo của xã hội nhằm tự vệ khỏi sự tiếm đoạt… Nó là một phương pháp tự vệ cho phép bảo lưu được văn hoá xã hội của một xã hội cụ thể trong các hình thức như tập quán, thảo luận, tâm lý, cá tính và tính nết, khi cái này trở nên bất khả thi trong đời sống công cộng và thể chế”. [6]

Các nhóm nhỏ cũng là hệ sinh thái tự nhiên cho những tiếng nói ngang [7] và xiên [8] . Hiện tượng này nói đến sự phát triển của những trao đổi phê phán được mã hoá trong ngôn ngữ, đặc biệt là giữa những người thuộc tầng lớp có học- vốn nhạy cảm với những điều ô nhục của hệ thống. Những trao đổi thuộc nhóm được mã hoá này gồm có chuyện cười và cạnh khoé chính trị, các tiêu điểm và văn phong, và lựa chọn chủ đề sao cho mã hoá được thái độ chính trị của cá nhân. Những tiếng nói này ngang vì nó thay thế cho “tiếng nói dọc”, là những mệnh lệnh và thỉnh cầu mà các nhà độc tài ưa thích. Chúng xiên vì chúng được mã hoá. Tuy thế, mã hoá không đơn thuần là cách trốn tránh nhà cầm quyền. Đặc biệt là ở Đông Âu, nơi khát vọng đứng ra bác bỏ sự u tối của hệ thống, công khai và minh bạch là một khát vọng lớn. Mã hoá tạo ra một ràng buộc về nhận thức và tình cảm giữa các nhà bất đồng chính kiến của hệ thống, những người qua đó nhận ra rằng mình không hề cô đơn. [9]

Vì thế, chúng ta đi đến một biểu hiện bất đồng chính kiến độc đáo dưới chế độ cộng sản: samizdat, hiện tượng lưu hành rộng rãi các xuất bản phẩm ngầm. [10] Có ba tính chất của nó cần làm rõ. Thứ nhất, các xuất bản phẩm -thường là các chứng thư chính trị và gần-chính trị- được ký tên tác giả, tái bản và lưu hành thông qua các mạng lưới tự tổ chức và biến tấu, trong đó các tác giả và những người truyền bá tác phẩm tại mỗi bước thường là một cá nhân đơn lẻ. Thứ hai, nó có nghĩa là trong một số trường hợp, mặc dù những xuất bản phẩm này là phi pháp và là lựa chọn thay thế, chúng không hoàn toàn bí mật. Bí mật tuyệt đối hẳn sẽ làm thất bại chức năng làm chứng. Thứ ba, bản chất cá nhân của samizdat cũng có nghĩa rằng hạ tầng cơ sở tổ chức để duy trì hoạt động xuất bản/phát hành là không cần thiết. Thay vào đó, những nơi mà cơ sở hạ tầng chưa tồn tại, việc sản xuất samizdat là một yếu tố độc đáo khác đem con người xích lại gần nhau.

Tóm lại, để duy trì sự đối lập với chủ nghĩa cộng sản, thì không chỉ có tiếng nói xiên và sự khéo léo trong nghệ thuật tồn tại cá nhân. Có lẽ được nuôi dưỡng bởi kinh nghiệm samizdat, các tổ chức thay thế và bất hợp pháp cũng xuất hiện. Nó có ích gì? Có một số. Có lẽ sức mạnh chính của nó là ở dài hạn -cái tính năng được tiết lộ sau cái sự thực- chính xác là mục đích của họ hoàn toàn không phải mưu toan theo cách mà các đảng kín và các phong trào ngấm ngầm mưu toan lật đổ các chế độ chuyên chế kém bền vững hơn. Ngược lại, họ tìm cách xây dựng, từng bước và bằng sức mạnh của ví dụ, một xã hội song song. Sự tham gia vào các tổ chức thay thế, vì vậy, có những điểm thuận lợi tức thời. Các thành viên và ủng hộ viên hình thành các phương thức tranh luận ít mang tính mưu đồ hơn và không nhằm tìm kiếm quyền lực (và vì thế thích hợp hơn với các phong trào thay thế, đôi khi hướng tới một vấn đề duy nhất, trong các xã hội đa nguyên). Ví dụ bao gồm các tổ chức phi chính thức thách thức các đối thủ chính thức của nó; gom góp thông tin, thông báo và tố cáo các hoạt động và hành vi đồi bại của chính phủ; đòi bồi thường những oan khuất; buộc nhà nước phải chịu trách nhiệm; đề đạt các chính sách thay thế; đàm phán với chính quyền, nếu cần. [11] Đổi lại, hình thức tranh luận không ích kỷ này, đối lập với sự mù mờ khó chịu và khuất tất của nomenklaturas đã đem lại cho các tổ chức bất đồng chính kiến sự tin tưởng rộng rãi không khác gì nhiều so với các điển hình cá nhân bất đồng chính kiến anh hùng.


Một bảng kết toán ngắn

Thảo luận trong phần trên hẳn phải khiến chúng ta hiểu năng lực tận dụng sáng tạo các cơ hội hiếm có, đặc biệt và phi luật lệ của xã hội dân sự ở Đông Âu cộng sản. Cũng thế, vai trò của các yếu tố thường nuôi dưỡng xã hội dân sự cũng có những thay đổi nhất định.

Đầu tiên, có thể đúng trên sự thực rằng chủ nghĩa cộng sản không chấp nhận cả hình thức hoạt động kinh tế độc lập (mà chủ nghĩa tư bản khuyến khích) lẫn hình thức đa nguyên hạn chế, bắt nguồn từ cấu trúc thể chế và kinh tế-xã hội truyền thống của đất nước (cái mà những nền chuyên chế phương Tây chấp nhận). Nhưng cái chốt của lập luận ở đây về sự động viên của trí thức chống lại chủ nghĩa cộng sản không cần đến cái nguồn sinh dưỡng ấy. Trên thực tế, các nhà đối lập trong các hệ thống chuyên chế phương Tây thiếu một số động cơ và sự thu hút rộng rãi mà các nhà bất đồng chính kiến dưới chế độ cộng sản được hưởng.

Thứ hai, đúng là mặc dù với tất cả nỗ lực nhằm hành xử như thể là lương tri phê phán của chủ nghĩa cộng sản, các nhà bất đồng chính kiến vẫn thiếu các kênh thể chế để tiếp cận chính thức tới nhà nước. Nhưng điểm này không phải là vấn đề chính ở đây. Nếu giả sử có cách tiếp cận đáng tin cậy, thì làm gì còn độc tài nữa. Nói cách khác, tiêu chuẩn về tiếp cận chính thức và các tiêu chuẩn đa nguyên khác dùng để đo đạc sự xuất hiện của một xã hội dân sự tự trị và hoàn toàn có ảnh hưởng chỉ có thể áp dụng được khi chuyên quyền đã bị xoá bỏ. Dưới chế độ chuyên quyền, xã hội dân sự, bị tước đi cấu trúc cơ hội chính thức, buộc phải tìm kiếm một nơi cho mình bằng các phương pháp tự tạo và không theo thông lệ. Ý kiến công cộng ở Pháp và các nền chuyên chế khác trong thế kỷ XIX không có cách gì tiếp cận được tới nhà nước, chứ đừng nói tới các hoạt động chính trị tích cực của công dân. Nó [hoạt động chính trị tích cực của công dân] cũng không đòi hỏi có được sự tham dự tích cực. Khi nó đòi hỏi, nó đòi hỏi tính minh bạch, hợp pháp, chấm dứt sự thống trị về chính trị-kinh tế và văn hoá của hệ thống hành chính cồng kềnh và ăn bám. [12] Những đòi hỏi như thế đã tồn tại ngay trong nền chuyên chế trước Cách mạng Pháp mà không cần đến sự trợ giúp của các kênh pháp lý và chính thức. Chúng tồn tại vì chúng giúp vạch trần cái hiện thực suy thoái mà nền chuyên chế không còn có thể che giấu.

Hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở Ba Lan và Hungary trước sự sụp đổ của nhà nước cộng sản. Ở Ba Lan, sự chuyên tâm của các nhà bất đồng chính kiến khi họ đấu tranh công khai với hệ thống gia trưởng- và qua đó tìm cách lớn mạnh dần lên thành một phong trào rộng lớn- là một yếu tố dẫn tới quyết định giải phóng và cuối cùng là mở cửa cho đối thoại của chế độ. Bằng cách chỉ ra các thất bại, bất đồng chính kiến bắt đầu lan truyền các nghi ngờ ngay chính trong lòng hệ thống.


Khủng hoảng của cộng sản và phản kháng của xã hội

Không có phần nào trong bài này hàm ý rằng sự phản kháng trong nước là đủ để giải thích sự sụp đổ đột ngột của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là các xã hội Đông Âu đã phản ứng nhanh và với một sức mạnh đáng ngạc nhiên ngay tại thời điểm bình thường hoá cộng sản đi đến hồi kết và các chế độ cộng sản đánh mất tham vọng cầm quyền của họ- cũng nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Để hiểu rõ hơn về sự phản kháng này, các nguyên nhân của nó, và những gì hiện tượng này có thể báo trước về tương lai của xã hội dân sự trong khu vực, có lẽ nên tóm tắt bản chất của cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản. [13]

Khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản: Những sự kiện ở Đông Âu không phải là hồi kết trong một quá trình tự nhiên của chuyển đổi tự phát kích thích bởi các tác động hiện đại hoá toàn cầu. Cuộc khủng hoảng không phải là khủng hoảng của tăng trưởng hội tụ, khi chủ nghĩa cộng sản bỏ rơi cái mu rùa Cứu rỗi-toàn trị để gia nhập vào nền kinh tế hội nhập toàn cầu do tư bản thống trị. Nó cũng không phải là cuộc khủng hoảng giống như của chế độ độc tài Franco, cái đã trở nên lỗi thời so với một xã hội đã tự tìm cách hiện đại hoá. Thay vào đó, cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản bắt nguồn từ chỗ từ lâu nó đã không có khả năng rũ bỏ cái mu rùa đó một cách đầy đủ. Moscow giữ đám tăng lữ Warsaw Pact/Comecon của mình hướng vào một phiên bản thế tục hoá của chủ nghĩa cứu rỗi, trong đó mục tiêu toàn cầu xưa kia (là thay thế phương Tây) được xác định lại theo hướng quân sự-công nghiệp thay vì thị trường-công nghiệp như trước. Nhưng trong một trật tự chiến lược toàn cầu bị thống trị bởi vũ khí nguyên tử, và trong một nền kinh tế trao đổi toàn cầu bị thống trị bởi các kiến thức và công nghệ sản xuất phức tạp hơn, định hướng này đã đem lại hậu quả thê thảm cho các xã hội và chế độ Đông Âu. Nó cô lập, bần cùng hoá và biến thoái các xã hội vốn không được hưởng chút lợi ích nào từ các chính sách công nghiệp-quân sự thiển cận. Nó biến các chế độ này thành nạn nhân khi Moscow cuối cùng đã thừa nhận sự sụp đổ hoàn toàn cả về mặt vật chất và chuẩn tắc.

Vì thế, sự thất bại của các mục tiêu toàn cầu (mà theo ngôn ngữ của Poggi là không thể “từ bỏ”) đã dẫn các lãnh đạo cộng sản tới chỗ đánh mất niềm tin vào “thiên mệnh” của họ- và nhận ra mình rơi vào tình trạng “chân không” bản sắc (identity vacuum). Ở trong tình trạng chân không bản sắc không nhất thiết là có hại (thực ra là không) đối với các chế độ toàn trị thông thường (vốn tồn tại hay không chỉ bằng các thủ đoạn tuỳ theo tình huống); nhưng ở Đông Âu, thì nó đã tỏ ra có hại. Đảng và tính thống nhất và ưu việt hành chính, nền tảng của chương trình bình thường hoá của Brezhnev, đã bốc hơi. Nomenklaturas- những người từng ngoan cố lẩn trốn đằng sau các xác quyết mang tính tiền đề về sự siêu việt trong nhận thức của họ giờ đây không còn lựa chọn nào khác đành phải đối mặt với quan niệm méo mó của họ về hiện thực [14] , và khi những thất bại nhanh chóng tích lũy lại, sự ngạo mạn về nhận thức trở thành sự thất bại về nhận thức. [15]

Không có gì phải ngạc nhiên rằng cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu sâu sắc hơn và gai góc hơn ở Liên Xô, ngay cả khi các chế độ này đã kéo lê bước chân [cải cách] của mình. Việc cộng sản Đông Âu đa số là một sản phẩm nhập khẩu có nghĩa rằng tính chính đáng từ bên trên khó được tiêu hoá hơn, trong khi tính chính đáng dựa trên thành tích lãnh đạo trong nước– cái mà chủ nghĩa cộng sản Đông Âu đầu tư rất nhiều vào- thì vẫn chưa thấy đâu. Vì lý do này, các chế độ Đông Âu buộc phải níu kéo một cách tuyệt vọng vào cả hai huyền thoại về sự tin tưởng trong nước và quốc tế và sự bảo trợ của đàn anh Liên Xô. Nhưng một khi đàn anh Liên Xô tự nguyện và chính thức từ bỏ các mục tiêu toàn cầu của họ, thì các nước Đông Âu chỉ còn lại phương cách của chính mình. Vì thế, huyền thoại của họ bị vạch trần, cho thấy nó là một huyễn tưởng trơ trẽn và đầy hống hách. Bị xích lại với nhau bởi các mục tiêu toàn cầu (Romania và Albania là hai ngoại lệ), các chế độ Đông Âu nhận thấy mình một lần nữa trong trạng thái chân không bản sắc, lần này rõ ràng hơn và tai hoạ hơn. Trên thực tế, hiệu ứng domino đó cũng không loại trừ cả Romania lẫn Albania.

Phản kháng của xã hội: Trên nền tảng khủng hoảng như vậy, sự trỗi dậy đầy chất sử thi trong các phong trào động viên xã hội diễn ra vào mùa thu và mùa đông năm 1989, vượt xa các cuộc vận động trong các cuộc sụp đổ của các nền độc tài gần đây, có vẻ như ít gây ngạc nhiên hơn. Có 4 cách để giải thích sự trỗi dậy này.

Thứ nhất, sự trỗi dậy này phản ánh bề sâu của cuộc khủng hoảng. Một khi các chế độ cộng sản đánh mất mong muốn và sự tự tin -tức là họ đã thoái vị- thì cánh cổng đã mở toang cho sự lưu thông của các luồng tư tưởng phẫn nộ trong dân chúng. Động thái ngược lại cũng đúng. Để rõ ràng hơn, nên biết rằng sự bùng phát trong các phong trào động viên quần chúng không phải là nguyên nhân đủ hay thậm chí nguyên nhân chính của hành vi thoái vị: khủng hoảng bắt nguồn từ các nguyên nhân nằm tận lõi của hệ thống. Tuy nhiên, khi trên đỉnh [của cấu trúc quyền lực] đánh mất niềm tin, thì sự động viên ào ạt của quần chúng có tác dụng khẳng định niềm tin của chế độ cộng sản rằng họ đã đánh mất quyền được cai trị- và vì thế, quyền được đàn áp.

Thứ hai, sự trỗi dậy này đã được hưởng các hiệu ứng khuếch tán với sức mạnh độc đáo giữa các quốc gia. Sự lây lan là [lý do] thiết yếu ở Romania, nơi xã hội đã nổi dậy chống lại tên độc tài vốn chưa hề đánh mất chút tự tin nào về sứ mệnh lãnh đạo và đàn áp của hắn. Trường hợp của Albania cũng vậy.

Tuy thế, vấn đề vẫn còn lại là: ai đã xui khiến từng cá nhân riêng lẻ tham gia vào cuộc động viên này? Những câu trả lời phần trên đã giải thích phần lớn câu hỏi. Thứ ba, sự động viên đã phản ánh sự phản ứng cá nhân với trải nghiệm trong cuộc sống dưới các nền độc tài, một trải nghiệm mà hầu hết mọi người sống trong các nền độc tài đều ít nhiều chia sẻ. Mặc dù những chuyển đổi gần đây ở cả phương Tây và phương Đông gợi ý rằng chúng ta có vẻ như đánh giá quá cao hiệu quả của hoạt động đàn áp của các chế độ độc tài, [16] tuy nhiên, sống dưới một chế độ như thế vẫn là một trải nghiệm thwarting. Động viên, vì thế, có nghĩa là sự phản kháng bằng hoạt động đối với trải nghiệm đó; về mặt tâm lý, nó là sự phục hồi của cá nhân về nhân phẩm và không gian công cộng.

Ở một bài khác [17] , tôi đã thảo luận chi tiết hơn sự giống nhau đơn nhất giữa cách mà các nhà phân tích nghiên cứu về các nền độc tài phương Tây đã hiểu về tâm lý học của phản kháng [18] và cách mà các nhà bất đồng chính kiến Đông Âu đã trải nghiệm trên thực tế. Tại mọi nền độc tài, sự phục tùng bề ngoài có thể đi kèm với nó là sự đánh mất lòng tự trọng. Sự phục tùng có thể được thực thi do sự ép buộc về ý thức hệ và tổ chức, nhưng cũng có thể bằng phương pháp thoả hiệp hơn, qua dung nạp và các động cơ lựa chọn (thí dụ, các động cơ đồi bại mà các nhà nước gia trưởng chào mời ở Đông Âu). Tổng kết lại, hành vi con người rút lui khỏi đời sống công cộng [19] không phải tự nhiên và tự nguyện, mà rất nhân tạo. Vì thế, khi một nền độc tài đụng phải khủng hoảng, sự phản kháng sẽ hiển nhiên được khuếch đại và hướng vào nhà độc tài. Khi người dân đứng ra làm chứng chống lại chế độ, họ cũng đồng thời rửa sạch mình. Vì thế, hiện tượng ăn ké (free-ride) theo kiểu của học thuyết vị lợi không xảy ra ở đây. Thay vào đó, sự tham gia của cá nhân (trước đây vốn bị cấm) nay trở thành một bước cần thiết -thậm chí nó mang lại phần tận hưởng riêng- để phục hồi cái tôi công cộng (public self) của mỗi người.

Nhưng riêng trường hợp Đông Âu, thì còn yếu tố thứ tư và là yếu tố quý giá để hiểu được lý do bùng nổ cuộc động viên dân chúng. Nói đơn giản, trải nghiệm đạo đức và trí tuệ trong cuộc sống dưới chủ nghĩa cộng sản là hết sức lố bịch và khó chịu, và vì thế, nó đặc biệt có ích cho sự phản kháng. Poggi nắm bắt được những lý do này rõ ràng nhất: bằng rút lui về một phiên bản thế tục của tinh thần cứu thế, chủ nghĩa cộng sản đã tự mở cửa cho các chỉ trích có căn cứ. Trên nguyên tắc là càng trèo cao càng ngã đau, sự dối trá mà chủ nghĩa cộng sản tạo ra được khuếch đại.

Hơn nữa, sự dối trá đụng chạm đến mọi mặt của đời sống của nạn nhân. Tôi đã mô tả các đặc điểm thoái hoá của đời sống hàng ngày dưới thời kỳ bình thường hoá cộng sản- ảnh hưởng của nó đến công việc, tiêu dùng, đời sống cá nhân, đến các cơ hội và lựa chọn trong đời. Tôi cũng lập luận rằng sự thoái hoá của đời sống không phải là một sản phẩm lịch sử của sự chậm tiến xã hội mà chủ nghĩa cộng sản ra đời để chống lại nó; mà thực ra, nó là một sản phẩm chính trị kiệt xuất của chính chủ nghĩa cộng sản. Khi bình thường hoá nâng vị trí người cán bộ cộng sản lên một nguyên tắc tuyệt đối [20] , thì mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng sự tha hoá của đời sống hằng ngày bắt nguồn từ sự thối nát và ăn bám của các đảng cộng sản: họ từ bỏ nguyên tắc phi cá nhân và các nhiệm vụ chiến đấu để dành chỗ cho các quan tâm tân-truyền thống về địa vị. [21] Vì thế, người dân và chế độ sống bằng các điều khoản của một khế ước xã hội giả dối: làm công việc xã hội chủ nghĩa giả vờ để đổi lấy các phần thưởng xã hội chủ nghĩa giả vờ. Sự dối trá qua lại vì thế mà cộng hưởng hơn, đánh mất phẩm giá cá nhân nhiều hơn, khó tiêu hoá hơn, và việc loại trừ nó càng khó khăn hơn- tóm lại, càng đáng lên án hơn. Cũng thế, nó khiến cho khả năng bùng nổ giải phóng càng cao, và thực sự nó đã xảy ra.


Cuộc cách mạng công dân

Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản và sự phản kháng của xã hội, sau đó, sẽ chứng thực cho các chính kiến bất đồng và làm tăng tính hấp dẫn quần chúng của nó. Vì bất đồng chính kiến không lùi bước; thực ra, nó duy trì sự sống của hoạt động động viên trí thức, nó chọn minh bạch thay vì mưu toan, bóc trần các ảnh hưởng mờ nhạt của bình thường hoá cộng sản, và lấy việc phục hồi chân lý làm ngọn cờ cho mình. Và vì sự phản hồi chân lý không thể không nối tiếp với sự tái sinh của không gian tranh luận công và với sự minh bạch của nhà nước, các cuộc cách mạng Đông Âu có thể được coi như cách mạng trong ý nghĩa ban sơ của nó, là “quay trở về”: một nỗ lực của các xã hội Đông Âu nhằm tìm lại các ý tưởng và các nguyên tắc thuần phương Tây. Nó cũng thể hiện sự khôi phục các bản sắc dân tộc bị phủ nhận bởi “quên có tổ chức” của chủ nghĩa cộng sản, những cuộc cách mạng công dân này cũng khơi lên làn sóng các cuộc cách mạng dân tộc theo hướng tự do và hiện đại hoá, chống lại sự phục hồi nhà nước kiểu quân chủ thế kỷ XIX. [22]

Phần lớn việc này, và phần lớn trong hành vi bất đồng dưới chủ nghĩa cộng sản giải thích tại sao các tổ chức đối lập sau khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ thường xuất hiện dưới dạng là các diễn đàn công dân được nhiều người biết đến và phần nào khó phân biệt với nhau. Các diễn đàn [này] khác với những liên minh tạm thời giữa các đảng phi quân sự và các nhóm đối lập khác thường hoạt động [trong giai đoạn] chuẩn bị cho và trong thời điểm khủng hoảng của các chế độ chuyên chế phương Tây. Các liên minh này thường đặt mục tiêu vào chế độ cầm quyền và tìm cách giải tán các chế độ này. Nhưng khi dân chủ đã được thiết lập, các lực lượng khác nhau sẽ tái tập trung vào các cuộc chinh phục độc lập của mình nhằm tìm kiếm phần chia trong nhà nước dân chủ, điều này dẫn đến các tranh luận về những chính sách vật chất hiệu quả nhất và các dàn xếp thể chế- tóm lại, là tranh luận về các công cụ của nhà nước dân chủ. Các diễn đàn Đông Âu không bị ràng buộc về thời gian như vậy, ít mang tính công cụ hơn, và đề cập đến nhiều vấn đề đa dạng hơn; thành công của chúng, vì thế, không thể đo đếm bằng các tiêu chuẩn bầu cử. Về mặt văn hoá, chúng là các phong trào siêu dân chủ của bản sắc tập thể. Chúng nhắm vào việc xác định [thời kỳ] hậu cộng sản bằng một tập hợp các giá trị dân sự được chia sẻ; và vào việc củng cố một không gian công, một quan điểm phê bình công khai (tức là, một xã hội dân sự), với tư cách là hạt nhân của trật tự dân chủ minh bạch. Liệu tham vọng của họ có kiệt quệ trong tương lai gần?


Kết luận

Bài nghiên cứu này tập trung vào một tiêu điểm: khám phá quan hệ giữa các chế độ cộng sản với xã hội và qua đó tìm hiểu bản chất tự nhiên của cuộc sụp đổ của họ, vốn không bắt nguồn từ tăng trưởng toàn cầu mà từ sự thối rữa cục bộ và bắt buộc. Tôi muốn thêm vào đây một đoạn ngắn nhưng cần thiết, chủ yếu là nhìn dưới góc độ phương pháp luận về tương lai của các xã hội dân sự ở Đông Âu. [23]

Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu, từ các bài đã xuất bản tới các tham luận tại hội thảo không được xuất bản, đã có cái nhìn ảm đạm về tương lai này. Các lý do rất quen thuộc dẫn đến cách nhìn bi quan này bao gồm từ sự yếu kém về mặt lịch sử của xã hội dân sự ở Đông Âu, tới thách đố sừng sững trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường, tới chi phí xã hội của hoạt động, và tới sự phục sinh của các tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi vốn đã bị đóng băng. Albert Hirshman gần đây đã nhận xét về sự bi quan này rằng: “Có vẻ như người ta không nhận ra rằng nếu những sự kiện -vốn là điểm xuất phát cho những phỏng đoán của họ- là những thứ khó đoán định như thế, thì cần phải hết sức cẩn thận khi tán tụng các tác động của chúng.” [24]

Thay vì lúng túng với sự bi quan phổ biến như thế, chúng ta phải tự hỏi liệu chúng ta có được trang bị đủ về mặt lý thuyết để thấu hiểu được sự mới lạ trong các sự kiện xảy ra gần đây ở Đông Âu hay chưa, và để ngoại suy từ các sự kiện này theo cách mà sự ngoại suy của chúng ta có thể bao quát được tính mới lạ ấy? Có lẽ là không, vì hai lý do: Thứ nhất, với tư cách là các nhà khoa học xã hội luôn muốn tìm bản chất của các vòng sự kiện còn chưa kết thúc, chúng ta thường muốn cụ thể hoá lý thuyết, để nhìn nhận mỗi sự kiện như thể là một kết quả phi-trung gian của một lý thuyết xã hội khoa học rộng lớn nào đấy. Vì thế, bằng cách đánh sụp các hiện tượng và mô hình, các nỗ lực vội vã của chúng ta nhằm đặt các sự kiện đang diễn ra vào một viễn cảnh đã, nghịch lý thay, đưa chúng ta tới chỗ bị các sự kiện chi phối ở mức độ lớn hơn. Thứ hai, chúng ta thường muốn nắm lấy, và vì thế cụ thể hoá, những lý thuyết đặc biệt nhìn nhận các quá trình như là các kết quả của sự tiến hoá dần dần của các điều kiện tiền đề về văn hoá -xã hội và văn hoá -cấu trúc; do đó, khi thiếu các điều kiện tiền đề thích hợp, chúng ta thường gán cái nhìn tiêu cực cho những thay đổi nhanh chóng. Hơn nữa, bằng cách nhấn mạnh đến các điều kiện tiền đề, chúng ta đã coi nhẹ vai trò của lựa chọn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta sống với các lý thuyết đó (lý thuyết về sự phát triển dân chủ, về lạc hậu, về phát triển muộn), thì chúng ta khó mà nhìn nhận các bất ngờ của lịch sử bằng giá trị thực của chúng. Các nhà khoa học xã hội thiên về mô hình thường ưa giải thích những khúc ngoặt của lịch sử như là những kết quả có thể đoán trước của [quá trình] tiến hoá hội tụ và vững chắc -vốn có thể tuân theo cách tư duy mô hình. Tuy thế, như Hirschman lập luận từ nhiều năm trước, “Những thay đổi xã hội quy mô lớn thường là kết quả của sự kết tập nhiều sự kiện rất không liên quan đến nhau, và vì thế, chỉ tuân theo cách tư duy mô hình theo một nghĩa rất đặc biệt.” [25] Đặc biệt, có vẻ như rất khó hiểu sự thay đổi nhanh chóng và tích cực một cách đáng ngạc nhiên: khi các thị trường xuất hiện, các nền văn hoá dân chủ bén rễ, và các xã hội dân sự trỗi dậy. Hirschman viết về Mỹ Latinh và các lý thuyết về kém phát triển như sau:

“Vì lý thuyết dạy rằng trong quá trình diễn biến các sự kiện thông thường, mọi chuyện sẽ ngày càng xấu đi, và vì thế, không nên cảnh giác với những diễn biến có thể theo hướng tích cực. Ngược lại, với những người thấm đẫm cách nhìn u ám, họ sẽ cố chứng minh rằng năm này qua năm khác, Mỹ Latinh sẽ ngày càng tồi tệ đi… Những diễn biến đem lại hy vọng thì hoặc là không được nhìn nhận, hoặc bị coi là quá hi hữu hay chỉ thuần tuý tạm thời. Trong những tình huống như thế, chúng không được tận dụng để trở thành các nhân tố xây dựng”. [26]

Suy nghĩ đơn giản của tôi là, với những gì chúng ta biết, chúng ta có thể đang chứng kiến một trong những khoảnh khắc hiếm có trong lịch sử mô tả bởi Hirschman- khoảnh khắc khi một Zeitgeist (tinh thần thời đại) mới được sinh ra, khi dân chúng và các nhà nước bị thuyết phục rằng mọi chuyện cần phải thay đổi và có thể thay đổi được. H.R. Trevor-Roper gọi chúng là “những khoảnh khắc bị đánh mất trong lịch sử.” [27] Hơn nữa, bước đột phá trong việc tìm kiếm văn hoá dân sự- một văn hoá muốn phủ nhận những tiên tri lịch sử gắn chặt với sự chậm tiến và chia rẽ cục bộ- đã được các phong trào bất đồng chính kiến thực hiện. Không mang những dấu vết của vận động trí thức tại các nước lạc hậu, các phong trào ở Đông Âu đã chọn chống-chủ nghĩa Lenin (và vì thế, chống chủ nghĩa Jacobin), một sự lựa chọn đem lại lòng tin về một tiến bộ tích cực tới một cấu trúc thích hợp trong quan hệ giữa các công dân [28] , thay vì [giữa công dân] với nhà nước.

Vì thế, chúng ta có thể tạm dừng ở đây trước khi ôm lấy các kỳ vọng kiểu khoa học xã hội thông thường về những di chứng tạm thời của các phong trào xã hội nổi lên trong những thời kỳ hết sức đặc biệt, trong những bối cảnh xã hội có những trục trặc cũng hết sức đặc biệt này [29] .


© 2005 Duy Tân Trẻ
© 2005 talawas



[1]Di Palma (fn. 6), 15-17.
[2]Trong một số trường hợp, thí dụ ở Ba Lan, một số trí thức và chuyên gia quý hiếm đã sống sót qua thời kỳ chiếm đóng của Đức quốc xã. Xem M. M. Kovacs and A. Orkeny, "Promoted Cadres and Professionals in Post-War Hungary," in R. Andorka and L. Bertalan, eds., Economy and Society in Hungary (Budapest: Hungarian Sociological Association, 1986), 139-53; A. Gella., Development of Class Structure in Eastern Europe: Poland and Her Southern Neighbors (Albany: State University of New York Press, 1989), 167-202. Both are cited in Ekiert (fn. 44), fn. 55.
[3]Marody, "Antinomies of Collective Subconsciousness," Social Research 55 (Spring—Summer 1988), 97-110.
[4]Kolarska-Bobinska, "Social Interests, Egalitarian Attitudes, and the Change of Economic Order," Social Research 55 (Spring—Summer 1988), 111—38.
[5]Sampson, "The Informal Sector in Eastern Europe," Telos 66 (Winter 1985-86), 44-66, at 50. Để biết thêm về việc vật lộn tồn tại trong thị trường thứ hai, xem Martin Krygier, "Poland: Life in an Abnormal Country," National Interest 18 (Winter 1989-90), 55-64.
[6]Kazimierz Vojcicki, "The Reconstruction of Society," Telos 47 (Spring 1981), 98-104, at 102-3. Xem thêm fn. 44. Khả năng tạo ra mô hình thu nhỏ riêng tư và thay thế ở Đông Âu rõ ràng là tốt hơn, nơi chủ nghĩa cộng sản đã bị áp đặt vào từ bên ngoài. Tuy nhiên, đó là không nói đến chuyện ở Liên Xô không hề có động cơ cho hành vi công khai hóa sự phẫn nộ, và cũng không có nhóm nào làm việc đó. Nói đến hiện thực hàng ngày dưới thời Brezhnev, Kenneth Jowitt viết rằng "với những thành viên của xã hội Soviet, những người có học vấn hơn, ở đô thị và có tay nghề, nhưng trên hết là có cá tính hơn, có khả năng diễn đạt rõ ràng hơn, và có đạo đức hơn, thì cái hiện thực này là cái đáng xấu hổ, xa lạ và khó chịu; là nguồn gốc của sự phẫn nộ và giận giữ ngày càng tăng, và có khả năng dẫn tới bạo loạn chính trị.” Xem Jowitt (fn. 17), 276.
[7]Albert O. Hirschman, Exit, Voice, and Loyalty (Cambridge: Harvard University Press, 1970).
[8]Guillermo O'Donnell, "On the Fruitful Convergence of Hirschman's Exit, Voice, and Loyalty and Shifting Involvements: Reflections from the Recent Argentinean Experience," in Alejandro Foxley et al., eds., Development, Democracy and the Art of Trespassing: Essays in Honor of Albert O. Hirschman (Notre Dame, Ind.: Notre Dame University Press, 1986), 249- 68.
[9]Ibid., 261.
[10]Để biết rõ hơn về quan hệ giữa samizdat với vấn đề xã hội dân sự, xem H. Gor don Skilling, Samizdat and an Independent Society in Central and Eastern Europe (Columbus: Ohio University Press, 1989).
[11]Để biết rõ hơn về chức năng ngầm của các nhóm vô danh tại Đông Âu trên cả mức độ vi mô và vĩ mô, xem Christine Sadowski, "Autonomous Groups as Agents of Change in Communist and Post-communist Eastern Europe" (Unpublished manuscript, Stanford, Calif, July 1990).
[12]Gianfranco Poggi, The Development of the Modern State (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1978), 77-85.
[13]Để biết rõ hơn xem Di Palma (fn. 6).
[14]Theo cách dùng từ của Kolakowski (fn. 52):
Trong tổ chức của trí não, ranh giới giữa cái gì “đúng” và cái gì là “sự thật”, theo cách mà ta vẫn thường hiểu, có vẻ như rất mờ nhạt. Bằng cách lặp đi lặp lại những điều ngớ ngẩn nhiều lần, người ta bắt đầu tin hoặc nửa tin vào bản thân mình. Sự tha hóa tràn lan và sâu sắc của ngôn ngữ cuối cùng sẽ tạo ra những con người không còn khả năng nhận thức được sự giả dối của chính mình. (p. 129)
[15]Vujacic (fn. 4).
[16]O'Donnell and Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democracies (Bal-timore: Johns Hopkins University Press, 1986).
[17]Di Palma (fn. 6).
[18]O'Donnell (fn. 65).
[19]Hirschman (fn. 64).
[20]Jowitt (fn. 38).
[21]Jowitt (fn. 17).
[22]Sự tương đồng với Cách mạng Pháp có vẻ không được vững vàng lắm. Sự chối bỏ của corps intermediaires, tôn giáo về ước muốn chung, tín ngưỡng về duy lý cách mạng và các mặt khác khi diễn giải cách mạng Pháp là do sự phủ nhận một không gian công tự trị đã xuất hiện trước cuộc cách mạng này. Về vấn đề này, chủ nghĩa Jacobin đã tiên liệu sự độc quyền về nhận thức của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, cách mạng Pháp và ở Đông Âu gần đây tồn tại trong hai bối cảnh quốc tế khác nhau về cơ bản. Những người Jacobin phủ nhận một không gian công tự trị, một phần vì cách mạng Pháp diễn ra trong bối cảnh chiến tranh liên tục nhằm tự bảo vệ nó khỏi các lực lượng mạnh ở châu Âu. Các chuyển đổi ở Đông Âu diễn ra trong bối cảnh thân ái hơn, một bối cảnh có thể dung túng cho việc động viên trí thức hậu cộng sản commit cho xã hội dân sự.
[23]Xem thêm bản thảo đầu tiên của báo cáo này chuẩn bị cho tham luận tại hội thảo "La rifondazione dei partiti politici nell'Europa orientale," Societa italiana di scienza politica, Ferrara, Italy, October 1990; and in Di Palma, "Why Democracy Can Work in Eastern Europe," Journal of Democracy 2 (Winter 1991), 21—31.
[24]Hirschman, "Good News Is Not Bad News," New York Review of Books, October 11, 1990, p. 20.
[25]Hirschman, "The Search for Paradigms as a Hindrance to Understanding," World Politics 22 (April 1970), 329-43, at 339.
[26]Ibid., 337-38, thêm nhấn mạnh.
[27]Trevor-Roper, "The Lost Moments of History," New York Review of Books, October 27, 1988.
[28]Xem fn. 79. For an extensive treatment of these and similar points about the culture of postcommunism, see Jeffrey C. Goldfarb, Beyond Glasnost: The Post-Totalitarian Mind (Chicago: University of Chicago Press, 1989), chaps. 4-7.
[29]Muốn tìm hiểu các lý thuyết về các phong trào xã hội và vận động xã hội khiến chúng ta không được chuẩn bị cho làn sóng biểu tình phản đối ở Đông Âu, xem Sidney Tar-row, "'Aiming at a Moving Target': Social Science and the Recent Rebellions in Eastern Europe," PS 24 (March 1991), 12-20. Tarrow gợi ý rằng các vòng biểu tình đã tạo ra một "master theme" nối các phong trào xã hội mới xuất hiện lại với nhau. Ông viết: "sẽ rất thú vị khi xem liệu các phong trào mới đang hình thành ở Đông Âu có hình thành trên sự mở rộng các đề tài của năm 1989 hay là- như chúng ta đã từng lo ngại- quay trở lại các tình cảm mầm mống” (p. 15).

Nguồn: World Politics, Vol. 44, No. 1 (Oct., 1991), 49-80.