trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
16.1.2003
Natalia Kraevskaia
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Vâng, Nora, chị nói đúng, không chính trị (apolitical) không có nghĩa là phi chính trị (non-political). Tôi cho rằng ở những nước xã hội chủ nghĩa thì đã luôn ngược lại: không chính trị đã là một dấu hiệu của tính chính trị, một dấu hiệu của sự không chấp nhận nền chính trị nhà nước chính thống. Và đã có hàng chục những nghệ sĩ không chính trị như vậy trước thời “Đổi mới” ở Việt Nam. Có lẽ cái tư tưởng về chủ nghĩa không chính trị này vẫn còn trong đầu của các nghệ sĩ Việt Nam.
 
Tôi cũng đồng ý rằng chúng ta không thể nói rằng hiện nay các nghệ sĩ ở Việt Nam hoàn toàn không chính trị. Làm ra tác phẩm có tính chính trị không phải chỉ đơn giản là đưa vô số những khuôn mặt của Mao vào khối tác phẩm (trường hợp nghệ thuật Trung Quốc) hay hàng trăm lần vẽ hình ảnh châm biếm của một thiếu niên tiền phong với chiếc kèn (một lời nhận xét Nga quỷ quái về những lời của Stalin về thời niên thiếu vui vẻ). Tôi có một cảm giác rằng cái “nghệ thuật” mang tính chính trị dễ hiểu trông giống như tranh áp phích này được làm ra để phù hợp với những mong đợi của công chúng phương Tây (giống hệt như những con trâu và các cô gái mặc áo dài nổi tiếng của chúng ta). Cũng như văn chương khác với báo chí, nghệ thuật mang tính chính trị không thể bị rút xuống để chỉ thành phê bình kiểu biếm họa. Tôi đồng ý với bài viết trước đây của Bradford rằng không có nhiều sự nhắc đến tình hình xã hội hiện tại Việt Nam trong nghệ thuật đương đại, nhưng đồng thời chúng ta có thể thấy biểu tượng ngầm và gợi ý trong một số tác phẩm. Chúng ta có thể nói rằng cuộc trưng bày nghệ thuật sắp đặt của Nguyễn Minh Thành tại cuộc triển lãm ở Berlin’s “Gặp Việt Nam” về cuộc sống tù đọng, không thay đổi của những phụ nữ nông dân Việt Nam là không mang tính chính trị? Hoặc sự ý thức của Đinh Gia Lê về sự Dolly-hóa [nhân bản vô tính] thế giới (Viện Goethe Hà Nội, tháng 11, năm 2002)? Hoặc nhận xét của Nguyễn Duy Quang về sự phân chia của nội thân (inner being) của con người hiện đại thành những mảnh nhỏ trong cuộc trưng bày nghệ thuật sắp đặt ma-nơ-canh (người mẫu giả) của anh (Tòa Đại Sứ Pháp, tháng 12, 2002)?
 
Và có phải một hành động chính trị chỉ là phê phán chính quyền của anh không? Tại sao không là những chính quyền hoặc những nhà chính trị [của nước] khác (như những phê bình chính sách hậu 11 Tháng Chín của Bush bởi Lê Quang Hà? Và Nguyễn Văn Cường đã bắt đầu loạt tranh phê phán “ô nhiễm văn hóa” của anh ngay đúng vào lúc chính quyền bắt đầu chiến dịch chống lại những tệ nạn xã hội bằng cách khám xét tất cả các tiệm video, đóng cửa các tiệm karaoke và đập các bảng hiệu mang tên ngoại quốc. Trong chuyện này anh có thể bị phán xét là thân chính quyền, nhưng tác phẩm của anh đã không được thể chế chính quyền hiểu và có lần một triển lãm của anh đã bị dẹp bỏ chỉ một ngày trước khi khai mạc. Thay vì coi anh như bạn chiến đấu, các thể chế nhà nước đã vinh danh anh bằng vầng hào quang của kẻ bỏ đạo.
 
Và tại sao hôm nay các nghệ sĩ Việt Nam lại phải chỉ trích chính quyền? Họ đã và đang thu được nhiều thứ trong thời kỳ hậu-đổi mới: sự tiếp cận thông tin, khả năng triển lãm hoặc bán tác phẩm của họ, thừa cơ hội xuất ngoại và tham dự vào những trình diễn quốc tế. Những trường hợp hiếm hoi về kiểm duyệt hay can thiệp vào tác phẩm của họ thường thì không phải do chính quyền mà do những nhóm nghệ sĩ khác có nhiều quyền lực hơn, ganh tị với thành tựu của những đồng nghiệp thành công hơn, gây ra.
 
Tôi cũng có một giải thích rất cá nhân khác về sự vắng mặt của mối quan tâm của các nghệ sĩ tới các chủ đề chính trị. Là một người luôn luôn sống trong xã hội “xã hội chủ nghĩa” (Liên Xô, rồi Việt Nam), tôi khẳng định rằng ở những nước xã hội chủ nghĩa người ta đã chán ngấy những chủ đề chính trị. Những người phương Tây say mê và tôn sùng các áp phích chính trị. Người địa phương không thèm nhìn chúng. Làm sao tôi có thể thích những tranh áp phích nếu tôi bắt buộc phải nhìn vào sự tuyên truyền này từ ngay thuở lọt lòng: trong nhà hộ sinh, ở mẫu giáo, trong lớp học, tại trạm xe buýt, trong toi-lét công cộng, trường đại học, tại sân bay, vân vân và vân vân? Người dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa mệt mỏi chuyện chính trị, bây giờ họ chỉ chờ đợi một sự thay đổi, dù rất chậm - đối với họ là được rồi. Những người đi vào những vấn đề then chốt chính trị trực tiếp với ý chí thực sự của họ thì hiếm, còn những người khác là những người dối trá cố xây dựng nghề nghiệp của mình bằng cách làm vui lòng những sở thích phương Tây (cũng gồm nhiều nghệ sĩ Trung Quốc nữa).
 
Mai Chi hỏi tại sao những nghệ sĩ không chạm tới những cấm kỵ khác – về đạo đức hoặc tình dục. Theo tôi, để nói về bất cứ vấn đề gì anh cần phải có kinh nghiệm về nó – qua học tập, qua thực hành, qua quan sát. Tôi nhìn vào các nghệ sĩ và cảm thấy rằng họ chỉ bắt đầu kinh qua quyền tự do bước vào những cấm kỵ trong cuộc sống hàng ngày của họ. Chúng ta có Trương Tân, Châu Giang, Lê Quang Hà và một vài người khác. Hãy chờ thêm một hay hai năm - họ sẽ mang kinh nghiệm sống của họ vào nghệ thuật. Hôm nay một nghệ sĩ trẻ đã mang những bản vẽ tuyệt vời cho tôi xem: một cái gì đó giữa một pha tình dục và một vũ điệu đương đại. Nhưng anh nói đó là những con người muốn bay.
(16.01.03)
 
© 2003 talawas