trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Chương IV
Mã Lai chủng

Chúng tôi hẹn nghiên cứu các chủng Mông Gô Lích ở phần A của chương II, nhưng mới nghiên cứu được có ba chủng: Bắc Mông Gô Lích, Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích rồi phải bước sang những vấn đề khác, vì mạch của sách phải đi như vậy.

Chúng tôi cần chứng minh rằng không có di cư ồ ạt của Tàu đến Giao Chỉ như sử gia Nguyễn Phương đã nói để kết luận rằng Việt Nam không phải là đồng bào của hai bà Trưng mà chỉ là con cháu của Tàu di cư. Mà muốn chứng minh như thế, chúng tôi lại phải bác thêm thuyết của L. Aurousseau và Trần Kinh Hoà cho rằng Tây Âu và Tượng Quận là Cổ Việt Nam. Muốn vậy, phải nghiên cứu người Tây Âu. Đi lạc đường quá xa vì những lý do đó.

Nhưng không thể không đi xa ngoài đề vì cái mục đích xoá hẳn bao nhiêu ngộ nhận từ trước tới nay về những gì xảy ra vào năm Lộ Bác Đức tới chinh phục ta, bởi những sự kiện lịch sử của thời ấy bị các sử gia Tây, Tàu, Việt làm rối nát hết.

Bây giờ thì chúng tôi nghiên cứu về chủng của ta được rồi, nhưng lại không bắt đầu từ thời Mã Viện đi lên, mà xuất phát ngay tại nơi và thời bắt đầu, tức nói chuyện cách đây 5.000 năm rồi đi xuống lần cho tới gặp Mã Viện là xong.

Tại sao chúng tôi không ngược dòng như đã làm từ chương I cho tới chương này? Vì chúng tôi dựa vào khoa khảo tiền sử, mà khoa ấy đi xuôi chớ không lội ngược.

Xin nhắc rằng là lúc bắt đầu làm việc chúng tôi không có đủ tài liệu khảo tiền sử trong tay, nó tản mác ở nhiều tạp chí trên thế giới rất khó tìm, lại có những tài liệu không phải viết bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh nên chúng tôi không được đọc và không đọc được, nếu có tìm được đi chăng nữa.

Thế nên chúng tôi đã tạm dùng hai chứng tích, một chứng tích tắt là tìm những cái khoen trung gian nó nối kết Mã Lai Đông Sơn với Việt Nam mang màu sắc Trung Hoa phần nào. Chúng tôi lại dùng chứng tích gián tiếp là cổ sử Nhựt Bổn và kim sử Nhựt Bổn. Cả hai chứng tích đó đều đưa chúng tôi tới kết luận đúng là:

Việt = Mã Lai

Nhưng rồi làm việc nửa chừng, chúng tôi lại nhờ tóm lược của ông G. Cocdès về những công trình khảo tiền sử ở toàn cõi Á Châu, chứng tích này khoa học hơn, nên rốt cuộc chứng tích quý báu là khoa khảo tiền sử lại nằm trên hai chứng tích mà chúng tôi đã dùng lúc ban đầu.

Ông G. Cocdès không có khảo cứu gì hết. Trong xã hội ta, sách ấy có thể được xem là sách khảo cứu có giá trị, nhưng trong giới bác học, nó chỉ là travail de compilation, theo loại của quyển “Lịch sử thành lập đất Việt”, mà soạn giả gồm tất cả những công trình khảo cứu trong vòng một trăm năm của hàng trăm nhà bác học ở khắp nơi để tóm lược lại trong sách, không phải để phổ thông trong dân chúng mà để giúp cho các sử gia tuỳ nghi sử dụng với điều kiện là phải biết dùng những trang sách ấy, bằng cách kiểm soát nó bằng khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu.

Thế là rốt cuộc chúng tôi làm việc với đầy đủ ba chứng tích căn bản, không kể những chứng tích phụ thuộc mà chúng tôi cũng đã học qua rồi.

Chúng tôi trích dịch ông G. Cocdès mà thú nhận, chớ không ăn gian nói rằng mình đọc được thẳng các tài liệu đó, mặc dầu rất dễ ăn gian vì ông G. Cocdès có cho biết tên tất cả sách báo khảo tiền sử ở toàn cõi Á Đông.

Nhưng chúng tôi sẽ chỉ trích ông G. Cocdès vì ông không làm việc một cách lạnh lùng như các nhà khảo tiền sử, mà lại thỉnh thoảng suy luận để kết luận, vì ông có thử viết sử, chớ không phải chỉ làm travail de compilation mà thôi. Mà ông lại suy luận sai và kết luận sai.

Nhưng ta phải nhìn nhận rằng việc khảo tiền sử là chiếc đèn pha độc nhứt đủ khả năng soi sáng những gì xảy ra vào cổ thời mà ta cứ đoán mò mãi theo mớ sử liệu Tàu hoặc theo cổ vật Đông Sơn, vì thế mà ta cứ đoán sai.

Sách của ông G. Cocdès là tài liệu thường, ra đời năm 1962 và có bán ở Sài Gòn năm 1964, được những người Việt Nam mua đọc, nhưng không ai sử dụng được vì những lẽ mà chúng tôi đã nêu ra. Đó là một cuộc sa lầy thứ ba của ta: họ không hiểu hai từ Indonésien và Austro trong đó. Hơn thế, không ai kiểm soát được công trình khảo tiền sử ấy bằng các chứng tích khác, nên không ai dám tin để mà sử dụng công trình đồ sộ đó.

Đây, nguồn sáng từ dưới âm ty chiếu lên hay từ 5.000 năm trước chiếu lại, một khúc phim của quá khứ mà các cuộc đào bới cho thấy khá rõ ràng, mặc dầu cũng còn vài khuyết điểm mà chúng tôi phê bình và bổ túc sau, không phải chỉ ở chương này mà ở nhiều chương khác nữa.
  1. Cách đây lối 5.000 năm, chủng Anh Đô Nê-diêng, tức cổ Mã Lai, từ đâu không biết, và không biết vì lẽ gì, di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến Đài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương.

    Đồng thời họ cũng di cư sang Đông Ấn Độ rồi từ Đông Ấn Độ họ đi sang Đông Dương (tức có cả Miến Điện và Thái Lan trong đó và nên nhớ rằng dân của nước Thái Lan chỉ mới di cư tới nước Thái Lan nay kể từ thế kỷ thứ VIII, thứ IX S.K. và đến thế kỷ thứ XIII thì họ đã đủ đông để đuổi người Cao Miên, đang làm chủ ở đó, để dựng lên nước Xiêm, vậy nếu ở đất Thái Lan có dấu vết của bọn di cư nói trên thì bọn ấy cũng không phải là tổ tiên của người Thái).

  2. Sọ của bọn Cổ Mã Lai này cho thấy rằng họ có lai giống với một vài nhóm Mông Cổ, nhưng không biết là nhóm nào. (Khoa chủng tộc học dùng danh từ Mongoloide. Danh từ này có nghĩa là có tánh cách Mông Cổ nhiều hay ít và chúng tôi đã trình ra hai thứ dân là Trung Mông Gô Lích, tức người Hoa Bắc, và dân Nam Mông Gô Lích, tức người Hoa Nam. Vậy danh từ Mongoloide có nghĩa rất rộng, có thể là lai thẳng với Mông Cổ mà cũng có thể là lai với Tàu Hoa Bắc, nhưng không thể với Tàu Hoa Nam, vì cách đây 5.000 năm, chủng Nam Mông Gô Lích chưa có mặt trên quả địa cầu).

  3. Tại Miến Điện xưa và Cao Miên xưa, tức ở Trung Lào nay, bọn Cổ Mã Lai lai giống quá nhiều với dân thổ trước, thuộc chủng Mê-la-nê, có lai nhiều vì ở những nơi đó chủng Mê-la-nê đã tiến bộ lắm, bắt đầu tiến tới thời đại Tân Thạch, giỏi gần bằng bọn mới đến. Thế nên bọn di cư ấy mới đen da.

    Ở Cổ Việt Nam thì thổ trước Mê-la-nê còn ở trong thời đại Cựu Thạch nên rất ít có hợp chủng Cổ Mã Lai + Mê-la-nê, thế nên người Việt Nam trắng da hơn Môn và Khơ Me.

  4. Vũ khí và dụng cụ độc nhứt của họ là lưỡi rìu đá mài có tay cầm.

  5. Cạnh sọ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm không thấy dụng cụ xay, giã, nghiền hay tán gì hết để có thể kết luận họ đã biết trồng trọt.

  6. Nếu chỉ có một mình họ di cư mà thôi thì không cần đặt tên mới cho họ, nhưng còn một đợt di cư sau, cũng là của chủng Cổ Mã Lai, sau đó lối 2.500 năm, nên bọn trước được đặt tên là Austro-asiatiques để phân biệt với bọn sau.

    (Chú ý: Antro-asiatique chỉ có nghĩa là người Á Đông phương Nam, chớ không có nghĩa gì là Úc Á cả, như tất cả các sách Việt đều đã dịch sai như thế).

  7. Cách đây lối 2.500 năm chủng Cổ Mã Lai từ cực Nam Hoa Nam đi thẳng xuống bán đảo Mã Lai Á, rồi từ đó sang Nam Dương quần đảo và từ Nam Dương sang Madagascar và Phi Luật Tân. Có một bọn lại đi ngược lên Nhựt Bổn.

  8. Sọ của bọn sau, thuần chủng cổ Mã Lai, không có lai giống với nhóm Mông Cổ nào hết.

  9. Vũ khí của họ là lưỡi rìu đá mài hình chữ nhựt.

  10. Cạnh lưỡi rìu có nhiều dụng cụ cho thấy họ đã biết nông nghiệp và nhứt là biết làm đồ đất nung, biết nuôi súc vật.
Khoa học đặt tên bọn sau là Austronésiens.

Khoa khảo tiền sử mới, được thế giới khoa học nhìn nhận là đúng, đã làm cho giúp Kim Định “hố” lớn ở trang 25, khi ông chủ trương rằng dân Anh Đô Nê là dân thổ trước ở Bắc Việt.

Ông đã hiểu rằng Anh Đô Nê là Mọi thì ông chủ trương như thế là đúng theo ông G. Cocdès 20 năm trước. Mọi ấy bị Việt từ Hoa Nam tràn xuống và đuổi vào rừng.

Nhưng ông G. Cocdès đã tự đính chánh trễ đến 20 năm, khi ông học xong cái khoa khảo tiền sử đúng này.


*


Đối với người không chuyên môn thì cái tóm lược trên đây không có nghĩa gì hết, không đọc cũng được, mà đọc lại càng rối trí thêm vì ai cũng hiểu Austro là Úc, mà Úc có dính líu gì với dân ta đâu, còn Indonésien thì lại bị hiểu là “Mọi”.

Nhưng biết AustroPhương Nam chớ không phải Úc, và Indonésien là Cổ Mã Lai thì đã hơi khác rồi.

Hơi khác, nhưng chỉ bắt suy nghĩ sơ sơ mà thôi, chớ không dùng được tài liệu tôi đã dẫn đó.

Nhưng với những người đã học khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu và có học cổ sử Tàu, thì đây là một cuộc thắp đèn thình lình, soi tỏ hết cả mọi mối manh rối nùi của lịch sử dân ta, và cả dân Tàu, dân Chàm, dân Cao Miên, Miến Điện, Mã Lai và Thượng Việt.

Chúng tôi mất bảy năm học các ngôn ngữ Á Đông và ba năm học chủng tộc học, không uổng chút nào, vì không biết hai khoa đó thì đã bỏ qua khoa khảo tiền sử đồ sộ mà ông G. Cocdès đã tóm lược, cũng như bao nhiêu người khác đã bỏ qua. Thế nên ông G. Cocdès đã ba lần định nghĩa Indonésien là Cổ Mã Lai, nhưng cũng chẳng ai thèm nghe.

Ừ, biết rằng có những nhóm cổ Mã Lai di cư như thế đó, và họ có ghé xứ ta, nhưng cái biết ấy có nghĩa gì đâu chớ, vì ở xứ ta có hàng chục chủng tộc khác nhau vào thuở ấy, sống lẫn lộn với nhau, như chương tiền sử Làng Cườm đã cho thấy. Ta là ai trong đám đó? Mà có thể trong đám đó không có ta, ta chỉ mới đến đó về sau thôi, chẳng hạn theo sử gia Nguyễn Phương thì ta chỉ mới đến đó sau Mã Viện, tức sau Tây lịch, tức tương đối mới đây mà thôi (ta là Tàu kia mà).

Nhưng khi ta biết rằng Miến Điện, Cao Miên, Thái, Chàm, Thượng, Mã Lai và Việt Nam đều có sọ Mã Lai, đều đồng ngôn ngữ Mã Lai với nhau thì mọi việc đã khác hết rồi.

Hễ sự kiện mà là như thế thì ta đích thực là Mã Lai, lại Mã Lai hơn hẳn dân Mã Lai mà ai cũng tưởng là chánh hiệu, tức Mã Lai Nam Dương, vì tổ tiên ta là hai ba đợt Mã Lai nhập lại với nhau, còn Mã Lai Nam Dương chỉ là Mã Lai đợt nhì mà thôi (Austronésiens).

Thế nên quyển sách của ông G. Cocdès chỉ giúp ích cho những người đã học khoa chủng tộc học về toàn thể Á Đông và học đủ cả ngôn ngữ Á Đông mà thôi.

Lưỡi rìu có tay cầm của bọn Mã Lai di cư từ Hoa Bắc xuống Cổ Việt, khảo tiền sử đặt tên là Austroaslatique và chúng tôi gọi là Mã Lai đợt I.

Lưỡi rìu hình chữ nhựt của bọn Mã Lai di cư từ Hoa Nam xuống Cổ Việt, khảo tiền sử đặt tên là Austronessien, và chúng tôi gọi là Mã Lai đợt II.

Họ học xong, nhưng không kết luận được, mặc dầu họ đã thấy sự giống nhau khá ly kỳ giữa hàng trăm dân tộc ở Á Đông.

Nhưng khi mà khoa khảo tiền sử tìm được dấu chơn di cư của dân Mã Lai quá rõ rệt như vậy thì cái phòng thượng cổ sử u tối bỗng sáng lên thình lình.

Nhiều người Việt thông thạo tiếng Nhật cứ băn khoăn tự hỏi tại sao ta có nhiều danh từ giống hệt danh từ Nhật, mặc dầu hồi cổ thời hai dân tộc không hề có chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Nay thì đã rõ.

Còn ba trăm trang nữa thì sách này chấm dứt và chúng tôi dùng ba trăm trang đó để giải thích và chứng minh ba trang mà chúng tôi vừa trích dịch của ông G. Cocdès, ông ấy đã đọc tất cả 30 ngàn trang sách để tóm lại thành một quyển nhỏ, chúng tôi trích dịch thành 3 trang, nhưng phải chứng minh bằng 300 trang với những khám phá riêng của chúng tôi, chớ các sách khảo tiền sử không nói đến những gì chúng tôi sắp nói ở 300 trang sau đây.


*



Bình chú và kiểm soát

Ta thấy gì?

Khoa khảo tiền sử ngậm câm về nguồn gốc của tổ tiên ta.

Khoa đó không phải là sử học. Sử gia phải biết nhiều thứ hơn mới viết sử được.

Họ chỉ đưa ra một mớ sọ để cho biết đích xác tại các địa bàn nào đó, các chủng tộc nào đã kế tiếp nhau mà làm chủ đất, chủ cũ nằm ở lớp dưới, chủ mới nằm ở tầng đất trên. Và các bọn ấy từ đâu đến, và đến vào thời nào.

Đống sọ ở hang Làng Cườm gồm nào là sọ Négrito, sọ Mê-la-nê và sọ Anh Đô Nê, sọ Anh Đô Nê lai với sọ Mông Gô Lích.

Nhà viết sử phải đo sọ để sọ Việt Nam hiện nay là sọ Mông Gô Lích, sọ Cổ Mã Lai, sọ Mê-la-nê hay sọ Négrito, hoặc sọ lai, vì lai với ai vẫn biết được. Mà đo hẳn hòi chớ không thể nói liều.

Nếu có các nhà chủng tộc học đo hộ cho ta thì ta đỡ mất 20 năm để làm cái công việc đó. Bằng không, chính ta phải đo lấy. Thế nên chúng tôi mới cho rằng chứng tích chủng tộc học là chứng tích quan trọng vào hàng thứ nhì.

(Việc đo sọ, phải đo từng nhóm lớn trong một nước, và đo nhiều nhóm như vậy, rồi nhập lại với nhau để lấy cái trung bình. Thí dụ ở miền Nam thì phải đo dân Đồng Nai, dân Sài Gòn, dân Tiền Giang, dân Hậu Giang, mỗi nhóm cần đo ít lắm là năm bảy trăm người. Như vậy, muốn đo toàn dân Việt, phải mất ít lắm là 20 năm, nếu chỉ có một người làm việc).

Chúng tôi đẩy ngôn ngữ tỷ hiệu xuống hàng ghế thứ ba vì ngôn ngữ là yếu tố có thể vay mượn. Một dân tộc có thể mất cả ngôn ngữ, thí dụ người Khorat Thái vốn là người Cao Miên, thế mà chỉ từ thế kỷ 13 đến nay, tức mới có sáu trăm năm, là họ không còn biết lấy một danh từ Cao Miên nữa.

Tuy nhiên, vị anh hùng hạng ba ấy lại vô cùng quan trọng vì đó là chứng tích mà đại đa số quần chúng thấy ngay và tin ngay, khi họ chưa tin khoa đo sọ.

Hơn thế, nó giúp ta biết những chi tiết vụn vặt mà hai khoa lớn hoàn toàn không biết. Thí dụ vua Hùng Vương thuộc đợt I hay II thì chỉ có ngôn ngữ tỷ hiệu mới cho biết được mà thôi. Nói là vụn vặt, nhưng thật ra là rất quan trọng đối với thượng cổ sử riêng của dân tộc ta. Vụn là vụn đối với những đường nét lớn là chủng Mã Lai mà thôi.

Người ta đã cãi nhau từ hơn nửa thế kỷ nay, và có kẻ cho rằng vua Hùng Vương không có, mà chỉ có Lạc Vương. Chưa phe nào thắng hẳn, nhưng khoa ngôn ngữ tỷ hiệu sẽ cho biết là có vua Hùng Vương, ông ấy quả đã lấy hiệu là Hùng Vương, và ông ấy thuộc đợt Mã Lai I, tức hậu duệ của Xy Vưu, chớ không phải của Câu Tiễn. Bọn Câu Tiễn chỉ là bọn bổ sung, 2.500 năm sau mới xuất hiện.

Chúng tôi nhượng bộ khoa học rằng chứng tích ngôn ngữ không nặng cân bao nhiêu vì một dân tộc có thể mất hết cả ngôn ngữ, và vay mượn toàn bộ của một dân tộc khác. Nhưng xét ra thì từ 5.000 năm nay ta không hề bị dân Mã Lai cai trị, cũng không hề có tiếp xúc với Mã Lai đợt II (trừ cuộc tiếp xúc tại Nam kỳ cách đây 300 năm) thì sự giống nhau của ngôn ngữ Mã - Việt chỉ có thể là đồng gốc. Giả thuyết vay mượn của giáo sư Nguyễn Đình Hoà (Cù Lao = Pu Lô) phải được loại ra một cách không do dự.

Hơn thế, cái chủ trương rằng khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học là hai chứng tích ưu tiên nhứt và nhì, coi vậy mà có mang nặng nhiều khuyết điểm, trong khi chứng tích ngôn ngữ lại cho ta biết quá rõ các chi tiết về cổ thời mà hai chứng tích kia đều bí. Có nhiều sự thật lớn lao mà khoa khảo tiền sử thiếu sót, ta cũng biết được, nhờ khoa ngôn ngữ tỷ hiệu.

Thí dụ, nhìn tóm lược trên, thì ta thấy rằng bọn Mã Lai đợt II không có ghé Đông Dương, Đông Pháp gì cả. Nhưng khi học ngôn ngữ của người Chàm và người Phù Nam thì ta thấy rằng chẳng những họ có ghé, mà họ còn đã lập ra ở đó hai quốc gia quan trọng vào đầu Tây lịch, vì ngôn ngữ của Chàm và ngôn ngữ Phù Nam thuộc ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, chớ không phải đợt I.

Riêng ở Việt Nam ta thì họ cũng có ghé qua đông đảo, khiến Việt ngữ gồm cả hai ngôn ngữ, đợt I và đợt II. Làm thế nào để phân biệt ngôn ngữ của đợt I và ngôn ngữ của đợt II thì chúng ta sẽ có cách, chỉ biết là cái khoa bị khoa học chê, lại rất quan trọng một cách bất ngờ và bị các nhà bác học bỏ quên đi, nên họ không biết những gì mà ta biết, những gì đó, không phải chỉ có chi tiết, mà có những sự kiện then chốt trong đó nữa.

Tiếng “ta” ở đây không có nghĩa là Việt Nam, vì mặc dầu là Việt Nam, người Việt Nam cũng không thể viết sử đúng cho họ. Ta, nghĩa là những người có sử dụng chứng tích hạng ba mà các nhà bác học chê, tức họ là Tây hay Tàu gì cũng được, miễn họ có học đủ thứ ngôn ngữ Á Đông, sinh ngữ lẫn cổ ngữ.

Vì đây là trích sách, gần như là dịch, nên chúng tôi bắt buộc phải dùng các danh từ mà các nhà bác học và ông G. Cocdès đã dùng.

Đó là danh từ Đông Dương và Đông Pháp.

Ở xứ ta, hai danh từ ấy đã bị bỏ từ 25 năm rồi, nên xin định nghĩa lại, theo lối hiểu của những người dùng danh từ, để người đọc sách cũng được hiểu y như họ.

Đông Dương là vùng đất nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa, cũng được gọi là Ấn Hoa hoặc Hoa Ấn (Indochine).

Còn Đông Pháp là vùng đất nhỏ hơn, nằm trong Đông Dương, vốn là thuộc địa của Pháp, và gồm Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên (Indochine francaise).

Nói như vậy thì Đông Dương gồm Đông Pháp, Thái Lan và Miến Điện. Còn bán đảo Malacca, tức nước Mã Lai Á nay, thì có khi được cho nhập vào Đông Dương, có khi không.

Và xin nhắc rằng Mã Lai Á chỉ là tên một nước ở bán đảo Malacca, còn chủng tộc Mã Lai thì là chủ đất của nước Mã Lai Á, của nước Anh Đô Nê-xi-a, của nước Phi Luật Tân và của vô số đảo ở Thái Bình Dương.

Người ta nói đến chủng Mã Lai, thế mà giáo sư Kim Định lại cho rằng nói đến Mã Lai Á. Không bao giờ có ai nói đến Mã Lai Á hết vì đó là tên một nước nhỏ. Người ta nói đến chủng Mã Lai mà chủng này thì đông trên 300 triệu, ở khắp nơi, vì Nhựt Bổn và Việt Nam cũng là Mã Lai.

Ngày nay Mỹ, Anh và người Việt Nam tiến bộ gọi Đông Dương là Đông Nam Á lục địa, còn Phi Luật Tân, Indonésia, Mã Lai Á và các quần đảo Mê-la-nê, quần đảo Đa Đảo thì được gọi gộp là Đông Nam Á hải dương. Địa danh Đông Pháp bị bỏ luôn, không được thay bằng gì hết.

Ở đây có sự nói tắt, người Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau đã được đo sọ rồi, và sọ của Việt Nam là sọ Mã Lai. Chúng tôi chưa trình bày những kết quả đo sọ và chưa đối chiếu mà lại nói Việt Nam là Mã Lai thì là tiên tri rồi vậy.

Nhưng chỉ tiên tri có mấy mươi trang thì không sao. Tại tới lúc cần nói thì phải nói, còn chứng tích thì ở chương tới quý vị sẽ thấy.

Tất cả những dân tộc ở trên lộ trình di cư mà khoa khảo tiền sử kể Rađêu mang sọ Mã Lai và đều nói tiếng Mã Lai: Đại Hào, Nhựt Bổn, Việt Nam, Célèbes v.v.

Đây là công trình bác học quốc tế, đã được kiểm soát rồi và được công nhận là đúng, nhưng đề phòng những ông Kim Định và Lê Văn Siêu cho là “mơ hồ”, là “đón ý kẻ mạnh”, là “ngược xuôi”, chúng tôi làm công việc kiểm soát lại công trình ấy bằng khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu, và bằng cổ sử Tàu, xem công trình của các nhà bác học mà ông G. Cocdès tóm lược có đứng vững hay không.

Chúng tôi kiểm soát tất cả kết quả về các chủng Négrito, Mê-la-nê v.v. chớ không riêng gì về chủng tộc Anh Đô Nê, nhưng lịch sử các chủng kia, sọ của họ, ngôn ngữ của họ, chẳng dính líu gì đến dân tộc Việt Nam cả, mà chỉ có chủng tộc Anh Đô Nê là ăn khớp với ta từ 5.000 năm nay, không có gì sai chạy hết. Thế nên chúng tôi chỉ trình kết quả của cuộc kiểm soát về chủng Anh Đô Nê mà thôi, để đi đến cuộc kết luận về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam.

Sự kiểm soát của chúng tôi có sức nặng hơn những cuộc kiểm soát của các nhà bác học Âu Mỹ, họ chỉ kiểm soát xem công trình khảo tiền sử có được làm đúng phép hay không, còn chúng tôi thì kiểm soát bằng cách bổ túc công trình của họ bằng bốn môn: chủng tộc học, ngôn ngữ tỷ hiệu, thượng cổ sử Ấn Độ, thượng cổ sử Trung Hoa.

Nó có sức nặng hơn vì nó thêm chứng tích chớ không phải “rà” lại chứng tích đã tìm được, nó lại có sức nặng vì dễ hiểu đối với dân chúng, dân chúng không hiểu khoa khảo tiền sử, khoa chủng tộc học cho rõ được, nhưng khi chúng tôi chứng minh được rằng tiếng Việt Nam đích thị là tiếng Mã Lai bằng vài trăm bảng đối chiếu thì ai cũng hiểu tức khắc và tin tức khắc.

Cuộc kiểm soát này kéo dài cho tới trang chót của quyển sách chớ không phải là bằng vài trang, nhưng riêng ở đây thì chỉ có vài trang thôi. Ta sẽ kiểm soát thêm ở các chương cho thấy ngay là khoa khảo tiền sử không mơ hồ,không đắc ý bao giờ, mà nó đúng một cách kinh dị.

Đây là một danh từ chung của cả hai bọn cổ Mã Lai di cư thành hai đợt cách nhau 2.500 năm:


Lá cây

Việt Nam: Lá
Nhựt Bổn: Hạ
Chàm: Hala
Célèbes: Hạalaa
Cổ ngữ Tây Âu: Lá (Quảng Đông là dân cổ Tây Âu biến thành Tàu. Hiện nay họ dùng song song hai danh từ là Dip, tức Diệp và La).
Cổ ngữ Ba Thục: Lạ
Khả văn minh: Lá
Khả Lá Vàng: Sula
Cao Miên: Slat
Mã Lai Á: Lay u
Mã Lai Kedat: Kalat
Mã Lai Sembilan: Selara
Mường: La
Mạ: Nhla
Giarai: Laa
Sơ đăng: Hlaa
Bà na: Hlaa

Nhựt Bổn và Triều Tiên vì lai giống với ai đó nên không còn âm L y như Tàu không có R. Tàu thiếu âm R nên biến âm R thành L, thí dụ Chanh Ra, họ phiên âm là Chơn Lạp. Nhưng Nhựt Bổn thì không thể thay cái âm L thiếu đó bằng âm R vì danh từ Hara của họ lại đã có rồi, lại mang một nghĩa rất là thiêng liêng, họ không dám động tới. Hara của họ là Trời. Họ thờ Trời y hệt như dân Đông Sơn, chỉ có khác là nhờ không bị ngoại chủng diệt tục và diệt tôn giáo, nên họ còn nói đến Thái Dương thần nữ, còn Việt Nam thì không. Nhưng Việt Nam còn được hình mặt trời ở trống đồng.

Chỉ hơi lạ ở chỗ này là Nhật còn khá đa âm như Mã Lai, thí dụ:

Việt Nam = Món
Nhựt Bổn = Mônô

Để giữ tánh cách đa âm đó, họ hay thêm thắt ô, ư, a lung tung beng, thí dụ Cha là Trà thì đúng rồi, thế mà họ cứ nói là Ôcha, theo thói quen đa âm. Lại thí dụ Tera là Tự tức Cái chùa thì cũng khá đúng rồi, mặc dầu người ta có một âm mà họ biến ra thành hai, thế mà họ vẫn chưa vừa lòng, nói là Ô Tera. Nhưng lạ lùng thay, trong Hạla thì họ để mất luôn La, không thêm thắt gì hết.

Cao Miên chịu ảnh hưởng của chủng Mê-la-nê nên rất ưa thêm S và Chx ngoài trước các danh từ Mã Lai, chẳng hạn như ở đây thì thay vì là Lat họ nói là Slat. Thí dụ Bông (Hoa) của Việt Nam, thì họ nói là Chxba, không kể danh từ vay mượn của Tàu là danh từ Phôka tức Foá, tức Fá, tức Wá của Tàu.

Riêng Việt Nam thì chúng tôi bắt được bằng chứng rằng xưa kia tiếng ta đa âm y như Mã Lai. Chịu ảnh hưởng Tàu, chúng ta thành độc âm, nên chúng ta bỏ bớt Hạ. Nhưng người cổ Việt, hiện còn sống sót là người Khả Lá Vàng vẫn nói đa âm là Sula.

Nhưng không cần những chú thích này, nhìn vào biểu đối chiếu ta cũng thấy ngay là danh từ ấy, bề ngoài có vẻ khác nhau, nhưng vẫn đồng gốc mà ra.

Xin chú ý: Có 5 nhóm khởi sự bằng tử âm L, 5 nhóm khởi sự bằng tử âm H, 3 nhóm bằng tử âm S, một nhóm bằng tử âm K.

Hai nhóm có mọc đuôi T, một nhóm mọc đuôi Ra và một nhóm mọc đuôi Yu. Nhưng cái bộ xương bên trong cứ là La, không có nhóm nào mà thiếu La được cả, trừ Nhựt Bổn.

Nhưng nhóm Thái Lan, cũng đồng gốc Thái với Cổ Tây Âu và Cổ Thục, thì lại không có La. Họ nói là Bai. Nhóm Lào, cũng đồng gốc với Thái lại nói là Thông. Có lẽ là vay mượn của chủng Mê-la-nê mà họ có lãnh đạo một thời khá dài ở Vân Nam.

Thí dụ thứ nhì cho ta thấy những biến dạng đã xảy ra y hệt như vậy đối với các danh từ, đại khái, một nhóm chỉ lấy khúc đầu, một nhóm chỉ lấy khúc đuôi, y hệt như Hạ + Lá, nhưng gốc tổ vẫn là nhị âm, nhị chớ không phải đa như thiên hạ cứ tưởng.

Thí dụ: Núi non

Việt Nam: Non
Cổ ngữ Ba Thục: Non
Cổ ngữ Phù Nam: B’nam
Mạ: Ph’nơm
Cổ ngữ Môn và Cao Miên: Ph’nom
Mã Lai: Gunông
Thái: Phu hoặc Phunông

Ta thấy gì? Y như với danh từ Hala, ta thấy có nhóm lấy âm đầu, thí dụ Thái chỉ lấy Phu, có nhóm chỉ lấy âm sau, thí dụ Cổ Ba Thục và Việt Nam chỉ lấy âm sau là Non, có nhóm lấy trọn vẹn hai âm nhưng có biến dạng, thí dụ Phù Nam và Cao Miên.

Đặc biệt Việt Nam thì ta vừa biến Phunông thành Non, vừa biến Gunông thành Nổng.

Thói quen của chủng Mã Lai là thế về danh từ hoặc danh xưng. Mặc dầu ngôn ngữ của họ nhị âm (có vài danh từ tam âm hiếm hoi), họ thường chỉ lấy một hoặc hai âm mà thôi.

Danh tự xưng của họ cũng theo luật đó, từ cổ chí kim, thí dụ ở Hoa Bắc họ chỉ tự xưng là Lai (thay vì Mã Lai) mà Tàu phiên âm sai là Lê, là Lạc, và rốt cuộc là Lai vào đời Tây Chu, còn ở vài nơi khác, họ chỉ tự xưng là Mã, là Mạ.

Ở Nam Kỳ có một nhóm Thượng nay rút lên Cao nguyên Lâm Đồng, chỉ tự xưng là Mạ (mà chúng tôi nghĩ rằng họ là người Phù Nam vì họ nói tiếng Mã Lai đợt II y như Phù Nam) và sử Chàm cũng có cho biết rằng vào thời Trung Cổ người Chàm có diệt một tiểu bang đồng chủng ở lối Phú Yên, Bình Định, tên là Mạ Đạ, hay Mã Đa.

(Mạ Đạ thì ở Nam Kỳ cũng có. Đó là tên một con sông của người Mạ mà nay dân Biên Hoà biến thành Mã Đà).

Những điều trên và dưới đây đã được chúng tôi nói đến rồi, lại nói nữa ở đây và sẽ nói nữa ở nơi khác. Khuyết điểm ấy, giới khảo cứu Âu Mỹ gọi là Redites, nghĩa là nói đi nói lại một điều đã nói rồi.

Sở dĩ có Redites là vì một điều cần phải nói lại ở nhiều chương. Nhưng Âu Mỹ xén bớt Redites, còn chúng tôi thì cố ý để nguyên vẹn hầu nhấn mạnh về các điểm mà chúng tôi cho là quan trọng, và đó là các điểm then chốt lại dễ bị chìm mất trong năm bảy trăm trang sách, cần đưa cao nó lên để chứng tích được nhớ rõ hoài hoài, hoặc để xoá những ngộ nhận lâu đời nào đó mà chúng tôi nhứt định phải xoá bỏ.

Những Redites trong sách này làm cho văn của sách hoá ra kém cỏi, nhưng chúng tôi không ngại vì bị chê viết văn dở, vì chúng tôi nhằm mục đích khác hơn là viết văn.

Ai lại không muốn cho một quyển dạy nuôi gà chẳng hạn, được viết bằng một lối văn hay, nhưng khi mà không dung hoà được văn hay với cái mà tác giả cần làm lộ rõ ra, thì tác giả phải hy sinh một trong hai món đó, chớ không thể cả tham. Phương chi chúng tôi lại mong ước sách này được những người không chuyên môn theo dõi, thì những Redites rất cần. Chỉ có những người nhà chuyên môn mới thấy ngay và nhớ kỹ những điểm quan trọng nằm ẩn trong hàng triệu từ của những trăm trang sách này, còn một người không chuyên môn thì sẽ không nắm vững được quá nhiều yếu tố quan trọng của sách.

Trước khi có kết quả khảo tiền sử cho khắp Á Đông thì trên đời này không ai biết rằng có Mã Lai đợt II cả, mặc dầu họ thoáng thấy sự giống nhau giữa Môn ngữ, Khơ Me ngữ, Tạng ngữ, Việt ngữ, Nam Dương ngữ v.v.

Nhưng khi mà khoa khảo tiền sử đã làm việc xong, và nhứt là khoa đo sọ đã làm việc xong, thì người ta mới hay rằng Tạng, Miến, Cao Miên, Việt Nam gì cũng là Mã Lai đợt I cả, và sự giống nhau về ngôn ngữ là sự đồng chủng chớ không phải là vay mượn.

Thế giới chỉ biết có Mã Lai đợt II là người Nam Dương vì họ đang tự xưng là Mã Lai, và tưởng họ phát tích tại Nam Dương. Giáo sư Kim Định cũng chỉ biết tới chừng đó, nên giáo sư khuyên ta đừng tìm nguồn ở Nam Dương.

Giáo sư có linh cảm rất hay là ta từ phương Bắc mà đến, nhưng chỉ hay riêng đối với dân ta thôi, chớ giáo sư không hề nghĩ rằng ta là Mã Lai. Và đó chỉ là linh cảm, mà vì làm việc bằng linh cảm cho nên giáo sư mới gán ghép, nhập Miêu vào Việt nhưng bỏ Nam Dương ra và gọi họ là Mán, Thổ với cái nghĩa sai là Mọi, chớ theo nghĩa chủng tộc học thì Mán thuộc Miên chủng và Thổ là một phụ chi của Âu tức Thái, cả hai thứ đều không hề có mặt ở Nam Dương bao giờ cả.

Nhưng giáo sư chưa kịp học khoa khảo tiền sử đúng thì không sao, chỉ có điều là trong lời khuyên giáo sư có nói một câu rất là trái với điều mà khoa học đã biết rồi. Giáo sư nói rằng tìm nguồn gốc từ phương Bắc mới đúng luật chung của nhân loại (V.L.T.N. lúc còn đăng báo B.K.). Làm gì mà có cái luật chung ấy. Rõ ràng là dân Á Rập đã từ Yémen, tức từ phương Nam, di cư lên Arabie Saoudite rồi di cư lên Bắc Phi, lên Ba Tư, Ấn Độ, Tây Ban Nha v.v.

Khoa khảo tiền sử không biết dân Mã Lai từ đâu mà di cư đi Đại Hàn, Nhựt Bổn, Việt Nam, cách đây 5.000 năm, nhưng ta thì biết. Họ từ Hoa Bắc mà di cư. Nhưng họ cũng không phải phát tích từ Hoa Bắc đâu. Linh cảm của giáo sư Kim Định chỉ đi tới Hoa Bắc mà thôi.

Ở đây chúng tôi lại nói đi nói lại về bọn Cửu Lê.

Khoa khảo tiền sử phải dè dặt đến mức tối đa vì họ không tìm thấy sọ Mã Lai ở Hoa Bắc nên mới kết luận như vậy. Nhưng ta sẽ nối kết được bọn di cư đi Triều Tiên với bọn Cửu Lê, khi ta nối kết được rồi thì rõ ràng là Cửu Lê chưa biết nông nghiệp trước khi di cư để bị Hiên Viên cướp nền văn minh nông nghiệp của họ.

Ở đây thì ta phải làm việc bằng cách ngược nguồn. Cái bọn di cư đi Triều Tiên ấy, đến đời Tây Chu thì đã được sử nhà Chu gọi bằng một thứ thương nghiệp khác là Lai Di. Sử ấy cũng cho biết rằng Lai DiRợ Tam Hàn trước kia.

Trước kia là vào thời nào? Vào đời nhà Thương của Tàu. Cuối đời Thương thì rợ Tam Hàn đã dựng lên được ba tiểu vương quốc tên là Cao Cú Lệ tức Cao Câu Ly, Tân La và Bách Tế (có sách viết là Bách Tề).

Lại cũng cứ sử đời Chu cho biết thì trước kia nữa, rợ Tam Hàn vốn là dân Lạc bộ Trãi, tức là dân Đông Di, gốc ở cực Đông Bắc của Trung Hoa thượng cổ.

Rợ Đông Di này được tả là xâm mình và nhuộm răng đen. Mặt khác rợ Đông Di lại không phải chỉ có mặt tại cực Đông Bắc của Tàu, mà gốc ở vùng sông Bộc và đã được gọi là Bách Bộc.

Sông Bộc là một phụ lưu của sông Hoàng Hà, phát nguyên từ Sơn Đông rồi chảy qua Bắc Hà, vào Hà Nam mới đổ vào Hoàng Hà. Đó là nơi mà về sau nước Trịnh được thành lập và không xa Trác Lộc bao nhiêu, nơi mà Hiên Viên diệt Xy Vưu.

Thời điểm di cư của Mã Lai đợt I được khoa khảo tiền sử định là 5.000 năm, cũng rất ăn khớp với thời điểm mà Hiên Viên diệt Xy Vưu.

Vậy bây giờ ta lại xuôi dòng năm tháng.

Cửu Lê = Lạc bộ Trãi = Lai Di = Mã Lai đợt I

Không phải là trong 9 thứ dân Lê chỉ có Lạc bộ Trãi như đẳng thức trên đây cho thấy, mà nó là 1 trong 9 thứ Lê, vì rồi ta sẽ thấy là còn nhiều thứ Lạc nữa.

Nhưng đẳng thức cho thấy Tàu đã phiên âm sai và họ đã lần dò từ thời Hiên Viên đến đời Tây Chu mới phiên âm đúng được và Lê, Lạc gì cũng chỉ là Lai đọc sai chớ không phải là ba thứ dân khác nhau.

Hàng ngàn năm về sau, Tàu đã văn minh lắm rồi mà cũng phải mất nhiều trăm năm mới phiên âm đúng tên một dân tộc mà thí dụ điển hình hơn hết là danh xưng của nước Cam-bu-chia ngày nay.

Từ thế kỷ VII, nước Chơn Lạp cũ đổi quốc hiệu là Cam-bu-ja. Tàu phiên âm là Cam-bố-trí. Nhưng họ lần dò mãi cho tới cuối đời Đường mới qua hai lần phiên âm nữa là Cam-phá-giá, rồi rốt cuộc Giản-phố-trại.

Đọc theo Quan Thoại thì Giản-phố-trại (Kan-pú-cá) giống Cam-bu-ja hơn Cam-phá-giá và Cam-bố-trí.

Thế thì Cửu Lê chỉ là Cửu Lạc, tức Cửu Lai, tức 9 nhóm Mã Lai.

Vì có địa bàn ở cực Đông Bắc Trung Hoa thượng cổ nên nhóm Lê này mới di cư như vậy, chớ các nhóm khác di cư qua nẻo khác, nhưng sử Tàu theo dõi bọn Lạc bộ Trãi bén gót hơn các bọn kia, nhờ thế mà ta tìm được sợi dây nối kết trên kia, không thôi ta sẽ không biết Mã Lai đợt I di cư từ đâu, y hệt như khoa khảo tiền sử.

Nhưng tại sao chỉ có Lai mà không có Mã? Như đã nói, có thể vì hai lý do, nhưng không biết lý do nào là đúng.
  1. Tàu độc âm nên có khuynh hướng bớt âm.

  2. Mã Lai cũng có khuynh hướng lấy một trong nhị âm của họ, về danh từ hay danh tự xưng đều như thế cả.
Nhưng về sau Tàu biết một nhóm Lạc khác thì viết Lạc đó với bộ Mã mà ta có thể hiểu rằng dân đó tự xưng là Mã Lai nhưng chính Tàu bỏ bớt âm, nhưng vẫn ghi chép cái nghe thấy của họ bằng bộ Mã.

Chúng ta đã thấy rằng Âu tức Thái và Lạc luôn luôn sát cánh với nhau, có sọ giống nhau, có ngôn ngữ giống nhau, nên chúng ta có thể kết luận rằng trong 9 thứ dân Lê có chi Âu tức Thái nữa, nhưng vào thuở ấy thì Tàu chưa phân biệt được như về sau, mà họ gọi cả Âu lẫn Lạc bằng Lê tức là Lai đọc sai, và Âu hay Lạc gì cũng tự xưng là Lai hoặc Mã Lai cả.

Thượng Cổ thời: Lê = Âu + Lạc

Cổ thời: Việt = Âu + Lạc

Hai đẳng thức trên đây viết ra không phải để nói rằng Lê = Việt, vì nói như vậy là thừa mà để cho thấy rằng trong Cửu Lê phải có Âu tức Thái.

Căn cứ vào đời Chu thì Tàu chợt biết đến Thất Mân ở Phúc Kiến và họ gọi dân đó là Lạc bộ Mã. Thế nghĩa là Lạc có mặt cả ở Hoa Nam nữa, chớ không riêng gì ở Hoa Bắc.

Nhưng ta chỉ theo dõi địa bàn Hoa Bắc mà thôi, để dứt khoát về bọn Cửu Lê.

Theo sử Tàu thì cạnh địa bàn của Cửu Lê có dân Lạc Lê rồi mới tới dân Lạc. Dân Lạc Lê này, ta sẽ tìm lại được ở Hải Nam, ở Nhựt Nam, và họ là kết quả của sự lai giống giữa hai nhóm đồng chủng là Lê + Lạc, cũng như Sơ Đăng lai giống với dân khác trên Cao nguyên của ta ngày nay.

Tới đây ta chỉ mới thấy có 3 thứ Lạc là Lê chánh hiệu, Lạc Lê và Lạc bộ Trãi.

Nhưng rợ Khuyển Nhung cũng có dân được gọi là Lạc nhưng viết với bộ Chuy.

Lạc bộ Chuy là sông chảy từ Thiểm Tây sang Ba Thục và đó là đất của rợ Khuyển Nhung. Nhưng con sông này ngày nay viết khác nhưng xưa thì viết với bộ Chuy. Nhưng dân Khuyển Nhung ít khi gọi là Lạc bộ Chuy nên ta quên mất bọn Lạc đó.

Cũng nên biết rằng có đến hai sông Lạc, một ở Bắc Hà Nam, viết với bộ Thuỷ và sông Lạc này đây.

Ta xét qua các tự dạng mà Tàu đã dùng để chỉ ta thì ta bỗng thấy là họ quá giỏi. Họ chỉ bằng cả ba chữ Lạc, vì quả thật ở Cổ Việt có hai thứ Lạc, khác với kết luận của khoa khảo tiền sử.

Sự đối chiếu ngôn ngữ đã cho chúng tôi thấy như vậy.

Sách Tàu chỉ ta bằng Lạc bộ Trãi. Đó là Lạc biến thành rợ Tam Hàn của Nhĩ Nhã, Chu LễMạnh Tử.

Hậu Hán thư trong một trang sách mà gọi ta bằng Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Mã, khiến ai cũng ngỡ Phạm Việp viết xô bồ, nhưng họ Phạm viết rất ý thức vì ở Cổ Việt Nam quả cũng có mặt Lạc bộ Mã như ngôn ngữ tỷ hiệu sẽ cho thấy.

Còn Thuỷ Kinh Chú chỉ ta bằng Lạc bộ Chuy cũng không có sai chút nào hết.

Đã hẳn có lần, dân Khuyển Nhung bị gọi là Lạc bộ Chuy, mà Khuyển Nhung là tổ tiên của người Môn, người Miến Điện.

Người Môn lại giống hệt người Cao Miên về ngôn ngữ, Việt Nam cũng thế. Ta với Thái còn khác nhau nhiều hơn là ta với Cao Miên nữa.

Cao Miên: Kôn
Cao Miên: Chau
Việt Nam: Con
Việt Nam: Châu


Cao Miên: Soạt
Cao Miên: Suôn
Việt Nam: Sạch
Việt Nam: Vườn


Cao Miên: Sát (Thú)

Việt Nam: Vận (Thú)



Thế thì cả ba thứ Lạc đều có mặt tại Việt Nam nên ngôn ngữ của ta nó mới hỗn hợp như thế đó, vừa giống Nhựt Bổn (bộ Trãi), vừa giống Nam Dương (bộ Mã) vừa giống Cao Miên (bộ Chuy) vừa giống Thái (Mã + Trãi).

Những danh từ Thái Lan giống Cao Miên chỉ mới giống từ thế kỷ XII, còn các nhóm Thái khác thì không giống Cao Miên, tức trong nhóm Thái không có Lạc bộ Chuy.

Mà ý thức hơn hết là các sử gia Việt Nam đời xưa, họ chỉ dùng chữ Lạc bộ Trãi mà thôi, vì quả ở Cổ Việt Lạc bộ Trãi chiếm đa số, Lạc bộ Mã và Lạc bộ Chuy thiểu số.

Chỉ có các ông Tàu đời sau là lầm. Từ ngày ta thu hồi độc lập (Đinh Bộ Lĩnh) thì ấn vàng mà vua Tàu ban cho ta đều có khắc hình con lạc đà.

Đó là một lối nói thầm của người Tàu rằng ta là Lạc bộ Mã, vì chữ Lạc trong “lạc đà” viết với bộ Mã.

Tự dạng Lạc trong Việt sử cũng gây thành án như hai danh xưng Lạc vương và Hùng Vương, và nay thì đã rõ. Không có ai viết sai cả, họ chỉ phiến diện mà thôi, riêng Hậu Hán thư thì lại đồng nhứt với lối dùng tự dạng xô bồ. Trong một chương sách, Phạm Việp viết lung tung với chữ Lạc này rồi với chữ Lạc nọ, xem như là ông ấy không biết Lạc là gì hết.

Người Tàu biết Lạc rất rõ, trái với quan niệm của giáo sư Nguyễn Phương, ông cho rằng tác giả Nam Việt Chí lúng túng vì không biết Lạc là gì, nên giải thích không ổn.

Chỉ phiền là ta chỉ tìm được có 4 nhóm Lê trong 9 nhóm. Nhưng các nhóm khác chắc cũng chỉ là phụ chi mà thôi, và cái nhóm quan trọng nhứt nó giúp ta truy ra được:

Lê = Lạc = Lai

là đủ cho ta lắm rồi.

Cũng nên biết rằng cái thứ người tồn tại ở Hoa Nam hiện nay, mà Tàu gọi là Lê, thật ra chỉ là Lạc Lê mà thôi. Chúng tôi biết như vậy nhờ có học ngôn ngữ của người Lê di cư đến Việt Nam.

Người Tàu phân biệt dân Hải Nam ra là Sanh Lê, tức Lê sống, tức Lê còn dã man, và Thục Lê, tức Lê chín, tức Lê theo văn hoá Tàu. Người Thục Lê có di cư tới xứ ta với danh nghĩa là người Tàu Hải Nam.

Lệ Đạo Nguyên, tác giả Thuỷ Kinh Chú, cho biết rằng người Lê ở Hải Nam giống hệt người Nhựt Nam, mà người Nhựt Nam xét ra là người Lạc Lê. (Xin xem chương Không có đế quốc Việt Nam).

Cả Lạc bộ Mã (Phúc Kiến) cũng chỉ là Lạc Lê vì những danh từ cổ mà Phúc Kiến và Hải Nam còn giữ được giống hệt nhau. Đó là một thứ tiếng Mã Lai na ná tiếng Chàm.

Vậy mà khi Hải Nam là Lạc Lê thì Lạc bộ Mã ở Phúc Kiến cũng phải là Lạc Lê.

Vụ án chữ Lạc đã được xét xử và, không có can phạm nào hết, tất cả đều trắng án, và nên khen sự xô bồ của Phạm Việp.


*


Nhờ truy ra được Lê = Lạc = Lai nên ta không được phép thắc mắc về cái nơi xuất phát di cư của Mã Lai đợt I trong khi khoa khảo tiền sử đã nín im.

Có thế nào mà họ từ Mãn Châu hay Mông Cổ mà di cư chăng? Không, vì ở Mãn Châu và Mông Cổ cũng không có sọ Mã Lai, lại cũng không có sợi chuỗi Lê = Lạc + Lai như ở Đông Bắc, Hoa Bắc.

Hai nhà bác học Mansuy và Colani rất bí về cái lưỡi rìu có tay cầm này lắm, vì họ chỉ làm việc ở Đông Dương nên không làm sao mà có “một cái nhìn tổng quát” được như giáo sư Nguyễn Phương đòi hỏi.

Giáo sư Nguyễn Phương lại càng bí hơn, mặc dầu chính ông đã đòi hỏi như thế vì ông chỉ đọc có Mansuy và Colani, còn những công trình đào bới ở Triều Tiên, Nhựt Bổn, Célèbes, Nam Ấn, Miến Điện thì ông không hay biết, thế nên ông có bắt được chứng tích là lưỡi rìu tay cầm, nhưng chứng tích ấy không giúp ích cho ông được chút nào hết.

Ông loay hoay mãi với cái lưỡi rìu tay cầm ấy khá lâu mà không dè rằng đó là một khám phá lớn vào bậc nhứt trong công việc khảo tiền sử ở Á Đông, nó cho biết nhiều điều quan trọng là chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư xuống, chớ không phải từ Mã Lai di cư lên, nó lại cho ta biết bọn Anh Đô Nê-diêng đã tới hang Làng Cườm từ bao lâu rồi, trở thành dân nào hiện nay hay đã biến mất.

Ở phụ chương Chủng Trung Mông Gô Lích chúng tôi đã bác bỏ Việt lý tố nguyên của giáo sư Kim Định mà không nói thật rõ đủ cả chi tiết, vì không thể nói đủ được, bởi chưa đến lúc phải nói. Và bây giờ đã nói được rồi đó.

Cửu Lê, hiểu theo lối thứ nhì của giáo sư Kim Định, tức hiểu là Viêm, Việt (hiểu theo lối thứ nhứt các bộ lạc Trung Hoa chưa thống nhứt với nhau, cũng cứ là lối hiểu độc nhứt của tác giả, nhưng tác giả đó đi từ lối hiểu thứ nhứt đến lối hiểu thứ nhì không có bắc cầu, làm như là có một cuộc biến giống Việt = Tàu) cái bọn Cửu Lê ấy là bọn Mã Lai Hoa Bắc di cư vào đợt I này đây.

Chúng tôi đã bảo rằng không có dấu vết của họ ở Hoa Bắc, nhưng lại có ở cạnh đó, tức có bắt đầu từ Đại Hàn, là như thế đó. Và chúng tôi cũng đã chứng minh đây đó rằng Cửu Lê tức là chín nhóm của một chủng tộc không phải là Tàu.

Giáo sư Kim Định nói đến “Lịnh ông Cồng bà” tức là cho rằng đã có hợp chủng Hoa Việt ở Hoa Bắc, nhưng mà không hề có sọ lai Hoa Việt ở Hoa Bắc.

Giáo sư Kim Định dùng câu này hơi nhiều: “Ai có tai thì nghe lấy”.

Thế nghĩa là ai không hiểu như giáo sư hiểu đều là khoảng tai trâu hết thảy. Nhưng hiểu theo giáo sư thế nào được khi mà không có sọ Việt hay sọ Hoa Việt tại Hoa Bắc.

Giáo sư dựng đứng lên một vụ đánh cướp văn minh với những chứng tích ngược xuôi rồi nói là ai hiểu rõ như vậy mới là người có tai thì thật là làm cho độc giả khó xử quá. Không hiểu như giáo sư, e rằng bị xem là kẻ tai trâu, nhưng hiểu theo giáo sư thì nó trái với các sự kiện khoa học.

Thuyết của giáo sư khả nghi ở đủ cả mọi mặt.

Về phụ hệ Hoa chủng thì cũng đáng ngờ lắm.

Theo sử Tàu thì tới đời nhà Thương họ vẫn còn theo Mẫu hệ thì làm thế nào dưới đời Hiên Viên, trước đó hàng ngàn năm, họ lại đã theo Phụ hệ được chớ?

Quả thật thế, sử Tàu cho biết rằng dưới đời nhà Thương không có việc truyền ngôi cho con, mà truyền ngôi cho các em đồng mẹ.

Đúng là lối truyền ngôi của Chiêm Thành mẫu hệ, dòng máu mẹ quan trọng hơn thì con của mẹ mới là đáng kể chớ không phải con cha.

Mãi cho đến đời Tần, tàn tích mẫu hệ vẫn còn, và Tần Thỉ Hoàng đã đàn áp thẳng tay bọn đi ở rể, quyết diệt cho hết di tích của chế độ mẫu hệ, và tất cả bọn đi ở rể đều bị bắt đày ải tới những thuộc địa xa xôi mới chiếm, như Ngũ Lĩnh chẳng hạn.

Đó là sử thật sự chớ không phải là giả thuyết chút nào hết.

Người ta đã có bằng chứng đích xác rằng mãi đến mạt điệp nhà Chu, Tàu mới theo phụ hệ, thì làm gì có sự kiện phụ hệ Hiên Viên bị mẫu hệ Việt xỏ mũi.

Chữ Tánh của Tàu viết với chữ Nữ và chữ Sinh. Đó là dấu vết theo họ mẹ, và văn tự thì có trước đời Chu.

Những cái họ lớn của Tàu như Nghiêu, như , tổ nhà Chu đều viết có chữ Nữ.

Năm 1898, lụt to ở sông Ngươn tại Bắc Hà Nam, làm lở đất, để lộ một kinh đô nhà Thương tại một làng trong huyện An Dương.

Chữ ở mu rùa và xương thú đều cho biết rằng người Tàu thờ mẹ và bà ngoại, chớ không phải thờ cha và ông nội.

Chuyện của vua Nghiêu nhường ngôi cho rể là vua Thuấn cũng rất có ý nghĩa.

Như thế còn đâu là phụ hệ Hiên Viên và mẫu hệ Việt và thuyết lịnh ông cồng bà Hoa Việt chỉ là một huyền thoại mới sáng tác.

Nhưng giáo sư Kim Định đã bảo nhà Thương là Việt, mà như vậy thì phù hợp với chủ trương của ông. Chính Chu mới là Tàu du mục, cướp văn minh của Thương nông nghiệp, tiếp theo cuộc cướp bóc của Hiên Viên.

Chỉ phiền là một kinh đô của nhà Thương, kinh đô Triều Ca đã được khám phá, đào bới, và văn tự của Thương lại là chữ Tàu.

Tuy nhiên, giáo sư Kim Định cũng cứ có lý hoài, nếu theo luận điệu của ông. Chính cái thứ văn tự ấy là của Việt bày ra, theo giáo sư. Và ông giành hết, cả Phục Hy cũng là Việt nữa, thì chữ đời Thương mà ta ngỡ là chữ Tàu, lại là chữ của ta.

Nhưng tại sao bọn bị ăn cướp, lúc chạy đi, lại không mang chữ nghĩa theo, đợi đến lúc bị Mã Viện chinh phục rồi mới học lại chữ Việt mà Tàu cướp, nói là của họ.

Nếu họ có mang chữ đó theo thì họ đã có một cuốn sách tương tự như Hậu Hán thư, nhưng trong đó cuộc dấy quân của hai bà Trưng được trình bày dưới một quan điểm khác.

Có lẽ họ đã có một quyển sách như thế, nhưng Mã Viện đã cướp mất rồi chăng.

Chỉ phiền là Mã Viện ăn cướp cái gì Hậu Hán thư cũng có khai ra hết, như ăn cướp trống đồng chẳng hạn. Thế sao lại chối đã ăn cướp sách?
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.