trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
8.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
E. Ngôn ngữ tỷ hiệu

Khoa học chê khoa ngôn ngữ tỷ hiệu, chỉ bố thí cho nó địa vị thứ ba trong các cuộc chứng minh thôi.

Chúng tôi nhượng bộ khoa học cho khỏi phải tranh luận lôi thôi, chớ riêng về trường hợp Việt Nam thì ngôn ngữ tỷ hiệu phải được thủ vai hạng nhì, ngang hàng với việc đo sọ.

Vâng, đúng là phải như vậy. Từ hai ngàn năm nay, thử hỏi dân tộc ta có tiếp xúc với dân tộc Mã Lai hơn một ngày hay không, trước khi ta di cư vào Nam hồi giữa thế kỷ XVII?

Nhưng ta lại đã dùng ngôn ngữ Mã Lai hàng năm trước cái lần tiếp xúc vào thế kỷ XVII ở Nam Việt ấy, mà là dùng tại Bắc Việt kia, thì phải chăng khi hai ngôn ngữ giống nhau là đồng gốc tổ chớ không hề là vay mượn.

Vay mượn hồi nào, và ở tại thành phố nào ở Bắc Việt kia chớ, từ hai ngàn năm nay? Tuyệt đối không có tiếp xúc và ảnh hưởng nào hết.

Vài ông Tây cho thấy rằng trong Việt ngữ có một số danh từ Mã Lai. Họ chỉ nhận xét thế thôi nhưng không kết luận.

Nhưng giáo sư ngữ học Nguyễn Đình Hòa thì kết luận rằng đó là một sự vay mượn, và vài sử gia phụ họa theo cho rằng sự vay mượn đó là dĩ nhiên.

Chúng tôi không thấy tánh cách dĩ nhiên ấy ở chỗ nào cả và không hiểu nổi tại sao lại có sự vay mượn đó, nhứt là khi chúng tôi tìm ra được đến 6, 7 ngàn danh từ Việt giống danh từ Mã Lai thì chúng tôi phải kêu trời, tự hỏi tại sao ta vay mượn nhiều đến thế của một dân tộc không hề có địa bàn gần với ta, mà cũng không hề có tiếp xúc với ta hồi cổ thời, chỉ trừ cuộc tiếp xúc tại Nam Kỳ hồi giữa thế kỷ XVII, mà danh từ Việt giống Mã Lai lại có từ thuở dân ta… mới biết nói tiếng người.

Sử ta có chép chuyện Mã Lai liên kết với Chàm, đến đánh Thăng Long, nhưng bị ta rượt chạy không kịp đổ bộ, thì thử hỏi sự vay mượn “DĨ NHIÊN” ấy xảy ra hồi nàoở đâu?

Chỉ còn có một cách trả lời là nó xảy ra hồi thượng cổ, lúc hai dân tộc còn là một, tức là ta với họ đồng chủng với nhau và có địa bàn chung vào thời thượng cổ.

Mà không phải chỉ có ta với họ, vì Môn, Miến Điện, Khơ Me, Thái đều đồng chủng Mã Lai với nhau cả, thế nên mới có sự giống nhau nó gạt gẫm, các ông Tây họ cho là ta vay mượn lung tung, không có lấy một danh từ nào là của ta hết, vì xem đi xem lại (trong quyển tự vị đối chiếu 10 ngàn danh từ mà chúng tôi đang soạn) thì ta không giống Chàm cũng giống Khơ Me, không giống Khơ Me cũng giống Thái, không giống Thái thì giống người Thượng Cao nguyên, tóm lại, nếu chủ trương là ta vay mượn thì không còn Việt ngữ nữa, bằng chứng chắc một trăm phần trăm là không có danh từ Việt nào mà không giống danh từ của nhóm dân nào đó.

Hai thí dụ điển hình nhứt là con Yểng, con vật nhỏ mọn không đáng kể, vậy mà Đàng Trong gọi là con Nhồng, người Bà Na trên Cao nguyên gọi là con Jồng, và con Mạt (rận gà) thì người Bà Na gọi là con Mạc. Mà đừng tưởng là họ học với ta đâu nhé. Họ đã có hai danh từ đó trước khi ta để chân lên Cao nguyên, mà ta cũng có rồi trước khi họ thấy mặt ta lần đầu trong lịch sử của họ.

Nhưng khi học về nguồn gốc của Mã Lai chủng xong rồi thì những tiếng vay mượn nhiên không còn đứng vững được nữa, và thắc mắc của những người biết suy nghĩ đã được giải đáp: một dân tộc cường sinh nhứt Đông Nam Á mà lại không có ngôn ngữ, đi lượm danh từ của cả người Thượng để mà dùng, là chuyện không có được, mà tại sao có sự giống nhau đó thì đã rõ.

Chương này chắc chắn là chương quan trọng nhất của quyển sách này, không phải đối với các nhà khoa học, mà quan trọng vì sẽ được dân chúng nhìn nhận dễ dàng nguồn gốc của mình, bởi nếu những cái sọ khó hiểu, thì ngôn ngữ là cái gì thấy được tức khắc, bất cứ với trình độ văn hóa nào.

Trước khi kết quả của công việc khảo tiền sử được ông G. Cocdès đưa ra ánh sáng, trên thế giới không hề có ai biết có Mã Lai đợt I hết. Họ chỉ biết có một thứ Mã Lai mà thôi vì nhóm người đó, đông hàng trăm triệu hiện đang sống tại các đảo Mã Lai và tự xưng là Mã Lai đợt I. Nhưng đó chỉ là Mã Lai đợt II. Đây là dịp mà ta biết Mã Lai đợt I, biết nhiều hơn ông G. Cocdès nữa, vì ông ấy không có kiểm soát như chúng ta.

Làm thế nào để biết được? Rất là giản dị. Cứ dựa theo khoa khảo tiền sử thì đại khái Nam Dương và Đa Đảo (trừ Célèbes) với lại Phi Luật Tân, là Mã Lai đợt II, Môn, Khơ Me, Miến Điện, Thái, Việt Nam, Célèbes là Mã Lai đợt I.

Đại khái thì là như vậy, nhưng đi sâu vào chi tiết hơn, sau khi đối chiếu xong hiệp đầu, ta thấy tiền sử học có sai. Ở ba quốc gia Việt Nam, Chiêm Thành và Nhựt Bổn có cả hai thứ Lạc Trãi và Mã. Riêng ở Việt Nam thì lại có đến ba thứ: Trãi, Chuy và Mã.

Có một thứ Lạc bộ Chuy mà không ai chú ý đến, cứ cho rằng Nam Việt Chí viết sai chánh tả.

Đối chiếu xong hiệp đầu, chúng tôi mới thấy rằng sử Tàu quá giỏi. Tiền sử học chỉ biết tổng quát có Mã Lai đợt I mà không dè rằng trong bọn đợt I Lạc ở Tây Hoa Bắc bộ Chuy ngôn ngữ khác hơn Lạc ở Đông Hoa Bắc bộ Trãi một chút xíu.

Đối chiếu xong hiệp đầu, với hàng vạn danh từ, chúng tôi chợt thấy rằng trong Việt ngữ có những danh từ không giống Mã Lai Nam Dương, cũng không giống Thái, Môn, Khơ Me, Miến Điện. Thế là chúng tôi nhờ đến Lạc bộ Chuy mà Tàu thường gọi là Khuyển Nhung hơn, và đó là tổ tiên của Môn, Miến Điện, Khơ Me.

Vậy những danh từ không giống ai hết hẳn là của Lạc bộ Trãi. Đó là cái biết do sự đối chiếu hiệp đầu để lộ ra. Và đó là cái biết căn bản, nó giúp ta rõ được ở quốc gia nào có bao nhiêu thứ Lạc, và có với tỷ lệ nào, vì ở địa bàn nào họ cũng chỉ tìm được có vài mươi cái sọ.

Chúng tôi nhận thấy hai điều rất quan trọng:
  1. Cả hai thứ Mã Lai đều có một số vốn chung về ngôn ngữ, kẻ này nói kẻ kia hiểu được, như hai danh từ Lá và Non đã cho thấy.

  2. Sử Tàu rất đúng khi họ ghi chép về ngôn ngữ của dân nước Sở. Dân nước Sở nói tiếng Mã Lai Nam Dương, vì đó là Lạc Hoa Nam, đợt II, bộ Mã (xin nhắc lại câu chuyện Nậu Ô Đồ).
Và chúng ta có thể viết lại thật đúng lịch sử của nước Chiêm Thành mà cho tới ngày nay các sử gia Pháp và Hoa viết sai cả về đoạn đầu, đoạn song đôi với Hùng Vương.

Về thượng cổ sử của Phù Nam và Cao Miên, ta cũng viết đúng được y như thượng cổ sử Chiêm Thành, mà cũng chỉ nhờ ngôn ngữ đối chiếu.

Hơn thế, ta lại biết được rằng có một quốc gia Việt Nam thứ nhì đã bị nước Cao Miên tiêu diệt cách đây trên 2.000 năm và thứ dân đó hiện còn sống, nói tiếng Việt lối cổ, và cái tiếng Việt lối cổ ấy ra sao.

Nhưng hữu ích hơn hết là ta sẽ biết rõ thời đại của vua Hùng Vương mà cho tới nay chưa ai biết cả, trừ một câu sử ngắn và thiếu sót của quyển Giao Châu ngoại vực ký. Việt sử trung điệp, giai đoạn Đông Sơn, cũng được ta biết rõ hơn, những gì mà hàng chục nhà bác học Âu Mỹ đã đưa ra ánh sáng từ 1924 đến 1954.

Mà cũng cứ nhờ ngôn ngữ tỷ hiệu.

Như trong toàn thể quyển sách, chương này cũng chia ra làm hai phần, phần thứ nhứt bác bỏ chủ trương Việt ngữ là Hoa ngữ của giáo sư đại học Nguyễn Phương, phần thứ nhì chứng minh Việt ngữ là Mã Lai ngữ.

Giáo sư Nguyễn Phương khẳng định mà không đưa bằng chứng rằng Việt ngữ là Hoa ngữ. Tưởng như thế, ta chỉ nói một tiếng “Không” là đủ rồi.

Nhưng một vị giáo sư khác, không hề cho ta là người Tàu, lại có chứng minh rằng tiếng ta là tiếng Tàu. Đó là giáo sư Lê Ngọc Trụ.

Vậy chúng tôi cần bác bỏ hơi dài, vì giáo sư họ Nguyễn được giáo sư họ Lê ủng hộ một cách vô tình và gián tiếp.

Trong V.N.T.K.S. trang 230 sử gia Nguyễn Phương viết: “Hầu như có thể nói được rằng tiếng Việt Nam ngày nay, sau 10 thế kỷ độc lập, vẫn còn là chính tiếng Tàu, nhưng đọc lên một cách hơi khác với cách đọc của những tiếng địa phương ở Trung Quốc. Cố nhiên, trong Việt ngữ, đôi khi có xen vào một đôi số những tiếng không phải gốc Tàu, như tiếng Mọi, tiếng Chàm, nhưng hiện tượng đó không thể nói lên gì khác, ngoài sự người Việt Nam trên đường bành trướng, đã có gặp người Mọi, người Chàm, cũng một cách như họ đã gặp người Pháp trong thế kỷ vừa qua và họ đã thâu nhận một số tiếng Pháp vào trong kho ngôn ngữ của họ”.

Tiếng Việt do tiếng Tàu mà ra, là chủ trương của một số học giả từ lâu rồi, chớ không riêng gì của sử gia Nguyễn Phương mới nói như vậy. Nhưng đây là lần đầu tiên mà một giáo sư đại học công khai nhấn mạnh về chủ trương ấy và dùng chủ trương đó để làm một trong nhiều chứng minh quan trọng cho giả thuyết rằng người Việt Nam là người Trung Hoa thuần chủng di cư sang đây vào thời Bắc thuộc, còn dân Lạc Việt thì đã “đi ra khỏi lịch sử rồi” nên ta không còn thờ ơ được với quan niệm trên nữa, mà phải cấp tốc đặt thành vấn đề ngay, với một cuộc kiểm soát cẩn thận.

Ngữ vựng của dân tộc nào cũng vay mượn lung tung, Tuy nhiên, các cuộc vay mượn còn để dấu thời gian lại. Xin giải thích rõ. Khi người Tàu đến đánh ta để trực trị ta, không lẽ hai bà Trưng và đồng bào của hai bà lại không có một danh từ để chỉ bàn tay hay sao?

Nếu phải vay mượn của Tàu thì ta chỉ vay mượn những tiếng chỉ những ý niệm phức tạp, những dụng cụ và vật dụng lạ, chớ không thế nào ta lại vay mượn một danh từ để chỉ Nước là chất mà ta uống hằng ngày và ta đã phải có tiếng gọi hàng ngàn năm rồi.

Đó chỉ là mới nói chuyện vay mượn của Tàu không mà thôi, mà nhiều người cũng lạm dụng sự kiện có vay mượn đó, để mà nói quá lố ra, biến tiếng nào của ta cũng thành của Tàu cả, như trường hợp giáo sư Lê Ngọc Trụ mà chúng tôi sẽ xét thật kỹ ở chương này.

Chí như nói ta là Tàu thuần chủng vay mượn của Mọi thì lại càng vô lý hơn. Người Tàu đã rất văn minh dưới ba trào đại Chu, Tần, Hán, họ lại có tự tôn mặc cảm quá nhiều, không như các dân tộc văn minh khác. Như vậy nếu có chuyện người Tàu ly khai với chính quốc của họ để tự xưng là Việt Nam thì họ chỉ ly khai về chánh trị mà thôi chớ không bao giờ ly khai về ngôn ngữ, mặc dầu họ có sống với “Mọi” đi nữa như sử gia họ Nguyễn đã nói.

Họ xem cái gì của họ cũng hơn của man di cả, nhứt là ngôn ngữ, vì cái lẽ dễ hiểu rằng họ đã có văn tự còn các thứ man di thì không. Thế thì tại sao, khi tự xưng là Việt, họ lại mượn những danh từ , Trăng, Ngựa, Chòi, Túp, Cơm, Trâu, , Bóng, Chim, Vua của “Mọi” trong khi họ đã có những danh từ đó rồi, và thấy là hay hơn danh từ của Mọi?

Nhưng chắc sử gia đã đổi quan niệm, sau khi xem qua vài thí dụ về danh từ Lá và Non ở đầu sách này. Nếu sử gia lại còn chưa đổi ý thì xin cứ xem hết chương này thì rõ.

Sử gia Nguyễn Phương nói rất đúng rằng trên đường Nam Tiến ta, tức là theo sử gia thì là người Tàu đấy, có mượn tiếng “Mọi”, nhưng không nên kể đến.

Vâng, nhưng người Tàu tự xưng là Việt mượn tiếng Mọi để chỉ những vật lạ như Cây Dừa mà bên Tàu không có chẳng hạn, chớ sao lại bỏ danh từ Xùi của đại quốc Trung Hoa, rồi mượn danh từ Nước làm gì?

Không có lý nào mà như vậy hết.

Biết trình độ văn hóa của ta dưới thời Mã Viện thì có thể dựng lên được một ngữ vựng Việt vào thời ấy. Chắc ta chưa biết lịch, thì danh từ lịch mới có thể là gốc Trung Hoa, chớ ta đã có biết cái Bàn tay rồi thì danh từ Bàn tay hẳn phải là của ai đó, tức của tổ tiên ta, chớ không thể nào mà là Trung Hoa, cũng không thể nào mà Trung Hoa bỏ danh từ Chưởng của họ để mượn danh từ Bàn tay của “Mọi”.

Chúng ta đã thấy có trường hợp một chủng tộc mất ngôn ngữ của mình và dùng ngôn ngữ của nước khác, nhưng luôn luôn kẻ yếu mất và kẻ cho vay là kẻ mạnh.

Người Tàu di cư, nếu có, là kẻ mạnh, là dân văn minh, thì khi họ ly khai với chính quốc của họ tại Giao Chỉ, theo quan niệm của sử gia Nguyễn Phương, không thế nào mà họ để mất ngôn ngữ của họ, đi mượn ngôn ngữ “man di”, mượn những danh từ thông thường mà họ đã có rồi như ăn, uống, ngủ, v.v.

Vậy khi ngôn ngữ căn bản của ta không phải là ngôn ngữ Tàu thì chắc chắn rằng là ta không phải là người Tàu.

Nhưng trước khi bác bỏ và chứng minh, chúng tôi thấy là cần xóa vài ngộ nhận của trí thức ở các ngành khác mà không có theo dõi khoa ngữ học.

Theo quý vị đó thì văn phạm mới là việc chính của một ngôn ngữ, còn danh từ có thể vay mượn qua lại.

Theo quan niệm sai lầm ấy thì không thể bác bỏ hoặc chứng minh bảo vệ những biểu đối chiếu danh từ.

Thật ra đó là quan niệm đúng… của đời xưa, mà nó chỉ mới được thấy là sai về sau này thôi. Và trí thức của các môn khác mà không theo dõi ngữ học, đã sai vì đã dừng chơn lại ở cái biết đời xưa vừa được phổ biến ngày nay ở xứ ta, còn cái biết ngày nay thì chỉ có các nhà chuyên môn mới biết?

Để truy nguyên một dân tộc, sau vấn đề chủng tộc học và khảo tiền sử, vấn đề quan trọng vào hàng thứ ba là ngôn ngữ học. Trong công trình nghiên cứu về chủng tộc Mèo (B.E.F.E.O. 1968), ông G. Moréchand viết đại khái: “Sau chỉ số nọ, ngôn ngữ là dấu vết lâu đời nhứt mà một chủng tộc có thể giữ được qua nhiều ngàn năm chung đụng với các chủng tộc khác. Y phục, phong tục, tôn giáo có thể chịu ảnh hưởng ngoại lai dễ dàng, nhưng ngôn ngữ thì không”.

Nhưng chính chúng tôi lại đã nói, ngôn ngữ chỉ là chứng tích có giá trị hạng ba, vì ngôn ngữ là văn hóa, có thể vay mượn lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Và trong ngôn ngữ, bất kỳ cái gì cũng biến được hết chớ tuyệt đối không phải văn phạm bất biến còn danh từ thì biến.

Người Đức và người Anh đều thuộc nhóm Nhựt Nhĩ Mạn của chủng Ba Tư Ấn Âu (race Iranienne Indo-Européenne, groupe Germanique). Thế mà người Anh theo văn phạm Nhựt Nhĩ Mạn, còn người Đức thì lại theo văn phạm La Tinh. Trong khi đó thì danh từ Nhựt Nhĩ Mạn của hai dân tộc đó lại cứ giống nhau.

Thế thì cái gì bị biến nhiều hơn? Văn phạm hay danh từ?

Vì biết cái lẽ đó nên khi tìm nguồn gốc các dân tộc da trắng bằng chứng tích ngôn ngữ, chính phương pháp đối chiếu danh từ được áp dụng, chớ không phải căn cứ vào liên hệ văn phạm.

Người Âu Châu đã thành công, vì khi họ dùng phương pháp đối chiếu danh từ, nó cho họ một kết quả ăn khớp với khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học, còn phương pháp đối chiếu văn phạm thì không.

Thế nên chúng tôi dùng phương pháp đối chiếu danh từ.

Thí dụ: Tiếng BÀN TAY

Pháp: Main Nga: Ruka Anh: Hand
Ý: Mano Balan: Reka Đức: Hand

Thoạt trông cứ tưởng Pháp, Nga, Anh khác ngôn ngữ nhau. Nhưng không. Qua một biểu đối chiếu khác, ta lại thấy rằng họ đồng tông Ba Tư, Ấn Âu.

Thí dụ về danh từ MẸ:

Pháp: Mère Nga: Mat Anh: Mother

Một chủng là cái gì rất là lớn lao, họ chia ra nhiều chi, rồi mỗi chi chia thành nhiều tiểu chi, các tiểu chi đều có một số danh từ khác nhau, nhưng đồng thời cũng có một số danh từ giống gốc mẹ thuở cổ sơ. Người ta dùng phương pháp đó để truy nguyên chủng tộc, căn cứ vào cái gốc mẹ ban đầu ấy.

Nói thế chỉ để nói ra một sự thật kỳ dị mà cho đến trí thức cũng không biết, họ đinh ninh rằng văn phạm, âm thanh là cái gì bất di bất dịch, còn danh từ thì vay mượn qua lại lung tung. Chỉ nói ra cho rõ trắng đen thôi, chớ chúng tôi đã xét ngôn ngữ dưới đủ cả mọi khía cạnh: văn phạm, cú pháp, ngữ vị, âm, thanh và danh từ.

Nhưng chúng tôi đưa ra kết quả của phương pháp đối chiếu danh từ vì chúng tôi thấy những thứ khác sai hết. Thí dụ về phương diện nhân-thể-tính (caractères anthropologiques) là phương diện quyết định hơn cả thì người Lô Lô đích thị là người Thái. Thế mà họ nói “Ông ăn cơm”, khi người Thái nói “Ộng ăn cơm”.

Đó là về ngữ vị (word order). Các thứ khác cũng biến bậy bạ như thế. Chúng tôi đã khám phá ra rằng tiếng Cổ Việt đa âm, y hệt như Mã Lai ngữ và Nhựt Bổn ngữ ngày nay. Quý vị nói sao về vấn đề này? Nó đa âm và nó chỉ có 4 thanh. Cái đó mới là phiền, trong khi ngày nay ta có tới 8 thanh và độc âm.

Tóm lại, chỉ có việc đối chiếu danh từ là dùng được, và danh từ, kỳ dị thay, mới là tồn tại lâu dài.

Thế nên khi sử gia Nguyễn Phương cho rằng “Tiếng Việt chính là tiếng Tàu” để chứng minh rằng Việt là Tàu, khi giáo sư Kim Định bảo rằng yếu tố Việt là yếu tố căn bản trong Hoa chủng, chúng tôi không đưa ra sự khác biệt quá rõ ràng giữa văn phạm Tàu và văn phạm Việt để bác bỏ chủ trương của hai ông như bao nhiêu học giả khác đã làm, mà chỉ bác bỏ bằng việc đối chiếu danh từ mà thôi.

Nhưng trước khi trình ra trên hai trăm bản đối chiếu, chúng tôi nói dài thêm về ngộ nhận của trí thức ta là danh từ không phải căn bản. Chúng tôi đi sâu vào các thứ biến để cho thấy rằng chỉ có phương pháp đối chiếu danh từ là dùng được, còn văn phạm, ngữ pháp, ngữ vị, thanh, âm đều không dùng để đối chiếu mà có thể biết sự thật như ai cũng tưởng.

Chúng tôi đã trình ra thí dụ về văn phạm nước Đức và văn phạm Lô Lô, nó gạt gẫm ta chớ không chứng minh cái gì hết.

Giờ xin bước sang vấn đề độc âm và đa âm.

Chúng tôi nói rằng chúng tôi đã khám phá ra tiếng Việt cổ thời đa âm, thì tưởng chỉ cần đưa ra một mớ danh từ cổ thời ấy là đủ rồi, không phải nói dông dài làm gì. Nhưng vẫn phải nói dông dài, bởi cái gì cũng cần được đưa ra cả hết.

Lối sắp loại của các ông Tây cho rằng tiếng Thái, tiếng Chàm và tiếng Mã Lai có hai Xy láp còn tiếng ta chỉ có một, không đúng. Những tiếng mà ta ngỡ là hai Xy láp của Mã Lai, cái tử âm đầu của họ, họ chỉ nói gió mà thôi. Thí dụ danh từ của ta, tiếng Mã Lai được ghi là Halaa, nhưng thật ra là họ đọc H’laa, không thể gọi là hai Xy láp được.

Nhưng nếu cứ muốn nói chuyện hai Xy láp thì ta vẫn có hai Xy láp. Những tiếng nhị trùng âm của ta đều có thể coi như là gồm hai Xy láp, theo lối Halaa. Thí dụ Chuyên.

Nhưng ngay trong những tiếng chỉ gồm có một Xy láp, cũng là hai Xy láp. Ai không tin cứ nghe tài tử Anh Tuấn nói trong Tivi thì phải tin ngay. Tài tử ấy là người gốc miền Bắc, và đa số người gốc miền Bắc nói như vậy, nhưng ông đó nói rõ hơn ai hết. Thí dụ Lạ Kỳ, ông ấy nói La Ạ Kỳ.

Và ông ấy là người Việt Nam độc nhứt nói đúng tiếng Việt gốc, vì hiện nay người Mã Lai Nam Dương nói là Lu Ạ, tức nói với hai Xy láp chớ không phải với một Xy láp.

Đành rằng ta đã biến âm U thành âm A và nhập hai âm A lại, nhưng thuở mới biến, hẳn ta chưa nhập và ta còn nói là La Ạ, y hệt như ông Anh Tuấn ngày nay đã phát âm.

Nhưng tiếng Thái có hai Xy láp hay không như các ông Tây đã nói mò? Không. Đồng họ nói là Tong luang, các ông Tây viết dính rồi cho là có hai xy láp, nhưng thật ra đó là hai từ: ĐồngLuang. Tiếng Thái Luang hoặc Longmàu vàng, Tong luangĐồng màu vàng, chớ không có hai Xy láp gì hết.

Các ông Tây viết dính lại hết rồi muốn nói ra sao thì nói. Các ông viết Luangprabang, nhưng thật ra đó là ba từ:

Luang: Vương quốc
Pra: Thần
Bang: Tên của vị Thần.

Luangprabang là Vương quốc của thần Bang, làm gì mà có ba Xy láp được?

Ở biên giới Lào - Việt, gần đèo Mụ Già, có một làng tên là Tân Ấp. Các ông gọi là Letanap. Tiếng Lào đó đa âm hay không? Cũng như Lê Văn Duyệt được gọi là Lê Tả Quân, các ông ấy viết là Letacun thì còn biết ta đa âm hay độc âm?

Bên Lào có một nơi tên là Thakhek.

Tha = Bến
Khek = Kẻ lạ

Các ông viết Thakkek rồi nói là tiếng Lào Thái có hai Xy láp. Chẳng những thế, các ông làm cho người khác lầm nghĩa nữa, vì Thaknek có thể đọc là Thak Hek.

Thak = Thu nhỏ lại
Hek = Cây sầu đông

Bến của kẻ lạ mặt trở thành Cây sầu đông bị thu nhỏ thì là chuyện động trời.

Ở Trung Việt có một mũi đất mà các ông ghi bằng tiếng Chàm, tức tiếng Mã Lai đợt II. Đó là Cap Batangan. Nhưng chính người Chàm cũng chẳng biết đó là gì, bởi nó gồm ba từ chớ không phải một từ mà ba Xy láp thì người Chàm còn làm sao mà hiểu được!

Vấn đề đa âmđơn âm cũng không có gì là rõ rệt.

Có trường hợp ngôn ngữ đơn âm biến thành ngôn ngữ đa âm. Trường hợp này rất thường xảy ra, và nếu ta muốn, tiếng Việt đã là tiếng đa âm từ lâu rồi. Đó là trường hợp một dân tộc kém văn minh được một dân tộc văn minh khai hóa, ráp nối một tiếng của họ và một tiếng của dân tộc văn minh đó mà họ dùng làm ngữ căn. Trong vòng 10 năm nay, ta thấy xuất hiện trên báo chí những tiếng như lành-mạnh-hóa chẳng hạn mà có người nói là từ ngữ, có người cho là động từ ghép, chỉ vì có hai gạch nối liền, chớ bỏ hai gạch đó, viết dính nó lại thì đó là một tiếng đa âm chớ không có gì lạ.

Dân Việt dùng Hoa làm ngữ căn thì dân Mã Lai dùng Ấn làm ngữ căn, chỉ có khác là tiếng Mã Lai bị ảnh hưởng đa âm của Ấn nên người Mã Lai đọc rất nhanh, người Âu châu phiên âm các Xy láp Mã Lai cho dính lại thì nó có vẻ đa âm hơn tiếng lành-mạnh-hóa của ta, chỉ có thế thôi.

Chúng tôi học tiếng Mã Lai trong mấy quyển tự điển Pháp - Hòa, Hòa - Mã, chúng tôi thấy danh từ Angin. Tự nhiên chúng tôi đọc hơi giống Engine của tiếng Anh.

Nhưng một vị trí thức Chàm đã dạy chúng tôi đọc cho đúng. Nó hoàn toàn không phải như vậy mà là A Ngin, hai từ rời ra xa nhau và Ngin đọc y như Nghin của Việt Nam.

Người Mã Lai quả hiện nay họ đa âm, nhưng đó là ảnh hưởng Ấn Độ, chớ vào cổ thời họ cũng là chủng có nhị âm, và nhị âm y hệt như Việt Nam cổ thời.

Họ nối kết rất là kỳ dị, không còn gì là Ấn Độ nữa, mà cũng chẳng còn gì là Mã Lai nữa hết.

Thí dụ:

Măm: Kẻ
Panaa: Bắn
P’na: Ná

Họ nhập hai chữ P lại cho đứng đầu, rồi cho Măm vào giữa và nuốt mất một M, rồi lại cho Anaa + Na đi sau. Nó hóa ra là Pamanaa. Như vậy là:

Ná kẻ bắn hoặc Bắn kẻ ná

P có thể thay cho Panaa và P’na.

Họ nuốt mất M, và trong Panaa và P’na có tới bốn chữ A, nhưng rốt cuộc chỉ còn có ba chữ.

Đó là một sự cấu tạo kỳ dị quá sức tưởng tượng, không có ngôn ngữ nước nào mà chuyển hóa lạ lùng như vậy bao giờ.

Tiếng Phạn dài bao nhiêu họ cũng không nuốt. Dưới đây là một danh từ mà Ban điển chế ngôn ngữ của ông Nê Rư đã tân tạo để chỉ cái nhà ga:

Angirahyantraviramsthan

Cả thế giới, và cả người Ấn Độ đều phì cười. Nhưng họ nhứt định để cho nó dài, không nuốt một tiếng, một Xy láp nào hết.

Khi ông Mã Lai tự đa âm hóa theo kẻ khai hóa của ông thì ông đảo lộn điên đầu, không còn biết đâu là đâu nữa. Nhưng đó là những tiếng mới, chớ những danh từ căn bản của dân tộc Mã Lai cứ chỉ có một và hai Xy láp, không bao giờ trên hai cả, mà danh từ Cổ Việt thì cũng thế, như ta sẽ thấy.

Lại có trường hợp ngộ nhận là đa âm, nhưng thật ra chỉ là đơn âm. Thí dụ ngôn ngữ Nhựt Bổn. Ai cũng cho đó là tiếng đa âm. (Và Nhựt cũng gốc Mã Lai). Nhưng thử hỏi có quả nó đa âm hay không? Chúng tôi xin lấy tên một đảo của họ làm thí dụ. Đó là đảo Shikoku, và đó là do người Âu châu phiên âm, chớ phiên âm thật đúng thì chỉ có Việt ngữ mới phiên âm được. Ta phải phiên âm là Shikôku mới không phản giọng đọc của người Nhựt. Mà Shikôkư là gì? Chỉ là: Shi = Từ. Đó là tiếng Tàu. Và Quốc = Cuốc . Đó cũng là tiếng Tàu nhưng đọc theo Nhựt, họ ưa thêm ở sau nhiều tiếng lắm. Hồi họ chiếm đóng xứ ta, Thakhek, họ đọc là Takê-Kư.

Như vậy có gì là đa âm? Ta cũng có thể viết Tứ Quốc và cho là tiếng ta đa âm được chứ?

Lại thí dụ: Bonsai. Bon sai chỉ là Bồn Tài của Tàu, mà Bồn TàiCây Cảnh, chớ không có đa âm gì hết. Tại Tây viết dính lại và nghe Nhựt đọc nhanh rồi cho rằng tiếng Nhựt đa âm.

Lại thí dụ: Nihonbunka

Ni = Nhựt
Hon = Bổn
Bun = Văn
Ka = Hóa

Đa âm ở chỗ nào? Cũng chỉ cứ là là tiếng Tàu đọc quá nhanh.

Quả họ cũng có những tiếng nhị âm, nhị chớ không đa âm, thí dụ Yama là núi, Sima là đảo.

Nhưng sự thật một trăm phần trăm là tiếng Mã Lai cổ sơ chỉ có nhị âm chớ không có đa âm, tiếng Nhựt cũng thế. Tại Tây có tật viết dính làm ta ngộ nhận, mà chính họ cũng ngộ nhận.

Chịu ảnh hưởng Pali và Sanscrit rồi thì Mã Lai ngữ mới đa âm.

Còn tánh cách nhị âm của Mã Lai Việt bị ảnh hưởng Trung Hoa làm cho nó thành độc âm mà không ai ngờ.

Và chúng tôi tìm được một dân tộc đang sống tại biên giới Lào - Việt, họ tự xưng là dân Lạc và họ nói tiếng Việt nhị âm. Đó là một khám phá vô cùng quan trọng đối với việc tìm nguồn dân tộc bằng ngôn ngữ.

Nên nhớ, họ tự xưng là Lạc, và đó là một chi tiết đáng được ta chú ý vì vào đời Hán sách Tàu cũng gọi ta là Lạc, và ngôn ngữ của họ, tuy cổ sơ, nhưng họ nói, ta còn nghe hiểu được họ muốn nói gì, tức họ nói tiếng Việt.

Văn phạm của họ cũng cho thấy rằng không như văn phạm Việt ngày nay, và cho đến cả văn phạm Mường, ít cổ sơ hơn, cũng hơi khác văn phạm ta ngày nay chút ít. Thế thì văn phạm của ta cũng có biến mà không ai hay biết.

Thứ dân Việt tự xưng là Lạc nói trên chỉ có ba thanh, như Mã Lai. Âm, thanh, văn phạm đều bị tiêu tùng hết, sau cuộc khám phá này và sau không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu ngữ học ở các nước khác.

Nhưng danh từ thì cứ còn, gần như xưa sao nay vậy. Ta đã ngộ nhận nhiều từ về ngôn ngữ, cho rằng cái vĩnh cửu là phù du, và ngỡ cái phù du là chuyện muôn năm trường tồn.

Lại có trường hợp một ngôn ngữ không có thanh, biến thành ngôn ngữ có thanh, và ngược lại. Ngay trong Hoa ngữ mà miền Bắc thì chỉ có hai thanh còn miền Nam thì có bảy thanh thì đủ biết các ngôn ngữ khác cũng biến như vậy được như thường. Sự kiện này giải thích được do đâu tiếng Mã Lai chỉ có ba thanh, còn tiếng Việt thì có tới tám thanh.

Cho đến cả ngữ vị, văn phạm, cũng biến được chớ đừng nói là Xy láp và thanh. Và nó chỉ biến không đầy hai trăm năm nay.

Chúng tôi xin đơn cử một câu thơ của Nguyễn Du:

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thường thì thiên hạ đọc câu thơ đó, theo cú đậu (césure) sau đây:

Cành lê trắng / điểm một vài bông hoa.

Cú đậu ấy sai.

Cành lê không bao giờ mang màu sắc trắng, mà là màu xám vàng.

Nếu vì cành ấy mang hoa mà ta thấy nó trắng thì Nguyễn Du đã không phải thêm “Điểm hoa” vào đó nữa.

Có ai nói “Má hồng của cô ấy được tô hồng” hay không? Cái ý “hồng” đó, người ta chỉ được phép nói đến một lần mà thôi. Dùng động từ “điểm hoa” tức là nói lại cái ý trắng lần thứ nhì rồi vậy.

Nguyễn Du không kém cỏi đến phải diễn ý niệm trắng hai lần trong một câu ngắn, bằng tĩnh từ trắng và bằng thành ngữ điểm hoa.

Nguyễn Du cũng không kém cỏi đến phải dùng cú đậu sai. Cú đậu của lục bát luôn luôn nằm sau hai tiếng, cho nó nằm sau ba tiếng là kém rồi, mà Nguyễn Du thì không có kém.

Thí dụ:

Trăm năm / trong cõi / người ta

Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau.

Sè sè / nắm đất / bên đàng

Rầu rầu / ngọn cỏ / nửa vàng / nửa xanh.

Sau khi nhận rằng Nguyễn Du không kém cỏi, ta chỉ có thể hiểu rằng câu trên kia phải như thế này:

Cành lê / trắng điểm / một vài / bông hoa.

Mà như thế thì Trắng không còn là tĩnh từ nữa mà là trạng từ. Và muốn hiểu câu đó, dịch ra tiếng Pháp là hiểu ngay. Trắng điểm sẽ được dịch ra là Se Parer banchement de…

Trong ngôn ngữ Pháp không có trạng từ blanchement, nhưng ta phải tạo ra trạng từ đó ra để dịch câu thơ của Nguyễn Du.

Hiểu như vậy xong, ta thấy ngay là Nguyễn Du đã biến văn phạm Việt Nam. Trong văn phạm Việt Nam trạng từ luôn luôn nằm sau động từ. Người ta nói Điểm trắng chớ không bao giờ nói Trắng điểm.

Nhưng Nguyễn Du dùng sai cú đậu hay biến văn phạm?

Chúng tôi có bằng chứng là Nguyễn Du đã biến văn phạm Việt Nam.

Chúng tôi xin đưa ra một câu thơ khác của Nguyễn Du mà trạng từ đứng trước động từ, và ở câu thơ này thì không còn chối cãi được nữa, vì quá rõ ràng:

Nhà hương / cao cuốn / bức là

Ở đây, rõ ràng là trạng từ cao được đặt trước động từ cuốn không còn ngờ gì nữa, nếu còn cứ ngờ ở câu trước.

Nếu cho rằng Nguyễn Du, vì bí luật bằng trắc, phải viết Cao Cuốn thay vì Cuốn Cao thì đúng, nhưng nếu lại nói thêm rằng đó là trường hợp không tiền khoáng hậu, không đáng kể, thì sai. Chúng tôi đã thấy có vài văn sĩ viết văn xuôi như vậy, và độc giả vẫn chấp nhận, vì hiểu được và nghe không kỳ. Rồi thì lối ấy sẽ thành quen, và văn phạm, ngữ vị của ta sẽ bị thay đổi.

Nó SẼ bị thay đổi thì nó cũng có thể ĐÃ bị thay đổi, nên nếu hiện nay Mã Lai ngữ và Việt ngữ có khác nhau đôi chút về văn phạm, điều đó không hề chứng tỏ rằng hai ngôn ngữ đó không là đồng gốc với nhau.

Đó là trạng từ phong cách (Adverbe de manière). Đến như trạng từ nơi chốn, Nguyễn Du cũng biến khác văn phạm của ta.

Ta nói: “Tôi đi Huế, ghé Nha Trang”. Nhưng Nguyễn Du nói: “Tôi đi Huế, Nha Trang ghé”. Thí dụ: “Tường đông ghé mắt…”

Chúng tôi trích dẫn Nguyễn Du mà không trích dẫn ngôn ngữ của dân chúng mặc dầu dân chúng cũng có cho biến như thường, thí dụ: Ngon ăn, mạnh ăn, nhưng khi dân chúng cho biến như vậy thì đồng thời cũng cho hình thức mới một nghĩa khác, ngon ăn không phải là ăn ngon, mạnh ăn cũng thế, chí như với Nguyễn Du thì Cao cuốn hay Cuốn cao gì cũng thế thôi, tức ông biến văn phạm rõ rệt, còn dân thì không biến văn phạm, vì trong Ngon ăn, ngữ vị (Word order) tuy có bị đổi thật, nhưng hai tiếng đó đã thành ra thành ngữ chớ không còn là một động từ và một trạng từ riêng rẽ như nơi Nguyễn Du.

Chúng tôi cũng không trích dẫn Cung oán chẳng hạn:

Trắng răng đến thuở bạc đầu

mặc dầu ở đây, tĩnh tử trắng cũng đứng trước danh từ răng, nhưng giữa đó có những tiếng ẩn. Câu ấy cần được hiểu như thế này: “Từ thuở người phụ nữ còn trắng nơi cái răng đến thuở họ bạc nơi cái đầu”. Tĩnh từ trắng, trong trường hợp này đi với người phụ nữ, chớ không phải đi với răng thì không có vấn đề đảo ngữ. Nó cứ là tĩnh từ chớ không là trạng từ.

Bạc đầu cũng vậy. Bạc đầu phải hiểu là: Kẻ nào đó mang màu bạc nơi cái đầu, và bạc cũng đi với kẻ nào chớ không đi với đầu.

Đành rằng vấn đề văn phạm, cú pháp, ngữ vị, âm và thanh cứ còn giữ vai trò quan trọng của nó chớ không mất phần, nhưng ta sẽ không quá nô lệ nó lắm nữa.

Ngữ vựng, ngữ là ít quan trọng hơn hết trong các vấn đề ngôn ngữ, lại trở nên quan trọng vô cùng khi mà các yếu tố ngữ là quan trọng, hóa ra bấp bênh không chịu nổi sự đào thải của thời gian và danh từ trở nên yếu tố vĩnh cửu.

Văn phạm Mã Lai chỉ khác văn phạm Việt Nam có hai điểm:

Về ngữ vị thì văn phạm Mã Lai đang nằm lưng chừng giữa lối nói ngược và lối nói xuôi.

Thí dụ: Cửa sông họ nói Kưala sôngai, tức nói xuôi như ta, nhưng Sông con họ nói Anak sôngai, tức con nít sông, tức nói ngược, thay vì phải nói Sông con nít.

Khi một ngôn ngữ vừa nói xuôi lại vừa nói ngược thì ngôn ngữ đó tự lật tẩy là đang biến dạng theo ngôn ngữ nào đó, nhưng biến chưa xong.

Không có ngôn ngữ của nước nào mà cú pháp lại vừa ngược vừa xuôi, trừ ngôn ngữ Mã Lai.

Đó là về cú pháp. Còn về văn phạm thì họ có chuyển hóa (dérivation), còn ta thì không. Sự chuyển hóa của họ cũng do ảnh hưởng Phạn ngữ chớ xưa kia thì họ không có.

Thí dụ: Bông (Hoa), họ nói là Bônga.

Nhưng: Hoa dạng, họ nói là Bôngaan.

An thêm sau Bônga, là sự chuyển hóa chớ không là tĩnh từ kép như Hoa dạng của ta, không phải là Bônga-An đâu.

Ta chịu ảnh hưởng độc âm của Tàu nên muốn diễn ý mới lạ ta chỉ có thể tạo từ kép, còn họ chịu ảnh hưởng Phạn ngữ, họ chỉ có thể cho tiếp nhánh, không sao khác hơn được. Nhưng sự khác nhau đó chỉ mới xảy ra từ đầu Tây lịch, còn vào cổ thời thì cả họ lẫn ta đều không có kép, không có chuyển hóa gì cả, vì cả hai đều không có dịp diễn những ý niệm phức tạp.

Chỉ khác nhau có hai điểm ấy mà thôi, còn có hai Xy láp thì chúng tôi sẽ trưng bằng chứng là tiếng Việt lối cổ có hai Xy láp, còn đa thanh là một tai nạn xảy ra cho độc một dân tộc ta mà thôi, vì địa bàn Bắc Việt tạo tai nạn đó ra, trên thế giới không nơi nào có cả. Nhưng đừng tưởng là Mã ngữ chỉ có độc một thanh. Cả Mã ngữ, Nhựt ngữ và Chàm ngữ đều có dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu nặng, họ chỉ thiếu dấu ngã mà thôi, và họ ít bỏ dấu hơn ta, nhưng vẫn có bỏ các dấu kể trên, và Nhựt Bổn bỏ dấu nặng rất nhiều.

Những thuyết về ngôn ngữ Việt Nam của các ông Tây, ông Việt đều rối loạn khiến ta phải điên đầu:

Ông Kari-Himly cho rằng tiếng ta có bà con với tiếng Môn.

Ông H. Maspéro bỏ Việt ngữ vào bộ Thái ngữ.

Ông E. Souvinget cho rằng tiếng ta có liên hệ đến Mã Lai.

Bs. Reynaud nhấn mạnh về ngữ vựng Miên, Việt giống nhau quá nhiều.

Sử gia Nguyễn Phương khẳng định tiếng ta là tiếng Tàu.

Giáo sư Lê Ngọc Trụ cố chứng minh 10 năm trước, lời khẳng định trên.

Sử gia Phạm Văn Sơn kết luận rằng Việt ngữ và Việt chủng là một chủng tộc và một ngôn ngữ riêng biệt.

Một dân tộc cường sinh nhứt Đông Nam Á là dân tộc Việt Nam mà lại không có ngôn ngữ riêng, đi lượm của đầu này một ít, đầu kia một mớ, để ráp lại làm ngôn ngữ của mình là chuyện không thể có được.

Các ông Tây, giống hệt các anh mù thấy con voi. Một anh sờ phải tai voi, cho rằng con voi giống cây quạt, một anh sờ phải chơn voi, bảo rằng con voi là cây cột, anh khác mò vào vòi voi, quả quyết rằng voi là một con đỉa lớn. Truyện tiếu lâm của ta rất là ý nhị.

Các ông ấy thấy phiến diện chỉ vì mỗi ông chỉ học có một ngôn ngữ, trong khi phải học hết tất cả các ngôn ngữ Á Đông kể cả cổ ngữ Ba Thục, Tây Âu, Mân Việt. Và nếu các nhà ngôn ngữ học ấy biết chủng tộc học và tất cả các dân tộc Đông Nam Á đều đồng chủng Mã Lai thì các ông đã học tất cả các ngôn ngữ, để kiểm soát chủng tộc học, và các ông đã không phiến diện như thế.

Ông E. Souvinget có thoáng thấy rằng Việt ngữ giống Mã Lai ngữ, nhưng không dám kết luận. Vài ông Việt cho đó là sự kiện dĩ nhiên, vì Việt có tiếp xúc với Mã Lai.

Ấy, ta có tiếp xúc với Mã Lai hồi nào, và tại đâu, để mà vay mượn?

Ta chỉ có tiếp xúc với Mã Lai vào thời di cư vào Nam cách đây ba trăm năm, mà những danh từ Mã và Việt giống nhau thì đã có từ nhiều ngàn năm. Thí dụ: Cù lao.

Những nhà bác học chủ trương vay mượn, không biết tương đối đủ để mà có được một chủ trương đúng, đó là sự đồng gốc chớ không có ai vay mượn của ai hết.

Vấn đề ta vay mượn của Mã Lai chỉ là một huyền thoại, không kể vay mượn cách đây ba trăm năm, thuở ta di cư vào Nam.

Nhưng cũng đừng tưởng là ta mượn qua trung gian Chàm, vì ta nói tiếng Mã Lai đúng hơn Chàm nhiều lắm, như ta sẽ thấy.

Các ông Tây đã phiến diện vì học chưa tới chốn, lại còn để tình cảm vào chủ trương khoa học. Hễ nghi là có vay mượn thì luôn luôn các ông nói là Việt Nam vay mượn của người khác, không bao giờ có ai vay mượn của Việt Nam cả, mặc dầu các ông không đưa ra được bằng chứng nào hết là Việt Nam là con nợ, còn các dân tộc khác là chủ nợ.

Xin nhận xét sơ về các thuyết ngôn ngữ của các ông Tây.

Nhiều người Việt thường chưởi rằng các nhà bác học Tây ở Đông Pháp đã xuyên tạc, chỉ có chúng tôi là binh vực các ông thôi nhưng về ngôn ngữ thì mặc dầu nhiều thiện chí chúng tôi cũng không còn binh vực các ông được nữa, vì sự thiên vị và xuyên tạc của các ông quá rõ ràng. Các ông đã bị bắt quả tang.

Tại sao sự nhìn thấy giống nhau giữa Cao Miên và Việt không khiến các ông nói tiếng Cao Miên thuộc gia đình Việt, mà lại nói tiếng Việt thuộc gia đình Cao Miên?

Chỉ vì Cao Miên là thuộc địa ngoan ngoãn, còn Việt Nam là thuộc địa hay nổi loạn, nên tao cho tụi bay làm con Cao Miên cho đáng kiếp!

Mà không chỉ làm con Cao Miên, mà làm con của Thái, của Môn, của Mã Lai, của Thượng, của đủ thứ dân hết thảy, không bao giờ có ông Tây nào mà không cho ta thuộc vào ai đó, thay vì ai đó thuộc vào ta.

Sự thiên vị và xuyên tạc trắng trợn trên đây, chúng tôi không thể bỏ qua, chớ đừng nói là binh vực nữa. Chúng tôi nói Sạch, Cao Miên nói Soạt, thế là các ông bảo là chúng tôi thuộc vào Cao Miên, trong khi chúng tôi ăn cơm bằng đũa, còn Cao Miên thì bốc cơm bằng ngón tay để ăn, thì ai học danh từ sạch của ai?

Tiện đây chúng tôi xin lưu ý chính quyền Việt Nam về một chi tiết vô cùng quan trọng đối với tiền đồ của nước ta, do các ông Tây thật tình lầm lẫn, hay cố ý gạt gẫm của ta thì không biết.

Người viết sử không bàn chánh trị, nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý chính quyền Việt Nam về vụ này. Trang sách này là trang sách thêm sau ngày đưa tác phẩm cho nhà xuất bản vì vào đầu năm 1971, Thượng viện ta họp phiên khoáng đại đầu tiên trong năm đã chấp thuận cho hai triệu người Cao Miên ở Việt Nam Cộng Hòa trở về địa vị thiểu số.

Các ông thượng nghị sĩ ta, đa số là trí thức, nhưng lại là trí thức luật học, không có nhà bác học nào cả về chủng tộc học, về ngôn ngữ học, nên đã bị người Pháp đánh lừa.

Sách Pháp cho rằng người Thượng là Cao Miên. Đó là một sai lầm vĩ đại, vì dốt hay cố ý thì không rõ.

Sự thật thì họ là Cổ Mã Lai (Indonésien) tức đồng chủng đồng bào với Việt Nam nhưng tiến trễ. Ngôn ngữ căn bản của họ là ngôn ngữ Mã Lai. Sở dĩ họ có nhiều danh từ giống Cao Miên là vì sự gần gũi. Họ ngăn cách với ta bằng dải Trường Sơn, tức là ta ít gần họ hơn Cao Miên, thế mà đối chiếu thì thấy ngôn ngữ của họ gần Việt hơn là gần Cao Miên.

Nhưng các nhà bác học chơn chính của Pháp đã có cho biết sự thật, còn những ông Tây thì nói càn vì lý do chánh trị, thì có bảo người Thượng là Cao Miên, rồi ta lại quá tin các ông Tây nói bậy.

Như thế làm gì có hai triệu người Cao Miên ở Việt Nam Cộng Hòa? Vì ngộ nhận, ta mới để cho người Mỹ trả quân nhân Thượng, được huấn luyện trong lãnh thổ Việt Nam cho Cao Miên.

Người Thượng là người Cổ Mã Lai, hoàn toàn không phải là người Cao Miên và họ với ta đồng chủng.

Chỉ số sọ (Indice Crânien) của người Thượng y hệt như chỉ số sọ của Việt và Mã Lai, và khác chỉ số sọ của Cao Miên.

Ai không tin về chỉ số sọ xin xem vài bản đối chiếu ngôn ngữ dưới đây thì rõ:

Việt Nam: Cá
Sơ Đăng: Kaa
Mạ: Ká
Chàm: Kán (đọc như Bắc Việt tức An đọc như Al).
Khả Thong Long: Aka
Mã Lai: Ikán.

Nhưng Cao Miên thì: Trây

Việt Nam: Cột
Sơ Đăng: Kơt
Bà Na: Kơơt
Chàm: Kaat
Mã Lai: Ikaat

Nhưng Cao Miên thì: Chơn

Việt Nam: Mắt
Sơ Đăng: Mat
Mạ: Maht
Mã Lai: Mât

Nhưng Cao Miên thì: Fnéc

Việt Nam: Mặt trăng
Bà Na: Mạt tlăng
Mạ: Maht kăn
Chàm: Blaăng
Mã Lai: Bulăng

Nhưng Cao Miên thì: Khe

Người Mỹ mới tới sau, không biết gì hết về chủng tộc học và ngôn ngữ học xứ này, cũng bắt chước Pháp mà cho rằng người Thượng là người Cao Miên, khi họ đưa những nghĩa quân Thượng luyện tập trong lãnh thổ của ta cho Cao Miên.

Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic ở Sài Gòn, cũng chỉ nhai lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển A study of Middle Vietnamese Phonology tại Sài Gòn.

Khi mà cả thế giới đều bị các ông Tây lôi cuốn vào mê hồn trận vĩ đại, chúng tôi thấy cần lưu ý Hành Pháp và Lập Pháp về một mối nguy trong một tương lai không xa lắm.

Khi mà hai triệu người không phải là Cao Miên lại cứ bị ai xúi giục tự xưng là Cao Miên, để tạo thành một khối lớn, yêu sách những điều không thể chấp nhận được thì chánh phủ ta sẽ gặp những khó khăn không nhỏ.

Nếu cứ muốn cho mấy trăm ngàn người Cao Miên ở Hậu Giang hưởng chế độ thiểu số thì cứ cho, nhưng đừng có gộp đồng bào Thượng vào đó và nói là Cao Miên đông hai triệu, vì nó trái với sự thật khoa học, lại mang họa lớn cho ta về mặt chánh trị.

Chế độ Cộng Hòa I đã sai lầm mà phát minh ra chữ riêng cho đồng bào Thượng, trong khi họ chỉ nên học quốc ngữ Việt vì họ với ta đồng chủng, đồng ngôn. Không nên thấy họ tiến trễ mà tưởng họ là “Mọi”. Cứ học ngôn ngữ của họ một cách bác học và học về sọ, về máu của họ là ta sẽ thấy rằng họ là người Việt một trăm phần trăm. Như vậy họ nên học chữ Việt ngữ chớ ta không phải sáng tạo cho họ một thứ văn tự ngôn ngữ giả tạo như chế độ Cộng Hòa I đã làm.

Người Pháp miền Bắc nói ngôn ngữ Oil, người Pháp miền Nam nói ngôn ngữ Oc. Thế mà họ hy sinh một để thống nhứt, trong khi đó thì Thượng và Việt đồng ngôn ta lại tạo cho Thượng một thứ chữ kỳ dị để phiên âm các Lạc ngữ của họ.

Đó là Lạc ngữ thuở xưa mà ta biến khác còn họ thì không biến vì họ ở trên núi, ít tiếp xúc với ai.

Chúng ta sẽ thấy trong chương này những tiếng Mã Lai bị ta biến đến mất nghĩa, nhưng họ còn giữ.

Thí dụ: chữ CÁI, trong BỐ CÁI Đại Vương, trong Con dại cái mang. CÁI ấy là Đầu, là Cha, là Thủ Lãnh, còn y nguyên trong Chàm ngữ, ngữThượng ngữ, chớ không phải là Mẹ như ta đã hiểu lầm.

Con của ông Phùng Hưng chỉ xây đền thờ cho cha, mẹ ông ấy không làm có gì cả ngoài việc nội trợ, thì không có lý nào mà ông ấy gộp mẹ vào chức Đại Vương được hết.

Vả lại trong Việt ngữ hiện kim cũng còn dấu vết của tiếng CÁI đó trong danh từ Thợ Cái. Đâu có phải là thợ đàn bà hở trời? Đường Cái cũng đâu có phải là đường để dành riêng cho phụ nữ đi dạo mát. Ngón chơn Cái là ngón chơn lớn nhứt chớ cũng không phải là ngón chơn của cô nào hết.

Các nhà ngôn ngữ học Tây sắp Việt ngữ vào gia đình Môn-Khơ Me ngữ vì vấn đề cú pháp, nhưng cú pháp của ta lại không giống cú pháp của Thái hay sao?

Các ông Tây lại bảo rằng tiếng ta thuộc gia đình Miên ngữ, vì lẽ khác nữa. Nếu cứ bắt cả hai làm họ với nhau, thì phải nói rằng tiếng Miên thuộc gia đình Việt ngữ mới đúng. Tại sao?

Về con số, họ chỉ có 5 số, trong khi ta có tới 10 con số. Số 6 họ nói là 5 với 1, số 7 họ nói là 5 với 2, v.v.

Về các bộ phận của thân thể con người, ta chỉ mượn của Trung Hoa một tiếng độc nhứt là Đầu, nhưng cũng không chắc là mượn, như sẽ xét đến, trong khi đó thì mượn quá nhiều, thí dụ sơ sơ như là:

Cái ngực họ nói Trung do Tàu: Hung, Hiung, Yiung mà ra.

Cái trán họ nói Thngac do Tàu: Ngạch, Ngạc, Ngớ mà ra.

Da họ nói là Sbec do Tàu: , Pỉa mà ra.

Các nhà bác học Âu Mỹ sai lầm rất nhiều. Chẳng hạn họ nói rằng người Môn-Khơ Me ở Tây Khương không hề tiếp xúc với Trung Hoa lần nào hết trước khi tràn xuống phương Nam lập quốc. Nhưng thử hỏi, sao họ lập quốc được rồi mà chưa có những danh từ cái ngực, cái trán, cái da, đến phải vay mượn của nước đã khai hóa họ là nước Ấn Độ chớ sao lại vay mượn của Tàu?

Tất cả các nhóm Mã Lai, xuất phát từ Tây Tạng đều có thọ lãnh ít nhiều ảnh hưởng Trung Hoa và nhóm nào thọ lãnh nhiều hơn mà không bị trị lần nào là nhóm đó kém mở mang nhứt.

Chủng Việt bị trị đến bốn lần: bọn Tàu di cư vào Kinh Việt, rồi mấy lần nhà Hán, thế mà số tiếng cổ vay mượn của Tàu lại ít hơn Cao Miên. Như vậy cho rằng tiếng ta nằm trong gia đình Cao Miên có gượng gạo chăng?

Nói ngược lại, như chúng tôi đã nói, là Miên ngữ nằm trong gia đình cũng không đúng; chúng tôi nói thế để cho thấy cái bất công của các ông Tây mà thôi, chớ thật ra cả hai thứ đều là đồng tông Mã Lai Bách Việt với nhau, anh em, chớ không phải cha con.

Các ông Tây dựa vào vấn đề có thanh và không có thanh, đã bị bác rồi, các ông dựa vào vấn đề ngữ vựng cũng không xong, vì nếu chép hết cả ngữ vựng ra như:

Việt-Chàm
Việt-Miên
Việt-Mã Lai
Việt-Giarai
Việt-Thái
Việt-Bà Na

vân vân, thì ta thấy bộ ngữ vựng Việt Bà Na đồ sộ hơn tất cả mọi ngữ vựng đối chiếu khác, vì đối chiếu khác, vì mặc dầu trước kia Bà Na chịu ảnh hưởng Cao Miên, ngôn ngữ của họ cũng do gốc Mã Lai Bách Việt như ta, chớ không phải gốc Cao Miên.

Ông G. Cocdès cho rằng những ngôn ngữ Sơ Đăng, Bà Na, Rađê, Giarai, v.v. là dialectes Môn-kmers, tức phương ngữ của chủng Môn-Khơ Me. Nhưng như ta đã thấy, qua những thí dụ điển hình trên đây và sau đây thì không phải thế. Những ngôn ngữ ấy có giá trị ngang hàng với ngôn ngữ Cao Miên và đều cùng gốc Mã Lai Bách Việt mà ra cả.

Mặc dầu là Viện trưởng của Viện Viễn Đông bác cổ, ông G. Cocdès còn dốt ngữ học hơn đàn em của ông nhiều lắm trong cái Viện đó, nên mới có sự trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong tạp chí của Viện mà giới bác học chợt thấy là ông Viện trưởng nói sai hơn các nhơn viên thường.

Nói một cách khác, về phương diện chủng tộc và ngôn ngữ, đồng bào Thượng không hề là chi phụ của Môn-Khơ Me mà là anh em đồng tông y như Thái, Việt, Chàm và các nhóm Mã Lai hiện nay, bằng chứng là những danh từ gốc của họ chỉ những vật, những ý cổ sơ nhứt nơi loài người đều giống danh từ Mã Lai chớ không giống danh từ Cao Miên chút nào.

Những đồng bào Thượng nguyên là phiên thuộc của Cao Miên xưa, như là Sơ Đăng, Bà Na, Xi Tiêng, Mạ cũng có danh từ gốc Mã Lai nhiều hơn gốc Cao Miên.

Nội một biểu đối chiếu độc nhứt là danh từ Lá, cũng đủ cho thấy rằng đồng bào Thượng gần gốc Mã Lai hơn Cao Miên quá nhiều, không cần phải tranh luận lôi thôi dài dòng.

Dân tộc Cao Miên là một thứ Mã Lai Bách Việt rất là xa xôi, xa Mã Lai hơn Thái, hơn Chàm, hơn Việt, hơn Thượng Việt vì danh từ của họ ít giống với danh từ các nhóm Mã Lai khác trong khi đó thì các nhóm khác rất giống nhau.

Họ bị lai giống với thổ trước Mê-la-nê quá nhiều nên cái sọ của họ có chỉ số gần giống với sọ Mã Lai, nhưng không giống hệt như sọ Việt đã giống, và lại không tròn, tức có tánh cách cổ sơ trong đó.

Ngôn ngữ của họ đi xa dòng Mã Lai hơn ta cũng vì thế, trong khi đó đồng bào Thượng lại thuần Mã Lai hơn cả người Mã Lai ở Nam Dương nữa, vì họ không có chịu ảnh hưởng ngoại lai Ấn Độ và Á Rập như Nam Dương bao giờ hết.

Khi những ngôn ngữ Việt, Sơ Đăng, Bà Na, Xi Tiêng, Mạ không bao giờ bị Mã Lai cai trị và khai hóa lại chứa đựng quá nhiều danh từ Mã Lai hơn danh từ Cao Miên thì tại sao các ông Tây lại sắp Việt ngữ vào Miên ngữ mà không vào Mã Lai ngữ thì đó là một bí mật lớn, nếu không nói là một sai lầm to.

Đành rằng ngữ vựng là chuyện vay mượn được nhưng tại sao Cổ Việt không vay mượn của Cao Miên mà lại vay mượn của Mã Lai, mặc dầu Cổ Việt có biên giới chung với Cao Miên từ trước Tây lịch mà không bao giờ có biên giới chung với Mã Lai?

Chỉ có một lời giải thích: Việt gốc Mã Lai.

Nhưng Cao Miên cũng gốc Mã Lai như đã nói. Và chính là Mã Lai Cao Miên đã học thêm với Mã Lai Việt.

Việc khám phá ra một cổ bia Cao Miên, cổ bia Sek Tà Tay đã cho thấy rằng người Cao Miên đã học tiếng Việt qua trung gian người Mường vào thế kỷ thứ VII.

Nguyên vào thế kỷ đó thì người Cao Miên mượn âm lịch của Tàu để dùng, song song với lịch của họ, cổ bia nói trên để ngày tháng năm theo âm lịch, nhưng lại ghi bằng tiếng Mường, tuy với văn tự Cao Miên.

Số là người Mường cũng mượn âm lịch của Tàu, qua trung gian Việt, nhưng họ không dùng Tý, Sửu, Dần, Mão mà nói là năm Chuột, năm Trâu, năm Cọp, v.v. bằng tiếng Mường, tức tiếng Việt cổ sơ.

Ấy, cổ bia Cao Miên cũng đã khắc chữ y như vậy, nhưng những con thú đó, không được gọi bằng tiếng Cao Miên mà bằng tiếng Mường.

Dầu sao, đã là đồng chủng với nhau thì phải có một số vốn chung. Nhưng số vốn chung đó quá ít giữa Miên và Việt. Đã hẳn họ là bà con quá xa mà lại. Sở dĩ sau này vốn chung nhiều lên một cách tương đối là do sự vay mượn qua tay người Mường mà họ có biên giới chung thuở mà nước họ tên là Chân Lạp và nằm tại đất Ai Lao ngày nay, còn phía dưới này là nước của dân Phù Nam mà họ thôn tính hồi thế kỷ thứ VI.

Tuy nhiên, cũng có một nhà ngôn ngữ học sáng suốt, đó là ông Cabaton, ông ấy thì biết rằng Indonésien có nghĩa là Cổ Mã Lai đấy (May thay có một tiếng Pháp mà bao nhiêu ông Tây không hiểu, thì đừng có than phiền khi có nhiều ông Việt không hiểu).

Theo lối tìm biết người Cổ Mã Lai ở Cao nguyên ai thuần chủng nhiều, ai thuần chủng ít (mà chỉ dựa vào ngôn ngữ chớ không dựa vào khoa chủng tộc học) thì ông Cabaton sắp người Giarai thuần chủng nhứt, vì họ không biết lấy một tiếng Cao Miên nào hết, mà cũng chẳng biết lấy một tiếng Phạn nào hết, thế nghĩa là ngôn ngữ của họ thuần Mã Lai nhứt thế giới, không kể các nhóm Mã Lai trong rừng sâu Boọt-nê-ô.

Chủ trương của các ông Tây rằng Chàm thuần Mã Lai nhứt Đông Pháp là sai lầm. Trong ngôn ngữ Chàm có quá nhiều ảnh hưởng Phạn ngữ, Lưỡng Hà ngữ mà chúng tôi sẽ nói rõ ở chương người Chàm. Ngôn ngữ Chàm cũng đầy dẫy tiếng Á Rập. Thí dụ danh từ Kafir là danh từ Á Rập dùng để chỉ người không theo đạo Hồi như họ.

Còn Mã Lai hạng ít thuần chủng nhứt là người Phong, thứ người này hiện sống ở các tỉnh Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, mượn quá nhiều danh từ Cao Miên.

Như vậy, khi thiếu một danh từ Mã Lai trong các biểu đối chiếu, chúng tôi chỉ đưa vào đó một danh từ Giarai, Na hay Đăng là đủ cho biểu đối chiếu được giá trị rồi, miễn là danh từ Cao Miên phải khác. Có phải thế không? Nhưng không, vì đã bảo Cao Miên cũng là Mã Lai thì cái danh từ Thượng ấy có giống với danh từ Cao Miên, cũng cứ được.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố tìm những danh từ Bà Na, Sơ Đăng mà Cao Miên tuyệt đối không có, nhưng Việt, Chàm lại có, để không còn ai nói được nữa rằng họ là Cao Miên.

Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ Khả Lá Vàng. Đó là tiếng Việt Nam tối cổ, cổ hơn tiếng Mường một bực, mà ta sẽ thấy ở chương “Làng Cườm” rằng họ tự xưng là người Lạc, và giống thứ người mà thi sĩ Tàu Tống Ngọc đã tả trong bài thơ Chiêu Hồn: người Điêu Đề.

Nhóm Việt độc nhứt trong thư tịch Trung Hoa có biệt sắc Điêu Đề chỉ được nói đến có một lần trong thư tịch Tàu. Và ta từng gặp lại họ ở Cao nguyên Ai Lao, gần đèo Mụ Già, mà cuộc tái ngộ này cho ta biết rõ hơn Tống Ngọc nữa. Tống Ngọc chỉ nói đến chuyện Điêu Đề, còn ta thì được biết thêm rằng họ tự xưng là Lạc, họ nói tiếng Việt tối cổ, họ thuộc chủng Cổ Mã Lai, họ có màu da đất đỏ (Ocre), ăn khớp với truyền thuyết ta cho rằng nước ta xưa tên là Xích Quỷ, họ ăn canh cua đồng, y hệt như người Bắc Việt ngày nay.

Thế nên chúng tôi xem ngôn ngữ Khả Lá Vàng là ngôn ngữ Mã Lai căn bản nhứt trong các nhóm ngôn ngữ Mã Lai ở “Đông Pháp”!

Những danh từ Việt tối cổ còn sót lại trong ca dao của ta hiện tại, ta không hiểu, nhưng nhờ ngôn ngữ của Khả Lá Vàng mà ta hiểu. Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Tua xuất hiện trong ít lắm là hai câu ca dao miền Bắc.

Tua với họ, có nghĩa là ngôi sao. Người miền Bắc khi viết đã viết sai. Họ viết là Tua-rua với một gạch nối liền và chữ rua không hoa, khiến ta ngỡ đó là danh từ Tua-rua. Sự thật Rua là tên của một ngôi sao mà Tàu gọi là sao Mão, ta gọi là sao Mạng và nên viết là Tua Rua, hai chữ không có gạch nối liền và Rua phải viết hoa, vì Tua là Sao, còn Rua là tên của ngôi ấy).

Vì không biết ngôn ngữ Khả Lá Vàng nên ta không hiểu Tua Rua là gì, mà khi không hiểu thì ta phải viết sai, dĩ nhiên là như vậy.

Danh từ Sao chỉ là danh từ Thái mà ta vay mượn về sau, họ nói là Đao, còn Lạc Việt có thời thì nói là Tua.

Các ông Tây tìm tòi về ngôn ngữ Việt Nam không hề có ai đi qua đủ các lộ trình, và nhứt là không ai kể đến cổ Mân Việt, cổ Tây Âu và cổ Ba Thục hết, và chưa hề có những bản đối chiếu Việt với tất cả các ngôn ngữ để tìm về nguồn Tây Tạng.

Cái nhìn tổng quát mà giáo sư Nguyễn Phương đòi hỏi, chính là cái đó. Nhưng không thể tự nhiên mà bắt đầu có cái nhìn tổng quát được, mà phải lần dò. Chúng tôi đã mất sáu bảy năm học các ngôn ngữ mới nhìn tổng quát được.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.