Biểu số 161
Việt Nam: Ai (đại danh từ ngôi ba)
Mã Lai: Aku (Tôi)
Khả Lá Vàng: Ai (Tôi)
Người Khả Lá Vàng nói tiếng Việt, nhưng đại danh từ ngôi thứ nhứt của họ là như trên. Nhưng chúng tôi thấy rằng họ thuộc đợt Mã Lai thứ I hơn là thuộc Mã Lai II, vì có nhiều danh từ giống Việt Nam hơn là giống Nam Dương.
Như vậy ta có thể tạm kết luận rằng hồi cổ thời ta cũng nói AI, y hệt như Mã Lai và
Khả Lá Vàng, thay cho
Tôi, nhưng sau rồi ta đẩy đại danh từ ấy xuống ngôi thứ ba. Và đó là danh từ chung cho cả hai đợt.
Trong câu chuyện người Việt Nam ngày nay cũng thường nói
Ai thay cho
Tôi.
Thí dụ A hỏi B:
“Tại sao quân Congo lại đánh quân Ouganda?”
“Ai biết đâu!”
Chữ
Ai đó rõ ràng có nghĩa là
Tôi. Ai biết đâu = Tôi có biết gì đâu về chuyện đó.
Biểu số 162
Việt Nam (kim): Mình (Tôi)
Việt Nam Trung cổ: Min (Sách các cố đạo)
Mã Lai: Kami (Chỉ có nhà vua mới được dùng để nói)
Biểu số 163
Việt Nam: Mi, Mày
Bà Na: Mi = Mày
Mã Lai Perák: Mika = Mày
Mã Lai Perak: Mika-Ma = Bây
Biểu số 164
Việt Nam: Mắc cỡ
Cao Miên: Khở mắt
Mã Lai: Malủ, Mukả
Biểu số 165
Việt Nam kim: Vua
Triết Giang: Vò
Việt Nam Trung cổ: Bua (Theo sách cố đạo)
Mường: Bua
Bà Na: Bưa
Giarai: Patô
Mã Lai: Pảtuan
Chàm: Pô
Đây là danh từ của đợt II mà Hùng Vương vay mượn.
(Chúng tôi chủ trương rằng người Thượng là Việt
thoái hóa vì mất địa bàn tố, chớ không phải Việt
tiến trễ. Sự có mặt của danh từ
Vua trong ngôn ngữ của họ chứng minh rằng họ đã biết chế độ vua chúa vào một thời nào đó).
Thái: Sadet
Mường: Adecht
Cao Miên: Sdacht
Danh từ vua của Mã Lai đợt I
Cao Miên còn một danh từ nữa để chỉ
Vua, đó là
Luông, nhưng danh từ này lại cũng gần giống với danh từ Thái:
Luang là
Vương quốc.
Biểu số 166
Việt Nam: Lửa
Môn: Phlơn
Cao Miên: Phlơn
Khả: Phlơn
Vài nhóm Thượng: Phlơn
Biểu số 167
Việt Nam: Bắp (Lúa, Ngô)
Thái: Bốt
Cao Miên: Bôt
Vài nhóm Thượng: Bốt
Xem các tự điển xưa, thấy ghi là miền Bắc vẫn nói
Bắp trước khi nói
Lúa Ngô. Vậy
Bắp không là danh từ riêng của miền Nam như nhiều người đã tưởng.
Như thế thì rõ ràng là lúa Ngô không phải từ bên Ngô (bên Tàu) đưa sang ta, vì lẽ ta đã gọi món ấy là
Bắp trước khi gọi là lúa Ngô. Nhưng tại sao ta gọi nó là lúa Ngô thì thật không thể truy ra.
Có lẽ đó là do sáng kiến của một kẻ dốt nào, nhưng sáng kiến lại được hoan nghinh? Bằng chứng là món ý dĩ, từ bao lâu nay ta và đồng bào Thượng đều gọi là bo bo. Bỗng dưng vài năm nay người ta đưa ra danh từ mới là lúa Miến, mặc dầu nó không từ Miến Điện nhập cảng sang đây bao giờ cả. Thế mà cái danh từ mới ấy cũng lại được hoan nghinh.
Món bí Ngô, chắc chắn cũng không phải từ bên Ngô đưa sang vì bên Ngô không có bí đó, họ đem giống từ xứ Hồ sang nên họ gọi nó là bí Hồ.
Bằng chứng là Nhựt Bổn lấy giống bí đó ở Cam Bốt Ra và gọi nó là Kaboja, thì ta, có biên giới chung với Cao Miên hồi cổ thời, ta vẫn phải lấy giống từ Cam Bốt Ra. Nhưng miền Bắc cũng gọi nó là bí Ngô.
Lúa Ngô và bí Ngô có lẽ do một tác giả độc nhứt sáng tác ra, với hậu ý nào đó.
Biểu số 166
Việt Nam: Bo bo (Ý dĩ)
Sơ Đăng: Bo Kô Bo
Bà Na: Bo Kô Bo
Bo bo cũng là không phải là danh từ riêng của miền Nam, y như đã thấy trên kia trong trường hợp Bắp.
Bo bo là danh từ của Mã Lai đợt I. Danh từ của Mã Lai đợt II là Sảkoi, mà có lẽ người Chàm đã nói như vậy, chúng tôi quên học danh từ này của người Chàm.
Biểu số 169
Việt Nam: Lúa
Việt Nam Bình Trị: Ló
Mường: Ló
Mã Lai Perak: Lú
Nhóm Pérak là một nhóm Việt Nam ly khai Nam Dương và thuộc Mã Lai đợt I. Đã bảo một dân tộc ở hai địa bàn khác nhau mà phát minh cùng một món đồ giống nhau, họ cũng sáng tác tên gọi khác nhau, vì cái lẽ dĩ nhiên là không thể giống nhau được. Việt Nam đợt I và dân đảo Célèbes cũng đợt I, nhưng khi di cư cả hai đều chưa biết nông nghiệp. Thế nên cùng đợt với nhau, vậy mà họ gọi lúa gạo khác nhau.
Trong khi đó thì Mã Lai Pérak lại gọi là
Lú thì Mã Lai Perak phải là người Việt Nam di cư xuống đó.
Người Mường thuộc đợt II nên họ thường dùng danh từ Pơ Duông của đợt II hơn là Ló của đợt I, thế nên ta mới biết họ thuộc đợt II.
Xin nhắc lại danh từ đợt II chỉ lúa gạo là:
Mã Lai: Padi (Pháp mượn biến thành Paddy)
Giarai: Pơ đai
Chàm: Pơ đai
Mường: Pơ đuông (Sau biến thành Đuống, Sông Đuống).
Biểu số 169 bis
Việt Nam: Nầy, Nay, Ni, Nầy, Nè
Khả Lá Vàng: Nè
Mã Lai Pennag: Ini
Thái: Tini
Biểu số 170
Việt Nam: Vườn
Cao Miên: Suôn
Thái: Suôn
Biểu số 171
Việt Nam: Thang (Để leo cao)
Mã Lai: Tangga
Chàm: Thang giơ
Người Mã Lai,
nhà Sàn, họ mới là nhà Tangga, tức
nhà thang. Vậy danh từ
Sàn của Việt Nam là biến dạng thứ nhì của Tangga.
Tangga: Thang
Tangga: Sàn
Riêng trong ngôn ngữ Chàm, Tangga biến khác nữa. Chàm biến thành
Thang giơ có nghĩa là
Nhà cất theo cổ tục tổ tiên. Nguyên hiện nay họ ở nhà sát ngay trên mặt đất như ta. Còn nhà sàn, chỉ cất để cử hành những nghi lễ tôn giáo theo cổ tục, nên
Thang giơ mới biến nghĩa như thế.
Biểu số 172
Việt Nam: Hái
Mã Lai: Tuái
Mã Lai Lalangor: Mãnuái (Lưỡi hái)
Biểu số 173
Việt Nam: Kẻ lạ
Mã Lai: Ka lu ạ (Kẻ từ ngoài đến)
Miến Điện: Ka Lạ (Như trên)
Việt Nam đã vay mượn
Lu ạ (tức ngoài, từ bên ngoài) để biến thành
người lạ rồi
lạ kỳ chớ tĩnh từ
lạ kỳ của Mã Lai đợt II thì khác chớ không phải Lu ạ.
Và Lu ạ bị biến như sau: Lu ạ = La ạ = Lạ
Lối đọc của tài tử Anh Tuấn trong Tivi cho thấy rõ ràng là La ạ.
Biểu số 173 bis
Việt Nam: Xiêm
Chàm: Syăm
Cao Miên: Syăm
Mã Lai: Syămbu
Có nghĩa là
chạy trốn, tù binh. Cao Miên dùng danh từ này để chỉ người Thái Lan là kẻ chạy trốn Tàu hồi thế kỷ thứ VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, xâm nhập vào thuộc địa của Cao Miên. Họ là kẻ chạy trốn và bị xem như là một thứ tù binh của Cao Miên.
Sau Thái lập quốc tại đó, chẳng hiểu danh từ ấy có nghĩa gì, nên lấy đó làm quốc hiệu. Xiêm là do ta mượn thẳng của Mã Lai, Chàm và Cao Miên chớ không phải mượn của Tàu như có người tưởng, vì Tàu cũng chỉ phiên âm Syăm, chớ họ không có danh từ đó.
Biểu số 174
Mã Lai Nam Dương: Manát (ma của người chết đuối)
Việt Nam: Ma (bất kỳ loại ma nào)
Thái: Masuốt (bất kỳ loại ma nào)
Thái: Manam (ma dưới nước, vì nam = nước).
Việt Nam: Con Nam (ma dưới nước)
Miền Nam Việt Nam: Ma Da (ma của người chết đuối).
Giáo sư Trần Ngọc Ninh có ngộ nhận về hai điểm trong danh từ này. Ông cho rằng ta vay mượn của chủng Mê-la-nê. Nhưng tự điển Anh-Mê-la-nê lại cho biết rằng chính chủng Mê-la-nê đã vay mượn của chủng Mã Lai danh từ đó.
Giáo sư lại nói rằng ta biến
Mana thành
con Nam. Sự thật thì chính Thái đã biến
Mana thành
Ma Nam rồi ta vay mượn lại của Thái mà bỏ âm Ma đi.
Danh từ
Ma Da của Nam Kỳ thì lại mượn thẳng của người Java, thời ta khẩn hoang miền Nam, vì họ có tới đây đông đảo đến hai lần Nông Nại Đại phố vừa thành lập, và lần Pháp đánh ta năm 1858 mà Phi Luật Tân đến với tư cách lính đánh thuê. Cả hai lần họ đều có ở lại và thành Việt Nam luôn.
(Có lẽ giáo sư họ Trần lẫn lộn Mê-la-nê với Mã Lai cũng nên như giáo sư Nguyễn Phương và học giả Lê Văn Siêu).
Biểu số 175
Nam Việt: Hởi
Chàm: Hời, Hới (Đồng Hới)
Mã Lai: Hai
Trong ngôn ngữ Chàm, tiếng Hời, Hới không có dùng trong văn chương như Mã Lai và Việt, mà chỉ dùng để gọi nhau, tương đương với tiếng Ê của Việt Nam, và ai bị gọi như vậy là mích lòng lắm, vì đó là lối gọi không trọng nể. Ta không nên gọi người Chàm là người Hời, vì sẽ làm cho họ giận.
Những tiếng Ơi, Ời, Ới, Ôi của Việt Nam đều do Hai mà ra cả.
Chúng tôi đã tự hỏi Thái biến
Mana thành Ma Nam hay Nam Dương biến
Ma Nam thành Mân, và chúng tôi trả lời được ngay là chính Thái đã biến, vì danh từ Nam là Nước của Thái, khi đến Nam Dương thì đã hóa thành
Jam. Nếu Nam Dương biến thì danh từ của họ phải là
Majam chớ không là
Mana.
Đặc biệt chú ý
Có sự liên hệ giữa âm
Du, Vu, Dâu Việt Nam với âm
Tô của Mã Lai, nhưng không biết vì sao mà lai biến hơi lạ vậy.
Mã Lai: Kảtô = Cây dâu
Mường: Tô = Cây dâu
Mường: Tô = Cái Vú
Khả Lá Vàng: Tô = Cái Vú
Lại có sự liên hệ giữa âm
V của Việt Nam và âm
S của Mã Lai.
Mã Lai: Su = Cái Vú (có biến âm)
Mã Lai: Su = Sửa (bình thường)
Sửa và
Vú là hai thứ khác nhau, thế mà người Mã Lai nói y như nhau, thì có nghĩa là họ đã nhập âm
V vào âm
S.
Kỳ công của ngôn ngữ tỷ hiệu
Nếu chúng tôi cứ tiếp tục đối chiếu mãi thì quyển sách này hóa ra một quyển tự điển mất, vì có ít lắm 10 ngàn từ cần được đối chiếu.
Bao nhiêu đây thì tạm ngưng được rồi để bước sang những điểm sử khác.
Nhưng trước khi ngưng đối chiếu chúng ta cần nhận xét những điều sau đây là Việt Nam còn Mã Lai hơn chính người Mã Lai nữa, bằng chứng là danh từ Cửa sông ở Mã Lai Á nói là
Kưala sôngai, nhưng chỉ bước qua một eo biển nhỏ, tới đảo Sumatra thì nó biến thành
Mưala Sôngai tức xa gốc tổ hơn Việt Nam quá nhiều.
Ta lại tự hỏi tại sao các nhà bác học Âu Mỹ nhận diện được người Chàm là Mã Lai mà không nhận diện được ta, trong khi ta nói giống Mã Lai hơn Chàm nhiều lắm. Thí dụ sơ sơ:
Mã Lai Á: Bônga
Việt Nam: Bông
Chàm: Bơngư
*
Mã Lai: Sôngai
Việt Nam: Sông
Chàm: Krông
*
Các nhà bác học Âu Châu làm việc ở “Đông Dương” hơi bê bối, nếu không, họ đã thấy cái gì, và một quyển sách như thế này, có lẽ ra đời từ 30 năm rồi khi mà trong Việt ngữ có đến 40 phần trăm danh từ Nam Dương nói đúng giọng hơn Chàm ngữ nhiều lắm.
Thật ra thì trong Chàm ngữ cũng chỉ có lối 60 phần trăm danh từ Mã Lai Nam Dương, tức không nhiều hơn ta bao nhiêu, mà lại đọc sai quá xa, thí dụ danh từ
Kaki của Nam Dương, ta đọc là
Cẳng, còn người Chàm đọc là
Tcay thì cũng là ta đọc đúng hơn Chàm, vì rõ ràng là
Cẳng gần gũi với
Kaki hơn là
Tcay.
Điển hình nhứt là
Gu nông của Nam Dương, ta đọc là
Gò Nổng thì quá giống trong khi đó thì danh từ của người Chàm là
Chớ thì lại khác xa Nam Dương một trời một vực.
Cái lớp sơn Trung Hoa phết lên văn hóa Việt Nam đã gạt gẫm tất cả mọi người, kể cả các nhà bác học nữa.
*
Những biểu đối chiếu trình ra trên đây được lập ra có toan tính, tức cố ý chọn những từ có nhiều nhóm trùng hợp với nhau, hóa ra nhìn vào đó, ta không thể biết ta giống ai nhiều hơn. Bổn ý của chúng tôi là đối chiếu nhiều nhóm Mã Lai, chớ không phải đối chiếu ta với một nhóm nào đó.
Nhưng cứ bằng vài chỗ chúng tôi biết riêng thì tỷ lệ giống thiên hạ được ước tượng thế này trong Việt ngữ căn bản, tức bỏ vay mượn của Tàu ra:
Thái: 6%
Môn và Khơ Me: 30%
Mã Lai Nam Dương: 40%
Thượng Việt: 40%
Miến Điện: 6%
Tây Tạng: 10%
Mê-la-nê: 4%
Tổng cộng: 135%
Con số 135% là một con số giả tạo, bởi tối đa, chỉ có 100% mà thôi. Sở dĩ giả, vì Miến Điện, Tây Tạng và Môn Khơ Me lại giống nhau.
Bây giờ cho một con số thật thì như thế này:
Thái: 6%
Môn Khơ Me, Miến Điện, Tây Tạng: 10%
Thượng Việt: 40%
Mã Lai Nam Dương: 40%
Mê-la-nê: 4%
Tổng cộng: 100%
Các ông Tây nói đến Thái ngữ quá nhiều, nhứt là ông H. Maspéro, vì ông biết có Thái ngữ mà thôi, nhưng tỷ lệ Thái ngữ trong Việt ngữ lại quá thấp, ít hơn cả Cao Miên nữa.
Điều mà không ai ngờ là Thượng Việt ngữ lên đến 40 phần trăm. Thế nên chúng tôi mới hò hét dữ dội khi Thượng Viện ta biểu quyết cho người Cao Miên làm dân tộc thiểu số, mà lại bỏ Thượng Việt vào trong nhóm Cao Miên vì nghe theo sự xuyên tạc của các ông Tây.
Nội cái danh từ Harak Lào của người Sơ Đăng và Hắc Lào của Bắc Việt đủ cho ta thấy sự gần gũi hồi cổ thời giữa ta và Thượng Việt rồi, người Chàm được thế giới nhìn nhận là Mã Lai đấy, nhưng Harak, họ đọc là Lák tức là xa gốc tổ hơn Việt quá nhiều vì Hắc phải gần với Harak hơn.
Gốc tổ đây là Mã Lai đợt I, Thượng Việt là Mã Lai đợt I, chớ không phải Nam Dương đâu, bởi Nam Dương chỉ là Mã Lai đợt II, tức Mã Lai Hoa Nam.
Chúng tôi thử viết lại, theo cái biết của người Tàu đời xưa:
Âu: 6%
Lạc bộ Chuy: 10%
Lạc bộ Trãi: 40%
Lạc bộ Mã: 40%
Mê-la-nê (Tàu không hề biết dân này): 4%
Tổng cộng: 100%
Thế thì không có chữ Lạc nào của Tàu nào sai cả, mặc dầu họ gọi ta bằng bất kỳ chữ Lạc nào.
Và ta đừng ngạc nhiên sao tỷ lệ của Âu lại quá thấp. Họ khác chi với ta, với Nam Dương, với Thượng, với Cao Miên, tất cả đều Lạc, mà họ thì là Âu thì tỷ lệ danh từ của Thái trong Việt ngữ không thể cao hơn được.
Và các biểu tỷ lệ sau đây, một lần nữa, cho thấy rằng các nhà ngôn ngữ học Âu Mỹ sai quá to khi họ cứ nhấn mạnh về Miên ngữ, mà không biết 80 phần trăm kia gồm 40 phần trăm Mã Lai đợt I (Thượng) và 40 phần trăm Mã Lai đợt II (Nam Dương).
*
Những danh từ của chủng Mê-la-nê chỉ dùng để trỏ thổ sản và cầm thú địa phương, như Dừa chẳng hạn, những thứ mà khi ta định cư ở đây, ta tìm thấy, nhưng không buồn sáng tác danh từ, chỉ học với thổ dân là đủ rồi. Tuy nhiên, một vài danh từ cao hơn của họ vẫn len lỏi vào ngôn ngữ ta được, thí dụ danh từ
Giò.
Tuy nhiên, cầm thú địa phương, có lắm con, ta cũng sáng tác. Thí dụ: một loài chim nói giỏi mà đất Bắc gọi là Yểng, thì người Bà Na gọi là Jông, người Đàng Trong gọi là
Nhồng.
Jông và
Nhồng đồng gốc, và có lẽ đó là sáng tác về sau, sau khi vay mượn
Yểng của Mê-la-nê tại cổ Bắc Việt.
Các biểu tỷ lệ cho thấy ở cổ Việt, Mã Lai bộ Trãi và Mã Lai bộ Mã đồng số với nhau. Sở dĩ chúng tôi bảo đợt I đa số vì đợt I gồm bộ Trãi, lại bộ Chuy nữa, nếu không có bộ Chuy thì không có sự đa số đó.
Có một danh từ độc nhứt làm cho chúng tôi khổ sở lắm, không biết Mã Lai học của Tàu, hay Tàu học của Mã Lai. Đó là danh từ Bông Lài.
Việt Nam: Bông Lài
Mã Lai Nam Dương: Bônga Mãlati
Tàu: Mạt lị hoa
Thấy rõ là đồng gốc, nhưng gốc nào chớ?
Theo khoa khảo tiền sử thì, khi di cư, Mã Lai Nam Dương tuyệt đối không có chịu ảnh hưởng Tàu. Vậy chúng tôi tạm kết luận rằng Tàu học của ta, hoặc của Nam Dương hồi đời nhà Hán.
*
Cũng vì tỷ lệ này mà ở chương sau, chúng tôi viết sơ sử cho Thượng Việt theo chiều hướng đó. Họ là bộ Trãi, di cư đồng thời với ta, ta ghé Bắc Việt, họ ghé Trung Việt. 2.500 năm sau họ bị Mã Lai đợt II là Chàm đánh đuổi lên Cao nguyên, trái hẳn với các ông Tây, các ông cho rằng Thượng Việt là phụ chi của Cao Miên và từ Cao Miên sang Cao nguyên. Chúng tôi có nhiều bằng chứng hơn chứng tích ngôn ngữ, còn các ông Tây nói ra mà không chứng minh được, lại sai lầm rõ rệt về điểm ngôn ngữ.
Thế là ước mơ của ông G. Cocdès đã được thể hiện. Ông viết: “Ai biết người sống đồng thời với hai bà Trưng dùng ngôn ngữ nào thì vấn đề nguồn gốc của dân tộc Việt Nam sẽ được giải quyết dễ dàng”.
Nay thì ta đã biết rồi đây. Họ dùng ngôn ngữ của cả ba thứ Lạc:
Lạc bộ Trãi: 40%
Lạc bộ Mã: 40%
Lạc bộ Chuy: 10%
Ông G. Cocdès là người có công lớn nhứt đối với quyển sách này vì chính ông là người tóm lược khoa khảo tiền sử đúng về Á Đông mà chúng tôi không được đọc và không đọc được. Không được đọc vì tài liệu tản mác khắp thế giới, không đọc được vì tài liệu được viết với nhiều ngôn ngữ mà chúng tôi không thạo.
Chúng tôi đã nỗ lực biến mơ ước của ông thành sự thật, nhưng ông lại đã hóa ra người thiên cổ rồi.
*
Cũng xin nhắn với vong linh ông H. Maspéro. Ông nói Việt ngữ gồm 3 yếu tố: Miên, Thái, và một yếu tố còn ẩn.
Khá thông minh. Miên, Thái là Mã Lai đợt I, còn yếu tố ẩn thứ ba là Mã Lai ngữ đợt II mà ông quên học.
Ông cũng quên một yếu tố thứ tư. Đó là Mê-la-nê ngữ nó chỉ những cây, trái, cá mà mỗi nhóm đều phải học với dân địa phương vì các thứ ấy vắng mặt ở địa bàn cũ của họ là Trung Hoa, nên họ không biết mà cũng không dại mà sáng tác cho mất công. Thí dụ:
Cây dừa.
Việt Nam: Dừa
Cao Miên: Đôn
Thái Lào: Prao
Mã Lai: Nyor
Những món mà họ sáng tác hàng ngàn năm sau khi họ có ngôn ngữ, họ phải sáng tác danh từ, mà họ không còn ở gần nhau nữa nên:
Mã Lai đợt I nói
cái Nhà.
Mã Lai đợt II nói Rumaa.
Ruộng, lúa, gạo chính họ phát minh ra chớ không phải là thổ dân, và ở đây thì họ sáng tác danh từ chứ không còn vay mượn nữa, nhưng vì các nhóm đã văn minh rồi và sống biệt lập với nhau thành thử Thái sáng tác không giống Cao Miên, Cao Miên không giống Việt Nam.
Thí dụ:
Việt Nam: Ruộng
Thái: Na
Môn và Cao Miên: Srê
Chàm: Alak
Mã Lai Á: Ladang, Uma (Ruộng khô)
Mã Lai Selangor: Sawra (Ruộng bầu, ruộng đầm lầy)
(Giáo sư Trần Kinh Hòa cho rằng Alak của Chàm do Phạn ngữ mà ra. Nhưng Chàm tiếp xúc với Ấn Độ sau Mã Lai Nam Dương rất lâu mà Mã Lai không có mượn tiếng Phạn để chỉ ruộng, còn Chàm thì mượn là thế nào? Ở đây lại có trùng phùng ngẫu nhiên nữa).
Chúng tôi cho rằng mặc dầu khoa học chê chứng tích ngôn ngữ tỷ hiệu, nhưng chính chứng tích ấy lại cho biết rõ nhiều điều mà khoa chánh là khảo tiền sử và chủng tộc học mù tịt.
Những điều đó gồm cả việc đại sự lẫn việc lặt vặt.
Đây là đại sự. Khoa khảo tiền sử bảo rằng Mã Lai đợt II không có ghé Đông Dương, Đông Pháp gì hết ráo, từ cực Nam Hoa Nam nhảy vọt một cái là đi thẳng xuống bán đảo Ma-Lắc-Ca.
Nhưng học ngôn ngữ của Chàm và Phù Nam, thì ta thấy hai quốc gia đó nói tiếng Mã Lai đợt II.
Vậy cái khoa bị chê này lại biết nhiều hơn các khoa khác mà họ gọi là quan trọng hơn.
Cũng nên biết, chúng tôi sẽ chứng minh rằng trống đồng là sản phẩm của Mã Lai đợt II, mà người ta đã tìm được trống đồng ở gần hồ Tonlé Sap, tức tại trung tâm văn hóa cổ Phù Nam. Như thế thì khoa khảo tiền sử đủ khả năng biết sự thật. Nhưng chưa bao giờ ai tìm được trống đồng ở cổ Chiêm Thành cả thì nếu không có ngôn ngữ tỷ hiệu, khoa khảo tiền sử sẽ bí chết về Chiêm Thành, không thể biết họ thuộc đợt I hay đợt II.
Chúng tôi biết, hơn thế nhờ đó mà chúng tôi viết được cả thượng cổ sử Chiêm Thành nữa, chớ cho đến nay sách vở cũng chỉ viết được kể từ thế kỷ thứ hai (II) sau Tây lịch, tức cũng chưa xứng đáng là cổ sử nữa, chớ đừng nói là thượng cổ sử.
Chuyện lặt vặt thì nhiều vô số kể, nhưng thật ra thì đều là đại sự cả chớ không có lặt vặt tí nào, chỉ lặt vặt đối với đại chủng Mã Lai, chớ rất to tát đối với Việt sử.
Chẳng hạn, chúng tôi biết (xin xem chương riêng) nhờ ngôn ngữ tỷ hiệu, rằng người Mường thuộc Mã Lai đợt II, đó là chuyện lớn, vì cho đến nay, chưa ai biết người Mường là ai cả.
Nhưng to hơn chuyện người Mường, là chuyện Hùng Vương. Nhờ biết rõ người Mường mà chúng tôi biết rằng quả có vua Hùng Vương và ông vua đó quả lấy vương hiệu là Hùng Vương, một đề tài tranh luận lớn trong giới trí thức ta, chưa ngã ngũ được, vì chưa ai biết rõ người Mường, họ là nhơn chứng nói cho ta biết là có vua Hùng Vương và vua Hùng Vương thuộc đợt I.
Hay quá sức hay!
Lặt vặt là vua Hùng Vương nói
Chơn, còn bọn đợt II tới sau nói
Cẳng, còn thuở trước Mê-la-nê thì nói
Giò.
Ta biết bọn đợt II đã đưa yếu tố văn minh nào để giúp vua Hùng Vương kiện toàn văn hóa. Họ đưa Trống Đồng, nhưng đó không do ngôn ngữ đối chiếu cho ta biết. Họ đã đưa
lưỡi hái đến, trong khi vua Hùng Vương chỉ có
lưỡi liềm và
lưỡi A. Họ đưa đôi đũa ăn cơm đến mà họ gọi là Đua-đua.
Đua = Hai, cặp, đôi
Ta có thể biết xa hơn nữa thế kia, chẳng hạn Nhựt Bổn thuộc nhóm nào trong khối Mã Lai.
Việt Nam đã đánh mất quá nhiều danh từ, Nhựt Bổn cũng thế. Nhưng Nhựt Bổn còn giữ được danh từ Mã Lai tương đương với
Phương hướng của Tàu.
Phương hướng họ nói là
Khí.
Thí dụ: Khí Gắc (Hướng Đông)
Khí Ta (Hướng Tây)
Chúng tôi tìm khắp Đông Nam Á, chỉ có một nhóm độc nhứt là còn nói
Khí mà thôi. Mã Lai Nam Dương thì nói
Mata An nghin tức là
Mắt gió, chớ cũng không có nhóm nào nói Khí cả.
Những nhóm
Khả Lá Vàng thì nói Khí đấy.
Khí To: Hướng Đông
Khí Lừng: Hướng Tây
Khí Tin: Hướng Nam
Khí Ho: Hướng Bắc
Chỉ hơi kỳ dị một chút xíu là hướng Tây của Nhựt Bổn (Khí To) lại giống hướng Đông (Khí Ta) của Khả Lá Vàng.
Có lẽ các nhà bác học Nhựt Bổn cũng linh cảm được cái gì cho nên đi tìm tổ tiên họ, họ không đi Nam Dương, mà lên Cao nguyên Việt Nam.
Đó là tiết lộ của giáo sư đại học Nghiêm Thẩm, vì nhà bác học Nhựt Bổn ấy có ghé Saigon, có thăm giáo sư và có cho biết ý định.
Chúng tôi tin rằng với những khám phá của chúng tôi, dùng làm bàn đạp, các nhà học giả Việt Nam sẽ đi xa hơn chúng tôi nhiều để biết nhóm nào thuộc nhóm nào, nhóm nào di cư đích xác từ đâu và đích xác là vào thời nào.
Nhờ ngôn ngữ tỷ hiệu mà chúng tôi biết rằng họ là người Mã Lai và di cư tại Nam Dương từ đầu Tây lịch, bằng chứng là những danh từ Paddy, Ananas, Âu châu mượn của da đỏ Mỹ Châu đều là danh từ của Nam Dương, tức họ đã cùng nhau sáng tác những danh từ ấy rồi thì mới di cư, chớ nếu sáng tác riêng rẽ thì không làm sao mà họ sáng tác giống nhau được.
Có thể nào mà họ đã cùng nhau sáng tác tại Hoa Nam chăng vì người “da đỏ” di cư từ Hoa Nam.
Chắc chắn là không, vì ở bên Tàu, thuở ấy không có trái Ananas, đó là một chứng tích vững như trụ đồng.
Chúng tôi đã phí hơn 10 năm, nhưng vẫn chỉ biết được đường nét lớn mà thôi. Chắc phải tốn thêm 100 năm nữa, mới biết rõ hơn, và đó là công việc của lớp người sau, và chúng tôi tha thiết mong rằng thế hệ trẻ tiếp tục công việc của chúng tôi, và nhiều khám phá mới lạ nữa về thượng cổ sử Việt Nam sẽ được đưa ra ánh sáng.
Nếu ta làm việc thận trọng thì mỗi danh từ đều cho ta một khám phá mới lạ. Thí dụ: chúng tôi tự hỏi danh từ Tangga là cái thang, cái nhà sàn, là danh từ của đợt I, hay của đợt II, hoặc chung của hai đợt.
Để trả lời chúng tôi phải suy luận, và nhờ suy luận mà khám phá. Đó là danh từ riêng của Mã Lai đợt II, danh từ của Mã Lai đợt I đã bị đánh mất rồi, hoặc ta không bao giờ có.
Tại sao biết được như thế?
Hai đợt Mã Lai phát minh ra cái nhà ở địa bàn khác nhau và thời điểm khác nhau thì tự nhiên họ phải sáng tác danh từ chỉ món đó khác nhau là
Nhà và
Rumaa.
Cả hai đều cất nhà sàn và cái thang còn được phát minh ra sau cái nhà nữa thì không có lý nào mà danh từ Tangga lại là danh từ chung cho hai đợt.
Nhưng biết nó là của đợt II vì hiện khắp các đảo Mã Lai đều dùng danh từ đó, còn ở Đông Nam Á lục địa rất có ít nhóm biết danh từ đó.
Thế thì vua Hùng Vương đã vay mượn của khách trọ bổ sung hơi nhiều.
Và vua Hùng Vương đã vay mượn có hơi kỳ dị, là vay mượn cả những danh từ mà ông đã có rồi.
Thí dụ: đợt I đã có danh từ
Chiều thì không lẽ lại không có danh từ
Sáng. Thế mà
Sáng là danh từ riêng của đợt II đấy, mà cổ Thục, cổ Tây Âu, Môn, Miến, Khơ Me đều không có.
Nhiều danh từ của đợt I lại biến mất, nhường đến 90 phần trăm chỗ ngồi cho đợt II. Thí dụ danh từ
Đam của đợt I nay chỉ còn có vài tỉnh miền Trung là nói thôi còn
Cua (Kôjor) của đợt II tức Nam Dương, được toàn quốc ta dùng.
Có những danh từ của đợt I biến mất hẳn, thí dụ
Knra là con
Rùa là danh từ của đợt II đấy. Còn danh từ của đợt I thì khác, chỉ còn nơi người Môn và người Khơ Me thôi.
Vân và mây, không phải là vay mượn, mặc dầu nó là danh từ của Mã Lai đợt II. Ta chỉ dùng
Vân để cùng Tây Âu để kháng Trung Hoa đọc tiếng
Diển của Tàu theo Mã Lai đợt II cho bõ ghét vậy thôi, chớ đợt I đã có danh từ
Mây rồi.
Vua Hùng Vương và dân của ông đã vay mượn của đợt II, nhưng không trọng những danh từ đó lắm. Trong văn chương và ca dao ta, ta chỉ nói
Chơn mà không nói
Cẳng. Có ai lấy gạch Bát Tràng xây ao cho nàng rửa
Cẳng hay không?
Trong khi đó thì đợt II, Chàm và Nam Dương nói
Cẳng trời thay vì
Chơn trời, và làm thơ nói đến cái
Cẳng của nàng, họ vẫn nghe nó hay như thường.
Còn
Giò là danh từ của thổ trước Mê-la-nê nên lại còn bị khinh rẻ hơn, thường dùng để chỉ chơn thú vật, hoặc chơn người, nhưng với ý miệt thị hay đùa cợt: Tướng học trò mà giò ăn cướp.
Vấn đề
Chơn, Cẳng và
Giò, cho ta thấy một điểm triết lý ngộ nghĩnh là quan niệm về cái hay, cái đẹp của con người sai cả, vì nó dựa trên những yếu tố bậy bạ.
Trong văn chương Việt, ai mà dám viết: “Cẳng nàng quá đẹp” thì sẽ bị người ta chưởi là dùng danh từ thô và quê.
Nhưng ở Nam Dương thì họ viết như vậy và thấy là hay là đẹp vô cùng. Và nếu họ biết danh từ
Chơn, chắc họ sẽ dùng để chỉ chân thú.
Có người Việt Nam nào viết: “Vết cẳng của hai bà Trưng trên các chiến trường chống xâm lăng” hay không? Không. Họ phải viết
“Vết chân” mới yên thân với độc giả.
Người Chàm cũng cảm thấy rằng danh từ
Chơn của ta là dị kỳ thô lậu, quê mùa. Đối với họ Cẳng mới là hay và sang.
Khoa thẩm mỹ còn phải tự chỉnh lý mới xong,
Chơn, Cẳng hay
Giò gì, thật ra chẳng có từ nào hay hơn từ nào cả, nó chỉ hay đối với riêng lỗ tai của một nhóm người mà thôi, bởi dân Mê-la-nê nghe rằng danh từ
Giò thơ mộng vô cùng và sang cả vô cùng chớ không phải như ta để danh từ đó để nói
Giò heo, Giò gà.
Và khi ta thâm lậm văn hóa Tàu quá rồi thì nghe danh từ
Hoa của Tàu là hay còn danh từ
Bông của Mã Lai là dở, chớ thật ra thì hai thứ cũng như nhau,
Sơn thủy không làm sao mà hay hơn
Non nước được, nhưng các cụ thì cứ nghe rằng
Tranh sơn thủy hay hơn
Tranh non nước.
Khi ta coi rẻ
Cẳng hơn
Chơn thì đợt II hẳn là không văn minh bằng đợt I vào thuở đó. Khoa khảo tiền sử nói đợt I thuở di cư, chưa biết nông nghiệp, nhưng ta phải hiểu rằng suốt 2.500 năm sống ở Bắc Việt, trước khi bọn đợt II đến, họ đã tự lực tiến lên, bằng chứng là người ta đã tìm được lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha, tại núi Voi.
Chúng tôi nói Mã Lai đợt II kém hơn đợt Hùng Vương vào năm đó. Quả thật thế, mãi cho đến năm nay (1970) mà họ chỉ có độc danh từ
Prụt để chỉ
Bụng, Ruột và
Dạ dày.
Nhưng đừng tưởng là họ kém lắm đâu. Ba trào đại danh tiếng của ta, trào Đinh, trào Lê, trào Nguyễn đều xuất phát từ xứ Mường (đợt II), và người Chàm, đa số là đợt II, vẫn oanh liệt trên một ngàn năm.
Như vậy trào Lê và trào Nguyễn đánh Chàm thì chỉ là đợt II đánh đợt II, chớ không phải đợt I đánh đợt II đâu nhé. Mà cũng tại đợt II đã cất binh đánh đợt II là Đinh Bộ Lĩnh trước nhứt.
Nhờ ngôn ngữ đối chiếu mà ta biết được những địa danh vô nghĩa của ta thật ra có nghĩa gì.
Sông Côi (tức Hồng Hà) là sông gì? Côi là cái cối. Đó là danh từ của Mã Lai đợt II mà ta mượn rồi bỏ dấu sắc.
Sông Côi lại nắm tay với sông
Đuống. Mà Đuống là gì kia chớ?
Đó cũng là danh từ của Mã Lai đợt II, có nghĩa là lúa gạo. Cối ở gần lúa gạo là ổn lắm rồi.
Nhiều người cho rằng ở Bắc tên làng thường là chữ Nho kèm theo một tên Nôm chỉ nghề nghiệp hay đặc thù của làng đó.
Nhưng thật ra thì không phải luôn luôn như vậy.
Xin lấy thí dụ tên Nôm của làng Tả Thanh Oai. Đó là làng
Tó.
Tó là gì? Là một dụng cụ dùng để chống cái xe khi bò hay ngựa, trâu được mở ra khỏi ách.
Làng nào cũng biết chế tạo
Tó cả vì trẻ con làm dụng cụ đó cũng được thì đâu cần cả một làng Tả Thanh Oai chế tạo cái ấy.
Tó là một danh từ Mã Lai có nghĩa khác.
Sông Mã là sông gì? Ở đó không có ngựa nhiều hơn nơi khác đâu.
Ảma là danh từ Mã Lai đợt II, có nghĩa là Vàng. Chắc chắn ngày xưa sông Mã có vàng và người Mường ở đó gọi là sông
Ảma.
Một nhận xét đặc biệt
Trong tất cả các nhóm Mã Lai đợt I, hay đợt II gì đều không có loại từ
Cái, trừ Việt.
Theo nghiên cứu của giáo sư Trần Ngọc Ninh thì ta phải hiểu rằng loại từ
Cái, có đã lâu đời lắm, có từ thuở ngôn ngữ ta vừa mới phôi thai. Nhưng cái Việt ngữ phôi thai ấy, ta đã thấy, đó là ngôn ngữ của người Khả Lá Vàng, mà người Khả thì không hề có loại từ
Cái.
Theo chúng tôi quan niệm thì đó chỉ là tiếng Tàu
Cá mà ta mới bắt chước sau Mã Viện đây thôi, nhưng vì ngộ nhận mà ta biến nó thành loại từ,
CÁ (Hán Việt) cũng được Quan Thoại gọi là
Cá, Quảng Đông đọc là
Cô, nhưng nó chỉ là một danh từ có nghĩa là
Đơn vị.
Thế thì đó là vay mượn quá mới.
Loại từ Con thì chỉ có Mã Lai đợt I là có mà thôi, còn Mã Lai đợt II tuyệt đối không. Nhưng nhóm Mạ ở Nam Kỳ thì đặt loại từ ấy bất kỳ danh từ nào: con Trời, con đá, con cá, v.v. khác hẳn ta ngày nay. Có lẽ xưa kia, ta cũng thế.
Nhưng cũng chỉ có nhóm Mạ là dùng quá loạn loại từ Con, còn các nhóm Mã Lai đợt I khác thì chỉ đặt nó trước cầm thú mà thôi.
Không hiểu sao chi Âu tức Thái lại biến nó thành danh từ và có nghĩa là
Người. Chúng tôi tự tìm hiểu. Xin phân tách danh từ kép:
Người ta. Nguyên thỉ, danh từ này phải có nghĩa là
kẻ khác, vì
Ta là
Ta đây, thì
Người ta phải là
kẻ không phải là ta. Vậy danh từ
Người phải là tĩnh từ và có nghĩa là
Khác.
Người ta = Ta Khác.
Thế thì
Con mới đúng là
Người nguyên thỉ, còn
Người chỉ là tĩnh từ mới bị biến thành danh từ về sau thôi.
Có lẽ chính hai bọn Lạc bộ Chuy và Lạc bộ Trãi đã biến
Người Tĩnh từ thành
Người Danh từ, và biến
Con danh từ thành
Con loại từ, không biết vào thời nào và vì lẽ gì. Mà như vậy loại từ
Con của ta cũng không có lâu đời gì hết, sánh với lịch sử 5.000 năm của dân ta.
Giáo sư Trần Ngọc Ninh bảo rằng loại từ của ta không thể hoán chuyển được, nhưng rõ ràng ca dao ta đã hát:
“Cái cò, cái vạc, cái nông”.
Thế thì loại từ
Cái đã bị ta dùng rất loạn, để chỉ cả con người nữa, giống hệt nhóm Mạ đã loạn với từ
Con, với những
con Trời, con đá của họ.
Nếu ta nói
Cái nông được, chắc ta đã nói
Cái Trời, Cái đá. Những nhận xét trên đây cho thấy rằng
Cái và
Con quá mới, không có lâu đời gì hết, mà bằng chứng khó chối cãi là Khả Lá Vàng không có Con, Cái, trừ
Con Gái, Con Trai mà Con, trong trường hợp đó, có thể bị đồng hóa với
Đứa Con, chớ cũng không hẳn là loại từ.
Về loại từ thì ta chịu ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Thí dụ ta nói
Phiến đá. Có lẽ đó là vay mượn của trí thức về sau, còn
Cái là vay mượn của bình dân, ngay trong buổi đầu bị chinh phục, và chỉ do một sự hiểu lầm khi học ngoại ngữ lối nhảy dù với bọn lính Tàu từ Lạc Dương xuống. Họ trao cho ta một cái bánh, hai cái bánh và nói “Yi cá, ơl cá” tức một đơn vị, hai đơn vị, rồi ta hiểu rằng trước danh từ chỉ một vật, phải có loại từ Cá mà ta đọc sai là
Cái. Rồi ta tổng quát hóa ra, làm sai ngôn ngữ của ta với Cái Cò, Cái Vạc, Cái nông, v.v. Câu chuyện chỉ xảy ra chưa tới 2.000 năm.
Cuộc biến
Con ra loại từ, tuy cũng không tối cổ, nhưng có thể cổ hơn việc dùng loại từ Cái hàng ngàn năm, vì tất cả bọn Lạc bộ Chuy và Lạc bộ Trãi đều có loại từ
Con thì hẳn phải tốn lắm thì giờ.
Người Mạ là một nhóm Mã Lai đợt I, có ngôn ngữ quá giống ngôn ngữ Khả Lá Vàng, mặc dầu một kẻ có đơn giản ở Nam Kỳ, một kẻ có địa bàn ở đèo Mụ Già, giống nhứt là đại danh từ
Tôi, nơi họ là
Ai.
Chúng tôi đã chứng minh rằng Khả Lá Vàng là Việt tối cổ thì chúng tôi phải tin rằng Việt xưa cũng nói Ai, thay vì Tôi. Thật thế, ngày nay ta nói
Tôi, Tao mà
Tôi, Tao chỉ là biến thể của
Ta, Ta chỉ là
Kita của Mã Lai đợt II. Hồi Trung cổ, theo sách của các cố đạo, ta nói
Min (tức
Mình ngày nay) mà
Min cũng chỉ là vay mượn của Mã Lai đợt II.
Thế thì đại danh từ ngôi thứ nhứt của ta ở đâu? Nó phải là
Ai của Khả Lá Vàng và của Mạ, tức của nhiều nhóm Mã Lai đợt I, chớ không riêng gì của nước ta.
Trong một câu tiếng Việt ngày nay, đôi khi
Ai cũng rõ ràng có nghĩa là tôi. Thí dụ hai câu đối thoại dưới đây:
“Chó có bị chẹt ô tô ngoài phố không?”
“Ai biết đâu!”
Ta đã lôi
Ai từ ngôi thứ nhứt xuống ngôi thứ ba, có lẽ chánh phạm là vua Hùng Vương. Quả thật thế,
Kita của bọn đợt II, chỉ có vua mới được dùng, mà vua Hùng Vương thì không có đại danh từ nào khác hơn là
Ai. Vậy muốn phân biệt cái ngôi thứ nhứt của vua và dân, vua Hùng Vương đã vay mượn
Kita. Sau, vua tổ ta mất rồi thì loạn trong ngôn ngữ, dân chúng cũng trèo đèo nói Kita, rồi biến thành Tôi, Tao, v.v. Ai mất ngôi, bị ai lôi đi đâu tha hồ mà lôi.
Sự trèo đèo này giống sự trèo đèo của Lê Văn Duyệt, dùng đại danh từ thứ nhứt là
Cô, y như vua, và dùng danh từ Làng để gọi mộ cha mẹ, chỉ vì ngài Lê ở quá xa vua, cũng như dân Lạc Việt ở quá xa Hùng Vương khi vua Hùng Vương thứ 18 bị diệt.
Trở lại với người
Mạ. Danh từ
U của ta, mà cũng là đại danh từ, để trẻ con dùng gọi mẹ, chúng tôi không tìm thấy trong nhóm Mã Lai nào cả, mà chỉ có mặt trong ngôn ngữ
Mạ mà thôi dưới hình thức
Uu, có nghĩa là Vợ, mẹ, đàn bà và hình thức
Uuru, có nghĩa là giống cái. Mà đừng tưởng đó là ảnh hưởng qua lại. Người Việt miền Nam không bao giờ dùng tiếng
U cả, còn người Việt miền Bắc thì lại cách trở họ đến hai ngàn cây số, bao nhiêu rừng sâu núi thẳm, và mấy chục thứ dân khác không có danh từ đó.
Tuy đã được các nhà dân tộc học biết rõ, họ có tánh cách cổ sơ nhứt trong bao nhiêu người Thượng ở điểm này là họ không ưa sự gần gũi với bất kỳ nhóm dân nào khác, không ưa ảnh hưởng ngoại lai, rất sợ chung đụng với bên ngoài. Đó là nhóm Mã Lai có khuôn mặt đều đặn nhứt nơi nét, và hợp chủng với người ta một đời là họ trắng trẻo ra ngay.
Vì tánh cách chống ngoại lai của họ mà chúng tôi mới tìm nguồn cội của loại từ trong ngôn ngữ của họ, và mới thấy biệt sắc lạm dụng loại từ Con, sự lạm dụng này, có thể là dấu hiệu của thời mới có loại từ, tức lâu đời, ít lắm cũng bốn hoặc ba ngàn năm, các dân tộc khác tước bỏ bớt nhưng họ thì không mà ta mới gặp lại buổi ban đầu của loại từ đó, nơi họ.
Trong sợi chuỗi biến dạng từ
Hari sang
Trời, ta thấy rằng họ có hình thức TRÔ trước cả khi ta có hình thức
Trời nữa, vì cách đây không lâu, ta vẫn còn nói Blời. Cả họ lẫn ta đều nói
Plái. Blái thay cho
Trái, ta sang từ Blái đến Trái, còn họ thì chưa sang, nhưng Trời thì họ đã sang rồi từ rất lâu đời. Cách đây 50 năm, có tiếp xúc trực tiếp với dân đó, chúng tôi đã nghe họ nói là
Trô rồi, và hỏi họ, họ cho biết rằng là tổ tiên của họ đã nói
Trô từ lâu, chớ không phải là họ muốn bắt chước
Trời của ta mà bắt chước không xong.
Chỉ khác có một điều là tự nhiên mà hiểu một câu của người Khả Lá Vàng mà không hiểu một câu của người Mạ, nếu không học tiếng Mạ cho thuần thục. Người Mạ không đồng nhóm với ta như người Khả Lá Vàng, nhưng lại là một nhóm Mã Lai gần gũi ta hơn tất cả các nhóm Mã Lai khác. Vì thế mà chúng tôi mới đặc biệt theo dõi loại từ trong nhóm Mạ hơn là theo dõi nơi các nhóm khác, và lại các nhóm khác không có nhóm nào mà lạm dụng loại từ Con đến thế.
Điều này đáng chú ý lắm nơi người Mạ,
Con vẫn còn ở dưới hình thức người, và cũng có nghĩa là
Người, y hệt như nơi chi Âu tức Thái, nói một cách khác đó là nhóm Mã Lai đợt I mà
Con vừa là danh từ có nghĩa là
Người, vừa là loại từ đang được dùng rất loạn. Đó là tàn tích của thời mới biến hóa động từ
Con thành loại từ
Con.
Sách tham khảo riêng cho chương này:
: Kiến văn Tiểu lục, Saigon, 1963
Ph. Bỉnh: Sách sổ sáng chép các việc, Đà Lạt
Martine Piat: Un vocabulaire Cochinchinois du XVIII siècle (Cochinchine ở đây có nghĩa là Trung Kỳ), B.S.E.I., 1969
H. Maspéro: Etudes sur la phonétique historique de la lague annamite, B.E.F.E.O., 1912
Sonvinget: Orgine de la langue annamite, B.E.F.E.O.
Shafer: Le Vietnamien et le tibeto-birman, Dân Việt Nam, 1946
L. Cadière: Dialecte du Haut Annam, B.E.F.E.O., 1902
Phạm Văn Sơn: Việt sử tân biên, Saigon, 1956
G. Condominas: Enquête linngistique parmi les populations montangardes du sud Indochinnois, B.E.F.E.O. T.XLVI
Haudri Court: Orgine des tons en Vietnamien, J.A., 1954
Huỳnh Tịnh Của: Đại Nam quốc âm tự vị, Saigon
Nguyễn Đình Hòa: Ngữ học nhập môn, Saigon
Lê Ngọc Trụ: Chánh tả Việt ngữ và Việt ngữ chánh tả tự vị, Saigon
P. Bitard: Note sur les dialectes Môn-Khmers, B.E.E.I., 1956
Hội Truyền Giáo: Sấm truyền, Saigon
Van Hop: Les dialectes Malais de l’Indonésie et des Philippines, Paris
Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Toản: Thi văn Việt Nam đời Trần, Saigon
Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Saigon
Trần Trọng San: Văn học Trung Quốc, Chu Tấn, Saigon
Toan Ánh: Miền Bắc khai nguyên, Saigon
Các bản dịch Sở từ: của Nguyễn Hiến Lê, Trần Trọng San, Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm
Nhượng Tống: Nam Hoa Kinh, Saigon
Chu Lễ: (Bản dịch E. Biot), Paris, 1930
Bác sĩ Reynaud: Etude des phonèmes Vietnamiens, B.S.E.I.
M. Moréchand : Le Chanmanisme Hmong, Paris
Tự điển Từ Hải : Hongkong
V. Goloubew : Le tambour génie de Đan Ne, B.E.F.E.O., 1933
V. Goloubew: La maison dongsonienne, B.E.F.E.O., 1938
L. Bezacier: L’Art Vietnamien, Paris, 1951
H. Maspéro: Les religions chinoises, Paris, 1967
H. Maspéro: Sur quelques objects de l’époque des Han, Paris, 1932
J.Y. Claeys: Introduction à l’étude de l’Annam et du Champa, BAVH., 1934
Nguyễn Văn Huyên: Contribution à l’etude d’un génie tutélaire annamite, Lý Phục Man, B.E.F.E.O., 1638
Nguyễn Văn Khoan: Essai sur le Đinh, B.E.F.E.O., 1930
Nguyễn Phương: Việt Nam thời khai sinh, Huế, 1965
Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự, Huế, 1963
Mercier: Etude de fonderie artisanale au V.N. Fabrication des tambours de bronze, B.S.E.I., 1956
Dr. Hnard Saurin: Etat actuel de la crânéologie, Hà Nội, 1931
Nguyễn X. Huyện, Nguyễn Văn Đức: Indochinoise
Phạm Việp: Hậu Hán Thư
O. Jansé: Archaeotogical Researeh in Belgique, Indochina, 1953
Bùi Hữu Sũng: Tạp chí Bách Khoa, Saigon
Lưu An: Hoài Nam Tử
Nguyễn Siêu: Phương Đình Dư địa chí, Saigon
Bùi Hữu Sũng: Dấu vết Lạc Việt, Tạp chí Bách Khoa
Nguyễn Hiến Lê: Bản dịch A Phòng cung, Saigon