trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.10.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Nhưng một người bạn Trung Hoa của chúng tôi thì có nói để chúng tôi thoáng hiểu rằng tiếng Sông do tiếng Tàu Súng mà ta đọc theo Hán Việt là Dõng mà ra, và Tàu đọc là Súng. Nhưng chúng tôi kiểm soát lại thì không phải thế. Quan Thoại đọc là Dõng ra Dùng. Quảng Đông cũng vậy. Mân Việt đọc là Yủng. Không có nhóm nào đọc là Súng hết.

Vả lại Dõng không hề có nghĩa là Sông, và xin lấy tự điển Từ Hải làm bằng: “Suối nào ở dưới đất trào lên là Dõng”.

Từ Hải lại trích quyển Nhỉ Nhả, một thứ từ điển tối cổ đời Chu: “Lạm tuyển xuất tức Dõng” nghĩa là “Suối chảy mạnh là Dõng”.

Từ Hải lại trích Hách Dục Hanh: “Nước: từ đất phun lên là Dõng”. Thế là Puits Artésiens rồi vậy.

Tóm lại, Dõng không hề có nghĩa là Sông, cả vào cổ thời, và Trung Hoa cũng không đọc là Sông bao giờ, và danh từ Sông là danh từ của ta rặc ròng, gốc Mã Lai Bách Việt, như ta sẽ thấy ở các biểu đối chiếu.

Người Trung Hoa chỉ có 5 danh từ để chỉ Sông, đó là Xuyên, Hà, Giang, ThủyPhố.

Nên biết rằng vào cổ thời Giang là danh từ riêng đấy, dùng để chỉ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, chỉ có về sau, có lẽ trước đời Tống, hai danh từ đó mới biến thành danh từ để chỉ sông.

Hai danh từ chỉ sông của TàuThủyPhố.

Đó là tình trạng cổ thời. Ngày nay thì Giang dùng để chỉ sông to, còn ThủyPhố dùng để chỉ sông nhỏ.

Trong Thủy Kinh Chú thì tác giả là Lệ Đạo Nguyên gọi tất cả sông của nước ta là Phố.

Không hề thấy sách cổ hay sách kim nào của Tàu gọi sông của ta là Dõng. Mà sông bên Tàu cũng không có cái nào được gọi là Dõng.

Như vậy không có lý nào mà khi dạy ta học, họ lại dạy tiếng Dõng mỗi lần nói đến một con sông lớn hay nhỏ của ta mà họ không khinh rằng nhỏ như cái suối Dõng của họ. Và xin nhắc lại rằng không có nhóm Trung Hoa nào đọc DõngSúng cả.


*


Chúng tôi có ám chỉ đến giáo sư ngữ học Lê Ngọc Trụ, và xin trở lại với giáo sư họ Lê.

Giáo sư họ Lê viết sách trước giáo sư Nguyễn Phương đến 10 năm, không có chủ trương chủng tộc nào hết, nhưng giáo sư đã thấy sai rằng hầu hết tiếng Việt đều do Tàu mà ra.

Một thí dụ khả nghi hơn hết là tiếng Dừa giáo sư họ Lê đã đưa ra một ngữ nguyên động trời nói Dừa do tiếng Hán Việt Da mà ra.

Bên Tàu không có cây Dừa. Nước Việt Nam là quê hương của Dừa. Thế thì tại sao người Việt Nam lại không có danh từ chỉ loại cây ấy mà lại phải vay mượn của một dân tộc không có cây dừa?

Giáo sư họ Lê đã lầm lẫn vai trò chủ nợ và con nợ, không biết ai vay của ai, nên mới nói như thế cho hàng ngàn danh từ như vậy, và cứ bằng vào sách của giáo sư họ Lê thì khó có ngôn ngữ Việt, vì danh từ Việt sơ đẳng nhứt là Dừa cũng là của Tàu.

Người Tàu vay mượn cái gì của ai, vào thời nào, ta đều biết được hết một cách chắc chắn. Ở Đông Nam Á chỉ có dân tộc Việt Nam là gọi trái ấy giống Tàu mà thôi. Ta gọi là Dừa, Quan Thoại gọi là Dẻ, còn thì các dân khác gọi khác quá xa: Thái: Brao, Cao Miên: Đôn, Chàm, Mã Lai: Nyor. Thế thì họ học của ai, đã rõ rồi, chớ không có có ai học của họ cả. Trái xoài đời hậu Hán, Tàu gọi là trái Am-ma-la. Đó là tiếng Tamoul tức Nam Ấn (gốc Mã Lai) thật đúng là Empelam mà hiện nay các nước Mã Lai đều dùng. Mấy trăm năm sau họ mới học thẳng với Bắc Ấn danh từ Mongga mà họ đọc là Mang quò (chữ nho đọc là Mông quả).

Danh từ Thái là Muang, danh từ Bắc Việt là Muỗm, đều một gốc Mangga mà ra, có lẽ Thái Quảng Đông học của Tàu, Giao Chỉ học của Thái Quảng Đông, nhưng danh từ chánh hiệu thì:

Thái không bị đồng hóa: Huài
Cao Miên: Sway
Đàng Trong: Xoài

Tàu viết sử rằng họ học nghề nấu đường với nước Ấn Độ vào đời Đường. Tại sao họ không học với Giao Chỉ lại đi học chi cho xa thế? Mà đường tưởng là Giao Chỉ chưa biết làm đường vào thời đó, Giao Chỉ giáp ranh với Chàm mà Chàm đã biết làm đường nhiều trăm năm trước đó rồi.

Cái gì bảnh họ mới nhận, còn không thì thôi, giống hệt Việt Nam nhận Đông Sơn, nhưng phủ nhận Mã Lai.

Họ viết sử rằng họ học nghề làm đường với nước Ấn Độ vào thế kỷ thứ bảy. Ấy, Ấn Độ là nước văn minh, nên họ thấy sang bắt quàng làm họ, sự thật thì họ học với nước Giao Chỉ.

Chúng tôi bắt được tài liệu hiếm hoi sau đây nó sẽ làm cho các sử gia Tàu cứng họng. Mấy câu này trích dẫn ở quyển Orien’al Commerce của Villiam Milburn, London, 1925, chương nói riêng về nước Việt Nam: Hàng hóa CHÁNH (của xứ Việt Nam) xuất cảng sang Ấn Độ là ĐƯỜNG. Có ba thứ tất cả:
  1. Đường phèn, tốt nhứt thế giới và được TRUNG HOA QUÝ NHỨT.

  2. Đường cát trắng, loại tầm thường, giống như đường Phi Luật Tân.

  3. Đường đen.
(Đường đen là thứ đường rẻ tiền mà Nam Kỳ gọi là đường ta).

Nước Ấn Độ, cho tới năm ấy mà còn phải nhập cảng đường của Việt Nam thì vào thế kỷ thứ bảy họ không thể đủ khả năng dạy Trung Hoa làm đường.

Vả lại chứng tích sau đây còn mạnh hơn nữa. Nếu họ học với Ấn Độ, họ đã gọi môn ấy bằng tiếng Ấn Độ phiên âm. Nhưng họ gọi bằng tiếng Giao Chỉ. Danh từ Trung Hoa chỉ món đường, ở Kinh đô Tàu là Thẻl. Còn danh từ Giao Chỉ cổ thời là Tàng. Tàng biến thành Đàng, Đàng biến thành Đường.

Tàng là danh từ Mã Lai chung của hai nhóm Thái, Việt, còn Cao Miên cũng thuộc chủng Mã Lai thì lại gọi là gì không biết, họ vay mượn của ai thì chưa truy ra. (Xin xem chương Làng Cườm sống dậy).

Chàm và Mã Lai thì gọi đường là Gula.

Thế thì Thẻl do đâu mà ra, cũng rõ rồi.


*


Nổi danh nhứt về ngữ nguyên (Etymologie) là giáo sư đại học Lê Ngọc Trụ. Giáo sư họ Lê đã tìm ra được nguồn gốc của một số tiếng Việt mà ai cũng ngỡ là thuần Việt, nhưng lại do tiếng Tàu mà ra.

Nhưng giáo sư Lê Ngọc Trụ đã khám phá sự kiện đó bằng cách đối chiếu tiếng Hán Việt và tiếng thuần Việt, thấy hơi giống giống rồi gán ghép, nên có lắm tiếng ông cho là của Tàu một cách sai lầm, như danh từ Dừa đã cho thấy.

Mãi rồi ông bị ám ảnh về sự hơi giống đó, biến nhận xét riêng rẽ của ông thành một cái luật để tổng quát hóa vấn đề.

Nếu giáo sư kiểm soát cái luật của giáo sư bằng cách đối chiếu giọng đọc của Hoa và Việt, ông sẽ thấy rằng ngữ nguyên của ông không đúng.

Khi nãy chúng tôi có nói rằng giáo sư họ Lê bị vài nhận xét lẻ tẻ vô tình đúng, rồi tổng quát hóa vấn đề một cách sai nguyên tắc khoa học.

Nhưng đọc kỹ tác phẩm của giáo sư họ Lê, ta thấy rằng không phải thế. Cái bộ sử mà giáo sư Lê Ngọc Trụ không hề có viết, giáo sư có âm thầm nghĩ trong bụng, và nghĩ gần như giáo sư Nguyễn Phương, nhưng kém khoa học hơn giáo sư họ Nguyễn nhiều.

Giáo sư họ Nguyễn cho rằng đồng bào của bà Trưng là “Mọi” còn ta đây là người Tàu. Giáo sư họ Lê thì làm cho độc giả rối trí đến muốn điên lên vì họ không còn biết họ là ai nữa hết.

Trong Chính tả Việt ngữ, trang 229, giáo sư viết:

“Nơi đồng bằng Bắc Việt, tổ tiên ta đụng phải ngọn sóng Nam tiến của người Bách Việt. Phải tranh sống với họ, họ mạnh thế hơn. Họ chinh phục nước ta mấy lượt”.

Thế là, theo câu trên đây, ta không thuộc dòng Bách Việt, mà là dân thổ trước Mélanésien (theo khoa khảo tiền sử thì trước Bách Việt là chủng Mê-la-nê).

Nhưng sao giáo sư lại cứ gọi dân ta là dân Việt, tiếng ta là Việt ngữ? Việt chỉ là kẻ xâm lăng thôi chớ?

Quan niệm riêng của giáo sư, trong trường hợp này thật là làm ta choáng váng, còn choáng váng hơn cả quan niệm của giáo sư Nguyễn Phương đã cho ta là Tàu thuần chủng.

Theo ông Lê thì ta, Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Ba, hiện nay là ai? Thật không sao biết được. Nếu ta là Bách Việt, sao ông lại nói: Ta bị Bách Việt chinh phục? Còn ta là thổ trước Mélanésien, sao ông gọi tiếng ta là Việt ngữ, mà không gọi là Mélanésien ngữ?

Ta không còn biết ta là ai nữa, đó là một tâm trạng khó chịu như kẻ mắc bịnh kiên vong quên mình là ai, mặc dầu vẫn còn sáng suốt, hiểu biết mọi việc trên đời.

Nhưng Bách Việt là ai mới được chớ? Cũng trong câu trên giáo sư giải thích rằng Bách Việt là người Tàu phương Nam. Giải thích như vậy là đúng 70 phần trăm. Nhưng chúng ta cũng là Bách Việt nhưng may mắn hơn không bị đồng hóa như Quảng Đông, chỉ có thế thôi, sao giáo sư lại nói chúng ta bị Bách Việt chinh phục? Chính bọn Hoa Bắc đã chinh phục Bách Việt Hoa Nam ấy chớ, bọn Bách Việt ở Hoa Nam, thuở đó chỉ mới bị trị trước ta có hơn trăm năm, đâu có đi chinh phục ta được bằng quân sự và văn hóa. Thuở đó họ chưa thành Tàu và còn nguyên là Bách Việt, mà là Bách Việt đang bị trị, bị nô lệ hóa, sao lại đi chinh phục ta được? Có lẽ vì hiểu lịch sử như vậy, ta là Mélanésien, Quảng Đông mới đích thật là Bách Việt và nhận thấy khi tiếng Hán Việt và thuần Việt hơi hơi giống nhau, giáo sư mới cho tiếng ta có họ với tiếng Tàu, vì Tàu là Bách Việt Hoa Nam, giáo sư không kể Tàu chánh gốc, nhưng chính Tàu đó mới là đáng kể và ta có là họ hay không là nên nhắm vào Tàu đó.

Theo ý giáo sư họ Lê thì chính Quảng Đông hoặc Mân Việt mới là Bách Việt và mới là kẻ đi chinh phục ta. Quả quân đội của Mã Viện có lấy thêm người ở Quảng Đông, nhưng đó là người Hoa Bắc do Tần Thỉ Hoàng đưa xuống để trồng người không hơn một trăm năm.

Nhưng nếu họ là người Thái Tây Âu đi nữa, họ cũng chỉ là quân bổ sung. Quân chánh quy chủ lực là Hoa Bắc, và nhứt là tất cả cán bộ quân sự, văn hóa đều là Hoa Bắc, bằng chứng rõ ràng là các nhà giáo dục nổi danh: Tích Quang, Nhậm Diên, Sĩ Nhiếp đều là người Hoa Bắc. Chính họ mới đưa văn hóa vào xứ ta, chớ Tây Âu học chưa thuộc bài, làm thế nào để đặt ảnh hưởng vào xứ ta được?

Nhưng nếu Mã Viện, Tích Quang, Sĩ Nhiếp và toàn thể đạo quân viễn chinh đều là Bách Việt như giáo sư họ Lê nói, thì như vậy Bách Việt là quân xâm lăng, còn ta, cứ là dân thổ trước chịu ảnh hưởng của Bắc Việt, chớ không thể nào ta lại là Việt và quyển sách của giáo sư cần đổi tên lại là Chính tả Mê-la-nê ngữ mới đúng.

Nhưng nếu thế thì lại hơi lạ, vì lẽ rằng cái văn hóa mà ta học là văn hóa Tàu chớ không phải văn hóa Bách Việt.

Phương pháp của giáo sư đã được áp dụng trong Việt ngữ chánh tả tự vị, và nếu tin theo phương pháp của giáo sư họ Lê thì khó lòng mà có tiếng thuần Việt được và lời khẳng định ngắn của sử gia Nguyễn Phương được củng cố thật mạnh nhờ thuyết của giáo sư Lê Ngọc Trụ, nhờ cả một bộ tự điển của giáo sư họ Lê.

Thỉnh thoảng có gì không biết chúng tôi có tìm giáo sư Lê Ngọc Trụ để học hỏi, thì những trang sách sau đây thật là có vẻ phạm thượng và phản sư lắm.

Nhưng chắc giáo sư không tức giận chúng tôi đâu vì chúng tôi chỉ tìm sự thật chớ không hề chối rằng mình đã có học hỏi nơi giáo sư, đã khâm phục và tôn kính giáo sư.

Hơn nữa chưa chắc gì chúng tôi viết ra ở chương này là đúng, và giáo sư sẽ có dịp bác bỏ và như thế thuyết của giáo sư sẽ được vững chãi thêm, và đó là cái lợi cho nền học thuật của ta. Giá trị của một thuyết chỉ được củng cố mạnh sau nhiều thử thách, nhiều bài bác mà thôi, và hai người đưa ra hai thuyết ngược hẳn nhau, không hề là địch thủ có ác ý muốn chống đối nhau như thế để sự thật lòi ra.

Giáo sư Lê Ngọc Trụ, không hề chủ trương như sử gia Nguyễn Phương bao giờ, mà còn trái lại nữa, ông viết trong bộ luật chánh tả Việt ngữ: “Trót ngàn năm bị cai trị, dân Việt Nam có chịu ảnh hưởng sâu xa của văn hóa Tàu, chớ riêng tiếng Việt thì không vì đó mà bị đồng hóa”.

Câu này thì rất đúng, nhưng lại quá mâu thuẫn với câu trên. Thế thì trong hai câu, phải có một câu sai. Chúng tôi cho rằng câu này đúng thì câu trên hoàn toàn sai.

Giáo sư họ Lê nhận thức đúng lẽ đó, nhưng đáng tiếc thay, khi áp dụng bộ luật của giáo sư để tìm ngữ nguyên thì không hiểu vì lẽ nào mà danh từ nào của ta, giáo sư cũng đều cho là do tiếng Tàu mà ra cả, kể cả những danh từ sơ đẳng nhứt mà một dân tộc bán khai hẳn đã phải có mà không cần vay mượn làm gì nữa hết.

Thí dụ điển hình nhứt là tiếng Nỏ, sau tiếng đó giáo sư ghi là Nôm, nhưng lại thêm một cái dấu riêng, giống hình chữ V nằm. Dấu này ở chương Phàm Lệ, được giải thích là “do tiếng Hán mà ra”. Sau cái dấu đó, quả nhiên giáo sư viết chữ NỖ của Trung Hoa.

Vậy Nôm Nỏ do Nỗ của Tàu, và như thế thì đâu còn là Nôm nữa? Lại mâu thuẫn.

Sự thật thì chính Tàu đã học tiếng Nỏ của Mã Lai Việt chớ Nỗ không phải của họ.

Các nhóm Mã Lai Bách Việt đều có danh từ đó, xin kể ra đây, nhưng không phải vì đa số đó mà chúng tôi chủ trương rằng Nỏ là của ta, mà vì một luật tạo tự dạng Trung Hoa:

Việt Nam: Ná, Nỏ
Cao Miên: Snả
Mạ: Na
Bà Na: Hna
Sơ Đăng: Mnaá
Giarai: Hnaá
Thái: Nả
Mã Lai: Pnả

Người Trung Hoa khi họ bày ra một tự dạng mới, họ theo những cái luật bất di bất dịch, chớ không phải viết càn. Ta thử chiết tự chữ Nỗ của họ xem sao.

Chữ ấy gồm ngữ căn Cung để tượng hình, tức chỉ nghĩa, và tiếp vĩ ngữ (Nô bộc), dùng chỉ giọng đọc (Hài thanh).

Theo luật tạo tự dạng của Trung Hoa thì danh từ đó là danh từ tân tạo chớ không phải là danh từ nguyên thỉ của dân tộc Tàu. Cung mới là nguyên thỉ vì không có ngữ căn và ngữ phụ gì cả trong Cung.

Mà tân tạo thì có hai loại:
  1. Loại hoàn toàn nội lực. Thí dụ chữ Dẫn, gồm ngữ căn Cung để tượng hình và một sổ cũng tượng hình sự giương cung, không có ảnh hưởng ngoại lai vì cả hai yếu tố đều có nghĩa, và đều là chữ Tàu.

  2. Loại phiên âm ngoại ngữ thì chữ tượng hình thứ nhứt vẫn là Cung nhưng chữ tượng hình thứ nhì được thay bằng chữ hài thanh, hoàn toàn vô nghĩa đối với Trung Hoa nhưng lại chỉ được cái âm ngoại quốc mà họ phải theo.
Có lý nào mà cây Nỗ là một thứ Cung do Nô bộc hoặc Nô lệ sử dụng hay không? Không, không thể nào mà có chuyện như vậy. Nô bộc không phải là chiến sĩ, còn nô lệ có thể là chiến sĩ, nhưng không sao mà được phép sử dụng một loại khí giới quá lợi hại (của thời đó).

Vậy hoàn toàn vô nghĩa, và chỉ để phiên âm giọng đọc của chủ nhơn môn võ khí ấy mà thôi, và Nà, Nỏ của ta không bao giờ do Nỗ của Tàu mà ra, mà trái lại chính Tàu đã vay mượn của Mã Lai Việt cả món vũ khí lẫn cái tên.

Lộ trình vay mượn có thể được hồi phục như sau đây. Sự vay mượn xảy ra khi dân Trung Hoa di cư vào đất Kinh của chủng Việt, họ vay mượn cả vật dụng lẫn lối đọc tên vật ấy. Pnả biến thành Nỗ. Riêng các nhóm Mã Lai Bách Việt thì cứ tiếp tục dùng Na, Ná, Phả, Hná, Nỏ của họ. Người Tàu viết chữ, ta đọc sai là Nỗ, chớ Quan Thoại thì đọc là Nũa.

Chữ Noa cũng viết theo lối đó, nhưng với chữ Tử. Nhưng chữ Noa thì có nghĩa hẳn hòi vì phụ hệ Trung Hoa xem vợ con như tôi tớ, về mặt tinh thần. Nô + Tử là chữ tân tạo có nghĩa hẳn hòi, chí như Nô + Cung thì chắc chắn là chữ phiên âm không còn ngờ gì nữa, cũng như chữ Phật chỉ là chữ phiên âm mà thôi: Nhơn + Phất.

Nhưng ta cũng cố tìm xem coi Trung Hoa cổ thời có vũ khí Nỗ hay không? Tài liệu tìm được ở trong một quyển sách thuộc loại rất cổ của họ, đó là quyển Chu Lễ. Chu Lễ tả cây Nỗ khá tỉ mỉ, nhưng ta đừng nên thấy Chu Lễ có tả cây Nỗ mà vội kết luận rằng Tàu đã phát minh ra Nỗ.

Trung Hoa đã tiếp xúc với Việt ở Kinh Man từ đời nhà Hạ, mà Chu Lễ thì hơn một ngàn năm sau mới được soạn thảo. Đến cuối đời Tần, Tàu vẫn còn kém về Nỗ. Có phải chăng là Triệu Đà đã rất sợ Nỗ của An Dương Vương? Câu chuyện Nỏ thần có hoang đường bao nhiêu, cũng còn lại cái vũ khí rất lợi hại của Bách Việt mà Tàu rất kinh sợ.

Tàu học của Việt ở đất Kinh Man rất nhiều, nhưng ít ai chú ý đến. Trường hợp NỏNỗ nhắc ta nhiều danh từ khác. Thí dụ danh từ Đỗ của ta mà ai cũng bảo là do Hán Việt Đậu mà ra. Không có bằng chứng nào như thế hết mà còn có bằng chứng trái lại:

Việt Nam: Đỗ
Bà Na: Tở
Giarai Pleiku: Tả

Giarai thuần Mã Lai nhứt ở Đông Nam Á, thuần hơn cả Chàm và Java nữa.

Trong trường hợp này, y như trong trường hợp trước, ta nói được rằng Cổ Mã Lai cho vay, Trung Hoa là con nợ.

Chiết tự chữ Đậu, ta cũng thấy có sự lạ kỳ. Ngữ căn trong chữ đó chỉ là bộ Thảo đầu, còn phần dưới không dính dáng gì tới một món ăn nào hết, mà lại tượng hình một dụng cụ thờ phượng mà Pháp gọi là Compotier, Tàu dùng đựng trái để cúng trên bàn thờ mà họ gọi là cái Đậu (món đó Hán Việt và Hoa ngữ, đều đọc là Đậu). Thành thử cái phần tưởng là chánh yếu, lại chỉ để tượng thanh mà thôi, chính cái bộ Thảo đầu mới là chỉ thực vật mà chỉ như thế là chỉ tổng quát, không có nghĩa gì hết. Đó là một tự dạng vô nghĩa, kể cả phần tượng thanh lẫn tượng hình thì nó chỉ có thể là một chữ phiên âm mà thôi.

Ráp nối liên hệ họ hàng đã khó, mà đặt cho thật đúng địa vị kẻ vay mượn và chủ nợ, còn khó hơn khi ta không đi sâu vào vấn đề.

Đã bảo dân Cổ Mã Lai làm chủ đất Trung Hoa trước người Tàu thì người Tàu chắc chắn phải có vay mượn của Cổ Mã Lai trước khi đồng hóa họ hoặc đuổi họ thiên di, và chúng tôi đã ám chỉ đến những vay mượn của Tàu đối với Việt, trong Sở từ.

Trong quyển Études des phnènes Vietnamiens, bác sĩ Reynaud lại xác nhận sự kiện đó. Và đây là thí dụ của ông: Chữ Bạn của ta, ai cũng cho là Bạn hoặc Bằng của Hán Việt mà ra, nhưng bác sĩ Reynaud lại bảo rằng ngữ căn M'Bang của Mã Lai tràn ngập Đông Nam Á và có nghĩa là Bầy, Bạn, Nhóm, và bằng chứng sơ sơ là:

Việt Nam: Bạn
Mường: Ban
Khả văn minh: Bơn
Giarai: Baan
Ban: Baan
Cao Miên: Bôn, Pốut
Mã Lai: Bang

Mà đừng tưởng là Giarai, Bà Na, Cao Miên đã học với ta hay với Tàu vì Giarai chỉ chịu ảnh hưởng của Chàm tức Mã Lai còn cho tới ngày nay. Bà Na vẫn chưa hề thấy mặt Trung Hoa, còn ta thì cũng mới đến xứ họ sau đầu thế kỷ XX mà danh từ đó họ đã có hàng ngàn năm rồi.

Danh từ Ván của ta, ai cũng cho là do Bản của Hán Việt, nhưng bác sĩ Reynaud cũng nói là do P’pan của Mã Lai.

Thoạt tiên chúng tôi không thể tin bác sĩ Reynaud cũng như đã không tin giáo sư Lê Ngọc Trụ. Nhưng một tài liệu khác lại cho chúng tôi thấy rằng bác sĩ Reynaud nói đúng.

Cách đây 300 năm dân ta không nói Cửa mà nói Pan do P’Pan của Mã Lai mà ra, không phải Pan biến ngay thành Cửa đâu mà nó được ta đọc ra là Ván hiểu là Ván, rồi lại đồng hóa Ván với một món đồ (Cái cửa).

Đây là bằng chứng:

Năm 1792, một du khách Ăng Lê có viếng Việt Nam (miền Trung) có chép du ký Voyage à la Cochinchine. Quyển du ký này đã được dịch ra tiếng Pháp. Trong ấy tác giả có dành một chương cho ngôn ngữ Việt. (Con chó, thấy được ghi là Con Koo, y hệt như nơi người Thượng hay người Mường ngày nay).

Nhưng danh từ quan trọng hơn hết là danh từ Cửa, thấy ghi là Pan.

Người phê bình sách đó, bà Martine Piat cho rằng tác giả chép sai, hoặc chép theo lời phu bến tàu ở Tourane vốn là người Tàu, hoặc nhà in đã in sai. Nhưng không. Tác giả đã chép đúng. Người Tàu không bao giờ gọi Cửa là Pan hết. Hiện nay, cái Cửa, người Thượng Bà Na gọi là Mbang, người Kơlua gọi là Mbơng, người Mang Buk gọi là Mbong, và người Mã Lai gọi tấm ván là Pan. VánCửa là hai thứ đi đôi với nhau, biến nghĩa qua lại với nhau.

Không phải Pan biến thành Cửa như đã nói mà nó biến ra Pan, Bơng, Bong, Ván rồi bị đồng hóa với một món đồ là Cửa. Danh từ Cửa chắc chắn chỉ xuất hiện sau năm 1792, tức chỉ mới đây thôi, và cũng chắc chắn không phải do Hộ mà giáo sư Lê Ngọc Trụ đã viết.

Chúng tôi đối chiếu CửaMôn để phủ nhận nguồn gốc Trung Hoa của tiếng Cửa, nhưng ông Lê Ngọc Trụ cho rằng Cửa do Hộ mà ra. Để xem coi các thứ giọng Trung Hoa có giọng nào đọc Hộ giống Cửa hay không.

Quan Thoại đọc Hầu
Việt Nam Hải đọc Hẩu
Mân Việt đọc

Hộ cũng không may mắn gì hơn Môn.

Sự thật thì Cửa là tiếng Mã Lai Kưala. Danh từ đó không chỉ Cửa của cái mà được định nghĩa như sau: Kưala là tên chỉ những nơi sông đổ ra biển, hoặc đổ vào một con sông khác. Cửa sông họ nói là Kưala Sôngai, mà cửa sông danh tiếng khắp thế giới là Kưala Lumpur được dùng làm thủ đô cho nước Mã Lai Á.

Tất cả các sông của họ đều được gọi là Kưala và tất cả các cửa sông của Việt Nam đều được gọi là Cửa, trái hẳn với Tàu mà các nơi đó luôn luôn được gọi là Khẩu.

Còn cái cửa thì họ gọi là Pan, đúng nghĩa là tấm ván. Giáo sư họ Lê lại cũng nói Ván do Bản của Tàu mà ra, nhưng ta là Mã Lai thì nó phải do Pan của Mã Lai.

Mà đừng tưởng là Mã Lai đã học của Tàu. Mã Lai Nam Dương là Mã Lai thuần chủng tuy từ Hoa Nam di cư, nhưng họ không có chịu ảnh hưởng của Tàu, như khoa khảo tiền sử đã cho thấy.

Còn Mã Lai Hoa Bắc thì lại di cư vào thời mà Trung Hoa chưa biết cưa gỗ để làm ván.

Tóm lại, cả hai thứ Mã Lai đợt I (Lạc bộ Trãi) và Mã Lai đợt II (Lạc bộ Mã) không có ai học Trung Hoa tiếng nào cả trước khi họ chịu ảnh hưởng Tàu từ đầu Tây lịch về sau. Mà những danh từ Kưala SôngaiM'Pan thì Mã Lai đã có từ muốn vạn thuở.

Dân Mã Lai không có danh từ để chỉ cái cửa, nên đồng hóa Pan là Ván với một món đồ là cái cửa.

Dân Việt Nam là Mã Lai nên cũng đã làm y hệt như thế.

Xin nhắc lại một lần nữa là danh từ Kưala của Mã Lai chỉ để gọi Cửa Sông mà không hề có nghĩa nào khác hơn, và Việt Nam chỉ mới đồng hóa Kưala để chỉ Cửa nhà không lâu, bằng chứng là đến năm 1792 mà ta còn gọi Cửa nhà là cái Pan.

Có lẽ sự đồng hóa đã xảy ra lâu hơn nữa, nhưng đến năm 1792, ta còn dùng song song cả hai danh từ, danh từ Pan chưa mất hẳn như ngày nay.

Chúng tôi tìm những sách viết trước năm 1792 bằng chữ nôm thì thấy danh từ Cửa đã xuất hiện rồi, để chỉ cái Cửa nhà. Như thế thì sự đồng hóa Kưala (cửa sông) ra Cửa nhà xảy ra trước khi người du khách Ăng Lê ghi chép. Nhưng người ấy mà ghi chép như thế tức vào năm 1772 Pan vẫn còn được thịnh dụng.

Ở Nghệ An có một giang khẩu tên là Cửa Lò. Từ hai ngàn năm nay nơi đó không có xí nghiệp nào, công nghệ nào, dựng lò nào cả.

Nhưng nếu chúng tôi nói rằng Cửa Lò là Kưala thì không ai tin. Chúng tôi phải đưa ra một chứng tích không thể chối cãi được. Trong Việt sử tiêu án Ngô Thì Sĩ gọi nó là Cô La.

Nếu địa danh Cửa Lò mà có trước Ngô Thì Sĩ thì sử gia họ Ngô đã dịch ra là Lô Khẩu, chắc chắn không sai, vì thói quen của nhà nho ta là thế, Bến Nghé ở Saigon đã được các ông dịch là Ngưu Tân.

Khi mà một nhà nho Việt Nam không dịch là nhà nho đó có tinh thần trọng thực và Kưala = Cô La = Cửa Lò.

Sử ta lại chép rằng ở phía dưới Cửa Lò ở Nghệ An trong tỉnh Hà tĩnh, có một giang khẩu nay tên là Cửa Khâu, nhưng xưa tên là Kỳ La.

Hết Cô la đến Kỳ la, chung quy cũng chỉ là Kưala mà thôi.

Đối với lịch sử, những biến dạng như thế có thể xem là câu chuyện hôm qua, vì danh từ Pan của năm 1972 không lâu đời lắm, còn Ngô Thì Sĩ thì cũng không phải cổ nhơn như Lê Văn Hưu.

Đến đời Tây Sơn, Cửa Thuận An còn được gọi là Cô la Eo và Tourane còn được gọi là Cô la Han. Ở đó có một cái tháp Chàm đổ nát, nên Pháp gọi là Tour Han, sau biến thành Tourane.

Chỉ phiền là ta biết Kưala Eo là cái gì còn Kưala Han thì chúng tôi chưa truy ra nghĩa của danh từ Han.

Tất cả các địa danh ở miền Trung mà chưa bị Việt hóa đều là địa danh Mã Lai, vì đó là đất của Chàm, mà Chàm là Mã Lai.

Dấu vết Mã Lai xuống tới Cù My Lagi là hết và ai muốn biết Cù My Lagi là gì xin đón đọc bộ Tự vựng Mã – Việt mà chúng tôi đang soạn.

Lắm địa danh bị các ông Tây viết dính lại, như Cap Bantangan ở Quảng Ngãi, khiến chính người Chàm cũng điên đầu, không còn biết là gì nữa. Nhưng học xong tiếng Mã Lai, thì ta sẽ hiểu. Đó là Ba-Ta-Ngan chớ không phải là Batang-An đâu, lại càng không phải là Batangan như các ông Tây đã viết, vì các ông ấy mắc bệnh viết dính các danh từ độc âm, y như Việt Nam mắc bịnh viết ngắn những danh từ đa âm.

Fermetur éclair bị ta thâu lại thành Nút le.


*


Nhưng xuống tới Nam Kỳ thì Kưala biến mất, hóa thành Piam, một danh từ Mã Lai đợt I, mà người Nam Kỳ biến thành Vàm: Vàm Cỏ, Vàm Lôi Lạp (Piam Soarap).

Có lẽ xưa hơn, các Piam ở Nam Kỳ cũng được gọi là Kưala, vì người Phù Nam dùng ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, tức y như Chàm. Nhưng ảnh hưởng Cao Miên đến thay thế cho Phù Nam, thành thử ta mới nhảy từ Kưala sang Piam một cách đột ngột.

Tuy nhiên, thuyền biển ở Nam Kỳ vẫn được tiếp tục gọi là Ghe Cửa, tức Gay Kưala, chớ không phải Ghe Vàm. Ghe Vàm là danh từ rất ít được dùng, và tuyệt đối không được dùng ở Bình Tuy, Biên Hòa và Bà Rịa, vì ba nơi đó còn là đất Chàm mãi tới năm ta di cư vào Nam mặc dầu với giấy phép của vua Cao Miên, vì thuở ấy ở ba nơi đó Cao Miên chỉ làm chủ trên giấy tờ mà thôi, người Chàm còn đông đảo, địa danh chàm cũng được ta giữ nguyên cho tới nay, thí dụ Cù My Lagi ở Bình Tuy.

Riêng ở Biên Hòa thì toàn là địa danh của người Mạ mà chúng tôi nghi là hậu duệ của Phù Nam.

Tên Đồng Nai, không phải là tên Việt Nam đâu. Đó là tên của Mạ, họ gọi con sông đó là Đạ Đờng.

Đạ là hình thức đầu tiên sẽ biến thành Nước trong ngôn ngữ ta, qua Nác ở Huế và Đák của người Mường.

Mạ: Đạ
Xi Tiêng: Đá
Bà Na Sơ Đăng, Mường: Đák
Việt Nam Thừa Thiên: Nác
Việt Nam: Nước
Cao Miên: Tứk

Đờng được biến thành Đồng.

Nhưng cụ Trương Vĩnh Ký lại cho rằng tên cũ của sông Đồng Nai là một tên Cao Miên, cụ có viết ra chữ rõ ràng. Không biết cụ đã thấy điều đó ở đâu, chớ chúng tôi nghe tận tai người Mạ ở Biên Hòa gọi con sông ấy là ĐẠ ĐỜNG.

Mà đừng tưởng họ bắt chước ta, biến Đồng thành Đờng. Có hằng lô, hằng tá địa danh ở Biên Hòa là địa danh của họ mà ta phiên âm, chớ chủ mới bắt chước chủ cũ thì có, không bao giờ chủ cũ bắt chước chủ mới cả.

Nếu biến Kontum thành Công Tâm chẳng hạn, người Sơ Đăng ở đó cũng bất kể, cứ gọi nơi ấy là Kontum.

Bằng chứng chủ mới bắt chước chủ cũ còn dấu vết rành rành vì Nha Trang (chủ mới Việt) chỉ là EA TRAANG (chủ cũ Chàm) có nghĩa là con sông đầy lau lách, sậy, đê.

(Danh từ Trang trong Việt ngữ biến thành TranhTrảng).

Lại bằng chứng ở Hội An. Fai Fô (chủ mới Pháp) chỉ là Hoài. Phố (chủ cũ Việt). Hoài là tên, còn Phố là con sông nhỏ. Con sông nhỏ ở đó xưa kia tên là Hoài Phố.

Vậy sông Đồng Nai, chỉ là sông Đờng mà lưu vực có nhiều nai, chớ không phải là đồng bằng có nhiều nai, như ta hiểu theo ngày nay.

Cũng nên nhắc rằng đất Phù Nam xưa ăn tận ra tới Nha Trang mà Chàm chỉ mới chiếm sau thế kỷ thứ IX còn Cao Miên thì không có bao giờ chiếm được Nam Kỳ cả, theo khám phá mới nhứt của ông Pierre Dupont (B.S.E.I.).

Có rất nhiều người cho trạng từ Xa của Việt Nam do Hán Việt mà ra, và quả Quan Thoại đọc Xa. Nhưng thử hỏi đó là trùng hợp ngẫu nhiên hay vay mượn? Trong các nhóm dân gốc Mã Lai, chúng tôi thấy người Cao Miên nói Xangai có nghĩa là Xa, mà Cao Miên là Lạc bộ Chuy. Nhưng có thể nào mà Cao Miên cũng học của Quan Thoại như ta hay không? Chúng tôi có bằng chứng là không.

Thí dụ tiếng Xẻ của Quan Thoại bị ta biến thành Xe, nhưng Cao Miên biến thành Te, các âm X của Quan Thoại đều bị Cao Miên biến thành âm T. Nhưng Xangai không bị biến thành Tangai là làm sao? Chỉ có một lối trả lời độc nhứt là trạng từ Xa là trạng từ Mã Lai đợt I mà bộ Chuy nói là Xăngai, còn bộ Trãi nói là Xa chớ nếu bộ Chuy cũng đã vay mượn thì họ đã nói là Tangai theo luật biến âm trong ngôn ngữ của họ.

Có những trùng hợp ngẫu nhiên trong ngôn ngữ như thế đó mà chúng tôi đã trình ra quá nhiều rồi, thí dụ Đua của Mã Lai đợt II và của La Tinh đều có nghĩa là Hai, và đều đọc y như nhau, nhưng Mã Lai đợt II không bao giờ mà là La Tinh hoặc vay mượn của La Tinh được.

Đôi khi giáo sư Lê Ngọc Trụ cũng có dựa vào H. Maspéro để nhìn nhận rằng có một số tiếng Nôm ta gốc Thái. Thí dụ: Trăng, Cổ, nhưng như thế lại cũng chẳng là Nôm gì hết, tức chẳng là Việt Gốc gì hết mà cứ là gốc của kẻ lạ, không Tàu thì Thái. (Nhưng sự thật thì Trăng là danh từ chung của chủng Mã Lai mà tất cả các dân tộc ở Đông Nam Á đều nói y nhau, kể cả Tây Tạng.

Chúng tôi đã đi xa hơn H. Maspéro mà lên tới tận nguồn là Mã Lai và Tây Tạng, chớ không dừng chơn ở giai đoạn chót như ông H. Maspéro mà giáo sư Lê Ngọc Trụ dựa theo.

Ông H. Maspéro, như chúng tôi đã chứng minh, không hề biết Thái ngày xưa tên là Âu, và Âu và Lạc là hai Chi của chủng Mã Lai. Ông cũng không hề biết rằng chủng Việt đích thị là chủng Mã Lai. Thế nên thay vì chủ trương rằng Thái ngữ và Việt ngữ đồng gốc, ông chủ trương rằng Việt ngữ do Thái ngữ mà ra. Vài ông khác lại cũng chẳng hề biết rằng Cao Miên và Việt đồng gốc, cho rằng Việt ngữ thuộc gia đình Miên ngữ. Các ông Tây sai hết về ngữ học Việt Nam.

Thái và Việt chỉ là hai chi của Mã Lai, chi Thái xưa kia được người Tàu gọi là Âu, chỉ có thế thôi.

Bắt ta làm họ với Thái, với Miên, các ông Tây không hoàn toàn sai, mà chỉ vì các ông chỉ biết có giai đoạn cuối. Dầu sao các ông Tây cũng thấy đúng một chặng đường của lộ trình, còn ông Lê Ngọc Trụ thì lại đi theo lộ trình hoàn toàn khác.

Chúng tôi đối chiếu Ăn với Xực và thấy là khác, nhưng giúp Lê Ngọc Trụ nói Ăn do Xan mà ra.

Nhưng Xan không phải là ăn mà chỉ là Bữa ăn mà thôi. Động từ Ăn là của chủng Mã Lai. Họ chia ra ba động từ như sau:

Việt Nam: Ăn
Việt Nam: Xơi
Việt Nam: Nhắm
Cao Miên: Ănh
Cao Miên: Xi
Sa Mường: Lam
Mường: Ăn
Cao Miên: Xi Sa
Cao Miên: Nham
Khả Lá Vàng: Ăn
Mạ: Saa
Rađê: Mnam
Mã Lai: Mak-An
A-Ka-Lông: Haa
Bà Na: Nyơm


Khả văn minh: Cha Cổ ngữ Đông Âu (Bắc Phúc Kiến): Lim


Giarai: Nyam


Mã Lai: Miniom


Chú ý: Trong động tác Nhắm, phần uống quan trọng hơn phần ăn, nhưng vẫn có ăn. Thế nên Đông Âu (Bắc Phúc Kiến) mới dùng Lím để chỉ cả ăn lẫn uống và có lẽ động từ Liếm của Việt Nam cũng cùng gốc đó mà ra vì Liếm ngoài cái nghĩa Liếm, còn là ăn như chó ăn, tức cũng bằng cách Liếm và uống.

Chúng tôi đã nói rằng bộ luật ngữ nguyên của giáo sư họ Lê không theo sự đối chiếu giọng đọc Hoa Việt mà chỉ dựa vào sự hơi giống nhau giữa Hoa và Hán Việt.

Ở đây ta lại có thể thêm rằng luật đó không theo luật ngôn ngữ tổng quát.

Quả thật thế, âm X của Trung Hoa cứ còn nguyên vẹn trong Việt ngữ. Thí dụ: Xé = Xe, Xảo = Xào.

Âm X không hề biến mất thì tại sao trong Xan, nó lại biến mất để thành Ăn?

Nếu theo quan sát ngoài đời và theo luật ngôn ngữ, giáo sư đã chủ trương khác rồi.

Giáo sư cho rằng Trẻ do Trĩ mà ra, ăn do Xăn, nhưng GiàUống thì theo giáo sư, lại là thuần Việt.

Tại sao một dân tộc có tiếng Già mà không có tiếng Trẻ, có tiếng Uống lại không có tiếng Ăn?

Còn nói họ bỏ tiếng họ để vay mượn thì sao trong cặp Già, Trẻ chỉ bỏ Trẻ mà giữ Già, còn trong cặp Ăn, Uống chỉ bỏ Ăn mà giữ Uống.

Thật ra Già và Trẻ đều là tiếng Mã Lai.

Việt Nam: Trẻ
Mường: TlẻMã Lai đợt I
Khả Lá Vàng: Plẻ

Việt Nam: Già
Thái: Kà
Mường: Gia
Khả Lá Vàng: K’rà
Mạ: Kra
Bà Na: Kra (Người già)Mã Lai đợt II
Bà Na: Ya (Bà già)
Mã Lai Célèbes: Ya
Các đảo Mã Lai khác: Tu À

Miền Nam có một tỉnh từ Sằn dã, có nghĩa là đồng quê, quê mùa giản dị, mộc mạc. Ông Lê Ngọc Trụ viết rằng Sằn Dã do Điền Dã biến ra nhưng tại sao trong hai chữ Hán Việt, chỉ có một chữ Điền là bị biến còn chữ thì không?

Tự điển Huỳnh Tịnh Của thì nói Sằn là cây Tế Tân dùng làm thuốc đau răng. Như vậy nguồn gốc của Sằn, theo Huỳnh Tịnh Của thì lại còn khác hơn ông Lê Ngọc Trụ nữa.

Thuyết của ông Huỳnh Tịnh Của mới nghe tưởng như là hữu lý hơn bởi ta không tin rằng Điền biến ra Sằn thì ta cũng phải tin rằng Sằn là Sằn. Nhưng thử hỏi cây Sằn có phải là tượng trưng cho đồng nội, cho đồng quê của miền Nam hay không?

(Vâng, sằn dã là từ ngữ riêng do các nhà nho miền Nam đặt ra chớ Trung Hoa và miền Bắc không có).

Ta có thể trả lời không cần suy nghĩ rằng cây Tế tân không bao giờ tượng trưng cho đồng nội miền Nam hay miền Bắc miền Trung gì hết thì các cụ xưa không tạo ra một từ ngữ với loại cây đó.

Sự thật thì tĩnh từ này bị viết sai chính tả. Nó là Sàn dã, chớ không phải là Sằn dã. Sàn là chữ nho, có nghĩa là hèn mọn, Sàn dãĐồng nội hèn mọn của tôi, nói theo lối quá khiêm nhượng của Trung Hoa về những gì chỉ mình, chỉ quê hương mình.

Sàn dã là thôn quê hèn mọn của tôi, nghĩa ban đầu là thế.

Ông Lê Ngọc Trụ nói Làng do Hán Việt Hương mà ra. Có ai tin nổi Hương biến âm thành Làng hay không? Riêng chúng tôi, chúng tôi thấy Làng do tiếng Mã Lai T’Lang mà ra, và quyển sách này cốt chứng minh rằng dân ta gốc “Mã Lai” chứng minh bằng nhiều chứng tích chớ không phải chỉ có danh từ Làng mà thôi đâu.

Tổ tiên ta xưa có tiếng Lang có nghĩa là fiel féodal, mà cho đến ngày nay, người Mường còn dùng, họ cũng còn Quan Lang (Chef du fief) y như tổ tiên ta xưa.

Danh từ Mã Lai T’Lang cũng có nghĩa y hệt như vậy và hiện vẫn còn được người Mã Lai dùng.

Làng của ta gồm nhiều ấp, Lang của Mường và T’lang của Mã Lai cũng gồm nhiều ấp. Đó là thái ấp (fief féodal) bé tí ở Hồ Nam hồi cổ thời của chủng Mã Lai.

Giáo sư viết rằng Đũa do chữ Hán Trợ mà ra. Có thể nào mà âm Tr biến thành Đ được hay không chớ?

Sự thật thì Đua thì tiếng Mã Lai mà ta biến thành Đôi rồi thành Đũa, vì chính nó có nghĩa là Hai, là Cặp. Còn Đôi đũa thì chính người Mã Lai họ nói là Đua Đua.

Giáo sư lại nói Vá áo do Hán Việt Bổ Y mà ra, Bể vỡ do Hán Việt Phá mà ra. Mổ xẻ do Phẫu mà ra, Giống do Tượng mà ra, Khéo, Giỏi do Tài mà ra, Xuôi do Lưu mà ra, v.v.

Đọc những tiếng Hán Việt mà ông Lê Ngọc Trụ đưa ra để chứng minh, đọc theo tiếng Tàu giọng Quan Thoại, giọng Man hay giọng Quảng gì, cũng không giống gần hay giống xa tiếng Nôm của ta chút nào.

Ông nói tiếng Áo do Y mà ra. Nhưng không hề thấy âm Y của Hán Việt biến thành âm Ao của Việt Nam lần nào hết. Sự thật thì ta đã mượn tiếng đó, nhưng Áo là do Áo của Tàu, chớ không bao giờ do Y.

Thấy rõ là giáo sư thấy hơi giống rồi tổng quát hóa thành một cái luật. Còn hễ có vay mượn mà không giống giáo sư lại cho rằng không có vay mượn. Thí dụ giáo sư nói Tủ là tiếng Việt Nam. Nhưng Tủ lại đúng là vay mượn của Tàu. Họ đọc là Tu, bình dân ta nhại gần đúng là Tủ nhưng các nhà nho ta thì đọc sai quá xa là Độc, vì một lẽ bí mật đã nói đến rồi ở trường hợp tiếng Pín được nhà nho đọc là Tân mà không là Bến như bình dân.

Rồi cứ cái đà ấy ông viết Bể vỡ do Phá mà ra. Giống do Tượng. Tốt mã do Mỹ, Vùi lấp do Bồi, Cái giùi do Chuy, Dễ do Dị. (Nhưng Khó thì lại thuần Việt. Ấy, cũng giống trường hợp Trẻ giàĂn uống, trong một cặp, dân Lạc Việt cũng vay mượn có một tiếng mà thôi). Chùa do Tự, Chờ do Trữ.

Kỵ biến thành Đám giỗ.

Nhưng Kỵ Mã lại biến thành Cỡi ngựa.

Chưa bao giờ thấy âm K của Tàu biến thành âm G của ta, nó chỉ có thể biến thành C như trong Cỡi mà thôi, nhưng lại không có bằng chứng là ta không biết cỡi ngựa trước khi tiếp xúc với Tàu.

Có ba từ làm cho ta nghi ngờ lắm là Chèo, ChốngChở, mà giáo sư cho rằng do Trạo, KhángTải mà ra.

Dân Việt nổi danh vô địch về thủy vận, giỏi hơn Tàu nhiều lắm hồi thượng cổ, thì sao ta phải học ba tiếng đó của Tàu? Mà âm Kh của Tàu cũng không thấy biến thành âm Ch của Việt lần nào hết.

Ông viết Lưu của Tàu biến thành Xuôi của Việt, lại biến ra Làu (thuộc làu làu) của Việt. Thế thì một âm L của Tàu biến thành lu bù âm của ta được hay sao.

Mõm chó theo ông thì do chữ Vần của Tàu.

Ta không có danh từ Mõm chó nữa, thì ta không có ngôn ngữ và dân tộc Việt không có, và đúng ta là Tàu như sử gia Nguyễn Phương đã nói. Nhưng bằng chứng ở đâu để cho rằng Mõm chó do Vẩn mà ra?

Ông nói rằng Ngực do Ức của Tàu mà ra, nhưng người Tàu chỉ cái Ngực bằng tiếng Hún, Siung và viết ra chữ thì mới hay đó là chữ Hung. Không có nhóm Trung Hoa nào mà nói Ức, Óc, Ích gì hết.

Đã bảo giáo sư không tìm tài liệu trong ngôn ngữ mà dân chúng đang nói, nếu có, giáo sư sẽ thấy rằng không có nhóm Trung Hoa nào nói Ức hết, mà chỉ nói Hung thôi, vì cái lẽ giản dị rằng Ức không phải là Ngực. Trong tiếng Việt, Ức chỉ là một điểm nhỏ trên ngực, còn trong Hoa ngữ thì ỨcPhía trước ngực, cũng như Xanbữa ăn, chớ không phải là Ăn.

Chữ Hung của Tàu có hai nghĩa: Poitrine, Sternum. Còn Ức chỉ là Thorax mà thôi. Còn trong Việt ngữ thì:

Sternum = Mỏ ác (Bắc)
= Chớn thủy (Nam)

Chớn thủy tương đương với Ức của Tàu đấy.

Nếu thấy trong sách hai danh từ giống nhau rồi đặt ra mối liên hệ giữa hai danh từ đó thì một người Pháp đã làm rồi, Đại tá H. Fray, nhưng với tánh cách đùa cợt mà thôi:

Con voi (Việt) = Con voi (Pháp)

Nhưng các con voi ngày xưa thì không hợp thành bằng con voi mà bằng con lạc đà.

Trường hợp của Ngực giống hệt trường hợp của MắtNhà. Ai cũng nói hai danh từ MắtNhà do Hán Việt MụcGia mà ra, kể cả giáo sư Lê Ngọc Trụ. Nhưng người Trung Hoa không bao giờ chỉ con mắt bằng tiếng Mục mà họ chỉ bằng tiếng Nhãn, và Gia không hề có nghĩa là cái nhà. Gia hàm ý gia đình. Luôn luôn người Tàu dùng danh từ Ốc để chỉ món kiến trúc đó.

Người ta nói Nhãn khoa chớ không ai nói Mục khoa. Người ta nói Kiến ốc cục chớ không ai nói Kiến gia cục.

Mắt do Mã Lai Bách Việt Mata mà ra, còn Nhà cũng thế.

Việt Nam: Mắt
Mạ: Maht
Mã Lai: Mata
Tây Tạng: Mag
Việt Nam: Nhà
Mường: Nha
Kơ Yong: Nyia
Yêh: Niơ
Khả Lá Vàng: H’Nơm
Sơ Đăng (Kong Bring): Hnhây
Rơn Gao: Hnyê
Mamêt: N’a

Ông Lê nói tiếng Vạc là cái Đỉnh do Hoạch của Tàu mà ra và Hoạch có nghĩa là cái chảo ba chơn. Nhưng tra tự điển Từ Hải thì thấy sách ấy nói Hoạch là cái bồn lớn không chơn, hoặc cái bình lớn không chơn, có vẽ hình hẳn hòi.

Trong cổ vật Đông Sơn, dân Lạc Việt có cái nồi ba chơn thì họ có danh từ Vạc là chuyện dĩ nhiên, không cần bắt họ mượn của Tàu hay của ai cả.

Việc kiểm soát bằng tự điển Tàu khiến ta đâm nghi ngờ ông Lê Ngọc Trụ cố ý lôi kéo liều lĩnh để cho thuyết của ông được thành thuyết với nhiều bằng chứng.

Thật vậy, sau tiếng Hoạch, ta tra thử vài tiếng khác. Ông viết rằng danh từ Xương của Việt Nam do Khang Hán Việt mà ra, và Khang cũng đọc là Xang. Nhưng trên thực tế thì không có vùng nào ở Việt Nam mà người ta đọc KhangXang cả. Xương do đâu mà ra, ta sẽ thấy ở các biểu đối chiếu.

Ông nói Xảo của Hán Việt cũng đọc là Khảo để kết luận rằng Khéo do Khảo mà ra. Nhưng không có vùng nào đọc XảoKhảo cả.

Cứ làm như thế mãi rồi thì không còn danh từ nào là thuần Việt được nữa.

Việc bắt tiếng Việt làm bà con với tiếng Hán Việt rất là phiêu lưu mạo hiểm. Có hai tiếng Hán Việt ThủĐầu. Thủ, Trung Hoa đọc là Sầu, Sẩu, Sùi, Đầu họ đọc là Thủ, Thầu, Tháo.

Mặc dầu sáu lối đọc Trung Hoa về hai tiếng Hán Việt ấy đều hơi giống tiếng Nôm Đầu của ta, thế nhưng ai dám chắc Đầu của ta gốc Trung Hoa hay không? Nhìn vào bản đối chiếu những danh từ chỉ các bộ phận trong thân thể con người dưới đây, ta đâm ngờ. Ta có đủ các danh từ, chỉ trừ cái Đầu là nghĩa làm sao? Có thế nào ta mê tiếng Tàu mà chỉ mê có tiếng Đầu, còn tay, chơn, mắt, mũi thì không mê hay chăng?

Thuần Việt Hán Việt Mân Việt Việt Nam Hải Quan Thoại
Tóc Phát Hoặc Fatt
Fạ
Đầu
Thủ
Xùi
Xẩu
Xầu
Đầu
Tháo
Thầu
Thủ

Cổ
Cảnh
Kẹ
Kẻng
Chiều
Mặt
Diện
Mil
Mil
Mél
Trán
Ngạch
Hía
Ngạc
Ngớ
Mắt
Nhãn
Ngán
Ngạl
Ièl
Mũi
Tỵ
Phì

Pi
Lỗ mũi
Tỵ khổng
Phì khang
Pì có
Pi khùng
Tai
Nhỉ
Hỉ
Dii
Ơl
Lỗ tai
Nhỉ khổng
Hỉ khang
Dii có
Ơ khùng
Miệng
Khẩu
Kháo
Hẩu
Khù
Môi
Thần
Xún
Xuần
Xài
Râu
Tu
Txiu
Xúa


Hạp
?
?
?
Răng
Nha
Ghế
Ngà
Yạ
Lưỡi
Thiệt
Chíi
Li
Xửa
Mình
Thân
Xink
Xál
Xil
Ngực
Hung
Hênk
Hún
Siung
Bụng (B ngoài)
Phúc
Pậc
Phục
Phủ
Lưng
Bối
Bùê
Pui
Pi
Tay
Thủ
Txiú
Xẩu

Chơn
Cước
Kha
Cượk
Chèo
Bắp vế
Thối
Thúi
Pỉ
Thùi
Đầu gối
Tất
Xik
Xách
Xưa
Da

Phuế
Phì
Pia
Lông
Mao


Mao


Khi hai bà Trưng ra lệnh chặt đầu một viên tướng Tàu, thật không rõ bà nói làm sao cho được khi mà dân ta chưa vay mượn được tiếng Đầu của Tàu.

Theo chúng tôi, sở dĩ Đầu của ta hơi giống của Tàu, là chỉ vì sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và chúng tôi nói thế không có gượng gạo chút nào hết.

Trung Hoa có đại danh từ Pàpá để con xưng hô với cha (danh từ của họ là Fùxíl, tức Phụ thân).

Nhưng Ấn ngữ cũng có tiếng Pa vừa là danh từ để chỉ cha, vừa là đại danh từ dùng để con xưng hô với cha.

Có ai dám bảo rằng Quan Thoại đã học theo Ấn ngữ hay không? Hoặc Ấn ngữ đã học của Hoa Ngữ?

Hẳn là không. Nhưng mà khi Việt hơi giống Tàu là tức thì bị xem là cóp của Tàu, không có ngoại lệ.

Chúng tôi nói rằng sự gán ghép ấy phiêu lưu mạo hiểm vì càng khám phá, càng thấy mỗi ngày sự sai lạc, mà một thí dụ sau đây rất là điển hình.

Giáo sư họ Lê nói động từ Đâm do động từ Châm của Tàu mà ra (trang 57, bản in 1959).

Cho tới nay thì giới khảo cổ Tây lẫn ta đều quan niệm rằng người Mường là người Cổ Việt bất hợp tác với Trung Hoa, rút lên rừng mà ở. Sự kiện bất hợp tác hẳn phải kéo theo sự kiện không chịu ảnh hưởng. Và quả thật thế, mặc dầu một số người Mường hiếm hoi có học chữ Nho, họ vẫn không chịu ảnh hưởng của Tàu như người Việt ở đồng bằng.

Năm 1962, nhà khảo cổ Lê Văn Lan đã lên xứ Mường Phú Thọ để khảo sát cách sử dụng trống đồng thì ông thấy người Mường ở đó đánh trống y hệt như hình khắc trong trống đồng, tức lấy gậy to mà đâm vào mặt trống, lối đánh kỳ dị ấy khiến thuở nghiên cứu trống, các nhà khảo cổ Âu Châu rất phân vân và nhiều nhà cho rằng đó là giã gạo, chớ ai lại đánh trống lạ lùng như vậy.

Ấy, người Mường gọi động tác đâm gậy vào mặt trống như vậy là Chàm, mà Chàm trong ngôn ngữ của họ, có nghĩa là Đâm của ta. Đánh trống đồng, họ nói là Chảm thau, tức Đâm trống thau.

Giã gạo theo lối đó, tức giã theo thời cổ, họ gọi là Chàm ló tức Đâm lúa, Chọt lúa của ta, hoặc Chàm Đuống, tức Chọt gạo.

Vậy Đâm mà do Chàm mà ra, đó là tiếng Lạc Việt thời tiền Mã Viện. Không thể bảo rằng Chàm cũng chỉ là biến thế của Châm y như Đâm bởi người Mường không có chịu ảnh hưởng của Trung Hoa.

Hơn thế danh từ Chàm của Trung Hoa chỉ có nghĩa là cây kim, sau thêm cái nghĩa dùng kim để chích. Thế thì vật dùng để châm, tương đối nhỏ, nhọn và ngắn (cây kim thời thạch khí bằng đá, nhưng vẫn nhọn, nhỏ và ngắn) còn cái vật mà dân ta dùng để đâm, để chọt gạo lại dài, mà không được nhọn, mà công việc thì cũng không phải là chích.

Người Mường nói Chàm, và một số lớn các dân tộc Cổ Mã Lai cũng nói tương tự như thế:

Người Sơ Đăng nói Tam
Người Chàm nói Tơm

Đâm, Chàm, Tum, Tơm thấy rõ là đồng gốc, mà là gốc cổ Mã Lai, chớ không phải là gốc Tàu Châm, vì Châm chỉ một động tác khác mà vật dụng dùng để Châm cũng khác với vật dụng dùng để Chàm.

Người ta cứ bị ám ảnh rằng Tàu văn minh ảnh hưởng đến mọi dân tộc mà quên mất sự kiện rằng Tàu đã vay mượn lung tung. Thí dụ ở Đông Dương (chớ không riêng Việt Nam) có danh từ Ô Dước, Hoa Nam gọi là Oyo. Nhưng Hoa Nam lại không có cây Ô Dước như Đông Dương. Như vậy ai học của ai?

Trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, có ba danh từ mà dịch giả cho rằng không biết là gì.

Danh từ thứ nhứt là Am La. Danh từ đó đã được chúng tôi giải thích rồi.

Danh từ thứ nhì là La Nga, dịch giả biết rằng đó là chiếc bành voi có mui, nhưng cũng không biết do đâu mà ra. Đó cũng là danh từ mà Trung Hoa vay mượn của Phạn ngữ dưới trào đại Ma già đà. Danh từ Phạn ấy là P’lana.

Danh từ thứ ba thì rất bí. Dân ở Bến Vân Đồn ưa đội nón Tàu. Quan trấn thủ ở đó là Trần Khánh Dư ra lịnh cấm, vì Tàu thường tấn công vào nơi ấy và quân ta sẽ khó phân biệt bạn và thù nên hạ lịnh cho dân phải bỏ nón Tàu, đội nón Ma lôi.

Dịch giả cũng kêu là không biết nón ấy ra sao.

Nên biết rằng Ngô Thì Sĩ là người sống ngang với trào nhà Thanh, nhưng viết sách, lại dùng danh từ đời Hán mà Trung Hoa đã bỏ hơn một ngàn năm rồi, như danh từ Am la đã cho thấy.

Như thế danh từ Ma lôi chắc cũng là danh từ Tàu đời Hán. Dưới đời Hán, Tàu đã biết các đảo Mã Lai rồi.

Cái nón lá nhọn đỉnh của dân ta và của tất cả các dân gốc Mã Lai, được người Mã Lai gọi là Tărăndắc Malaya.

Có lẽ ông Tàu đời Hán đã phiên âm, nhưng bỏ bớt âm, theo thói quen của họ, trong cái danh từ quá dài đó, họ chỉ giữ lại có hai âm là Ma Lôi mà thôi, bởi dân Việt ở Bến Vân Đồn thì ngoài nón Tàu ra không thể đội nón nào khác hơn là nón nhọn đỉnh, biệt phẩm của chủng Mã Lai, mà cho đến ngày nay dân ta còn dùng.

(Một điểm khiến ta phải ngạc nhiên là các sử gia ta, bất kỳ sống dưới đời Minh, đời Thanh gì, cũng dùng danh từ đời Hán cả, thí dụ các ông gọi nước Cao Miên là Chân Lạp. Đó là danh từ mà Tàu đã bỏ từ đời Đường. Nhưng các ông Việt cứ tiếp tục dùng mãi. Ông Tàu bỏ rất hữu lý vì ông Cao Miên đã bỏ và đã tự xưng là Kampuchia, nên ông Tàu đời Đường phiên âm là Cam-Bố-Trí, Cam-Phá-Giá, hoặc Giản-Phố-Trại, cớ sao các ông Việt lại cứ dùng danh từ đời Hán thì thật là khó hiểu).

Trung Hoa đã mượn chữ Phù là cây phù dung để phiên âm Trầu mà họ không có. Phù đọc theo Quan Thoại là hơi giống PlùPlù là lối đọc có cái tiếng Trầu của ta mà nay người Mường còn đọc.

Mã Lai Bách Việt chỉ ăn trầu nhiều ở Đông Nam Á mà thôi, còn ở Quảng Đông thì rất ít, vì họ không trồng trầu được. Hơn thế người Quảng Đông ăn trầu, không hề nói rằng họ ăn trầu, mà nói rằng ăn cau: xực pín loòng (Thực tân lang).

Tại sao họ không nói ăn trầu, mà nói ăn cau? Chỉ vì tại họ không có danh từ Trầu. Nhóm Tây Âu là Quảng Đông, có ăn trầu theo Việt Nam, nhưng cũng chẳng có danh từ đó, vì khí hậu bên ấy lạnh, trầu không mọc được một cách tự nhiên, mà nhập cảng cũng không xong. Nhưng tại sao Tàu vẫn mượn Phù để phiên âm Trầu, chi vậy? Chỉ để cho có, vì dân văn minh muốn có tất cả, như Pháp chẳng hạn, họ không hề ăn được trái sầu riêng, không hề dùng danh từ đó, nhưng vẫn phiên âm tiếng Mã Lai DurianDurion, cho có vậy thôi.

Trầu là tiếng Bách Việt chánh gốc Mã Lai, không hề do Phù của Tàu, mà chính Tàu mượn Phù của Mã Lai:

Việt Nam Kim: Trầu
Việt Nam Trung Cổ: T’lù (theo sách của các cố đạo)
Mường: Plù
Cao Miên: Pìu hoặc Mìu
Bà Na: Blao
Sơ Đăng: Grao
Mã Lai Célèbes: Blao

Danh từ Cau của Trung Hoa là Tân lang thật đáng ngờ là của họ. Họ không có cây trầu cây cau gì hết thì đó chỉ có thể là tiếng phiên âm mà thôi.

Quả thật Tân lang không có nghĩa gì cả mà tiếng Mã Lai chỉ cây cau lại là Pin nang mà Quan Thoại đọc Tân langPấn lạl. Pin nang = Pấn lạng. Có phải là Tàu phiên âm hay Mã Lai học của Tàu. Đó là trường hợp Dừa và Da. Ở Mã Lai có cau, ở Trung Hoa không có cau.

Đành rằng hiện nay ngôn ngữ ta đầy dẫy danh từ vay mượn của Tàu, không ai muốn chối sự kiện đó, nhưng đó là những tiếng vay mượn về sau để chỉ những vật, những việc, những ý mà trước đời Hán, ta không biết diễn ra. Đời sống thuần nông nghiệp xen lẫn với việc săn bắn, câu kéo của dân Lạc Việt, hẳn là không bị bận rộn về cái xe. Bị nhà Hán trực trị một thời gian, ta mới có xe, nên mới biến xé, xẻ ra xe, nhưng những gì ta có trước đó, ta đã có danh từ để chỉ.

Cho đến những vật lạ ta chỉ mới thấy lần đầu dưới đời Tần, mà lắm cái ta tạo ra tiếng, hay vay mượn ở nơi khác, chớ không vay mượn của Tàu thì đủ biết rằng ta không là Tàu. Chẳng hạn như tiếng CừKinh.

Nhà Tần phát minh việc đào kinh lớn gần như sông, và họ gọi là Cừ (sau này họ gọi là Vận tải hà), nhưng ta không bao giờ dùng cả hai danh từ cũ và mới của họ, mà gọi là Kinh hoặc Sông đào mà thôi. Tại sao người Tàu ly khai ở Việt Nam lại dùng danh từ khác người Tàu Quảng Đông, Phúc Kiến, người Sơn Đông? Là tại họ không phải là Tàu.

Nhà bác học ngôn ngữ M. Karlgren, cho biết rằng hồi đầu Tây lịch, Quan Thoại đọc chữ Phật là But, chớ không có đọc Fa hay như ngày nay. Đến thế kỷ thứ VII thì họ biến BUT ra Vuel, rồi sau biến VUETFO vào thế kỷ nào, không tìm được dấu vết nữa.

Thế nghĩa là tiếng Quan Thoại ngày nay đã qua nhiều cuộc biến giọng. Nhưng xin đừng dựa vào nhận xét trên đây mà cho rằng tiếng Việt ngày nay đích thị là tiếng Quan Thoại cổ, đã biến dạng đi rồi, thế nên nay ta đối chiếu Việt và Quan Thoại, ta mới thấy khác nhau.

Không, ông M. Karlgren đã tìm được dấu vết của rất nhiều danh từ, động từ bị biến dạng, trong đó chẳng hạn Xúi, là XúiXủi gì đó chớ không bao giờ là NứcNựcNược mà cho rằng tiếng Nước của ta có thể là Quan Thoại cổ thời.

Ta đã theo dõi Trung Hoa rất sát, hễ họ biến thì ta cũng biến, chớ không phải là nhà quê, học được một lần rồi thôi và tiếp tục nói tiếng Tàu cổ rồi nay lại ngỡ tiếng Tàu cổ đó là tiếng Việt khi đối chiếu với Kim Quan Thoại, thấy là khác, bằng chứng là khi họ biến But ra Fo, ta cũng biến Bụt ra Phật.

Trường hợp người thời nay nói tiếng xưa vẫn có xảy ra, thí dụ dân Gia Nã Đại nói tiếng Pháp của thế kỷ thứ XVIII, nhưng đó không phải là trường hợp của ta vì ta cứ giữ liên lạc với Trung Hoa hoài hoài.

Những danh từ mà họ biến, ta không buồn biến, cũng được biết. Việt ngữ theo bén gót Quan Thoại, chớ không hề nhà quê, miền này không theo thì miền khác theo.

Chúng tôi xin đơn cử ra thí dụ cái Moustiquatre. Cái đó Quan Thoại thời Mã Viện gọi là Wát cháng tức Mấu trướng, Mấu là con muỗi, trướngbức màn dài. Giao Chỉ dĩ nhiên là không có danh từ trướng vì họ không biết dùng cái màn dài trước khi Mã Viện đến.

Nhưng ta vay mượn của Tàu Quan Thoại một cách thông minh kinh khủng, ta không nói là wát cháng mà nói là wát màn. Màn là gì? Màn là tiếng Quan Thoại (chữ nho đọc là Mục) chỉ cái lưới (cương mục).

Quả thật thế. Cái Monstiquaire, thật ra, đâu có phải là trướng mà đó là năm cái trướng may dính lại, nói giống cái lưới cá (Màn) chớ không có giống cái trướng. Người Tàu hồi đó còn nghèo danh từ.

Có người ngỡ ta mượn tiếng Mạn là cái màn ngắn. Nhưng không. Mạnmàn ngắn che cửa sổ, họ đọc là , chỉ có Mục họ mới đọc là Màn.

Vậy ta theo Tàu, nhưng theo rất là tài tình, ta gọi cái đó là cái Văn Màn chớ không gọi là Văn trướng hay Văn Mó. Sau vì lười biếng, ta bỏ mất chữ Văn chỉ còn Màn.

Nhưng đến nhà Minh thì Tàu đã có danh từ khác, đó là danh từ mà Quan Thoại đọc là Mung viết một bên Cân một bên Mông để thay cho wát cháng. Ta cũng biết và cũng theo. Ta bắt đầu theo tại Hội An mà nhà Minh bị nhà Thanh đuổi xuống đó. Từ Hội An đến Cà Mau đều gọi cái đó là Mùng, rồi Mùng lộn ngược lên trên Nghệ An nữa. Tóm lại, ta không có quê một chút xíu nào hết, trong việc vay mượn tiếng Tàu.

(Riêng Bắc Việt thì, vì đã quá quen với Màn, không sửa đổi như những người chịu ảnh hưởng của Tàu về sau là dân Trung Việt và Nam Việt).

Sự tồn tại của ngôn ngữ Lạc Việt, chứng tỏ rằng dân tộc ấy không bị diệt. Hơn thế, nó còn là yếu tố chủ lực của dân tộc Việt Nam ngày nay, vì lai giống với Chàm hay Thái, hay Cao Miên hay gì cũng cứ là với chủng Mã Lai với nhau cả.

Bây giờ nếu loại bỏ tất cả những danh từ vay mượn của Tàu quá nhiều, dân Việt Nam vẫn cứ trao đổi ý nghĩ với nhau được như thường, chỉ có cái là không diễn được những ý khó về văn hóa, học thuật mà thôi.

Ta không chối đã vay mượn quá nhiều của Tàu, cũng không bị mặc cảm nghèo nàn, nhưng ta phải thấy rằng cái căn bản của ngôn ngữ ta vẫn là Lạc Việt. Mà như vậy tức ta không phải là người Tàu.

Người Trung Hoa có thể tự lập ở đây và tự xưng là Việt Nam, nhưng không bao giờ họ lại nói tiếng Lạc Việt và dùng văn phạm Lạc Việt. Nếu phải vay mượn của Lạc Việt, họ chỉ mượn vài danh từ hiếm hoi mà họ không có, chớ sao lại vay cái mặt, cái má, cái mũi, lỗ mũi, cái môi, cái miệng, cái răng, cái cổ, cái ngực, cái bụng, cái lưng, chơn, tay, toàn là danh từ mà họ đã có?
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.