trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
12.1.2003
Mai Chi, Nora Taylor
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Mai Chi:

Không biết tôi có sai không khi tôi có cảm giác rằng phần lớn những nghệ sĩ Việt Nam đang rất hài lòng chơi một cách ngoan ngoãn trên một sân chơi được quy định gọn ghẽ. Hình như họ không có nhu cầu tiến vào những khu vực cấm, chạm vào những taboo của xã hội, bất kể những taboo này mang tính chất chính trị, văn hóa hay đạo đức. Điều này thật đáng ngạc nhiên bởi tư duy của xã hội Việt Nam, trong mọi mặt, đang nằm trong một quá trình thay đổi rất lớn, và người ta có thể cho rằng sự thay đổi những giá trị xã hội và tư tưởng này hẳn phải là mối quan tâm hàng đầu của nghệ thuật đương đại, giống như điều mà ta có thể quan sát được tại những nước có bối cảnh tương tự.

Ở Cuba, rất nhiều nghệ sĩ có sáng tác mang mầu sắc chính trị. Họ chơi trò ú tim với quyền lực nhà nước và luôn luôn quay lại tìm cách thử thách những ranh giới chính trị trong môi trường sống của mình, tìm cách đi một bước ra ngoài sự cho phép. Tại Trung Quốc, trước sự rạn nứt của xã hội truyền thống và sự kết thúc thời kỳ xã hội chủ nghĩa mà trong đó tính dục bị tuyệt trừ, cơ thể, quan hệ nam nữ, tình dục, trở thành những chủ đề lớn của thế hệ trẻ. Một loạt các nữ nghệ sĩ (sinh vào khoảng thập kỷ 70) đã bước chân vào lãnh thổ cấm kị và quan tâm tới sex như một kinh nghiệm cơ bản của cá nhân, một ý thức sống mới, và đặt sex trong tương quan với truyền thống. Một tác phẩm tiêu biểu là "Mười hai tháng hoa" của Chen Lingyang: mười hai lần hoa nở trong năm, mười hai chiếc gương cổ điển Trung Quốc mang mười hai hình ảnh bộ phận sinh dục của một người đàn bà đang kỳ kinh nguyệt. Trong "Toillet nữ" của Cui Xiuwen, máy camera giấu trong phòng vệ sinh của một nhà thổ, ghi lại những giây phút những người gái điếm nghỉ ngơi và có thể là chính mình, trước khi tiếp tục làm việc. Đáng lưu ý là trong văn học đương đại Trung Quốc một trào lưu tương tự cũng đã xuất hiện, ví dụ gần đây nhất là tiểu thuyết "Shanghai Baby" của nữ nhà văn 26 tuổi Wei Hui, có lẽ đã thể hiện tương đối đặc trưng cảm giác sống của một thế hệ thành thị mới.

Tại Việt Nam, không có một sự phát triển tương tự nào xẩy ra. Không "nổi loạn", không scandal. Điều gì có thể giải thích được sự thờ ơ của các nghệ sĩ Việt Nam trước chính đời sống của bản thân mình? Điều gì có thể giải thích được sự "hiền lành", sự "vô hại" của họ?

(09.01.03)


Nora Taylor:

Mai Chi vừa hỏi một câu hỏi triệu đô-la (như người ta thường nói ở Mỹ). Tôi đã nghe vô số người hỏi câu hỏi này. Tại sao các nghệ sĩ Việt Nam không giận dữ hơn? Tại sao không có những lời nhận xét trào phúng, châm biếm về Bác Hồ? Tại sao họ không vẽ về sự khốc liệt trong chiến tranh? Tại sao các nghệ sĩ Việt Nam không giống các nghệ sĩ Trung Quốc hơn nữa? Câu hỏi này nêu lên một số điểm đáng quan tâm. Một mặt, nó cho rằng nghệ thuật thăng hoa trong nghịch cảnh, rằng định nghĩa của nghệ thuật là một cái gì mang tính chính trị hay chống chính quyền, rằng các nghệ sĩ Việt Nam đang thiếu một số phẩm chất cơ bản trong nghệ thuật khi họ KHÔNG có tính chính trị. Tôi sẽ trả lời câu hỏi này bằng nhiều cách. Một mặt, tôi không nhất thiết cho rằng nghệ thuật không chính trị (apolitical) là phi chính trị (non-political) (xin hãy xem bài tiểu luận của tôi trong cuốn sách của Huế Tâm Hồ Tài nhan đề "Đất nước của ký ức" để làm ví dụ). Các nghệ sĩ Việt Nam có lý do để không nêu ra những vấn đề mang tính chính trị trong nghệ thuật của họ và có lẽ đó là đặc điểm của nghệ thuật Việt Nam, chỉ vẽ những gì hiền lành và vô hại. Một lý do khác có lẽ là, ở Việt Nam, chính trị và nghệ thuật đã không hòa lẫn với nhau. Một mặt, chưa bao giờ có một chiến dịch đích thực nhằm tạo ra nghệ thuật tuyên truyền theo lối của Trung Quốc hay Liên Xô. Nếu ai muốn gọi một vài tranh áp phích cổ động chiến dịch trồng cây của Hồ Chí Minh là có tính chính trị, thì cũng được đi. Nhưng Hồ Chí Minh chưa bao giờ được ví như một anh hùng huyền thoại hoặc được diễn tả với quyền năng vĩ đại trong nghệ thuật như Mao hoặc Stalin. Vì vậy có lẽ các nghệ sĩ Việt Nam chưa bao giờ coi chính trị là việc nghiêm trọng và vì vậy cũng chả có gì để họ nổi loạn chống lại. Mặt khác, những năm chiến tranh và nghèo đói đã giết chết ý thức về sức mạnh (power) trong người nghệ sĩ, vì vậy khi tiền bạc đến, các nghệ sĩ quá vui mừng mà vẽ những bức tranh xinh đẹp, chứ không đi theo một cuộc vận động nào đó chống lại chính quyền. Vài người có thể lý luận rằng các nghệ sĩ vẫn còn "sợ" những hậu quả của việc đưa những chủ đề chính trị vào nghệ thuật của họ. Mặc dù không có ai thực sự thử nghiệm vấn đề này. Trương Tân đã có một cuộc triển lãm bị dẹp bỏ nhưng anh chưa bao giờ "bị trừng phạt". Và một nghệ sĩ tên là Quân đã có lần dựng ra một cuộc trình diễn ở Văn Miếu vào năm 2000 và chờ xem trong bao lâu thì các giới chức có thẩm quyền đến bắt anh. Anh nói rằng anh phải chờ đến BA ngày! Nhận xét của anh là cảnh sát không biết hoặc không quan tâm đến nghệ thuật, vậy thì còn có gì để nói nữa. Một cuốn sách của Dương Thu Hương chỉ nằm trên giá sách nhiều nhất là 4 phút, nhưng m ột nghệ sỹ ngành mỹ thuật cố gắng làm điều gì bất hợp pháp lại không gây được sự chú ý nào. Điều này dẫn đến vấn đề về khán giả. Một hành động chính trị thành công đòi hỏi rằng chính quyền phải phản ứng lại, nếu không thì không có cái gì để gọi là "cấm kỵ (taboo)" hoặc "bị ngăn cấm (forbidden)" cả. Nếu giới chức quyền ở Việt Nam mặc kệ, thì sao ta lại phải quan tâm. Vì vậy, ý kiến của tôi là chúng ta không thể nói rằng các nghệ sĩ ở Việt Nam không có tính chính trị. Xét cho cùng thì đó cũng là một vấn đề của cách đánh giá. Nguyễn Văn Cường, Trương Tân, Đặng Thị Khuê, Vũ Dân Tân, Trần Trọng Vũ, Bùi Hoài Mai, Trần Lương, Nguyễn Trung, tất cả những nghệ sĩ này làm nghệ thuật như một hành động phản kháng mà không dùng tới những sáo ngữ chính trị. Nguyễn Trung sáng tạo nghệ thuật trừu tượng trong lúc nó là điều cấm kỵ. Cường đưa ra những nhận xét về xã hội đương thời. Khuê làm một cuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt ở Huế tại những địa điểm bị đánh bom trong chiến tranh. Tân mang một chiếc xe Cadillac về Hà Nội, Mai và Lương từ chối bán tác phẩm của họ cho các ga-lơ-ry, Vũ vẽ những bức tranh về kiểm duyệt. Tất cả những điều này là phương cách để "nói" về những gì không thể nói được trong xã hội. Liệu các nghệ sĩ có thực sự có "tự do" để phát biểu hay không là một việc cần bàn cãi, và cho rằng họ KHÔNG vẽ những chủ đề bị ngăn cấm là do "sợ" bị đàn áp cũng là một ý kiến đáng để tranh luận. Có lẽ các nghệ sĩ có những điều khác trong đầu họ.

(12.01.03)

© 2003 talawas