trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.9.2007
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35 
 
Ở chương sau chúng ta sẽ biết thật rõ hơn nước Tây Âu về mặt chủng tộc học. Ở đây, chỉ tạm khẳng định rằng nước ấy chẳng dính líu gì hết đến Cổ Việt tức đến Âu Lạc.

Dầu sao đất của An Dương Vương cũng còn ở ngoài vòng đô hộ của nhà Tần, và nước Trung Hoa không bao giờ có chiếm Cổ Việt trong cuộc viễn chinh của Đồ Thư như bài nghiên cứu dài 72 trang khổ lớn của ông L. Aurousseau đã muốn chứng minh, và nhiều sách ta chép theo.

Đây chỉ là sự thật lịch sử chứ không vì tự ái quốc gia hay gì gì khác, bởi vua Tần Thỉ Hoàng vẫn hãnh diện cho ta hơn là thua An Dương Vương. Nhưng ta đã nhận có bị An Dương Vương chinh phục vào thuở đó là vì sự thật mà thôi.

Bị Tần Thỉ Hoàng chinh phục, không xấu hơn là bị Thục Phán chinh phục chút nào, trái lại, còn vinh diệu hơn, vì Tần sử dụng đến nửa triệu quân còn Thục Phán thì chỉ dùng có ba mươi ngàn. Nhưng chúng tôi cứ nỗ lực phủ nhận cuộc chinh phục của Tần Thỉ Hoàng là chỉ vì sự thật.


Bằng hứng thứ tư

Đây là bằng chứng cuối cùng và quyết định, có giá trị hơn cả vụ Bắc Hộ huyền hoặc của Tư Mã Thiên nhiều lắm.

Quyển sách độc nhứt có tả rõ chiến trường Ngũ Lĩnh của Tần Thỉ Hoàng là quyển Hoài Nam Tử của Lưu An, và câu sử quan trọng nhứt cho biết Tần Thỉ Hoàng đánh tới đâu, nằm rõ trong đó.

Câu sử ấy đã được hầu hết các sử gia ta trích dẫn, nhưng họ chỉ dùng về mặt khác mà không bao giờ chú ý đến chiến trường, thế nên họ trích sót cái đoạn quan trọng nhứt mà chúng tôi sẽ trích ra đây. (Một ngày trước khi đưa cho nhà xuất bản tập bản thảo này thì tôi thấy có một vị có trích đoạn đó, đó là giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong tạp chí Sử Địa cuối năm 1970. Nhưng giáo sư lại có chú thích. Giáo sư trích đoạn đó, nhưng chẳng dùng nó để chứng minh cái gì, có lẽ vì lúc dịch, tiện tay dịch hết câu vậy thôi, nhưng lời chú thích lại khiến người muốn dùng sẽ hiểu khác. Chúng tôi viết những dòng này khi rượt theo nhà xuất bản để ghi thêm vào, và để nói rõ rằng chúng tôi chú thích khác và câu sử đó quan trọng lắm, khi chú thích đúng).

Đây, mấy chục chữ tối quan trọng đối với lịch sử ta: “Sai Uất Đồ Thư xuất 50 vạn quân, chia làm 5 đạo, một đóng ở Đàm Thành, một đóng ở Cửu Nghi, một đóng ở Phiên Ngung, một chận ở đất phía Nam, một đóng ở sông Dư Can”.

Những địa danh ở câu trên đây đều được ta biết, đại khái Dư Can ở Quảng Tây, Phiên Ngung ở Quảng Đông, Cửu Nghi ở Hồ Nam, Đàm Thành thì có tự điển cho rằng cách phía Tây Phiên Ngung không xa nhưng giáo sư Nguyễn Đăng Thục cho rằng Đàm Thành ở tận mãi trên núi Ngũ Lĩnh thì hơi khả nghi vì từ Ngũ Lĩnh đổ lên là đất của Tần, man di Việt có thua cũng không dám chạy lên đó mà phải đóng quân nơi đó. Nhưng Đàm Thành ở đâu, chú trích sai hay đúng không quan trọng.

Quan trọng nhứt là đất phía Nam mà trong nguyên văn là Nam .

Ông Nguyễn Đăng Thục chú thích rằng Nam Dã là Dự Chương.

Nhưng nếu là Dự Chương thì đất ấy lại cũng ở phía trên. Hai ông Lê Chí Thiệp và Phạm Văn Sơn cho rằng Dự Chương là Vũ Xương ngày nay, còn sách địa lý của Jean Brunhes thì vẽ Dự Chương ở xa hơn vào phía trong, cách Vũ Xương lối 500 cây số.

Nhưng theo Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ là sách giáo khoa của Tàu ngày nay, tức sách đáng tin cậy. Dự Chương nằm ở phía Nam hồ Động Đình, cách hồ này vài chục cây số, tức ở trên Ngũ Lĩnh rất xa. Như vậy thì nhà Tần không có lý do nào cả mà đóng một cái núi ở đó, vì như đã nói, nếu man di có thua thì chạy xuống chớ không điên rồ mà chạy vào nước Tàu.

Hơn thế, cứ nhìn kỹ vào trật tự của câu văn thì thấy rõ rằng Nam không thể nào là Dự Chương. Lưu An là một bậc danh nho, nổi danh về văn học hơn là nghề làm vua vùng phía Nam sông Hoài thì ông không thể nào mà để Dự Chương năm xen giữa hai địa điểm Quảng Đông. Ông nói về phía trên xong thì nói đến Dư Can và Phiên Ngung ở phía dưới. Ông không có lý do mà thêm một vị trí ở trên là Dự Chương vào hai địa danh Dư Can và Phiên Ngung, vì viết như vậy không còn trật tự gì nữa hết. Nói chuyện phía Bắc xong rồi thì nói chuyện phía Nam là hữu lý, nhưng cớ sao lại nhét một vị trí Bắc vào giữa hai vị trí Nam?

Không rõ giáo sư Nguyễn Đăng Thục tự ý chú thích như vậy hay căn cứ trên sách nào. Có lẽ là theo một sách rất cổ chăng, vì đối với nhà Chu thì bất kỳ nơi nào ở Nam Sở cũng bị gọi là Nam Dã được hết thì gọi Dự Chương là Nam Dã là gọi đúng. Nhưng nó không còn đúng nữa trong trận đánh của Đồ Thư mà Nam Dã đã hoá ra Bắc Dã rồi.

Lưu An sống vào đời Hán, mà đời Hán thì Dự Chương thuộc Hán Trung, tức là Trung , hoặc Bắc chớ không thể là Nam .

Hai tiếng Nam mơ hồ đó không phải là một địa danh nào mà chỉ là một danh từ, chỉ đất phía Nam của Phiên Ngung, trỏ đất Cổ Việt, nói cho thật đích xác đó là cái tiểu Ngũ Lĩnh loại bỏ túi thấy trong bức dư đồ khi nãy.

Cả ba nhơn vật Đồ Thư, Lưu An và Lộ Bác Đức đều không biết gì về nước Âu Lạc, nên họ phải dùng một danh từ, mà không dùng địa danh. Lộ Bác Đức là tướng Nam chính mà cũng không ra khỏi thành Phiên Ngung thì Lưu An chỉ cần gọi phía dưới là “Đất phía Nam” là đủ rồi.

Ngăn chặn ở biên giới đất phía Nam chỉ có thể hiểu là ngăn chặn tại biên giới Tây Âu và Âu Lạc, nói theo ngày nay là biên giới Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam.

Tại sao lại ngăn? Ngăn để tận diệt quân Tây Âu, không cho họ rút lui. Và ngăn để An Dương Vương không thể cấp cứu Tây Âu. Tại sao An Dương Vương lại phải tiếp cứu Tây Âu? Vì ơn nặng mà An Dương Vương đã thọ lãnh của vua Trạch Hu Tống, của nước Tây Âu.

Thế thì một lần nữa, một sử gia khác, cho biết cái nơi dừng quân cuối cùng của Tần Thỉ Hoàng. Đó là Hạ chí Tuyến Bắc, tức Phiên Ngung.

Đã bảo Tàu Hoa Bắc vốn là dân xứ lạnh, quen chịu khí hậu lục địa, không thể nào mà ở được dưới Hạ chí Tuyến vào thời đó mà đánh xuống đó cho mất công.

Về sau này thì được, mà đó chỉ là dân Quảng Đông và Phúc Kiến di cư, hai dân đó vốn nằm ngay tại Hạ chí Tuyến, cơ thể quen được với vùng nhiệt đới phần nào, chớ vào thời cổ thì quân lính toàn là người Hoa Bắc.

Tất cả người Tàu di cư xuống Đông Nam Á đều là người Quảng Đông và Phúc Kiến, ai tìm được một người Hà Bắc hay Hồ Bắc hay Thiểm Tây ở Đông Nam Á, chúng tôi dám đưa đầu ra cho họ chặt.

Còn đây là chuyện phụ. Câu sử của Lưu An trong Hoài Nam Tử được các sử gia Pháp, Việt, Nhật thường trích dịch nhưng chúng tôi e là có chỗ nghi ngờ.

Thí dụ quý vị ấy dịch là “quan Uý Đồ Thư”, quan “Giám Sử Lộc”.

Dưới đời nhà Tần, quan Uý ở dưới quyền quan Giám thì tại sao quan Uý Đồ Thư lại là thượng cấp của quan Giám Sử Lộc được?

Có sách (sách Tàu) giải thích rằng Uý là Hiệu Uý. Nhưng dưới thời ấy lại chưa có chức Hiệu Uý, là chức của đời Hán.

Bản in Hoài Nam Tử mà chúng tôi có trong tay, quá tốt, địa danh và nhân danh đều được họ đánh dấu riêng để cho đừng lầm với danh từ. Cứ theo bản in của chúng tôi thì chữ là nhân danh, mà khi Uý là nhân danh thì phải đọc là Uất. Ông ấy họ Uất, tên Đồ Thư, chớ không phải họ Đồ, tên Thư và làm quan Uý.

Và cũng cứ theo bản in của chúng tôi thì Sử là động từ còn Giám là nhân danh. Sử Giám Lộc là sai, ông Giám Lộc chớ không phải là ông ấy họ Sử tên Lộc, làm quan Giám.

Lưu An nói rằng đó là quân của Tần Thỉ Hoàng đánh với quân Việt và toàn thể sử gia Việt Nam đều hiểu: Việt đó là Việt Nam. Nhưng đâu có phải như vậy. Tất cả dân Ngũ Lĩnh đều được gọi là Việt vào thuở ấy (Bách Việt kia mà) và mãi cho tới năm nay (1970) dân Quảng Đông cũng cứ còn được gọi là dân Việt và giọng đọc tiếng Tàu của Quảng Đông được sách giáo khoa Tàu gọi là Việt ngữ.

Việt đó có phải là Việt Nam hay không thì chắc chắn là không, vì sử Tàu có viết rằng dân Việt đó là dân của nước Tây Âu mà Tàu cũng gọi là đất Lục Lương, tức đất của dân cứng đầu cứng cổ. Tàu có gọi ta như thế bao giờ đâu.

Và nước Tây Âu là nước của dân nào thì lát nữa ta sẽ biết đích xác. Họ không phải là Việt Nam.

Nhượng Tống đã chưởi Giám Lộc tắt bếp vì sử Tàu ghi rằng Giám Lộc là người Việt, khiến ông tưởng Giám Lộc là Việt Nam phản quốc. Đã bảo bất kỳ dân nào ở Hoa Nam cũng bị gọi là dân Việt hết kia mà.

Đây là nguyên văn câu sử độc nhứt và quan trọng vào bậc nhứt để biết rõ giai đoạn cổ sử Việt Nam đó.

Chúng tôi đánh dấu theo sách Tàu mới, sách này cũng chấm phết y như sách Tây, lại có gạch những từ phải được xem là nhân danh chớ không phải là danh từ thường.

“… hựu lợi Việt chí tê giác, tượng xỉ, phỉ tuý, châu, cơ, nãi sử Uất Đồ Thư phát tiết ngũ thập vạn chi ngũ quân, nhứt quân trắc Đàm Thành chi lãnh, nhứt quân thủ Cửu Nghi chi tắt, nhứt quân cứ Phiên Ngung chi đô, nhứt quân thủ Nam dã chi giới, nhứt quân kiết Dư Can chi thuỷ, tam niên bất giải giáp thì nổ, sử Giám Lộc (vô dĩ) chuyển hướng, hựu dĩ tốt tạc cừ nhi thông lương đạo, dỉ dữ Việt nhân chiến, sát Tây Âu quân Trạch Hu Tống, nhi Việt nhân giai nhập tùng bạc trung, dử cầm thú xứ, mạc chỉ vì Tần cứ, tương trí kiệt tuấn đỉ vi tướng, vi dạ công Tần nhân, đại phá chi, sát Uất Đồ Thư phục thi lưu huyết sổ thập vạn, nãi phác trương tức dỉ bị chí”.

Với câu sử của Tư Mã Thiên và Lưu An và những gì chúng tôi đưa ra để bác bỏ các thuyết, ta đã làm sáng tỏ được:
  1. Tần không hề đánh xuống khỏi Hạ chí Tuyến Bắc, tức Tây Âu không là Cổ Việt.

  2. Tây Âu Lạc là một địa danh hoàn toàn không có.

  3. Huyện Tây Vu không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.

  4. Thượng du tả ngạn Nhị Hà không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.

  5. Trạch Hu Tống là vua của Tây Âu, theo Lưu An chép. Khi Tây Âu không là Bắc Kỳ, không là Thượng du Bắc Việt thì Trạch Hu Tống chẳng dính líu gì tới Cổ Việt hết.

  6. Tượng Quận không hề là Bắc Kỳ, vì Tần Thỉ Hoàng không có chiếm Bắc Kỳ mà lại có chiếm Tượng Quận.

  7. Không có chánh sách trồng người tại Cổ Việt Nam để đẩy dân Lạc Việt vào thế thiểu số.
Nhưng còn đến ba ông vua, ông Hùng Vương, ông An Dương Vương, ông Tây Vu Vương mà vài sử gia cũng làm cho rối nùi. Ta thử giải quyết Tây Vu Vương trước vì đó là một ông vua bé tí hon.

Tây Vu Vương chỉ là một quý tộc Âu Lạc được Triệu Đà để lại sau khi diệt An Dương Vương. Đó là chánh sách cổ điển được thi hành vào thuở đó cho tới thời Mã Viện, người Trung Hoa mới trực trị được dân ở đó. Phong tục, tôn giáo, pháp luật hai bên còn quá xa lạ nên luôn luôn họ cần người “rợ để trị rợ”.

Sử Tàu chép rằng sau khi diệt An Dương Vương rồi, Triệu Đà đặt hai điền sứ dễ kiểm soát cán bộ bản xứ còn được giữ lại là cấp Lạc Tướng. Ông Tây Vu Vương đã toan nổi loạn, sau khi Triệu Đà chết là một sứ giả đó, có thể ông ấy là em hay con cháu của An Dương Vương mà Triệu Đà, vì tình sui gia, tha chết cho, và ban cho một huyện Tây Vu để ăn lộc, nhưng cũng bị người Trung Hoa của Triệu Đà coi chừng, kẻ coi chừng là phó tướng Hoàng Đồng, người đã giết ông ấy.

Ức đoán này, xem ra có lý, vì ông phó tướng được ghi tên trong sử còn ông vua thì lại không. Ông phó tướng Hoàng có vẻ Trung Hoa lắm, còn ông vua thì “man di” nên không được kể đến, tên ông phải phiên âm phiền phức nên người chép sử bỏ luôn.

Các ông Tây, ông Tàu đồng hoá Tây Âu và Âu Lạc một cách độc đoán nên mới tạo hỗn độn ở đoạn sử này. Tây Vu nằm trong Âu Lạc chớ không phải trong Tây Âu. Còn Tây Âu và Âu Lạc thì không có bằng chứng là một, lại có bằng chứng là hai. An Dương Vương ở đâu chưa rõ, đến đánh diệt Hùng Vương, rồi sử Tàu chép rằng: “Đó là đất Âu Lạc vậy”. Một địa danh mới hoàn toàn được phân biệt với địa danh Tây Âu. Không ai được quyền đồng hoá hai danh xưng đó vào thời ấy.


*


Vua Hùng Vương (hoặc nếu không có tên đó thì vua Lạc Vương) dĩ nhiên không làm sao mà là Trạch Hu Tống được như vài sử gia đã viết vì bị rối trí bởi những suy luận, những giả thuyết viển vông của hai ông H. Maspéro và L. Aurousseau, vì cái lẽ giản dị là nước Tây Âu không bao giờ là Cổ Việt Nam, cũng không bao giờ có việc sáp nhập đất đai.

Sự thật thì quả Âu Lạc hàm cái ý Âu với Lạc nhập lại, nhưng chỉ là nhập trong tưởng tượng chớ không có nhập đất đai, vua An Dương Vương là người nước Thục di cư xuống nước đồng chủng là nước Tây Âu, và sống ở đó hai thế hệ, nên ông tự xem ông là người Tây Âu. Hơn thế lính mà ông mộ để xâm lăng Văn Lang của Hùng Vương toàn là người Tây Âu.

Như vậy khi cải quốc hiệu Văn Lang thành ra Âu Lạc, ông chỉ muốn ngầm nói rằng đó là nước của dân Lạc, nhưng do dân Âu lãnh đạo, nhưng không có sự kiện sáp nhập Âu Lạc vào Tây Âu bao giờ.

Quả thật thế, ông ta không hề là tướng của vua Tây Âu, và cuộc xâm lăng đó là việc làm riêng của ông ta, ông ta hưởng lấy, chớ sao lại khổ công mạo hiểm đi đánh giặc để rồi trao kết quả tốt lại cho nước Tây Âu hưởng là nghĩa làm sao?

Viết về đoạn sử đó, ông Phạm Việt Châu cho rằng đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà hai nhóm Việt sáp nhập với nhau, nhưng không hề có việc sáp nhập vào thời đó. Trái lại, nếu có, cũng không phải là lần đầu tiên. Lần đầu tiên xảy ra cách đó 2.500 năm tại Hoa Bắc khi mà một nhóm Lê họp với một nhóm Lạc và được Tàu gọi là nhóm Lạc Lê.

Sự ngộ nhận âm thầm của sử gia Tàu và Việt là có sáp nhập Tây Âu và Âu Lạc được H. Maspéro viết rõ ra trên giấy trắng mực đen, nhưng ông ấy đã viết một điều quá vô lý vì chúng tôi vừa trưng ra bằng chứng không thể bác bỏ được là không thể có một sự sáp nhập như vậy vì hai lẽ:
  1. Thục Phán chỉ là thường dân chớ không bao giờ là tướng của vua Tây Âu.

  2. Như thế, y làm y hưởng, chớ không thế nào mà mạo hiểm để rồi dâng đất cho vua Tây Âu.

  3. Sự kiện không có sáp nhập lộ rõ ra ở chỗ y làm vua, một ông vua trọn quyền độc lập, song song với vua Trạch Hu Tống của nước Tây Âu.
Ông H. Maspéro cũng kém tinh thần khoa học lắm khi ông quả quyết một điều vô lý. Nếu ông có thử đặt ra ba điểm trên đây để xét kỹ, hẳn ông sẽ tự trả lời ông, như chúng tôi đã quan niệm, và ông đã không viết liều như thế.

Dầu sao, trước H. Maspéro, Tàu và ta cũng đã hiểu lầm y như H. Maspéro rồi, mặc dầu không viết ra. Họ hiểu lầm như thế nên họ mới kết luận rằng hễ Tần Thỉ Hoàng chiếm được Tây Âu thì đương nhiên chiếm được Âu Lạc vì hai nước đó đã được sáp nhập lại rồi, và gọi Cổ Việt là Tây Âu, cứ được.


Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:
  • Nguyễn Phương: Việt Nam thời khai sinh, Huế 1965
  • H. Maspéro: Etude d’histoire d’Annam, Hà Nội 1918
  • O. Jansé: Archéallogical Research in Indochina, H.Y.I 1946
  • L. Aurousseau: La première conquête chinoise des pays annamites, Hà Nội 1923
  • Khổng Tử: Xuân Thu, Bản dịch Legge
  • Ancourt: Les Annamites avant la dynastie des Hán
  • Lưu An: Hoài Nam Tử, Đài Loan
  • R. A. Stein: Trích dẫn Thuỷ Kinh Chú; Giao Châu ngoại vực ký, Phù Nam Ký, Lâm Ấp Ký, Phù Nam Ký, Lâm Ấp Ký về Cổ Việt, Tạp chí Hán Học, Bắc Kinh
  • L. Bezacler: L’armé e ancienne et l’art militaire du Việt Nam, Paris 1954
  • L. Bezacier: L’art Vietnamien, Paris 1954
  • Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Sài Gòn
  • Tả Khâu Minh: Tả Truyện, Bản dịch Legge
  • Phạm Việp: Hậu Hán thư, Đài Loan N.T.N.S.
  • Tư Mã Thiên: Sử Ký, Bản dịch E. Chavannes, Paris 1927
  • Nguyễn Siêu: Phương Đình Dư địa chí, Sài Gòn
  • Phạm Văn Sơn: Việt sử tân biên, Sài Gòn
  • O.K. Ghéquier: La littérature chinose, Paris
  • Trần Kinh Hoà: Tạp chí Đại học, Huế 1910
  • Nguyễn Hiến Lê: Bản dịch Ý lữ văn, Sài Gòn
  • Lão Cán: Tạp chí Lục Đồng biệt lực, Tứ Xuyên 1946
  • Ban Cố: Hán thư, Đài Loan N.T.N.S.
  • Ngô Sĩ Liên: Đại Việt Sử Ký toàn thư ngoại kỷ, Sài Gòn
  • R.A. Stein: Nước Lâm Ấp, Tạp chí Hán Học, Bắc Kinh 1947
  • R. Grousset: Histore de la Chine, Paris
  • Nguyễn Bá Trác: Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Sài Gòn
  • M. T. Synchronisme chinois, Changhai 1905

Cổ Thục, Tây Âu và chi Thái

Ở đây chúng tôi nhảy vọt. Ta chưa xét đến chi Mã Lai Lạc mà lại xét về chi thứ nhì là chi Âu tức Thái. Nhưng chúng tôi cần làm sai nguyên tắc cho trí nhớ người đọc không bị đứt đoạn, khi ta vừa nói sơ đến nước Tây Âu ở chương trước.

Nước Tây Âu bí mật này, từ xưa đến nay, chưa có quyển sử nào viết rõ về nó, nhứt là về dân của nước ấy, xưa tên gì, nay tên gì, và đây là lần đầu mà một chi lớn của nhóm Mã Lai ở Trung Hoa được nghiên cứu với ba quốc gia hùng mạnh của chi đó, vào cổ thời.

Tần xua quân xuống đánh vùng Ngũ Lĩnh, tức ở ngoài đất Dương Việt (theo Khổng Tử) và nói đến ba nước; đó là nước Đông Âu, nước Mân Việt và nước Tây Âu.

Thắng trận xong, họ chia cả ra thành quận huyện của họ. Đông Âu là quận nào, Mân Việt là quận nào thì ai cũng đồng ý rồi, và đồng ý cả về địa bàn ngày nay của các nước xưa đó nữa là:

Đông Âu = Nam Triết Giang + Bắc Phúc Kiến

Mân Việt = Phúc Kiến và mấy phủ ở Quảng Đông (các phủ Triều Châu)

Tới đây thì mọi việc đều rõ, và bắt đầu từ đây, rối loạn xảy ra, mặc dầu sử Tàu cũng đã nói rõ. Phần đất còn lại là đất của nước Tây Âu, và đất đó, Tàu chia ra thành ba quận: Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận.

Rối loạn, như đã nói, và xin nhắc lại một lần nữa, bởi điểm này rất quan trọng, vì ta và Tây hiểu lầm sử Tàu.

Sử Tàu viết rằng:

Tượng Quận = Giao Chỉ

Tây Âu = Giao Chỉ

Nhưng cái Giao Chỉ đó phải hiểu là Giao Chỉ bộ, có ngay sau Lộ Bác Đức và gồm tất cả các thuộc địa mới của Tàu ở phương Nam.

Nhưng ta và Tây cứ hiểu rằng đó là Giao Chỉ quận mà Giao Chỉ quận thì chỉ là Bắc Việt mà thôi, cái Giao Chỉ thứ nhì này, mãi đến đời Tam Quốc mới có vì Tàu tách Giao Chỉ bộ làm hai, phía trên đặt tên là Quảng Châu, phía dưới đặt tên là Giao Châu. Trong Giao Châu có ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chơn và Nhựt Nam.

Vì Giao Chỉ bộ chỉ thọ có vài trăm năm còn Giao Chỉ quận (Bắc Việt) tồn tại mãi cho đến đời nhà Đường, nên cả ta lẫn Tây cứ bị ám ảnh về Giao Chỉ II, hễ sử Tàu nói đến giản dị là nghĩ ngay đến Bắc Việt cũng như hễ họ nói đến Việt là ta nghĩ ngay đến ta mà quên mất rằng có đến Bách Việt.

Có rất nhiều nhà trí thức Việt Nam lại còn tưởng rằng họ không có lầm, họ biết cái Giao Chỉ bộ ấy, nhưng dầu cho Giao Chỉ bộ có to hơn bao nhiêu, to đến đâu, cũng cứ là đất của ta, mà người tin tưởng như vậy trước tiên, có lẽ là vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Với những người tin tưởng như vậy thì ta không còn đưa ra hai cái Giao Chỉ để mà làm bằng chứng nữa được, mà phải chỉ đích xác dân ở trên Cao Bằng, Lạng Sơn, hồi cổ thời là dân nào, có phải là dân Việt Nam hay không.

Trước hết Tàu chỉ dân đó bằng chữ Việt bộ Mễ, chớ không phải bằng chữ Việt dùng để trỏ ta, và họ đã làm như vậy từ đời Tần, Hán chớ không phải mới làm về sau vì sợ ta đòi đất ấy lại.

Tưởng hai tự dạng khác nhau, được Tàu dùng từ đời Tần Hán cũng đã là chứng tích khá vững rồi khi ta thấy Tàu họ ý thức vô cùng trong việc sử dụng tự dạng Lạc. Họ không hề biết khoa chủng tộc học, kể cả ngày nay nữa, nhưng họ quan sát rất giỏi.

Nói ta với dân đó đồng chủng tộc thì đúng, và mục đích quyển sách này chỉ có thế, nhưng nói ta với họ là một dân tộc thì qua sai.

Chúng tôi đã chứng minh rằng nhà Tần không hề có đánh chiếm nước ta vì họ chỉ đánh Ngũ Lĩnh, mà nước ta thì ở ngoài Ngũ Lĩnh.

Nhưng chứng minh như vậy không đủ cho mấy người có tin tưởng trên kia vì họ lại cứ bảo rằng nếu quả đúng như thế thì nhà Tần đã đánh chiếm được phân nửa nước ta, chiếm phần trên và phần đó cứ là đất Việt.

Hai cái tự dạng khác nhau đó không đủ họ tin, thế nên chúng tôi lại phải trình thêm một chứng tích nữa để củng cố chứng minh của chúng tôi.

Chúng ta cùng đi tìm để biết đích xác nước Tây Âu này thử xem sao, để cho không còn gì lòng dòng nữa. Nếu nước đó quả là nước của dân Lạc Việt thì quí vị khác đúng, còn như đó là nước của dân khác thì chúng tôi đúng.

Nhơn đọc Tối Tân Trung Quốc phân tỉnh đồ của Tàu, loại lớn, thấy họ cho biết rằng tất cả các cổ dân ở Hoa Nam, ngày xưa đều còn đầy đủ mặt, chúng tôi rất ham biết cái dân Tây Âu kiêu hùng đó, cái dân đã giết được tổng tư lệnh đạo quân viễn chinh của Tần Thủy Hoàng, biết đích xác họ là dân tộc nào. Trong ba năm học hỏi và săn tài liệu lung tung, chúng tôi tìm được một bức dư đồ rất hữu ích, tên là Ethnolinguistico Groups of Mainland Southeast Asia do Human Relations Area Fites Yale University xuất bản.

Theo tài liệu của Pháp thì bức dư đồ Huê Kỳ đó được giới khoa học Nga xác nhận là thật đúng, và ta dùng nó được một cách an lòng, vì hai nước nghịch nhau mà tán đồng nhau thì đúng là sự thật.

Theo bức dư đồ đó thì hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Nam Quí Châu là địa bàn hiện kim của dân Thái, một dân tộc rất cổ mà ngày xưa Tàu gọi là dân Âu. Chỉ bằng vào sự kiện địa bàn ta có thể kết luận rằng nước Tây Âu là nước của dân Thái ở ba tỉnh Trung Hoa ấy ngày nay, chớ không có gì rắc rối như các nhà bác học Tây, Tàu, Nhựt, Việt đã bút chiến lung tung với nhau làm rối nùi mọi việc khiến ta phải điên đầu từ năm 1918 đến nay.

Nên biết rằng bức dư đồ trên đây là bức dư đồ ngôn ngữ chớ không phải là dư đồ chính trị. Theo dư đồ chính trị thì nơi đó là hai tỉnh rưỡi của Trung Hoa, nhưng về mặt phân phối ngôn ngữ thì nơi đó là vùng mà người dân nói tiếng Thái.

Lại còn phải hiểu điều này nữa về kỹ thuật và quan niệm về dư đồ phân phối ngôn ngữ. Người Trung Hoa ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, tuy mười lần đông hơn người Thái, nhưng diện tích đất mà họ chiếm chỉ bằng 1/10 diện tích đất mà Thái làm chủ. Họ chỉ ở tỉnh lỵ, huyện lỵ và các đồng bằng của tỉnh Quảng Đông và vài đồng bằng quá hiếm hoi của tỉnh Quảng Tây và Nam Quí Châu. Sự phân phối ngôn ngữ luôn luôn đi sát diện tích đất ngự trị của cái ngôn ngữ đó. Vì thế mà trong loại dư đồ ấy, hai tỉnh rưỡi nói trên là đất Thái hoàn toàn, theo khoa học (chớ không phải theo chính trị) và người Trung Hoa có vẽ dư đồ ngôn ngữ cho chính nước của họ, họ cũng sẽ vẽ rằng đó là đất Thái cũng như khi Việt Nam vẽ dư đồ phân phối ngôn ngữ, ta cũng sẽ để Ninh Thuận là đất ngôn ngữ Chăm, chứ không phải để là đất Việt. Thiểu số Miêu tộc trong hai tỉnh rưỡi đó, dĩ nhiên cũng bị chìm mất, y như dân thống trị là người Tàu đã bị chìm mất trong bức dư đồ đó.

Mặt khác Tối tân Trung Quốc phản tỉnh đồ cho biết một điều này rất quan trọng: là không hề có nhóm người Tàu nào gọi là người Quảng Tây hết. Ở cả hai tỉnh rưỡi đó, chỉ có người Quảng Đông mà thôi. Chi tiết trên đây rất quan trọng vì nó chứng minh rằng không có chủng tộc, dân tộc thứ nhì nào làm chủ vùng biến thành Tàu và được gọi là người Quảng Đông và người Thái chưa biến thành Tàu, còn phân chia thành nhiều nhóm, như người Nùng (chữ nho là Nông) là một.

Nếu có dân nào khác ở đó, họ đã biến thành Tàu, nhưng mà là một thứ Tàu khác, chẳng hạn ở tỉnh kế cận có người Tàu gọi là Phúc Kiến vốn là dân Thất Mân, lạc bộ Mã.

Nhưng không có ai hết ngoài người Thái biến thành Tàu, được gọi là người Quảng Đông và các nhóm Thái chưa biến thành Tàu.

Tại sao ta biết rằng họ là người Thái biến thành Tàu? Như đã nói, các giọng nói địa phương của Tàu ăn khớp với địa bàn của các “man di” đời xưa. Mân Việt nói tiếng Tàu khác giọng với Quảng Đông, và cả hai nói khác giọng với Triết Giang.

Hơn thế, và đây mới là điều quan trọng, mỗi nhóm giọng đều có giữ được lối một trăm danh từ cổ để chỉ nguồn gốc của họ.

Thí dụ Buổi chiều, người Tàu nói là Hạ Ngọ, tức là sau giờ Ngọ. Nhưng người Quảng Đông, tuy cũng viết là Hạ Ngọ, nhưng lại đọc là Hạ Châu. Châu là tiếng Thái Tây Âu, giống hệt Chiếu là tiếng Thái Ba Thục và Chiều là tiếng Lạc Việt Nam, và cả ba danh từ ấy đều là danh từ Mã Lai, cái thứ Mã Lai mà ở một chương tới chúng tôi sẽ gọi là Mã Lai đợt I, nó khác chút ít với Mã Lai Nam Dương là Mã Lai đợt II.

Và vì là “man di” nên họ dùng chữ Tàu sai. Sau giờ Ngọ thì có nghĩa, nhưng sau chiều (Hạ Châu) thì tức là đêm rồi, chớ đâu còn phải là chiều nữa, nhưng Hạ Châu cứ có nghĩa là Chiều ở vùng Lưỡng Quảng và Quý Châu.

Nội một trăm danh từ địa phương sống sót này đủ cho ta biết rằng người Quảng Đông gốc Thái và nước Tây Âu là một cường quốc Thái dưới đời Tần, mạnh ngang hàng với nước Sở, vì Tần Thỉ Hoàng đánh Sở, đã dùng 600 ngàn quân, còn đánh Tây Âu cũng phải cùng đến 500 ngàn quân, và hao quân nhiều hơn lúc đánh Sở.

Dĩ nhiên là trong hai tỉnh rưỡi ấy cũng còn dân thiểu số, nhưng họ là thiểu số nên không kể đến vì chủ đất phải là dân đa số, dầu cho họ đã biến thành Tàu hay mới biến nửa chừng như người Nùng, hoặc chưa biến chút nào hết như người Đồng người Cầu Di, người Lương, người Bạch Di.

Trong các thứ người thiểu số có người Mèo (thuộc chủng Miêu) và người Choang (thuộc chủng Mã Lai, nhưng chi Lạc, nhưng đó là Lạc bộ Mã chớ không phải Lạc bộ Trãi, vì họ rất gần với người Phúc Kiến). Lại còn một nhóm thiểu số nữa bị Hoa hoá đến 90 phần trăm, đó là người Khách Gia mà Pháp gọi là Hakka và người miền Nam gọi là Hẹ, gốc Ba Thục, tổ tiên của An Dương Vương.

Thế thì nước Tây Âu là nước của dân tộc nào, nay đã rõ. Đó là nước của người Thái, thuộc chủng Mã Lai, chi Âu.

Người Quảng Đông đích thị là người Thái bị đồng hoá và lai giống thành Tàu vì tuy ngày nay họ nói tiếng Tàu, nhưng còn giữ được lối 100 danh từ Thái. (Ở chương ngôn ngữ, chúng tôi sẽ chứng minh rằng không hề có tiếng Quảng Đông như người Việt Nam cứ tưởng. Dân Quảng Đông nói tiếng Tàu sai giọng chút ít, và quan trọng nhứt là họ còn giữ được lối 100 danh từ Thái, mà danh từ Thái đó đích thị là danh từ Mã Lai).

Điều quan trọng thứ nhì là không có người Quảng Tây, không có người Quý Châu, tất cả đều là dân cổ Tây Âu ở y nơi đó, bằng vào lối đọc sai tiếng Tàu của họ ở ba nơi, họ sai giống hệt như nhau, và bằng vào lối gọi của chính người Tàu, họ gọi dân của ba nơi ấy là dân Quảng Đông hoặc dân Việt Lưỡng Quảng.

Thái là một danh tự xưng mà họ chỉ mới lấy hồi thế kỷ XIII khi bị Hoa tộc lấn dữ dội, họ phải bỏ xứ mà Nam thiên xuống Thượng du Bắc Việt và Thái Lan ngày nay, và có nghĩa là “thoát khỏi, tự do, thong thả”, không bị Tàu áp bức, còn trước đó họ tự xưng là Ngu hoặc Ngê-U. Quả thật thế, Quan Thoại phiên âm danh tự xưng đó là Ngê-U, tại các nhà nho ta đọc sai ra là Âu, chớ còn người Mường họ vẫn đọc đúng là Ngu, chỉ không biết là Mường và Quan Thoại, ai đúng hơn ai, dầu sao cả hai, Mường và Quan Thoại, chắc chắn đọc gần đúng danh tự xưng hồi cổ thời của chi Mã Lai đó.

Vậy cái bí mật cổ thời ấy ta đã biết: Nước Tây Âu là một quốc gia của chi Âu của chủng Mã Lai, nằm sát các quốc gia của chi Lạc từ Hoa Bắc đến Hoa Nam (và chúng tôi càng tin mạnh rằng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ bắt nguồn từ sự kiện này vì chi Âu luôn luôn chiếm địa bàn rừng núi, còn chi Lạc luôn luôn chiếm địa bàn ven biển, không có ngoại lệ trừ nước Thái Lan chỉ mới thành lập có 600 năm nay thì không kể).

Âu châu cũng phân biệt hai thứ Mã Lai, Mã Lai bờ biển (Malais maritimes) và Mã Lai núi rừng (Malais des jungles). Tuy cả hai thứ đó đều thuộc chi Lạc, chớ không phải Âu và Lạc, nhưng sự phân biệt ấy cho thấy, mặc dầu trong một chi Lạc, hay giữa hai chi Âu và Lạc, đều có hai thứ người khác tánh cách với nhau mặc dầu đồng chủng.

Chi núi rừng can cường dữ tợn, nhưng tiến trễ hơn chi ven biển vì ít tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài. Mà nhờ tiến trễ mà họ giữ được dân tộc tính nhiều hơn.

Người Thái ở Thượng du Bắc Việt khác hẳn người Thái Lan vì người Thái Lan đã tới bờ biển và lập quốc từ nhiều trăm năm, theo văn hoá Ấn Độ và Phật giáo, còn người Thái Thượng du Bắc Việt còn giữ nguyên vẹn văn minh cổ thời của họ.

Gần đây, một ông Tây đã biết, đó là người Huê Kỳ P.K. Benedict với quyển Thái, Kakai and Indonésien in new alingment in Southeastern Asia, A.A. 1943, quyển sách này ra đời hai năm trước bức dư đồ trên, nhưng chúng tôi dùng bức dư đồ ấy mà không dùng quyển sách của Benedict để làm chứng tích, vì Benedict còn nói đến Thái ở nhiều địa bàn khác. Chỉ có bức dư đồ đó mới cho thấy rõ nước Tây Âu ở đâu, còn Thái Vân Nam, Thái Miến Điện của quyển sách nói trên làm cho người ta sẽ rối trí.

Địa bàn Thái Lưỡng Quảng và Quý Châu là một địa bàn liên tục, cho thấy hiện lên ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Các địa bàn của Benedict không liên tục và ở cách xa Tây Âu đôi khi hàng ngàn cây số.

Bây giờ ta nên đặt ra một câu hỏi rất quan trọng và câu trả lời sẽ cho ta biết một sự thật lớn. Thượng du Bắc Việt ngày nay là đất Thái. Vậy nơi đó là đất Thái từ thời cổ đến nay, hay người Thái mới xâm lăng ta sau này, hoặc họ di cư tới đó sau này, và vào thời nào?

Nói đến sự có mặt của dân Thái ở Thượng du Bắc Việt vào cổ thời, ông O. Jansé đã dùng danh từ xâm lăng (invasion) mà như vậy là các ông Tây mâu thuẫn với các ông. Nếu Thượng du Bắc Việt là đất của Tây Âu, thì không có xâm lăng gì hết. Họ tự nhiên mà ở đó, từ thuở nào không ai biết.

Ông Lefèvre Pontalis tác giả “Notes sur quelques populations du Nord de L’Indochine” viết: “Nói đến sự pha trộn của hai dân tộc Việt, Thái, chúng tôi quan niệm rằng có một sự thoả hiệp nào giữa kẻ xâm nhập với chủ cũ của đất đai, mà đó chỉ giản dị là kết quả lâu đời và chậm chạp của nhiều thế kỷ”.

Truyền thuyết về các đời Hùng Vương có nói đến chiến tranh với Chàm, với An Dương Vương mà không hề nói đến chiến tranh với Tây Âu, thì hẳn đó là một cuộc di cư êm thấm, không có đổ máu, mà khi nói đến di cư, tức Thượng du Bắc Việt không phải là của Tây Âu.

Có di cư, nhưng di cư vào thời nào?

Ta cũng thử đoán mò xem, nhưng dựa trên những nền tảng vững hơn họ.

Ta dám quả quyết rằng cho đến thời Triệu Đà, người Thái vẫn chưa có mặt tại Thượng du Bắc Việt, vì chi tiết sau đây để tiết lộ ra sự kiện ấy.

Khi nhà Hán chia hai nước Nam Việt của Triệu Đà, một phần làm Giao Châu, một phần làm Quảng Châu thì Thượng du Bắc Việt thuộc vào ta. Đừng tưởng người Tàu họ làm chủ mọi nơi rồi họ muốn chia cắt làm sao, tuỳ ý thức riêng của họ. Nhứt định họ phải theo một tiêu chuẩn nào mà tiêu chuẩn đó là như thế này: hai thứ man di không thể cùng trị được bằng một chánh sách. Chánh sách ấy phải mềm dẻo đối với mỗi châu, mỗi quận tuỳ theo phong tục địa phương của nhóm “man di”. Thế thì hẳn họ phải chú trọng đến dân tộc khi chia đất, chớ không thể dựa vào tiêu chuẩn nào khác hơn được.

Hai dân tộc Âu và Lạc bị Triệu Đà sáp nhập thì Triệu Đà có lý do riêng của y, nhưng bị nhà Hán tách ra, nhà Hán cũng có lý do của nhà Hán, cả hai lý do đều hữu lý, nhưng sự kiện vẫn cứ là có hai dân khác nhau và thời điểm nhập và chia ra cho ta biết rõ địa bàn của hai dân tộc đó, vào thuở ấy.

Danh xưng Việt trong quốc hiệu Nam Việt làm cho các sử gia Pháp Việt ngộ nhận rất nhiều.

Lời phê của vua Tự Đức vào quyển Đ.V.S.K.T.T.N.K. của Ngô Sĩ Liên là sai. Khi thấy họ Ngô chép rằng có 6 quận của nước Nam Việt bị Trung Hoa lấy luôn làm đất Quảng Châu. Nhà vua phê “Đất nước Việt ta đã mất vào Trung Quốc hồ quá nửa!”.

Nhà vua không biết rằng thuở ấy Âu và Lạc đều được Tàu gọi là Việt. Danh xưng Việt không chỉ riêng gì ta, và đất Việt không chỉ riêng gì đất của ta.

Từ sông Dương Tử đổ xuống, bất kỳ thổ dân nào cũng bị họ gọi là Việt tuốt hết. Lưu An chỉ nói đến dân Việt ở Ngũ Lĩnh, mà cứ bị các sử gia Pháp và Việt hiểu rằng đó là Việt Nam ở Âu Lạc có kỳ chưa? Đã bảo Ngô Khởi ký hiệp ước với Bách Việt, mà trong đó có Đông Âu và Tây Âu, mà Âu tức là Thái thì danh xưng Việt của Tàu rất rộng nghĩa, phương chi họ đã phân biệt hai thứ Việt bằng hai tự dạng, ngay từ thời đó chớ không phải mới phân biệt về sau này vì sợ Tây Sơn và vua Tự Đức đòi đất lại.

Sáu quận đó là của nước Nam Việt chớ không phải của nước Việt Nam. Mà Nam Việt thời Hán là Quảng Đông, và Cổ Việt Nam thì còn biết sáu quận ấy là đất của dân nào thật sự, có thể là của dân Lạc, mà cũng có thể là của dân Thái, nhưng chắc chắn là của dân Thái bằng vào tiêu chuẩn chia cắt nói trên. Tiêu chuẩn ấy không hề được ghi chép ở sách nào hết, nhưng vẫn phải có. Sự chia cắt của nhà Hán chỉ đi ngược chiều sự sáp nhập của Triệu Đà và các thành phần bị nhập và bị tách phải như nhau, cũng cứ vì cái tiêu chuẩn nói trên.

Còn trước Triệu Đà, dưới thời Tần Thỉ Hoàng thì có di cư hay không?

Cũng chắc chắn là không vì sử Tàu cho rằng xứ Tây Âu dư đất cần đem dân Tàu xuống định cư thì dân Tây Âu không mắc chứng gì mà di cư, bỏ quê hương xứ sở của họ. Cuộc di cư của người Miêu tộc vào Bắc Việt cách đây trên hai trăm năm, đã cho thấy như vậy. Họ chịu đựng người Tàu suốt 5 ngàn năm, rồi bị lấn đất dữ quá họ mới phải di cư. Tới Thượng du Bắc Việt, bị người Thái kháng cự không cho nhập cảnh, họ liều chết đổ máu với người Thái, cho đến lúc vua ta can thiệp, họ mới chạy lên các ngọn núi rồi được để yên trên đó từ ấy những nay. Dân bị trị đã chịu đựng được tới 5 ngàn năm không có vấn đề bỏ đất như thời Xy Vưu vì văn hoá đôi bên đã gần gũi nhau rồi.

Tóm lại, lúc chia hai nước Nam Việt, nhà Hán phải nhớ đến hai nước cũ là Âu Lạc và Tây Âu, mà dân chúng còn nguyên vẹn vì có mấy trăm năm qua. Nhà Trần, rồi Triệu Đà, có muốn nhập hai thứ dân đó lại cũng không xong. Họ không dại mà cắt đất của nước này bỏ vào một châu khác bởi làm như vậy họ khó cai trị hơn, vì một đơn vị hành chánh cần trùng với một nước cũ để mọi biện pháp cải cách mới, được thi hành mà không gây xáo trộn nhiều cho dân phải bất mãn, luật cho Giao Châu phải khác luật cho Quảng Châu.

Hơn thế người xưa luôn luôn cần biên giới tự nhiên (Frontiè res natucelles) vì họ không biết tính kinh tuyến vĩ tuyến như người thời nay, mà giữa Quảng Châu và Giao Châu lại có một thứ Ngũ Lĩnh loại bỏ túi như chúng tôi đã chỉ ở bức dư đồ nói về biên giới thật đúng của đất Ngũ Lĩnh.

Hẳn Hùng Vương rồi An Dương Vương và Trạch Hu Tống đều dùng cái tiểu Ngũ Lĩnh đó để làm biên giới giữa hai nước Tây Âu và Văn Lang rồi Âu Lạc, không sao khác hơn được, bằng không, hoá ra giữa Tây Âu và Văn Lang không có biên giới tự nhiên mà như vậy là trái với quan niệm các quốc gia cổ thời, trái với chánh sách quốc phòng của họ.

Tới đây, ta thấy rằng ông O. Jansé đã lầm khi nói rằng chính người Thái di cư đã khai hoá ta nhờ họ đã nhiễm văn minh Tàu. Tây Âu với ta đồng văn hoá thì không thể có việc họ khai hoá ta.

Họ mà có theo văn minh Tàu để đủ sức khai hoá ta, theo văn minh Tàu, họ cũng phải mất 500 năm nhưng cho tới thời Triệu Đà họ vẫn chưa theo Tàu khi nhìn vào cổ vật Đông Sơn, sau Triệu Đà không bao lâu, mà ông O. Jansé viết như thế là viết liều.

Và đây là bằng chứng thật đích xác rằng vào đầu Tây lịch người Thái không có mặt ở Thượng du Bắc Việt.

Dưới đời Đường, một viên thứ sử (hay thái thú) ở Giao Chỉ là người Nhựt Bổn (theo sử Tàu). Ông ấy có công lớn với nhà Đường vì đã đánh dẹp được cuộc xâm lăng của dân Thái vào thượng du Giao Chỉ.

Thế là rõ, đến nhà Đường họ mới xâm lăng, nhưng không thành công. Họ lại xâm lăng lần thứ nhì nữa, thành công, nhưng rồi cũng bị Cao Biền tiêu diệt. (Mà đó là Thái Vân Nam, khác với Thái Tây Âu).

Nhưng tại sao hiện nay họ có mặt đông đảo tại thượng du? Ấy là vì vào thế kỷ XIII thì Tàu lấn đất quá khốc liệt, họ liều chết mà xâm lăng bất kỳ đất của ai, vì Tàu rượt theo họ bén gót. Họ lập ra hai quốc gia Xiêm và Lào chính vào thời đó.

Còn ta thì không chống xâm lăng được vì dân ta không lên trên ấy được bởi sợ khí hậu ở đó, nên ta đánh để vậy, dụ dỗ họ và cho quan thổ ty lên cai trị họ mà thôi.

Và chứng tích vững như trụ đồng là người ta vừa đào được cổ vật loại Đông Sơn ở Thượng du Bắc Việt mà chúng tôi đã nói đến ở chương trước, đồng tuổi và đồng loại với cổ vật lưu vực Hồng Hà và khác cổ vật Lưỡng Quảng. Hai dân tộc Việt Thái đều có chung văn hoá trước Tây lịch và đều Mã Lai với nhau cả, nhưng chính vì họ chia thành hai dân tộc nên cổ vật Lưỡng Quảng mới có tánh cách khác cổ vật Việt Nam.

Thế là rõ. Trước Tây lịch và liền sau Tây lịch, Thái vẫn chưa có mặt ở Thượng du Bắc Việt và nước Tây Âu với nước Âu Lạc là hai nước phân minh đồng chủng tộc, nhưng khác dân tộc. Và không có lý do để lẫn lộn Tây Âu và Âu Lạc nữa.

Nhưng nếu chủ trương theo chúng tôi thì là sao cắt nghĩa nổi sự kiện người Thái Thượng du Bắc Việt thờ hai bà Trưng?

Quả thật thế, người Pháp đã tìm thấy đền thờ hai bà Trưng trong vùng đất Thái thượng du ngày nay, đền rất nhỏ và việc phụng tự cũng lôi thôi, nhưng chứng minh được sự có mặt của Thái vào thời ấy ở xứ ta, nhưng đồng thời cũng lại chứng minh rằng họ chỉ là kẻ hợp tác chớ không phải là Lạc Việt, chính nhờ sự nhỏ nhoi của đền thờ và việc thờ phượng lôi thôi cho thấy như vậy, khác xa với đền Hát Môn của ta và những nghi lễ vĩ đại của ta vào ngày lễ hai Bà.

Đã bảo chủng tộc này có thể vay mượn thần thánh và cả phong tục toàn bộ của chủng tộc khác, nhưng không vay mượn anh hùng, thì đền thờ hai Bà trên đất Thái thượng du có ý nghĩa gì?

Đó là người Lạc Việt gốc Tây Âu, họ vốn là lính của An Dương Vương và đã bị đồng hoá với Lạc Việt.

Chúng ta đã thấy rõ ở một nơi khác là sau khi bị diệt quốc, hậu duệ của vua nước Thục, cũng là một nước của dân tộc Thái ở Tây Trung Hoa, di cư xuống Tây Âu, ở đó họ mộ lính Tây Âu để cướp nước Văn Lang của Hùng Vương. Thắng trận, lên ngôi, tự xưng An Dương Vương, họ không cho ba vạn quân Tây Âu đánh giặc mướn hồi hương, vì sẽ không còn ai để củng cố nền thống trị của họ. Dĩ nhiên bọn lính Tây Âu đó lấy vợ Lạc Việt và 110 năm sau, đến năm hai bà Trưng khởi nghĩa thì đã có ít lắm là 5 thế hệ dân Lạc Thái, nhưng bị đồng hoá với Lạc vì họ là thiểu số.

Nhưng vua Tự Đức chỉ thạo văn thơ, không biết gì khác hết thì còn cho qua được, chớ những ông H. Maspéro, L. Aurousseau thì không thể tha thứ về sự sai lầm này, phương chi ông H. Maspéro đã sang Tàu để nghiên cứu Thái và Miêu thì sao ông lại không biết hai điều này:
  1. Cái địa bàn Thái đã nói trong bức dư đồ kia, tuy ông không vẽ ra được, nhưng hẳn ông có quan sát, có thấy.

  2. Địa bàn đó từ xưa đến nay không hề thay đổi, hay có mà chỉ thay đổi có một phần sáu là đồng bằng Quảng Đông nay đã bị người Tàu gốc Âu chiếm hết, người Thái còn lại ở Quảng Đông rất là hiếm hoi.
Các ông không được phép không biết rằng dân Tây Âu là dân Thái để viết liều rằng Tây Âu = Bắc Kỳ. Các ông cũng không được phép không biết rằng Thượng du Bắc Việt không thể nào đương đầu nổi với Tần Thỉ Hoàng suốt một thời gian dài từ 7 đến 10 năm mà thắng lợi trong 3 năm đầu, để hiểu rằng:

Tây Âu = Thượng du Bắc Kỳ

Ta lại thử đặt ra câu hỏi thứ nhì.

Sử Tàu chép rằng họ xén đất của quận Nam Hải (Quảng Đông) và của quận Giao Chỉ (Bắc Việt) để lập ra quận Hợp Phố.

Quận Hợp Phố ngày nay thì thuộc vào tỉnh Quảng Đông. Vậy ta có mất đất vào tỉnh Quảng Đông chăng?

Ai cũng cứ tưởng là có. Nhưng không. Cái phần đất bị xén ấy chỉ là thuộc địa mới của vua Hùng Vương mà thôi.

Quả thật thế, người Tàu ở Đông Hưng – Móng Cáy (Hợp Phố xưa, thuộc đất Giao Chỉ) nói tiếng Tàu sai giọng, nhưng không phải sai như người Quảng Đông hay người Việt Nam, mà sai y hệt người Hải Nam.

Ở nơi khác, chúng tôi sẽ chứng minh rằng dân Hải Nam là dân Lạc-Lê thời kỳ Xy Vưu, chớ không phải là dân Lạc bộ Trãi. Ở Cửu Chơn cũng thế. Vậy Hợp Phố và Cửu Chơn là đất của người Lạc-Lê mà vua Hùng Vương mới chinh phục, chưa kịp khai hoá rồi bị mất nước, nên hai đất ấy lọt vào tay Triệu Đà, rồi Lộ Bác Đức, rồi Mã Viện. Có chứng tích vững vàng về cuộc chinh phục của vua Hùng Vương (xin xem chương Không có đế quốc Việt Nam).


*


Ta thử tìm xem người Thái cổ thời còn địa bàn nào khác nữa hay chăng và liên hệ giữa họ và ta ra sao.

Lúc đánh vào Ngũ Lĩnh, sử Tàu không còn phân biệt gì nữa hết. Đông Âu, Tây Âu, Mân Việt gì cũng bị gọi là Việt hết thảy. (Chính vì vậy mà nhiều sử gia ta mới lầm; hễ sách Tàu nói gì về dân Việt ở đó, thì họ đều cho là nói đến ta, thí dụ Lưu An nói đến việc chạy lên núi của dân Việt, thì các ông liền cho rằng Việt đó là Việt Nam).

Chẳng những Tàu không phân biệt, họ còn nhập lại, vì trong thư tịch Trung Hoa vào thời ấy danh xưng Âu Việt xuất hiện, thay cho Tây Âu.

Ngày nay khoa chủng tộc học đo sọ thì thấy sọ Thái và sọ Việt Nam là một, ngôn ngữ của hai dân tộc gần giống nhau thì hẳn người Trung Hoa, mặc dầu không biết chủng tộc học, ngôn ngữ học vào thuở ấy, vẫn biết quan sát rất là giỏi.

Âu là một chi của chủng Mã Lai.

Địa bàn đầu tiên của Âu tức là Thái ở Hoa Bắc, Âu có lẽ là nhóm dữ tợn nhứt trong Cửu Lê.

Tại sao ta biết rằng Thái là một chi của Mã Lai Cửu Lê? Vì cái sọ Thái, sọ Việt và sọ Mã Lai y hệt như nhau, và vì ngôn ngữ Thái, Mã Lai và Việt là một.

Người Thái tự xưng là gì hồi cổ thời? Có lẽ là Lai, như tám chi khác. Tàu phiên âm sai là Lê. Nhưng rồi họ lại tự xưng khác đi, tự xưng là Âu, khi họ lập ra quốc gia Đông Âu và Tây Âu.

Ta biết chắc Âu là danh tự xưng chớ không phải là danh xưng mà Tàu đặt ra cho họ, nhờ người Mường, mà ta sẽ thấy lát nữa đây.

Nhưng tại sao đồng chủng Mã Lai với nhau mà Mã Lai, Thái lại vừa có Thái trắng, vừa có Thái đen, và vài nhóm Thái khác, được ta và Tàu gọi là Thổ và Lô Lô cũng rất trắng?

Đó là một bí mật tưởng không thể cắt nghĩa trôi, nhưng cũng có thể cắt nghĩa được.

Trước khi dân Mã Lai di cư sang nước Nhật thì nước đó là của người Ai Nô mà Nhật gọi là Hà Di. Người Ai Nô thuộc chủng da trắng. Giữa Trung Hoa và Nhựt Bổn có một dãy đảo nhỏ, các đảo Lau Cầu. Người Ai Nô làm chủ nước Nhật thượng cổ hẳn cũng có mặt ở Trung Hoa, và một cuộc hợp chủng giữa Mã Lai, Trung Hoa và Ai Nô hẳn có xảy ra.

Mã Lai Nhựt Bổn rất trắng, chính nhờ sự hợp chủng đó.
Nguồn: Bách Bá»™c xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.