trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
D. Nước Tây Âu mơ hồ và Tượng Quận bí mật

Ở chương “Nam Việt, một đợt thực dân dọn đường”, sử gia Nguyễn Phương trích Tư Mã Thiên cho rằng Tần Thỉ Hoàng đã đưa côn đồ tù tội đến Tượng Quận để đẩy dân bổn xứ vào thế thiểu số.

Ba nhà bác học H. Maspéro (1918), L. Aurousseau (1923) và Trần Kinh Hòa (1960) đã cố chứng minh rằng nhà Tần có đánh và đã chiếm được Cổ Việt, và Tượng Quân đích thị là Tây Âu và Cổ Việt.

Câu sử về trồng người của Tư Mã Thiên được rất nhiều cổ thư khác xác nhận và ta có thể xem là đúng sự thật. Nếu thuyết của hai ông Tây và ông Tàu mà đúng thì hóa ra thuyết di cư ồ ạt của sử gia Nguyễn Phương được củng cố thêm rất mạnh, dựa vào Tư Mã Thiên và ba ông kia.

Thật vậy, nếu:

Tây Âu = Cổ Việt Nam

Tượng Quận = Cổ Việt Nam

Mà: Tần Thỉ Hoàng trồng người ở Tây Âu và Tượng Quận.

Thì: Thuyết Nguyễn Phương rất đúng.

Nhưng các ông Tây và ông Tàu đều sai.

Có một môn học rất quan trọng đối với cổ sử học, đó là môn địa lý cổ thời. Nhưng xem ra người Trung Hoa và ta, rất mơ hồ về môn đó.

Các sử gia ta xưa coi thường khoa địa lý cổ thời quá sức nên gây rối trong sử học, và tinh thần đó, tới nay còn sống sót trong quá nhiều cuốn sử.

Viết về quan mục tên là Chu Ngang (178 S.K.) tham nhũng nên dân nổi loạn, nhà danh nho Lê Văn Hưu, tác giả Đại Việt Sử Ký, than: “Những viên thứ sử Tàu không có nết thanh liêm, làm cho (dân ta) khốn đốn, đất Bắc Kinh xa thẳm, không còn kêu vào đâu được”.

Ấy, làm gì kêu với Bắc Kinh được vào năm đó, vì thành Bắc Kinh, cho tới 1086 năm sau, mới được xây cất:

Không ai buồn tìm nước này ở đây, nước kia ở chỗ nào và bằng mấy mươi quyển sử lớn đều cho rằng Tây Âu là nước Việt Nam và Tượng Quận nằm trong đó, bởi sử Tàu gọi là dân Tây Âu bị Tàu đánh là dân Việt.

Họ quên mất rằng có tới Bách Việt lận, và khi mà Tàu nói đến Việt, không hẳn nói đến ta.

Các ông Tây cẩn thận hơn, nhưng vì các ông làm việc cho vấn đề Tây Âu và Tượng Quận sai nguyên tắc khoa học, nên rồi không ai định được vị trí của Tây Âu, Âu Lạc và Tượng Quận cho đúng hết.

Vị trí Tây Âu và Tượng Quận bị sử Tàu, sử Việt lầm nát hết, nhưng mỗi sách lầm một cách khác.

Nhà Tần diệt ba quốc gia, xin nhớ là ba chớ không phải bốn, là Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu, rồi chia các quốc gia đó thành quận, huyện. Ở Đông Âu và Mân Việt thì rõ ràng, còn ở Tây Âu thì rối nùi.

Mà sở dĩ có rối ren ở Tây Âu là tại Chu Khứ Phi và Cố Hy Phùng nói bướng rồi ta và Tây lặp lại, chớ cổ sử Tàu thì rất rõ ràng, nhưng không ai chịu đọc kỹ hết.

Sử Tàu chép rằng họ chia nước Tây Âu thành ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận.

Nên nhớ, họ chỉ chia nước thứ ba mà họ chiếm được thành ra ba quận, chớ không hề chia nước thứ tư vì cái lẽ giản dị là họ không có chiếm được cái nước thứ tư đó.

Nhưng các ông lại lầm lẫn thô sơ mà cho rằng cái nước thứ ba ấy là nước của ta.

Một cậu học trò lớp dự bị mà thông minh cũng biết được rằng không thể nào mà nước Tây Âu là nước của ta, khi cậu ấy thấy mấy cái quận trong đó. Nội một quận Nam Hải không mà thôi, tức tỉnh Quảng Đông nay, cũng đã to hơn nước của vua Hùng Vương và vua An Dương Vương rồi, thì nước ta làm thế nào mà chứa nổi đến ba cái quận khổng lồ là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận được?

Nhưng các ông cứ tin là thế vì các ông tin rằng nước của vua Hùng và vua An Dương Vương to lắm, ăn lên tới trên xa, và hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là của ta (thế nên Nguyễn Huệ mới định đòi lại hai tỉnh đó).

Vậy, nay ta học lại một cách khoa học xem Lưỡng Quãng có phải là của ta hay không, mặc dầu có tới một trăm bằng chứng rằng nước của vua Hùng Vương chỉ là Bắc Việt nay mà thôi.

Nam Hải là tỉnh Quảng Đông ngày nay, Quế Lâm là tỉnh Quảng Tây ngày nay mà cổ dân còn sống sót ở đó đến ngày nay: đó là người Thái. Như thế, nếu có bí, có lầm thì chỉ lầm về Tượng Quận mà thôi. Ấy thế mà bao nhiêu học giả danh tiếng lại cứ nói và cứ cố chứng minh rằng nước Tây Âu là cổ Việt Nam.

Trước hết, xin nói rõ rằng Tàu gọi nước đó là Tây Âu, mà không hề gọi Cổ Việt Nam là nước Tây Âu. Vậy là có hai nước chớ không phải là một. Còn dân? Ở một chương sau chúng tôi sẽ trưng bằng chứng dân Tây Âu là dân gì, thuộc chủng nào, hiện nay tồn tại hay không. Họ tồn tại và không phải là Việt Nam, vì thế mà Tàu mới chỉ họ bằng tự dạng Việt bộ Mễ còn chỉ ta bằng tự dạng Việt Vượt.

Người Việt lầm thì còn hiểu được vì trong ngôn ngữ ta Việt nào cũng viết như nhau, chí giáo sư đại học Trần Kinh Hòa là người Trung Hoa, lại cũng lầm thì thật là khó hiểu, khi mà cổ sử Tàu viết hai chữ Việt khác nhau. Tây Âu hay Âu Việt viết với tự dạng thứ nhì, còn Việt Nam thì viết với tự dạng thứ ba và thứ tư, thì làm thế nào mà

Tây Âu = Cổ Việt Nam
cho được.

Nhưng ta tạm dẹp Tây Âu lại, để nói về Tượng Quận trước đã.

Chính trí thức Tàu những đời Đường, Tống, Minh, Thanh cũng chẳng biết Tượng Quận ở đâu, chỉ biết rằng nó là phần đất thứ ba của nước Tây Âu, sau hai đất Nam Hải và Quế Lâm.

Vì không biết nên họ gán ghép liều. Thoạt tiên, một ông Tàu, Cố Hy Phùng, cho rằng Tượng Quận là Nhựt Nam. Nhưng viết liều như vậy đã là tạo ra một mâu thuẫn lớn quá rồi, nhưng không hiểu sao cứ sách này chép lại sách khác y hệt như vậy mà truyền cho tới ngày nay.

Quả thật thế, trong việc phân chia đó, ta không thấy có mặt Giao Chỉ và Cửu Chơn, Nam Hải là Quảng Đông, Quế Lâm là Quảng Tây. Thế nhà Tần có chiếm Giao Chỉ, Cửu Chơn hay không? nếu có thì hai nơi đó biến đi đâu mà không có mặt trong cuộc phân chia thành quận, huyện?

Bằng như không có chiếm thì làm thế nào nhà Tần lại chiếm Nhựt Nam ở dưới xa, để đặt thành Tượng Quận?

Các ông Tàu không bao giờ suy luận như vậy hết. Các ông Việt cũng thế. Các ông Tây thì biết, nhưng suy luận xong, các ông Tây bí quá. Làm thế nào mà không có chiếm Giao Chỉ lại chiếm được Nhựt Nam để đặt tên là Tượng Quận, trong khi nhà Tần chưa có thủy quân đáng kể?

Các ông Tây không dám bịa là An Dương Vương đã cho nhà Tần mượn đường để đi chinh phục Nhựt Nam, vì sử Tàu không có chép điều ấy. Vả lại đó là một giả thuyết quá vô lý. Tần Thỉ Hoàng tham bạo như vậy thì không thể nào y tha cho An Dương Vương, chỉ mượn đường mà thôi

Đang bí, các ông Tây rất vui mừng mà gặp tay Tống Nho Chu Khứ Phi gỡ rối cho các ông.

Chu Khứ Phi viết rằng: Tượng Quận = Giao chỉ

Hẳn họ Chu thấy các sử trước lầm một cách quá lộ liễu nên dời Tượng Quận lên trên. Mà như vậy lại càng chứng tỏ rằng không ai biết Tượng Quận ở đâu cả, mạnh ai nấy bịa.

Đến đời nhà Lê của ta thì Ngô Sĩ Liên đã điên đầu rồi nên hòa giải bằng cách cho rằng Tượng Quận là xứ Annam, ông không dại mà nói quá rõ cho sai, ông ngỡ gộp lại như thế thì không còn làm sao mà sai được, lại hữu lý hơn ông Tàu là Cố Hy Phùng nhiều lắm.

Đến trào Nguyễn, các quan viết Khâm Định Việt Sử, thấy rằng vẫn cứ còn lôi thôi về Tượng Quận nên lại phịa thêm ra nữa là Tượng Quận vốn là đất của bộ Việt Thường trước đời Tần, bộ này nhà Tần hợp với Cửu Chơn làm ra Tượng Quận.

Đó là dựng đứng lên cả một cái xứ, chớ cổ sử Trung Hoa chỉ nói đến thị tộc Việt Thường, mà như vậy là tên dân chớ không phải tên xứ và tên bộ nào hết, nhưng họ cũng không biết dân đó ở đâu, chỉ thấy dân đó tới cống cho vua Chu Thành Vương nhưng vua ấy không nhận lễ vì Hoa chủng và thị tộc đó chưa hề giao hiếu với nhau lần nào.

Đến cuối đời Đường, một huyện ở Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh) mới được mang một tên mới, là huyện Việt Thường, người đặt tên chỉ đặt phất phơ, chớ không phải là dựa vào sử liệu nào cho biết Nghệ An nay là Việt Thường xưa. Vả lại nếu Tượng Quận là Nghệ An thì Giao Chỉ biến đi đâu chớ, trong việc phân chia thành quận, huyện dưới đời Tần?

Chính Tư Mã Thiên cũng không biết thị tộc Việt Thường ở đâu nên chi ông viết rằng dân ấy muốn về nước, phải đi ngang qua nước Phù Nam, rồi nước Lâm Ấp.

Cứ theo cái hướng mà Tư Mã Thiên chép thì trên lộ trình của dân Việt Thường, họ gặp Phù Nam trước, mà như vậy thì nước Tàu phải ở… bên Tây. Nhưng làm thế nào mà nước Tàu lại ở bên Tây được?

Vào thời Tư Mã Thiên thì người Tàu đã biết Phù Nam và Lâm Ấp rồi, thế mà nhà sử lớn của họ còn sai lầm lớn lao như vậy thì hẳn không ai biết Việt Thường ở đâu. Nhưng Tư Mã Thiên chỉ không biết chớ không có bịa.

Chính người đời sau là Trịnh Tiều mới bịa rằng câu chuyện ấy xảy ra dưới đời Nghiêu Thuấn và cũng được rất nhiều sách ta chép lại.

Tóm lại, không có xứ Việt Thường nào cả, còn dân Việt Thường mà Tư Mã Thiên nói đến thì không ai biết họ ở đâu, kể cả Tư Mã Thiên.


*


Nước Tây Âu và nước Âu Lạc cũng nát bét vì các ông Tàu, ông Việt, ông Tây.

(Thật ra thì đó là các ông Tàu đời sau nói sai, chớ các ông đời Hán có cho biết đúng sự thật).

Dư địa chí của Cố Hy Phùng lại khẳng định rằng Tây Âu = Giao Chỉ.

Đại Việt Sử KýKhâm Định Việt Sử thấy cái gương Tượng Quận đã hoảng rồi, nên tránh nói đến địa danh Tây Âu, mặc dầu đó là quốc gia hùng mạnh nhứt ở đất Ngũ Lĩnh vào thuở ấy, đương đầu với quân nhà Tần suốt ba năm và làm cho nhà Tần điêu đứng và giết được Tổng tư lệnh của quân đội Tần nữa (Hoài Nam Tử).

Ngô Sĩ Liên hơi can đảm một tí, dám nói đến địa danh Âu Lạc nhưng lại cho đó là quận Thượng Ngô, một quận mà các sách đời Hán đã cho biết một cách đích xác rằng nằm giữa Quảng Tây và Vân Nam, ở trên lằn mức Phiên Ngung, tức hoàn toàn ở bên Tàu, chớ không dính líu gì tới sông Nhị Hà và thành Cổ Loa cả. Nhưng sau khi nói như vậy, ông liền viết ngay tức khắc một điều rất là mâu thuẫn: Lộ Bác Đức để nguyên hai quận Giao Chỉ và Cửu Chơn (tức Âu Lạc) nhưng lại lập ra ngay một quận mới là Thương Ngô.

Cái mới là kỳ dị! Âu Lạc là Thương Ngô ở dòng trên thì tại sao dòng dưới Âu Lạc còn nguyên vẹn, mà lập thêm được Thương Ngô, với đất nào? Nếu với đất khác thì Âu Lạc không phải Thương Ngô, còn như xén đất của Âu Lạc, làm gì có được sự kiện để nguyên Âu Lạc?

Các sử gia ta xưa đều có đọc sử Tàu, cũng biết phê phán, biết sử dụng sử liệu khá đúng cách, nhưng không hiểu sao về giai đoạn Tần – Hán thì các ông lại quá bê bối.

Thí dụ về đảo Hải Nam, năm 111 T.K., Lộ Bác Đức không bao giờ đánh chiếm được đảo Hải Nam cả, sử nhà Hán đã thú nhận như thế, đảo đó, sau năm 50 mới bị đánh lại lần nữa và mới chiếm được.

Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ viết rằng nhà Hán diệt Triệu Đà rồi thì chia phương Nam làm 9 quận, trong đó có Châu Nhai, Đam Nhỉ (Hải Nam).

Sự thật thì nhà Hán chỉ chia phương Nam ra thành 7 quận mà thôi vì Hải Nam chưa chiếm được, có đâu để làm 9 quận?

Tới cai trị ta, các nhà Nho Tây đọc sử Tàu và sử ta, quá nhức đầu về những cuộc trống đánh xuôi kèn thổi ngược về địa danh, nó rất trái với tinh thần thích biết đích xác của họ, nên họ đi tìm. Nhưng họ vẫn hoàn toàn thất bại, vì hai nhà Nho Tây làm cái công việc đó, lại thiếu căn bản khoa học.

Sử gia Nguyễn Phương không hề có nói rằng mình hiểu như các ông Tây. Nhưng ông trích câu sử của Tư Mã Thiên về việc trồng người làm gì? Nếu không có mục đích ngầm chứng minh bằng tài liệu Tư Mã Thiên, qua trung gian của H. Maspéro và L. Aurousseau.

Ở đây chúng tôi chỉ bác bỏ các ông Tây và các ông Tàu là đủ rồi, như sử gia Nguyễn Phương có hậu ý chứng minh qua trung gian hai ông Tây thì sử gia sẽ bị bác bỏ gián tiếp vậy.


*


Tưởng nên nói đến ông H. Maspéro trước vì ông là người phất cờ tiên khởi đi tìm Tượng Quận, Tây Âu và Âu Lạc năm 1918, rồi sau đó thì một trận bút chiến nổi lên, vô cùng sôi động giữa các nhà bác học Pháp, Hoa, Nhật, Việt. Người xưa viết sai thì êm rơ, còn người nay thì bị rầy rà. Nhưng tất cả những ông kể trên đây, cự nhau dữ lắm mà rốt cuộc ông nào cũng sai, lại còn làm rối loạn hơn cổ nhân nữa, thế nên ta lại phải xét lại từ người cổ đến người kim.

Có đến hai Tượng Quận, Tượng Quận thứ nhứt do nhà Tần đặt ra, Tượng Quận thứ nhì là Tượng Quận đời Hán, cũng đã tách làm đôi Tượng Quận đời Tần, phía dưới, vùng giáp ranh Giao Chỉ, đặt tên là quận Thương Ngô, phía trên, giữ tên cũ là Tượng Quận. Nhưng cái Tượng Quận đời Hán này thì vài mươi năm sau bị nhập vào Quý Châu và Quảng Tây, tức bị bỏ luôn.

Ai muốn biết rõ những cổ thư nào đã cho biết đích xác như vậy, xin xem bộ tạp chí Lục đồng biệt lục xuất bản tại Tứ Xuyên, bộ 1946 thì rõ.

Trong trận thế chiến thứ II, Tưởng Giới Thạch chạy vào đó để kháng Nhật, trí thức Trung Hoa cũng chạy theo và những tạp chí văn hóa lớn đều xuất bản ở Tứ Xuyên. Nhà bác học Trung Hoa Lão Cán đã nghiên cứu kỹ về hai Tượng Quận đó, bằng vào các cổ thư Trung Hoa đời Hán.

Thế mà các nhà nho ta, thuộc làu Bắc sử, sao cứ cho là Tượng Quận = Giao Chỉ.

Xét ra thì lý do lầm lẫn này bắt nguồn ở hai nghĩa khác nhau của danh xưng Giao Chỉ. Lộ Bác Đức diệt nước Nam Việt của Triệu Đà rồi thì gộp tất cả các thuộc địa mới ở vùng đó lại và gọi chung tất cả các nơi là Giao Chỉ.

Tượng Quận quả thật ở trong cái Giao Chỉ đó. Nhưng đến đời Tam Quốc thì Tàu tách đặt Giao Chỉ ra làm hai, phần trên lấy tên là Quảng Châu, phần dưới là Giao Châu. Trong Giao Châu có Giao Chỉ (Bắc Việt), Cửu Chơn và Nhựt Nam.

Các sử gia nói rằng Tượng Quận ở trong Giao Chỉ thì đúng, nhưng mà quên mất rằng cái Giao Chỉ ấy có cả Lưỡng Quãng và một phần Quý Châu trong đó, cứ bị ám ảnh rằng Giao Chỉ thứ nhứt ấy cũng cứ là Bắc Việt.

Có người còn có cảm giác rằng Lưỡng Quãng cũng là của Hùng Vương và An Dương Vương nữa thì Giao Chỉ I hay Giao Chỉ II cũng đều là của ta. Nhưng rồi ta sẽ thấy rằng Lưỡng Quãng là của dân khác và danh xưng Giao Chỉ I không có trỏ Cổ Việt Nam.

Đời Tam Quốc tách rời ra làm hai, rất có lý do, vì hai thứ dân khác nhau mà chịu chung một chánh sách thì rất khó cai trị.

Tất cả lầm lẫn đều do hai cái Giao Chỉ khác nhau ấy mà ra.

Danh xưng Giao Chỉ I thọ không tới hai trăm năm, còn danh xưng Giao Chỉ II thọ quá lâu đời, nên tất cả đều cứ biết có Giao Chỉ II, và hễ nói đến Giao Chỉ là nghĩ ngay đến Bắc Việt.

Như vậy không hẳn là Cố Hy Phùng và Chu Khứ Phi đã lầm, vì hai ông đó nói đến Giao Chỉ I, chính Tây và ta mới lầm khi tưởng Giao Chỉ I là Giao Chỉ II, và cứ cho rằng Tây Âu, Tượng Quận là đất của ta, quan niệm ấy chỉ đúng có non hai trăm năm, rồi khi không còn đúng nữa, hay nói cho minh bạch hơn, chỉ đúng vào hai thời mà tất cả thuộc địa mới của nhà Hán đều được gọi là Bộ Giao Chỉ, mà không đúng khi danh xưng mất nghĩa là BỘ, chỉ còn là QUẬN mà thôi, và quận ấy thu hẹp lại ở Bắc Việt chớ không gồm Tây Âu, Tượng Quận nữa.

Tưởng bài nghiên cứu của Lão Cán là đủ lắm rồi, vì ông ấy nói có bằng chứng hẳn hòi, chớ không đoán mò, nhưng ta cũng cần xét qua các cuộc đoán mò của Tây, Tàu, Nhật, Việt vì chúng tôi đã vạch ra sự khác biệt nhau về hai danh xưng Giao Chỉ rồi mà có người cứ còn tin rằng:

Cổ Việt = Tượng Quận
Cổ Việt = Tây Âu

Sự sai lầm, trong đoạn này, thật là rối như mớ bòng bong vì có nhiều sách ta vẽ một bức dư đồ mà trong đó từ Lưỡng Quãng cho tới Huế đều bị mang một cái tên độc nhứt là Tượng Quận.

Họ quên mất rằng Tượng Quận chỉ là một cái quận nhỏ trong vùng đất lớn ấy và nếu có lầm lẫn thì chỉ nên lầm lẫn bằng cách này là gọi là vùng lớn đó là Giao Chỉ bộ, theo lối gọi sau năm 111 TK, chớ sử Tàu không có bao giờ mà định vị trí Tượng Quận kỳ khôi như vậy.

Họ Chu và họ Cố nói rằng Tượng Quận, hoặc Tây Âu ở trong Giao Chỉ là trong cái Giao Chỉ I đó, chớ không bao giờ nói rằng tất cả đều tên là Tây Âu, tên là Tượng Quận.

Sử Tàu xưa viết tắt rất nhiều sự kiện khiến người không nhìn kỹ vào đó, cứ gán chỗ này cho chỗ kia, họ không nói rõ là có đến hai danh xưng Giao Chỉ thuộc vào hai thời kỳ cách nhau ba trăm năm, và Giao Chỉ I và Giao Chỉ II khác xa nhau một trời một vực. Tuy nhiên, đọc kỹ vẫn thấy được sự thật ở đâu.

Xin nhắc lại là danh xưng Giao Chỉ I, liền sau 111 T.K. gồm có Tây Âu, Tượng Quận, còn danh xưng Giao Chỉ II thì chỉ trỏ có Bắc Việt mà thôi. Khi sách vở nói Tượng Quận, Tây Âu nằm trong Giao Chỉ, là trỏ Giao Chỉ I đấy, nhưng ta lại cứ bị Giao Chỉ II ám ảnh, Tây cũng thế, nên mới rối ren hết về giai đoạn sử thời đó.

Sự lầm lẫn của ông H. Maspéro, mặc dầu quá rõ ràng, không thể chối cãi được, nhưng không gây hại. Chính các ông khác, đặt Tượng Quận ở Việt Nam mới là làm xáo trộn tất cả.

Thật là khổ cho các ông Tây, theo Chu Khử Phi thì:

Giao Chỉ = Tượng Quận

Theo Cố Hy Phùng thì:

Giao Chỉ = Tây Âu

Như vậy, theo phép tam-đoạn-luận thì:

Tây Âu = Tượng Quận

Nhưng sử Tàu lại bảo rằng:

Tây Âu = Nam Hải + Quế Lâm + Tượng Quận thì mới làm sao đây?

Vậy các ông chỉ còn một cách là cố nhét Giao Chỉ và Tượng Quận vào trong đám địa danh rối loạn ấy, bằng cách ngụy tạo sử liệu, chớ còn biết làm sao nữa bây giờ.

Chính tại L. Aurousseau mà rồi sau năm 1945 vài quyển sử Việt, dựa theo ông để cho rằng:
  1. An Dương Vương là tù trưởng Cao Bằng.

  2. Trạch Hu Tống là Hùng Vương thứ 16.

  3. Trạch Hu Tống là An Dương Vương.
Trước khi 72 trang bản thảo cứu của ông L. Aurousseau ra đời, sử ta tuy cũng có sai về đoạn đó, nhưng chưa bao giờ loạn như từ L. Aurousseau.

Người Âu châu họ không chịu được cái gì mơ hồ nên ông L. Aurousseau ý thức được tầm quan trọng của Tượng Quận, đả kích phái đối lập H. Maspéro bằng câu sau đây: “Nếu Tây Thiểm Tây của ông H. Maspéro về Tượng Quận mà được nhận thì hậu quả trầm trọng của thuyết ấy đối với sử địa cổ thời Việt Nam thật tai hại”.

Ta cũng y trước như ông L. Aurousseau, nhưng ta nói trái lại, ta thay tên ông H. Maspéro bằng tên của ông L. Aurousseau vì thuyết của ông L. Aurousseau sai hơn và làm rối loạn cả đoạn cổ sử ấy của ta.

Ông H. Maspéro đặt Tượng Quận ở bên Tàu, thì không có hại gì cho sự hiểu lầm vè cổ sử Việt Nam hết, còn ông L. Aurousseau gọi Tượng Quận là Bắc kỳ thì một sự kiện lịch sử lớn là nguồn gốc dân tộc Việt Nam phải bị sai lạc.

Thuyết L. Aurousseau nguy hiểm hơn những lời khẳng định sai của sứ Tàu và Việt vì Tàu và ta chỉ khẳng định suông, không được ai tin bao nhiêu, còn ông L. Aurousseau thì có chứng minh, khiến người yếu bóng vía và thiếu phương tiện kiểm soát, có khuynh hướng tin theo.

Năm 1923, cũng cứ trong tập kỷ yếu BEFEO, mà ông H. Maspéro đã trình bày năm 1918, ông L. Aurousseau bỏ ra đến 72 trang báo lớn để tìm Tượng Quận, Tây Âu và Âu Lạc, bằng cách ngụy tạo sử liệu:

Ông viết: “Mặt khác chúng ta biết rằng những cuộc Nam xâm của nhà Tần bắt đầu từ năm 221 T.K. bằng cuộc viễn chinh đi qua Ngũ Lĩnh và những cuộc Nam xâm ấy kết thúc năm 214 T.K. với sự thành lập ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Hai quận đầu đã được biết và được định vị trí tại tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (ngày nay), chỉ còn quận thứ ba, tức Tượng Quận.

Người ta lại biết, nhờ các cổ thư như Sử Ký và Tiền Hán thư, thời điểm chinh phục những vùng đất Tây Nam (của Trung Hoa) như Quý Châu, Vân Nam v.v. xảy ra sau Tần Thỉ Hoàng đến một thế kỷ. Những vùng này phải được đặt ra ngoài vấn đề. Vậy thì, Tượng Quận chỉ có thể ăn vào những xứ Annam (ý tác giả muốn chỉ Bắc Việt và Bắc Trung Việt). Chính những xứ này, cũng cứ theo cái cổ thư trên, đã bị nhà Tần chinh phục vào thời 221-214.

Lối thấy trên đây được quyển Hoài Nam Tử, thế kỷ thứ Hai trước Tây lịch xác nhận, trong cổ thư đó có chép trận đánh 221-214 trong đó một lãnh chúa Bắc Kỳ tên là Trạch Hu Tống tử trận. Vậy không thể còn nghi ngờ gì nữa. Cái quận ở cực Nam mà Trung Hoa đặt ra năm 214 giống hệt như các xứ Annam bị chinh phục, cũng cứ bởi những người Tàu đó vào những năm 221-224. Thế thì cái chữ Tượng chỉ cái quận đó, đích thị là cái tiếng Tàu đã được đặt cho các xứ Annam năm 214”.

Thoạt trông, coi có vẽ chặt chẽ lắm, chính vì thế mà ông L. Aurousseau cứ nói mãi là “chắc chắn như vậy”.

Nhưng thật ra thì rất sai, bởi không hề có cổ thư Trung Hoa nào nói rằng “Các xứ Annam đã bị nhà Tần chinh phục vào thời 220-214” hết, như ông L. Aurousseau vừa nói. Riêng Lưu An, tác giả Hoài Nam Tử, thì lại không bao giờ có nói rằng Trạch Hu Tống là lãnh chúa của Bắc kỳ. Họ Lưu chỉ viết: “Người ta (tức quân Tần) giết được Trạch Hu Tống, vua của nước Tây Âu. Ông L. Aurousseau tự ý thêm hai chữ “Bắc Kỳ” sau địa danh Tây Âu, rồi nói: “Đó, Lưu An đã nói rằng Bắc Kỳ đã bị chiếm”. Đó là cuộc nguỵ tạo thứ nhất, bằng chữ nghĩa, lại bằng “phụ đề”. Bằng chữ nghĩa là sự tự ý thêm hai tiếng “Bắc Kỳ”, còn bằng phụ đề là giải thích càn rằng giết lãnh chúa, tức là chiếm nước. Giết lãnh chúa, không bao giờ có nghĩa là chiếm nước, và sự thật thì theo Hoài Nam Tử, vua Trạch Hu Tống bị giết rồi, dân chúng Tây Âu cứ tự động tổ chức để đánh lại Tần mà không cần ông vua nào nữa cả.

“Sát Tây Âu quận Trạch Hu Tống, nhi việt Nhơn giai nhập tùng bạc trung dử cầm thú xứ, mạc chỉ vi Tần cứ, tương tri kiệt tuấn dỉ vi tướng, vi da công Tần nhơn, đại phá chí, sáng suốt Uất Đồ Thư phục thi lưu huyết sổ thập vạn, nãi phát trương tức dỉ bị chi…”.

Tạm dịch: “Quân Tần giết vua Trạch Hu Tống của người Tây Âu rồi thì dân Việt bèn vào rừng sống với cầm thú, không theo Tần, lại cùng nhau tôn các tay anh hùng để cho làm tướng và về đêm ra đánh quân Tần, và thắng lớn, giết cả tổng tư lịnh Tần là Uất Đồ Thư, máu chảy, thây chất, có đến một trăm ngàn quân Tàu bị sát hại v.v.”.

Có lẽ ông L. Aurousseau ngỡ rằng quyển sách không danh tiếng và khó tìm là quyển Hoài Nam Tử, không ai có, không ai được đọc, ông tha hồ vẽ rắn thêm chơn. Chúng tôi đã phải nhờ người đi Đài Loan mua quyển Hoài Nam Tử để xem lại, vì không tìm được sách ấy ở Sài Gòn. Làm gì có danh xưng Bắc Kỳ vào thế kỷ thứ II? Nhưng chung quy cũng chỉ vì tất cả các ông và ông L. Aurousseau đều không biết địa lý cổ thời của vùng Ngũ Lĩnh và không biết chủng tộc học về các thứ dân ở vùng đó, nên mới gán liều lĩnh nơi này vào nơi khác.

Hai yếu tố quan trọng ấy, địa lý cổ thời và chủng tộc học cổ thời, sẽ được trình bày vài trang sắp tới với cả những cổ thư Trung Hoa không viết liều.

Mặc dầu đã ngụy tạo hai lần, bằng chữ nghĩa và bằng giải thích, ông Aurousseau vẫn chưa hạ nổi Tây Âu. Ông tiếp tục tấn công thêm nước đó.

Và ông L. Aurousseau lại nguỵ tạo nữa. Trong câu sử trên, Lưu An nói rõ ràng là Vua Trạch Hu Tống, nhưng ông Aurousseau lại dịch ra là lãnh chúa (chef féodal).

Ông là giáo sư Hán văn thì không thể bảo rằng ông không hiểu danh từ Quân. Nhưng ông dịch sai là cố ý ngụy tạo vậy.

Tàu rất kinh man di. Nếu man di có vua, họ cũng tìm cách hạ vua man di xuống chức chúa, tức thấp hơn vua một bực. Khi mà một ông vua Tàu (Lưu An, tác giả Hoài Nam Tử là một ông vua đấy) nhìn nhận rằng nước Tây Âu có vua, thì ta phải tin Lưu An một ngàn phần trăm.

Tưởng cũng nên định nghĩa rõ về các danh từ Vương, Quân, Chúa, Lãnh chúa v.v.

Cho tới đời nhà Chu thì chỉ có Vương, trên Vương không có ai cả. Đó là Vua. Nhưng các lãnh chúa bên Tàu lại tự ý xưng Vương khi nhà Chu suy vi. Đó là vua tiếm xưng, nhưng vua thật sự là vua nhà Chu vì quá yếu, đành để vậy. Hóa ra trong nước Tàu có lu bù Vương. Đó là hình thức ly khai thành nhiều tiểu bang vậy, và đã là tiểu bang thì có quyền tự xưng Vương. Thí dụ: An nam quốc vương.

Chợt Tần vương, một ông vua của tiểu bang Tần, đánh dẹp cả và thống nhứt nước Tàu. Đáng lý gì trở về chức Vương cũ, ông ta lại thấy Vương bị hoen ố rồi, nên xưng Đế, và chia nước Tàu ra thành nhiều tỉnh gọi là quận, không còn vua chư hầu nào hết.

Nhà Tần sụp, nhà Hán lên, thấy rằng nước Tàu quá lớn, nhiều tỉnh hóa ra ở quá xa trung ương không đủ sức tự vệ mà cũng không đủ quyền uy để trị dân, thế nên mới tái lập chế độ chư hầu nửa chừng, tức lập ra một số chư hầu lớn và một số tỉnh nhỏ, các tỉnh ấy cũng cứ được gọi là quận như đời Tần.

Đứng đầu chư hầu, không còn là Công, Hầu, Bá gì nữa, mà là Vương, vì Vương đã lên Đế rồi.

Vậy Vương là vua chư hầu của một tiểu bang Tàu một trăm phần trăm. Thí dụ Lưu An, tác giả câu sử trên đây, là ông vua của vùng Nam sông Hoài, với chức Hoài Nam Vương, tác giả của sách Hoài Nam Tử.

Nhưng lại còn có những kẻ đứng đầu những nước ngoại chủng mạnh, thì mới gọi bằng gì đây? Không thể gọi họ là Vương, vì họ kém hơn Vương của Tàu về sự quan trọng, dưới con mắt người Tàu.

Danh xưng Quân được dùng để gọi những ông vua ấy. Thí dụ Tây Âu Quân là vua nước Tây Âu, một nước độc lập chớ không phải là chư hầu. Nhưng vua của người ta thì Tàu lại không cho là xứng đáng tước Vương mà chỉ được gọi là Quân mà thôi.

Thật ra thì trong nghĩa tổng quát ở bên Tàu, Quân cũng cứ là vua y như Vương, Đế, nhưng riêng trong giai đoạn sử này thì Tàu phân biệt như thế đó và sau nữa, các vua đời sau cũng phân biệt như vậy.

Còn Chúa? Chúa dùng để chỉ vua của những nước ngoại quốc xa lạ, nó có nghĩa là vua một nước mà quyền uy không được người Tàu biết rõ là to tới đâu, và người Tàu cũng không xem là đáng kể cho lắm.

ChúaQuân chỉ khác nhau có thế, dưới đời Tần cả hai đều được xem là vua, nhưng Tàu không xem trọng nên không gọi là Vương. Và Quân vẫn được xem hơn Chúa vì có liên lạc với Tàu, có trao sử và có thể nộp cống nữa, nhưng vẫn không hề là vua chư hầu.

Lãnh chúa thì khác xa. Lãnh chúa là chư hầu của bất kỳ nước nào, Tàu hay man di đều là lãnh chúa. Nhưng lãnh chúa lại có thể không phải là chư hầu của ai cả. Khi một quốc gia chưa thống nhứt, không có vương, quân, chúa gì hết thì có thể có lu bù lãnh chúa, mỗi ông cát cứ ở một vu ngoài, như hồi Thập nhị sứ quân ở nước ta.

Vậy khi L. A. dịch quân ra là lãnh chúa là ông ta đã hạ Trạch Hu Tống xuống đến hai cấp.

Với mục đích nào?

Ở mấy mươi trang trước ông vừa chứng minh rằng Cổ Việt chỉ có bộ lạc và tù trưởng, chớ không có vua Lạc Vương hay Hùng Vương gì hết. Nếu ông nhận Tây Âu có Vua, Chúa thì ông không làm sao mà đồng hóa Tây Âu với Cổ Việt được, nên ông phải dịch sai một cách tri tình. Lãnh chúa chỉ là một thứ tù trưởng quan trọng: Khi xứ chưa lập quốc thì chỉ có thể có lãnh chúa của các bộ lạc mà thôi.

Ông lại còn có mục đích thứ nhì nữa trong cuộc ngụy tạo thứ nhì đó. Thuở ấy, vùng đó, Tàu nói rằng đang có hai ông vua, ông Trạch Hu Tống làm vua Tây Âu, ông An Dương Vương làm vua Âu Lạc, mà ông đã trót nhập hai nước lại thành một, mà một nước không thể có hai vua thì làm sao đây?

Nhưng nếu ông hạ Trạch Hu Tống từ vua xuống lãnh chúa thì ổn thỏa, bởi một nước có thể có hai, ba, bốn, năm, sáu lãnh chúa. Chỉ phiền là sử Tàu gọi hai ông đó là Vua. Ông L. Aurousseau phải thủ tiêu bớt cái ông vua đã làm bối rối ông H. Maspéro, ông này quá bí, không buồn giải quyết bằng cách nào hết.

Khi ông sếp chỉ là lãnh chúa, thì nước Tây Âu, không có vua, không có chúa, và trái lại có hai, ba, bốn, năm lãnh chúa. Thế thì An Dương Vương có thể là lãnh chúa thứ nhì, thứ ba, thứ tư, đồng hạng với Trạch Hu Tống.

Ông ta không bị thủ tiêu về thể xác, mà về chức vị.

Khi người Tàu nói đến hai ông vua là họ nhìn nhận có hai nước khác nhau. Ông L. Aurousseau không muốn có hai nước khác nhau, muốn hiểu rằng Tây Âu = Bắc Kỳ, thì ông chỉ còn có một cách là thủ tiêu bớt một ông vua vậy, và hạ ông thứ nhì xuống chức lãnh chúa.

Nhưng tưởng nguỵ tạo thứ nhì này là thừa, khi ông đã gán cho Lưu An mấy tiếng mà Lưu An không hề nói, thì đâu có cần hạ Trạch Hu Tống nữa:

Tây Âu = Bắc Kỳ

Và vì nguỵ tạo lung tung, nên ông lại mâu thuẫn với ông. Khi Tây Âu có hai, ba, bốn, năm lãnh chúa thì không có chúa, mà hễ không có chúa thì không có nước, vì các lãnh chúa chưa thống nhứt, mạnh ai muốn hành động ra sao tuỳ thích.

Nhưng sử Tàu mà ông rất tin thì lại nói rằng có nước, nước Tây Âu và nước Văn Lang, nước Âu Lạc thì thật là bí quá đối với ông.

Ông L. A. bèn cho rằng sử ta và sử Tàu bịa khi nói đến nước Văn Lang và vua Hùng Vương hoặc Lạc Vương. Nhưng nãy giờ, ta chỉ thấy có ông là bịa thôi.

Xem chừng không xong, sau khi nguỵ tạo đến hai lần, ông L. Aurousseau lại phải nguỵ tạo nữa về Lạc Vương bởi sử Tàu là cái gì rất thiêng liêng đối với ông, mà sử Tàu đã nói có Lạc Vương, ông không dám phủ nhận. Thế nên ông lại nguỵ tạo nữa, ở một nơi khác, trong lối dịch Giao Châu ngoại vực ký.

Cuốn sử độc nhứt có ghi chép về Lạc Vương là quyển Giao Châu ngoại vực ký mà không hề có ai được đọc, chỉ thấy trích dẫn ở quyển Thuỷ Kinh ChúQuảng Châu ký mà thôi:

“Thuở xưa, vào thời mà xứ Giao Chỉ chưa chia thành quận huyện, đất đã có ruộng Lạc, nước lên xuống sở ruộng tuỳ thuỷ triều. Dân làm ruộng đó mà ăn. Vì vậy mà người ta gọi dân đó là dân Lạc. Lập ra Lạc Vương, Lạc Hầu để coi quận huyện. Có nhiều Lạc Tướng mang ấn đồng giải lụa xanh.

Về sau, con vua nước Thục cầm đầu ba vạn quân, đến diệt Lạc Vương, Lạc hầu và chế phục tất cả các Lạc Tướng, rồi con của vua nước Thục tự xưng An Dơng Vươn. Đó là đất Âu Lạc vậy”.

Ngày xưa người Tàu nói tắt nên khó hiểu lắm. Ai đặt ra Lạc Vương?

Trong bản dịch chữ Pháp, ông L. Aurousseau tự ý thêm vào là “Chánh phủ Trung Hoa đặt ra Lạc Vương”.

Ông L. Aurousseau là giáo sư chữ Nho thì không thể bảo rằng ông không biết ẩn chủ từ của động từ “Lập”. Lập, ở đây là dân chúng lập ra, hoặc ông ấy tự lập mình làm Lạc Vương, sau khi chế phục được các tù trưởng chớ không thể nào mà là Tần Thỉ Hoàng mà ông gọi là “Chánh phủ Trung Hoa”. Ngày xưa, khi một đế quốc đánh chiếm một nước thì họ diệt ông vua của nước đó ngay, chớ lẽ nào xứ đó đang không có vua họ loại điên rồ mà lập ra một ông vua?

Nhưng ông L. Aurousseau lại gặp rắc rối nữa. Giờ, chỉ có một nước theo ông, mà lôi ra đến ba ông vua, chớ không phải hai ông. Ông đã hạ Trạch Hu Tống, nhưng xoay thế nào mà lại lôi ra thêm một ông thứ ba là Lạc Vương.

Thế thì phải thủ tiêu nữa vậy, thế nào mà rốt cuộc chỉ còn có một ông là ông Trạch Hu Tống, lãnh chúa Bắc Kỳ. Thật ra, ông L. Aurousseau không ghét ông nào cả, nhưng ai dễ thủ tiêu thì ông thủ tiêu.

Ông thứ ba là Lạc Vương lại được thủ tiêu, không phải thủ tiêu thể xác, cũng không thủ tiêu chức vị như đối với Trạch Hu Tống, mà thủ tiêu uy tín. Ông ta chỉ là bù nhìn mà Tần Thỉ Hoàng mới lập ra sau cuộc chinh phục Bắc Kỳ.

Người ta tự hỏi Tần Thỉ Hoàng có mắc chứng điên hay không mà huy động đến nửa triệu quân, một số quân quá lớn vào thuở đó để giết ông tù trưởng Trạch Hu Tống rồi lại lập lên vua Lạc Vương, ông này chẳng có bà con dòng họ gì với Tần Thỉ Hoàng hết.

Ông lại quên mất cả thời điểm. Khi Tần Thỉ Hoàng Nam xâm thì Lạc Vương đã chết thành tro rồi vì bị An Dương Vương diệt từ lâu, khi cướp nước Văn Lang, không cần phải thủ tiêu Lạc Vương làm chi nữa hết.

Nếu còn ai để cho ông bối rối thì chỉ còn có Trạch Hu Tống và An Dương Vương mà thôi, không cần phải bắt Lạc Vương làm chi nữa hết.

Ông lại thủ tiêu An Dương Vương một lần nữa không về mặt thể xác, mà cũng không về mặt uy tín, mà về mặt cho ông ta trễ đò. Ông lợi dụng hai tiếng “về sau” để giải thích rằng Về sau có nghĩa rằng Tần Thỉ Hoàng chết rồi An Dương Vương mới thừa cơ hội đánh Bắc Kỳ rồi đặt tên cho nó là Âu Lạc.

Nhưng An Dương Vương vẫn không bị thủ tiêu, khi mà kẻ thủ tiêu chỉ dùng khoé nguỵ tạo. Tần Thỉ Hoàng chết rồi thì Triệu Đà nổi loạn ngay, mà Triệu Đà thì đang có binh mạnh trong tay, thử hỏi làm sao An Dương Vương phỗng tay trên Triệu Đà được?

An Dương Vương là ai mà nhiều binh lực hơn Triệu Đà? Vả lại vì nói thế, nên ông chỉ cho An Dương Vương trị được có hai ba năm. Lại mâu thuẫn nữa! Hai ba năm thì làm sao có đủ thì giờ xây thành Loa.

Ông L. Aurousseau khi thì nói rằng ông vua Thục là con của “xứ Bắc kỳ”, và sau 1945, có vài quyển sử Việt lặp lại thuyết của ông.

Nhưng thử hỏi tù trưởng Cao Bằng làm gì huy động nổi ba vạn binh sĩ? Thử hỏi ông là dân của “xứ Bắc Kỳ” thì khi ông mộ quân để làm loạn, sao vua Hùng Vương (mà sử Tàu gọi là Lạc Vương) lại để ông yên thân cho ông ta dấy binh diệt mình? Toàn là chuyện vô lý.

Ông L. Aurousseau lại còn mâu thuẫn nữa là rồi ông lại giải thích tại sao An Dương Vương lấy “xứ Bắc kỳ” (mà ông cho là Tượng Quận) được. Ông nói ở đó có quá ít lính Tàu nên không chống nổi quân xâm lăng.

Sự mâu thuẫn và nguỵ biện ở đây quá thô lậu và rất vĩ đại. Ý ông muốn nói vua bù nhìn của Tần Thỉ Hoàng là Lạc Vương cai trị nhờ sức của lính Tàu, nhưng lính đó quá ít, thế nên khi Thục Phán xâm lăng, họ chống lại không được.
  1. Tần Thỉ Hoàng đã huỷ bỏ chế độ tiểu bang thì không thể còn kẻ nào mang tước Vương được hết.

  2. Khi Tần Thỉ Hoàng chết rồi thì nước Tây Âu, tức hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và một phần đất giữa Quảng Tây và Vân Nam (đó mới đích thị là Tượng Quận) đã lọt vào tay Tàu rồi từ lâu. Vậy Thục Phán ở đâu mà xâm lăng Cổ Việt được, vì ở đâu cũng đã là của Tàu rồi.

  3. Nếu Thục Phán ở Cao Bằng thì y là dân của nước Cổ Việt mà như vậy thì làm thế nào mà có sự kiện xâm lăng khi dân Cần Thơ đánh lấy Sài Gòn. Đó là một nội loạn ấy chớ.

Tóm lại ngoài cái việc nói liều rằng An Dương Vương là Tù trưởng ở Cao Bằng, sau đó ông L. Aurousseau lại biến ông ấy thành người nước ngoài mà không chỉ được là ở đâu. Thế mà ông lại bác sử ta lung tung, bác cả niên đại của trào An Dương Vương mà không đưa ra một tài liệu nào hết, theo ông thì An Dương Vương chỉ trị có 2, 3 năm chớ không phải là 49 năm như sử ta viết.

Thuyết L. Aurousseau có thể tóm lược như sau:

  1. Tần Thỉ Hoàng xua quân đánh nước Tây Âu, tức nước Bắc Kỳ (nguyên văn). Nhưng Bắc Kỳ đã có nước, mà lại không có vua, cũng không có chúa mà chỉ có lãnh chúa là Trạch Hu Tống bị giết chết rồi. Tượng Quận là tên của xứ Bắc Kỳ, tức Tây Âu do Tàu đặt ra, sau khi chiếm lấy nước Tây Âu.

  2. Thắng xong, Tần Thỉ Hoàng giúp nước Bắc Kỳ tiến lên nhảy vọt, nước ấy từ bao lâu nay chưa tiến lên khỏi chế độ bộ lạc, được vua Tần ban cho một ông vua Lạc Vương. Thế là Tần Thỉ Hoàng không phải đế quốc mà là một bậc thánh hiền rồi đấy.

  3. Đến khi Tần chết rồi thì một tay phiêu lưu vô danh là An Dương Vương lại bảnh hơn quan Giám (tức quận trưởng) Triệu Đà, cướp ngay xứ Bắc Kỳ, tức nước Tây Âu (nguyên văn của L. Aurousseau). Quân Tàu quá ít nên vua bù nhìn Lạc Vương phải thua An Dương Vương.

Thật là một thuyết động trời, thế mà lại được vài sử gia ta đã cóp theo.

Thử hỏi nếu Tây Âu là Bắc Kỳ, trong đó có quận Tượng, thì hai quận kia nằm ở đâu? Một quận của Tàu thuở ấy to bằng toàn quốc Việt Nam ngày nay, làm gì Bắc Kỳ chứa nổi đến ba quận?

Ông L. Aurousseau đã bị Mã Viện đính chánh. Thật thế, Mã Văn Uyên có kiểm tra dân số cẩn thận. Kết quả cuộc kiểm tra này có chép trong Hán thư. Dân số của một phần Tây Âu là Nam Hải đông trên 190 ngàn nhà, còn dân số của cả Giao Chỉ có trên 90 ngàn nhà mà thôi.

Nếu Bắc Kỳ là Tây Âu như ông L. Aurousseau nói, thì Nam Hải nằm trong Bắc Kỳ. Nhưng nó nằm trong đó mà sao dân số lại gấp đôi Bắc Kỳ được?

Nói tầm ruồng vài mươi trang, ông L. Aurousseau thu hẹp Tây Âu lại ở thượng du Bắc Kỳ, thế là còn nhỏ hơn nữa và mâu thuẫn càng lớn hơn vì thượng du là đất không ở được để có thể chứa quá đông dân số như thế vào thời ấy, và để có thể được Tàu xem là ba quận của họ.

Có lẽ ông muốn nói thượng du là một phần của Tây Âu, như H. Maspéro và ông linh cảm cho rằng Âu và Thái, mà thượng du nay thì rõ ràng là đất Thái, nhưng ông lại không nói rõ ràng minh bạch được như ông H. Maspéro, thành thử còn sai hơn H. Maspéro nhiều. Nói minh bạch như H. Maspéro rằng Tây Âu chạy dài từ Quảng Tây đến tả ngạn Nhị Hà, tuy vẫn có lý mà còn sai, huống hồ gì L. Aurousseau chỉ hạn chế tất cả ở một vu ngoài thượng dụ Bắc Việt.

Dầu sao ông L. Aurousseau cũng cố làm cho ta thấy rằng Cổ Việt có bị Tần Thỉ Hoàng chiếm. Mà đó là sai sự thật.

Hết hai ông Tây, đến ông Tàu.

Giáo sư Trần Kinh Hoà, bị thuyết của giáo sư L. Aurousseau gợi ý, còn thu hẹp Tây Âu hơn. Ông viết trong tạp chí Đại học Huế năm 1960 rằng Tây Âu = Tây Vu.

Theo nghiên cứu của ông Madrolle, tác giả Le Tonkin ancien thì huyện Tây Vu gồm các tỉnh sau đây của Bắc Việt: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phú Thọ. Nghiên cứu ấy đúng.

Thế nên ở đó có một tiểu vương quốc là Tây Vu dưới thời Triệu Đà.

Ta có thể suy luận mà đoán được rằng nơi đó là trung tâm văn hoá và hành chánh của Cổ Việt, bằng vào cái luật này là dân tộc nào cũng đặt trung tâm tại một vùng mà dân chúng sinh tụ nhiều nhứt.

Hà Nội ngày nay nằm trong tỉnh Hà Đông, nhưng xưa việc sinh tụ của dân khác nay.

Bắc Ninh vào đời Cao Biền trở về sau vẫn cứ còn là trung tâm văn hoá Hoa Việt, bằng vào quá nhiều di tích lịch sử lớn lao ở đó: Chùa Phật Tích, đền Phù Đổng, bao nhiêu mộ quan nhà Hán, miếu Sĩ Nhiếp, chùa Khang Tự, đình Đình Bảng. Cổ Loa thành và nhứt là thành Luy Lâu, kinh đô đầu tiên của thuộc địa Giao Chỉ, tại làng Lũng Khê ngày nay.

Vua An Dương Vương đã đóng đô ở đó, Thái Thú Giao Chỉ đã đóng đô ở đó, và trước nữa, Hùng Vương đã cũng đóng đô ở đó (Phú Thọ).

Đó là cái nôi của văn hoá, của văn minh, của chánh trị, của dân Lạc Việt, y như Paris là cái nôi của Pháp từ ba ngàn năm rồi.

Khi Mã Viện đánh thắng ta xong thì y chạy sớ về Lạc Cương tâu xin chia huyện Tây Vu thành huyện Phong Khê và Vọng Hải, vì huyện đó quá đông dân cư, có đến 32 ngàn hộ, tính trung bình thì có đến 160.000 khẩu trong 32 ngàn hộ đó. Vào đầu Tây lịch mà một huyện chứa bấy nhiêu người như vậy là quá đông, sánh với ngày nay (1965) mà toàn tỉnh Châu Đốc chỉ có 90 ngàn người Việt Nam, mà đó là một tỉnh được xem là trù phú.

Chúng tôi thường khen các ông Tây đọc sử Tàu kỹ hơn ta và Tàu, và quả đúng như vậy. Đất Tây Vu và ông vua Tây Vu Vương đều do các ông Tây khám phá ra, qua cổ sử Trung Hoa.

Đó là một tài liệu phụ, âm thầm nằm riêng trong phụ lục của Hán thư trong biểu Công thần.

Vua Tây Vu Vương là phiên thần của Triệu Đà. Khi họ Triệu bị Lộ Bác Đức diệt thì ông này toan nổi loạn, nhưng bị tuỳ tướng là Hoàng Đồng hạ sát, nên Hoàng Đổng mới được nhà Hán xem là Công thần. Chính cái biểu Công thần tăm tối ấy mà không ai buồn đọc, đã tiết lộ sự kiện mới lạ đó.

Hoàng Đổng là người Tàu, và đó là cán bộ nằm vùng mà Triệu Đà đặt ra để kiểm soát Tây Vu Vương, vốn là người Lạc Việt.

Nói Tây Vu Vương gồm 6 tỉnh, nhưng thật ra thì chỉ có 4, vì Việt Trì không phải là một tỉnh như các ông Tây đã viết còn Vĩnh Yên và Phú Yên thì quá nhỏ bé, nên sau Pháp sáp nhập lại thành một, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cái nước Tây Âu nhỏ xíu của giáo sư Trần Kinh Hoà lại còn không thể làm được một công việc tày đình mà ông vua đất Giang Hoài là Lưu An đã chép trong sách Hoài Nam Tử: 30 ngàn nhà làm sao chống nổi với 500 ngàn lính Tần trong ba năm và giết tổng tư lệnh của họ?

Thế mà giáo sư họ Trần lại viết rằng dân số Tây Vu quá đông đảo đủ sức làm công việc đó. Cả Giao Chỉ mà chỉ có 90 ngàn nhà, thì riêng Tây Vu, nằm ở tả ngạn Nhỉ Hà, làm gì quá đông đảo được?

Ông Trần Kính Hoà đưa ra những luận cứ sau đây. Chữ Vu đọc giống chữ Âu. Vậy Tây Vu và Tây Âu là một, chỉ vì lầm mà người ta viết hai cách, khiến đời sau ngỡ là hai nơi.

Tây Vu lại có tên là Tây Lý và Tây Ngung để đối với Phiên Ngung.

Tây Ngung bị viết lầm ra Tây Lý, nên Tây Vu mới có hai tên là Tây Vu và Tây Lý.

Nhưng đó là nỗ lực tuyệt vọng của họ Trần.

Chữ Vu, Tàu đọc là Día, còn chữ Âu họ đọc là Ngê-U, theo Quan Thoại, làm thế nào mà ông Trần lại bảo rằng hai chữ đó đọc giống nhau mà có thể lầm âm với nhau?

Dầu sao thuyết Trần Kinh Hoà: Tây Âu = Tây Vu, cũng bất chấp lý trí vì mấy lẽ sau đây:

Tây Âu gồm 190 ngàn nhà ở Nam Hải

90 ngàn nhà ở Giao Chỉ (nếu ta bằng lòng theo ông ấy bỏ Giao Chỉ vào Tây Âu).

Và 100 ngàn nhà ở Quế Lâm.

Tổng cộng là 380 ngàn nhà.

Trong khi đó thì Tây Vu chỉ có 30 ngàn nhà.

Thế thì Tây Vu không làm sao mà là Tây Âu được hết.

Ông Trần Kinh Hoà, mặc dầu có Tây học, vẫn suy luận theo Tàu đời Đường, tức không theo sự hợp lý mà theo cảm giác riêng khi ông nhận thấy Tây Vu hơi giống Tây Âu về giọng đọc, còn về tự dạng nó không giống, nhưng ông lại tạo ra Tây Ngung để cho rằng có sự giống giữa Tây Ngung và Tây Lý, Tây Lý và Tây Vu.

Để chứng minh mạnh mẽ thêm rằng Tây Vu = Tây Âu, giáo sư Trần Kinh Hoà lại trích Sử Ký (Nam Việt liệt truyện): “Nhà Tần mất, Triệu Đà đánh lấy luôn Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương”.

Đây là một sai lầm lớn của Tư Mã Thiên mà giáo sư họ Trần cứ chép. Thật sự thì Triệu Đà chỉ xưng hùng ở quận Nam Hải. Dân Tây Âu còn lại ở Quế Lâm và Tượng Quận rồi cũng nổi loạn và cũng xưng hùng. Ở Mân Việt cũng thế. Thấy mình còn yếu, Triệu Đà đành phải nhìn nhận bọn nổi loạn ấy và thương thuyết với họ để ủng hộ ông ta. Cuộc thương thuyết có kết quả. Các sử Tàu khác đều chép như vậy. Nếu lấy luật đa số thì Tư Mã Thiên phải thua, còn lấy lý mà suy thì cũng thế, bởi Triệu Đà không có đủ quân mà tóm thâu hết các nơi được.

Rồi giáo sư họ Trần viết: “Triệu Đà tự lập làm vua, gồm thâu Quế Lâm, Tượng Quận thì nước ấy (Tây Âu) chưa bị lệ thuộc vào nước Nam Việt”.

Ở câu trước thì lấy xong Quế Lâm, Tượng Quận rồi mới lên ngôi, nhưng cách đó có một trang thì ở đây “Tự lập làm vua rồi mới gồm thâu Quế Lâm, Tượng Quận. Thật là trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nhưng sự xuôi ngược không hại gì. Hại lắm là ý nghĩa của câu thứ nhì đó: Triệu Đà đã tự lập làm vua, gồm thâu Quế Lâm, Tượng Quận thì nước Tây Âu chưa bị lệ thuộc vào nước Nam Việt.

Đây là một câu sử kỳ dị nhứt thế giới.

Để xem:

Tây Âu = Nam Hải + Quế Lâm + Tượng Quận

Mà sử Tàu thì đã đồng thinh, và chính giáo sư họ Trần cũng đã đồng thinh với họ mà nói rằng Triệu Đà xưng hùng tại huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải.

Thế thì đã xưng hùng tại Nam Hải lại còn chiếm luôn Quế Lâm, Tượng Quận nữa, mà nước Tây Âu chưa bị lệ thuộc và làm sao, khi ta nhìn lại phương trình trên đây?

Vì mâu thuẫn như thế nên giáo sư họ Trần phải dời Tây Âu xuống Tây Vu để cho ổn cái vụ Triệu Đà, Triệu Đà xưng hùng ở trên, nên Tây Âu ở dưới chưa lệ thuộc.

Chỉ phiền là sử Tàu lại chép quá đích xác là Triệu Đà xưng hùng tại trung tâm văn hoá của Tây Âu, vì huyện Long Xuyên, nơi Triệu Đà nổi lên là đất dân Tây Âu sinh tụ đông đảo nhứt, vì đó là đồng bằng phì nhiêu nhứt của nước Tây Âu.

Ấy, ông đã chủ trương rằng Tây Âu = Tây Vu, nên ông mất sự thật trên kia đã được tất cả mọi người công nhận, kể cả ông nữa (ở một nơi khác).

Thế rồi ông lại dựa vào tài liệu Nhựt Bổn để viết:

Nhựt Nam = Tượng Quận = Giao Chỉ

Giáo sư Trần Kinh Hoà dẫn giáo sư Nhật Sugimoto Naojiro cho rằng ông R. A. Stein nói: “Hải Vân Quan là Nam giới của Tượng Quận”.

Thật ra thì R. A. Stein không hề nói như vậy. Tài liệu về vị trí của huyện Tượng Lâm dữ dội nhứt là tài liệu của R. A. Stein, trích một số tạp chí Hán học, xuất bản tại Bắc Kinh năm 1948. ông R. A. Stein nghiên cứu về nước Lâm Ấp chớ không phải về Tượng Quận, nhưng dân Lâm Ấp đã dựng nước ngay trong lòng thuộc địa Trung Hoa ở cái huyện cuối cùng là huyện Tượng Lâm (chớ không phải quận) thành ra ông ấy phải nghiên cứu vị trí của huyện Tượng Lâm không ăn thua gì đến Tượng Quận cả. Ông R. A. Stein không bao giờ có nói đến Tượng Quận hết.

Giáo sư Trần Kinh Hoà chuyên môn trích sách mà không hề kiểm soát. Đáng lý vì nghe người Nhật nói thế, ông nên tìm tạp chí Hán Học ở Bắc Kinh, kinh đô của ông để mà đọc.

Nhưng đọc không chưa đủ, còn phải phê bình R. A. Stein.

Đây lại cũng cứ là nguỵ tạo. R. A. Stein chỉ nói đến huyện Tượng Lâm, thế mà người ta đảm bảo rằng R. A. Stein nói đến quận Tượng.

Ta trở lại với kẻ phất cờ ban đầu là H. Maspéro, ông này cũng nguỵ tạo sử liệu như ông L. Aurousseau.

Nguyên trong một bức thư mà Triệu Đà gởi cho nhà Hán có câu: “Kỳ đông, Mân Việt thiên nhơn chúng, hiệu xưng vương, Kỳ tây, Âu lạc hoả quốc, diệt xưng vương”.

Ai cũng thấy rõ rằng “Kỳ tây” được viết ra để đối với “Kỳ đông” và những gì sau “Kỳ tây” phải được tách rời ra khỏi “Kỳ tây”. Nhưng ông H. Maspéro lại viết chữ Tây hoa rồi tách ra khỏi chữ Kỳ thứ nhì, và hơn thế lại nhập chữ Tây vào hai chữ Âu Lạc, tân tạo một danh xưng mới là Tây Âu Lạc mà cổ sử Trung Hoa không có ghi chép bao giờ trừ Tư Mã Thiên và Cố Hy Phùng mà ta đã và sẽ thấy hai ông đó viết càn. Tân tạo xong thì ông có thể đồng hoá Tây Âu và Âu Lạc được rồi.

Xin nói rõ hơn, câu chữ Nho đúng là thế này:

Kỳ đông, Mân Việt…
Kỳ tây, Âu Lạc…

Ông H. Maspéro sửa lại câu thứ nhì:

Kỳ, Tây Âu Lạc…

Thế là danh xưng Tây Âu Lạc thành hình một cách quái dị, bởi chữ Kỳ thứ nhì, nằm không một mình như vậy, còn có nghĩa gì nữa hở quý vị nhà Nho? Vậy mà ông cứ kết luận rằng có một nước mới được thành lập tên là Tây Âu Lạc. Và cắt nghĩa rằng đó là Tây Âu + Lạc Việt, để rồi kết luận rằng hễ nhà Tần chiếm lấy Tây Âu thì phải có chiếm Lạc Việt vì sự sáp nhập đã xảy ra rồi với An Dương Vương. Câu chuyện kết luận sai, vì lối đọc chữ Nho sai.

(Có một nhà bác học Nhựt Bổn, nhân đọc đoạn sử đó, nói rằng thuở đó ở cạnh nước ta có một nước tên là Lỏa Quốc. Một ông Tây lầm chữ Nho thì còn cho qua được, chớ một nhà bác học Nhựt Bổn mà như thế thì thật là phi Á Đông).

Danh xưng Tây Âu Lạc là một danh xưng không bao giờ có, thế mà nó được hai nhà trí thức Trung Hoa thời cổ nói đến.

Trong Sử Ký, thiên Nam Việt liệt truyện, Tư Mã Thiên viết: “Triệu Đà xưng hùng tại Nam Hải rồi lấy tài vật đút lót cho các nước Mân Việt và Tây Âu Lạc để làm nước phụ thuộc.

Thấy quá rõ là Tư Mã Thiên đã viết sai. Thật thế, sau khi xưng hùng, Triệu Đà không đủ quân chiếm hết 3 quận của nước Tây Âu, đành phải bằng lòng với quận Nam Hải nhỏ hẹp. Phần Tây Âu còn lại, được chính dân Tây Âu tự động xưng hùng và quản trị. Triệu Đà đã đút lót cho cấp lãnh đạo của cái phần Tây Âu mà lão ta chưa đủ quân để chiếm. Như vậy họ Tư Mã chỉ có quyền đồng hoá cái phần còn lại đó với cả nước Tây Âu mà thôi, chớ không có quyền nói đến một nước Tây Âu Lạc, vì cái nước đó sẽ được chúng tôi chứng minh rao giảng không bao giờ có.

Sự cẩu thả của Tư Mã Thiên, về sau được Cố Hy Phùng phổ biến rộng rãi thêm, thành thử danh xưng không có, lại hoá ra có.

Nhưng là nhà khoa học, H. Maspéro thấy rõ đó là sai lầm. Nhưng ông cũng lại rất cần danh xưng đó, thế nên ông nguỵ tạo sử liệu, để cho nó có vẻ khoa học hơn Tư Mã Thiên và Cố Hy Phùng. Hễ có địa danh Tây Âu Lạc thì nghĩa là Tây Âu đã được nhập lại với Cổ Việt Nam (Âu Lạc), và điều đó rất cần cho các thuyết sai lầm của các ông là Tần có chiếm Cổ Việt Nam, và rất cần cho sử gia Nguyễn Phương là Tần có trồng người ở Cổ Việt Nam.

Hiện tượng Tây Âu sáp nhập với Lạc Việt là một quái thai, nhưng không hiểu sao đa số sử gia Tây, Tàu, Nhật, Việt đều bảo là có.

Quả thật thế, Tây Âu là tên nước, Lạc Việt là tên dân. Nếu quả có sự sáp nhập tưởng tượng đó thì người ta ghép hai tên nước lại:

Tây Âu + Văn Lang

Hoặc Tây Âu + Âu Lạc

chớ không bao giờ lại ghép một tên nước với lại một tên dân.

Mà khi Tây Âu được ghép với Âu Lạc thì nó phải biến hoá ra là Tây Lạc, chớ không bao giờ là Tây Âu Lạc cả vì cái lẽ giản dị là cả hai bên đều phải hy sinh một chữ trùng nhau là chữ Âu, chớ không bên nào được phép giữ nguyên tên mình, bắt bên kia phải chịu lép vế giữ có một chỗ.

Âu Lạc nhứt định không cho phép Tây Âu giữ nguyên Tây Âu, còn mình thì chỉ được góp phần một chữ Lạc, còn Tây Âu cũng nhứt định không cho phép Âu Lạc giữ nguyên Âu Lạc, còn mình thì chỉ được góp phần có một chữ Tây mà thôi.

Sự sáp nhập đó, do người Tàu làm chớ không phải Âu Lạc hoặc Tây Âu làm ư? Đồng ý, nhưng chính người Tàu mới là có thói quen ngàn đời của họ.

Nhưng rõ ràng Tư Mã Thiên đã viết ra cái địa danh đó thì tính sao đây? Rất dễ hiểu. Trọn bộ Sử Ký, Tư Mã Thiên chỉ viết có một lần cái địa danh đó mà thôi, còn thì họ Tư Mã phân biệt hẳn hoi Tây Âu và Âu Lạc.

Đó là một sự bịa càn, chớ các văn kiện chính thức không có địa danh ấy, và vì bịa càn một cách kỳ khôi, nên họ Tư Mã chỉ viết có một lần địa danh ấy mà thôi. Kỳ khôi vì không ai ghép tên nước (Tây Âu) và tên dân (Lạc Việt) để làm một địa danh bao giờ. Có lẽ họ Tư Mã cũng thấy được rằng là vô lý, nhưng không thể bôi, vì sách Tàu được viết trên một tập giấy in sẵn có dòng có khuôn, hễ bôi thì phải bỏ hết cả cuốn, chớ không thể xé bỏ một tờ như bản thảo của ta, mà xé bỏ cả quyển thì quá mất công.

Tuy nhiên, sự ghép chữ có sai nguyên tắc, nhưng nội dung của sự gán ghép của Tư Mã Thiên không phải là không có lý do, và ta sẽ thấy lý do đó lát nữa đây.

Chương này có vẻ như là dư, nhưng thật ra thì không. Then chốt của thuyết Nguyễn Phương là Tần đã trồng người ở Cổ Việt và Hán đã tiếp tục. Rồi lại có di cư ồ ạt, thế nên rồi “man di” Lạc Việt lớp bị tàn sát, lớp bỏ nước mà đi hết, và người Tàu tự xưng là Việt Nam.

Trước khi trưng ra vài trăm trang bằng chứng Việt Nam là một, Lạc Việt cũng thế, và họ cứ còn giữ từ đấy nhưng nay chúng tôi phải bác bỏ tất cả những gì của bất kỳ ai mà có tánh cách xuyên tạc hay cố ý cho rằng ba sự kiện dưới đây đã xảy ra:
  • Tần có chiếm Cổ Việt, có trồng người ở đó.

  • Hán có tiếp tục chánh sách trồng người (vốn không có xảy ra).

  • Có di cư ồ ạt.
Thành thử thoạt trông, người đọc thấy chương II quá dài này như là lạc đề, nhưng quý vị sẽ không còn cảm giác đó nữa, khi rõ được ý định của chúng tôi.

Vậy theo H. Maspéro thì Tây Âu và Âu Lạc là một, và khi Âu Lạc là Bắc Kỳ thì Tây Âu cũng thế và Tần Thỉ Hoàng đã chiếm Tây Âu, tức là chiếm “xứ Bắc Kỳ”.

Nhưng việc tân tạo danh xưng một cách bất chấp thành văn chữ Nho để rồi đồng hoá, không có giá trị khoa học nào hết.

Cả ba thuyết đều đưa đến đẳng thức:

Tây Âu = Bắc Kỳ

Cả ba thuyết trên đều sai. Và Tần Thỉ Hoàng không có chiếm đất và “trồng người” ở Bắc Kỳ gì hết.

Ông L. Aurousseau, sau khi xoay đủ cách để chứng minh rằng: Tây Âu = Bắc Kỳ (nhưng thật ra thì thâm ý của ông là muốn chứng minh một điều mà ai cũng bí là Tượng Quận = Bắc Kỳ. Tượng Quận là một phần của Tây Âu, hễ chứng minh được rằng Tây Âu = Bắc Kỳ, thì Tượng Quận phải đương nhiên được nằm trong Bắc Kỳ). Sau khi làm thế rồi, ông còn thu hẹp Tây Âu lại ở Thượng du Bắc Việt.

Cái Thượng du Bắc Việt này lại còn bị thu hẹp hơn nữa là tả ngạn Nhị Hà chớ không có hữu ngạn.

Theo cả hai ông H. Maspéro và L. Aurousseau thì Lạc Việt là từ Nhị Hà trở xuống phía Nam, ở trên là Tây Âu.

Các ông quên mất rằng chính sử Tàu mà các ông rất tin, thú nhận rằng đạo binh viễn chinh của Tần đã thất điên bát đảo tại Tây Âu. Đạo binh đó đông 500 ngàn người. Thượng du tả ngạn có mấy người?

Hiện nay dân ta 30 triệu, thuở ấy non một triệu tức 30 lần ít hơn. Thượng du tả ngạn hiện nay có lối 1 triệu tám, thì thuở ấy hẳn chỉ có 60 ngàn. Bắt được bao nhiêu lính trong 60 ngàn người? Nhiều lắm là 10 ngàn lính. Mười ngàn chú lính Thái làm thế nào để làm khổ 500 ngàn binh Tần và giết được tổng tư lệnh của họ, theo Lưu An đã ghi chép trong Hoài Nam Tử?

Thật là không có một chút xíu sự thật nào hết.

Vả lại hồi cổ thời, người Thái không hề có mặt ở Thượng du Bắc Việt.

Quả thật thế, cổ vật Đông Sơn đã đào được ở Đồng Văn gần biên giới Việt Quảng Tây, ở Đán Lầu (trên Lào Kay), ở Lạng Sơn, ở Bắc Cạn, ở Tuyên Quang, ở Thái Nguyên, gần đồng tuổi với đồ Đông Sơn, nhưng lại khác loại với đồ đồng của Thái vào thời đó.

Và sử Tàu chép rằng dưới đời Đường, một quan Đô hộ Tàu gốc Nhựt Bổn, phục vụ tại Giao Chỉ, đã chống được cuộc xâm lăng của người Thái vào Thượng du Bắc Việt.

Như thế thì bằng vào sự có mặt ngày nay của người Thái ở Thượng du để bảo rằng nước Tây Âu ăn uống tới tả ngạn Hồng Hà như các ông Tây, ông Tàu đã viết thì thật là không đúng với sử liệu chút nào hết.

Chỉ có cuộc xâm lăng vào thế kỷ XIII là người Thái thành công, vì vua chúa ta bận việc nội bộ, đành phải chịu vậy, nhưng rồi vẫn khắc phục họ được, xem họ là thần dân và họ nhìn nhận chủ quyền của ta dưới sự cai trị của các quan thổ ti người Việt.

Tóm lại, có quá nhiều huyền thoại Tây, Tàu về Tượng Quận, Tây Âu và Âu Lạc, đó là chưa kể huyền thoại Nguyễn Siêu mà chúng tôi không nói tới nhiều vì huyền thoại này không được các sử gia chép theo.

Trong Phương Đình Dư địa chí (trang 168) Nguyễn Siêu cho rằng Tượng Quận là nước Phù Nam ở mũi Cà Mau!!!

Nguyễn Siêu nổi danh là một nhà nho đọc sách Tàu nhiều nhứt nước, nhưng ông không biết những quyển sách mà Lão Cán đã đọc để truy nguyên Tượng Quận. Nhưng ta không nên trách Nguyễn Siêu, vì giáo sư Trần Kinh Hoà, đáng lý phải biết rộng hơn Nguyễn Siêu, thế mà cũng chẳng biết Tây Âu và Tượng Quận ở đâu.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.