trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
4.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Ta tự hỏi tại sao bọn Mã Lai di cư đợt I lại chỉ tới Đông Ấn Độ rồi đi rẽ sang Đông Dương, và họ từ đâu mà đi Đông Ấn Độ.

Đã bảo dân Môn và Miến Điện là hậu duệ của Khuyển Nhung và dân Khơ Me là hậu duệ của rợ Khel (Khương).

Như thế thì Khuyển Nhung và Khương (Lạc bộ Chuy) phải chạy sang hướng Tây vì địa bàn của họ ở Tây Trung Hoa, chớ không chạy ra biển Đông được như bọn Lạc bộ Trãi.

Tới Đông Ấn Độ thì họ chợt thấy đồng bào Dravidien của họ đang nằm dưới ách của bọn Aryen thuở ấy còn trắng da, nên không ở đó làm gì.

Thấy rõ là các bọn di cư có liên lạc với nhau, vì Mã Lai đợt I Hoa Bắc biết ở Ấn Độ có đồng bào của họ.

Về sau, cách đó lối 2.500 năm, bọn Mã Lai đợt II cũng đi đến những địa bàn của Mã Lai đợt I chớ không có đi đâu khác hơn, tuy ở Nam Dương họ chiếm các đảo khác hơn là Célèbes, nhưng các đảo ấy cũng cứ là một địa bàn với Célèbes về khí hậu và địa dư.

Khoa khảo tiền sử đã bỏ sót Bọot-Nê-Ô vì dân cổ Mã Lai ở đó còn quá lạc hậu, quá dữ tợn, họ không xâm nhập vào để làm việc được trừ các nhà dân tộc học có làm việc ở Bắc Bọot-Nê-Ô và biết một nhóm Dayak và văn minh phần nào rồi.

Nhưng nếu các đợt ấy mà không có liên lạc với nhau, họ vẫn chạy đến những nơi giống nhau vì cả đường bộ lẫn đường biển đều có những tiện lợi nào đó, đèo dễ vượt, hoặc gió phải mùa, mà cả các đợt đều biết.

Bọn Mã Lai đợt II đi Nhựt Bổn từ Hoa Nam, chớ không đi Nam Dương có lẽ là bọn gặp gió Nồm, còn bọn đi Nam Dương gặp gió Bấc.


*


Về truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lộc Tục của dân ta thì phải hiểu thế nào đây? Khoa khảo tiền sử đã cho thấy là Mã Lai Hoa Nam thuần chủng Mã Lai, không có lai với nhóm Mông Gô Lích nào cả thì làm thế nào mà Lạc Long Quân lại là cháu năm đời của Thần Nông được, trừ phi Thần Nông là Việt, đúng như giáo sư Kim Định đã nói.

Nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng Thần Nông không phải là Việt thì truyền thuyết này đâm ra rắc rối vô cùng, không giản dị, dễ giải thích như chuyện Lạc (Long Quân) và Âu Cơ (tức chủng Thái) ly khai để chiếm hai địa bàn khác nhau.

Ta chỉ còn biết giả thuyết rằng một người Tàu lai Việt, Việt ở châu Dương hoặc châu Kinh, tên là Lộc Tục đã nhảy lên nắm quyền lãnh đạo nhóm Việt tổ tiên trực tiếp của ta. Nhưng y lại đồng hoá với Việt, y hệt như các quan thổ ty Việt mà vua chúa ta gởi lên xứ Thái, đã không đồng hoá được họ mà lại bị họ đồng hoá tuốt hết vì luật đa số nuốt thiểu số.

Đó là lối hiểu hữu lý nhứt mà không chỏi với truyền thuyết, cũng không chỏi với khoa khảo tiền sử.

Nhưng xin đừng hiểu lầm. Chỉ có một nhà lãnh đạo là Tàu lai, còn toàn quốc không liên hệ gì đến dòng máu Tàu cả, không có vấn đề Việt đã lai Tàu từ thời đó, tại châu Kinh và châu Dương.

Ngày xưa, dân xem vua là cha mẹ của họ thì tự nhiên họ gọi tổ tiên của vua là tổ tiên của họ. Thần Nông chỉ là tổ tiên của Lộc Tục, thế mà lại được coi là tổ tiên của dân ta là vì tinh thần đó.

Nhưng cái nước Việt ở Động Đình Hồ mà Lộc Tục cai trị là nước Việt nào, rồi ta sẽ thấy ở chương sau, khi nghiên cứu Tả Truyện. Và cái nước Việt đó, khi tan rã, dân di cư đi nơi khác, thì dòng vua Tàu lai ấy bị diệt rồi, theo lệ xưa, quân xâm lăng phải giết vua mới được. Thế là không còn giọt máu Tàu nào hết trong bọn di cư, đúng y như khoa khảo tiền sử đã nói.

Như đã thấy, khoa khảo tiền sử rất đúng và rất cần thiết. Nó giúp ta hiểu những mâu thuẫn cũ. Sách Tàu tả dân Việt cắt tóc ngắn, mà cổ vật Đông Sơn lại cho thấy họ có tóc dài. Sử gia Nguyễn Phương đã dựa vào đó để cho rằng cổ vật Đông Sơn là của dân nào đó, có tóc dài, chớ không phải của Bách Việt tóc ngắn như Tàu đã tả.

Nhưng Bách Việt tóc ngắn chỉ là Bách Việt của Tư Mã Thiên tả, tức Bách Việt đợt II, bọn có lưỡi rìu hình chữ nhựt. Còn bọn trước thì tóc dài. Thế nghĩa là Xy Vưu giống họ, không có biệt sắc về tóc nên họ không tả.

Mặt khác, ở Cổ Việt, như chúng tôi sẽ chứng minh ở chương người Mường, chính bọn tóc dài, tức bọn Mã Lai đợt I, lãnh đạo, còn bọn Tiểu phát chỉ là bọn bổ sung. Thế thì các tượng đồng tạc hình người đào được ở Bắc Việt không còn gây thắc mắc nữa, mà cũng không giúp giáo sư Nguyễn Phương kết luận được rằng nền văn minh đó không phải là của Việt vốn Tiểu phát.


*


Và khoa khảo tiền sử không biết hai điều này, mà chúng tôi biết nhờ khoa khác:
  1. Trước khi làm chủ toàn cõi nước Tàu, chủng Cổ Mã Lai phát tích từ Tây Tạng chớ không phải phát tích tại nước Tàu, nói rõ hơn là phát tích tại chơn Cao nguyên Tây Tạng.

Xy Vưu đã từ các vùng đất quanh núi Hy Mã Lạp Sơn đưa dân tới Hoa Bắc sau cùng hết. Các nhóm mà khoa khảo tiền sử gọi là Austroasiatiques và chúng tôi gọi là Mã Lai đợt I, thật ra là Mã Lai đợt III, nếu lấy điểm xuất phát di cư đầu tiên làm cái mốc.
  1. Bọn đợt I là bọn đi làm chủ toàn cõi Ấn Độ, bọn đợt II là bọn đi làm chủ toàn cõi Hoa Nam ở dưới sông Hoàng Hà, còn bọn Xy Vưu chỉ là bọn đi sau thiên hạ.

Nhưng ta biết rõ Xy Vưu hơn chỉ nhờ có nhân chứng là con cháu của Hiên Viên, còn lại hai bọn kia, chính khoa học biết, nhưng không biết chi tiết như Tàu đã biết về Xy Vưu, vì như đã nói, khoa khảo tiền sử không biết chi tiết, nhưng khoa đó lại giúp cho các khoa khác không sai lầm về sự tương đồng gạt gẫm bề ngoài.


*


HiMalaya có nghĩa là núi của người Malaya. Danh từ Hi này còn thấy được trong ngôn ngữ Nhựt Bổn ngày nay. Họ đọc là Khi, nhưng khi nào cần viết tiếng Khi bằng chữ La-Tinh, họ vẫn viết là Hi.

(Có lẽ Hi biến thành Hui, rồi thành Núi, bằng vào những xâu chuỗi biến dạng kỳ dị ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu).

Đó là danh từ mà người Âu châu ghi theo ngôn ngữ của dân tồn tại quanh đó ngày nay, như dân Népal chẳng hạn, dân này, trước khi lai với Ấn Độ, cũng là Mã Lai gốc ở gần đó.

Thế thì danh tự xưng của họ ban đầu tam âm chớ không nhị âm, bằng chứng là thánh Kinh Phê Đà gọi họ là Mleech’a mà ta có thể phân tách như sau:

M = Ma
Lee = Lai
Cha = Ya

Chúng tôi biết được những điều ấy do các công trình nghiên cứu khác, còn rời rạc, chưa được tóm lược lại thành hệ thống như đối với dân Lạc ở Trung Hoa.

Và đó là bọn Mã Lai rời đất tổ trước tiên hơn hết, dưới quyền lãnh đạo của ai thì chỉ còn nhờ các nhà bác học đọc văn tự của họ, ta mới biết được mà thôi.

Họ có văn tự nhưng chưa đọc được vì chưa ai dè rằng họ là Mã Lai, vì muốn đọc cổ ngữ biết ngôn ngữ của kẻ viết chữ.

Nếu quyển sách này mà tới tay các nhà bác học đang cất giữ văn tự đó thì họ sẽ học tiếng Mã Lai và sẽ đọc được.

Từ 6.000 năm trước đây, trở về xưa hơn, đất Ấn Độ không do hai chủng tộc ngày nay làm chủ. Chủ đất là những thứ dân da đen rất kém cỏi, mà chỉ có một chủng là văn minh hơn cả, đó là Mê-la-nê.

Dân Mã Lai, từ quanh Cao nguyên Tây Tạng tràn tới chiếm đất đó, làm bá chủ, và đẩy lui bọn da đen lên núi rừng nhưng cho đến nay (1970) bọn da đen ấy vẫn cứ tồn tại (chủ trương diệt chủng không đứng vững được, trong bất kỳ trường hợp, thời đại nào).

Bọn Mã Lai đó di cư thẳng từ chơn Cao nguyên Tây Tạng, chớ không phải là một nhóm Cửu Lê ở Hoa Bắc chạy tới đó qua ngả Ba Thục, vì Cửu Lê một ngàn năm sau mới xuất hiện tại Hoa Bắc.

Địa bàn phát tích của họ là vùng chơn núi HiMalaya.

Các dân thổ trước kém cỏi chạy lên núi rừng hết, nhưng dân Mê-la-nê khá văn minh nên ở lại hợp chủng với Mã Lai. Hoá ra Mã Lai ở Ấn Độ phải đen da.

Bọn Mã Lai bị đen da ấy định cư ở đó có 500 năm là đã lập ra một nền văn minh rực rỡ mà các nhà khảo tiền sử chỉ mới khám phá ra đây thôi.

Nền văn minh của họ tồn tại được lối một ngàn năm thì họ bị dân da trắng xâm lăng. Đó là dân Aryen.

Họ truyền màu da đen của họ sang bọn Aryen cho tới ngày nay, nhưng họ vẫn còn đông đến một trăm triệu.

Đây là những bằng chứng Mã Lai đã làm chủ toàn cõi Ấn Độ, trước khi chủng da trắng Aryen đến.

Trước hết ta nên hình dung ra nước Ấn Độ. Đó là một hình tam giác mà một mũi nhọn chĩa thẳng xuống hướng Nam.

Ở các góc của hình tam giác ấy, ngày nay các nhà ngôn ngữ học, các nhà chủng tộc học, các nhà dân tộc học đều tìm thấy dân Mã Lai thuần chủng.

Ở phía cực Tây, tại biên giới Ấn Độ – Ba Tư (nay thuộc quốc gia Pakistan, từ ngay Ấn Độ tách ra làm hai), còn một nhóm thiểu số tên là nhóm Brahouis. Tại phía cực Nam, nay là tiểu bang Madras, còn một nhóm thiểu số tên là nhóm Nilgiri. Tại cực Đông còn một nhóm thiểu số tên là nhóm Naga, thuộc tiểu bang Assam.

Nói là thiểu số nhưng riêng nhóm Naga đông cũng bằng toàn dân số ở Trung Việt, và khi Ấn Độ thu hồi độc lập thì họ nổi lên đánh du kích và cũng đòi độc lập. Họ đánh quá dữ, nên ông Nê Rư phải cho họ tự trị trong liên hiệp Ấn, nhưng họ từ chối cho đến năm 1965 thì hai bên đã không còn liên lạc ngoại giao với nhau nữa và nay không biết thế nào. Cũng nên biết là Trung Hoa đã thò tay tới đó và đã lập ra một hội tên là Hội bạn của người Naga, và tương lai của dân Naga chắc không xán lạn lắm như họ muốn, mặc dầu họ đã có “bạn”.

Ba nhóm thiểu số đó là Mã Lai thuần chủng. Nhưng một nhà bác học, ông Przyluski, lại tìm được dấu vết của một nhóm Mã Lai thuần chủng ở ngay trung ương Ấn Độ, đó là nhóm Salva, thờ mặt trời và nai y như dân Đông Sơn.

Sự kiện ở cả ba góc và ở trung ương đều có mặt họ, mỗi góc cách xa nhau hơn ba ngàn cây số, chứng tỏ rằng hồi thái cổ, họ làm chủ cả Ấn Độ, chớ không phải là họ chỉ làm chủ của bốn xó ấy mà thôi.

Dân Mã Lai chủ đất Trung Hoa lập ra nhiều quốc gia có địa bàn liên tục, thì không có lý nào di cư sang Ấn Độ lại ở cách xa nhau trên ba ngàn cây số, để chỗ trống ở giữa các nhóm cho các chủng tộc khác.

Vả lại, người Aryen, tức người Ấn ngày nay, viết sử cho biết rằng khi họ xâm nhập Ấn Độ thì họ gặp toàn là thứ người đó mà họ gọi là Mleech’a, ở đâu cũng do thứ người đó làm chủ, trên toàn cõi Ấn Độ (theo Kinh Phệ Đà).

Mleech’a chỉ là phiên âm của danh tự xưng của dân Mã Lai, và quả thật thế, chúng ta sẽ thấy nhóm nữa, tự xưng là Malaya’am từ 6.000 năm rồi và cho đến ngày nay họ vẫn còn tự xưng như vậy.

Chúng ta đã thấy Tàu gọi dân số đó là Lỉ, là Li,Lai, cũng tức là phiên âm danh tự xưng Mã Lai, chỉ có điều là phiên âm không đúng hẳn vào hai lần đầu mà chỉ đúng ở lần thứ ba vào thời Tây Chu mà thôi.


*


Đó là bốn nhóm thuần chủng Mã Lai ở Ấn Độ mà nhà bác học V. Goloubew cho biết rằng họ cất nhà giống nhà khắc ở trống đồng Đông Sơn và có văn minh giống với văn minh Đông Sơn, thuộc chủng cổ Mã Lai.

Nhưng ngoài bốn nhóm nhỏ ấy các tiểu bang Madras, Kerela và quốc gia Tích Lan cũng là của thứ dân ấy, nhưng đã bị Ấn hoá và hiện còn đang lai căn với Ấn Độ cho tới ngày nay mà sự hợp chủng chưa dứt, và họ còn đông tới 100 triệu.

Nhận xét của ông V. Goloubew đi song song với khám phá của các nhà chủng tộc học, các nhà dân tộc học và các nhà khảo cổ khác, nhứt là các nhà ngôn ngữ học.

Tất cả họ đều thấy rằng dân Nam Ấn, hiện đông lối một trăm triệu, khác hẳn với chủng Aryen ở Bắc Ấn.

Bắc Ấn, trước ngày độc lập vẫn chia ra thành nhiều tiểu bang, có ngôn ngữ riêng, nhưng tất cả các ngôn ngữ ấy đều đồng gốc Ấn Âu.

Còn dân Nam Ấn thì ngôn ngữ khác hẳn. Họ có một thứ ngôn ngữ chung gọi là Nam Phạn (Pali), mà đó chỉ là Bắc Phạn (Sanserit) pha với thổ ngữ để truyền đạo Bà La Môn, còn thổ ngữ thì cứ tồn tại, và khác hẳn ngôn ngữ của chủng Aryen.

Các thổ ngữ thật của thổ dân Nam Ấn đồng tông với ngôn ngữ của ba nhóm Mã Lai thuần chủng nói trên.

Hai danh xưng AryenDravidien là danh xưng của khoa chủng tộc học ngày nay dùng để chỉ người Bắc Ấn và người Nam Ấn, chớ vào thời thượng cổ thì chắc chắn là họ phải tự xưng khác.

Aryen tự xưng là gì không rõ, chỉ biết rằng vào đầu Tây lịch kỷ nguyên họ đã tự xưng là Hindou rồi (đọc là Hạnh Đu).

Đó là chủng da trắng xâm lược từ phương Tây đến.

Còn chủng của chủ đất cũ vào thời bị Aryen xâm lăng mà Tây gọi là Dravidien tự xưng là gì? Ta sẽ lần dò để đi đến họ.

Chủng Aryen xâm lược gọi họ là dân Mleech’a mà ta đã đồng hoá được với Mã Lai như đã nói trên kia.

Họ tự xưng bằng nhiều tên, tuỳ nhóm, chắc chắn như vậy, nhưng vì họ giống nhau hết thảy, bất kỳ nhóm nào cũng giống nhóm nào, nên hồi thượng cổ chủng Aryen mới dùng danh xưng chung là Mleech’a để gọi tất cả các nhóm, và ngày nay khoa chủng tộc học dùng danh xưng chung là Dravidien cũng để gọi tất cả các nhóm đó.

Trong các nhóm Mleech’a hiện nay có một nhóm ít bị lai giống và ít thọ lãnh văn hoá Aryen nhứt. Nhóm đó lập thành tiểu bang Kerela và tự xưng là dân Malayalam.

Không còn ngờ gì nữa hết về cái chủng Dravidien mà nhóm ít chịu ảnh hưởng ngoại lai nhứt lại tự xưng là Malayalam.

Người của tiểu bang Kerela tự xưng là Malayalam vì như đã nói, họ là nhóm đại diện cho cái khối Dravidien, khối này tan ra thành nhiều chi, tự xưng khác, chỉ có chi gần gốc tổ mới tự xưng theo thời thượng cổ mà thôi.

Vậy toàn thể dân Ấn thượng cổ trước khi dân Aryen đến đều đồng chủng với nhau mà khoa chủng tộc học gọi là chi Dravidien, nhưng ta lại biết được đại diện của họ ngày nay cứ còn tự xưng là Malayalam, còn dân Aryen thì gọi họ là Mleech'a khi tới xâm lăng họ.

Chúng tôi vừa nói rằng có tánh cách thuần Mã Lai nhứt, là ba nhóm nhỏ Brahouis, Nilgiri và Naga, còn Kelera có bị lai Aryen chút ít, nhưng chúng tôi cho rằng Kerela đại diện vì ba nhóm thuần chủng nói trên bị thoái hoá, thấy là thuần Mã Lai hơn về phương diện chủng tộc học, nhưng về văn hoá thì chỉ hơn người Thượng chút ít, không đại diện cho chủng Mã Lai Ấn Độ là một chủng đã có một nền văn minh cao hơn cả văn minh của chủng xâm lược Aryen nữa.

Cái nền văn minh đó hiện nhóm Malayalam còn giữ gần đầy đủ.

Malayalam có thể hồi xưa không dài đến thế mà chỉ là Malaya mà thôi. Sau vì chịu ảnh hưởng Ấn Âu nên đa âm hoá.

Ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu, chúng ta sẽ thấy bằng chứng của sự nhị âm của người Mã Lai Nam Dương, nhưng họ chuyển hoá bằng cách tiếp nhánh vì thọ lãnh ảnh hưởng Ấn Âu nên họ đa âm hoá.

Thí dụ BôngaCái bông,

nhưng Huê dạng thì là Bôngan tức Bônga + an.

Ta độc âm vì ảnh hưởng Tàu, nên ta chỉ tạo danh từ kép, còn họ thì đa âm chịu ảnh hưởng Ấn Âu nên từ Mã họ đi đến Malayalam dễ như chơi.

Có điều chắc chắn là vào cổ thời họ chỉ tự xưng là Malaya mà thôi, bằng vào lối phiên âm của thánh kinh Phệ đà là Mleech'a. Lam có lẽ là tiếp vĩ ngữ mới được thêm sau, để nói cái gì đó mà ta chưa biết.

Kinh Phệ Đà chỉ được viết trên lá bối trước Tây lịch kỷ nguyên không lâu, nhưng lại chép đúng theo sự học thuộc lòng của các thầy Bà La Môn và nói đến chuyện cũ 5.000 năm, gọi thổ dân ở Ấn mà họ gặp là dân Mleech'a. Thế nghĩa là danh tự xưng Malaya đã có từ 5.000 năm chớ không phải chỉ mới có từ ngày thánh kinh Phệ Đà được ghi trên lá bối.

Ai cũng biết rằng khi dân da trắng Aryen xâm lăng nước của dân Malayalam thì họ lập ra chế độ giai cấp để phân biệt dân thống trị và dân bị trị. Dân bị trị bị đồng hoá nhiều thì ở giai cấp trên, bị đồng hoá ít, ở giai cấp dưới.

Có tất cả bốn giai cấp chia ra thành bốn ngàn tiểu giai cấp. Giai cấp thấp nhứt là giai cấp Paria, giai cấp này không được đến gần họ, đụng chạm tới họ.

Nhưng trong tiểu bang Kerela, ngày nay mà dân còn tự xưng là Malayalam thì giai cấp Paria bị xử tệ nhứt nước Ấn Độ, vì họ còn bị cấm “ngó thấy” người Ấn.

“Ngó thấy” sẽ phạm tội chết.

Điều ấy chứng tỏ rằng họ là một thứ dân bị trị ít chịu đồng hoá nhứt nên mới bị bạc đãi đến thế.

Ba nhóm nhỏ Brahouis, Nilgiri và Naga, vì sống độc lập trong rừng núi nên mới thoát khỏi vòng cương toả của chế độ giai cấp, còn nhóm Kerela thì lưng chừng, chịu để cho đồng hoá, nhưng sự hợp tác rất mong manh, và thường chống đối, nên mới lọt vào hàng rào giai cấp và bị ngược đãi đến thế.

Chúng tôi nói nhóm Kerela là sai, vì thật ra thì Kerela là tên của tiểu bang ấy hiện nay, được mọi người biết nên nói thế cho dễ hiểu, chớ họ phân chia như thế này về mặt dân tộc:

Nhóm Malayalam tức Chera ở tiểu bang Kerela;

Nhóm Pandya ở tiểu bang Medras và đảo Tích Lan;

Nhóm Chola ở tiểu bang Nam Andha Pradesch.

Họ tự xưng là Mã Lai là vì đó là tên chủng tộc của họ, chớ không phải thấy sang bắt quàng làm họ với Mã Lai Nam Dương. Dầu sao họ cũng đã bị lai giống và đồng hoá phần nào với Aryen tức là sang hơn dân kém cỏi chỉ mới được khai hoá sau là dân Mã Lai Nam Dương. Nếu họ không có một nền văn minh thật cao như chúng tôi đã ám chỉ khi nãy, thì họ cũng cứ sang hơn Mã Lai Nam Dương nhiều lắm. Vả lại họ tự xưng là Mã Lai nhiều ngàn năm trước khi Ấn Độ tiếp xúc với Mã Lai Nam Dương.

Mã Lai chủng làm chủ toàn cõi Ấn Độ trên 1.500 năm, vì họ làm chủ từ lối 6.000 năm trước đây nhưng chỉ mới bị chủng da trắng Aryen xâm lăng cách đây có 4.500 năm.

Thế thì họ di cư khỏi Tây Tạng trước nhóm Mã Lai phía Đông đến hơn một ngàn năm.

Cả hai cuộc di cư đều đồng nguyên nhơn với nhau là đất quanh Cao nguyên Tây Tạng quá xấu, khí hậu lại quá lạnh. Đó là khí hậu lục địa (climat continental).

Họ làm gì suốt trên 1.000 năm làm chủ Ấn Độ? Họ đã thiết lập một nền văn minh rất cao, mà các nhà khảo tiền sử chỉ mới khám phá ra đây thôi, nền văn minh cao đó kéo dài lối 900 năm mới bị bọn da trắng diệt đi, tức họ di cư tới địa bàn Ấn Độ có 500 năm là đã từ dã man vượt lên văn minh tột bực, văn minh hơn cả cổ Ai Cập nữa.

Nước của họ tên gì, không ai biết cả và các nhà khảo cổ ước lượng nó sinh trưởng từ lối 3.500 năm T.K. đến 2000 T.K. thì bị chủng da trắng Aryen từ phương Tây đến, diệt đi.

Khi mới khai quật được hai thành phố chôn vùi là Harappa và thành Mohenjo Daro, thì các nhà khảo cổ thoạt tiên nghĩ rằng đó là thành phố của dân da trắng, từ Địa Trung Hải đến, tức là dân Aryen.

Nay xét kỹ lại thì đó là thành phố của chủng Mleech'a, vì họ nghiên cứu lại thánh kinh Phệ Đà của chủng Aryen trong đạo Bà La Môn, thì thấy thánh kinh này nói đến bằng lời lẽ khinh bỉ, một thứ thị dân kia, da đen, mà họ gặp khi họ xâm nhập Ấn Độ, còn chính họ thì du mục, và da trắng.

Khoa khảo cổ đã làm việc rất nhiều mà không hề đào được thành phố nào khác, mang tánh cách văn hoá khác. Vậy hai thành phố đào được là của chủng Mleech'a đã bị đen da rồi, sau khi hợp chủng với Mê-la-nê-diêng.

Thánh kinh Phệ Đà của Aryen da trắng nói rõ rằng đó là thị dân, tức dân ở thành phố, và da đen. Còn họ thì da trắng và chưa biết cất nhà.

Hai thành phố đã khai quật được là thành Harappa và thành Mohenjo Daro, được định tuổi là 3.500 năm, cho thấy một nền văn minh có thể nói là hơn văn minh của Cổ Ai Cập ở nhiều điểm, vì tuy họ chỉ xây cất bằng gạch chớ không biết dùng đá, nhưng họ giỏi cho đến nỗi gạch của họ, bị chôn vùi dưới đất ẩm năm ngàn năm rồi mà không hỏng, cả ở bề mặt ngoài nữa, và họ xây cất cho dân ở, chớ không phải thánh thần như ở Cổ Ai Cập hoặc như chủng xâm lăng da trắng là chủng Aryen, về sau này.

Thành phố gồm toàn nhà lầu, có đường sá rộng lớn, có ống cống, ống dẫn nước, có cầu xí hầm với bàn ngồi, có chỗ tập trung rác rến. Dân đó biết dùng đồ đồng và có văn tự để lại (nhưng chưa ai đọc được).

Muốn đọc cổ tự phải biết cổ tự ấy thuộc ngôn ngữ nào. Biết họ là Mã Lai, là chúng tôi, chớ các nhà khảo tiền sử không dè thành thử họ không học tiếng Mã Lai để mà đọc cổ tự đó.

Có những phương pháp giúp ta đọc cổ tự lạ, khi biết cái ngôn ngữ lạ đó, phương pháp ấy ra đời từ ngày Âu châu bắt đầu tìm đọc cổ tự Ai Cập.

Nhưng rồi ngày kia họ cũng biết đó là cổ tự của Mleech'a, họ sẽ học tiếng Mã Lai, và sẽ đọc được, và những văn kiện ấy sẽ giúp ta biết nhiều hơn về chủng Mã Lai cổ thời.

Đã bảo thoạt tiên các nhà khảo cổ Âu Châu ngỡ đó là thành phố của một thứ người da trắng là người Aryen, nhưng lại có chứng tích trong thánh kinh Phệ Đà của người Aryen cho biết rằng chủng da đen đã biết xây cất thành phố rồi, còn Aryen thì chưa biết cất nhà.

Chứng tích thứ nhì là trong thánh kinh Phệ Đà, không có thần Shiva, còn dân Mleech'a thì có thần ấy từ muôn xưa. Còn nay thì thần Shiva lại đã nghiễm nhiên chiếm địa vị sang trọng trong đạo Bà La Môn của người da trắng Aryen và người da trắng Aryen lại cũng bị đen da từ bốn ngàn năm nay, thì cuộc hợp chủng và hợp văn hoá giữa Mleech'a và Aryen không còn chối cãi được.

Mà hễ có hợp chủng, hợp văn, hợp tôn giáo thì người da đen Mleech'a đã thắng vậy.

Đạo Bà La Môn cấm dân xứ ấy kết hôn với dân bị trị, xưa thì thế, nay thì họ chỉ còn cấm các giai cấp Bà La Môn kết hôn với các giai cấp thấp hơn, thì tại sao dân da trắng Aryen lại bị đen da được?

Hiện tượng này sở dĩ xảy ra vì một kẽ hở của lịnh cấm.

Nên biết rằng dân da trắng Aryen xâm nhập Ấn Độ từ phía Bắc, dân Mleech'a bị đẩy lùi ra ba góc tam giác Ấn Độ, và tại phương Nam họ chống cự mãnh liệt, người Ấn không bao giờ chiếm được đất phương Nam của họ cả.

Suốt lịch sử gồm hơn bốn ngàn 500 năm của Ấn Độ, họ có thống nhứt được hai lần, một lần dưới trào Ashoka, vào năm 322 T.K. và một lần dưới trào Akbar vào năm 1556 S.K. nhưng ba nhóm Dravidien lớn là nhóm Cholas, nhóm Cheras và nhóm Pandyas đều thoát khỏi cuộc thống nhứt ấy về mặt chánh trị.

Họ chỉ bị nhiễm văn hoá Ấn Độ mà thôi, và bị lai giống lần hồi, đến nay vẫn chưa xong cuộc hợp chủng, chớ không hề bị trực trị.

Sở dĩ hiện nay họ phải nằm trong quốc gia Ấn Độ là vì khi người Anh rút lui thì họ trao trả toàn cõi cho phe của ông Nê Rư, tức trao trả bậy bạ. Rồi thì phe ông Nê Rư dùng sức mạnh để ngăn Malayalam trở về sự độc lập như xưa, nhưng phao lên rằng là ngăn ly khai.

Thuở ấy có bốn nhóm không bằng lòng cuộc trao trả kỳ dị như vậy và đòi độc lập:
  1. Nhóm Tích Lan. Đối với nhóm này thì ông Nê Rư nhượng bộ vì họ ở ngoài đảo mà ông ta thì không có tàu bè gì hết.

  2. Nhóm Naga, ông Nê Ru không nhượng bộ. Nhưng quân đội của ông ta đánh mãi mà không thắng được bọn ấy nên ông ta lờ đi.

  3. Nhóm Hyderabad. Nhóm này đã lai Ấn Độ rất đậm, nhưng họ đã lập quốc riêng từ 4 ngàn năm rồi, nên họ ly khai. Ở đây thì mới gọi được là ly khai vì Hyderabad giống hệt như nước Sở của Tàu, một quốc gia lai giống và đã hùng cường, và cũng ly khai từ ngày xưa. Ông Nê Rư đã xua quân đánh nhóm Hyderabad. Vì nhóm ấy nằm trong ruột của Ấn Độ, tức yếu thế nên phải bại trận.

  4. Nhóm Nam Ấn thấy Hyderabad mạnh hơn mà vẫn thua, nên không dám rục rịch. Nhưng sau đó khi ông Nê Rư lấy phương ngữ Hindi làm thừa ngữ cho toàn quốc, bỏ ngôn ngữ 5 ngàn năm của họ, đã sản xuất được bốn nền văn chương khá rực rỡ, nền văn chương Tamoul, nền văn chương Télégu, nền văn chương Kanara, và nền văn chương Malayalam thì họ bạo động đổ máu, khiến người thừa kế của ông Nê Rư huy động quân đội xuống để “dẹp loạn”.
Xin trở lại khe hở nói trên, tồn tại đến ngày nay, nhờ thế mà người ta mới biết được một sự thật về lịch sử và về chủng tộc quan trọng.

Số là ở Nam Ấn, vì lý do không đánh chiếm được, nên dân Aryen đổi chiến lược, gởi các thầy Bà La Môn xuống giảng đạo để làm cán bộ xâm lăng chậm chạp và trá hình, còn các giai cấp khác thì không được xuống đó.

Các thầy Bà La Môn giảng đạo thành công rồi thì lại cũng bày trò giai cấp và cũng cứ các thầy làm giai cấp hạng nhứt.

Vua chúa và quan lại của chủng Mã Lai Dravidien thì bị đẩy xuống làm giai cấp hạng nhì y như ở Bắc Ấn, mà vua chúa cũng chỉ thuộc giai cấp hạng nhì như chiến sĩ.

Dĩ nhiên là cuộc kết hôn giữa giai cấp này và giai cấp khác bị cấm hẳn (cả ở Bắc Ấn mà giai cấp hạng nhì, cũng thuộc chủng da trắng Aryen mà cũng bị cấm kết hôn với giai cấp hạng nhứt Bà La Môn, trừ vua. Ở Nam Ấn thì giai cấp hạng nhì trở xuống, toàn là người bổn xứ thì càng cấm ngặt hơn nữa).

Con trai thứ của giai cấp Bà La Môn lại bị cấm cưới vợ (bất kỳ cưới ai) vì lý do kinh tế. Họ sợ đất ruộng của gia tài bị chia manh xẻ mún. Để giải quyết vấn đề sinh lý, con trai thì được xã hội làm ngơ để cho tư tình hoặc hiếp dâm con gái của các giai cấp dưới.

Nhưng những đứa con lai thì lại được xã hội nhìn nhận và cho vào các giai cấp trung gian. Đó là chứng tích của sự đen da của chủng da trắng Aryen bị bắt gặp ngày nay tại Kerela, nơi mà cuộc hợp chủng chưa hoàn thành, dân Mã Lai thuần chủng còn rất đông.

Tình hình ở Ấn Độ giống hệt tình hình ở Trung Hoa, chỉ có khác là chủng Aryen không đồng hoá được chủng Mleech'a như chủng Hoa đã đồng hoá được chủng Việt ở Hoa Nam vì người Aryen kỳ thị hơn người Trung Hoa, mà cũng vì những dịp thống nhứt xứ sở của họ rất là mạng yểu. Trung Hoa đã thống nhứt được từ đời Tần, Ấn Độ cũng vậy, nhưng nền thống nhứt của Trung Hoa liên tục, thỉnh thoảng mới có phân ly vài mươi năm như dưới các thời Lục Triều, Ngũ Đại, Tam Quốc, còn Ấn Độ thì không bao giờ thống nhứt được trên 300 năm.

Ở Bắc Ấn, thiên hạ đã đen hết cả rồi, nên không ai còn làm sao mà hiểu được nguyên nhơn đen da của chủng da trắng Aryen, nhưng ở Kerela thì chủng Mã Lai Dravidien còn đang hợp chủng với giai cấp Bà La Môn, giai cấp này, ở Kerela còn một số người da trắng, và vì còn cái tục là cấm con trai cưới vợ nhưng cho phép tư tình và hiếp dâm con gái giai cấp dưới, nên người ta mới khám phá được hiện tượng trắng thành đen của chủng Aryen.

Hiện nay ở Ấn Độ, chính trong giai cấp Bà La Môn mà cũng chia ra nhiều đẳng cấp, có trên, có dưới, mà giai cấp Bà La Môn ở Kerela lại bảnh nhứt nước Ấn Độ vì họ còn trắng da, như Tây.

(Xin đừng lầm lẫn giai cấp Bà La Môn Kerela với dân Bombay, dân này cũng trắng da. Nhưng họ không phải là người Ấn. Họ chỉ là dân Ấn, nhưng gốc Ba Tư di cư, cũng thuộc chủng da trắng).

Tiểu bang Kerela là tiểu bang mà toàn thể dân chúng bị khinh rẻ nhứt nước Ấn Độ, nhưng giai cấp Bà La Môn ở đó lại đứng hàng đầu của phái Bà La Môn Ấn Độ. Có hiện tượng kỳ lạ ấy, vì các thầy Bà La Môn ở Kerela còn một số trắng da, y như Tây, như đã nói, bởi cuộc hợp chủng chưa chấm dứt.

Tại sao giai cấp Bà La Môn ở Kerela còn trắng da mà ở Bắc Ấn thì đã đen? Vì giai cấp ấy đến Kerela truyền đạo sau rốt hết, chỉ lối 2.500 năm nay mà thôi, nên họ còn giữ được chủng của họ, còn ở Bắc Ấn thì cuộc chung đụng giữa Mleech'a và Aryen đã xảy ra từ quá lâu đời (5.000 năm) không còn ông Bà La Môn nào thoát đen được cả.

Hiện nay, nhìn vào một bức dư đồ phân phối ngôn ngữ, ta thấy dân Mleech'a Dravidien còn chiếm được tới một phần ba đất đai Ấn Độ với bốn nhóm ngôn ngữ sau đây: Télégu, Kannara, Tamoul và Malayalam. Ngôn ngữ Tamoul chiếm hết phân nửa khác, dân Tích Lan nói tiếng Bắc Âu Aryen sai bậy đến nát bét hết.

Đã bảo trừ giai cấp Bà La Môn có xuống Nam Ấn truyền đạo, còn giai cấp khác thì không nhưng sao lại có bọn nói tiếng Bắc Ấn này? Đó là phu trồng trà do người Ăng Lê đưa xuống khi họ chiếm Tích Lan vốn là Mã Lai. Người Ấn Độ siêng năng hơn người Tích Lan vốn là Mã Lai, nên Ăng Lê đã dùng phu người Ấn và hiện họ chiếm 50% dân số ở Tích Lan.

(Từ ngày thu hồi độc lập, chánh phủ Tích Lan đã đuổi người Ấn về Ấn, nhưng chánh phủ Ấn lại không nhận dân bị đuổi thành thử dân Ấn ở đó không có quốc tịch vì dân Tích Lan không cho họ vào quốc tịch Tích Lan).

Tình trạng của chủng Dravidien y hệt như Việt Nam, tức phải chịu văn hoá Ấn Độ, như ta phải chịu văn hoá Tàu, nhưng giữ được ngôn ngữ. Có khác là họ đã bị nước Ấn Độ của ông Nê Rư thôn tính họ, sau hàng ngàn năm họ độc lập, còn ta thì nay độc lập, sau một ngàn năm bị trị.

Nhưng người ta tiên liệu rằng thế nào rồi họ cũng tách rời ra. Khi một trăm triệu người và khi 1/3 đất đai và dân số muốn ly khai thì rất khó giữ họ lại trong một nền thống nhứt nhị chủng mà chủng lép vế lại chưa bị đồng hoá hẳn.

Hồi đồng chủng với Ấn, thế mà vẫn còn đòi ly khai vì tôn giáo thì Nam Ấn không có lý do không ly khai vì họ khác chủng.

Sự kỳ thị chủng tộc kể từ ngày ông Nê Rư cầm quyền, nổi bật lên rõ rệt và được tiếp tục cho đến ngày nay.

Số là thâu thuế thì các tiểu bang thâu đều và đóng đều cho ngân sách trung ương, rồi trung ương trợ cấp lại cho các tiểu bang để họ chi dụng.

Nhưng hễ tiểu bang nào thuộc chủng Malayalam thì bị nhận trợ cấp thấp hơn nhu cầu rất xa, khiến dân phải đói. Tại tiểu bang Kerela, dân chúng mộ đạo nhứt nước Ấn Độ, vậy mà có mấy năm họ quá đói nên họ bỏ thăm cử cộng sản lên nắm quyền của tiểu bang.

Ông Nê Rư không biết làm sao giải quyết, bèn bắt bọn dân cử ấy mà hạ ngục hết ráo.

Khi mà lãnh đạo Ấn thực thi chánh sách kỳ thị chủng tộc như vậy thì Mã Lai Ấn Độ tất nhiên phải ly khai khi nào có dịp thuận tiện, và nước Ấn Độ, đã bị lai với Mã Lai rồi, sao cứ còn kỳ thị với Mã Lai thì cũng lạ.

Đạo Bà La Môn là một tôn giáo mềm dẻo, chấp nhận cả thần thánh của các tôn giáo khác để tồn tại và lãnh đạo họ trong một cuộc hỗ tương nhượng bộ. Thế nên ngày nay ta mới thấy đạo Bà La Môn thờ thần Shiva, thờ dương vật và âm vật, đó là thần thánh của chủng Mã Lai, tồn tại cả trong xã hội Việt Nam ngày nay nữa chớ không riêng gì ở các xã hội theo văn hoá Ấn Độ. Đạo Bà La Môn nguyên thỉ không có thần Shiva cũng không có thờ âm vật, dương vật.

Ca dao và tục ngữ của dân ta đầy dẫy những câu hát tục tĩu và ở nhiều làng còn thờ dâm thần, còn múa mo, âm vật và dương vật được thay bằng cái mo và cây tre, còn gọi con trai là Chày, con gái là Sọt, y hệt như các tiệm tạp hoá ở Ấn Độ bán chày và cối cho dân chúng mua về thờ, còn có đám rước âm vật (làng Đồng Kỵ), còn chơi trò tranh giành Nõn Nường mà dân miền Trung gọi là Lỗ Lường.

Người ta cứ ngộ nhận đó là tục của tù binh Chàm bị Việt hoá, nhưng không phải thế, những trò ấy xảy ra ngay tại Bắc Ninh và Phú Thọ, trung tâm văn hoá Lạc Việt, tù binh Chàm chỉ được cho định cư ở các làng quê hẻo lánh để khẩn hoang, chớ đâu được ở Bắc Ninh, Phú Thọ.

Chúng tôi nói rằng Thái cũng là Mã Lai và tục Ném Còn của họ cũng chỉ là dương vật và âm vật mà thôi.

Trong một đám cưới, ông mai phải cầm trái Còn (dương vật) ném cho lọt vào một cái vòng tre bằng giấy mỏng tượng trưng âm vật còn màng trinh, ném lọt vào được thì đám cưới mới cử hành được. Rồi sau đó thì trai gái trong làng liền tiếp theo chơi cái trò chơi ấy, không còn tánh cách tôn giáo như khi nãy nữa, nhưng cũng cứ là những hành động chúc lành cho đám cưới.

Ta sẽ thấy tôn giáo đồng bóng ở một chương khác, có mặt khắp Đông Nam Á, cũng mang tánh cách đó của chủng Mã Lai, mà Tây phương gọi là tôn giáo Phiền thực (Religion de la fécondité) không bao giờ có trong thánh kinh Phệ Đà.

Hiện tại, người ta thấy xã hội Mã Lai Kerela quá giống xã hội Mã Lai Chàm.

Chàm có câu ca dao:

Đàn ông đi đánh giặc
Đàn bà đi săn sóc con cái

Dân Kerela cũng có một câu ca dao y hệt như vậy và dân Kerela vẫn cứ còn theo mẫu hệ, mặc dầu họ trí thức nhứt trong nước Ấn Độ ngày nay. Ở tiểu bang đó, số người mù chữ thấp nhứt nước tức họ giỏi hơn cả chủng Aryen nữa.

Người Chàm tôn trọng chiến sĩ, người Kerela cũng tôn trọng chiến sĩ. Giai cấp chiến sĩ, thuần chủng Malayalam, chỉ kém có giai cấp Bà La Môn là giai cấp Ấn Độ thống trị mà thôi, ngoài ra họ đứng đầu tất cả mọi giai cấp khác.

Nhưng dân Kerela lại không hề có đi chinh phục Chàm bao giờ cả. Họ cũng chẳng có đi khai hoá Chàm. Đó là công việc của một nhóm Ấn khác.

Sự giống nhau ấy là do họ đồng chủng, đồng văn hoá với nhau, tự nhiên mà giống chớ không phải vay mượn. Đành rằng về sau Chàm theo Ấn, nhưng họ đã giống Nam Ấn sẵn rồi, thì sau đó mới theo văn hoá Ấn.

Các sử gia Pháp viết sử Chiêm Thành đều nói rằng sau Phạm Văn vài đời thì người của nước Lâm Ấp do dự giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá Ấn Độ. Phạm Văn đã đưa văn hoá Trung Hoa vào nước Lâm Ấp rồi, từ vài trăm năm trước đó.

(Họ do dự được là nhờ độc lập; chớ không bị trị như ta).

Nhưng rốt cuộc thì họ chọn văn hoá Ấn Độ.

Các sử gia Pháp không cắt nghĩa được sự chọn lựa kỳ dị ấy bao giờ, kỳ dị vì Chàm đã trót theo văn hoá Trung Hoa rồi, và thấy văn hoá Tàu là cao.

Nhượng Tống làm ta có thể hiểu rằng vì văn hoá Ấn Độ thời đó đã mang nặng nhiều yếu tố Mã Lai rồi, mà những yếu tố Mã Lai thì gần gũi với tâm hồn người Chàm, Chàm vốn là Mã Lai.

Tại sao tất cả bao nhiêu thứ dân ấy đều đồng ngôn, đồng sọ, mà chúng tôi không gọi chủng đó là chủng Nhựt Bổn, chủng Thục, chủng Âu hay chủng Thái, hoặc chủng Tạng như Tàu đã gọi, mà lại gọi là chủng Mã Lai, tức lấy Mã Lai làm căn bản?

Là tại tất cả những danh xưng ấy đều chỉ cổ có lối hai ba ngàn năm, còn danh xưng Mleech'aMalayalam thì cổ đến 5.000 năm, tức danh xưng Mã Lai có trước nhứt.

Lại thấy rằng tất cả bao nhiêu ngôn ngữ trên kia đều bắt nguồn từ Tạng ngữ (xin xem Ngôn ngữ tỷ hiệu), và nhiều dân tộc như Khuyển Nhung, Miến Điện, Cao Miên thì rõ ràng xuất phát từ chơn Cao nguyên Tây Tạng mà họ cũng nói tiếng Mã Lai, ta có thể kết luận rằng Mã Lai chủng xuất phát từ chơn Cao nguyên Tây Tạng, trái hẳn với các sách xưa cho rằng họ xuất phát từ Nam Dương.

Tại sao lại không nói người Tây Tạng là dân Mleech'a hay dân Việt di cư đến Tây Tạng mà lại nói dân nào cũng từ Tây Tạng xuất phát ra? Vì Tây Tạng là một Cao nguyên khô cằn nhứt trong các địa bàn Mã Lai, đất đai còn xấu hơn đất Ninh Thuận của ta nữa, thì không có dân nào lại dại mà di cư đến Tây Tạng.

Tuy nói thế chớ những dân di cư túa ra khắp nơi chỉ là dân sống chung quanh Cao nguyên Tây Tạng chớ không phải là dân của chính Cao nguyên Tây Tạng, như ta sẽ thấy ở các chương khác. Nhưng những vùng đất ở quanh Cao nguyên Tây Tạng cũng chỉ là đất rất xấu.

Tới đây, ta không còn phải khó chịu nữa khi nghe ông G. Cocdès gọi người Thượng ở Cao nguyên khi thì bằng danh xưng cổ Mã Lai, khi thì bằng danh xưng Dravidien.

Ông G. Cocdès không bao giờ giải thích tại sao ông dùng danh từ quá xô bồ như vậy, nhưng rõ ra thì Dravidien Nam Ấn và Thượng là một, tức đồng chủng Cổ Mã Lai với nhau.

Ông G. Cocdès đã bác bỏ các nhà ngôn ngữ học, họ cho rằng người Thượng là người Cao Miên.

Không, ngôn ngữ căn bản của người Thượng là Mã Lai ngữ, như ta sẽ thấy, họ chỉ có một số danh từ giống Cao Miên vì sự gần gũi với một dân tộc văn minh hơn họ mà thôi.

Nhưng người Cao Miên cũng chỉ là Mã Lai như ta đã thấy thì không thể nói Thượng là phụ chủng của Cao Miên được. Tất cả đều là phụ chủng Mã Lai.

Cũng đừng nên lẫn lộn hai đợt di cư của Mã Lai đi Ấn Độ, nó khác hẳn hai đợt di cư từ Hoa Bắc về thời điểm.

Khi bọn Mã Lai đợt I di cư sang Ấn Độ thì Mã Lai đợt I ở Hoa Bắc chưa di cư, mà có lẽ cũng chưa tràn sang Hoa Bắc nữa, bằng vào sự vắng bóng dấu vết của họ tại Hoa Bắc.

Còn trong đợt Mã Lai I di cư từ Hoa Bắc, có một nhóm cũng đi Ấn Độ, nhưng chỉ đến Đông Ấn rồi lại lộn sang Đông phương. Vì sao? Vì họ thấy nơi đó đồng bào của họ đang bị chủng Aryen xâm lăng và đánh đuổi, nên họ không ở lại làm gì để phải chịu số phận của đám Dravidien đó.

Hoá ra đợt I Trung Hoa tức là đợt I Ấn Độ.

Còn đợt II Trung Hoa thì không bao giờ có đi Ấn Độ cả, có lẽ vì họ đã biết tin tức là người đồng chủng của họ đã hoàn toàn đại bại và bị đẩy lùi xuống Nam Ấn tất cả rồi.

Chỉ còn một điểm không ai biết cả là Mã Lai nằm sẵn lại Hoa Nam có di cư cùng lúc với bọn Mã Lai sang Ấn Độ hay là không.

Ta có linh cảm mà không có chứng tích là họ đi Ấn Độ và đi Hoa Nam đồng lúc với nhau, nhưng họ là hai chi khác nhau chớ không phải một. Linh cảm ở điểm thứ nhì hơi vững hơn.

Ta đã thấy rằng dân nước Sở nói tiếng Mã Lai Nam Dương.

Mặt khác dân Mã Lai Hoa Bắc đợt I đi Ấn Độ hẳn phải đi tìm bọn đồng ngôn. Thế thì Dravidien là một thứ người với Mã Lai Hoa Bắc.

Tuy cả hai thứ đều là Mã Lai, đều có một số danh từ chung nhưng vẫn có một số danh từ riêng và bọn nói Chơn phải đi theo bọn nói Chơn, tức Dravidien và Mã Lai Hoa Bắc nói Chơn, Hoa Nam và Nam Dương nói Cẳng.

Chính vì hai thứ Mã Lai đó khác nhau nên khi rời gốc tổ là HiMalaya một đàng sang Tây, một đàng sang Đông. Vậy là bọn gọi là đợt II ở Hoa Nam di cư đến Trung Hoa trước bọn đợt II, và đồng lúc với bọn đi Ấn Độ.

Nhưng ở Trung Hoa họ không văn minh cao như ở Ấn Độ.

Ta cần xét lại thuyết của giáo sư Kim Định lần cuối cùng bằng cách nghiên cứu hẳn chủng Miêu, coi chủng ấy có dính dáng gì đến chủng Việt chăng để ông đặt tên là Viêm và định nghĩa rằng:

Viêm = Miêu + Việt, và Tàu Hoa Bắc = X + Miêu + Việt

Cũng trong dịp này, ta có thể bác bỏ luôn ông Lê Chí Thiệp và ông Nguyễn Bạt Tuỵ về nguồn gốc của dân ta.

Miêu không phải là một dân tộc mà là một chủng rất lớn có mặt ở khắp nơi trên đất Tàu, nhưng không có mặt ở đâu nữa hết, trừ các nhóm di cư đến thượng du Bắc Việt và Bắc Ai Lao cách đây mấy trăm năm.

Giáo sư Kim Định cho rằng một chủng tộc tên là Viêm = Việt + Miêu.

Chúng tôi ngạc nhiên lắm mà thấy các nhà học giả ta cãi nhau lung tung về các chủng tộc, nhưng không hề có ai dùng chứng tích chỉ số sọ cả, mà đó là chứng tích độc nhứt không thể chối cãi được. Có lẽ vì tài liệu khó tìm, có thể có vị không biết rằng tất cả các chủng tộc ở Á Đông đều được đo sọ cả rồi nữa cũng nên.

Ngoài cái vụ Viêm tộc không hề có, nhiều nhà trí thức khác cũng nói người Miêu, người Dao là người Việt.

Ông Lê Chí Thiệp cũng đã dựa vào cổ sử Trung Hoa để chủ trương như vậy, trong khi chúng tôi đã nói nhiều lần rằng chỉ có khoa chủng tộc học mới là đưa tới kết quả không sai lầm mà thôi. Khoa này chứng minh rằng Miêu và Dao đồng chủng với nhau và khác Việt, còn ông Lê Chí Thiệp thì lại nói Dao và Việt là một. Ông Lê dựa vào cổ sử Trung Hoa, cổ sử ấy cho biết rằng người Dao búi tóc, ông chủ trương rằng họ là người Giao Chỉ, chủ trương đó cần được soát lại. Cái búi tóc chỉ là yếu tố văn hoá, dân này có thể vay mượn của dân khác. Ngôn ngữ học và việc đo sọ mới là cái gì có tánh cách vững chắc.

Một bức ảnh trong chương này cho thấy người Dravidien ở Nam Ấn búi tóc y hệt như các cụ V.N. Ở chương Mã Lai chủng, chúng tôi có trình ra chứng tích rằng Dravidien là Mã Lai đấy, nhưng không phải từ Trung Hoa mà đến Ấn Độ. Thế là có rất nhiều nhóm Mã Lai búi tóc chớ không riêng gì dân Dao và dân Việt.

Có hai thứ người Dao mà Trung Hoa viết khác nhau, nên các tự điển ta cũng viết khác nhau: Dao và Giao.

Dao, Tàu viết với bộ Khuyển và chữ Miêu (và gần đây họ thay bộ Khuyển trịch thượng đời xưa bằng bộ Ngọc (hay Vương). Dao đó thuộc Miêu tộc, có một số có di cư đến thượng du Bắc Việt mà ta gọi là Mán này, Mán nọ.

Thiếu phụ Mạ ở buôn CAMOUNG đang dệt vải. Có sọ Mã Lai và ngôn ngữ Mã Lai, tuyệt đối không phải Cao Miên như sách Tây đã viết. Người này xinh như một thiếu phụ Việt có nhan sắc bực trung, còn phụ nữ Cao Miên thì xấu xí hơn nhiều.

ẢNH ĐỐI DIỆN. Một buổi họp việc làng ở Nam Ấn Độ sau ngày độc lập. Người Nam Ấn thuộc chủng Dravidien, tức chủng Mã Lai đã bị lai giống với Ấn Độ một phần. Xin đặc biệt chú ý đến hai búi tóc của hai cụ bô lão, y hệt như búi tóc Việt Nam. Có hàng chục nhóm Bách Việt để búi tóc và búi tóc không phải là biệt sắc cần theo dõi.

Còn Giao thì viết ba cách:
  1. Giao, như giao thiệp, đó là chữ dùng cho Giao Chỉ, v.v.

  2. Bộ Trùng, đó là dân Giao của quyển Sơn Hải Kinh, thứ dân sợ con giao long, nhưng sách đó không cho biết dân đó ở đâu một cách đích xác.

  3. Bộ Ngư, đó là dân Giao cũng cứ của Sơn Hải Kinh, chỉ một thứ dân nửa cá nửa người, sống dưới đáy biển, trồi lên buôn bán với người và khóc ra những giọt lệ biến thành hạt trai.
Cả hai thứ Giao đó, đều không còn, không thấy ghi trong các sách địa lý của Trung Hoa ngày nay, có lẽ vì không bao giờ có họ.

Và chính dân Giao ấy không búi tóc mà phải xén tóc ngắn, cả hai đều sống dưới nước, nếu quả có họ.

Ông Lê Chí Thiệp viết với chữ D thì tức là nói đến người Dao hiện còn mà ta gọi là các thứ Mán.

Thật thế, ông lại đưa chứng tích ngôn ngữ thì chắc chắn là xem hai chủng khác nhau thì bốn đơn vị có là dấu vết của sự lai căn được chăng? Hẳn là không.

Đó là về nhơn thể tính. Ta thử xét qua các điểm khác có thể xem là tương đồng Hoa Miêu (Hoa Miêu chớ Việt Miêu thì tuyệt đối không có điểm tương đồng nào cả).

Họ có một huyền thoại về nguồn gốc của họ, giống của Trung Hoa, nhưng xét ra thì họ chỉ vay mượn để chưởi dân Trung Hoa mà họ căm thù.

Nên nhớ rằng vật tổ của dân Mông Cổ là con chó sói.

Hậu duệ của Mông Cổ là người Tần cổ sơ cũng thờ vật tổ là con chó Đại bản, tuy chỉ là con chó thường, nhưng nặn tượng bằng đất, họ để con chó ấy ngồi đưa mõm lên trời trông giống con chó sói đang tru.

Nhưng từ đời Hán đến giờ thì họ không thờ nữa, con chó Đại bản chỉ còn là vật trang trí bằng đất tráng men gắn trên nóc nhà hay đặt trước sân các đền, miếu mà thôi.

Người Miêu mượn chó Đại bản để thờ nhưng kể sự tích như thế này:

Vua Trung Hoa đánh giặc mãi mà cứ thua hoài, bèn rao lên rằng ai mà lui giặc được thì gả công chúa cho, và chia cho nửa nước.

Con chó Đại bản tới xin quân dẹp giặc và thành công.

Vua Tàu bèn thí công chúa cho nó, còn nước thì ông ta ăn gian, thay vì chia phân nửa trên mặt đất, ông ta lại chia phân nửa trên không trung, thế nên ngày nay người Miêu chỉ ở trên núi, còn người Tàu thì ở đồng bằng.

Như đã nói, xưa kia Miêu và Lạc làm chủ nước Tàu, trước khi người Tàu đến. Nhưng thay vì di cư như chủng Việt, họ rút lên núi mà sống từ năm ngàn năm nay, cho đến nỗi lối sống đó biến thành phản ứng sinh lý nơi họ, ngày nay họ xuống đồng bằng là mắc bệnh tức thì.

Thấy rõ rằng họ không có chung vật tổ thật sự mà Miêu chỉ mượn vật tổ để chưởi Tàu cướp đất và có con gái gả cho chó.

Họ không có nét Mông Cổ nào hết để nghĩ rằng sở dĩ họ thờ chó vì họ cũng có lai giống với Mông Cổ.

Chưa ai cắt nghĩa được nguồn gốc, ý nghĩa của danh xưng Miêu một cách ổn thoả cả. Thuyết cho rằng ngôn ngữ Miêu giống tiếng mèo kêu, thuyết ấy bị Guy Moréchaud bác bỏ rất có lý rằng chính tiếng Tàu giọng Hoa Nam mới có 6 thanh còn tiếng Miêu thì chỉ có hai thanh thì lẽ ra người Miêu phải gọi Trung Hoa là Mèo mới đúng.

Ông P. Le Convreur có thử giải thích ý nghĩa của danh xưng Miêu bằng vào tự dạng, Thảo đầu và Điền. Ông nói, đó là dân làm ruộng rất dở, không biết làm sạch cỏ trong ruộng, giải thích này phù hợp với quan sát của các nhà dân tộc học Âu châu về người Miêu là mãi cho tới ngày nay họ vẫn trồng trọt dở hơn là chăn nuôi. Và như đã nói, họ khác ta về phản ứng sinh lý nữa chớ không riêng gì về sọ: họ ở trên núi cao được, còn ta và Tàu thì không.

Chúng tôi đọc nhiều sách cho một vấn đề, một dân tộc, và cho mỗi dân tộc, chúng tôi chọn một quyển làm tài liệu chủ lực. Về chủng Miêu thì chủ lực là quyển “Le chamanisme Hmong” của Guy Moréchand.

Ông Guy Moréchand ghi chép bằng chữ La-tinh hằng lô những câu đối thoại, những lời khấn vái của họ, nhưng chúng tôi không tìm được danh từ nào hơi giống tiếng Việt như là Chàm đã giống, hay Cao Miên, hay Thái đã giống.

Về ngôn ngữ, ông Lê Chí Thiệp dựa vào Prozyluski cho rằng ngôn ngữ Miêu cùng nhóm với ngôn ngữ Thái mà Thái ngữ lại giống Việt ngữ, ông Lê Chí Thiệp không có nói ra điều chắc chắn nhưng ta phải hiểu rằng ông ngầm cho Miêu ngữ đồng nhóm với Việt ngữ nhờ trung gian Thái ngữ. Nhưng Guy Moréchand, tác giả quyển Le chamanisme Hmong, quyển sách đồ sộ nhứt về Miêu tộc mà chúng tôi dùng làm tài liệu chủ lực cho chương này thì lại quả quyết rằng Prozyluski đã lầm và ngôn ngữ Miêu, Dao không hề dính líu gì về ngôn ngữ Thái cả. Ông Guy Moréchand vì nghiên cứu tôn giáo Miêu tộc, bắt buộc phải học ngôn ngữ của họ để hiểu những lời khấn vái, và ông làm việc ngay tại Quý Châu địa bàn chung của Miêu và Thái, nên ông lại phải học tiếng Thái vì người Thái có buôn bán, còn người Miêu thì không.

Thành thử không là nhà ngôn ngữ chánh hiệu, ông vẫn để dành nhiều chương sách cho ngôn ngữ Miêu, Dao, Thái. Hơn thế, ông còn nói rằng Prozyluski đã lầm.

Ông Lê Chí Thiệp dựa vào Prozyluski nói trên viết: “Không thể cắt nghĩa một cách hợp lý chỗ tương đồng giữa hai ngôn ngữ trên đây (Miêu và Việt Thái) nếu không nhìn nhận sự đồng chủng của hai dân tộc.

Cái tương đồng mà ông Lê Chí Thiệp nói đến là tương đồng ngữ pháp.

Ta không kể Guy Moréchand vì ông ấy cũng có thể sai và cứ xem như là ông Lê Chí Thiệp nói đúng, nhưng có một nguyên lý này về ngôn ngữ học áp dụng vào chủng tộc học, là hai dân tộc có ngữ pháp y hệt như nhau, không cứ là đồng chủng mà cho cả đến việc đồng ngữ pháp và ngữ vựng với nhau cũng không cứ là đồng chủng, lịch sử nhân loại đã cho nhiều thí dụ về các dân tộc bỏ ngôn ngữ của mình lấy ngôn ngữ của chủng khác vì áp lực hoặc vì cảm tình như trường hợp Thái Khorat mà chúng tôi đã dẫn ở chương Ngôn ngữ.

Nhưng sự thật thì Prozyluski đã lầm, hai ngữ vựng Miêu, Dao và Việt, Thái không có trùng hợp với nhau như Việt, Thái, còn thanh thì Miêu chỉ có hai thanh.

Sau 1945, một nhà bác học Nga có đến Quý Châu để nghiên cứu Miêu Thái. Ông ấy đã xác nhận Guy Moréchand: Prozyluski đã lầm, Thái ngữ và Miêu ngữ không có liên hệ nhau. Vì sống chung nhau họ có vài danh từ giống nhau, nhưng đó chỉ là Thái Quý Châu, còn Thái ở các nơi khác thì không, mà ở Quý Châu cũng chỉ giống nhau có vài chục danh từ mà thôi.

Vậy xin bác bỏ một lần nữa chủng Viêm của giáo sư Kim Định.

Trong bài tựa quyển Hành trình vào dân tộc học của giáo sư Lê Văn Hảo, giáo sư Nguyễn Bạt Tuỵ lại gọi dân ta là dân Giao viết với Gi, và ông phân biệt Giao Chợ, tức Việt Nam và Giao Mường, tức người Mường.

Chủ trương của ông Nguyễn Bạt Tuỵ chắc dựa vào tài liệu Tàu như của ông Lê Chí Thiệp, chỉ có khác là giáo sư họ Nguyễn viết chữ Giao khác hơn.

Không rõ giáo sư họ Nguyễn lôi kéo ta vào Giao nào. Nhưng dầu sao cũng không phải vào Dao với chữ D nó tả một chi của Miêu tộc.

Hiện nay người Miêu còn sống dưới chế độ chưa phân công, tức một cá nhơn vừa làm nông nghiệp vừa chăn nuôi, vừa làm thợ mộc, thợ rèn, v.v. Như thế là quá kém, kém hơn cả người Thượng ở Cao nguyên, thì cách đây 5.000 năm, họ không thể là thầy của Tàu được.

Mấy trang ngắn trên đây, cho ta biết thật đúng về chủng Miêu để cho phép ta gán ghép họ với các chủng khác. Tuy sự khác biệt chỉ số sọ của họ với Trung Hoa chỉ có một đơn vị thì có thể xem họ là một phụ chủng Tàu, nhưng cơ thể của họ lại chẳng có mang yếu tố Mông Gô Lích nào cả, và cơ thể Tàu cũng chẳng có mang yếu tố Miêu nào cả.

Ngôn ngữ thì như thế đó, tức không có lấy một tiếng Tàu, một tiếng Việt nào cả trong Miêu ngữ.

Nghiên cứu của ông G. Moréchand không phải là không được các nghiên cứu khác xác nhận và đó là những gì mà ta đã phải biết rõ mà có lẽ Mộng Văn Thông và Chu Cốc Thành cũng đã biết thật rõ.

Như vậy thì không hề có một chủng tên là Viêm gồm Miêu và Việt được.

Ở trang 405 giáo sư Kim Định cho rằng chỉ có một chủng mà ba thời đại được gọi tên khác nhau: Viêm là tên thái cổ, Miêu là tên thượng cổ, Việt là tên cổ và tên kim.

Nhưng cái sọ và ngôn ngữ thì như thế đó, sọ Việt là sọ Mã Lai, ngôn ngữ cũng thế.

Dân Giao bộ Ngư có thể là dân Hợp Phố bị huyền thoại hoá, mà ta sẽ thấy rằng dân Hợp Phố là Mã Lai đợt II, nói thứ ngôn ngữ của người Nam Dương.

Còn dân Giao bộ Trùng có thể là dân Việt ở gần Hồ Động Đình, ở đó có con giao long. Dân này cũng đã bị huyền thoại hoá. Nhưng không có tài liệu nào để nối kết nhóm Việt đó với ta hết. Cứ xem Tả Truyện thì biết dưới thời Xuân Thu ở đó có rất nhiều quốc gia Việt thuần chủng.

Nếu chỉ dựa vào chữ nghĩa thì cả ba chữ Giao đều viết khác nhau, tức cũng chẳng có dây liên hệ nào giữa ba tự dạng đó.

Vậy Miêu, Dao hay Giao gì cũng phải bị loại ra hết cả, vì Giao có thể không có bao giờ, còn Dao chỉ là Hyao, một chi của Miêu chủng mà ta gọi là Mán, mà Miêu thì lại có cái sọ khác ta đến bốn đơn vị.

Ở chương tới chúng tôi sẽ trình ra những dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam hiện kim mà quan trọng nhứt là sự đối chiếu sọ và ngôn ngữ Mã – Việt – Hoa.

Nhưng trước khi trình ra những chứng tích khoa học, chúng tôi cũng xin trình ra những chứng tích kém khoa học hơn, những chứng tích gián tiếp mà chúng tôi đã dùng, trước khi tìm được sách đo sọ của nhóm bác sĩ Huard và sách tóm lược kết quả khảo tiền sử ở toàn cõi Á Đông của ông G. Cocdès.

Những chứng tích gián tiếp ấy, chắc không được khoa học và dân chúng tin bao nhiêu, nhưng nó vẫn đưa chúng tôi đến cái sự thật là Việt = Mã Lai.

Chúng tôi đã có chứng tích gián tiếp ấy từ lâu rồi, nhưng không dám viết ra thành sách vì biết rằng khoa học và dân chúng không tin bao nhiêu. Nhưng giờ đã nắm được cái gì thật vững hơn, chúng tôi cũng trình ra cái ít vững, để cho thấy rằng khi mà cái ít vững lại rất hữu lý thì nó cũng là sự thật được chớ chẳng không.

Nếu muốn tìm một câu trong cổ thư Trung Hoa viết rằng:

Việt = Mã Lai

chắc không ai tìm được, vì cái lẽ giản dị là câu đó không có trong sách nào hết. Nhưng lại có rất nhiều câu khác đưa ta đến kết luận ấy, và nếu nhà bác học Trung Hoa Lăng Thuấn Thanh không xác nhận rằng Việt thuộc chủng cổ Mã Lai, chúng ta cũng có thể biết được cái chủng của dân Việt như thường.

Chúng tôi khám phá ra điều này trước khi đọc Lăng Thuấn Thanh, vả lại họ Lăng chỉ khẳng định Việt = Cổ Mã Lai, chớ không chứng minh được mà khẳng định thì bất kỳ ai cũng có thể khẳng định bất kỳ điều gì.

Khi qua các mê đạo của những sách Tây, Tàu, chúng tôi lượm được những viên ngọc quý sau đây:

Các sách dân tộc học Âu Mỹ và chính cả người Nhựt cũng xác nhận bằng lời với ta là hiện nay những ông già bà cả của họ còn có người xâm mình, răng nhuộm đen. Đó là tục rất cổ của họ mà lớp tuổi trẻ đã bỏ, y hệt như trong xã hội Việt Nam.

Quyển sử Nguỵ chí của Trung Hoa (đời Tam quốc) lại tả người Nhựt có tục Văn thân.

Khoa khảo cổ Nhựt tìm thấy trong những ngôi mộ cổ bên Nhựt, những hình người bằng đất ung, mặc áo cài nút về bên trái (Tả nhậm).

Như vậy Nhựt Bổn mang đến ba biệt sắc của chủng Việt, là Văn thân, tả nhậm và nhuộm răng đen.

Trên thế giới chỉ có hai dân tộc là có tục Harakiri, đó là dân của Câu Tiễn và dân Nhựt Bổn.

Mặt khác, khoa khảo cổ cho biết tánh cách Mã Lai của người Nhật đầu tiên, mà không phải là bất kỳ Mã Lai nào. Hình nhà khắc ở lưng gương đồng cổ thời của người Nhựt giống nhà Đông Sơn.

Hiện nay người Nhựt cũng còn ở nhà sàn, mà đó không phải là phát minh mới, mà là theo tục cổ của chủng Mã Lai, thấy được trong gương nói trên.

Người Nhựt cổ thời ở nhà sàn chớ không phải là ở nhà trên lỗ huyệt như các nhà khảo cổ của họ đã lầm. Lối kiến trúc Lập huyệt chi gia mà họ tìm thấy dấu vết, không phải là của dân tộc họ thời thượng cổ, mà của dân tộc khác, có lẽ là của người Aino.

Nhà bác học Hoà Lan P.V. Van Stein Callenfels lại tìm thấy dấu vết Mã Lai trong vật dụng cổ thời trên đất Nhựt mà chính nhà bác học Nhựt Bổn Matsumoto đã tìm được sự giống nhau giữa Nhựt ngữ và Mã Lai ngữ, và dây liên hệ giữa thần thoại Nhựt và thần thoại Mã Lai.

Ở một chương sau chúng tôi sẽ cho đối chiếu một mớ danh từ Việt Nam và Nhựt Bổn mà chúng tôi học được ở Sài Gòn. Chúng tôi đã đối chiếu xong một lần ở danh từ .

Như vậy là có đến sáu bảy cái khoen nối kết giữa Việt, Nhựt và Mã Lai, và ta có thể bằng vào những cái khoen ấy để viết ra tam đoạn luận sau đây:

Nhựt = Việt
Nhựt = Mã Lai
Vậy Việt = Mã Lai

Ta không thể viết cái tam đoạn luận ấy cho ta, vì ta chưa tìm được dây liên hệ nào hết, trong chương này. Nhưng ta sẽ viết mạnh tay hơn, ở chương khác, vì ta sẽ tìm được nhiều cái khoen nối kết hơn trong xã hội Việt Nam, nhứt là việc đối chiếu sọ.

Đây chỉ là một sự thoáng thấy của chúng tôi mà chúng tôi không dùng để làm chứng tích lớn.

Cũng nên biết rằng nhờ độc lập nên người Nhựt họ tự khảo tiền sử và khảo cổ sử của họ, chớ không có nhờ Âu Mỹ như ta. Nhưng thuở họ mới làm công việc ấy, vì chưa thấm nhuần nổi tinh thần khoa học, nên họ làm những công việc ấy rất ngây thơ. Hễ đào được bất kỳ cái gì ở dưới lòng đất, họ đều cho đó là của tổ tiên họ, thí dụ như lối kiến trúc “Lập huyệt chi gia” nói trên đây là một.

Về cổ sử họ làm cũng rất buồn cười. Nhân loại tiến lên qua nhiều giai đoạn, nhưng không phải dân tộc nào cũng qua đủ cả các giai đoạn, mà có rất nhiều dân tộc đốt bỏ một vài giai đoạn.

Họ học lịch sử tiến hoá của nhân loại với Âu Mỹ, và tự nhiên trong bài học người dạy phải đưa ra đầy đủ tất cả mọi giai đoạn.

Thế rồi về nước, viết cổ sử cho họ, họ quả quyết rằng tổ tiên của họ có qua đầy đủ các giai đoạn, đúng y theo những bài học tổng quát mà họ học được.

Họ lại không biết tổ tiên họ chỉ mới di cư đến Nhựt không lâu, nên họ nói chuyện thời ăn lông ở lỗ của họ tại đất Nhựt, trong khi thời ấy xảy ra tại Hoa Bắc và HiMalaya.

Những khám phá của ông Matsumoto là những khám phá mới đây mà họ đã thấm nhuần tinh thần khoa học được rồi.

Trên đây là toán học, nhưng không phải là máy móc vì mỗi yếu tố tam đoạn luận gồm sáu vế, đều đã được chứng minh một cách không thể cãi, và rồi sẽ còn nhiều chứng minh nữa chớ không phải chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi.

Thí dụ, chúng tôi sẽ chứng minh rằng tô-tem của Lạc Việt là Nai chớ không phải là Chim như toàn thể thế giới khoa học đều viết.

Mà hiện nay, cố đô Nại Lương của Nhựt Bổn rất nổi danh về đạo binh nai thần, mà họ nuôi một cách trịnh trọng y như là người Ấn Độ nuôi bò làm vật tổ.

Các du khách vừa đến phi trường Đông Kinh là thấy cả một thị trường tượng nai, nai bằng lụa dồn gòn, bằng gỗ, bằng đồng, bằng sơn mài.

Tại sao bán kỷ vật cho du khách, họ không bán con vật nào khác mà chỉ bán con nai, hoặc thường bán con nai?

Tất cả những kiểu trang trí ở Nhựt Bổn, nếu không bắt chước Tàu như Rồng, Phượng, Mai, Trúc, v.v. đều là hình nai.

Thế thì quyển sách của ông G. Cocdès, chúng tôi nói là cần thiết, nhưng không có sách đó, ta cũng đi tới được kết luận:

Việt = Mã Lai

như thường.

Nhưng sự thật đó, chỉ nhờ cổ sử Tàu viết khá rõ, chớ với các dân tộc khác mà Tàu không biết, không nói đến, thì khoa khảo tiền sử vẫn đứng đầu vì cái lưỡi rìu có tay cầm và lưỡi rìu hình chữ nhựt là bằng chứng cụ thể hơn nhiều.

Hơn thế lại còn sọ Cổ và sọ Kim nữa.

Khoa khảo tiền sử cho biết có nhiều hơn bất kỳ những ráp nối đối chiếu phiền phức nào, nhưng chúng tôi đã thử làm chơi để đi đến kết luận Việt = Mã Lai, mà không cần khoa đó, hay nói cho đúng, làm trước khi đo sọ, và trước khi tìm được sách đo sọ để khỏi phải tự đo lấy.

Ngoài ra, còn có một phương pháp nữa mà chúng tôi cũng đã theo, như đã nói, đó là phương pháp mà khoa học đòi hỏi đối với nên văn minh Đông Sơn: tìm những cái khoen trung gian, nối kết Đông Sơn, Lạc Việt xưa và Việt Nam nay.

Chúng tôi đã tóm, và sẽ trình kết quả ở chương kế tiếp chương này, lấy tên là “Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt ngày nay”.

Như đã nói, chuyện Đông Sơn là chuyện quá trễ về sau, đối với nguồn gốc tổ tiên ta mà các sử gia ta lại cứ dừng bước tại đó là sai nguyên tắc làm việc. Nhưng khi đã dừng bước tại đó thì cũng nên làm việc cho có khoa học, tức tìm cho được những cái khoen nối kết mà khoa học đòi hỏi.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.